Những nơi chốn quen thuộc của Hà Tiên (phần 3)

Thầy cô và các bạn thân mến, hình ảnh về phố xá, nhà cửa ở Hà Tiên được rất nhiều bạn đăng tải trên các trang internet, có những hình ảnh rất quý vì thời gian chụp những tấm ảnh đó đã qua rất lâu rồi, và chính những hình ảnh đó cũng không còn tồn tại hiện nay, rồi lại có những hình ảnh rất quen thuộc và vẫn còn hiện diện đến ngày nay, như một chứng nhân cho sự thay đổi của bộ mặt thành phố Hà Tiên…Hà Tiên ngày nay đã thay đổi rất nhiều, đã có nhiều công viên, vườn hoa, nhà cửa dinh thự được xây dựng lên mới đẹp, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn lại một vài nơi chốn quen thuộc đối với những người con Hà Tiên rất xa xưa, của những thập niên 60 – 70…Đây là một tập hình được thu thập từ nhiều nguồn trên mạng internet, để nhắc nhở lại chúng ta khuôn mặt phố xá Hà Tiên, tuy đã cũ kỷ, có thể đã biến mất, những lại rất quen thuộc và thân thương đối với thầy cô và học trò trường Trung Học Hà Tiên xưa…

(tiếp theo phần 2)

11/ Đường Tham Tướng Sanh ngay tiệm trồng răng Phục Hưng ngày xưa (Hà Tiên)

(Hình: HuynhNT, năm ?)

Con đường Tham Tướng Sanh là một trong hai con đường ở hai bên ngôi chợ cũ của Hà Tiên (con đường kia tên Tuần Phủ Đạt). Tính từ bên trái qua bên phải của hình, đầu tiên có căn nhà thấy phân nửa đó là tiệm Hiệp Lợi (nhà của gia đình Trịnh Tố Chinh), kế đến căn nhà có dàn cây xanh phía trên đó là tiệm trồng răng Phục Hưng, nhà của bạn Sện (Tường, và có em trai là Bẻ), ngày xưa mình thường đến chơi nhà bạn Sện), căn kế về phía phải màu xanh dương là tiệm Mỹ Nam, kế đến căn màu tím nhạt là nhà của Bà Năm Quới bán trầu cau ngày xưa, kế đó căn nhà nhỏ màu vàng là nhà chị Đỗ Mùi, bạn học chung lớp với anh Trần Văn Dõng, Lâm Hữu Quyền,…v…v…, còn căn nhà lầu ở bìa phải thì mới cất lên sau nầy, ngày xưa nơi đó là con hẻm nhỏ đi thẳng vào là tiệm tạp hóa của Dì Hai Sánh, má của cô Điệp phu nhân của anh Minh Thế., nếu tính về phía phải nữa (không còn thấy trong hình) thì là tiệm cơm Xuân Thạnh rất nổi tiếng và nhiều khách ăn ưu chuộng ngày xưa.

12/ Thành phố Hà Tiên nhìn từ phía cầu phà bắc

(Hình: Hồ Anh Dũng, trước năm 1970)

Đây là một hình ảnh rất quý giá và hiếm…Hình nầy có một giá trị lịch sử rất cao vì bây giờ ta không thể chụp lại cảnh thành phố Hà Tiên từ bến bắc nhìn lên như vầy được nữa. Tấm vách xi măng « Những địa chỉ cần ích » bên trái hình đó, mình nhớ rất rỏ vì ngày xưa lúc người ta đang vẻ viết bảng nầy chính mình có đứng xem, họa sĩ viết bảng nầy hình như là ông Phụng Đài ba của bạn Mạnh học chung với mình ở Tiểu Học. Trong bảng « Những địa chỉ cần ích » nầy có các mục giúp cho du khách tìm các địa chỉ dễ dàng như: Khách Sạn (Đại Tân…), Tiệm Ăn (Xuân Thạnh…), Vật kỹ niệm (Lâm Văn Cao, Phan Văn Thân, Lê Minh…). Còn chiếc cầu bắc đó mình đi lên xuống biết bao nhiêu lần rồi, mỗi lần đi Rạch Giá về đều qua cầu bắc nầy…Có khi thường xuống cầu bắc nầy ngồi chơi. Dảy phố phía xa trong hình đối diện với con đường Trần Hầu. Đầu tiên từ bên phải qua bên trái, đó là tiệm đồi mồi Lê Minh, kế đến là tiệm hớt tóc Trần Kỷ, ngày xưa mình là khách hớt tóc quen thuộc của ông Trần Kỷ, đúng ra là nhà của má Tỷ Tuột (Lào Xiếm) cho Trần Kỷ mướn phía ngoài để hớt tóc thôi. Kế đến là tiệm buôn hải sản hiệu Tân Dũ Hưng, kế nữa là một tiệm tạp hóa Cù Thú rồi đến căn nhà tiệm hình kỷ niệm và có bàn billard của ông Quách Ngọc Bá. Bên bìa trái là tiệm cơm rất nổi tiếng ngày xưa là tiệm Xuân Thạnh, ta còn thấy rỏ nóc có vách màu trắng của ngôi chợ cũ Hà Tiên, cuối cùng thật xa bên trái là một phần căn phố của con đường Tuần Phủ Đạt.

13/ Nhà vệ sinh công cộng hình bát giác trước năm 1958 (Hà Tiên)

(Hình: Trần Phương Nhu, trước năm 1958)

Đây là ngôi nhà có lẻ cất khoảng trước năm 1958,  lúc đầu dùng làm nhà vệ sinh công cộng. Trong căn nhà nầy có 4 căn một bên dành cho nam và 4 căn bên kia dành cho nữ. Được xây cất một cách rất mỹ thuật dạng bát giác, đó là vào thời còn người Pháp ở Hà Tiên. Lúc nầy cầu bắc và « ponton » chưa có. Sau đó một thời gian chánh quyền địa phương cải tiến lại phá bỏ ngôi nhà nầy và cất một ngôi nhà khác làm thành căn nhà bán vé phà qua sông. Đến những năm đầu của thập niên 60 thì người ta phá bỏ căn nầy và cất một dãy phố lấn qua trên sông để cho người dân Hà Tiên thuê làm nơi buôn bán, sinh hoạt phục vụ. Đầu dãy ngay cầu bắc là căn của bác Sáu Thành hớt tóc, rồi từ từ kéo dài tới ngay chợ cá cũ Hà Tiên. Các căn kế tiếp là căn có bày các tạp chí, báo chí của chi thông tin để dân chúng đến đọc báo tự do, kế là tiệm bán báo Minh Xuân, tiệm hớt tóc Tư Thiên,…v…v…

(Còn tiếp phần 4)

 

Une réflexion au sujet de « Những nơi chốn quen thuộc của Hà Tiên (phần 3) »

  1. Ping : Những nơi chốn quen thuộc của Hà Tiên (phần 2) | Trung Học Hà Tiên Xưa

Laisser un commentaire