Phòng thí nghiệm của trường Trung Học Hà Tiên xưa như tôi biết (thầy Trương Minh Đạt)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong những năm 1960 – 1970, nếu là học sinh và giáo sư ở ngôi trường xưa Trung Học Hà Tiên tọa lạc tại đường Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên, chúng ta đều biết có một dãy phòng rộng và dài nằm dưới chân đồi Ngũ Hổ, phía trước dãy phòng nầy nhìn về phía ao Sà Lách và dãy lớp học chánh của ngôi trường. Đó là phòng thí nghiệm thuộc về trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa. Sự ra đời và phát triển của phòng thí nghiệm nầy có nhiều nguồn gốc mà chúng ta ít được biết đến, ngay cả chính mình là học sinh của trường từ những năm xa xưa 1964 – 1970, cũng chỉ biết cái phòng thí nghiệm nầy đã có ngay từ khi mình bước chân vào trường và đã có rất nhiều dịp sinh hoạt tại phòng thí nghiệm nầy suốt những niên khóa học mà không hề biết rỏ giai đoạn ra đời của phòng thí nghiệm nầy. Nhân dịp có bài viết của tác giả Quang Nguyên, phòng thí nghiệm của trường Trung Học Hà Tiên được nhắc đến và tạo ra cho chúng ta một cơ hội để tìm hiểu về cái phòng thì nghiệm đó. Đối với mình, một trong những người học sinh có thể nói là tương đối « kỳ cựu » với trường so với các thế hệ học sinh đàn em sau nầy thì phòng thí nghiệm của trường đã tạo cho mình rất nhiều kỷ niệm. Từ những dịp lớp học phân ra làm hai phần vì lý do đến giờ học sinh ngữ, các bạn cùng lớp chọn môn Anh văn thì học tại lớp, còn mình là trong nhóm học sinh của lớp chọn môn Pháp văn thì phải kéo nhau đi « lên » phòng thí nghiệm để có chỗ học giờ Pháp Văn (vì thời điểm đó trường chỉ có đủ phòng học dành cho 6 cấp bậc: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam và đệ nhị, do đó không có phòng trống khác), cho đến các dịp học môn Võ (Karaté) do thầy Bùi Hữu Trí tổ chức dạy ngoài giờ chánh thức cho các học sinh nào muốn theo học, thầy dùng một chỗ thoáng rộng trong phòng thí nghiệm đó để thực hành dạy võ, rồi đến những dịp cuối năm, nhà trường dùng toàn bộ phòng thí nghiệm để tổ chức lễ phát thưởng có dựng sân khấu và có văn nghệ giúp vui, tất cả những dịp nầy mình đều có tham dự nên biết rất rỏ từng góc cạnh của phòng thí nghiệm nầy. Ngày nay phòng thí nghiệm của trường không còn nữa, hình ảnh của phòng thí nghiệm chỉ còn trong trí nhớ và trên vài tấm ảnh đã ngả màu với thời gian, tưởng cũng nên nhắc nhở lại cái gốc tích vốn ít có người biết đến của căn phòng thí nghiệm nầy hầu để thế hệ sau biết chút ít về sự sinh hoạt và phát triển các hoạt động của ngôi trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa. Mặc dù chúng ta không biết nhiều về sự ra đời của phòng thí nghiệm ở ngôi trường Trung Học Hà Tiên, nhưng sau những năm học hành và sinh hoạt ở trường, chúng ta cũng có được vài khái niệm và ấn tượng về dãy phòng thí nghiệm nầy …Chỉ riêng cơ sở của phòng thí nghiệm trông rất quy mô hơn cả dãy lớp học chánh, với các thiết bị Vật Lý, Hóa Học cao cấp cho các lớp đệ tam, đệ nhị, thậm chí có thể nói là có thể dùng cho bậc Đại Học nữa… thì nguồn gốc và sự phát triển của phòng thí nghiệm đó phải rất đặc biệt và được nguồn tài trợ nào đó mà chúng ta phải tìm hiểu. Mời thầy cô và các bạn đọc bài viết do thầy Trương Minh Đạt gởi đến, mục đích giúp chúng ta hiểu rỏ giai đoạn ra đời của phòng thí nghiệm trong những năm đầu khi ngôi trường Trung Học Hà Tiên được thành lập với ý chí và sự vận động của thầy để con em học sinh Hà Tiên được có một ngôi trường bậc Trung Học để theo học mà khỏi phải đi ra các tỉnh thành xa xôi thời đó…(Paris, mùng một Tết năm Tân Sửu, nhầm ngày thứ sáu 12/02/2021, TVM viết lời giới thiệu)

PHÒNG THÍ NGHIỆM CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC HÀ TIÊN XƯA NHƯ TÔI BIẾT (Trương Minh Đạt)      

Trước đây tôi có bài nói rằng năm 1954, khi vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm Nam Việt Sài Gòn, tôi được về quê nhà dạy học tại Hà Tiên. Năm sau, 1955, tôi được ông hiệu trưởng kiêm Thanh tra Tiểu học Hà Văn Điền giao nhiệm vụ cầm đơn thỉnh nguyện của nhân dân Hà Tiên về Sài Gòn, gặp giám đốc Nha Trung Tiểu Học Trần Bá Chức, trình bày việc xin mở trường Trung học. Từ đó ở đây mới có lớp Đệ Thất, Đệ Lục bậc Trung học, thế nhưng các em phải ngồi nhờ một hai phòng ở trường Nam Tiểu học. Năm học sau Hà Tiên chính thức có trường Trung học.

Bây giờ đón Tết Tân Sửu 2021, nhằm ôn cố tri tân là để tri ân các bậc có công lớn trong sự nghiệp giáo dục tại quê nhà, tôi xin nói về sự ra đời phòng thí nghiệm của trường Trung học Hà Tiên xưa.

…Vào hè năm 1955, tôi lại được ông hiệu trưởng Hà Văn Điền đề cử theo học khóa tu nghiệp ở trường Trung học Gia Long – Sài Gòn. Đặc biệt khóa học có chương trình hướng dẫn cách tổ chức một trường Trung học kể cả điều hành một phòng thí nghiệm cấp Trung học.

Rồi năm 1958, một lần nữa, ông hiệu trưởng Hà Văn Điền giao cho tôi việc đi liên hệ với NHA TRUNG HỌC SÀI GÒN, xin thiết lập phòng thí nghiệm cho trường. Khi được Nha duyệt xét, Hà Tiên bắt đầu xây phòng thí nghiệm trong khu vực trường theo sơ đồ của Nha đưa ra. Đó là bản sơ đồ khuôn mẫu dành cho các trường Trung học lúc bấy giờ, gồm một nhà có chiều ngang trải dài được chia làm hai ngăn như hai phòng. Phòng đầu tiên nhỏ, ngang 6 mét, sâu 10 mét. Phòng lớn ngang 15 mét, chiều sâu bằng phòng nhỏ. Phòng thí nghiệm Hà Tiên nằm dưới chân núi Ngũ Hổ, mặt tiền hướng lên núi nhưng  ngỏ vào thì ở đầu đường Mạc Công Du. Cũng theo sơ đồ này, phòng nhỏ, dành chứa các vật liệu và để giáo viên tự làm thí nghiệm trước khi hướng dẫn thí nghiệm. Phòng lớn là phòng học sinh làm thí nghiệm, giữa phòng có cái bàn dài, đặt sẵn các vật dụng như đĩa vuông, lọ, bình cổ cao, ống nghiệm, que đũa v.v.,  được sắp ra nhiều cụm, giúp học sinh thoải mái sử dụng khi cần. Phòng này lại có nhiều tủ nhỏ được gắn lên tường để cất các chai lọ chứa các chất như a-xít, lưu huỳnh, muối, rượu, nước v.v…

 Khi phòng thí nghiệm của trường hoàn thành, ông Hiệu Trưởng Hà Văn Điền nói với tôi : “ Tôi (ông Điền ) được lịnh của Nha Trung học cho biết, phần vỏ thì địa phương lo còn phần ruột thì để Nha Trung học lo, nghĩa là dụng cụ thí nghiệm sẽ do Nha Trung học giao thẳng cho trường, nhưng tôi nghĩ mình nên đích thân đi nhận vì chờ Nha, mình sẽ bị động. Tôi viết giấy giới thiệu, em sắp xếp đi Sài Gòn tiếp nhận, ghi chép, lưu giữ sổ sách và điều hành công việc.” Tôi nghe vậy lo lắm vì đây là một trọng trách.

Thấy phòng thí nghiệm “của mình” có nhiều cửa kính, lọai mỏng 3 ly, dạng cửa chớp lại nằm dưới chân núi, đến mùa mưa gặp gió lớn dễ bị vở kính. Để bảo quản, tôi hướng dẫn học trò của mình là các em Trần Phình Chu, Đường Minh Phương, Trịnh Thanh Quang, Trịnh Thanh Tùng, … cắt giấy làm hoa văn dán lên kính, phòng khi kính vở, giấy dán sẽ giữ kính không rơi rớt, không xé toạc.

Nhận nhiệm vụ tiếp quản, điều hành phòng thí nghiệm không bao lâu thì ông hiệu trưởng Hà Văn Điền về hưu. Tân hiệu trưởng là ông Hồ Văn Chiếu từ Rạch Giá được điều về. Và tự nhiên, tôi nhận thấy ông Chiếu hay chú ý đến tôi, có phần thiện cảm. (Tôi nghĩ là ông đốc Điền có nói với ông Chiếu về tôi). Một hôm, ông Chiếu gọi tôi vào phòng Hiệu trưởng, khuyên tôi nên nghe lời ông, vì tình hình hoàn cảnh riêng, nên xa Hà Tiên càng sớm càng tốt. Thế là tôi đành để lại mẹ già, từ giả ngôi trường Trung Học Hà Tiên thân yêu, các bạn đồng nghiệp cùng các em học sinh. Tôi ra đi vào cuối hè 1959, để đến một nơi xa lạ là Phan Rang, theo quyết định của Nha Trung học Sài Gòn. Đến Phan Rang, tôi dạy tại trường Trung học Duy Tân, sau đó được chuyển về Phan Thiết theo nguyện vọng, rồi phải đi lính vì chiến sự.

Xa rời Hà Tiên từ lúc đó, tôi nào biết sự thể tình hình hoạt động trường Trung học và phòng thí nghiệm thời ông hiệu trưởng Hồ Văn Chiếu được phát triển ra sao.

Trong nỗi nhớ miên man về trường Trung học Hà Tiên và phòng thí nghiệm xưa, tôi không sao quên được công lao của người dân Hà Tiên đã một thời tạo dựng nó, điển hình là ông Hiệu trưởng kiêmThanh Tra Tiểu học Hà Văn Điền./.

 Hà Tiên cuối đông Canh tí – 2021 (TMD)

Giấy chứng nhận khóa tu nghiệp ở trường Trung học Gia Long – Sài Gòn. Đặc biệt khóa học có chương trình hướng dẫn cách tổ chức một trường Trung học kể cả điều hành một phòng thí nghiệm cấp Trung học.

Tái bút:

1/ Bài viết của thầy Trương Minh Đạt cho chúng ta thấy sự ra đời của phòng thí nghiệm trường Trung Học Hà Tiên. Qua đến giai đoạn kế tiếp vào cuối hè năm 1959, lúc thầy Trương Minh Đạt rời Hà Tiên, phòng thí nghiệm trường Trung Học Hà Tiên được tiếp tục phát triển do sự trợ giúp của các nhân viên quân sự người Mỹ lúc đó đóng tại Hà Tiên. Theo ý kiến những bậc đàn anh học sinh thời đó, nhà trường thời đó có tổ chức một buổi lễ khánh thành dãy phòng thí nghiệm của trường, có thầy Hồ Văn Chiếu tham dự. Sau nầy chúng ta được quý đàn anh góp ý thông tin về việc trang bị thêm cho phòng thí nghiệm các dụng cụ khoa học quy mô và hiện đại so với thời gian lúc đó, việc nầy cũng là do cơ duyên tốt đẹp đến với ngôi trường của chúng ta. Câu chuyện được kể lại như sau:

Vật liệu của phòng thí nghiệm rất đắt tiền, không một trường trung học nào có khả năng gây quỷ đủ để tạo lập phòng thí nghiệm hiện đại này (vào thời đó tỉnh Kiên Giang chưa có phòng thí nghiệm như vậy). Phòng thí nghiệm này có được một phần cũng do sự đóng góp của thầy Vỏ Thành Tài (em thầy Vỏ Thành Tường). Ngày xưa khi Phái đoàn Cố vấn Mỷ đến Hà Tiên họ khó tìm được thông dịch viên tiếng Anh nên tìm đến trường trung học Hà Tiên để tìm một thông dịch viên giúp họ. Với tư cách giáo sư dạy sinh ngữ tại trường lúc đó, thầy Võ Thành Tài nhận làm công việc nầy với tính cách không nhận tiền thù lao nên rất được ông Đại Uý cố vấn Mỷ kính trọng. Tánh người Mỷ rất sòng phẳng nên khi sắp hết nhiệm kỳ ông Đại Úy cố vấn nầy muốn giúp cho ngôi trường chúng ta một phần nào về vật chất để đáp trả lại công lao của thầy Võ Thành Tài, vì thế thầy Võ Thành Tài nhân cơ hội nầy góp ý với phái đpàn người Mỹ về việc trang bị thêm về vật chất cho căn phòng thí nghiệm của trường đã được thành hình nhưng cần được phát triển thêm. Vì thế phòng thí nghiệm được trang bị thêm nhiều dụng cụ, vật liệu rất quy mô và hiện đại. Đây là một việc làm rất tốt đẹp và đáng được chúng ta ghi nhớ về công lao của thầy Võ Thành Tài trong công việc giúp cho trường Trung Học Hà Tiên được phát triển như thế.

2/ Xin cám ơn thầy Trương Minh Đạt về bài viết giúp hậu sinh biết rỏ nguồn gốc ra đời của phòng thí nghiệm trường Hà Tiên và xin cám ơn quý đàn anh cựu học sinh thời xưa của trường Trung Học Hà Tiên đã góp ý thông tin giúp hiểu thêm về sự phát triển của phòng thí nghiệm trường Trung Học Hà Tiên. Xin quý độc giả, các vị tiền bối, đàn anh đàn chị vui lòng đóng góp, thông tin thêm về đề tài nầy để chúng ta có được một nguồn tài liệu quý giá và hiểu rỏ thêm về ngôi trường thân yêu của chúng ta. Xin cám ơn tất cả.

Hình trái: Thầy Trương Minh Đạt, hình phải: Thầy Võ Thành Tài . Trường Trung Học Hà Tiên.

Sơ đồ vị trí phòng thí nghiệm trong khu vực trường Trung Học Hà Tiên thời xưa.

Vị trí phòng thí nghiệm trường Trung Học Hà Tiên so với đồi Ngũ Hổ, Hà Tiên. Photo: Rich Krebs (1966-1970)*

Vị trí phòng thí nghiệm trường Trung Học Hà Tiên so với đồi Ngũ Hổ, Hà Tiên. Photo: Rich Krebs (1966-1970)*. Chú thích hình:  1/ Phòng Thí Nghiệm. 2/ Dãy lớp trường Trung Học Hà Tiên. 3/ Văn phòng Quận Lỵ Hà Tiên. 4/ Lầu Ba trên đồi Ngũ Hổ. 5/ Nhà tù xưa. 6/ Căn cứ duyên đoàn 44 Hải Quân.

Kỷ niệm ngày lễ phát thưởng học sinh nhân dịp cuối niên học, ngày 03/06/1967. Thầy Nguyễn Văn Thành trao phần thưởng cho học sinh Trần Văn Mãnh. Buổi lễ tổ chức bên trong phòng thí nghiệm trường Trung Học Hà Tiên.

Học sinh chụp hình trước cột cờ của trường, phía sau là dảy phòng thí nghiệm, xa hơn là Lầu Ba (gọi là Lầu Ông Chánh trên đồi Ngũ Hổ).  (1960-1970). Hình: Trần Hoàng Trang

Học sinh chụp hình tại sân Trường Trung Học Hà Tiên (1968-1969). Sau hình ta thấy rỏ ao nước có tên ao Sà Lách, dãy phòng thí nghiệm và Lầu Ba. Hình: Dương Phương Hà

Học sinh của một lớp học Trung Học Hà Tiên chụp hình tại sân trường, phía sau ta thấy rỏ Lầu Ba và phòng thí nghiệm vẫn còn vào thời điểm 1975. Hình: Dương Minh Đức,

http://www.tf116.org/vgallery7.html#Krebs

https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/page8

 

Laisser un commentaire