Những ngôi nhà nghỉ mát trên sông Hà Tiên

Thầy cô và các bạn thân mến, khi mình còn đang học Đại Học Sư Phạm trong những năm đầu của thập niên 70 tại Cần Thơ thì ở thành phố nầy có xuất hiện một nhà hàng nổi đặt tên là Mỹ Xuyên (bảng hiệu đề là Mỹ Xuyên Tửu Lầu). Thời gian đó nhà hàng nầy rất nổi tiếng, tuy mình và các bạn thường ra bến Ninh Kiều chơi những buổi chiều tối, ngắm nhìn nhà hàng Mỹ Xuyên nhưng chưa khi nào ghé vào vì đời sinh viên thì làm gì mà dám vào đó để ăn tối, thưởng thức trăng sao, sông nước…

Nhưng….., nói vậy chứ ở Hà Tiên của chúng ta, ngay từ những thập niên 50, 60 và 70 thì đã có nhiều nhà hàng nổi lập ra, tất cả đều nằm dọc theo bờ sông Hà Tiên, kế bờ Đông Hồ thơ mộng cũng có, phía ngoài cửa sông ra biển nhìn về hòn đảo Kim Dự (Pháo Đài) cũng có…Tên gọi của những nhà hàng nổi nầy cũng rất phong phú, có người thì gọi là « Nhà Thủy Tạ » (hay nôm na hơn thì gọi là « Nhà Nghỉ Mát »), có bạn lại cho là « Nhà Hàng 12 căn » hoặc « Nhà Hàng Nổi », để tiếp tục mình đề nghị cứ gọi tên những căn nhà nầy cho tiện là « Nhà Nghỉ Mát » nhé. (Có điều là những nhà nghỉ mát nầy tuy tên gọi là nhà hàng nổi nhưng đều được cất trên các cột trụ đóng ngay xuống lòng sông chứ không phải nổi bập bềnh trên sóng nước…)

Bạn Quang Nguyên trong bài viết « Điều đặc biệt của Đông Hồ, Hà Tiên », có đoạn viết rất hay và ý nhị về các ngôi nhà xinh đẹp đó như sau: « “Nhà thủy tạ” của Đông Hồ cũng là một nơi nên được nhớ trong chuỗi ngày dài qua đi một cách vội vã vô tình, rồi đây sẽ không còn mấy ai được biết những điều rất đặc biệt của xứ sở rất đặc biệt này, bởi nơi đây từng rất quen thuộc, người Hà Tiên chấp nhận nó một cách tự nhiên, gặp gỡ nơi đây cũng tự nhiên như chào nhau mỗi sáng ngoài phố hay hỏi nhau vài câu buổi chiều, điều đó làm cho tính cộng đồng của xứ sở được gắn kết chặt chẽ, người ta có thể thông tin cho nhau chuyện hàng xóm phố phường, chuyện ông nọ đau hay bà kia ốm trong phố mình, kể cả chuyện quốc tế có tổng thống Mỹ Dây Gân (Reagan) thay thế Dây Tơ (Carter)… rồi cùng mỉm cười ngắm đàn cá đông như một đội quân lính đang tích cực dọn dẹp soàn soạt dưới nước! ».

Về hình thức các ngôi nhà xinh đẹp nầy thì như sau: Tất cả đều được cất bằng gỗ, từ bờ bên trong đến căn nhà thì có cầu ván bắc ra, cầu ván thường không có lan can, chỉ có bề mặt bằng của từng miếng ván ghép lại thẳng tấp thôi, cũng có khi theo thời gian (vì thời đại của những ngôi nhà nghỉ mát xinh đẹp nầy ở Hà Tiên cũng kéo dài khoảng trên dưới 25 năm…), gỗ ván bị hư, có khúc hở ra, từ trên nhìn xuống thấy nước dưới sông, có đi đứng trên đó phải cẩn thận, người lớn thì không sao, nhưng đối với trẻ con thời đó thì cũng hơi sợ bị té xuống sông…Chiều dài của cây cầu ván khoảng 20 hoặc 30 m mà thôi. Đến ngôi nhà chính thì được xây theo hình chử nhật (có một trường hợp đặc biệt là hình bát giác, sẽ nói sau).  Ngôi nhà hình chữ nhật, có hai mái y như một ngôi nhà bình thường. Khi chiếc cầu ra tới cửa nhà thì ngôi nhà được chia thành hai bên, một bên cho nam và một bên cho nữ, ở giữa có một hành lang ngắn. Mỗi bên trung bình có 6 « phòng » (hay còn gọi là « ngăn »…!!) chia ra mỗi mặt tiền có 3 phòng trước và sau, hai bên được 12 phòng tất cả. Một mặt tiền nhà phía sau nhìn ra phía ngoài sông, đây là điểm thú vị nhất vì tùy theo địa điểm của mỗi nhà nghỉ mát thì lúc ta nhìn ra ngay ngọn núi Tô Châu, với cây xanh, nước biếc, hoặc nơi khác thì cũng nhìn ra sông, xéo xéo về phía cửa biển, nhìn ra ngay hòn đảo Kim Dự, thấy Pháo Đài, còn một chỗ nữa thì nhìn ra các cồn cát, cù lao cây xanh về phía sông Giang Thành, Cừ Đứt. Còn mặt tiền chính thì nhìn về phía bờ sông, nhìn lên con đường « Bến Trần Hầu » hoặc đường « Đông Hồ », thấy cảnh nhà cửa tiệm quán, hoặc nhìn ngay văn phòng của Xã Mỹ Đức, hoặc là nhìn về phía cảnh vườn cây xanh phía sau của Chi Bưu Điện…Có điều lạ là khi đi trên cầu ván vào các « ngăn », mặc dù là không có dấu hiệu hay bảng chữ viết nào để ghi là nam hay nữ hoặc cái dấu hiệu hai bóng hình người màu đen, một người nam đứng xui hay tay và một người đàn bà hơi dang hai tay theo cái chiều cái « váy » phụ nữ như theo thời hiện đại ngày nay để phân biệt bên nào nam, bên nào nữ, nhưng dân Hà Tiên chúng ta cũng tự động đi theo mỗi bên y như có một quy luật vô hình….Nếu tính phía trước cầu ván đi vào thì nam bên trái và nữ bên phải đúng y như câu « Nam tả nữ hữu ». Các căn nhà nghỉ mát cất như thế, cao hơn mặt nước sông chừng hơn vài thước, có rất nhiều cột trụ chịu đựng, cột bằng gỗ chắc đóng xuống lòng sông. Lúc nước lớn thì rất thoải mái, nhìn y như một căn nhà Thủy Tạ trong các tranh vẽ, tuy nhiên khi nước rút nhiều xuống, để lộ ra mặt đáy sông, chỗ nầy cũng cạn thôi vì không ra ngoài sông xa lắm, thấy rỏ các ghềnh đá có hào rêu bám đầy, tự nhiên cảnh vật sẽ phản lại chúng ta để phơi bày ra những vết vật chất phế thải của con người làm cho quang cảnh bớt « nên thơ » đi nhiều (trường hợp của nhà nghỉ mát phía trước trụ sở Xã Mỹ Đức).

Hai bên hông của căn nhà thì có vách ván đóng kín đáo, còn mặt trước và mặt sau thì có chiều dài nhiều hơn, nhưng không có vách ván che lại, chỉ có lan can bằng gỗ với các thanh cây ngang và dọc và cột cao. Chỗ nầy mới là yếu tố nâng cao giá trị của các căn nhà nghỉ mát đó, vì khi mình còn ở trong tình trạng chờ đợi thì cứ đứng về phía mặt sau nhìn ra phía sông xa, hai tay tựa trên lan can gỗ và cứ tưởng tượng như là mình đang tựa lan can của một chiếc tàu du hành trên biển đảo, dõi mắt ngắm nhìn núi Tô Châu, hay núi Kim Dự đằng xa, hoặc nhìn các cồn cát, cù lao xanh rêu của Giang Thành, Cừ Đứt, lúc đó mặc dù thời gian chờ đợi có lâu bao nhiêu thì tâm hồn cứ thoải mái ngắm cảnh làm thơ, với điều kiện là nỗi ước ao được « nghỉ mát » không cấp bách cho lắm…!!

Về vị trí của 3 căn nhà nghỉ mát của Hà Tiên thời 60-70 thì như sau: một căn nhà cất ở mé sông dọc theo đường Trần Hầu, khoảng ngay đầu đường Nhật Tảo đi thẳng xuống, thuộc xóm Cầu Câu, Pháo Đài, ta cứ gọi là nhà nghỉ mát vị trí 1. Một căn thứ hai cũng ở mé sông, nhưng về phía đường Trần Hầu kéo dài về xóm Đông Hồ, khoảng ngay trước mặt trụ sở của Xã Mỹ Đức, xéo xéo căn nhà của ông Đông Hồ có thời làm nhà dạy học mang tên Trí Đức Học Xá, ta gọi là nhà nghỉ mát vị trí 2. Căn nhà thứ ba, rộng và thoáng mát hơn nhiều, cất ở mé sông Đông Hồ cũng ở đường Trần Hầu tiếp tục đi về phía mặt sau của Chi Bưu Điện (nay là đường Đông Hồ), ở ngay khoảng mặt sau của Chi Bưu Điện, ta gọi là nhà nghỉ mát vị trí 3. Nhà nghỉ mát vị trí 1 thường để phục vụ quý khách ở xóm Cầu Câu, Pháo Đài. Nhà nghỉ mát vị trí 2 phục vụ quý khách xóm chợ, xóm Đông Hồ, bến ghe tàu đi Rạch Giá. Nhà nghỉ mát vị trí 3 cũng để phục vụ khách xóm chợ, xóm Đông Hồ, thêm xóm Bình San, phía trên đường Mạc Cửu, Mạc Tử Hoàng…Trong ba căn nhà nầy, nếu tính theo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ thì hai căn nhà nghỉ mát vị trí 1 và 2 là bình thường, trung bình còn căn nhà nghỉ mát vị trí 3 là tốt nhất, thoải mái, sáng sủa, thoáng khí, rộng rải. Tiếc là thời xưa chưa có bảng xếp hạng theo các ngôi sao như ngày nay do hảng Michelin chấm và xếp hạng, nếu tính theo tiêu chuẩn của Michelin thì hai nhà nghỉ mát vị trí 1 và 2 được xếp loại 2 hoặc 3 sao thôi còn nhà nghỉ mát vị trí 3 sẽ được xếp vào loại 4 hoặc 5 sao…

Sơ đồ vị trí của ba « nhà nghỉ mát » ở Hà Tiên hoạt động trong những thập niên 1960 – 1970.

Như trên đã viết, ngày xưa thật là xưa, khoảng trước năm 1958, tức là khoảng thời gian mình mới được 5, 6 tuổi, ở Hà Tiên có một căn nhà nghỉ mát rất đẹp, cất bằng xi măng, gạch hẳn hoi, ngay tại vị trí mé sông Hà Tiên, đường Trần Hầu, gần chợ cá ngày xưa, căn nhà nầy cất theo dạng hình bát giác rất đẹp. Tuy nhiên mình rất ít có kỷ niệm với căn nhà nầy, vì lúc đó còn nhỏ quá chắc nhà không cho đi đâu xuống sông suối…, sợ bị té sông…Trong trí nhớ chỉ còn mang máng căn nhà màu trắng, có cầu và lan can bắc ra cũng màu trắng …Đây là ngôi nhà có lẻ cất khoảng trước năm 1958,  lúc đầu dùng làm nhà vệ sinh công cộng. Trong căn nhà nầy có 4 căn một bên dành cho nam và 4 căn bên kia dành cho nữ. Được xây cất một cách rất mỹ thuật dạng bát giác, đó là vào thời còn người Pháp ở Hà Tiên. Lúc nầy cầu bắc và « ponton » chưa có. Sau đó một thời gian chánh quyền địa phương cải tiến lại phá bỏ ngôi nhà nầy và cất một ngôi nhà khác làm thành căn nhà bán vé phà qua sông. Đến những năm đầu của thập niên 60 thì người ta phá bỏ căn nầy và cất một dãy phố lấn qua trên sông để cho người dân Hà Tiên thuê làm nơi buôn bán, sinh hoạt phục vụ. Đầu dãy ngay cầu bắc là căn của bác Sáu Thành hớt tóc, rồi từ từ kéo dài tới ngay chợ cá cũ Hà Tiên. Các căn kế tiếp là căn có bày các tạp chí, báo chí của chi thông tin để dân chúng đến đọc báo tự do, kế là tiệm bán báo Minh Xuân, tiệm hớt tóc Tư Thiên,…v…v…

Đây có thể là ngôi « nhà nghỉ mát » đầu tiên có ở Hà Tiên. Nguồn hình: Trần Phương Nhu, trước năm 1958

Hình những người lính Hải Quân Pháp chụp đứng trên tàu đậu tại bến sông Hà Tiên. Hình chụp khoảng trong những năm trước 1952. Xa xa phía sau là chợ cá Hà Tiên và nhà vệ sinh công cộng hình bác giác nói trên ở mé sông. Hình do ông Roland Drosson, lính Hải Quân chụp và có ghi chú tên ba người trong hình là: « Từ trái qua: Le Bras (mécano), Marion (radio) futur blessé et Hoffling (mécano) ». Đây là bằng chứng cho thấy nhà nghỉ mát hình bác giác đã có từ rất lâu trong những năm 1950 tại Hà Tiên, vì hình trên của người lính Pháo chụp trước năm 1952.

Hình cận cảnh cho thấy mặt sau của nhà nghỉ mát hình bác giác, phía sau là chợ cá Hà Tiên.

Từ đây về sau, ta chỉ chú ý đến 3 ngôi nhà nghỉ mát « hiện đại » cất bằng cây ván mà bài viết đã đề cặp đến phía trên vì sự hiện diện của ba ngôi nhà đó kéo dài nhiều chục năm và có ảnh hưởng sâu rộng đối với dân chúng ở Hà Tiên.

Sự sinh hoạt của ba căn nhà nghỉ mát nầy: không có quy luật về thời gian mở hay đóng cửa của ba căn nhà nghỉ mát, ai có nhu cầu nghỉ mát và ngay bất cứ thời điểm nào trong ngày hay trong ban đêm đều tự do đến để tự phục vụ…Theo thông lệ bình thường thì quý khách người lớn vì thường có thói quen và hay tự lập ra quy tắc cho mình nên thường đến vào buổi sáng sớm, khoảng từ 6 giờ đến 8 giờ sáng…, đó là giờ cao điểm của phong trào. Tuy nhiên trong ngày, sau giờ ăn trưa hay vào lúc 4 hoặc 5 giờ chiều cũng luôn có khách, ngay cả ban đêm tối trời, lúc đó phải tự trang bị cho mình một chiếc đèn pin để soi đường và đi cho ngay ngắn cẩn thận trên cầu ván, không khéo thì bị té xuống sông rất là phiền phức, có thể là không nguy hiểm đến chết người (còn tùy theo nước lớn hay nước ròng, nước lớn thì cũng có thể rất nguy cho người không biết bơi lội), tuy không chết người nhưng nếu bị ướt cả đầu, mình với lớp nước pha đầy chất bẩn cũng phiền lắm…Còn nếu gặp đêm có trăng thanh gió mát thì thời điểm chọn lựa lại càng thú vị cho việc nghỉ mát, còn gì ý nhị, êm ả cho bằng trong đêm thanh vắng, có trăng soi cá nước, được an vị tha hồ nghỉ mát cho cõi lòng cởi mở với thiên nhiên…Chá trách gì thầy Nguyễn Phúc Hậu trong bài thơ « Trăng sáng Phương Thành » đã ra bút thảo mấy vần thơ rất hay:

Trăng thanh soi chiếu chốn từng không,
Gió nhẹ hây hây mát cõi lòng.
Hòn Ngọc bỗng trầm gieo đáy nước,
Cá bầy hoan hỉ đớp trên sông.
Êm vang tiếng địch làm vương vấn,
Nhẹ trút cơn sầu thỏa đợi trông.
Viễn khách có ai về bến cũ,
Phương Thành xin gởi trọn thương mong.

Trong bài thơ có nhắc đến « tiếng địch », xin các bạn đừng hiểu lầm vì từ « địch » ở đây để chỉ cây sáo dùng để thổi trong những đêm thanh vắng có trăng thanh gió mát.. để tiêu khiển ( 笛子, bính âm: dízǐ, Hán-Việt: địch tử, có nghĩa là cây sáo).

Nói tóm lại, ba căn nhà nghỉ mát ở Hà Tiên của chúng ta là nơi để nghỉ mát đúng như tên gọi đã đặt ra, ai muốn đến lúc nào cũng được, không phân biệt ngày giờ, không bao giờ đóng cửa, với lý do đơn giản là không có cửa…!! Đối với mình thì hoạt động nghỉ mát của mình là tùy theo các thời kỳ khác nhau. Khi còn nhỏ, khoảng trên dưới 10 tuổi, mình thường hay đến nghỉ mát ở ngôi nhà nghỉ mát vị trí 2, tức là ngôi nhà ở trước mặt trụ sở Xã Mỹ Đức, mé sông Đông Hồ, lúc đó đường đi rất tiện, từ cửa sau của nhà mình (cửa trước nhìn ra đường Bạch Đằng), cửa sau nhìn ra một đầu là ngôi đình Thần Thành Hoàng Mỹ Đức, còn đầu kia là đường Trần Hầu ra mé sông, mình ra cửa sau, quẹo phải đi về phía sau nhà ngủ Đại Tân, ra đường Trần Hầu, quẹo trái đi thẳng xuống trụ sở Xã Mỹ Đức là đến nơi nhà nghỉ mát vị trí 2. Sau nầy khi lớn hơn một chút khoảng vào bậc Trung Học mình đổi vị trí, thường chọn nhà nghỉ mát vị trí 3 tốt hơn, vì ở đây là chỗ mặt sau của Chi Bưu Điện, nhìn ra sông Giang Thành, có cồn cát, cù lao Cừ Đứt, cảnh trí rất thoải mái, nhất là có nhiều « phòng », thoáng khí, gió mát…Việc đi lại cũng rất tiện, từ cửa sau nhà mình, ra khỏi nhà, quẹo bên trái đi thẳng về phía ngôi đình, sau đó quẹo phải theo con đường không có tên trước mặt ngôi đình, gặp đường Tô Châu thì quẹo trái đi trên con đường Tô Châu ngang qua các căn nhà cho công chức thuê mướn ở của bác Phán Cơ, tiếp tục đi đến đụng con đường Chi Lăng, ở ngả tư Tô Châu-Chi Lăng nầy một bên thì có một cây me rất to lớn, còn bên kia có một giếng nước, ghé mắt nhìn sơ xem có em gái Phan Kiều Dũng đang múc nước hay không, sau đó thì quẹo phải theo đường Chi Lăng đi thẳng xuống mé sông xóm Đông Hồ, khi gặp đường Đông Hồ (xưa thì vẫn là đường Trần Hầu, xưa nữa thì người Pháp đặt tên là Quai Rach Gia), đến đây thì quẹo trái, ngay chỗ nầy ngày xưa có một cái miếu ngay góc đường sát nhà gia đình bác Quách Ngọc Bá, đi một khoảng đến mặt sau Chi Bưu Điện thì tới nhà nghỉ mát vị trí 3.

Còn nói về thời giờ trong ngày thì ngày xưa mình không có thói quen nghỉ mát vào sáng sớm, chắc lúc đó trời còn lạnh nên không cần nghỉ mát…Mình thích nghỉ mát vào buổi trưa, thường là một tiếng đồng hồ sau bữa ăn cơm…Có một lý do nữa là buổi trưa đi như vậy thường hay gặp các bạn quen, nhất là rất thường gặp bạn Nguyễn Đình Nguyên cũng đang lơ thơ lẩn thẩn đi tới…Hai đứa rất vui gặp nhau và cùng chung lối đi nghỉ mát…Người lớn thì hay nghỉ mát buổi sáng theo đúng như quy luật tự nhiên. Mình còn nhớ hồi nhỏ, lúc mấy anh em trong nhà vừa thức rất sớm sáng mùng một Tết, dù là còn rất sớm nhưng đã lục đục thay quần áo mới, rồi vì trời còn sớm quá, nhà không cho ra ngoài đường sớm nên loay hoay trong nhà và cũng không được mở cửa nhà sớm quá vào ngày mùng một Tết nên hé cửa nhìn ra đường xem Tết bắt đầu như thế nào và có ai ra đường chưa… Lúc đó thấy hia nầy hia nọ nhà ở ngoài chợ còn đang chạy xe đạp thẳng vù ngang nhà, người còn mặc chiếc quần đùi, biết ngay là mấy hia đó đang đi xuống Đông Hồ nghỉ mát ở nhà nghỉ mát vị trí 3…, ngày Tết vậy mà mấy hia mình cũng thong thả chưa gấp gáp thay quần áo mới như mấy anh em nhà mình…

Bây giờ nói đến hoạt động ngay ở nhà nghỉ mát. Thường thì khi mình đi bộ xuống nhà nghỉ mát vị trí 3, trên đường đi nếu chưa gặp ai quen thì có khi trong lúc đang đi trên chiếc cầu ván để vào trong mấy căn nhà thì có khi gặp một người bạn quen vừa từ đó đi ra…Có lẽ vì quen miệng nên bạn hỏi ngay không kịp suy nghĩ gì cả: « Ủa đi đâu vậy ta…? », mình cũng nhanh miệng trả lời « Thì đi vô đây chứ còn đi đâu nữa…!! ». Phương tiện để đi xuống nhà nghỉ mát thì tùy theo mỗi người, có người đi bộ như mình, chắc là nhà cũng không xa lắm, đa số thì đi bằng xe đạp, nhất là mấy hia mấy chế ở hai bên chợ Hà Tiên, có người lại đi bằng xe Honda, Honda Dame cũng có, Honda đàn ông cũng có…Đến đây xin nói thêm một tính chất rất đặc thù của xứ sở Hà Tiên nầy nữa là, khi đi xem đạp đến nơi rồi thì cứ cho xe đạp tựa vào thân cây dừa trên bờ, chỗ nầy có hai ba cây dừa tha hồ mà dựng xe đạp, rồi có khi xuống đó lâu quá, mê nói chuyện với người quen gần « ngăn » của mình, đến khi xong xuôi rồi, đi một mạch lên và đi bộ thẳng về nhà quên phứt chiếc xe đạp…Đến khi về nhà hai ba tiếng đồng hồ sau, chợt nhớ lại mình bỏ quên chiếc xe đạp ở dưới nhà nghỉ mát vị trí 3, thì chạy bộ xuống lấy xe, tự nhiên chiếc xe vẫn còn ngay ngắn ở chỗ cũ như thế, không ai đụng tới cả, không bao giờ mất xe, đó là đặc điểm của xứ Hà Tiên là như vậy, đất Phật người lành không ai lấy trộm cả…

Có khi mình và bạn Nguyễn Đình Nguyên tình cờ gặp nhau và vì cùng một chí hướng nên cả hai đều đi xuống nghỉ mát, gặp lúc giờ cao điểm không có chỗ trống, nên đứng tụm lại chỗ hàng lang ở giữa hai bên mà chờ đợi, lại tình cờ gặp cô em bạn gái cùng trường, vui lắm, cả ba đều nói chuyện vu vơ, hỏi thăm nầy nọ, đến một lúc bên nữ có người đi ra, tức là có chỗ trống rồi, Nguyên và mình mới nói « Thôi em vào trước đi, tụi anh còn đợi chút nữa !! », cứ tự nhiên như vậy thôi, không có gì phải ngượng nghịu cả, đó cũng là một đặc điểm khác mà chỉ có dân Hà Tiên và người ở Hà Tiên mới cảm nhận và thông hiểu như vậy thôi, chứ nếu người xứ khác lần đầu sống qua cái giây phút bối rối như vậy chắc thấy khó chịu lắm…

Có khi đi một mình xuống, khi bước vào chọn chỗ, thì lại gặp một người bạn cùng lớp đang ngồi sẳn, sau khi thủ tục chào hỏi xong xuôi thì mình cũng chọn chỗ kế đó, rồi hai đứa tha hồ nói chuyện trường lớp, em nầy anh nọ cũng vui lắm. Một lúc sau, người bạn nghỉ mát thỏa mãn rồi, nên đứng lên về trước (cũng phải theo đúng thủ tục chứ không phải đứng ngay lên liền nhé…), bạn nói lời từ giả: « Ở chơi Mãnh, mình về trước nhé..! ». 

Tuy là thời xưa ở Hà Tiên có ba nhà nghỉ mát như đã nói trên như vậy để phục vụ hầu như tất cả dân Hà Tiên, nhưng cũng có một số gia đình khá giả, cất nhà đúc hẳn hoi thì trong nhà tự nhiên là có trang bị nhà nghỉ mát riêng tư, đủ tiện nghi nên không cần thiết phải đi hóng gió như đa số những người khác. Còn đại đa số người dân Hà Tiên đều thích viếng thăm nhà nghỉ mát, vì tự nhiên được hưởng cái thú thoải mái và có tính chất cộng đồng, kết nối tính chất xã hội…

Trên chiếc cầu ván dẫn vào nhà nghỉ mát cũng thường có vài em nhỏ (còn nhỏ tuổi), vì tuổi còn nhỏ nên không dám vào bên trong ngồi như người lớn, các em ngồi ngay bên dọc chiếc cầu ván, tự nhiên mặc dù đang có người đi qua, lại…Nghĩ lại cũng hơi nguy hiểm vì không có chỗ nào để níu hay bám vào, lở có bị té ngã xuống sông thì quả là tai hại…Sao các bậc cha mẹ lúc đó không chú ý đến điều nầy nhỉ, vậy mà cũng nhờ Hà Tiên đất lành nên chưa có tai nạn té sông nào xảy ra cả ở mấy chỗ nầy…Nói về người lớn, khi người lớn vào và an vị đàng hoàng trong « ngăn » của mình rồi thì cũng phải cẩn thận, nhất là đừng móc vô móc ra tiền bạc, giấy tờ hay vật dụng quan trọng, vì phần « sàn nhà » bên trong cái ngăn của mình chỉ có hai thanh ván gỗ bắc song song cho mình đặt hai chân để ngồi thôi, phần còn lại thì sông nước mênh mông, nên nếu táy máy tay chân thì có thể sẽ làm rớt vật dụng, tiền bạc xuống sông… Về việc nầy mình có một câu chuyện nhỏ kể lại, đó là câu chuyện có thật, mình tận mắt chứng kiến và cũng còn nhớ cho đến bây giờ (xin mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây, đáng lẽ ra khỏi cần nói là chuyện có thật vì trên Blog nầy, các bài viết đều là những bài tự thuật, kể lại những mẫu chuyện vui buồn đã xảy ra thật sự trong quảng đời thầy, trò, bạn học của Trung Học Hà Tiên, hay cả những chuyện liên quan đến nhà cửa, nơi chốn du lịch của Hà Tiên xa xưa, tất cả đều là những chuyện mà tác giả viết đều đã thật sự sống qua…). Nói là dấu ngoặc nhỏ mà cũng đã hơi dài dòng rồi,…Thôi trở lại câu chuyện đã hứa sẽ kể ra đây: Số là có một ngày đó hồi xưa, lúc mình đi viếng nhà nghỉ mát vị trí 3, tức là ngôi nhà ở phía sông Đông Hồ nhìn ra cồn cát, cù lao xanh, còn trên bờ thì nhìn lên vườn cây của Chi Bưu Điện, mình thấy có một ông người gốc Khmer (chỗ đường Chi Lăng giáp với xóm Đông Hồ nầy thì có rất nhiều dân tộc Việt gốc Khmer sinh sống ở đây, mình cũng biết mặt ông nầy, tuy không có quen), mình vừa đi trên chiếc cầu ván sắp sửa vào trong, bỗng dưng nghe ông la lên một tiếng,…Nhìn xuống mặt nước sông thì thấy có một xấp tiền đang trôi từ từ, mà toàn là tiền Khmer, giấy khổ hơi lớn màu hơi đỏ, xấp lại dầy cộm…Thôi rồi thì ra ông vừa mới vào bên trong và trong lúc định ngồi xuống đã làm rơi cọc tiền giấy xuống sông, kế đó thì thấy ông không do dự gì cả, ông bước ra mặt ngoài của căn nhà và nhảy luôn xuống sông, dù cho tình trạng mặt nước sông lúc đó tiền vàng lẫn lộn cũng không sao, có lẽ ông không có sự chọn lựa, phải nhảy xuống chụp lấy cọc tiền ngay không thể để mất tiền được…, khi ông đưa tay lấy xấp tiền rồi thì ông lội vòng qua bên hông căn nhà và lội ngay vào bờ trước vài cặp mắt kinh ngạc của nhiều người còn đang nghỉ mát trên nhà…Cũng may là nhà ông cũng ngay xóm Đông Hồ, trên khúc đường Chi Lăng đó nên ông chạy ngay về nhà để thay quần áo, tắm rửa. Có một điều là chắc trước đó ông đang mua bán gì đó với ai nên đang giữ một số tiền lớn trong túi, vì trong tình trạng cấp bách nên không kịp về nhà cất tiền, ghé nghỉ mát luôn nên mới có sự việc như vậy…Mình vẫn còn nhớ rỏ ông, người rất cao lớn và nước da hơi đen sạm kiểu người gốc Khmer…Không biết sau đó ông có còn trở lại để làm cho xong cái việc mà ông đang mới bắt đầu mà chưa làm xong trọn vẹn…

Những câu chuyện vui trong sinh hoạt của những căn nhà nghỉ mát ở Hà Tiên chắc có rất nhiều, đó là điều gây thêm ý nhị cho một lối sống rất tự nhiên và đơn giản của dân chúng Hà Tiên. Cứ như thế mà dòng đời trôi đi êm ả của một Hà Tiên an nhiên, thanh bình…Thế rồi với thời cuộc biến đổi, ngày nay trên bến sông Hà Tiên, trên dòng nước Giang Thành, hình ảnh của ba căn nhà nghỉ mát quen thuộc đã biến mất…, chiếc cầu lót ván và căn nhà vách gỗ hình chữ nhật không còn nữa …, khi ta nhìn xuống dòng sông tự nhiên thấy có một điều gì thiếu vắng… Với cuộc sống hiện tại, có thể nói từ những thập niên 80, 90, Hà Tiên đã hoàn toàn thay đổi, sau các biến cố chiến tranh biên giới, nhà cửa và cảnh vật hư hao khá nhiều…Rồi theo tình hình mới, quy hoạch mới, Hà Tiên đã được xây dựng lại, các căn chợ cũ buôn bán hàng tạp hóa, buôn bán hải sản cá tôm cũng đã biến mất đi, ngay cả vườn cây, tiệm quán, nhà thương, trại lính Thành 18, tất cả đều biến mất…Dọc theo mé sông Hà Tiên đường Trần Hầu, chẳng những đã không còn ba căn nhà nghỉ mát đã một thời là nơi phục vụ cho dân chúng Hà Tiên, mà nhà cửa quán xá được xây cất lên từ ngay chân đồi Pháo Đài kéo dài tới khu Đài Kỷ Niệm xưa kia, nhà tiệm cao ngất che cả mặt tiền nhìn ra cửa biển…, Dọc đường đi mé sông không còn hàng dừa phơi bóng tạo cảnh thơ mộng như ngày xưa…Tuy nhiên nếu có một điều tốt đẹp so với quá khứ, đó chính là sự cải thiện sinh hoạt nhà nghỉ mát, hiện tại nhà nhà đều có tiện nghi riêng, không còn ai phải đi xuống viếng Đông Hồ như ngày xưa, dù cho có mất đi một thú ngắm trăng thanh, gió mát, nhưng với cuộc sống mới và với tiện nghi mới dĩ nhiên đời sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều…Có tiếc chăng là đàn em con cháu sau nầy, không còn ai biết được Hà Tiên có một thời vài chục năm, sinh hoạt có khác đi rất nhiều so với bây giờ, đó chỉ mới nói là về mặt đi thăm nhà nghỉ mát…Cũng như cây bút Quang Nguyên đã viết trong bài có nhắc ở phần đầu: « Nàng Đông Hồ của tôi giờ đã không còn nhà “thủy tạ”, nàng cũng đã bớt đẹp đi vì nhan sắc bị người đời vùi dập, thế nhưng trong ký ức của những người già và người trung niên của Hà Tiên thì hình ảnh ấy vẫn nguyên vẹn như ngày nào… ».

Thật vậy, tuy là hiện tại ta không còn thấy ba căn nhà thủy tạ để nghỉ mát trên bến sông Hà Tiên, nhưng nếu các bạn có dịp đi tàu trên kênh Hà Tiên-Rạch Giá, hay dọc theo đường ra biên giới phía Thạch Động, theo các rạch nhỏ, các bạn sẽ thấy còn rất nhiều những căn nhà nghỉ mát đơn lẻ,  cất bằng ván hay lá dừa thô sơ, đa số là không có lợp mái, chỉ có một ngăn nhỏ, có khi trên miếng ván che phía mặt trước còn có ghỉ dòng chữ bằng phấn trắng « Có Wifi » …!! Cách đây vài năm, khoảng năm 2015 mình có thấy một bài báo trên báo điện tử tiếng Việt có đăng bài: « Cầu tõm dày đặc trên tuyến kênh Rạch Giá- Hà Tiên »…. ( Lại có thêm một từ ngữ mới đặt tên theo tính chất tượng thanh…!!).

Paris, viết xong ngày 20/03/2022. Trần Văn Mãnh

Hình ảnh xưa căn « nhà nghỉ mát vị trí 1 », trên đường Trần Hầu và ngay đầu đường Nhật Tảo (Hà Tiên). Phía xa hơn là đồi Pháo Đài Kim Dự. Nguồn hình: Nguyễn Bích Thủy.

Một tấm ảnh khác chụp căn « nhà nghỉ mát vị trí 1 », trên đường Trần Hầu và ngay đầu đường Nhật Tảo (Hà Tiên). Phía xa ta cũng thấy đồi Pháo Đài Kim Dự. Phía dưới ảnh là lề đường sân trước khách sạn Lâm Văn Cao (khách sạn không thấy trong hình). Nguồn hình: Lưu Như Việt 1971-1972

Hình cận cảnh cho thấy căn « nhà nghỉ mát vị trí 1 », trên đường Trần Hầu và ngay đầu đường Nhật Tảo (Hà Tiên). Nguồn hình: Lưu Như Việt 1971-1972

Hình ảnh xưa căn « nhà nghỉ mát vị trí 2 », trên đường Đông Hồ (Trần Hầu nối dài), phía xa là ngọn núi Tiểu Tô Châu, nhìn lên đường là trụ sở Xã Mý Đức Hà Tiên. Nguồn hình: Trần Văn Mãnh, thập niên 70.

Hình cận cảnh cho thấy căn « nhà nghỉ mát vị trí 2 », trên đường Đông Hồ (Trần Hầu nối dài), phía xa là ngọn núi Tiểu Tô Châu, nhìn lên đường là trụ sở Xã Mý Đức Hà Tiên. Nguồn hình: Trần Văn Mãnh, thập niên 70.

Hình ảnh xưa căn « nhà nghỉ mát vị trí 3 », căn nhà thuộc loại tốt nhất trong ba căn nhà nói trong bài, ở trên đường Đông Hồ nối dài, nhìn lên mặt sau vườn cây trái của Chi Bưu Điện, ở đoạn giữa hai con đường Chi Lăng và Mạc Cửu, Hà Tiên. Phía xa là ngọn núi Tiều Tô Châu, cây dừa nầy là nơi người đi nghỉ mát thường hay dựng xe đạp. nguồn hình: HMO.

 

 

 

Thầy cô trường Tiểu Học Bổ Túc Quận Lỵ Hà Tiên năm 1959

Thầy cô và các bạn thân mến, thật là may mắn khi nhìn lại đã hơn 60 năm qua mà chúng ta còn được một bức ảnh chụp hình kỷ niệm quý thầy cô giáo đã từng giảng dạy tại trường Tiểu Học Bổ Túc Quận Lỵ Hà Tiên năm 1959. Thật vậy hôm nay được em Nguyên Lưu ở Hà Tiên vừa chia sẻ cho mình một bức ảnh rất là xa xưa, tuy bức ảnh có nhiều chỗ đã bị hư hao nhưng nhìn toàn diện thì chúng ta vẫn nhận ra được rất nhiều vị thầy cô đã từng dạy mở lòng cho chúng ta khi mới vào ngôi trường Tiểu Học Hà Tiên. Phía sau lưng bức ảnh có đề dòng chữ: « 9 – 5 – 1959 kỷ niệm các nam nữ giáo viên tại trường Tiểu Học Bổ Túc Quận Lỵ Hà Tiên », và dưới đó có ghi lại tất cả họ tên của 22 vị thầy cô có mặt trong hình.Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », xin cám ơn em Nguyên Lưu rất nhiều.

Ghi chú mặt sau của bức ảnh chụp hình kỷ niệm thầy cô giáo dạy tại trường Tiểu Học Bổ Túc Quận Lỵ Hà Tiên năm 1959. (Nguồn hình: Nguyên Lưu)

Danh sách 22 thầy cô có mặt trong bức hình chụp kỷ niệm năm 1959, thứ tự theo hàng đứng, từ trái qua phải và hàng ngồi, từ trái qua phải. (Nguồn hình: Nguyên Lưu)

Bức hình chụp trước lớp học « Lớp Ba B », trường Tiểu Học Bổ Túc Quận Lỵ Hà Tiên vào năm 1959. (Nguồn hình: Nguyên Lưu)

Danh sách quý thầy cô trong hình trên:

Hàng đứng, từ trái qua phải: (7 cô và 4 thầy): 1/ Lê Thị Như Cảnh, 2/ Trần Thị Thứ, 3/ Lý Ngọc Mai, 4/ Trần Tuyết Nga, 5/ Lý Thị Nhan, 6/ Lý Ánh Nguyệt, 7/ Trương Mỹ Tuyết (Vĩnh Long), 8/ Trần Văn Tường, 9/ Lê Quang Thuyên, 10/ Trần Phát Đạt, 11/ Giang Minh Đoán (Rạch Giá).

Hàng ngồi, từ trái qua phải: (11 thầy, đánh số tiếp theo từ 12 đến 22): 12/ Nguyễn Thanh Nhàn, 13/ Đỗ Quý Tý (Cần Thơ), 14/ Nguyễn Văn Huỳnh, 15/ La Từ Sự, 16/ Phan Liên Trì, 17/ Hồ Văn Chiếu (Rạch Giá), 18/ Trần Văn Hương, 19/ Hứa Văn Vàng, 20/ Nguyễn Văn Tửng, 21/ Trình Kim Chung, 22/ Nguyễn Văn Nhường (Bến Tre).

Từ bức ảnh trên, mình trích ra hình chân dung từng thầy cô như sau (chỉ tiếc là quý thầy số 9/ Lê Quang Thuyên, 10/ Trần Phát Đạt, 20/ Nguyễn Văn Tửng không được thấy rỏ vì ngay chỗ gương mặt hình bị hư nhiều).

Đặc biệt trong hình số 9 (thầy Lê Quang Thuyên) và hình số 10 (thầy Trần Phát Đạt): hình chân dung do mình thay thế vào vì trong tấm hình gốc chụp chung quý thầy phía trên thì không thấy rỏ mặt hai thầy. (Nguồn hình số 9: Jen Thuy và nguồn hình số 10: Trần Phương Nhu)

Đặc biệt trong hình số 20 (thầy Nguyễn Văn Tửng): hình chân dung do mình thay thế vào vì trong tấm hình gốc chụp chung quý thầy phía trên thì không thấy rỏ mặt thầy. (Nguồn hình số 20: Nguyễn Hương)

Trần Văn Mãnh tổng hợp theo thông tin của mặt sau bức ảnh.

Tái bút: Nguồn hình: Nguyên Lưu (Hà Tiên)

Quán Ti La (Hà Tiên) – Phần C: Mùa Xuân 1989 (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, tiếp theo loạt bài về « Quán Ti La » của tác giả Quang Nguyên viết theo thể loại tự thuật, đây là bài cuối kết thúc loạt bài về nguồn gốc, sự thành hình và phát triển của quán Ti La. Trong bài cuối nầy, tác giả nói rỏ hoàn cảnh và cơ duyên để Ti La được hồi sinh và hơn nữa, đã tiếp nối truyền thống quán nhạc ngày xưa cũng với quý khách hàng yêu nhạc, yêu cà phê và yêu cả khung cảnh nên thơ của quán…Nếu như công lao của tác giả phải được xem như là một yếu tố chính và thực sự là một kỳ công để quán Ti La được sống lại thì việc quản lý và duy trì cho sự phát triển của quán do cô em gái Uyên Nguyên (một dạng nàng Tiên Giáng Kiều hiện đại) thực hiện trong suốt giai đoạn Ti La thời hiện đại nầy cũng là một công trình lớn lao và đáng được ghi nhận…Từ bài tự thuật nói về sự sống lại của quán Ti La nầy, chúng ta còn thấy được tính chịu đựng, lòng cương quyết và ý chí không ngại khó khăn của tác giả Quang Nguyên đứng trước mọi điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống. Nếu có một bài học được rút ra từ loạt bài nầy, ngoài cái giá trị văn chương và lịch sử của nội dung bài, đó là bài học về tính vượt khó khăn, ý chí bền vững và một nguyện vọng sắc đá là phải đạt đến sự thành công một khi chúng ta muốn thực hiện một dự án nào trong cuộc sống…Hy vọng rằng quán Ti La thời hiện đại của chúng ta sẽ bền vững, sống mãi cho dù có chạm mặt một vài giai đoạn khó khăn chung như hiện nay,…và cũng hy vọng rằng dù tuổi đời có chất thêm chút đỉnh lên cái mái « bờm xôm vàng hoe tóc cháy », mong rằng những phẩm chất về tính tình, ý chí vẫn còn tỏa sáng trong cuộc sống của tác giả…(Paris, ngày 25/01/2022, nhằm ngày 23 tháng chạp, ngày đưa Ông Táo về Trời, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

QUÁN TI LA (Quang Nguyên)

A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC.
A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC (tiếp theo).
B – DÂY TƠ HỒNG.
C – MÙA XUÂN 1989.

Đó là ngày Chủ Nhật 05/02/1989. Giao thừa của năm Mậu Thìn và năm Kỷ Tỵ. Ti La thức dậy yếu ớt sau một giấc ngủ dài đăng đẳng đúng mười bốn năm, từ tháng 1/1975.

Trước đó…

Tôi là thằng con trai thứ tư của gia đình (là số ba của toán học), và là đứa “lăng xăng” nhất nhà nên chuyện từ trong nhà ra phố chợ, từ việc kiếm tiền cơm gạo củi lửa, đến tã lót chăm em…, chuyện gì cũng qua tay chút chút. Những việc đó nó làm cho thằng tôi già trước tuổi và tự quyết mọi vấn đề sau khi đà cân nhắc kỹ lưỡng…

Bởi già trước tuổi nên “có bồ” từ rất sớm, từ trước khi vào Đại Học (mời các bạn xem “Món Nợ Ân Tình” trong Blog THHTX của Mr. Trần Văn Mãnh), và cuộc tình ấy kéo dài gần sáu năm… Không thể để người ấy cứ “mãi mãi là người tình”? Mà tôi còn đang học năm cuối. Ông bà nói: “cưới vợ thì phải liền tay” chứ không thôi tôi mà dụ dự tên khác sẽ “rinh” mất người đẹp của mình. Nói gì thì cũng phải có hành động chứ? Tôi bèn về Hà Tiên thưa với ba má rằng tôi sẽ lấy vợ! (Trời ạ! năm ấy tôi mới hơn 22 tuổi!). Sợ ba má hoảng hốt vì nhà tôi ngày xưa ấy rất nghèo, nghèo xơ xác, nghèo rách nát… Tôi vội trấn an ngay:

          – Ba má đừng lo, con đã tính hết rồi, ba má chỉ lo giúp cho tụi con phần nghi lễ thôi!

… Việc hai đứa con trai lớn là anh tôi và tôi đi học là một trở ngại không nhỏ của gia đình vì chúng tôi là lao động chủ lực, khi ấy mọi công việc lao động trong nhà mấy đứa em tôi phải cáng đáng phụ cho ba má thay chúng tôi, nên tại Cần Thơ tôi đã phải tự kiếm tiền trang trải chi phí ăn học của mình, bằng tất cả các công việc gì để có thể kiếm ra tiền. Công việc thường nhật ngoài chuyện học là chạy “xe đạp ôm” (ai sống ở Cần Thơ giai đoạn từ 1980 đến 1990 đều biết đến nghề này) và buôn… sổ gạo. Cứ mỗi một quý ba tháng, tôi lại thu gom phiếu gạo trợ cấp của sinh viên tỉnh Kiên Giang về Mong Thọ xuất hàng mấy tấn gạo từ trong kho nhà nước ra và bán ngay cho thương lái để kiếm lời, sau khi bán xong mang tiền về Cần Thơ trả tiền lại sinh viên…v..v. Công việc này cũng “được” lắm, tôi còn sắm được cho mỗi đứa em một chiếc đồng hồ đeo tay Poljot của Liên Xô. Thời ấy, có cái thứ gì mà đeo lên người cũng là “oách” lắm. Kệ, cho chúng vui.

Trời thương, tôi hành nghề “xe đạp ôm” kiếm tiền mệt thật nhưng cũng khá ổn định. Tôi sống được mà không phải nhờ đến gia đình ở Hà Tiên vì nhà tôi đông anh em mà tất cả vừa học vừa làm chung sức với cha mẹ, vất vả lắm, tôi không muốn mình thành gánh nặng cho gia đình. Vì tôi có “bồ” cũng khá lâu rồi và phải tính chuyện trăm năm nên tôi để dành tiền cho ngày ấy. Bằng cách từng chút một tôi chuẩn bị lễ vật mua sẵn chất đầy trong tủ của Ký Túc Xá và để dành tiền lo đặt cọc đãi tiệc, còn việc trả tiền tiệc chúng tôi phải chờ tiền “điếu” của mọi người vào cái ngày “mừng” cho cái chết của sự tự do của tôi!

Nhưng tất cả các thứ ấy chỉ là chuẩn bị cho cái đám cưới một ngày, mà mọi người lại chúc cho đôi trẻ  hạnh phúc đến trăm năm? Chúc xong thì ai rồi về nhà nấy hết, bỏ lại đôi trẻ làm gì với ba vạn sáu ngàn ngày còn lại? Chắc chúng sẽ “oằn oại” nhau đến chết mất! Mà, được “oằn oại” với nhau, được cùng sống cùng chết với nhau âu cũng là hạnh phúc, chỉ e rằng chuyện cơm áo hàng ngày nó vốn khó khăn sẽ đẩy chúng đến bờ vực bất hạnh dễ khiến đôi ngã chia ly… Năm ấy chúng chỉ mới hơn 21 và hơn 22 tuổi có đâu vài tháng.

Bởi vậy tôi hay chiêm nghiệm cái câu nói của ông bà xưa đầy tính an nhiên tự tại: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, nó mang một nội hàm thuận theo tự nhiên, nó khiến cho ta bình tĩnh hơn để sống. Kệ! Tới đâu tính tới đó. Đố ai dám nói tương lai mình sẽ ra sao? Hoang mang nhất là vào cái ngày mình lấy vợ. Các anh em chú bác chắc cũng có cảm nhận như tôi?

Đùng một cái, một bà dì (em của ngoại) gọi tôi đến đưa hai chỉ vàng bảo rằng:

          – Bà có quà mừng cho con lấy vợ!

          – Úi! Sao nhiều vậy bà?

Bà cười, một nụ cười đầy ý nghĩa… (đó lại là một câu chuyện rất dài khác mà nó không liên quan nơi đây).

          – Ừ, con cần phải có vốn làm ăn!

Tôi mừng như “bắt được vàng”, nhanh chóng cám ơn bà, còn nhanh hơn nữa khi tôi bỏ hai chỉ vàng lận sâu vào túi quần, rồi “siêu nhanh” tôi chào bà ra về vì sợ bà đổi ý! Chưa bao giờ tôi cầm được phân vàng nào cho tới lúc ấy. Dù thời ấy tôi đã cầm rất nhiều tiền khi đi buôn sổ gạo nhưng đó là tiền của sinh viên, họ đã tin tưởng mà ủy thác cho mình chứ nào phải của mình? Còn đây là của tôi 100 %. Nói thế này cho độc giả dễ hình dung, ngày ấy lương của giáo viên bậc Cao Đẳng là năm mươi mấy ngàn, lương giáo viên bậc Đại Học là bảy mươi mấy ngàn, còn hai chỉ vàng là bốn trăm ngàn, bằng nửa năm đi dạy! Vào thời ấy là nhiều lắm.

Đó là vào trước ngày đưa ông Táo về trời, đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được, tôi suy nghĩ nhiều lắm vì mình sẽ làm gì với số vàng này? Để dành? Không! Mình đang rất cần tiền để lo đám cưới. Bà bảo “để làm vốn làm ăn” thì làm cái gì bây giờ? Trước giờ tôi đã làm nhiều thứ và ăn cũng lắm, nhưng toàn là những công việc bán sức lao động để nuôi cái miệng ăn nhiều không thôi… Mệt quá (có tiền cũng mệt!), tôi chẳng thèm nghĩ gì nữa, thầm nói trong bụng: “ông Táo ơi, ông hỏi Ngọc Hoàng Thượng Đế dùm tui làm gì với cái vụ vàng này?”.

Chẳng biết ông Táo nói gì với ông Trời không? Nhưng sáng sớm ngày hôm sau khi tôi thức dậy thì đầu óc trống rỗng, tôi thả bộ ra trước hẽm Trần Khắc Chân Tân Định để uống cà phê, sẵn đi sửa chiếc xe đạp trả góp huyền thoại của tôi (xe đạp ngày ấy mà tôi cũng phải trả góp!). Đó là phương tiện kiếm sống, phương tiện di chuyển duy nhất của tôi, là chiếc “xe đò” một khách không tài – một tài không khách – hay khách là tài, tài cũng khách… Nói kiểu nào cũng đúng, chuyên “chạy suốt” Cần Thơ- Sài Gòn 176 km trong vòng 11 đến 12 giờ đồng hồ! Nôm na là muốn đi thăm người yêu đã sắp làm vợ mình, suốt mấy năm qua tôi phải đạp xe từ Cần thơ đi Sài Gòn, để lên SG còn có xe chở bồ đi chơi mà đỡ tiền mua vé xe đò. Nhất cử đại tiện! (ý nói cái tiện lợi lớn.)

Gọi hai ly cà phê đá rồi tôi mang đến chỗ anh Đực sửa xe, tám chuyện tào lao xịt bộp với anh ấý, nhìn anh ấy tập trung bắt căm hai cái niền vặn vẹo, tôi quậy hờ hững cái ly cà phê đá, “ực” lấy vài hớp… Đột nhiên một ý tưởng lóe rất sáng như Đèn Rọi Mũi Nai nó hiện lên trong đầu:

          – Anh Đực, trả dùm tui ly phê đá nhe – chút nữa tính!

          – Ê! Hê. Sắp xong rồi.

Anh ấy nói với theo trong khi tôi đã ù chạy về nhà chắc cũng mươi bước… Tôi nằm vật ra giường mấy phút để tận hưởng về một phát hiện lý tưởng cho cái ý tưởng Start-Up (Khởi nghiệp).

“Cà phê! Quán Ti La của ba má tôi, sẽ mở lại trong cái Tết này?”. Còn ý tưởng nào tuyệt vời hơn? Trời Đất ơi! Vậy mà sao mình không nghĩ ra sớm hơn? Mất toi nó hết 24 tiếng đồng hồ, hôm nay đã là ngày đưa ông Táo rồi…

Tôi nhanh chóng mượn chiếc Suzuki Dame của ông anh cột chèo tương lai của tôi, chạy phành phạch ra Bưu Điện tôi gọi về Hà Tiên. Ngày xưa ấy gọi điện thoại đường dài rất tốn kém và khó khăn, cô Sáu Bưu Điện Hà Tiên phải cho người đến nhà gọi má và em gái tôi ra.

          – Má! Con mở lại quán cà phê Ti La nhe. Tết này!

         – Ờ! Ủa? Làm gì? Mở quán? Tiền đâu mà mày làm? Sao mà kịp? Má tôi dường như chưa hiểu chuyện gì…

          – Con có hai chỉ vàng.

          – Hả? Vàng ở đâu mày có?

         – Thôi! Má đừng hỏi nữa? Con sẽ nói sau. Nói nhiều hết… vàng! Má về bàn với ba giúp con nhe.

Vậy là bà đồng ý, và chắc chắn ba tôi sẽ đồng ý. Tôi nhanh chóng “giao” nhiệm vụ nói chuyện với ba cho má vì tôi biết bà “làm việc” với ông sẽ có kết quả rất tốt, còn tôi có nói chuyện với ông sẽ không nhanh chóng gút được, bởi tôi biết tính ba tôi rất cẩn thận, ông sẽ hỏi tôi nhiều câu hỏi ở “thì tương lai” – là cái mà cả cuộc đời tôi chưa một lần đáp trúng câu nào của tất cả mọi người, hoặc tự mình đã hỏi!

Rồi tôi dặn dò đứa em gái chỉ huy mấy thằng em nhỏ nữa để dọn dẹp sân nhà cho thật vệ sinh và trống trải… Hai anh em hồ hởi chuẩn bị cho một cuộc chơi mới.

Ngay trong chiều hôm ấy sau khi tôi ghi ra giấy tất cả những thứ để chuẩn bị cho một cái quán cốc nho nhỏ, điều này thật không xa lạ với tôi vì suốt năm năm ở Cần Thơ và Sài Gòn tôi đã la cà không biết cơ man nào các quán cà phê. Lợi thế hơn nữa là trí nhớ của tôi về Ti La rất tốt (là dạo ấy, chứ giờ thì tệ lắm, có đôi khi quên cả tên người vợ tao khang!) nên nhanh chóng tôi xác định mình cần gì: Một dàn âm thanh bèo bọt ở chợ Nhật Tảo, 10 bộ bàn gỗ tạp với 20 cái ghế mây và 20 cái ghế đôn thấp ở đường Ngô Gia Tự (Minh Mạng xưa), vài cọng dây đèn màu chớp nhá, vài chục bộ phin cà phê, vài chục ly lớn ly nhỏ, dĩa muỗng ở chợ Bến Thành… Nói chung là tối thiểu để Ti La trở lại.

Ngặt nổi, khi tôi đi chợ Bến Thành, lơ ngơ bị kẻ gian rọc giỏ lấy mất 100 ngàn, vậy là toi mất 5 phân! Thế nhưng tôi lại xem đó là một thử thách… Buồn lắm và tiếc ngẩn ngơ vì kiếm tiền khó khăn quá mà? Nhưng tôi đã quyết thì phải làm thôi, có bi nhiêu “chơi” bấy nhiêu, chuyến này quyết “khô máu”! Thế là tôi mua cũng tối thiểu các thứ cần thiết về thức uống để về bán ngay như cà phê hạt, đường sữa, các nguyên liệu khác…

Sài Gòn ngày ấy chưa có điện thoại di động nhưng điện thoại bàn thì các sạp và tiệm hầu như đâu cũng có nên tôi chưa hẹn điểm tập trung hàng. Đầu giờ chiều 24 Tết tôi chạy ra bến xe Miền Tây thì các xe đò đều không nhận hàng. Dọc theo đường An Dương Vương các chành hàng cũng đầy ắp không ai chịu nhận thêm hàng về Hà Tiên (ngày xưa xe ít hơn bây giờ nhiều).

Trời Đất quỷ thần ơi! Giờ tính sao đây? Tôi hoang mang tột độ, đứng gãi gãi cái đầu bờm xôm vàng hoe tóc cháy…

Như mô típ (motif là một biểu hiệu tượng trưng nghệ thuật) của những câu chuyện thần thoại, đến lúc người hiền lương (!) gặp nạn thì bất thình lình một ông Tiên hiện ra:

          – Ê! Chú em. Hàng đi đâu? Mang tới chưa?

Tiên ông hiện hình là một chú bốc xếp trung niên tóc râu tua tủa, măt mày hung tợn với cái áo bảo hộ lao động đẫm mồ hôi…

          – Dạ không có, chủ chành không nhận hàng Hà Tiên nữa.

          – Chú mày đem xuống bến Vân Đồn đi, ghe bầu nó nhận, nhanh đi còn kịp.

          – Cám ơn chú.

Cám ơn “Tiên ông bốc xếp” xong, tôi chạy ào xuống bến Vân Đồn, dưới dòng nước kênh đen ngòm và đầy rác rưởi là hàng hàng lớp lớp ghe bầu lớn nhỏ tấp nập đầy màu sắc. Ghe chở hoa vạn thọ vàng rực một cục, ghe chở mồng gà thì đỏ tươi cả khối, hoa thược dược, bông giấy đủ màu, hạnh quốc lủng lẳng… Thiệt là nhỏ giờ tôi mới mục kích sở thị một bến sông rực rở của ngày Tết Sài Gòn…Chen lẫn giữa nó là ghe gạo, ghe ăn hàng tạp hóa về các tỉnh, ghe lu, ghe chậu…Thật là một cảnh tượng xôm tụ hoành tráng. Sài Gòn năm 1989 còn rất nghèo so với ngày nay hay mười lăm năm trước đó, nhưng đời sống của người dân đã đỡ hơn nhiều lắm bởi đã có nhiều nguồn gió “Đổi Mới Tư Duy” của các nhà lãnh đạo, đã khiến sức dân bật dậy và ít nhiều người ta đã nhen nhúm niềm tin của sự thay đổi của xã hội. bằng chứng là hàng hóa Tết thật dồi dào khiến các chành hàng chật cứng.

Không khó để tìm được một chiếc ghe nhận hàng về Hà tiên

          – Đi rạng 25, trưa 28 tới, 29 giao thừa, Mùng một khai trương “ngon lành”!

Ông chủ ghe nói với tôi khi tôi trao đổi với ông về chuyện thuê ông chở hàng về Hà Tiên

          – Bao nhiêu tiền cho 20 bộ bàn ghế mây quán cà phê với mấy thứ linh tinh?

          – 15 ngàn!

          – Vét hết rồi còn 12 ngàn được không ông chủ?

         – Rồi, chơi luôn! Chú về dưới trước đi. Trưa 28 đón ghe ở Đông Hồ trước nhà ông Ba Đen.

          – Tui lấy cái gì về? Còn bao nhiêu tiền là đưa ông hết đó. Tui theo ghe ông được không?

          – Ờ được, mà ghe đi chậm lắm đó nghe. Mục xương chứ hổng dỡn chơi. Hê Hê..

          – Bao cơm tui à nhe! Chứ tui không còn cả tiền ăn nữa.

          – Úi! Chuyện nhỏ. Tưởng gì? Chỉ là cái chén đôi đũa thôi mà…

Thỏa thuân xong với ông chủ ghe, tôi ra chiếc xe Suzuki 100 (là già trăm tuổi!), chổng mông đạp 99 cái nó mới chịu nổ với khói um trời đủ che cả một trận địa. Tôi chạy như bay về trả chiếc xe cho ông anh cột chèo (anh ấy chèo lái, tôi chèo mũi !), rồi tôi quơ vội áo quần, gọi điện thoại giáp vòng mấy chỗ giao hàng, xong tôi đạp xe ra bến Vân Đồn để đón nhận hàng hóa các nơi tôi đã mua nhờ họ đưa đến, cuối cùng là quăng cả chiếc xe đạp lên ghe, nằm trên mui ghe nhìn trời lung linh đầy sao mà mơ màng nghĩ về những ngày Tết sắp đến…

Đó là một chuyến đi suốt bốn ngày ba đêm lênh đênh giang hồ sông nước cực kỳ thú vị của tôi mà cả đời chẳng bao giờ được trải nghiệm lần nữa… Từ bến Vân Đồn ghe ra Nhà Bè, Soài Rạp, Vàm Cỏ, kênh Chợ Gạo (đặc biệt là con kênh Chợ Gạo của Tây đào nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ đã gây ấn tượng cho tôi mà ngày xưa tôi từng qua đây từ hơn ba mươi năm trước vốn đã tấp nập, còn nay thường xuyên bị nghẽn. Nghẽn hàng ngày!). Ghe đi hết kênh đào Chợ Gạo rồi đến sông Tiền, đi ngược sông Tiền đến Chợ Mới, qua Vàm Nao rồi vào Bassac của sông Hậu, đi ngang Châu Đốc rồi vào Vĩnh Tế, hết Vĩnh Tế rồi đến Đầm Chích Giang Thành… Tôi được tận mắt thấy cuộc sống muôn màu của đồng bào miền Tây trong những ngày giáp Tết khi đất nước bắt đầu hé cửa đổi mới. Chuyến đi đó gây cho tôi ấn tượng suốt nhiều chục năm sau khi tôi kinh doanh trong ngành Logistics (tương đương với ngành Hậu Cần!). Chuyến đi giúp tôi hiểu được năng lực vận chuyển mạnh mẽ của các phương tiện đường thủy của đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi cho tôi thấy tầm nhìn của cha ông khi kết nối hệ thống sông ngòi tự nhiên chằng chịt với hệ thống kênh đào nhân tạo để tăng năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa và giải quyết nhu cầu thủy lợi tưới tiêu hay thoát lũ, giúp tăng năng suất lúa gạo và nông sản hay bảo vệ mùa màng… Đôi khi nghĩ về những điều lớn lao, tôi thật tiếc cho những điều kiên thuận lợi của thiên nhiên và nhân tạo của miền Nam, mà nếu được khai thác một cách khoa học và “có tâm + có tầm”, khoan thư sức dân dốc lòng ủng hộ, thì chẳng mấy chốc đất nước hóa hổ hóa rồng…

Nhưng chuyện đại sư trên không hay ho bằng chuyện “tiểu sự’. Trong chuyến đi tôi còn được “làm quen” với người đẹp Phan Nghinh Tử, tôi đã xem nàng diễn xuất thần đủ trọn bộ 40 tập Video trong phim Võ Tắc Thiên của Đài Loan (năm 1985), bởi tôi dư thời gian quá mà?

Đúng hẹn, trưa 28 tháng Chạp của năm Mậu Thìn ghe bầu chở cái đống lộn xộn “Khởi nghiệp” của tôi về đến bến Đông Hồ Hà Tiên. Mấy em lấy xe cây ra chở tất cả về. Ngay chiều hôm ấy cả nhà chúng tôi bắt tay vào việc. Đêm 29 là đêm Giao Thừa (năm ấy không có 30) chúng tôi khai trương quán Ti La.

Cũng đèn màu, cũng nhạc chọn, cũng âm thanh, cũng cà phê phin nhỏ giọt, cũng yaourt huyền thoại của má tôi, nay bổ sung thêm các món lạ du nhập từ Sài Gòn là mứt dâu đá, các loại sô đa chanh dâu nho, các món chè đậu ngọt tắt thở mà chỉ có người Hà Tiên mới dùng nổi … Dù hình thức lẫn nội dung không được như xưa, không bao giờ được như Ti La của ba má tôi, nhưng cái quan trọng nhất không thay đổi là: vẫn được người Hà Tiên nhiệt tình ủng hộ rất đông dù sự trở lại chỉ là quán cóc loa kẹo kéo…

Sau đêm đánh thức Ti La, tôi nói với em gái tôi rằng:

          – Tí ráng bán, để dành tiền lo đám cưới cho anh. Sau đám cưới thì Tí quản lý cái quán này lo cho ba má và gia đình!

Gần hai tháng sau tôi chính thức tự giết chết cuộc đời độc thân. Ngày đưa tiễn linh hồn và thể xác tôi về “thế giới mới”, cái thế giới mà “chỉ ai vào nấy biết” đó, ngày ấy có ba má tôi và vài người bà con của gia đình chúng tôi, có cả thầy giáo Bân, ông vốn là một người đồng nghiệp với ba, là thầy giáo rất xưa ở Hà Tiên chúng ta, là một người anh mà ba tôi rất kính trọng. Từ An Hữu Tiền Giang bác Bân lên Sài Gòn làm chủ hôn, đó là cả một sự vinh hạnh cho tôi. Tất cả chi phí đi lại, nghỉ ngủ, ăn uống, lễ lạc… của đoàn Hà Tiên đi Sài Gòn năm ấy được lấy từ quán cóc Ti La trong hai tháng kinh doanh.

Sau đám cưới vợ chồng tôi về Hà Tiên dạy học, hàng ngày mấy anh em xúm lại chăm chút cho cái quán và hoàn thiện nó từ từ, từng chút một. Vẫn là trong “Tần Tảo” và ngoài “Ti La”. Má tôi, em gái tôi cùng vợ tôi ở trong quán lo việc thức ăn thức uống và thu chi, mấy anh em trai chạy bàn và tiếp đãi bạn bè hay thực khách, để ba tôi chuyên tâm nghiên cứu và viết lách… (Thời gian sau má tôi cũng chính thức nghỉ ngơi và từ đó toàn bộ việc quản lý quán là vợ chồng em gái tôi phụ trách.)

Cũng lạ, Dây Tơ Hồng xưa đang giấc ngủ vùi mười bốn năm, nay chỉ để buộc cọng Tơ Hồng mới cho vợ chồng chúng tôi mà nó phải thức dậy? Mà thực ra là nó “tỉnh giấc” để làm nhiều hơn vậy. Ngay năm sau chúng buộc luôn vợ chồng anh trai của tôi thành đôi, buộc chị Hai tôi cùng anh Lý Minh Mẫn, rồi năm sau nữa là nó quấn em gái tôi cùng một chàng đẹp trai hiền lành là thầy giáo xứ Mỹ Tho trù phú. Chỉ trong vòng hai năm nhà Ti La có bốn cái đám cưới, kể ra cũng đáng lập “kỷ lục”.

Kể từ đó Ti La làm trọn vẹn chức năng của nó là kết giao và… kết duyên!

Dù chưa bao giờ Ti La được trở lại rực rỡ như thời khai sinh năm 1970, nhưng công bằng mà nói là cho dù Ti La có tồn tại như thế nào thì cũng được người Hà Tiên và bằng hữu ủng hộ. Những thế hệ người Hà Tiên đã đến với những thế hệ của Ti La đã giúp Ti La tồn tại cho đến hôm nay, và hơn cả là giúp gia đình chúng tôi “thoát nghèo bền vững”! Ơn nghĩa đó ngàn lời cảm tạ cũng không thỏa lòng…

Và tôi hay suy nghĩ mọi thứ lung tung trên trời dưới đất, đôi khi rối não mà vẫn lùng nhùng như đống dây Tơ Hồng phủ trùm tán rộng… Nếu như không có vụ hai chỉ vàng của bà tôi cho, nếu như không có một ý tưởng “đột nhập” bất thần vào buổi sáng đi sửa xe, nếu như tôi không quyết tâm “chơi tới bến Vân Đồn” ngày cuối năm ấy, thì cóc ổi đâu đã hóa táo lê như hôm nay?

Thêm một điều nữa, nếu như em gái tôi không được đầu thai vào cái bụng to năm một của má tôi, thì cuộc đời nó đã không trở thành một khóm Tơ Hồng khổng lồ vững chãi… Vợ chồng em gái tôi đã ràng buộc tình cảm đại gia đình thành một khối vững bền, bằng sự hy sinh rất nhiều những điều riêng tư và chắt chiu từ Ti La mà lo cho các em còn lại học hành thành tài song song với việc phụng dưỡng cha mẹ… Em tôi đã làm hơn vạn lần điều tôi mong muốn ban đầu khi mở lại quán Ti La.

Mọi chuyện nó cứ trôi qua từ từ, từng chút một, vậy mà cũng đã ba mươi hai năm…

Mùa Xuân Nhâm Dần năm nay sẽ không như Xuân của mọi năm vì nỗi tang thương do Covid hoành hành trên cả địa cầu. Nửa năm nay Ti La ngưng bán, em tôi tỏ ra lo lắng… Tôi nói với em rằng:

          – Không sao, nó chỉ “ngủ” thôi. Rồi cũng như mọi khi, Ti La sẽ thức dậy!

Bởi trong câu chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ rất có hậu ấy, cuộc đời của chàng Tú Uyên có lẽ đã xấu đi nếu không có nàng tiên Giáng Kiều, thì Ti La sẽ còn phát triển tốt bởi đã có nàng Uyên Nguyên…

Quang Nguyên (11/2021)

 Quang cảnh quán Ti La trong những năm cuối thập niên 90, trong hình thầy Trương Minh Đạt đang chăm sóc cây cảnh. (Hình: Trương Minh Quang Nguyên, 1998)

Quang cảnh quán Ti La trong những năm cuối thập niên 90, cây « Thảo Bạc » trước sân. Bên phải là gian nhà nơi thầy Trương Minh Đạt dạy học. (Hình: Trương Minh Quang Nguyên, 1998)

Quang cảnh quán Ti La trong những năm cuối thập niên 90, căn nhà lá nơi vợ chồng tác giả cư ngụ và quản lý quán Ti La. (Hình: Trương Minh Quang Nguyên, 1998)

  Mặt tiền quán Ti La hiện nay, đường Tham Tướng Sanh, Hà Tiên. (Hình: Nguyên Lưu, 2021)

 

Quán Ti La (Hà Tiên) – Phần B: Dây Tơ Hồng (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong công cuộc ghi nhớ lại một « Hà Tiên cảnh cũ người xưa », mình có viết một loạt bài về các chùa chiền, cổ miếu, trường học, đền đài, ao sông…v…v…Ngoài ra còn có nhiều bạn đã vui vẻ hợp tác viết thêm rất nhiều bài cũng trong ý tưởng nầy. Khoảng giữa năm rồi (2021) mình có đề nghị với tác giả Quang Nguyên viết bài về « nguồn gốc » của quán nhạc Ti La ở đường Tham Tướng Sanh mà người Hà Tiên và giới yêu nhạc bốn phương từng sinh sống tại Hà Tiên, ai ai cũng đều biết quán nầy, có người lại dùng từ « Quán Thầy Hiển » hay « Quán Thầy Đạt »…!! Mặc dù là hậu bối « sinh sau đẻ muộn » so với thời gian cực thịnh trong sinh hoạt của quán, tác giả Quang Nguyên đã vui vẻ chấp thuận đề nghị của mình qua một loạt bài viết về sự thành hình và phát triễn của quán nhà Ti La, dù cho vào thời điểm nầy Quang Nguyên vốn còn là một cậu bé hay tò mò và nhất là cũng hay hỏi nầy hỏi nọ lung tung với mọi người chung quanh, nhưng có lẽ nhờ có tính chất hiếu kỳ đó mà ngày nay chúng ta có được loạt bài kể lại về quá khứ mà theo thiển ý mình là các bài viết nầy sẽ gây thích thú và lợi ích cho giới trẻ Hà Tiên hôm nay, để các em sẽ thấy và hiểu được thêm về quá khứ của quán cà phê Ti La với một thời đã từng đạt đến mức vàng son của nghệ thuật quán nhạc và cũng là một thời của những tình yêu đã được nung đúc qua những buổi tối ăn kem, uống cà phê, trò chuyện của những người trẻ thời 60-70 đang yêu nhau và đang ngồi bên một chiếc bàn nhỏ cạnh một góc nào đó trong khu vườn của quán Ti La…(riêng mình thì không nhớ rỏ là mình cũng đã có từng ngồi bên cạnh ai đó không vì thời gian đã lâu quá rồi….., nhưng có lẽ là thường ngồi một mình bên tách cà phê nóng thưởng thức nhạc tiền chiến….!!!). Sau khi phát hành được hai bài với tiểu đề « Quán Ti La -A- Hơn năm mươi năm trước » phần đầu và phần tiếp theo được đăng vào ngày 04/06/2021 và 22/06/2021, thì loạt bài bị ngưng lại một thời gian vì tình hình không được tốt đẹp lắm, mọi người đều lo chống dịch bệnh nên khó có đầu óc thưởng thức văn chương…Nay thấy cũng tạm ổn nên tác giả sẽ tiếp tục cho chúng ta tìm hiểu thêm về sự phát triển, sự ngưng trệ và sự hồi sinh của quán Ti La sau một thời gian có tầm cở vài chục năm qua…Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » xin cám ơn tác giả Quang Nguyên đã cho chúng ta có dịp tìm hiểu nhiều thêm về quán Ti La, nhất là được một vài giây phút xem như ngồi học lại văn thơ của tập thơ cổ điển « Bích Câu Kỳ Ngộ », tập thơ mà ngày xưa mình còn nhớ là đã học với cô Hà Thị Hồng Loan, lớp Đệ Lục (niên khóa 1965-1966) trên ghế nhà trường Trung Học Hà Tiên..(Paris, ngày 13/01/2022, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

QUÁN TI LA (Quang Nguyên)

A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC.
A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC (tiếp theo).
B- DÂY TƠ HỒNG.

Người xưa sẽ rất nhớ con đường Tham Tướng Sanh bởi nó đi thẳng tới bệnh viện, mà ai dám bảo rằng cả đời mình chưa từng đến bệnh viện? Chí ít lần mở mắt chào cuộc đời ô trọc này mình cũng từ đó được thân nhân nâng niu bồng ẳm mà mang ra… Hà Tiên thì nhỏ và có ít bệnh viện, cái bệnh viện cũng nhỏ và ít giường, nhưng nó lại nhiều tên nhất! Xưa nó mang tên gì thì tôi không biết nhưng từ trước khi tôi ra đời nó đã mang tên nhà chí sĩ Nguyễn Thần Hiến. Sau đó khi tôi biết thì nó đã có tên “Bênh Viện Dân Quân Y Phối Hợp Quận Hà Tiên” cho đến 1975. Sau này nó thêm một lần đổi tên nữa thành “Bệnh Viện Đa Khoa Hà Tiên”. Nay thì tất cả đều biến mất mà thay vào đó là cái quảng trường khá khang trang mà ta không biết nó sẽ sống được bao lâu trong tình hình “một phân đất, một tấc vàng” hiện nay.

… Xưa đoạn đường đó là đường “cấp phối” đất với đá piston cở 7 cm x 10 cm, có hai bờ giồng cao hai bên được trồng đầy cỏ lá tre mà hàng tháng có mấy bác “lục lộ” da đen bóng điều khiển chiếc xe bò với hai con một đen một vàng nâu. Con bò đen thì trông mạnh khỏe với cặp sừng to cong đều trông rất đẹp, còn con bò vàng nâu thì nhỏ hơn trông ốm yếu với cặp sừng xấu ma chê quỷ hờn, giống như hai quả chuối khô nhỏ xíu bị ai cắm lên đầu nó vậy! Ấy vậy mà cặp bò hoài niệm đó đã sống rất lâu và hàng ngày nó cứ đi khắp Hà Tiên kéo đằng sau là chiếc thùng xe to bằng gỗ mà gắn cặp bánh xe Jeep! Nó cứ ung dung từ tốn mà đi trong tiếng nhạc lục lạc leng keng thỉnh thoảng hợp âm với ba tiếng kẻng của bác lục lộ báo hiệu đổ rác và dọn cỏ lề đường… Các con đường đất ở Hà Tiên nhờ các bác lục lộ và cặp bò phối màu thời đại đen vàng đó, mà đã trở nên thẳng tắp khang trang và nên thơ một cách tự nhiên không cần văn hoa câu chữ…

Ấy vậy mà con đường Tham Tướng Sanh đoạn từ Chi Lăng đến bệnh viện nói trên lại được tô vẽ thêm “văn hoa câu chữ” bằng thơ theo đúng nghĩa đen! Nó đã tồn tại rất lâu, rất thật chứ tôi không hề ẩn dụ gì nơi đây.

“Nhà lan sum họp bạn mai
Đã trong tần tảo lại ngoài Ti La.”

Nó đã nằm trên một mãng tường ngoài mặt tiền đường Tham Tướng Sanh tại quán Ti La mà ba tôi đã vẽ nên, ông dùng sơn xịt để bay lượn cùng vài bông hoa cách điệu làm nền để nét chữ fantasy kiểu cách của hai câu thơ trong cổ thư Bích Câu Kỳ Ngộ được nổi bật mà thu hút người đi ngang phải nhìn… Cũng may, con đường Tham Tướng Sanh là một “lối xưa thu thảo” đầy “thạch thảo” (không phải hoa Thạch Thảo mà ý muốn nói đùa: đá và cỏ!) đã không làm cho người ta có thể đi nhanh được nên hầu như ai đi ngang cũng đọc được hai câu thơ này.

Kinh tế thị trường hậu “bao cấp” thời hiện đại đã bùng nổ về quảng cáo tiếp thị giờ chúng ta đã không còn lạ nữa. Còn nhớ thời gian đầu sau chế độ bao cấp, nhiều người đã từng lạ lẫm với những “chiêu thức quảng cáo”, nhưng với những người đã sống ở hai chế độ thì biết rằng hơn năm mươi năm trước nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và đúng chất hơn đã có ở miền Nam Việt Nam, nó đã mạnh mẽ đến độ các nước chung quanh Đông Nam Á đã phải thèm thuồng.

Muốn kinh doanh tốt bạn phải ý thức rất rõ ràng rằng: khách hàng là thượng đế và phải đem đến cho thượng đế mọi sự hài lòng nhất, và ba tôi đã vận dụng tối đa sự hiểu biết của mình với một phần của một khái niệm rất rộng mà sau này người nay thường sử dụng là “marketing”. Ông đã xây dựng một bản sắc rất riêng cho Ti La của ngày xưa ấy từ bên trong quán như trang trí, bàn ghế, thức uống, cách phục vụ, nhạc chọn lọc… cho đến bên ngoài là các tấm bảng hiệu quảng cáo, in danh thiếp cho Ti La…

Nếu người xưa còn nhớ thì ngay trên vách tường của tiệm Đồi Mồi Lê Minh góc Trần Hầu – Bạch Đằng là tấm bảng hiệu quảng cáo cao một mét dài năm mét là các thông tin về Ti La do chính tay ba tôi vẽ, mà kế đó là ca-bin bán vé của “Bốn hãng xe đò liên hiệp Sài Gòn – Hà Tiên: Thuận Thành, Tân Tiến Thành, Liên Trung, Vĩnh Phát” (mà xe của họ cũng rất là « marketing(!)” để khách hàng phân biệt nét riêng rồi chọn cho mình nhà xe ưng ý: Thuận Thành, Tân Tiến Thành thì màu đỏ mặc dù là hai hãng xe riêng biệt, còn xe Liên Trung thì màu xanh lá cây đậm và xe Vĩnh Phát thì màu trắng sọc đỏ, tất cả các xe đều có hai chữ “Chạy Suốt”). Vị trí đó hẵn là một vị trí đặc biệt vì khi du khách vừa qua chiếc cầu nổi trứ danh đã thấy ngay tấm bảng hiệu quảng cáo có chữ Ti La to và có hai câu thơ viết nhỏ, rồi sau khi dạo thăm Hà Tiên khách sẽ đến mua vé xe đò để về thì một lần nữa tên Ti La lại được nhắc đến ngay trước mắt họ.

Ngoài ra ngay tại góc Tham tướng Sanh – Chi Lăng còn có một tấm bảng hiệu vuông mà ba tôi đã vẽ chữ rất to “Ti La 30 mét!” được đặt xeo xéo mà du khách tản bộ từ xa có thể thấy được.

Ba mươi mét ước chừng kế đó là quán Ti La về đêm đầy màu sắc, được chủ quán khéo léo bố trí ánh sáng khuếch tán vừa đủ, từ những bóng đèn điện trở của “ánh sáng trắng” thành những màu riêng biệt đỏ cam vàng xanh tím, bởi từng bóng đèn được gói trong những tờ giấy bóng kiếng có màu khác nhau rồi đặt nó vào những cái vỏ đạn, là loại “đạn không giật” to, đường kính cỡ 100 mm và cao cỡ 600 mm có rất nhiều lỗ nhỏ  cỡ 5 mm trên vỏ đạn. Ánh sáng từ đó thoát ra không sáng lắm mà cũng không tối mù, đủ che nét ngương ngập e thẹn mà tăng thêm vẽ quyến rũ của cô gái lần đầu được chàng trai mời đến với Ti La, rồi không biết làm gì chẳng lẽ nàng cứ cúi gầm bẻn lẽn, còn chàng cứ lúng ta lúng túng bứt rứt vặn vẹo rồi phát ra những câu nói ngập ngừng lấp lửng không đầu không đuôi, hay còn tệ hơn là đầu Ngô mình Sở? Thôi thì cả hai đành im lặng bên nhau trong ánh sáng mờ ảo, tiếng nhạc dập dìu, lời ca trữ tình… mà phóng tầm mắt nhìn quanh quán, dứt khoát chàng và nàng sẽ thấy hai câu thơ mang đầy ý nghĩa mời gọi bằng những hình tượng ẩn dụ đang đính trên một mãng tường:

“Nhà lan sum họp bạn mai
Đã trong tần tảo lại ngoài Ti La.”

Hai câu thơ trên cứ lập đi lập lại từ ngoài đường đến trong quán, trên bảng hiệu quảng cáo và trong danh thiếp trao tay… Và như vậy nó đã trở thành một “slogan” (câu chứa đựng thông tin riêng để nhận diện thương hiệu) – chốt danh Ti La từ đó… Quả thật ba tôi đã làm marketing cho “thương hiệu riêng Ti La” từ rất sớm và rất “có nghề”.

Nhưng tại sao là Ti La? Ti La là gì?

Từ xưa lắm tôi đã hỏi ba tôi. Ông trả lời: “ là dây tơ hồng!”

Chỉ cách đây mấy hôm trước thôi ông nói thêm:

          – Cái ý tưởng mở quán là của bác Năm Hiển của con, và tên Ti La do hai anh em cùng chọn. Ba có khả năng hội họa và má có khả năng hiểu biết và yêu thích âm nhạc nên cùng nhau mở quán…

          – Ti La được mở ra từ năm nào?

          – Khoảng từ 1969-1970 chi đó…

Về hai chữ Ti La, thoạt nghe nó có vẻ rất “Tây”, nhưng kỳ thật hai chữ đó là từ Hán – Nôm, được trích ra từ hai câu 427 và 428 của tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ do La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn hiệu đính:

“Nhà lan sum họp bạn mai
Đã trong tần tảo lại ngoài Ti La.”

Bích Câu Kỳ ngộ là một câu chuyện hoang đường truyền kỳ (được nghe kể và ghi lại) bằng chữ Hán mà tác giả của nó là ai thì còn đang trong vòng tranh cãi… Có người cho rằng của bà Đoàn Thị Điểm hay ông Vũ Quốc Trân  (là một nhà thơ nổi tiếng vào giữa đầu thế kỷ XIX). Nhưng theo cố Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, ông cho rằng tác phẩm ấy của Đặng Trần Côn với những chứng cứ khảo cứu thuyết phục, và hơn nữa lời thơ dung dị và phóng khoán phù hợp với phong cách văn chương của Đặng Trần Côn hơn.

Nội dung câu chuyện là cuộc gặp gỡ lạ kỳ giữa chàng thư sinh Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều tại làng Bích Câu ngoài cổng thành Thăng Long xưa, chuyện được cho là xảy ra từ thời Hồng Đức nhà Lê thế kỷ thứ XV. Theo Wikipedia thì: Vị trí phường Bích Câu theo phỏng đoán là cả một khu vực ôm lấy nội thành phía nam, tây nam và tây bắc vòng Hoàng thành Thăng Long. Nếu nhìn trên bản đồ hiện nay thì Bích Câu gồm các phố Quán Thánh, sang Hùng Vương, sang Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, xuôi nửa đường Tôn Đức Thắng, xuống các làng Hào Nam, Giảng Võ rồi ngang về phía cuối các trục đường Cát Linh, Kim Mã – cả Thủ Lệ, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám và một phần thuộc đất làng Thụy Khuê –  (hết trích).

Văn học cổ Việt Nam thường được phóng tác hay Nôm hóa từ những tác phẩm của Trung Quốc, nhưng với Bích Câu Kỳ Ngộ thì câu chuyện này thuần của người Việt. Các bạn có thể tìm đọc lại tại các thư viện, trong e-book, hoặc các link tải trên mạng… Tất cả tên người, địa lý cổ xưa hiện vẫn còn vương vất trong một Hà Nội lộn xộn thú vị với cổ tích xen lẫn hiện đại, một kiểu “tân cổ giao duyên” và trộn cả trong không gian mờ ảo từ sớm đến khuya có hương khói cổ kính hòa tan vào mờ sương bụi mịn của giao thông dày đặc…

Cái tên “Ti La” dễ đọc và dễ nhớ, Tây đọc cũng được và Ta nói cũng suông. Nhưng chỉ thế thôi thì vẫn chưa khiến tôi phải ấn tượng hay khâm phục những người đã chọn cái tên rất hay đó từ trong hai câu thơ đã nói trên, hẵn cả hai anh em song sinh Hiển – Đạt đã phải nghiên cứu kỹ lắm mới “chốt” được cái tên này. Bởi tất cả các thư mục lưu trữ đều truyền nhau một bản Hán – Nôm khuyết danh và nhiều diễn giả đã diễn nghĩa câu 428 là : ”đã trong tần tảo lại ngoài ty ca”. (Ty: chỉ cọng dây đàn. Ca: hát hò), chỉ độc nhất của Hoàng Xuân Hãn ông chú giải: phải là “Ti La” thì các câu này mới diễn nghĩa đầy đủ và đối nghĩa với nhau, bởi “ty ca” thì không phù hợp cả văn chương lẫn ý nghĩa.

          – Nhà Lan sum họp bạn Mai: chúng ta đều biết Mai, Lan, Cúc, Trúc là bộ “tứ bình” chỉ một năm bốn mùa, và câu này được khái quát với nghĩa “gọn” hơn, đại loại – đây là một gia đình quanh năm mời bạn bè đến tụ họp. “Nhà” để sum họp “bạn” và “Lan” đối chữ nghĩa với “Mai”.

         – Đã trong Tần Tảo lại ngoài Ti La: Tần là một loại rau. Tảo là loại rong làm thực phẩm. Đối chữ với “Tần Tảo” phải là chữ của một loại thực vật như “Ti La” (ti là sợi tơ, la là lưới. Trong thực vật có “Thố Ti” là dây tơ hồng, quả thật là nó đan nhau như lưới). Về ý nghĩa được diễn giải là: Trong nhà có người vợ hiền tần tảo chăm lo gia đình (lo về việc “ăn”), bên ngoài có người chồng quảng giao kết nối bè bạn (lo về việc “chơi”, xin hiểu theo nghĩa giao du)…

Quả thật ý nghĩa của cái tên Ti La không những đã nói lên đầy đủ cái chất văn nghệ, phong lưu của một gia đình mà còn nói lên tính “đồng thuận” của gia đình ấy. Đến Ti La không chỉ là bạn đến thưởng thức café và các món ăn khác mà bạn còn tìm thấy nơi đây một sự gần gũi với gia chủ, một không khí đầm ấm và tấm lòng rộng mở kết giao của gia chủ, rồi bạn sẽ dễ dàng gặp gỡ nơi đây các bạn bè khác hay nửa kia của mình.

Quả thật Ti La ngày ấy đã là một nơi hẹn hò của nam thanh nữ tú, của giai nhân tài tử, của tri kỷ tri âm, của gia đình hội tụ…

Thế nhưng mọi chuyện người tính không qua Trời tính. Vào tháng 1/1975 quán Ti La đóng cửa vì ba tôi bị thương trong một lần hành quân, má tôi phải đưa ông đi Cần Thơ điều trị… Rồi tiếp sau đó đến tháng 4/1975 ba tôi cũng như nhiều người khác phải “đi học” khi tuổi đà tứ tuần! Quán Ti La giờ không còn bán café nữa mà chuyển sang bán từng bộ bàn ghế, ly tách, máy móc… để chim mẹ nuôi 9 con chim non suốt ngày há mỏ trong khi chim cha miệt mài học tập mà chưa biết ngày nào tốt nghiệp!

Nhưng Dây Tơ Hồng không chết, nó chỉ ngủ đông, một giấc ngủ dài đúng mười bốn năm. Nó dè dặt sống lại ở chính Hà Tiên này, từng chút một, chồi nào chắc chồi đó… Nó vươn ra khe khẻ dò dẫm, thận trọng và nghe ngóng… Nó từ từ mang hạt mầm của mình đi các nơi, và ở các nơi xa ấy Dây Tơ Hồng mạnh dạn vươn mình ra đến rừng già đầy cổ thụ…

Tỉnh dậy sau giấc ngủ đúng mười bốn năm, Ti La đã như thế nào? Mời các bạn đón đọc phần tiếp C – “Ti La – mùa xuân 1989”.

Quang Nguyên (11/2021)

Tấm danh thiếp ghi tên và địa chỉ quán Ti La với hai câu thơ có chữ Ti La do thầy Trương Minh Hiển tặng mình (Trần Văn Mãnh) ngày xưa. Thầy có viết tay thêm địa chỉ nhà thầy ở Mỹ Tho.

Sơ đồ vị trí quán Ti La trên con đường Tham Tướng Sanh, Hà Tiên. Số 1: Nhà Bảo Sanh. Số 2: Chi Thú Y. Số 3: Quán Ti La (cửa chánh nhìn ra đường Tham Tướng Sanh, cửa sau nhìn ra đường Bạch Đằng). Số 4: Nhà Ông Ba Lón, nhà bạn Tăng Kim Sơn ngày xưa. Ba tấm hình chụp trắng đen phía trên theo thứ tự trái qua phải: Cổng chánh bệnh viện Nguyễn Thần Hiến, nhìn ra đường Mạc Cửu, cổng phụ bệnh viện nhìn ra đường Bạch Đằng và cây dừa ba ngọn. (nguồn hình: Nguyễn Như Sơn, Manhhai và Quách Ngọc Bá)

 

 

Một bác sĩ người Pháp rất tận tâm từng phục vụ tại Hà Tiên

Một bác sĩ người Pháp rất tận tâm từng phục vụ tại Hà Tiên

A/ Thầy cô và các bạn thân mến, trong phần viết về nguồn gốc chùa Tam Bảo ở Hà Tiên (1), thầy Trương Minh Đạt có nhắc đến giai đoạn Hòa Thượng Hồng Chức Phước Ân đời Lâm Tế thứ 40 đang trụ trì chùa và có khởi công xây dựng lại chùa từ năm 1920 đến năm 1930 thì hoàn thành. Trong thời gian nầy Hòa Thượng có mời một vị bác sĩ người Pháp rất thông hiểu giáo lý nhà Phật, tên là Isnard đến ở trong căn nhà mới xây bên trái chùa, đó là một căn nhà mới, kiểu tân thời, sau nầy dùng làm hậu liêu của quý sư trụ trì chùa. Thuở còn nhỏ khi theo Bà ngoại đến chùa hàng năm, mình cũng có thấy căn nhà gạch nầy. Vậy bác sĩ Isnard là ai, một người Pháp đang ở Hà Tiên và có làm việc gì ở đây hay không ?

Theo các văn bản còn lưu lại ở Thư Viện Quốc Gia nước Pháp, có một đoạn ghi rỏ như sau :

«Province de Ha-tien
Isnard (Edmond), médecin de 1re classe de l’Assistance, chef de service. ;
Nguyên-van-Ha, médecin auxiliaire de 5e classe à Ha-Tiên ;
Sept infirmiers indigènes de l’Assistance ;
Quatre sages-femmes indigènes de l’Assistance».
Tỉnh Hà Tiên
Các ông : Edmond Isnard : Bác sĩ hạng nhất, giám đốc sở Y Tế ;
Nguyễn Văn Hà, bác sĩ phụ tá hạng 5 ở Hà Tiên ;
Bảy y tá người bản xứ của Sở Y Tế ;
Bốn nữ Hộ Sinh người bản xứ của Sở Y Tế.

Vậy bác sĩ Edmond Isnard chính là một vị bác sĩ làm việc ở tỉnh Hà Tiên với chức vụ giám đốc sở Y Tế và thời gian làm việc của ông ở Hà Tiên là khoảng vài năm trong thập niên 20 (có thể là 1925 – 1929).

Bác sĩ Edmond Isnard sinh ngày 9 tháng 2 năm 1869 tại làng Riez, thuộc Basses-Alpes, nay là vùng Province-Alpes-Côte d’Azur, Pháp. Ông theo học ngành Y khoa tại trường Đại Học Y Dược tỉnh Lyon và đệ trình luận án tiến sĩ Y khoa của ông tại trường nầy với đề tài « Névroses traumatiques chez l’enfant » (Bệnh đau thần kinh ở trẻ em) vào ngày 28/04/1894. Có rất ít tài liệu nói về tiểu sử cuộc đời ông, ngày nay, nhờ một số trang trong các quyển niên giám tổng quát về Đông Dương trong những năm 1916 đến 1925 ta có thể biết được các hoạt động của bác sĩ Isnard tại Đông Dương : Ông tham gia vào bộ máy hành chánh của Pháp ở Đông Dương từ ngày 20 tháng giêng năm 1903 với thứ bậc là bác sĩ hạng 3 tại Sở Y Tế tỉnh Rạch Giá, sau đó một thời gian ngắn cùng năm, ông được thăng bậc bác sĩ hạng 2  và cho đến năm 1920 ông được được thăng bậc bác sĩ hạng nhất và vẫn làm việc tại Rạch Giá. Đến năm 1925 bác sĩ Isnard chuyển đến sở Y Tế tỉnh Hà Tiên và làm giám đốc ở đây. Nhân viên của ông gồm có 6 người y tá và một người trợ tá, 4 nữ hộ sinh được phân phối mỗi người ở một đơn vị : Phú Quốc, sở lỵ Hà Tiên, Hòn Chong và Giang Thành.

Trong thời gian vài năm phục vụ tại Hà Tiên, Bác sĩ Isnard rất được mọi người quý mến và kính trọng, từ những nhân viên người Pháp làm việc và ngay cả người bản xứ vùng Hà Tiên. Ông rất tận tụy, yêu nghề, và cống hiến sức lực, tinh thần cho việc làm của ông luôn được tốt đẹp và thành công. Bác sĩ Isnard vẫn là một con người độc thân, sống rất đơn giản, ông giảm thiểu mọi việc tiêu xài trong cuộc sống để có một lối sống rất bình dị. Ông tham khảo sách vở viết về Đông Phương, nghiên cứu Phật Giáo, thông hiểu giáo lý nhà Phật. Chính Hòa thượng Hồng Chức Phước Ân trụ trì chùa Tam Bảo đã mời bác sĩ Isnard đến ở trong chùa trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1929.

Bác sĩ Isnard cũng có cất một ngôi nhà xinh đẹp ở đường trên đi Hòn Chong, thuộc xã Dương Hòa, cách Hà Tiên 10 km và nơi đây chính là nơi ông nghỉ mát, suy tư, chiêm nghiệm để viết sách trong những ngày nghỉ việc của ông. Ông đã hoàn thành nhiều quyển sách về triết học Đông Phương và triết lý nhà Phật và có cho xuất bản sách tại Sài Gòn.

Vào buổi trưa ngày 14 tháng tư năm 1929, một thảm kịch đã ụp xuống cuộc đời luôn tận tụy cho tha nhân của bác sĩ Isnard : Sau khi từ Hà Tiên về căn biệt thự trên đường đi Hòn Chong để nghỉ ngơi, buổi ăn trưa xong xuôi, bác sĩ cho phép người nhà thong thả về các căn nhà phụ gần đó để ông được một mình ngồi suy tư nhìn ra bờ biển trước mặt…Căn nhà mở tung các cánh cửa đón gió biển…Không ngờ có một tên cướp bản địa lén vào, người ta không biết là do động cơ gì : trả thù bác sĩ hay muốn cướp tiền ? (Không một ai dù là người Pháp hay người bản xứ lại thù ghét một người bác sĩ có lương tâm như ông, và ông cũng chẳng có tiền bạc quý giá gì trong căn nhà nầy !!??) Tên cướp nầy đã dùng một con dao loại dao lớn đốn cây rừng và đã gây ra nhiều vết thương trầm trọng trên mặt bác sĩ…Ông không kêu lên được tiếng nào, khi người nhà chạy đến tiếp cứu thì tên cướp đã chạy mất và thấy bác sĩ Isnard đang nằm trên vũng máu.

Lập tức người ta chuyển bác sĩ Isnard lên nhà thương Hà Tiên, các đồng nghiệp cố gắng trị cho ông, nhưng trong đêm 14 rạng ngày 15 tháng tư năm 1929, bác sĩ Isnard đã trút hơi thở cuối cùng vì các vết thương trên mặt quá nặng…

Thế là chấm dứt một cuộc đời rất đơn giản của một bác sĩ người Pháp luôn phục vụ tận tụy nhân viên, quan chức và ngay cả người bản xứ ở tỉnh Hà Tiên,…Thật là đáng tiếc cho một người tốt đẹp như ông lại bị một cái chết rất thảm hại và vô lý như vậy…

Bác sĩ Isnard còn đang viết một quyển sách chưa hoàn thành về các giá trị tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa, thì ông lại bị ám sát như vậy.

Theo tin tức các tờ báo tiếng Pháp đăng nguồn tin về việc ám sát bác sĩ Isnard trong ngày 14 tháng tư năm 1929, phát hành mấy ngày sau đó, người ta còn biết thêm là buổi sáng ngày 14 tháng 4 hôm đó, đã có một nhóm người chận đường cướp tiền của hành khách trên chuyến xe thư đang chạy về Hà Tiên. Người ta tự hỏi có phải một trong những tên cướp nầy vào buổi trưa đó đã vào nhà bác sĩ Isnard và ám hại ông ?

B/ Sau đây là nội dung tóm tắt bản tin về vụ ám sát bác sĩ Isnard đăng trên tờ báo tiếng Pháp « Người thực dân Pháp » (Le Colon Français) số 491 ra ngày thứ ba 23 tháng 4 năm 1929, theo bản tin nầy chúng ta được biết thêm về con người luôn tận tâm của bác sĩ Edmond Isnard :

« Bác sĩ Isnard, Giám đốc Y tế của tỉnh Hà Tiên, đã bị tấn công vào ngày 14 tháng 4 khi đang ngủ trưa, trong nhà nghỉ của ông cách Hà Tiên 10 km về phía nam và bị thương nặng ở đầu do nhiều nhát dao chém. Bác sĩ Isnard không qua khỏi được vì các vết thương nặng của mình và chết vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 mà không thể cho biết được một chi tiết nào về cuộc tấn công và nguyên nhân của vụ nầy. Hiến binh Rouet, từ trạm Hà Tiên, đến xem xét sự việc trước nhất nhưng chưa đưa ra một kết luận nào.

 … Bác sĩ Isnard sống một mình trong biệt thự của ông nằm trên đường đi Hòn Chong, một địa điểm đẹp như tranh vẽ bên bờ vịnh Xiêm. « Chúng tôi đang phân vân trong các phỏng đoán về động cơ của vụ ám sát này và chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin chính xác nào về tên tội phạm ». Tờ báo viết.

Đây có phải là hành động cô lập của các tên cướp hải tặc xâm nhập khu vực?

Kể từ sáng nay, các ông Bresey, quản lý tỉnh và Roué, ủy viên cảnh sát, đã có mặt tại hiện trường vụ án cùng với các nhân viên dưới quyền của họ để cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn này. Dự kiến ​​sẽ có văn phòng công tố Châu Đốc và cảnh sát cơ động.

… Người quá cố rất được mọi người trong tỉnh kính trọng, nơi mà những cống hiến của bác sĩ đều được người châu Âu và người bản địa biết đến. Bác sĩ sống độc thân và trong những năm gần đây đã chuyển sang Phật giáo…. .

Một đội an ninh, theo lệnh của ông Catalan, thanh tra chính, đến Hà Tiên để điều tra sự việc bác sĩ Isnard bị giết chết. Trong giới chính quyền dường như có một nỗ lực chỉ ra rằng động cơ gây ra tội ác là trộm cắp. Ông Georges Mignon, trên tờ báo « Không thiên vị » (L’Impartial) (2), đã đăng bài viết sau đây về bác sĩ ISNARD:

«Không vướng bận các mối quan tâm về vật chất, giảm lối sống của mình xuống mức cực kỳ đơn giản, ông chỉ nghĩ đến việc xác định trong các bài viết của mình những giá trị tinh thần mà người ta có thể rút ra từ kinh nghiệm Á Châu.

Trong thời gian tôi gặp bác sĩ Isnard ở Hà Tiên, ông đã khai triển cho tôi những kết quả thiết yếu của triết học tổng quát mà ông đã đạt tới, đồng thời đưa tôi đến thăm các địa điểm và chùa chiền của vùng đất nước êm dịu này mà ông yêu thích và được ông xem là một trong những nơi quyến rũ nhất của miền Nam Đông Dương. Ông đã xuất bản vào thời điểm đó do nhà xuất bản Jouve ở Paris, một tập thơ: « Aux Écoutes du Divin » (Lắng nghe điều thiêng liêng) với một niềm cảm hứng rất riêng biệt. Ông vừa xuất bản một bài tiểu luận cô đọng những kết luận siêu hình chính của mình với tựa đề: « La conception idéaliste de l’univers organisme et les théories de la relativité » (Quan niệm duy tâm về vũ trụ sinh vật và các thuyết tương đối).

Tôi đã nói ra với Isnard rằng tác phẩm nầy khó đọc, chỉ các chuyên gia mới có thể tiếp cận, chỉ chạm vào một số lượng nhỏ người đọc và rằng những ý tưởng như vậy xứng đáng được đưa ra công chúng dưới một hình thức cụ thể hơn, chẳng hạn như được nói đến trong một buổi trình bày các học thuyết triết học chính của Châu Á. Ông đã đồng ý và sáng tác những tác phẩm thuộc loại này, và chính nhờ lời mời này mà hai cuốn sách được viết và rất được quan tâm (đặc biệt là cuốn thứ hai): « L’esquisse des principales sectes du Bouddhisme » (Sơ lược về các bộ phái chính của Phật giáo) và « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc)

Trong thời gian gần đây, bác sĩ Isnard đã nghĩ đến việc làm cho học thuyết của mình trở nên dễ hiểu hơn nữa bằng cách phát triển nó trong một loại tiểu thuyết mà ông đặt tên tựa là «Cô-Hai religieuse bouddhiste» (Cô-Hai, nữ tín đồ Phật Giáo). Cuối cùng ông đang chuẩn bị một cuốn sách tuyệt vời về các giá trị tinh thần của Phật giáo Đại thừa, thì ông bị ám sát.

Bác sĩ Isnard là một người hay lo lắng, một tâm hồn bận tâm về sự tuyệt đối và luôn không vừa ý với chính mình. Thật an ủi khi nghĩ rằng vẫn còn những người như vậy ở đây đó và rằng với số người ít ỏi này cũng đủ cho sự cân bằng tuyệt vời của các giá trị đạo đức để đóng vai trò là một đối trọng với nhóm những kẻ tự mãn, không quan tâm mà đầu óc thông minh, nghệ thuật không bao giờ làm việc…

Từ nhiều tháng nay, bác sĩ Isnard đã bị ám ảnh bởi ý tưởng về cái chết. Ông đã viết cho tôi vào ngày 5 tháng Giêng: « Tôi không biết tại sao, nhưng tôi cảm thấy mình không còn nhiều thời gian để sống … ». Ông có cảm thấy bị ám ảnh bởi một số phận bi thảm không? Có lẽ. Nói chung, ông bị cuốn hút một cách kỳ lạ với vùng đất Hòn Chong này, nơi ông có một biệt thự nhỏ được xây cho riêng mình và là nơi ông đến để trải qua những ngày nghỉ của mình. Ông mô tả về đất nước này với tôi như sau vào ngày 19 tháng 3 năm ngoái (1928): “Ở đây có Hòn Chong, một bãi biển tuyệt vời dài hơn 30 km mà người Sài Gòn chưa biết đến nhiều: một Côte d’Azur của Nam Kỳ. Bạn nhất định phải đến và khám phá cùng với bạn bè của mình… ”. Điểm thu hút kỳ lạ của một vùng đất mà ông sẽ bị giết chết tại nơi đó.

Hiện trường kinh hoàng được dựng lại một cách dễ dàng : Bác sĩ Isnard vừa mới đến biệt thự của ông vào cuối tuần. Ở một mình và thiền định trong buổi ngủ trưa, ông cho người nhà của mình đi ngay sau bữa ăn trưa. Ông đang nằm trên một chiếc ghế bành. Tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều mở rộng. Qua các khoảng trống đó, bác sĩ Isnard chiêm ngưỡng con vịnh tuyệt đẹp, với những hòn đảo nhỏ kỳ lạ, có vẻ giống như một phong cảnh của Nhật Bản. Bên cạnh đó, ngôi nhà luôn rộng mở cho tất cả mọi người: bác sĩ không có tiền hoặc có rất ít và người bản xứ nào dám lấy trộm bất cứ thứ gì trong nhà của người mà tất cả mọi người yêu quý và kính trọng? Do đó, không cần đề phòng bọn tội phạm, những người làm trong nhà ông đang ở trong những ngôi nhà phụ xa căn nhà chính. Và ngôi nhà chính đang ở trong sự cô quạnh tuyệt đối.

Tên sát thủ vô danh nhận thức được những điều kiện này. Động cơ nào thúc đẩy tên nầy? Có vẻ như là một sự trả thù, nhưng trả thù nào đối với một người bao giờ cũng chỉ làm bất cứ điều gì tốt với người bản địa? Không ai biết được vì sao. Kẻ thủ ác trang bị một cây dao loại dao đốn cây rừng. Bác sĩ Isnard không nghe thấy tiếng sột soạt của đôi chân trần, ông không kêu lên được tiếng nào cho đến khi cây dao đã gây cho ông vết thương khủng khiếp mà chúng ta biết, cắt mũi và rạch mặt từ trên xuống dưới. Những người làm trong nhà chạy lên thì thấy bác sĩ đang tắm trong vũng máu. Sát thủ biến mất. Bác sĩ bị thương được nhanh chóng chở đến Hà Tiên, ông vẫn giữ được vẻ vui tươi đáng kinh ngạc. Nhưng máu ra quá nhiều. Người đồng nghiệp tận tụy của bác sĩ Isnard đã vội vàng chạy tới, cố gắng cứu ông một cách tuyệt vọng. Bác sĩ Isnard chết sau đó vài giờ. Người đàn ông có lương tâm và trái tim rộng mở, người đã làm thơ viết về Thần Chết như sau (3):

Trong một thời gian dài, tôi đã đưa người ra ngoài trái đất,
Hỡi tâm hồn hoang dã, dịu dàng hơn cả nhân bản của tôi,
Hồn đi trước mặt tôi trong ngọn lửa bí ẩn
Nơi tôi gợi lên chủ quyền vĩnh cửu của mình, …

Những lời nói dối của tôi
Sẽ sớm tan biến trong dư âm của một tiếng ồn vô ích,
Và lằn ranh sống vạch ra mà con người tôi bị cô lập trong đó,
Sẽ đến lượt ra đi một cách bối rối trong đêm tối .

Và mệt mỏi vì khao khát được sống cứ theo đuổi,
Con người với chu kỳ dai dẳng từ đau khổ đến đau khổ
Để tuôn chảy tiếng nói của Trời vốn đã quyến rũ tôi.
Riêng tôi, tôi sẽ đóng những cánh cửa im lặng.
* **

Dư luận cho chúng ta biết rằng vào cùng ngày bác sĩ Isnard bị ám sát, trong khi chuyến xe thư Hà Tiên đang chạy về Hà Tiên, với nhiều người hành khách trên xe thì đột nhiên, từ những bụi cây giáp bên đường, bảy người xuất hiện trang bị hai khẩu súng trường và hai khẩu súng lục. Bọn người này ném những tấm ván lớn ra giữa đường khiến tài xế phải dừng lại. Chĩa vũ khí vào xe, bọn chúng ra lệnh cho những người ngồi trong xe ra ngoài để chúng khám xét, xong việc chúng cho xe tiếp tục lên đường. Ngay sau khi các nhà chức trách ở Hà Tiên biết được sự việc, một cuộc tìm kiếm đã được tổ chức. Đơn vị cơ động của Châu Đốc đã được thông báo. Một số hành khách sống trong làng đã nhận ra trong số những tên cướp có tên đã hoạt động trong làng của họ. Chắc chắn lúc đó bọn cướp có mang theo khẩu súng trường mà chúng đã lấy của một người ở Bình-Trị.

Các cuộc tìm kiếm được tổ chức với người trong làng, dân quân và an ninh, vẫn tiếp tục. Người ta tự hỏi liệu bọn này có phải là kẻ mà vài giờ sau đó, đã tấn công bác sĩ Isnard và sát hại ông hay không, trong những hoàn cảnh khủng khiếp mà chúng tôi đã viết ở trên ».

(Đến đây là hết phần tóm lược bài báo đăng trên tờ « Người thực dân Pháp » (Le Colon Français) số 491 ra ngày thứ ba 23 tháng 4 năm 1929).

C/ Trong tờ báo « L’ Echo annamite » (Tiếng vọng An Nam) do Võ Văn Thơm làm giám đốc, số ra ngày 18/12/1924 tại Sài Gòn, có một bài viết bằng tiếng Pháp về khía cạnh tâm linh của bác sĩ Edmond Isnard và ca ngợi ông là một con người tốt, nội dung bài báo như sau:

« Một nhà tâm linh và là một con người tốt

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện, trong số ra tháng 11 của nguyệt san về tinh thần học (Revue Spirite), một thư mục ghi chú về tập thơ của bác sĩ Edmond Isnard, bác sĩ ngành y tế ở Rạch Giá. Dưới đây là những lời khen ngợi về tác phẩm có tựa đề « Lắng nghe điều thiêng liêng » đã được giới thiệu với công chúng:

Bác sĩ Edmond Isnard, bác sĩ hạng nhất ngành y tế ở Đông Dương, và là nhà tâm linh học, đã có ý tưởng tuyệt vời khi tập hợp lại thành một tập thơ được nhà xuất bản Jouve trình bày rất hay, những bài thơ mà tên tập thơ được đặt rất có ý nghĩa: « Lắng nghe điều thiêng liêng ». Tác phẩm được chia thành nhiều nhóm, nơi những thôi thúc của một chủ nghĩa tâm linh tinh tế xen kẽ với cảm hứng của một nhà thơ, dưới con mắt của mình, giữ được phép thuật sáng chói và xáo động của miền Viễn Đông, thiên đường của những thần thoại, truyền thuyết, và cũng là cái nôi của những sự thật trang trọng. Các nhà Hán học sẽ thích những bài thơ như Kouan-Yin (Bồ Tát Quan Âm); các nghệ sĩ sẽ nếm tác phẩm Le paradis des Colombes (Thiên đường của chim Bồ Câu). Các nhà tâm linh sẽ chỉ phải lựa chọn trong số rất nhiều tác phẩm mà lý tưởng của họ được tôn vinh dưới hình thức quyến rũ nhất, trong một câu thơ uyển chuyển và di động, với những câu ca dao luôn vui vẻ. Đoạn thơ  của bài La Prière (Lời cầu nguyện) sẽ minh họa lời bình luận quá ngắn gọn này về tác phẩm giá trị cao là tập thơ đã nói trên (4):

Hỡi Trời cao, vị thần của hòa bình, tình yêu và sự hòa hợp,
Tôi ngưỡng mộ ngài, trong sâu thẳm của thiên đường với trật tự ẩn kín,
Và sự thống nhất bí mật nơi tất cả sự sống lặn xuống,
Lòng cha mềm mại mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu nay.

 Dây chuyền chúng sinh giờ đây đã bị rời rạc,
Nước trời cạn và cây khô héo,
A! ngừng mòn mỏi trên trái đất bị uốn cong,
Thăng lên, Tình yêu, đi lên nguồn vô tận của ngài.

Chỉ có Trời xứng đáng mãi mãi làm khơi dậy một trái tim trong sáng,
Làm cho tôi trở nên luôn khiêm tốn và luôn mờ mịt hơn,
Chỉ có yêu mới có đau khổ.

Mong rằng lời phàn nàn của tôi với ngài sẽ nổi lên như một dòng chữ chắc chắn,
Và hãy để mỗi nỗi đau mở rộng khung cảnh,
Tôi sẽ đi về đâu để đánh mất mình trong bản thể vĩnh hằng.

Chúng tôi biết rằng bác sĩ Isnard, người đã nhiều năm phụ trách bệnh viện tỉnh Rạch Giá, nơi ông được bao bọc bởi sự đồng cảm kính trọng của người bản xứ, là một người có tấm lòng vàng, người đã làm rất nhiều điều tốt cho tha nhân. Người ta cho rằng lòng tốt của ông nảy sinh từ niềm tin tôn giáo của mình và rằng, sống như một người khổ hạnh, ông đã thêm vào lợi ích của khoa học những kho báu của một tổ chức từ thiện lúc nào cũng muốn cho ra không tiếc rẻ.

Như vậy bác sĩ Isnard tiết lộ về bản thân mình, qua dáng một nhà thơ tinh tế, dưới vẻ ngoài bất ngờ là một bác sĩ, thực sự là một nhà tâm linh hoàn toàn. Không nghi ngờ gì nữa, trong niềm tin và học thuyết triết học của mình, bác sĩ Isnard đã tìm thấy hương vị và những lý do để trở nên con người tốt.

Ô hô! nếu có nhiều người « văn minh » như thế! Giữa chúng ta, người Pháp và người An Nam sẽ hòa hợp, và thương yêu nhau bao nhiêu ! Chao ôi!

Chúng ta đã nghe nhiều hơn một người Pháp từng nói rằng bác sĩ  Isnard bị điên hoặc ít nhất là hơi « điên ». »

Đến đây chấm dứt nội dung bài viết đăng trên tờ báo « Tiếng vọng An Nam », số ra ngày 18/12/1924 tại Sài Gòn.

D/ Bài viết « Một số chi tiết về vụ ám sát bác sĩ Isnard » đăng trên báo « Avenir du Tonkin », (Tương lai của Bắc Kỳ) số 9911, ra ngày 30/4/1929.

« Mọi người biết rằng bác sĩ Isnard, như thường lệ, đã đến nghỉ cuối tuần ngày 14 tháng 4 tại nhà nghỉ mát của ông ở Dương Hòa, cách đường đi Hòn Chong một đoạn và cách Hà Tiên khoảng 12 km. Ông đến vào khoảng 9 giờ sáng, sau đó đi một đoạn khoảng 800 m đến một ngôi chùa (5) để xách giỏ cây cà chua cho nhà sư, rồi trở về ăn trưa vào khoảng 11 giờ và ngủ trưa trước cửa sổ và cửa ra vào, mình để trần theo phong cách của những người địa phương..

Khoảng 13 g 15, chú Can, người làm vườn, đang dọn dẹp hàng rào trong khuôn viên nhà, nghe thấy một tiếng gọi yếu ớt. Anh chạy đến chỗ chủ nhân của mình, thì thấy ông đang ngồi trên giường, giữa vũng máu, một tay ôm cái miệng bị cắt xén của mình. Trên thực tế, bác sĩ có một vết thương khủng khiếp, rất sâu, chạy từ mũi đến hàm dưới và khuôn mặt của ông gần như bị cắt đứt toàn bộ theo chiều dọc.

Người hầu trung thành ngay lập tức đi sang làng bên cạnh để tìm kiếm sự giúp đỡ và với sự giúp đỡ của một số người dân, anh đặt bác sĩ lên xe ngựa để đưa ông đến Hà Tiên. Vì bận rộn công việc, người làm vườn không hề thấy người nào vào nhà nghỉ mát, đúng là nhà có sáu cửa, tội phạm từ khu rừng gần đó hoặc từ trên đồi đi xuống đều có thể tự ý ra vào nhà bác sĩ mà không ai thấy cả.

Ngay khi mọi người đến Hà Tiên, quan chủ tỉnh đã thông báo cho ông Roué, ủy viên cảnh sát đương nhiệm, người đã nghe những lời nhân chứng đầu tiên và lập tức đến hiện trường vụ án. Trong phòng ngủ của bác sĩ, ông phát hiện ra một chiếc quạt lá lấm tấm máu và bị cắt một góc như thể nó đã ở trên mặt nạn nhân khi ông bị chém.

Một cuộc săn lùng ngay lập tức được tổ chức trên núi với sự giúp đỡ của những quan chức và cư dân, nhưng vô hiệu. Mặt khác bác sĩ lại là người rất tốt và không có kẻ thù. Mọi người chìm đắm trong các phỏng đoán về vụ việc này.

Bác sĩ Isnard không còn nói được nữa nhưng vẫn tỉnh táo. Tại bệnh viện Hà Tiên, tối hôm chúa nhật đó ông chỉ trả lời các câu hỏi bằng cách gật đầu đáp lại. Do đó, người ta biết rằng ông đã bị tấn công trong lúc ngủ mà không hề nhìn thấy kẻ ám sát mình và ông không nghi ngờ ai cả. Sau đó, vào khoảng nửa đêm, vị bác sĩ sáu mươi tuổi bất hạnh nầy đã qua đời trong vòng tay của một bác sĩ bản địa từ Kampot đến để chữa trị và chăm sóc cho ông.

Ngày hôm sau, các nhà điều tra được biết rằng một đứa trẻ khoảng mười tuổi đã nhìn thấy một người đàn ông trẻ và gầy, nước da trắng bệch, rời khỏi nhà mát của bác sĩ một ngày trước đó, vào thời điểm xảy ra vụ án, và leo lên núi chạy đi. Cùng lúc đó, quan Phủ Phẩm, đại biểu hành chánh khu đó và một số dân phòng đang tuần tra trong rừng cách nhà mát 150 m, tìm thấy trên một con đường mòn khó đi, số tiền 75 đồng và một hóa đơn đứng tên bác sĩ. Con đường mòn này kết thúc ở một con đường đất, gần nhà ông Trần Văn Thái nào đó. Quan phủ và nhóm người của ông đã khám xét ngôi nhà này và phát hiện ra một cây dao rừng và một cái quần dính đầy máu. Những người cư ngụ khai rằng cây dao này đã được sử dụng để giết cá và các vết bẩn trên quần áo là do mụt nhọt. Những đồ vật này bị thu giữ và gởi cho một phòng thí nghiệm ở Sài Gòn để phân tích máu.

Thẩm phán ở Châu Đốc và thanh tra Catelan, người đứng đầu lực lượng cảnh sát cơ động đã đến vào lúc này cùng với chín điều tra viên giỏi, những phát hiện của nhóm người của ông phủ Phẩm được tiếp tục điều tra và khai thác ngay lập tức. Thời gian biểu của các thành viên trong gia đình Trần Văn Thái là đối tượng được kiểm tra chéo cẩn thận. Tuy nhiên điều đó không hề dễ dàng, địa hình nơi đây và sự im lặng của cư dân đã tạo thành những trở ngại nghiêm trọng.

Cuối cùng, người ta đã thu thập được những giả định đặc biệt nghiêm trọng đối với một trong những người con trai của căn nhà đối tượng của sự điều tra và vào ngày 18 tháng 4, vào buổi sáng, một chiếc tàu thuộc tỉnh Hà Tiên ra khơi cùng với dân quân và cảnh sát cùng với ông phủ Phẩm. Chiếc tàu chạy cả ngày ở Vịnh Xiêm La, thẩm vấn các nhóm ngư dân mà tàu đã gặp qua và may mắn là vào buổi tối đã bắt gặp Phùng Văn Thôi (6), người được cho là thủ phạm, đang bình tĩnh giăng lưới đánh cá.

Bị cáo 23 tuổi được đưa về Hà Tiên, cơ quan công tố Châu Đốc khẩn trương đến thẩm vấn. Thôi hoàn toàn trùng khớp với mô tả của đứa trẻ và chính chiếc quần của anh ta đã dính đầy máu. Khôi bị bỏ tù bất chấp những lời phủ nhận của anh và việc xác minh bằng chứng ngoại phạm của anh đang được tiến hành. Kiểm tra bằng phương pháp chụp X quang các vết dính vào cây dao rừng đã cho biết đó là máu người. Theo những suy luận có khả năng xảy ra nhất, hành vi trộm cắp có thể là động cơ gây ra tội ác. »

Đến đây là hết nội dung của bài báo đăng trên tờ báo nói trên.

Như vậy người ta đã bắt được tên cướp giết chết bác sĩ Isnard.

E/ Tờ báo « Avenir du Tonkin », (Tương lai của Bắc Kỳ) ra ngày 19/8/1929 có đăng tin về vụ xử án thủ phạm ám sát bác sĩ Isnard, tờ báo « Công Luận báo » ra ngày 14/8/1929 cũng có đăng tin tường thuật vụ xử án.

« Vĩnh Long, 12 tháng tám năm 1929 : Chiều ngày thứ hai , 12 tháng tám 1929, vào khoảng 3 giờ tòa án Vĩnh Long khởi sự xử vụ ám sát bác sĩ Isnard ở Hà Tiên, ông Guarrigues ngồi chánh tòa, hai ông Pilatriau và Echeyne thẩm án, quý ông Huỳnh Văn Long và Lê Quang Sung thị sự thiệt thọ, quý ông Nguyễn Văn Hanh và Trần Văn Hô, thị sự phụ. Ông Léonardi, chưởng lý. Trạng sư Mérimée bào chữa cho bị cáo là Phùng Văn Thôi. »

« Nam Kỳ, Vĩnh Long

Kẻ sát hại bác sĩ Isnard bị Tòa án Vĩnh Long tuyên án tử hình.

Kẻ sát hại bác sĩ Isnard, đã xuất hiện hôm qua trước Tòa án hình sự Vĩnh Long, bác sĩ Isnard là trưởng Viện Y Tế tỉnh Hà Tiên, đã bị dao đâm chết tại nhà nghỉ mát của ông.

Tội ác khủng khiếp này dù đã xảy ra cách đây vài tháng vào ngày 14 tháng 4 năm 1929 nhưng vẫn còn hiện hữu trong ký ức của mọi người.

Bác sĩ Isnard đang chợp mắt trong nhà nghỉ cách Hà Tiên khoảng 10 km thì khoảng 1 g 15 chiều, người làm vườn của ông nghe thấy một tiếng gọi yếu ớt. Anh chạy ngay lập tức đến chỗ người chủ của mình, thì  thấy ông bị thương nặng trên giường, ông Isnard vừa bị đánh rất nhiều vào đầu. Được chuyển đến Hà Tiên, bác sĩ Isnard chết ngay trong đêm.

Vào ngày 18 tháng 4, kẻ được cho là sát thủ, Phùng Văn Thôi, người đang đánh cá thản nhiên ở Vịnh Xiêm La, đã bị bắt. Ban đầu anh phủ nhận mình là thủ phạm của tội ác, nhưng đối mặt với những bằng chứng thuyết phục được đưa ra cho anh ta – chiếc quần và một cây dao rừng có vết máu đã được tìm thấy trong nhà anh ta – anh bắt đầu thú nhận. Thôi khai rằng chính là để ăn trộm nên hắn đã giết bác sĩ Isnard.

Thôi đã nhắc lại lời thú nhận của mình ngày hôm qua tại phiên điều trần. Trước tội ác man rợ như vậy, Léonardi, người đảm nhận ghế công tố viên, đã yêu cầu mức án tử hình. Nhiệm vụ của luật sư Mérimée người bào chữa cho Thôi thật khó khăn. Rất khéo léo, luật sư đã cố gắng cứu lấy thân chủ của mình nhưng Tòa án không thừa nhận bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào. Kết quả Phùng Văn Thôi bị kết án tử hình. »

Đến đây là hết nội dung của bài báo đăng trên tờ báo nói trên.

F/ Tuy không biết rỏ động cơ hành động về việc ám hại bác sĩ Isnard, nhưng sau đó trên một bản tin hành chánh Nam Kỳ, trang 1568, có đăng một tin liên quan đến việc bắt được thủ phạm giết chết bác sĩ Isnard như sau :

« Ngày 3 tháng 5 năm 1929, văn bằng khen chính thức đã được trao cho ông Nguyễn Văn Phẩm, phủ hạng 3 và phó quận hạng 1 Nguyễn Văn Sóc, phục vụ tại Hà Tiên, vì những hoạt động và cống hiến mà họ đã thể hiện trong việc truy lùng và bắt giữ kẻ giết bác sĩ Isnard ».

G/ Theo một bài viết của thầy Trương Minh Đạt đăng trên quyển « Kỷ yếu 50 năm Gia đình Phật tử Tam Bảo Hà Tiên » ra mắt năm 2009, thì bác sĩ Edmond Isnard được hòa thượng trụ trì chùa Tam Bảo Hà Tiên mời về ở trong căn nhà hậu liêu của chùa trong khoảng thời gian từ 17 tháng 1 năm 1925 đến ngày 15 tháng 4 năm 1929 là ngày ông bị tai nạn nói trên. Thời đó ông Isnard được chôn cất tại sườn đồi Pháo Đài (Kim Dự) ở Hà Tiên, trên mộ ông có đấp biểu tượng hoa sen như một tín đồ Phật giáo và cũng có cây thánh giá nói lên ngôi mộ của một người Tây phương, ngoài ra cho đến năm 1955 ở chùa Tam Bảo Hà Tiên vẫn còn treo bức hình chân dung của ông. Theo thông tin mà mình dọ hỏi thì hiện nay bức hình chân dung của ông đã bị thất lạc mất, còn ngôi mộ của ông ở sườn đồi Kim Dự (Pháp Đài) thì khi người ta thành lập khu nghỉ dưỡng trên Pháo Đài thì có thể các ngôi mộ rải rác trên sườn đồi nầy đã được dời đi tùy theo thân nhân của các người chết, không có tin chính xác về ngôi mộ của bác sĩ Isnard.

H/ Một trong những quyển sách bằng tiếng Pháp do ông viết ra là quyển « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc) do bác sĩ Edmond Isnard viết, xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn. Quyển sách nầy hiện nay hơi khó tìm, thuộc loại sách xưa hiếm, mình vẫn chưa đọc được, tuy nhiên mình đã tìm ra phần do ông viết « Lời nói đầu » (préface) của quyển sách và mình tạm dịch ra tiếng Việt để giới thiệu với quý vị ở đây, để dễ hiểu mình cũng có thêm phần chú thích dưới bài nầy.

Lời nói đầu (sách « Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc » của bác sĩ Edmond Isnard)

« Những ai đã đọc quyển “Phật giáo ở Campuchia” của Adhémar Leclère (7), có lẽ còn nhớ sự cảm động gợi ứng của vị tu sĩ này (ý nói người tu sĩ Khmer), người mà tác giả (tức Adhémar Leclère) đã cố gắng nói bóng gió, trong một khoảnh khắc ngắn, một chút nghi ngờ triết học của ông với tư cách là một người châu Âu: “Một câu cảm thán thoát ra từ ông ấy.” : “Nhưng mà, chẳng có gì cả!” Nếu con người không tái sinh, nếu không có Thiên đường, Địa ngục, Niết bàn thì không có gì cả; khi chúng ta chết mọi thứ đều qua đi, không có gì cả! Và đầu ông cúi xuống, vầng trán nhăn nheo: ông nhắm mắt lại và giữ nguyên một lúc mà không có một nét nào trên khuôn mặt chuyển động. Ông đang thiền định. Sau đó khuôn mặt ông ấy từ từ sáng lên; ông ngước lên nhìn tôi, mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt tôi, ông nói với tôi: “Ở bên kia cuộc sống, có Thiên đường cho người tốt, có Địa ngục cho người xấu; có tái sinh và trên hết là có Niết bàn. Có tất cả những điều này, bởi vì Đức Phật đã nói có tất cả những điều này”.

Tôi không biết liệu nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ có tin vào những Thiên đường và Địa ngục này hay không mà bản năng công lý ngây thơ luôn phát minh ra để bù đắp cho những tội lỗi của thế giới này; trong tư tưởng Ấn Độ giáo, những nơi này không phải là vĩnh cửu mà vẫn thuộc về vòng luân hồi của Dục vọng và Ảo tưởng. Chúng không cần thiết đối với nền tảng của Phương pháp Cứu rỗi do Đức Phật sáng lập dựa trên khoa học và nghị lực cá nhân.

Các tu sĩ Khmer có thể yên tâm. Nếu học thuyết của người sáng lập vẫn đứng vững trên những biến động tôn giáo, đó là vì được đặt ra một mức tối thiểu về siêu hình học và muốn duy trì trên hết một triết lý kinh nghiệm, một phương pháp cứu rỗi mọi chúng sinh. Đạo đức độc lập, học thuyết chuẩn bị một nền tảng chung tuyệt vời nơi các tín đồ của phương Tây và phương Đông một ngày nào đó có thể được hòa giải về chủ đề vĩnh cửu, cuộc chiến chống lại nỗi đau phổ quát thông qua sự thống trị của những đam mê hỗn loạn được nhân lên, từ thời đại này sang thời đại khác, nỗi đau này: “Hãy làm chủ chính mình… vì thương hại chính mình… vì thương hại người khác”.

Kể từ khi có sự phê phán của Kant (8) và sự ra đời của chủ nghĩa khoa học, các giá trị siêu hình đã bị lu mờ sâu sắc ở phương Tây.

Họ ở rất xa, những nhà tư tưởng của Milet và Élée (9),
Muốn chinh phục tất cả những điều chưa biết ngay lập tức.
Đang cố gắng ôm lấy vũ trụ một cách điên cuồng.

Chúng ta không còn tự hào về mình như những vận động viên già mà nhà thơ nói đến, về việc thâm nhập vào lãnh vực của bóng tối sinh sản trong chớp mắt như những anh hùng của Walhalla (10), để chúng ta luôn có thể tự cho mình niềm vui khi ra những đòn đẫm máu. Kant đã chứng minh một cách dứt khoát rằng các ý tưởng của lý tính đều xuất phát từ kinh nghiệm và quay trở lại kinh nghiệm.

Liệu chúng ta có tìm cách sử dụng những ý tưởng này bên ngoài kinh nghiệm, bên ngoài thế giới quan hệ, bằng cách áp dụng chúng cho toàn bộ Vũ trụ, cho bản chất và nguyên nhân đầu tiên, theo so sánh của triết gia, tất cả những gì còn lại trong tay chúng ta chỉ là những cái bóng. Có vẻ như, khi bị loại khỏi trò chơi của trải nghiệm, các phạm trù của lý trí thuần túy chỉ đóng vai trò trống rỗng, giống như một cánh quạt rời khỏi mặt nước.

Những phân tích của Hume (11) và Kant, vốn làm kinh ngạc tâm trí phương Tây của chúng ta, vẫn thấm nhuần chủ nghĩa trí thức Do Thái-Kitô giáo, đã quen thuộc với Ấn Độ cổ đại. Không có con người hiện đại nào vượt qua được sự chỉ trích của các vị Tổ vĩ đại của Phật giáo trong những thế kỷ đầu tiên của thời đại chúng ta, Nagarjuna và Cantideva (12). Có vẻ như đôi khi, khi đọc lý thuyết của họ về tính tức thời của các hiện tượng và khoảng trống phổ quát, họ đã đoán trước được những quan niệm tiên tiến nhất của thời đại chúng ta về tính tương đối của thời lượng, độ dài, khối lượng của tất cả những ấn tượng nhạy cảm của chúng ta.

Chính từ sự thái quá của chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa bi quan của mình, kéo dài đến cơn lốc vĩnh cửu của cái chết và sự tái sinh, mà Đấng Giác ngộ vĩ đại của Ấn Độ đã mang lại sự sáng tỏ sẽ trở thành sự cứu rỗi của thế giới. Lãnh vực của các mối quan hệ được những người theo đạo Hindu gọi là Luân hồi (cơn lốc), chỉ cung cấp cho trí tuệ những chân lý tương đối và đạo đức vĩnh viễn mà những giá trị nầy thiếu tiêu chuẩn về một điểm tham chiếu tuyệt đối. Tuy nhiên, con người khao khát sự thật và hạnh phúc. Điều mà thế giới tri thức nhạy cảm và trí thông minh từ chối đối với con người, con người quay về với chủ nghĩa thần bí. Hoàn toàn được nuôi dưởng bởi sự bất mãn vô địch của con người đối với một thứ siêu lý trí không thể nhận biết được, vượt ra ngoài những điều kiện phù du của giác quan, của kinh nghiệm và lý trí, chủ nghĩa thần bí giả vờ mang lại một sự thật vượt khỏi lý trí, một hạnh phúc vượt quá khoái cảm.

Chống lại sự thiếu hiểu biết, vô minh, mẹ của ảo tưởng và đau khổ, nghiền nát thế giới hiện tượng thành bụi của các sự kiện không có thời gian và không có cá tính, đó là đối tượng của “Lòng Từ bi Phật giáo” vĩ đại. Lòng trắc ẩn hướng tới “Nỗi đau của thế giới” này thậm chí còn mang tính lý trí hơn là cảm xúc. Nhưng điều ấy không phải là tất cả. Đối mặt với những thú vui buồn bã mà Kinh Thánh gọi đúng là “mắt xích” dẫn đến hạnh phúc, người Phật tử phải nói được: “Tôi không phải cái đó, cái đó không phải là tôi”. Cầu mong anh ta thăng tiến lên một mức độ, cầu mong anh ta khám phá cho tất cả chúng sinh những quan điểm của Niết bàn thông qua niềm hạnh phúc của những chiêm nghiệm khoa học, thẩm mỹ và tôn giáo, của nghệ thuật, của trực giác, của sự hy sinh, của mọi thứ chuyển động theo thứ tự vô tư, của cái không thể cân nhắc, của tâm linh và được tóm tắt bằng từ “giải thoát”.

Làm chủ các đam mê và tự chủ chuẩn bị cho Phước lành, và đến lượt Hạnh phúc bảo đảm làm chủ được các đam mê. Ở đây phương Tây và phương Đông gặp nhau nơi con người của hai vị sáng lập ra khoa học hạnh phúc, Spinoza và Çakya-Mouni (13). Phần cuối cuốn « Đạo đức học » của Spinoza mang âm hưởng Phật giáo thực sự: “Hạnh phúc không phải là phần thưởng của đức hạnh, mà chính là đức hạnh, và chúng ta không hưởng được Hạnh phúc vì chúng ta hạn chế sự rèn luyện của mình, mà ngược lại, chính vì chúng ta tận hưởng Hạnh phúc mà chúng ta có thể kiềm chế được sự rèn luyện của chúng ta.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, khoa học về hạnh phúc như vậy chỉ có thể tiếp cận được với giới thượng lưu. Hầu hết con người đều cần sự trừng phạt của Thiên đường và Địa ngục để “hạn chế việc rèn luyện của họ”. Ngay từ đầu, giáo lý thanh tịnh của Đức Phật đã bị các phần tử ăn bám xâm chiếm, Spinoza bị Giáo hội Do Thái buộc tội là vô đạo đức. Tuy nhiên, sự sáng tỏ do những bậc tiền bối vĩ đại này nêu ra không phải được giấu kín với con người. Một số ít sẽ hiểu: đây đó sẽ có những vụ thu hoạch mới cho Thành phố tương lai ».

Đến đây là chấm dứt bài « Lời nói đầu » của quyển sách « Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc » của bác sĩ Edmond Isnard.

I/ Trong tạp chí “La Revue Spirite” (Tạp chí Tâm linh) ra tháng 4 năm 1928, tại Paris, có đăng một bài bình luận về nội dung quyển sách « Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc » của bác sĩ Edmond Isnard trong mục « điểm sách ». bài viết được tóm tắt như sau:

« Trí tuệ của Đức Phật và Khoa học về Hạnh phúc, của Bác sĩ Edmond Isnard (Ấn bản của Tạp chí Viễn Á).

Một trong những cuốn sách hay nhất về Phật giáo dành cho người phương Tây: bởi vì Bác sĩ Isnard, một người theo chủ nghĩa duy vật, đã gần như chuyển đổi sang Phật giáo sau một thời gian dài lưu trú ở Châu Á; bởi vì Bác sĩ Isnard nhận thức được tất cả những tiến bộ siêu hình trong những năm gần đây, đến mức công việc của ông không còn là “chủ nghĩa kinh viện về Đông phương ” mà là một sự thích ứng của Phật giáo với những khát vọng hiện đại của chúng ta, một sự thích nghi dễ dàng hơn, ông đảm bảo với chúng ta, vì nước Ấn Độ (L’Inde aryenne trong bản gốc) và nước Pháp (La France Celtique trong bản gốc) thường có cảm giác như chị em. Cuối cùng, Bác sĩ Isnard dường như tin vào sự ưu việt của Phật giáo so với Cơ đốc giáo. Vấn đề quá tế nhị để chúng ta có thể trả lời bằng một từ duy nhất. Còn lại thì có gì quan trọng! Chúng ta chỉ cần biết rằng phương Tây sẽ rất sai lầm nếu đánh giá thấp tôn giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Khi đọc cuốn sách quý giá này, chúng ta nhận ra, qua những quan điểm nguyên thủy và những nhận định sâu sắc của tác giả, Phật giáo bí truyền như thế nào: Không hề bị lay chuyển, khoa học đã xác nhận một cách đáng kinh ngạc những thông điệp của học thuyết Phật giáo (Einstein, Curie, Osty… , là những người dẫn dắt ​​của học thuyết Phật giáo), và điều đang sụp đổ là tất cả những định kiến ​​của phương Tây về giáo lý của Đức Phật: chủ nghĩa hư vô; niết bàn là hư vô, v.v., tất cả những sai lầm đều được hầu hết các học giả của chúng ta duy trì một cách lạnh lùng!

Bác sĩ Isnard nói về những gì ông học được ở tại chỗ, chứ không phải ở Thư viện Quốc gia ở Ba Lê! Vừa thú vị vừa giàu thông tin, cuốn sách của ông viết ở Đông Dương, nơi ông đến lần đầu tiên vào năm 25 tuổi, xứng đáng được đánh giá cao. ».

Đến đây thì chấm dứt bài bình luận nói trên.

 Chú thích  :

  • (1) Trang 328, quyển « Nghiên Cứu Hà Tiên, Họ Mạc Với Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, xuất bản năm 2016.
  • (2) «Không thiên vị» (L’Impartial) là một tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn lúc đầu xuất bản tại Nam Vang (Phnom Penh), đến năm 1917 Ernest Outrey mua lại và chuyển về Sài Gòn và để cho nhà báo Henry Chavigny de Lachevrotière làm chủ bút. Đó là một trong những tờ báo được nhiều độc giả nhất. Thời gian hoạt động từ 1917 đến 1943.
  • (3) Nguyên văn bài thơ của bác sĩ Isnard bằng tiếng Pháp :

    Dès longtemps je t’ai mise à l’abri de la terre,
    O mon âme sauvage et douce et plus qu’humaine,
    Qui marche devant moi dans les feux d’un mystère
    Où j’évoque mon éternelle souveraine,

    …Le mensonge de mes paroles
    Bientôt va se dissoudre en l’écho d’un vain bruit,
    Et les vivants contours dont mon être s’isole,
    A leur tour confondus, s’en iront dans la nuit.

    Et lassé du désir de vivre qui poursuit,
    Les hommes, de douleur en douleur, cycle immense
    Pour écouler la voix du Dieu qui me séduit.
    Sur moi je fermerai les portes du silence

  • (4) Nguyên văn bài thơ của bác sĩ Isnard bằng tiếng Pháp :

Oh Dieu, Esprit de paix, d’amour et d’harmonie,
J’adore en vous, au fond des cieux, l’ordre caché,
Et l’unité secrète où plonge toute vie,
Le doux sein paternel que j’avais tant cherché.

Des êtres maintenant, la chaîne est désunie,
L’eau du ciel est tarie et l’arbre desséché,
Ah ! cesse de languir sur la terre penché,
Remonte, Amour, remonte à ta source infinie.

Dieu, seul digne à jamais d’inspirer un cœur pur,
Rends-moi toujours plus humble et toujours plus obscur,
Uniquement épris de la bonne souffrance.

Que ma plainte vers toi monte comme un trait sûr,
Et que chaque douleur élargisse l’azur,
Par où j’irai me perdre en l’éternelle essence.

  • (5) Ngôi chùa đó có thể là chùa Vạn Hòa, thuộc Ấp Hòn Heo, xă Dương Hòa, quận Kiên Lương.
  • (6) Nguồn khác ghi là Khôi.
  • (7) Adhémard Leclère (1853 – 1917), là một chính trị gia người Pháp, nhà quản lý thuộc địa, nhà kinh tế, nhà văn, nhà thơ, nhà Đông Phương học  và người theo chủ nghĩa Ấn Độ. Ông sống và làm việc ở Cambodge trong thời kỳ 1886 – 1910. Ông viết rất nhiều sách về nước Cambodge và về triết học Phật Giáo, đặc biệt có quyển « Le Bouddhisme au Cambodge » (tựa chính thức trong sách gốc ghi là “« Le Buddhisme au Cambodge »), xuất bản tại Paris năm 1899, NXB: Ernest Leroux, Editeur.
  • (8) Emmanuel Kant (1724 – 1804), là một triết gia người Đức, theo chủ nghĩa duy tâm siêu việt, ông tin rằng lý trí là nguồn gốc của đạo đức. Ông gây ảnh hưởng rất lớn đến Kỷ nguyên Khai sáng vào thế kỷ thứ 18 ở Tây phương.
  • (9) Milet: là một thành phố cổ của nước Hy Lạp cổ xưa được thành lập vào thế kỷ thứ 11 trước Công Nguyên, ngày nay vùng nầy thuộc về nước Thổ Nhỉ Kỳ. (Milet cũng là nơi sinh ra của nhà Triết học, Toán học Hy Lạp Thalès). Élée là một thành phố cổ do người Hy Lạp cổ thành lập khoảng năm 535 trước Công Nguyên, ngày nay vùng nầy thuộc về nước Ý. (Élée là quê hương của nhiều nhà triết học như Parmenides, Zeno, cùng trường phái triết học Eléatique, một trường phái triết học cổ đại rất nổi tiếng).
  • (10) Walhalla : Theo thần thoại cổ Bắc Âu, Walhalla là cung điện nơi các anh hùng, chiến sĩ chết trận dũng cảm được đưa về đó. Hằng ngày họ tập trận và đến tối thì được dự yến tiệc, trong khi những người khác không được vào cung điện Walhalla thì phải bị đưa về cung âm (giống như âm phủ, địa ngục).
  • (11) David Hume (1711 – 1776), là một nhà triết học, kinh tế học, sử học người Tô Cách Lan ( Ecosse) rất quan trọng trong thời kỳ Khai Sáng vào thế kỷ thứ 18. Ông theo nhiều chủ nghĩa trong đó có chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa tự nhiên, duy nghiệm, không tôn giáo.
  • (12) Nagarjuna : (còn gọi là Sư Long Thọ) là một nhà văn, nhà hiền triết, nhà sư lớn thuộc Phật giáo Ấn Độ. Ông sinh vào khoảng thế kỷ thứ nhất và mất vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Ông thành lập ra trường phái Trung Quán Tông (La Voie du milieu, Madhyamaka), một trường phái thuộc Đại thừa Phật Giáo. Sư được xem như là vị tổ thứ 14 của Thiền Tông Ấn Độ và cũng được xếp trong 84 vị Đại thành tựu giả (mahasiddha), danh hiệu chỉ những vị sư tu khổ hạnh trong khoảng thế kỷ 8 đến 12 của Phật giáo Ấn Độ. Cantideva : Shantideva (còn gọi là Tịch Thiên) là một nhà thi sĩ và nhà sư lớn thuộc Phật giáo Ấn Độ. Ông sinh năm 685 và mất năm 763 sau Công Nguyên. Ông là thành viên của trường phái Trung Quán Tông thuộc Đại Thừa Phật giá và cũng được xếp trong 84 vị Đại thành tựu giả nói trên.
  • (13) Baruch Spinoza (1632 – 1677) là một nhà triết học Hòa Lan – Do Thái, gốc Bồ Đào Nha. Ông được xem như đi tiên phong trong thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ thứ 17, theo chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phê phán Kinh thánh. Çakya-Mouni, còn gọi là Siddhārtha Gautama hay tên quen thuộc là đức Phật Thích ca Mâu Ni, là một nhà sư, nhà thuyết giảng, nhà triết học của Ấn Độ cổ đại, và là vị sáng lập ra Phật giáo. Nhiều tài liệu cho là năm sinh của ngài khoảng 623 hoặc 563 trước Công Nguyên tại Népal và năm ngài mất khoảng 543 hoặc 483 trước Công Nguyên tại Ấn Độ.

Paris, viết xong ngày thứ hai 29 tháng 11 năm 2021, bổ sung ngày 24 tháng 6 năm 2022 và ngày 27 tháng 11 năm 2023. Trần Văn Mãnh

 

Hình bìa tập luận án Tiến Sĩ Y Khoa của bác sĩ Edmond Isnard đệ trình vào ngày 28/04/1894 tại trường Đại Học Y Dược Lyon. Nguồn: Source gallica.bnf.fr / Bibliothèque nationale de France)

Quyển niên giám năm 1916, trang 424 có ghi rỏ tên họ và ngày sinh của bác sĩ Edmond Isnard. Nguồn: (Annuaire de l’Indochine Française 1916 – IMPRIMERIE D’ EXTRÊME-ORIENT, Editeur à Hanoi)

Quyển niên giám năm 1925, trang 156 có ghi rỏ tên họ bác sĩ Edmond Isnard và thành phần nhân viên trong sở Y Tế Hà Tiên. Nguồn: (Annuaire de l’Indochine Française 1916 – IMPRIMERIE D’ EXTRÊME-ORIENT, Editeur à Hanoi)

Hình bìa của quyển sách « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc) do bác sĩ Edmond Isnard viết, xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn.

Hình bìa và trang đầu của quyển sách « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc) do bác sĩ Edmond Isnard viết, xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn.

Hình một vị BồTtát ở một ngôi chùa ở Hà Tiên (có thể là chùa Tam Bảo, Hà Tiên) tranh bằng màu nước do bác sĩ Edmond Isnard vẽ.

Bổ sung bài:

1/ Bạn Trương Thanh Hùng, một cựu học sinh Trung Học Hà Tiên ngày xưa, góp ý thêm sau khi đọc bài: « Ngôi nhà nghỉ của bác sĩ Isnard ở trên sườn đồi nhìn xuống bãi tắm Hòn Heo. Năm 1974 tôi còn thấy nền nhà bằng đá và có lên ngồi trên đó ngắm cảnh. » (Ấp Hòn Heo thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang ngày nay).

2/ Anh Nguyễn Như Sơn là một trong những người hậu duệ của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến, góp ý sau khi đọc bài: « Trong bài viết về Bs Isnard có đoạn cuối… khen thưởng nhân viên đã bắt thủ phạm… có thấy tên “ông Nguyễn Văn Phẩm, phủ hạng 3”… ông là cháu rể gọi Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến bằng cậu (mẹ vợ ông Phẩm là em của Cụ Nguyễn Thần Hiến) ». Anh Nguyễn Như Sơn kêu ông Nguyễn Văn Phẩm là Ông dượng.

Cám ơn các bạn đã đọc bài và góp ý rất hay. (TVM)

Tìm được 6 phong bì thư của nhà nhiếp ảnh Hà Tiên Quách Ngọc Bá gửi qua Pháp cách đây khoảng 70 năm

Tìm được 6 phong bì thư của nhà nhiếp ảnh Hà Tiên Quách Ngọc Bá gửi qua Pháp cách đây khoảng 70 năm

Thầy cô và các bạn thân mến, có khi nào thầy cô và các bạn đi du ngoạn xem hàng trong một buổi chợ bán vật dụng cũ xưa (bên Pháp có từ ngữ gọi phiên chợ nầy là Brocante) và tình cờ bất gặp một vài món hàng người ta bày bán mà đó lại chính là vài vật dụng của chính mình đã có thời xa xưa trước…Có lẽ khi đó chúng ta sẽ cảm thấy có một chút xao xuyến và cảm xúc trước các món hàng quen thuộc nầy. Tâm trạng đó cũng gần giống như tâm trạng những ngày qua khi mình lục lạo trên một site bán các hình ảnh, phong bì thư, bưu thiếp cũ xưa có tên là Delcampe, tình cờ thấy được hình ảnh nhiều phong bì thư rất xưa được xuất phát từ văn phòng bưu điện Hà Tiên, đề chữ gửi qua các địa chỉ bên Pháp mà người gửi thì có tên rất quen thuộc, đó là tên của nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá, một nhà nhiếp ảnh hoạt động về xuất bản hình ảnh phong cảnh Hà Tiên ngày xưa mà đa số chúng ta đã từng sống trong những thập niên 60, 70 ở Hà Tiên đều biết đến ông.

Có tất cả 6 phong bì thư được giới thiệu trên site Delcampe nầy, thời gian di chuyển của các phong bì thư nầy là trong khoảng từ năm 1948 cho đến năm 1951 (thời gian nầy chính mình cũng chưa sinh ra…!!). Các phong bì thư nầy được gửi đến hai địa chỉ sau đây: Trung tâm hình Block và Lux và Trung tâm xuất cảng hình, hai nơi nầy ở hai con đường khác nhau nhưng đều thuộc thành phố Strasbourg, một thành phố ở miền Đông nước Pháp. Tai sao những phong bì thư cũ nầy lại được rao bán, xuất hiện trên một site chuyên mua bán những hình ảnh, phong bì thư, bưu thiếp cũ? Giá của các phong bì thư nầy được ấn định trong khoảng từ 10 € đến 15 € một phong bì.

Vì nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá có hoạt động chính là trong lãnh vực hình ảnh nên điều nầy cũng dễ hiểu. Có lẽ là trong thời gian những năm 1948 cho đến 1951, ông thường giao dịch với các trung tâm về hình ảnh ở bên Pháp vì nhu cầu nghề nghiệp, như để mua giấy in ra hình ảnh, phim chụp hình và thuốc rửa phim ảnh…v…v… Vì thế ông thường gửi thơ giao dịch với các trung tâm đó, đa số là phong bì thư có dấu hiệu chuyển đi bằng máy bay và đều là thư bảo đảm (lettres recommandées).

Rồi tại sao người ta lại đem bán đi những phong bì thư nầy? Người Pháp thường hay sưu tầm, họ sưu tầm rất nhiều vật dụng, đủ mọi loại…Thông thường nhất là người Pháp thích sưu tầm những hình ảnh cũ xưa, càng xưa càng quý và đắt tiền, những bưu thiếp có hình các thắng cảnh, nhất là do những người Pháp đã từng qua Đông Dương phục vụ như binh lính, viên chức, sĩ quan và gia đình…Họ gửi hình ảnh, bưu thiếp với vài câu viết ngay trên mặt sau bưu thiếp để cho thân nhân ở Pháp biết tin tức, tình hình sức khỏe của họ,…, và dĩ nhiên người ta cũng sưu tầm luôn cả phong bì thư với các dấu đóng mộc ở mặt trước và mặt sau, các con tem dán lên phong bì, tất cả các yếu tố đó xác đinh giá cả và tầm quý giá của mặt hàng, phong bì càng xưa càng quý và càng đắt tiền. Mình đã thấy trên site Delcampe có những phong bì thư được gửi đi từ Hà Tiên về bên Pháp vào năm 1878 và hiện nay người làm chủ phong bì thư đó rao bán với giá là 600 € !!

Người rao bán các phong bì thư của ông Quách Ngọc Bá gửi đi từ Hà Tiên vào những năm thập niên 40, 50 ngày xưa, đăng trên site Delcampe hiện nay không hẳn là người nhận các phong bì thư do ông Quách Ngọc Bá gửi khi xưa (ông gửi cho các Trung Tâm hình ảnh ở Strasbourg, Pháp). Vì lẽ dễ hiểu là từ năm 1948, 1951 cho đến nay đã quá lâu, thời gian trôi qua đã hơn 60, 70 năm, có thể là lúc đầu những người Pháp làm việc trong các Trung Tâm hình ảnh ở Strasbourg nước Pháp đã giữ lại các phong bì thư của ông Quách Ngọc Bá mỗi lần họ nhận được thư. Rồi theo thời gian có thể họ cho bạn bè hay người quen các phong bì thư nầy hay là để quên trong nhà từ xưa cho đến nay…Con cháu họ tình cờ tìm thấy và đem đăng lên site Delcampe để bán vì các phong bì thư cũ lâu năm nầy rất được khách sưu tầm tìm mua.

Và cũng nhờ như vậy, ngày hôm nay, người gốc gác Hà Tiên và đã có hân hạnh quen biết với ông Quách Ngọc Bá như mình, đã từng tiếp chuyện với ông ngày xưa, được cái may mắn thấy các phong thư do chính tay nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá viết trên đó địa chỉ người nhận và tên họ người gửi…Thật là một điều kỳ diệu, cho đến bây giờ mình cũng hoàn toàn chưa hề biết các giao lưu thư từ của nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá với người Pháp như vậy,…Qua các hoạt động nghề nghiệp của ông, quả thật ông là một người trí thức và đã có sự giao thiệp rộng như vậy.

Sau đây là các phân tích về tính chất của phong bì thư, thời gian chuyển thư đi từ Hà Tiên, đến Sài Gòn, rồi qua đến thành phố Strasbourg, nước Pháp, địa chỉ người nhận và người gửi,  căn cứ trên các chữ viết và các dấu mộc đóng trên các phong bì xưa đã gần 70 năm của nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá.

Năm 1948:

1a/ Phong bì từ Hà Tiên gửi cho hiệu Trung tâm hình Block và Lux (Central Photo Block et Lux), địa chỉ số 5, đường Mercière, Strasbourg, (France). Dấu đóng trên phong bì xuất phát từ văn phòng Hà Tiên ngày 9 tháng 7 năm 1948 (HATIEN COCHINCHINE). Phía trên cao có đề tên người gửi: exp: Quach Ngoc Ba Hatien (người gửi: ông Quách Ngọc Bá, Hà Tiên). Bên trái có dấu hiệu thư gửi theo đường máy bay. Ngoài ra còn có dấu đóng đề chữ HATIEN R No 134 để chỉ đây là thư bảo đảm (lettre recommandée). Ông Quách Ngọc Bá là một người kỳ cựu quen thuộc ở Hà Tiên và có cửa hiệu xuất bản và hoạt động về hình ảnh ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970. (Hình: Delcampe)

2a/ Phong bì từ Hà Tiên gửi cho hiệu Trung tâm hình Block và Lux (Central Photo Block et Lux), địa chỉ số 5, đường Mercière, Strasbourg, (France). Dấu đóng trên phong bì xuất phát từ văn phòng Hà Tiên ngày 16 tháng 9 năm 1948 (HATIEN COCHINCHINE). Phía trên cao có đề tên người gửi: exp: Quach Ngoc Ba Hatien (người gửi: ông Quách Ngọc Bá, Hà Tiên). Bên trái có dấu hiệu thư gửi theo đường máy bay. Ngoài ra còn có dấu đóng đề chữ HATIEN R No 785 để chỉ đây là thư bảo đảm (lettre recommandée). Ông Quách Ngọc Bá là một người kỳ cựu quen thuộc ở Hà Tiên và có cửa hiệu xuất bản và hoạt động về hình ảnh ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970. (Hình: Delcampe)

2b/ Bìa sau của phong bì trên. Có dấu đóng chỉ tên họ người gửi: Quách Ngọc Bá, Bar Quach Lam, HATIEN.  Dấu đóng thứ nhất cho thấy thư đến Sài Gòn ngày 28 tháng 9 năm 1948 (Saigon Central Cochinchine). Dấu đóng thứ hai cho thấy thư đến Strasbourg (Pháp) ngày 8 tháng 10 năm 1948 (Strasbourg R.P BAS-RHIN). (Hình Delcampe)

Năm 1950:

3a/ Phong bì từ Hà Tiên gửi cho hiệu Trung tâm xuất cảng hình (Central Photo Export), địa chỉ số 6, đường Ch. Schmidt, Strasbourg, (France), tuy nhiên có chữ viết khác với chữ viết của người gửi thêm vào « Meinau » (Meinau là một khu phố thuộc thành phố Strasbourg). Dấu đóng trên phong bì xuất phát từ văn phòng Hà Tiên ngày 11 tháng 7 năm 1950 (HATIEN SUD VIET-NAM). Phía trên cao có đề tên người gửi: exp: Quach Ngoc Ba Hatien (người gửi: ông Quách Ngọc Bá, Hà Tiên). Bên trái có dấu hiệu thư gửi theo đường máy bay. Ngoài ra còn có dấu đóng đề chữ HATIEN R No 994 để chỉ đây là thư bảo đảm (lettre recommandée). Ông Quách Ngọc Bá là một người kỳ cựu quen thuộc ở Hà Tiên và có cửa hiệu xuất bản và hoạt động về hình ảnh ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970. Dấu đóng trên bìa thư không còn là Hatien Cochinchine mà ghi là Hatien Sud Vietnam. (Hình: Delcampe)

3b/ Bìa sau của phong bì trên. Có 5 dấu đóng mộc. Một dấu đóng cho thấy thư đến Sài Gòn ngày 14 tháng 7 năm 1950 (SAIGON RP SUD VIETNAM). Một dấu đóng khác cho thấy thư đến Strasbourg (Pháp) ngày 17 tháng 7 năm 1950 (Strasbourg R.P BAS-RHIN). Một dấu đóng thứ ba cho thấy thư đến khu phố Meinau (Pháp) ngày 18 tháng 7 năm 1950 (STRASBOURG MEINAU BAS-RHIN). (Hình Delcampe)

4a/ Đây là một trường hợp phong bì có tên hiệu riêng của người gửi: Phong bì từ Hà Tiên gửi cho hiệu Trung tâm xuất cảng hình (Central Photo Export), địa chỉ số 6, đường Ch. Schmidt, Strasbourg, (France), tuy nhiên có chữ viết khác với chữ viết của người gửi thêm vào « Meinau » (Meinau là một khu phố thuộc thành phố Strasbourg). Dấu đóng trên phong bì xuất phát từ văn phòng Hà Tiên ngày 25 tháng 8 năm 1950 (HATIEN SUD VIET-NAM). Phía trên cao bên trái có hàng chữ in đề tên người gửi: Quach-Ngoc-Ba HÀTIÊN PHOTO HATIÊN (Sud-Viêtnam). Bên dưới phải có dấu hiệu thư gửi theo đường máy bay. Ngoài ra còn có dấu đóng đề chữ HATIEN R No 217 để chỉ đây là thư bảo đảm (lettre recommandée). Ông Quách Ngọc Bá là một người kỳ cựu quen thuộc ở Hà Tiên và có cửa hiệu xuất bản và hoạt động về hình ảnh ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970. Dấu đóng trên bìa thư không còn là Hatien Cochinchine mà ghi là Hatien Sud Vietnam.(Hình: Delcampe)

4b/ Bìa sau của phong bì trên. Có 5 dấu đóng mộc. Một dấu đóng cho thấy thư đến Sài Gòn ngày 28 tháng 8 năm 1950 (SAIGON RP SUD VIETNAM). Một dấu đóng khác cho thấy thư đến Strasbourg (Pháp) ngày 1 tháng 9 năm 1950 (Strasbourg R.P BAS-RHIN). Một dấu đóng thứ ba cho thấy thư đến khu phố Meinau (Pháp) ngày 2 tháng 9 năm 1950 (STRASBOURG MEINAU BAS-RHIN). (Hình Delcampe)

Năm 1951:

5a/ Đây là một trường hợp phong bì có tên hiệu riêng của người gửi: Hatien-Photo, Phong bì từ Hà Tiên gửi cho hiệu Trung tâm xuất cảng hình (Central Photo Export), địa chỉ số 6, đường Ch. Schmidt, Strasbourg, France. tuy nhiên có chữ viết khác với chữ viết của người gửi thêm vào « Meinau » (Meinau là một khu phố thuộc thành phố Strasbourg). Dấu đóng trên phong bì xuất phát từ văn phòng Hà Tiên ngày 6 tháng 4 năm 1951 (HATIEN SUD VIET-NAM). Phía trên cao bên trái có đề tên người gửi: Quach Ngoc Ba, Place du Marché, Hà Tiên (Sud-Viêtnam) (người gửi: ông Quách Ngọc Bá, công trường chợ, Hà Tiên, miền nam Việt Nam). Phía dưới phải có dấu hiệu thư gửi theo đường máy bay. Ngoài ra còn có dấu đóng đề chữ HATIEN R No 468 để chỉ đây là thư bảo đảm (lettre recommandée). (Ông Quách Ngọc Bá là một người kỳ cựu quen thuộc ở Hà Tiên và có cửa hiệu phát hình và hoạt động về hình ảnh ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970). Dấu đóng trên bìa thư không còn là Hatien Cochinchine mà ghi là Hatien Sud Vietnam. (Hình: Delcampe)

5b/ Bìa sau của phong bì trên. Có 5 dấu đóng mộc. Một dấu đóng cho thấy thư đến Sài Gòn ngày 13 tháng 4 năm 1951 (SAIGON RP SUD VIETNAM). Một dấu đóng khác cho thấy thư đến Strasbourg (Pháp) năm 1951 (Strasbourg R.P BAS-RHIN). Một dấu đóng thứ ba cho thấy thư đến khu phố Meinau (Pháp) ngày 18 tháng 4 năm 1951 (STRASBOURG MEINAU BAS-RHIN). (Hình Delcampe)

6a/ Đây là một trường hợp phong bì có tên hiệu riêng của người gửi: Hatien-Photo, Phong bì từ Hà Tiên gửi cho hiệu Trung tâm xuất cảng hình (Central Photo Export), địa chỉ số 6, đường Ch. Schmidt, Strasbourg, France. Dấu đóng trên phong bì xuất phát từ văn phòng Hà Tiên ngày 26 tháng 5 năm 1951 (HATIEN SUD VIET-NAM). Phía trên cao bên trái có đề tên người gửi: Quach Ngoc Ba, Place du Marché, Hà Tiên (Sud-Viêtnam (người gửi: ông Quách Ngọc Bá, công trường chợ, Hà Tiên, miền nam Việt Nam). Phía dưới phải có dấu hiệu thư gửi theo đường máy bay. Không thấy có dấu hiệu là thư bảo đảm (lettre recommandée). (Ông Quách Ngọc Bá là một người kỳ cựu quen thuộc ở Hà Tiên và có cửa hiệu phát hình và hoạt động về hình ảnh ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970). Dấu đóng trên bìa thư không còn là Hatien Cochinchine mà ghi là Hatien Sud Vietnam. (Hình: Delcampe)

Paris, ngày 23/11/2021, Trần Văn Mãnh

Từ ổ bánh mì (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, trên Blog Trung Học Hà Tiên Xưa nầy, chúng ta không còn lạ với cây bút Quang Nguyên, tác giả đã đến với chúng ta qua rất nhiều thiên hồi ký rất đặc sắc và đặc biệt là rất lôi cuốn…Riêng tập hồi ký « Từ những bức ảnh trăm năm », tác giả đã đưa chúng ta một cách vừa thú vị vừa cảm kích trong thời gian gia đình gặp rất nhiều khó khăn, đi thăm vùng đất của ông cha như Rạch Vược, Cái Tắc, Ngã Tư đèn đỏ, Cản Cờ Trắng,…với những lúc đấu tranh, vật lộn với hoàn cảnh để tìm kế sinh nhai…Đó là khía cạnh cuộc đời với vùng quê, đồng ruộng cá nước…Trong bài viết hôm nay, cũng là một ký ức về những ngày khó khăn đầu tiên đến với gia đình, tác giả không ngần ngại thuật lại cho chúng ta những giây phút cực nhọc, những ngày tháng đi rong khắp cùng ngỏ hẻm của phố thị Hà Tiên đê rao bán bánh mì, hầu góp phần ít nhiều vào việc chi tiêu trong gia đình cha mẹ…Trong cuộc sống tất bật vừa lo học vừa lo « buôn bán » như vậy, tác giả cũng đã tạo ra được một mối quan hệ rất chặc chẻ và thâm tình giữa một « thằng Bé » đi lãnh bánh mì ở lò bánh và ông chủ lò bánh mì…

Ở Hà Tiên chúng ta thì không ai là không biết tiệm hay lò bánh mì Tân Thái…Đến bây giờ mình vẫn còn hình dung ra gương mặt của ông và cả gương mặt của Bà …Ông Bà rất hiền hậu, vui tính và hòa đồng…Nhà có nhiều người con gái (10 chị em…), ông bà làm nghề sản xuất bánh mì và cung cấp cho toàn bộ vùng Hà Tiên (thời xưa còn có một lò bánh mì nữa cũng cùng đường Lam Sơn, đó là tiệm Đồng Xương). Công việc làm ăn rất phát đạt, nhà khá giả, con cái đều có đầy đủ phương tiện vật chất…Tuy nhiên nếu ta chỉ nhìn phía ngoài thì chỉ thấy người ta làm ăn giàu có nhưng chưa hề biết được công việc của người ta cực nhọc ra sao…Đọc bài của tác giả Quang Nguyên, ta sẽ thấy để kiếm được thu nhập như vậy, người ta phải bỏ công sức, mồ hôi và thời gian ra, phải thức khuya, dậy sớm, trải qua biết bao nhiêu giai đoạn mới cho ra được một ổ bánh mì ngon và dòn mà chúng ta ai cũng từng được thưởng thức ngày xưa…

Thời gian thì cứ trôi đi không chần chờ ai cả, rồi đến ngày những bậc người lớn tuổi mà chúng ta đều hân hạnh biết ở một Hà Tiên xa xưa, những người bao năm cũ lần lượt người trước người sau sẽ ra đi,… « Thằng Bé » đã bỏ nghề bán bánh mì và đi học phương xa, một ngày nào đó, nghe tin Bác Hai Tân Thái đã ra đi, rồi vài năm sau lại nghe tin Bác Hai Gái cũng ra đi…Trong nỗi buồn mất mát và cảm kích người xưa, « Thằng Bé » đã nhớ ơn hai ông bà là người “khai nhãn”, đón nhận giúp đở cho những bước non chập của nó mới vào đời, tuy nói là vào đời nhưng tuổi chỉ mới là « oắt con »…!!

Thành kính tưởng nhớ đến Ông Bà Tân Thái, chủ lò bánh mì Tân Thái đường Lam Sơn, Hà Tiên…Ông tên là Dương Lễ Kiết và Bà tên là Lưu Kim Phụng. Ông Bà đã dạy cho « Thằng Bé » nhiều bài học kinh nghiệm trong sự phấn đấu sinh nhai hằng ngày, mà mình thiết nghĩ cả chúng ta cũng nên chiêm nghiệm các bài học nầy. 

Paris, 19/11/2021, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu…

Từ ổ bánh mì (Quang Nguyên)

« Thằng Bé luôn tự hào hơn 45 năm trước nó đã bán bánh mì ở lò Tân Thái »

Đã một năm qua nhà thằng Bé không có mặt của cha nó. Ba nó đang “ở trỏng”! Con không cha như nhà không nóc, có nghĩa gia đình đã mất đi cái cây cao bóng cả chở che… Nhà thằng Bé bây giờ vật dụng không còn gì cả, má đã bán sạch sành sanh. Nếu chạy xe đạp lạng lách đánh võng trong nhà cũng không đụng vật cản gì cả vì anh em nhà nó với những bộ hàm như sắt thép đã nhai hết tuốt tuồn tuột từ Ti Vi, máy hát, bàn ghế, chén dĩa, đến áo quần vải vóc của má, sách vở tồn kho và trên kệ của ba và đương nhiên là chúng nó ăn luôn cả cái … kệ gỗ!

Rồi thì, má của thằng Bé phải kiếm tiền bằng cách đan áo.

Bên ngọn đèn dầu leo lét, má còng lưng thoăn thoắt tay đưa, bóng má thật to in trên tường, cái bóng của hai cánh tay và hai cây kim đan dài kèm theo dây nhợ lòng thòng nhảy múa trên tường, hồ như má đang đơn thương độc mã chiến đấu tả xung hữu đột với một thế lực vô hình nào đó luôn muốn đẩy gia đình của má vào tai ương khốn khó…

Mà quả thật là cả nước đang khó khăn chứ có riêng gì gia đình thằng Bé đâu? Có khác là gia đình này chỉ có má nó là kiếm ra ít tiền bằng việc đi dạy học và còng lưng đan lát để lo cho bầy con 9 đứa năm một, có đứa còn đang bú.

Mấy bà cán bộ trong chiến khu ra rất khoái áo len của má đan, nhờ vậy mà má có công chuyện làm không hết, buông giáo án là chụp que đan. Tay má thoăn thoắt, khéo léo vất qua vất lại cái cọng chỉ len nhảy lưng tưng giữa hai đầu cây kim đan nhọn hoắc. Phải công nhận là má thằng Bé quá siêu về nghề đan này, chỉ hai ba ngày là má đan xong một cái áo len sát cánh, má còn chế thêm nhiều kiểu dáng rất đẹp… Mấy bà cán bộ vận áo bà ba, mặt mày tuy lạnh lùng, tóc dài kẹp nhỏ kẹp to tá lả, vậy mà mặc áo của má đan thấy hiền lành hẳn ra, điệu đà, rạng rỡ tươi hoa …

Tuy nhiên, với cái áp lực ăn của 9 cái tàu há mồm đã khiến bà kiệt sức, đan thì khổ mà tiền thì khó, bà cáu gắt nhiều hơn và anh chị em nó rất nhiều khi « dính chưởng » của má vì những lý do không đâu. Má sinh cái bệnh mà thời đại bây giờ người ta gọi là stress! Tóc má đã bạc nhiều hơn dù bà chỉ mới ba mươi mấy… Thỉnh thoảng nó nghe bà kêu thèm hủ tíu vì bà đang cho thằng Út bú, nhà không có gạo phải mượn nhà này nhà nọ từng lon, gạo không có thì thức ăn càng không có, bữa cơm hàng ngày với nước mắm kho quẹt đã “tăng cường” tỷ lệ khoai mì và khoai lang nhiều hơn mà mọi người gọi là « ăn độn »…

Nghĩ tới tô hủ tíu của má thèm mà nó rơi nước mắt và … chảy nước miếng.

Cứ đêm đêm thằng Bé nghe tiếng rao văng vẳng:

     – « baáanh…mì nóng dòn ….đêêêê!! »-

     – « baáanh…mì nóng dòn ….đêêêê!! »-

Tiếng rao bánh mì của đứa trẻ nào đó hàng đêm trở nên ám ảnh nó, trong nhà thì buổi chợ mỗi ngày càng khó khăn và khoai sắn càng lúc càng nhiều hơn cơm, một tuần phải có hai đến ba hôm ăn cháo độn khoai…nên một hôm thằng Bé nói với má:

     – “Má! Cho con đi bán bánh mì!”

     – “Mày bán được không?” Bà hỏi. (Má nó hay mày tao với các con).

     – “Dạ được!”. Nó trả lời chắc nịch.

Bà đẻ nó ra và bà biết tính nó, cái gì nó nhắm làm được thì nó sẽ làm được, hoặc nó sẽ cố làm cho được. Thế là bà dẫn nó đi đến lò bánh mì để tìm hiểu việc bán bánh mì như thế nào, và chủ yếu là gửi gắm cho người ta vì sợ con mình “thư sinh quằn quại” ra đời dễ bị người khác ăn hiếp. Má lo xa vậy thôi chứ nó rất tự tin.

… Đó là cái lò bánh mì lớn nhất Hà Tiên xưa nay, lớn về quy mô sản xuất cũng như thương hiệu “Tân Thái” đã tồn tại từ rất lâu từ thập niên bốn mươi hay năm mươi của thế kỷ trước, từ thời ông chủ lò còn là một chàng trai tân với trái tim nhân hậu yêu nghề làm bánh mì và yêu luôn linh hồn của lò bánh mì ấy… Sản phẩm làm nên thương hiệu, quả thật là bánh mì Tân Thái rất ngon và có “đẳng cấp” vượt trội so với bánh của rất nhiều lò bánh mì mọc ra như nấm trong khoảng thời gian 1975-1977. Thuở ấy Việt nam nhận nhiều bột mì viện trợ, chế độ tem phiếu thời bao cấp đã đổi gạo thành bột mì, mà bột mì thì đương nhiên phải làm bánh mì, bánh mì đã là “thực phẩm thiết yếu” từ những ngày rất xa xưa ấy (!).

Hà Tiên nhỏ nhưng có nhiều lò bánh mì, có những lò thủ công được chế bằng tôn, bằng thùng phuy… được tạo ra trong những căn nhà nho nhỏ tuềnh toàng. Ngoài lò bánh mì Tân Thái và Đồng Xương đã lâu năm thì còn có thêm lò bánh của ông Dốt, của chú Xường, của chú Lỹ… Trên một đoạn đường ngắn chừng hơn hai trăm mét đã định vị ít nhất là năm lò bánh! Và mỗi lò bánh cố tạo hương vị riêng cho bánh của mình, ví dụ như lò ông Dốt thì tự chế thêm hương vị vani hay chi đó cho ổ bánh bóng láng và thơm dậy, chú Xường cũng phết lên ổ bánh một một loại “bơ” nào đó để có hương vị riêng… Nhưng, bánh mì lò Tân Thái dù không cần một loại hương liệu nào thì ổ bánh của Tân Thái tự nhiên cũng đã thơm tho đặc biệt rồi. Sự khác biệt đó do được chủ lò cẩn thận từ việc chọn bột tốt, chọn men tươi (từ Sài Gòn đem về rất công khó ở thời ấy), các công đoạn sàng sẩy, ủ men, bắt bánh… cho đến các dụng cụ hành nghề, đến cái lò nướng cũng khác xa các lò kia.

Đó là cái lò nướng bánh kiểu Tây đun bằng than hoặc củi, nó to đùng và cao hơn đầu người, bên trong lò là các vĩ nướng được làm bằng một hợp chất gì đó nửa trông giống đá, nửa trông giống gạch nung… Các tấm gia nhiệt đó sẽ nướng các ổ bánh mì thế nào mà “đít” của ổ bánh không bị cháy, dày vừa đủ mà tạo thành một lớp “sần” đặc biệt có các hạt bột đã rán chín to nhỏ không đều… rất đặc trưng của “bánh mì Sài Gòn”, mà xét cho cùng là cái “gu” của Tây  ngày xưa: ổ bánh chắc, ruột nhiều, “đít” nhám và bầu, cánh dòn và thơm lừng. Sẽ rất đặc biệt nếu ta phết lên ổ bánh vàng rôm vừa lấy ra khỏi lò một chút bơ Bretel thì hết ý!

Có mấy thằng nhóc bán bánh mì ma mãnh nói với khách rằng chúng bán “bánh mì Tân Thái” nhưng thực ra chúng lấy từ lò khác. Thằng Bé đã chỉ cho khách biết cái sự khác nhau rõ ràng đó: bánh mì Tân Thái thì đặc ruột, cánh cao và dòn, đít bầu và “có cát”… Còn cái ổ bánh to như cái gối, rỗng ruột, mắt híp, đít “chèm bẹp” thì dứt khoát không phải là ổ bánh mì Tân Thái rồi!

Thằng Bé cứ bán trong một thời gian độ một tháng, nó bán không phải là đắt mà là…quá đắt! Nó về rủ anh ruột đi bán bánh mì, chứ nó không rủ anh con cô Tư (người con nuôi của ba má), vì anh ấy là chủ lực nội trợ của má nó, sau đó nó dẫn dắt thằng em nhỏ chút chỉ mới 6 tuổi cũng đi bán bánh mì luôn. Anh em nó bán đắt vì người Hà Tiên ủng hộ, vì ba nó đi cải tạo, vì má nó đông con, vì người ta thương mình và cũng vì tụi nó đi bán bánh mì mà có một tư chất khác không giống những đứa trẻ khác…

Anh em nó bán trung bình khoảng 300 ổ bánh, có ngày 500 ổ bánh, cùng lúc bán bánh của nhiều lò bởi các lò có giờ ra bánh khác nhau… Một ổ một đồng, lãi 20 xu, mỗi ngày đem về cho má được từ 60 đồng đến 100 đồng, với số tiền đó má nó đã rất đỡ lo, và anh em tụi nó có cơm ăn, em nó có sữa bú dặm vì các bình sữa tự nhiên của má đã tắt tịt vì thiếu ăn, thỉnh thoảng tụi nó còn được ăn với má vài đũa hủ tiếu đỡ ghiền…

Sáng thằng Bé dây từ 4 giờ khi trống công phu chùa Tam Bảo chưa điểm dồn, nó nhanh chóng tới lò lấy bánh mới ra, bán một vèo cho những người đi bán chợ sớm (chợ Hà Tiên họp lúc 5 giờ sáng), trong vòng 2 tiếng nó phải “giải phóng” cho xong bao bánh mì đó để về đi học, hôm nào bán không hết thì nó mang vào lớp bán cho bạn bè trong lớp ở giờ ra chơi, và bạn bè cũng như thầy cô đều thông cảm cho nó kể cả những ngày nó vào trễ. Tất cả bài vở được thầy cô giao nó cố gắng làm trong lớp vào giờ chơi hay lúc rảnh rỗi. Buổi trưa sau khi đi học về ăn uống xong lối khoảng 2 giờ chiều nó sẽ đi bán và nó bán tới tối, nó đi bộ khắp hang cùng ngỏ hẽm ở Hà Tiên, không có nơi nào mà không có dấu chân nó, nó rao “bánh mì nóng dòn…đêêê!” chữ ê kéo dài. Đôi khi nó rao cà giựt “bánh…. mì nóng…dòn đê!” chữ ê cụt lủn. Thỉnh thoảng nó rao “bánh mì nóng dòn mới ra lò …. đêêêê ” thêm chữ “mới ra lò” để khẳng định: dòn ngon! Và cũng có khi nó rao “bánh mì… ếếế… đê.”, có sao đâu ế thì mình nói ế! Có khi người ta thương mà ủng hộ!

Hàng ngày nó vui vì cái chuyện chế ra nhiều kiểu rao đó, nó tìm vui trong công việc, luôn nghĩ ra một cái trò gì đó để vui, lúc rảnh thì nó lân la nói chuyện với mấy anh thợ bánh mì, cứ vậy mà quên đi lao khó…

Ở lò bánh mì Tân Thái có cái hay là cả nhà chủ cùng làm việc với thợ mà không nề hà cực khổ. Bác Hai gái là một người phụ nữ đẹp đôn hậu, sang trọng. Bà quán xuyến trong ngoài việc quản lý thu chi, và quản lý mối lái với trợ thủ đắc lực là chị Thúy Hà, một trong những người con gái của bà năm ấy chừng mười lăm mười sáu tuổi. Do tính chất công việc mà cả nhà cùng thức khuya dậy sớm để sản xuất và kinh doanh, thật là kiếm tiền không phải dễ dàng gì… Để kịp có mẻ bánh vào tầm 4h30 sáng họ đã hầu như làm suốt đêm: làm nóng lò, nhào bột, cân bột ra từng ổ, se bột, bắt bánh, phết màu, cắt mặt, đưa bánh vào, canh giờ lấy bánh ra… Tất cả đều thủ công ở ngày xưa ấy.

Cả nhà cùng làm việc, kể cả bà ngoại của chị Thúy Hà nhiều khi bà phải dậy sớm để đếm bánh và ghi sổ cho mối lái và bọn con nít bán dạo như thằng Bé. Có lần nó đã đắc tội khi tranh cãi với bà về việc tranh giành bánh bán với mấy đứa khác, bà đã không nói gì với nó mà nói với má nó: “nó lớn tiếng với tui!”. Báo hại má nó phải xin lỗi bà và nó cũng phải khoanh tay tạ lỗi trước bà…

… Ngày xưa ấy thời gian thằng Bé ở lò bánh mì Tân Thái nhiều hơn ở nhà, ở đó nó có dịp quan sát công việc làm bánh mì. Trước tiên, bột phải nhào với men rất kỹ, tỷ lệ men và loại men là bí kíp của bác Hai Tân Thái mà ông rất quan trọng khâu này, ông sẵn sàng bỏ mẻ bột nếu ông thấy rằng bánh ra sẽ hư hay không như ý.  Bây giờ có máy móc chứ lúc đó thợ phải nhào bằng tay, việc nhào bột rất cực, cái máng nhào bột to bằng cái rương gỗ cỡ bự, họ cúi cả người xuống dùng hai tay và sức mạnh của cơ bắp để mà nhào cật lực, trong cái không khí hầm hập của cái lò nướng to đùng kề bên thì quả thật không dễ dàng gì cho sự chịu đựng.

Bột nhào xong thì qua cân từng cục nhỏ định lượng cho ổ bánh, ổ bánh ngày đó nặng 50-gram bột nhão, sau đó đưa qua bàn se. Bàn se là một miếng ván dài rắc bột mì lên đó, se bột bằng một tay, hoặc hai tay hai cục, se bằng lòng bàn tay và 5 ngón tay thả lỏng định hướng cho tròn, trong khi bề cạnh chém của bàn tay dứt khoát phải đặt theo hướng thẳng góc với ván se.

Bột se xong cục nào cục nấy tròn vo trông rất dễ thương, xếp hàng chúng lên một tấm ván khác, để độ một thời gian nhất định cho nở, khi bột nở tới hạn to tròn cỡ cái bánh bao bự thì tới giai đoạn bắt bánh, sẽ có ba hay bốn anh thợ bắt bánh, tiếng giũ bạch bạch của việc bắt bánh là một âm thanh mà nó đã không quên được.  Dùng ngón cái ngón trỏ và ngón giữa của cả hai bàn tay nắm chặt vừa phải cái mép của cục bột đã nở, giũ mạnh vừa phải mà đều lực của cả hai tay để cục bột tròn biến hình trượt dài trên tấm ván, cục bột tròn phình nở lúc nãy giờ thành miếng bột phẳng, sau đó phải cuộn tròn lại theo kiểu cuốn chiếu, kéo nhẹ hai đầu cho nó dài ra theo kích thược chuẩn của ổ bánh đã được quy định, đó là lý do hai đầu ổ bánh mì có dấu vết cuộn lại…Cục bột giờ đã thành ổ bánh nhưng chưa cho nướng được, hắn đang chờ bước sang một công đoạn khác.

Một cách nhẹ nhàng, mấy anh thợ nâng cục bột dài cho hắn nằm xếp lớp trên một tấm ván khác, để yên đó độ một thời gian nhất định nữa, cho tới khi hắn nở tới hạn một lần nữa, họ sẽ dùng nước màu (được thắng ra từ đường) phết lên cục bánh chưa nướng đó bằng cây cọ, lưu ý là phải phết xuôi theo chiều ổ bánh, sau đó dùng lưỡi lam cắt mặt để khi nướng ổ bánh sẽ “nở cánh” ra…

Bánh đã sẵn sàng vào lò.

Bánh mì mới ra lò ngon tuyệt, là những cái bánh với phẩm lượng tốt nhất mang đến khách hàng; nhưng vẫn có cái thứ mà chủ lò không trông đợi mà thằng Bé lại rất mong đợi là… bánh khét (!), nói khét chứ đôi khi chỉ là ổ bánh bị áp lửa cạnh lò mà chuyển màu nâu đậm mà thôi. Bánh khét nó sẽ được cho không và ăn cũng ngon không kém gì bánh bình thường nhưng lại có mùi thơm lạ lạ, riết đâm ghiền!  Đó là bữa đểm tâm của nó. Đôi khi nó phải oánh nhau với thằng khác mới dành được một ổ bánh khét, và cũng đôi khi nó chẳng có bữa điểm tâm vì chẳng dám ăn cái bánh mình bán, bởi ăn một ổ là nó phải bán năm ổ. Câu “ăn bánh trả tiền” quả là có thật!

Vì thằng Bé hay giúp việc vặt trong chỗ làm bánh nên ít nhiều nó được sự “ưu ái” từ chính bác chủ lò.

Bác Hai Tân Thái tầm trung niên, người tầm thước cao vừa phải, ông nói to tiếng rổn rảng và hay cười, ông cười là chẳng thấy mắt ông đâu, ông hay đi lèn xẹt trong nhà, ông tốt bụng, quý thợ và tôn trọng thợ. Ông cũng thương nó vì khi rảnh nó nhảy vào phụ ông se bột cùng với các anh thợ hay làm các việc vặt khác. Ông chủ lò Tân Thái “tâm sự” với nó rằng “Bác Hai là thợ làm bánh mì, bác làm việc ngay thẳng và giỏi giang nên chủ lò thương mà gả bác Hai gái mày cho tao, bây giờ mày ráng làm cho bác, mai mốt tao gả con gái tao cho mày!”, nói xong ông cười tít mắt…

Mà phải công nhận mấy người con gái của bác đẹp, ai cũng đẹp. Bác có hai đứa con gái năm xưa ấy nhỏ hơn nó, còn nó khi ấy mới hơn… mười tuổi! Trời ạ. Giờ người ta gọi như thế là…tảo hôn!

Thật là thằng Bé có một kỷ niệm vui với bác Hai Tân Thái.

Rồi giặc đến, Hà Tiên bà con sơ tán, thằng Bé còn kịp bán bánh mì Tân Thái thêm vài tháng, có những ngày nó mang bánh mì qua trường sơ tán Rạch Núi để bán cho các bạn của mình, cho đến khi di tản triệt để thì nó không còn bán nữa và các lò bánh cũng ngừng hoạt động. Nó chấm dứt bán bánh mì từ ấy.

Rồi thằng Bé đi học xa nhà, những năm về Tết nó hay đến chúc Tết ông bà Tân Thái, lò bánh của ông bà vẫn hoạt động tốt, vẫn là lò bánh lớn nhất và ngon nhất Hà Tiên. Rồi nhiều năm sau nó đi làm ăn xa, nó cũng thưa dần việc thăm viếng… Ở nơi xa nó được nghe tin buồn muộn màng rằng bác Hai Tân Thái đã mất, nó đã không về được để thắp cho ông nén hương.

Nhiều năm sau, một đêm em nó cho hay bác Hai gái vừa qua đời, bỏ công việc nó tức tốc chạy về trong đêm để kịp đưa bà về chốn vĩnh hằng.  Vốc nắm đất lùa vào huyệt mộ nơi bà yên nghỉ cạnh ông dưới chân núi Đề Liêm, nó đã kịp cám ơn hai ông bà đã là người “khai nhãn” cho nó, là người đầu tiên mở rộng vòng tay đón nó vào đời một cách tử tế khi nó chỉ là một thằng oắt con…

Ông bà chẳng nghĩ gì đâu khi giúp nó công việc kiếm tiền rất nhỏ nhặt ấy của ngày xưa, nhưng nó đã nghĩ rất nhiều về những điều lớn lao ẩn chứa trong cái điều nhỏ nhặt của những ngày xưa ấy. Ông bà đã giúp nó thấy rằng cuộc sống vốn đã không dễ dàng từ muôn đời. Làm chủ cũng phải lao tâm khổ tứ, phải thức khuya dậy sớm, phải lao động quần quật. Làm chủ phải biết tôn trọng thợ thầy và những người góp công sức cho công việc của mình. Kinh doanh phải tôn trọng khách hàng bằng phẩm chất tốt nhất của hàng hóa mình làm ra, và thành quả nó sẽ phải đến rất từ từ, bắt đầu từ đơn vị nhỏ nhất – ổ bánh mì.

Đó là những bài học mà ý nghĩa đã lớn dần lên cùng một thằng nhóc cũng lớn dần lên cho đến ngày này khi tóc của nó muối đã nhiều hơn tiêu mà nó vẫn chưa thôi chiêm nghiệm…

Thằng Bé luôn tự hào hơn 45 năm trước nó đã bán bánh mì ở lò Tân Thái.

Quang Nguyên, 11/2021

Bác Tân Thái, chủ lò bánh mì Tân Thái, đường Lam Sơn, Hà Tiên. Trái: năm 1950, phải: năm 1978. Hình: Dương Thị Phương Hà

Bác Tân Thái, chủ lò bánh mì Tân Thái, đường Lam Sơn, Hà Tiên, năm 1982. Hình: Dương Thị Phương Hà

Ông Bà Tân Thái, chủ lò bánh mì Tân Thái, đường Lam Sơn, Hà Tiên, năm 1982. Hình: Dương Thị Phương Hà

Đường Lam Sơn Hà Tiên, bên trái là tiệm (lò bánh mì) Tân Thái nhà Dương Thị Phương Hà, bên phải là đầu đường Đống Đa. Hình chụp sau năm 1975

Ông Bà Tân Thái, bên trái: hình chụp năm 1982, Hà Tiên. Bên phải: Hình chụp năm 1992, Hoa Kỳ. Hình: Dương Thị Phương Hà

Tái bút: Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », rất cám ơn Dương Thị Phương Hà, ái nữ của Ông Bà Tân Thái, đã vui vẻ chia sẻ hình ảnh song thân để bài viết được minh họa đầy đủ và quý bạn đọc có dịp nhìn lại những bậc cao niên quen biết của Hà Tiên xa xưa.

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 3 (ANH HOA)

Thầy cô và các bạn thân mến, thiên ký ức về chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên do tác giả ANH HOA kể lại sau hơn 50 năm rời xa đất Hà Tiên đến đây là phần 3 và sẽ chấm dứt. Như câu kết tác giả gửi gắm: phần tiếp tục nếu có, chỉ để người khách « không quen không lạ » có còn nhớ lại và kể tiếp….? Cũng như trong phần mở đầu, tác giả đã thố lộ cho chúng ta quan điểm riêng tư về cuộc sống trong thời điểm đó,…sống tự do, không ràng buộc, không gò bó dù cho trong quảng đời dạy học ở xứ thơ Hà Tiên đã gặp gở và có nhiều người quen biết, thân tình…Mời thầy cô và các bạn tiếp tục đọc phần cuối của ký ức nầy và sẽ cảm thông với tâm sự tỏ bày ở đây của tác giả. Blog Trung Học Hà Tiên Xưa xin trân trọng cám ơn tác giả đã bỏ nhiều thời giờ viết bài đóng góp và chia sẻ nhiều hình ảnh ngày xưa rất quý giá. (TVM, Paris 17/11/2021, viết lời giới thiệu)

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (ANH HOA)
     A/ Chùa Quảng Tế Phật Đường:
     B/ Nhân duyên hội ngộ:
     C/ Nói về cô Năm và cô Tư Thọ:
     D/ Hậu liêu chùa Phật Đường:
     E/ Lý Mạnh Thường và người khách không quen, không lạ:
     F/ Nói về Mạnh Thường:
     G/ Quảng Tế Phật Đường và nén tâm hương:
Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 2 (ANH HOA)
     A/ Bữa cơm chiều:
     B/ Ngày chúa nhựt – Đường lên Thạch Động :

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 3 (1966 – 1967)

Mở đầu:

Theo lời chỉ bảo của cô Tư, tôi sẽ qua Rạch Giá để gặp lại Hà. Mà gặp lại Hà tôi sẽ nói chuyện gì đây? Chắc chắn là tâm lý của Hà sẽ khác, không giống như ngày qua Hà Tiên, nên vấn đề là tùy cơ ứng biến. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ ngợi lung tung. Tôi nghĩ đến sự tự do để dấn thân như đã nghĩ khi mới đến Hà Tiên. Rồi tôi cũng tự nhủ, dù là một viên chức, nhưng sự nghiệp chỉ hơn con số không một chút mà thôi…Lại nữa, nếu còn có cơ hội (không bị ràng buộc) thì phía trước là cuộc sống tự do, bởi kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, có nhiều người bạn đồng khóa Sư Phạm đã đánh mất tự do ngay từ lúc còn là giáo sinh (dù đó là hoàn toàn do tình nguyện…!). Còn nữa, hình ảnh mà tôi thường thấy trên đường Lam Sơn (Hà Tiên) khi đi ngang qua nhà của hai người bạn đồng nghiệp: Anh Ấn (lúc đó là Hiệu trưởng trường Tiểu Học Hà Tiên và anh Sáng (giáo viên dạy lớp), người nào cũng tay bế tay bồng, chăm lo cho con ăn cơm vào những buổi chiều tối trước nhà…tôi tự hỏi liệu mình có sẳn sàng đi vào cuộc sống bận bịu như vậy chưa?…Chắc chắn là chưa, cho nên cách nhìn cuộc đời của tôi có khác…

Nhớ lại khoảng thời gian hai năm ở trường Sư Phạm và hai năm sống ở mảnh đất Hà Tiên cổ kính và nên thơ nầy, tôi cũng có ít nhiều sự quen biết rồi trở nên thân quen và nay thì Hà xuất hiện như là một tiếng sét…., thật là bất ngờ. Tôi có cảm nhận mà chưa có một quyết định gì cho nên tôi nghĩ đi qua Rạch Giá là một sự dấn thân, và tôi thích thú với ý nghĩ thú vị nầy…

Mười lăm hôm sau:

Nhớ lại ngày đó tôi qua tới nhà Hà lúc khoảng 10 giờ. Vừa bước vào cửa, tôi gặp một đứa em, một bé gái đi ra. Vừa gặp tôi là vụt chạy trở vào và reo lên:

  • Chị Hai ơi, mẹ ơi, anh Hai qua, anh Hai qua!

Em reo mừng và gọi tôi là anh Hai. Tôi vừa ngỡ ngàng vừa vui.

Rồi Bác gái ra, sau khi chào hỏi nhau, Bác vui vẻ chỉ bảo tôi ngồi chờ, Bác sẽ vào báo cho Hà. Lúc đó em gái lấp ló sau cửa nhìn anh Hai.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, để Hà nhớ lại và kể tiếp câu chuyện nầy.

Tác giả: ANH HOA (tháng 11 năm 2021)

Tái bút : Thầy Huỳnh Văn Hòa, bút hiệu ANH HOA, giáo viên Trung Tiểu Học Hà Tiên 1964 – 1967.

Thầy Huỳnh Văn Hòa chụp hình với học sinh Trung học Hà Tiên trước căn nhà thầy ở trọ số 16 đường Nhật Tảo, Hà Tiên (thời gian trước khi thầy Hòa dời về tá túc ở chùa Phật Đường theo lời mời của cô Tư).. Từ trái qua phải: Nguyễn Ngọc Thanh, Lý Cui, thầy Huỳnh Văn Hòa, Lý Văn Tấn. (Ba người bạn nầy đều học cùng lớp với Trần Văn Mãnh ở Trung Học Hà Tiên. Hình: Thầy Huỳnh Văn Hòa, 1965.

Thầy Huỳnh Văn Hòa chụp hình ở bãi Mũi Nai, Hà Tiên nhân một dịp trở lại thăm đất Hà Tiên năm 2017. Hình: Thầy Huỳnh Văn Hòa.

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 2 (ANH HOA)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong bài trước: « Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (1966 – 1967) », tác giả có nói qua về một người khách không quen không lạ đến chùa vào một thời điểm nào đó…Hôm nay qua bài ký ức phần 2 tiếp theo nầy, chúng ta sẽ có dịp biết qua hoàn cảnh xuất hiện của người khách không quen không lạ đó và một quan hệ tình bạn nảy ra như thế nào, thật ra khi đọc bài chúng ta cũng không thể xác định được mối quan hệ đó là tình bạn hay một thứ tình cảm nào đó…Hãy để tâm hồn được tác giả dìu dắt đi theo cuộc du ngoạn viếng thăm Thạch Động, Mũi Nai, Bãi Nò và cứ đóng vai như là tác giả, các bạn sẽ tự cảm nhận lấy…Chả trách gì thi sĩ Đinh Hùng đã viết vài câu thơ để cố giải thích tâm trạng ấy…

… »Ta run sợ, cho yêu là mệnh số
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau
Vì người em có bao phép nhiệm mầu
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc »…

Không thể chờ được nữa, ta hãy bước ngay vào bài đọc để cùng hòa nhập với tác giả…(Paris, thứ ba 09/11/2021, TVM viết lời giới thiệu!)

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (ANH HOA)

A/ Chùa Quảng Tế Phật Đường:

B/ Nhân duyên hội ngộ:

C/ Nói về cô Năm và cô Tư Thọ:

D/ Hậu liêu chùa Phật Đường:

E/ Lý Mạnh Thường và người khách không quen, không lạ:

F/ Nói về Mạnh Thường:

G/ Quảng Tế Phật Đường và nén tâm hương:

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 2 (ANH HOA)

(Lời kể về một kỷ niệm xa xưa trong những năm tháng tá túc tại chùa Phật Đường Hà Tiên, 1966 – 1967)

A/ Bữa cơm chiều:

Sau giờ tan học chiều, tôi tạt ra chợ mua tờ báo (sạp báo của anh Minh Xuân). Khi về tới chùa, theo lối cổng sau, là Tri chạy ra mừng rỡ báo tin :

  • Thầy ơi có cô Hai từ Rạch Giá mới qua.

Nói rồi Tri lẹ chân trở vào chùa, tôi bước theo Tri, nhìn quanh mà không thấy có người khách nào ngoài cô Năm đang ngồi ăn trầu trên chõng như mọi khi. Tôi chào cô Năm rồi vào phòng cất tập sách, tờ báo và làm những việc cần thiết trước khi dùng cơm chiều với cô Tư. Cũng không lâu sau đó, Tri đến gõ cửa :

  • Thưa thầy, bà Cô mời thầy ăn cơm.

Tôi bước ra khỏi phòng là thấy một thiếu nữ đang chuyện trò với cô Tư bên bàn ăn. Tôi nghĩ thầm :

  • Bữa cơm chiều nay có người khách lạ, như Tri vừa báo, là đây rồi !

Tôi vừa mới đến bên bàn là cô Tư giới thiệu :

  • Đây là Hà cháu của cô, từ bên Rạch Giá mới qua thăm cô. Đây là Thái, thầy của Tri, thầy Thái ở đây để tiếp cô dạy dỗ Tri. Thôi cô mời hai đứa ngồi vào bàn đi.

Tôi chỉ cho Tri ngồi bên cạnh giữa tôi và Hà, thế là chúng tôi mời cô Tư và mời nhau. Trong bữa cơm, nhờ chuyện kể của cô Tư nên bữa ăn rất thân thiện. Cô cũng nói thời còn trẻ, cô cũng ham vui, ham đi đó đây như mấy đứa con bây giờ. Tính lại thì cũng hơn 50 năm rồi đó; cô cũng nói là thời gian qua mau và cuộc sống của con người thì ngắn ngủi. Tôi thấy Hà chăm chú nghe chuyện kể của cô Tư, còn tôi thì có lúc nhìn trộm Hà: Nhìn khuôn mặt, rồi nhìn mái tóc đen dài óng ả buông xuống hai bờ vai, đôi mắt, đôi môi và để ý đến nụ cười.

Rồi cô Tư chợt nói :

  • Sao hai đứa không nói gì hết vậy ! để cô nói một mình sao ?

Chúng tôi bật cười, nhưng rồi tôi liền nói :

  • Mấy khi được nghe cô Tư kể chuyện, tâm sự vừa hay vừa để học hỏi kinh nghiệm.

Tôi chờ Hà góp ý và bắt gặp cái nhìn mỉm cười của Hà. Để góp chuyện với cô Tư cũng như thay lời Hà, tôi có câu hỏi :

  • Trải qua thời gian của tuổi thanh xuân, như lời kể của cô, cô có cho tụi con lời khuyên nào không ?
  • Câu hỏi nầy cô chưa biết trả lời sao, mà cô nghĩ, trong tình cảm không có gì tốt hơn là sự chân thật, chân thật trong cách đối xử, chân thật trong lời nói. Quý trọng nhau là ở chỗ đó.

Quả thật, lời dạy của cô Tư thật là ý nghĩa.

Bàn vừa được dọn và lau sạch thì Tri mang ra bình nước trà vừa mới châm. Hà rót ra ly và mời cô Tư trước. Tôi nhìn Hà với dáng đứng và bình trà nơi tay. Em nhận ra cái nhìn của tôi và mỉm cười. Tôi còn nhớ lúc đó, trông cô Tư vui hơn mọi khi, có lẽ là nhờ có Hà.

Trước khi rời bàn ăn, cô Tư dặn :

  • Mai là chúa nhựt, con chở Hà đi chơi cho biết cảnh đẹp Hà Tiên. Đi Thạch Động, biên giới, Mũi Nai hay nơi nào con biết. Hà nó ở lại đây chơi với cô 3 ngày rồi về lại Rạch Giá.

Nói xong cô Tư đứng dậy, rồi Hà cũng theo cô Tư về phòng riêng ở chùa trên. Tôi cũng rời bàn ăn và dõi mắt tìm Tri, bởi nếu không khéo … thì hai thầy trò cũng bị quở trách.

Trở về phòng, tôi lấy tờ báo đọc lướt qua mấy dòng tin tức, nhưng cứ lại nhớ đến bữa cơm chiều. Ngẫm nghĩ lại, giờ nầy tôi mới hiểu câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng « Một sợi tóc cũng làm nên mê hoặc» !

B/ Ngày chúa nhựt – Đường lên Thạch Động :

Thế là sáng hôm sau tôi và Hà lên đường trên chiếc Mini-Lambretta, trực chỉ Thạch Động. Hà ngồi để chân một bên và vòng tay qua tôi.

Ra khỏi những con đường trong thị trấn là lúc nắng sớm đã lên và nhiều gió lạnh. Chiếc xe lướt êm trên con đường vắng. Hà có lúc tựa người vào tôi và tôi cảm nhận ra một sự gần gũi rất dễ nhớ đời. Thỉnh thoảng có chiếc xe Lam chở đầy ấp hàng và vài chiếc xe thồ từ biên giới đổ về. Hai bên đường, theo ký ức của tôi, là rừng lá lẫn cây mắm ở phía đông và cây cỏ hoang dại phủ đầy cánh đồng phía tây. Thỉnh thoảng chỉ thấy vài căn chòi lá bên đường. Lòng phơi phới trước làn gió sớm, tôi lái chiếc xe có Hà ngồi phía sau và hoàn cảnh nầy làm nảy sinh câu chuyện bởi tôi với Hà mới biết nhau từ chiều hôm qua. Vậy mà ký ức tôi không ghi lại được điều gì về câu chuyện mở đầu của hai người mới quen biết nhau. Phía trước, Thạch Động càng gần hơn sừng sững trong một không gian mênh mông tràn ngập nắng mai và gió lộng. Lần nầy tôi thấy Thạch Động cùng với con đường đẹp hơn mọi khi.

Tới nơi tôi dừng xe bên đường để nghỉ chân, để cho Hà ngắm nhìn trước khi leo dốc lên động. Chỗ nầy thiếu vắng du khách, nên chòi lá cũng đơn sơ, chỉ là mái che bán trái cây, thức uống và cũng còn có đồ lưu niệm bày trên quầy kệ. Tôi nhìn Hà trong chiếc áo dài màu có điểm hoa. Tôi không nhìn trộm như buổi chiều hôm qua. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Hà mỉm cười và né tránh. Sau chừng 10 phút nghỉ chân, tôi ra hiệu cho Hà lên xe, Hà bảo tôi :

  • Để em đi bộ.

Có lẽ Hà sợ xe chạy lên dốc không nổi nên nói thế !

  • Không được, để anh chở Hà.

Và tôi « lệnh » cho Hà ngồi để chân hai bên cho vững. Thế rồi ngoan ngoãn theo lời, Hà vòng tay qua tôi, sẵn sàng lên dốc. Tôi nổ máy và chiếc xe dễ dàng leo dốc theo tay lái vững vàng của tôi. Đoạn dốc nầy không dài nhưng gồ ghề quá. Tôi không biết Hà có sợ không, bởi khi xe tắt máy hay ngả lật là cả một vấn đề. Khi xe dừng lại trên sân, Hà bước xuống và không quên tặng tôi nụ cười với cái nhìn rất dễ thương. Đáp lại, tôi cũng mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Hà như để cho em biết rằng tôi cũng đang chú ý nhiều đến em. Trong khi tôi đang tìm chỗ để xe, Hà vẫn đứng yên tại chỗ xuống xe và chờ tôi.

Tôi đã có lần viếng Thạch Động cùng với bạn bè đồng nghiệp, nên tôi biết hết lối đi và ngõ ngách trong hang. Tôi dẫn Hà vượt qua, vượt qua rồi dừng lại ở giữa động, chỉ cho Hà xem chuyện tranh cổ tích Thạch Sanh trên trần trong ánh sáng lờ mờ. Rồi hai đứa dắt nhau bước lên theo lối bậc cấp ra ngoài hang về phía tây. Từ đây hai đứa lần mò ra chỗ ngồi cheo leo trên vách đá. Quả thật, không phải là chuyện dễ ! Nhìn xuống bên dưới là vực sâu, hướng tầm mắt ra xa, là không gian bao la, vậy mà hai đứa cũng lần mò đến.

Giờ nầy là khoảng 8 giờ sáng, gió đã bớt lạnh. Trước tầm mắt về phía biên giới, tôi chỉ cho Hà nhìn cánh đồng lúa vàng tràn ngập ánh nắng, có con đường quanh co dẫn tới cửa khẩu, rồi tôi chỉ Hà nhìn xuống vực sâu bên dưới chân tôi rồi hỏi :

  • Em có sợ không ?

Hà mỉm cười lắc đầu :

  • Nếu Hà sợ thì đâu có theo anh đến đây !

Sự sâu sắc và mạnh mẽ ẩn chứa trong câu nói nầy thấm sâu trong tâm tôi mãi cho đến sau nầy. Nay hồi tưởng lại câu chuyện ban đầu đó, tôi nhớ là mình có kể cho Hà nghe một chuyện tình thật đẹp và lãng mạn trong một phim với Natalie Wood (1), nữ diễn viên xinh đẹp nổi tiếng của làng điện ảnh Mỹ thập niên 60. Sau chuyện kể, hai đứa vẫn yên lặng, rồi bất chợt tôi bạo dạn nắm lấy bàn tay Hà. Em rụt rè gở tay tôi ra, tôi mỉm cười nhìn Hà mà không biết nói được lời nào. Quả thật mình vụng về quá, nay nhớ lại thấy cũng thấy nực cười và tội nghiệp ! Phải chi lúc đó bàn tay Hà để lên tay tôi…Thế là sự yên lặng lại bao trùm, tôi nhìn lơ đãng khoảng không trước mặt như để qua đi điều gì đó trong tôi, trong khi đó Hà vẫn yên lặng, chỉ có tiếng gió rì rào qua tàng cây bên dưới chân và tiếng tim đập, rồi hai đứa lại nhìn nhau mỉm cười.

Qua giây phút bối rối, tôi tự hỏi Hà đã nghĩ gì ? Có thông cảm với tôi không ? Bất chợt tôi hít thật sâu để lấy lại tinh thần rồi bảo với Hà xuống núi đi tiếp. Hà có vẻ chần chờ một chút rồi đứng dậy theo tôi. Qua chỗ gập ghềnh, tôi đưa tay ra cho Hà nắm lấy và cùng lần bước đến cửa động. Bước tiếp là cấp bậc sâu nên tôi đưa hai tay đở Hà bước xuống.… !

Ra khỏi hang động và nhận xe, hai đứa đèo nhau xuống dốc. Bởi đường gồ ghề nên Hà cảnh giác không để tôi nhắc nhở, tôi lái xe hướng về phía biên giới rồi rẽ trái theo đường ra Mũi Nai.

C/ Đường ra Mũi Nai, Hà Tiên (9 g 30 – 12 g) :

Sau khi hướng về phía biên giới một đổi, tôi lái xe rẽ trái theo đường dẫn ra Mũi Nai. Đoạn đường nầy do gió mưa và thời gian bào mòn, nên nó rất phẳng và xe chạy rất êm. Đường vắng đến nỗi không thấy có một chiếc xe đạp hay người đi bộ, cả trên đồng cũng không thấy bóng người. Hình như hai đứa đang lạc vào cõi thiên đường bởi lòng chẳng còn vướng bận, chỉ có tâm bình an với hạnh phúc của tuổi lứa đôi ngạt ngào hương hoa…

Vừa qua cánh đồng cỏ là đến chân núi. Hai đứa theo con đường uốn lượn đẹp như tranh, hàng cây thốt nốt xen lẫn những cây dại bên đường đã giữ chân hai đứa. Tôi dừng xe lại, Hà bước xuống, chúng tôi nhìn nhau như để hội ý.

  • Ngồi lại đây phải không anh¸ Hà hỏi tôi.
  • Tới rồi, bồng lai là đây em ạ. Tôi nói đùa thôi nhưng cũng làm Hà cười khúc khích.

Chọn được chỗ ngồi, nhìn tôi, Hà chỉ tay :

  • Mình ngồi đây đi anh, được không ?
  • Đúng là chỗ nầy rồi, thôi mình ngồi xuống đây đi.

Hai đứa như đôi chim ríu rít bên nhau. Rồi Hà lấy ra mấy thỏi sô-cô-la và phong kẹo :

  • Mình ăn sô-cô-la, đói bụng rồi, nè ! Hà đưa cho tôi và nói :
  • Nó bị nắng nóng làm chảy rồi.

Nụ cười và ánh mắt của Hà lúc nào cũng thấy dễ thương. Trong giây phút thăng hoa, tôi nói với Hà :

  • Để anh đọc bài thơ nầy cho Hà nghe nhé, thực ra là bài nhạc có tên là « Mộng Dưới Hoa » do Phạm Đình Chương phổ thơ của thi sĩ Đinh Hùng (2):

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
………..
Hò hẹn nhau rồi em nói đi
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
………..
Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu…
…………

Đọc xong bài thơ như theo lời ca, tôi hỏi:

  • Em nghe bài thơ phổ nhạc nầy có hay không?
  • Anh lãng mạng quá…!
  • Mà anh hỏi bài thơ phổ nhạc nầy có hay không?
  • Em muốn được nghe lại.
  • Mấy câu thôi nhé!

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Rồi tôi nhìn Hà:

Hò hẹn nhau rồi em nói đi
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
………..
Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu…

Tôi hát khẽ và cố ý lập lại “ Hò hẹn nhau rồi em nói đi”…. Trong giây phút hưng phấn chưa kịp nghĩ suy thì tôi nghe tiếng của Hà:

  • Sao anh yên lặng? Anh có nói gì với em không?

Thế là, nhưng mà nói gì đây! Nhưng đây là cơ hội mà mấy ai có được để cùng nhau tâm sự. Qua giây phút lúng túng, tôi chợt có câu hỏi:

  • Em có thấy cảnh nầy đẹp không?
  • Đẹp quá phải không anh!
  • Mà cũng nhờ có em ở đây, nên cảnh mới đẹp đến như vậy!
  • Cám ơn anh đã có lời làm em hạnh phúc. Sau đó Hà tâm sự với tôi:
  • Hà nói hết cho anh Thái nghe những gì riêng tư của Hà để sau nầy anh không hối hận về quyết định của mình. Đoạn Hà nói tiếp:
  • Em thì khỏe mạnh không có bệnh chi, chỉ có viêm mũi dị ứng khi trở trời và không có liên hệ gì với ai cho tới bây giờ…

Lời chân tình đến thế là cùng! Tự nhiên tôi nghe tim mình đập và trộm nghĩ: Rõ ràng Hà là một thiếu nữ chân thật, mạnh mẽ và dứt khoát.

Tôi không có trả lời liền lời tâm sự của Hà mà để tâm hồn phiêu lãng đâu đâu trong giây phút đặc biệt nầy. Lời nói của Hà đã đưa tôi vào sự bình an lạ thường là tôi có Hà bên cạnh. Vì muốn cho Hà được hạnh phúc như mình, tôi đưa Hà vào cõi của âm nhạc, của thi ca như là để tô thắm chuyện lòng của hai đứa, mà chưa vội có câu trả lời cho Hà.

– Tôi nói đến thi ca, đến bài thơ của Đinh Hùng, rồi giọng ngâm của Hồ Điệp.

– Tôi cũng nói đến âm nhạc, có lẽ là bài nhạc nổi tiếng của Văn Cao như là bài Suối Mơ. Tôi cũng nói đến Đoàn Chuẩn với bài Thu Quyến Rũ, nhưng rồi tôi chợt nhận ra sự thất vọng trên gương mặt của Hà, hình như em chờ đợi điều gì đó chớ không phải âm nhạc hay thi ca.

Tôi trở về với thực tại khi Hà phát hiện ra đàn kiến, những con kiến đen to bu trên thức ăn, dưới chỗ ngồi, trên quần áo của hai đứa. Đây là cơ hội hiếm hoi để tôi quan tâm chăm sóc Hà “phủi kiến”, trong khi Hà thu dọn vài thứ, rồi hai đứa đứng dậy lên xe. Tôi hỏi Hà:

  • Có lưu luyến gì chỗ nầy không?

Hà mỉm cười, tôi hỏi tiếp:

  • Có bao giờ mình ngồi lại chỗ nầy lần nữa không?
  • Hà cũng không biết nữa.

Tôi nổ máy, lái xe hướng về Mũi Nai, đoạn đường nầy quá gồ ghề làm xe luôn bị dằn xóc liên tục, hai bên là vách núi, cây cối rậm rạp nên là đoạn đường nguy hiểm cho người qua lại. Vượt qua dốc đá là tới chùa Miên và phải mất chừng mười phút nữa là tới Mũi Nai. Hai đứa yên lặng để Hà ngắm cảnh cho tới khi tôi dừng xe trên bãi biển Mũi Nai.

D/ Bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên:

Bãi biển Mũi Nai giờ nầy cũng vắng bóng người, không thấy có ghe thuyền neo đậu. Hai đứa sóng đôi trên bãi cát nghe sóng vỗ gió gào. Tuy nhiên cả hai đều thấm mệt và đói khát. Theo dự định hai đứa còn phải đến Bãi Nò, điểm cuối của chương trình. Hà có vẻ buồn hiu còn tôi thì gần như cạn kiệt hết năng lượng nên không đi bộ được nữa và hai đứa ra xe, chạy tiếp ra Bãi Nò.

Tôi lái dọc bãi cát đến chân núi (đồi) và tìm cách lên “lầu hoang” được xây từ thời Pháp thuộc. Vì không có lối mòn, nên phải vạt cỏ cây mà bước. Đi được nửa đường hai đứa đều quá mệt không đi tiếp được.

  • Thôi trở lại thôi.

Tôi nói với Hà. Em yên lặng và theo chân tôi. Trở lại xe, hai đứa đi qua thông Lộc Trĩ, theo đường về lại thị trấn Hà Tiên và tới chùa Phật Đường thì đã xế chiều (gần 14 giờ).

E/ Ngày thứ hai trong tuần:

Hà từ chối không đi nữa với lý do là còn mệt. Trông Hà có vẻ kém vui, vậy mà tôi không biết thăm hỏi hay chăm sóc dù chỉ là lời nói. Tôi lại đến trường trong tinh thần lơ đãng, còn Hà thì không vui.

Chiều về, cô Tư hỏi:

  • Sao hai đứa không đi chơi mà ở nhà?

Tôi thưa với cô Tư là Hà bị mệt.

F/ Ngày thứ ba trong tuần:

Theo lời dặn của cô Tư, tôi đưa Hà đến chùa Phù Dung thật sớm để gặp Sư Bà có việc. Cũng như hôm trước, Hà mặc áo dài tươm tất có màu hoa. Hình như buổi sáng sớm là lúc người phụ nữ đẹp nhất trong ngày. Hôm nay Hà đẹp quá. Sau lời chào Hà lặng lẽ ngồi sau tôi. Chúng tôi đi trong màn sương sớm và có gió lạnh. Tôi cũng ăn mặc đàng hoàng như khi lên lớp, bên cạnh Hà mà tôi vụng về quá, không biết gợi chuyện hay hỏi thăm sức khỏe của Hà. Khi đến chùa thì cổng cũng đã mở. Theo bước chân của Hà tôi dắt xe vào sân. Để phá tan sự yên lặng từ nãy đến giờ, tôi hỏi Hà:

  • Em có gặp Sư Bà lần nào chưa?

Hà lắc đầu nói:

  • Em sẽ vào trong rồi hỏi, anh chờ ở đây để em vào một mình cho tiện.

Thế là tôi đứng chờ bên ngoài, nhìn theo dáng em đi. Đang suy nghĩ vẩn vơ tôi chợt nhớ đến Dì Tự; người nữ tu trẻ trong sách cùng tên là Dì Tự (?) kể về nàng Ái Cơ trong chậu úp, chùa Phù Dung và ao sen với hoa Phù Cừ, một chuyện tình đẩm lệ, nghiệt ngã đã xảy ra ở nơi đây. Khi Hà trở ra tôi liền hỏi:

  • Việc đã xong rồi phải không?
  • Dạ xong rồi.
  • Vậy hôm nay đi đâu, anh đưa Hà đi.
  • Thôi về lại chùa đi anh!

Tôi thấy nuối tiếc mà chưa biết phải nói với Hà điều chi thì Hà bước ra cổng nên tôi dẫn xe theo sau. Cảnh vật dần trở nên sáng tỏ dưới ánh sáng ban mai, tôi tiếp tục dẫn xe và Hà đi bên cạnh, tôi chỉ Hà hai cái hồ nhỏ bên cạnh:

  • Đây là hai hồ sen trồng hoa Phù Cừ, một chứng tích còn lại của Phù Dung Tự. Hà có biết sự tích của chùa Phù Dung chưa?
  • Dạ chưa.
  • Vậy là anh sẽ kể cho nghe hoặc là mượn quyển sách cho em đọc.

Hôm nay nắng đẹp như thế nầy mà không đèo nhau đi chơi thì thật là uổng quá, nhưng nói sao với Hà. Tôi phân vân trong khi Hà lơ đãng nhìn. Sau một lúc yên lặng, tôi bảo Hà lên xe và hai đứa trở về chùa Phật Đường. Tôi lấy tập sách và đi vội đến trường cho kịp giờ buổi sáng.

Bên mâm cơm chiều, không có Hà (có lẽ là Hà đi chợ mua sắm chưa kịp về). hai cô cháu dùng bữa và trò chuyện với nhau. Cô cố ý tìm hiểu nên hỏi:

  • Sao rồi, con có nói gì với Hà chưa?
  • Con chưa biết nói gì với Hà.

Rồi cô Tư nói tiếp:

  • Nó giận con rồi đó, cô thấy nó buồn buồn, chắc là có chuyện gì rồi. Hèn chi chiều tối hôm qua (tối thứ hai) cô không thấy hai đứa nói chuyện.
  • Con không có cơ hội.
  • Con khù khờ quá, nó chê con rồi đó! Cô không biết ngày mai nó về Rạch Giá lúc nào, chắc là nó về sớm rồi đó. Thôi mai mốt con qua bển (RG), lại nhà gặp lại nó, coi nó nói làm sao với con rồi cho cô biết.

ANH HOA, Rằm tháng 9 âm lịch Tân Sửu (tháng 10 năm 2021)

Tái bút : Thầy Huỳnh Văn Hòa, bút hiệu ANH HOA, giáo viên Trung Tiểu Học Hà Tiên 1964 – 1967.

Còn tiếp, xin mời thầy cô và các bạn chờ đọc tiếp bài « Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 3 »

Con đường dẫn ra Thạch Động (Hà Tiên) trong những năm 60-70. Nguồn: Lưu Như Việt (1971-1972)

Hình trái: Thầy Huỳnh Văn Hòa chụp trước sân chùa Tam Bảo, Hà Tiên, trước khi về tá túc ở chùa Phật Đường, năm 1966. Nguồn: Thầy Huỳnh Văn Hòa. Hình phải: Con đường từ phố Hà Tiên ra Thạch Động với chiếc xe Mini-Lambretta của thầy Huỳnh Văn Hòa kể trong ký ức trên. Hình: Thầy Nguyễn Hồng Ẩn, 1966 (3).

Hình bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên trong những năm 60-70. Nguồn hình: KimLy

Đường vào bãi biển « Bãi Nò », Hà Tiên.

Chú thích:

(1) Nữ diễn viên Natalie Wood đóng trong phim « La Fièvre dans le sang » (« Splendor in the Grass ») do Elia Kazan thực hiện và ra mắt năm 1961. Thầy Huỳnh Văn Hòa có dịp xem phim nầy vào năm 1965 tại rạp Minh Châu, Cần Thơ.

(2) Đó là bài thơ mang tựa : « Tình Tự dưới hoa “ của Đinh Hùng.

(3) Xin cám ơn thầy Nguyễn Hồng Ẩn đã vui lòng cho phép mình trích phần hình của thầy, trong đó có chiếc xe MiniLambretta để minh họa cho bài viết.

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (ANH HOA)

Thầy cô và các bạn thân mến, tháng tám năm rồi (2020) nhân dịp thầy Huỳnh Văn Hòa có gởi bài tham gia vào Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », mình có đăng bài của thầy  » Hà Tiên và sự yên bình của một vùng đất cổ kính, nên thơ (Thầy Huỳnh Văn Hòa)« . Trong bài đó thầy Hòa đã kể lại những buổi đầu tiên đến Hà Tiên với tư cách một người thầy giáo đi nhận nhiệm sở dạy học, tất cả đều xa lạ đối với thầy, bài viết rất hay, hay cả về phương diện văn chương và phần tự thuật, thầy cô và các bạn có thể tìm đọc lại bài đó trong mục Thầy Cô trên Blog nầy. Hôm nay xin được giới thiệu với thầy cô và các bạn một ký ức của thầy Huỳnh Văn Hòa trong thời gian thầy đến thăm chùa Phật Đường, Hà Tiên và được phép tá túc tại chùa một thời gian trong lúc thầy dạy học ở Hà Tiên. Kỷ niệm của thầy Hòa trong khoảng một năm ở chùa Phật Đường nầy rất êm đềm và đẹp…Thầy có dịp quen biết với một người bạn thân của mình là Lý Mạnh Thường, thầy trò cùng nhau vui ca hát, kết nối tình thâm tuy là trong khung cảnh tu hành, nhưng được sự bao dung độ lượng của Cô Tư Thọ, vị quản lý chùa thông cảm không rầy la…Thầy cũng có nhắc đến một người khách tuy không quen nhưng cũng không lạ,…, vì thầy không nói rỏ ra tên họ người khách nầy, chắc cũng có một nguyên nhân nào đó, vậy tùy theo cảm nhận của người đọc bài nhé,…

Trước khi chánh thức vào bài của thầy Huỳnh Văn Hòa, mình cũng xin nói thêm là ngày xưa thầy Hòa cũng là người ở trọ cùng căn nhà số 16, đường Nhật Tảo, Hà Tiên với thầy Nguyễn Hồng Ẩn, hai thầy là bạn rất thân từ thuở đó và vẫn cho đến ngày hôm nay, thầy Ẩn đã có lời giới thiệu bài viết như sau: « Bạn tôi, Huỳnh Văn Hòa, đang thả hồn về ký ức xa xôi, xa khoảng 56 năm thôi, về một miền nhớ đã « đóng đinh » trong tiềm thức của anh một cách miên viễn.… »  (Nguyễn Hồng Ẩn).

Đến đây xin mời quý thầy cô và các bạn đọc bài của thầy Huỳnh Văn Hòa nhé.

(Trần Văn Mãnh, Paris, 28/10/2021)

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (ANH HOA)

(1966 – 1967)

A/ Chùa Quảng Tế Phật Đường:

Chùa thuộc thiền phái Minh Sư, thờ Tam Giáo và tu Tiên. Cùng hệ phái với Quảng Tế Phật Đường là :

          */ Tổ đình Chiếu Minh Tam Thanh Cần Thơ (Đức Giáo Chủ là Ngô Minh Chiêu).

            */ Chùa Hiệp Minh, Đàn Tiên.

            */ Nam Nhã Đường ở Bình Thủy

            */ Huệ Đức Thanh Tự Cần Thơ.

Các chùa nầy có chung pháp hành thiền và « cầu cơ ».

Cầu cơ được coi như là phương tiện để Thần Tiên tiếp xúc với trần thế qua một « Đàn cơ » để dạy Đạo cho môn đồ. Trong sự tiếp xúc nầy, thí dụ như là một « Tiên Ông » giáng cơ, nhập xác một đồng tử cầm cơ trên tay để ban Pháp (nói Pháp).

« Cơ » có hình dáng như là một cây đàn gáo một dây (hay là hai dây !). Đó là bộ phận tiếp điển và được dùng như là một cây bút. Đồng tử cầm cơ theo cách hoàn toàn khác với một nghệ nhân cổ nhạc sử dụng đàn gáo.

« Đồng tử » là một thiếu niên có thọ Đạo, trường chay, trạc 13, 14. Ngày xưa, thời là học sinh lớp Đệ Thất (1955 – 1956) tôi có một người bạn học ngồi bên cạnh, là một đồng tử và tôi cũng đã trộm nhìn nhiều buổi cầu cơ trong đêm tại chùa Huệ Đức Thanh, Cần Thơ (hệ phái Chiếu Minh Tam Thanh). Được biết Tổ Đình Chiếu Minh Tam Thanh thời Đức Ngô Minh Chiêu là Giáo Chủ, có quan hệ đặc biệt gần gũi với chùa Quảng Tế Phật Đường Hà Tiên vào thập niên 1930. Theo lời của các vị tôn túc đạo tràng Cần Thơ (cuối thập niên 1930).

Tôi vừa nói đến Đàn cơ, Đồng tử, cơ bút và sự sinh hoạt của các đạo tràng ở Cần Thơ đều có liên quan đến Quảng Tế Phật Đường (ý nói Quảng Tế Phật Đường là cái nôi của Đàn Cơ trước đây. Cũng mong các nhà nghiên cứu Tôn Giáo làm sáng tỏ vấn đề mà dân gian lưu truyền). Như vậy là ta cũng biết được phần nào về sự sinh hoạt của Quảng Tế Phật Đường trước đây. Ngày tôi đến tá túc chùa Phật Đường Hà Tiên (1966 – 1967) là thời gian cô Tư Thọ thay mặt ban quản trị trông coi chùa.

B/ Nhân duyên hội ngộ:

Lần nọ vào một buổi sáng chúa nhựt đầu đông, tôi đến Quảng Tế Phật Đường thăm một cậu học trò tên Tri (Nguyễn Hữu Tri) được cô Tư Thọ nuôi dạy ở đây. Do nhân duyên nầy mà tôi quen biết cô Tư Thọ và cô Năm em ruột cô Tư. Trong những lần tới lui thăm viếng nhà chùa, tôi được cô Tư, cô Năm mời dùng cơm, đó là những buổi cơm chay muối dưa đạm bạc. Thế rồi tôi được cô Tư dành cho một phòng riêng để ở lại (tá túc) và giúp cô dạy dỗ (kềm kẹp) cháu Tri, nên trò Tri là người phấn khởi nhứt. Thế là tôi thu xếp hành trang từ 16 Nhật Tảo đến chùa Phật Đường. Đây là một sự thay đổi lớn trong tôi.

C/ Nói về cô Năm và cô Tư Thọ :

Cô Năm là một bà cô đẹp lão, ăn nói dịu dàng, tuổi trên 70. Cô có biệt tài (nghề) coi tướng số và coi chỉ tay cho nên bè bạn tôi ai cũng thích được cô xem chỉ tay đoán vận mạng, trong đó có thầy Ngoan, thầy Út. Hai thầy nầy đang dạy lớp ở trường Trung Học Hà Tiên. Tôi nhớ lần nọ cô Năm chấm tử vi và coi tay cho tôi, cô nói « thọ mạng của tôi là Bạch Lạp Kim, nghĩa là đèn cầy trắng trên bàn Phật, nên tôi có mạng số là người hiền đức và sau nầy sẽ trở nên giàu có ». Tôi trộm nghĩ mình làm thầy giáo thì làm sao mà giàu có cho được ? Nhưng dù sao thì tôi cũng vui lắm.

Còn trò Tri thì đang học lớp Nhứt B (trường Tiểu Học Cộng Đồng Hà Tiên), thuộc tốp trên trung bình và nổi trội là môn toán, nhưng trò Tri lại là đứa học trò mê chơi, đúng là « mê rong chơi mà quên đường về », nên thường bị cô Tư đánh bằng roi bởi chỉ có la rầy thì không giữ chân được trò Tri ở lại chùa.

Còn cô Tư Thọ cũng là một bà cô rất đẹp lão. Cô là mẫu người bao dung, độ lượng trong cách cư xử, nhưng không nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói như cô Năm. Cô Tư có giọng nói to khỏe và nội lực, tánh người thẳng thắng và tốt bụng. Biệt tài của cô là nuôi giấm bán và chế biến thức ăn. Giấm của cô nổi tiếng là ngon và được gởi bán qua Rạch Giá và Sài Gòn. Có lần cô tổ chức « pic-nic » ở Mũi Nai, cô sai tôi mời các thầy có quen biết chùa như cô Nguyễn Minh Nguyệt, thầy Bùi Hữu Trí, thầy Phùng Tuấn Sinh, thầy Nguyễn Văn Thành và thầy Nguyễn Hồng Ẩn. Lúc đó thầy Nguyễn Tấn Ngoan và thầy Nguyễn Văn Út cũng đã đến tá túc ở chùa rồi. Dịp nầy ai cũng khen món « Thơm ướp rượu Rhum » của cô.

D/ Hậu liêu chùa Phật Đường :

Đó là căn nhà hình như là « nhà ba căn hai chái », vách ván, bên trong chỉ có một phòng riêng, phần còn lại là không có vách ngăn dành cho nhà bếp, (phòng) bàn ăn, bàn trà nước, bộ ngựa và giường ngủ. Nói chung là rất rộng rãi, khách đến thì không thiếu gì chỗ ngồi.

E/ Lý Mạnh Thường và người khách không quen, không lạ :

Thời gian thầy Ngoan và thầy Út đến tá túc ở chùa cũng là lúc em Mạnh Thường hay đến chơi, nhất là vào buổi tối. Tôi có cây đàn guitare, nên các thầy trò lúc nầy hay đàn hát rùm beng mà cô Tư không có la rầy. Trò Mạnh Thường nầy cũng ở lại ngủ đêm với hai thầy (Út và Ngoan). Mãi cho đến khi có người khách không quen không lạ đến chùa, Mạnh Thường có thêm một chị bạn mới và nhanh chóng hai người trở nên tâm đầu ý hợp.

F/ Nói về Mạnh Thường :

Em là một cậu học sinh rất dễ thường, đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ, có đôi chút ẻo lả trong cử chỉ và lời nói. Em có giọng hát hay và là mẫu người dễ gần gũi, cho nên Mạnh Thường dễ có nhiều bạn bè. Thương tiếc là em đi quá sớm, biết được là quá muộn, nên không biết phải nói lời chi mà chỉ có lòng thương tiếc một người học trò đã một thời cùng nhau ca hát, cùng có kỷ niệm với một người « không quen không lạ ! ».

G/ Quảng Tế Phật Đường và nén tâm hương :

  • Nguyện cầu Phật Đường Hà Tiên, trường tồn, hưng thịnh theo thời gian.
  • Đốt nén tâm hương gởi người quá cố.

Xin có lời thương tiếc gởi người thân thương : Cô Tư Thọ, Cô Năm và em Lý Mạnh Thường với lời nguyện cầu được yên vui cõi vĩnh hằng.

                       ANH HOA, Rằm tháng 9 âm lịch Tân Sửu (tháng 10 năm 2021)

Tái bút : Thầy Huỳnh Văn Hòa, bút hiệu ANH HOA, giáo viên Trung Tiểu Học Hà Tiên 1964 – 1967.

Còn tiếp, xin mời thầy cô và các bạn chờ đọc tiếp bài « Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 2 »

Chân dung thầy Huỳnh Văn Hòa: trái: năm 1964, phải: năm 1967.

 Thầy Huỳnh Văn Hòa: hình trái: chân dung trong những năm dạy học tại Hà Tiên (1964-1967); hình phải: chân dung hiện nay (Cần Thơ)

Mặt tiền chùa Quảng Tế Phật Đường, Hà Tiên. Hình TVM 2012

Cổng chánh chùa Quảng Tế Phật Đường ở đường Chi Lăng Hà Tiên. Hình TVM 2012

Phía sau : Hậu liêu chùa Phật Đường, Hà Tiên. (Hình: Hưng Nguyễn, 2018)

Chú thích: Mời quý độc giả xem thêm bài viết tự thuật của thầy Huỳnh Văn Hòa theo link dưới đây:

Thầy Huỳnh Văn Hòa: Hà Tiên và sự yên bình của một vùng đất cổ kính, nên thơ.