Cầu Cơ (Hồ Thị Kim Hoàn)

Thầy cô và các bạn thân mến, cái lớp Đệ Tứ Quốc Tế nầy quả thật có rất nhiều câu chuyện để kể ra cho chúng ta nghe….Nào là chuyện phá thầy, phá lớp rồi đến chuyện con trai thì lên núi lén uống rượu, hái trộm dừa, con gái thì kể chuyện thư tình do con trai viết tỏ tình đưa thư…., mà cũng nhờ cái lớp quá đặc biệt nầy mà ngày nay chúng ta mới có một nghìn lẻ một câu chuyện được các bạn lần lượt kể ra cho bạn đọc « Trung Học Hà Tiên Xưa » nghe…Hôm nay, sau khi đã kể các câu chuyện rất lãng mạn và đẹp như thơ của ngày xưa (« Thư tình », « Em yêu Thầy »,…v…v…), cây bút quen thuộc Hồ Thị Kim Hoàn sẽ cho chúng ta biết một phương pháp lạ để khai thác tâm hồn, nhất là để tìm hiểu ai yêu ai, ai không thương ai…..!! Trong giới học trò ngày xưa của chúng ta, chúng ta đã thử qua hết mọi trò chơi, không từ một trò chơi nào cả, trong  các hoạt động đó, có một thú chơi có cái tên rất « tâm linh » là môn « Cầu Cơ » !!! Nói thật với thầy cô và các bạn, cái gì mà có ma, có hồn trong đó thì không có mình vô rồi đấy, vì ngày xưa bản chất của mình là rất sợ ma…(đến ngày nay đã quá lục tuần rồi mà vẫn còn sợ « con ma »…kể cả ma có móng tay dài và nhéo rất đau…!!).  Hồi xưa mình cũng có nghe nói là muốn Cầu Cơ thì phải kiếm cho được một miếng ván hòm, mà phải là loại hòm đã dùng rồi để chôn người chết, nếu vậy thì chỉ có đào mả người ta mới có thứ ván hòm nầy thôi…Lại nhắc lại hồi xưa, đã có hàng trăm lần bọn học trò mình lên núi Lăng chơi, lúc thì hái trộm trái « Sơn Trà » của Ông Từ Ngươn, lúc thì đào khoai mì để nướng ăn (cũng của Ông Từ Ngươn)…, trong những lúc lên núi chơi nầy mình cũng còn nhớ mơ hồ là có bạn nào đó có chỉ một cái mả nào đó bị sụp đất và để lòi cái hòm ra ngoài, ai muốn lấy ván để làm Cầu Cơ thì tới đó khẻ một miếng…Lúc đó quả thật là mình không dám bén mảng đến đó…

Nếu nói đến chuyện Cầu Cơ một cách nghiêm túc thì mình có đọc sách về lịch sử Đạo Cao Đài, thì có đọc đến đoạn ngày xưa có ông Ngô Văn Chiêu, khi ông còn làm việc ở Hà Tiên, ông thường lên Thạch Động cầu cơ với các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu, có khi cầu cơ tại nhà ông Lâm Tấn Đức ( hiệu Hữu Lân, là bác ruột của thi sĩ Đông Hồ)…thường là có Tiên về cho cơ các bài thơ về Đạo Pháp…(1920-1926)…

Thôi trở lại trò Cầu Cơ của nhóm học trò, học trò thì chỉ tò mò muốn biết người học trò con gái mà mình đang chú ý có thương yêu mình không, nên bày ra chuyện Cầu Cơ để cho rỏ…đó là nội dung của câu chuyện do Kim Hoàn kể ra dưới đây, bảo đảm là tất cả những chuyện được kể trong Blog THHTX nầy đềy là sự thật nên câu chuyện Cầu Cơ của Kim Hoàn nầy sẽ rất lý thú, mời thầy cô và các bạn đọc qua nhé,..(TVM viết lời giới thiệu, 02/2019)

Cầu cơ (Hồ Thị Kim Hoàn)

Khoảng năm tôi học đệ ngũ, đệ tứ, trò chơi “cầu cơ” rất thịnh hành trong giới học trò chúng tôi. Chẳng biết làm thế nào mà bạn tôi kiếm được 1 mảnh ván hòm thứ thiệt, cắt thành hình trái tim nhỏ xíu, vừa đủ đặt lên 2 ngón tay. Rồi cùng nhau khấn vái:

Cơ huyền diệu lạy trời xoay thấu
Kiếp phù sinh kết cấu loài người
Còn đâu tiếng hát câu cười
Còn đâu mà niệm cuộc đời tối tăm
Đêm giá lạnh đìu hiu gió bấc
Chốn nào đây phảng phất mùi hương
Hồn ai lai vảng bên đường
Cho ta hỏi chút chuyện lòng người ơi!
Hồn ở bờ sông bờ suối
Hay hồn ở ngọn núi cành đa…

Tôi chưa hề tin dị đoan, nhưng tôi tò mò muốn biết mấy bạn của tôi có tự tay đẩy tấm ván hòm theo ý của mình không, nên nhiều lần tôi đã xung phong “cầm cơ”. Quả thật kỳ lạ, có 1 sức đẩy vô hình khiến tay tôi nhanh chóng xoay vòng theo từng mẫu tự, để mọi người cùng đọc được những gì mà thánh thần hay ma quỷ trả lời. Đa số những câu trả lời đều đúng chính xác, khiến lũ học trò mê mẩn với trò chơi này, mặc dầu biết có nhiều người đã bị “ma nhập” tới nỗi ngẩn ngơ như kẻ hồn phi phách tán.

Có một lần cùng bạn bè tụ họp vui chơi xong, khi ra về thấy trời còn sớm nên chúng tôi kéo nhau tới nhà Ngọc Lê để cầu cơ. Hôm ấy tôi không “cầm cơ”, tôi ngồi nghe các bạn hỏi “thần cơ” đủ thứ chuyện. Một anh bạn chợt hỏi:

          – Hồn có biết Phong nó đang yêu ai không?

          – Biết!

Tôi muốn đứng tim, vì chuyện này tôi biết rõ hơn ai hết. Lạy trời cho Thánh thần đừng có khai ra.

          – Phong yêu ai?

          – Yêu Hoàn.

Tên bạn không chịu ngưng, hắn hỏi thêm:

          – Vậy Hoàn có yêu Phong không?

          – Không!

          – Vậy chứ Hoàn yêu ai?

          – Chưa yêu ai hết!

Ui chu choa! Tôi vừa thấy… nhẹ nhõm, vừa len lén đưa mắt nhìn Phong. Anh cũng đang nhìn tôi, ánh mắt tình tha thiết. Ánh mắt yêu thương đó đã dành cho tôi hơn năm nay, cùng với nhiều lá thư tình ướt át, đắm say của tuổi học trò. Đêm ấy, tôi đọc được trong ánh mắt Phong nỗi xót xa, buồn bã! Tôi cúi mặt như kẻ phạm tội, mặc dầu tôi chẳng có lỗi chi.

Trời đã khuya, bọn chúng tôi chia tay. Trên đường về nhà, vẫn là mấy người bạn trai thân thiết đưa tôi về. Hình như có Phong, Thanh Hào, Phước An, Vĩnh Tuấn. Thấy không khí ngột ngạt vì bộ mặt như đưa đám của Phong, nên An cố đùa vui:

          – Bữa nay đi chơi về khuya quá, Lại đi với một đám con trai, coi chừng về nhà em bị đòn đó nhe.

Thấy im lặng quá, An đùa thêm:

          – Chừng nào có bị đòn, để tui chịu đòn thế cho nhé.

Không ai cười hết!
Mấy anh bạn biết điều, cố ý đi nhanh chân, để cho Phong đi sau với tôi. Tôi muốn an ủi Phong, và tôi đã nói một câu… vô duyên:

          – Ai biểu cầu cơ làm chi!

Phong im lặng. Chúng tôi đã từng nói với nhau những gì muốn nói. Tôi 14 tuổi, tôi chưa biết yêu, tôi thích học, tôi mê sách vở, nên tôi đã không đáp lại tình yêu của Phong.

Lúc ấy tôi nghĩ thế, nhưng sau này tôi mới hiểu tình yêu không thể muốn hay không muốn, mà tình yêu hiện diện ngoài sự tham dự của lý trí.

Chúng tôi đi dọc theo đường Bến Trần Hầu. Tiếng sóng biển êm êm rì rào. Làn gió nhẹ mơn man lùa vào mái tóc. Tôi cảm nhận được hồn tôi xao xuyến lâng lâng. Được yêu! Đó là một món quà của Thượng Đế. Mãi mãi là một nỗi hạnh phúc vô biên!

Hồ thị Kim Hoàn (02/2019)

Nữ sinh Trung Học Hà Tiên xưa: Hồ Thị Kim Hoàn trong những năm cuối thập niên 60. Hậu cảnh là Đá Dựng Hà Tiên, hình HTKH

Một bảng cầu cơ hiện đại và quả tim bằng cây của người Tây Phương dùng trong việc Cầu Cơ

Laisser un commentaire