Người Bưu Tá (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, thời gian từ từ trôi qua, nhờ Trời thương, Blog của chúng ta vẫn được những cây bút tài ba luôn ủng hộ và thỉnh thoảng gởi bài cộng tác…Hôm nay nhận được bài từ một phương trời xa, nhìn thấy tác giả ký tên QN thì nhận ra đó là cây bút rất quen thuộc của chúng ta…QN đã từng viết rất nhiều bài trên Blog nhà, bài nào cũng hay và rất lý thú với một cung cách văn chương có thể dược xếp vào loại « hiện thực »…Văn chương hiện thực là loại văn người ta viết tả chân mà tiên phong trong những năm 30 phải kể đến các tiền bối Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô tất Tố…Ngày nay bắt đầu những năm 20 kể ra cũng gần một thế kỷ trải qua, hy vọng là cây bút QN sẽ được nhắc nhở nhiều và tiếp nối được phong trào hiện thực vốn rất được nhiều độc giả yêu chuộng…!! Từ đầu đến giờ mãi lo viết về tình hình Blog và tác giả QN mà chưa vào chủ đề chính của bài sẽ được giới thiệu dưới đây…Thôi thì xin vào đề nhé,…Từ xưa đến giờ, ai cũng biết là ngoài những việc tiếp xúc trực tiếp tay nắm tay, mắt nhìn mắt, ta còn có một phương tiện khác rất tiện lợi và nhất là rất tế nhị…, đó là viết thư gởi cho nhau đọc…Thời mình còn nhỏ đến trưởng thành, ăn học ở Hà Tiên, mình cũng có nhiều lần trao đổi thư từ với các bạn ở những nơi khác. Tuy nhiên mình cũng quên đi không thể nhớ được là trao đổi thư từ với ai cụ thể…Chỉ nhớ là mình biết rành ở Hà Tiên có một người làm nghề bưu tá, chuyên phát thư cho dân chúng Hà Tiên, và người đó làm việc rất cẩn thận, liêm chính, đó là chú Sáu « Viên » nhà ở gần chùa Tam Bảo…Mình biết chú và lúc nào cũng thấy chú trên chiếc xe đạp chạy vòng quanh hết cả những con đường ở Hà Tiên…Chú Sáu thì cũng biết mình, tuy mình thuộc hàng con cháu mà thôi…Hình như là chú Sáu có quen và biết rành về những người anh chị bà con của mình…Lại xin nói thêm về tên riêng của chú, ai cũng kêu chú là chú Sáu Viên, không ai thắc mắc hay đánh lưỡi rành rẽ để phát âm cho đúng từ « Viên »..Vì thế hơn sáu bảy chục năm nay, nếu không có các bạn góp ý cho mình biết trên trang face book của mình thì mình vẫn nghĩ chú tên là « Viên »…đến đổi khi đọc bản thảo bài viết của tác giả QN, có nhắc đến tên « Diên » mình rất ngạc nhiên và cho là không thể được vì trong đầu óc mình, chú vẫn là chú Sáu Viên…Rốt cuộc sai hoàn toàn, nhờ có bạn Tăng Thị Sáu, học trò xưa Trung Học Hà Tiên và nhất là một đồng nghiệp với chú Sáu, cho biết một cách chính xác, chú Sáu có tên họ đàng hoàng là « Trương Văn Diên »…Vậy là đã rỏ, không còn đặt câu hỏi gì nữa,…đến hôm nay mới biết tên họ chú rỏ ràng, rất là hay, cám ơn Tăng Thị Sáu rất nhiều nhé…

Mình nghĩ là khi mình rời Hà Tiên, rời quê hương đi định cư ở Pháp thì lúc đó ở Hà Tiên, má của mình mới có dịp được chú Sáu đến thăm thường xuyên, vì lúc đó mẹ con trao đổi thư từ rất nhiều, mẹ cũng có kể cho mình nghe là thường hay « trông ngóng » chú Sáu để được nhận thư của con trai….Có thể cho mình viết một câu cám ơn chú Sáu dù cho lời cám ơn quá muộn màng và người nhận cũng không có cảm giác chi,…tuy nhiên cũng như vài hàng kết thúc bài viết của QN, mong rằng ở nơi đó, chú cũng theo dõi tình hình quê nhà Hà Tiên, đọc bài trên mạng và có thể chú sẽ thấy bài viết nầy và sẽ mỉm cười nói « Tao biết má mầy, tao thường đem thư của mày đến nhà cho má mầy đó… »…!!

Trong thời niên thiếu còn theo học Trung Học Hà Tiên, mình đã có quen đến hai gia đình của hai ông Trưởng Chi (không biết là « Chi » hay « Ty ») Bưu Điện Hà Tiên, và hai gia đình nầy đều có con trai gái theo học Trung Học Hà Tiên, tất cả đều là bạn thân của mình thời đó…Đã có bao lần cả bọn cùng lớp kéo đến Chi Bưu Điện Hà Tiên, mặt trước quay ra đường Tô Châu, còn mặt sau nhìn ra Đông Hồ thơ mộng, trong khu viên của Chi Bưu Điện, có đất vườn rất rộng, đặc biệt là có rất nhiều cây xoài cao lớn…Thời đó, các bạn Lý Cui, Lý Văn Tấn,…cùng nhiều bạn gái đến đó, và các bạn đã « anh dũng » leo lên các cây xoài nầy để hái rất nhiều trái xoài và cắt ra thành nhiều lát mỏng, chấm nước mắm đường rất ngon…(Sở dĩ mình nói leo các cây xoài một cách « anh dũng » vì cho đến bây giờ mình vẫn là tuổi « con thỏ » mặc dù tính đúng 12 con giáp thì phải là con rồng…, con thỏ là vì mình rất « nhát » không dám leo cao…, chỉ nhìn các bạn leo trên các nhánh cây xoài cao vút mà lắc đầu, lòng thì ngưỡng mộ thôi…)…Nhờ có bạn thân thương như vậy, ngày nay mình mới còn được vài tấm hình của Chi Bưu Điện Hà Tiên minh họa cho bài viết nầy, thật là rất may mắn và rất hay…Thầy cô và các bạn sẽ thấy lại Chi Bưu Điện ngày xưa, nơi mà mình chắc chắn rằng không có ai trong quý thầy cô và các bạn mà không lần nào đến đó để gởi đi một phong thư hay một tờ điện tín… Còn hình chân dung của chú Sáu Diên thì tiếc thay mình không có, đã có nhắn tin xin được chia sẻ, hy vọng rằng bạn nào đó sẽ ủng hộ giúp mình nay mai…

Viết đã dài dòng rồi, không khéo thì đánh mất « vedette » của bài viết dưới đây của tác giả QN, mà làm sao như thế được, vì xin nói trước với thầy cô và các bạn, bài « Người Bưu Tá » dưới đây của tác giả QN, rất hay, rất lý thú và cũng không kém phần cảm xúc khi đọc bài thấy nhớ người, nhớ quê xưa…Mời tất cả vào bài nhé,…(Paris, 27/10/2020, TVM viết vài hàng giới thiệu)

Người Bưu Tá (Quang Nguyên)

Chân dung chú Trương Văn Diên (thường được kêu thân mật là chú « Sáu Diên », chú Sáu Diên mất ngày 24 tháng tám Âm lịch, năm 2002. Hình thờ trong gia đình.

Nghĩ cũng thật lạ, ngay trong cuộc đời của mình thôi mà xã hội đã thay đổi một cách thần tốc, nó làm cho một số thói quen, một số công việc bình thường của chúng ta ở ngày xưa mà giờ có thực hiện cũng xem là không bình thường chút nào… 

Lấy ví dụ như ta lấy giấy và bút ra ngồi viết thư để gửi gắm tâm trạng lãng mạn và mang cái cảm xúc ấy bay bổng đến người sắp nhận, để ngòi bút lướt trên trang giấy tự do rồi thỉnh thoảng đọc lại câu chữ vừa viết chợt nhận ra mình không hài lòng với câu cú hay chỉ với nét chữ của mình, rồi gạch xóa một vài chữ sai, chữ thừa hay tô vẽ thêm khi câu cú chưa đủ hình tượng, rồi vào cuối thư phóng tay ký chữ ký mà bao nhiêu ngày tháng mình đã cố công múa máy, cốt sao để chữ ký hóa rồng bay phượng múa để làm cho người nhận ở phương xa có ấn tượng nhất…Sau khi mất vài tiếng, có khi vài hôm để hoàn thành một bức thư thì công việc còn lại là bỏ chúng vào bao thư, nắn nót tên người nhận bằng cách viết hoa với kỹ thuật đẹp nhất mà mình có, lấy miếng hồ dán quẹt vào mép phong bì, hay lười biếng hơn là thè cái lưỡi gửi một tí AND kém vệ sinh theo phong bì ấy đến người nhận, cho dù người ấy có là ai đi nữa. Sau đó, bạn phải mang cái phong bì có cái ruột đầy ắp các loại hỷ nộ ái ố và một chút cái mật mã di truyền sinh học mất vệ sinh của mình ra Bưu Điện gửi, để rồi sau đó là một chuỗi ngày dài chờ đợi với niềm tin rằng thư đi rồi tin sẽ lại…

Nhưng hôm nay tôi không có ý định viết một bài về việc “viết thư”, mà về người bưu tá giao thư!

… Bỗng nhiên một hôm tôi chợt nhớ ông, một người rất đổi bình thường làm một công việc bình thường nhưng là một người không thể thiếu ở xứ Hà Tiên của chúng ta. Tôi cũng không biết rằng cái mối quan hệ giữa một người lớn và một thằng nhóc đó có tự bao giờ, chỉ biết rằng « chúng tôi » gặp thường xuyên lâu dần rồi quen. Tôi từng chờ đợi ông hàng ngày, thấy ông từ xa là đã thầm mong ông ghé qua nhà mình, thấy ông nhìn mình với ánh mắt giễu cợt là tim mình rộn lên vì biết rằng sẽ có thư.

 – Ê Bé! « thơ » của bồ mày nè.

 – Sao bác biết « thơ » của bồ con?

 – Đâu có ai « hưởn » để viết « thơ » cho mày hoài mà dài dữ vậy?

Dĩ nhiên với kinh nghiệm mấy mươi năm làm nghề của ông, thời ông khắc biết với một phong thư dày được gửi đi với tên của một người con gái có nét chữ chân phương của học trò, đều đặn gửi cho tôi cứ mười ngày hay nửa tháng một lần thì không phải vậy là gì?

Một cái mối quan hệ cũng lạ kỳ, cho đến giờ tôi cũng không biết tên chính xác của ông là gì nữa, ông tên Diên, Viên, Riêng hay Giêng? Tôi chỉ nghe người ta gọi ông là “Sáu Diên” (người miền Nam thì tên nào như trên cũng đọc là Diên!), và để kính trọng tôi chỉ gọi đơn giản là “bác Sáu”, vì chừng như ông lớn hơn ba tôi.

… Xưa lắm, trước 1975, khi ông còn trẻ với mớ tóc chải và chiếc xe đạp có bộ thắng và vè bọng đầy đủ với cái giỏ đằng trước, và là khi tôi còn rất nhỏ chạy lúp xúp dưới chân má tôi, thì mỗi khi “Cô ơi, có thơ!” là tôi nhanh nhất nhà chạy ù ra lấy thư. Cũng tùy sở thích hay sự tiện lợi của ông mà hôm ấy ông thích cưỡi chiếc xe đạp nhảy tưng tưng trên con đường Tham Tướng Sanh đầy đá cục trước nhà tôi hay ông muốn chạy tàng tàng êm ái trên con đường Bạch Đằng trải nhựa sau nhà, nhiệm vụ của tôi là định hướng gọi của ông mà chạy ra để lấy các niềm vui nho nhỏ mang vào cho ba má tôi.

Và theo phong cách của người xưa, một cách lịch sự má tôi đi ra sau, tự tay đưa phong bì chút ít để “boa” cho ông, nhưng tuyệt đối không bao giờ ông nhận, về sau má tôi thỉnh thoảng biếu ông lúc thì quả mãng cầu xiêm, khi thì nải chuối, lúc là quả đu đủ từ vườn nhà cũng chỉ để cảm ơn ông một cách ý nhị, ông vui vẻ treo lủng lẳng trên ghi- đông xe và khoan thai đạp đi…

Rồi sau năm 1975, tôi cũng định hướng tiếng gọi của của ông mà chạy ù ra nhanh nhất, để mang vào cho má tôi những phong thư dày cộp mà ba tôi đã viết từ trong trại cải tạo gửi về, với đầy ắp những yêu thương dành cho “em thương yêu và sắp nhỏ…” (tính ba tôi cẩn thận, ông viết nhiều để dặn dò rất kỹ lưỡng đến từng đứa con, mà con ông chỉ có … tám đứa!). Cũng có khi bác Sáu giao những phong thư dày cộp ấy khi ông gặp tôi đang khệ nệ vác bao bánh mì rêu rao lang thang trên khắp hang cùng ngõ hẻm xứ Hà Tiên để giúp má tôi cải thiện cuộc sống quá đói nghèo những năm tháng ấy, ông không quên mua giúp tôi ổ bánh mì để ủng hộ và còn dặn dò:

 – Bán nhanh rồi về con! « Thơ » của thầy. (người miền Nam hay gọi thư là thơ)

Nhưng dạo ấy có khi bác Sáu không có bức thư nào mà chỉ là đưa mảnh giấy điện tín có vài chữ ngắn súc tích (mà người gửi đã phải trả tiền rất nhiều), được “ám hiệu” nội dung mà chỉ người nhận mới hiểu, ví dụ “A (hay B…) thi đậu”. Cái nội dung đơn giản dễ hiểu ấy hóa ra bao hàm cái niềm vui tột cùng của người gửi, sự chia sẻ niềm vui cho người nhận, hoặc một thông báo ngầm cho một « đường dẫn đến tương lai »… Bọn trẻ chúng tôi chỉ hiểu trong bữa cơm khi má cho hay anh (chị) hay bà con chi đó đã vượt biển trót lọt đến Thái đến Phi..v.v..

Sau này, khi anh em chúng tôi đi xe nước mướn ở Hà Tiên, thỉnh thoảng bác Sáu đuổi theo hoặc dừng chúng tôi lại để đưa các phong thư, có lần bác như vội vả điều gì, bác thao tác nhanh lắm chỉ một lần cái động tác rút trong cái túi thư thì phong thư dài dài khác với khổ thư thường thấy, thì phong thư ấy đã nằm gọn trong tay bác, bác đã không quên dặn dò thầm thì:

 – « Thơ » ở nước ngoài gửi cho thầy, cất kỷ nhe con, tụi mày kiếm cái túi nylon bỏ vào để khỏi ướt!

Hồi ấy có thư nước ngoài gửi về là một chuyện rất “tế nhị” nhất là hoàn cảnh nhà tôi, bác Sáu vì vậy mà rất khéo léo… Ngày hôm ấy ba tôi hẵn đã rất vui dù tôi thấy ông rất xúc động, con mắt còn lại của ông đỏ hoe khi đọc mấy trang thư từ Paris, người gửi là chú Hòn, ba nói rằng đó là một học trò cũ của ba, nhà chú rất nghèo và ở ngoài hòn, chú được ba giúp đỡ cho ăn học, chú ấy là học trò tại Trung Học Hà Tiên của chúng ta … Chú Hòn đã cố gắng gửi một bức thư thăm ba tôi với địa chỉ rất mơ hồ vì chú đã không còn nhớ địa chỉ chính xác, chỉ có cái tên là chú viết đúng “thầy Trương Minh Đạt”. Ở Hà Tiên chúng ta những người tên Đạt không hiếm, còn đã là thầy giáo thì cũng có thầy giáo tên Đạt khác không riêng gì ba tôi. Lại có việc Hà Tiên nhiều lần thay đổi địa chỉ nhà, như nhà tôi đã đến bốn năm lần đổi địa chỉ mà chưa lần nào bị thất lạc thư từ. Bác Sáu có thể không giao vì địa chỉ không rõ ràng, nhưng bác là người rất có tâm và trách nhiệm, mẫn cán với cái công việc dù rất đơn điệu của mình…

Khi chúng tôi lớn lên, đi học, và có bạn bè phương xa… Thì anh chị em chúng tôi hay viết thư để giao lưu với bạn bè tứ xứ, thư qua tin lại đó là niềm vui không nhỏ của đám học trò nhà này, thì có nghĩa là bác Sáu phải làm việc nhiều hơn, nhưng tôi vẫn thấy nụ cười hóm hỉnh giễu cợt của bác khi trêu chọc chúng tôi. Chỉ một lần tôi thấy bác « rầy » thằng em út nhà tôi, khi nó nhận thư của cô bạn gái mà nó để địa chỉ của một đứa bạn khác ở xóm Lầu Ba nhờ chuyển cho nó, vì nó cố tình dấu mấy anh chị quá ư nhiễu sự của nó, thấy cái tên họ Trương mà ở địa chỉ lạ hoắc, bác Sáu bèn kêu nó ra và nói:

 – Nè, mình có tên họ đàng hoàng, có nhà cửa đàng hoàng, thơ thì cứ gửi về nhà mình không gửi chuyển lung tung nhe mậy!

Với đám trẻ con nhà này thì bác Sáu luôn mày tao một cách xuề xòa dễ dãi, nhưng những chuyện như vậy là bác đang nghiêm túc dạy cho chúng biết cái điều lớn hơn để “làm người” sau này: “danh có chánh thì ngôn mới thuận”!

… Rồi thời gian qua rất nhanh, tôi không kịp nhận ra bác Sáu đã bỏ đi mái tóc đen chải một bên bằng mái đầu cua lún phún sợi bạc từ khi nào? Cũng không biết từ khi nào chiếc xe đạp của bác đã không còn vè và thắng? Có lẽ bác đã già đi và đạp chậm hơn nên không cần đến chúng nữa chăng? Nhưng những khi về thăm gia đình tôi vẫn thấy bác đi giao thư, cứ thong thả và chậm chậm tôi chờ bác đến để hỏi vài câu xả giao, thăm hỏi sức khỏe bác…

Cho đến một hôm về thăm nhà, tôi hỏi thăm má về bác Sáu, má tôi cho hay bác mất rồi, hôm đó tôi buồn và nhớ bác vì tuổi thơ của tôi luôn có hình bóng bác Sáu với cái dáng đạp xe khoan thai, với các cánh thư buồn vui qua các thời cuộc mà bác đã mang đến cho gia đình tôi nói riêng và các gia đình khác ở quê hương Hà Tiên chúng ta.

Giờ chuyện thư từ này được giải quyết một cách chóng vánh với bao nhiêu là ứng dụng của thời @, chỉ cần một cái smartphone là bạn có thể giải quyết “nhanh hơn một nốt nhạc”! Vì vậy mà có khi các cảm xúc thú vị về việc viết thư tay qua đường Bưu Điện của chúng ta đã biến mất tự bao giờ, cảm giác chờ nhận thư của người thân yêu, của bạn bè… từ người bưu tá đã không còn nữa. Tiếc thật! Và chắc chắn một điều rằng sẽ không có còn ai tạo được một hình ảnh về một người mấy mươi năm làm một bưu tá mẫn cán, liêm chánh và có tâm như ông.

Hà Tiên có nhiều người nổi tiếng đóng góp tài sức cho quê nhà, nhưng nếu chúng ta không nhắc đến những người bình thường, làm những công việc bình thường như ông bưu tá mà tôi kính trọng gọi bằng “bác Sáu” thì thật là có lỗi với tiền nhân.

Cho dù ông tên Diên, Viên, Riêng hay Giêng cũng không quan trọng, vì người Hà Tiên nhớ tới ông sẽ nhắc ngay – ông Sáu « Diên”.

Ở Suối Vàng, ông sẽ thật vui nếu ông biết có người nhắc đến ông với tất cả sự trân trọng, sẽ còn hay hơn nữa nếu nơi ấy có mạng Internet thì dứt khoát ông sẽ đọc được bài này, vì ông là một người yêu Hà Tiên hơn tất cả những người Hà Tiên chúng ta, bởi tất cả các con đường nơi đây đều in dấu chân ông.

QN.

10/2020.

Dãy nhà bên trong khu Chi Bưu Điện Hà Tiên, dùng làm văn phòng, tem thư, điện tín..v..v…trong những năm 60 – 70. (Hình: Bạn học chung trường lớp THHT ngày xưa)

Một trong những cổng lớn vào khu Chi Bưu Điện Hà Tiên, nhìn ra đường Tô Châu, Hà Tiên. Đây là cổng vào khu cư xá nhà ở của gia đình Trưởng Chi và nhân viên. Thời gain: những năm 60-70. (Hình: Bạn học chung trường lớp THHT ngày xưa)

Các bạn trong lớp mình đang tụ tập tại nhà Nguyễn Anh Tài (lúc đó là khu cư xá nhà ở của Chi Bưu Điện Hà Tiên vì Ba của Tài làm trưởng chi). Khu nầy có rất nhiều cây xoài nên tụ tập lại cả lớp để leo cây xoài hái ăn. Trong hình là chị Huỳnh Kim Cúc, Mai Thị Ngọc Minh và Lý Văn Tấn đang chấm xoài với nước mắm đường,… :-). (Hình: TVM)

Tái bút:

1/ Bạn học cùng trường ở Hà Tiên có góp ý thông tin về chú Sáu Diên như sau: Chú Sáu là một người nhân viên rất tận tụy với nghề, khi về hưu chú ra đốn cây me ở gần nhà, rồi từ đó chú bịnh hoài luôn, không bao lâu là chú mất. Vào năm 1978 lúc có giặc biên giới tràn qua Kiên Lương, chú Sáu chạy xe đạp xuống Kiên Lương thăm bà con, sau đó chú đạp xe về Hà Tiên vì không có xe đò.  Chú rất có tình cảm với con cháu, chú mất năm nào lâu rồi mình không còn nhớ rỏ,.(Tăng Thị Sáu).

 2/ Em Tăng Thị Sáu, học trò Trung Học Hà Tiên ngày xưa đã chia sẻ được một tấm hình chân dung chú Sáu Diên và có cho thông tin về ngày tháng chú mất. Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » xin cám ơn em Tăng THị Sáu nhiều nhé.
 

 

Laisser un commentaire