Thư viết cho Cô Nguyễn Phước Thị Liên  (Lý Thị Lắc)                     

Thầy cô và các bạn thân mến, thắm thoát đến ngày 28/03/2024 là đủ 7 tuần kể từ ngày cô Nguyễn Phước Thị Liên rời xa chúng ta. Đội Dưỡng Sinh Hà Tiên từ nay thiếu vắng một người cô kính mến từng chung bước tập dợt với các bạn và các cô…Bức ảnh sau cùng chụp tháng 12/2023 còn ghi lại hình ảnh thân thương của cô, qua bài viết của chị Lý Thị Lắc, xin gởi đến thầy cô và các bạn một khoảnh khắc tâm tình nhớ lại cô Nguyễn Phước Thị Liên, một người cô mà mình cũng có cái hân hạnh đôi khi được xem như một người bạn trên tinh thần thơ văn, trao đổi quan điểm nghệ thuật. (Paris, ngày 26/03/2024, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Thư viết cho Cô Nguyễn Phước Thị Liên  (Lý Thị Lắc)                            

Hôm nay là đúng bốn mươi lăm ngày Cô ra đi nhưng với tôi Cô luôn hiện hữu. Lúc nào hình bóng Cô cũng bên cạnh tôi. Khoảng thời gian nằm trong bệnh viện Cô thường điện về tâm sự với tôi. Có một lần Cô nói : “ Mình giống nhau ở điểm thẳng thắn! “. Tôi cười và ghẹo Cô: “ Không phải mình thẳng thắn đâu Cô. Mình không làm chủ được cảm xúc đó ! “.

Mấy năm trước khi Cô bị tai nạn đụng xe phải đưa lên điều trị ở Bệnh Viện Columbia Thủ Đức. Tôi đã lên thăm Cô hai lần. Lên thành phố Hồ Chí Minh, tôi ở tạm nhà cháu thuộc quận Bình Thạnh. Sáng sớm 4 giờ tôi ra bến xe buýt chờ đi Thủ Đức. Những mẫu chuyện vụn vặt trên xe buýt của khách chờ không làm vơi đi sự nôn nóng mong đợi gặp Cô ở Bệnh Viện. Để tự trấn an, tôi dặn lòng bằng những câu thần chú định tâm :

“ Đừng bận tâm.
Không sao đâu.
Rồi mọi chuyện sẽ qua… “

Khoảng thời gian rất dài (2005) cùng nhau trong Đội Dưỡng Sinh với rất nhiều kỷ niệm : vui buồn lẫn lộn. Cô rất tốt và luôn chăm sóc mọi đội viên.

Có một lần, đội tập ráo riết để chuẩn bị đi thi tỉnh. Còn hai ngày nữa là kết thúc buổi tập thì một hội viên trong đội giận Cô Huấn Luyện Viên (bên Rạch Giá qua). Cô hội viên này nghỉ ngang. Với cương vị một Đội Trưởng, tôi phải năm lần bẩy lượt năn nỉ, vì cận ngày thi quá không tìm ra người thay thế. Thấy tôi cứ đi năn nỉ hoài, Cô sốt ruột phán một câu xanh rờn: “ Tôi không chịu nhục như Lắc đâu ! “

Sau khi đi thi về có cuộc họp nội bộ, Cô thẳng thắn xin lỗi tôi về câu nói đó trong buổi họp.

Rất, rất nhiều những kỷ niệm khó quên và gần đây nhất, ngày 29/12/2023 có buổi tiệc Tất Niên của Đội Dưỡng Sinh. Bức ảnh sau cùng được chụp trước cổng Ti La. Cô vòng cánh tay qua tay tôi. Tôi hỏi sao siết chặt quá vậy Cô ?

– Để mình không rời xa…
Dư âm giọng nói vẫn còn bên tai.

Ôi ! Không thể kể hết những kỷ niệm, những chân tình của những ngày bên nhau trong Đội Dưỡng Sinh. Tôi nhớ , tôi đã nghe một giọng đọc về quyển sách: “ An nhiên giữa những thăng trầm “. Có một đoạn luận bàn về cái chết. Rằng:

Có ba dạng người :

1/ Chết đâu, chôn đó .
2/ Chết rồi, chưa chôn,
3/ Chôn rồi, chưa chết…

Cô ơi ! Trong tim chúng em Cô mãi mãi :

“ Chôn rồi, chưa chết ! “

Hà Tiên, mùa Thanh Minh 2024.

                 Lý Thị Lắc

Đội Dưỡng Sinh Hà Tiên. Hình: Lê Thị Việt Nga, 2020. (Cô Nguyễn Phước Thị Liên đứng giữa, mặc áo màu cam nhạt. Tác giả bài viết, chị Lý Thị Lắc đứng bên trái cô)

Đội Dưỡng Sinh Hà Tiên. Hình: Lê Thị Việt Nga, 2023. (Cô Nguyễn Phước Thị Liên ngồi giữa, mặc áo màu cam nhạt. Tác giả bài viết, chị Lý Thị Lắc ngồi bên trái cô)

Ngày đẹp nhất của năm 2023 (Thầy Lê Văn Trợ)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thời gian một năm hay ngay cả một cuộc đời, có những ngày ta cho là ngày đẹp nhất, ngày đáng ghi nhớ nhất hay ngày không bao giờ quên được… Những ngày đó có thể (hay phải nói là chắc chắn) là ngày đám cưới của ta, ngày ta sinh ra, ngày ta gặp một người nào đó, …v…v…Mọi kết luận chắc phụ thuộc vào nhân vật, hoàn cảnh, và sự kiện…Như vậy đối với một người theo nghiệp phấn trắng bảng đen, một người thầy giáo, những ngày đẹp nhất chắc phải là những ngày các em học trò đến nhà thầy cô thăm viếng, còn là một ngày phải nói là đẹp hơn hết cả nếu cuộc thăm viếng đó xảy ra sau bao nhiêu chục năm thầy trò xa cách, không gặp mặt nhau vì dòng đời khiến mỗi người có một hướng đi riêng…Người thầy thì có thể vẫn còn cầm viên phấn trắng mặc dù đôi mắt thầy bắt đầu hơi mờ theo thời gian, hay đã xếp lại giáo án về quê nhà hay một nơi nào đó nghỉ ngơi sau một cuộc đời dài cống hiến cho ngành giáo dục, người học trò thì đã thành người đúng nghĩa do sự giáo hóa của trường học và nay đã ra đời sống thi thố tài năng, phục vụ xã hội,…Cuộc hội ngộ lúc đó lại càng có nhiều ý nghĩa và chắc phải khiến cho cả thầy lẫn trò đều xúc động….Như vậy không phải là cường điệu hóa khi thầy Lê Văn Trợ dùng cái tựa của một bài viết như câu « Ngày đẹp nhất của năm 2023″…

Ngày đã nói trên trong năm 2023 là ngày nào…, có thể là ta cho không quan trọng lắm ngày tháng chính xác theo kiểu ghi trong giấy tờ, ta chỉ cần biết là đó là một ngày đã xảy ra trong năm 2023, một ngày mà có rất nhiều học sinh cũ của ngôi trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên đã từ Kiên Lương lên Sài Gòn tìm đến nhà thầy Lê Văn Trợ để thăm thầy, càng có ý nghĩa hơn là trong nhóm học trò thăm thầy, có những em đã hơn 40 năm qua chưa gặp lại thầy…!

Thầy Lê Văn Trợ bắt đầu dạy môn Sử Địa trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên vào những năm đầu của thập niên 80 (1980), theo các nhận xét của học trò Hà Tiên vào thời đó, thầy Lê Văn Trợ có một thói quen là thức dậy rất đúng giờ và tập thể dục không bỏ ngày nào. Sau một thời gian vài năm, thầy Lê Văn Trợ rời Hà Tiên về Sài Gòn để tiếp tục tu nghiệp theo môn Anh Văn tại trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, sau đó thầy Lê Văn Trợ làm giảng viên môn Anh văn tại Sài Gòn. Hiện nay thầy đã về nghỉ hưu tại Sài Gòn, vì thế các em học sinh ngày xưa có dịp đến thăm thầy như đã nói ở trên. Bài viết mang tên « Ngày đẹp nhất của năm 2023 » do thầy Lê Văn Trợ cảm xúc viết ra sau cuộc thăm viếng của các em học sinh ngày xưa, xin mời thầy cô và các bạn hãy thưởng thức lời thuật lại của thầy Trợ cuộc gặp gở đó nhé. Paris, ngày 11/11/2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu.

NGÀY ĐẸP NHẤT CỦA NĂM 2023 (Thầy Lê Văn Trợ)

« Khi Thầy viết bảng bụi phấn bay bay.
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.
Có hạt bụi nào rơi trên tóc Thầy.
Em yêu phút giây nầy… » (1)

Ngày đầu đặt chân đến Hà Tiên, khi tiếp xúc với người địa phương chính gốc, chúng tôi có ngay một ấn tượng đẹp: Ngài Mạc Cửu, người khai sáng đất Hà Tiên, đã giáo hóa cư dân ở đây theo tinh thần Nho Giáo, NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN. Về sau, khi tìm hiểu về Tao đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích, chúng tôi biết rằng, ngoài việc xướng họa thơ ca, Chiêu Anh Các còn là nơi thờ các vị thánh hiền như Đức Khổng Tử.

Kiên Lương là một thị trấn cách Hà Tiên 30 km trên đường Hà Tiên – Rạch Giá. Đa phần người dân Kiên Lương là dân nhập cư về sống và làm việc cho nhà máy xi măng Vincem Hà Tiên. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy không phải là người Hà Tiên chính gốc, nhưng cách đối nhân xử thế của họ, khiến người thứ ba không phân biệt được đâu là Hà Tiên, đâu là Kiên Lương.

Tháng 10 – 2023 vừa qua, một lớp học sinh cũ của trường Phổ Thông Trung Học Hà Tiên tổ chức họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày rời trường. Các em có mời, nhưng do điều kiện, tôi không thể về được. Sáng thứ tư 01- 11- 2023, một số học sinh cũ PTTT Hà Tiên đi chuyến xe đêm từ Kiên Lương lên Sài Gòn để thăm tôi. Tất cả các em đều là người Kiên Lương.

10g30 các em đến nhà. Trong số các em, có Ngọc Ngân do sống ở hải ngoại, nên 40 năm, nay mới gặp lại. Sau một vài tách trà cùng ôn lại chuyện xưa, các em mời tôi đi dùng bữa trưa tại một nhà hàng. Vì biết Nha Trang là quê hương thứ hai của tôi, nên các em đưa tôi đến một nhà hàng thức ăn biển dân dã trên đường Trần Quốc Thảo, Q 3. Ngày còn ở quê, món ăn làm từ hến là rất bình thường, nhưng kể từ ngày xa quê đến nay, 60 năm, đây là lần đầu tiên, tôi gặp lại món hến, nên sáng hôm đó, tôi rất nhiệt tình với món này. Ngoài ra, những món khác như cá bống kho, lẩu, canh chua, v.v… cũng rất hầp dẫn.

Trước covid 19, do lịch làm việc, mỗi ngày, chúng tôi thường rời nhà sau 8g sáng, đến khoảng 12g trưa về lại nhà, chiều đi tiếp từ lúc 2g và về đến nhà có bữa là 10g đêm, một số bữa là 11g. Lúc đó, gần như tối nào cũng vậy, trừ chúa nhật, tôi thường đi ngủ lúc 12g khuya. Để chống stress, tôi tích cực thể dục mỗi sáng sớm, đôi khi, tôi tìm một chút thư thả trong các quán cafe sân vườn. Chỉ quanh quẩn trong khu dân cư nơi tôi ở, nên tôi luôn có một ấn tượng Gò Vấp là nơi có nhiều café sân vườn đẹp nhất Sàl Gòn. Thực ra, có « đi một ngày đàng mới học một sàng khôn. » Sau cơm trưa, chúng tôi đến một quán cafe sân vườn trên đường Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận. Không gian nền của quán là một hồ cá với đa dạng các loài cá đẹp. Tất cả các lối đi đều trên mặt nước. Chỗ ngồi của khách nằm trong lòng hồ, cá lội tung tăng chung quanh. Bàn cafe hình tròn và chỗ ngồi cũng là một hình tròn vòng quanh bàn. Một không gian nhân tạo nhưng đẹp tự nhiên và nó đã đem đến cho thầy trò chúng tôi một buổi chiều cuối thu bình yên và thanh thản. Chúng tôi xem ngày nầy là ngày đẹp nhất, đáng yêu và đáng nhớ nhất của năm 2023. Đẹp, trước hết và chủ yếu, là vì tấm lòng.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Sài Gòn có những ngày trời mưa tầm tã, đôi khi cả sáng lẫn chiều, nhưng hôm đó, nắng rất đẹp. Thiên nhiên đẹp và con người hài hòa với thiên nhiên. Đáng yêu, vì từ nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên, tôi mới có dịp bước vô một nhà hàng, được thưởng thức những món ăn vừa quen vừa lạ lại vừa ngon.

Trong các loại hình lao động, công việc của người đứng trên bục giảng là khó đánh giá nhất, vì nó có những kết quả rất gần, nhưng cũng có những kết quả rất xa đến nhiều năm sau khi học sinh rời trường, thành quả mới được công nhận. Đó là chưa kể những kết quả trừu tượng, chỉ có lương tâm của người làm công tác giáo dục mới biết. Cứ mỗi lần gặp lại, các em học sinh cũ trường Hà Tiên luôn làm tôi nhớ đến ý tưởng của một học giả phương Tây, « Nếu bạn không làm được một ngôi sao giữa vòm trời cao rộng thì bạn hãy làm một ngọn đèn trong nhà vậy », các em học sinh cũ trường Hà Tiên mà tôi gặp lại đểu là những ngọn đèn. Các em lên thăm chúng tôi đây, có em hiện đang sống và làm việc tại Úc, nay trở về thăm quê Kiên Lương, có em là đồng nghiệp chúng tôi, có em làm việc cho Vincem Hà Tiên, có em là bác sĩ giám đốc bệnh viện, v.v… Chúng tôi thích những ngọn đèn có thực hơn là những ánh hào quang loé lên rồi vụt tắt. « Con hơn cha là nhà có phúc. » Chúng tôi chỉ mong có vậy. Chính các em là những người đã làm sống lại trong tôi quãng thời gian sống và làm việc tại Kiên Lương – Hà Tiên. Tuy không dài, 5 năm học, nhưng tôi xem đây là quãng đời có ý nghĩa nhất và đẹp nhất trong sự nghiệp của một người đưa đò. Năm tôi ra trường, 1979, lúc này trường PTTH Hà Tiên đang sơ tán vể Kiên Lương do chiến tranh biên giới năm 1979.

Những ngày sơ tán Kiên Lương
Ngôi trường mái lá bên đường có nhau.

Hai năm học sau, năm học 1981- 82, trường dời về lại Hà Tiên. Hà Tiên hay Kiên Lương, thời kinh tế bao cấp, ở đâu cũng vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhất là địa phương là vùng thiếu nước ngọt kinh niên. Nhưng cái nghèo, cái khổ cũng có mặt tích cực của nó. Trong gian khổ, con người dễ cảm thông và dễ gần gũi nhau hơn. Đến đây, bẩt chợt, tôi nhớ lại một chuyện nhỏ. Hà Tiên là một vùng đất già truyền thống văn học nghệ thuật tại đồng bằng sông Cửu Long. Tết âm lịch năm 1983, ban Văn hóa thông tin huyện Hà Tiên lên kế hoạch ra một đặc san mừng xuân. Người phụ trách tờ đặc san mời tôi viết bài cộng tác. Tôi cảm thấy lúng túng. Chỗ quen biết, từ chối rất khó, mà nhận lời lại càng khó hơn. Hồi đó, mỗi tối, trước giờ đi ngủ, tôi thường đi bộ chậm rãi qua lại trên hành lang trước phòng nội trú giáo viên. Trong khi đi như vậy, tôi nghĩ ra được mấy câu thơ, góp thành một bài và gởi đăng. Chủ thể bài thơ là một cô giáo trẻ mới ra trường.

Em mang mùa xuân vào lớp học
Mang cả trái tim chan chứa tình người…
Màu phấn trắng như lòng em trong trắng
Màu bảng xanh như tà áo em xanh
Trên bục giảng em ươm mầm hy vọng
Hoa sẽ đơm bông quả sẽ ngọt lành…
Cuộc sống mới còn gian nan vất vả
Nhưng em ơi ta quyết chí bền lòng
Bên đàn em cùng giáo án bảng xanh
Viên phấn trắng là lẽ đời ta đó.

Sau khi bài thơ được đăng lên tờ báo nói trên, trong một bữa tiệc nhỏ, ngồi cạnh tôi là Bùi Thế Hưng, nhân viên ban giáo dục Hà Tiên. Hưng tỏ ý muốn phổ nhạc bài thơ. Phổ nhạc xong, Hưng đưa tặng tôi một bản. Tôi chỉ biết đến đó. Phần còn lại, tôi viết theo lời kể của Hưng. Sau đó, Hưng đem bản nhạc đi dự Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Kiên Giang, dường như theo tôi nhớ, cũng vào dịp Tết năm đó, và chiếm giải nhất sáng tạo tự biên tự diễn. Tôi giữ mãi bản nhạc nầy như một kỷ niệm không bao giờ quên với trường Trung học Phổ thông Hà Tiên.

Cuộc hội ngộ của Thầy xưa Trò cũ chúng tôi thật viên mãn, thật vui và cảm động. Chúng tôi chia tay nhau khi trời chiều vừa xế bóng.

« Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài ». (2)

Tác giả : Lê Văn Trợ, nguyên giáo viên trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên trong những năm 80.

Chú thích:

(1) Thơ của Lê Văn Lộc, được Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài « Bụi phấn ».
(2) Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ Trung Học Hà Tiên Xưa giữa thầy Lê Văn Trợ và các em học sinh ngày xưa: trái qua phải: Lê Ngọc Ngân, Hồ Thanh Tuyền, Lê Li Fa, thầy Lê Văn Trợ, Hàng Phụng Linh, Nguyễn Thị Bích Thủy. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ Trung Học Hà Tiên Xưa sau hơn 40 năm giữa thầy Lê Văn Trợ và học sinh Lê Ngọc Ngân. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ giữa thầy trò Trung Học Hà Tiên Xưa. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Tái bút: Trân trọng cảm ơn thầy Lê Văn Trợ đã vui lòng cho đăng bài viết của thầy, không quên cảm ơn Lê Ngọc Ngân đã cung cấp hình ảnh quý và cảm ơn Trương Minh Quang Nguyên đã giới thiệu bài viết của thầy Lê Văn Trợ và cám ơn tất cả các em học sinh có mặt trong các hình trên. (TVM)

Học trò Trung Học Hà Tiên xưa từ Việt Nam và Mỹ đến thăm cô giáo (cô Ngô Thị Tuyết Dung)

Trung Học Hà Tiên xưa: Những cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm qua

Thầy cô và các bạn thân mến, ngày xưa khi thầy cô hay bạn bè chia tay nhau, mỗi người một ngả tìm phương định hướng tùy theo hoàn cảnh mỗi người, muốn liên lạc lại với nhau cũng hơi khó khăn…Ngày xưa chỉ có phương tiện viết thư cho nhau, trong thư ta cho biết tin tức, có khi kèm theo một vài tấm ảnh trên giấy trắng thật sự…Phương tiện liên lạc ít ỏi như vậy nhưng ta vẫn còn được biết tin nhau…Rồi thời gian trôi qua với biết bao biến cố, vì chiến tranh, vì di tản, vì những cuộc đi tìm một chân trời mới để sinh sống, chúng ta hoàn toàn mất tin nhau, có khi hơn cả vài chục năm không ai biết tin của ai…Những người còn ở lại Hà Tiên thì vẫn tiếp tục mưu sinh, đó là những con người rất thân yêu và rất đáng kính trọng…thầy cô, bạn bè còn đó tuy không còn lui tới mái trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa nữa, nhưng thầy cô và các bạn đó vẫn là những con người rất can đảm, ngày đêm gắn bó với mảnh đất thân yêu Hà Tiên, xin mượn bài viết nầy để nêu lên tấm lòng ngưởng mộ, kính phục thầy cô và các bạn còn mãi mãi với đất Hà Tiên đó…Một số thầy cô và các bạn khác, hoặc là dời đi sinh sống ở các thành phố, tỉnh thành khác nhưng vẫn còn ở trong nước, một số lại lần lượt ra đi, phần lớn để đoàn tụ gia đình đã lập nghiệp ở các nước ngoài: Mỹ, Canada, Pháp, Úc,…Bây giờ tuy đã xa nhau thật sự hàng ngàn dặm nhưng khoa học và những phương tiện truyền thông hiện đại lại đưa chúng ta đến gần, trong một khoảnh khắc chúng ta có thể trao nhau một vài câu viết, cho nhau xem những tấm ảnh kỷ niệm xưa nay,..Thật là may mắn và huyền diệu thay…Mình thuộc vào thế hệ học sinh trung học Hà Tiên vào những năm 1960-1970…cũng như nhiều bạn khác cùng lứa, đã rời trường từ hơn 40 năm nay, phần lớn là để tiếp tục quá trình học vấn, hoặc đi làm việc, có bạn đi nhập ngủ vì con đường học vấn tạm dừng lại,..cũng có bạn lại không may mắn đã ra đi vĩnh viễn, vì một cơn bệnh ngặt nghèo hay càng không may hơn vì một biến cố giữa biển khơi, đành phơi mình trong lòng biển cả…Chúng ta là những người còn ở lại thế gian nầy, tuy xa cách qua không gian, nhưng may mắn được gần gủi nhau qua những trang Face Book, qua những bài viết nhắc nhau kỷ niệm xưa trên Blog,…Vậy chúng ta hãy xem lại hình ảnh của những cuộc hội ngộ nầy dù sau hơn 40 năm trôi qua, tình thầy cô trò, tình bạn vẫn không phai nhạt, diễn tả được trên nét mặt, nụ cười trong những hình ảnh sau đây…..(còn nhiều cuộc hội ngộ khác hình ảnh và tin tức vẫn còn nhiều thiếu sót xin thầy cô và các bạn giúp bổ sung thêm nhé).

Trong những ngày trước, chính xác là ngày 22/tháng năm/2023, mình có dịp đọc được một bài viết của cô Ngô Thị Tuyết Dung (tác giả bài viết « Những ngày xóa dốt ở ấp Trần Thệ » đã được đăng trên Blog nầy trong mục « Chuyện vui buồn ngày xưa » ngày 08/tháng năm/2020). Cô Tuyết Dung là một trong những vị giáo sư đã giảng dạy môn Văn ở trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 70-80, cô đã thông tin cho cộng đồng bạn trên trang face book cá nhân về cuộc viếng thăm của các em học trò trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa, các em đã từ quê hương Việt Nam xa xôi, từ các thành phố ở nước Mỹ, cùng hẹn nhau một ngày thứ bảy 20 tháng 5, 2023 đến thành phố Houston, tiểu bang Texas để gặp lại cô giáo thân yêu ngày xưa…, đó là những em đã theo học các lớp 8A, 8P với cô giáo Ngô Thị Tuyết Dung…. Trong số các em, đặc biệt có em Trương Thị Uyên My, con gái đầu lòng của thầy cô Trương Minh Đạt, Nguyễn Phước Thị Liên, đã từ ngay ở Việt Nam đến nước Mỹ để thăm cô Dung. Mời thầy cô và các bạn đọc lại bài viết sau đây của cô Ngô Thị Tuyết Dung kể lại câu chuyện học trò đến thăm cô giáo nhé. (Paris, ngày thứ sáu, 30 tháng sáu, năm 2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Học trò Trung Học Hà Tiên xưa từ Việt Nam và Mỹ đến thăm cô giáo (cô Ngô Thị Tuyết Dung)

Một ngày tháng tư, em Uyên My từ Việt Nam gửi tin hỏi thăm và cho biết sẽ cùng các bạn đến thăm cô giáo cũ vào cuối tháng năm. Các em từ các nơi: Việt Nam, OHIO, ARLINGTON, AUSTIN, GALVESTON đã không ngại đường sá xa xôi và công việc làm ăn.. , hẹn cùng đến thăm cô vào trưa thứ bảy 20 tháng năm vừa qua.

Thật không còn gì cảm động hơn tình nghĩa cô trò chỉ vài năm gắn bó tại mái trường Trung Học Hà Tiên xưa mà nay, dù đã hơn bốn chục năm vật đổi sao dời, vẫn không hề quên lãng. Thuở đó cô mới tốt nghiệp ra trường đi về miền cùng trời cuối đất nhận nhiệm sở trong một buổi giao thời đầy hoang mang vô định. Cô được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trong chế độ cũ nhưng lại phải truyền đạt kiến thức theo hệ tư tưởng mới nên cũng lóng ngóng ngượng ngùng! Nhưng các em vẫn hồn nhiên đón nhận bằng tình cảm chân chất cởi mở của người dân xứ Hà, một xứ sở giao thoa giữa các nền văn hóa lịch sử và tâm linh.

Buổi hội ngộ rôm rả kỷ niệm về các bài luận tranh tài giữa em giỏi văn viết không cần nháp và em xuất bút tràng giang đại hải quên cả lối về, kèm theo những lời pha trò dí dỏm khiến cuộc vui chẳng muốn dừng! Chuyện xưa tưởng như mới hôm qua thoắt nay tuổi đời các em cũng đã trải từng, tóc đã điểm sương, dâu hiền rể thảo có đủ … Rất tiếc rể quý chủ nhà và con gái cô vắng mặt nên buổi tiếp đãi đơn sơ và thời gian có giới hạn. Cám ơn tất cả các em đã có lòng nghĩ nhớ đến cô giáo năm xưa mà nhóm lên buổi gặp nghĩa tình. Mong là các em Thảo, Lài, My, Liêm, Nguyên, Đạt, Đắc Dũng, và nhất là em Hùng Thành (đã quy tụ cả gia đình thầy Đức, cô Bích đến nhà họp mặt, cùng cả các bạn Huỳnh Dũng, Huệ Anh,  Nghĩa, Đáo ..nói chuyện qua zoom trên laptop.. ) tiếp tục cuộc vui họp mặt,  thăm thú đó đây trước khi các em lên đường trở về với cuộc sống nơi ở thường ngày!

Thượng lộ bình an nhé các em !

Cô Ngô Thị Tuyết Dung (5/22/2023)

Trái sang phải: Đặng Hùng Thành, Hoàng Thanh Liêm, Trần Đắc Dũng, Trương Thị Uyên My, cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trương Thanh Nguyên, Lại Kim Lài, Trần Hiếu Thảo. Hình: NTTD

Trong dịp họp mặt cô trò Hà Tiên xưa, cô Ngô Thị Tuyết Dung cũng đã có dịp hội ngộ bạn đồng nghiệp xưa ở trường Kiên Lương: Hàng phía trước trái qua phải: Hoàng Thanh Liêm, cô giáo Bích dạy ở Kiên Lương ngày xưa, cô Ngô Thị Tuyết Dung, thầy Đức. Hàng sau: trái qua phải: Trương Thị Uyên My, Trương Thanh Nguyên, Đặng Hùng Thành, Phạm Huy Đạt. Hình: NTTD

Trái qua phải: Cô Ngô Thị Tuyết Dung, học trò lớp 8P Hà Tiên: Trương Thị Uyên My, Trương Thanh Nguyên, Hoàng Thanh Liêm, học trò lớp 8A: Đặng Hùng Thành. Hình: NTTD

Trái sang phải: Trương Thị Uyên My (học sinh lớp 8P), cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trương Thanh Nguyên (học sinh lớp 8P), Lại Kim Lài (vợ của em Trần Hiếu Thảo, học sinh Hà Tiên). Hình: NTTD

Hình trái: Cô Ngô Thị Tuyết Dung (trái), cô Bích, bạn đồng nghiệp xưa dạy trường Kiên Lương (phải). Hình phải: Cô Ngô Thị Tuyết Dung (trái) và học trò giỏi văn lớp 8P Trung Học Hà Tiên Xưa: Trương Thị Uyên My (phải). Hình: NTTD

Hình trái: Trái sáng phải: Phạm Huy Đạt, cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trương Thanh Nguyên. Hình phải: Cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trần Đắc Dũng. Hình: NTTD

Cô Ngô Thị Tuyết Dung với hai em Lại Kim Lài và Trần Hiếu Thảo. Hình: NTTD

Quang cảnh cuộc vui hội ngộ Trung Học Hà Tiên sau hơn 40 năm qua. Hình: NTTD

 

 

 

Một sư cô nơi biên địa (Cô Nguyễn Phước Thị Liên)

Thầy cô và các bạn thân mến, nói đến địa danh mang tên Giang Thành, không thể nào không nhắc đến thời Mạc Thiên Tích với những chiến công dẹp giặc loạn cứu nguy trấn Hà Tiên. Giang Thành là nơi biên ải, không xa lắm trung tâm Hà Tiên để đêm đêm người dân và quan lính trấn Hà Tiên còn có thể nghe được tiếng trống canh đêm vọng về, rồi tuy là một đại tướng quân từng cầm gươm lệnh xông pha nơi chiến trường, lòng Mạc Thiên Tích không khỏi rung động để viết lên những vần thơ  xuất phát từ cảm hứng khi nghe tiếng trống đêm, để lại cho hậu thế những bài thơ còn mãi được chúng ta chiêm nghiệm…

Tướng quân Doãn Uẩn, người từng cầm quân vâng lệnh vua Thiệu Trị, cùng với các quan võ cùng thời, năm 1845, đã hành quân chiếm lại được tỉnh Hà Tiên sau cuộc chiến xâm lăng phá hoại của quân Xiêm. Có lần ông nghỉ lại qua đêm ở trấn thự của người xưa Mạc Thiên Tích…(nơi từng là địa điểm của ngôi nhà Chiêu Anh Các một thời vang bóng và ngay nay chính là nơi có ngôi chùa Phù Dung được cất lại trên nền nhà xưa). Trong một tác phẩm của ông, Doãn Uẩn đã viết: « Mùa thu năm ngoái (tức năm 1845), ta vâng kiếm lệnh của nhà vua đi dẹp giặc cỏ ở nơi sơn cùng thủy tận, nhân đó có dịp đến Hà Tiên, cảnh còn đó mà người xưa đâu tá…Ta đang trầm ngâm đọc Trống đêm ở Giang Thành (tức Giang Thành dạ cổ) của Mạc Tướng Công, trong thơ phòng của chính người xưa. Cũng chính bấy giờ – từ đồn canh Giang Thành, trống quân báo giặc tới, bỗng thúc lên từng hồi… vội tiếc rẽ, gài thơ hay vào bao gươm lệnh, rồi cùng tướng sĩ lên mình ngựa, xông pha vào chốn lằn tên mũi đạn, mà dẹp tan bọn giặc cỏ…Tiệc rược khao quân cử ngay trước trận tiền, ngay bên gò đống xác giặc…sực nhớ ta cười ha hả rút bài thơ trong bao gươm lệnh ra, sang sảng nói: « Thức nhắm đây »…rồi sang sảng mà đọc bài « Trống đêm ở Giang Thành » của Mạc Tướng Công (1)…

Ngày nay, đất Giang Thành, chốn biên ải vẫn còn đó mà người xưa như Mạc Tướng Công, Doẵn Uẩn, quan quân lính trận đâu cả rồi,…ngay cả tiếng trống lệnh báo giặc hay báo việc canh gát ban đêm cũng đã lặng im…Nếu ta còn đứng ở một nơi nào đó trên đất Giang Thành, chắc hẳn lòng cũng rất ngậm ngùi và bâng khuâng tiếc nuối một thời đại mà ta không thể sống qua…Tuy nhiên lòng cũng hân hoan được sống trong một cảnh thanh bình… Giang Thành không còn đồn canh báo trống lệnh như xưa nhưng lại có một ngôi chùa như chứng nhân cho thời xưa còn lại, chùa được lập ra từ thời vua Minh Mạng, nhưng với thời gian đã hư mòn, mụt nát… May mắn thay cơ duyên cũng sắp đặt để có một sư cô đến trụ trì, chỉnh trang lại ngôi chùa, đem lại tiếng kinh kệ hằng đêm thay thế tiếng trống quân…

Rồi lại có một tín nữ có lòng mộ đạo, từ Hà Tiên tìm đến ngôi chùa, tham quan và hầu chuyện cùng với sư cô…Mời thầy cô và các bạn đọc bài ký đi thăm chùa Giang Thành sau đây để biết được các hoạt động ở ngôi chùa nầy, bài viết của cô Nguyễn Phước Thị Liên, cây bút rất quen thuộc của văn đàn Hà Tiên. (Paris, ngày thứ bảy, 24 tháng 6 năm 2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

(1): Trích theo sách « 250 năm Tao Đàn Chiêu Anh Các », tr 78-79, bài viết của Hà Văn Thùy và sách « Nghiên cứu Hà Tiên », tr 240-241, của Trương Minh Đạt

Một sư cô nơi biên địa (Cô Nguyễn Phước Thị Liên)

Vào thời Mạc Cửu khai phá đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn phong tặng: “Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công”. Lúc bấy giờ ở Giang Thành được Mạc Cửu cho xây bờ lũy và đồn canh để ngày đêm canh phòng nghiêm nhặt, ngăn ngừa giặc xâm lăng. “Giang Thành dạ cổ” là một trong mười bài “Hà Tiên thập vịnh” tuyệt tác của Mạc Thiên Tích, con trai Mạc Cửu. Bài thơ nói về tiếng trống cầm canh nơi đồn thú bên bờ sông vọng về trong đêm:

“Trống quân Giang thú nổi uy phong,
Nghiêm gióng đồn canh ỏi núi sông,
Đánh phá mặt gian người biết tiếng,
                    Vang truyền lịnh sấm chúng nghiêng lòng …”(*)

Đến thời Minh Mạng (1820-1841) nhân dân tại đây có lập một ngôi chùa gọi là chùa Giang Thành để dân làng có nơi chiêm bái Phật tổ, nương tựa phần tâm linh. Chùa được vua ban sắc thừa nhận.

Toàn cảnh Giang Thành ngày nay bờ lũy không còn, đồn canh chỉ là dấu gạch rêu phong, ngôi chùa một thời mục nát vô chủ, đến khi gây dựng lại thì không ai trụ giữ được hơn ba tháng. Cho đến lúc có một sư cô đến trụ trì. Đó là Sư cô Thích Nữ Huyền Thanh, tu học tại thiền viện Linh Chiếu. Sư cô được Giáo hội bổ nhiệm về tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Tại đây sư cô được thầy mình là Ni sư Thích Nữ Như Hải, Phó ban trị sự Phật giáo Kiên Giang, trụ trì chùa Sắc tứ Tam Bảo – Hà Tiên, giới thiệu về chùa Giang Thành tu thân, phục vụ đạo pháp.

Tôi được nghe, trong khi đào đất, chùa Giang Thành phát hiện một tượng Phật bằng gỗ quý, cao chừng bảy tấc, có đường nét chạm khắc rất đẹp. Hôm ấy tôi đến thăm chùa, xe ôm bỏ tôi ở chổ ngã ba rẽ vô xã. Tôi cuốc bộ hỏi thăm từng chặng đường vô chùa. Ai cũng bảo: “Đó… đó. Ở đằng đó, đi ngã này”. Phải qua hàng loạt mấy đám cỏ lát, cỏ năn với ruộng lúa và qua ba bốn bận “đi ngã này”, tôi mới thấy mái chùa, mà cứ tưởng mái nhà ai lờ mờ thấp bé bên một cái cây thật cao. Chùa chẵng là sừng sững hay oai nghi như tôi thường thấy.

Tôi vô cổng, qua sân. Một con chó ùa ra sủa. Sư cô trong chùa bước ra. Tôi vái chào. Sư cô có dáng người hơi cao, nhanh nhẹn, đặc biệt tiếng nói to, miệng cười tươi tắn hồn nhiên. Sư cô tiếp tôi chân tình cởi mở, dường như lâu quá mới thấy người kẻ chợ vô thăm. Tôi dòm quanh không thấy ai ngoài sư cô đang lăng xăng kéo ghế pha trà. Tôi xin phép lên lạy Phật. Chuông đổ. Tiếng ngân khẽ chạm vào hư không, lững trôi giữa bốn bề đồng không mông quạnh. Lòng tôi bỗng dưng buồn một cách lạ lùng.

Tôi ngắm nhìn tượng Phật gỗ rồi đi quanh chùa. Chỉ cần vài bước chân là tôi đã đi cùng khắp rồi. Tôi than: “Chùa nghèo quá”. Hai chúng tôi bật cười. Một mối dây thân thiện không biết từ đâu vây lấy. Cứ thế, sư cô và tôi đi ra sân trước sân sau nhà chùa. Tôi khen chùa có cái cây to, quí quá, cho bóng mát suốt ngày, rồi hỏi:

– Thưa sư cô, ở đây hầu hết là người Khơ-me, họ có thường vào chùa lạy Phật?
– Mô Phật, cũng thường lắm. Nhưng lúc này vắng hẳn là do trên cây đó có cái tổ ong vò vẽ thật lớn. Hễ chùa lên đèn là chúng rủ nhau bay vào.
– Vậy làm sao, cô? Tôi lại hỏi.
– Mô Phật, có nhiều Phật tử đưa ý kiến nếu tôi đồng ý, họ sẽ phá. Nhưng nhà chùa vốn không sát sanh hại vật, chỉ biết đêm đêm tắt đèn tụng niệm, cầu Phật gia hộ, xin các đấng Chư Thiên hiển linh, dẫn đàn ong đi chỗ khác.
– Được không, sư cô?
– Mô Phật, nhờ cầu xin mà được. Sư cô cười đáp.
Tôi lại than:
– Chùa vắng vẻ quá, quanh đây chỉ thấy ruộng cỏ, không thấy nhà. Ban đêm cô ở một mình như vậy sao?
– Mô Phật, chùa ở đây vẫn vậy. Đến ngày rằm, mồng một hay ngày vía, ngày lễ, các Phật tử đến làm công quả, thường ở lại ngủ đêm.

Ra về mà nhớ câu ai hát “Một cõi biên thùy một cõi thơ”, tôi lại bùi ngùi nghĩ về người nữ tu và ngôi chùa nhỏ khép mình bên lằn ranh biên giới được gọi là vùng sâu, vùng xa…

***

Tháng 6 năm 2009, tôi có duyên được theo các sư và các Phật tử Hà Tiên ra Phú Quốc dự lễ cầu siêu tịnh độ các vị anh hùng liệt sĩ. Bất ngờ tôi gặp lại “người xưa” là sư cô chùa Giang Thành. Vô tình, ban tổ chức sắp xếp tôi ở kế phòng sư cô trong một khách sạn. Sư cô không nhớ tôi, tôi nhớ sư cô qua vóc dáng và cái cười tươi ấy. Tôi nói:

– Thưa sư cô, tôi nhớ hồi đó bên chùa sư có cái tổ ong… Nghe thế sư cô vụt mừng, cười càng tươi hơn. Thế là tối ấy tôi tranh thủ gặp Sư cô.
– Thưa sư cô, tôi vừa được biết và cũng rất bất ngờ, ngoài cương vị trụ trì chùa, lại là chùa nghèo vùng biên giới, sư cô còn là một nhà từ thiện tầm cỡ của Kiên Giang. Có lần sư cô được lên ti-vi, nhận bằng khen, được chính quyền và nhân dân kính mến. Xin sư cô có thể cho biết điều gì khiến sư cô làm được vậy?
– Mô Phật, ngày mới về chùa, tôi là một nữ tu xa lạ, lạ nước lạ cái. Hằng ngày tôi thấy cảnh nghèo đói của người dân nơi đây, họ làm lụng suốt ngày mà vẫn không có cái ăn. Việc trồng trọt cũng không thể vì đất đai khô cằn lại nhiễm phèn mặn. Đã thế, họ sanh đẻ nhiều, nhà ai cũng một cảnh con cái nheo nhóc, không được đến trường, lớn một chút chúng phải đi nhổ cỏ, bắt ốc, hái rau tìm kế sanh nhai. Tôi đau đớn tận mắt thấy cảnh người chết phải bó chiếu đem chôn… Tôi suy nghĩ kẻ tu hành ngày nay không chỉ lo việc riêng cho chùa và tu tập cho mình mà còn phải biết lo cho đời, theo lời dạy: “Đạo pháp và dân tộc”, “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”. Tôi nhớ ngày đó tôi gặp cô Kim Tư, Chủ tịch Hội Phụ nữ năm xã biên giới. Tôi xin cô Tư giúp tôi, trên danh nghĩa chùa Giang Thành kết hợp với Hội Phụ nữ làm từ thiện. Vì dù sao tiếng nói của Hội là sức mạnh đối với nhân dân và chính quyền. Được cô Tư chấp thuận, tôi mừng lắm, bắt tay làm ngay.

Tôi liền hỏi:
– Thưa sư cô, người ta thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Vậy cái “đầu tiên khó” của sư cô là gì?
– Tôi nói điều này cho vui. Người ta cũng nói cái khó khăn đầu tiên là tiền đâu, nhưng với tôi, chuyện đó không đáng ngại. Cái ngại nhất là lòng tin, niềm tin. Không ai tin người tu hành, kẻ thường ngày chỉ biết gõ mõ tụng linh với quét lá đa mà nay nói chuyện ra xã hội làm việc từ thiện, có tầm cở. Với họ, nhà chùa làm từ thiện là đi ủy lạo, phát gạo, phát quà, trong các dịp lễ hay trong mùa lụt bão. Không ai tin tôi, họ sợ tôi đánh trống bỏ dùi. Cái khó thứ hai là dân trí ở đây thấp, khó sửa đổi cách suy nghĩ và lề thói làm ăn xưa cũ, không có ý thức tự mình cởi trói; cái khó nữa, ở đây chưa có đường giao thông, việc đi lại, vận chuyển còn trắc trở. Và sau khi nhà chùa làm ra sản phẩm, chúng tôi gặp ngay một cái khó không ngờ đến, đó là va chạm với người thương lái mua đi bán lại.
– Thưa sư cô, có khó khăn mà có thuận lợi không ạ?
– Có chứ – sư cô đáp rất tự tin – tôi luôn gặp thuận duyên. Cô thử nghĩ xem, trong khi tôi chưa có hộ khẩu ở chùa mà tôi đã là ủy viên hội đồng nhân dân hai cấp, cấp xã, cấp huyện. Bởi vậy mỗi tiếng nói của tôi đề bạt lên chính quyền là tiếng nói của người dân, lẽ nào chính quyền không lắng nghe, giải quyết. Một thuận lợi nữa là trong việc làm từ thiện, tôi không cực khổ bỏ công sức đi vận động bà con cô bác hay xin ai khác mà tự họ đem tiền đến cho tôi. Ví dụ vào từng đỉnh điểm trong năm như mùa lũ, mùa khai giảng, mùa hạn ở các xã đảo, tôi thường lưu ý mời người quen, người thân ở trong và ngoài nước về tại nơi để thấy tận mắt, tiếp cận cảnh nghèo khổ thiếu thốn của người dân. Thế là họ gửi tiền về rồi miệng truyền miệng, khắp nơi kẻ ít người nhiều, rủ nhau quyên góp…
– Thưa, xin cô cho biết cụ thể một vài “kế hoạch dài lâu”, cô vừa nói.
– À, đó là kế hoạch thành lập tổ đan đệm, khung dệt chiếu.Tổ đan đệm gồm những chị em nghèo để họ có tiền trên từng sản phẩm họ làm ra. Ở đây có loại cỏ bàng mọc hoang nhiều lắm, người dân chỉ cần vô đồng nhổ về đập giập, phơi khô thành từng sợi dẹp, dùng đan giỏ, nón và chiếu. Nhà chùa và cô Kim Tư đã thực hiện được 300 khung dệt, xóa nghèo 300 hộ ở ba xã Phú Mỹ, Phú Lợi, Tân Khánh Hòa (mỗi xã nhận 100 khung). Ở chùa có 4 tổ đan đệm. Chùa thường mua sẵn cỏ bàng dự trữ vào mùa mưa để chị em có việc làm suốt năm không gián đoạn. Đối với các hộ nghèo là người dân tộc, nhà chùa giúp tiền mặt. Với tổ trưởng tổ đan đệm thì hội Phụ Nữ giúp vốn. Chúng tôi có chủ trương không bán sản phẩm cho lái thương vì họ thường ép giá, cũng không chở đến các nơi khác vì phí tổn vận chuyển quá cao. Chúng tôi bán trực tiếp cho công ty có nhu cầu tiêu thụ. Nhờ vậy được giá, chị em có thu nhập vừa ý. Mỗi sản phẩm, ai làm ra, khi bán được, phải đóng 1.000đ tiền tiết kiệm cho mình, phòng khi hữu sự, cần tiêu xài.

Tôi hỏi:
– Thưa sư cô, cách làm ăn có hiệu quả như thế, chắc sư cô được chính quyền tin cậy và nâng đỡ.
– Mô Phật, không giấu gì cô, chính các ông chính quyền xác nhận nhà chùa chúng tôi làm rất tốt công tác xóa đói giảm nghèo, có khi nhà nước phải học tập. Năm xã biên giới của huyện Giang Thành nằm trong chương trình 135 của Chính phủ và cũng là vùng di dân lập nghiệp của tỉnh nên việc chúng tôi làm có hiệu quả, chính quyền rất khen, hết lòng giúp đỡ, tạo nhiều thuận duyên, để tôi đủ tư cách pháp nhân hoạt động từ thiện. Bởi vậy tôi mạnh dạn đứng ra vận động các chư Tôn Đức Tăng Ni, các nhà hảo tâm, các Phật tử gần xa. Kết quả : Hội Khuyến học được ủng hộ trên 400 triệu đồng, dùng cấp học bổng cho 20 học sinh nghèo hiếu học, với định xuất hàng tháng 200.000đ và 40 em với định xuất hàng tháng 50.000đ, trong vòng ba năm nay. Quỹ sẽ cấp dài lâu nếu em nào muốn lên đại học. Nhờ vậy số học sinh bỏ học nửa chừng giảm thấy rõ. Sư cô nói thêm: Chùa cũng đã cấp 70 xe đạp, giúp các em nghèo có phương tiện đến trường.

+ Khoan 200 giếng nước sạch ở các điểm trường và trạm xá.
+ Vận động đóng góp vào các chủ trương xóa đói giảm nghèo trên 2,4 tỷ đồng dùng để:
* Xây cầu bê tông, xóa cầu khỉ trên các kênh rạch.
* Làm đường bê tông nông thôn.
* Cấp trên 200 chiếc xuồng vào mùa lũ (từ năm 2000 đến nay).
* Cấp 50 xe lăn cho người tàn tật.
* Mua 10 máy may, một máy vắt sổ. Dạy may cho các chị em tại chùa. Sau đó giới thiệu họ có việc làm.
* Thực hiện dự án nước ngọt ở xã đảo Sơn Hải, trị giá 150 triệu đồng.

Sau khi tôi cùng ban dự án công trình đi nghiệm thu, tôi có kế hoạch giúp dân mua đồng hồ nước, mỗi cái giá trị 500 ngàn đồng. Hộ nào không có khả năng mua thì chùa hỗ trợ toàn phần. Chỉ cần mỗi ngày họ bỏ ống tiết kiệm 2.000đ thì trong 8 tháng, dân trả hết vốn cho nhà chùa.

* Giúp người nghèo chăn nuôi bò để hưởng lợi bò con.
* Cấp gần 200 nhà tình thương, mỗi căn trị giá 15 triệu đồng. Khám và cấp thuốc miễn phí…
* Cho 200 quan tài giúp người nghèo khi qua đời.
* Cứu trợ trên 4.000 phần lương thực và các hoạt động từ thiện xã hội khác. Đặc biệt, các đối tượng trong diện xóa đói giảm nghèo thường là các đối tượng chính sách, có hộ khẩu thường trú. Riêng nhà chùa, việc xét chọn có thoáng hơn. Nếu thấy hộ nào thật sự nghèo, sống tốt là giải quyết ngay. Như thế cùng lúc nhà nước và nhà chùa song hành thực hiện, cho nên số lượng xóa nghèo được tăng lên gấp đôi. Dân nghèo rất phấn khởi.

Tôi thật sự choáng ngợp trước các công trình từ thiện của sư cô. Tôi tò mò hỏi thêm:
– Thưa, xin sư cô cho biết việc chăn nuôi bò để hưởng lợi bò con là sao?

Sư cô đáp ngay:
– Nhà chùa không cấp bò cho dân mà chỉ cho mượn bò mẹ, chừng nào bò mẹ đẻ bò con, con biết tự kiếm ăn thì người nuôi trả bò mẹ cho nhà chùa. Nhà chùa cho người khác mượn. Cứ thế lần hồi ai cũng được mượn, ai cũng có bò con, vui vẻ hưởng lợi, có điều ai nuôi tốt thì mau có bò con. Hiện thời nhà chùa có hơn 100 con bò mẹ dùng trong mục đích xóa nghèo cho 5 xã biên giới. Giúp dân nuôi bò kiểu này có hiệu quả lắm, vốn của chùa còn hoài.

Tôi lại hỏi:
– Số bò mẹ già thì sao, thưa sư cô?

Sư cô hiểu ý tôi, cười tế nhị:
– Việc đó do hội Phụ Nữ đem bò già đổi lấy bò con, theo thỏa thuận đôi bên.
– Thưa sư cô, hiện giờ trong công tác từ thiện, sư cô có điều chi trăn trở?
– Qua việc làm của tôi, dân đặt niềm tin ở nhà chùa. Tôi ước ao nhà nước tạo điều kiện cho nhà chùa có mặt bằng thoáng rộng để chùa mở lớp dạy may. Hiện nhà chùa có sẵn máy. Tôi dự trù mỗi khóa học là 3 tháng. Học xong, học viên phải qua cuộc thi tốt nghiệp, do tỉnh hoặc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Có bằng tốt nghiệp, học viên dễ kiếm việc làm. Nhà chùa cũng cần máy vi tính để mở lớp dạy vi tính. Các em ở vùng sâu cần sử dụng thành thạo máy vi tính để các em đi học ở tỉnh thành không bỡ ngỡ trước máy. Tôi còn có dự án nhân giống trồng cỏ bàng trên diện tích rộng. Chừng đó sẽ có máy cắt, đập, sấy, đáp ứng nhu cầu dệt chiếu đẹp, bền, có hoa văn sắc sảo cộng thêm dự án cải tạo đất, lên líp, trồng bạch đàn, mua cây con về trồng, 5-6 năm sau thu hoạch. Nếu nhà nước cho nhà chùa mượn đất trong vòng ba mươi năm, năm mươi năm, chúng tôi sẽ tiến hành dự án.

Mới đây, chùa lên kế hoạch kết hợp với các bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh về đây khám bệnh, mổ mắt cho 4.000 ca ở các xã biên giới, trong đó giúp nước bạn Campuchia ở huyện Ton Hon 2.000 ca. Vào tháng 10 năm 2009 này.
– Xin cảm ơn sư cô.

Ở “một cõi biên thùy”, ngày nay lại có sư cô Huyền Thanh, trụ trì chùa Giang Thành làm nên “một cõi thơ” trong sứ mạng dâng trọn đời mình, lo tô điểm cuộc sống bao con người bằng cái tâm Từ bi Thanh tịnh, không mưu cầu lợi ích riêng cho chùa mình dù chùa còn nhiều thiếu thốn ◼

Chú thích:

(*): Trích trong tập “Văn hóa Hà Tiên” của Đông Hồ, trang 204 – 205. NXB Văn Nghệ, năm 1996.

                                                         Nguyễn Phước Thị Liên

Ngôi chùa mang tên Giang Thành Tự ở huyện Giang Thành, thuộc tỉnh Kiên Giang. Hình: Agneset Francois, 2017

Các Phật tử ở Giang Thành đến chùa Giang Thành tụng niệm. (Hình: cô NPTL)

Sư cô Huyền Thanh kiểm tra sản phẩm trước khi cho ra thị trường. (Hình: cô NPTL)

Hoạt động dệt chiếu ở chùa Giang Thành. (Hình: cô NPTL)

Tổ may và đan đang làm việc ở chùa Giang Thành. (Hình: cô NPTL)

Các sản phẩm được chế ra tại chùa Giang Thành Tự: giỏ, nón, chiếu,….. (Hình: cô NPTL)

Sư cô Huyền Thanh cùng tác giả bài viết nghiệm thu công trình xây dựng bồn chứa nước ngọt tại một xã đảo. (Hình: cô NPTL)

Vị trí huyện Giang Thành so với Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá.

Từ bản đồ Hà Tiên năm 1869, viết lại lịch sử chùa Tam Bảo (Thầy Trương Minh Đạt)

Thầy cô và các bạn thân mến, chúng ta thường nghe nói câu « Hà Tiên đất Phật người hiền… », ở đây ta để ý đến nhóm từ « đất Phật », quả thật vậy, Hà Tiên của chúng ta có rất nhiều chùa chiền, đó là chưa nói đến các ngôi miếu, điện, đình, các ngôi chùa thờ Thần…v…v…Nổi tiếng và có chiều sâu lịch sử nhất trong số các ngôi chùa thờ Phật ở Hà Tiên, hẳn nhiên là chùa Tam Bảo hay nói theo tên chữ là Sắc Tứ Tam Bảo Tự. Nếu là người sinh ra và lớn lên ở Hà Tiên, ai cũng biết đến ngôi chùa Tam Bảo nầy, thậm chí còn có rất nhiều anh chị, bạn học đã từng tham dự các sinh hoạt tu tập, hội họp cùng với gia đình Phật Tử và cũng từng được quý thầy, quý sư, đặt cho các Pháp danh…Như vậy rõ là chùa Tam Bảo ở Hà Tiên rất là quan trọng và có một chỗ đứng nhất định trong lãnh vực văn hóa, xã hội ở Hà Tiên…Tuy nhiên có mấy ai trong chúng ta hiểu rõ nguồn gốc, lịch sử và các giai đoạn thăng trầm của ngôi chùa nầy…!! Chắc chắn là ở thế hệ học trò của những thập niên 60 – 70 như đa số các bạn trong chúng ta thì vấn đề lịch sử chùa Tam Bảo chỉ là một vấn đề rất mơ hồ và hoàn toàn ngoài tầm hiểu biết của nhóm học trò chúng ta…Ngày nay, thế hệ nầy đã trưởng thành và đã đi vào « bậc lão » của cư dân Hà Tiên, một số đã rời xa Hà Tiên đi lập thân ở các đất nước xa xôi, số bạn bè khác vẫn còn trung thành với vùng đất ông cha Hà Tiên, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tìm hiểu sâu đậm hơn về quê hương của chúng ta, phải tìm tòi, phải tham khảo qua sách vở, qua các lời kể của quý bậc tiền bối, lão thành, quý thầy cô đi trước, để có thể biết rõ phần nào về lịch sử của đất đai Hà Tiên, qua đó chúng ta mới có thể hướng dẫn, nói chuyện và giải thích cho đàn em, con cháu đi sau, tiếp tục hiểu rõ về quê hương và nhất là tránh được các nhận định sai lầm, các định kiến hay các ý kiến có tính chất định hướng và lệch lạc. May mắn thay, nếu ngày xưa, sách viết về lịch sử Hà Tiên thường rất hiếm, không có tính chất lôi cuốn người đọc để tìm tòi, tham khảo, thì ngày nay, chúng ta đã có rất nhiều nguồn sách về đề tài nầy, những quyển sách được viết với một tinh thần nghiên cứu khoa học, khách quan và có dẫn chứng trong các lý luận…Như vậy chúng ta không thể tự bào chữa là không biết rõ về nguồn gốc quê hương của chúng ta vì thiếu tài liệu, mình muốn giới thiệu đến thầy cô và các bạn những bài viết của thầy Trương Minh Đạt, học giả nghiên cứu về Hà Tiên, những công trình của thầy được lần lượt cho ra mất trong nhiều năm gần đây, với rất nhiều đề tài liên quan đến lịch sử Hà Tiên, được xếp loại như là các tác phẩm khảo luận, đính chính, tư liệu…

Một trong các đề tài khảo luận, đính chính mà tác giả Trương Minh Đạt đã nhấn mạnh nhiều lần và cũng không ngần ngại đi ngược lại với nhiều ý kiến thành hình lâu đời, đó là nói về nguồn gốc chùa Tam Bảo ở Hà Tiên, với một câu hỏi: « Mạc Thiên Tích, vị Đô Đốc tướng quân nổi tiếng nhất của trấn Hà Tiên có từng được nuôi dưởng và lớn lên ở bên cạnh chùa Tam Bảo, ngôi chùa mà cha của ông là Mạc Cửu đã cất lên phía sau trấn thự để cho mẹ của Mạc Cửu từ Trung Hoa sang và ở lại Hà Tiên để tu hành và từ đó hàng ngày Mạc Thiên Tích nghe tiếng chuông chùa và cảm hứng đề bài thơ « Tiêu Tự hiểu chung » ? ». Câu hỏi nầy nếu được trả lời, chắc hẳn phải đòi hỏi các lý luận, minh chứng, dẫn chứng và cũng phải cần sự can đảm của người trả lời câu hỏi…Đó là điều mà thầy Trương Minh Đạt đã làm và ngày hôm nay, thầy có nhã ý góp phần vào việc trình bày, giải thích để chúng ta có được tư liệu hầu mở rộng thêm phần nào sự hiểu biết về Hà Tiên vốn vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », mình xin trân trọng cám ơn tác giả bài viết, thầy Trương Minh Đạt và cố gắng phần nào, giúp cho sự hiểu biết về lịch sử quê hương Hà Tiên nói chung, lịch sử chùa Tam Bảo nói riêng được đưa đến với quý độc giả, xin dùng câu kết bài của thầy để thay lời kết ở đây « Nói lên điều đúng để chánh pháp chùa Tam Bảo Hà Tiên được toàn mỹ ». (Paris, ngày 24/05/2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Từ bản đồ Hà Tiên năm 1869, viết lại lịch sử chùa Tam Bảo

(Thầy Trương Minh Đạt)

A/ Lịch sử chùa Tam Bảo Hà Tiên qua từng thời kỳ biến loạn.

Sử liệu xưa cho biết chùa Tam Bảo Hà Tiên đã trải qua nhiều giai đoạn do chiến tranh tàn phá bởi quân Xiêm La. Và chùa cũng được cất lại nhiều lần. Để biết rõ, chúng ta hãy đối chiếu lịch sử chùa với lịch sử dòng họ Mạc, có liên quan.

Sau đây chúng tôi mạn phép gọi từng giai đoạn sụp đổ, xây dựng chùa bằng chữ C. (C là chữ viết tắt của chùa). Ta có C1, C2, C3, C4, C5

Giai đoạn C1. Sau năm 1708, trấn thự của Mạc Cửu được hình thành. Ở trấn thự ông có xây một ngôi chùa cho mẹ tu. Nhưng năm 1718, Hà Tiên bị giặc Xiêm đốt phá cùng với 200 tấn ngà voi, (1) Trấn thự và chùa C1 tiêu tan sau 10 năm tồn tại..

Giai đoạn C2. Mạc Cửu chạy lánh nạn ở Lũng Kỳ. Bà Mạc Cửu đang có thai, đêm mồng 7 tháng 3 năm Mậu Tuất (1718) bà sanh Mạc Tông – tức Thiên Tứ hay Thiên Tích.  Năm sau, tức 1719,  ông bà phải rời bỏ Lũng Kỳ trở về Hà Tiên. Nhưng trấn thự không được cất lại.  Ngày nay còn để lại vết tích chứng tỏ nơi đây không được tái thiết, không còn là chỗ ở của gia đình Mạc Cửu nữa. Như vậy Mạc Thiên Tích không được nuôi dưỡng và trưởng thành trong khu phế tích trấn thự của cha mình. Tuổi trẻ của ông diễn ra ở một nơi khác. Vậy thì bài thơ Tiêu Tự làm sao được ông sáng tác nơi đây ?

Từ năm 1719 đến 1771 là 52 năm. Chùa được lập lại nhưng không phải do họ Mạc xây cất mà do người dân Hà Tiên vốn tin vào Phật pháp, vả thấy nơi đây còn cái tháp của Hòa Thượng Phật Hội Ấn Trừng và mộ của mẹ Mạc Cửu. Chùa làm bằng cây lá để thờ Phật.  Chúng ta nói dân lập lại chùa C2, vì suốt thời kỳ 1719 -1771, lịch sử họ Mạc không có đề cập việc cất lại chùa C2. Chùa C2 tồn tại khoảng trên dưới 50 năm vì chùa lại bị quân Xiêm đốt phá lần nữa, vào năm 1771. Chính Trịnh Tân, vua nước Xiêm đích thân chỉ huy quân đội tấn công chiếm cứ Hà Tiên. Mạc Thiên Tích phải chạy về Trấn Giang (Cấn Thơ).

Giai đoạn C3. Từ năm 1772 đến 1834 là 62 năm, suốt mấy chục năm đầu chỉ là thời kỳ nhiễu nhương: Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm cứ, kế tiếp là nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cho đến năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lập nên triều đại Gia Long. Thời loạn lạc này, nếu tính từ 1772 đến 1811 là  39 năm, không có cơ may chùa được lập. Chỉ có thể được cất lại sau năm 1811, dưới đời Gia Long thứ 10 (1802-1818) khi hai ông Trương Phúc Giáo và Bùi Đức Minh được cử về tái thiết Hà Tiên, chỉnh trang lại các đổ nát bị quân Xiêm tàn phá. Dịp này vua Gia long ban Sắc Tứ cho chùa, từ đó chùa mới đuọc gọi tên “Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ”. Nhưng C3 chỉ tồn tại được 23 năm, rồi lại bị giặc Xiêm tàn phá vào năm 1834, đời vua Minh Mệnh. Trong trận này, quân Xiêm bắt đi hầu hết dân chúng Hà Tiên (2) và cướp phá tất cả tài sản của dân.

  • Sau năm 1834 đến 1869, trên bản đồ của Thiếu Úy Hải quân Pháp tên V. d’Elber vẽ năm 1869 không hề có chỉ dấu một ngôi chùa nào. Trong khu vực phế tích chỉ có những dấu hình vuông hoặc vòng tròn nhỏ, hiển thị các ngôi tháp hoặc mồ mả, chứ không có chữ pagode nghĩa là chùa. Về điểm này, sử liệu đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847) đều không nói tới việc tái lập chùa Tam Bảo. Các tư liệu lịch sử chỉ nói việc vua Thiệu Trị cho lập ngôi chùa Phù Anh (thường gọi chùa Phù Dung) ở đầu bắc núi Bình San vào năm 1846 mà thôi.

Giai đoạn C4. Chúng ta biết, từ năm 1869 đến 1920 là 51 năm, trên địa bàn phế tích trấn thự của Mạc Cửu, người dân Hà Tiên có cất lại chùa Tam Bảo thế hệ C4 bằng cây lá, theo kiểu mới, mà sách Chuyên Khảo Tỉnh HàTiên năm 1901 của Pháp gọi là “ngôi chùa tân thời”. Đoạn văn sách ấy tạm dịch như sau: “Bên trong khu tường bao, phía sau trấn thự, thời xưa có một ngôi chùa tư đã bị phá sập từ thời đó và được thay thế bởi ngôi chùa tân thời khác.” (3) Trong chùa có tượng Phật thấp, được thiết trí ngay trên nền đất như cách thờ phượng của người Khơ-me, theo lời mô tả của cụ Nguyễn Văn Sự khi còn sinh tiền. Cụ biết rất rõ, vì đã tham gia xây cất ngôi chùa C5 với Sư Ông Hồng Chức Phước Ân. Chính cụ là người thuật chuyện cho tác giả bài viết này.

Giai đoạn C5. Từ năm 1920, Sư Ông Hồng Chức Phước Ân phát động công cuộc đại trùng tu chùa Tam Bảo thế hệ C5, sư tịch và được lập tháp năm 1940.  Người Phật tử đóng góp công đức lớn nhất là cụ bà Huỳnh Thị Liêng, con cố Huỳnh Thuận Phát. Cụ bà đã cúng dường trọn khu đất mà bà đã mua của người Pháp, do tỉnh trưởng người Pháp Marcel Poulet ký tên trên tờ giao kèo tương thuận mua bán vào năm 1920.

B/ Chùa Tam Bảo Hà Tiên không phải là Tiêu tự.

     B1 – Chùa Tam Bảo thế hệ thứ 5 hiện nay chỉ mới được đại trùng tu từ năm 1920, do hòa thượng Hồng Chức Phước Ân chủ trì, hoàn thành năm 1930.

     B2 – Đất cất chùa mới được sang nhượng do biên bản hợp đồng tương thuận mua bán giữa Tinh trưởng người Pháp và bà Huỳnh Thị Liêng, ký kết năm 1920.    

     B3 – Quả đại hồng chung trong chủa Tam Bảo Hà Tiên hiện nay chi được cúng dường  khi chùa hoàn thành, do hòa thượng Hoằng Nghĩa, trụ trì chùa Giác Viên ở Gia Định tới Hà Tiên làm lễ chứng minh.  Người cúng dường quả chuông là hai ông bà Tri huyện Cao Văn Viện và Trần Thị Tuy, ở xã Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. (Công đức này được khắc ghi rõ ràng bằng chữ Hán trên chuông (4)).

Ba chi tết nêu trên chứng tỏ chùa Tam Bảo thế hệ C5 là mới hoàn toàn. Chữ Tiêu Tự ta thấy phía trên bàn thờ Tổ, chỉ mới được khắc ghi trong chùa này sau thời điểm 1920. Việc làm  phát sinh từ một quan điểm sai lầm. Người ta cứ tưởng khi xưa Mạc Thiên Tích làm bài thơ Tiêu Tự Hiểu Chung tại vị trí trấn thự của Mạc Cửu, vi ngỡ rằng Mạc Thiên Tích đã sống, trưởng thành và sáng tác văn thơ tại đây.  Họ không biết rõ, sau năm 1719, Mạc Cửu không hề trở lại sống trong khuôn viên phế tích này. Ông đã dời nhà lên chân núi Bình San, chỗ đền thờ, lăng miếu của ông bây giờ. Đó là điểm cao nằm trên nguồn nước, đào ao lấy được nước sạch. Vì sau trận giặc năm 1718, trong tường bao trấn thự có nhiều xác người chết rã thây.

Chắc chắn đây không phải là nơi ra đời  bài thơ Tiêu Tự Hiểu Chung  (hay Tiêu Tự Thần Chung) thì chùa Tam Bảo Hà Tiên không phải là ChùaTiêu. (Chúng tôi sẽ trình bày vị trí Chùa Tiêu ở một bài viết khác)

C/ Đại sư Phật Hội Ấn Trừng không phải là Huỳnh Long hay Hoàng Long lão hòa thượng.

          Trong bản Lý lịch Di tích Lịch sử – Văn hóa chùa Tam Bảo do nhà chùa ấn hành, phổ biến cho Phật tử, có đoạn viết: « Chuyện kể rằng trong thời gian Thái Bà Bà tu ở đây, có một đêm Bà mơ thấy rồng, Bà cho đó là điềm lành. Sáng hôm sau thức dậy có một hòa thượng và mười hai vị đệ tử muốn đến tu ở chùa. Thái Bà Bà đồng ý cho hòa thượng tu tại đây và dạy đạo cho Bà . Vị hòa thượng đó có tên là Huỳnh Long, pháp danh Ấn Hạ Trừng, thuộc dòng Lâm tế Chánh tông đời thứ 35. »  Đây cũng là một sai lầm lớn trong việc phổ biến lịch sử  của  chùa Tam Bảo Hà Tiên. Chúng tôi phải nói lên điều này, vì trong tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 325, ngày 15-7-2019, trang 7, bài viết Tìm hiểu di tích lịch sử chùa Tam Bảo – Hà Tiên, của tác giả Thích Minh Nghĩa có đoạn “Đời trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là hòa thượng Ấn Trừng, đạo hiệu Hoàng Long…”, rồi tác giả nêu dẫn một đoạn sách Đại Nam liệt truyện viết về Hoàng Long lão hòa thượng, Nhưng chính tác giả không ngờ rằng minh bị lôi cuốn bởi cái ý Phật Hội Ấn Trừng là Hoàng Long lão hòa thượng do chính chùa Tam Bảo Hà Tiên dựng lên.

          Đây chúng ta cần xác minh lại, Hoàng Long lão Hòa thượng và Đại sư Phật Hội Ấn Trừng là 2 con người riêng biệt, tu ở hai nơi riêng biệt.

          Huỳnh Long hay Hoàng Long lão hòa thượng, người Qui  Nhơn, vân du đến Hà Tiên vào thời đại Mạc Thiên Tích mới mở Chiêu Anh Các (1736). Ngôi tháp của sư ông ở dưới chân núi Đá Dựng là có thật, thời trẻ chúng tôi lên núi Đá Dựng có thấy ngôi tháp này. Tháp đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá khoảng thập niên 70 thế kỷ trước. Nhiều sách chép sự tích của lão hòa thượng, như :

  + Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết “Bạch Tháp sơn (Núi Đá Dựng )…có nhà sư ở Qui Nhơn là Huỳnh Long đại hòa thượng dừng chân dựng chùa ở đây. Năm Đinh Tỵ (1737), Hòa Thượng thị tịch, đồ đệ xây tháp bảy cấp để gìn giữ xá lợi. Hằng năm cứ dịp 3 ngày rằm lớn và lễ Phật đản thì có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh dâng trái, lưu luyến bịn rịn như có ý muốn tham thiền nghe pháp, đáng gọi là chốn tịnh độ tiêu dao”.(5) Sách này còn nói rõ thời điểm lão hòa thượng Hoàng Long đến Hà Tiên: “ Bính thìn (1736) mùa xuân… cho Thiên Tứ được nối chức cha …Thiên Tứ lại chiêu tập những văn sĩ tài nghệ các xứ, nên những tay văn chương người tỉnh Phước Kiến như Châu Phát… người phủ Qui Nhơn như hòa thượng Huỳnh Long, đạo sĩ tỉnh Phước Kiến như Tô Dần tiên sinh, nối gót nhau đến. Tứ mở Chiêu Anh Các…” (6).

+ Sách Đại Nam Liệt truyện Tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Hoàng Lung (hay Long), người tỉnh Bình Bịnh, đi chơi đến Hà Tiên thấy núi Bạch Tháp ở phía bắc núi Vân Sơn, các ngọn bày quanh, cỏ cây xanh tốt, bèn cm gậy tích (thiếc) làm chùa tu ở đấy. Túc tông hoàng đế, Đinh Tỵ năm 13, Lung tịch, đồ đệ xây tháp 7 cấp để xá lị vào trong tháp. Mỗi năm cứ đến tiết tam nguyên có hạc đen đến múa, vượn xanh dâng quả, lưu luyến bồi hồi, như có ý tham thiền nghe giảng « . (7) (Đoạn sách Đại Nam Liệt truyện Tiền Biên này được tác giả Thích Minh Nghĩa sử dụng trong bài viết của minh, mặc dù sách này trước sau không hề nhắc đến vụ Phật Hội Ấn Trừng là Hoàng Long hay Hoàng Lung ).

+ Sách Thiền sư Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thanh Từ (8), có thuật chuyện Hòa Thượng Hoàng Long (? – 1737) nhưng không hề viết Hòa Thượng Hoàng Long có pháp danh Phật Hội Ấn Trừng. Suốt 630 trang sách này, thầy Thanh Từ không một lần nhắc đến pháp danh Phật Hội Thượng Ấn Hạ Trừng, đừng nói chuyện Hòa Thượng Hoàng Long ở trang 606.

Như vậy, không một quyển sách nào nói sư ông Hoàng Lung hay Huỳnh Long lão hòa thượng có pháp danh Phật Hội Ấn Trừng. Hơn nữa sư ông Phật Hội Ấn Trừng hiện có Tháp ở chùa Tam Bảo, còn Hoàng Long lão Hòa Thượng có tháp ở núi Đá Dựng. Hai người sống chênh lệch nhau chỉ vài mươi năm. Sư ông Phật Hội Ấn Trừng đến Hà Tiên sau 1708 vài năm, khi Mạc Cửu mới lập chùa  C1, sư ông tịch khoảng 1710 – 1730. Còn theo Gia Định thành Thông chí, Hoàng Long lão Hòa Thượng đến Hà Tiên năm 1736, khi Mạc Cửu đã mất (1735), sư thị tịch năm 1737. Các sách xưa ghi chép rõ ràng như vậy, thật đúng với hiện trạng hai ngôi tháp của hai sư ông ở hai nơi tại Hà Tiên.  

       Chúng ta là kẻ hậu sanh, thấy có sự nhầm lẫn tư liệu lịch sử và danh tánh hai nhà sư, thì nên giải thích rạch ròi. Nói lên điều đúng để chánh pháp chùa Tam Bảo Hà Tiên được toàn mỹ./.

Chú thích.

(1): Sách Un Chinois des Mers du Sud le Fondateur de Hà Tiên (Mọt người Trung Hoa ở vùng biển phía Nam, người tạo dựng xứ Hà Tiên) của Émile Gaspardone, in  năm 1952  ở Paris – Nhà sách Viễn Đông  Paul Geuthner, trang  372 có đoạn bút ký của Alexendre Hamilton, người Anh đến Hà Tiên năm 1720 như sau: “ .they coming to Ponteamass, sent in their small Gallies to plunder and burn the Town, which they did effectually, and, of Elephants Teeth only, they burnt above 200 Tuns… In Anno 1720, I  saw several of the Wracks, and the Ruins of the Town of Ponteamass.” (…chúng đến Hà Tiên, cho những ghe nhỏ có lườn cạn (Gallies) vào cướp và đốt phố thị, công việc này của chúng làm rất hiệu quả, và chỉ riêng món ngà voi, chúng đốt khoản 200 tấn …Vào năm 1720, tôi đã nhìn thấy những xác tàu đắm và những đổ nát của phố thị Hà Tiên.)

(2): Mời xem Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 1 (142) – 2012, Hà Nội,  trang 31 – 40, bài “Chính sách ‘bắt người – di dân’ trong các cuộc chiến tranh bành trướng của Xiêm …giữa thế kỷ XIX” của Đặng Văn Chương và Bùi Trúc Linh. Bài viết thuật lại nguồn tin của Puangthong Rungswasisab, người Thái Lan (Xiêm), tác giả sách “War and trade:Siamese interventions in Cambodia, 1767 – 1851” (Chiến tranh và đổi chác: sự can thiệp của Thái Lan vào nước Campuchia, 1767 – 1851) xuất bản tại Australia (1995), như sau: “ Năm 1834, trong cuộc tấn công vào Hà Tiên, Tướng Chaophraya Bodin nhận được chỉ thị: phải tìm mọi cách bắt và mang thật nhiều người về vương quốc hơn nữa, để tạo nguồn nhân lực…Những người bị bắt ở Hà Tiên đều bị đưa về Băng Cốc.”

(3): Nguyên văn chữ Pháp sách Monographie de la Province d’ Hà Tiên (Chuyên khảo về tỉnh Hà Tiên), nhà in L. Ménard ấn hành năm 1901 – Sài Gòn, trang 23 : « Dans l’ intérieur de l’enceinte , derrière les habitations officielles, il y avait une pagode particulière, démolie depuis et remplacée par une autre moderne… »

(4): Câu văn chữ Hán : “Đại Nam Lịch Giá tỉnh, Vĩnh Thanh Vân xã, Tín sĩ Tri huyện nha Cao Văn Viện dữ Trần thị Tuy phụng cúng Hà Tiên tỉnh Tam Bảo tự. Giác Viên tự, Hòa thượng Hoằng Nghĩa chứng minh”.

(5): Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức do Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng – Saigon Books và Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2019, trang 116.

(6): Gia Định Thành Thông Chí, sách nêu trên,  trang 406, 407

(7): Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên – (Quyển 6) – Quốc Sử Quán triều Nguyễn – Nhà Xuất Bản Thuận Hóa – Huế – năm 1993, trang 196.

(8): Thiền sư Việt Nam – H.T. Thích Thanh Từ – NXB. Hồng Đức – Hà Nội – Công ty Cổ phần in Khuyến học phía Nam -Tp.HCM – 2018 – trang 606 – 607.

Bản đồ do người Pháp vẽ tay vào năm 1869 khu vực Hà Tiên. Ô vuông đứng màu vàng phía trên là khu phế tích dinh thự thành quách của Mạc Cửu, trong đó có ghi rỏ vị trí chùa Tam Bảo đầu tiên và ba hình tròn nhỏ xem như ba bảo tháp còn lại. Khu ô chữ nhật màu vàng phía dưới là khu thành cũ của Mạc Thiên Tích xây dựng.

Vị trí chùa Tam Bảo nằm trong khu phế tích (thành xưa) của Mạc Cửu

Bức hình chùa Tam Bảo (Hà Tiên) xưa nhất hiện nay chúng ta có (1957) :Nguồn hình: KimLy

Một cuộc hội ngộ bất ngờ và thú vị ngày đầu năm mới

Thầy cô và các bạn thân mến, đúng ngay ngày đầu năm 01/01/2023, mình cùng với bà xã Ngọc Tiếng đi dự buổi văn nghệ vừa thư giản trong ngày đầu năm vừa ủng hộ hội “Un Soin Une Vie” (Một sự chăm sóc một cuộc đời), tổ chức tại thành phố ngoại ô Paris, Vitry Sur Seine, nước Pháp. Đặc biệt trong buổi văn nghệ nầy có sự có mặt của gia đình nghệ sĩ Ngọc Huyền từ nước Mỹ sang với cô con gái đầu lòng được đặt tên là Hà Tiên.

Vì không biết là gia đình Ngọc Huyền có liên hệ gì với vùng đất Hà Tiên hay không mà cô con gái lại mang tên nầy nên mình có nói chuyện với anh Đông Nguyễn là phu quân của nghệ sĩ Ngọc Huyền để hỏi thăm thì được anh cho biết là trong nhà anh chị có hai cháu nên cháu gái đầu đặt tên là Hà Tiên (thuộc miền Nam), cháu trai sau đặt tên là Hà Nam (thuộc miền Bắc). Anh Đông Nguyễn còn cho biết thêm cũng vì Ngọc Huyền rất được biết đến khi ca bài Hà Tiên nên trong nhà rất yêu mến vùng đất Hà Tiên, do đó Ngọc Huyền đặt tên cho con gái như thế. Nghe xong câu chuyện mình cũng rất vui và nhân tiện tự giới thiệu với anh chính mình là người gốc Hà Tiên thật sự, và cũng nhân vậy xin mạn phép thay mặt người Hà Tiên cám ơn và chúc vui gia đình của anh.

Chương trình văn nghệ bắt đầu lai rai thì tiếp đến có các tiết mục chính là sự trình diễn của Ngọc Huyền và cô con gái tên Hà Tiên…Ca sĩ Hà Tiên rất xinh đẹp và ca cũng rất hay, trong lúc cô ca thì mình cũng có thâu hình lại để có dịp cho người đồng hương của mình xem qua. Tuy là được sinh ra bên Mỹ, nơi gia đình của Ngọc Huyền định cư, nhưng cô ca sĩ trẻ Hà Tiên ca rất hay, lời ca tiếng Việt được phát âm rành rẽ…. Sau khi phần trình diễn của Hà Tiên chấm dứt thì mình tắt máy quay, chuẩn bị về chỗ ngồi thì có một cô đến ngay gặp mình và hỏi là “Chắc người Hà Tiên hay sao mà quay phim ca sĩ Hà Tiên ca vậy?”…

Thoạt đầu qua một giây ngắn mình hơi ngạc nhiên nhưng chưa kịp nghe hết lời tự giới thiệu của cô thì mình đã nhận ra người và thốt lên ngay; “A ! Vương Ngọc Hường đây phải không?”, trong lúc đó thì cô cũng thốt xong câu tự giói thiệu: ”Vương Ngọc Hường đây anh Mãnh!”…

Thật là rất bất ngờ và cũng rất thú vị, thầy cô và các bạn mến, thực ra mình chưa bao giờ gặp cô bạn Vương Ngọc Hường bằng xương bằng thịt trước mặt cả, vì Hường chính là một cựu học sinh của ngôi trương Trung Học Công Lập Hà Tiên ngày xưa trong những năm 70, thời gian mà mình đã rời trường đi học ở Rạch Giá và Cần Thơ.

Sở dĩ mình biết Vương Ngọc Hường và nhận ra ngay là vì kể từ năm 2015, lúc mà mình sáng lập ra blog “Trung Học Hà Tiên Xưa” (THHTX), trong đó có đăng rất nhiều hình ảnh thầy cô, những gương mặt quen thuộc của Trung Học Hà Tiên xưa, có vài tấm hình các bạn cùng lớp chụp chung và có gương mặt của Vương Ngọc Hường, hình do bạn Lê Phước Dương cung cấp và chú thích cho biết tên họ các bạn có mặt trong hình.

Nói một cách rỏ hơn Vương Ngọc Hường chính là bạn học cùng lớp với các bạn thân quen mà ngày xưa mình thường đi chơi chung, đó là Lê Phước Dương, Trang Việt Thánh, Hoàng Thu Bình, Trần Tuấn Kiệt, Hà Quốc Hưng,..v..v…(lớp học của các bạn nầy sau lớp của mình hai năm).

Tưởng cũng nên nhắc lại mối liên quan bạn học  của Lê Phước Dương và Vương Ngọc Hường qua một trích đoạn trong một bài viết của Lê Phước Dương có đăng trên blog THHTX thuộc tiết mục “Chuyện vui buồn ngày xưa” như sau:

May mắn làm sao lớp có được hai gương mặt nữ mới là Vương Ngọc Hường và Nguyễn Kim Tuyến từ Kampuchia theo gia đình hồi hương về Hà Tiên, cả hai trước đây đều học Trường Pháp nên môn Pháp văn rất giỏi, tuy nhiên về tiếng Việt thì hơi có vấn đề, thế là mình và Hưng cùng nhau tiếp cận hai nàng. Hà Quốc Hưng thì cao lớn đẹp « chai » nên đã chọn Kim Tuyến, còn mình thì Ngọc Hường…!!… »

……………

“Tình cờ được Hoàng Đức Trung giới thiệu mình được dạy kèm môn Toán lớp Đệ Thất cho em Tâm (nhà có một em bé gái rất là dể thương) nên mình có thêm được tiền xài. Hằng đêm nếu không đi dạy kèm thì đến nhà của Vương Ngọc Hường cùng học, cùng làm bài tập Toán với phương trình thông số m, chứng minh Hình Học..v..v…

Không biết Ngọc Hường có chút tình cảm gì với mình không chứ mình thì đêm nào mà không đến cùng học với Hường thì cứ ray cứ rứt, nhớ làm sao mùi tóc thoang thoảng nhè nhẹ bay vào mũi, giọng nói ngọt ngào c« Dương ơi! Dương à!…cái nầy gọi là gì…, cái nầy làm sao… »…cứ văng vẳng bên tai. Tình cảm đầu đời của thằng con trai mới lớn sao mà dể thương người ta, dể nhớ người ta quá vậy… »  (trích trong bài viết “Những câu chuyện một thời áo trắng”, tác giả Lê Phước Dương, đăng ngày 15/tháng 3/2019 trên blog THHTX). 

Sau đó nhờ có một số hình ảnh các bạn cùng lớp mà Lê Phước Dương đã chia sẻ cho mình, mình thường trích hình đăng trên blog THHTX trong các tiết mục “Sinh hoạt Trung Học Hà Tiên Xưa” và “Những gương mặt Trung Học Hà Tiên Xưa”…Theo thời gian, blog THHTX cũng đã được phổ biến khá rộng rải, tình cờ vào tháng 11 năm 2020, mình nhận thấy có một nhận xét viết dưới trang đầu bài giới thiệu về blog, lời nhận xét viết như sau:

« Ngày 21/tháng 11/năm 2020

Thân chào anh Mãnh

Tôi là 1 trong 2 gương mặt mới, hồi hương về quê mẹ năm 70. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy lại chân dung của mình cách đây 50 năm được chấp nhận cùng với tất cả các bạn học sinh của trường trung học Hà Tiên dù tôi chỉ học được 1 năm thôi. Nhờ blog của anh mà tôi nhìn lại được chân dung của những người bạn cũ. Ngọc Bích có hỏi tôi còn nhớ anh Mãnh không tôi suy nghĩ một hồi rồi trả lời « không » nhưng khi nhìn được hình thì tôi nhớ ra ngay gương mặt nầy tôi đã từng nhìn thấy qua rồi. Thành thật cảm ơn anh vì từ đây bạn bè có thể biết được tin tức của nhau sau 50 năm im lặng. Bích và tôi đã có chương trình về HT để được gặp lại các bạn thì dịch covid 19 lại bùng phát.

Chúc gia đình anh luôn an lành và những ngày cuối tuần vui vẻ.

Vương Ngc Hưng »

Thật là bất ngờ và rất vui, khi đọc xong lời nhận xét của Vương Ngọc Hường viết, mình hiểu ngay đó là Vương Ngọc Hường bạn học cùng lớp với Lê Phước Dương, đó là vào niên khóa lớp đệ tam (1970-1971). Vì có được địa chỉ mail của Vương Ngọc Hường nên qua đó mình có trả lời và giữ được liên lạc với Vương Ngọc Hường, đồng thời mình cũng rất vui thông tin cho bạn Lê Phước Dương là đã tìm được tin tức của người bạn học chung lớp với Dương năm xưa. Sau đó mình cũng có dự báo với Vương Ngọc Hường là qua thời gian khó khăn của vụ dịch bệnh hai năm 2020, 2021, sau nầy nếu thuận tiện sẽ có dịp gặp nhau tại Paris. Trong thời gian đó, Vương Ngọc Hường vẫn thường xuyên theo dõi các bài mới đăng trên blog THHTX và cũng có viết góp ý vài nhận xét về bài vở. Cũng nhờ có việc tình cờ Vương Ngọc Hường khám phá ra được blog THHTX và đã nhận ra được bạn bè cùng lớp năm xưa.

Thời gian bẳng trôi đi, dù tình hình dịch bệnh đã giảm nhiều, mình vẫn chưa có dịp cụ thể hóa sự gặp gở với Vương Kim Hường, may mắn thay, qua một buổi dự xem văn nghệ như đã nói ở phần trên, mình và Vương Ngọc Hường được dịp gặp gở nhau, không qua sự hẹn trước mà chỉ cần một duyên cơ lành đến rất bất ngờ và rất thú vị. Xin cám ơn bạn Vương Ngọc Hường đã không ngần ngại đến hỏi thăm mình vì Hường có nói là thoạt đầu nhìn thấy mình trong phòng trình diễn văn nghệ thì Hường đã nghi là anh bạn Trần Văn Mãnh của vùng đất Hà Tiên đây rồi, sau đó thấy anh ta quay vidéo bài hát do cô ca sĩ Hà Tiên ca thì mười phần đã chắc đúng đến chín phần chín rồi…

Qua cuộc hội ngộ và nói chuyện, được biết Vương Ngọc Hường đã đi qua nước Pháp ngay từ năm 1975. Sau đó Hường định cư tại nước Pháp và lập gia đình, có hai cháu.

Thầy cô và các bạn thân mến, trong blog THHTX, mình có mục «Trung Học Hà Tiên xưa: Những cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm qua», cuộc hội ngộ rất bất ngờ và thú vị với Vương Ngọc Hường ngày đầu năm trong một buổi đi xem văn nghệ như đã kể quả đúng là một trong những cuộc hội ngộ của Trung Học Hà Tiên Xưa sau hơn 40 năm qua, còn hơn nữa, trong trường hợp nầy có thể nói là sau hơn 50 năm qua, từ một người bạn gái học cùng lớp với bạn Lê Phước Dương, người bạn gái nầy mình chưa bao giờ gặp gở nhưng có thể nói theo tinh thần của ngôi trường Trung Học Hà Tiên của chúng ta, sự gặp gở đó cũng được xem như đã diễn ra từ khi mình thành lập blog THHTX, từ khi Vương Ngọc Hường đã nhận ra hình ảnh của Hường đăng trên blog, rồi đến ngày đầu năm 2023, sự hội ngộ thực sự đến với một niềm vui vừa bất ngờ vừa thú vị.

Mong rằng tất cả quý thầy cô, bạn học của chúng ta của ngôi trường Trung Học Hà Tiên xưa sẽ có được hết cả mọi cuộc gặp gở bất ngờ và thú vị như vậy nữa nhé để chúng ta nối lại cuộc vui của những giờ ra chơi ấm áp dưới giọt nắng trong sân trường ngày nào vẫn còn đang dang dở và đang chờ chúng ta…

Paris, ngày thứ nhì của năm mới 2023, Trần Văn Mãnh.

Hội ngộ Trung Học Hà Tiên sau hơn 50 năm. Bên trái: Vương Ngọc Hường, bên phaỉ: Trần Văn Mãnh. Hình TVM 2023

Vương Ngọc Hường (01/01/2023), học sinh Trung Học Hà Tiên xưa trong những năm 1970.

Nguyễn Kim Tuyến, Vương Ngọc Hường, Hoàng Thu Bình và Lê Phước Dương, hình chụp trước cột cờ trường Trung Học Công Lập Hà Tiên những năm 1970, người bấm máy chụp là thầy Nguyễn Văn Nén.

Lê Phước Dương, Hoàng Thu Bình và Vương Ngọc Hường (bạn cùng lớp nhau những năm 1970 Trung Học Hà Tiên)

 

Thầy Doãn Quốc Sỹ

Thầy Doãn Quốc Sỹ

A/ Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ được chúc thọ 100 tuổi :

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thế hệ học sinh của chúng ta vào những thập niên 60 và 70, ít có bạn nào được may mắn theo học tại trường Trung Học Công Lập Hà Tiên dưới thời thầy Doãn Quốc Sỹ làm hiệu trưởng. Thật vậy, mãi sau nầy không ít người Hà Tiên chúng ta mới biết được là thầy Doãn Quốc Sỹ đã từng có thời gian làm hiệu trưởng của trường Trung Học Hà Tiên, điểm đường Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên. (Thầy Doãn Quốc Sỹ làm hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên trong thời gian 1960 – 1961, trước năm 1960 thầy thanh tra Hồ Văn Chiếu đảm nhận chức hiệu trưởng, sau năm 1961; 1962 thầy Lê Trung Hoan, dạy Lý Hóa, làm hiệu trưởng thay thế thầy Doãn Quốc Sỹ).

Chẳng những thầy Doãn Quốc Sỹ là một nhà mô phạm, mà lại còn là một nhà văn rất nổi tiếng của nền văn học miền nam, ông viết rất nhiều tác phẩm có giá trị. Sau 1975 ông cũng từng đi học tập cải tạo, ở tù, sau đó ông đi định cư ở nước Úc và hiện nay ông sống ở nước Mỹ.

Theo bản tin báo điện tử « Người Viêt », ra ngày 10 tháng 12 năm 2022, các đoàn thể : Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn, Viện Việt Học, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, và Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An đã cùng tổ chức vào sáng ngày thứ bảy (10/tháng 12/2022) buổi lễ chúc thọ mừng 100 tuổi của thầy Doãn Quốc Sỹ tại địa điểm Royal Garden Estates, thành phố Westminster, thuộc tiểu bang California, nước Mỹ. Trong buổi lễ mừng thọ thầy Doãn Quốc Sỹ, có rất nhiều bằng hữu thân thuộc và nhất là rất nhiều học trò cũ của thầy đến dự, những vị học trò cũ của thầy cũng đã thuộc thế hệ 60, 70 tuổi rồi. Có người còn nhắc lại một kỷ niệm xưa khi còn học với thầy Doãn Quốc Sỹ ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn như sau :

« Lần đầu thầy vào lớp, chúng tôi cùng đứng dậy chào. Thầy nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: « Không cần phải đứng lên nữa. Tôi đến đây không phải để gặp học trò mà tôi đến đây để gặp những người bạn đồng nghiệp tương lai » ». (trích bài của Đằng-Giao/Người Việt).

Đa số chúng ta, thế hệ học sinh thập niên 60, 70 và luôn cả những thế hệ trẻ sau nầy của trường Trung Học Công Lập Hà Tiên, tuy không có dịp học với thầy Doăn Quốc Sỹ, nhưng rất hảnh diện và vui mừng khi thấy ngôi trường Trung Học Hà Tiên của chúng ta đã có thời được thầy làm hiệu trưởng. Xin kính gởi đến thầy Doãn Quốc Sỹ lời chúc mừng 100 tuổi thọ và kính mong thầy sẽ còn giữ mãi sức khỏe tốt đẹp.

B/ Tóm tắt tiểu sử của thầy Doãn Quốc Sỹ (trích trong bài đăng của báo Người Việt ngày 10/tháng 12/2022) :

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ lấy tên thật làm bút hiệu. Ông sinh ngày 17 Tháng Hai, 1923 (nhằm ngày Mùng Hai Tết Quý Hợi) tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội.

Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Vào năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu.

Năm 1954, khi hiệp ước Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.

Ông Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song, một của nhà văn và một của nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp.” Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962), Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông cũng từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961) và từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).
Vào năm 1956, với cương vị nhà văn, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Ông vẫn ưu ái gọi nhóm văn nghệ của mình là “Thất Tinh.” Ông cũng có những bài viết được đăng trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật…

Khoảng năm 1976 hầu hết các nhà văn miền Nam đều bị đưa đi học tập cải tạo. trong đó có Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe…

Đến năm 1980, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn Thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, nhưng lại bị đi tù và bị giam cùng với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý… Ông bị kết án mười năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào Tháng Mười Một, 1991.

Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Orange County, California.

Chân dung thầy hiệu trưởng Trung Học Hà Tiên và cũng là nhà văn Doãn Quốc Sỹ lúc trẻ và khoảng trước năm 2018.

Thầy Doãn Quốc Sỹ, giáo sư kiêm nhà văn, cố giấu xúc động trước sự quý mến của học trò nhân dịp chúc thọ mừng 100 tuổi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hình bìa quyển sách « Vào Thiền » (1970) của thầy Doăn Quốc Sỹ; một tác phẩm viết với dạng giai thoại, tùy bút.

Chú thích: Xin trân trọng cám ơn thầy Nguyễn Hồng Ẩn đã thông tin về buổi lễ mừng 100 tuổi thọ thầy Doãn Quốc Sỹ. Xin trân trọng cám ơn báo điện tử « Người Việt » và tác giả Đằng Giao về bài viết và hình ảnh về thầy Doãn Quốc Sỹ.

 

Về một cô giáo miền quê …(Thiên Hương)

Về một cô giáo miền quê …

Viết về em, với tôi, không bao giờ là đủ từ tình cảm tôi dành cho em, và cũng vì tôi sợ mình không đủ khả năng về từ ngữ để diễn đạt.  Viết về em cũng sẽ luôn luôn là thừa, vì tôi chắc chắn rằng không chỉ mỗi mình tôi mà còn rất, rất nhiều người khác chung quanh em, biết và hiểu về em, như một lẽ đương nhiên, đã thương yêu em có khi còn nhiều hơn thế …

Nhớ lần đầu cầm tấm hình em trên tay, tôi đã thốt lên « Em ấy đẹp quá! ».  Mái tóc đen nhánh ngang vai, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt đen to trong trẻo, sóng mũi cao và nụ cười hiền lành xinh xắn làm cho gương mặt càng thêm rạng rỡ.  Một nét đẹp thuần túy Á đông.  Sau này khi gặp mặt và trở nên thân thương, ngoài việc hay « trộm » ngắm nhìn em, tôi thậm chí còn « ghiền » nói chuyện với em và thỉnh thoảng thấy nhớ tiếng cười giòn giã của em mà chỉ nghe thôi tự dưng thấy lòng cũng rộn ràng theo vậy.

Về sống cùng chung dưới một mái nhà, lại còn là đồng nghiệp của nhau (dù không lâu), tôi có rất nhiều dịp để gần gũi, thân thiết và hiểu em hơn nữa.  Em thật sự có một tấm lòng quảng đại – luôn luôn nghĩ cho người khác – gần thì gia đình lớn, nhỏ, xa hơn thì bà con họ hàng và bạn bè hàng xóm; ngay cả những người không quen biết, nếu cần, em cũng không bao giờ ngần ngại giúp đỡ.  Suốt bao năm qua tôi chưa bao giờ nghe em đòi hỏi bất cứ một điều gì cho riêng mình.

Khi còn đi học, em luôn là một học sinh giỏi, gương mẫu cho dù hoàn cảnh gia đình khó khăn.  Ngoài công việc nội trợ trong nhà, em còn phải bươn chải mưu sinh kiếm sống cùng với anh chị mình từ rất nhỏ.  Khi trưởng thành và tốt nghiệp sư phạm rồi về quê đi dạy, em cũng luôn là một cô giáo mẫu mực.  Suốt cuộc đời đi dạy, em chưa bao giờ chểnh mảng trọng tâm công việc của mình – dạy học trò của mình thật giỏi, thật tốt.  Mọi người nói « sao không dạy thêm để có thêm thu nhập? », em lắc đầu; rồi có người lại nói « đi dạy ba cọc ba đồng, sao không làm công việc khác có nhiều tiền hơn, mình dư sức mà? », em lại cười hiền lành, bỏ qua.  Em không giàu tiền bạc nhưng tấm lòng của em cho cuộc đời này bao la vô cùng.

Gần đây, sức khỏe của em thật sự có vấn đề nghiêm trọng.  Bao nhiêu năm quần quật hàng ngày với việc dạy học, chợ búa, cơm nước, quán xá mưu sinh …sự nặng nhọc có lẽ cũng chưa bao giờ quật ngã được em; nhưng tôi lại nhìn thấy em ở một khía cạnh khác – đời sống tinh thần.  Em luôn luôn hòa nhã, nhỏ nhẹ với mọi người một cách đầy … nhẫn nhịn.  Tôi chưa một lần thấy em lớn tiếng tranh cãi một vấn đề nào để nhất quyết giành phần « thắng » về mình.  Tất cả những cảm xúc bất đồng ý kiến, những cảm giác bức bối khi bị hiểu sai, thậm chí bị xiên xỏ, bị thiếu tôn trọng … em đều nhẹ nhàng đáp lại với suy nghĩ trung thực của mình, hoặc im lặng nuốt vào lòng mà không một lời phản kháng.  Tôi hiểu, cho dù thế nào em vẫn là một con người với tất cả những cảm xúc rất thật, rất người, nên sự kiềm chế từ việc nhẫn nhịn ấy cứ mỗi ngày một dồn vào cuộc sống tinh thần của em, trở thành một căn bệnh vô hình không tên gọi, ảnh hưởng đến thể chất của em.  Nếu tôi nói với em suy nghĩ này của mình, chắc chắn em sẽ phủ nhận – sự tử tế của em, với em, là một điều tự nhiên và em không xem đó là một điều quan trọng.

… Thế nên, chúng tôi cương quyết khuyên em nên nghỉ dạy.  Đó không là quyết định dễ dàng đối với em, và em chỉ chấp nhận khi không thể tiếp tục, vài năm sau đó.  Không còn đứng lớp, nhưng tôi biết, lòng em vẫn đau đáu dõi theo học trò của mình, quan tâm đến việc học hành bài vở, việc thi cử đậu rớt … của những học trò thân yêu.  Nghỉ dạy, em không một ngày nghỉ ngơi.  Em dành hết thời gian của mình để lo toan, chăm sóc cho người thân.  Một ngày qua của em, vẫn quay cuồng với công việc, với những mối quan tâm đến sức khỏe, tâm trạng an vui của người khác, như nó vốn dĩ như vậy trong suốt cuộc đời của em.

Ở em, lòng lương thiện và sự tử tế là một kỳ quan gần như tuyệt đối mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở một con người trần tục.

Tôi thật thấy mình may mắn và vô cùng hạnh phúc khi được sống trong « hệ sinh thái » yêu thương của em – em cũng dành cho tôi một tình cảm khá đặc biệt – điều tôi biết qua những người khác chứ em chưa bao giờ thổ lộ bằng lời nói với tôi.  Tình cảm ấy em chỉ thể hiện qua tất cả những điều em làm cho tôi, từ những ngày đầu tiên gặp mặt cho đến tận giây phút này – khi tôi đang ngồi viết về em (với những giọt nước mắt xúc động đầy ứ trong mắt), tôi không thể quên bất cứ một điều nào và cũng chưa bao giờ gia giảm sự cảm kích của mình đối với em, dù chỉ là một bít*.  Trong lời chúc sinh nhật em năm nay, tôi đã rất chân thành chúc em « …luôn khỏe, vui, mạnh mẽ như trước giờ vẫn vậy để mỗi khi nghĩ và nhớ về em mình luôn cảm thấy bản thân thật bé nhỏ và chưa đủ tốt, rồi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa mỗi ngày … ». 

Em ấy không chỉ là người thân mà còn là người bạn thân thiết Trời ban cho tôi, một người giúp tôi củng cố niềm tin vào cuộc sống, vào đời người khi trải qua hay vấp ngã trước những khó khăn, nghiệt ngã của cuộc đời …

Em là cô giáo Uyên Nguyên của trường Trung học phổ thông Nguyễn Thần Hiến, Hà tiên, Kiên giang.

Thiên Hương – nhân ngày Hiến chương Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2022                                                               

*bit: byte – đơn vị đo lường thông tin nhỏ nhất

Chú thích:

1/ Cô giáo trẻ duyên dáng Trương Thị Uyên Nguyên dạy môn Toán tại ngôi trường Trung Học Hà Tiên điểm Mạc Tử Hoàng từ năm 1993, sau đó từ năm 2000 cô Uyên Nguyên chuyển dạy tại trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thần Hiến, điểm tỉnh lộ 28 phường Pháo Đài, Hà Tiên.

Cô giáo dạy môn Toán, Trương Thị Uyên Nguyên

Bên trái: Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Hương, tác giả bài viết trên, bên phải: Cô giáo Trương Thị Uyên Nguyên. Hai cô giáo đã từng một thời giảng dạy tại các trường Trung Học Phổ Thông Hà Tiên.

2/ Vài nét về tác giả bài viết: Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Hương,tuy không phải là người gốc gác Hà Tiên, nhưng đã chọn Hà Tiên làm điểm thân thương trong cuộc sống, cô đã từng giảng dạy môn Anh Văn tại trường Trung Học Phổ thông (điểm trường Hoa Liên cũ) trong các năm 1989 – 1990, sau đó cô trở về Sài Gòn sống và làm việc. Sau một thời gian làm sinh viên của trường Đại Học Tổng hợp, rồi tiếp theo là giảng viên khoa Đông phương học của trường, theo cuộc sống cứ cuốn đi cô xa dần nghề giáo và hiện nay sống và lo cho gia đình …Tuy nhiên theo cô Thiên Hương,  ngôi trường cấp II Hà Tiên vẫn mãi mãi nằm trong vùng ký ức sống động nhất với những tình cảm yêu thương của cô dành cho học trò thân thương ở miền biên viễn với tên gọi – Hà Tiên!

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về tác giả qua bài viết ở link sau đây:
Ngôi trường năm ấy…(T. Hương)

                                                                                                                      

Ngựa ơi, ta với mi cùng đi! (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, mở đầu phần lời giới thiệu bài viết, mình cũng cứ lập lại cái câu rất « cổ điển » là: « một lần nữa, cây bút Quang Nguyên đã trở lại với chúng ta »… với một hồi ký hoàn toàn đầy tính chất bi hài kịch…. Thật vậy, nếu tác giả Quang Nguyên đã có một năng khiếu là nhớ rất kỹ những chi tiết của những giai đoạn trải qua rất xa xưa trong cuộc sống, thì Quang Nguyên lại có thêm một tài năng khác là viết hồi ký rất hay…Chính nhờ khả năng đó mà từ lâu chúng ta đã có dịp thưởng thức những đoạn hồi ký cực kỳ sống động, không thiếu một chi tiết nào và cũng không cần phải trau chuốt, mài dũa cho từng câu văn mà bài viết nào cũng rất hấp dẩn, lôi cuốn và lại đầy tính văn chương nữa. Hôm nay, chúng ta sẽ có dịp sống lại với tác giả một giai đoạn trung gian giữa nếp sống gần như vô tư của đời học sinh và một cảnh đời gay go, khó khăn của một sinh viên đi học xa nhà muốn được tự chủ về mọi mặt…Thời còn trẻ trong chúng ta ai cũng có ít nhiều những cuộc « phiêu lưu », giang hồ lãng tử…!! Đi rong chơi xa nhà theo cái kiểu:

« Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà »…

Tạm mượn hai câu thơ trong bài thơ « Giang Hồ » của thi sĩ Phạm Hữu Quang để chỉ cái tính « giang hồ vặt » của tuổi trẻ chúng ta thời xa xưa…Tuy nhiên đối với những kinh nghiệm sống đã trải qua, cái giang hồ của tác giả Quang Nguyên thật sự không còn là giang hồ vặt mà đó chính là những kinh nghiệm sống đầy bi hài…Chúng ta có thể đi « lưu linh » từ tỉnh nầy qua tỉnh khác để vui chơi, nhưng chúng ta chỉ « đi » bằng xe đò, tàu bè, chưa bao giờ chúng ta ra sức đạp xe đạp để băng qua những chặng đường hàng trăm cây số như vậy…Phải thành thật ngả nón chào kỳ công và quyết tâm của Quang Nguyên trước một sự việc mà anh đã dấn thân, rồi sau đó biến « kỳ công » thành phương tiện sống qua hoạt động chạy « xe đạp ôm » chở khách để có thêm điều kiện hoàn thành chu kỳ học và lập thân…Thân mời quý thầy cô và các bạn đọc bài viết dưới đây, với một cách hành văn luôn có tính hiện thực, lấy cái « hài » tô điểm và che lấp cái « bi » để cuộc sống vẫn luôn có nét nên thơ, đáng vươn lên trong mọi hoàn cảnh và do đó, cuối cùng rồi thì tất cả công lao khó nhọc đều được đền đáp một cách xứng đáng…(Paris, ngày 02/06/2022 Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Ngựa ơi, ta với mi cùng đi! (Quang Nguyên)

…Thằng Bé đã sống ở Cần Thơ một mình bắt đầu từ tháng 8/1984, năm ấy nó vừa tròn 18 tuổi. Nó đã  không thư từ về nhà, không nhận chu cấp của gia đình (mà gia đình thì cũng quá khó khăn lấy chi mà chu cấp cho nó?). Nó đã rất cô đơn và nặng nề trong lòng với những nỗi niềm của cái ngày bỏ nhà ra đi với độc một bộ đồ trên người và vài đồng của Tícô em gái. Đó là một câu chuyện rất thường xảy ra cho những tên thanh niên “trẻ trâu” xốc nổi. Chuyện cãi cha cãi mẹ rồi bỏ nhà ra đi là một căn cớ diễn ra theo một lối mòn duy nhất của đám thanh thiếu niên ăn chưa no lo chưa tới của xưa và nay…

Nó đã rất khổ tâm, nó không nghĩ rằng nó mất gia đình hay gia đình mất nó mà sao vẫn có những lực cản nhất định để cho thằng Bé không thể viết thư về cho cha mẹ hay anh em? Nhà nó dạo này thế nào, ba má và các em nó có khoẻ không …Tất cả nó đều nhờ mấy thằng bạn ở Hà Tiên có về quê ghé chơi nhà nó bí mật dòm ngó rồi lên “báo cáo” lại cho nó! Nhờ vậy mà nó đỡ nhớ nhà, nhớ anh chị em và ba má nó.

Không biết từ khi nào câu “tam thập nhi lập” đã ở trong suy nghĩ của những ông cha bà mẹ nho giáo? Vì họ thường lo lắng cho con cái của mình cho đến ba mươi tuổi họ mới yên tâm mà tin rằng con mình đã trưởng thành? Năm đó nó chỉ mới mười tám tuổi, cái tuổi còn là con nít của gia đình gia giáo nhưng là cái tuổi đã quá trưởng thành của trẻ em đường phố! Thế nhưng nó nào phải trẻ em đường phố? Thà rằng nó lớn lên từ đường phố thì đơn giản cho nó hơn, nó sẽ dễ kiếm sống hơn rồi ra sao thì ra… Đằng này nó là thằng “ba rọi”! Với đường phố thì nó chỉ “lập lò” thọt ra thọt vô giữa nhà và phố, còn với việc “gia giáo” – dù cha mẹ nó cũng dạy dỗ kỹ càng đủ điều, nhưng cái chuyện nó tiếp thu và giữ lại trong mình bao nhiêu phần trăm còn là vấn đề mà nhiều năm sau những người biết nó – mà có quan tâm đến nó – phải trăn trở?!

Nó nhớ nhà lắm chứ, nhớ mấy anh em đã cùng nó bươn chãi, nhớ từng cuốc xe nước chổng vó khiến cho nó hay anh nó bay bổng lăn quay. Nhớ má nó bên ngọn đèn dầu với cái bóng của đôi cánh tay, mấy ngón tay và hai cọng cây đan thoăn thoắt khiến cái bóng đôi cánh tay của má trên vách nhà như những kiếm sĩ đang chiến đấu quyết liệt với cái bóng ma đói nghèo! Nó nhớ con Tí hàng buổi chiều với cái tủ thuốc lá nhỏ xíu mà nhiệm vụ của nó là phải “bồng” ra ngoài chợ để em chong ngọn đèn dầu hột vịt vừa học bài vừa bán thuốc lá lẻ. Thằng Đen giờ chắc đang gồng mình kéo nước, còn ba đang phải một mình chiến đấu với ruộng vườn, đến tối mịt mới lội năm ki lô mét về nhà mệt mỏi, rồi ba lại quăng “vài cục bực dọc” lên vai thằng “thiếu niên lao động siêu giỏi” độc nhất ở nhà lúc này là Đen, hắn chỉ mới 12 tuổi, để rồi nhiều năm sau hắn oằn mình khổ ải kêu rằng cuộc đời hắn chỉ độc một màu “hắc ám”!

Nó nhớ tới anh Quang của nó mà giờ đây anh ấy không ở xứ Hà Tiên, anh ấy đang được cậu nó dẫn đi làm “cu li” đúng nghĩa. Nhiệm vụ hàng ngày của anh là nén từng hòn than bùn (là một loại trầm tích của thực vật bị chôn vùi nhiều ngàn năm, than bùn được hình thành do sự tích tụ và phân huỷ không hoàn toàn các loại thực vật đầm lầy trong điều kiện yếm khí xảy ra liên tục…) ở vỉa than xứ Hòn Đất quê hương của người nữ anh hùng Cộng Sản Phan Thị Ràng, mà nhà văn Anh Đức đã ‘mắm muối” thành một chị Sứ với một cuộc đời sống và chiến đấu hy sinh thật dữ dội, làm cho nhiều thế hệ sau người ta quên mất người thật tên Ràng! Qua những lá thư được anh Quang viết cho nó, nó được biết anh nó hàng ngày ngoài công việc được giao, anh vẫn đang miệt mài ôn tập để chờ ngày “xung trận”, tiếp tục chiến đấu với ước mơ Đại học đang còn dở dang, và năm nay anh ấy sẽ đăng ký thí sinh tự do để thi vào đại học Cần Thơ (ĐHCT) sau hai năm gián đoạn.

… Bấy giờ đã là tháng 9/1985, có nghĩa là là nó đã ở Cần Thơ một năm, giật mình nó thấy sinh viên khóa mới đã háo hức vào học, lớp của nó cũng đã được sắp xếp, nó vào lớp Sư Phạm Hóa khóa 11 và đã vào học cả hơn hai tuần. Ngành Hóa? Đó là một sự ngạc nhiên thú vị của nó vì nó khi thi Đại Học thì chọn ngành Nga Văn (cho dễ đậu!), nhưng bây giờ họ cũng cho nó vào Sư phạm nhưng lại là ngành Hóa chỉ vì điểm thi của nó có môn Hóa đạt điểm cao. Không sao, nhà nước cho nó học gì cũng được, “có giáo dục” là tốt rồi! Ủa, anh Quang của mình đâu nhỉ ? Nó tự thắc mắc. Qua thư nó được anh ấy cho hay là bài làm của anh ấy tốt lắm mà? 

Thằng Bé đâm thắc mắc, mà nó đã thắc mắc chuyện gì thì nó sẽ tìm hiểu cho ra l chuyện đó, cho tới khi nó không thể giải quyết được thì thôi chứ còn thắc mắc là nó còn moi móc. Nó bèn đi ra phòng Đào Tạo của ĐHCT, tìm trong cả mấy ngàn sinh viên được vào học trong niên học này, tim nó như đứng lại ngay cái hàng tên của ảnh hiện rõ đây mà? Trương Minh Nhật Quang không thể lẫn với ai được! Số điểm lại cao nhất trong số sinh viên của tỉnh Kiên Giang đậu vào ĐHCT, nó nhớ không lầm là mười chín trên ba mươi điểm (19/30) và do có môn Vật Lý anh ấy đạt chín trên mười điểm (9/10) nên anh được xếp vào lớp Sư Phạm Vật Lý K11 bất chấp nguyện vọng của ảnh là vào ngành Công Nghiệp Chế Biến, tư duy thời bao cấp là vậy.

Lao ngay vào phòng Đào Tạo của trường để hỏi sao anh nó không thấy có giấy triệu tập vào trường, cô phụ trách uể oải nói:

–  À cái này bên thầy Dõng ký, em tìm thầy mà hỏi nhé!

Nó bèn tìm gặp ông Lê Thế Dõng hiệu phó của trường để hỏi (thầy Dõng sau này làm hiệu trưởng Đại Học Mở Bán Công thành phố HCM 1995-2002). Thầy Dõng ốm nhách với gương mặt xương xẩu khó đăm đăm, ông luôn mặc bộ đồ mùa hè màu cỏ úa của bộ đội, hai bên vai chuyển màu bạc thếch với hai bệt thâm kim, thầy dạy nó môn chính trị, với giọng xứ Nghệ An Hà Tĩnh chi đó khó nghe gần chết, nội dung bài giảng thì thường vòng vo, giáo điều lạt nhách, tương phản với bài giảng là thái độ nhiệt thành với một chút hung hăng giống như chính ủy ngoài mặt trận của thầy…Tất cả tạo thành một cái thứ không ăn nhập nhau kiểu “bầu rục mà chấm mắm nêm” vậy.

Sau khi gõ cửa vào phòng của thầy, nó cất tiếng:

–  Thưa thầy! Anh của em có trong danh sách đậu vào trường mình, sao không thấy giấy triệu tập vào trường?

–  Thế em có vào phòng Đào tạo mà hỏi chưa? – thầy Dõng gắt gỏng.

–  Dạ rồi! Nhưng mấy cô bảo rằng giấy triệu tập là thầy ký nên thầy sẽ cho em biết trường hợp nào không được triệu tập.

–  Aaa…! Mấy cái cô này… Thế anh của em ở đâu nào? Bao nhiêu điểm?

–  Dạ. 19 điểm, Sinh viên tỉnh Kiên Giang!.

–  À, tôi hiểu rồi, anh em đỗ vào trường mình là chắc chắn rồi, tất cả các giấy gọi vào trường tôi đã cho gửi về Ban tuyển sinh tỉnh, được đi học hay không là do ở đấy nhé!

Thầy Dõng đã giải thích rất rõ như vậy, tuy nhiên lời giải thích của thầy càng làm cho nó thắc mắc thêm, tại sao Ban tuyển sinh tỉnh Kiên Giang không gửi thông báo trúng tuyển của anh Quang về Hà Tiên?  Nó phải tìm hiểu cho ra chuyện này, muốn vậy nó phải về Rạch Giá. Nhưng chỉ có vậy thôi mà thời ấy không phải dễ dàng để tính, thằng Bé đã “tái nghèo” không có một hào lận lưng thì làm sao mà về Rạch Giá để tìm hiểu (trước đó nó đã khá “giàu”, độc giả sẽ biết trong câu chuyện khác)? Nghĩ mãi không ra nó đành liều:

–  Khánh! Mày cho tao mượn xe đạp mấy ngày nhe – nó nói với người bạn cùng phòng (bác sĩ Lâm Nguyên Khánh sau này)

–  Mày làm gì mà mượn mấy ngày?

–  Tao đạp xe về Hà Tiên!

–  Giỡn hoài mậy? mấy trăm cây số đó nhe!

–  Tao đạp được mà, nhằm nhò gì!

Nó bèn nói cho Khánh nghe chuỵện của anh Quang, Khánh thông cảm và đồng ý cái rụp, Khánh sẽ tạm mượn xe đạp của bạn để đi học, còn nó sẽ lấy xe đạp “đầm” (là loại xe đạp thường, sườn cong chứ không phải xe sườn ngang đòn giong) của anh ấy để về Hà Tiên cách Cần Thơ 220 km. Chiều hôm đó nó mượn của thằng bạn khác cùng phòng mấy đồng để mua khoai mì luộc, quấn sẵn một gói thuốc rê nát vụn của nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội đóng gói bán cho mấy bác đạp xích lô ở Sài Gòn mà mấy lúc đi Sài Gòn thăm bồ nó cầm về cả chục hộp giấy vuông vuông.

Cái thứ thuốc lá nát này được cái cực rẻ mà cũng thơm tho như thuốc Mai hay Đà Lạt (là vụn của hai loại thuốc này, bây giờ nó “nghèo” đến độ thuốc đen nguyên điếu Mai và Đà Lạt cũng không còn có thể!), chỉ có điều không khéo vấn thì sẽ không tài nào hút được vì cái vụn thuốc nát như bột sẽ chun vào phổi mất, nó vấn thứ này phải nói là cực nhanh và khéo vì ngày xưa nó đã quan sát ba nó và mấy ông nông dân vấn thuốc. Điếu thuốc vấn xong phải hình loa kèn, đầu to thì cỡ ngón tay út, còn đầu nhỏ thì cỡ cọng nhang, vấn vừa xong phải lè lưỡi liếm cái mép cuốn của giấy pơ-luya để dán cái mép cuốn (papier pelure – tiếng Pháp, giấy có màu vàng ệch hay xám xịt tùy đợt được cung cấp theo nhu yếu phẩm), rồi sau đó bóp và lận cái đầu loe kèn cho kín lại để vụn thuốc không rơi ra, điếu thuốc đã vấn xong với hình thù được như mô tả vậy thì cứ “vô tư” mà ngậm, vì khi đốt thuốc nhựa nicotine cháy dẻo sẽ keo đầu cháy mà không làm cho thuốc rơi ra được. Chuẩn bị lương thực là khoai mì luộc, thuốc rê nát hiệu “ông già le lưỡi” để hút dọc đường, nó bỏ theo một túi cờ-lê sửa xe đạp, cột vào sườn xe cái ống bơm và châm đầy một bi đông nước, một cái áo và cái quần xà lỏn sơ-cua (secour – dự phòng, tiếng Pháp quen dùng) được bỏ vào cái bọc ny-lon vì trời tháng 9 hay mưa bất chợt… Vậy là nó sẵn sàng lên đường.

Trước khi lên đường nó cũng còn nghĩ lung lắm vì cả năm nay nó không về nhà, không thư từ về nhà vì giữa nó và ba “đang rất bung xung”. Má thì như mọi khi bà không bao giờ bênh đứa nào, vì bà và ông luôn đứng về “một phe” để dạy con. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của ông và bà. Nhưng chuyện đi học của anh Quang là một chuyện lớn, gia đình ở Hà Tiên có lẽ chưa ai biết anh ấy đã đậu Đai học mà trường nhập học đã hơn tháng nay…

           –  Thôi! Dẹp mày qua một bên đi Bé! Nó tự nhủ…

Ba giờ sáng nó lên đường sau khi lấy cơm nguội rắc muối tiêu “làm đỡ ba hột”, mở cửa phòng ra nó thấy trời se lạnh, nó bèn quay vào phòng lấy chiếc áo thun ba lỗ tròng thêm vào (cái ba lỗ này sau đó đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong chuyến đi), bên ngoài là chiếc áo công nhân bảo hộ lao động nên khá dày và ấm, ngày xưa không có giầy nên nó xỏ vào chân đôi dép nhựa đen thui cứng ngắc của cửa hàng bách hóa tổng hợp bán cho dân, đội lên đầu chiếc nón tai bèo đặc trưng của mấy chú “giải phóng quân”, dẫn chiếc xe đạp với lỉnh kỉnh nào ống bơm, bi đông nước, túi vải đựng lương thực một bên còn túi đồ nghề thì bên kia của cái ghi-đông xe đạp… Giờ chỉ có đạp, đạp, đạp và… 220 ki lô mét!

Vì phải dưỡng sức nên tốc độ trung bình chạy trên đường chừng 15-20 km/h mà thôi, được cái đường khuya xe ít và trời mát nên đi cũng không mệt nhọc lắm, gần sáng trời đổ mưa, tháng 9 đang vào mùa mưa. Thằng Bé đã quen làm ruộng dưới mưa nên mưa không phải là vấn đề gì, lạnh thì có lạnh nhưng do đạp xe nên cái lạnh không thấu được tới xương, nhưng ướt át và rít rát làm nó khó chịu nên nó cởi áo quần ra vắt lên ghi đông xe, mặc độc một chiếc xà lỏn mà đạp cho khỏe, cũng để phơi gió áo quần cho mau khô, và cũng dễ để làm cái “tiện lợi nhỏ nhất” là chỉ cần vén ra chút mà không cần dừng lại!

Đến khoảng bảy giờ sáng nó đến Lộ Tẻ (Vàm Cống), chợt nhận thấy mình không giống mọi người qua cái cách mà người ta nhìn mình, nó mới giật mình nhìn lại “cái thằng nó” với cái nón tai bèo uớt sụp, mặc xà lỏn ở trần với làn da trắng bóc tái nhợt, trên ghi đông xe lỉnh kỉnh áo quần, bi đông nước, cái túi đồ ăn đồ mặc và túi đồ nghề, mặt mày thì chắc là xơ xác vì đã đạp xe bốn tiếng đồng hồ dưới mưa xối xả và mù sương nhạt nhòa…Thật trông nó giống như vừa ở Biên Hòa mới ra vậy.

Kiếm một cái bụi cây bên đường nó chun vào thay vội cái quần đùi ẩm ướt vì sợ sớm làm “giám đốc” nông trường… “lác” (!). Được thay đồ khô nó thấy khỏe hẳn ra, lấy vài củ khoai mì lót dạ và nốc một ngụm nước kèm theo là hút một điếu thuốc rê nát hiệu “ông già le lưỡi”… Bây giờ nó đã sẵn sàng để tiếp tục sau khi đã nạp vào “năng lượng”. Tính ra nó đã đi được khoảng sáu mươi kí lô mét từ khuya tới giờ, “vậy là không đến nỗi nào”, nó tự nhủ vậy nhưng nó còn chưa biết hết những gì đang chờ nó phía trước.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”. Trời bắt đầu hửng nắng, nó khoan khoái bước lên xe, tiếp tục chặn thứ hai Lộ Tẻ – Rạch Giá, đoạn này khoảng sáu mươi mấy kí lô mét. Đến khoảng mười giờ sáng thì nó mới nhận ra là giá như được đi trong mưa! Nắng đã bắt đầu gắt, nó phải mặc vào chiếc áo bảo hộ và thả tay dài cho đỡ hanh nắng vì vừa nắng vừa gió làm cho nó dễ mất nước, nó phải uống nước nhiều hơn, mồ hôi ra nhiều hơn càng làm cho người nó nhớp nhúa, rít rát hơn với cái không khí nóng ẩm của mùa mưa nhiệt đới. Chiếc áo bảo hộ giờ xuất hiện những quầng muối trắng trên vai trên lưng, chân nó bắt đầu nặng nề hơn, mu bàn chân và lòng bàn chân xuất hiện những nốt phồng rộp, cả hai ống chân thì mỏi nhừ nhưng nó không dám bước xuống xe để nghỉ, vì nó biết chắc là đã ngừng lại thì phải giải quyết thêm một chuyện khó khăn vô cùng – là phải đấu tranh với bản thân để bước lên xe mà tiếp tục hành trình còn đang dang dở…

Nó phải cố gắng đến Rạch Giá trong giờ làm việc buổi sáng, đó là điều nó dự tính khi xuất phát từ Cần Thơ, thế nhưng dù nó xuất phát lúc ba giờ sáng với ý định là chạy tà tà cũng tới Rạch Giá trước mười một giờ trưa để vào Sở Giáo Dục và Ban tuyển sinh tỉnh thì chuyện nó tính là một chuyện, còn làm được hay không là chuyện khác. Lúc này áp lực về thời gian đang đè nặng nó, nó cần phải nhanh hơn vậy mà cả cơ thể rã rời này đang chống lại mệnh lệnh từ cái khối óc cũng đang mệt mỏi không kém… Không thể nhanh hơn được. Đuối!

Cuối cùng thằng Bé cũng đến được Rạch Giá tầm khoảng 12 giờ trưa, đương nhiên Sở Giáo Dục không còn ai làm việc, hỏi bác bảo vệ nhà của Giám Đốc Sở Giáo Dục nó biết được cô H. nhà ở đường Mạc Cửu. « Tốt! Trên đường về Hà Tiên,«  nghĩ vậy nó uể oải đạp xe đến nhà cô H. Giám Đốc Sở.

Người nhà cô H không cho nó vào có lẽ vì bộ dạng của nó, nó năn nỉ ỉ ôi nhưng người ta cũng không cho vào nhà, có lẽ lời qua tiếng lại nên trong nhà cô H nhìn ra và cũng có lẽ vì tò mò nên cô H dè dặt cho nó vào nhà.

Cô H. năm ấy tầm ngoài bốn mươi, gương mặt phúc hậu, tạng người đậm hơi thấp và trông khỏe mạnh, tóc pha sương dài gần chấm vai…Cô đeo cái kính trễ xuống sống mũi, nhìn nó xong cô nhìn chiếc xe, hết nhìn chiếc xe xong cô nhìn cái mặt đỏ như mặt gà chọi của nó.

–  Em ở đâu đến thế? – Cô nói bằng giọng Nam pha Bắc vì Cô là người “tập kết”.

–  Dạ Cần Thơ!

–  Cái gì? – Có vẻ không tin rằng mình nghe đúng, Cô đặt lại câu hỏi.

–  Dạ em ở Cần thơ về!

–  Trời, Trời! Đi bằng cái này? Sao không đi xe đò?

– Dạ em không có tiền! – nó thành thật trả lời Cô.

–  Thôi vào đây đi, vào đây đi, tắm rửa nhanh rồi ăn cơm với cô!

Cô nhiệt tình, chân chất, và cư xử thật tốt với nó, không hề có vẻ là một bà Giám Đốc Sở Giáo Dục.  Lâu lắm rồi nó mới được ăn bữa cơm thân mật mang không khí gia đình như vậy, và quan trọng nhất là đó là bữa cơm thật sự, dù đạm bạc canh chua cá kho theo đúng “gu” Nam bộ chứ không phải cao lương mỹ vị gì nhưng với nó sao ngon vô kể, phần vì cả năm trời ăn xin ở ký túc xá mà chúng nó thường gọi là “cơm tù”, phần thì nó đã đói rã rời vì củ khoai mì cuối cùng nó đã chén sạch từ mấy kiếp!

Bữa cơm này thật là nhớ đời với nó.

Cô nói cô biết gia đình nó, cô biết má nó là một giáo viên giỏi và là một bà mẹ “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” nổi tiếng của tỉnh (nghe tới đây nó thấy hơi xấu hổ với má nó, nó có ngoan bao giờ đâu?), cô nói cô là học trò của Bác Ba Trương Văn Vinh của nó vì cô học Đại Học Tổng Hợp Hà Nội và là lưu học sinh miền Nam v.v... Về chuyện của anh Quang, cô nói rằng cho đi học hay không là quyền của địa phương tức là chánh quyền Hà Tiên, chứ cô không can thiệp được vì cô cũng đã chuyển giấy báo trúng tuyển của anh Quang về Hà Tiên rồi, và cô cũng cho biết thêm với “đối tượng chính trị” như nhà nó thì chuyện họ xét cho đi học đại học sẽ là chuyện khó khăn…

Dù sao đi nữa thì nó đã về đến đây để tìm hiểu, và mọi chuyện dần dần sáng tỏ, cái địa phương của nó đang “có vấn đề” với gia đình nó. Ái chà! Chuyện đến hồi gay cấn rồi đây!

Hôm đó vì nói chuyện với nó mà đến hai giờ chiều mà cô chưa đi làm, cô hỏi nó giờ nó sẽ về lại Cần Thơ hay sao? Nó nói nó phải về Hà Tiên để báo cho gia đình biết (ngày xưa không có điện thoại như bây giờ), cô móc túi dúi cho nó một ngàn đồng bảo nó ra đi xe đò, nó cảm động gần rớt nước mắt nhưng nó từ chối không dám lấy tiền của cô, nó cảm ơn cô về bữa cơm quá ý nghĩa với nó… Thằng Bé chào cô, vị ân nhân của nó, và leo lên con ngựa sắt, “Ngựa ơi, ta với mi cùng đi!”.

Ra khỏi nhà cô chạy một đoạn quay lại nó còn thấy cô nhìn theo và lắc lắc cái đầu…

Còn chín mươi cây số nữa, đoạn đường này sẽ rất gian nan vì đường rất xấu, từ khuya giờ nó chỉ chạy bon bon trên đường nhựa thôi mà đã mệt nhừ rồi vậy thì phần còn lại sẽ ra sao? Ra sao ai mà biết ra sao? Kệ! Tới đâu tính tới đó. Dấn chân lên pê-đan (pédale) nó đạp tiếp, trời chiều dần cũng đỡ bức bối nóng nực thì vấn đề mới lại phát sinh.

Vừa qua khỏi Rạch Giá vài ki lô mét đến đoạn Mỹ Lâm là vào đoạn đường đá cục nào cục nấy to như cái chén ăn cơm mà ngổn ngang l chỗ như hàng triệu cái hàm cá mập nối tiếp nhau, nó đạp xe len lỏi lúc thì trong lề khi thì giữa lộ sao cho chuyện va chạm với những hòn đá đó càng ít càng tốt, thế nhưng đường về quá dài thì làm sao có thể cứ mãi căng thẳng với những hòn đá? Thế là nó đành liều, mặc kệ cái chuyện phải nhảy chồm chồm trên những viên đá…

Nhảy một hồi nó ê ẩm cái mông, để tránh cái chuyện “ông mê” nó phải xì bớt độ căng của lốp xe, sau đó một hồi vẫn không chịu nổi nó phải nhỏm nhỏm cái mông khỏi cái yên xe đạp làm bằng nhựa không lấy gì làm mềm mại lắm, thế nhưng nó đâu thể nào cứ nhấp nhỏm mãi trên cái yên xe đạp vì giờ nó đã quá mệt? Cái cảm giác “buông xuôi cho số phận” mà xưa giờ nó nghe kể, hay nó đọc được trong sách vở, hoặc nó nhìn thấy người ta diễn đạt trong phim ảnh kịch nghệ… mà từ lâu nay nó vẫn tự hỏi “có thật không?” thì bây giờ nó cảm nhận rõ ràng một cách “tâm phục khẩu phục” rằng không thể nào thật hơn!

Nó đang đuối dần sức lực và nó muốn buông xuôi… Nó cũng hơi nuối tiếc tại sao mình không lấy tiền của cô H để đi xe đò có phải hơn không? Nhưng cái sự kiêu hãnh và lòng quyết tâm thêm một lần chiến thắng, vì thiên thần trên vai nó đã cho nó biết rằng nó đã xử sự đúng đắn không gì đáng chê trách.

Chui vào một bụi rậm ven đường, nó lấy cái áo may-ô ba lỗ mà hồi sớm trời se lạnh nó đã mang theo, rồi xếp lại làm tám, lót “trực tiếp” vào mông. Khi làm cái việc không mong muốn này nó phát hiện một vấn đề “khủng hoảng” hơn, làm cái tâm trạng buông xuôi mà nó đã nói trên hoàn toàn biến mất! Đó là cái mông trắng bóc của nó giờ ửng hồng và hai bên là hai bệt cỡ nhỏ hơn bàn tay của nó đang phồng rộp và bóng bẫy. Dù cái cổ của nó không thể quay được 180 độ để kiểm tra “lâm sàng” cái mông của nó, nhưng nó rờ được và cảm nhận rất rõ độ lớn, độ tổn thương và độ phồng dày của hai túi “silicon” đang được con đường ban tặng vào “vòng ba” của mình dù nó không hề có nhu cầu làm đẹp! Hai cái túi này mà vỡ ra sẽ là thảm họa cho nó. Nguy quá!

Cởi cái quần dài mà nó đã mặc lại hồi sáng khi đã khô, giờ nó cứ tiếp tục quần đùi cho nhẹ bớt dù một chút xíu thôi cũng sẽ tốt hơn cho động tác đạp, và hơn nữa cho nó thoáng vòng ba “nóng bỏng” theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen với hai cái túi “silicon” miễn phí.

Thật đúng là “dậu đổ bìm leo”!

… Gia đình thằng Bé ở Hà Tiên và anh Quang đã không hề biết rằng anh ấy đã trúng tuyển vào ĐHCT, cái phiếu điểm mà nó xin được ở Phòng Đào Tạo ĐHCT đang trong người nó. Cái vật vô tri vô giác đó như nguồn năng lượng tiềm ẩn, như một động lực vô hình. Từ sớm tới giờ nó ít quan tâm đến chuyện gia đình đón nhận chuyện này như thế nào, nhưng giờ đây nó chỉ mãi nghĩ tới chuyện đó, nó nghĩ rằng ba má và anh Q sẽ hạnh phúc lắm, sẽ có một niềm vui “nổ tung” nhà! Nó sẽ hãnh diện là người xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm, nghĩ đúng, hành động đúng… chỉ nghĩ tới điều đó là nó tự sướng rân mà quên đi mệt nhọc. Nó đã đọc đâu đó về phép “thắng lợi tinh thần”. Quả thật, trong trường hợp của nó hôm nay thật đúng, thằng Bé có thêm nhiều sức mạnh tinh thần để quên đi cái mỏi mệt mà nó đang đối diện.

Hoàng hôn đỏ ối nơi chân trời, mặt trời xuống thấp trông như lòng đỏ trứng vịt, nó đang ngồi trên con ngựa sắt và đơn độc hoàn toàn đang đi về hướng mặt trời lặn, bạn với nó chỉ là con đường đá gồ ghề l chỗ đầy những vũng lầy và đất đỏ… Bất giác một tình cảm lãng mạn ập vào tâm tư nó, nó nghĩ mình như anh chàng Lucky Luke cao bồi với con ngựa Jolly Jumper, đơn độc cùng những hành động cao đẹp, đi về phía mặt trời lặn mà hát rằng: “Đường trường xa mưa nắng không sờn chí, ngựa ơi! ta với mi cùng đi” (bây giờ chuyện dịch Lucky không hát câu này nữa, tiếc thật!).

Trời tối, đường không đèn, nó không thấy đường nên đi chậm hơn, chính vì đi chậm hơn nên nó cảm nhận cái rã rời của cơ thể rõ hơn, nó biết một bên túi “silicon” đã vỡ ra với cái cảm giác bỏng rát kèm với một bên mông “xẹp” xuống. Ôi trời! Rát ghê quá! Nó ké né một bên để đạp, lúc này nếu trời sáng, trông cái tướng nó đạp xe chắc người ta sẽ cho rằng nó là người tàn tật vì bại liệt một bên.

Đóng vai người tật nguyền chỉ được một lúc, do động tác niễng người để đạp xe nên toàn bộ trọng lượng bị dồn sang bên cái túi “silicon” còn lại, vì vậy mà không lâu sau nó cảm nhận rõ một sự “bùng nổ”, cái túi thứ hai bị vỡ. Thế là “hều!” (huề). Lại một lần nó phải suýt soa vì rát…Vậy là hai bên rát như nhau, đau như nhau, và ướt át như nhau nên nó không cần phải ké né né nữa, bỗng chốc nó hết tật nguyền!

Nó cắn răng chịu đựng cơn đau để đạp xe, trời tối lắm rồi mà đường về còn xa quá, nhìn những xóm làng thỉnh thoảng hiện ra trong đêm tối trên đường mà nó đi qua nó đoán dần là nó đã về tới đâu, chứ tối đen như mực thì làm sao có thể thấy cột cây số được? Giờ nó chỉ đạp xe bằng “quán tính”, không suy nghĩ, không ưu tư, không thấy đau và thôi không còn thấy ướt át dưới cái-chỗ-để-ngồi nữa. Nó cũng mất luôn cái cảm giác có cái áo may-ô mà nó đã gấp lại làm tám để lót bàn tọa… Hai chân cứ xoay vòng, xe cứ chạy tới, muốn uống nước nó cứ một tay lấy bi-đông mà mở uống, muốn lấy bớt nước trong người ra đơn giản là nó chỉ cần vén cái tà-lỏn sang một bên mà “tưới” đại xuống đường, cứ vừa chạy vừa tưới, ắt hẵn nó đã vẽ nên những hình ảnh kỳ lạ, kỳ lạ như những quyết định của nó cho đến lúc này, những hình thù bằng “nước sinh học” rời rạc ngoằn ngoèo trên đoạn đường mà nó đi qua!

Cứ vậy mà nó đi tới. Khoảng tám giờ tối nó tới Kiên Lương, vậy là chỉ còn hơn hai mươi bảy cây số là nó sẽ về đến nhà, đoạn đường từ Ba Hòn về Hà Tiên nó sẽ đi được nhanh hơn vì đoạn này là đường đất mà ít đá cục, cứ bám theo lề mà chạy sẽ êm hơn và an toàn, tốc độ của những ki lô mét cuối này tăng lên đáng kể. Lòng nó rộn ràng vì sắp về quê, sắp được ăn uống, sắp được tưởng thưởng với niềm vui của đại gia đình, sắp được tắm táp và nằm dài nghỉ ngơi trên bộ ngựa của nội nó để lại và ba đã ráng gìn giữ tới hôm nay, nó sẽ được buông ra cái con ngựa sắt mà mười mấy tiếng đồng hồ phải nhảy chồm chổm, long sòng sọc….Thôi! Sắp sửa sướng rồi, bây giờ nó không còn thấy mệt mỏi, rất nhiều suy nghĩ xộc vào đầu óc nó, nó đạp hăng lên chứ không như lúc nãy đạp theo quán tính, khi nó tỉnh táo nó bắt đầu suy nghĩ tích cực, nó thấy khả năng chịu đựng của nó, nó thấy nó thật sự “trâu bò” và một ý tưởng phát sinh trong đầu mà nó phải thực hiện, nhất định vậy! Rằng sau khi đi về Hà Tiên chuyến này trở lại Cần thơ  nó sẽ nhất định kiếm cho bằng được chiếc xe đạp, nó sẽ mưu sinh bằng xe đạp đó, nó sẽ có tiền tự trang trải những nhu cầu của nó, sẽ giúp đỡ em gái Sài Gòn của nó trong chuyện học hành… Nhất định khi nó có phương tiện là chiếc xe đạp nó sẽ đi Sài Gòn bất cứ khi nào, đường xá như vầy mà nó còn vượt qua được hàng trăm cây số, đường đi Sài Gòn trải nhựa láng o thì bõ bèn gì?

Bằng chiếc xe đạp, thêm một lần nữa, nhất định nó sẽ thoát nghèo (!).

… Đang suy nghĩ mông lung về những cái “nhất định” phải làm và đang lâng lâng sung sướng trong trí tưởng tượng thì “Rầm!”.

Khi tỉnh hồn nó không còn nhớ nãy đang nghĩ gì, giờ nó không biết gì, choáng ghê lắm, chỉ thấy mình nằm lăn quay trên một mặt phẳng bằng xi măng! Ủa, nãy mình đang chạy trên đường đất kia mà??

Qua ánh sáng lờ mờ từ xa của nhà máy xi măng Hà Tiên nó lơ mơ nhận ra là mình vẫn đang trên đường, nhưng mà là nằm (?). Chung quanh không một bóng người, không một nóc gia… Ô hay! Sao con đường đất biến đâu mất rồi mà thay vào đó là con đường xi măng? Còn chiếc xe đạp của mình đâu? Tưởng rằng chiêm bao hay mình chết rồi chăng? Thằng Bé chồm dậy nhưng ê ẩm mình mẩy, và cái đầu đau như búa bổ còn cái bàn tọa thì như dao chém, hai ống chân trần trầy xước như nhám chà, rát ràn rạt… Yên tâm rằng mình còn sống nên nó lại nằm xuống một chút để lại sức, nó nằm giữa lộ nhưng không sợ xe cộ vì ngày xưa giờ ấy có ai ra đường đâu?  Thôi thì chút nữa tính!

Nằm độ vài ba phút gì đó nó nhổm dậy vì tính nó không thích ở không. Nó đi tìm chiếc xe đạp, trong bóng tối lờ mờ nó nhận ra chiếc xe đạp nằm kia dưới thềm. À! Đó không phải “thềm” mà là cái bậc chênh lệch cao độ giữa con đường đất và con đường bê tông mà người ta đang đổ dở dang, cao độ đó là độ dày của tấm bê tông khoảng chừng 20-22 xăng ti mét (cm), tự dưng nó hiểu mọi chuyện.

Trời tối rồi, đã không thấy rõ đường mà mãi chuyện tơ tưởng những ảo vọng nên nó đã lủi mạnh vào cái “thềm” này khiến nó bị bắn ra khỏi xe (ngày xưa người ta ít chú ý đến chuyện an toàn – chẳng ai cảnh báo chi cả). Dựng chiếc xe dậy để tiếp tục hành trình vì còn hơn hai mươi cây số, thì tình cảnh hiện tại hiện ra thật “thê thảm” cho nó. Chiếc xe đạp của Khánh bị cúp cổ, cái song kiếm trước bị bẻ gục vào sườn xéo của chiếc xe đạp “đầm” khiến bánh xe trước chạy vào gần tới cái “đùm giữa”, còn cái niềng (vành xe) bằng sắt xi nên không bị gãy mà chỉ bị vẹo vọ méo mó tùm lum, cái ghi-đông cũng không bị gãy (may thay!) nhưng lại cong cúp khá thảm hại…

Nó bần thần một lúc, đốt điếu thuốc rê rít vài hơi để “sáng óc” rồi bắt tay vào việc. Đầu tiên là tháo bánh trước ra (có đem theo đồ nghề sửa xe), bỏ lên nền bê tông rồi cứ thế mà nó đạp hết chỗ này đến chỗ khác sao cho chiếc niềng tương đối tròn trở lại. Để trị cái cổ xe bị cụp nó bèn vác chiếc xe vào trong hàng rào bảo vệ chân cầu vượt của nhà máy, nó lựa một cây cọc hàng rào nào còn cứng cáp nhất để “lòn” cặp song kiếm vào và dùng hết sức lực còn lại để kéo hắn ra, nó khó nhọc kéo từng chút một, cứ một lần kéo mạnh thì song kiếm hắn hở ra vài mi li mét, cứ kéo riết khi mà cái song kiếm bung ra đủ để bánh trước không còn đụng vào sườn xéo nữa rồi nó bắt đầu gắn vào xe, cũng may là có chút ánh sáng hắt ra từ nhà máy chứ hồi xưa không có đèn đường… Cuối cùng cũng tạm xong.

Nó về Hà Tiên trên chiếc xe mượn của bạn Khánh, chiếc xe giờ đã bị nó làm cho tan nát, vè chắn bùn bị gãy làm ba đoạn, cổ xe bị cúp vào sườn, niềng xe bị ô van nên cứ mỗi vòng quay nó vẹo một phát trông thật tức cười, dân gian gọi là tướng đi “dzách ..dzách … sảnh..!!”

Ngày nay ai đi hướng Rạch Giá về Hà Tiên bằng xe hơi, xe đang đi trên đường nhựa vừa qua khỏi cầu Cống Tre để vào Kiên Lương bỗng nghe lụp phụp…lụp phụp… lụp phụp… Cánh tài xế thập phương sẽ ngạc nhiên tưởng xe mình bị cán nhầm vật lạ? Xin thưa rằng tiếng động phát ra bởi các khoảng hở của các tấm bê tông. Và, nếu có ai thắc mắc con đường này làm từ năm nào? Nó sẽ không chút ngần ngại mà nói rằng “hắn đang làm dang dở vào tháng 9 năm 1985”, và nếu họ còn thắc mắc về độ dày cùa tấm bê-tông, “xin thưa là khoảng 20 đến 22 cm”. Đó là điều chắc chắn!

… Cuối cùng nó cũng về được tới nhà, không có cái không khí “bùng nổ” như nó hằng tưởng, không có gì ầm ĩ như nó mong đợi, chỉ có một chút ngạc nhiên của má và mọi người khi biết nó đi xe đạp về từ Cần Thơ nhưng cũng không ai thắc mắc ở đâu nó có xe đạp? Nó trầy xước lung tung cũng không ai thắc mắc tại sao? Và nhất là không ai biết nó đã đấu tranh với bao nhiêu thử thách từ ba giờ sáng ở Cần T đến mười một giờ khuya đến Hà Tiên (gần hai mươi tiếng đồng hồ) vì có ai hỏi đâu mà nó kể? Chuyện ấy cho đến bây giờ gần bốn mươi năm sau nó mới kể lể chi tiết ra đây.

Giờ nó phải nghỉ ngơi, công việc cao cả (nó tự cho vậy) đã hoàn thành, bây giờ phải tự thưởng cho mình. Việc trước tiên là tắm rửa cho khỏe cho sạch sẽ bụi trần, để băng bó những vết trầy xước ngoài da, để cơ thể nó “relax” (thư giãn)… Nó chuẩn bị sẵn bông băng với thuốc đỏ tạm đủ để hành sự, thế nhưng thêm một lần nữa vào giờ thứ hai mươi mốt nó lại bị “hố” nặng!

Vào buồng tắm khi cởi đồ ra nó mới sực nhớ đến cái áo may-ô ba lỗ vì hắn lủng lẳng sau mông, hóa ra cả cái mông của nó bị tê đến mất cảm giác nên nó quên! Nó loay hoay như “chó cắn đuôi” để tìm cách gỡ cái áo ra vì ba lỗ giờ bị dính chặt vào một lỗ (?) như bị đổ keo dán sắt, nước vàng và máu rướm ra bị vải cô tông (cotton) hút khô nên giờ mới giữa vải và da không còn biên giới… Nó từ từ gỡ ra nhưng trời ạ, nó đau đến độ trên dưới gì của nó cũng đều rỉ nước (?). Bây giờ phải lấy cái ba lỗ khỏi “cái một lỗ” chứ chẳng lẽ phải để nó loòng thoòng? Nó muốn cứ để vậy lúc xối nước tắm có khi hắn sẽ rớt ra, nhưng nó sợ cái áo ba lỗ lúc đó ngấm nước nặng chịu không nổi nên lỡ như hắn tróc một cái ào thì chắc chắn các thứ phế thải trong “cái một lỗ” sẽ “xòa” hết ra sàn vì chịu không được nỗi đau, nếu đến thế thì lại thêm chuyện để làm.

Thế là một tay xối nước một tay khẽ khàng gỡ, với một thái độ thật trân trọng, thật nhẹ nhàng, thật dịu dàng như vuốt tóc người yêu vậy, dù lúc đó thằng Bé biết rõ rằng nó chẳng có cô nàng nào có mái tóc dài… phủ mông! Rồi bằng cách êm dịu như vậy, với đôi mắt nhòa lệ nó đã khiến thằng Ba Lỗ giã từ gã Một Lỗ, thằng em nhỏ đứng phía trước gã Một Lỗ cũng phải nhỏ vài giọt nước cam chịu. Quả thật, cuộc chia ly này thật ướt át…

Kết quả là một tuần nằm sấp để lành vết thương (ngoài) lòng, chính xác là ngoài sau và phía dưới! Sau đó nó sửa xe cho bạn Khánh rồi cầm tiền của Tí (hay má?) cho, nó quăng chiếc xe đạp lên nóc xe đò mà về lại Cần Thơ.

Chuyến đi “lịch sử không bao giờ được lặp lại” như trên đã dẫn tiếp một câu chuyện nữa của má nó. Bà đã cầm giấy báo điểm ĐHCT của anh Quang để ra công quyền. Bà gõ cửa các nơi để xin cho con bà được đi học, nhưng người ta trả lời thẳng thừng là gia đình bà “đối tượng 11” nên không được đi học, rằng người ta đã giải quyết cho một đứa (là thằng Bé) đi học rồi..v..v.. Không chấp nhận với cách trả lời đó vì con bà học giỏi và xứng đáng được đi học Đại Học, nên bà đã cố gắng « lý sự » với các cấp ngay cả cấp cao nhất ở địa phương. Cuối cùng con bà cũng được đi học.

Anh Quang nhập học trễ gần hai tháng, do trường hợp này đặc biệt và phòng Đào Tạo ĐHCT biết rõ do thằng Bé có trình bày với thầy Lê Thế Dõng hiệu phó trường trước khi nó đạp xe về Hà Tiên, nên anh ấy vào trễ cũng không gặp trở ngại gì ngoài chuyện phải cố gắng theo kịp bài vở của trường lớp…

Trương Minh Nhật Quang làm luận án tiến sĩ về ngành mà anh say mê là “diệt virus máy tính” vào năm 2009. Hiện anh là Phó hiệu trưởng trường Đại Học Công Nghệ Cần Thơ.

Mời các bạn vào đường link dưới đây.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_Minh_Nh%E1%BA%ADt_Quang

Còn thằng Bé? Sau cái ngày hôm đó nó “phát hiện” ra khả năng của nó, rằng nó có thể đạp xe hàng trăm cây số và suốt đêm, nó đã mua trả góp một chiếc xe đạp, rồi hành nghề “xe đạp ôm” như nó mơ tưởng để có tiền ăn học mà không phải nhờ vả gia đình. Bằng chiếc xe đạp ọp ẹp trả góp đó từ Cần Thơ nó đã đạp đi SG để “cua” được một em gái, rồi cũng bằng tiền đạp xe nó đã chuẩn bị lễ vật để đưa em về làm dâu xứ sở xa lắc tận cùng miền biên viễn Hà Tiên này…

Cảm ơn bác sĩ Lâm Nguyên Khánh lần nữa vì ngày xưa bạn đã cho nó mượn chiếc xe đạp (là cả tài sản cả sinh viên ngày ấy), và xin lỗi bạn vì thằng nó này đã làm hỏng xe của bạn.  

Nó hay làm những chuyện “bứt gân”!

Quang Nguyên (Viết 2013 – hiệu chỉnh 5/2022).

Chân dung Quang Nguyên trong thập niên 80, khuôn mặt của một sinh viên còn đang theo học ngành Sư Phạm, Đại Học Cần Thơ.

 

Ngày xưa có một thằng nhóc… – Phần 3 và 4 (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, qua bài viết « Ngày xưa có một thằng nhóc… » về phần 1 và 2, chúng ta đã cùng với tác giả Quang Nguyên bắt đầu một cuộc phiêu lưu mà không hề biết được « ngày mai sẽ ra sao » và ta tự hỏi rốt cuộc rồi chú bé vừa qua 10 tuổi nầy có làm xong công việc mà má cậu giao cho hay không ?? Nếu trong phần 1 và 2 chúng ta đã thấy trên chuyến xe đầu hành trình từ Hà Tiên qua Rạch Giá được êm xuôi, rồi trên chuyến xe từ Rạch Giá lên Sài Gòn đã bắt đầu có nhiều chuyện « lộn xộn » xảy ra: « Ăn vặt », « chột bụng », « bị chó rượt »…rồi bị cảnh xe hư, phải « nằm đường »….v….v….thì trong phần 2 và 3 nầy sự cố và « rắc rối » còn đến trăm bề nữa,….một phần là do hoàn cảnh khách quan, một phần cũng do thằng bé nầy không tin lời người lớn khuyên giúp…Tuy nhiên ta cũng phải công nhận chú « nhóc » nầy rất giỏi xoay sở và biết tính toán, cuối cùng rồi chú ta cũng hoàn thành sứ mạng một cách « vẻ vang » và chính nhờ chuyến đi lịch sử nầy mà chú bé đã giúp cho người cha được trở về nhà sớm hơn dự định thay vì phải tiếp tục bổn phận người đi học tập trong một khóa học rất dài hạn… (Paris, ngày 03/05/2022, Trần Văn Mãnh viết lời giói thiệu).

NGÀY XƯA CÓ MỘT THẰNG NHÓC…

(NGÀY XƯA CÓ MỘT THẰNG NHÓC…- Phần 1 và 2)

Phần 3/ VỊ CỨU TINH:

Ngồi ở bến xe Vĩnh Long nó nghe mấy bà buôn chuyến ngồi buôn chuyện với nhau “trạm Mỹ Thuận bắt dữ lắm!”, bà này kể cho bà khác nghe chuyện bị bắt ở Mỹ Thuận như thế nào v.v… Chuyện không liên quan gì với nó nhưng nó có tính xấu là hay “hóng chuyện” của người khác nên nó cũng chăm chú lắng nghe… Dè đâu thói xấu cũng thật sự có ích, nhất là trong lúc này, hai chữ “Mỹ Thuận” gợi nhớ cho nó một điều gì đó, hôm qua anh lơ xe cũng có nói với nó là đi Sài Gòn (SG) qua hai cái bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận mà do lúc đó không có rớt vào hoàn cảnh bây giờ nên nó không nghĩ gì cả, vì khi đó nó còn hy vọng là ảnh gửi nó đi tới SG luôn mà?

Nó nhớ ba nó hay nói chuyện với bác Năm Hiển của nó trong những lần bác về Hà Tiên thăm ba, ba hay hỏi thăm một ông tên Bân cũng là thầy giáo ở Mỹ Thuận, nghĩ được tới đó tim nó nhói lên và lòng vui sướng dâng lên tột độ – lối thoát của nó là đây! Cả ba và bác Năm của nó đều là giáo viên và ông Bân là bạn của hai ông, ba nó sau khi đi dạy rồi làm quân nhân mới sinh ra cớ sự thế này.
Như đã nói thằng Bé hay hóng chuyện người lớn nên nó biết lắm chuyện mà lẽ ra nó không nên biết, vậy mà hôm nay “thói hư tật xấu”đã cứu nó, nó phải tìm cách đi Mỹ Thuận. Nhất định vậy!

  • Cô ơi, Mỹ Thuận là ở chỗ nào vậy cô? – nó hỏi.

Bà đó nhìn nó từ đầu tới chưn rồi hỏi nó:

  • Mày đi hàng gì vậy? Xe nào? Trạm nó di động chứ có một chỗ đâu mà hỏi? Có hàng gặp nó thì phải dấu chứ hỏi tao, tao biết hỏi ai?

Chắc là bà tưởng nó hỏi trạm bắt hàng lậu đặt ở đâu, và tưởng nó là con nít đi buôn chuyến đầu? Chuyện con nít đi buôn thời đó không hiếm, vì con nít dễ “qua mặt chính quyền”. Do chính sách kinh tế tập trung bao cấp nên họ phải chấm dứt nền kinh tế thị trường của miền Nam bằng cách ngăn sông cách chợ, dẫn đến việc không có hàng hóa lưu thông nên cái gì cũng thành hàng lậu. Tất cả mọi thứ nhu yếu hàng ngày đều tập trung về nhà nước, và họ phân phối lại bằng tem phiếu, mỗi người 13 kg gạo một tháng, mỗi gia đình 5 lít dầu lửa mỗi tháng, và một năm được vài ba mét vải, đá lửa, vỏ ruột xe đạp, thuốc lá Hoa Mai và Đà Lạt… Chuyện này nảy sinh nhiều vấn đề rất bi hài cho người thời ấy, ví dụ hai nhà chung một cái vỏ xe hay chế độ nhu yếu phẩm của đàn ông mà có cả bông Bạch Tuyết của phụ nữ, còn phụ nữ thì “được” hút thuốc thoải mái kèm theo đá lửa! Dịp Tết khi ra đường sẽ thấy mọi người mặc đồ giống nhau một cách lạ kỳ bởi loại vải được cấp từ hoa văn đến chất liệu đều là một thứ v.v…

Hàng hoá thiếu thốn vô cùng, cán cân cung cầu nghiêng lệch kinh khủng mà nhà nước lại cấm mua bán, nên tự người dân phải thiết lập những cách phân phối cho nhu cầu rất thiết yếu đó, và phân phối trao đổi hàng hóa như vậy đương nhiên là “lậu”; và để chống lại chuyện đó nhà nước lập trạm bắt bớ khắp nơi. Mỗi khi tới trạm là tiếng khóc, tiếng la mắng, chửi nhau, tiếng năn nỉ, rên rỉ ỉ ôi của con buôn (thường là đàn bà con gái), làm cho không khí đã căng thẳng mà còn thêm phần thê lương, ảm đạm…

Thật ra đội ngũ buôn lậu này cũng góp một phần lớn cho sự “bình tâm” của người miền Nam lúc ấy vì xã hội miền Nam đã quen với nền kinh tế thị trường, nay thay đổi 180 độ, cho nên dù là việc làm lậu và vi phạm luật pháp thời ấy nhưng ít nhiều nó cũng làm được một việc là tạo một kênh riêng cho nền kinh tế tự phát của riêng người dân để khai thông dòng chảy kinh tế phù hợp quy luật tư nhiên muôn đời giữa cung và cầu.

Biết là bà đi buôn hiểu lầm ý nó, nó hỏi lại:

  • Cô ơi! Con không biết Mỹ Thuận, nó ở…

Chưa nói dứt câu bả quất liền, đàn bà con gái mà chửi thề cũng gớm lắm:

  •  Đ.M.! Ngu cái kiểu này … thì chút nữa đi là mày biết Mỹ Thuận chỗ nào!

Thấy khó mà “đàm phán song phương” với bà này nên nó bỏ đi, “đường đi trong miệng!” chẳng phải má nó từng dạy như vậy sao? Cuối cùng cũng có người chỉ cho nó Mỹ Thuận, cách bến xe Vĩnh Long độ chừng 10 km, nó quyết định đi bộ vì không còn đồng xu nào trong túi, bụng thì đói meo và cổ thì khô queo, nó ghé bà bán nước trong bến xe xin một cốc nước uống và bắt đầu hành trình “chú bé đi tìm… (bạn của) cha”.

Trời đã chiều lắm rồi đường đi thì xa tắp, thông tin về bác Bân thì rất mơ hồ, nhưng nó tự tin vào nó vì tên ông thầy giáo Bân là có thật và khó quên (cái tên tương đối ngộ nên dễ nhớ dai), nó không ngại chuyện hỏi, gặp trưòng học là nó hỏi những người sống gần đó vì nó không dám vào trường, nó hỏi và cứ đi tới về hướng Mỹ Thuận, nhưng ai cũng lắc đầu – không biết, không biết, không biết!

Đi gần 3 tiếng đồng hồ, nó đã đến phà Mỹ Thuận, nó quá đói nhưng không biết làm gì để có miếng ăn, nước uống thì vô tư, hễ xin là người ta cho, nhưng nó ngại không xin ai đồ ăn vì lý do như đã nói. Loanh quanh ở phà Mỹ Thuận hồi lâu, hỏi tên thầy giáo Bân không ai biết, nó hơi lo vì không biết như vậy thì đêm nay sẽ ra sao…

Thằng Bé chợt nghĩ phải kiếm người già để hỏi:

  • Bác ơi! ở Mỹ Thuận này có ông thầy giáo nào tên Bân không? Bác chỉ nhà dùm con?
  • Ở đây không có ai tên giáo Bân, tao biết một ông giáo Bân mà ở bên bờ Tiền Giang kìa! – ông già chỉ tay qua bờ bên kia.

Con sông Mỹ Thuận bờ phía Nam thuộc Vĩnh Long và Sa Đéc, còn bờ phía Bắc thuộc Tiền Giang. Phải nói là nó quá may mắn chứ không phải là may mắn. Nó chạy ào xuống phà, ông soát vé la lên:

  •  Ê! Ê!! Thằng nhỏ vé đâu??

Nó vừa chạy vừa quay lại nói:

  • Má tui cầm xuống dưới rồi!

Miệng nó nói, chân nó chạy, phà sắp tách bến … đố ổng làm gì được nó? Phà chạy, lần đầu tiên nó đi bộ qua phà mà không có ai là thân nhân, nó vui lắm và nó thấy sao mà nó giỏi quá vậy ta? Nó tự thấy sung sướng và tự khen mình (!). Bị ức chế thần kinh từ nãy giờ, trời về đêm vừa tắt nắng sông Mỹ Thuận nổi gió hù hù, nó phát lạnh và chợt mắc tè, nó chạy ra mỏ bàn, chỗ quay lên quay xuống, nó ‘đánh dấu’ thành công của mình bằng một vũng nước tiểu có một phần chảy xuống sông… Nhiều chục năm sau cho đến khi cái cầu Mỹ Thuận xây xong nó mới ngưng tè vào chỗ đó (vì không còn phà), chứ trước khi có cầu Mỹ Thuận cho dù nó đi xe đò rồi đến có đi xe hơi riêng và già gần như bây giờ, có bảnh tỏn điệu đà nó cũng tè vào chỗ đó, có cố tỏ ra đàng hoàng đứng đắn nó cũng đàng hoàng đứng … đái vào chỗ đó – bởi đó là kỷ niệm đẹp thuộc loại nhất của đời nó!

Qua tới bờ bên Tiền Giang, nó hỏi thăm nhà giáo Bân. Ngược lại với bên kia, bên đây không ai là không biết, nó nhanh chóng lần mò ra nhà bác ấy, thế nhưng đến nơi nó hơi thất vọng vì bác không có ở nhà, chỉ có bác gái, bà cho nó biết là ông đã ở riêng “ở trong rẫy” và có vẻ bà không sẵn sàng cho nó tá túc đêm nay. Nó không nản lòng vì nó nghĩ ông sẽ khác vì nó là con của bạn ông mà? Nghĩ vậy nó mới hỏi bà là ông ở chỗ nào, bác gái nói là ông ở An Hữu và bà chỉ đường cho nó đi thêm 4,5 km nữa, nó uống vội ly nước và cuốc bộ tiếp trong cơn đói bụng, nhưng bây giờ nó không còn lo nữa vì sớm muộn gì đêm nay nó cũng được ăn ngủ đàng hoàng thôi.

Để đến được nhà bác Bân trong rẫy, đôi lần nó phải gõ cửa nhà người ta để hỏi, mà ở quê người ta ngủ sớm nên nó khiến tất cả các giống loài thuộc hệ chó: chó mực, chó phèn, chó cò, chó tây, chó ta chó cỏ, chó Pu Ku Ốc (chó Phú Quốc – nước ngoài viết “Phuquoc” đọc theo kiểu Nga!) … sủa vang khắp xóm. Đến được nhà thì bác Bân đã ngủ, nó kêu to để dựng niềm hy vọng của mình dậy, rồi thì ông cũng mở cửa để nó tự giới thiệu mình, và sau khi ông biết được nó là ai, nó đi đâu, và tại sao nó ở đây v.v… ông đã thảng thốt tỉnh cơn ngái ngủ, còn nó thật sự bị sốc khi ông ôm nó mà khóc hu hu! Ông hỏi thăm ba nó, nó kể hết chuyện gia đình nó từ ngày giải phóng đến giờ, chuyện nó đi thăm ba nó đi cải tạo ra sao, chuyện nó đi từ HT đến đây như thế nào … Ông rất chú ý và lắng nghe nó, còn nó sau một hồi chịu hết xiết nó nói.

  • Bác ơi! Bác có cơm nguội không? Con đói quá sáng giờ con chưa ăn cái gì hết!
  • Chết! Bác quên…

Đêm đó như nó dự đoán, nó được ăn một bữa cơm đạm bạc ngon nhất đời, ông soi đèn bắt cá dưới đìa và rau trong rẫy, hai bác cháu trò chuyện tới gần sáng, chủ yếu là ông hỏi còn nó thì vừa nhai vừa trả lời. Nó ở đó tới mấy ngày vì bác không có tiền cho nó đi tiếp, bác cũng nghèo lắm, tự cung tự cấp, bác gái bán trà đá ở Mỹ Thuận cũng đâu có tiền? Không biết bác xoay sở được ở đâu nên một vài ngày sau bác bảo nó bác có tiền cho con đi tiếp, nhưng chỉ có thể tới Tiền Giang thôi, “đến Mỹ Tho kiếm bác Năm Hiển của con xin thêm tiền để đi Sài Gòn!”.

Vậy là gian nan vẫn còn phía trước và nó biết nó sẽ phải tiếp tục tự thân vận động, nhưng nó chưa lường được rằng những gì nó sắp chứng kiến về cuộc sống chung quanh trong cuộc phiêu lưu đó sẽ gây cho nó nhiều suy nghĩ sâu sắc trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ lên mười…

Rồi thằng Bé cũng được đi tiếp sau khi bác Bân cho nó vài đồng để đi xe đến nhà bác ruột của nó ở Mỹ Tho, nó cầm tiền của Bác mà trong lòng không vui tí nào vì khó khăn lắm và mất mấy hôm bác mới kiếm được dù chỉ vài đồng cho nó, nó rất mang ơn bác chuyện này. Rất nhiều năm sau nó gặp bác và hỏi, bác chỉ cười mà nói “Làm sao bác nhớ được?”.

Thật là một điều đáng học hỏi về tư cách làm người: không màng đến việc phải nhớ những chuyện mình đã làm ơn cho người khác.

Phải sống ở thời đó thì mới có thể hiểu và cảm nhận được cái khó khăn của toàn xã hội, hàng ngày kiếm cơm độn ăn đã khó rồi thì nói chi đến có tiền và các nhu cầu khác về vật chất hay tinh thần? Cuộc sống là tối thiểu, hạn chế điện nước, không điện thoại, giao thông tệ hại, không phim ảnh giải trí, sách báo cũng rất hạn chế về số lượng và nội dung chỉ dành cho tuyên truyền, đời sống tinh thần và vật chất của xã hội đã thay đổi rất khác biệt với chỉ hơn một năm trước.
Bác Bân dặn nó: “con đón xe đò đi Trung Lương, rồi xuống Trung Lương đón xe Buýt vào Mỹ Tho!”. Nó hồ hởi lên đường, rồi bắt đầu từ đây nó lại sai lầm thêm lần nữa.

Phần 4/ KHÔNG NGHE LỜI, KHÔNG TIN NGƯỜI TỐT. NÓ LẠI TRẢ GIÁ:

Đi bộ khoảng hơn 1 cây số ra đến cầu An Hữu, nó chờ xe đò nhưng lâu quá không thấy, nóng lòng nên nó đi xe chuyền khi có bác tài mời hỏi. Quyết định đó là thêm một lần tai hại vì xe chuyền mà nó đi là xe lam. Lần này nó cương quyết không ăn gì cả vì biết rằng mình đi như vậy sẽ tốn nhiều tiền hơn, và nó cả tin rằng nó sẽ có cách để đến được nhà bác Năm Hiển của nó.

Từ An Hữu nó đi xe lam đến Cái Bè (20 km), từ Cái Bè nó đi xe lôi tới Cai Lậy (12 km), đến Cai Lậy nó nhớ tới câu chuyện trường Cai Lậy bị pháo kích chỉ hơn hai năm trước đó (ngày 09/3/1974), còn vương vất trong đầu nó hình ảnh tang thương của những đứa học trò trẻ con như nó…

Có ngồi xe lôi và xe lam đi dọc tuyến đường đó nó mới thấy sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long, hai bên đường lúc ấy có những đoạn người ta trồng chôm chôm đỏ rực trĩu quả, từng chùm từng chùm kết ken dày trong màu xanh đậm của lá, trái chín tới màu đỏ tươi, trái chín lâu màu đỏ bầm, trái chưa chín màu vàng vàng. Cây chôm chôm người ta lên luống cao trồng thành hàng để chống lại mùa nước nổi mỗi năm, nhìn từ xa các luống chôm chôm nhiều màu sắc trông rất ấn tượng .

Lại có những khoảng trống nhìn tít tắp là màu xanh của lúa, vào khoảng tháng 7 âm lịch là lúa sớm bắt đầu trổ đòng, dạo ấy miền Tây người ta chỉ trồng hai vụ, lúa sớm và lúa mùa, chứ không như bây giờ lúc nào cũng canh tác được. Lúa sớm vừa chín là nhanh chóng gặt đập, phơi lúa và trữ bồ xong là kịp lúc nước nổi về; và khi mùa nước nổi về là người miên Tây lại làm thêm chuyện khác. Hôm ấy là lúa đang đồng loạt trổ đòng, phải thấy mới cảm nhận được cái đẹp của nó, cả vùng đồng bằng một màu xanh mượt, gió tạo từng đợt sóng vờn đuổi trên ngọn lúa nhấp nhô giỡn hớt trên cánh đồng xanh bát ngát. Thân cây lúa khi ấy no tròn chứ không còn dẹp mỏng mảnh, lá đã hết tươi non màu mạ mà chuyển sang màu xanh chắc nịch vững vàng, cọng lá cũng to ra hơn, dài hơn, dầy hơn, và mướt hơn. Trong tận cùng của lõi cây lúa là cái bông lúa truyền thống Bách Việt đang tượng hình, là những chấm li ti hình khối sắc nét kích cỡ hạt đường cát, màu trắng đục, hình thoi nho nhỏ, chúng xếp hai hàng trông rất trật tự và đẹp mắt. Người ta ví lúa trổ đòng như sức sống, sự tươi trẻ, dáng thanh xuân và nét son đẹp của một thời con gái…

Từ Cai Lậy nó đón xe lôi đi về đến cầu Kinh Xáng khoảng 20 ki lô mét (ngày xưa gọi là cầu Long Định) thì hết tiền. Lại câu chuyện cũ, nếu như nó ráng đợi xe đò lớn thì bây giờ nó có thể đến được Trung Lương và còn dư tiền để đón xe buýt vào nhà bác Năm như lời bác Bân dạy, đằng này nó đã không ăn uống gì mà còn đi không tới nơi? Là cũng tại nó thôi, người lớn kinh nghiệm nhiều, dặn nó mà nó không làm theo.

Thằng Bé nhớ tới cái anh lơ xe ở Cần Thơ hôm xe hư đã bảo nó “mày cứ xin quá giang!”, vậy là nó xin đi quá giang sau khi nói rõ lý do cho một bác tài chạy xe lam, chiếc xe nổ “pành pành”, khói trắng khói xám mù mịt, người ta đu đeo chật nít ngoài đuôi xe và ngồi cả lên mui. Bác tài cho nó quá giang một chân vì chỉ có chỗ trống vừa vặn một bàn chân ở bệ lên xuống mà ông đã gắn thêm, nó phải đu đeo kế một ông già ba năm không tắm đang ở trần, thỉnh thoảng xe qua ổ gà hay lên xuống cầu thì cả người nó đong đưa, đưa cả cái mặt thư sinh trắng trẻo của nó rút vào nách ổng, nhanh chóng thoát ra thì mặt nó đã ướt nhẹp, “ná thở”, mấy lượt muốn té xe, trưa hè oi bức mà xe lam lại chạy chậm nên mồ hôi của ông nhỏ lên người nó giọt giọt, lúc đầu nó kinh lắm nhưng chỉ một chút sau là nó mặc kệ.
Bác tài cho nó đi tới ngã ba Trung Lương rồi ông bảo nó:

  • Xe tao về Tân Hiệp. Xuống đây đi con!
  • Con cám ơn bác nhiều!

Nó xuống giữa đường chiều hè vẫn nóng gắt, nó tiếp tục bài ca xin nước và rảo bước về hướng Mỹ Tho sau khi hát tiếp bài “đường đi trong miệng!”. Từ Trung Lương vào Mỹ Tho nghe nói khoảng 4 đến 5km, với thằng bán bánh mì “chiến đấu” như nó thì đây là chuyện nhỏ, quá nhỏ! Điều to lớn quan trọng bậc nhất lúc này là nó vừa thoát khỏi “ông già nách ướt”! Ung dung vừa đi vừa chơi, nó còn bắt dược mấy con cào cào bông đỏ đẹp vô cùng bên vệ đường. Thuở ấy từ Trung Lương vào Mỹ Tho hai bên đường không có nhà như bây giờ, có những đoạn là ruộng vườn, hay trang trại, hay những công xưởng nhỏ…

Hơn một giờ sau nó thấy xuất hiện cái hồ nước to vuông vức là nó biết đã tới Mỹ Tho, vậy là nhà bác Năm nó gần đây. Còn nhớ hồi mấy năm trước, nó với các anh em chú bác của nó có ra đây chơi, sau khi chơi bời tắm táp đã đời, bọn con nít còn chui qua hàng rào để chun vào chiếc trực thăng Chinook loại hai cánh quạt to đùng đậu ở bãi đất cạnh đây, lát sau có một ông Mỹ và mấy ông lính vác súng đạn chạy ào ào tới đuổi, tụi này lúc nãy “chun lỗ chó” để vào giờ phải “chun lỗ chó” ra, hai ba thằng bị kẽm gai cào tét lưng, tối đó cả đám bị đòn, người lớn la “may mà tụi nó không bắn tụi bây, chơi gì mà ngu vậy?”. Chuyến đi chơi lỗ nặng nhưng mà vui!

Nó hỏi nhà bác Năm Hiển của nó, vì bác trai và bác gái của nó cùng là giáo viên nên chuyện hỏi nhà hai ông bà cũng không khó, nó vào được tới nhà là trời đã chiều tối. Mọi người đang ăn cơm thì nó xuất hiện bất ngờ, ai cũng hoảng hốt tại sao nó lại ở đây? Nó đi với ai? v.v… và v.v… Nó nói chỉ một câu ngắn gọn nhưng chắc nịch “cho con tắm cái đã! Chút ra nói chuyện sau ”.

Sau khi nó đã triệt thoái khỏi người nó cái mùi của ông già “nách ướt” bằng cục xà bông đá vuông vức 72 phần dầu để trả lại cho nó ‘origin’ (nguyên gốc) mùi con nít thì nó mới ngồi vào ăn, lúc đó nó mới thấy rằng bữa cơm của gia đình bác nó còn tệ hơn gia đình nó bội phần. Chuyện ăn độn ngày ấy là bình thường, ai cũng ăn độn nên không nói làm gì, nhưng trên mâm cơm nhà bác không có một chút gì là đạm cả, chỉ rau muống luộc và nước tương loãng dầm ớt, mà nó dễ ăn và nó đói nên ăn rất ngon lành.

Những câu chuyện nó kể làm cả nhà rất vui, nó lại kể trọn chuyến phiêu lưu từ lúc nó đi khỏi Hà Tiên đến giờ, kể chuyện nhà Hà Tiên, kể chuyện đi đường v.v… Bác Năm gái nó rất thích nghe nó nói chuyện, sau này bác thường nhắc là mỗi lần nó ghé Mỹ Tho là nó mang đến nhà bác tiếng cười, không phải nó có khiếu kể chuyện khôi hài mà vì nó hay nói sàm, chuyện có lâm li bi đát cỡ nào nó cũng có thể làm thành chuyện cười cợt được.

Mãi mê nói chuyện mà nó quên mất là nó phải chào bác trai – anh sinh đôi của ba nó, hỏi tới bác thì bác gái nó nước mắt lưng tròng, té ra là bác ấy cũng đi cải tạo rồi, và cũng như ba nó, không biết bao giờ mới về! Nó ngạc nhiên vì bác trai nó là giáo viên sao phải đi cải tao? Dè đâu trước khi ông đi dạy thì ông là sĩ quan! Thế mới nói chế độ mới họ không bỏ sót, họ xét lý lịch tới ba đời, huống chi trong cuộc đời này bác của nó đã từng là sĩ quan “ngụy”?

Cuộc sống gia đình bác gặp rất nhiều khó khăn, đói kém hơn nhà nó bội phần, bác gái nó không được như má nó, bác không bươn chải bằng, bác không “ngầu” bằng má, và quan trọng hơn là các anh chị cũng trạc tuổi anh em nhà nó, thời gian này cũng không làm gì ra tiền được, chỉ có ăn học… Cả nhà chỉ sống bằng việc bác gái đi dạy học và bán đồ trong nhà để ăn, nên cực kỳ tiện tặn.

Vậy là sự xuất hiện của nó ở nhà này ví như là “tai hoạ” cho gia đình bác. Lúc này, bác chưa hề biết nó chuẩn bị mở miệng hỏi xin tiền bác để đi tiếp lên SG!

Sau một vài ngày cuối cùng Bác gái cũng kiếm được vài đồng cho nó đi tiếp…Bác mua vé cho nó đi Sài gòn, xe đò ngày ấy chạy tuyến Mỹ Tho là loại xe Ford 4 chỗ mà người xưa hay gọi là xe “Huê Kỳ”, người ta đã cải hoán để chạy chở khách Mỹ Tho-Sài Gòn, dân chúng quen gọi là “xe lô”. Xe lô Mỹ Tho thường sơn màu đỏ, xe dài và rộng, hai bên cái cốp to đùng là hai cái cánh dựng đứng giống hai cái đuôi cá trông rất đặc biệt, cái cốp ấy già trẻ lớn bé chứa được cũng ba bốn người, cứ dựng cốp lên, người ngồi quay lưng ra trước đưa mặt ra sau nhìn những chiếc xe chạy sau xe mình, nếu không quen rất dễ bị chóng mặt và hay muốn óí, nó cũng được cho ngồi trong cốp đó và xe cứ chạy “vô tư”. Ngoài cốp xe là vậy trong xe người cũng chật nêm, có lẽ ghế trước và băng sau cũng được 10 người. Trên đường tuyệt nhiên không thấy cảnh sát hay công an gì cả, chỉ có các trạm “cải tạo công thương” hay bắt bớ lái buôn hàng hóa thiết yếu mà được gắn cái tên gọi nặng nề: “hàng lậu”! Cái thời đó là như vậy.

Các xe bên lề là loại được cải hoán thành “xe lô” – hình chép lại từ Internet.

Ngồi trong cái cốp đó cũng có những cái thú vui của riêng nó, xe chạy chầm chậm nên khói xe và bụi cuốn vào đuôi xe làm nó ngạt thở, mũi nó đầy bồ hóng, nó khịt khịt vài cái rồi phun vèo một bãi nước bọt màu đen ra không gian, lúc nó phát hiện mình bị “hố” thì đã không còn kịp thu hồi cái của nợ đã thoát ra, bởi thế người xưa nói cái chi đó thoát ra khỏi miệng thì “tứ mã nan truy”! Chiếc xe chạy sau xe đó chỉ vài mét đã hứng đủ một tiếng “chạch” lên kính chắn gió, bác tài xe đó tưởng “bị bắn” nên né nhanh cái đầu qua một bên, sau khi hoàn hồn thì ông đưa đầu ra cửa sổ “Đ.m. thằng nhỏ mất dạy…!”.

Thằng Bé còn không biết ra dấu xin lỗi mà chỉ quay mặt đi mà nhe răng cười!

Đến Tân Hương thì có một cái trạm “cải tạo công thương” đặt cố định để bắt những người buôn lậu. Mặt hàng buôn lậu bị bắt thời đó là những thứ mà bao đời nay trong cuộc đời người ta là không thể thiếu: là gạo, là đường, là tôm khô, là cá mú v.v… Nhưng tất cả đều bị bắt tuốt vì là “lậu”!

Người la, kẻ khóc, người than nghèo, kẻ kể khổ, người rên rỉ ỉ ôi, kẻ loi choi chửi mắng… là âm thanh hỗn tạp của những bà ngoại, bà mẹ, bà chị Việt Nam anh hùng dám đem những mặt hàng nhu yếu từ vùng làm ra sang vùng không có mà bất chấp sự ngăn sông cách chợ của chính quyền địa phương!

Trạm Tân Hương là trạm “chằn” nhất miền Tây dạo ấy. Dù ngồi ở trạm này cả buổi để chờ mấy ông công bộc đầy tớ của dân « phục vụ » dân, tài xế nào cũng phải chờ vì con buôn là khách quen, là hầu bao túi gạo của nhà xe; cũng vì vậy cánh lái xe rất tích cực giúp đỡ con buôn cất dấu hàng hoá, lúc lỡ bị bắt thì họ cũng dùng sự quen biết hay lo lót để giải quyết lấy hàng hoá ra hay chí ít là thuế bị đóng ít đi. Xe nó đi cũng vậy, bác tài bắt cả xe phải chờ mà không ai bỏ đi xe khác (vì đón xe không dễ và tiền xe thì cũng trả rồi), nó cũng phải ở lại chờ và tiếp tục « thói nào tật nấy » – như những lần trước – nó ăn đến hết tiền bởi nó ham ăn. Ai có thể nhịn đói trong khi có tiền trong túi mà đồ ăn thì bày kế bên?

Má nó dặn xe về tới Xa Cảng Miền Tây nó phải bắt xe xích lô về ngã sáu Nguyễn Tri Phương, mà nó hết tiền rồi, một bà con buôn tốt bụng ngồi chung cốp xe nói với nó:

  • Xe này về bến xe Mỹ Tho ở Chợ Lớn, mày về Nguyễn Tri Phương gần lắm!

Nhưng nó quyết nghe lời má nó nên nó xuống Xa Cảng Miền Tây, bả rủa với theo:

  • Đồ ngu! Tao nói thiệt mà không nghe, cho mầy đi bộ chết cha mày luôn!

Cha nó không sao chứ nó thì mệt muốn chết, nó đi bộ từ Xa Cảng Miền Tây về Ngã Sáu, chắc có hơn 7 cây số, nó mệt lắm, không phải vì đường xa mà vì căng thẳng, bụi bặm, xe cộ ào ào, người ngợm nhiều quá, sợ lường gạt, sợ bắt cóc con nít, sợ du côn trên đường kiếm chuyện oánh nó vì nó nghe nói du côn tỉnh lẻ mà nó thường biết không bằng một góc mẻ của du côn Sài Gòn. Tâm trạng nó rất lo âu và nói chung là nó cảnh giác với mọi thứ từ khi nó bước từ trên xe xuống bến xe Miền Tây.

Bài học cho nó: nó ngu thiệt! Không biết tin người tốt.

Nhà bác Ba ở đường Minh Mạng (sau này nó biết bến xe Chợ Lớn về nhà bác Ba chỉ bằng một phần ba đoạn đường từ Xa Cảng Miền Tây, và thầm cảm ơn bà con buôn năm xưa dù nó đã không nghe bà), nó tìm ra nhà bác nhờ địa chỉ, nó chưa được biết mặt bác nó vì năm 1976 ông mới vào SG được vài tháng (ông đi kháng chiến thời chín năm và năm 1954 ông cùng gia đình đi tập kết).

Nó bấm chuông và nó chờ, nó chờ… lâu thật lâu sau nhìn qua khe cửa sắt nó thấy một ông già cao lớn, da trắng hồng hào phúc hậu, ông lê từng bước khó khăn bên cây gậy tập đi của những người bị tai biến mạch máu não, ông chậm chạp trên một chân trụ lê bước ra cửa, ông chậm chạp lách cách mở hai lớp cửa sắt (SG khác Hà Tiên quá, nhà nó ngày ấy không bao giờ có cổng, mà nhà này cổng có hai lớp cửa ngoài và thêm một lớp cửa ở sâu bên trong!), rồi cũng thật chậm chạp ông nhìn nó… Với một thằng nhóc mà lúc nào cũng có “cục lửa trong quần” như nó thì nãy giờ là quá sức chịu đựng của nó, nó nhanh nhẩu:

  • Thưa bác! Có phải bác là bác Vinh?

Ông lịch sự trả lời giọng trầm và run “vâng!”, nó lạ lẫm về từ “vâng” mà lần đầu tiên người miền Nam như nó nghe phát ra bằng âm miền Nam chứ mấy ông bộ đội Bắc Kỳ thì nó đã nghe quen tai hơn cả năm nay rồi.

  • Dạ, ba con là ông Đạt ở Hà Tiên…

Mới chỉ nói đến đó là nó ngưng, ngỡ ngàng nhìn bác nó đỏ mặt và lảo đảo, ông đứng lại cho vững và … khóc hu hu như một đứa trẻ (sau này bác nó nhiều lần khóc như vậy mỗi khi có người nhà Hà Tiên lên thăm, đó là nỗi nhớ anh em dồn nén mấy mươi năm), nó đỡ bác vào nhà, và chờ khi bác nó bình tâm lại. Cũng như mọi khi, nó huyên thuyên câu chuyện của nó đi từ Hà Tiên lên đây như thế nào và đương nhiên nó không quên nói rõ mục đích của chuyến đi và lá thư của má nó.

Hôm sau bác Ba gái đánh điện tín về Hà Tiên báo tin cho má nó là nó đã đến SG. Sau vài hôm, bác Ba trai và bác Ba gái của nó ký giấy tờ bảo lãnh ba nó và mua vé xe đò cho nó về tới Hà Tiên, chuyến về không có gì trở ngại vì bác Ba gái đã mua vé suốt cho thằng Bé về đến Rạch Giá và cho tiền nó dư dả để nó ăn uống và mua vé về Hà Tiên. Khoảng ba tháng sau ba nó được cho về, gia đình mừng lắm, riêng nó không ấn tượng lắm về ngày về của ba nó, có chăng là má nó! Chỉ biết rằng ba nó là người sĩ quan đầu tiên ở Hà Tiên được về nhà.

Và cuộc phiêu lưu hồi năm 10 tuổi của nó với bao rắc rối do nó tự gây ra đã “mở hàng” cho nhiều cuộc phiêu lưu sau này trong cuộc đời thằng Bé, rồi thì qua những lần như vậy nó có thêm nhiều bài học quý giá và mở mang cho nó cách nhìn cũng như đánh giá về sự vật hiện tượng, về con người, về hoàn cảnh…, giúp nó chiêm nghiệm một cách sâu sắc hơn một chút về mọi thứ diễn ra trong cuộc đời của mình.

Bác Ba Trương Văn Vinh, bác Năm Trương Minh Hiển đã về khu mộ gia tộc ở Hà Tiên và cùng với bác Hai Lư Khê – Trương Văn Em đoàn tụ cùng cha mẹ mình (là ông bà nội của thằng Bé) từ lâu. Bác Ba gái Nguyễn Kim Đính cũng về đó nằm cạnh bác Ba trai cho trọn phận dâu con của dòng họ Trương kỳ cựu của xứ này. Thế hệ trước đây có khi họ khác nhau về lý tưởng, khác biệt về tính cách… Nhưng máu mủ ruột rà là không thể cắt rời và họ đã gắn bó với nhau đến cuối đời như hồi còn trong buồng trứng của bà mẹ.

Phải nói thêm về bác Bân. Tình bạn của bác với ba thằng Bé bắt đầu từ năm 1954 kéo dài cho đến ngày hôm nay năm 2022, qua nhiều biến cố thời cuộc, một tình bạn gần bảy mươi năm, thật đáng ngưỡng mộ và trân quý. Họ vẫn thăm hỏi nhau, vẫn gặp nhau khi có thể, vẫn thương quý nhau như ngày đầu… Riêng thằng Bé, nó không những mang ơn ông cái ngày hôm tháng 8/1976 đã cho nó ăn, ngủ, và cho tiền nó “đi công tác” tiếp để nó hoàn thành nhiệm vụ mà “tổng tư lệnh” của nó đã giao, mà nó còn mang ơn ông cái ơn tinh thần lớn hơn nhiều – bác Bân đã làm chủ hôn đi cưới vợ cho nó vào tháng 3/1989. Một cách gián tiếp là ông đã giúp nó mang về xứ Hà Tiên của nó một nàng dâu là cô giáo, và rồi cái “vía” của bác đã đóng đinh cho nó vững bền 33 năm nay!

Nó kể câu chuyện này để đóng góp cho Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » bởi chỉ một lẽ: câu chuyện có liên quan đến các cựu giáo viên của xứ Hà Tiên từ rất xưa là thầy Trương Văn Vinh, cô Nguyễn Kim Đính, thầy Trần Văn Bân, thầy Trương Minh Hiển, thầy Trương Minh Đạt, cô Nguyễn Phước Thị Liên, tác giả là Trương Minh Quang Nguyên và vợ là cô giáo Nguyễn Thị Thiên Hương đã từng dạy Trung Học Hà Tiên hai niên khóa 1989-1990, 1990- 1991.

Quang Nguyên.
(Viết vào năm 2010 – hiệu chỉnh 4/2022)

Tác giả Quang Nguyên ở tuổi thiếu niên đang nhìn lại quá khứ một chú nhóc tên Bé, cậu bé từng đi Sài Gòn một thân một mình ở cái tuổi trên 10 tuổi một chút…Hình: TMQN