Lễ Tống Ôn ở Hà Tiên (Trương Thanh Hùng)

Thầy cô và các bạn thân mến, một trong những phong tục được duy trì lâu đời ở Hà Tiên ngày xưa là « lễ tống ôn, tống gió » (vào ngày rằm tháng tư âm lịch). Ở ngôi đình xã Mỹ Đức ngay khu chợ xưa ở Hà Tiên người ta xây dựng một chiếc tàu bằng tre và dán giấy đủ màu sắc, trang trí chiếc tàu rất tốt đẹp, chiếc tàu có kích thước chiều dài khoảng 7 m, chiều rộng khoảng 1,4 m. Chiếc tàu bằng tre và lợp giấy nầy được lưu trử ở bên trong ngôi đình. Đến đúng vào ngày rằm tháng 4, ở Hà Tiên có tục lệ đi diễn hành chung quanh đường phố chợ Hà Tiên, hồi xưa chúng ta kêu là «Đi Nghinh» hay «Tống Gió», tức là trong đoàn «đi nghinh», có các vị người lớn lên đồng (những người nầy thường là bậc cao tuổi kỳ cựu ở Hà Tiên, đóng vai trò cho mượn xác thân của mình cho những linh hồn các vị thần tiên đã chết rất xa xưa, nhập vào thân xác để đi diễn hành trên các đường phố Hà Tiên, mục đích là kiếm ma quỷ, tà yêu để diệt trừ vì trong lúc đi nghinh, tống gió là để đi xua đuổi những linh hồn ma quái thường lưu lạc, không nơi nương tựa, đi khuấy phá nhân dân). Các vị lên đồng tay cầm kiếm, cầm cờ lệnh múa rất oai nghiêm, có vị còn được đứng ngay trên chiếc tàu để múa kiếm, cũng có vị dùng một cây cờ lệnh nhỏ bằng kim loại đâm xuyên qua hai gò má trên gương mặt của mình để cho quỷ ma phải khiếp đảm. Đoàn người đi như vậy cùng với tiếng chiêng trống vang lừng làm tăng thêm sự oai linh…Tiếp theo sau đoàn người và sau chiếc tàu, có người đẩy một chiếc xe cây để tiếp thu những hoa quả, ngũ sắc do nhân dân Hà Tiên đem cúng theo khi đoàn người đi qua trước nhà. Cũng có nhiều trẻ con gan dạ, không biết sợ , chạy theo sau chiếc tàu, có lẻ để chờ khi người ta phát trái cây hoa quả để chạy vào xin…Mời thầy cô và các bạn đọc bài viết sau đây, do bạn Trương Thanh Hùng đóng góp. (TVM viết lời giới thiệu, Paris 25/08/2021)

LỄ TỐNG ÔN Ở HÀ TIÊN (Trương Thanh Hùng)  

Sau khi bài viết này được đưa lên facebook, có một số ý kiến đóng góp, nhất là ý kiến của anh Trần Văn Dõng, Trần Văn Mãnh có nhà ở gần Đình Thành Hoàng, nơi diễn ra một phần của lễ tống ôn, đặc biệt là thời điểm hành lễ, các anh và một số người khác cho rằng lễ tống ôn được diễn ra vào tháng 4 âm lịch. Sau khi xem xét lại, tôi thấy các anh đã nhớ đúng vì vào tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm, thời tiết chuyển mùa sinh ra nhiều dịch bệnh nên nhân dân mới làm lễ tống ôn để tống khứ thần ôn dịch, ma quỉ đi, giữ bình yên cho nhân dân. Nay tôi xin tiếp thu và chỉnh lại một số chi tiết cho gần với sự thật hơn, mong quí vị thông cảm.

Tống ôn hay tống gió là một nghi thức dân gian để cầu mong cho làng xóm thoát khỏi “ôn hoàng dịch lệ”, đưa những oan hồn uổng tử, các vị thần ôn dịch theo dòng nước đi nơi khác không còn tác quái ở địa phương mình. Trong những ngày tháng ôn dịch covid hoành hành trên toàn thế giới hiện nay, trong tháng Bảy âm lịch, xin kể lại việc tống ôn của nhân dân Miền Nam ta ngày xưa hay lễ tống ôn ở Hà Tiên mà tôi đã từng chứng kiến cách nay trên nửa thế kỷ.

Hà Tiên là một vùng đất mà đời sống tâm linh khá phong phú, chỉ tại thị trấn Hà Tiên xưa (nội ô thành phố Hà Tiên ngày nay) có rất nhiều chùa chiền, am miếu, vào tháng bảy âm lịch, tất cả các chùa, miếu ở Hà Tiên đều tổ chức cúng kiến rất long trọng. Bắt đầu ngày mùng 1 tháng bảy, chùa Tam Bảo cúng “mở cửa ngục” cho ngạ quỉ (quỉ đói), cô hồn, các đảng trở về dương thế nhận thức ăn của người trần bố thí, người ta làm bánh cúng, bánh cấp để cúng cô hồn, rất nhiều nhà bày mâm cúng ngoài sân, ngoài bánh cúng, bánh cấp (bánh cúng là một loại bánh gói bằng bột gạo không có nhân, dùng lá chuối gói thành hình ống lớn hơn ngón tay cái người lớn; bánh cấp gói bằng nếp trong lá chuối thành hình chữ nhật dẹp, hai cái bánh cột lại thành một cặp, bánh được luộc chín), người ta còn để thêm khoai lang, mía, ổi, giấy vàng bạc, muối gạo, khi cúng xong thì thảy ra ngoài sân cho con nít giành giật tượng trưng cho cô hồn giựt ăn, còn muối gạo thì một phần vãi ra sân, một số muối hột được bỏ trong lò than cho nổ lốp bốp. Đốt muối gạo là một hình thức xua đuổi tà ma, xui xẻo của dân gian ngày xưa. Hình thức cúng cô hồn này được diễn ra suốt tháng bảy, tùy theo gia đình mà chọn ngày cúng cho phù hợp. Sau chùa Tam Bảo, các chùa, miếu khác lần lượt cúng cho đến ngày 30 chùa

Địa Tạng cúng đóng cửa ngục, kết thúc những ngày cô hồn, ngạ quỉ được thả lên trần gian kiếm ăn. Các chùa cúng đều có “xí dàn”, thức cúng do nhân dân mang đến, người ta làm “cỗ” bằng một cây chuối gọt thành hình tháp, dán giấy và kết lên đó bánh cúng, bánh cấp hay bánh bò, bánh bông lan. Có người làm cỗ lớn dùng tre kết thành cỗ rồi kết bánh lên, có người làm cỗ tiền, có người cúng nguyên cả con heo quay. Tất cả các cỗ ấy chất trên một dàn cao, sau khi làm lễ (các nhà sư tụng kinh), người ta xô các cỗ ấy xuống cho trẻ em giành giật gọi là giựt dàn, có khi có cả người lớn cũng vào giật, nhất là ở chùa Năm Ông cúng rất lớn thường có heo quay, bánh bao nên các anh lính bên Trung tâm qua tham gia. Trong suốt tháng bảy, nếu rảnh rang, ta có thể ăn cơm chùa nguyên tháng, các chùa nấu đồ chay rất ngon, tôi ấn tượng nhất là món “kiểm” ăn ngon hơn bí kèn dừa.

Trở lại việc tống ôn. Việc tống ôn được diễn ra ở các miếu trong tháng 4 âm lịch, tôi không nhớ chính xác các miếu cúng vào ngày nào. Bắt đầu sau tiết Thanh Minh, thời tiết đã bắt đầu thay đổi, đã có những trận mưa đầu mùa báo hiệu kết thúc mùa nắng nóng, cũng là thời điểm dịch bệnh hay xảy ra đối với con người, kể cả gia súc, gia cầm nên nhân dân nhờ các vị thần ra oai tống khứ ôn dịch, giữ bình yên cho địa phương mình. Ngoài những chùa thờ Phật, Hà Tiên có khá nhiều miếu thờ thần. Trong mỗi miếu có một vị được xem là “xác” của vị thần, vị này có những thủ thuật làm cho người dân tin tưởng vào quyền năng của mình. Có vị cắt lưỡi vẽ bùa phát cho dân, có vị “xiên lình” đâm cây sắt nhọn qua má, ngồi trên dàn đao bén, đi trên lửa (miếu bà Hỏa tinh), thò tay vào trả nước sôi lấy đồ vật. . .

Vào ngày tổ chức tống ôn, có lần tôi chứng kiến một đoàn rước đi từ đình Thành hoàng lên miếu ông Huỳnh Kỳ ở cuối đường Mạc Cửu dưới chân Núi Lăng, giữa 2 ao sen (ngôi miếu này hiện nay không còn). Đoàn rước khiêng một cái kiệu, trên kiệu là ông Năm Ô, ông ngồi trên một dàn đao bén, miệng có một cây sắt nhọn xiên qua má, tay cầm kiếm múa may để trừ tà ma. Hai bên đường có nhiều nhà đốt muối gạo. Tôi không được gia đình cho phép đi theo nên không biết về đến miếu có thêm nghi thức nào không.

Tôi lén gia đình đến miếu “Bà Thời” ở dưới chân Lầu Ba (trên con hẻm từ đường Mạc Thiên Tích xuyên qua đường Phương Thành, tôi không biết miếu này thờ vị thần nào), Bà Thời là người chủ ngôi miếu ấy. Tôi chứng kiến Bà Thời trong trang phục như một nữ tướng trong truyện Phong Thần, tay bà cầm một sợi dây, hai đầu dây có 2 trái chùy bằng vải, bà vừa đọc chú bùa gì đó, tay liên tục quất 2 trái chùy vào người cũng làm phép xua đuổi tà ma.

Sau đó, đoàn rước khiêng một chiếc thuyền giấy trang trí rất đẹp ra cửa biển Đông Hồ, có người nói là khiêng ra Cầu Đồn Tả trên đường ra Mũi Nai phía sau núi Kim Dự (Pháo Đài) theo sự hướng dẫn của ông Năm Ô dưới vai trò là ông Huỳnh Kỳ (Thái tử), trên có nhiều hình nhân bằng giấy và thức cúng gồm thịt heo quay, gà luộc, muối, gạo và giấy tiền vàng bạc. Sau một lúc thực hiện các nghi thức, theo lệnh của ông Huỳnh Kỳ, chiếc thuyền được đưa xuống nước, đáy thuyền có mấy thân cây chuối cây nên thuyền nổi trên nước khá thăng bằng, thuyền từ từ trôi ra biển rồi đi đâu không rõ.

Người dân Hà Tiên tin rằng sau nghi lễ “tống ôn” này, ôn dịch không còn tác quái được trên đất Hà Tiên.

Chuyện đã diễn ra trên nửa thế kỷ, có thể tôi diễn tả lại không thật chính xác, nếu có người nào ở Hà Tiên tiêp tục bổ sung cho thì hay quá để người dân Hà Tiên chúng ta nhớ lại một phong tục có ý nghĩa của Hà Tiên xưa.

Tháng bảy, âm lịch, Trương Thanh Hùng

Có lẽ đây là tấm hình xưa nhất về Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Xã Mỹ Đức ngày xưa ở Hà Tiên. Hình sưu tầm do người Pháp chụp, năm 1890. Đình Thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức, Hà Tiên là nơi phát xuất ra đoàn rước buổi lễ Tống Ôn hàng năm vào tháng 4 âm lịch.

Ngôi Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên với chiếc cổng được cất thêm sau nầy khoảng năm 1999.

Chú thích: Về chủ đề « Lễ Tống Ôn ở Hà Tiên », xin mời quý độc giả xem thêm bài viết về ngôi Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh thuộc xã Mỹ Đức, Hà Tiên, mời bấm vào link dưới đây:

Ngôi Đình Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Xã Mỹ Đức (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian.

 

Laisser un commentaire