Trường xưa – phần 2 (Trương Thanh Hùng)

  TRƯỜNG XƯA II

Trưa ngày Mùng 2 tết, anh Trần Văn Dõng, Trương Thanh Hào, Trần Tuấn Kiệt, Lâm Thị Lan đến nhà tôi “ăn tết”. Có rượu, có trà, có những gương mặt xưa vui biết bao nhiêu, rồi nhắc lại đủ thứ chuyện thời còn đi học, mà hình như chuyện nào cũng gây cười, cũng là kỹ niệm đẹp. Trần Tuấn Kiệt hỏi tôi sao chưa viết về nó. Tôi hứa là sẽ có dịp, bởi tôi và Kiệt cùng học chung nhau từ năm lớp nhì với thầy Hứa Văn Vàng.

Hop_Ban_Maison_TruongThanhHung_2016Trương Thanh Hào, Tài (bạn của Hào) Trần Văn Dõng, Lâm Thị Lan, Thúy (Vợ Hùng), Trương Thanh Hùng, Trần Tuấn Kiệt. Mùng 2 tết Bính Thân tại nhà Trương Thanh Hùng ở Sài Gòn.

Hôm nay lại nhớ chuyện thời đi học, thời tuổi mới 12, 13, mới bước chân vào trường Trung học Hà Tiên, có những chuyện vui nho nhỏ nhưng có lẽ khá nhiều bạn cũng có những kỷ niệm giống như mình. Đó là chuyện cây bàng trước văn phòng Hiệu trưởng, chuyện cây Phượng bên trường Tiểu học Hà Tiên, xin được kể lại cho vui.

Hồi đó, trong suốt những năm 1965-1970, cổng trường chính trên đường Mạc Thiên Tích nhưng học sinh cũng ít đi cổng này. Một phần lớn học sinh đi cổng sau văn phòng hiệu trưởng ở đường Mạc Tử Hoàng. Phía sau văn phòng có cất một cái mái che cho học sinh để xe, có lúc để một bàn banh bong. Sau đó là gian hàng nước nhỏ.

TH_HaTien_1968Cổng chính của Trường Trung Học Hà Tiên ở Đường Mạc Thiên Tích

Ha_Tien 1968_4Thầy Nguyễn Hồng Ẩn trước cổng chính Trường Trung Học Hà Tiên (hình 1968)

Ha_Tien 1968_5Thầy Nguyễn Hồng Ẩn trước cổng chính Trường Trung Học Hà Tiên (hình 1968)

Ha_Tien1968_3Thầy Nguyễn Hồng Ẩn trước cổng sau Trường Trung Học Hà Tiên, có một mái che làm nhà để xe và có bàn ping-pong (hình 1968)

Vào cổng sau qua văn phòng thì gặp ngay một cây bàng có xây bệ quanh gốc. Phía trước sân ngắn của 4 phòng cũng có mấy cây bàng như vậy nhưng bị nắng nên anh em ít khi ra ngồi ở đó, chỉ có cây bàng trước văn phòng nhờ dãy nhà che mát nên nhiều học sinh thích ngồi chơi ở đây. Bàng của trường Trung học mới trồng sau này nên còn hơi nhỏ, không như những cây bàng cổ thụ của trường Tiểu học.

Hồi đó, không biết ai bày ra mà chúng tôi hay đến chơi dưới gốc bàng trước văn phòng hiệu trưởng bắt kiến vàng ngắc râu cho chúng cắn lộn. Con kiến vàng khi còn râu gặp nhau thì cụng râu chào nhau, nhưng khi đã mất râu thì chúng tôi gọi nó bị “điên” không nhận ra nhau nữa, cụng đầu nhau thì cắn chí tử, chúng tôi theo dõi một cách say mê, xem con của ai cắn thắng. Rồi ra lề đường sau trường tìm ngắc cỏ gà “đá lộn” cũng rất vui. Cỏ gà là một loại cỏ chỉ nhưng không hiểu sao có nhiều cọng cỏ lại xuất hiện một túm phía ngọn. Bứt những cọng cỏ ấy quất vào nhau xem ai bị rụng đầu là thua. Chuyện chơi đùa của học sinh trung học có hơi đằm một chút so với tiểu học, không còn chơi trò rượt đuổi, đánh lộn. Chỉ khi đi lên núi Lăng mới có chuyện này.

Vào những ngày gần nghỉ hè, nhóm học sinh chúng tôi hay qua trường tiểu học hái hoa phượng. Hình như trường tiểu học nghỉ hè sớm hơn trung học hay sao đó mà chúng tôi vào trường bằng cổng sau, có khi phải leo rào. Trước văn phòng hiệu trưởng có một cây phượng trổ đầy hoa. Bọn con trai chúng tôi trèo lên hái cả cành chủ yếu là để tặng bạn gái. Mà các bạn gái rất thích được tặng hoa phượng (nguyên cành). Rồi còn ép những cánh phượng vào tập cho thẳng, khi cánh hoa đã khô thì đính vào tờ giấy pơ luya tặng cho nhau làm kỷ niệm. Thường là con trai tặng cho bạn gái. Không biết có bạn trai nào được bạn gái tặng không?. Tôi cũng thực hiện việc này, nhưng không hiểu sao không có hiệu ứng, kể cũng buồn. Xin miễn cho tôi kê khai là tôi đã tặng ai.

Rồi còn lấy những búp phượng xé ra lấy nhụy chơi trò đá gà cũng khá vui.

Cây phượng gắn bó với học sinh chúng ta rất nhiều và bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn gần như được tất cả học trò ưa thích. Trong chương trình văn nghệ cuối năm của lớp cũng như của trường đều có người hát bài này. (Nhạc sĩ Thanh Sơn đã qua đời cách đây mấy năm. Ít nhạc sĩ nào viết về trường lớp, thầy cô, học trò thành công như ông).

IMG_2000Hoa Phượng nở đỏ bên bờ ao sen trước Lăng Mạc Cửu (Hà Tiên)

Xa trường đã 46 năm, bạn bè tôi thuở ấy giờ đã bạc tóc, bạc râu, lên chức ông, chức bà. Giờ trở lại trường chắc không thể nào gặp lại Thầy xưa, bạn cũ, nhưng chắc ai cũng có chút bâng khuâng khi nhắc đến ngôi trường thân yêu và những kỷ niệm thời trong trắng ấy.

                                        Trương Thanh Hùng

                                    Mùng 11 Tết Bính Thân (2016)

Hình ảnh: Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Văn Mãnh, Trương Thanh Hùng

(Cám ơn Thầy Nguyễn Hồng Ẩn đã cung cấp bốn tấm hình rất quý và hiếm có)

Laisser un commentaire