Ngày đẹp nhất của năm 2023 (Thầy Lê Văn Trợ)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thời gian một năm hay ngay cả một cuộc đời, có những ngày ta cho là ngày đẹp nhất, ngày đáng ghi nhớ nhất hay ngày không bao giờ quên được… Những ngày đó có thể (hay phải nói là chắc chắn) là ngày đám cưới của ta, ngày ta sinh ra, ngày ta gặp một người nào đó, …v…v…Mọi kết luận chắc phụ thuộc vào nhân vật, hoàn cảnh, và sự kiện…Như vậy đối với một người theo nghiệp phấn trắng bảng đen, một người thầy giáo, những ngày đẹp nhất chắc phải là những ngày các em học trò đến nhà thầy cô thăm viếng, còn là một ngày phải nói là đẹp hơn hết cả nếu cuộc thăm viếng đó xảy ra sau bao nhiêu chục năm thầy trò xa cách, không gặp mặt nhau vì dòng đời khiến mỗi người có một hướng đi riêng…Người thầy thì có thể vẫn còn cầm viên phấn trắng mặc dù đôi mắt thầy bắt đầu hơi mờ theo thời gian, hay đã xếp lại giáo án về quê nhà hay một nơi nào đó nghỉ ngơi sau một cuộc đời dài cống hiến cho ngành giáo dục, người học trò thì đã thành người đúng nghĩa do sự giáo hóa của trường học và nay đã ra đời sống thi thố tài năng, phục vụ xã hội,…Cuộc hội ngộ lúc đó lại càng có nhiều ý nghĩa và chắc phải khiến cho cả thầy lẫn trò đều xúc động….Như vậy không phải là cường điệu hóa khi thầy Lê Văn Trợ dùng cái tựa của một bài viết như câu « Ngày đẹp nhất của năm 2023″…

Ngày đã nói trên trong năm 2023 là ngày nào…, có thể là ta cho không quan trọng lắm ngày tháng chính xác theo kiểu ghi trong giấy tờ, ta chỉ cần biết là đó là một ngày đã xảy ra trong năm 2023, một ngày mà có rất nhiều học sinh cũ của ngôi trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên đã từ Kiên Lương lên Sài Gòn tìm đến nhà thầy Lê Văn Trợ để thăm thầy, càng có ý nghĩa hơn là trong nhóm học trò thăm thầy, có những em đã hơn 40 năm qua chưa gặp lại thầy…!

Thầy Lê Văn Trợ bắt đầu dạy môn Sử Địa trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên vào những năm đầu của thập niên 80 (1980), theo các nhận xét của học trò Hà Tiên vào thời đó, thầy Lê Văn Trợ có một thói quen là thức dậy rất đúng giờ và tập thể dục không bỏ ngày nào. Sau một thời gian vài năm, thầy Lê Văn Trợ rời Hà Tiên về Sài Gòn để tiếp tục tu nghiệp theo môn Anh Văn tại trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, sau đó thầy Lê Văn Trợ làm giảng viên môn Anh văn tại Sài Gòn. Hiện nay thầy đã về nghỉ hưu tại Sài Gòn, vì thế các em học sinh ngày xưa có dịp đến thăm thầy như đã nói ở trên. Bài viết mang tên « Ngày đẹp nhất của năm 2023 » do thầy Lê Văn Trợ cảm xúc viết ra sau cuộc thăm viếng của các em học sinh ngày xưa, xin mời thầy cô và các bạn hãy thưởng thức lời thuật lại của thầy Trợ cuộc gặp gở đó nhé. Paris, ngày 11/11/2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu.

NGÀY ĐẸP NHẤT CỦA NĂM 2023 (Thầy Lê Văn Trợ)

« Khi Thầy viết bảng bụi phấn bay bay.
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.
Có hạt bụi nào rơi trên tóc Thầy.
Em yêu phút giây nầy… » (1)

Ngày đầu đặt chân đến Hà Tiên, khi tiếp xúc với người địa phương chính gốc, chúng tôi có ngay một ấn tượng đẹp: Ngài Mạc Cửu, người khai sáng đất Hà Tiên, đã giáo hóa cư dân ở đây theo tinh thần Nho Giáo, NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN. Về sau, khi tìm hiểu về Tao đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích, chúng tôi biết rằng, ngoài việc xướng họa thơ ca, Chiêu Anh Các còn là nơi thờ các vị thánh hiền như Đức Khổng Tử.

Kiên Lương là một thị trấn cách Hà Tiên 30 km trên đường Hà Tiên – Rạch Giá. Đa phần người dân Kiên Lương là dân nhập cư về sống và làm việc cho nhà máy xi măng Vincem Hà Tiên. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy không phải là người Hà Tiên chính gốc, nhưng cách đối nhân xử thế của họ, khiến người thứ ba không phân biệt được đâu là Hà Tiên, đâu là Kiên Lương.

Tháng 10 – 2023 vừa qua, một lớp học sinh cũ của trường Phổ Thông Trung Học Hà Tiên tổ chức họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày rời trường. Các em có mời, nhưng do điều kiện, tôi không thể về được. Sáng thứ tư 01- 11- 2023, một số học sinh cũ PTTT Hà Tiên đi chuyến xe đêm từ Kiên Lương lên Sài Gòn để thăm tôi. Tất cả các em đều là người Kiên Lương.

10g30 các em đến nhà. Trong số các em, có Ngọc Ngân do sống ở hải ngoại, nên 40 năm, nay mới gặp lại. Sau một vài tách trà cùng ôn lại chuyện xưa, các em mời tôi đi dùng bữa trưa tại một nhà hàng. Vì biết Nha Trang là quê hương thứ hai của tôi, nên các em đưa tôi đến một nhà hàng thức ăn biển dân dã trên đường Trần Quốc Thảo, Q 3. Ngày còn ở quê, món ăn làm từ hến là rất bình thường, nhưng kể từ ngày xa quê đến nay, 60 năm, đây là lần đầu tiên, tôi gặp lại món hến, nên sáng hôm đó, tôi rất nhiệt tình với món này. Ngoài ra, những món khác như cá bống kho, lẩu, canh chua, v.v… cũng rất hầp dẫn.

Trước covid 19, do lịch làm việc, mỗi ngày, chúng tôi thường rời nhà sau 8g sáng, đến khoảng 12g trưa về lại nhà, chiều đi tiếp từ lúc 2g và về đến nhà có bữa là 10g đêm, một số bữa là 11g. Lúc đó, gần như tối nào cũng vậy, trừ chúa nhật, tôi thường đi ngủ lúc 12g khuya. Để chống stress, tôi tích cực thể dục mỗi sáng sớm, đôi khi, tôi tìm một chút thư thả trong các quán cafe sân vườn. Chỉ quanh quẩn trong khu dân cư nơi tôi ở, nên tôi luôn có một ấn tượng Gò Vấp là nơi có nhiều café sân vườn đẹp nhất Sàl Gòn. Thực ra, có « đi một ngày đàng mới học một sàng khôn. » Sau cơm trưa, chúng tôi đến một quán cafe sân vườn trên đường Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận. Không gian nền của quán là một hồ cá với đa dạng các loài cá đẹp. Tất cả các lối đi đều trên mặt nước. Chỗ ngồi của khách nằm trong lòng hồ, cá lội tung tăng chung quanh. Bàn cafe hình tròn và chỗ ngồi cũng là một hình tròn vòng quanh bàn. Một không gian nhân tạo nhưng đẹp tự nhiên và nó đã đem đến cho thầy trò chúng tôi một buổi chiều cuối thu bình yên và thanh thản. Chúng tôi xem ngày nầy là ngày đẹp nhất, đáng yêu và đáng nhớ nhất của năm 2023. Đẹp, trước hết và chủ yếu, là vì tấm lòng.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Sài Gòn có những ngày trời mưa tầm tã, đôi khi cả sáng lẫn chiều, nhưng hôm đó, nắng rất đẹp. Thiên nhiên đẹp và con người hài hòa với thiên nhiên. Đáng yêu, vì từ nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên, tôi mới có dịp bước vô một nhà hàng, được thưởng thức những món ăn vừa quen vừa lạ lại vừa ngon.

Trong các loại hình lao động, công việc của người đứng trên bục giảng là khó đánh giá nhất, vì nó có những kết quả rất gần, nhưng cũng có những kết quả rất xa đến nhiều năm sau khi học sinh rời trường, thành quả mới được công nhận. Đó là chưa kể những kết quả trừu tượng, chỉ có lương tâm của người làm công tác giáo dục mới biết. Cứ mỗi lần gặp lại, các em học sinh cũ trường Hà Tiên luôn làm tôi nhớ đến ý tưởng của một học giả phương Tây, « Nếu bạn không làm được một ngôi sao giữa vòm trời cao rộng thì bạn hãy làm một ngọn đèn trong nhà vậy », các em học sinh cũ trường Hà Tiên mà tôi gặp lại đểu là những ngọn đèn. Các em lên thăm chúng tôi đây, có em hiện đang sống và làm việc tại Úc, nay trở về thăm quê Kiên Lương, có em là đồng nghiệp chúng tôi, có em làm việc cho Vincem Hà Tiên, có em là bác sĩ giám đốc bệnh viện, v.v… Chúng tôi thích những ngọn đèn có thực hơn là những ánh hào quang loé lên rồi vụt tắt. « Con hơn cha là nhà có phúc. » Chúng tôi chỉ mong có vậy. Chính các em là những người đã làm sống lại trong tôi quãng thời gian sống và làm việc tại Kiên Lương – Hà Tiên. Tuy không dài, 5 năm học, nhưng tôi xem đây là quãng đời có ý nghĩa nhất và đẹp nhất trong sự nghiệp của một người đưa đò. Năm tôi ra trường, 1979, lúc này trường PTTH Hà Tiên đang sơ tán vể Kiên Lương do chiến tranh biên giới năm 1979.

Những ngày sơ tán Kiên Lương
Ngôi trường mái lá bên đường có nhau.

Hai năm học sau, năm học 1981- 82, trường dời về lại Hà Tiên. Hà Tiên hay Kiên Lương, thời kinh tế bao cấp, ở đâu cũng vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhất là địa phương là vùng thiếu nước ngọt kinh niên. Nhưng cái nghèo, cái khổ cũng có mặt tích cực của nó. Trong gian khổ, con người dễ cảm thông và dễ gần gũi nhau hơn. Đến đây, bẩt chợt, tôi nhớ lại một chuyện nhỏ. Hà Tiên là một vùng đất già truyền thống văn học nghệ thuật tại đồng bằng sông Cửu Long. Tết âm lịch năm 1983, ban Văn hóa thông tin huyện Hà Tiên lên kế hoạch ra một đặc san mừng xuân. Người phụ trách tờ đặc san mời tôi viết bài cộng tác. Tôi cảm thấy lúng túng. Chỗ quen biết, từ chối rất khó, mà nhận lời lại càng khó hơn. Hồi đó, mỗi tối, trước giờ đi ngủ, tôi thường đi bộ chậm rãi qua lại trên hành lang trước phòng nội trú giáo viên. Trong khi đi như vậy, tôi nghĩ ra được mấy câu thơ, góp thành một bài và gởi đăng. Chủ thể bài thơ là một cô giáo trẻ mới ra trường.

Em mang mùa xuân vào lớp học
Mang cả trái tim chan chứa tình người…
Màu phấn trắng như lòng em trong trắng
Màu bảng xanh như tà áo em xanh
Trên bục giảng em ươm mầm hy vọng
Hoa sẽ đơm bông quả sẽ ngọt lành…
Cuộc sống mới còn gian nan vất vả
Nhưng em ơi ta quyết chí bền lòng
Bên đàn em cùng giáo án bảng xanh
Viên phấn trắng là lẽ đời ta đó.

Sau khi bài thơ được đăng lên tờ báo nói trên, trong một bữa tiệc nhỏ, ngồi cạnh tôi là Bùi Thế Hưng, nhân viên ban giáo dục Hà Tiên. Hưng tỏ ý muốn phổ nhạc bài thơ. Phổ nhạc xong, Hưng đưa tặng tôi một bản. Tôi chỉ biết đến đó. Phần còn lại, tôi viết theo lời kể của Hưng. Sau đó, Hưng đem bản nhạc đi dự Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Kiên Giang, dường như theo tôi nhớ, cũng vào dịp Tết năm đó, và chiếm giải nhất sáng tạo tự biên tự diễn. Tôi giữ mãi bản nhạc nầy như một kỷ niệm không bao giờ quên với trường Trung học Phổ thông Hà Tiên.

Cuộc hội ngộ của Thầy xưa Trò cũ chúng tôi thật viên mãn, thật vui và cảm động. Chúng tôi chia tay nhau khi trời chiều vừa xế bóng.

« Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài ». (2)

Tác giả : Lê Văn Trợ, nguyên giáo viên trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên trong những năm 80.

Chú thích:

(1) Thơ của Lê Văn Lộc, được Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài « Bụi phấn ».
(2) Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ Trung Học Hà Tiên Xưa giữa thầy Lê Văn Trợ và các em học sinh ngày xưa: trái qua phải: Lê Ngọc Ngân, Hồ Thanh Tuyền, Lê Li Fa, thầy Lê Văn Trợ, Hàng Phụng Linh, Nguyễn Thị Bích Thủy. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ Trung Học Hà Tiên Xưa sau hơn 40 năm giữa thầy Lê Văn Trợ và học sinh Lê Ngọc Ngân. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ giữa thầy trò Trung Học Hà Tiên Xưa. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Tái bút: Trân trọng cảm ơn thầy Lê Văn Trợ đã vui lòng cho đăng bài viết của thầy, không quên cảm ơn Lê Ngọc Ngân đã cung cấp hình ảnh quý và cảm ơn Trương Minh Quang Nguyên đã giới thiệu bài viết của thầy Lê Văn Trợ và cám ơn tất cả các em học sinh có mặt trong các hình trên. (TVM)

Laisser un commentaire