Núi Tô Châu qua các giai đoạn thời gian (Hà Tiên)

Thầy cô và các bạn thân mến, mình đã có ý viết một bài để tổng kết các hình ảnh về núi Tô Châu và quang cảnh chung quanh núi từ lâu rồi, nhưng mình cứ chờ tìm tòi để biết được độ cao của hai quả núi Tiểu và Đại Tô Châu nầy. Sau cùng tìm hoài không thấy thông tin trên mạng nên mình viết tin nhắn hỏi bạn Quang Nguyên nhờ Nguyên hỏi dùm với thầy Trương Minh Đạt, sau đó thầy có cho biết hai độ cao của núi: Tiểu Tô Châu (cao 107 m)* và Đại Tô Châu (cao 178 m)*, xin cám ơn thầy và cây bút Quang Nguyên nhé. Thật ra tại mình đọc không kỹ trong một quyển tài liệu nhỏ mà mình có mua ở Hà Tiên từ rất lâu, đó là quyển « Hà Tiên đất nước&con người », nhà xuất bản Mũi Cà Mau (1999) và do các nhà biên soạn Hà Tiên : Phan Thanh Nhàn, Trần Thế Vinh, Hứa Nhứt Tâm, Lê Quang Khanh, Nguyễn Xuân Sơn cùng nhau viết. Trong quyển sách nhỏ nầy có một phần về Địa Lý Hà Tiên và cũng có liệt kê ra các tên núi và độ cao tương ứng của từng ngọn núi. Trong quyển sách « Nghiên Cứu Hà Tiên » của thầy Trương Minh Đạt có giảng nghĩa rất chi tiết nguồn gốc tên các ngọn núi và có ghi độ cao tương ứng, qua hai tài liệu nghiên cứu nầy mình nảy ra ý sẽ cố gắng sưu tầm tài liệu và hình ảnh để viết về các ngọn núi ở Hà Tiên, vì Hà Tiên có rất nhiều núi (núi Lăng, núi Đề Liêm, núi Đèn, núi Đại Táo, Tiểu Táo, núi Bà Lý, núi Giếng Tượng, núi Sa Kỳ, núi Thị Vạn..v..v..), ngay bây giờ thầy cô và các bạn xin giúp mình bằng cách cứ gởi thông tin và nhất là hình ảnh về các ngọn núi ở Hà Tiên cho mình trước nhé, xin cảm tạ rất nhiều.

Vị trí hai ngọn núi Tô Châu so với thành phố Hà Tiên (Ảnh chụp từ vệ tinh nhân tạo)

Bây giờ xin trở lại đề tài núi Tô Châu. Tô Châu là tên của hai ngọn núi tuy không phải là cao nhất trong các ngọn núi thuộc vùng Hà Tiên, nhưng do vị trí đặc biệt và thuận lợi nên đây là điểm sinh hoạt thường xuyên về mặt du lịch. Có hai ngọn núi, một là ngọn Tiểu Tô Châu (cao 107 m)*, và ngọn kia là Đại Tô Châu (cao 178 m)*. Hiện nay hai ngọn núi Tô Châu thuộc về phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, nằm ngay tại cửa ngõ đi vào Hà Tiên dọc theo quốc lộ 80, nếu tính từ Hà Tiên hướng về Rạch Giá thì xem như bắt đầu cây số 1. Núi Tiểu Tô Châu là một ngọn núi rất quen thuộc với dân chúng Hà Tiên, ngọn núi luôn ở trong tầm nhìn của người Hà Tiên, dù cho thời gian có chuyển biến từ sáng sớm hay chiều tối, dù cho Tô Châu vốn là một thôn xóm có rất nhiều nhà ở và bị ngăn cách với thành phố Hà Tiên bằng một khúc sông Giang Thành, nơi mà con sông nầy chuẩn bị đổ ra biển sau khi chảy tràn vào một cái đầm lớn có tên là Đông Hồ, rồi chảy dọc theo con đường Bến Trần Hầu ngày xưa, đi qua luôn hai hòn núi có tên thơ mộng là Đại Kim Dự và Tiểu Kim Dự và từ đó chảy nhập vào Vịnh Thái Lan. Núi Đại Tô Châu tuy cũng có ló mình ẩn hiện phía sau núi Tiểu Tô Châu qua tầm mắt của người Hà Tiên ngắm nhìn, nhưng ngọn núi nầy vẫn còn giữ nhiều bí ẩn, chỉ riêng cái áo xanh thẩm đều đặn và chiều cao hùng vĩ của ngọn núi cũng đã cho người ta thấy đó là một nơi ít người lui viếng và cũng ít bị bàn tay con người quấy phá…Có tài liệu cho rằng trên núi Đại Tô Châu nầy còn sót lại nền nhà đá có từ thời họ Mạc…mình chưa được thấy và nghe nói cụ thể về điểm nầy, nếu nền đá đó ở tận trên đỉnh núi thì có thể đó là nền còn sót lại của một « phong hỏa đài » ngày xưa dùng để đốt lửa thông tin chăng?  Thật ra đối với người Hà Tiên hay những người đã từng sinh sống lâu dài ở Hà Tiên, hay ngay bản thân mình, có rất ít người từng leo núi, khám phá hay du ngoạn trên đỉnh núi Đại Tô Châu. Không biết thầy cô và các bạn có vị nào đã từng leo lên núi Đại Tô Châu chưa, nếu đã có lần thám hiểm núi Đại Tô Châu ngày xưa, xin mời thầy cô và các bạn cứ viết kể chuyện thêm vào phần góp ý nhé. 

Ngọn núi Tiểu Tô Châu nỗi tiếng hơn nhiều và đã được người Hà Tiên thăm viếng thường xuyên. Trên sườn núi vào những năm 60-70 đã bắt đầu có một vài tịnh xá, cốc tu của các nhà tu theo môn phái Khất Sĩ ở phương xa tìm đến để thực hành phép tu, có lẻ các vị nầy cảm nhận được một nơi khá thanh tịnh, có chiều cao và cũng rất thuận tiện trong việc cung cấp nước uống và thức ăn…Mình còn nhớ trong những năm đó, mình và các bạn: anh Trần Văn Dõng, Nguyễn Đình Nguyên, Lê Công Hưởng,..v..v…đã thường xuyên qua núi Tiểu Tô Châu chơi, leo lên núi để xem các cốc tu hoặc ngay cả « nói chuyện » trực tiếp với các vị sư tu trên núi,.., có nhiều lần cả bọn đã leo lên tới tận đỉnh núi Tiểu Tô Châu, thời đó đã có nhiều con đường mòn dẫn từ phía dưới chân núi, lên đến vị trí Tịnh xá Ngọc Đăng hiện nay, và tiếp tục có đường mòn để lần đi lên tới trên đỉnh núi.

Thời đó, mình biết được là có nhiều vị sư tu Khất Sĩ trên núi Tiểu Tô Châu, nhưng được nhiều tín đồ biết đến là sư Yên và sư Từ. Sư Yên bắt đầu dựng cốc bằng lá dừa đơn sơ ở ngay vị trí tịnh xá Ngọc Đăng hiện nay. Cốc tu của sư Yên vào thời đó chỉ là một căn như căn nhà lá rất nhỏ, có hình hộp chữ nhựt theo chiều cao và có mái nhọn bằng lá. Bên trong chỉ có một sàn gỗ hình vuông nơi sư ngồi xếp bằng để vào thiền. Bên kế ngôi cốc ngồi thiền là một căn nhà lá nhỏ khác dùng để sinh hoạt hằng ngày và ăn uống. Sư Yên còn rất trẻ tuổi và con người rất thanh tao trắng trẻo…Mình còn nhớ thời đó sư Yên thực hành phép « tịnh khẩu » tức là không nói ra lời, chỉ tiếp xúc nếu cần với các tín đồ bằng cách viết chữ ra giấy mà thôi. Phép « tịnh khẩu » là một phép tu rất thịnh hành vào thời đó và được các sư theo môn phái Khất Sĩ thực hành rất nhiều. Vị sư có thể nguyện là sẽ thực hành phép « tịnh khẩu » trong một thời gian là vài năm, thường thường là hai năm, sau đó làm lễ « xuất khẩu » tức là đã hết thời hạn « tịnh khẩu » và được phép nói chuyện bình thường…Sở dĩ các vị sư thực hành phép « tịnh khẩu » là vì để tránh nói chuyện nhiều trong đời sống tu hành, để tâm được yên tỉnh, thần trí không bị chi phối trong việc tu hành…Mình còn nhớ rỏ khi sư Yên hết hạn « tịnh khẩu », bên cốc tu của sư, các tín đồ (đa số là người ở Hà Tiên, theo đạo Phật hay người không có đạo nhưng rất kính trọng các sư ở núi Tô Châu) tổ chức một buổi lễ rất lớn, mình có tham dự buổi lễ đó và khi sư Yên cất giọng nói lên một tiếng nói đầu tiên sau hai năm tịnh khẩu không nói chuyện, sư nói vào một cái micro để cho các tín đồ tham dự nghe được tiếng nói của sư, mình nhớ rất rỏ sư nói hai tiếng « Mô Phật » đầu tiên và vì đã lâu ngày không nói ra tiếng, nên tiếng nói của sư cũng rất nhỏ và hơi ngập ngừng…

Sư Từ tu trên đỉnh núi Tiểu Tô Châu, mình và các bạn cũng đã có nhiều lần leo lên tới ngay đỉnh núi, nơi có cốc tu của sư Từ. Sư Từ là vị sư rất cao tuổi, thân hình cao lớn, có lẻ sư có sức khỏe rất tốt nên đã chọn trên đỉnh núi cao như vậy để cất cốc tu…Cốc tu của sư Từ ở trên đỉnh núi, hướng quay về phía núi Đại Tô Châu.

Thời đó sở dĩ mình rất thường lên núi Tiểu Tô Châu để du ngoạn và viếng sư là vì ngay trong nhà mình có hai người tín đồ rất gắn bó với các vị sư tu theo phái Khất Sĩ bên núi Tô Châu. Đó là chế Thìn và hia Tư, chế Thìn chính là người chị bạn dì với mình, chế tên thật là Lê Thị Phượng, ngày xưa ở gian nhà bên trái trong căn nhà ba gian của ông ngoại bà ngoại của mình, chế Thìn làm nghề thợ may y phục phụ nữ. Hia Tư là chồng của chế Thìn, hia tên thật là Lý Văn Nhiên, ngày xưa hia cũng là một thợ may y phục đàn ông rất khéo và được nhiều người biết đến. Hia là người trong một gia đình rất đông bà con và là người gốc Tiều Châu (Triều Châu hay Teochew). Hai người kết thành vợ chồng và luôn theo con đường tu tập Phật pháp để cư xử cách sống ở đời. Thời gian đó hia và chế vẫn hành nghề thợ may, nhưng cũng thường qua núi Tiểu Tô Châu làm công quả để giúp cho quý sư tu bên đó về các phương tiện hằng ngày như cất, lợp tịnh xá, mang thức ăn, thức uống lên núi tiếp cho quý sư. Sống trong một khung cảnh và chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục đạo đức và Phật pháp như vậy, cả các anh em trong nhà của mình đều thấm nhuần tư tưởng đạo pháp ngay từ nhỏ nên cũng thường tham gia vào các sinh hoạt cúng chùa, ăn chay theo các ngày chay tịnh trong tháng và nhiều khi vào các tháng hè cả nhà cho lên chùa Phước Thiện để xắc thuốc, phơi thuốc làm công quả trong chùa Phước Thiện (chùa Phước Thiện ở ngay đầu đường Chi Lăng và Bạch Đằng, kế nhà ông Ký Cụi). Thời gian đầu hia Tư và chế Thìn thường hay nấu các món ăn chay tại nhà rồi chờ lúc trưa quý sư bên núi Tô Châu đi « khất thực » ngang nhà để dâng các món ăn cúng dường cho quý sư, quý sư Khất Sĩ thường thực hành phương pháp đi « khất thực » vào khoảng 10 giờ sáng cho đến trưa, quý sư đi theo hàng một, chậm rãi và trong im lặng, người mộ đạo hay tín đồ Phật giáo, chuẩn bị các món ăn chay, hoa quả đón sư đến và chấp tay bái sư rồi sư mớ nấp bình bát ra và Phật tử để các món ăn, hoa quả vào trong bình bát để cúng dường. Dần dần Phật tử và người mộ đạo được nghe và biết có quý sư tu trên các tịnh xá bên núi Tiểu Tô Châu, nên hia tư và chế Thìn cùng với các nhà buôn bán trong chợ Hà Tiên tổ chức cúng dường cho có quy củ hơn. Lúc đó thường có thêm nhiều Phật tử ở chợ Hà Tiên tham gia vào, có bà chủ tiệm trồng răng Phục Hưng (má của bạn Tường, tên ở nhà là Sện), bác Tư má của bạn Lý Văn Tấn, những vị nầy rất mộ đạo, thường đến nhà mình để mua thức ăn chay ở chợ trong buổi sáng và nấu nướng tại nhà mình để chuẩn bị đem qua núi Tô Châu cúng dường quý sư. Đặt biệt là có một nhân vật giữ vai trò rất quan trọng trong việc mang thức ăn cúng dường sang núi Tô Châu, đó là ông Thiện Chơn, ít người biết tên thật của ông là gì, chỉ biết ông đến Hà Tiên lập nghiệp, có một người vợ khá xinh đẹp bán bánh bao chỉ trong nhà lồng chợ Hà Tiên mỗi buổi trưa (ngày xưa mình rất thích ăn bánh bao chỉ, bánh không làm trước ở nhà và đem ra bán, chỉ khi nào có người mua, thì người bán bánh lấy một miếng bột đã chế tạo sẳn, nhồi tròn ra một tí rồi thêm vào nhân đậu xanh màu vàng ở giữa, thêm một muổng đường cát trắng, sau đó gói gọn miếng bột lại để thành một viên bánh tròn trịa, lăn viên bột nầy vào những miếng dừa được nạo ra từ trước, đó là bánh bao chỉ..!!). Thời đó có tiếng đồn là ông Thiện Chơn vốn ngày xưa là hội viên trong Quốc Dân Đảng bên Trung Quốc, tung hoành ngang dọc, nên ngày nay ông muốn phục thiện, tự nguyện mỗi ngày tự ông hai tay xách hai giỏ thức ăn cúng dường nặng trĩu, chân đi chân đất không có mang giầy dép gì cả, và ông mang hai giỏ thức ăn đó lên đến tận đỉnh núi Tô Châu để dâng thức ăn cho quý sư tu trên núi. Mình biết ông rất nhiều, ông nói được chút ít tiếng Việt, đầu cạo trọc, lúc nào cũng vui cười và rất tử tế. Nhà của ông Thiện Chơn và người vợ bán bánh thời đó ở đường Cầu Câu khúc bên kia đường Lam Sơn, gần kế trường Tàu chùa Ông Bổn. Hai ông bà có một đứa con trai lúc đó khoảng 14, 15 tuổi, nhỏ con và cũng rất sáng sủa, đẹp trai. Gần nhà ông Thiện Chơn lúc đó là nhà của người bạn học cùng lớp với mình ở Trung Học Hà Tiên, đó là bạn Nguyễn Văn Tài, con của ông Tư bán kẹo kéo cho học sinh hằng ngày.

Trở lại chuyện tổ chức quy củ việc nấu nướng thức ăn chay để cúng dường cho quý sư tu trên núi Tiểu Tô Châu, thời đó có quy lệ là mỗi nhà Phật tử ở chợ Hà Tiên muốn cúng dường thì cho hia Tư và chế Thìn biết trước và phân chia mỗi ngày do một nhà đãm trách việc ra tiền chi phí mua thức ăn để đem lại nhà mình nấu nướng. Công việc đem thức ăn qua núi Tô Châu thì như đã kể ở trên, có ông Thiện Chơn đảm nhận. Một thời gian sau, hia Tư và chế Thìn mua được một mảnh vườn nhỏ trên sườn núi Tiểu Tô Châu, ở khoảng giữa chiều cao khi đi từ chân núi lên vị trí tịnh xá Ngọc Đăng bây giờ. Tại mảnh đất nầy hia và chế cất một căn nhà nhỏ và xây dựng vườn trồng tiêu. Mình đã có dịp rất nhiều lần qua thăm hia chế tại căn nhà trên sườn núi Tiểu Tô Châu nầy, chung quanh vườn tiêu cũng có rất nhiều cây vú sữa cao lớn và rất sai trái. 

Ngôi tịnh cốc xa xưa của sư Yên thời đó chính là tiền thân của tịnh xá Ngọc Đăng sau nầy. Sau khi sư Yên rời khỏi Hà Tiên (mình không nhớ rỏ là trong thời gian nào và vì lý do gì), không biết ai là người có đủ danh chánh ngôn thuận để quản lý tịnh xá của sư Yên, từ đó người ta đã cất lên một ngôi « tịnh xá » bằng gạch rất đồ sộ, có mái ngói hình rồng phượng, có tượng Phật, tượng Phật Bà Quân Âm,…và con đường đất từ dưới chân núi, kế bên cái giếng nước nhỏ, con đường đó đã được « xi mãng hóa » và có xây từng bậc nấc thang bằng gạch vững chắc rất tiện cho người đi leo núi viếng tịnh xá…Rồi bên phía sườn núi nhìn về phía Đông Hồ, lúc đầu cũng chỉ là vài đơn cốc bằng lá nhỏ dành cho các vị sư nữ tu (lần đầu tiên mới có các vị sư nữ tu trên núi Tô Châu chứ từ trước đến lúc đó chỉ có quý sư nam tu mà thôi). Mình không có kỷ niệm nhiều về nhóm tịnh xá dành cho quý sư nữ bên nầy, chỉ biết là nơi đó cũng là tiền thân của « tịnh xá » Ngọc Tiên rất đồ sộ, quy mô, và chiếm lĩnh một vùng đất rất to lớn trên mảnh sườn nầy của núi Tiểu Tô Châu. Ngày nay hai tịnh xá Ngọc Đăng và Ngọc Tiên rất nỗi bật trên sườn núi Tiểu Tô Châu, ngay cả ở xa ta đã thấy hai nhóm tịnh xá nầy, và chiếc áo màu xanh thẩm thực vật của ngọn núi Tiểu Tô Châu đã bị rách loang lổ tại hai vị trí nầy. Nói theo suy nghĩ của tác giả Quang Nguyên trong bài « Tô Châu » thì hẳn chúng ta phải đặt lại câu hỏi hai chữ « Tịnh Xá » có còn đúng ý nghĩa của ngôn từ khi mà ngôn từ đó dùng để chỉ những ngôi chùa nguy nga, tráng lệ, đầy màu sắc và đèn đốm…(trích bài: « Đó là hàng loạt các ngọn đèn của cái tịnh xá đằng xa được sáng lên, cái tịnh xá ấy mấy mươi năm trước khi tôi còn học trung học nó vốn nhỏ nhắn xinh xắn khép nép lẩn khuất trong tán cây, ẩn dật như Thích Ca rũ bỏ hư danh vào rừng để chiêm nghiệm con đường cứu độ chúng sanh… Nay cũng là cái tịnh xá ẩn dật ấy đã biến hình phình to với kiểu kiến trúc tự phát, chấp vá mở rộng theo kiểu dầu loang với xi măng và bê-tông hóa, các mái tôn và mái ngói lộn xộn giật cấp xuống tới tận chân núi, màu đỏ màu vàng lòe loẹt phô trương đã phá hỏng ý nghĩa của hai từ “tịnh xá”, làm cho ta cảm nhận “có gì sai sai” trong cách hành Đạo tại đây và phá hỏng cả nét thơ mộng của Tiểu Tô Châu vốn đã choáng đầy trong ký ức về ngày xưa ấy của tôi ».)

Ảnh chụp từ vệ tinh nhân tạo núi Tiểu Tô Châu cho thấy vị trí của hai tịnh xá Ngọc Tiên và Ngọc Đăng

Nhớ ngày xưa mình và bạn Nguyễn Đình Nguyên thường hay leo lên núi Bình San, đi lòn lỏi qua các vườn cây và các ngôi mộ, tìm tòi một cái gì đó có vẻ huyền bí, ẩn dật, vì thời đó vốn đã bị ảnh hưởng rất nặng của các tiểu thuyết kiếm hiệp, đánh chưởng nên muốn đi tìm một hang hóc sâu thẩm nào đó mà chắc chắn là nhân vật chánh của câu chuyện đã có từng bị đánh rơi xuống hang sâu đó và đã âm thầm luyện các môn chưởng hiểm hóc để sau nầy trở lại xuất hiện trên giang hồ …Vậy mà mình và bạn Nguyên đã tình cờ tìm ra được một ngôi cốc tu rất nhỏ, nhà lá, ở phía sau tịnh xá Ngọc Hồ, không biết thời đó của vị sư khất sĩ nào tu ở đó, nhưng ngôi cốc quả thật có vẻ rất huyền bí, đầy thơ mộng và rất hợp với không khí tu hành…Mình và bạn Nguyên còn đọc được một bài thơ rất hay của vị sư tu ở đó viết trên một tờ giấy và treo trên tường lá của ngôi cốc đó, lúc đó mình và bạn Nguyên rất có ấn tượng về bài thơ đó, rất tiếc là ngày nay không thể nhớ ra các câu thơ đó…đại khái bài thơ đầy vẻ thong dong, tỉnh mịch, tả ngôi cốc tu êm ả trên sườn núi… giống như kiểu « Bước tới đèo Ngang bóng xế tà… ». Như vậy chúng ta thử tưởng tượng các ngôi cốc nhỏ bé, tỉnh mịch, đầy vẻ thiền học, một nơi thật yên tỉnh dành cho các bậc chân tu thực hành đạo Pháp, mong đạt được phép nhiệm mầu của nhà Phật, một nơi ẩn lánh người đời, tránh xa nhân thế,…mà ngày nay đã trở thành những ngôi đền tráng lệ, người người tới lui, « ngựa xe như nước, áo quần như nêm » thì làm sao mà các bậc chân tu có sự yên tỉnh để tu hành?!! ( nói là « ngựa xe » nhưng ngày nay « ngựa xe » chính là các xe đò chở người du lịch đổ ào ào trước các sân chùa …!!).

Phía sau hai ngọn núi Tiểu và Đại Tô Châu là một vùng đất trống, ngay cây số hai, ngày xưa đó là nơi lập trại lính « Tô Châu ». Trại « Biệt Kích Tô Châu » thành lập tháng 2 năm 1963. Đến 1 tháng 9 năm 1970 cải tuyển thành trại của « Tiểu Đoàn 66/ BĐQ/ BP ». Trại Biệt Kích Tô Châu có ảnh hưởng sâu đậm đến người dân Hà Tiên. Mình còn nhớ ngày xưa, nhóm chơi nhạc của Trường Trung Học Hà Tiên cũng đã có lần qua trại Tô Châu chơi nhạc, trong nhóm có các bạn Lý Cui, Lý Văn Tấn, Trần Văn Mãnh (tác giả bài), Lê Công Hưởng, Nguyễn Đình Nguyên, Lý Mạnh Thường, Nguyễn Anh Tài…v..v…..Bạn Nguyễn Anh Tài (con của ông trưởng chi Bưu Điện Nguyễn Văn Nhứt thời đó) chơi dàn trống và mình còn nhớ lúc đó bạn Nguyễn Anh Tài ca bài « Sầu Đông » của Khánh Băng. Ngoài ra lúc đầu khi còn là trại Biệt Kích, có rất nhiều người Mỹ đóng quân bên đó, họ có tổ chức phát thuốc cho dân Hà Tiên, mình cũng có dẫn Bà Ngoại mình sang đó để lãnh thuốc tây. Còn một điều nữa là trại Tô Châu thời đó cũng là nơi để giải quyết vấn đề « đi quân dịch » của một số con dân các nhà buôn bán chung quanh chợ, nhất là các nhà buôn bán người Hoa. Thật vậy, các thanh niên đó chỉ việc đăng ký để vào danh sách lính của các đơn vị đóng trong trại Tô Châu, nhưng ban ngày thì ở Hà Tiên sinh hoạt buôn bán giúp gia đình như thường lệ, còn chiều tối thì phải qua ngủ trong trại…(thời đó người ta gọi là đi lính ma, lính kiểng…), tiền lương lính mỗi tháng thì do các quan trong Tiểu Đoàn « lãnh dùm »!!).

Thời đó vì thường chơi văn nghệ nên mình có quen với hai người lính thuộc trại Tô Châu, người thứ nhất tên là Đô, trung sĩ Đô. Trung Sĩ Đô là người bắc, khá đẹp trai, ông ta có vợ người Cần Thơ, ca rất hay và cũng rất đẹp. Trung sí Đô thường quan hệ với Đại úy Thơ nhà ở biệt thự ông Bầy phía trước nhà mình.  Khi có người vợ của trung sĩ Đô ở Cần Thơ đến Hà Tiên chơi, cả nhóm tụ tập tại nhà bạn Lý Mạnh Thường để dợt nhạc, lúc đó mình đệm đàn cho vợ trung sĩ Đô hát một bài theo tiết điệu « Boston », lúc đó mình cũng chưa rành lắm về nhịp Boston, vốn là nhip ba (3/4), tức là chỉ có ba phách trong một cung nhịp, vì mình thường quen chơi đàn theo các nhịp 4/4 và 2/4 (tức là thường thường đệm đàn theo nhịp Boléro, Rumba, Slow Rock,…) nên mình cũng rất lúng túng khi đệm đàn theo nhịp 3/4…Khi đó vợ của trung sĩ Đô có chỉ mình cách đệm theo nhịp Boston cho bà ca…Người thứ hai thuộc trại Tô Châu mà nhóm mình chơi khá thân là trung sĩ Nhựt, trung sĩ Nhựt cũng tham gia văn nghệ ca hát với nhóm mình, cũng thường tập họp ở nhà bạn Lý Mạnh Thường để tập dợt. Trung sĩ Nhựt người cao lớn, nước da hơi ngâm đen, rất vui vẻ và dể giao thiệp. Có một kỷ niệm như sau, lúc đó không biết vào dịp nào mà Hà Tiên có tổ chức văn nghệ và do các đơn vị bên trại Tô Châu đảm nhận. Sân khấu được cất ngay bờ sông, bên trái của cầu bắc, nhìn lên là ngay trước mặt khu tiệm Phương Dung chụp hình. Lúc đó có bạn học là Trần Văn Yến đã gia nhập lính bên trại Tô Châu, bạn Yến chơi đàn « Đại Hồ Cầm », nói là Đại Hồ Cầm nhưng chỉ là một thùng phi xăng lớn có cặp một cây dài làm cán đờn và căng dây kẻm làm dây đờn. Trung sĩ Nhựt hát một bài kích động nhạc theo điệu twist. Khi vào bài trung sĩ Nhựt có nhảy theo nhịp điệu đàn nhưng vì có lẻ sàn sân khấu bị mưa ướt trơn trợt nên anh bị mất thăng bằng té xuống,…tuy nhiên cũng không sao, anh tiếp tục đứng dậy và ca bài ca twist rất sôi động… Sau nầy nghe tin các bạn cùng trường lớp cho biết là trung sĩ Nhựt cưới bạn Hà Thu Hương (Hương học cùng lớp với mình thời lớp đệ thất trường trung học Hà Tiên) làm vợ,…và thời gian sau nữa là anh Nhựt đã mất rồi.

Đến đây tạm dừng câu chuyện về hai ngọn núi Tô Châu và mong thầy cô và các bạn đọc bài, xem hình ảnh, nhớ kỷ niệm xa xưa và đóng góp ý kiến thật nhiều để chúng ta cùng nhau nhớ về một thời xa xưa của tuổi học trò rất vui và rất thơ mộng…

                                           Trần Văn Mãnh  (Paris 04/08/2018)

Chú Thích: * Theo site bản đồ có tên là MAPNALL thì chiều cao có khác hơn: Tiểu Tô Châu (cao 89 m) và Đại Tô Châu (cao 153 m)

Một trong những tấm ảnh về núi Tô Châu (Hà Tiên) mà ta có thể thấy. Hình chụp trong khoảng thời gian 1920-1929, thời gian người Pháp còn đóng ở Hà Tiên. Hình ảnh chiếc xe hơi của người Pháp đang được một chiếc bắc chuyên chở qua sông Hà Tiên. Hình sưu tầm trên mạng face book trang « Thú Chơi Sách »

Cửa biển Hà Tiên, nhìn thấy hai ngọn núi Tiểu và Đại Tô Châu. Hình khoảng năm 1938-1946. Hình sưu tầm trên mạng face book trang « Thú Chơi Sách »

Ngọn núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên phía bến Trần Hầu, xóm Cầu Câu. Nguồn: Manhhai (Cochinchine, Le Bokoz)

Ngọn núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên phía bến Trần Hầu, xóm Cầu Câu. Nguồn: Manhhai (Cochinchine, Le Bokoz)

Ngọn núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên phía bến Trần Hầu, xóm Cầu Câu. Nguồn: Manhhai (Cochinchine, Le Bokoz)

Ngọn núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên phía bến Trần Hầu, xóm Cầu Câu. Nguồn: Manhhai (Cochinchine, Le Bokoz)

Hình thể núi Tô Châu (Hà Tiên) do người Pháp chụp khoảng trước năm 1931. Photo: Nadal, trích trong tài liệu « Exposition coloniale internationale Paris 1931 ». Chú thích của hình có ý nói là « Hà Tiên-Lối vào cửa Đông Hồ »

Phần đầu của núi Tiểu Tô Châu và Đại Tô Châu ngay cửa ra biển. Ảnh người Pháp chụp từ trên Pháo Đài Hà Tiên khoảng trước năm 1931. Photo: Nadal, trích trong tài liệu « Exposition coloniale internationale Paris 1931 ». Chú thích của hình có ý nói là « Hà Tiên-Vịnh và đường vào cảng »

Chiếc tàu Quan Thuế Pháp tên Bonite neo tại Hà Tiên, phía sau là dãy núi Tô Châu. Nguồn ảnh: Delcampe (có lẻ trước năm 1930)

Bến cảng Hà Tiên, tàu khởi hành đi Châu Đốc. Bên phải là một góc núi Tiểu Tô Châu. Nguồn ảnh: Delcampe (có lẻ trước năm 1930)

Núi Tiểu Tô Châu nhìn từ phía chợ Hà Tiên. Ảnh do người lính Hải Quân Pháp tên Rolland Drosson chụp khoảng trước năm 1953

Quang cảnh núi Tô Châu (Hà Tiên) nhìn từ thành phố Hà Tiên. Hình: TuanVo, 1956. Chúng ta không biết ngôi nhà nhỏ ngay trên đỉnh núi là nhà gì?

Núi Tô Châu (Hà Tiên) trong thời gian vẫn còn nét thiên nhiên, chưa có công thự chùa chiền phát triển. Hình: nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá trong những năm 60. (trong hình ta vẫn thấy ngôi nhà nhỏ trên đỉnh núi Tô Châu?)

Một bức ảnh tương tự ảnh trên, do Nhiếp Ảnh Gia nổi tiếng gốc Hà Tiên chụp: Ông Quách Ngọc Bá, Hieu Nguyen sưu tầm và đăng trên trang fb « Tôi Yêu Hà Tiên »

Quang cảnh núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên đường Bến Trần Hầu, khoảng Chợ Cá. Nguồn: Nhiếp ảnh gia Quách Ngọc Bá, Hatien Photo, 1950-1960. (Lưu Như Việt chia sẻ).

Quang cảnh núi Tô Châu nhìn từ khu chợ Hà Tiên đường Bến Trần Hầu, khoảng tiệm hình Hatien Photo. Nguồn: Nhiếp ảnh gia Quách Ngọc Bá, Hatien Photo, 1950-1960. (Lưu Như Việt chia sẻ).

Quang cảnh núi Tô Châu (Hà Tiên) nhìn từ Đài Kỷ Niệm (Hà Tiên). Hình: Nguyễn Hữu Tâm 1969

Hình ảnh quen thuộc của chiếc Cầu Bắc Hà Tiên (khoảng thập niên 1960-1970), ta thấy có hai chiếc phà đang hoạt động, phía sau hình là núi Tô Châu. Hình xưa do Nguyễn Bích Thủy phục hồi. (trong hình ta vẫn thấy ngôi nhà nhỏ trên đỉnh núi Tô Châu?)

Quang cảnh núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên đường Bến Trần Hầu, 1971-1972. Nguồn: Lưu Như Việt

Quang cảnh núi Tô Châu nhìn từ bờ sông Hà Tiên đường Bến Trần Hầu, khoảng Đài Kỷ Niệm, khúc cầu tàu Quan Thuế. 1971-1972. Nguồn: Lưu Như Việt

 

Một trong những ảnh chụp núi Tô Châu (Hà Tiên) trong những thâp niên 60 -70, lúc chỉ có những tịnh xá đơn sơ của các vị tu sĩ theo phái Khất Sĩ củaTổ sư Minh Đăng Quang. Hình: TVM (ta hãy để ý là ngôi nhà nhỏ trên đỉnh núi đã biến mất!!)

Một phần núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với các căn nhà lưa thưa dưới chân núi trong những năm 70. Hình Trần Văn Dõng trước năm 1975.

Toàn bộ quang cảnh núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) vào khoảng năm 1993, ta thấy khu vực tịnh xá Ngọc Tiên còn rất khiêm tốn, sườn núi còn giữ được màu xanh thẩm thực vật.. Hình Daanj 1993

Một góc núi Tiểu Tô Châu kề bên bờ Đông Hồ, phía bên trái là bắt đầu con kênh Hà Tiên – Rạch Giá. Hình TVM năm 1994

Tác giả bài viết Trần Văn Mãnh đứng trên Tịnh Xá Ngọc Tiên trên núi Tiểu Tô Châu  nhìn về phía Đông Hồ Hà Tiên. Hình: TVM năm 1994

Một phần  núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với ngôi tịnh xá Ngọc Đăng vừa thoáng hiện trên sườn núi ở giữa hình. Hình: TVM 1994

Một phần núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với toàn cảnh tịnh xá Ngọc Tiên với sự phát triển tột độ, màu sắc và diện tích chiếm khoảng 2/3 của chiều cao sườn núi, nhà cửa dưới chân núi cũng phát triển cao độ trong những năm sau 2000

Cầu Tô Châu (Hà Tiên), bên trái ta thấy rỏ ngọn núi Tiểu Tô Châu, bên phải ngọn núi Đại Tô Châu với tất cả vẻ hùng vĩ của nó. Hình trích trong site Anhcanem8897 (2010)

Cận ảnh một góc núi Tiểu Tô Châu với sự phát triển của tịnh xá Ngọc Tiên và các nhà dân dưới chân núi. Hình TVM 2012

Toàn bộ tịnh xá Ngọc Tiên trên núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với sự phát triển tọa lạc từ hơn nửa sườn núi xuống tận chân núi. Ảnh hiện tại ngày nay.

Cận ảnh một góc núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với sự phát triển của nhà cửa dân chúng, phần đầu núi nhìn ra cửa biển. Hình: TVM 2012

Cận ảnh khoảng giữa núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với sự phát triển nhà cửa và ghe tàu. Ở giữa phía trên hình ta thấy một phần vách rào của tịnh xá Ngọc Đăng. Hình: TVM 2012

Một góc nhìn núi Đại Tô Châu (bên trái) và núi Tiểu Tô Chau (bên phải), hình chụp từ con sông Giang Thành. Hình: Agassity, 2012

Một góc độ nhìn núi Đại Tô Châu rất rỏ, đó là hình chụp từ con sông Giang Thành sắp sửa đổ vào Đông Hồ, Hà Tiên. Hình: Thomas Nguyen (Nước Non Nghìn Dặm) 2016

Một phần  núi Tiểu Tô Châu (Hà Tiên) với ngôi tịnh xá Ngọc Đăng hiện ra rất rỏ trên sườn núi ở giữa hình. Phía dưới chân núi nhà cửa tàu bè rất đông đúc và hiện đại. Hình: Thomas Nguyen (Nước Non Nghìn Dặm) 2016

Toàn bộ góc nhìn rất rỏ hai ngọn núi Tiểu Tô Châu (bên trái) và Đại Tô Châu (bên phải),  sông Giang Thành chảy qua thành phố Hà Tiên hiện nay tàu bè rất đông đúc và hiện đại. Hình: Thomas Nguyen (Nước Non Nghìn Dặm) 2016

Góc nhìn khác về hai ngọn núi Đại Tô Châu (bên trái) và Tiểu Tô Châu (ở giữa hình). Hình chụp từ phía Đông Hồ (Hà Tiên) nên dưới chân núi ta ít thấy nhà cửa. Hình: Nguyễn Lệ Thủy 2016.

Hai ngọn núi: phía trước: Tiểu Tô Châu, phía sau: Đại Tô Châu. Hình trích trong vidéo « Hà Tiên Quê Tôi » của Alexander Duy, 2017

Cầu Tô Châu (Hà Tiên) hiện tại, bên trái ta thấy rỏ ngọn núi Tiểu Tô Châu, bên phải ngọn núi Đại Tô Châu với tất cả vẻ hùng vĩ của nó.

Cầu Tô Châu (Hà Tiên) hiện tại, bên trái ta thấy rỏ ngọn núi Tiểu Tô Châu, bên phải ngọn núi Đại Tô Châu với tất cả vẻ hùng vĩ của nó. Hình: Trương Thành Ý, 2018

Một cảnh đẹp nhìn rỏ núi Đại Tô Châu (phía sau) và Tiểu Tô Châu (phía trước). Hình trích ra từ Video Flycam (quay bằng Drone) của Dang Truc My (2018)

Núi Đại Tô Châu, vị trí chụp hình là ở giữa hai ngọn núi Tiếu Tô Châu và Đại Tô Châu. Hình: Lâm Thị Lan, 2018

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết.

Mời xem một đoạn video về Hia Tư Lý Văn Nhiên và chế Thìn Lê Thị Phượng để biết căn nhà của hia và chế và hình ảnh tịnh xá Ngọc Đăng vào năm 1999.

 

 

 

 

Une réflexion au sujet de « Núi Tô Châu qua các giai đoạn thời gian (Hà Tiên) »

  1. Ping : Núi Tô Châu, một thời với các sư Khất Sĩ - Tinh Tấn Magazine

Laisser un commentaire