Vở kịch ngày xưa (Hồ Thị Kim Hoàn)

Thầy Cô và các bạn thân mến, đáng lẻ ra bài viết nầy phải ra đời từ lâu, vì bài viết kể lại một kỷ niệm rất đáng yêu và đáng nhớ…Không biết tại sao Kim Hoàn lại không nhớ ra sớm hơn để chúng ta được thưởng thức một câu chuyện thật vui thời học sinh ở Trường Trung Học Hà Tiên xưa…Nhưng cũng may có Trương Công Bạch làm vai trò động cơ khiến cho Kim Hoàn bổng dưng chợt nhớ về kỷ niệm xưa và đã cống hiến cho chúng ta câu chuyện nầy với vài bức hình xưa rất là quý giá và rất đúng mong đợi của chúng ta….(cám ơn Trương Công Bạch và Hồ Thị Kim Hoàn rất nhiều nhé…). Mình còn nhớ rất rỏ trong vở kịch do Trương Công Bạch diển ra, vào một đoạn, Bạch đầu đội chiếc nón rộng vành rất « cao bồi ».., và một chân gát trên chiếc bàn nhỏ, đứng giữa sân khấu rất oai phong, diển đúng vai trò một thành phần « anh chị » trong xả hội…Còn việc Kim Hoàn nhắc là mình có góp phần đệm nhạc cho vở kịch thì thú thật mình cũng hơi quên, chỉ nhớ mang máng là trong toàn bộ phần ca nhạc kịch của ngày hôm đó, mình quả thật có phụ trách phần chơi đàn guitar cho các bạn học sinh hát trong chương trình…Còn nhớ mình đệm bài « Lời Thề Trên Đá » cho em Quách Ngọc Điền ca rất hay và rất xôm tụ…Đọc qua bài viết mình rất khâm phục Kim Hoàn, vừa là « nhà soạn kịch » vùa là « đạo diển » cho vở kịch,…còn em Kim Phượng thì phải ngả mũ chào vì Kim Phượng đã góp phần rất lớn cho sự thành công của buổi trình diển ca nhạc kịch hôm đó, đến ngày hôm nay mình mới biết vai trò của Kim Phượng như vậy nhờ Kim Hoàn kể lại. Vậy xin thay mặt cho Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », xin tặng danh hiệu « Scriptwriter » cho Hồ Thị Kim Hoàn và danh hiệu « Producer » cho Hồ Thị Kim Phượng nhé…(Trần Văn Mãnh viết phần giới thiệu)

Vở kịch ngày xưa

Tôi ngỡ vở kịch năm ấy đã chìm vào quên lãng, cho tới khi đọc được những dòng chữ của anh Trương Công Bạch, thì ra bạn tôi vẫn nhớ đến, như một kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.
Bạch viết: “Thời gian đó thì mình ốm nhom, ốm nhách, mà ai lại giao mình đóng vai ăn chơi sa đọa vậy trời?”.
Kẻ đó chính là Hồ thị Kim Hoàn đấy sư huynh ơi! Huynh nhớ đúng lắm. Niên khóa 69 – 70 lớp đệ tam của mình dám đứng ra tổ chức buổi văn nghệ bán vé lấy tiền giúp cho đồng bào Việt kiều ở Campuchia hồi hương.
Thuở ấy lớp tôi không có nhiều “ca sĩ”, nên phải vận động thêm các bạn lớp khác để giúp vào chương trình. Riêng tôi phụ trách viết một vở kịch, vừa làm đạo diễn, vừa được quyền chọn lựa “diễn viên” thủ vai.
Nội dung vở kịch là cô gái nhà lành có bạn bè trót lỡ theo đám du đãng hút sách. Rốt cuộc nhờ tình thương yêu của cha mẹ, nên cảm hóa được các bạn trở về con đường thiện, làm lại cuộc đời.

Nói về việc lựa chọn “diễn viên”:
– 2 vai chánh: Gái nhà lành dĩ nhiên tôi dành cho tôi đóng. Còn gái bụi đời thì dành cho Trang Lệ Thủy, bạn thân của tôi.
Rồi tôi nhìn chung quanh:
– Trương Thanh Hào, cao ráo, đạo mạo. Dưới mắt tôi hia hơi già, quá thích hợp đóng vai papa của tôi. Sau cái vai diễn này thì hia Hào được các bạn tự động gọi là “bác Hai”.
– Trần Thị Thanh Tuyên, cũng cao và gầy, xứng đôi với papa lắm. Thủ vai mama vậy!
– Các bạn bụi đời gồm: Trang Lệ Thủy, Nguyễn Ngọc Lê, Trương Công Bạch…
Khi nhắc lại chuyện này, Lệ Thủy có hỏi tôi:
– Sao chọn tao đóng vai « anh chị » vậy?
– Tại lúc ấy thấy mặt mày kênh kênh, hách xì xằng lắm. Còn Ngọc Lê thì mặt “ngầu” không kém.
Riêng anh Bạch, không hiểu sao tôi lại chọn anh. Anh và các bạn trai lớp tôi trông hiền lành quá, chắc tôi không tìm được ai thích hợp để đóng vai bụi đời chăng?
Vở kịch này do anh Trần văn Mãnh đệm đàn guitar làm nhạc nền. Hia Hào còn đề nghị anh Mãnh dạo bài “Lòng mẹ” khi vở kịch kết thúc, để mong tạo cảm xúc trong lòng khán giả.

Về chuyện bán vé: Hình như hơi… ế ẩm.
Tôi bèn nảy ra ý, nhờ em gái là Kim Phượng đi một vòng phố chợ Hà Tiên bán vé. Con bé giỏi… ngoại giao lắm, cho nên kết quả rất khả quan:
– Em bán được mấy chục vé rồi chị. Nhiều tiệm buôn ở quanh chợ mua vé, nhưng người ta nói là ủng hộ thôi, chưa chắc sẽ đi xem hát đâu. Còn đám bạn lớp em thì hứa chắc chắn sẽ đến, để coi chị Hoàn đóng kịch đó mà.
Ui chao, chẳng hiểu sao mới 15 tuổi mà tôi “gan” đến như vậy! Dám “tự biên, tự diễn” trong khi chưa từng trãi qua trường lớp nào. Tôi lo lắng lắm, chẳng biết mình làm nên việc hay không? Nhưng tôi cũng tự an ủi, thôi thì mình chỉ muốn làm việc từ thiện, có lấy tiền bạc chi đâu mà ái ngại.
Tôi đã chọn cho mình mặc chiếc áo dài đẹp nhất. Mama Tuyên cũng mặc áo dài. Papa Hào thì diện áo sơ mi láng mướt. Còn “băng anh chị” thì chọn bộ đồ nào thật hippy, thật bụi.

Và rồi buổi văn nghệ cũng trôi qua êm đềm. Có nhiều ca sĩ của các lớp khác trình diễn, tôi nhớ nhất là Huỳnh văn Bé, hát bài “Lá thư” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Học sinh 14 tuổi, hát nhạc tiền chiến, quá tuyệt vời!
Trong số khán giả, có một “sư huynh” vừa từ Sài Gòn về xem văn nghệ. Anh nhìn tôi, ánh mắt chứa chan cảm mến:
– Em thích làm những việc này lắm hở?
– Dạ, em rất yêu thích!
– Vậy thì hãy đi trên con đường mà em ước muốn. Anh mong giấc mơ của em được thành.
Ước mơ của tôi đâu có xa vời lắm, vậy mà tôi không thực hiện được.

Đó là vở kịch đầu tiên và cuối cùng tôi viết. Cũng là vai nữ diễn viên chánh duy nhất của tôi trên “sân khấu” của ngôi trường trung học Hà Tiên.
Nhớ lại, thấy thương các bạn quá. Tất cả đều sẵn lòng bên cạnh tôi, hổ trợ tinh thần suốt quãng thời gian chúng tôi tập dợt diễn kịch.

Nhớ ơi là nhớ, các bạn thân yêu của tôi!

Hồ thị Kim Hoàn

(Jan.12. 2017)

 

1bTrang Lệ Thủy và Hồ Thị Kim Hoàn trong một tư thế « tạo dáng » rất nghệ sĩ của những năm 60-70

Hai bạn học thời Trung Học Hà Tiên: Hồ THị Kim Hoàn và Trang Lệ Thủy

3cTrái: Hồ Thị Kim Phượng (« Producer ») và phải: Hồ Thị Kim Hoàn « Scriptwriter » của « Vở Kịch Ngày Xưa »

truongcongbach_1Trương Công Bạch thủ vai « chàng trai bụi đời » trong « Vở Kịch Ngày Xưa »

JpegTrương Thanh Hào thủ vai « người cha » trong vở kịch…

dsc05969« Bộ Ba » của « Vở Kịch Ngày Xưa » hiện nay, trái qua phải: Trang Lệ Thủy, Trương Thanh Hào, Hồ Thị Kim Hoàn

Hính ảnh: Hồ Thị Kim Hoàn, Trương Công Bạch, Trương Thanh Hào, Trang Lệ Thủy

2 réflexions au sujet de « Vở kịch ngày xưa (Hồ Thị Kim Hoàn) »

Laisser un commentaire