Lầu Ba (Quang Nguyên)

Lầu Ba (Quang Nguyên)

Cho dù bạn là ai, hiện làm gì, sống ở đâu, và vì lý do gì đó khiến các bạn phải lưu lạc phương xa sống rải rác trên khắp hành tinh màu xanh này; miễn bạn vẫn còn được giữ chặt trên mặt đất bởi trọng lực và là người Hà Tiên, hơn nữa là bạn đã từng bước vào Trung Học Hà Tiên, thì bạn không thể nói rằng bạn không biết “Lầu Ba”.

Xin mạn phép gọi quý độc giả của Blog Trung Học Hà Tiên Xưa là bạn để gần gũi hơn, cho dù “bạn” có thể cao tuổi như… Cha tôi!

Nhân đọc một bài viết rất hay và mới mẻ (đối với tôi, cũng có thể với một số bạn…) của nhà nghiên cứu, nhà giáo, hiệu trưởng, một ít chất của “nhà chính trị” xứ Hà Tiên: Giá Khê – Trương Thanh Hùng, tôi đã không thể ngưng được hồi tưởng về tuổi thơ của mình về cái lầu ba tầng với hai tầng phòng và cái chóp không nhọn lắm, nằm sừng sững uy nghiêm trên một ngọn đồi không cao lắm ở hướng Đông Bắc của Hà Tiên. Cũng phải nhắc lại cho thật tròn trịa cái lý do có bài viết này vì trước đó Blogger “Trung Học Hà Tiên Xưa” – Mr. Trần Văn Mãnh đã sưu tầm được một bức không ảnh rất quý, rất cận cảnh về vị trí của Lầu Ba, khiến ta không thể không tò mò truy tìm những dấu vết quen thuộc của năm tháng cũ mà ngôi trường của chúng ta đã được đặt để vào quần thể đó…

Đồi Ngũ Hổ với Lầu Ba ở giữa hình, bên trái Lầu Ba là dảy Phòng Thí Nghiệm, phía dưới Lầu Ba là dảy nhà thiếc: căn cứ Duyên Đoàn 44 Hãi Quân thời 1970, bên phải dảy nhà thiếc là sân vận động cũ của Hà Tiên. Phía dưới hình là một phần của Đông Hồ. Hình do sĩ quan người Mỹ Rich Krebs chụp khoảng 1966-1970*

Tôi vào trường năm 1976, lớp của tôi là 6C (trước là 6P2), phòng học là dãy nhà tôn màu sáng cạnh kế ao xà lách mà nhìn vào ảnh trên thấy rất rõ… Cứ mỗi buổi ra chơi tôi thường nhìn về phía Lầu Ba để ngắm hoài cái cây cổ thụ kỳ lạ nằm bên trái trên đồi Ngũ Hổ. Dám chắc với các bạn rằng, các bạn cũng giống như tôi, bởi các bạn không phải là người bản địa của Châu Phi thì cái cảm giác ngạc nhiên và tò mò về cái cây gì thật lạ kỳ đó của chúng ta là “đồng điệu”…

Đem cái thắc mắc đó về hỏi cha tôi, ông bảo rằng đó là cây “bao báp”, cây có dáng lạ lùng, gốc rất to mà tán thấp, vào mùa ra hoa rồi kết quả thì cây đầy những quả bao báp lủng lẳng đòng đưa theo gió, những quả lạ đó khiến trí tưởng tượng non nớt của tôi cứ mường tượng đó là những trái nhân sâm ngàn năm mà Trư Bát Giới “nuốt trọng” để tranh ăn với Tề Thiên… Cái ý nghĩ lạ lùng đó cứ nằm yên trong ký ức tôi đến mấy chục năm sau, như hôm nay khi nhớ về bao báp này thì “cái thằng tôi lại cứ ấu trĩ ấy” muốn dí vào trong tay Bát Giới ngàn quả lủng lẳng kia để lão Trư thỏa mãn thực dục của mình.

Đồi Ngũ Hổ hiện nay (2017) Khoảng đất phía sau Lầu Ba trên đồi Ngũ Hổ (Hà Tiên) , du khách được tự do đến viếng đền thờ Ngũ Hổ và ngắm cây cổ thụ Bao Báp (Baobab Africain). Hình: Trương Thanh Hùng

Một cây bao báp (BaoBab Africain) thật sự nguồn gốc ở Phi Châu

Phía sau ngọn đồi có cái Lầu Ba ấy là một cái sân vận động kiêm sân đáp trực thăng, đó là những khi nghe tiếng phạch phạch mồn một trên đầu, tưởng như có được làn gió từ cánh quạt của nó, thì mấy đứa học trò chúng tôi phóng qua cửa sổ cho dù đang tiết học, bỏ mặc ông thầy ngơ ngác, rồi đám con nít đó cố chạy thục mạng vòng qua xóm nhà dân để xem…trực thăng đáp.

Phía sau Lầu Ba đó còn là những buổi chiều bọn trẻ chúng tôi đi xem đội bóng Hà Tiên đá giao hữu, có hai anh Tiến và Tới là con bác Tư Thiên hớt tóc mà chúng tôi rất thích xem các anh đá bóng, nhất là anh Tới với mớ tóc dài nghệ sỹ, cặp “đùi ếch” căng phồng những múi, bước chạy chắc nịch mà sau này tôi thấy Roberto Carlos có hình bóng của anh (?), chỉ khác cái trên đầu!

Trần Quyết Tới (con của Chú Tư Thiên tiệm hớt tóc Tư Thiên Hà Tiên), hình chụp năm 1981 trên Đồi Ngũ Hổ, phía sau Lầu Ba, sau lưng là cây cổ thụ Bao Báp (BaoBab Africain). Hình: Trần Quyết Tới

… Vào một ngày (…) năm 1976 (?) vào mùa vú sữa lối khoảng tháng 2-3 âm lịch, tôi còn nhớ là buổi sáng gần trưa, thị trấn Hà Tiên bình yên của chúng ta đang êm ả, bỗng chốc có hàng ngàn tiếng đạn nổ ầm ầm, nhà cửa rung chuyển… Cũng như mọi khi còn chiến tranh, chúng tôi vội chạy xuống hầm tránh pháo, tiếng nổ lạ lắm không như đạn pháo kích, không nghe tiếng khởi đầu và không nghe tiếng đạn rít, chỉ nghe nổ và nổ… Tiếng nọ trùm tiếng kia, nhà cửa rung rinh, các cánh cửa kính vở loảng xoảng, liên tục có những tiếng nổ chồng lấn rất gần và chỉ về một hướng, tôi chưa bao giờ nghe đạn pháo nổ như thế từ trước đây (và cả đến giờ), bởi nếu pháo kích thì sẽ có âm thanh ghê rợn rít lên từ nhỏ dần đến rất to, rất đặc trưng của tiếng đầu đại bác xé gió rồi sau đó là tiếng nổ, và đạn pháo thì rớt khắp nơi chứ không gom về một chỗ… Thật lạ!

Tan trận phải đến vài giờ sau, tôi không thấy có gì lạ sau khi chui ra khỏi “tăng-xê” ngoài việc ông Phật trên bàn thờ nhảy xuống tan nát cùng ly tách và chân đèn lư hương chỏng gọng, toàn bộ cửa kính trong nhà cũng vỡ tan nát, ngoài sân vú sữa chín cây sợ tiếng nổ chấn động bèn rơi rải tím cả chiều hoang (!), ngoài đường sau nhà tôi mọi người nhớn nháo nhìn một cột khói đen bựng đang dựng lên từ hướng Đông Hồ.

Ai đó nói rằng nổ kho đạn trong căn cứ Hải Quân.

Ừ thì nổ kho đạn có chi liên quan đến cái Lầu Ba mà ta đang nói? Thế nhưng thật sự nó liên quan rất nhiều, cái kho đạn thổi bay cái chóp nhọn của Lầu Ba, khiến từ dưới chân đồi nhìn lên ta tưởng như nó vừa dính một trận bom, dãy phòng thì nghiệm của ngôi trường chúng ta toàn bộ cửa kính vỡ nát, mái được lợp bằng Fibro cement hay bằng ngói cement chi đó đã bị các cơn chấn động mà rơi vãi tan hoang, các dãy lớp học xa hơn về phía chợ Hà Tiên cũng bị hoang tàn không kém…

Thế là học sinh chúng tôi được nghỉ học để cùng các thầy cô sửa chữa lại lớp học của mình, và trong quá trình sửa chữa đó đã có tai nạn xảy ra cho một anh học lớp lớn chắc 11 hay 12 chi đó, đó là anh Minh Hỷ (mà hình như anh tên là Lạc, Minh Hỷ là pháp danh mà ngày xưa anh phụ trách thiếu nhi Gia Đình Phật Tử trong chùa Tam Bảo cùng với thầy Lâm Văn Núi – là thầy của tôi…). Anh bị trượt ngã từ mái nhà của phòng thí nghiệm, anh bị thương cũng khá nặng, ngoài việc làm anh chấn thương bầm dập thì cái kho đạn kia cũng lấy đi của anh mất “hàng tiền đạo”, nghe đâu anh bị gảy một lượt mấy cây răng… Vậy mà mấy hôm sau, trên gương mặt xanh xao đầy thương tích ấy nụ cười vẫn rạng ngời như chữ “Lạc” trong tên anh. Giờ có lẽ anh đang lạc nơi miền cực lạc, bởi người tốt như anh không có chỗ khác để đi ngoài chỗ đó, dù anh Lạc có lạc nơi đâu chốn đó, nơi đây lứa bạn bè chúng tôi quyết không lạc anh.

Rồi thì bộ đội cũng quyết định sửa chữa Lầu Ba trở thành «lầu hai», một thời gian rất dài tôi lạ lẫm vì hình ảnh đó, cái nóc không nhọn lắm kia nhờ nằm giữa ngọn đồi mà ngạo nghễ vươn thẳng lên trời nay đã không còn nữa, mà thay vào đó là một dinh thự hai tầng nóc bằng khiến nó đã khác lạ lắm, chỉ có cây bao báp vẫn y nguyên, vẫn đứng đó để đong đưa trong gió những quả nhân sâm ngàn năm của tôi chờ lão Trư tham ăn đến ngốn lấy!

Sau này nữa và thực sự là tôi không nhớ chính xác khi nào, bộ đội thêm một lần sửa chữa nữa thì Lầu Ba chỉ còn một, tôi không còn lạ lẫm nữa vì cho dù cái lầu đó nó không còn thì trong ký ức của tôi vẫn là một tòa dinh thự hai tầng phòng và một tầng nóc, hiện giờ cái mà tôi lạ lẫm là sau bao nhiêu năm tháng trôi đi, bao biến cố xảy ra mà cây bao báp vẫn không già hơn mấy, giờ nó vẫn như thế trong khi tôi và các bạn đã qua trung niên… Cũng có khi chúng ta luân hồi hai ba kiếp thì nó vẫn còn đứng đó trên một ngọn đồi đã không còn cái lầu nào mà vẫn được đời sau trìu mến gọi “Lầu Ba” cho dù chẳng mấy ai biết tên đó có tự bao giờ…

Miễn sao ngọn đồi Ngũ Hổ nho nhỏ xinh xắn kia không bị đời sau san bằng, để lấy đất san lắp mặt bằng và lấy mặt bằng cắt bán nền nhà, thì Lầu Ba vẫn còn mãi trong tâm trí của người Hà Tiên.

Quang Nguyên

12/2017

 

 

 

Hình ảnh: Trương Thanh Hùng, Trần Quyết Tới, Trương Minh Quang Nguyên.

Chú thích:

* http://www.tf116.org/vgallery7.html#Krebs

* https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/page8

 

 

 

Laisser un commentaire