Sai lầm (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, ngôi trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa đã có một khối lượng học sinh tuy không to lớn lắm nhưng cũng đủ để trải dài qua nhiều thập niên, từ khi được thành lập vào những năm đầu thập niên 50 cho đến những năm đầu của thiên niên 2000, kể ra cũng đã được hơn 50, 60 năm…Từ các bậc đàn anh, đàn chị của những lớp đầu tiên của ngôi trường: quý anh Trần Phình Chu, Phù Thọ Phương, Đoàn Kim Minh, Huỳnh Hữu Điền, quý chị Lý Thị Lắc, (cô) Hà Thị Hồng Loan,…cho đến quý anh chị bậc trước sau hay cùng thời với mình như Thái Nam Đệ, Trần Hồng Khanh, Trần Văn Dõng, Lý Cảnh Tiên, Lâm Hữu Quyền, Trương Thái Minh, Lý Mạnh Thường, Lâm Xuân Cúc, Trần Học Quang, Lê Phước Hải, Trường Thanh Hào, Trương Thanh Hùng, Lâm Thị Lan,…và các bạn tuy đi sau nhưng cũng có liên hệ tình bạn thân thiết như Trần Tuấn Kiệt, Lê Phước Dương, Phạm Thị Kim Loan, Trần Thị Như Liên, Nguyễn Thị Điệp,..rồi các bạn của thời gian hơi xa  xa phía sau như Huỳnh Thị Sáu, Huỳnh Ngọc Tuyết, Trần Mỹ Hạnh, Lê Thị Tám,….rồi đến những niên học thật xa sau nữa thì mình không còn biết được các bạn, các em đi sau đó,…Tuy nhiên với những trang viết kể chuyện học trò, chuyện trường lớp, các kỷ niệm thời học sinh đó đã đưa chúng ta từ những anh chị cả của những thập niên 50 cho đến các em xa xa sau nầy, chúng ta lại hiểu được phần nào sinh hoạt học đường của tất cả…Từ các câu chuyện chơi văn nghệ rất xa xưa cho đến câu chuyện theo bạn năn nỉ học đánh trống gần gần sau nầy, tất cả đều cho chúng ta thấy những hoạt động liên hệ bạn bè, vui chơi của cả một khung trời của Trung Học Hà Tiên…Kỷ niệm có rất nhiều, kỷ niệm rất vui rất nhộn, nhưng cũng có những kỷ niệm hơi đau buồn, hơi luyến tiếc của một thời học sinh tuổi còn rất trẻ, ngôn từ, hành động cử chỉ không biết đo lường, suy tư, để rồi đi đến một điều gì đó gây muộn phiền cho mình, có khi sự muộn phiền đó theo đuổi, gặm nhấm tâm hồn mình cho đến nhiều năm dai dẳng sau nầy,..Chính bản thân mình cũng có trải qua kinh nghiệm sống nầy, đôi khi mình gây ra buồn phiền cho một người bạn trong quảng thời gian xa xưa, rồi vì một lý do nào đó, tự ái, sự bồng bột háo thắng, sự tự kỷ, sự co rút của mình tất cả những đặc tính đó làm cho mình không can đảm nói lên một lời dịu ngọt để làm cho tan biến sự giận hờn, buồn phiền, hiểu lầm trong tình bạn năm xưa,…Nếu một ngày nào đó với cuộc sống chính chắn của một người trưởng thành, mình được có một dịp may gặp lại và nói lên lời giải tỏa cho khúc mắc năm xưa thì thật là hay và đó cũng là dịp để ta vui mừng gặp lại bạn năm xưa và cùng nhau nhắc lại kỷ niệm xưa với một tình thần thật thanh thản thoải mái,..Nhưng dòng đời nhiều khi cũng đưa đến cho chúng ta nhiều bất ngờ, nhiều éo le, có khi gặp lại bạn rồi nhưng chưa nói lên được những gì thông cảm nhau thì thời gian lại khắc nghiệt không cho phép ta kéo dài thêm nổi vui hội ngộ,…Cây bút Quang Nguyên hôm nay cống hiến cho chúng ta một câu chuyện, chuyện thật hay, thật nhẹ vì cách hành văn trẻ trung, vui nhộn, nhưng chuyện cũng đượm một vẻ buồn vì cái kết thúc đau thương…và cái hối tiếc vẫn còn vấn vương đâu đó trong tâm hồn bạn,..Tựa bài là hai chữ « Sai lầm »,…chúng ta sẽ đặt câu hỏi « Sai lầm » của ai, ai đã phạm sai lầm ??? Và sự sai lầm nầy có thể được sửa chữa không ?? Rất khó mà phán quyết về sự kiện xảy ra trong câu chuyện, có sai lầm không khi ta không kịp nói lên lời phân giải với bạn, để nổi khúc mắc quá lâu với thời gian, có sai lầm không khi mình chọn một cách sống đi ra ngoài chuẩn mực của xã hội, có sai lầm không khi sự giáo dục của gia đình hơi buông lơi vì mọi thứ ràng buộc chung quanh, và có sai lầm không khi ta lại nhắc chuyện xưa mà thời gian gần như chôn lấp đi rồi…?? Nói tóm lại khi đọc câu chuyện mỗi người trong chúng ta sẽ tự phân tích và tự tìm hiểu cái thông điệp mà tác giả Quang Nguyên muốn gửi gắm qua bài viết nầy..Có một điều mà riêng mình nghĩ là sẽ không có gì sai lầm khi ta vẫn còn nhớ về bạn, về trường cũ năm xưa…!!.(Paris tháng 4, 2019, TVM viết vài hàng giới thiệu bài của Quang Nguyên)

Sai lầm  (Quang Nguyên)

Ai cũng từng trải tuổi thanh thiếu niên, ắt hẵn cũng thấy tình bạn trong tuổi học trò nó đáng quý thế nào, bởi từ tuổi học trò này đến mãi về sau, chúng ta có rất nhiều mối quan hệ xã hội, nhiều người tốt kẻ xấu lần lượt bước vào và bước ra khỏi cuộc đời bạn, nhưng có một góc tủ riêng trong mỗi con người mà ở đó họ sắp đặt ngăn nắp những câu chuyện cũ thời học trò như những báu vật giá trị, thỉnh thoảng họ lại lấy các báu vật ra lau chùi, ngắm nhìn… rồi họ cảm giác hạnh phúc vì có nó. Những kỷ niệm của tuổi học trò là những báu vật, những người bạn của chúng ta vẫn ở mãi trong đó với mối thâm tình trân trọng keo sơn cùng đi với chúng ta đôi khi hết cả cuộc đời mình.

… Có một hôm tôi đi làm về khuya, mở đài FM tần số 99.9 Mhz hay 104,5 Mhz chi đó để làm ngắn đi quãng  đường vài chục ki lo mét về nhà, tôi chợt nghe một ca sĩ nào đó mà chất lượng giọng hát thoạt nghe chỉ có thể “té ghế” chứ không thể xoay ghế như The Voice được, lời bài hát quen thuộc được “đọc” bởi một ca sĩ lạ hoắc:  « … Bây giờ còn nhớ hay quên? Ngày xưa hè đến, phượng hồng nở hoa… »,  giọng ca đó nó không làm tôi có chút cảm hứng nào để tiếp tuc nghe, nhưng vô tình nó gợi nhớ một thằng bạn rất thân từ nhỏ học cùng lớp cũng hay nghêu ngao hát bài hát này. Ngày xưa, khi nghe bạn hát tôi rất bực, tôi bực không phải vì bạn tôi có giọng hát hay hơn tôi, mà tôi bực vì lời bài hát không phù hợp chút nào với lứa học trò lớp bảy, lớp tám của bọn tôi, nhưng bực là bực thế thôi chứ cái thằng tôi (dù còn rất nhỏ) cũng hiểu đó là sở thích của bạn và anh ta có quyền tự do mà?

H là « con nhà giàu, đẹp trai, và… viết chữ bự! ». Thật ra H thân với anh Q của tôi hơn, nhưng vì tôi luôn cặp kè với anh Q nên tui cũng thân với H bởi cả ba cùng học chung một lớp… Cũng có thể là tôi tự ngộ nhận về mức độ “thân” này.

Anh Q của tôi không cần nói thì mọi người đều biết là rất đạo mạo và rất chi là nghiêm túc, lại già dặn hơn tuổi rất nhiều. tôi thường thấy anh ấy và H tâm sự với nhau về những “ câu chuyện học trò”,  nhiều khi tôi rất muốn tham gia vì tôi cũng để ý đứa này đứa kia chứ bộ? Thế nhưng H và anh tôi thường hay lãng tránh và một cách công khai nói rằng sợ tôi “bép xép” (mà cái này thì đúng là anh tôi không sai – vì quả thật tôi rất “nhiều chuyện” – một cái tính không thể chấp nhận có trong một thằng cu !).

H học cũng khá giỏi, lại viết chữ đẹp và hát hay, vẽ thì cực đẹp…H hay cùng Q làm báo tường và trang trí cho sân khấu hay những tiết mục văn nghệ của trường. Trường Trung Học Hà Tiên năm xưa có tay trống lừng danh Nguyễn Kha Ly, H chơi với Kha Ly và trở thành môt tay trống giỏi, năm hoc 1977-1978 Miên Đỏ đánh sang biên giới, anh Kha Ly di tản đi đâu đó thì H nghiễm nhiên trở thành tay trống của trường, Trường Trung Học Hà Tiên có dàn trống jazz hồi nào không rõ, chỉ là một dàn trống căn bản cho học trò gồm có: Bass, Snare, hai cái Tom, một cái chập chã đôi Hi-hat và một cái “chiêng” Cymbal, chỉ là vậy thôi nhưng ngồi vào đó là “oai” lắm. Hằng ngày sau khi học xong H hay tìm đến dàn trống ấy, nó được đặt trong cái phòng sau lưng Ban Giám Hiệu sát mé núi của điểm trường Rạch Núi mà bọn học trò Trung Học Hà Tiên chúng tôi đã được chia bớt về đây, và tôi thì quyết không bỏ qua cơ hội để tiếp cận cái dàn trống này.

Cuối cùng, sau những đòi hỏi nhây nhưa lầy lội của một thằng bẻm mép như tôi, H cũng trở thành « thầy » dạy tôi đánh trống (nhờ vậy nên sau này khi lên đại học tôi có thêm một nghề là đánh trống thuê kiếm tiền ăn sáng uống cà phê, cũng có khi được tiền nhiều bao cả bạn bè cả một bàn cà phê sữa đá cùng gói thuốc thơm Samit và mấy lượt bình trà Thái Đức cùng nhau ngồi đồng!…). Trong trường thì có nhiều con mắt mơ màng của mấy nàng nhìn ngắm anh chàng này, H có dáng vẻ “bất cần” trộn chút kiêu hãnh, lại con nhà giàu, luôn ăn mặc đẹp, vẽ đẹp hát hay, có tài chơi trống…, thế là quá dư để trở nên nổi trội.

Bọn con trẻ tụi tôi chơi với nhau vô tư không phân biệt giàu nghèo hay hoàn cảnh của gia đình, gia đình H giàu có và có tiệm vàng ở Hà Tiên, H vô tư trong bản chất một đứa trẻ thiếu niên, trong khi anh em tụi tôi quá nghèo, hôm nào vào lớp cũng phải kèm thêm bao bánh mì bán cho các bạn trong giờ ra chơi và đầu óc ngoài chuyện học chỉ quay quanh cơm gạo, chúng tôi không có cả một chiếc quần Tây để đi học, việc đó khiến má tôi vì thương con nên tìm cách có được cái quần cho hai thằng nhóc, bà lấy vải bao cát xanh của Mỹ (loại làm công sự) mà may thành cái quần đùi cho hai thằng cu của bà có cái mặc mà đến lớp, tuy thô ráp nhưng được cái rất bền và … rất mát! Nó thưa đến nổi khi ra nắng thì ôi thôi – hai thằng anh em tôi trở nên nổi tiếng là sexy boys nhất trường làng… Sự khác nhau về “đẳng cấp” xã hội nó không khiến cho tình cảm của chúng tôi có sự “tách lớp” như nước và dầu, chúng tôi cùng chơi, cùng học và cùng trao đổi những điều thú vị trong cái nhãn quan nhỏ nhoi mà bọn trẻ góp nhặt được chung quanh đời sống thường nhật, chưa bao giờ vì sự cách biệt đó mà H không chơi với chúng tôi.

Tuy nhiên – bao giờ cũng có “tuy nhiên” trong một vấn đề mà người ta tưởng chừng như chân lý.

H luôn xem tôi là một đứa “trẻ trâu” (là nói theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ), là một thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch, mặc dù anh ta chỉ hơn tôi một tuổi, “nhưng mình học chung lớp mà? Cũng là bạn bè nhau sao phân biệt đối xử với mình vậy?”, tôi thường đem suy nghĩ này ra để lằng nhằng với bạn bởi tính tôi thô thiển và “ruột ngựa”, “phổi bò” trong thân xác “trẻ trâu” như đã nói. Cái sự trẻ con rách việc của tôi đến một lúc nào đó thì nó cũng gây ra chuyện… Một hôm, vì chịu không nổi một thằng bạn thuộc họ móng guốc này đã làm một chuyện gì đó tệ hại đến độ làm tổn thương H, H đã rất lịch sự và không tuyên bố chi cả, đơn giản chỉ âm thầm nghỉ chơi với tôi.

Nhưng bạn vẫn « nồng ấm” với anh tôi thế mới ức chứ? 

Tôi đau khổ vì chuyện này cho tới rất nhiều năm sau mỗi khi nhớ lại …Tôi không hiểu tại sao bạn H không có cả một nụ cười với tôi nữa, lẽ ra phải tha thứ cho tôi khi nghĩ rằng đó là thằng con nít? Thế nhưng mãi mãi từ hôm ấy cho đến tận sau này bạn không bao giờ nói chuyện với tôi, không nhìn tôi, mặc dù tôi làm đủ mọi cách để làm hòa mà không có tác dụng, tôi chỉ còn biết tự trách mình.

Năm học lớp 8 (1978-1979) đột nhiên H bỏ học, tôi rất buồn vì năm này rất nhiều bạn bỏ học, đám học sinh sơ tán của Trung Học Hà Tiên nay vắng rất nhiều bóng dáng thân quen…

Bẳng đi khoảng năm năm chúng tôi không thấy H đâu, tôi rất nhớ bạn cùng với nỗi buồn gặm nhấm…

Rồi sau đó hai anh em tôi đi học Đại Học, gia đình vẫn đang còn rất khó khăn, hàng ngày các em tôi vẫn phải xe nước mướn, nên mùa hè là thời gian mà tôi và anh Q phải gánh vác cho các em được “thư giãn”… Một hôm, khi hai anh em đang kéo nước thì thấy H xuất hiện, trổ mã đẹp trai như một thiên thần và nhoẻn miệng cười với… anh của tôi, dừng chiếc xe đạp, bạn hỏi thăm anh tôi, trao đổi với anh Q nhiều câu chuyện, trong khi tôi đứng sát một bên mà tuyệt nhiên không hỏi tôi dù nửa câu. 

Ngày đó tôi đau khổ hơn những ngày khác nhiều lần, giá như ngày ấy chỉ cần bạn cười với tôi một cái, có thể hôm đó tôi sẽ dư sức kéo được gấp đôi số xe nước của mọi ngày…

Không lâu sau H đi nghĩa vụ quân sự, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp bạn “cách xa” trong một cự ly rất gần, rất gần nhưng rất xa… Tôi thích ngắm nhìn H trong bộ đồ lễ phục của quân đội được ủi đàng hoàng thẳng thóm, bạn hiện diện trong đội quân duyệt qua lễ đài trong những ngày lễ (ngày xưa chính quyền hay bắt người dân đi mít – ting), hình ảnh bạn tôi quân phục chỉnh tề đứng trong hàng quân vuông vức làm tôi xúc động.

Rồi sau đó bạn ra quân rồi về làm việc bên Văn Hoá Thông Tin của thị trấn, H rất có hoa tay, tôi thích ngắm những bức tranh cổ động mà H vẽ, bạn vẽ cho các áp-phích của rạp xi-nê Phát Minh trông rất ấn tượng và hấp dẫn, quả là bạn ấy vẽ rất có hồn, các chùa chiền ở Hà Tiên cũng thuê bạn tô vẽ tượng Phật trong những đợt trùng tu hay làm mới lại các pho tượng… Có điều, bức tượng của H trở nên trẻ trung lạ lẫm hơn so với trước, bạn gửi gắm tâm hồn mình vào trong đó, các tượng Phật đã không còn tẻ nhạt, không còn bí hiểm, các gương mặt Đức Phật trở nên tươi trẻ khoẻ khoắn, gần gũi lạ thường, nó dễ khiến chúng ta có cảm tình mà dễ đến với đấng từ bi hơn…

Hóa ra bạn H của tôi có bí quyết đem “đời” vào chùa nhiều hơn!

Thời gian trôi nhanh….

Năm 2006 trong một bữa giỗ ở gia đình tôi, cả đại gia đình nhà tôi đang đông đủ, tôi nhìn ra ngoài đường phía trước nhà thấy một ông già hành khất rách rưới, ốm đói và bộ dạng thật tệ hại ngồi cách nhà tôi độ mươi bước chân, ông ta không già vì tuổi tác, mà già vì bộ dạng…. Tôi nhìn thật lâu và nhận ra H, tôi hoảng hồn, đau khổ, chết lặng…Rồi bao nhiêu kỷ niệm về người bạn thiếu thời quay về ngay lập tức, kể cả những câu hỏi thời con nít còn đang chưa được trả lời…

Tôi gọi anh Q ra và xúi anh mời H vào buổi tiệc đang đông đủ bà con, (cũng như hồi còn nhỏ, tôi hay xúi anh tôi những chuyện mà tôi không dám làm, tôi rất yếu đuối, thật vậy!). H rất vui và còn nhớ chuyện bạn bè, nhắc tên đứa này đứa kia… Và Trời ạ! H cũng nhắc và nhớ “thằng Nguyên” mặc dù bây giờ mắt anh ta đã lòa không nhận ra “thằng tôi” đứng cạnh bên, tình cảnh đó khiến thằng trung niên bốn mươi tuổi dạn dày sương gió cuộc đời chực trào nước mắt…

Hậu quả của rượu làm H trở nên như vậy, đôi mắt nhãn quan nghệ sĩ của anh đã bị lòa, bàn tay tài hoa của anh cũng bị liệt, H bị bại liệt bán thân.

H bây giờ vô gia cư sống đầu đường xó chợ, vợ con bỏ rơi, sống nhờ sự bố thí của bà con cô bác trong địa phương “Đất Phật Người Hiền” của chúng ta, người cho bạn cơm, kẻ cho bạn tiền… Cứ thế bạn sống cho qua ngày đoạn tháng, bạn đã không còn ý chí và sức lực để làm lại cuộc đời, và có đồng nào H xiêu vẹo ngật ngưỡng mua rượu uống hết để quên đi quá khứ vàng son, sự thất chí đã đẩy H đến tận cùng của sự kiệt quệ, H không than thân trách phận, không mượn rượu quậy phá chửi rủa ai hay chửi đời đông đổng theo kiểu Chí Phèo của Nam Cao… Ngày cũng như đêm, bạn chỉ lặng lẽ đâu đó trong những góc tối của thị trấn bé nhỏ này …

Chính tôi “xúi” anh tôi đưa bạn vào nhà, nhưng tôi không đủ can đảm để nói chuyện với bạn, tôi viết một tờ giấy nhỏ (mà không chắc H còn có thể đọc được) đại ý nói rằng – « … ông cầm tiền này ra mua rượu uống cho thỏa chí đi, vì tôi biết đó là niềm vui của ông, là bạn bè không gì vui hơn khi thấy bạn vui… ». Em gái tôi nói rằng:  « anh cho tiền ảnh là ảnh sẽ đi nhậu hết ngay trong một đêm! », tôi không trả lời em tôi nhưng tôi hình dung ra nụ cười sảng khoái của bạn vì đêm nay chắc chắn bạn sẽ say nhiều hơn mọi ngày khác…

Đó là điều tốt nhất cho H, theo tôi nghĩ vậy.

Đêm hôm đó tôi không ngủ được vì mãi chiêm nghiệm về cuộc đời… Mới ngày nào hình ảnh H còn phơi phới, rạng rỡ như thiên thần vậy mà giờ đây ám ảnh trong tâm trí tôi đó là một H thiểu nảo thân xác tả tơi xiêu vẹo lên xuống nhấp nhô với cái bóng đổ dài xiên xẹo trong buổi chiều tà hôm ấy, cái bóng đong đưa qua lại gập ghềnh trên đôi nạng gỗ, dịch chuyển đều đều xa dần trông như quả lắc đồng hồ đếm ngược vội vàng thời gian còn lại theo từng bước chân mà H đã thật khó nhọc mới nhấc được cơ thể mình giữa  hai cây nạng…

Tôi cứ mãi trách mình, sao mình không nói chuyện với bạn ấy?

Mãi mãi tôi không còn cơ hội để nói chuyện với bạn, vì H đã đem theo xuống mồ cái lý do đã giận tôi suốt mấy mươi năm (cũng có khi H còn không nhớ được)… Mùa đông gió bấc năm 2007 (nếu tôi nhớ không lầm?), trong sân một ngôi chùa lớn ở thị trấn yên tĩnh này, người ta tìm thấy H nằm chết co ro dưới chân ngôi tượng Phật mà tự tay H đã tô vẽ nên… Khung cảnh đó, hình ảnh đó, với cái xác người tả tơi, ốm yếu, khẳng khiu xơ xác và co quắp đen đủi, bên cạnh là chiếc nạng gỗ nằm dưới một góc… Thật chẳng khác chữ ký của một nghệ nhân bên tuyệt tác của mình.

Và có lẽ bạn còn đủ tỉnh táo trong phút cuối của cuộc đời, bạn đã đến dưới chân bồ tát để ra đi thanh thản với niềm tin vào sự cứu rỗi của Đức Từ Bi.

Còn tôi khi nhớ về bạn, tôi luôn nhớ về các điều sai lầm: sai lầm đầu tiên là tôi đã để mất bạn từ năm xa xưa ấy, gần ba mươi năm sau tôi đã có cơ hội để sửa sai nhưng tôi đã không làm và điều này là thêm một sai lầm. Còn H, bạn đã mắc phải sai lầm nào để cuộc đời bạn rả nát tan hoang?  

Và rồi, hôm nay tôi kể lại chuyện này có thể đây lại thêm một sai lầm nữa? Cũng có thể lắm!. »

 (Để tưởng nhớ về bạn tôi– D.S.H)

Quang Nguyên.

04/2019.

Une réflexion au sujet de « Sai lầm (Quang Nguyên) »

Laisser un commentaire