Anh Hào, anh Kiệt (Hồ Thị Kim Hoàn)

Thầy cô và các bạn thân mến, có một thời xa xưa ở nơi Hà Tiên nhỏ bé của chúng ta, ai ai cũng biết nhau, nhất là đối với những bạn bè và người quen biết trong khu phố chợ Hà Tiên. Mình muốn nhắc đến những cặp anh em sinh đôi mà ít nhiều có « tiếng tăm » ở Hà Tiên… Thứ nhất là cặp sinh đôi mà chính mình là một trong hai: Trần Văn Dõng và Trần Văn Mãnh, rồi cặp Lâm Tấn Hào, Lâm Tấn Kiệt (gia đình có tiệm thuốc tây Thanh Bình ở phía dưới chợ cá cũ), cặp Phật Tử ở chùa Tam Bảo ngày xưa Khưu Thiên Phước, Khưu Thiên Lộc,…v…v….., và còn nhiều nữa mà mình không nhớ ra tên. Ngoài ra ở Hà Tiên còn có những cặp sanh đôi nữ nữa…Bây giờ nói trở lại cặp anh em sanh đôi Lâm Tấn Hào, Lâm Tấn Kiệt: đó là hai người bạn thân của anh em mình ngay từ thời còn học trường Tiểu Học. Hào, Kiệt, Dõng, Mãnh đều học chung một lớp ở bậc Tiểu Học. Mình còn nhớ nhiều kỷ niệm với Hào Kiệt lúc còn ở Tiểu Học, nhất là lúc học lớp Nhứt với thầy Nguyễn Văn Pho. Nhớ có năm học lớp Nhứt đó, thầy Pho cho làm thủ công, mỗi học trò trong lớp phải làm một cái nhà nhỏ bằng giấy carton. Mình và Lâm Tấn Hào đem vào lớp mỗi đứa một cái nhà bằng giấy rất đẹp, có bạn làm một căn nhà tuy rất đẹp nhưng rất giống loại nhà người ta đốt khi cúng cho người chết, thầy Pho nhìn cười và nói sao giống « nhà táng » quá…!! Ngoài sinh hoạt ở lớp học ra, mỗi buổi chiều hai anh em mình thường đến nhà hai bạn Hào, Kiệt ở đường Mạc Công Du để rủ đi chơi. Lần nào cũng vậy, hai bạn Hào và Kiệt nói chờ tắm xong sẽ đi, vì là con nhà giàu nên chiều nào cũng tắm rửa sạch sẽ trước khi đi chơi…Lúc đi chơi thì cả nhóm kéo tới các băng đá ở Đài Kỷ Niệm Hà Tiên, ngồi nhìn ra mé sông, và nói đủ thứ chuyện, dĩ nhiên là không thiếu chuyện con gái…Lúc đó còn có bạn Khoa (mình quên họ rồi, hình như là Châu Văn Khoa) con của chủ tiệm cơm Xuân Thạnh cũng đi chơi chung, và có một người bạn mang kiếng cận con của chú phát thơ làm ở Bưu Điện thời đó, cũng có hai anh em bạn Túc con của nhà Mã Chính Yên ở phía Đông Hồ trước bến tàu đi Rạch Giá….Cuối năm học lớp Nhứt, phải chuẩn bị thì vào lớp Đệ Thất, năm đó đề ra về môn toán rất khó, còn đề môn Văn thì phải bình luận câu « Dùng hàng nội hóa là yêu nước »…Mình cũng làm xong bài về hai môn nầy nhưng kết quả ra là minh, Hào và Kiệt đều rớt hết, cả ba đều ở lại lớp Nhứt, chỉ có anh Trần Văn Dõng thi đậu lên lớp Đệ Thất , thế là sau cả quá trình học ở bậc Tiều Học, hai anh em đều học chung lớp nhưng khi lên bậc Trung học thì người học năm trước, người học năm sau..Năm đó mình ở lại và vào lớp Tiếp Liên của thầy Hà Phương Linh dạy, ngày xưa thầy Linh dạy rất nổi tiếng về lớp Tiếp Liên, tức là lớp chuyển tiếp từ bậc Tiểu Học lên bậc Trung Học, năm đó được thầy Linh luyện cho mình tất cả các loại toán về động tử (hai người khởi hành trước sau vài giờ, chạy cùng chiều hay ngược chiều rồi hỏi vào lúc nào hai người gặp nhau…), vòi nước chảy (có hai vòi nước chảy cùng lúc hay trước sau, lưu lượng chảy khác nhau, hỏi khi nào thì vòi nào chảy đầy bồn nước,..). Những loại toán nầy rất khó đối với các học sinh còn non mới lên lớp Nhứt nên rất khó làm được môn toán khi thi vào Đệ Thất…Còn hai anh em Hào và Kiệt thì gia đình cho lên Sài Gòn học trường Pháp La San Taberd, rồi sau đó nghe nói Hào và Kiệt có học thêm môn võ thuật Thái Cực Đạo và đạt được đến huyền đai….Từ đó thì bạn bè rất ít khi gặp nhau vì cả năm đều xa nhau theo niên khóa học, chỉ có dịp mỗi cuối năm thì những học sinh lên Sài Gòn học đều kéo trở về nhà Hà Tiên để ăn Tết cùng với gia đình, đó là lúc rất vui cho tất cả bạn bè quen biết, vì lúc gần Tết, mỗi người đều trông tin là bạn nầy đã về, bạn kia đã về nên bạn bè họp mặt lại rất vui. Mặc dù xa nhau khá lâu cả năm nhưng tình cảm bạn bè cũng còn duy trì tuy đã kém phần ngây thơ mặn nồng như lúc tuổi thơ, trong đời sống mỗi người đã có hướng đi riêng của mình…Cho đến một ngày nào đó mình lại hay tin Kiệt đã đi được đến bến bờ bình an còn bạn Hào thì không may mắn đã lìa xa vĩnh viển chúng ta…Rất thương nhớ bạn Lâm Tấn Hào, đó là một người bạn rất trầm và rất tốt trong tình giao lưu bạn bè…

Ngở rằng thời cuộc đã chia cắt tình bạn của những năm xưa thời Tiều Học, thế rồi sau một quyết định làm một chuyến đi Californie để họp mặt lại với bạn bè ngày xưa của Hà Tiên, mình đã được gặp lại bạn Lâm Tấn Kiệt, Kiệt cũng không thay đổi nhiều so với ngày xưa, nếu có thay đổi nhưng cũng không đủ để cho mình không nhận ra Kiệt, vì Kiệt vẫn còn giữ nét mặt thon gầy giống như kiểu gương mặt của mình,…Ngày nay Kiệt đã vui với cuộc sống hiện tại, quên đi những mất mát nhọc nhằn của thời khó khăn, bên cạnh Kiệt đã có một người vợ hiền Minh Nguyệt cùng chia sẻ vui buồn và những buổi văn nghệ hát hò, những chuyến đi du hành trên nhiều miền của đất nước Hoa Kỳ, mong rằng cái gia đình nhỏ bé đầy ấm cúng của Kiệt và bà xã sẽ luôn có đầy hạnh phút, đầy niềm vui trong văn nghệ ca hát và rong chơi…

Mình cũng nói thêm là Lâm Ánh Nguyệt, người em gái của hai bạn Hào và Kiệt cũng chính là bạn gái học chung lớp với mình ngay từ lớp Đệ Thất…Nguyệt rất hiền, ít nói và cũng rất chăm chỉ trong công việc học hành…Lâm Ánh Nguyệt cũng đã rời xa chúng ta về cỏi vĩnh hằng từ rất lâu rồi. Bây giờ xin giới thiệu với thầy cô và các bạn bài viết của cây bút Hồ Thị Kim Hoàn, một cây bút quen thuộc trên Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » của chúng ta, Kim Hoàn sẽ tiếp tục kể cho chúng ta nghe giai đoạn sinh hoạt với các bạn Hào, Kiệt trong thời gian đi học ở Sài Gòn những năm 70…    Paris, 28/10/2019, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu.

Anh Hào, Anh Kiệt (Hồ Thị Kim Hoàn)

Đó là hai anh sinh đôi Lâm Tấn Hào và Lâm Tấn Kiệt mà tôi luôn xem như là anh trai của mình.

Ba tôi và bác Hai Bình (ba của hai anh) là bạn thân. Từ khi lên Trung Học tôi đã thích tung bay ra phương trời rộng, nên viện cớ muốn lên Sài Gòn học hè, sẵn có nhà bác Hai ở Sài Gòn, có các cô, chú đang trọ học, nên “đơn xin” của tôi dễ dàng được chấp thuận từ mọi phía.

Mùa hè luôn tuyệt vời đối với tôi, vì tôi được xa nhà, học thì ít mà chơi thì nhiều. Nơi căn nhà đó, các cô chú cũng đang là học sinh, sinh viên. Anh Hào, anh Kiệt lớn hơn tôi 4 tuổi, coi như anh. Thường thì năm nào cũng có tôi và Tô Vĩnh Tuấn là nhỏ nhất, nên rất được nuông chìu.

Tôi đã có biết bao kỷ niệm êm đềm, nhưng tôi chỉ xin nhắc tới anh Hào, anh Kiệt trong bài viết này.

Thuở nhỏ, niềm mơ ước của tôi là có anh trai. Tôi thấy bạn bè có anh thật sướng, được anh chỉ dẫn bài vở, được anh bảo bọc chở che, và anh đem bạn trai về nhà…   

Bên mấy anh hoài, ít được rong chơi nên cũng hơi chán. Thỉnh thoảng có chị Lâm Ánh Nguyệt là em gái của hai anh lên chơi khiến tôi vui hơn, có thêm tiết mục ăn hàng rong, đi bát phố… 

Một buổi tối tôi rủ chị Nguyệt vô quán cà phê ca nhạc. Mọi người trong quán nhìn hai đứa bé “vị thành niên”, khoảng 13, 14 tuổi, với ánh mắt ngạc nhiên. Tôi cũng kêu cà phê uống và thả hồn theo những bài hát trữ tình đến nỗi quên thời gian.

Đường phố đã vắng tanh, bấy giờ hai chị em mới biết lo sợ. Quả như chị Nguyệt nói, anh Kiệt đã chờ sẵn trước cửa nhà, anh đi qua đi lại, vẻ nôn nóng lắm. Thế mà thấy mặt hai đứa em, anh chẳng mừng, còn la cho một trận:

– Có biết giờ này mấy giờ không? Con gái gì mới bây lớn vô quán nhạc uống cà phê là sao? Lần này thôi nhe, không có lần sau nghe hông!

Chị Nguyệt kéo tôi đi nhanh:

– Vô nhà mau em, ở đây ảnh đánh bây giờ!

Ảnh có đai đen Thái Cực Đạo, ảnh mà đánh, chắc… chết không kịp ngáp!

Úi chao, tôi nào biết có anh trai… dễ sợ như vậy chứ!

Khi tôi giã từ trường “Trung học Hà Tiên” để lên Sài Gòn học lớp 11 thì ba tôi đã mua một căn nhà nhỏ, tôi ở đó với hai anh, lúc ấy anh đã đi làm. Trong hai năm học liên tiếp, tôi muốn đi bộ đến trường nhưng anh không cho. Anh Hào đưa tôi đi học và anh Kiệt đón tôi tan trường về. Các bạn tôi thường trầm trồ:

– Mi sướng quá, anh tao đời nào chịu đưa rước tao.

Lúc đó tôi đã lớn, nên khi có dịp tiệc tùng nhà bạn, anh thường dắt tôi theo và giới thiệu tôi là em gái. Bạn bè cứ tưởng chúng tôi là anh em ruột.

Tôi nhớ có lần anh Hào đưa tôi ra bến xe “xa cảng miền tây” để về Hà Tiên nghỉ hè sau kỳ thi. Anh lo cho tôi lên ngồi trên xe đò xong, tưởng anh đã về, nhưng tôi chợt nghe giọng anh nói với người ngồi ngoài sau tôi:

– Nhờ anh dùm ngó chừng em gái tôi nhé, nó đi xe hay bị ói, có gì xin anh giúp đỡ dùm.

Tôi thấy xúc động ngập tràn! Ôi, anh của tôi lo cho em gái thế này! Tôi trấn an anh:

– Em đi được mà, anh đừng lo. 

Anh quay bước, ánh mắt nhìn tôi vừa lo âu, vừa thương mến. Nói thế nhưng chuyến đi nào mà tôi không bị ói! Anh quân nhân ngồi sau cứ chồm lên thăm hỏi :

– Cô thế nào rồi? Có sao không? Tại anh cô kêu tôi… dòm ngó cô đó mà.

Trên xe, tôi thấy đa số là ông già bà cả, phụ nữ, con nít… mà anh lại chọn ông thanh niên… hùng mạnh này để gởi gắm em gái, anh hay thiệt!

Nhớ ngày sinh nhật thứ 16 của tôi, anh Hào đã đem về cho tôi một bức tượng thiếu nữ, đúc bằng thạch cao trắng:

– Anh thấy tượng này giống Hoàn quá!

Tôi ngơ ngẩn hỏi anh:

– Em đẹp được như vầy hay sao?

Chao ơi, chắc niềm thương mến trong lòng anh đã làm anh… hoa cả mắt! 

Cuộc họp nào cũng tới lúc phải chia tay. Rồi chúng tôi có gia đình riêng. Rồi tôi đến Mỹ năm 1978. Khoảng thời gian đó, anh Hào cũng vượt biển, nhưng anh không bao giờ đến bến bờ tự do. Tôi buồn lắm, tôi thương nhớ anh và những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.

Giờ còn lại anh Kiệt. Có thời gian anh bệnh nặng, cô đơn, buồn bã. Anh hay gọi tôi và kể tôi nghe đủ chuyện, có khi tôi giật mình hỏi anh:

– Chuyện bí mật này có ai biết không?

– Không.

– Vậy sao anh nói với em?

– Vì em là người trong gia đình mà.

– Anh không sợ em nói cho người khác biết sao?

Anh cười vang:

– Bộ anh không hiểu tính của em hay sao chứ!

Được anh tin tưởng như vậy, tôi quả thật vui sướng!

Anh ở cách tôi một tiếng lái xe, khi có dịp là chúng tôi hẹn gặp nhau. Tôi cảm động vì anh chưa từng từ chối mỗi khi tôi ngỏ ý muốn gặp anh.

Càng ngày tôi càng thấy anh yêu đời, phong độ hơn, bởi anh đã có một người vợ tuyệt vời đi bên cạnh. Tôi mừng cho anh tôi và thầm cảm ơn chị Minh Nguyệt đã mang đến cho anh niềm tin yêu và hạnh phúc trong cuộc đời!

Californie, tháng 10, 2019 Hồ thị Kim Hoàn

Trái qua phải: Lâm Tấn Hào, Hồ Thị Kim Hoàn, Lâm Ánh Nguyệt và Lâm Tấn Kiệt . (Hình xưa: Hồ Thị Kim Hoàn)

Lớp Nhứt trường Tiểu Học Hà Tiên, niên khóa 1962-1963, thầy giáo Nguyễn Văn Pho.    a = Lâm Tấn Hào, d = Lâm Tấn Kiệt, b = Trần Văn Dõng, c = Trần Văn Mãnh. (hình: TVM)

Lớp Nhứt trường Tiểu Học Hà Tiên, niên khóa 1962-1963, thầy giáo Nguyễn Văn Pho.    a = Lâm Tấn Hào, d = Lâm Tấn Kiệt, b = Trần Văn Dõng, c = Trần Văn Mãnh. (hình: TVM)

Hồ Thị Kim Hoàn và Lâm Tấn Kiệt (hình hiện tại, Hồ Thị Kim Hoàn)

Lâm Tấn Kiệt và phu nhân Minh Nguyệt trong cuộc sống hiện tại ở nước Mỹ. (Hình: Hồ Thị Kim Hoàn)

Hội ngộ sau hơn 50 năm:Trần Văn Mãnh và Lâm Tấn Kiệt (Kiệt là bạn học và thân trong suốt thời Tiểu Học Hà Tiên), (06/2019, California)

*

Laisser un commentaire