Giới thiệu Lê Phước Hải

Thầy Cô và các bạn thân mến, hôm nay viết một bài về một người bạn tuy không học cùng lớp với mình nhưng cũng là một thời làm văn nghệ chung rất lâu. Đó là bạn Lê Phước Hải (anh của bạn Lê Phước Dương, nhà chỉ có hai anh em thôi).

Hải tuổi mẹo, lớn hơn mình một tuổi (tức là mình thì tuổi rồng…), nhưng không biết sao lại học sau mình một lớp, Hải học chung với các bạn Tăng Kim Sơn, Trương Thanh Hào, Trương Thanh Hùng, Hồ Thị Kim Hoàn, Trang Lệ Thủy, Tiền Minh Quang, Trần Phước An, Mong Đức Hưng,….Theo lời kể của Lê Phước Dương thì Hải học từ lớp 1 đến lớp 5 rất khá những năm đầu, sau đó hơi yếu vì ham chơi, mê các môn chơi như: đánh bạc bằng hình, bắn dây thun, bắn đạn bi, ping pong và billard…

Lúc nhỏ Hải rất lưu linh lưu địa giận cở nào cao lắm mẹ đánh được 1 roi là Hải chạy mất. Một lần Hải trốn học Thầy ghé nhà cho hay, Mẹ không nói tiếng nào để cho Hải ăn uống tự nhiên …đến 4 giờ sáng Mẹ thức dọn đồ đi chợ bán mới dở mùng nơi ghế bố Hải ngũ một mình mà cầm roi đánh búa xua…dù đau nhưng như cá nằm trong lưới Hải lạy Mẹ như tế sao vừa khóc vừa năn nỉ: « Con không bỏ học nữa đâu Mẹ ơi… » Mẹ buông roi rồi ôm con và cả 2 cùng khóc..

Năm thi lên lớp Đệ Thất, thi hỏng phải ở lại hai năm, Lê Phước Dương kể là khi đi dò kết quả thi lên Đệ Thất, không thấy tên mình trong bảng kết quả, Hải về nhà trùm mền nằm yên, Mẹ hỏi: « Con sao rồi Hải ơi ? », Hải nói: « Con bị cảm sốt rồi..!! » . Bởi thế Hải tránh được cơn bị đòn vì thi hỏng vì đang giả bệnh nên không bị mẹ đánh đòn,…

Cuối cùng thi lần thứ ba thì lần nầy thi cũng đậu, vào học lớp Đệ Thất bậc Trung Học trường Trung Học Hà Tiên…(niên khóa 1965-1966). Hải biết yêu sớm và thích làm thơ, thường làm thơ đến nỗi quyển tập học nào mặc dù là dầy cả trăm trang nhưng cũng còn cở phân nửa thôi, phân nửa kia thì ghi thơ đầy vào đó, những bài thơ làm ngay trong lớp học để tặng người đẹp tên Quỳnh Như (tên ở nhà là Bảy), bán nước đá bào chè đậu phía sau văn phòng Hiệu Trưởng Trường Trung Học.

Trong lúc học bậc Trung Học, Hải thích ca hát, vì thế Hải gia nhập vào ban nhạc của nhóm mình cùng với Mạnh Thường,…Hải lấy tên hiệu là Hồ Hải (vì ái mộ một đàn anh lúc xưa cũng là một người chơi nhạc, chơi đàn guitar rất tài giỏi tên Hồ Hải.., anh Hồ Hải thường đến với quý Thầy Võ Thành Tài, Võ Thành Tường lúc hai Thầy còn ở trọ tại căn biệt thự Ông Bầy đường Bạch Đằng xéo xéo nhà mình). Bài ruột của Hải thường ca và ca rất hay là bài « Sao Em Không Đến » của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Mỗi lần dợt ca tại nhà Mạnh Thường thì Hải thường nói đùa là « Để mình ca xong bài nầy rồi còn về nhà đi bắt heo,…!! »

Lop_Hoc_TruongThanhHaoLê Phước Hải (trên cùng, bên trái) với lớp học Trung Học Hà Tiên 

Đến cuối năm lớp Đệ Tứ (khoảng năm 1969) vì đã trể tuổi học nên Hồ Hải lên sài Gòn đăng vào Hải Quân, đi đó đây bốn phương cho thỏa chí giang hồ, lúc đó Hồ Hải lại ít liên lạc với nhà ở Hà Tiên.

Hải cưới vợ năm nào mình cũng không biết,…vì sau nầy mỗi người đi một nơi nên không còn liên lạc với nhau nữa,…

Đến sau giai đoạn lịch sữ 1975, mọi người vứt bỏ súng đạn lần lượt trở về quê, Lê Phước Dương đã về được 3 ngày nhưng chưa thấy Hải đâu cả,….Mẹ ở nhà trông đứng trông ngồi,…Rốt cuộc vì nóng lòng quá nên đi xem bói,…Bà thầy bói nói rằng nếu không chết rồi thì cũng đã đi xa, mà đi trên tàu ra xa rồi cũng sẽ trở lại…Sau đó khoảng nửa tháng sau thì Hải về nhà kể lại là suýt nữa thì đã đi theo tàu Hải Quân đi luôn rồi,…

Bạn học chung Trương Thanh Hùng có kể rằng:« Lê Phước Hải (Hồ Hải) học chung với tôi từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Sau ngày 30/4, tôi lại chơi rất thân với Hải. Có lần, đang xuống đò đi Vĩnh Điều, gặp Hải dọc đường, rủ một tiếng, Hải cùng đi theo luôn, không cần mang theo quần áo gì hết, chơi mấy ngày mới về. Hồ Hải có giọng ca Trời cho, có thể nói là hiếm có nhưng không gặp thời nên không trở thành ca sĩ chuyên nghiệp ».

Sau đó Hải lập gia đình, người vợ của Hải tên là Hương,…nhưng không may vợ Hải lại vắn số, rời xa Hải về cõi Phật,….Hải buồn vì vợ chết nên có ý quyết đi tu. Ở nhà cùng ăn chay trường với Mẹ. Mẹ rất mừng vì nghe rằng « buông đao là thành Phật » (mà chắc là chỉ có tướng cướp khi buông đao mới thành Phật thôi…!!)

Lê Phước Hải và người vợ quá cố (tên Hương)

Vài tháng đi lên Đà Lạt và khoe rằng đang theo học với vị Cao tăng nào đó. Vài tháng về nhà đôi ba ngày rồi lại đi. Và ngày trọng đại đã đến, Hải nói là: « Mẹ ơi chuyến nầy con lên Đà Lạt Thầy sẽ xuống tóc cho con… ». Mẹ nghe mà mừng cho con của mình….(thực ra theo ý nghĩ của Lê Phước Dương em của Hải thì cho là tại sao xuống tóc lại khó đến thế?? Ở Hà Tiên chỉ cần ra tiệm hớt tóc tốn 10 ngàn đồng thôi là cái đầu sẽ bóng lưởng…).

Ngày xuống tóc, Huynh Hải có mướn thợ chụp vài tấm hình mang về cho Mẹ xem. Bà rất mừng vì có câu: » Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng… ». Rồi lại bẳng đi một thời gian 3 hay 6 tháng gì đó Huynh Hải trở về nhà và ăn mặn không đi nữa, Dương hỏi:

           – « Ủa sao Huynh không đi lên Đà lạt nữa? »…

Hải nói:

            – « Nghỉ đi rồi, không tu nữa,!!.. »

Dương nói:

            – « Sao vậy, đi cực khổ lên xuống cạo được cái đầu tốn của tui trên 10 triệu đồng,…!! phải Huynh cạo ở Hà Tiên nầy tốn có 10 ngàn thôi. Đâu Huynh kể thiệt cho tui nghe lý do gì mà sao Huynh về nhà luôn ?!!.. »

Đắn đo một lúc, Huynh Hải cũng kể rỏ ra là…: Hôm đó trực gõ chuông cho khách đến viếng lạy Phật…Huynh nói: « Từ 9 giờ trở đi Huynh gõ chuông bình thường, đến một lúc có một cô nàng đẹp, (phải nói là quá đẹp…), Huynh lo nhìn nàng lạy mà gõ hụt chuông, cây dùi vuột tay rớt xuống đất…!! Sau đó bị Thầy gọi vào trong quở trách nói là tâm của Huynh còn dao động khó lòng mà tu hành được. Huynh mới cải lại là đó chỉ là tai, mắt bên ngoài nghe nhìn thôi chứ tâm bên trong không có động chút nào…(thực ra thì có động hay không chỉ có Trời mà biết,…!!)…Rồi bởi vì thế mà Huynh phải hoàn tục từ đó đến nay, ngày nào cũng ăn mặn không còn ăn chay nữa,…!! ».

Huynh Lê Phước Hải sau khi xuống tóc...

Lê Phước Hải hiện tại

Lê Phước Hải rong chơi cuối trời quên lãng

Viết đến đây, mình kể thêm chuyện Hoàng Thị Minh Liên gặp Huynh Hải như sau:

Minh Liên nói: « Sau biến cố « mắt nhìn chứ tâm không động đó », Huynh Hải có ghé tới nhà Minh Liên ở Định Quán tạm trú cũng hơn một tháng và Huynh nói là vì Thầy cho phép nghỉ về thăm nhà và dặn Minh Liên là đừng nói cho Phước Dương biết. Trong thời gian nầy Huynh Hải vẫn còn ăn chay nên mỗi buổi sáng Minh Liên phải cố xoay sở đổi món ăn cho Huynh đở ngán cơm, nhưng chủ yếu cũng chỉ là đậu hũ ướp sả ớt chiên, đậu hũ sốt cà chua….cũng là đậu hũ và đậu hũ mà thôi…!! Huynh Hải cũng biết phải quấy nên nhìn thấy Minh Liên tiếp đãi ăn uống như vậy nên nói với Minh Liên là vì Huynh tu theo một môn phái gì đó nên chỉ có ăn một buổi sáng thôi, còn đến ngọ thì chỉ uống sữa đậu mà thôi và phải nhịn luôn đến tối không được phép ăn uống gì cả….Có cái là lúc đó sao Minh Liên lại khờ quá, nói như vậy cũng tin theo không biết suy nghĩ ra điều gì cả,…Bây giờ kể ra thấy cũng tội nghiệp anh Hải, mỗi ngày chỉ ăn có một buổi như vậy chắc ảnh xót ruột lắm…Mà được cái là anh Hải lúc nào cũng tiếu tiếu làm cả nhà cũng vui lây,…

Trong lúc Huynh Hải còn ăn chay, anh Trần Văn Dõng cũng có dịp gặp và kể lại chuyện như sau: « Hồi mình còn đi làm ở Kiên Lương, khoảng đâu năm 2010-2011, Hải có xuống Kiên Lương tìm đến nhà mình chơi, nói chuyện có vẻ hơi nhuốm mùi của Phạm Công Thiện, Bùi Giáng…, sau đó mình mời ở lại ăn cơm, Hải nói thôi để ra quán cơm chay ăn (chắc lúc đó còn ăn chay), rồi bặt tin luôn từ đó…. »

Hiện tại thì bạn Lê Phước Hải tức Hồ Hải vẫn còn ở tại nhà Hà Tiên, qua một cơn bệnh làm cho con người trở thành ăn nói hơi khó khăn, thôi mình chỉ có lời cầu chúc cho người bạn văn nghệ năm xưa giờ đây đủ can đảm, nghị lực để vượt qua nỗi khó khăn của bệnh tật và mong rằng bạn Hồ Hải cũng tìm được chút niềm vui nào đó trong lúc tuổi về chiều nầy,…

                                                                 Trần Văn Mãnh

(viết theo lời kể của Lê Phước Dương, Trương Minh Hùng, Hoàng Thị Minh Liên và Trần Văn Dõng)

Hình ảnh: Lê Phước Dương, Hồ Thị Kim Hoàn

Une réflexion au sujet de « Giới thiệu Lê Phước Hải »

  1. Về Lê Phước Hải, xin cho tôi thêm ít dòng:
    Hồi học lớp nhất, tôi khá thân với Lê Phước Dương (em Hải) và hay đến nhà Dương ở bên ao sen chơi. Sang Đệ Thất thì tôi lại học chung với Hải. Thực ra trong những năm trung học tôi không gần Hải lắm. Rồi mỗi đứa một nơi, đến sau 30/4/75 mới gặp lại. Tôi có làm việc trong ngành văn hóa, mà Hải thì tham gia rất tích cực trong phong trào văn nghệ của huyện nên mới thân từ đó.
    Điều đặc biệt, nói ra cho vui là anh em hay gọi Lê Phước Hải là « Hải Xạo ». Cái từ xạo ở đây không có ý xấu mà vì Hải hay nói. Bị anh em gọi là Hải xạo mà Hải không buồn bao giờ, thậm chí còn lấy làm thích. Suốt từ năm 1975 đến 1987, khi tôi không còn ở Hà Tiên nữa, tôi không thấy Hải giận ai bao giờ. Đó là tính cách khá đặc biệt mà không phải ai cũng có được. Mỗi lần về Hà Tiên, tôi đều tìm Hải uống rượu, uống cà phê hoặc uống trà nói chuyện đời chơi. Lúc Hải đã đi tu, tôi cũng chọc ghẹo Hải khá nhiều vì không còn ăn mặn, uống rượu, Hải chỉ cười khà khà.
    Bạn học chung trường, mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau, nhưng kể ra có một người bạn như Lê Phước Hải thì cũng thấy đời thêm phần thú vị.
    Trương Thanh Hùng

    Aimé par 2 personnes

Laisser un commentaire