Chỉ vì những giọt mưa thôi mà…(Hà Hưng Quốc)

Thầy Cô và các bạn thân mến, hôm nay xin giới thiệu một người bạn học cùng Trường Trung Học Hà Tiên Xưa, không ai xa lạ, đó chính là bạn Hà Quốc Hưng (hiện tại Hà Hưng Quốc). Bạn Hưng là một người bạn khá thân với mình, học sau mình hai lớp, cùng lớp với Lê Phước Dương, Trang Việt Thánh, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Điệp, Phạm Thị Kim Loan, Trần Thị Như Liên, Trần Thị Yến Vân, Dương Hồng Minh,….Nhà bạn Hưng ở đường Nhật Tảo, Ba Hưng làm việc trong ngành y tế tại Hà Tiên…Hưng rất lãng mạn, đọc sách nhiều và rất hợp ý với mình về nhiều phương diện: triết lý, âm nhạc, thơ văn, bàn chuyện về con gái,…v..v….Nhiều khi mình và Hưng lại có chung một đối tượng nữ,…nhưng không phải là tình địch,….rất hiểu nhau và rất rộng lượng theo kiểu anh hùng « rơm » nam giới,..Thà hy sinh một người con gái còn hơn mất một người bạn thân….Theo lời Hưng kể thì Hưng học lớp « chót » (lớp 5 ngày xưa, lớp 1 bây giờ) ở Hà Tiên với Thầy La Từ Sự, sau đó chuyển về Cần Thơ, rồi chuyển về Rạch Giá học cho đến lớp Đệ Thất và sau cùng là trở về Trung Học Hà Tiên theo học lớp Đệ Lục cho đến hết các lớp bậc Trung Học…Như vậy là Hưng có đầy đủ tư liệu để xuất hiện trên trang Blog Trung Học Hà Tiên Xưa nầy và còn hơn nữa là Hưng đã đóng gớp rất nhiều bài vở rất hay và phong phú,…Bài số 3 dưới đây rất hay, (« Chỉ vì những giọt mưa thôi mà »…), bài kể lại một trong những chuyện tình thời học sinh, rất ngây thơ, rất đẹp, nhưng không kém phần lãng mạn trong đó,….Nếu Nguyễn Tất Nhiên đã viết « Thà như gịot mưa… » thì Hưng lại đổ lỗi cho những gịot mưa (« Chỉ vì những giọt mưa thôi mà »…).. không biết những giọt mưa làm điều gì đó mà Hưng lại viết như vậy, mời Thầy Cô và các bạn xem tất cả 3 mẫu chuyện dưới đây,…  (Trần Văn Mãnh)

1/ MAY LÀ CHƯA THÔI HỌC Ở NHÀ BÁN VÉ SỐ

Tôi chỉ học ở trường Tiểu Học Hà Tiên được có một năm thôi, là năm học lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ) do Thầy La Từ Sự dạy, sau đó thì chuyển về trường Tiểu Học tỉnh Cần Thơ. Một năm sau lại chuyển về trường Tiểu Học tỉnh Rạch Giá. Rồi vài năm sau lại chuyển từ Rạch Giá về trường Trung Học Hà Tiên vào đầu năm học Đệ Lục.

            Những năm Tiểu Học của tôi là một cơn ác mộng dài dằng dặc. Không, không phải là ác mộng của bản thân tôi mà là của ba má tôi, vì có một quí tử như tôi. Suốt những năm này thành tích của tôi có thể gom gọn trong năm chữ: học dốt và phá phách. Tôi chuyên môn đội sổ. Tôi lười học đến độ mỗi ngày cô giáo phụ trách lớp vừa bước vào cửa là đã hét lên « Hưng đâu, lên đây trả bài ». Thế là tôi bị bắt quỳ trên bục giảng cả tiếng đồng hồ. Cô giáo thừa biết là tôi khá thông minh nên nếu để cho tôi có đủ một chút thời gian thôi, thí dụ như đợi đến sau khi điểm danh cả lớp xong, thì tôi sẽ thuộc bài ngay tại lớp và như vậy thì cô giáo sẽ mất cơ hội hành hạ đứa học trò mà cô muốn cứu rỗi. Về tài phá phách thì tôi nổi tiếng khắp cả Vĩnh Thanh Vân. Nói tới Hưng xoáy ngựa là tụi bạn học ở Rạch Giá sẽ ớn lạnh ngay. Nhờ có khiếu đánh nhau mà tôi có không ít kẻ thù. Tụi nó thù tôi đến độ có lần cả bọn hè nhau đè tôi ra giữa sân trường rồi banh hai con mắt ốc bu của tôi ra phơi dưới trời nắng trưa để trừng phạt. May là chưa bị mặt trời làm cho mù. Tóm lại, tôi phá phách và đánh nhau gần như mỗi ngày và bị bắt ngồi ở bàn đầu mỗi tháng không sót tháng nào, từ năm này sang năm khác (lúc xưa đứa nào đội sổ thì bị bắt ngồi ở bàn đầu gần thầy). Cũng may là ba tôi rất coi trọng việc học của con cái cho nên vẫn kiên trì bắt tôi tới trường chứ không cho tôi thôi học . . . ở nhà bán vé số. Nhờ vậy mà tôi cứ khập khiển bò lên tới bậc trung học.

    Hà Quốc Hưng thời Trung Học Hà Tiên

Trong năm đầu của Trung Học, một sự kiện rất ấn tượng đã xảy ra và nhờ đó mà tôi đã trở nên gắn bó hơn với những con chữ. Vào một ngày đẹp trời, lúc đó đã vào khóa học được hai tháng hơn, tôi lon ton đi theo một đám bạn gái cùng lớp và đã bị cả đám con gái này rộ lên cười chọc quê sau khi chúng nó thúc cùi chỏ vào hông nhau và buông ra mấy lời xỏ xiên « con bò xoáy ngựa đi theo mình kìa tụi bây » cố ý cho tôi nghe. Đúng là đám con gái cà chớn. Mà con bò thì làm gì có xoáy ngựa? Có nói lộn không vậy? Nhưng ví mình là con bò thì thiệt là quá đáng. Lòng tự ái và tự trọng của một đấng nam nhi đại trượng phu bị xúc xiểm nặng. Thế là tôi bắt đầu hành trình luyện công để chứng minh cho mấy em gái thấy là Hưng xoáy ngựa này không phải là « con bò » như các em đã công khai mạ lỵ. Tôi cắm cúi học. Ngoài việc học ở trường, làm bài tập ở nhà, tôi còn đọc thêm sách, rất nhiều sách, sách tây sách ta ta lẫn sách tàu. Mới đầu tôi đọc sách trong thời gian nhàn rỗi để không nghĩ đến chuyện đi chơi. Một thời gian sau thì tôi đâm ra ghiền sách. Tôi mê đọc sách đến độ không có đủ tiền mua sách tôi phải đến những quầy bán báo và tiệm bán sách xếp dọn sách báo cho người ta để được đọc ké. Đọc ngày lẫn đêm. Đọc đến độ bị ba má tôi cằn nhằn vì thức quá khuya. Bị la thì bị la tôi vẫn cứ mài miệt đọc, vẫn là quá nửa đêm nhưng phải chui vào mền bật đèn pin để đọc. Kết quả là đến cuối khóa học thì tôi đoạt được phần thưởng giỏi nhất trường của sáu lớp đệ thất. Phần thưởng nhiều đến độ phải có tới hai chiếc xe xích lô để chở về nhà. Dĩ nhiên là tôi cũng trở nên ngoan hiền đột xuất. Như vậy, có thể nói mà không sợ lầm lẫn, là tôi đã được đám con gái « khai quang điểm nhãn » vào năm đầu của trung học và nhờ sự kiện đó mà tôi trở thành một đứa học trò không tệ. Dĩ nhiên là đám con gái đó sau này đều trở thành bạn thân và tôn tôi là nam thần của họ (chỉ là nói đùa cho vui thôi). Tôi chuyển về trường Trung Học Hà Tiên với hành trang rất hách đó.

2/ VỊ THẦY ĐẦU ĐỜI CỦA TÔI

Chuyển về học ở Hà Tiên người thầy mà tôi nghĩ đến đầu tiên và sợ gặp mặt nhất là Thầy La Từ Sự, ông thầy đầu đời của tôi, dầu rằng tôi đã vào lớp Đệ Lục. Thú thật là đến giờ tôi không còn nhớ nổi gương mặt của thầy. Nhưng tôi còn nhớ sự tận tụy và thương yêu của thầy đã dành cho tất cả học trò của mình. Tôi còn nhớ những lần hai bàn tay mình đỏ tấy lên vì bị thầy đánh bằng cây thước kẻ, tuy đau lắm nhưng vẫn thương thầy. Tôi còn nhớ những lần sau khi ăn thước no nê còn phải đứng bên thầy nài nỉ ỉ ôi xin thầy đừng mách với ba mẹ về việc sai quấy mình đã làm vì sợ sẽ bị ba mẹ đánh thêm, giận thầy ghê lúc đó nhưng mà vẫn thương thầy. Tôi còn nhớ những lần khệ nệ bưng chồng sách bài tập của học trò nộp lên để chấm điểm đi theo về nhà thầy để rồi nhận được mấy viên kẹo và cái xoa đầu khen thưởng làm tôi rất hãnh diện vì được thầy chọn làm chú tiểu theo hầu sư phụ ngày hôm đó. Tôi còn nhớ là mình cũng đã từng ngắm nhìn rất lâu mái tóc bạc mầu dường như đã mệt mỏi theo tháng năm làm nghề độ trẻ qua sông của thầy mà rưng rưng nước mắt. Lúc đó, với trái tim vô nhiễm của một đứa trẻ con, tôi thấy thương thầy của tôi vô hạn.

Nha_Thay_LaTuSuĐường Bạch Đằng (Hà Tiên), nhà Thầy La Từ Sự

Nhà_Thay_LaTuSu_aNhà Thầy La Từ Sự đường Bạch Đằng (Hà Tiên), cữa vào nhà có viền vòng cung màu nâu.

           Thương thầy thì có thương, nhưng phá phách thì vẫn phá phách. Nếu không phá phách thì không phải là Hưng xoáy ngựa. Có một hôm thầy bảo tôi bưng một chồng sách về nhà cho thầy. Khi đi ngang qua phòng khách nhà thầy, tôi nhìn thấy ở đó có một chậu cá cảnh. Chắc là thầy mới mua hoặc là ai đó mới cho. Tôi kết mấy con cá cảnh của thầy nên quyết định sẽ mượn vài con về nuôi. Tôi tức khắc lên kế hoạch vận chuyển chúng về nhà một cách an toàn mà quỷ sẽ không biết thần sẽ không hay. Thế rồi thừa lúc thầy bận rửa tay ở nhà sau, tôi nhanh nhẫu nói to « Thưa thầy con đi về » rồi te te ra ngoài phòng khách, không chờ nhận kẹo và được xoa đầu như mọi khi, thuận tay vớt luôn hai con cá lia thia bỏ vào miệng với một ngụm nước sau đó nhanh chóng lau hai tay vào chiếc quần cụt đen đang mặc để phi tang dấu tích phạm tội. Tưởng đâu mình là thiên tài kế hoạch và hành động nhưng không ngờ là thầy đã đánh hơi sự bất thường. « Con làm gì đó Hưng? » tiếng thầy hỏi ngay sát sau lưng làm tôi giật thót người. « Dạ con thấy cá đẹp nên đứng ngó thôi hỏng làm gì hết á, thưa thầy » tôi trả lời và quay lại nhìn thầy với nụ cười thật tươi, dĩ nhiên là nụ cười giả tạo. Thầy nói « được rồi, thầy cảm ơn con giúp thầy, thôi con về đi ». Tôi vòng tay nói « Thưa thầy con về » rồi dong thẳng một mạch. Thế là tôi thoát nạn. Hú hồn. Chỉ tội nghiệp hai con con cá vô tội bị chôn sống trong bao tử tôi một cách tức tưởi. Giờ nghĩ lại tôi dám chắc là thầy đã nhìn theo rồi mỉm cười độ lượng. Cảm ơn thầy. Con còn nợ thầy hai con cá lia thia.

Goi_Pall_MallTrên, trái qua phải: Trang Việt Thánh, Lê Phước Dương, Hoàng Thu Bình (ba bạn học chung lớp với Hà Quốc Hưng). Dưới, trái qua phải: Trần Văn Mãnh, Trần Tuấn Kiệt (Kiệt chung lớp với Hưng), Hoàng Đức Trung

3/ CHỈ VÌ NHỮNG GIỌT MƯA THÔI MÀ

Tất cả các bạn học của tôi ở trường Trung Học Hà Tiên đều là bạn thân thương nhưng trong số bạn nam cùng lớp thì tôi đi chơi nhiều hơn với Thánh, Dương, Kiệt. Còn trong số bạn nữ thì tôi đặc biệt gần gũi với NL. Anh Trần Anh Kiệt, người anh trai của NL, thì học chung với anh Trần Văn Dõng. Còn NL thì thường đi chơi chung với chị Điệp và chị Loan. Nhà của NL ở ngay ngã tư. Mẹ của NL là một thợ may áo dài khéo tay nên NL lúc nào cũng có những chiếc áo dài trắng rất đẹp. NL có một vóc dáng thanh thoát và mái tóc dài óng mượt xõa ngang lưng. Với những chiếc áo dài tha thướt hở eo của mẹ tự tay may cho, NL vốn đã đẹp càng thêm đẹp. Đặc biệt hơn hết là NL có giọng nói của con gái bắc thật dễ thương. Tóm lại là tôi có một người bạn nữ tuyệt vời, trên cả tuyệt vời. Nhưng chúng tôi chỉ là bạn. Cũng không hẳn đúng như vậy. Nó vượt xa hơn tình bạn bình thường. Cũng chẳng biết nó là cái quái gì. Chỉ biết là mỗi ngày không gặp mặt nhau thì thấy có cái gì đó thật trống vắng, thấy « nhớ người rưng rưng ».  Nhưng hai đứa không phải là tình nhân của nhau. Gặp nhau chỉ để nói chuyện tầm phào. Cả hai đứa hay nói với nhau « hai đứa mình là bạn thân của nhau há ». Ừ, thì là bạn thân của nhau có sao đâu.

NguyenHongAn_avecHocTroTrái qua phải: Nguyễn Thị Điệp, Kim Loan, Thầy Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Thị Như Liên

          Tôi và NL có một kỷ niệm khó quên. Vào một ngày của năm học lớp Đệ Tứ hai đứa rũ nhau bỏ học đi hoang. Đó là một ngày mưa. Mưa thật nhiều nhưng trời không lạnh. Hai đứa trùm chung một chiếc áo mưa rồi khoác vai nhau đi lang thang hết con đường này sang con đường khác. Vừa đi vừa nghêu ngao đọc thơ, lan man từ bài thơ của tác giả này tới bài thơ của tác giả khác. Có lúc hai đứa hợp ca tân nhạc. Có lúc rống lên ca vọng cổ. Có lúc bóng gió trêu nhau. Có lúc ăn chung một trái cóc ngâm cam thảo. Nói chung là hứng gì làm nấy. Rồi chuyện đáng nhớ xảy ra.

Lúc hai đứa đang đi trên con đường từ nhà anh Mạnh Thường hướng về phía bờ sông thì ba của tôi xuất hiện từ góc quán cô Năm Lèo và đang hướng tới phía chúng tôi. Ông đạp chiếc xe đòn dong cọc cạch trong mưa, người ướt sủng nước. Tôi cúi người xuống và kéo áo mưa che thấp hơn một chút với hy vọng là ông không nhìn ra hai đứa tôi. NL ôm ngang hông tôi rù rì bên lỗ tai « Bác Năm thấy thì chết ». Thiệt tình là tôi cũng hơi run và lo hai đứa sẽ bị tóm tại trận. Tôi cố ép NL đi sát vào lề đường để tránh chạm mặt với ba tôi. Nhưng điều bất ngờ là khi xe ba tôi vừa tới gần, cách chừng vài bước chân, thì NL lại thò đầu ra và hét lên « Bác Năm ơi tụi con nè ». Theo phản ứng tự nhiên, tôi xoay người một tay ôm eo NL kéo sát vào mình còn tay kia đưa lên bịt miệng. Nhưng đã trễ. Ba tôi đã thắng xe và đã nhìn thấy chúng tôi. Tệ hại hơn là chiếc áo mưa đã tuột xuống đất nên ông nhìn thấy hai đứa tôi vào khoảnh khắc đó y như là đang ôm nhau xà nẹo làm trò khỉ dưới mưa. Mưa rơi như trút nước. Chỉ một khoảnh khắc thôi là hai đứa đã ướt sủng. Một khoảnh khắc thôi mà dài như thiên thu. Tôi ước gì mình là gã Thổ Hành Tôn trong chuyện Phong Thần có phép chui xuống đất để trốn khỏi hiện trường. Còn NL thì lại cười ngặt ngẽo trong vòng tay tôi, coi chuyện đùa quá trớn này như pha. Từ phía lề bên kia đường ba tôi to tiếng hỏi « Hai đứa bây làm gì đấy? » Ổng hỏi vậy là có ý gì vậy trời? Tôi nghĩ thầm trong đầu. Rồi chợt nhớ ra là mình vẫn còn đang ôm eo NL, tôi hoảng hồn rụt tay lại dấu sau lưng mình, miệng lí nhí không ăn nhập đâu vào đâu, « Dạ chỉ vì những giọt mưa thôi mà ». Trời đất ngó xuống mà coi, tôi đã trút tội lên ông trời. Chắc chắn là ba tôi chẳng nghe được tôi đã nói cái gì. Thay vì đứng xê ra một chút thì NL lại vòng ra phía sau lưng tôi, hai tay ôm chặt lấy eo tôi, mặt kề vào lưng tôi, giống như là đang chơi cút bắt với ba tôi, rồi hét to như muốn át tiếng mưa « Bác Năm ơi, Hưng rủ con trốn học đi lang thang trong mưa để làm thơ đó ». Không biết ba tôi đã thấy gì qua đôi mắt của ông và nghĩ gì trong cái đầu của ông. Còn riêng tôi thì chỉ nghe ông gầm gừ « Đưa NL về nhà nó nhanh lên! » (nếu bạn chưa biết thì xin giới thiệu ba tôi là ông Năm Dần, còn có biệt danh là ông Năm Cọp, cho nên ổng thích gầm gừ). Ba ra lệnh xong là đạp chiếc xe cọc cạch đi thẳng một mạch chẳng thèm ngoái lại. Tôi đứng như trời trồng, lo rằng mình sẽ bị nện một trận nên thân khi về tới nhà, còn NL thì lui cui cuối xuống lượm áo mưa trùm lên hai đứa. Em còn cười rút rít nói nhỏ vào tai tôi chọc ghẹo « chỉ vì những giọt mưa thôi mà ». Nâng cái áo mưa cho cao hơn đầu một chút, tôi xoay người đối mặt với NL, định gây với ả về cái nết bốc đồng, nhưng đã kịp giữ lại lời nói. Bởi vì, bên trong chiếc áo mưa trùm lên hai đứa đứng thật gần nhau, tôi đã thấy đôi mắt tròn xoe của NL nhìn tôi, nghịch ngợm và . . . che dấu. Che dấu một cái gì đó, dường như là cảm xúc ngọt ngào. Một lúc lâu cả hai đứa đều im lặng nhìn nhau, thật sâu, sâu tới tận đáy hồn. Rồi từ từ tôi nghe rõ tiếng đập trong lồng ngực của em. Rồi từ từ tôi nghe tiếng thở dường như là đứt khoảng của em. Rồi từ từ tôi nhận ra vùng ngực no tròn của em đang phập phồng bên sau lớp vãi sủng nước. Đột nhiên tôi nhận ra là NL đã trưởng thành hơn tôi rất nhiều. Đột nhiên tôi nhận ra em quyến rũ hơn cả Ma Đăng Già. Đột nhiên tôi nhận ra mình run như tôn giả A Nan đứng trước ma nữ. Đột nhiên tôi nghe tim mình đâp loạn nhịp và tiếng thở của cũng đứt khoảng. Đột nhiên tôi lấy hết can đảm đặt cả hai bàn tay lên đôi vai nhỏ của em và bóp nhẹ. Đúng vậy, phải lấy hết can đảm, dầu rằng trước đây tôi đã cùng em khoác vai nhau rất nhiều lần và trước đây chỉ mấy phút thôi tôi đã ôm eo em một cách . . . rất đàn ông, như gã tài tử trong bộ phim « Cuốn Theo Chiều Gió », chỉ là thiếu cái hôn thôi. Thiệt tình là trong khoảnh khắc đó tôi rất muốn ghì em thật chặt vào vòng tay của mình và hôn em thật say. Nhưng mà chẳng dám. Chỉ vì tôi sợ rằng nếu táo tợn vượt qua một giới hạn mong manh thì tức khắc sẽ làm vỡ mất một tình bạn trong suốt như pha lê. Tôi không có thần chú Thủ Lăng Nghiêm để chống lại cám dỗ. Nhưng tôi đã, chỉ vì tôi trân trọng tình bạn trong suốt như pha lê đó. « Ừ, chỉ vì những giọt mưa thôi mà », tôi lập lại lời em và buông tay. Đột nhiên tôi bước ra khỏi chiếc áo mưa trùm lên hai đứa, dang rộng hai tay và ngửa mặt lên trời để cảm nhận những giọt mưa rơi rát mặt. Đột nhiên tôi lao về phía trước và hét to trong mưa « Chỉ vì những giọt mưa thôi mà ».   Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà! Tất cả đều đột nhiên. Ngoại trừ cái đột nhiên sau cùng là sự đột nhiên cố tình để dành lại tự chủ của một gả con trai vừa mới lớn. Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà! Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà!

Diep_Nuong_Nien_Xuan_Hong_LienLớp học chung với bạn Hà Quốc Hưng: Hàng trên: Nguyễn Thị Điệp, Mỹ Nương, Thái Thanh Niên, hàng dưới: Mai Thị Ngọc Xuân, Tăng Thu Hồng, Trần Thị Như Liên (nhà tiệm may đường Phương Thành đối diện nhà Điệp)

haQuocHung_3Bạn Hà Hưng Quốc hiện nay (đang suy tư để viết sách về Triết lý Đông Phương…)

                                                                              Hà Hưng Quốc (13/tháng hai/2016)

Hình ảnh: Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Văn Mãnh, Nguyễn Thị Điệp, Lê Thị Việt Nga, Hoàng Thị Minh Liên, Hà Quốc Hưng…

Laisser un commentaire