Niên học đau buồn 1977-1978 (Quang Nguyên)

Niên học đau buồn 1977-1978.

Hà Tiên là vùng đất xung yếu đã quen với việc đao binh từ xưa lắm, trong ba thế kỷ trước cha ông ta đã phải đương đầu với việc quân Xiêm nhiều lần xâm lược nước Việt, mà bước chân đầu tiên của họ đặt trên đất chúng ta là Hà Tiên… Có thể nói, dân Hà Tiên rất “nhạy cảm” với giặc giã, việc này được người dân xứ  Hà Tiên “thấm nhuần” đến thành phản xạ, cứ một ai đó chỉ cần vừa chạy vừa la “tới rồi, tới rồi….!”, thì cả thị trấn rùng rùng bỏ chạy, bỏ cả chuyện làm ăn, chợ búa, sinh hoạt đời thường.…Gom đồ đạc hàng ngày bỏ lên xe cây để chạy khỏi Hà Tiên qua một cửa ngõ duy nhất là vượt cửa biển Hà Tiên qua đất Tô Châu.

Cũng có khi là “báo động giả”, và sau đó mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường, nhưng có một đêm nọ khi cả thị trấn nhỏ bé mà không bình yên này đang êm đềm trong giấc mộng, thì cái “loa phường” làm một công việc mà theo tôi là “ý nghĩa” nhất của sự tồn tại của nó, nó bắt đầu rột rẹt, rột rẹt… Vào tầm hai giờ sáng! Lần này thì không giả nữa rồi, cả cái mạng Ô-pạc-lưa (haut-parleur) mà chính quyền đã bố trí chỉ trong vài trăm mét đường kính có một cái, hàng chục cái “loa phường” ấy đã bất thần đồng loạt hoạt động, nó dựng tất cả người già, trẻ nhỏ, nam phụ lão ấu của xứ Hà Tiên thức giấc cùng một lúc để … di tản! Hàng ngàn con người rùng rùng kéo ra bến đò bằng đi bộ, xe đạp, xe gắn máy…v..v.. Những nhà có xe cây thì chất lên đấy những vật dụng cần thiết nhất để duy trì tối thiểu cuộc sống hàng ngày, riêng chiếc xe cây nhà tôi thì có thêm một bầy… ba bốn đứa con nít, vì chúng còn quá nhỏ để đi bộ trên con đường QL 80 mà ngày ấy còn nhiều đá cấp phối lô nhô lổ chỗ…

Cây cầu phao nổi tiếng của xứ Hà Tiên lúc ấy không còn nữa vì chuyện an ninh quốc gia, người Hà Tiên cũng quen với việc nhìn chính quyền làm gì với cây cầu mà dự báo chuyện sắp tới, hễ ngăn hai đầu cầu lại và rút một khúc ra là việc mở cầu cho tàu lớn qua lại hàng ngày, nhưng cây cầu này mà bị kéo đi đâu mất tiêu thì họ biết chắc là sẽ “có biến”… Dạo ấy cầu đã bị dỡ đi, toàn bộ người dân Hà tiên đã bị ngăn cách với đầu bên kia quốc lộ bởi con sông Giang Thành thơ mộng chảy ra cửa biển Hà Tiên mà chỗ hẹp nhất cũng vài trăm mét. Để giải quyết việc di tản qua sông thì chính quyền cho người dân qua lại bằng phà, mà phà thì chờ đợi hơi lâu nên người dân có thêm vài chiếc đò ngang được cải tiến từ ghe tam bản loại nhỏ thêm be và nâng sàn, gắn thêm mỏ bàn bằng cây ván để xe máy và xe cây có thể lên được…Tất cả các phương tiên khả dĩ đưa được người dân qua sông được trưng dụng tối đa.

Việc di tản từ khuya đó kéo dài đến vài hôm sau mà không có động tịnh gì, thế nhưng mọi sinh hoạt của người Hà Tiên bị xáo động từ hôm ấy…

Bọn học sinh chúng tôi ở mọi cấp lớp buộc phải nghỉ học vì sơ tán, học trò tán loạn, giáo viên cũng phân tán, tất cả đều vượt qua sông để tránh tầm pháo… Tôi nhớ không lầm thì học trò cấp một học ở các điểm Tô Châu, chùa Ông Bắc ở eo Bà Má. Học trò cấp hai thì học ở điểm Rạch Núi Thuận Yên, đình Thần Hoàng ở Thuận Yên… Còn cấp ba thì phải chạy về đến Kiên Lương học trong những lán trại bằng lá dừa nước mới dựng tạm ở trước nhà ông Chín Vĩnh đoạn Bưu điện cũ của Kiên Lương mà đi sâu thêm vài trăm mét trong đồng(điểm trường này do các thầy cô và học trò từ Trung Học Hà Tiên qua đây, họ bắt đầu xây dựng từ niên học 1977-1978 trong những năm chiến tranh đó, sau đó có thêm vài căn nhà lá nối tiếp, đến hết niên học 1980-1981 thì chính lứa thầy trò học sinh của chúng tôi dọn trường này trở về lại ngôi trường Trung Học Hà Tiên mà Mr. Mãnh đã thân thương làm chủ đề Blog này)

Vị trí tương đối giữa Hà Tiên – Rạch Núi – Thuận Yên

Niên học đó như đã nói trên chúng tôi học tại điểm Rạch Núi cách Hà Tiên khoảng 4 km, việc học gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu bàn ghế và phòng học, thường xuyên phải nghỉ học vì thiếu giáo viên, môn ngoại ngữ là bỏ hẵn… Bọn học trò chúng tôi hễ cứ được nghỉ là sướng rân cả lên, đi chơi thoải mái, thời gian đó chúng tôi được học rất ít, việc bỏ tiết là chuyện rất bình thường, có khi trống tiết vì không có giáo viên, nhưng cũng có khi giáo viên vào trễ hay bệnh mà trường không biết được để thông báo, vì thực tế còn một số giáo viên còn bám trụ ở lại thị trấn Hà Tiên mà giao thông thì cách trở  còn phương tiện liên lạc thì không có gì…

Buổi sáng hôm ấy đã không như mọi buổi sáng bình thường bởi đêm hôm trước Miên đỏ pháo kích quá chừng, có những quả đạn pháo vượt qua cả núi Tiểu Tô Châu, có nghĩa vùng di tản này cũng không còn là an toàn … Trước đó, sau cái đêm “tản cư bắt buộc” đó, do thấy “êm êm” nên một số người dân quay về Hà Tiên dù chính quyền không khuyến khích, sáng nay vì vụ pháo kích đêm hôm nên thêm những dòng người “di tản tự nguyện” từ Hà Tiên chạy qua Thuận Yên mà theo họ – đêm hôm “Miên đỏ pháo như cơm sôi!…”. Để khẳng định cho điều họ nói là các xe hồng thập tự của quân đội, xe của người dân liên tục đưa người bị thương ở Hà Tiên qua Kiên Lương, hay gần trường tôi học là các trạm xá của quân đội và trạm y tế xã Thuận Yên cũng đã tiếp nhận nhiều ca dân sự thương vong …

Đám học trò chúng tôi bàng hoàng ngơ ngác vì nghe tin đồn có thầy cô bị thương trong trận đêm hôm, nhất là khối lớp tám (tôi đang học lớp bảy) bơ vơ như đàn gà không mẹ chạy tới lui nhớn nhác, vì đã đến giờ học mà không thấy cô Mai (dạy Sinh Vật) đến lớp? Có người báo cô Mai bị thương, nhưng tất cả chỉ nghe “tin đồn”, mà người dân Hà Tiên mình cũng “ác liệt” lắm, lời đồn thường được “thổi” lên quá đáng, thôi thì tạm tin “chắc không có gì đâu!”, có ai đó đã nói bâng quơ…

Cô Phan Thị Tuyết Mai (dạy Sinh Vật) và thầy Trương Tự Cường (dạy Toán) là giáo viên từ Sài Gòn về (hình như vậy), thầy cô rất hiền, hai người có một đứa con nhỏ chừng hơn một tuổi, tôi còn nhớ cô Mai cao và to người, gương mặt buồn, khuôn trăng đầy đặn và tóc cắt ngắn… Cô cũng từng dạy thế cho lớp chúng tôi một vài lần, còn thầy Cường dạy Toán, thầy dạy lớp trên lớp chúng tôi… Gia đình thầy cô còn ở lại Hà Tiên, sống tạm trong một căn phòng học bên trường Tiểu Học, là căn phòng kế bên phòng Ban Giám Hiệu của trường Tiểu Học bấy giờ, hàng ngày thầy cô đạp xe qua Thuận Yên để dạy bọn học trò chúng tôi, để bảo đảm rằng trong mọi trường hợp dù chiến tranh bom đạn, thầy cô nói chung cũng không để chúng tôi bị dốt chữ…

Nghe cô Mai bị thương bọn học trò lo lắng, cả đám cùng các thầy cô ở trường cùng kéo nhau lên trạm y tế xã Thuận Yên, nhiều giờ trôi qua mà không thấy tin tức gì thêm, vì quân đội ngăn không cho vào khu cấp cứu quân y là một dãy lán trại mở tạm dọc theo bên hông trạm y tế, cạnh QL 80 mà đi về phía mé biển…Thế nhưng, chuyện tệ hơn thế nhiều, một người nào đó vào được và gặp thầy Cường, thầy Cường cũng bị thương nhẹ sau lưng, người ấy trở ra thấy nói chuyện gì đó với các thầy cô khác với gương mặt nghiêm trọng… Một đứa học trò nữ nghe lõm được câu chuyện chợt hét lên:

         –  “Cô Mai chết rồi tụi mày ơi!..”

Đám con gái nháo nhào, nhiều đứa bật khóc…

Nhưng đâu nào phải một mình cô Mai!! Đứa con duy nhất của thầy cô cũng chết cùng với mẹ, tuy nhiên phải đến khi thầy Cường tỉnh táo khi được cấp cứu, thầy mới cho hay rằng trong gia đình còn có đứa con nhỏ, thì cả buổi sau người ta mới tìm thấy đứa trẻ đã chết tự bao giờ.

Đêm hôm ấy đám học trò chúng tôi và các thầy cô ở Thuận Yên (và các trường khác nữa) đến trạm xá để chia sẻ nỗi đau thương chất ngất của thầy Cường… Ngọn đèn điện trở vàng vọt tù mù được treo cao trên đòn dong nhà của lán trại quân y, mà ánh sáng của nó cứ lập lòe lên xuống theo vòng quay không ổn định của chiếc máy dầu Diesel nhỏ gắn cái dynamo tự chế, dưới ngọn đèn tù mù mà cứ lập lòe đó là hai chiếc quan tài tềnh toàng thời chiến được đóng vội vàng, một chiếc lớn một chiếc nhỏ có cắm mấy cây đèn cầy đỏ leo lét ở hai đầu, những dòng sáp đỏ chảy xuống như những dòng huyết lệ, cái thứ đó mau chóng khô quánh lại quyết bám chặt vào sự sống động duy nhất là ngọn lửa đong đưa phía trên của nó, còn chiếc đèn điện trở quái quỷ kia cứ chập chờn trên xà nhà làm cái bóng của hai chiếc quan tài mẹ con kê song song trên những “con ngựa gỗ” cao năm bảy tấc, hai cái bóng hình chữ nhật một đôi lớn nhỏ khi tỏ khi mờ cứ như bước tới bước lui trên nền nhà được đầm nén chặt bằng đất núi…

Khung cảnh vô cùng tang thương mà rờn rợn…

Cũng ngay đêm hôm đó có xe đưa cả gia đình thầy Cường về Sài Gòn, cho đến nay chúng tôi chưa một lần gặp thầy Cường trở lại…

Mong rằng ở đâu đó, nếu như thầy có đọc được câu chuyện này thì xin thầy hiểu cho rằng chúng em không phải muốn gợi lại đau thương của thầy, mà chúng em luôn nhớ về thầy cô những người đã hy sinh cả tinh thần, sức lực và thể xác cho tương lai của từng đứa hoc trò chúng em…

Bởi chúng ta hiểu, để ươm mầm và vun tưới cho rừng hoa kiến thức của lứa học trò chúng ta là máu của cô và nước mắt của thầy, chúng ta tuyệt đối không bao giờ được quên điều đó…

                    Quang Nguyên  (11/2017)                                                              

 

Quốc lộ 80 chạy ngang xả Thuận Yên (thuộc Thị Xả Hà Tiên) 2014

Quốc lộ 80 chạy ngang xả Thuận Yên (thuộc Thị Xả Hà Tiên) 2015

Quốc lộ 80 chạy ngang xả Thuận Yên có khúc cặp mé biển

Hình ảnh: Trương Minh Quang Nguyên, Pham Bao Thanh Huyen, Nguyen Van Thuan, Thanh Kieu, sưu tầm trên mạng

Laisser un commentaire