Về một cô giáo miền quê …(Thiên Hương)

Về một cô giáo miền quê …

Viết về em, với tôi, không bao giờ là đủ từ tình cảm tôi dành cho em, và cũng vì tôi sợ mình không đủ khả năng về từ ngữ để diễn đạt.  Viết về em cũng sẽ luôn luôn là thừa, vì tôi chắc chắn rằng không chỉ mỗi mình tôi mà còn rất, rất nhiều người khác chung quanh em, biết và hiểu về em, như một lẽ đương nhiên, đã thương yêu em có khi còn nhiều hơn thế …

Nhớ lần đầu cầm tấm hình em trên tay, tôi đã thốt lên « Em ấy đẹp quá! ».  Mái tóc đen nhánh ngang vai, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt đen to trong trẻo, sóng mũi cao và nụ cười hiền lành xinh xắn làm cho gương mặt càng thêm rạng rỡ.  Một nét đẹp thuần túy Á đông.  Sau này khi gặp mặt và trở nên thân thương, ngoài việc hay « trộm » ngắm nhìn em, tôi thậm chí còn « ghiền » nói chuyện với em và thỉnh thoảng thấy nhớ tiếng cười giòn giã của em mà chỉ nghe thôi tự dưng thấy lòng cũng rộn ràng theo vậy.

Về sống cùng chung dưới một mái nhà, lại còn là đồng nghiệp của nhau (dù không lâu), tôi có rất nhiều dịp để gần gũi, thân thiết và hiểu em hơn nữa.  Em thật sự có một tấm lòng quảng đại – luôn luôn nghĩ cho người khác – gần thì gia đình lớn, nhỏ, xa hơn thì bà con họ hàng và bạn bè hàng xóm; ngay cả những người không quen biết, nếu cần, em cũng không bao giờ ngần ngại giúp đỡ.  Suốt bao năm qua tôi chưa bao giờ nghe em đòi hỏi bất cứ một điều gì cho riêng mình.

Khi còn đi học, em luôn là một học sinh giỏi, gương mẫu cho dù hoàn cảnh gia đình khó khăn.  Ngoài công việc nội trợ trong nhà, em còn phải bươn chải mưu sinh kiếm sống cùng với anh chị mình từ rất nhỏ.  Khi trưởng thành và tốt nghiệp sư phạm rồi về quê đi dạy, em cũng luôn là một cô giáo mẫu mực.  Suốt cuộc đời đi dạy, em chưa bao giờ chểnh mảng trọng tâm công việc của mình – dạy học trò của mình thật giỏi, thật tốt.  Mọi người nói « sao không dạy thêm để có thêm thu nhập? », em lắc đầu; rồi có người lại nói « đi dạy ba cọc ba đồng, sao không làm công việc khác có nhiều tiền hơn, mình dư sức mà? », em lại cười hiền lành, bỏ qua.  Em không giàu tiền bạc nhưng tấm lòng của em cho cuộc đời này bao la vô cùng.

Gần đây, sức khỏe của em thật sự có vấn đề nghiêm trọng.  Bao nhiêu năm quần quật hàng ngày với việc dạy học, chợ búa, cơm nước, quán xá mưu sinh …sự nặng nhọc có lẽ cũng chưa bao giờ quật ngã được em; nhưng tôi lại nhìn thấy em ở một khía cạnh khác – đời sống tinh thần.  Em luôn luôn hòa nhã, nhỏ nhẹ với mọi người một cách đầy … nhẫn nhịn.  Tôi chưa một lần thấy em lớn tiếng tranh cãi một vấn đề nào để nhất quyết giành phần « thắng » về mình.  Tất cả những cảm xúc bất đồng ý kiến, những cảm giác bức bối khi bị hiểu sai, thậm chí bị xiên xỏ, bị thiếu tôn trọng … em đều nhẹ nhàng đáp lại với suy nghĩ trung thực của mình, hoặc im lặng nuốt vào lòng mà không một lời phản kháng.  Tôi hiểu, cho dù thế nào em vẫn là một con người với tất cả những cảm xúc rất thật, rất người, nên sự kiềm chế từ việc nhẫn nhịn ấy cứ mỗi ngày một dồn vào cuộc sống tinh thần của em, trở thành một căn bệnh vô hình không tên gọi, ảnh hưởng đến thể chất của em.  Nếu tôi nói với em suy nghĩ này của mình, chắc chắn em sẽ phủ nhận – sự tử tế của em, với em, là một điều tự nhiên và em không xem đó là một điều quan trọng.

… Thế nên, chúng tôi cương quyết khuyên em nên nghỉ dạy.  Đó không là quyết định dễ dàng đối với em, và em chỉ chấp nhận khi không thể tiếp tục, vài năm sau đó.  Không còn đứng lớp, nhưng tôi biết, lòng em vẫn đau đáu dõi theo học trò của mình, quan tâm đến việc học hành bài vở, việc thi cử đậu rớt … của những học trò thân yêu.  Nghỉ dạy, em không một ngày nghỉ ngơi.  Em dành hết thời gian của mình để lo toan, chăm sóc cho người thân.  Một ngày qua của em, vẫn quay cuồng với công việc, với những mối quan tâm đến sức khỏe, tâm trạng an vui của người khác, như nó vốn dĩ như vậy trong suốt cuộc đời của em.

Ở em, lòng lương thiện và sự tử tế là một kỳ quan gần như tuyệt đối mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở một con người trần tục.

Tôi thật thấy mình may mắn và vô cùng hạnh phúc khi được sống trong « hệ sinh thái » yêu thương của em – em cũng dành cho tôi một tình cảm khá đặc biệt – điều tôi biết qua những người khác chứ em chưa bao giờ thổ lộ bằng lời nói với tôi.  Tình cảm ấy em chỉ thể hiện qua tất cả những điều em làm cho tôi, từ những ngày đầu tiên gặp mặt cho đến tận giây phút này – khi tôi đang ngồi viết về em (với những giọt nước mắt xúc động đầy ứ trong mắt), tôi không thể quên bất cứ một điều nào và cũng chưa bao giờ gia giảm sự cảm kích của mình đối với em, dù chỉ là một bít*.  Trong lời chúc sinh nhật em năm nay, tôi đã rất chân thành chúc em « …luôn khỏe, vui, mạnh mẽ như trước giờ vẫn vậy để mỗi khi nghĩ và nhớ về em mình luôn cảm thấy bản thân thật bé nhỏ và chưa đủ tốt, rồi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa mỗi ngày … ». 

Em ấy không chỉ là người thân mà còn là người bạn thân thiết Trời ban cho tôi, một người giúp tôi củng cố niềm tin vào cuộc sống, vào đời người khi trải qua hay vấp ngã trước những khó khăn, nghiệt ngã của cuộc đời …

Em là cô giáo Uyên Nguyên của trường Trung học phổ thông Nguyễn Thần Hiến, Hà tiên, Kiên giang.

Thiên Hương – nhân ngày Hiến chương Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2022                                                               

*bit: byte – đơn vị đo lường thông tin nhỏ nhất

Chú thích:

1/ Cô giáo trẻ duyên dáng Trương Thị Uyên Nguyên dạy môn Toán tại ngôi trường Trung Học Hà Tiên điểm Mạc Tử Hoàng từ năm 1993, sau đó từ năm 2000 cô Uyên Nguyên chuyển dạy tại trường Trung Học Phổ Thông Nguyễn Thần Hiến, điểm tỉnh lộ 28 phường Pháo Đài, Hà Tiên.

Cô giáo dạy môn Toán, Trương Thị Uyên Nguyên

Bên trái: Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Hương, tác giả bài viết trên, bên phải: Cô giáo Trương Thị Uyên Nguyên. Hai cô giáo đã từng một thời giảng dạy tại các trường Trung Học Phổ Thông Hà Tiên.

2/ Vài nét về tác giả bài viết: Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Hương,tuy không phải là người gốc gác Hà Tiên, nhưng đã chọn Hà Tiên làm điểm thân thương trong cuộc sống, cô đã từng giảng dạy môn Anh Văn tại trường Trung Học Phổ thông (điểm trường Hoa Liên cũ) trong các năm 1989 – 1990, sau đó cô trở về Sài Gòn sống và làm việc. Sau một thời gian làm sinh viên của trường Đại Học Tổng hợp, rồi tiếp theo là giảng viên khoa Đông phương học của trường, theo cuộc sống cứ cuốn đi cô xa dần nghề giáo và hiện nay sống và lo cho gia đình …Tuy nhiên theo cô Thiên Hương,  ngôi trường cấp II Hà Tiên vẫn mãi mãi nằm trong vùng ký ức sống động nhất với những tình cảm yêu thương của cô dành cho học trò thân thương ở miền biên viễn với tên gọi – Hà Tiên!

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về tác giả qua bài viết ở link sau đây:
Ngôi trường năm ấy…(T. Hương)

                                                                                                                      

2 réflexions au sujet de « Về một cô giáo miền quê …(Thiên Hương) »

Laisser un commentaire