Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian (Trần Văn Mãnh)

Thầy cô và các bạn thân mến, ở Hà Tiên ai trong chúng ta cũng biết chùa Tam Bảo, từ xa xưa ngôi chùa cổ kính và trang nghiêm nầy đã rất quen thuộc với chúng ta qua những ngày hội cúng kiếng dâng lễ Phật, cho tới những lần đến chùa du ngoạn và thăm thầy, bạn vì có một vài thầy và trò đã từng ở trọ trong chùa để đi dạy hoặc học tại trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa. (thầy Nguyễn Lê Hùng, Hồ Quang Điệp trong những năm thập niên 60 đã ở trọ trong chùa Tam Bảo Hà Tiên).

A/ Vài ý cần giới thiệu trước khi vào bài:

Trước khi đi vào đề tài chính về lai lịch của chùa Tam Bảo, mình xin nhấn mạnh một vài điểm sau đây:

1/ Toàn tỉnh Kiên Giang có đến hai ngôi chùa mang cùng tên Tam Bảo:

Một chùa nằm tại địa chỉ số 3 đường Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa nầy do một người thường dân tên là Dương Thị Oán cất vào những năm cuối thế kỷ 18 với kết cấu đơn sơ.Trong thời gian bị nhà Tây Sơn truy đuổi, Chúa Nguyễn Ánh đã từng trú ẩn tại đây và được bà Oán tặng vài cuộn tơ tằm quý để cột quai chèo thuyền không đứt khi vượt biển. Vì vậy sau khi lên ngôi, năm 1803, vua Nguyễn nhớ ơn đã ban biển Sắc Tứ cho chùa, từ đó, chùa được gọi là Sắc Tứ Tam Bảo Tự.

Cổng chùa và ngôi chùa Tam Bảo ở địa chỉ số 3 đường Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Hình: Bùi Thụy Đào Nguyên

Chùa Tam Bảo thứ hai nằm tại địa chỉ số 75, đường Phương Thành, phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Chùa Tam Bảo ở Hà Tiên cũng được vua nhà Nguyễn ban Sắc Tứ nên trước cổng chùa có đề tên Sắc Tứ Tam Bảo Tự. Vậy chúng ta để ý đừng định vị sai lầm hai ngôi chùa cùng tên nầy. Có rất nhiều trang du lịch trên mạng dùng hình của chùa Tam Bảo ở Rạch Giá mà lại mô tả minh họa cho chùa Tam Bảo ở Hà Tiên (cũng như các trang đó dùng hình ảnh Hang Cá Sấu thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang để mô tả và minh họa cho Hang Đá Dựng thuộc phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang…!!). Chủ đề của bài viết nầy nói về ngôi chùa Tam Bảo ở Hà Tiên.

Cổng chùa và ngôi chùa Tam Bảo ở địa chỉ số 75, đường Phương Thành, phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Hình: Nguyễn Tấn Trung

2/ Bài viết nầy chỉ nhằm mục đích phổ biến rộng rải một cách bình dân những kết quả của các nghiên cứu do các nhà khảo cứu về vùng đất Hà Tiên và sự nghiệp họ Mạc (như tài liệu « Họ Mạc với Hà Tiên » trong tập « Nghiên Cứu Hà Tiên » của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, 2017,..v..v..) do đó bài không đi sâu dẫn chứng tư liệu phần lớn uyên bác và rất cần sự chú ý nghiêm túc mới thấm nhuần được các lý giải, dẫn chứng về các kết luận khoa học. Để được hiểu thêm sâu rộng, thầy cô và các bạn có thể tiếp tục đọc sách chuyên và tra cứu trên mạng những bài đã xuất bản về chủ đề nầy.

3/ Để đính chánh một lần thứ « n » nữa về các nhận định có tính chất sai lầm về lịch sử Hà Tiên nói chung và về nguồn gốc chùa chiền ở Hà Tiên nói riêng, mình xin nhấn mạnh ở đây điểm nầy: Trong suốt cuộc đời phiêu lưu và định cư ở miền đất Hà Tiên theo nghĩa rộng (tức là nói chung về các địa điểm mà Mạc Cửu đã từng xuôi ngang dọc trong suốt thời kỳ bắt đầu đi theo thương thuyền buôn bán ở miền biển phía Nam Trung Hoa), Mạc Cửu có xây dựng hai ngôi chùa: Chùa thứ nhất lập ra ở đất Lũng Kỳ (còn có tên là Trủng Kè, Long Cả, Lũng Cả, miền đất nầy nằm ở phía tây bắc của đảo Phú Quốc, cách Phú Quốc một eo biển tên là Koh Thmay, eo biển Phú Dự, vùng đất nầy ngày nay đã thuộc về nước Kampuchéa hay Cambodge). Theo truyền thuyết kể lại, vào năm 1718 khi Mạc Cửu đem gia quyến đi chạy giặc Xiêm từ Hà Tiên qua Lũng Kỳ, có một cái đầm nước tại đây tự nhiên nổi lên một tượng Phật cao bảy thước, tỏa hào quang rực rỡ. Lúc đó có một nhà sư Chân Lạp đi ngang qua thấy vậy bảo đó là điềm tốt, báo hiệu sẽ có một hiền nhân xuất hiện. Mạc Cửu sai người vớt lên nhưng bao nhiêu người cũng không khiêng lên được. Ông đành xây một ngôi chùa nhỏ ngay trên bờ đầm để thờ gọi tên là chùa Lũng Kỳ. Ít lâu sau, phu nhân của ông sinh hạ được một cậu trai mặt mày khôi ngô tuấn tú. Thấy hợp với điềm lành, Mạc Cửu đặt tên con trai là Thiên Tứ (nghĩa là trời ban tặng). Ngôi chùa thứ hai cũng do Mạc Cửu làm ra chính là chùa Tam Bảo ở Hà Tiên, lúc đầu chỉ là chùa nhỏ đơn sơ lợp lá dựng ở phía sau dinh thự của ông ngay tại trung tâm Hà Tiên, cốt yếu để cho mẹ của ông tu dưỡng ở đó.

Về ông Mạc Thiên Tích thì trái với tin và chuyện đời truyền khẩu cho đến hiện tại bây giờ vẫn còn có người tiếp tục giải thích: Mạc Thiên Tích không có xây dựng ngôi chùa nào cả (kể cả ngôi chùa Phù Dung gọi là Phù Dung Cổ Tự). Người ta thường ghép và thi vị hóa cho rằng Mạc Thiên Tích xây chùa Phù Dung cho bà Dì Tự tu vì bà đã chán cảnh đời, nhưng sự thật là không phải như vậy, vì chiếu theo niên biểu của Mạc Thiên tích (1718 – 1780) và nguồn gốc chùa Phù Dung thì ta thấy có sự chênh lệch về năm tháng rất lớn: chùa Phù Dung cũ được xây trước năm 1833 tại chân núi Phù Dung (núi Đề Liêm) và đã bị giặc Xiêm phá hủy năm 1833. sau đó chùa Phù Dung mới được nhân dân dựng lên vào năm 1846 ngay tại chân núi Bình San. Như vậy vào năm 1846 (tức là trong vòng 66 năm sau khi Mạc Thiên Tích qua đời) giai đoạn của chùa Phù Dung mới thì hoàn toàn không có mặt ông Mạc Thiên Tích. Chúng ta cần đính chánh rỏ cho khách du lịch và những người còn chưa hiểu rỏ về việc nầy để lịch sử không bị sai lệch. Tóm lại Mạc Thiên Tích không có xây cất ngôi chùa nào cả, ông chỉ dựng Miếu thờ Khổng Tử cùng với công trình xây cất ngôi nhà Chiêu Anh Các (1736-1771) mà thôi.

B/ Các giai đoạn của chùa Tam Bảo Hà Tiên:

Về nguồn gốc của chùa Tam Bảo Hà Tiên, ta có thể phân ra thành 5 giai đoạn như sau:

1/ Giai đoạn 1: Sau khi Mạc Cửu đến định cư ở đất Mang Khảm (Hà Tiên) vào năm 1700, ông chiêu dụ dân chúng đến lập nghiệp, mở ra thôn xóm. Đến năm 1708, ông dâng đất cho chúa Nguyễn và được phong làm Tổng Binh, đất Mang Khảm được gọi là Hà Tiên Trấn. Thời kỳ nầy được an lành, cơ ngơi được ổn định cho đến năm 1718 thì quân Xiêm sang xâm chiếm Hà Tiên, Mạc Cửu phải chạy giặc qua Lũng Kỳ tị nạn. Trong khoảng thời gian từ năm 1700 đến năm 1718, mẹ của ông Mạc Cửu (Thái Bà Bà) ở quê nhà Trung Quốc được ông cho người rước qua Hà Tiên vì bà có tỏ lòng nhớ con, mặc dù đã được 80 tuổi, mẹ ông ngỏ ý muốn đi tu vì sùng mộ Đạo Phật và ở lại luôn ở Hà Tiên. Mạc Cửu cho xây một ngôi chùa nhỏ phía sau dinh thự của ông cho mẹ an vị tu hành. Chùa nầy chính là chùa Tam Bảo của Hà Tiên hiện nay mặc dù ngôi chùa Tam Bảo hiện nay không phải là nguyên dạng hình ảnh của ngôi chùa ngày xưa vì đã được xây đi cất lại qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên ta có thể xem như vị trí của ngôi chùa Tam Bảo từ trước năm 1718 do Mạc Cửu cất cho đến nay cũng vẫn là một khuôn viên tuy diện tích có thể nhỏ lớn khác nhau theo từng thời kỳ. Cũng trong thời kỳ nầy, Thái Bà Bà mẹ của Mạc Cửu mất, ông chôn cất mẹ phía sau chùa, có cho đúc một tượng Phật và một cái chuông lớn để tôn thờ  tưởng niệm người mẹ. Sau đó giặc Xiêm chiếm đóng Hà Tiên (1718), Mạc Cửu cùng gia quyến chạy ra Lũng Kỳ tị nạn. Thành trì và chùa Tam Bảo lúc đó đều bị quân Xiêm phá nát, người chết quá nhiều chung quanh khu thành, đất đai trở nên âm u yếm khí nên sau khi trở lại Hà Tiên năm 1719 khi giặc Xiêm chấm dứt, Mạc Cửu xây dựng lại nhà ở, chọn nơi cao ráo sách sẽ ngay trước cái ao sen do ông cho đào ở núi Bình San lúc trước, chủ yếu chọn nơi cao để tránh ô nhiễm, đó là ngay chỗ có ngôi Đền Mạc Công Miếu hiên nay. Ngôi chùa Tam Bảo lúc trước đó bị phá hủy và không ai xây cất lại nữa. Trong suốt thời gian từ 1719 đến năm 1771 (tức 52 năm) không ai cất chùa lại. Trên địa thế khu phế tích của Mạc Cửu đó chỉ còn lại vài ba cái tháp (khoảng 3 cái tháp theo ghi nhận trên bản đồ Pháp vẽ năm 1869). Theo các khảo cứu thì đó là tháp của quý sư ông trụ trì đời Lâm Tế thứ 35, thứ 36 và bảo tháp của Thái Bà Bà, mẹ ông Mạc Cửu (hiện vẫn còn ba cái tháp nầy tại khuôn viên chùa Tam Bảo hiên nay). Đặc biệt là trong khuôn viên chùa Tam Bảo, hoàn toàn không có các tháp của quý sư đời Lâm Tế thứ 37, 38 và 39 vì sau năm 1719 không có chùa nữa. Một vài giai đoạn lịch sử có ảnh hưởng không thuận tiện cho việc cất chùa lại là trong khoảng 1771-1773, quân Xiêm lại chiếm đóng Hà Tiên, khoảng 1775-1777 quân Tây Sơn đến Hà Tiên tình hình rất hổn loạn bất an.

Bản đồ do người Pháp vẽ tay vào năm 1869 khu vực Hà Tiên. Ô vuông đứng màu vàng phía trên là khu phế tích dinh thự thành quách của Mạc Cửu, trong đó có ghi rỏ vị trí chùa Tam Bảo đầu tiên và ba hình tròn nhỏ xem như ba bảo tháp còn lại. Khu ô chữ nhật màu vàng phía dưới là khu thành cũ của Mạc Thiên Tích xây dựng.

Vị trí chùa Tam Bảo nằm trong khu phế tích (thành xưa) của Mạc Cửu

2/ Giai đoạn 2: Đến đời Gia Long (1802-1820) vua cho người về Hà Tiên kiến thiết xứ sở (1811). Lúc nầy nhân dân lập lại chùa Tam Bảo và có sắc phong của vua nên chùa được mang tên Sắc Tứ Tam Bảo Tự cũng ngay tại chỗ cũ. Đến năm 1834 giặc Xiêm đánh phá Hà Tiên nữa, chùa lại bị hư hại, rốt cuộc lần nầy chùa chỉ tồn tại trong vòng 23 năm. Cho đến khi người Pháp chiếm Hà Tiên (1867) và thực hiện bản đồ vẽ tay (1869) chùa Tam Bảo vẫn chưa được cất lại vì trong bản đồ chỉ ghi « Ruines » tức là phế tích mà không có ghi rỏ chùa chiền (Pagodes) nào cả.

3/ Giai đoạn 3: Đến năm 1901, chùa Tam Bảo được tái thiết lại bằng gỗ và có tượng Phật được an vị trên nền đất. Trong thời gian nầy có sư Phước Ân đời Lâm Tế thứ 40 đến chùa trụ trì cho đến năm 1920.

4/ Giai đoạn 4: Vào năm 1920 sư trụ trì cho khởi công xây lại chùa và công việc hoàn thành vào năm 1930. Trong chùa mới xây lại nầy sư cho tôn cao lên nền chánh điện và an vị tượng Phật trên cao. Sư trụ trì cũng cho trồng một hàng cây sao. Sư Phước Ân viên tịch năm 1946, tháp của sư cũng nằm sau chùa cùng với ba bảo tháp ngày xưa. Trong thời gian xây lại chùa, sư trụ trì có mời một bác sĩ người Pháp tên là Edmond Isnard đến ở tại chùa, trong một ngôi nhà tân thời vào thời đó, ngôi nhà nầy chính là ngôi nhà liêu dành cho quý sư trụ trì, nằm bên trái chùa. Lúc khánh thành chùa mới xây xong, có vị sư đời Lâm Tế thứ 39 ở Sài Gòn về dự và có vợ chồng Tri Huyện ở Rạch Giá cúng dường một quả chuông có khắc chữ ghi nhận sự kiện khánh thành chùa mới nầy.

5/ Giai đoạn 5: Đến năm 1974 có Ni sư Thích Nữ Như Hải về chùa Tam Bảo trụ trì. Vì từ khi chùa được kiến tạo năm 1930, Hà Tiên cũng bước qua nhiều giai đoạn chiến tranh biên giới, ngôi chùa cũng đã bị hư hao nhiều. Sư bà đã tổ chức trùng tu và kiến tạo một số công trình như: An vị tượng Bồ Tát Quan Âm lộ thiên cao 5m, nặng 7 tấn ở vườn cây trước chùa, trùng tu chánh điện và nhà Tổ năm 1979, an vị tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền dưới cội bồ đề năm 1983 ở sân trước chùa, an vị tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn năm 1987 sau điện Phật, xây dựng cổng tam quan, phục chế bức tường đã sụp đổ năm 1992, an vị đài Di Lặc năm 2000 ở sân giữa chùa, an vị tượng Di Mẫu và 6 vị Tỳ kheo ni năm 2003 ở sân trước chùa. Hiện nay ngôi chùa Tam Bảo đã có một quy mô rất lớn, hai bên chùa cũng có xây cất nhà cửa cao ráo, chùa được sơn phết lại, cổng chùa xây cất rất hoành tráng, sân chùa có rất nhiều tượng Phật đủ tư thế,…Nhìn chung đó là nơi để du khách đến hành hường, tham quan và chiêm ngưỡng tưởng nhớ người xưa, nhưng cũng gần như mất mát đâu đó một chút hồn thiêng của ngôi chùa xưa đất Hà Tiên xa xưa, của phong cảnh mộc mạc, bình dị của một ngôi chùa thuở ban đầu với chất liệu đơn sơ…

C/ Những gì còn lại sau khi ngôi chùa đầu tiên bị giặc Xiêm phá hủy năm 1718?

Sau khi mẹ của ông Mạc Cửu tu trong chùa Tam Bảo đầu tiên do Mạc Cửu lập ra, và đã hóa thân khi bà tụng niệm trước bàn thờ Phật, Mạc Cửu đã lập mộ của mẹ phía sau chùa, đồng thời truyền thuyết cho rằng ông cũng cho đúc kim thân của mẹ để thờ phụng, đúc tượng Phật A Di Đà và cũng có cho đúc một Đại Hồng Chung để trong chùa (có thuyết cho là ông cho người thỉnh từ Trung Hoa sang kim thân A Di Đà và chiếc chuông nầy). Theo cái nhìn phân tích có tư liệu và khoa học của các nhà nghiên cứu sau nầy, đặc biệt là tác giả Trương Minh Đạt, quý ông cho rằng ngôi mộ bảo tháp của Thái Bà Bà, mẹ của Mạc Cửu vẫn còn ở sau chùa Tam Bảo hiện nay. Về ngôi tượng kim thân của mẹ Mạc Cửu thì đã không còn hay không hiện hữu, về kim thân A Di Đà thì vẫn còn an vị trong chánh điện của chùa hiện nay, tuy nhiên qua bao nhiêu thời gian và bao chinh biến, bức tượng Phật đã được sơn phết nhiều lớp nên rất khó xác định nguồn gốc. Còn quả Đại Hồng Chung thì hiện nay trong chùa vẫn có một quả chuông đồng xưa, nhưng vì chữ khắc trên chuông quá mờ không đọc rỏ ra, các nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là quả chuông của một cặp vợ chồng Phật Tử (Tri Huyện ở Rạch Giá) cúng dường lúc làm lễ khánh thành chùa mới cất xong (1930). Lý lẽ có thể tin được là trong các thời gian có giặc Xiêm xâm chiếm Hà Tiên, cả ngôi tượng Phật, quả chuông đồng khó thoát khỏi sự tàn phá hủy hoại hay lấy cướp của giặc Xiêm. Tuy nhiên có một điều là sự thật và cũng là niềm an ủi lớn cho hậu bối như chúng ta là mặc dù đã sau nhiều lần xây cất sửa chữa lại, người ta vẫn còn giữ một vài vách đá xưa, vết tích của hào thành của Mạc Cửu thời đó, vách thành sau hơn 300 năm vẫn còn đứng vững mặc dù chỉ xây bằng vật liệu của thời đó, vật liệu làm bằng vôi và ô dước, mong rằng những vị có trách nhiệm quản lý ngôi chùa Tam Bảo hiện nay hãy quan tâm bảo tồn di tích duy nhất nầy còn lại nầy trong khuôn viên phế tích của thời Mạc Cửu….

D/ Về tên gọi « Chùa Tiêu ».

Tên gọi « Chùa Tiêu » được dẫn ra trong bài thơ « Tiêu Tự hiểu chung » (có nghĩa là chuông sớm ở chùa vắng) một trong 10 bài thơ nôm của Mạc Thiên Tích trong tập thơ « Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh » (cũng là một trong những bài thơ chữ Hán trong tập « Hà Tiên thập vịnh » của Mạc Thiên Tích). Có rất nhiều lý luận và kết luận về vị trí của ngôi chùa Tiêu nói trong bài thơ. Có ba khẳng định như sau: 1/ Chùa Tiêu là chùa ở núi Địa Tạng gần khu Thạch Động, 2/ Chùa Tiêu là chùa Phù Dung cũ ở núi Phù Dung (Đề Liêm), 3/ Chùa Tiêu tức là chùa Tam Bảo hiện nay. Cả ba kết luận nầy rất khó mà phán xét đúng hay sai lầm. Tuy nhiên xét theo lý giải khoa học và tổng hợp, so sánh các niên biểu  thì ta thấy chùa Tiêu có thể là ngôi chùa Phù Dung xưa, được cất trước năm 1833 và đã bị phá hủy sau đó khi có giặc Xiêm đánh phá Hà Tiên (1833). 

Ta hãy chiếu theo các niên biểu sau đây:

Khi Mạc Thiên Tích được sinh ra ở Lũng Kỳ (1718) và khi ông được Mạc Cửu đưa gia đình trở lại Hà Tiên (1719) thì chùa Tam Bảo (chùa của giai đoạn 1 đầu tiên) đã bị giặc Xiêm phá hủy. Vậy trong suốt thời gian còn trẻ thơ của Mạc Thiên Tích ông không có nghe tiếng chuông nào của chùa Tam Bảo..!! Đến khi chùa Tam Bảo được nhân dân cất lại vào năm 1811 thì Mạc Thiên Tích đã mất từ lâu (ông mất năm 1780). Vậy nói chùa Tam Bảo là chùa Tiêu có phần không hợp lý. Giai đoạn ra đời và hoạt động của thi đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên là từ 1736 đến 1771. Chùa Phù Dung cũ được cất vào năm nào không ai rỏ, chỉ biết là chùa đã có từ trước năm 1833 và khi đến năm 1833 giặc Xiêm phá hủy chùa tan nát. Vậy nếu Mạc Thiên Tích có làm thơ nói về tiếng chuông chùa thì chùa Phù Dung cũ phải có mặt từ trước năm 1771 tức là năm mà tòa nhà Chiêu Anh Các bắt đầu bị bỏ hoang phế. Trên sơ đồ ta thấy nếu đặt giả thuyết cho rằng chùa Phù Dung cũ được cất vào năm 1736 hay trước đó nữa thì Mạc Thiên Tích mới nghe được tiếng chuông và làm thơ ca ngợi trong bài « Tiêu Tự hiểu chung ». !! Trong sơ đồ có phần chữ nhật màu đỏ chính là phần tương ứng với sự có mặt đồng thời giữa hoạt động thi đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích và sự hiện diện của chùa Phù Dung cũ (dĩ nhiên là trong giả thuyết là chùa Phù Dung cũ phải được cất lên vào những năm trước năm 1771). Một ngôi chùa có thể được tồn tại rất nhiều năm mặc dù chùa được cất đơn sơ, nếu ta chấp nhận cho chùa Phù Dung cũ được vững vàng trong một thời gian ít nhất là 97 năm tính từ khi được cất lên (1833 -97 = 1736) cho đến lúc bị phá bỏ (1833) thì rất có khả năng thi đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích và chùa Phù Dung cũ cùng hiện diện trong khoảng một thời gian (1771- 1736 = 35 năm) , 35 năm thời gian rộng rãi đủ để Mạc Thiên Tích nghe tiếng chuông chùa vào mỗi buối sáng sớm…và làm ra bài thơ…!!

Còn nói chùa Tiêu chính là chùa Địa Tạng ở núi Địa Tạng gần Thạch Động thì không ổn lắm vì chùa Địa Tạng cách chùa Phù Dung mới (ở núi Bình San hiện nay) là 6 dặm tức (6*0,720 km = 4,32 km vì một dặm = 0,72 km) như vậy chùa Địa Tạng ở quá xa vùng Bình San nơi có Chiêu Anh Các ngày xưa, Mạc Thiên Tích không thể nghe tiếng chuông vào buổi sáng được. Vả lại không ai biết chùa Địa Tạng được xây cất vào năm nào, đến năm 1946 chùa vẫn còn đứng vững, sau đó đến thời kỳ chiến tranh thì chùa mới bị hư hại.

Còn giả thuyết cho rằng chùa Phù Dung mới (được nhân dân cất lại tại núi Bình san năm 1845-1846 thì hoàn toàn không hợp lý vì lúc đó Mạc Thiên Tích đã qua đời từ rất lâu rồi (ông mất năm 1780).

Tóm lại chùa Tiêu được nhắc tới trong thơ Hán và Nôm của Mạc Thiên Tích qua bài « Tiêu Tự hiểu chung » :

Rừng Thiền sít sát án ngoài tào
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao

chính là ngôi chùa Phù Dung cũ được cất trước năm 1833 tại núi Đề Liêm (lúc xưa còn có tên chánh thức là núi Phù Dung), chùa nầy chỉ cách núi Bình San nơi có ngôi nhà Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích ở khoảng không đầy 1 km. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt khẳng định chùa nầy chính là chùa Tiêu mà Mạc Thiên Tích nói trong bài thơ nàm trong tập thơ của Chiêu Anh Các. Mong rằng các nhà văn học, nghiên cứu lịch sử xem xét và tán thành ý kiến nầy.

Vị trí chùa Tam Bảo (Hà Tiên) so với bản đồ thành phố Hà Tiên hiện nay.

Bức hình chùa Tam Bảo (Hà Tiên) xưa nhất hiện nay chúng ta có (1957) :Hình: KimLy

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Hình do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Quách Ngọc Bá xuất bản vào những năm 60-70

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 1993. Hình: Phương Nguyên, 2013

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 1994. Hình: TVM

Ao Sen phía sau nhà liêu sư trụ trì, bên trái chùa Tam bảo (Hà Tiên) năm 1994. Hình: TVM

Bên trái: Nguyễn Đình Nguyên, bên phải: tác giả bài Trần Văn Mãnh, trước tượng Phật Thich Ca sân trước chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Hình TVM, 1994

Tượng Phật Thích Ca và Phật Quan Âm trước sân chùa Tam Bảo Hà Tiên. Hình: TVM 1994

Tượng Phật Quan Âm phía sau chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Hình: TVM 1994

Cảnh Hòn Non Bộ phía sau chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Phía sau là bức tường cổ có trồng cây xanh rất đẹp. Hình: TVM 1994

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 1996. Hình sưu tầm.

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) nhìn từ ngoài đường Phương Thành vào. Hình trích từ vidéo TVM, 1999

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 1999. Hình trích từ vidéo TVM

Các tháp xưa chung quanh khu viên chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Hình trích từ vidéo TVM, 1999

Các tháp xưa chung quanh khu viên chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Hình trích từ vidéo TVM, 1999

Các tháp xưa chung quanh khu viên chùa Tam Bảo (Hà Tiên). Hình trích từ vidéo TVM, 1999

Bên trái chùa Tam Bảo (Hà Tiên) có một phần vách tường dầy còn sót lại từ di tích hào thành đời Mạc Cửu đã hơn 300 nay. Hình trích từ vidéo TVM, 1999

Chân dung bạn học cùng trường Trung Học Hà Tiên và cũng là bạn chơi văn nghệ thời học sinh: Lê Công Hưởng, được thờ ở bàn thờ phía sau chùa Tam Bảo, hình chụp năm 1999

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2000. Hình sưu tầm.

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2003. Hình sưu tầm.

Lễ Phật Đản tại chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2008. Hình sưu tầm

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2009. Hình: Bùi Thụy Đào Nguyên

Cổng chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2011. Hình: Nguyễn Tấn Trung

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2011. Hình: Nguyễn Tấn Trung

Quang cảnh sân phía trước chùa Tam Bảo (Hà Tiên) với ao sen sát lề đường Phương Thành vào năm 2012. Hình: TVM

Ao sen sát lề đường Phương Thành phía trước chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2012. Hình: TVM

Đường đi vào chùa Tam Bảo (Hà Tiên) sau khi qua khỏi cổng chùa. Hình: TVM 2012

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2013. Hình sưu tầm.

Cổng chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2015 được xây cất lại rất hoành tráng. Hình: Minh Tâm

Các tháp xưa trong khuôn viên chùa Tam Bảo (Hà Tiên) nay được sơn phết chỉnh trang lại tốt đẹp. Hình trích trong vidéo của đài RFA Vietnamese, được đăng trên Youtube của bạn Tám Bùi. (2016)

Một vài phần còn sót lại của bức tường xưa của hào thành đời Mạc Cửu đã hơn 300 năm nay được giữ lại ngay trong chùa Tam Bảo (Hà Tiên), tường làm bằng chất liệu vôi và ô dước. Hình trích trong vidéo của đài RFA Vietnamese, được đăng trên Youtube của bạn Tám Bùi. (2016)

Phía ngoài sân chùa Tam Bảo (Hà Tiên) cũng còn sót lại một phần vách tường xưa của hào thành Mạc Cửu đã hơn 300 nay. Hình sưu tầm

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) vào năm 2017. Hình: Thanh Nhàn

Toàn bộ khung cảnh chùa Tam Bảo (Hà Tiên) rất xinh đẹp nhìn từ trên cao, ta thấy chùa ngày nay đã được xây cất thêm các nhà lầu cao chung quanh rất đồ sộ. Hình Đặng Thanh Tùng, 2018

Tác giả bài viết (TVM) xin trân trọng cám ơn nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt và tất cả các nhiếp ảnh viên đã có hình được trích minh họa cho bài nầy.

Chú thích: Theo tài liệu của Phật Giáo Kiên Giang (Giác Ngộ Online), sau đây là tên các vị thầy đã có thời gian trụ trì ở chùa Tam Bảo Hà Tiên:

« Đời trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là Hòa Thượng Ân Hạ cũng là vị Hòa thượng khai nguyên cho Phật Giáo xứ Hà Tiên. Đến nay, chùa Tam Bảo đã trải qua 19 đời trụ trì là những vị chân tăng như Hòa Thượng Hòa Quang, Thiền sư Nhất Đới, Thiền sư Trí Tàng, Thiền sư Hoằng Ân, Thiền sư Hải Huệ, Thiền sư Giác Ngạn, Thiền sư Như Đức, Thiền sư Như Khả, Thiền sư Phước Chơn, Hòa Thượng Thuần Hạnh, Yết Ma Phước Thành, Hòa Thượng Phước Ân (1920 – 1946), Hòa Thượng Phước Quang, Hòa Thượng Quảng Đức, Hòa Thượng Vĩnh Đạt, Hòa Thượng Chánh Định, Thượng Tọa Thiện Giác (1960 – 1974) và  từ năm 1974 đến nay là Ni sư Thích Nữ Như Hải (thế danh Huỳnh Thị Phước).

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết.

Mời xem thêm những bài viết có liên hệ đến chùa Tam Bảo Hà Tiên rất hay:

1/ Bài viết của thầy Nguyễn Lê Hùng đã từng dạy Pháp Văn tại trường Trung Học Hà Tiên trong những năm đầu thạp niên 60.

2/ Bài viết của Cô Nguyễn Phước Thị Liên, cô giáo, nhà văn của Hà Tiên: “Kỷ Niệm Về Cố Hòa Thượng Huyền Vi”.

3 réflexions au sujet de « Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian (Trần Văn Mãnh) »

  1. Ping : Lăng Ông Mạc Cửu (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian (Trần Văn Mãnh) | Trung Học Hà Tiên Xưa

  2. Ping : Lăng Ông Mạc Cửu (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian | Nghiên Cứu Lịch Sử

  3. Ping : Chùa Tam Bảo Hà Tiên qua các giai đoạn thời gian - Tinh Tấn Magazine

Laisser un commentaire