Trường Trung Học Hà Tiên qua các giai đoạn thời gian: Phần 1: hiệu trưởng và các vị giáo sư, nhân viên văn phòng (Trần Văn Mãnh)

Thầy cô và các bạn thân mến, Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » từ ngày thành lập 04/10/2015 đến ngày hôm nay 12/10/2018, đã đạt được 91926 lượt xem, 24733 người đến xem (những đọc giả từ hơn 47 nước trên thế giới đến xem), với 176 bài viết trong đủ các tiết mục và do chính thầy cô và các bạn là tác giả. Tuy nhiên nhìn qua nhìn lại ta chưa thấy bài viết nào nói về quá trình hình thành ngôi trường Trung Học Hà Tiên của chúng ta…! đây quả thật là một điều thiếu sót lớn lao…Bạn Trương Thanh Hùng (Giá Khê) có viết một loạt nhiều bài trong mục « Chuyện vui buồn ngày xưa » và có nhắc đến một phần về sự ra đời và phát triển của trường chúng ta. Thật ra cũng rất khó mà viết ra được một tài liệu đầy đủ và chính xác về lịch sử của ngôi trường Trung Học Hà Tiên, đó là việc làm của các nhà nghiên cứu mà sớm hay muộn chúng ta cũng hy vọng rằng sẽ có bài viết về đề tài nầy, mong rằng các cây bút có quan hệ nhiều đến trường Trung Học Hà Tiên như Trương Thanh Hùng, Trương Minh Quang Nguyên,…v..v….và nhiều thầy cô bạn học khác sẽ có ngày cho ra đời nhiều bài viết về lai lịch ngôi trường của chúng ta, như thế khi làm công việc tổng họp lại chúng ta sẽ có một cái nhìn thông suốt và đầy đủ về trường xưa. Bản thân mình cũng có một tham vọng dựng lên quá trình thành lập ngôi trường Trung Học Hà Tiên, nhưng phần vì ở xa không có điều kiện đến tại chỗ tìm tòi sách vở hay tham khảo các ý kiến tiền nhân tại Hà Tiên, phần lại sinh sau đến muộn, chưa đủ thời gian trải nghiệm từ khi trường được ra đời nên rất khó thực hiện được ý nghĩ nầy…Rồi lại suy nghĩ rằng « kẻ ít người nhiều », nếu mỗi người trong chúng ta đóng góp một vài tư liệu, viết một vài dòng, đăng một vài tấm ảnh kỹ niệm ngày xưa thì có khi kết quả lại bất ngờ rất hay, lý thú và giúp cho một bạn văn nào đó có ý khoa học, biết suy luận, tổng kết và từ đó sẽ có bài viết đầy đủ cho chúng ta về lai lịch ngôi trường xưa Trung Học Hà Tiên. Cần xác nhận là ngôi trường nói trong bài viết nầy là ngôi trường Trung Học Hà Tiên, tọa lạc tại góc đường Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng, dưới chân Lầu Ba (núi Ngũ Hổ).

Phần 1: Quá trình về hiệu trưởng và các vị giáo sư, nhân viên văn phòng, bảo vệ:

Sau khi tham khảo ý kiến một số bạn từng là học sinh Trung Học Hà Tiên và chiếu qua các hình ảnh về ngôi trường, ta có thể bắt nguồn như sau: Vào năm 1955, thầy giáo trẻ Trường Minh Đạt sau khi học xong các trường lớn ở Sài Gòn (Trương Vĩnh Ký, Sư Phạm Sài Gòn,…) đã trở về Hà Tiên làm việc với ý định mở trường lớp cho con em Hà Tiên có điều kiện theo học tại chỗ. Thầy giáo Đạt lập hồ sơ xin thành lập trường Trung Học Tỉnh Hà Tiên dưới sự quản lý của các Nha Bộ ở Sài Gòn. Qua năm 1956 trường được thành lập với tên chính thức « Trường Trung Học Hà Tiên » với 4 lớp học và người Hiệu Trưởng đầu tiên là ông Thanh Tra tỉnh kiêm hiệu trưởng: thầy Hà Văn Điền (người Hà Tiên gọi ông một cách cung kính là Ông Đốc Điền, chính là ba của cô giáo Hà Thị Hồng Loan, sau nầy cô Hồng Loan cũng trở về dạy học ở ngôi trường nầy vào những năm 1960, nhà ông Đốc Điền ngày xưa ở đường Bến Trần Hầu, Hà Tiên).

Thầy Trương Minh Đạt (người gốc Hà Tiên), một trong những vị thầy có công trong công việc thành lập ngôi trường Trung Học Hà Tiên. Trái: hình chụp năm 1968, phải: hình chụp năm  2017. Hiện nay thầy vẫn sinh sống tại quê nhà Hà Tiên và đã trở thành một nhà nghiên cứu về Hà Tiên.

Cuối năm 1956, Hà Tiên trở thành quận thuộc tỉnh Kiên Giang, ngôi trường Trung Học Hà Tiên vẫn như vậy nhưng xem như là trường quận. (1956-1957)

Sang năm 1958 có thầy Hồ Minh Chiếu (hay Hồ Văn Chiếu) về Hà Tiên làm Hiệu Trưởng trường Trung Học Hà Tiên, lúc nầy thầy Trương Minh Đạt bắt đầu thuyên chuyển về Phan Rang. Theo một tài liệu trên face book mà mình tìm ra được thì vào năm 1959, trường Trung Học Hà Tiên có một giáo sư đổi về trường dạy, vị thầy nầy tên là Phạm Công Nhựt và thầy có viết trong một nhận xét trên fb như sau:

« Tôi nhận sự vụ lệnh xuống dạy ở trường Trung Học Hà Tiên tháng 9/1959. Hiệu trưởng lúc đó là Ông Hồ Văn Chiếu, thanh tra tiểu học tạm đảm nhiệm. Trường có 4 lớp, từ đệ thất tới đệ tứ. Ban giáo sư gồm có:
– Ông Bảo – dạy toán
– Ông Viên – dạy văn (tức là thầy Nguyễn Văn Viên)
– Ông Tường – Pháp văn (tức là thầy Võ Thành Tường)
– Ông Nam và Ông Điệp – Anh văn (tức là thầy Nguyễn Xuân Nam và thầy Hồ Quang Điệp)
– Ông Nhựt – Vạn Vật- Nhạc- Thể Dục (tức là thầy Phạm Công Nhựt)
– Ông Hoan- Lý Hoá (tức là thầy Lê Trung Hoan)
– ông Ký – giám thị (tức là thầy Trịnh Học Ký)
Niên khoá sau 1960-1961, ông Doãn Quốc Sỹ xuống đảm nhiệm chức hiệu trưởng trung học Hà Tiên. Ông Hồ Văn Chiếu trở về Ty tiểu học Rạch Giá. Hai năm sau, ông Doãn Quốc Sỹ trở về Sài Gòn, ông Lê Trung Hoan (dạy Lý Hoá) được thay thế. Lúc nầy tất cả các GS lần lượt bị đông viên. Ông Lại Xuân Quất được cử làm hiệu trưởng thay thế ông Lê Trung Hoan »

Thầy Phạm Công Nhựt, hình trái chụp năm 1973 (lúc nầy đã đổi về dạy trường Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá), hình phải năm 2017, hiên nay thầy Nhựt định cư ở nước Canada.

Như vậy qua tài liệu nầy ta biết được diễn biến của trường Trung Học Hà Tiên qua khoảng thời gian 1959 – 1961. Vì bản thân mình là « hậu bối » nên không được biết trực tiếp thầy Phạm Công Nhựt. Tuy nhiên đối chiếu lại trong bài giới thiệu bạn học cùng trường, phần bài về chị Nguyễn Thị Hoa, thì thấy thầy Phạm Công Nhựt có dạy lớp chị Hoa vào niên khóa Đệ Thất 1961-1962; thầy dạy môn Vạn Vật. Sau khi trải qua hai vị hiệu trưởng: Hà Văn Điền (1956-1958); Hồ Minh Chiếu (hay Hồ Văn Chiếu 1958-1960); theo lời thầy Nhựt viết thì đến giai đoạn thầy hiệu trưởng Doãn Quốc Sỹ (1960-1962), mãi sau nầy người Hà Tiên chúng ta mới biết được là thầy Doãn Quốc Sỹ chẳng những là một nhà mô phạm, mà lại còn là một nhà văn rất nỗi tiếng của nền văn học miền nam, ông viết rất nhiều tác phẩm có giá trị. Sau 1975 ông cũng từng đi học tập cải tạo, ở tù, sau đó ông đi định cư ở nước Úc và hiện nay ông sống ở nước Mỹ. Đến năm nay 2018, thầy Doãn Quốc Sỹ đã mừng sinh nhật 95 tuổi (Xin thầy cô và các bạn chú ý là tên của thầy viết là Doãn Quốc Sỹ chứ không phải là Sĩ).

Thầy hiệu trưởng Trung Học Hà Tiên và cũng là nhà văn Doãn Quốc Sỹ lúc trẻ và hiện nay.

Kế đến là thầy hiệu trưởng Lê Trung Hoan (1962-1964); đến đây bắt đầu các vị hiệu trưởng trường Trung Học Hà Tiên mà mình được biết đến một cách trực tiếp, đó là thầy Lại Xuân Quất (1964-1966), xin thầy cô và các bạn chú ý, tên của thầy phải viết là Quất chứ không phải « Quấc hay Quốc », vì mình còn dấu mộc tên của thầy đóng trong các sổ học bạ của mình vào thời nầy. Chúng ta không có tin tức hiện nay của hai thầy Lê Trung Hoan và Lại Xuân Quất.

Mộc Hiệu Trưởng trường Trung Học Hà Tiên và tên thầy hiệu trưởng: Lại Xuân Quất (1964-1966)

Thầy Lại Xuân Quất  làm hiệu trưởng Trung Học Hà Tiên lúc mình vào lớp đệ thất, niên khóa 1964-1965

Trái: Hiệu trướng Lê Trung Hoan, phải: Hiệu trưởng Lại Xuân Quất

Khoảng cuối năm 1962, có thầy Nguyễn Văn Nén từ Sài Gòn đổi về dạy trường Trung Học Hà Tiên. Thầy Nén là một trong ba vị giáo sư cùng về dạy trường Trung Học Hà Tiên trong những năm đầu của thập niên 60. Đó là thầy Nguyễn Văn Hiệp (dạy môn Văn), thầy Nguyễn Trí Thuận (dạy môn Pháp văn), và thầy Nguyễn Văn Nén (dạy môn Toán).  Ba vị thầy nầy rất có ảnh hưởng đến riêng cá nhân mình và của lớp học của mình, vì quý thầy dạy lớp học của mình nhiều năm. Qua các lời phê chuẩn, chấm điểm bài làm của riêng mình và của toàn lớp mình, quý thầy đã tỏ ra có sự chú ý rất thân mật, thường khuyến khích, khen ngợi kết quả học tập của riêng mình và của toàn lớp mình. Mỗi buối tối, các học trò Hà Tiên thường thấy ba vị thầy dùng cơm tối ở quán Xuân Thạnh đường Trần Hầu, Hà Tiên.

Từ lúc 1965, trường Trung Học Hà Tiên đã có 6 lớp từ đệ thất đến đệ nhị. Các lớp từ đệ thất đến đệ ngũ học buổi chiều, đệ tứ đến đệ nhị học buổi sáng, học sinh Anh văn và Pháp văn học chung, đến giờ sinh ngữ thì một lớp phải học tại phòng thí nghiệm (vào buổi chiều nắng rất nóng). Nền nếp này được duy trì cho đến năm học 1970-1971. Nhưng từ năm học 1968-1969, do nhu cầu phát triển, trường có hai lớp đệ thất và phân ra lớp Anh văn và lớp Pháp văn, tuy nhiên chưa có cơ sở vật chất nên phải mượn phòng học của trường tiểu học, đồng thời trường cũng được cất thêm dãy phòng học cặp đường Mạc Thiên Tích.

Vào năm 1965 có một phong trào các vị giáo sư trẻ từ Sài Gòn đổi về dạy trường Trung Học Hà Tiên, đó là một dịp rất may mắn cho học trò Trung Học Hà Tiên vì lực lượng quý thầy cô nầy rất hùng hậu, trẻ tuổi, đầy tâm huyết và trong sự tiếp xúc, giao thiệp quý thầy rất gần gủi với học sinh. Trong số nầy có thầy Nguyễn Hồng Ẩn (dạy môn Lý Hóa), thầy Bùi Hữu Trí (dạy môn Anh văn và Pháp văn), cô Nguyễn Minh Nguyệt (dạy môn Anh văn và Pháp văn), thầy Nguyễn Văn Thành (dạy môn Lý Hóa)…v…v…Trong thời gian nầy, một trong những vị giáo sư có ảnh hưởng nhiều nhất với học trò là thầy Nguyễn Hồng Ẩn, thầy vừa trẻ tuổi, rất đẹp trai, ăn mặc phong độ, và thường hay tiếp xúc, đi du ngoạn với học trò nên các bạn học cùng trường ai cũng rất quý mến thầy, chính nhờ có khối tư liệu hình ảnh riêng tư mà thầy Ẩn đã chụp rất nhiều trong thời gian dạy học ở Hà Tiên mà chúng ta mới có được những hình ảnh ngôi trường xưa và hình ảnh các đồng nghiệp của thầy, mình sẽ trích đăng vào đây các hình ảnh về ngôi trường mà thầy Ẩn đã còn lưu lại được, xin cám ơn thầy Nguyễn Hồng Ẩn rất nhiều.

Trong khoảng giữa năm 1966 có một giai đoạn ngắn thầy Nguyễn Trí Thuận (Pháp văn) giữ quyền hiệu trưởng vì thầy hiệu trưởng đương chức là thầy Lại Xuân Quất thuyên chuyển đi nơi khác. Dưới đây là một phần trang học bạ năm lớp đệ lục (1965-1966) của mình có chữ ký của thầy Nguyễn Trí Thuận:

Thầy Nguyễn Trí Thuận quyền hiệu trưởng Trung Học Hà Tiên trong một giai đoạn ngắn giữa năm 1966

Từ giữa năm 1966 trở về sau, thầy Nguyễn Văn Thành (dạy môn Lý Hóa) được cử làm hiệu trưởng chính thức trường Trung Học Hà Tiên, đây là một giai đoạn ổn định và thầy Thành làm hiệu trưởng trong một thời gian khá lâu dài (1966-1973). Chúng ta không có tin tức hiện nay của hai thầy Nguyễn Trí Thuận và Nguyễn Văn Thành. Dưới đây là một phần trang học bạ năm lớp đệ ngũ (1966-1967) của mình có chữ ký của thầy Nguyễn Văn Thành:

Thầy Nguyễn Văn Thành làm hiệu trưởng Trung Học Hà Tiên trong một giai đoạn khá lâu (1966-1973)

Trái: Hiệu trướng Nguyễn Trí Thuận, phải: Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thành

Trong lúc nầy vào ngày 02/03/1966 thầy Nguyễn Văn Nén nhận lệnh gọi nhập ngủ  nên thầy rời trường Trung Học Hà Tiên lên đường nhập học quân sự. Sau khi mản khóa học ra trường Bộ Binh, Thầy được bổ nhiệm trở lại ngành Giáo Dục nên trở về lại tiếp tục dạy học ở trường cũ Trung Học Hà Tiên vào tháng 3 năm 1970.  Trong thời gian nầy hiệu trưởng trường Trung Học Hà Tiên là thầy Nguyễn Văn Thành (đồng thời  cũng là giáo sư Lý Hóa). Thầy Nguyễn Văn Nén tiếp tục dạy môn Toán trong thời gian nầy và đôi khi cũng dạy thêm môn Sữ Địa cho lớp đệ thất. Kể từ niên khóa 1973 thầy Nguyễn Văn Nén được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên  và giữ chức vụ đó cho đến ngày 05/05/1975 thì bàn giao trường lớp lại cho ban quản lý mới. Thầy Nguyễn Văn Nén là một trong những vị thầy còn gắn bó rất lâu với trường Trung Học Hà Tiên, sau tháng năm năm 1975 thầy nghỉ dạy học và ở nhà cho đến tháng ba năm 1995 thầy được định cư ở nước Mỹ. (Bắt đầu cuộc sống định cư bên nước Mỹ, thầy đổi tên là : Nguyễn Nên). Mặc dù hiện định cư ở đất Mỹ nhưng thầy Nguyễn Văn Nén vẫn dành thời gian dài gần 2 năm lưu trú tại Việt Nam, ngay tại ngôi  nhà thân thương đầy kỹ niệm tại đất Hà Tiên. Hiện thầy sống ở nước Mỹ. Chính thầy Nguyễn Văn Nén đã cung cấp cho chúng ta một số ảnh hiếm và quý về quý vị giáo sư trong những năm đầu thập niên 1960, xin cám ơn thầy rất nhiều.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Nén, hình trái chụp vào năm 1965, hình phải chụp vào năm 2016

Sau đây là một số hình ảnh về quý thầy cô đã từng giảng dạy tại trường Trung Học Hà Tiên trong những năm đầu khi trường mới được thành lập.

Niên khóa 1962-1963, trước văn phòng trường Trung Học Hà Tiên. 1: Thầy Lê Văn Triệu (Toán), 2: Thầy Vũ Quang Vinh (Văn); Thầy Nguyễn Văn Nén (Toán), 4: Thầy Lê Văn Quang (Sử Địa), 5: Thầy Đỗ Huỳnh Có (Vạn Vật), 6: Thầy Võ Thành Tài (Anh Văn), 7: Thầy Hồ Quang Điệp (Anh Văn), 8: Ông Nguyễn Văn Thân (Thư Ký), 9: Thầy Võ Thành Tường (Pháp Văn), 10: Thầy Nguyễn Ngọc Lung (Âm Nhạc), 11: Cô Lý Ngọc Mai (Nữ Công), 12: Thầy Lê Trung Hoan (Hiệu Trưởng), 13: Thầy Nguyễn Lê Hùng (Pháp văn)

1: Thầy Nguyễn Ngọc Lung (Âm Nhạc), 2: Thầy Võ Thành Tài (Anh Văn), 3: Thầy Nguyễn Văn Hiệp (Lý Hóa), 4: Ông Nguyễn Văn Thân (Thư Ký), 5: Thầy Nguyễn Văn Nén (Toán), 6: Thầy Nguyễn Lê Hùng (Pháp Văn), 7: Thầy Nguyễn Trí Thuận (Pháp Văn), 8: Thầy Lại Xuân Quất (Hiệu Trưởng), 9: Thầy Đinh Văn Giáp (Sử Địa), 10: Thầy Nguyễn Đức Sơn (Quốc Văn), 11: Thầy Hồ Quang Điệp (Anh Văn), 12: Thầy Trịnh Học Ký (Giám Thị, Thể Dục)

1/ Thầy Doãn Quốc Sỹ, 2/ Thầy Trần Văn Hương, 3/ Thầy Trương Minh Hiển, 4/ Thầy Hồ Quang Điệp, 5/ Thầy Phạm Công Nhựt, 6/ Thầy Lê Trung Hoan, 7/ Cô Quỳnh, 8/ Thầy Nguyễn Xuân Nam, 9/ Thầy Nguyễn Như Bảo, 10/ Thầy Lê Văn Triệu, 11/ Ông Nguyễn Văn Thân, 12/ Thầy Võ Thành Tài, A/ Anh Phan Đình Khải (con trai của bác Phan Văn Thân tiệm đồi mồi Hà Tiên ngày xưa), B/ Anh Trần Tuấn Hùng (con trai của bác Trần Thiêm Trung tức Ông Phán Trung, anh Hùng là anh của Trần Hoàng Phượng và Trần Hoàng Trang)

Thầy Võ Thành Tường (Anh văn, Pháp văn), hình trái chụp năm 1962, hình phải chụp năm 2018.  Thầy Võ Thành Tường định cư ở nước Mỹ và tin vừa mới hay là thầy đã qua đời vào tháng 02 năm 2020.

Từ trái qua phải: Thầy Hứa Văn Vàng (giám thị), Thầy Nguyễn Hồng Ẫn (Lý Hóa), Thầy Nguyễn Văn Thành (Toán), Cô Trần Diệu Hiền (thư ký) và Chú Tỷ bảo vệ trường. (trước cổng chánh trường Trung học Hà Tiên năm 1968. Bổ túc thêm là vào những năm 1960, trường Trung Học Hà Tiên có hai nhân viên bảo vệ tên là Bác Ngọ và Chú Tỹ.

Thầy Trương Minh Hiển (người gốc Hà Tiên, anh song sinh với thầy Trương Minh Đạt), dạy môn Quốc văn trong những năm 1960-1970. Hình phải thầy Trương Minh Hiển chụp vào năm 1997 tại Hà Tiên. Thầy mất năm 2005.

Trái qua phải: Cô Nguyễn Minh Nguyệt (Pháp Văn), cô Vương Thị Lành (Quốc Văn), cô Hà Thị Hồng Loan (Quốc Văn), cô Trần Diệu Hiền (giám thị) trường Trung Học Hà Tiên.

Bên trái: Cô Hà Thị Hồng Loan, giữa: cô Nguyễn Minh Nguyệt, phải: cô Vương Thị Lành, đang dự tiệc cuối năm (bánh tây và nước ngọt). Sau lưng cô là một bạn học sinh không biết tên, các bạn cố gắng nhận dạng là ai nhé. (Trung Học Hà Tiên trong những năm 1960-1970)

Bên trái: có thể là thầy Nguyễn Tấn Ngoan, giữa; cô Hà Thị Hồng Loan, phải: cô Trần Diệu Hiền (văn phòng Trung Học Hà Tiên trong những năm 1960-1970)

Cô Hà Thị Hồng Loan (người gốc Hà Tiên) dạy môn Quốc văn tại trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 1960-1970. Hình phải, cô Hồng Loan hiện nay sinh sống tại Hóc Môn ngoại ô Sài Gòn.

Cô Vương Thị Lành (người gốc Hà Tiên) dạy môn Quốc văn tại trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 1960-1970. cô Lành cũng có một thời gian ngắn làm xử lý thường vụ chức Hiệu Trưởng thế cho thầy Nguyễn Văn Thành.  Hình phải, cô Vương Thị Lành (2017) hiện nay cô định cư ở nước Mỹ.

Niên khóa 1965-1966, từ trái qua phải: Thầy Nguyễn Hồng Ẩn (Lý Hóa), Thầy Nguyễn Đức Sơn (Quốc Văn), Thầy Bùi Hữu Trí (Anh văn, Pháp văn), Thầy Phùng Tuấn Sinh (Triết học, Công Dân)

Từ trái sang phải: Đại Úy Lực, thầy Bùi Hữu Trí (Anh văn, Pháp văn), thầy Nguyễn Hồng Ẩn (Vật Lý). Hình chụp trong những năm 1965-1966 tai sân quần vợt đường Mạc Công Du, Hà Tiên.

Thầy Nguyễn Hồng Ẩn dạy môn Lý Hóa từ năm 1965. Hình phải (2018): hiên nay thầy Nguyễn Hồng Ẩn định cư ở nước Mỹ, thầy đang chào quý thầy cô và các học sinh Trung Học Hà Tiên đó các bạn…

Thầy Phan Văn Xuân (dạy lớp mình môn Toán trong những năm 1960-1970). Thầy Xuân là người gốc gác Hà Tiên, thầy là vai cậu của các bạn Hoàng Đức Trung, Hoàng Thu Bình, Hoàng Thị Minh Liên. Hiện thầy Xuân vẫn sinh sống tại quê nhà Hà Tiên. Trái: Ảnh chụp lúc thầy còn đi học; phải: ảnh chụp lúc thầy về nghỉ hưu ở Hà Tiên 2017

Đặc biệt trong thập niên 1960-1970, trường Trung Học Hà Tiên có được hai thầy cô dạy môn Sinh Ngữ (Pháp văn và Anh văn) rất nhiệt tình và rất yêu mến học trò. Đó là thầy Bùi Hữu Trí và phu nhân của thầy là cô Nguyễn Minh Nguyệt. Thầy cô trong sinh hoạt giảng dạy, văn nghệ, thể thao rất thân cận với học trò, nhất là cô Minh Nguyệt, cô có rất nhiều học trò « thân yêu », vì các bạn đó học giỏi môn của cô dạy (Pháp văn). Sự có mặt của thầy cô Trí và Nguyệt ở Hà Tiên làm cho giới trẻ học trò rất yêu thích và luôn ngưởng mộ thầy cô. Thầy Trí ngoài giờ dạy còn tổ chức lớp dạy võ Karaté, lấy phòng thí nghiệm dưới chân Lầu Ba làm võ đường thực tập, mình cũng có tham dự học lớp võ thuật Karaté của thầy Trí. Còn cô Nguyệt thì tươi trẻ, ăn mặc rất đẹp và tân tiến, đem sắc thái « à la mode » của thủ đô Sài Gòn về Hà Tiên…Một số bạn học giao thiệp rất thân với thầy cô như: Lý Cảnh Tiên, Lý Mạnh Thường, Trần Văn Mãnh, Trần Văn Dõng, Nhan Hồng Hà, Nguyễn Đình Nguyên, Lê Công Hưởng…(phần lớn là các bạn chơi nhạc và tập võ thuật…). Chúng ta không có tin tức về thầy cô hiện nay, chỉ biết là thầy cô đã định cư ở nước Mỹ.

Thầy Bùi Hữu Trí và cô Nguyễn Minh Nguyệt, thầy cô dạy môn Pháp văn và Anh văn trường Trung Học Hà Tiên trong thập niên 1960-1970

Cô Tiền Ngọc Thanh (người gốc Hà Tiên, dạy môn Vạn Vật trong những năm giữa thập niên 60). Hình phải: 2018, hiện nay cô Tiền Ngọc Thanh đinh cư tại nước Mỹ. (cô luôn giữ được nết đẹp quý phái)

Trong những năm cuối thập niên 60, có một đợt các vị giáo sư trẻ đổi về Hà Tiên dạy trường Trung Học Hà Tiên, đó là quý thầy: Nguyễn Phúc Hậu (dạy môn Pháp văn), thầy Nguyễn Tấn Ngoan (dạy môn Toán), thầy Bùi Văn Cầm (dạy môn Vạn Vật), Nguyễn Văn Út (dạy môn Sử Địa), thầy Nguyễn Thanh Liêm (dạy môn Toán), thầy Phan Văn Chiếu (dạy môn Công Dân Giáo Dục)… Thầy Nguyễn Phúc Hậu hiện nay định cư ở nước Canada, thầy Nguyễn Tấn Ngoan thì học sinh không có tin tức, thầy Bùi Văn Cầm sau khi về quê Qui Nhơn sinh sống, có lúc vào năm 1986 bạn Trương Thanh Hùng có gặp thầy tại Qui Nhơn nhưng sau đó thì không được tin tức của thầy nữa. Chúng ta cũng không có tin của thầy Nguyễn Văn Út, nghe nói thầy đã mất lâu rồi, Thầy Nguyễn Thanh Liêm dạy lớp mình môn Toán, thầy Liêm rất gần gủi học trò, sau một hai năm dạy học ở Hà Tiên, thầy đã chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai, thầy chính là phu quân của chị Nguyễn Thị Hoa học trò kỳ cựu Hà Tiên, thầy Liêm sau khi trở về quê thì bệnh và qua đời tại quê Thốt Nốt (2013). Thầy Phan Văn Chiếu cũng đã qua đời tại nước Pháp.

Thầy Nguyễn Phúc Hậu vào năm 1970, hình phải: thầy Hậu hiện định cư ở nước Canada.

Thầy Nguyễn Thanh Liêm dạy toán những năm 1969-1972; hình phải: thầy Liêm đổi về quê Thốt Nốt và qua đời vào năm 2013

Trong những năm đầu của thập niên 1970, có thêm một đợt quý cô đổi về trường Trung Học Hà Tiên, đó là cô Võ Kim Loan (dạy môn Quốc văn), cô Nguyễn Ngọc Oanh (dạy môn Lý Hóa) và cô Dương Thị Minh Hoa (dạy môn Vạn Vật). Cô Kim Loan hiện định cư ở nước Mỹ, chúng ta không có tin tức của cô Ngọc Oanh, cô Minh Hoa hiện định cư ở nước Mỹ. Vì mình đã rời trường Trung Học Hà Tiên bắt đầu vào niên khóa 1970-1971 nên mình không được dịp hân hạnh tiếp xúc với quý cô, chỉ sau khi có Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » thì được bạn học giới thiệu với quý cô và vẫn giữ liên lạc với quý cô. Khoảng đầu năm 1970 thầy Trần Văn Thuận về dạy tại trường Trung Học Công Lập Hà Tiên, môn Việt Văn. Đến tháng 10 năm 1972, thầy Trần Văn Thuận được công lệnh của Bộ Giáo Dục chuyển về trường Bình Tuy dạy môn Anh Văn vì trong quá trình kiến thức của thầy, thầy cũng có văn bằng về môn Anh Văn. Thế là thời gian thầy Thuận dạy học ở trường Trung Học Hà Tiên không dài, chỉ vỏn vẹn hai, ba năm, tuy nhiên, theo thầy viết lại trong các bài tự thuật thì trong lúc giảng dạy ở Hà Tiên, thầy có rất nhiều kỷ niệm với các bạn và học sinh Hà Tiên. Sau đó thầy Thuận về nghỉ hưu ở Sài Gòn cho đến nay. Thầy có xuất bản nhiều tập hồi ký, thơ vă, và tho dịch.

Cô giáo sư trẻ đẹp Võ Kim Loan (1970), hình phải (2018): hiện cô Vó Kim Loan định cư ở nước Mỹ.

Cô giáo sư tươi trẻ ngày xưa Duong Thị Minh Hoa (1970); hình phải (2017): Cô Minh Hoa hiện định cư tại nước Mỹ

Hình trái: Cô Nguyễn Ngọc Oanh (1970), hiện nay ta không có tin tức về cô; hình phải (1970) thầy Phan Văn Chiếu, thầy qua đời bên nước Pháp

Bên trái: thầy Hứa Văn Vàng, dạy học và đồng thời là giám thị, bên phải: cô Trần Diệu Hiền, thư ký văn phòng và cũng là giám thị trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 60-70. Thầy Vàng và cô Hiền đều đã qua đời tại Hà Tiên

Thầy Trần Văn Thuận, chân dung lúc đi dạy học và lúc về nghỉ hưu

Đồng thời trong thời gian nầy, những năm đầu của thập niên 1970, có thầy Huỳnh Văn Xền, người gốc gác Hà Tiên, nhà thầy ở đường Tô Châu, thầy Huỳnh Văn Xền dạy một thời gian tại trường Trung Học Hà Tiên. Hiên nay thầy Huỳnh Văn Xền định cư ở nước Pháp.

Thầy Huỳnh Văn Xền dạy học tại trường Trung Học Hà Tiên vào những năm đầu thập niên 1970.

Thầy Nguyễn Long Hồ dạy trường Trung Học Hà Tiên trong những năm đầu thập niên 70, thầy dạy môn Sinh Vật, Lý Hóa. Thầy Nguyễn Long Hồ mất năm 1999.

Thầy Lê Quang Khải dạy môn Anh văn, Pháp văn trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 1970 trở đi, thầy Khải là người gốc Hà Tiên, em của thầy Lê Quang Thuyên và anh của thầy Lê Quang Khanh, thầy Khanh ngày xưa dạy mình ở bậc Tiểu Học Hà Tiên. Ba anh em thầy Lê Quang Thuyên, Lê Quang Khải và Lê Quang Khanh dều là con của nhà giáo, nhà thơ lão thành Lê Quang Phấn (hiệu là Bach Như), một trong những người Hà Tiên tiếp nối truyền thống Chiêu Anh Các (Mạc Thiên Tích). Chính nhà thơ Bạch Như là tác giả của hai câu đối chưng trong phòng tiền vãng trường Tiểu Học Hà Tiên.

« Hạnh đàn vắng vẻ chạnh tiền nhân soi tỏ đuốc quan hoài

Mộc đạc vang lừng giục hậu tấn bước lên đài tiến hóa ».

Thầy Lê Quang Khải, người gốc Hà Tiên, dạy môn Anh văn trường Trung Học Hà Tiên trong những năm đầu thập niên 70, hiện thầy định cư ở nước Mỹ. (Bổ túc tin: Thầy Lê Quang Khải vừa qua đời sau một căn bệnh, ngày thứ sáu 13/11/2020 tại thành phố Simi Valley, tiểu bang Californie, nước Mỹ).

Vào niên khóa 1973-1974 có một thầy tên Khải nữa về dạy trường Trung Học Hà Tiên, đó là thầy Phạm Văn Khải, thầy Khải dạy môn Anh văn. Xin mở ngoặc ở đây là vì trường có hai thầy cùng tên Khải nên học trò thường đặt tên phụ cho mỗi thầy một biệt danh để phân biệt: thầy Lê Quang Khải có râu rất oai phong học trò gọi là thầy « Khải râu », còn thầy Phạm Văn Khải không để râu, học trò gọi là thầy « Khải trụi »,….đó cũng là tính lý lắc của mấy bạn học trò ngày xưa, mong quý thầy thông cảm tha thứ cho nhé,…

Gần cuối nhiệm kỳ của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thành, khoảng từ năm 1973 trở đi, trường Trung Học Hà Tiên lại có thêm một cô thư ký nữa, đó là cô Lê Thị Tám, không phải ai xa lạ, cô Tám chính là người em gái ruột của bạn Lê Công Hưởng (Hưởng là bạn học chung lớp với anh Trần Văn Dõng, Lâm Hữu Quyền,…). Đó cũng là truyền thống của người học trò Hà Tiên, vì thường thường các học trò khi học tập xong rất thích ở lại phục vụ nhà trường, có người trở thành thầy cô giáo, có người trở thành thư ký cho trường, vì tình trạng cũng rất thuận lợi, ở ngay tại quê nhà, gần gủi cha mẹ đồng thời làm việc phục vụ cho trường lớp quê mình. Cô Lê Thị Tám làm thư lý nhiều năm tiếp theo, sau nầy cô cũng chính là phu nhân của thầy hiệu trưởng Bùi Đăng Trường. Thầy Bùi Đăng Trường người gốc Nhà Bè, thầy Trường có giọng ca « vọng cổ » rất hay. Hiện cô Lê Thị Tám vẫn sinh sống tại quê nhà Hà Tiên.

Cô Lê Thị Tám, ngày xưa là học sinh của Trường Trung Học Hà Tiên và sau đó là thư ký của Trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 1973.

Trong khoảng thời gian 1973-1975 có cô Trương Thị Bạch Cúc người gốc Rạch Giá, về trường Trung Học Hà Tiên dạy môn Văn, sau đó cô Trương Thị Bạch Cúc chuyển về dạy tại Kiên Lương. Hiên nay cô Trương Thị Bạch Cúc định cư ở nước Canada.

Cô Trương Thị Bạch Cúc dạy môn Văn trường Trung Học Công Lập hà Tiên trong những năm 1973 – 1975. Hiện cô Trương Thị Bạch Cúc định cư cùng gia đình ở nước Canada.

Thầy Lâm Hữu Quyền, người gốc gác Hà Tiên, và cũng là một học sinh của ngôi trường Trung Học Hà Tiên, là bạn học cùng lớp với các bạn Trần Văn Dõng, Lý Cảnh Tiên, Quách Ngọc Sơn, Nhan Hồng Hà,..v..v…Bạn Quyền học trên mình một lớp. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, thầy Lâm Hữu Quyền về dạy môn Toán tại quê nhà, trường Trung Học Hà Tiên. Thầy Lâm Hữu Quyền sau nầy làm hiệu trưởng trường cơ sở Đông Hồ Hà Tiên và hiện nay thầy về nghỉ hưu, vẫn sinh sống tại Hà Tiên.

Thầy Lâm Hữu Quyền dạy môn Toán trường Trung Học Hà Tiên. Hiện nay thầy vẫn sinh sống tại quê nhà Hà Tiên

Từ nhỏ đến lớn mình vẫn luôn theo học tại hai ngôi trường Tiểu Học và Trung Học Hà Tiên, đến niên khóa 1970-1971 trường Trung Học Hà Tiên vẫn chưa có lớp đệ nhất (lớp 12) nên niên khóa nầy mình chuyển sang theo học ở trường Trung Học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, vì thế sự hiểu biết về tình hình giảng dạy, đội ngũ thầy cô giáo sư, hiệu trưởng của trường Trung Học Hà Tiên đối với mình trở nên thiếu sót và thông tin hơi khá phức tạp.Tuy nhiên theo sự đóng góp của thầy cô và các bạn có liên hệ đến ngôi trường Trung Học Hà Tiên, có thể tóm tắt tình hình tiếp tục như sau tuy vẫn còn rất nhiều thiếu sót.

Sau khi chuyển giao ngôi trường Trung Học Hà Tiên cho ban quản lý mới vào tháng 05 năm 1975, ngôi trường vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 1977. Trong thời gian nầy có cô Lâm Ngọc Mai vốn là một học sinh gốc gác Hà Tiên, đã từng theo học tại ngôi trường Trung Học Hà Tiên nầy từ xưa, và cô đã thành tài trở về dạy học tại ngôi trường nầy từ những năm 1969, 1970. Khi trường do ban quản lý mới điều hành sau tháng 05 năm 1975, cô Lâm Ngọc Mai được cử làm hiệu trưởng trong khoảng thời gian 1975-1976. Sau đó cô Lâm Ngọc Mai chuyển về Rạch Giá làm việc và hiện nay cô về nghỉ hưu tại Sài Gòn. Khoảng năm 1975 có thầy Nguyễn Văn Hợi dạy môn Sinh Vật.

Cô hiệu trưởng Lâm Ngọc Mai, trái: hình chụp trong những năm 60, phải: hình chụp hiện nay 2018

Cô Nguyễn Thị Sồ, người gốc Hà Tiên, có thời gian dạy tại trường Trung Học Hà Tiên, môn Văn và Sử Địa. Sau đó cô Sồ chuyển về làm phó Phòng Giáo Dục Hà Tiên. Hiện nay cô Nguyễn Thị Sồ nghỉ hưu và về Cần Thơ.

Cô Nguyễn Thị Sồ, giáo viên dạy trường Trung Học Hà Tiên trong khoảng thời gian 1976-1977. Hình năm 1960 và năm 2019

Qua niên khóa 1976-1977 có thầy tên Lê Thanh Chương làm hiệu trưởng trường Trung Học Hà Tiên. Dưới đây là hai mẫu học bạ có chữ ký tên của cô Lâm Ngọc Mai và thầy Lê Thanh Chương. Đến đây nếu thầy cô và các bạn chú ý sẽ thấy tên gọi chánh thức của trường Trung Học Hà Tiên đã thay đổi, trong dấu mộc đóng bên cạnh tên của hiệu trưởng, ta thấy có đề tên: Trường Phổ Thông Cấp 3 Hà Tiên, tuy nhiên dưới chữ « Phổ Thông » trong dấu mộc đóng, ta không nhìn rỏ ra được các chữ tiếp theo là chữ gì, chỉ đọc được chữ « cấp » sau đó nét mực đỏ hơi bị nhòa nên không rỏ là 3 (cấp 3) hay là 2 và 3 (cấp 2 và 3) !!

Hình trái: Chữ ký tên của cô hiệu trưởng Lâm Ngọc Mai (1976), hình phải: chữ ký tên của thầy hiệu trưởng Lê Thanh Chương (1977)

Thầy Trần Đại Thắng là học sinh Trung Học Hà Tiên ngày xưa (con trai của thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Tiên Trần Văn Hương), học chung lớp với các đàn anh đàn chị như Nguyễn Thị Hoa, Huỳnh Thị Kim, Trần Hồng Khanh,..Sau khi thành tài, thầy Trần Đại Thắng trở về Hà Tiên làm hiệu trưởng trường Nông Lâm Súc (trường xây tại chân núi Địa Tạng gần Thach Động). Sau 1975 thầy Trần Đại Thắng về dạy môn Sinh Vật trường Trung Học Hà Tiên và tiếp tục phục vụ trong ngành giáo dục cho đến lúc về hưu. Bạn Thắng cũng có lúc (1973-1975) thường đi chơi chung với mình và một người bạn nữa là La Tấn Lực. Bạn Thắng mất vì bệnh vào ngày mùng 3 tháng 9 năm Mậu Tuất (Âm lịch) nhằm ngày 11/10/2018 dương lịch. Thầy Trần Đại Thắng an nghỉ tại đất nhà tại núi Đề Liêm (núi Phù Dung) ngày mùng 6 tháng 9 Mậu Tuất, nhằm ngày 14/10/2018.

Hiệu trưởng trường Nông Lâm Súc Hà Tiên và cũng là thầy dạy Trung Học Hà Tiên: thầy Trần Đại Thắng (hình chụp trong những năm gần đây)

Vào niên khóa 1976, một người bạn thân thiết từ sáu năm trong bậc Trung Học Hà Tiên, học chung lớp với mình là bạn Lý Mạnh Thường, sau một thời gian theo học ngành « Thương Mại Ngân Hàng » ở Long Xuyên, bạn Mạnh Thường trở về quê nhà Hà Tiên và theo ngành giáo, vào dạy môn Anh văn trường Trung Học Hà Tiên. Thầy Mạnh Thường ngoài môn chánh là Anh văn, thầy còn phụ trách văn nghệ cho trường và có dạy thêm các môn ca, vũ, múa,…cho các em học sinh. Thầy Mạnh Thường rất được sự quý mến của các em học sinh trường Trung Học Hà Tiên. Sau một thời gian nghỉ dạy về hưu ngay tại căn nhà xưa ở đường Mạc Công Du, thầy Mạnh Thường lâm bệnh và từ trần vào năm 2013. (trước đó vào tháng 6 năm 2012, nhân một chuyến về thăm quê Hà Tiên mình và bạn Trương Thái Minh có đến thăm bạn Mạnh Thường).

Thầy Lý Mạnh Thường dạy môn Anh văn trường Trung Học Hà Tiên từ năm 1976

Một trong những học trò của ngôi trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa, bạn Nguyễn Thúy Vân, người gốc Hà Tiên, bạn học cùng lớp với Lâm Thị Lan, Trương Thanh Hùng, Hồ Thị Kim Hoàn,…v…v….cũng vào ngành giáo và dạy học môn Văn tại ngôi trường Trung Học Hà Tiên nhiều năm (từ năm 1974). Cô giáo Nguyễn Thúy Vân hiện nay đã về hưu và hiện vẫn sinh sống tại Hà Tiên.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thúy Vân dạy môn Văn trường Trung Học Hà Tiên; bên phải (2017) hiện cô Nguyễn Thúy Vân sinh sống tại quê nhà Hà Tiên

Cô Ngô Thị Bình (Ngô Ngọc Bình) người Mỷ Tho, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ năm 1974 và nhận nhiệm sở ở trường Trung Học Công Lập Hà Tiên cùng năm 1974, cô Ngô Thị Bình dạy môn Anh Văn cho đến năm 1978.  Hiện cô Ngô Thị Bình định cư ở Úc Châu cùng với gia đình.

Cô Ngô Thị Bình dạy môn Anh văn tại trường Trung Học Công Lập Hà Tiên những năm 1974 – 1978. Hiện cô Ngô Thị Bình định cư ở Úc Châu.

Trong khoảng thời gian 1977 – 1981, ngôi trường Phổ Thông Hà Tiên lâm vào tình trạng bị bỏ hoang phế vì dân Hà Tiên đã di tản chạy giặc miền biên giới Khmer đỏ. Học sinh ở mọi cấp lớp buộc phải nghỉ học vì sơ tán, học trò tán loạn, giáo viên cũng phân tán, tất cả đều vượt qua sông Hà Tiên để tránh tầm pháo. Trường Phổ Thông Hà Tiên lúc đó gồm có cấp 2 và cấp 3 và có tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12, vì tình hình thực tế nên phải tách ra thành 2 bộ phận: Học trò cấp hai (từ lớp 6 đến lớp 9) thì học ở điểm Rạch Núi Thuận Yên, đình Thần Hoàng ở Thuận Yên… Còn cấp ba (từ lớp 10 đến lớp 12) thì phải chạy về đến Kiên Lương học trong những lán trại bằng lá dừa nước mới dựng tạm ở trước nhà ông Chín Vĩnh đoạn Bưu điện cũ của Kiên Lương mà đi sâu thêm vài trăm mét trong đồng …(điểm trường này do các thầy cô và học trò từ Trung Học Hà Tiên qua đây, bắt đầu xây dựng từ niên học 1977-1978 trong những năm chiến tranh đó, sau đó có thêm vài căn nhà lá nối tiếp, đến hết niên học 1980-1981 thì chính thầy trò học sinh dọn trường nầy trở về lại ngôi trường Trung Học Hà Tiên (của địa điểm Mạc Tử Hoàng).

Đến đây thì tình hình trở thành khá phức tạp, vì nếu tiếp tục viết theo quá trình trường Phổ Thông cấp 2 Hà Tiên thì như trên đã viết, trường nầy đã sát nhập vào trường cấp hai của xả Thuận Yên. Lúc nầy thầy Hứa Nhất Tâm làm hiệu trưởng trường Phổ Thông Cơ sở xã Thuận Yên nên tất cả học bạ của học sinh cấp 2 trường Hà Tiên đều do thầy Hứa Nhất Tâm ký tên, thầy Lâm Hữu Quyền làm hiệu phó cấp 2. Dưới đây là một phần trang học bạ của một học sinh cấp 2 trường Phổ Thông Hà Tiên do thầy Hứa Nhất Tâm ký tên, chú ý trong dấu đóng mộc, tên trường là Trường Phổ Thông Cơ Sở xã Thuận Yên. Bắt đầu qua niên khóa 1979-1980, tình hình chiến tranh Tây Nam hơi yên ổn, thầy Hứa Nhất Tâm trở về Hà Tiên xây dựng, sửa sang lại trường lớp và năm sau thầy Tâm trở thành hiệu trưởng trường Phổ Thông cấp 2 Hà Tiên. Cũng xin nói thêm là năm học 1977-1978 cũng chính là một năm học rất đau buồn đối với học trò cấp 2 trường Phổ Thông Cơ Sở Hà Tiên vì chẳng những phải lìa xa ngôi trường ở Hà Tiên mà lại còn chứng kiến giai đoạn bi thảm của một gia đình thầy cô đang dạy học trong thời kỳ chiến tranh nầy: đó là cái chết của cô Phan Thị Tuyết Mai (dạy cấp 2 môn Sinh Vật) vì bị trúng đạn pháo kích của quân Khmer đỏ, người con của cô cũng bị chết , chồng của cô là thầy Trương Tự Cường (dạy cấp 2 môn Toán) cũng bị thương tích nhưng thoát chết. Sau đó người ta đưa cả gia đình thầy về Sài Gòn, kẻ sống người chết thật đau buồn, từ đó đến nay học sinh Hà Tiên không có tin tức của thầy Cường.

Thầy Hứa Nhất Tâm làm hiệu trưởng Trường Phổ Thông Cơ Sở xã Thuận Yên, cũng quyền hiệu trưởng trường Phổ Thông Cấp 2 Hà Tiên. (1977-1979)

Thầy Trương Tự Cường, hình chụp tại Lăng Mạc Cửu, Hà Tiên, năm 1973. Nguồn hình: Thầy Trương Tự Cường.

Mặt khác nếu viết theo quá trình của trường Phổ Thông Cấp 3 Hà Tiên thì như trên đã viết, từ niên khóa 1977-1978, trường di tản về Kiên Lương, lớp học dàn dựng tạm trên những chiếc lán trại, nhà lá, trong thời gian nầy thầy Lê Thanh Chương vẫn tiếp tục làm hiệu trưởng cho đến năm 1979. Đến từ niên học 1979-1980 thầy Nguyễn Văn Hùng dạy môn toán cấp 3 làm hiệu trưởng trường Phổ Thông Cấp 3 (trường của Hà Tiên nhưng tạm di tản xuống ở Kiên Lương). Mình không có dịp biết thầy Nguyễn Văn Hùng, nhưng theo học trò Hà Tiên thì thầy Hùng rất dể mến, hiền hậu và rất được học trò kính mến. Thầy Nguyễn Văn Hùng đã từng dạy tại trường Trung Học Hà Tiên ngay từ năm 1974. Thầy Hùng, người gốc Gò Công, khi giặc Khmer đỏ pháo kích Hà Tiên, thầy Hùng bị thương. Sau này thầy Hùng làm hiệu trưởng rồi được điều sang làm trưởng phòng giáo dục Hà Tiên. Thầy Hùng đã mất vì bệnh vào năm 2015 tại quê nhà Củ Chi ngoại ô Sài Gòn.

Thầy Nguyễn Văn Hùng từng làm hiệu trưởng trường Phổ Thông Cấp 3 Hà Tiên trong những năm trường di tản xuống Kiên Lương. (Hình thầy về nghỉ hưu ở quê nhà Củ Chi, ngoại ô Sài Gòn)

Cùng một đợt về trường Hà Tiên với thầy Nguyễn văn Hùng năm 1974, có thầy Trương Minh Tùng dạy môn Lý Hóa, sau đó thầy Trương Minh Tùng kết hôn với chị Trần Diệu Châu, em của cô Trần Diệu Hiền và là con của thầy Trần Hòa Hùng (thầy Hùng là hiệu trưởng một thời của trường Tiểu Học Hà Tiên). Hiện không biết thầy Trương Minh Tùng ở nơi nào.

Cô Trần Thị Mộng Hoàng dạy Pháp văn trường Trung Học Hà Tiên khoảng những năm 1977 trở đi. Theo lời học trò kể lại (Nguyễn Hữu Tâm): « Cô rất đẹp và rất tây với cặp mắt kính gọng to. Thời trung học cô là nữ sinh trường Marie Curie. Cô hát nhạc Pháp rất hay và chuẩn… Những năm gian khổ nhất của cấp 3 Trung học Hà Tiên là phải đi lao động cực nhọc ở những công trường đắp đập đào kinh, cô luôn theo sát với các học sinh đặc biệt là lớp tụi em.Cô hát bất cứ lúc nào tụi em yêu cầu để quên đi cái cực nhọc về thể xác…rất mong muốn được biết tin của cô đó các bạn ».

Trước lúc nầy có cô Dương Huệ Vinh dạy môn Hóa Học trường Trung Học Hà Tiên lúc trường còn ở điểm Mạc Tử Hoàng Hà Tiên, sau khi về tạm ở điểm Kiên Lương, cô Huệ Vinh vẫn tiếp tục dạy hết các niên khóa ở đây. Hiên nay cô Dương Huệ Vinh định cư ở nước Canada. Thầy Phương người gốc Rạch Giá dạy môn Toán từ năm 1977.

Cô Dương Huệ Vinh lúc còn học sinh Trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá

Cô Dương Huệ Vinh dạy môn Hóa Học trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 1977-1978, Cô Huệ Vinh hiện định cư ở nước Canada.

Trong giai đoạn Trường Trung Học Hà Tiên dời về Kiên Lương, có quý thầy: Thầy Mai, người Thái Bình (không nhớ dạy môn gì), thầy Phan Văn Báo về dạy ngay niên khóa 1980-1981, thầy Phan Văn Thế dạy môn Vật Lý, sau nầy thầy Thế trở thành hiệu trưởng trường Kiên Lương nhiều năm và hiện nay thầy Thế đã về nghỉ hưu. Năm học nầy cũng có một thầy dạy Thể Dục về trường dạy thầy tên Linh, rất đẹp trai, thân hình cân đối như vận động viên quốc tế…, kế đến có thầy Quang người Cần Thơ về trường dạy môn Sinh Vật, thầy Nguyễn Văn Em dạy môn Văn, theo học trò nhận xét, thầy Nguyễn Văn Em dạy rất hay, thầy lại có tài chơi đàn và hát rất giỏi, thầy thường hát bài « Chiều trên phá Tam Giang »…! Năm nầy có thầy Lê Văn Trợ người Sài Gòn về trường dạy môn Địa Lý, thầy Trợ có một thói quen là thức dậy rất đúng giờ và tập thể dục không bỏ ngày nào. Đặc biệt là thời gian nầy có cô Trần Ngọc Cầm, người gốc Hà Tiên, chính là em gái của thầy Trần Đại Thắng, cô Trần Ngọc Cầm dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học Hà Tiên giai đoạn dời xuống Kiên Lương.

Thầy Lê Văn Trợ, dạy môn Sử Địa Trường Trung Học Hà Tiên (khoảng năm 1980 về sau)

Từ trái qua phải: thầy Phan Văn Thế, thầy Lê Văn Trợ, thầy Nguyễn Văn Em và thầy Trương Minh Quang Nguyên, quý thầy gặp nhau tại Cần Thơ 09/2018

Đến niên học 1981- 1982 thầy trò Trung Học Phổ Thông Cấp 3 Hà Tiên dọn trường lớp bàn ghế chuyển về quê nhà Hà Tiên thì ôi thôi!… ngôi trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa (địa điểm Mạc Tử Hoàng) đến bây giờ là một ngôi trường hoang cỏ ngập lút đầu, lau sậy um tùm, phòng học chỉ còn bốn bức tường không nóc không cửa vì bị dỡ trộm, lò sát sanh kể bên chất hàng núi xương trâu bò trong khuông viên trường và trong nhà vệ sinh, đầu lâu trâu bò và sừng trâu bò nhiều vô kể. Trong phòng học thì tất cả những bệ cửa sổ là…phân người chất đống vì người ta ngồi trên đó mà phóng uế xuống, họ xem đó là nhà vệ sinh tự nhiên vì cây cỏ trùm kín…Năm nầy trường bắt đầu hồi sinh sau cuộc chiến tranh biên giới, trường tạm thời chỉ có lớp 10 và 11, không có lớp 12. Đến năm sau 1983 trường mở thêm lớp 12 (mặc dầu trước khi trở về Hà Tiên trường đã có lớp 12 rồi). Thầy Nguyễn Văn Hùng vẫn còn làm hiệu trưởng của trường trong thời gian nầy cho đến năm 1985.

Trong thời gian nầy có Thầy Xuân Sơn dạy môn Văn, thầy Nguyễn Văn Tộ, người rất hiền và đạo đức, có thầy Hưng dạy môn Vật Lý, thầy Hưng người rất vui vẻ tiếu lâm, hiện thầy Hưng vẫn còn sinh sống tại Hà Tiên. Cô Điệp, nhà đối diện với hãng nước đá Cữu Long cũng có dạy trường Trung Học Hà Tiên trong thời gian trở lại Hà Tiên.

Trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 1989 thì mình bị mất thông tin, không biết thời gian nầy ngôi trường Phổ Thông Cơ Sở cấp 3 (tên là Cấp 3 vì từ khi hết di tản ở Kiên Lương và trở về Hà Tiên thì trường bắt đầu sinh hoạt trở lại và chỉ có 3 cấp lớp 10, 11 và 12). Thời gian nầy không biết thầy cô nào làm hiệu trưởng, bạn nào có thông tin và hình ảnh thì rất quý, xin bổ túc cho bài chúng ta được đầy đủ, xin cám ơn.

Trong khoảng những năm 1989-1991, có thầy Bùi Đăng Trường làm quyền hiệu trưởng trường Phô Thông Cơ Sở Cấp 3 Hà Tiên và có thầy Trịnh Phú về trường dạy môn Toán (hiện tại 2018 thầy Trịnh Phú làm hiệu trưởng Trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thần Hiến, Hà Tiên) . Thời gian nầy có một người thầy gốc gác Hà Tiên và cũng là con trai của thầy Trương Minh Đạt ra trường về dạy học ngay tại ngôi trường Cấp 3 Hà Tiên nầy. Đó là thầy Trương Minh Quang Nguyên, dạy môn Hóa Học. Chính thầy Quang Nguyên đã cung cấp cho mình một số tư liệu quý giá về ngôi trường Hà Tiên trong khoảng thời gian sau năm 1975, xin cám ơn bạn Quang Nguyên nhé. Đồng thời có thầy Huỳnh Kim Lợi, cũng người gốc Hà Tiên, dạy môn Thể Dục từ năm 1990. Cùng thời gian có thầy Nguyễn Văn Tường dạy môn Toán trường Trung Học  Hà Tiên, hiện nay thầy Nguyễn Văn Tường vẫn còn trong ngành giáo dục tại Sài Gòn. Có thầy Hồ Văn Hải người Quãng Nam về trường Trung Học Hà Tiên dạy môn Vật Lý. Về thầy hiệu trưởng trong thời gian nầy là thầy Bùi Đăng Trường thì mình không có dịp quen biết và cũng không biết chính xác là thầy Trường đã làm hiệu trưởng trong bao nhiêu năm. Thầy Bùi Đăng Trường mất năm 2017.

Hình trái: Thầy Trương Minh Quang Nguyên người gốc Hà Tiên, dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học cấp 3 Hà Tiên trong những năm 1989-1991. Hiện nay thầy Quang Nguyên đã chuyển ngành, lập công ty kinh doanh ở Sài Gòn. Hình phải: Thầy Hồ Văn Hải, dạy môn Vật Lý trường Trung Học cấp 3 Hà Tiên.

Kế đó thì lại có thêm một thầy cũng gốc người Hà Tiên là thầy Trương Minh Nhật Quang, anh của thầy Trương Minh Quang Nguyên, cũng về dạy tại quê nhà trường Trung Học cấp 3 Hà Tiên, thầy Nhật Quang dạy môn Vật Lý, Thầy Trương Minh Nhật Quang dạy đến năm 1992 thì ngưng dạy và sau một thời gian khó khăn vì cuộc sống, thầy đã học thêm về môn Công Nghệ Tin Học và đi vào công việc nghiên cứu và đã có công trình phát triển rất nhiều về phần mềm chống virus rất nỗi tiếng khắp cả nước (phần mềm D2 năm 1992 và phần mềm D32 năm 2001). Hiên nay thầy Trương Minh Nhật Quang làm việc tại thành phố Cần Thơ với học vị Tiến Sĩ và với chức vụ Phó Hiệu Trưởng trường Đại học Kỹ Thuật Công Nghệ Cần Thơ.

Thầy Trương Minh Nhật Quang dạy trường Trung Học Phổ Thông Hà Tiên trong những năm 1989-1992, hiện nay thầy làm Phó Hiệu Trưởng trường Đại Học Kỹ Thuật Công Nghệ Cần Thơ

Trong năm 1992 có cô Nguyễn Xuân Lan (tốt nghiệp Trường Đại Học Nông Lâm TP HCM), người gốc Tiền Giang, về dạy môn Sinh vật tại trường Trung Học Hà Tiên. Cô Nguyễn Xuân Lan dạy cho đến khi trường tách ra thành hai điểm Trường Cơ Sở Đông Hồ 1 và 2 thì cô chuyển sang dạy tại trường Cơ Sở 1 tại điểm Bạch Đằng – Mạc Cửu. Cô Nguyễn Xuân Lan sau đó đã lập gia đình với người Hà Tiên và hiện đang nghỉ hưu sinh sống tại Hà Tiên.

Cô Nguyễn Xuân Lan, thời sinh viên (1979-1984) và hiện nay 2019 tại Hà Tiên.

Trong thời gian nầy có nhiều thầy cô về trường Trung Học Hà Tiên dạy nữa, mình chưa có thông tin chính xác, chỉ biết có thầy An người Hà Tiên (con Cô Lắc). Từ niên khóa 1993 đến năm 2000, lại có thêm cô Trương Thị Uyên Nguyên người gốc Hà Tiên, chính là em gái của hai thầy Trương Minh Nhật Quang và Trương Minh Quang Nguyên (và đều là con của nhà nghiên cứu, thầy Trương Minh Đạt), cô Uyên Nguyên dạy môn Toán trong các lớp 10,11 và 12 tại ngôi trường Trung Học Hà Tiên quê nhà đường Mạc Tử Hoàng. Sau nầy khi trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thần Hiến thành lập tại điểm đường tỉnh lộ 28 phường Pháo Đài thì cô Trương Thị Uyên Nguyên chuyển vào tiếp tục dạy học tại đây. Thầy Phan Hoàng Long, dạy môn Toán nhiều năm (1993-2000), thầy Phan Hoàng Long chính là phu quân của cô Trương Thị Uyên Nguyên.

Cô giáo trẻ duyên dáng Trương Thị Uyên Nguyên dạy môn Toán tại ngôi trường Trung Học Hà Tiên điểm Mạc Tử Hoàng từ năm 1993, sau đó từ năm 2000 cô Uyên Nguyên chuyển dạy tại trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thần Hiến, điểm tỉnh lộ 28 phường Pháo Đài.

Thầy Phan Hoàng Long và cô Trương Thị Uyên Nguyên (2018)

Cho đến năm 2000 thì đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sữ của ngôi trường Trung Học Hà Tiên ở góc đường Mạc Tử Hoàng-Mạc Thiên Tích !! Từ năm 2000 trở đi, trường Phổ Thông Cơ Sở Cấp 3 được dời ra một ngôi trường mới cất trên đường ra Mũi Nai, tỉnh lộ 28, thuộc phường Pháo Đài và được đặt tên chánh thức là Trường Trung Học Phổ Thông Hà Tiên. với vị hiệu trưởng có rất nhiều công trong công cuộc lập ngôi trường mới nầy, đó là thầy Phan Văn Báu, về sau trường nầy được đổi tên là Trường Trung Học Phổ Thông NguyễnThần Hiến và có đặt tượng chí sĩ, nhà cách mạng Nguyễn Thần Hiến để tưởng nhớ người gốc gác Hà Tiên. Riêng về bản thân ngôi trường thân yêu đầy kỷ niệm tại góc đường Mạc Tử Hoàng-Mạc Thiên Tích thì được đổi tên là Trường Trung Học Cơ Sở Đông Hồ 2 (và có ghi địa chỉ là số 3 đường Mạc Tử Hoàng và thuộc phường Đông Hồ).

Như vậy trong một quá trình lâu dài từ lúc mới thành lập 1956 cho đến năm 2000, ngôi trường Trung Học Hà Tiên ở đường Mạc Tử Hoàng được phân các lớp như sau:

Địa điểm đường Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên, 1956-1962 (?): đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ.

Địa điểm Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên, 1963-1972: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam và đệ nhị (xong lớp đệ nhị phải đi thi tú tài 1 ở Long Xuyên)

Địa điểm Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên, 1973-1976 : lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12

Địa điểm Kiên Lương, 1977-1980: lớp 10, 11 và 12

Địa điểm Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên, 1981-1982: lớp 8, 9, 10 và 11

Địa điểm Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên, 1983-2000: lớp 10,11 và 12

Về tên gọi chánh thức của trường thì như sau:

a/ Trước năm 1975, tên trường là Trường Trung Học Hà Tiên (gồm hai cấp: Trung Học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9) và trung học đệ nhị cấp ‘lớp 10 đến lớp 12)

b/ 1975 – 1976: tên trường là Trường Trung Học Hà Tiên cấp II – III 

c/ Từ năm 1977 trở đi, có sự thay đổi là sát nhập hai cấp I và II thành trường phổ thông cơ sở, còn cấp III thành trường cấp III.

Tổng kết về đội ngũ hiệu trưởng, giáo sư, thầy cô, nhân viên văn phòng, bảo vệ của trường Trung Học Hà Tiên từ lúc thành lập (1956) đến năm 2000 (tại địa điểm đường Mạc Tử Hoàng và một giai đoạn ngắn tai địa điểm Kiên Lương):

Danh sách quý thầy (cần được bổ sung môn dạy và chấn chỉnh tên họ cho đúng, đặc biệt những phần chữ đỏ):

Trương Minh Đạt (Toán, Lý Hóa), Hà Văn Điền (Thanh Tra, Hiệu Trưởng), Hồ Văn Chiếu (Thanh Tra Hiệu Trưởng), Doãn Quốc Sỹ (Hiệu Trưởng, Văn), Võ Thành Tường (Anh văn, Pháp văn), Võ Thành Tài (Anh văn, Pháp văn), Nguyễn Ngọc Lung (Âm Nhạc), Lê Trung Hoan (Hiệu Trưởng, Lý Hóa), Nguyễn Lê Hùng (Pháp văn), Lê Văn Triệu (Toán), thầy Vũ Quang Vinh (Văn), Nguyễn Văn Nén (Hiệu Trưởng, Toán), Nguyễn Xuân Nam (Anh văn), Phạm Công Nhựt (Vạn Vật), Nguyễn Văn Viên (Thể Dục), Tạ Duy Phong (Lý Hóa), Lê Văn Quang (Sử Địa), Đỗ Huỳnh Có (Sử Địa), Hồ Quang Điệp (Anh văn), Nguyễn Văn Thân (Thư ký), Nguyễn Văn Hiệp (Văn), Lại Xuân Quất (Hiệu Trưởng), Nguyễn Đức Sơn (Văn), Trịnh Học Ký (Thể Dục, Giám Thị), Nguyễn Trí Thuận (Hiệu Trưởng, Pháp văn), Đinh Văn Giáp (Sử Địa), Nguyễn Hồng Ẩn (Lý Hóa), Bùi Hữu Trí (Anh văn, Pháp văn), Phùng Tuấn Sinh (Triết, Anh văn), Nguyễn Văn Thành (Hiệu Trưởng, Lý Hóa), Trần Đức Sinh (Âm Nhạc), Phan Văn Xuân (Toán), Trương Minh Hiển (Văn), Hứa Văn Vàng (Thể Dục, Giám Thị), Nguyễn Tấn Ngoan (Anh văn), Nguyễn Văn Út (Sử Địa), Bùi Văn Cầm (Sử Địa), Phan Văn Chiếu (Công Dân Giáo Dục), Nguyễn Phúc Hậu (Pháp văn), Đỗ Văn Trợ (Lý Hóa), Nguyễn Văn Thái (Sử Địa), Đỗ Tấn Sĩ (Anh văn, Pháp văn), Nguyễn Long Hồ (Sinh Vật), Nguyễn Thanh Liêm (Toán), Nguyễn Hùng Dũng (Vật Lý), Trần Phình Chu, Thầy Phương (Toán), Huỳnh Văn Xền (Anh văn), Trần Văn Thuận (Văn), Nguyễn Văn Hài (Sử Địa), Lê Quang Khải (Anh văn), Phạm Văn Khải (Anh văn), Nguyễn Văn Hùng (Hiệu Trưởng, Toán), Trần Đại Thắng (Hiệu Trưởng, Sinh Vật), Trương Minh Tùng (Lý Hóa), Lê Thanh Chương (Hiệu Trưởng), Nguyễn Trí Dũng (Toán), Lê Phước Lộc (Thể Dục), Trần Văn Thinh (Hóa Học), Nguyễn Văn Hợi (Sinh Vật), Nguyễn Văn Tiêu (Sinh Vật), Bùi Đăng Trường (Hiệu Trưởng, Văn), Huỳnh Kim Lợi (Thể Dục), Uông Văn Đính (Văn), Trương Tự Cường (Toán), Lâm Hữu Quyền (Hiệu Trưởng, Toán), Lý Mạnh Thường (Anh văn, Nhạc, Múa), Trương Minh Quang Nguyên (Hóa Học), Thầy Mai, Phan Văn Thế (Vật Lý), Phan Văn Báo (Hiệu Trưởng), Thầy Linh (Thể Dục), Thầy Quang (Sinh Vật), Nguyễn Văn Em (Văn), Lê Văn Trợ (Địa Lý), Thầy Xuân Sơn (Văn), Nguyễn Văn Tộ, Thầy Hưng (Vật Lý), Trịnh Phú (Toán), Nguyễn Văn Tường (Toán), Hồ Văn Hải (Vật Lý), Phan Hoàng Long (Toán), Thầy An, ….

Danh sách quý cô (cần được bổ sung môn dạy và chấn chỉnh tên họ cho đúng, đặc biệt những phần chữ đỏ):

Lý Ngọc Mai (Nữ Công), Phạm Thị Huỳnh (Vẽ), Nguyễn Minh Nguyệt (Anh văn, Pháp văn), Hà Thị Hồng Loan (Toán, Văn), Vương Thị Lành (Văn), Tiền Ngọc Thanh (Vạn Vật), Nguyễn Ngọc Oanh (Lý Hóa), Trần Diệu Hiền (Thư Ký, Giám Thị), Dương Thị Minh Hoa (Vạn Vật), Lâm Ngọc Mai (Hiệu Trưởng, Pháp văn), Võ Kim Loan (Văn), Nguyễn Kim Định (Văn), Nguyễn Thị Rớt (Văn), Nguyễn Thị Sồ (Văn, Sử Địa), Trần Kim Phấn (Giám Thị), Phan Thị Tuyết Mai (Sinh Vật), Vũ Thị Thêm (Toán), Ngô Thị Tuyết Dung (Văn), Ngô Thị Bình (Anh văn), Nguyễn Thúy Vân (Văn), Dương Huệ Vinh (Hóa Học), Nguyễn Thị Minh Châu (Pháp văn), Trần Thị Mộng Hoàng (Pháp văn), Nguyễn Thị Nhụy (Sử Địa), Trương Thị Bạch Cúc (Văn), Trần Ngọc Cầm (Hóa Học), Cô Điệp, Trương Thị Uyên Nguyên (Toán)… ….

Quý thầy cô gốc người Hà Tiên và đã từng giảng dạy tại trường Trung Học Hà Tiên:
Hà Văn Điền, Trương Minh Đạt, Trương Minh Hiển, Hà Thị Hồng Loan, Vương Thị Lành, Phan Văn Xuân, Tiền Ngọc Thanh, Hứa Văn Vàng, Trần Diệu Hiền, Lâm Ngọc Mai, Lê Quang Khải, Trần Phình Chu, Huỳnh Văn Xền, Trần Đại Thắng, Nguyễn Thúy Vân, Nguyễn Thị Sồ, Lâm Hữu Quyền, Lý Mạnh Thường, Trương Minh Quang Nguyên, Trương Minh Nhật Quang, Trần Ngọc Cầm, Huỳnh Kim Lợi, Cô Điệp, Thầy An, Trương Thị Uyên Nguyên…

Đến đây hết phần 1, chắc chắn là bài viết trên còn rất nhiều thiếu sót và thông tin có phần thiếu chính xác, biên tập Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » mong mỏi quý thầy cô và các bạn bổ túc thêm nhiều chi tiết, thông tin và hình ảnh để bài viết được chính xác và phong phú hơn.

Mời quý vị thầy cô và các bạn đón xem tiếp phần 2, nói về Trường Trung Học Hà Tiên, hình thể, vị trí và hình ảnh học sinh.

Người biên soạn xin chân thành đa tạ tất cả quý thầy cô, các bạn cùng trường lớp và các em cùng quê hương Hà Tiên đã vui vẻ thông tin, góp ý và cung cấp hình ảnh cho mình rất nhiều, mình cũng có dùng một số hình trích từ những trang fb của quý thầy cô và các bạn, xin thành thật cáo lỗi, mong quý vị thông cảm và lượng thứ cho nhé.

Paris, xong phần 1 ngày 14/10/2018, Trần Văn Mãnh (học sinh Trung Học Hà Tiên trong giai đoạn 1964 – 1970)

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết.

Xin đọc thêm về đề tài ngôi Trường Trung Học Hà Tiên:

https://trunghochatienxua.wordpress.com/gioi-thieu-thay-co-truong-trung-hoc-cong-lap-ha-tien/

https://trunghochatienxua.wordpress.com/chuyen-vui-ngay-xua/

Chú thích bổ túc:  Vào tháng giêng năm 2023, mình được thông tin thầy Trương Tự Cường do chính thầy đã liên lạc với Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » vì thầy đã đọc được các bài viết về ngôi trường Trung Học Hà Tiên. Thầy Trương Tự Cường đã định cư ở Los Angeles, tiểu bang California, nước Mỹ từ năm 1979, lập lại gia đình và vợ chồng thầy đã nghĩ hưu từ năm 2009 sau 30 năm làm việc ở nước Mỹ. Rất vui mừng được tin của thầy và xin chúc gia đình thầy Trương Tự Cường luôn an lành, hạnh phúc.

Thầy Trương Tự Cường (Cliff Truong), chân dung hiện nay, California, nước Mỹ. Nguồn hình: Thầy Trương Tự Cường.

Laisser un commentaire