Những « Con đường xưa ta đi » của Hà Tiên

Thầy Cô và các bạn thân mến, thành phố Hà Tiên ngày xưa không to lắm, chỉ đủ để chúng ta chiều chiều khi cơm nước xong, rủ nhau thả bộ đi vòng vòng quanh phố, đi cho đến khuya, có hôm thì kéo nhau vào quán Ti La uống cafe nghe nhạc và nói chuyện với quý thầy cô…Hà Tiên là như thế, đã hiện hữu qua bao nhiêu năm dưới ánh mắt của chúng ta, lúc nào cũng dể thương, quen thuộc, mộc mạc nhưng không kém phần quyến rũ…

Tuy nhiên mọi vật trên trái đất nầy đều phải chịu tuân theo luật biến hóa, Hà Tiên cũng thế, mỗi ngày một đổi mới tốt đẹp thêm cũng có, hơi lố lăng một tí cũng có…Để nhớ lại mỗi con đường ngày xưa của Hà Tiên, những con đường mà các bạn đã từng dìu một người em gái nữ sinh Trung Học Hà Tiên nào đó, đi qua trong một buổi chiều …, để nhớ lại và hồi niệm cho một thời mà chúng ta tự xem như là « chủ » của đường phố Hà Tiên xưa…, xin mời thầy cô và các bạn duyệt qua một số con đường xưa của phố Hà Tiên, vì chỉ nói về những con đường hiện hữu của ngày xưa nên chỉ có một số ít thôi, còn Hà Tiên ngày nay đã quá phát triển, có những con đường còn tự trồi lên trên mặt của lớp đất bằng lấp đi một phần của con sông xinh đẹp và êm đềm ngày xưa,…dường như đường sá đã tự có từ ngàn xưa cũng không đủ để ngày nay người ta  lưu thông,…Hà Tiên đã phát triển tột độ, xin chúc mừng cho thành phố quê hương của chúng ta và cũng xin ngậm ngùi cho một phố Hà Tiên của những con đường tuy vắng khách « ngựa xe » qua lại dập dìu như hiện nay, nhưng lại rất tình tự và đầy ấp kỷ niệm học trò…

Những đường phố chánh của Hà Tiên ngày xưa

1/ Đường Mạc Công Du: Đường Mạc Công Du được người Pháp xây dựng đầu tiên vào năm 1871 và lúc đó tên đường là Avenue Inspection (Đại lộ Tham Biện), đường nầy được xây dựng cùng một lúc với Lầu Ông Chánh trên đồi Ngũ Hổ (dinh Ông Chánh Tham Biện). Đường Mạc Công Du chạy dài từ dưới chân đồi Ngũ Hổ thẳng tới ra bờ sông ngay cầu tàu Quan Thuế (xưa tên là Pont de Douane). Về sau trong những năm 50, đường được đặt tên chánh thức là đường Mạc Công Du (con trai của Mạc Tử Hoàng và cháu nội của Mạc Thiên Tích). Chúng ta quen gọi là đường Hàng Dương. Đây chính là « Con đường xưa em đi »…!! Vì con đường nầy đã chứng kiến rất nhiều những tà áo dài trắng của nữ sinh trung học Hà Tiên khi tan trường về và nối theo là những chiếc áo trắng quần tây xanh của những chàng trai nam sinh cùng về chung đường…

Trên đường Mạc Công Du một bên là trường Tiểu Học Hà Tiên, một bên là bên hông của trại lính « Thành 18 », tiếp theo là dảy nhà cư xá của quý thầy cô có tên là Học Đường Viên: thầy Hiệu Trưởng Hùng, thầy Thất, thầy Trịnh Học Ký, và thầy Nguyễn Đức Sơn…

Ngày xưa ngay trên con đường Mạc Công Du nầy có nhà của các bạn: Mai Thị Ngọc Minh, Lâm Tấn Hào – Kiệt, Huỳnh Văn Năm, Huỳnh Thị Sáu, Thái Cẩm Hà, Lý Mạnh Thường, …

Nam sinh trung học Hà Tiên trên đường tan học về nhà đường Mạc Công Du Hà Tiên trong những năm 60. (Hình: TVM)

Đường Mạc Công Du Hà Tiên trước những năm 2000 ngay ngả tư Mạc Công Du-Mạc Cửu. (Hình: HungCuongPC)

Đường Mạc Công Du Hà Tiên sau những năm 2000, ngay ngả tư Mạc Công Du-Lam Sơn (Hình: Lê Phước Dương)

Ngả ba đường Mạc Công Du (giữa hình) – Trần Hầu (phía dưới). Ngày xưa bên trái là Chi Quan Thuế, bên phải là quán Ông Năm bán nem nướng. (Hình: TVM 2012)

2/ Đường Chi Lăng: Đường Chi Lăng ngày xưa có tên là Đường Lớn, người Pháp lúc xây dựng đường nầy đặt tên là Rue de Mui Nai. Đường Chi Lăng chạy dài từ mé sông Đông Hồ lên đến ngang qua đường Mạc Thiên Tích và tiếp tục thẳng lên bên phải là khu Lăng Mạc Cửu, quẹo trái là đường ra bãi biển Mũi Nai. Trên đường Chi Lăng nếu tính từ mé sông Đông Hồ thẳng lên thì lần lượt có nhà gia đình Quách Ngọc Sơn, Quách Ngọc Lâm ở đầu đường, Nguyễn Thanh Hà, thầy Nguyễn Văn Nén, Lâm Mỹ Nhung, Hà Mỹ Oanh, Phạm Kim Loan, nhà cô Vương Thị Lành, Trần Anh Kiệt, Trần Thị Như Liên, Trần Thị Thúy Vân, Nguyễn Thị Điệp, Nguyễn Nguyệt Hồng,..v…v…

Khúc đường Chi Lăng Hà Tiên về phía núi Lăng, bên phải có chùa Phật Đường (Hình: TVM 2012)

Đường Chi Lăng Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

3/ Đại Lộ Mạc Thiên Tích: Đại lộ Mạc Thiên Tích rất dài, nối liền Đồi Ngũ Hổ thẳng xuống đồi Pháo Đài, có tên xưa là đường Pháo Đài, người Pháp đặt tên là Boulevard Phao Dai. Vào năm 1952 tỉnh trưởng Hà Tiên là ông Lê Văn An đặt tên là Đại lộ Mạc Thiên Tích (con trai của Mạc Cửu và là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến lịch sử văn học Hà Tiên). Con đường Mạc Thiên Tích ngày xưa lúc mình còn học vẫn chưa tráng nhựa, còn là đường sỏi đá, mình thường đi theo con đường nầy để xuống chơi nhà bạn Nguyễn Ngọc Thanh và Lý Văn Tấn. Đường nầy đi ngang qua cổng chính của trường Trung Học Công Lập Hà Tiên xưa.Tính từ ngay dưới chân đồi Ngũ Hổ về phía Pháo Đài thì trên con đường nầy có nhà các bạn: Tống Châu Thành (ngay xéo xéo bên phải cổng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên), La Tấn Lực, Lâm Thị Lan, Bùi Văn Tư, Lý Văn Tấn, Nguyễn Ngọc Thanh..v..v..

Đường Mạc Thiên Tích Hà Tiên (khúc cắt đường Mạc Cửu). (Hình: TVM 2012)

Một góc đường Mạc Thiên Tích Hà Tiên. (Hình: Nguyễn Như Thạch)

Đường Mạc Thiên Tích Hà Tiên, khúc Ngả Sáu Điện Lực. (Hình: Nguyễn Như Thạch)

4/ Đường Bạch Đằng: Người Pháp đặt tên cho đường Bạch Đằng là Rue des Cocotiers, ta quen gọi là đường Hàng Dừa. Từ năm 1952 đường có tên chánh thức là đường Bạch Đằng. Đây là con đường quen thuộc của mình, trên con đường nầy có trại lính (thành 18), có cây dừa ba ngọn nỗi tiếng của Hà Tiên, mời xem bài:

Sân vận động Hà Tiên và những chiếc trực thăng (Trần Văn Mãnh)

Đường Bạch Đằng thẳng góc với đường Chi Lăng, phía trên giới hạn bởi đường Mạc Tử Hoàng và phía dưới chạy thẳng ra đường Trần Hầu ngay Cầu Bắc ngày xưa. Trên đường Bạch Đằng có Chi Thú Y, mặt nhà sau Thầy Trương Minh Đạt, nhà ông Ký Cụi, chùa Phước Thiện, thầy Lâm Văn Núi, anh Chư, thầy La Từ Sự, Tạ Em Sợi, Trần Tuấn Khanh, Trần Tuấn Kiệt, Trần Thị Thu Oanh, nhà mình (Trần Văn Dõng, Trần Văn Mãnh), Lê Phước Hải, Huỳnh Văn Bền, Huỳnh Văn Bé, Trần Hồng Khanh, Chị Lệ, Chị Liễu..v..v…

Đường Bạch Đằng Hà Tiên ngày xưa trong những năm 70, nhìn về phía Cầu Bắc, bên trái là tiệm Cafe Quảng Phát, bên phải là quán cafe nhạc Khai, kế đó là nhà anh Trần Hồng Khanh. Trong hình: Trần Văn Phi (Hình: TVM)

Đường Bạch Đằng, Hà Tiên. Hình: TVM năm 2003

Đường Bạch Đằng, Hà Tiên. Hình: TVM năm 2003

Góc đường Bạch Đằng – Lam Sơn Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Bạch Đằng Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Bạch Đằng Hà Tiên, nhà có cửa sắt xanh dương là nhà ông Minh Thái Phong. (Hình: TVM 2012)

Đường Bạch Đằng Hà Tiên, bên phải là khúc có tiệm cafe Quảng Phát ngày xưa. (Hinh: TVM 2012)

Đường Bạch Đằng Hà Tiên, bên trái là biệt thự Ông Bầy ngày xưa có cửa sắt xanh dương đậm. (Hinh: TVM 2012)

Đường Bạch Đằng Hà Tiên, hướng nhìn ra phía sông. (Hình: TVM 2012)

Ngả ba đường Bạch Đằng (giữa hình) – Trần Hầu (phía dưới). Ngày xưa bên trái là tiệm Đồi Mồi Lê Minh, bên phải là tiệm Billard nhà bạn Trần Bình. (Hinh: TVM 2012)

5/ Đường Tô Châu: Ngày xưa người Pháp đặt tên đường Tô Châu là Rue de la Poste (đường Bưu Điện) vì đường nầy chạy ngang qua nhà Bưu Điện xưa (sau nầy đổi là Chi Bưu Điện mặt trước nhìn ra đường Tô Châu, mặt sau nhìn ra bờ Đông Hồ). Đường Tô Châu chạy thẳng ra đường Trần Hầu ngay tại mé sông có cầu phao nổi ngày xưa, phía trên thẳng góc với đường Mạc Tử Hoàng. Đường Tô Châu thời chiến tranh trong những thập niên 1960-1670 có một đoạn chạy ngang Chi Cảnh Sát và dinh Ông Quận Trưởng nên khúc đường nầy có lính gát và giới hạn sự đi lại. Trên đường Tô Châu tính từ đầu đường Mạc Tử Hoàng đi xuống mé sông là có: Dinh Quận Trưởng (lúc ông Thiếu Tá Hoa làm quận trưởng, là ba của bạn Trần Văn Minh gọi là « Minh Còi » học chung lớp với mình thời Trung Học), Chi Cảnh Sát (lúc trước có gia đình bạn Nguyễn Hoàng Nhi con ông Cảnh Sát trưởng học chung lớp với mình), trường Mẫu Giáo, Chi Bưu Điện có gia đình bạn Nguyễn Anh Tài, Nguyễn Anh Khanh, Nguyễn Thị Anh Đào học chung lớp, có sân đánh bóng chuyền, thầy Hứa Văn Vàng, mặt sau vườn nhà ông Ký Cụi, nhà chị Huỳnh Thị Kim, Huỳnh Ngọc Sơn, Huỳnh Hồng Quang (anh chị em bạn dì với mình), gia đình Kiều Dũng, dãy nhà Ông Phán Cơ thường cho giáo sư ở trọ, mặt hông của Đình Thần Hoàng, thầy Trần Văn Tường, bạn Trần Thanh Tuyên, Chùa Bà Mã Châu, bên hông khách sạn Tô Châu và khách sạn Đại Tân…v…v…

Trần Văn Mãnh trong những năm 60, phía sau bên phải là Trường Mẫu Giáo Hà Tiên nằm trên đường Tô Châu. (Hình: TVM)

Đường Tô Châu Hà Tiên ngày xưa trước năm 2000 , bên phải là chùa Bà Mã Châu. (Hình: HungCuongPC)

Đường Tô Châu Hà Tiên ngày xưa trước năm 2000 , bên trái là chùa Bà Mã Châu, đầu đường phía xa là khách sạn Tô Châu. (Hình: HungCuongPC)

Một góc đường Tô Châu Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

6/ Đường Phương Thành: Ngày xưa người Pháp đặt tên đường Phương Thành là Rue de Kampot vì đường nầy chạy thẳng lên phía biên giới Việt – Cambodge, giáp giới với tỉnh Kampot bên kia. Đường Phương Thành chạy xuống mé sông Hà Tiên ngay đường Trần Hầu. Có một nơi ba con đường giao nhau: Phương Thành, Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích tạo thành ngả sáu, bây giờ người ta gọi là Ngả Sáu Điện Lực (vì ngay đó có nhà đèn điện lực). Con đường Phương Thành là một con đường rất quen thuộc với giới trẻ học sinh Hà Tiên ngày xưa vì mỗi chiều các bạn trẻ thường hay chạy xe Honda, chở nhau từ ngay khu chợ theo con đường Phương Thành ra phía nhà thờ, qua Ấp Chiến Lược, thẳng ra Thạch Động và lên phía biên giới, đó là một khúc đường để phóng xe Honda 67 với tốc độ nhanh mà không bị phiền phức vì sự lưu thông nhờ đường hay vắng xe,…Mình còn nhớ rất nhiều kỷ niệm trên con đường nầy với các bạn Lương Cường, Phan Thanh Tùng, Phan Thanh Liêm,..v..v..(đó là các cao thủ chạy xe Honda ngày xưa mà mình rất sợ khi ngồi phía sau cho các bạn nầy chở ra Thạch Động vì khi chạy ngang qua Ấp Chiến Lược là có một khúc quanh để các bạn đó « lạng » xe rất hấp dẩn, nhưng mà mình ở phía sau thì lại rất sợ…). Kể từ phía mé sông đường Trần Hầu đi lên thì trên con đường Phương Thành có rất nhiều nhà bạn học ngày xưa: Khách sạn Lâm Văn Cao, thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Hương ba của bạn Trần Đại Thắng, Trần Mỹ Quyên, Trần Mỹ Ngân, Lâm Hữu Quyền, anh em Vương Đình Phước, Vương Đình Lộc, nhà bạn tên Nguyệt em cô Tuyết con ông Chín Nhà Đèn, cô Tiền Ngọc Thanh, Tiền Ngọc Dung, ngang qua chùa Tam Bảo, nhà hai chị em Thanh Niên, Thanh Nữ, mặt hông nhà thờ, nhà máy xay lúa gia đình chị Lâm Xuân Cúc, nhà bạn Lâm Nhi Tôn, có chùa (Miếu) Bà Cửu Thiên,  rồi dài dài ra phía Ấp Chiến Lược, phía Thach Động có nhà bạn Quách Thị Chol học chung lớp với mình, còn nhiều nhưng mình không nhớ để kể ra…v…v…(Sau nầy khúc đường Phương Thành qua khỏi Ấp Chiến Lược ngày xưa khúc có chùa Phù Dung, đường có tên khác là đường Phù Dung chạy ra xa tới Thạch Động và biên giới).

Đường Phương Thành Hà Tiên ngày xưa trước năm 2000 ngay góc khách sạn Lâm Văn Cao đổi tên là Phương Thành. (Hình: HungCuongPC)

Đường Phương Thành Hà Tiên ngay khách sạn Phương Thành và khách sạn Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Phương Thành Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Phương Thành Hà Tiên, nhìn về phía Nhà Thờ. (Hình: TVM 2012)

7/ Đường Mạc Cửu: Người Pháp đặt tên là Rue Mac Cuu, đường nầy chạy song song với đường Chi Lăng. Đường Mạc Cửu (để tưởng nhớ vị quan khai khẩn ra đất Hà Tiên là Mạc Cửu) chạy ngang qua khu lăng của gia đình họ Mạc, thẳng tới chùa Lò Gạch thẳng góc với đường Mạc Tử Hoàng và trở ra đụng đường Phương Thành. Từ ngày xưa đã lâu có một cái ao nước trước đền thờ Ông Mạc Cửu, sau nầy người Pháp khai thác đất đai nên đào thêm hai cái ao nằm hai bên đường Mạc Cửu nầy, ta quen gọi chung ba cái ao đó là khu Ao Sen. Chính ba cái Ao Sen nầy đã cung cấp nước cho toàn dân Hà Tiên từ thời xa xưa và vì thế tại Hà Tiên có nghề chở nước bằng xe đẩy đến tận nhà khách hàng, tên nghề gọi là « đổi nước » (vì không thể nói là « bán nước » !!). Có những thời kỳ khô cạn ao cũng khô nước hết cả để lộ ra đáy ao toàn là đất sét. Chánh quyền thời xưa kêu gọi dân chúng góp công góp sức đào thêm cho ao sâu rộng thêm, mỗi nhà phải đào vài m3, mình còn nhớ hồi lúc còn nhỏ, mình cũng có tham gia vào phong trào đào ao sen đó. Đầu kia của đường Mạc Cửu chạy thẳng ra bờ sông Đông Hồ, khúc phía sau dảy nhà cư xá cho nhân viên bưu điện viễn thông ngày xưa. Tính từ đầu đường bờ sông Đông Hồ chạy thẳng lên khu Lăng Mạc Cửu và chùa Lò Gạch thì lần lượt trên đường Mạc Cửu có bệnh viện Nguyễn Thần Hiến, bên hông cư xá của Nhà Bảo Sanh (gia đình bạn Lê Mai Hoa, chị Lê Mỹ Hồng, chị Lê Mai Hương ngày xưa ở đó). Lần lượt tới nhà Lý Tòng Hiếu, Trương Thái Minh, Trương Thanh Hào, Trương Thanh Hùng, Trần Văn Danh, Phạm Thúy Phượng…và thẳng qua khu Ao Sen,…Trong những năm 1970-1974 cô Võ Kim Loan lúc dạy văn trường Trung Học Hà Tiên ở tại căn nhà đối diện với nhà Lý Tòng Hiếu trên con đường Mạc Cửu nầy.

Đường Mạc Cửu Hà Tiên, trước 1975 có Bệnh Viện Nguyễn Thần Hiến, sau 1975 đổi tên là Bệnh Viện Đa Khoa Hà Tiên. Sau 2011 bệnh viện đã bi phá hủy nhường chổ cho Quảng Trường. (Hình: PhungAnhKiet)

Đường Mạc Cửu Hà Tiên, hướng nhìn về phía chợ. (Hình TVM 1999)

Đường Mạc Cửu Hà Tiên, hướng nhìn về phía cây đa chùa Lò Gạch. (Hình TVM, 1999)

Đường Mạc Cửu Hà Tiên, khúc trước Ao Sen. (Hình: TVM 1999)

Ngả ba đường Mạc Cửu – Phương Thành Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Mạc Cửu khúc giáp với đường Phương Thành Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Mạc Cửu Hà Tiên, bên phải là Nhà Bảo Sanh ngày xưa. (Hình: TVM 2012)

8/ Bến Trần Hầu: Bắt đầu vào năm 1889, người Pháp lấp vùng sình lầy bờ sông và cho đấp đá dọc theo mé sông từ cầu Quan Thuế lên tới Pháo Đài. Người Pháp cũng cấm không cho xây cất nhà cửa dọc theo mé sông nầy và thành lập một bến sông đặt tên là Quai Doceul (tên của viên Chánh Tham Biện Hà Tiên từ năm 1889-1890). Sau nầy con đường được đổi tên là Bến Trần Hầu ngày nay thì đề là Đường Trần Hầu (tên ông Trần Đại Lực có chức là Lực Tài Hầu). Con đường Trần Hầu là một một trong những con đường chánh của Hà Tiên, có thể xem như là mặt tiền của Hà Tiên. Thời xưa đường đó cũng nằm trong lộ trình chạy xe Honda mỗi buổi chiều du ngoạn của giới học sinh Hà Tiên. Trên mặt tiền nầy có rất nhiều khách sạn nhìn ra bờ sông: khách sạn Tô Châu, Đại Tân, Vân Tiên, Lâm Văn Cao,…(tất cả các khách sạn nầy ngày nay hầu như đã thay hình đổi dạng và đã đổi luôn tên…:Đại Tân thành Đông Hồ, Vân Tiên thành Hà Tiên, Lâm Văn Cao thành Phương Thành….). Trên đường Trần Hầu còn có bến đò, chợ cá, Đài Kỷ Niệm, Thánh Thất Cao Đài,…và có nhà của các bạn: Trịnh Công Tước, Phan Thị Liên Phương, Trịnh Xuân Tài, Đình Quận, Trần Phương Nhu, Dương Văn Hiếu, …v…v…

Bến Trần Hầu nhìn từ phía Cầu Bắc Hà Tiên trước 1975. (Hình: Hồ Anh Dũng)

Bến Trần Hầu (Hà Tiên) ngày xưa, bên trái là Đài Kỷ Niệm, bên phải là dảy phố buôn bán có tiệm nước mắm của gia đình Tiền Thành Ký. (Photo: Bronson Ha)

Đường Trần Hầu ngày xưa, nhìn qua khách sạn Vân Tiên (Hà Tiên)

Đường Trần Hầu Hà Tiên năm 1994. (Hình: Trần Văn Mãnh)

Đường Trần Hầu Hà Tiên trước năm 2000. (Hình: Chánh Thái Minh)

Đường Trần Hầu Hà Tiên ban đêm, bên trái là phố Tứ Diện và tiệm Xuân Thạnh, bên phải là chợ tạp hóa. (Hình: Hoàng Nguyên 1998)

Đường Trần Hầu Hà Tiên trước năm 2000. (Hình: HungCuongPC)

Khúc đường Trần Hầu có nhà Thầy Phan Liên Trì, ba của Phan Thị Liên Phương. (Hình: AaronGeddes 2012)

Góc đường Trần Hầu – Nhật Tảo Hà Tiên. (Hình: Nguyễn Như Thạch)

Góc đường Trần Hầu – Tuần Phủ Đạt Hà Tiên sau những năm 2000

Góc đường Trần Hầu – Bạch Đằng (Hà Tiên), bên phải là tiệm Billard ngày xưa của gia đình bạn Trần Bình.

Góc đường Trần Hầu – Bạch Đằng Hà Tiên

Góc đường Trần Hầu – Bạch Đằng Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Đường Trần Hầu Hà Tiên nhìn từ trên cao, bên trái là khách sạn Phương Thành. (Hình: TVM 2012)

9/ Đường Đống Đa: Thời Pháp đường Đống Đa có tên là Rue de l’Ecole vì ngày xưa người Pháp xây trường học quay mặt ra đường nầy. Đến năm 1947 trường mới quay mặt chánh ra đường Mạc Công Du, cổng sau trường nhìn ra đường Đống Đa. Năm 1952 tên đường chánh thức đổi thành đường Đống Đa. Dân Hà Tiên của chúng ta rất quen thuộc với đường Đống Đa vì ngày xưa lúc còn học trường Tiểu Học lúc nào cũng có lui tới trên con đường nầy. Vì nằm ở cổng sau của trường Tiểu Học nên ngày xưa khúc nầy có rất nhiều gian hàng bán bánh trái cho học sinh ra chơi mua ăn…Đường Đống Đa thẳng góc với đường Mạc Tử Hoàng ngay tại điểm giao với đại lộ Mạc Tiên Tích, chạy dài ra phía chợ đường Đống Đa thẳng góc với đường Lam Sơn và ngưng lại nơi đó. Trên đường Đống Đa nầy mình cũng có rất nhiều kỷ niệm vì trên đường nầy là có nhà của bạn Lê Công Hưởng, Nguyễn Đình Nguyên. Mỗi khi đi chơi về khuya, mình thường đưa Nguyên và Hưởng về tới khúc đường Đống Đa nầy (khoảng đối diện với Chi Thanh Niên và sân quần vợt ngày xưa). Nhiều lúc Hưởng thường lén lấy cắp một chiếc dép của mình nên mình phải đi theo Hưởng về tới khúc đường nầy, vừa đi vừa năn nỉ Hưởng để được trả dép lại rồi mình mới về nhà được…Ngoài ra trên đường Đống Đa nầy còn có nhà bạn Trương Kim Ô học chung với mình, Trần Yến Phượng, Trần Tuấn Anh..v…v…

Ngả tư đường Đống Đa – Mạc Cửu Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Khúc đường Đống Đa Hà Tiên giữa hai đường Chi Lăng và Lam Sơn. Bên phải ngay các chậu kiểng là nhà bạn Trương Kim Ô (học chung lớp với Trần Văn Mãnh). (Hình: TVM 2012)

10/ Đường Lam Sơn: Người Pháp lúc đầu đặt tên cho đường Lam Sơn là Rue de la Pagode vì trên đường nầy có chùa Ông Bổn (đúng ra là Miếu) thờ ông Bổn Đầu Công tên là Trịnh Hòa. Năm 1952 đường có tên chánh thức là đường Lam Sơn. Đường Lam Sơn là con đường hàng ngày mình đi chợ, đến nhà bạn Lý Mạnh Thường, đến nhà các bạn Nguyễn Văn Tài, Lý Cui,…và cũng là đường để đi ra bãi biển Mũi Nai ngày xưa. Đường Lam Sơn một đầu thẳng góc với đường Bạch Đàng nhà mình, đầu kia chạy dài lên khúc ngọn núi có chùa Giải Thoát và khi quẹo trái là đi ra Mũi Nai. Đường Lam Sơn chạy ngang chợ Hà Tiên xưa, tiệm Sanh Hoạt bạn Lương Cường, nhà chị Lâm Xuân Cúc, Trần Ý Hui, cô Lý Ánh Nguyệt, tiệm bánh mì Tân Thái, Dương Thị Phương Hà, Đỗ Minh Quang, Lý Kiến Tân, Dương Hồng Minh, Trần Hoàng Phượng, Trần Hoàng Trang, Trần Học Quang, Trần Mỹ Hạnh, phía trên nữa là nhà bạn Lý Cui, nhà chị Hai Mùi vợ anh Lê Quang Chỉnh (anh bạn dì với mình). Ngày xưa mình thường thả bộ trên con đường Lam Sơn nầy để lên nhà Lý Cui mỗi chiều để chơi đàn chơi nhạc trong nhóm Lý Văn Tấn, Lý Văn Tịnh, Tống Châu Thành, Trần Văn Yến,…

Ngả tư đường Lam Sơn – Phương Thành ngày xưa trước năm 2000. (Hình: HungCuongPC)

Đường Lam Sơn Hà Tiên, bên trái là mặt tiền ngôi chợ ngày xưa trước năm 2000. (Hình: HungCuongPC)

Đường Lam Sơn Hà Tiên, nhìn về phía đường Bạch Đằng. ngôi nhà ngói ngay ngả ba Lam Sơn-Bạch Đằng là nhà Huỳnh Văn Bé. (Hình HungCuongPC 1997)

Đường Lam Sơn Hà Tiên, bên trái là tiệm (lò bánh mì) Tân Thái nhà Dương Phương Hà, bên phải là đầu đường Đống Đa.

Đường Lam Sơn Hà Tiên, bên phải có ngôi nhà đầu đường là Tiệm Đồi Mồi Lâm Văn Cao ngày xưa. (Hinh: HuynhNT)

Đướng Lam Sơn Hà Tiên, hướng từ đường Bach Đằng nhìn ra phía chợ ngày xưa. (Hình: TVM 2012)

Đường Lam Sơn Hà Tiên, hướng nhìn về phía chợ cũ Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Ngả tư Lam Sơn – Nguyễn Thần Hiến Hà Tiên, hướng nhìn về phía đường Nhật Tảo và Cầu Câu, bên lề đường trái ngay chổ người đang đi bộ là nhà chị Dương Hồng Châu. (Hình: TVM 2012)

11/ Đường Mạc Tử Hoàng: Tên thời Pháp là Rue de l’Appontement (còn có lúc gọi là Avenue Foch), tức là đường Cầu Tàu vì một đầu đường Mạc Tử Hoàng ra tới bến tàu ngày xưa ở sông Đông Hồ. Đầu kia chạy tới đường Phương Thành ngay chổ Nhà Thờ. Đến năm 1952 ông Tỉnh trưởng Hà Tiên Lê Văn An đặt tên là đường Mạc Tử Hoàng (con trai của ông Mạc Thiên Tích). Đường Mạc Tử Hoàng là con đường quan trọng về phương diện chiến lược và hành chánh ngày xưa vì trên đường nầy tính từ mé sông thì có Sân Vận Động (sân đá banh) ngày xưa, khu Chi Công Chánh, dinh của ông Phó Quận (ngày xưa gia đình của bạn Lê Mai Hoa cũng có lúc ở trong khu dinh thự nầy), đối diện bên nầy là cổng chánh của trại lính Thành 18, tiếp đến là Tòa Bố tức là nơi làm việc của ông Quận Trưởng, một bên là cổng sau của ngôi trường Trung Học Công Lập Hà Tiên, một bên là cổng sau của ngôi trường Tiểu Học Hà Tiên, nhà của các em Lành, Tuyết (con của Bà Năm), kế nhà nầy ở ngay góc đường, là nhà của một bạn tên Thu bạn học cùng lớp với Lâm Thị Lan, phía trước nhà có ao rau muống, ngày xưa mình rất sợ cái ao rau muống nầy vì nghe nói có « ma da » nó kéo chân mình xuống ao…). Đến Nhà Thờ là hết đường Mạc Tử Hoàng. Ngày nay đường Mạc Tử Hoàng còn được nối dài lên con đường đất nhỏ ngày xưa đi lên tới chùa Lò Gạch và gặp ngay đường Mạc Cửu. Khúc đường Mạc Tử Hoàng từ Nhà Thờ lên đến chùa Lò Gạch nầy là rất quen thuộc với học sinh trung học ngày xưa vì mỗi khi có giờ học trống thì cả nhóm kéo nhau lên núi Lăng bằng con đường đất nhỏ nầy (trên con đường nhỏ nầy bên trái có nhà của chị Trần Diệu Châu và cô Trần Diệu Hiền thơ ký và giám thị của trường chúng ta ngày xưa).

Đường Mạc Tử Hoàng Hà Tiên, bên phải là Nhà Thờ. (Hình TVM 2012)

Đường Mạc Tử Hoàng Hà Tiên, nhìn về phía dinh Quận ngày xưa. (Hình TVM 2012)

Góc đường Mạc Tử Hoàng (trái) – Phương Thành (phải) có nhà thờ Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

12/ Đường Tuần Phủ Đạt và đường Tham Tướng Sanh: Hai con đường nầy được xây dựng khi ngôi chợ Hà Tiên ngày xưa làm xong, lúc đầu chưa có tên. Thời người Pháp có đặt tên chỗ chợ là Place du marché, sau đổi tên là Quảng Trường Gia Long, hai con đường nầy lúc đó được gọi chung là Rue du marché). Đến năm 1952 hai con đường song song hai bên hông chợ Hà Tiên nầy mới được ông Nguyễn Văn Hải đặt tên: Tuần Phủ Đạt tức là Ông Tuần Phủ Huỳnh Mẫn Đạt, Tham Tướng Sanh tức là Tham Tướng Mạc Tử Sanh con của ông Mạc Thiên Tích. Vì hai con đường nầy ở ngay vị trí hai bên chợ Hà Tiên nên rất tấp nập, có nhiều tiệm buôn, cửa hàng. Mỗi buổi sáng trên đường Tuần Phủ Đạt thì có họp chợ bánh trái, đủ thứ bánh trái cho người Hà Tiên ăn điểm tâm: bún chả giò, hủ tiếu hấp, bánh tầm bì, cháo đậu đỏ, xôi hột gà, xôi tôm khô, chè đậu trắng, chè hột me,…., Đường Tuần Phủ Đạt khúc trên gặp đường Chi Lăng, khúc dưới thì ra đến chợ cá ngày xưa. Ngay khúc trước Phố Tứ Diện tiệm văn phòng phẩm nhà Minh Thái Phong, ngay trước đó là khoảng đất dành cho má của bạn Lý Cui bán gạo. Ngày xưa khi cuối tuần không có giờ học nhóm mình thường hay ra ngay khu bán gạo của má bạn Lý Cui để nói chuyện chơi, gồm có Lý Văn Tấn, Lý Văn Tịnh, Trần Văn Yến,..v..v..Cả bọn nhóm lại phía sau quầy hàng gạo và nói chuyện với Lý Cui, khi có khách mua gạo, đong gạo xong, Lý Cui phải chở bao gạo phía sau yên xe đạp để giao đến tận nhà cho khách, lúc đó cả bọn cũng còn lai rai ở đó chờ cho Lý Cui giao gạo xong nói chuyện tiếp…Phía bên kia đường tính từ khúc trên đường Chi Lăng dài xuống thì có nhà các bạn: Rạp chiếu bóng Phát Minh (cất lúc sau nầy) Lương Cường, Hồ Anh Dũng, Hồ Thị Kim Hoàn, Hồ Thị Kim Nga,…, Phan Thanh Tùng, Phan Thanh Liêm, Phù Ngọc Anh, Phù Ngọc Liên, Trần Tiên,….

Góc đường Tuần Phủ Đạt – Lam Sơn có ba căn phố đối diện với mặt bắc của chợ Hà Tiên: Tiệm Ông Tàu Lái, Tiệm Sanh Hoạt và Tiệm cafe Dũ Long. (Photo: Fred Abery)

Đường Tuần Phủ Đạt Hà Tiên ngày xưa trước năm 1975, nhìn về vườn Ông Ba Lón. (Hình: Hồ Anh Dũng)

Góc đường Tuần Phủ Đạt – Lam Sơn Hà Tiên. (Hình: HuynhNT)

Góc đường Tuần Phủ Đạt – Lam Sơn Hà Tiên.

Đường Tuần Phủ Đạt ngay khu chợ Hà Tiên xưa trước năm 2000. (Hinh: HungCuongPC)

Đường Tuần Phủ Đạt Hà Tiên. (Hình: HuynhNT)

Đường Tuần Phủ Đạt Hà Tiên, khúc giữa hai đường Chi Lăng và Lam Sơn (Hình: Hồ Anh Dũng)

Đường Tuần Phủ Đạt Hà Tiên, giáp với Đường Trần Hầu. (Hình TVM 2012)

Đường Tham Tướng Sanh thì dài hơn đường Tuần Phủ Đạt vì khúc trên gặp ngay trước bệnh viện Nguyễn Thần Hiến, khúc dưới cũng ra tới chợ cá ngày xưa. Ngày xưa người Pháp đặt tên là Rue de l’Hôpital (đường Bệnh Viện, có tài liệu nói có lúc tên đường là đường Thủ Tướng Thinh, lại có tài liệu khác nói đường Thủ Tướng Thinh bây giờ chính là đường Mạc Cửu). Đến năm 1952 được đổi tên là đường Tham Tướng Sanh. Trên đường Tham Tướng Sanh bắt đầu là Nhà Bảo Sanh (nơi mà mình sinh ra ở đó…cùng lúc với anh Trần Văn Dõng và hầu như tất cả các bạn cùng trạc tuổi mình đều được sanh ra ở Nhà Bảo Sanh nầy), tiếp là mặt sau Chi Thú Y, mặt trước nhà thầy Trương Minh Đạt (quán Ti La), bên hông vườn nhà bạn Tăng Kim Sơn, nhà bạn La Văn Cao, gia đình ông Lâm Văn Cao, dài xuống nhà Trịnh Tố Chinh (tiệm Hiệp Lợi), nhà chị Đỗ Mùi,…ra tới tiệm cơm Xuân Thạnh. Nếu bên đường Tuần Phủ Đạt buổi sáng có hàng bánh trái điểm tâm thì bên đường Tham Tướng Sanh bên nầy là chợ rau cải và tạp hóa, chợ họp ngay từ đầu đường Lam Sơn chạy dài xuống đụng Bót Cảnh Sát ngay chợ cá. Phía bên đường Tham Tướng Sanh thì mình ít đi buổi sáng vì người ta bán toàn là rau cải, tạp hóa, dành cho các bà nội trợ đi chợ mua thực phẩm về nấu cơm trưa chiều, mình chỉ quanh quẩn bên phía chợ bánh trái bên đường Tuần Phủ Đạt để ăn hàng vặt mỗi sáng…!!

Góc đường Tham Tướng Sanh – Lam Sơn Hà Tiên. Tiệm Hoàng Sơn là ngay chổ tiệm Đồi Mồi Lâm Văn Cao ngày xưa. (Hình: HuynhNT)

Đường Tham Tướng Sanh Hà Tiên, ngay bên hông chợ Hà Tiên xưa. (Hình: HuynhNT)

Góc đường Tham Tướng Sanh – Trần Hầu Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

13/ Đường Cầu Câu, đường Nhật Tảo và đường Nguyễn Thần Hiến: Ba con đường nầy song song với nhau và giới hạn một đầu là đường Chi Lăng, đầu kia là đường Trần Hầu. Đây là ba con đường ngày xưa mình cũng rất thích đi dạo một mình vì trên mỗi đường đều có nhà các bạn quen thuộc. Người Pháp quy hoạch ba con đường nầy cùng một lúc với ngôi chợ, bệnh viện. Lúc đầu chưa có tên, đến năm 1952 do ông tỉnh trường Hà Tiên đặt tên. Trên đường Cầu Câu có nhà của các bạn: Phan Văn Hữu, Nguyễn Ngọc Lê, Hà Thu Hương, Nguyễn Minh Hùng (Hùng Hynos), chị Nguyễn Thị Hoa cùng các em Nguyễn Thị Lan, Liên, Liễu, Lệ (Thủy)…Đầu đường Cầu Câu và Trần Hầu có nhà Ông Đốc Hà Văn Điền là ba của cô Hà Thị Hồng Loan. Đầu đường Cầu Câu và Lam Sơn có nhà anh Độ, khoảng đường nầy ngày xưa mình cũng rất thường hay đi qua đi lại…!!!

Đường Cầu Câu Hà Tiên. (Photo: Axel.R.D 2011)

Góc đường Cầu Câu – Trần Hầu. (Hình: Nguyễn Như Thạch)

Góc đường Cầu Câu – Lam Sơn Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Có tài liệu nói đường Nhật Tảo thời Pháp thuộc có tên là đường Fournier (Henri Fournier, chủ tỉnh Hà Tiên giai đoạn 1912). Trên đường Nhật Tảo thì có một ngôi nhà rất nổi tiếng đó là nhà Bà Bảy Tiếu, ngôi nhà dành cho quý thầy thường ở trọ thời đi dạy Trung Học ở Hà Tiên trong những năm 1960-1970: thầy Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hồng Ẩn, Huỳnh Văn Hòa, Nguyễn Phúc Hậu,…Gần đầu đường phía Trần Hầu thì có nhà bạn Hà Quốc Hưng, nhà của Tòng cũng trên con đường nầy (Hưng và Tòng là anh em cô cậu ruột…)

Góc đường Nhật Tảo – Lam Sơn Hà Tiên. (Hình: TVM 2012)

Khúc đường Nhật Tảo Hà Tiên góc có chùa Ông Bổn, phía dưới hình là đường Lam Sơn, phía xa là đường Chi Lăng. (Photo: AdriaanCastermans)

Đường Nhật Tảo Hà Tiên, giữa đường Lam Sơn và Chi Lăng. (Hình: TVM 2012)

Có tài liệu nói đường Nguyễn Thần Hiến thời Pháp thuộc có tên là đường Labellivière (Marie-Pierre-Camille Labellivière, thanh tra tỉnh Hà Tiên thời 1867). Trên đường Nguyễn Thần Hiến có nhà các chị Huỳnh Ánh Tuyết, Phan Thu Hường, cô Ngọc Lan, cô Sồ…v..v…Khoảng giữa hai con đường Lam Sơn và Chi Lăng thì có nhà của bạn Hoàng Đức Trung, Hoàng Thu Bình, Hoàng Thị Minh Liên, Trần văn Hữu (Mạnh). Con đường Nguyễn Thần Hiến rất êm đềm và bình lặng, ngày xưa mình rất thích đi bộ qua con đường nầy. Ngoài ra còn có nhà của Phan Kim Chi và Phan Kim Quang, ngày xưa mỗi khi đến ngày cúng sao thường gặp Kim Chi trên chùa Phật Đường, lúc đó còn nhỏ Bà Ngoại mình thường dắt lên chùa Phật Đường cúng sao và chờ khi cúng xong được ăn chè, Kim Chi cũng theo ông bà đi chùa.

Góc đường Nguyễn Thần Hiến – Chi Lăng Hà Tiên. (Hình: Nguyễn Như Thạch)

Góc đường Nguyễn Thần Hiến Hà Tiên. (Hình: Nguyễn Như Thạch)

Đến đây cũng gần như chấm dứt nhắc lại chuyện xưa về đường phố Hà Tiên, những con đường mà ngày xưa mình đã đi qua rất nhiều, khi thì để đến nhà các bạn thân để chờ rủ nhau đi chơi, khi thì để nhìn thoáng qua một hình bóng nào đó ẩn hiện trong nhà…Ngoài ra còn một con đường đất nhỏ lúc đó hình như chưa có tên nay có tên là đường Phạm Văn Ký (không biết tên đường đặt ra từ thời nào, đường nầy thẳng góc với đường Lam Sơn về phía trên), con đường nầy mình cũng thường đi vào những buổi chiều khi cơm nước xong, đó là đi để đến nhà bạn Lê Phước Dương và Lê Phước Hải. Ngày xưa căn nhà nhỏ của Hải và Dương gọn gàng xinh xắn (bây giờ thì đã cất phát triển thêm rộng lớn) chỉ có ba mẹ con ở, những lúc mình đến chơi mẹ của Dương và Hải tiếp đón tận tình rất tử tế, trong nhà có chiếc bàn học cạnh cửa sổ và cũng như thường lệ thời đó, có một cây đàn guitare để đàn hát cho vui…Ngày nay nghĩ lại bạn Phước Hải đã lâm vào cơn bệnh tai biến, ăn nói hành động khó khăn, mình rất buồn và cảm thương cho số phận của một người bạn chẳng những học cùng trường trung học Hà Tiên mà còn là người bạn văn nghệ từng cùng nhau đi trình diển rất nhiều nơi tại Hà Tiên. Lê Phước Dương là một thành phần trong nhóm có tên « Gói Pall Mall chịu » vì nhóm nầy của mình ngày xưa thường hút thuốc Pall Mall nhưng hay mua chịu!!!. Vài hàng viết xong xin kết thúc phần tưởng nhớ những con đường xưa của Hà Tiên, xin mời các bạn đọc qua và góp ý thêm nhất là xin nhắc lại nhà của từng bạn trên con đường nào để mình bổ sung vào bài viết cho đầy đủ nhé, xin cám ơn tất cả.

Bảng so sánh tên đường phố Hà Tiên xưa và nay.

    • Rue de l’Hôpital                                           = Đường Tham Tướng Sanh
    • Rue de Kampot                                             = Đường Phương Thành
    • Rue de l’Inspection                                     = Đường Mạc Công Du
    • Rue de la Poste                                             = Đường Tô Châu
    • Rue des Cocotiers                                        = Đường Bạch Đằng
    • Rue de Mui Nai                                             = Đường Chi Lăng
    • Rue de l’Ecole                                               = Đường Đống Đa
    • Boulevard de Phao Dai                              = Đường Mạc Thiên Tích
    • Quai Doceul                                                   = Bến Trần Hầu
    • Rue de l’Appontement  (Avenue Foch)  = Đường Mạc Tử Hoàng
    • Rue de Labellivière                                     = Đường Nguyễn Thần Hiến
    • Rue de Fournier                                           = Đường Nhật Tảo         

Paris, những ngày cận tết Mậu Tuất 11/02/2018 Trần Văn Mãnh viết theo tài liệu của Nhà nghiên cứu Hà Tiên Thầy Trương Minh Đạt. (xin mời thầy cô và các bạn tìm đọc quyển sách « Nghiên Cứu Hà Tiên tập 2 » của thầy Trương Minh Đạt sẽ biết rỏ nhiều chi tiết hơn về những con đường của phố Hà Tiên)

Bổ túc: sau khi đọc bài anh Trần Văn Dõng có góp ý thêm về hai con đường nhỏ không có tên nhưng rất quen thuộc đối với những người Hà Tiên xưa:

Hai con đường không tên, cùng thẳng góc với đường Bạch Đằng và Tô Châu.

Sẳn bài của Trần Văn Mãnh viết về các con đường ở Hà Tiên xưa, mình xin góp vài phụ lục « ngoài lề » cho vui. Nói là phụ vì đây không phải công trình nghiên cứu, sưu tầm gì cả mà chỉ là nhận xét của một người con đất Hà sống ở thời đó. Chuyện là như vầy: Ở Hà Tiên thời đó có hai con đường ngắn nhất, cả hai đều không (chưa) có tên và trên hai con đường nầy tuyệt không có ngôi nhà dân cư nào cả. Các bạn có biết hai đường nầy không?
1/ Đường thứ nhứt là con đường từ Chi Thú Y ngày trước đâm thẳng ra Chi Bưu Điện, giới hạn giữa đường Bạch Đằng và đường Tô Châu. Hồi đó đường nầy chỉ là đường rải đá. Một bên là bên hông khu vườn nhà ông Ký Cuội, còn bên kia là khu đất trống trải, không có nhà, chỉ có vài cây dừa, một cây sứ cổ thụ và một sân bóng chuyền dã chiến của các anh hùng, hảo hán cầu thủ thuở đó của đất Hà Tiên (đội bóng nầy do đó được đặt tên là đội cây Sứ (hay bông Sứ). Theo trí nhớ của mình thì gồm các nhân vật sau (bây giờ chắc nhiều người đã vắng bóng): các Ông Năm Nghép, Sáu Lỹ, Tư Chuộn (cà phê Dũ Long), Ông NHUM (đồi mồi Lâm Văn Cao), Lê Minh (đồi mồi), hia Phón, anh Bún (con ông Tư Hiếm), Ông Bảy Kính, ông Đức Quang chụp hình, thỉnh thoảng có Ông Sáu Quang (ba của Trần Văn Hữu), Ông Âu Tư (bánh Kẹo), Vạn Ích Đường (thuốc bắc), anh Lô Sến, có lúc có Ông Điệp (ba Kim Hoàn cũng vô chơi)…Còn vài ông nữa nhưng mình quên tên rồi.
2/ Con đường thứ hai cũng là đường đất đá, không tráng nhựa, cũng giới hạn bởi đường Bạch Đằng và đường Tô Châu, nhưng chạy sát trước cửa đình Thần Thành Hoàng. Đường nầy chỉ duy nhất có ngôi đình một bên, còn bên kia là hông nhà ông Bái (ba của Tạ Em Sợi), xong tới khoảng trống trước cửa đình, xong tới hông dãy nhà kho 3 căn (của gia đình Ông Thái Dũ hay ai đó).
Hai con đường nầy ngày xưa chắc được xem là hẻm, vả lại không có nhà dân, nên chưa cần đặt tên, chưa kể nó quá ngắn. Luu ý thời đó chưa có mạng Internet nên nhà cửa cần có địa chỉ rỏ ràng để nhận thư từ gởi qua Bưu Điện.
Còn một vài điều thú vị về đường phố Hà Tiên xưa lúc nào vui mình kể tiếp.

                                                  (Trần Văn Dõng)

DinhThanThanhHoang_HaTien_TrungLyHuu_2018

Con đường trước đình Thần Thành Hoàng ngày nay đã được tráng xi măng. (Hinh: Trung Lý Hữu 2018)

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết. (TVM)

4 réflexions au sujet de « Những « Con đường xưa ta đi » của Hà Tiên »

  1. Cám ơn Mãnh đã cho chị thăm lại những con đường quen thuộc của HT khi xưa, riêng đường Mạc Cửu gằn liền với nhiều kỷ niệm thân thương của chị. Những năm 1970-1974 chị sống ở số 4 cùng với gia đình cậu mợ (ba mẹ vủa Kelly Phạm) thật vui vẻ, ngôi nhà nầy ngang cửa với nhà của Lý Tòng Hiếu. Giờ cậu mợ không còn nữa nhưng nói đến đường Mạc Cửu là chị ngậm ngùi nhớ một thời sống vui vẻ với gia đình cậu mợ.

    Aimé par 1 personne

  2. Chào mấy Bạn Trung Học Hà Tiên .
    Tôi , thật vui mừng khi ghé qua trang nhà này . Quá nhiều kỷ niệm khi tôi ( lính VNCH) đổi về Quận Hà Tiên ( thời Quận Trưởng – Thiếu Tá Trương Phước Hiệp) , Sau , quận trưởng mới là Thiếu Tá Cao Ngọc Vân … tôi thuyên chuyển về Châu Đốc .
    Thời gian ở đây , tôi tạm trú tại Thành 18 ( gần chi khu quận và đường ra ngã 3 biên giới).
    Cũng thời gian thầy Nguyễn Sĩ Nén ( hiệu trưởng) , tôi có quen với Giáo Sư Lý Hóa ( tên là Hồ – quên họ) .Ông này cũng đi Thủ Đức học quân sự , sau trở về dạy lại trường Hà Tiên .
    Tôi , hiện nay cũng gần 80 tuổi ; có thể lớn hơn Bạn Mãnh … coi nhau như Anh già , Em trẻ nha .
    Tạm dừng bút . Cho tôi gửi thăm gia đình của Bạn Mãnh & tất cả mấy Bạn trong nhóm thành lập « đáng quý » này , luôn vui khỏe + như ý .
    ( Tôi : Trương Đình Liêm – ờ Hà Tiên từ 71 , đầu năm 73 , đổi đi nơi khác … lính mà lị !!!)

    J’aime

    • Hello anh Trương Đình Liêm, cám ơn anh rất nhiều, đã ghé thăm trang của chúng ta và viết lời chia sẻ. Mình từ năm 1970-1971 thì đi học Đệ Nhất trường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, sau đó thì lên Cần Thơ học Đại Học Sư Phạm rồi. Trong lời viết của anh, có nhắc đến thầy Nguyễn Văn Nén và thầy Nguyễn Long Hồ. Vậy mời anh đọc bài về thành 18 sẽ thấy vài kỷ niệm mà mình có kể ra chắc anh sẽ nhớ lại thêm nhiều kỷ niệm. Nếu anh còn giữ một vài hình xưa về Hà Tiên, hay còn tuyệt vời hơn nữa là nếu anh có hình thành 18 thì rất là quý, xin anh chia sẻ cho mình nhé, cám ơn và thân chúc anh vui khỏe. Trần Văn mãnh.

      J’aime

Laisser un commentaire