Ngựa ơi, ta với mi cùng đi! (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, mở đầu phần lời giới thiệu bài viết, mình cũng cứ lập lại cái câu rất « cổ điển » là: « một lần nữa, cây bút Quang Nguyên đã trở lại với chúng ta »… với một hồi ký hoàn toàn đầy tính chất bi hài kịch…. Thật vậy, nếu tác giả Quang Nguyên đã có một năng khiếu là nhớ rất kỹ những chi tiết của những giai đoạn trải qua rất xa xưa trong cuộc sống, thì Quang Nguyên lại có thêm một tài năng khác là viết hồi ký rất hay…Chính nhờ khả năng đó mà từ lâu chúng ta đã có dịp thưởng thức những đoạn hồi ký cực kỳ sống động, không thiếu một chi tiết nào và cũng không cần phải trau chuốt, mài dũa cho từng câu văn mà bài viết nào cũng rất hấp dẩn, lôi cuốn và lại đầy tính văn chương nữa. Hôm nay, chúng ta sẽ có dịp sống lại với tác giả một giai đoạn trung gian giữa nếp sống gần như vô tư của đời học sinh và một cảnh đời gay go, khó khăn của một sinh viên đi học xa nhà muốn được tự chủ về mọi mặt…Thời còn trẻ trong chúng ta ai cũng có ít nhiều những cuộc « phiêu lưu », giang hồ lãng tử…!! Đi rong chơi xa nhà theo cái kiểu:

« Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà »…

Tạm mượn hai câu thơ trong bài thơ « Giang Hồ » của thi sĩ Phạm Hữu Quang để chỉ cái tính « giang hồ vặt » của tuổi trẻ chúng ta thời xa xưa…Tuy nhiên đối với những kinh nghiệm sống đã trải qua, cái giang hồ của tác giả Quang Nguyên thật sự không còn là giang hồ vặt mà đó chính là những kinh nghiệm sống đầy bi hài…Chúng ta có thể đi « lưu linh » từ tỉnh nầy qua tỉnh khác để vui chơi, nhưng chúng ta chỉ « đi » bằng xe đò, tàu bè, chưa bao giờ chúng ta ra sức đạp xe đạp để băng qua những chặng đường hàng trăm cây số như vậy…Phải thành thật ngả nón chào kỳ công và quyết tâm của Quang Nguyên trước một sự việc mà anh đã dấn thân, rồi sau đó biến « kỳ công » thành phương tiện sống qua hoạt động chạy « xe đạp ôm » chở khách để có thêm điều kiện hoàn thành chu kỳ học và lập thân…Thân mời quý thầy cô và các bạn đọc bài viết dưới đây, với một cách hành văn luôn có tính hiện thực, lấy cái « hài » tô điểm và che lấp cái « bi » để cuộc sống vẫn luôn có nét nên thơ, đáng vươn lên trong mọi hoàn cảnh và do đó, cuối cùng rồi thì tất cả công lao khó nhọc đều được đền đáp một cách xứng đáng…(Paris, ngày 02/06/2022 Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Ngựa ơi, ta với mi cùng đi! (Quang Nguyên)

…Thằng Bé đã sống ở Cần Thơ một mình bắt đầu từ tháng 8/1984, năm ấy nó vừa tròn 18 tuổi. Nó đã  không thư từ về nhà, không nhận chu cấp của gia đình (mà gia đình thì cũng quá khó khăn lấy chi mà chu cấp cho nó?). Nó đã rất cô đơn và nặng nề trong lòng với những nỗi niềm của cái ngày bỏ nhà ra đi với độc một bộ đồ trên người và vài đồng của Tícô em gái. Đó là một câu chuyện rất thường xảy ra cho những tên thanh niên “trẻ trâu” xốc nổi. Chuyện cãi cha cãi mẹ rồi bỏ nhà ra đi là một căn cớ diễn ra theo một lối mòn duy nhất của đám thanh thiếu niên ăn chưa no lo chưa tới của xưa và nay…

Nó đã rất khổ tâm, nó không nghĩ rằng nó mất gia đình hay gia đình mất nó mà sao vẫn có những lực cản nhất định để cho thằng Bé không thể viết thư về cho cha mẹ hay anh em? Nhà nó dạo này thế nào, ba má và các em nó có khoẻ không …Tất cả nó đều nhờ mấy thằng bạn ở Hà Tiên có về quê ghé chơi nhà nó bí mật dòm ngó rồi lên “báo cáo” lại cho nó! Nhờ vậy mà nó đỡ nhớ nhà, nhớ anh chị em và ba má nó.

Không biết từ khi nào câu “tam thập nhi lập” đã ở trong suy nghĩ của những ông cha bà mẹ nho giáo? Vì họ thường lo lắng cho con cái của mình cho đến ba mươi tuổi họ mới yên tâm mà tin rằng con mình đã trưởng thành? Năm đó nó chỉ mới mười tám tuổi, cái tuổi còn là con nít của gia đình gia giáo nhưng là cái tuổi đã quá trưởng thành của trẻ em đường phố! Thế nhưng nó nào phải trẻ em đường phố? Thà rằng nó lớn lên từ đường phố thì đơn giản cho nó hơn, nó sẽ dễ kiếm sống hơn rồi ra sao thì ra… Đằng này nó là thằng “ba rọi”! Với đường phố thì nó chỉ “lập lò” thọt ra thọt vô giữa nhà và phố, còn với việc “gia giáo” – dù cha mẹ nó cũng dạy dỗ kỹ càng đủ điều, nhưng cái chuyện nó tiếp thu và giữ lại trong mình bao nhiêu phần trăm còn là vấn đề mà nhiều năm sau những người biết nó – mà có quan tâm đến nó – phải trăn trở?!

Nó nhớ nhà lắm chứ, nhớ mấy anh em đã cùng nó bươn chãi, nhớ từng cuốc xe nước chổng vó khiến cho nó hay anh nó bay bổng lăn quay. Nhớ má nó bên ngọn đèn dầu với cái bóng của đôi cánh tay, mấy ngón tay và hai cọng cây đan thoăn thoắt khiến cái bóng đôi cánh tay của má trên vách nhà như những kiếm sĩ đang chiến đấu quyết liệt với cái bóng ma đói nghèo! Nó nhớ con Tí hàng buổi chiều với cái tủ thuốc lá nhỏ xíu mà nhiệm vụ của nó là phải “bồng” ra ngoài chợ để em chong ngọn đèn dầu hột vịt vừa học bài vừa bán thuốc lá lẻ. Thằng Đen giờ chắc đang gồng mình kéo nước, còn ba đang phải một mình chiến đấu với ruộng vườn, đến tối mịt mới lội năm ki lô mét về nhà mệt mỏi, rồi ba lại quăng “vài cục bực dọc” lên vai thằng “thiếu niên lao động siêu giỏi” độc nhất ở nhà lúc này là Đen, hắn chỉ mới 12 tuổi, để rồi nhiều năm sau hắn oằn mình khổ ải kêu rằng cuộc đời hắn chỉ độc một màu “hắc ám”!

Nó nhớ tới anh Quang của nó mà giờ đây anh ấy không ở xứ Hà Tiên, anh ấy đang được cậu nó dẫn đi làm “cu li” đúng nghĩa. Nhiệm vụ hàng ngày của anh là nén từng hòn than bùn (là một loại trầm tích của thực vật bị chôn vùi nhiều ngàn năm, than bùn được hình thành do sự tích tụ và phân huỷ không hoàn toàn các loại thực vật đầm lầy trong điều kiện yếm khí xảy ra liên tục…) ở vỉa than xứ Hòn Đất quê hương của người nữ anh hùng Cộng Sản Phan Thị Ràng, mà nhà văn Anh Đức đã ‘mắm muối” thành một chị Sứ với một cuộc đời sống và chiến đấu hy sinh thật dữ dội, làm cho nhiều thế hệ sau người ta quên mất người thật tên Ràng! Qua những lá thư được anh Quang viết cho nó, nó được biết anh nó hàng ngày ngoài công việc được giao, anh vẫn đang miệt mài ôn tập để chờ ngày “xung trận”, tiếp tục chiến đấu với ước mơ Đại học đang còn dở dang, và năm nay anh ấy sẽ đăng ký thí sinh tự do để thi vào đại học Cần Thơ (ĐHCT) sau hai năm gián đoạn.

… Bấy giờ đã là tháng 9/1985, có nghĩa là là nó đã ở Cần Thơ một năm, giật mình nó thấy sinh viên khóa mới đã háo hức vào học, lớp của nó cũng đã được sắp xếp, nó vào lớp Sư Phạm Hóa khóa 11 và đã vào học cả hơn hai tuần. Ngành Hóa? Đó là một sự ngạc nhiên thú vị của nó vì nó khi thi Đại Học thì chọn ngành Nga Văn (cho dễ đậu!), nhưng bây giờ họ cũng cho nó vào Sư phạm nhưng lại là ngành Hóa chỉ vì điểm thi của nó có môn Hóa đạt điểm cao. Không sao, nhà nước cho nó học gì cũng được, “có giáo dục” là tốt rồi! Ủa, anh Quang của mình đâu nhỉ ? Nó tự thắc mắc. Qua thư nó được anh ấy cho hay là bài làm của anh ấy tốt lắm mà? 

Thằng Bé đâm thắc mắc, mà nó đã thắc mắc chuyện gì thì nó sẽ tìm hiểu cho ra l chuyện đó, cho tới khi nó không thể giải quyết được thì thôi chứ còn thắc mắc là nó còn moi móc. Nó bèn đi ra phòng Đào Tạo của ĐHCT, tìm trong cả mấy ngàn sinh viên được vào học trong niên học này, tim nó như đứng lại ngay cái hàng tên của ảnh hiện rõ đây mà? Trương Minh Nhật Quang không thể lẫn với ai được! Số điểm lại cao nhất trong số sinh viên của tỉnh Kiên Giang đậu vào ĐHCT, nó nhớ không lầm là mười chín trên ba mươi điểm (19/30) và do có môn Vật Lý anh ấy đạt chín trên mười điểm (9/10) nên anh được xếp vào lớp Sư Phạm Vật Lý K11 bất chấp nguyện vọng của ảnh là vào ngành Công Nghiệp Chế Biến, tư duy thời bao cấp là vậy.

Lao ngay vào phòng Đào Tạo của trường để hỏi sao anh nó không thấy có giấy triệu tập vào trường, cô phụ trách uể oải nói:

–  À cái này bên thầy Dõng ký, em tìm thầy mà hỏi nhé!

Nó bèn tìm gặp ông Lê Thế Dõng hiệu phó của trường để hỏi (thầy Dõng sau này làm hiệu trưởng Đại Học Mở Bán Công thành phố HCM 1995-2002). Thầy Dõng ốm nhách với gương mặt xương xẩu khó đăm đăm, ông luôn mặc bộ đồ mùa hè màu cỏ úa của bộ đội, hai bên vai chuyển màu bạc thếch với hai bệt thâm kim, thầy dạy nó môn chính trị, với giọng xứ Nghệ An Hà Tĩnh chi đó khó nghe gần chết, nội dung bài giảng thì thường vòng vo, giáo điều lạt nhách, tương phản với bài giảng là thái độ nhiệt thành với một chút hung hăng giống như chính ủy ngoài mặt trận của thầy…Tất cả tạo thành một cái thứ không ăn nhập nhau kiểu “bầu rục mà chấm mắm nêm” vậy.

Sau khi gõ cửa vào phòng của thầy, nó cất tiếng:

–  Thưa thầy! Anh của em có trong danh sách đậu vào trường mình, sao không thấy giấy triệu tập vào trường?

–  Thế em có vào phòng Đào tạo mà hỏi chưa? – thầy Dõng gắt gỏng.

–  Dạ rồi! Nhưng mấy cô bảo rằng giấy triệu tập là thầy ký nên thầy sẽ cho em biết trường hợp nào không được triệu tập.

–  Aaa…! Mấy cái cô này… Thế anh của em ở đâu nào? Bao nhiêu điểm?

–  Dạ. 19 điểm, Sinh viên tỉnh Kiên Giang!.

–  À, tôi hiểu rồi, anh em đỗ vào trường mình là chắc chắn rồi, tất cả các giấy gọi vào trường tôi đã cho gửi về Ban tuyển sinh tỉnh, được đi học hay không là do ở đấy nhé!

Thầy Dõng đã giải thích rất rõ như vậy, tuy nhiên lời giải thích của thầy càng làm cho nó thắc mắc thêm, tại sao Ban tuyển sinh tỉnh Kiên Giang không gửi thông báo trúng tuyển của anh Quang về Hà Tiên?  Nó phải tìm hiểu cho ra chuyện này, muốn vậy nó phải về Rạch Giá. Nhưng chỉ có vậy thôi mà thời ấy không phải dễ dàng để tính, thằng Bé đã “tái nghèo” không có một hào lận lưng thì làm sao mà về Rạch Giá để tìm hiểu (trước đó nó đã khá “giàu”, độc giả sẽ biết trong câu chuyện khác)? Nghĩ mãi không ra nó đành liều:

–  Khánh! Mày cho tao mượn xe đạp mấy ngày nhe – nó nói với người bạn cùng phòng (bác sĩ Lâm Nguyên Khánh sau này)

–  Mày làm gì mà mượn mấy ngày?

–  Tao đạp xe về Hà Tiên!

–  Giỡn hoài mậy? mấy trăm cây số đó nhe!

–  Tao đạp được mà, nhằm nhò gì!

Nó bèn nói cho Khánh nghe chuỵện của anh Quang, Khánh thông cảm và đồng ý cái rụp, Khánh sẽ tạm mượn xe đạp của bạn để đi học, còn nó sẽ lấy xe đạp “đầm” (là loại xe đạp thường, sườn cong chứ không phải xe sườn ngang đòn giong) của anh ấy để về Hà Tiên cách Cần Thơ 220 km. Chiều hôm đó nó mượn của thằng bạn khác cùng phòng mấy đồng để mua khoai mì luộc, quấn sẵn một gói thuốc rê nát vụn của nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội đóng gói bán cho mấy bác đạp xích lô ở Sài Gòn mà mấy lúc đi Sài Gòn thăm bồ nó cầm về cả chục hộp giấy vuông vuông.

Cái thứ thuốc lá nát này được cái cực rẻ mà cũng thơm tho như thuốc Mai hay Đà Lạt (là vụn của hai loại thuốc này, bây giờ nó “nghèo” đến độ thuốc đen nguyên điếu Mai và Đà Lạt cũng không còn có thể!), chỉ có điều không khéo vấn thì sẽ không tài nào hút được vì cái vụn thuốc nát như bột sẽ chun vào phổi mất, nó vấn thứ này phải nói là cực nhanh và khéo vì ngày xưa nó đã quan sát ba nó và mấy ông nông dân vấn thuốc. Điếu thuốc vấn xong phải hình loa kèn, đầu to thì cỡ ngón tay út, còn đầu nhỏ thì cỡ cọng nhang, vấn vừa xong phải lè lưỡi liếm cái mép cuốn của giấy pơ-luya để dán cái mép cuốn (papier pelure – tiếng Pháp, giấy có màu vàng ệch hay xám xịt tùy đợt được cung cấp theo nhu yếu phẩm), rồi sau đó bóp và lận cái đầu loe kèn cho kín lại để vụn thuốc không rơi ra, điếu thuốc đã vấn xong với hình thù được như mô tả vậy thì cứ “vô tư” mà ngậm, vì khi đốt thuốc nhựa nicotine cháy dẻo sẽ keo đầu cháy mà không làm cho thuốc rơi ra được. Chuẩn bị lương thực là khoai mì luộc, thuốc rê nát hiệu “ông già le lưỡi” để hút dọc đường, nó bỏ theo một túi cờ-lê sửa xe đạp, cột vào sườn xe cái ống bơm và châm đầy một bi đông nước, một cái áo và cái quần xà lỏn sơ-cua (secour – dự phòng, tiếng Pháp quen dùng) được bỏ vào cái bọc ny-lon vì trời tháng 9 hay mưa bất chợt… Vậy là nó sẵn sàng lên đường.

Trước khi lên đường nó cũng còn nghĩ lung lắm vì cả năm nay nó không về nhà, không thư từ về nhà vì giữa nó và ba “đang rất bung xung”. Má thì như mọi khi bà không bao giờ bênh đứa nào, vì bà và ông luôn đứng về “một phe” để dạy con. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của ông và bà. Nhưng chuyện đi học của anh Quang là một chuyện lớn, gia đình ở Hà Tiên có lẽ chưa ai biết anh ấy đã đậu Đai học mà trường nhập học đã hơn tháng nay…

           –  Thôi! Dẹp mày qua một bên đi Bé! Nó tự nhủ…

Ba giờ sáng nó lên đường sau khi lấy cơm nguội rắc muối tiêu “làm đỡ ba hột”, mở cửa phòng ra nó thấy trời se lạnh, nó bèn quay vào phòng lấy chiếc áo thun ba lỗ tròng thêm vào (cái ba lỗ này sau đó đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong chuyến đi), bên ngoài là chiếc áo công nhân bảo hộ lao động nên khá dày và ấm, ngày xưa không có giầy nên nó xỏ vào chân đôi dép nhựa đen thui cứng ngắc của cửa hàng bách hóa tổng hợp bán cho dân, đội lên đầu chiếc nón tai bèo đặc trưng của mấy chú “giải phóng quân”, dẫn chiếc xe đạp với lỉnh kỉnh nào ống bơm, bi đông nước, túi vải đựng lương thực một bên còn túi đồ nghề thì bên kia của cái ghi-đông xe đạp… Giờ chỉ có đạp, đạp, đạp và… 220 ki lô mét!

Vì phải dưỡng sức nên tốc độ trung bình chạy trên đường chừng 15-20 km/h mà thôi, được cái đường khuya xe ít và trời mát nên đi cũng không mệt nhọc lắm, gần sáng trời đổ mưa, tháng 9 đang vào mùa mưa. Thằng Bé đã quen làm ruộng dưới mưa nên mưa không phải là vấn đề gì, lạnh thì có lạnh nhưng do đạp xe nên cái lạnh không thấu được tới xương, nhưng ướt át và rít rát làm nó khó chịu nên nó cởi áo quần ra vắt lên ghi đông xe, mặc độc một chiếc xà lỏn mà đạp cho khỏe, cũng để phơi gió áo quần cho mau khô, và cũng dễ để làm cái “tiện lợi nhỏ nhất” là chỉ cần vén ra chút mà không cần dừng lại!

Đến khoảng bảy giờ sáng nó đến Lộ Tẻ (Vàm Cống), chợt nhận thấy mình không giống mọi người qua cái cách mà người ta nhìn mình, nó mới giật mình nhìn lại “cái thằng nó” với cái nón tai bèo uớt sụp, mặc xà lỏn ở trần với làn da trắng bóc tái nhợt, trên ghi đông xe lỉnh kỉnh áo quần, bi đông nước, cái túi đồ ăn đồ mặc và túi đồ nghề, mặt mày thì chắc là xơ xác vì đã đạp xe bốn tiếng đồng hồ dưới mưa xối xả và mù sương nhạt nhòa…Thật trông nó giống như vừa ở Biên Hòa mới ra vậy.

Kiếm một cái bụi cây bên đường nó chun vào thay vội cái quần đùi ẩm ướt vì sợ sớm làm “giám đốc” nông trường… “lác” (!). Được thay đồ khô nó thấy khỏe hẳn ra, lấy vài củ khoai mì lót dạ và nốc một ngụm nước kèm theo là hút một điếu thuốc rê nát hiệu “ông già le lưỡi”… Bây giờ nó đã sẵn sàng để tiếp tục sau khi đã nạp vào “năng lượng”. Tính ra nó đã đi được khoảng sáu mươi kí lô mét từ khuya tới giờ, “vậy là không đến nỗi nào”, nó tự nhủ vậy nhưng nó còn chưa biết hết những gì đang chờ nó phía trước.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”. Trời bắt đầu hửng nắng, nó khoan khoái bước lên xe, tiếp tục chặn thứ hai Lộ Tẻ – Rạch Giá, đoạn này khoảng sáu mươi mấy kí lô mét. Đến khoảng mười giờ sáng thì nó mới nhận ra là giá như được đi trong mưa! Nắng đã bắt đầu gắt, nó phải mặc vào chiếc áo bảo hộ và thả tay dài cho đỡ hanh nắng vì vừa nắng vừa gió làm cho nó dễ mất nước, nó phải uống nước nhiều hơn, mồ hôi ra nhiều hơn càng làm cho người nó nhớp nhúa, rít rát hơn với cái không khí nóng ẩm của mùa mưa nhiệt đới. Chiếc áo bảo hộ giờ xuất hiện những quầng muối trắng trên vai trên lưng, chân nó bắt đầu nặng nề hơn, mu bàn chân và lòng bàn chân xuất hiện những nốt phồng rộp, cả hai ống chân thì mỏi nhừ nhưng nó không dám bước xuống xe để nghỉ, vì nó biết chắc là đã ngừng lại thì phải giải quyết thêm một chuyện khó khăn vô cùng – là phải đấu tranh với bản thân để bước lên xe mà tiếp tục hành trình còn đang dang dở…

Nó phải cố gắng đến Rạch Giá trong giờ làm việc buổi sáng, đó là điều nó dự tính khi xuất phát từ Cần Thơ, thế nhưng dù nó xuất phát lúc ba giờ sáng với ý định là chạy tà tà cũng tới Rạch Giá trước mười một giờ trưa để vào Sở Giáo Dục và Ban tuyển sinh tỉnh thì chuyện nó tính là một chuyện, còn làm được hay không là chuyện khác. Lúc này áp lực về thời gian đang đè nặng nó, nó cần phải nhanh hơn vậy mà cả cơ thể rã rời này đang chống lại mệnh lệnh từ cái khối óc cũng đang mệt mỏi không kém… Không thể nhanh hơn được. Đuối!

Cuối cùng thằng Bé cũng đến được Rạch Giá tầm khoảng 12 giờ trưa, đương nhiên Sở Giáo Dục không còn ai làm việc, hỏi bác bảo vệ nhà của Giám Đốc Sở Giáo Dục nó biết được cô H. nhà ở đường Mạc Cửu. « Tốt! Trên đường về Hà Tiên,«  nghĩ vậy nó uể oải đạp xe đến nhà cô H. Giám Đốc Sở.

Người nhà cô H không cho nó vào có lẽ vì bộ dạng của nó, nó năn nỉ ỉ ôi nhưng người ta cũng không cho vào nhà, có lẽ lời qua tiếng lại nên trong nhà cô H nhìn ra và cũng có lẽ vì tò mò nên cô H dè dặt cho nó vào nhà.

Cô H. năm ấy tầm ngoài bốn mươi, gương mặt phúc hậu, tạng người đậm hơi thấp và trông khỏe mạnh, tóc pha sương dài gần chấm vai…Cô đeo cái kính trễ xuống sống mũi, nhìn nó xong cô nhìn chiếc xe, hết nhìn chiếc xe xong cô nhìn cái mặt đỏ như mặt gà chọi của nó.

–  Em ở đâu đến thế? – Cô nói bằng giọng Nam pha Bắc vì Cô là người “tập kết”.

–  Dạ Cần Thơ!

–  Cái gì? – Có vẻ không tin rằng mình nghe đúng, Cô đặt lại câu hỏi.

–  Dạ em ở Cần thơ về!

–  Trời, Trời! Đi bằng cái này? Sao không đi xe đò?

– Dạ em không có tiền! – nó thành thật trả lời Cô.

–  Thôi vào đây đi, vào đây đi, tắm rửa nhanh rồi ăn cơm với cô!

Cô nhiệt tình, chân chất, và cư xử thật tốt với nó, không hề có vẻ là một bà Giám Đốc Sở Giáo Dục.  Lâu lắm rồi nó mới được ăn bữa cơm thân mật mang không khí gia đình như vậy, và quan trọng nhất là đó là bữa cơm thật sự, dù đạm bạc canh chua cá kho theo đúng “gu” Nam bộ chứ không phải cao lương mỹ vị gì nhưng với nó sao ngon vô kể, phần vì cả năm trời ăn xin ở ký túc xá mà chúng nó thường gọi là “cơm tù”, phần thì nó đã đói rã rời vì củ khoai mì cuối cùng nó đã chén sạch từ mấy kiếp!

Bữa cơm này thật là nhớ đời với nó.

Cô nói cô biết gia đình nó, cô biết má nó là một giáo viên giỏi và là một bà mẹ “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” nổi tiếng của tỉnh (nghe tới đây nó thấy hơi xấu hổ với má nó, nó có ngoan bao giờ đâu?), cô nói cô là học trò của Bác Ba Trương Văn Vinh của nó vì cô học Đại Học Tổng Hợp Hà Nội và là lưu học sinh miền Nam v.v... Về chuyện của anh Quang, cô nói rằng cho đi học hay không là quyền của địa phương tức là chánh quyền Hà Tiên, chứ cô không can thiệp được vì cô cũng đã chuyển giấy báo trúng tuyển của anh Quang về Hà Tiên rồi, và cô cũng cho biết thêm với “đối tượng chính trị” như nhà nó thì chuyện họ xét cho đi học đại học sẽ là chuyện khó khăn…

Dù sao đi nữa thì nó đã về đến đây để tìm hiểu, và mọi chuyện dần dần sáng tỏ, cái địa phương của nó đang “có vấn đề” với gia đình nó. Ái chà! Chuyện đến hồi gay cấn rồi đây!

Hôm đó vì nói chuyện với nó mà đến hai giờ chiều mà cô chưa đi làm, cô hỏi nó giờ nó sẽ về lại Cần Thơ hay sao? Nó nói nó phải về Hà Tiên để báo cho gia đình biết (ngày xưa không có điện thoại như bây giờ), cô móc túi dúi cho nó một ngàn đồng bảo nó ra đi xe đò, nó cảm động gần rớt nước mắt nhưng nó từ chối không dám lấy tiền của cô, nó cảm ơn cô về bữa cơm quá ý nghĩa với nó… Thằng Bé chào cô, vị ân nhân của nó, và leo lên con ngựa sắt, “Ngựa ơi, ta với mi cùng đi!”.

Ra khỏi nhà cô chạy một đoạn quay lại nó còn thấy cô nhìn theo và lắc lắc cái đầu…

Còn chín mươi cây số nữa, đoạn đường này sẽ rất gian nan vì đường rất xấu, từ khuya giờ nó chỉ chạy bon bon trên đường nhựa thôi mà đã mệt nhừ rồi vậy thì phần còn lại sẽ ra sao? Ra sao ai mà biết ra sao? Kệ! Tới đâu tính tới đó. Dấn chân lên pê-đan (pédale) nó đạp tiếp, trời chiều dần cũng đỡ bức bối nóng nực thì vấn đề mới lại phát sinh.

Vừa qua khỏi Rạch Giá vài ki lô mét đến đoạn Mỹ Lâm là vào đoạn đường đá cục nào cục nấy to như cái chén ăn cơm mà ngổn ngang l chỗ như hàng triệu cái hàm cá mập nối tiếp nhau, nó đạp xe len lỏi lúc thì trong lề khi thì giữa lộ sao cho chuyện va chạm với những hòn đá đó càng ít càng tốt, thế nhưng đường về quá dài thì làm sao có thể cứ mãi căng thẳng với những hòn đá? Thế là nó đành liều, mặc kệ cái chuyện phải nhảy chồm chồm trên những viên đá…

Nhảy một hồi nó ê ẩm cái mông, để tránh cái chuyện “ông mê” nó phải xì bớt độ căng của lốp xe, sau đó một hồi vẫn không chịu nổi nó phải nhỏm nhỏm cái mông khỏi cái yên xe đạp làm bằng nhựa không lấy gì làm mềm mại lắm, thế nhưng nó đâu thể nào cứ nhấp nhỏm mãi trên cái yên xe đạp vì giờ nó đã quá mệt? Cái cảm giác “buông xuôi cho số phận” mà xưa giờ nó nghe kể, hay nó đọc được trong sách vở, hoặc nó nhìn thấy người ta diễn đạt trong phim ảnh kịch nghệ… mà từ lâu nay nó vẫn tự hỏi “có thật không?” thì bây giờ nó cảm nhận rõ ràng một cách “tâm phục khẩu phục” rằng không thể nào thật hơn!

Nó đang đuối dần sức lực và nó muốn buông xuôi… Nó cũng hơi nuối tiếc tại sao mình không lấy tiền của cô H để đi xe đò có phải hơn không? Nhưng cái sự kiêu hãnh và lòng quyết tâm thêm một lần chiến thắng, vì thiên thần trên vai nó đã cho nó biết rằng nó đã xử sự đúng đắn không gì đáng chê trách.

Chui vào một bụi rậm ven đường, nó lấy cái áo may-ô ba lỗ mà hồi sớm trời se lạnh nó đã mang theo, rồi xếp lại làm tám, lót “trực tiếp” vào mông. Khi làm cái việc không mong muốn này nó phát hiện một vấn đề “khủng hoảng” hơn, làm cái tâm trạng buông xuôi mà nó đã nói trên hoàn toàn biến mất! Đó là cái mông trắng bóc của nó giờ ửng hồng và hai bên là hai bệt cỡ nhỏ hơn bàn tay của nó đang phồng rộp và bóng bẫy. Dù cái cổ của nó không thể quay được 180 độ để kiểm tra “lâm sàng” cái mông của nó, nhưng nó rờ được và cảm nhận rất rõ độ lớn, độ tổn thương và độ phồng dày của hai túi “silicon” đang được con đường ban tặng vào “vòng ba” của mình dù nó không hề có nhu cầu làm đẹp! Hai cái túi này mà vỡ ra sẽ là thảm họa cho nó. Nguy quá!

Cởi cái quần dài mà nó đã mặc lại hồi sáng khi đã khô, giờ nó cứ tiếp tục quần đùi cho nhẹ bớt dù một chút xíu thôi cũng sẽ tốt hơn cho động tác đạp, và hơn nữa cho nó thoáng vòng ba “nóng bỏng” theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen với hai cái túi “silicon” miễn phí.

Thật đúng là “dậu đổ bìm leo”!

… Gia đình thằng Bé ở Hà Tiên và anh Quang đã không hề biết rằng anh ấy đã trúng tuyển vào ĐHCT, cái phiếu điểm mà nó xin được ở Phòng Đào Tạo ĐHCT đang trong người nó. Cái vật vô tri vô giác đó như nguồn năng lượng tiềm ẩn, như một động lực vô hình. Từ sớm tới giờ nó ít quan tâm đến chuyện gia đình đón nhận chuyện này như thế nào, nhưng giờ đây nó chỉ mãi nghĩ tới chuyện đó, nó nghĩ rằng ba má và anh Q sẽ hạnh phúc lắm, sẽ có một niềm vui “nổ tung” nhà! Nó sẽ hãnh diện là người xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm, nghĩ đúng, hành động đúng… chỉ nghĩ tới điều đó là nó tự sướng rân mà quên đi mệt nhọc. Nó đã đọc đâu đó về phép “thắng lợi tinh thần”. Quả thật, trong trường hợp của nó hôm nay thật đúng, thằng Bé có thêm nhiều sức mạnh tinh thần để quên đi cái mỏi mệt mà nó đang đối diện.

Hoàng hôn đỏ ối nơi chân trời, mặt trời xuống thấp trông như lòng đỏ trứng vịt, nó đang ngồi trên con ngựa sắt và đơn độc hoàn toàn đang đi về hướng mặt trời lặn, bạn với nó chỉ là con đường đá gồ ghề l chỗ đầy những vũng lầy và đất đỏ… Bất giác một tình cảm lãng mạn ập vào tâm tư nó, nó nghĩ mình như anh chàng Lucky Luke cao bồi với con ngựa Jolly Jumper, đơn độc cùng những hành động cao đẹp, đi về phía mặt trời lặn mà hát rằng: “Đường trường xa mưa nắng không sờn chí, ngựa ơi! ta với mi cùng đi” (bây giờ chuyện dịch Lucky không hát câu này nữa, tiếc thật!).

Trời tối, đường không đèn, nó không thấy đường nên đi chậm hơn, chính vì đi chậm hơn nên nó cảm nhận cái rã rời của cơ thể rõ hơn, nó biết một bên túi “silicon” đã vỡ ra với cái cảm giác bỏng rát kèm với một bên mông “xẹp” xuống. Ôi trời! Rát ghê quá! Nó ké né một bên để đạp, lúc này nếu trời sáng, trông cái tướng nó đạp xe chắc người ta sẽ cho rằng nó là người tàn tật vì bại liệt một bên.

Đóng vai người tật nguyền chỉ được một lúc, do động tác niễng người để đạp xe nên toàn bộ trọng lượng bị dồn sang bên cái túi “silicon” còn lại, vì vậy mà không lâu sau nó cảm nhận rõ một sự “bùng nổ”, cái túi thứ hai bị vỡ. Thế là “hều!” (huề). Lại một lần nó phải suýt soa vì rát…Vậy là hai bên rát như nhau, đau như nhau, và ướt át như nhau nên nó không cần phải ké né né nữa, bỗng chốc nó hết tật nguyền!

Nó cắn răng chịu đựng cơn đau để đạp xe, trời tối lắm rồi mà đường về còn xa quá, nhìn những xóm làng thỉnh thoảng hiện ra trong đêm tối trên đường mà nó đi qua nó đoán dần là nó đã về tới đâu, chứ tối đen như mực thì làm sao có thể thấy cột cây số được? Giờ nó chỉ đạp xe bằng “quán tính”, không suy nghĩ, không ưu tư, không thấy đau và thôi không còn thấy ướt át dưới cái-chỗ-để-ngồi nữa. Nó cũng mất luôn cái cảm giác có cái áo may-ô mà nó đã gấp lại làm tám để lót bàn tọa… Hai chân cứ xoay vòng, xe cứ chạy tới, muốn uống nước nó cứ một tay lấy bi-đông mà mở uống, muốn lấy bớt nước trong người ra đơn giản là nó chỉ cần vén cái tà-lỏn sang một bên mà “tưới” đại xuống đường, cứ vừa chạy vừa tưới, ắt hẵn nó đã vẽ nên những hình ảnh kỳ lạ, kỳ lạ như những quyết định của nó cho đến lúc này, những hình thù bằng “nước sinh học” rời rạc ngoằn ngoèo trên đoạn đường mà nó đi qua!

Cứ vậy mà nó đi tới. Khoảng tám giờ tối nó tới Kiên Lương, vậy là chỉ còn hơn hai mươi bảy cây số là nó sẽ về đến nhà, đoạn đường từ Ba Hòn về Hà Tiên nó sẽ đi được nhanh hơn vì đoạn này là đường đất mà ít đá cục, cứ bám theo lề mà chạy sẽ êm hơn và an toàn, tốc độ của những ki lô mét cuối này tăng lên đáng kể. Lòng nó rộn ràng vì sắp về quê, sắp được ăn uống, sắp được tưởng thưởng với niềm vui của đại gia đình, sắp được tắm táp và nằm dài nghỉ ngơi trên bộ ngựa của nội nó để lại và ba đã ráng gìn giữ tới hôm nay, nó sẽ được buông ra cái con ngựa sắt mà mười mấy tiếng đồng hồ phải nhảy chồm chổm, long sòng sọc….Thôi! Sắp sửa sướng rồi, bây giờ nó không còn thấy mệt mỏi, rất nhiều suy nghĩ xộc vào đầu óc nó, nó đạp hăng lên chứ không như lúc nãy đạp theo quán tính, khi nó tỉnh táo nó bắt đầu suy nghĩ tích cực, nó thấy khả năng chịu đựng của nó, nó thấy nó thật sự “trâu bò” và một ý tưởng phát sinh trong đầu mà nó phải thực hiện, nhất định vậy! Rằng sau khi đi về Hà Tiên chuyến này trở lại Cần thơ  nó sẽ nhất định kiếm cho bằng được chiếc xe đạp, nó sẽ mưu sinh bằng xe đạp đó, nó sẽ có tiền tự trang trải những nhu cầu của nó, sẽ giúp đỡ em gái Sài Gòn của nó trong chuyện học hành… Nhất định khi nó có phương tiện là chiếc xe đạp nó sẽ đi Sài Gòn bất cứ khi nào, đường xá như vầy mà nó còn vượt qua được hàng trăm cây số, đường đi Sài Gòn trải nhựa láng o thì bõ bèn gì?

Bằng chiếc xe đạp, thêm một lần nữa, nhất định nó sẽ thoát nghèo (!).

… Đang suy nghĩ mông lung về những cái “nhất định” phải làm và đang lâng lâng sung sướng trong trí tưởng tượng thì “Rầm!”.

Khi tỉnh hồn nó không còn nhớ nãy đang nghĩ gì, giờ nó không biết gì, choáng ghê lắm, chỉ thấy mình nằm lăn quay trên một mặt phẳng bằng xi măng! Ủa, nãy mình đang chạy trên đường đất kia mà??

Qua ánh sáng lờ mờ từ xa của nhà máy xi măng Hà Tiên nó lơ mơ nhận ra là mình vẫn đang trên đường, nhưng mà là nằm (?). Chung quanh không một bóng người, không một nóc gia… Ô hay! Sao con đường đất biến đâu mất rồi mà thay vào đó là con đường xi măng? Còn chiếc xe đạp của mình đâu? Tưởng rằng chiêm bao hay mình chết rồi chăng? Thằng Bé chồm dậy nhưng ê ẩm mình mẩy, và cái đầu đau như búa bổ còn cái bàn tọa thì như dao chém, hai ống chân trần trầy xước như nhám chà, rát ràn rạt… Yên tâm rằng mình còn sống nên nó lại nằm xuống một chút để lại sức, nó nằm giữa lộ nhưng không sợ xe cộ vì ngày xưa giờ ấy có ai ra đường đâu?  Thôi thì chút nữa tính!

Nằm độ vài ba phút gì đó nó nhổm dậy vì tính nó không thích ở không. Nó đi tìm chiếc xe đạp, trong bóng tối lờ mờ nó nhận ra chiếc xe đạp nằm kia dưới thềm. À! Đó không phải “thềm” mà là cái bậc chênh lệch cao độ giữa con đường đất và con đường bê tông mà người ta đang đổ dở dang, cao độ đó là độ dày của tấm bê tông khoảng chừng 20-22 xăng ti mét (cm), tự dưng nó hiểu mọi chuyện.

Trời tối rồi, đã không thấy rõ đường mà mãi chuyện tơ tưởng những ảo vọng nên nó đã lủi mạnh vào cái “thềm” này khiến nó bị bắn ra khỏi xe (ngày xưa người ta ít chú ý đến chuyện an toàn – chẳng ai cảnh báo chi cả). Dựng chiếc xe dậy để tiếp tục hành trình vì còn hơn hai mươi cây số, thì tình cảnh hiện tại hiện ra thật “thê thảm” cho nó. Chiếc xe đạp của Khánh bị cúp cổ, cái song kiếm trước bị bẻ gục vào sườn xéo của chiếc xe đạp “đầm” khiến bánh xe trước chạy vào gần tới cái “đùm giữa”, còn cái niềng (vành xe) bằng sắt xi nên không bị gãy mà chỉ bị vẹo vọ méo mó tùm lum, cái ghi-đông cũng không bị gãy (may thay!) nhưng lại cong cúp khá thảm hại…

Nó bần thần một lúc, đốt điếu thuốc rê rít vài hơi để “sáng óc” rồi bắt tay vào việc. Đầu tiên là tháo bánh trước ra (có đem theo đồ nghề sửa xe), bỏ lên nền bê tông rồi cứ thế mà nó đạp hết chỗ này đến chỗ khác sao cho chiếc niềng tương đối tròn trở lại. Để trị cái cổ xe bị cụp nó bèn vác chiếc xe vào trong hàng rào bảo vệ chân cầu vượt của nhà máy, nó lựa một cây cọc hàng rào nào còn cứng cáp nhất để “lòn” cặp song kiếm vào và dùng hết sức lực còn lại để kéo hắn ra, nó khó nhọc kéo từng chút một, cứ một lần kéo mạnh thì song kiếm hắn hở ra vài mi li mét, cứ kéo riết khi mà cái song kiếm bung ra đủ để bánh trước không còn đụng vào sườn xéo nữa rồi nó bắt đầu gắn vào xe, cũng may là có chút ánh sáng hắt ra từ nhà máy chứ hồi xưa không có đèn đường… Cuối cùng cũng tạm xong.

Nó về Hà Tiên trên chiếc xe mượn của bạn Khánh, chiếc xe giờ đã bị nó làm cho tan nát, vè chắn bùn bị gãy làm ba đoạn, cổ xe bị cúp vào sườn, niềng xe bị ô van nên cứ mỗi vòng quay nó vẹo một phát trông thật tức cười, dân gian gọi là tướng đi “dzách ..dzách … sảnh..!!”

Ngày nay ai đi hướng Rạch Giá về Hà Tiên bằng xe hơi, xe đang đi trên đường nhựa vừa qua khỏi cầu Cống Tre để vào Kiên Lương bỗng nghe lụp phụp…lụp phụp… lụp phụp… Cánh tài xế thập phương sẽ ngạc nhiên tưởng xe mình bị cán nhầm vật lạ? Xin thưa rằng tiếng động phát ra bởi các khoảng hở của các tấm bê tông. Và, nếu có ai thắc mắc con đường này làm từ năm nào? Nó sẽ không chút ngần ngại mà nói rằng “hắn đang làm dang dở vào tháng 9 năm 1985”, và nếu họ còn thắc mắc về độ dày cùa tấm bê-tông, “xin thưa là khoảng 20 đến 22 cm”. Đó là điều chắc chắn!

… Cuối cùng nó cũng về được tới nhà, không có cái không khí “bùng nổ” như nó hằng tưởng, không có gì ầm ĩ như nó mong đợi, chỉ có một chút ngạc nhiên của má và mọi người khi biết nó đi xe đạp về từ Cần Thơ nhưng cũng không ai thắc mắc ở đâu nó có xe đạp? Nó trầy xước lung tung cũng không ai thắc mắc tại sao? Và nhất là không ai biết nó đã đấu tranh với bao nhiêu thử thách từ ba giờ sáng ở Cần T đến mười một giờ khuya đến Hà Tiên (gần hai mươi tiếng đồng hồ) vì có ai hỏi đâu mà nó kể? Chuyện ấy cho đến bây giờ gần bốn mươi năm sau nó mới kể lể chi tiết ra đây.

Giờ nó phải nghỉ ngơi, công việc cao cả (nó tự cho vậy) đã hoàn thành, bây giờ phải tự thưởng cho mình. Việc trước tiên là tắm rửa cho khỏe cho sạch sẽ bụi trần, để băng bó những vết trầy xước ngoài da, để cơ thể nó “relax” (thư giãn)… Nó chuẩn bị sẵn bông băng với thuốc đỏ tạm đủ để hành sự, thế nhưng thêm một lần nữa vào giờ thứ hai mươi mốt nó lại bị “hố” nặng!

Vào buồng tắm khi cởi đồ ra nó mới sực nhớ đến cái áo may-ô ba lỗ vì hắn lủng lẳng sau mông, hóa ra cả cái mông của nó bị tê đến mất cảm giác nên nó quên! Nó loay hoay như “chó cắn đuôi” để tìm cách gỡ cái áo ra vì ba lỗ giờ bị dính chặt vào một lỗ (?) như bị đổ keo dán sắt, nước vàng và máu rướm ra bị vải cô tông (cotton) hút khô nên giờ mới giữa vải và da không còn biên giới… Nó từ từ gỡ ra nhưng trời ạ, nó đau đến độ trên dưới gì của nó cũng đều rỉ nước (?). Bây giờ phải lấy cái ba lỗ khỏi “cái một lỗ” chứ chẳng lẽ phải để nó loòng thoòng? Nó muốn cứ để vậy lúc xối nước tắm có khi hắn sẽ rớt ra, nhưng nó sợ cái áo ba lỗ lúc đó ngấm nước nặng chịu không nổi nên lỡ như hắn tróc một cái ào thì chắc chắn các thứ phế thải trong “cái một lỗ” sẽ “xòa” hết ra sàn vì chịu không được nỗi đau, nếu đến thế thì lại thêm chuyện để làm.

Thế là một tay xối nước một tay khẽ khàng gỡ, với một thái độ thật trân trọng, thật nhẹ nhàng, thật dịu dàng như vuốt tóc người yêu vậy, dù lúc đó thằng Bé biết rõ rằng nó chẳng có cô nàng nào có mái tóc dài… phủ mông! Rồi bằng cách êm dịu như vậy, với đôi mắt nhòa lệ nó đã khiến thằng Ba Lỗ giã từ gã Một Lỗ, thằng em nhỏ đứng phía trước gã Một Lỗ cũng phải nhỏ vài giọt nước cam chịu. Quả thật, cuộc chia ly này thật ướt át…

Kết quả là một tuần nằm sấp để lành vết thương (ngoài) lòng, chính xác là ngoài sau và phía dưới! Sau đó nó sửa xe cho bạn Khánh rồi cầm tiền của Tí (hay má?) cho, nó quăng chiếc xe đạp lên nóc xe đò mà về lại Cần Thơ.

Chuyến đi “lịch sử không bao giờ được lặp lại” như trên đã dẫn tiếp một câu chuyện nữa của má nó. Bà đã cầm giấy báo điểm ĐHCT của anh Quang để ra công quyền. Bà gõ cửa các nơi để xin cho con bà được đi học, nhưng người ta trả lời thẳng thừng là gia đình bà “đối tượng 11” nên không được đi học, rằng người ta đã giải quyết cho một đứa (là thằng Bé) đi học rồi..v..v.. Không chấp nhận với cách trả lời đó vì con bà học giỏi và xứng đáng được đi học Đại Học, nên bà đã cố gắng « lý sự » với các cấp ngay cả cấp cao nhất ở địa phương. Cuối cùng con bà cũng được đi học.

Anh Quang nhập học trễ gần hai tháng, do trường hợp này đặc biệt và phòng Đào Tạo ĐHCT biết rõ do thằng Bé có trình bày với thầy Lê Thế Dõng hiệu phó trường trước khi nó đạp xe về Hà Tiên, nên anh ấy vào trễ cũng không gặp trở ngại gì ngoài chuyện phải cố gắng theo kịp bài vở của trường lớp…

Trương Minh Nhật Quang làm luận án tiến sĩ về ngành mà anh say mê là “diệt virus máy tính” vào năm 2009. Hiện anh là Phó hiệu trưởng trường Đại Học Công Nghệ Cần Thơ.

Mời các bạn vào đường link dưới đây.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_Minh_Nh%E1%BA%ADt_Quang

Còn thằng Bé? Sau cái ngày hôm đó nó “phát hiện” ra khả năng của nó, rằng nó có thể đạp xe hàng trăm cây số và suốt đêm, nó đã mua trả góp một chiếc xe đạp, rồi hành nghề “xe đạp ôm” như nó mơ tưởng để có tiền ăn học mà không phải nhờ vả gia đình. Bằng chiếc xe đạp ọp ẹp trả góp đó từ Cần Thơ nó đã đạp đi SG để “cua” được một em gái, rồi cũng bằng tiền đạp xe nó đã chuẩn bị lễ vật để đưa em về làm dâu xứ sở xa lắc tận cùng miền biên viễn Hà Tiên này…

Cảm ơn bác sĩ Lâm Nguyên Khánh lần nữa vì ngày xưa bạn đã cho nó mượn chiếc xe đạp (là cả tài sản cả sinh viên ngày ấy), và xin lỗi bạn vì thằng nó này đã làm hỏng xe của bạn.  

Nó hay làm những chuyện “bứt gân”!

Quang Nguyên (Viết 2013 – hiệu chỉnh 5/2022).

Chân dung Quang Nguyên trong thập niên 80, khuôn mặt của một sinh viên còn đang theo học ngành Sư Phạm, Đại Học Cần Thơ.

 

Laisser un commentaire