Thầy Nguyễn Văn Tiêu

 

Thầy Nguyễn Văn Tiêu.

Trước tiên tôi xin cảm ơn ý tưởng quá xá hay (chứ không còn là “rất hay”) của một cựu học sinh Trung học Hà Tiên – Mr. Trần Văn Mãnh, ông đã mở trang một Blog về ngôi trường trung học mà khi tất cả chúng ta trải qua đều cảm nhận rằng đó là thời gian đẹp nhất, thời gian đáng nhớ nhất của một đời người, tuy dài theo tiếng đếm của nhịp đồng hồ nhưng rất ngắn với kiếp nhân sinh… Đó là thời gian mà chúng ta “mở mắt” với  cuộc đời  một cách “bài bản” được hướng dẫn và dìu dắt bởi những nhà sư phạm chuyên nghiệp, là các nhà khoa học mà chúng ta thân thương gọi là thầy cô (xưa nữa, đối với giao viên trung học người ta phân biệt bằng danh xưng “giáo sư” – professeur).  Đó là lúc chúng ta bước qua một không gian học tập mới, với một tinh thần mới mang tính khám phá một góc thế giới nhỏ bé với đôi mắt trong suốt và trí tuệ đang trong tình trạng “trong vắt”… Đó là lúc chúng ta không còn “mài đũng quần” theo kiểu làm theo và bắt chước thời tiểu học mà chúng ta đã trưởng thành hơn một bậc, để rồi tất cả những gì mà chúng ta được truyền đạt và hướng dẫn bởi những nhà sư phạm chuyên nghiệp đó sẽ làm hành trang cho tất cả chúng ta bước vào cuộc đời một cách tự tin hơn…

Hưởng ứng với tác giả trang Blog này “viết về các thầy cô đã từng dạy tại Trung Học Hà Tiên”,  tôi xin nhắc đến một người thầy – thầy Tiêu dạy môn Sinh Vật. Tôi không nhớ rõ đủ cả tên họ của thầy, nói ra mà không đúng thì thật là bất kính. Về điểm này xin các anh chị hay bạn bè góp ý cho tôi.

Thầy về trường trung học Hà Tiên khoảng năm 1975-1977, khi tôi vào trường niên học 1976-1977 thì đã có thầy rồi, có lẽ thầy về cùng lúc với thầy Bùi Đăng Trường (đã quá cố), cô Châu (dạy Pháp Văn), cô Vũ Thị Thêm… Tất cả các thầy cô đều được điều động từ nơi khác đến dạy tại trường của chúng ta.

Thầy  Tiêu trong ký ức của tôi là một người cao ráo, với mái tóc loăn xoăn mà mỗi khi đi ra gió thì cái mớ tóc ấy của thầy bị gió thốc tung lên, rồi một khi ngọn gió đã đi qua thì để lại “trên đỉnh phù vân” của thầy một … Cái tổ quạ!

Tôi xin dừng lại đôi chút vì tôi chợt nghĩ: “cái kiểu viết này sẽ gây sốc cho nhiều người…”, tuy nhiên xin mọi người đừng hiểu lầm rằng thế này là một sự bất kính, bởi sự kính trọng nó nằm trong tâm tưởng của một người, nó có một trọng lượng tinh thần đáng kể chứ không phải cố gồng mình thể hiện ra ngoài mà thực tâm trống rỗng… Hơn nữa, thầy cô cũng như chúng ta, cũng có những cung bậc cảm xúc, những phút giây tếu táo và những hành động bộc phát táo bạo “rất con người” mà không hề được môi trường sư phạm khuyến khích.

… Thầy đã dẫn một nhóm nhỏ lớp chúng tôi đi Thạch Động, thầy rất thích và thầy nói rằng vùng đất và con người nơi đây rất cuốn hút thầy… Sau khi đi khắp hang động tìm chàng Thạch Sanh để hỏi cách “cứu mỹ nhân” bởi thầy còn “rất độc thân”. Đương nhiên nào có Thạch Sanh? Chỉ có nàng công chúa nhỏ xíu vận tà áo dài rêu phong với mái tóc dài màu đen được tạo bởi một miếng đá vôi đậm màu hơn chút. Nàng được Thạch Sanh “dấu lộ thiên” bằng cách treo nàng lơ lửng trên hốc của một vách đá cheo leo để chẳng ai được đụng đến nàng… Quả thật việc làm của Thạch Sanh đã rất hiệu quả, đến nỗi ngày nay muốn tiếp cận nàng công chúa bé nhỏ đó, chúng ta phải dùng một cây sào dài mà chỉ gãi gãi được tà áo rêu phong của nàng mà thôi. Thầy Tiêu “rất độc thân” của tôi chỉ đứng trầm ngâm lặng lẽ lắc đầu tiếc nuối và ngao ngán…

Sau khi không thể tiếp cận nàng công chúa bé nhỏ kia, thầy cũng nhanh chóng trở về thực tại, thầy đưa lũ nhóc chúng tôi leo mấy chục bậc thang lên một cái hốc trống hoác ở rìa phía Tây của Thạch Động, rồi sau khi đến được mép của hốc đá này chúng tôi cảm thấy lạnh cả người và sống lưng vì chợt thấy rằng mình đang ở lưng chừng vách đá mà nhìn xuống con đường QL 80 với người ta nhỏ xíu bên dưới… Ở đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn hết cánh đồng Xà Xía, đường Bà Lý về Núi Đèn Mũi Nai và cả Lục Sơn bên đất Cambodge… Chợt tôi nhìn thấy thầy rùng mình và nhanh chân tụt xuống các bậc thang, mau chóng rời khỏi nơi có cái tầm mắt thu trọn cảnh vật tuyệt vời có một không hai đó một cách lãng phí, không nói không rằng thầy chỉ lên trên vòm hang, cái thứ gì làm cho thầy quá sợ? Một tảng đá to cỡ chiếc xe hơi, chắc nặng cũng chục tấn đang lơ lửng giữa không trung, nó bị kẹt giữa hai khối đá to hơn hai bên, tảng đá ấy như chực hờ rơi xuống cái đám trẻ con và một ông thầy cũng còn đang rất trẻ này…

Hôm sau vào lớp thầy đọc cho chúng tôi một đoạn thơ vì tức cảnh mà sinh tình hôm trước:

“ Hùng vỹ quá! Thạch động nơi ta đến
Thăm một lần rồi khiếp sợ bao đêm.
Nhỡ chiều nào sóng gió chẳng êm
Nó sụp đổ, hỡi đường mô ta chạy?”

Thach Đông nhìn từ QL80, cách trung tâm thị xả Hà Tiên khoảng 3 km. (Photo: Bùi Thị Đào Nguyên 2011)

Một vị trí trên Thạch Đông để ngắm toàn cảnh phía dưới. (Photo: Trần Văn Mãnh, 1994)

Toàn cảnh ruộng lúa từ trên Thạch Động nhìn xuống. (Photo: Trần Văn Mãnh 1994)

Một lối thoát « lên Trời » nhìn từ bên trong Thạch Động

… Hà Tiên trong ký ức của nhiều người trung niên và cao niên, có một nhu cầu tối cần thiết của con người mà Hà tiên của chúng ta luôn đối mặt hàng năm đó là: Nước!

Nhu cầu nước của vùng đất này luôn nhiều hơn khả năng cung cấp của tất cả những gì người ta có thể, ngày xưa họ Mạc đã cho đào ao to chứa nước, các chùa chiền đều có ao chứa nước, nhà dân có đất rộng cũng đào ao chứa nước ngọt, dùng lu hoặc xây bồn hứng triệt để nước mưa, hoặc đào thêm giếng để có nước rửa nhằm tiết kiệm nước ngọt để nấu ăn và nấu nước uống… (Tuy nhiên, có mấy ai biết được là nấu cháo bằng nước giếng lờ lợ sẽ rất ngon và rất béo…)

Hàng ngày người ta phải lên Ao Sen lấy nước, ba cái ao đó không bao giờ đủ cho nhu cầu của người Hà Tiên dù chính quyền xa xưa đã tăng từ một ao lên đến ba như ngày nay… Mùa hạn, cả ba ao đều cạn khô, người ta phải vét nước moi đầy bùn sét từ đáy ao bằng cách đào lỗ chỗ các miệng giếng nhỏ, nhìn đáy ao như vừa qua một trận bom rải thảm thu nhỏ… Các ao nhà dân và ao chùa cũng cạn, người ta phải đi xa hơn để lấy nước trên Giếng Tượng núi Tam Phu Nhơn, hay các giếng khoan “vùng đất linh hồn” núi Đề Liêm mà không một ai nghĩ tới nước giếng khoan đó ngấm cả những phần tử hửu cơ được phân hủy từ nghĩa trang bao đời ngay đó… Rồi sau khi hết tất cả nước của xứ sở giàu tình mà nghèo nước này thì… Ghe nước về.

Ghe nước mang nước từ dòng Vĩnh Tế, là nước ngọt của dòng Bassac của Campuchia chia xẻ cho chúng ta khi trôi về hạ nguồn, nơi ấy nước mặn không xâm nhập, ghe thương hồ thay vì đi chở hàng, nay vì nhu cầu nước của xứ Hà Tiên nên họ đã cải tạo chiếc ghe chút ít để khả dĩ chứa được nước ngọt bơm thẳng vào lòng ghe chứ không chứa đựng vào đâu cả… Nước ghe về thì bến Đông Hồ vui như hội, hàng trăm chiếc xe cây chở nước (bằng thùng phuy hay thùng tôn hàn) xếp dài dọc theo con đường cập theo đó, hết chiếc này được bơm đầy nước sông trắng bạc thì lần lượt đến chiếc khác, “văn hóa xếp hàng” được tôn trọng tuyệt đối nơi đây…

Thầy Tiêu cũng phải tự đi lấy nước và phải xếp hàng trong đó dù ông là … Thầy.

Trải qua mùa hạn đầu tiên của năm 1976-1977 thầy đã thật sự ngao ngán mà thốt lên rằng”

… “Hà Tiên ơi! Cỏ cháy!
Hà Tiên ơi! Người khô.
Ta ngồi đây im lặng
Nhìn mặt nước Đông Hồ
Xót xa…Toàn nước mặn!”

Thầy không ở Hà Tiên đủ lâu để hiểu là người Hà tiên không hề khô, và biết đâu có thể con người của xứ sở này sẽ xoá cái thế “rất độc thân” của thầy mà không có một đòi hỏi gì khác ngoài chuyện – phải yêu xứ sở đó! Và có lẻ, thầy Tiêu còn nhiều thơ về Hà Tiên nữa vì thầy thích làm thơ và có khả năng “xuất khẩu thành thơ”, tuy nhiên tôi đã không còn nhớ…

Ao Sen trước Lăng Mạc Cửu mùa nước lớn (Photo: Ngọc Viên)

Ao Sen trước Lăng Mạc Cửu mùa nước cạn. (Photo: Trần Văn Mãnh, 1994)

Nay tôi không biết thầy đang sống nơi đâu, vì năm 1977 Hà tiên bị Khmer đỏ đánh ác liệt, các thầy cô sơ tán, một số thầy cô đã thuyên chuyển đi và không bao giờ quay lại, trong đó có thầy Tiêu.

Tôi cũng mong muốn rằng nhờ Blog này giúp sức, chúng ta sẽ lan tỏa thông tin để tìm kiếm lại những thầy cô bạn bè và đã từng đến gắn với ngôi trường Trung học Hà Tiên, để cùng ôn lại những kỷ niệm thời cắp sách đến trường, để chúng ta còn lưu được những điều đẹp đẽ nhất.

TruongMinhQuangNguyen_1Quang Nguyên (Việt Nam)

10/2017

 

 

 

 

 

Hình ảnh: Trần Văn Mãnh, Trương Minh Quang Nguyên

Tái bút:

Cô Lâm Ngọc Mai chị của bạn Lâm Thị Lan cho chúng ta biết là thầy tên nguyên họ là Nguyễn Văn Tiêu và môn thầy dạy là môn Sinh Vật. Xin cám ơn cô Mai và bạn Lan nhiều. (dỉ nhiên là một người thầy trên bậc Trung Học có thể dạy nhiều môn khác nhau tùy theo tình hình thiếu giáo sư trong trường nên có thể là thầy Nguyễn Văn Tiêu ngoài môn Sinh Vật, còn dạy môn Địa Lý cho lớp của bạn Quang Nguyên (tác giả bài viết trên)

Bạn Hồ Anh Dũng có thông tin cho biết thêm là thầy Nguyễn Văn Tiêu về dạy trường TRung Học Hà Tiên trước năm 1975, cô Nguyễn Thị Bình dạy môn Anh văn tại Trung Học Hà Tiên (niên khóa 1974-1975) là vợ của Thầy Tiêu lúc đó..

Cô Võ Kim Loan có thông tin thêm là hiện thầy Nguyễn Văn Tiêu định cư ở Sydney Úc Châu, thầy Tiêu có thông tin tìm người quen trên mạng (Blog Tha Hương, thầy trò trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá), địa chỉ e-Mail của Thầy Tiêu như sau:

tuannguyenaus1@yahoo.com.au

Thông tin tìm người quen của thầy Nguyễn Văn Tiêu đăng trên Blog Tha Hương (thầy trò trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá)

 

Laisser un commentaire