Thầy Trương Minh Hiển

Thầy Cô và các bạn thân mến, một trong những vị giáo sư Trường Trung Học Hà Tiên xưa gắn bó với quê hương Hà Tiên chúng ta nhiều phải nói đến là Thầy Trương Minh Hiển….Thầy Hiển là người quê quán tại Hà Tiên, nhà thầy có hai mặt, một mặt nhìn ra đường Tham Tướng Sanh (ngó qua bên vườn nhà bạn Tăng Kim Sơn), mặt kia nhìn ra đường Bạch Đằng (ngó sang vườn nhà Ông Ký Cụi, Ông Ký Cụi có hai nhà một trên đường Chi Lăng và một trên đường Bạch Đằng..). Thầy Hiển là vai anh trong một cặp anh em sinh đôi, em sinh đôi của thầy là Thầy Trương Minh Đạt hiện nay là một nhà « Hà Tiên Học » rất nỗi tiếng..Trong thời gian học với thầy, mình thường đến nhà thầy chơi và đã từng có dịp nắm tay nói chuyện với thân mẫu của thầy, lúc đó gọi là Bà Chín, vả lại Bà cũng là người quen biết với Bà ngoại của mình.

Thầy Trương Minh Hiển bắt đầu dạy Trường Trung Học Hà Tiên vào khoảng những năm đầu của thập niên 60-70, thầy dạy môn Văn. Thầy giảng rất hay và lưu loát những đoạn thơ văn trích trong tập « Đoạn Trường Tân Thanh (truyện Kiều của Nguyễn Du), Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, và năm lớp Đệ Nhị về các nhà thơ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Mình còn nhớ thầy đọc và giảng bài « Thề Non Nước » của Tản Đà rất hay,…(Nước Non nặng một lời thề, Nước đi đi mãi không về cùng Non…). Có một lần, trong lúc giảng bài thầy thường hay quấn thuốc để hút và khi tới giờ nghỉ thầy ra ngoài lớp xả hơi, thầy để nguyên gói thuốc và tập giấy quyến trên bàn, mình lén lên bàn lấy một tờ giấy quyến mỏng ra và cho một nhúm thuốc lá vào và đang loay hoay quấn một cách vụng về thì nghe có tiếng nói sau lưng…: »Để thầy quấn cho,… »…Té ra là thầy đến sau lưng mà không hay và thầy cũng không trừng phạt về tội lấy trộm thuốc của thầy,….hú hồn…

Thầy Trương Minh Hiển rất gần gũi với học trò, thầy thường tổ chức những cuộc đi du ngoạn danh lam thắng cảnh Hà Tiên với học trò,..Mình còn nhớ có lần thầy tổ chức đi Hòn Phụ Tử với lớp của mình, vì lý do an toàn thầy dặn mỗi em học trò trai phải chở bằng xe Honda một em học trò gái,…mình rất hên là được phân công chở bạn Mai Thị Ngọc Minh,…suốt trên hai lượt đường đi về từ Hà Tiên – Hòn Phụ Tử, được diễm phúc chở một người bạn gái mệnh danh là hoa hậu của trường lớp, mình tự hỏi ai mà không xao động nhỉ….?…

Ngoài ra trong thời gian làm nhà giáo thầy Trương Minh Hiển cũng có một lần ra ứng cử vào bậc Hội Đồng Tỉnh Kiên Giang, lấy khẩu hiệu là « Người bán phổi không bán lương tâm ». Nhóm học trò mình hết lòng ủng hộ thầy trong thời gian tranh cử: Trần Tiên, Trương Thái Minh, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Văn Tài,…cả nhóm đi theo thầy dán bích chương, tham dự buổi nói chuyện với đồng bào Hà Tiên,…Cuối cùng vì không có bè phái và vì quá lương thiện chân thật, thầy đành phải chịu thua cử, vì các ứng cử viên đối lập với thầy đều là người của chính quyền quận nên họ dễ dàng thắng cử.

Trong những năm dạy học ở Hà Tiên, thầy Hiển cùng với thầy Đạt có lập ra một quán cà phê nghe nhạc rất là hay và rất là nổi tiếng, quán lập ra ngay tại nhà thầy và lấy tên hiệu là « Ti La », hỏi vì sau đặt tên là « Ti La » thì thầy có giãi thích là đó là một từ trong hai câu thơ của tập thơ « Bích Câu Kỳ Ngộ »: « Nhà Lan sum họp bạn mai, Đã trong tần tảo lại ngoài TI LA »…(có ý nói bên trong nhà thì quán xuyến công việc nhà tươm tất, bên ngoài thì giao thiệp tiếp đải bạn bè chu đáo cả,…)..Quán của Thầy được học sinh và dân Hà Tiên ủng hộ rất đông, mỗi đêm về giai nhân tài tử đều đến quán thầy để thưởng thức cà phê và nghe nhạc, có thể nói quán Ti La của thầy là một nơi đào luyện cho giới học trò Hà Tiên một kiến thức về nền nhạc tình cảm lãng mạn của thời đó vì có Thầy Đạt và phu nhân là Cô Liên chọn nhạc rất đặc sắc.

Khoảng sau những năm giữa của thập niên 70, thầy Trương Minh Hiển rời Hà Tiên chuyển về Mỹ Tho là nơi quê quán của phu nhân của thầy, và thầy tiếp tục ngành giáo tại trường Nguyễn Đinh Chiểu. Nhớ có một lần sau năm 1975, nhân một dịp đi công việc ở Sài Gòn, trên chuyến về Sài Gòn – Long Xuyên, mình có ghé lại Mỹ Tho để tìm thăm thầy, may mắn là mình đến ngay trường học và đã gặp được thầy, thầy mời mình về nhà thầy, và mình cũng có dịp được gặp được Cô và thân mẫu của Cô. Nhân chuyến nầy mình nghỉ lại tại nhà thầy vài hôm, mỗi tối thầy trò đi uống cà phê nghe nhạc và bàn chuyện tâm tình.

Mãi đến sau nầy những năm gần đây, thầy chuyển về Sài Gòn để hoạt động văn hóa, viết sách, dịch thuật và làm việc tại trường Đại Học Hồng Bàng…

Thầy Trương Minh Hiển mất lúc 11 giờ 30 trưa ngày 8/8/2005, nhằm ngày 4 tháng 7 năm Ất Dậu , chôn cất tại nghĩa trang họ tộc, trên đất nhà ở xã Thuận Yên, Hà Tiên.

Một số tác phẩm của thầy đã xuất bản:

  • Hoa Cẩm Chướng xưa (chuyện dịch 1987)
  • Người tình của CHATTERLEY phu nhân (chuyện dịch 1988)
  • Tình ca ác quỷ (chuyện dịch 1989)
  • Thành phố bị chôn vùi 15 thế kỷ (Chuyện Bà Chúa Xứ-An Giang, tiểu thuyết dã sử 1990)

TH_HaTien_1968Thầy Trương Minh Hiển đứng thứ tư từ trái đếm qua phải.

HaTien_MuiNai_a Thầy Trương Minh Hiển ở hàng trên, bìa trái, đội nón trắng và mang kính đen.

TVM_Cafe_TiLaThầy Trương Minh Hiển đang mở đầu buổi tiệc cuối năm với học trò tại quán nhà.

Thầy Trương Minh Hiển chụp hình với học trò: Bùi Văn Tư (trên trái), Nguyễn Đình Nguyên (trên phải).

Thầy Trương Minh Hiển chụp hình với học trò Phan Văn Hộ (trái). Thiệp của quán Ti La (phải).

TruongMinhHien_BieuSach1Thủ bút của Thầy Trương Minh Hiển viết trên bìa sách « Thành phố bị chôn vùi 15 thế kỷ » (tiểu thuyết dã sử của Thầy) tặng cho Trần Văn Mãnh

TruongMinhHien_BieuSach2Thủ bút của Thầy Trương Minh Hiển viết trên bìa sách « Bội Lan Hành » (tập thơ của thi sĩ Đông Hồ) tặng cho Trần Văn Mãnh

Chân dung rất trẻ và đẹp của Thầy Trương Minh Hiển  ngày nhập ngũ quân đội.

Thầy Trương Minh Hiển lúc còn trẻ với các vị bà con anh chị em

Thầy Trương Minh Hiển và con gái Trương Mộng Uyên (Thuận Yên, Hà Tiên 1994)

Thầy Trương Minh Hiển, hình chụp tại Hà Tiên 1997

Hình ảnh: Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Văn Mãnh, Trần Văn Dõng, Nguyễn Bích Thủy, Nguyễn Đình Nguyên, Trương Mộng Uyên.

7 réflexions au sujet de « Thầy Trương Minh Hiển »

  1. Trường Trung học Hà Tiên của chúng ta có lịch sử khá hay và đẹp. Trường được thành lập vào sau năm 1954, lúc đó còn mượn tạm cơ sở của trường tiểu học (Trường Nam), một trong những người Thầy đầu tiên là thầy Trương Minh Đạt (em song sinh của thầy Trương Minh Hiển), lớp học trò đầu tiên có Trần Phình Chu, Lâm Thị Ánh Tuyết (Cả hai người này sau đều tham gia nghề giáo). Đặc biệt có nhà văn Doãn Quốc Sĩ từng làm hiệu trưởng của trường (Doãn Quốc Sĩ có xuất bản cuốn « Vào Thiền » rất hay). Tôi sẽ cố gắng sưu tầm về lịch sử của Trường để chúng ta cùng tham khảo
    Trương Thanh Hùng.

    Aimé par 1 personne

  2. Ping : Đóng góp của bạn Trương Thanh Hùng | Trung Học Hà Tiên Xưa

  3. Ping : Blog «Trung Học Hà Tiên Xưa» với vài con số tổng kết năm 2018 | Trung Học Hà Tiên Xưa

Laisser un commentaire