Thầy Lư Khê – Trương Văn Em

Thầy cô và các bạn thân mến, tiếp tục giới thiệu và tưởng nhớ quý thầy cô đã từng giảng dạy trong các trường Trung và Tiểu học Hà Tiên, hoặc quý thầy cô người gốc Hà Tiên đã từng làm rạng danh của miền đất Hà tuy xa xôi với thành đô nhưng là một vùng đất xanh tươi, nơi phát sanh rất nhiều nhân tài trong ngành giáo, thơ văn…..Thầy Trương Minh Đạt có viết rất nhiều bài nói về lịch sử đất Hà Tiên và gia đình họ Mạc..Trong một quyển sách về nghiên cứu Hà Tiên mà mình đã đọc qua rất nhiều lần, thầy Trương Minh Đạt có đăng một bài viết khi thầy trình bày ở Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (Thành Phố HCM) ngày 26/05/2006, bài viết nhắc lại thân thế và sự nghiệp của người anh cả trong gia đình họ Trương của thầy, đó là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và nhất là một nhà báo rất tận tâm nghề nghiệp, đó là thầy Trương Văn Em, có hiệu là Lư Khê. Tuy hiện diện trong một cuộc đời khá ngắn ngủi (1916-1950), thầy Trương Văn Em đã để lại một sự nghiệp văn chương, thơ phú và báo chí rất nhiều tác phẩm và gương sáng của một người trí thức có lòng yêu nước và yêu nghề. Trong bài viết hôm nay xin được nhắc lại quá trình của người học sinh tuy có nhiều khó khăn từ thưở nhỏ, nhưng rất thành công trên con đường học hành vì chính thầy Trương Văn Em là người đầu tiên của đất Hà Tiên thi đậu bằng Thành Chung (có thể xem như học xong hai bậc Tiểu Học và Trung Học của chương trình Pháp thời xưa). Sau đó thầy trở thành nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và nhà báo hoạt động ở Sài Gòn. Mời quý thầy cô và các bạn đọc bài với nhiều chi tiết về cuộc đời thầy Trương Văn Em rất hay..  (Paris, TVM viết lời giới thiệu, 26/12/2020)

Thầy Trương Văn Em (tác giả Trương Minh Đạt)           

              Chân dung thầy Lư Khê – Trương Văn Em (1916 – 1950). Hình: TMĐ         

Trương Văn Em tự Lư Khê, sinh năm 1916, biệt danh Trương Tuấn Cảnh, là nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Người xóm Rạch Vược, xã Thuận Yên tỉnh Hà Tiên, ông mượn tên quê hương mình làm bút danh. Ông là chồng của nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm, tự là Manh Manh*.          

Lư Khê tham gia đóng góp nhiều cho nền văn học quê hương Hà Tiên và đất nước Việt Nam. Ông bị ám sát năm 1950, trong khi nhiều công trình còn dang dở chưa kịp thực hiện.

Ông là người Hà Tiên đầu tiên đỗ bằng Thành Chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieuses de l’Indochine) ở Cần Thơ năm 1928. Thời đó, học sinh tiểu học các tỉnh miền tây Nam Kỳ phải thi vào trường Trung Học Cần thơ, sau khi học hết cấp ở tỉnh nhà. Chương trình học dùng chữ Pháp là chính. Ông giỏi cả Việt văn lẫn Pháp văn. Lư Khê xuất thân là nhà giáo nghèo, dạy Việt văn tại các trường Huỳnh Khương Ninh và Đồng Nai.

Về văn học, Lư Khê sáng tác khá nhiều, nhất là thơ. Thơ ông rất trữ tình, thường xuyên đăng ở các báo Thế giới Tân văn (1936), Nữ Lưu tuần báo (1936), Văn Nghệ (1937), Tự do (1938), Nay (1940), Gió Mùa (1941), Đông Tây (1942)…Tập tùy bút Phút thoát trần được in năm 1942 do nhà xuất bản LUK phát hành. Riêng tập bản thảo Nhạc đêm ông định xuất bản, nhưng chưa kịp.

Về thơ chữ Pháp, Lư Khê đoạt giải cuộc thi “Tournoi des Jeux Floreaux de Nice” của Pháp, năm 1938. Ông cũng định xuất bản tập “Au fil de l’heure” (Theo bước giờ đi), nhưng còn dang dở. Ông cũng viết tản văn, truyện ngắn hay tùy bút tựa La Douleur Secrète (Nỗi đau thầm kín), sách đã in và phát hành năm 1940. Lư Khê nổi danh nhà báo. Từ 1935, ông viết cho báo SỐNG của Đông Hồ và Trúc Hà. Cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà, Lư Khê được văn giới gọi là Hà Tiên tứ tuyệt. Sống là tờ báo văn học Việt ngữ đầu tiên ở Nam kỳ, chú trọng nhiều đến chánh tả, nhất là dấu hỏi, dấu ngã. Khi báo SỐNG đình bản, Lư Khê tiếp tục viết cho Thế Giới Tân Văn, Nữ lưu, Văn Nghệ, Tự Do v.v… 

Đầu năm 1950, Lư Khê được hảng hàng không Air France của Pháp mời dự lễ khánh thành đường bay Paris – Sài Gòn tại thủ đô nước Pháp. Nhân dịp này, ông đặt in một bức ảnh màu bằng kỷ thuật offset, trong khi các báo khác tại Sài Gòn chỉ in typo như xưa. Cơ sở in là Imprimeries George Lang ở Paris, thuộc loại tiên tiến nhất của Pháp. Bức hình màu, cở thật lớn, vẽ cô thiếu nữ tuyệt đẹp. Ấy là một cô gái thôn quê miền Nam tay ôm chiếc nón lá, vừa xinh lại vừa ngây thơ. Tác phẩm được ông Lư Khê thương lượng mua của tác giả họa sĩ Lê Trung, một họa sĩ thời thượng trong làng báo Sài Gòn lúc ấy. Nhờ có sáng kiến độc đáo của Lư Khê, bức ảnh màu được in riêng, dán hờ trên bìa báo, một cách gợi ý độc giả có thể tháo rời ảnh để lộng khung, treo làm cảnh trong nhà, hoặc dùng như tác phẩm nghệ thuật hội họa hiếm có. Nhờ vậy, báo Ánh Sáng Xuân năm đó bán thật chạy. Nhưng rất tiếc, ông chưa kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình thì đã sớm lìa đời…

Một trong những bức tranh với người mẫu cô gái thôn quê của họa sĩ Lê Trung. Hình sưu tầm

Có một câu chuyện về ông được người dân vùng Rạch Vược thường kể cho nhau nghe: Ngày nọ, ông vác chài đi chài cá ở Mũi Gành (Rạch Vược). Ông ở trần, đội nón lá và đi chân trần như người dân chài miền quê. Cạnh mé biển là đường xe hơi chạy. Có chiếc xe Traction đen của một viên quan người Pháp vừa bị chết máy đậu trên đường. Chủ xe ngồi trong xe, tài xế loay hoay quay cho máy chạy. Anh tài xế áo ướt đẩm mồ hôi mà động cơ không nổ. Ý chừng chủ xe muốn kêu người đẩy giúp. Khi ông Lư Khê vác chài qua chỗ xe hư, vẫn thản nhiên đi luôn. Viên quan người Pháp bước xuống xe với kêu:

  • Eh!…Eh!…

Ông không trả lời, cứ lầm lũi đi. Hắn lớn tiếng gọi thêm:

  • Eh!…Eh!…Cooli! ( Ê, ê, tên phu!…)

Ông nổi dóa, quay trở lại, xổ một tràng tiếng Pháp, nói với hắn là hắn phải lễ độ. Hắn không có quyền kêu người Viẹt Nam là Ê!…Cu li!…Không ai là cu li của hắn.

Lúc ấy, dân địa phương bu quanh chiếc xe để xem ông Lư Khê lớn tiếng tay đôi với tên người Pháp. Họ chưa bao giờ nhìn thấy một người dân Rạch Vược nói rành tiếng Pháp, đang sừng sộ cãi vã với người Pháp. Họ không hiểu chuyện gì, nhưng khi nghe ông dịch lại nội dung, mọi người hào hứng khoái trá. Thuật xong ông bỏ đi, mọi người cũng bỏ đi theo. Không ai tiếp đẩy xe cho tên Pháp. Lần đó ông gieo trong lòng nhân dân Rạch Vược một sự ngưỡng mộ và thích thú. Về sau, chuyện nầy trở thành giai thoại thường được người trong xóm kể lại khi nhắc đến ông Lư Khê.

Chú thích: * Nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm, tự là Manh Manh  được mệnh danh nữ tiên phuông phong trào thơ mới (1932-1935). Bà là con của ông Nguyễn Đình Trị có thời làm tri huyện Hà Tiên ( khoảng sau năm 1921).

                                                                                      Hà Tiên, lập đông 2020

                                                                                                   TMĐ

Nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm, tự là Manh Manh (2014 – 2005). Hình: TMĐ

Hình trong bưu ảnh của người Pháp sản xuất ngày xưa: Cầu Rạch Vược, Thuận Yên, Hà Tiên. Cái rạch nầy cũng bị lắp mất đoạn chạy ngang quốc lộ 80 Hà Tiên – Rạch Giá, tuy nhiên đoạn phía trong thông với kênh đào Hà Tiên-Rạch Giá thì vẫn còn. Hình nguồn: Nadal.

3 réflexions au sujet de « Thầy Lư Khê – Trương Văn Em »

  1. Chào Chú! Qua đọc bài này cháu lại hiểu thêm về 1 trong 4 tứ tuyệt xứ Hà những năm thế kỳ XX. Hiện chưa nghe ai nói về Trúc Hà trong Bộ tứ tuyệt Chú nhỉ? Với ngày tháng ghi là « *Hà Tiên, lập đông 2020. **TMĐ ». *Chẳng hay có phải Thầy Đạt vẫn còn minh mẫn viết những dòng này chứ ạ. Nếu đúng thế thì cháu rất mừng và cầu chúc cho Ông và các Chú, các Cô nhiều sức khỏe, an vui ạ!

    Aimé par 1 personne

  2. Thưa Chú! Trường hợp bị ám sát có ai biết không ạ. Sự thực ra sao ạ?

    Vào Th 2, 28 thg 12, 2020 vào lúc 12:07 Tâm Linh Hà Tiên đã viết:

    > Chào Chú! > Qua đọc bài này cháu lại hiểu thêm về 1 trong 4 tứ tuyệt xứ Hà những năm > thế kỳ XX. Hiện chưa nghe ai nói về Trúc Hà trong Bộ tứ tuyệt Chú nhỉ? > Với ngày tháng ghi là « *Hà Tiên, lập đông 2020. **TMĐ ». *Chẳng hay có > phải Thầy Đạt vẫn còn minh mẫn viết những dòng này chứ ạ. Nếu đúng thế thì > cháu rất mừng và cầu chúc cho Ông và các Chú, các Cô nhiều sức khỏe, an vui > ạ! > > Vào Th 7, 26 thg 12, 2020 vào lúc 18:31 Trung Học Hà Tiên Xưa <

    Aimé par 1 personne

  3. Cám ơn cháu đã xem bài, thầy Trương Minh Đạt vẫn mạnh khỏe mặc dù tuổi rất cao. Về cái chết của thầy Lư Khê thì ít người biết nhưng có lẽ gia đình thầy Đạt có ít nhiều chi tiết.

    J’aime

Laisser un commentaire