Quán Ti La (Hà Tiên) – Phần B: Dây Tơ Hồng (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong công cuộc ghi nhớ lại một « Hà Tiên cảnh cũ người xưa », mình có viết một loạt bài về các chùa chiền, cổ miếu, trường học, đền đài, ao sông…v…v…Ngoài ra còn có nhiều bạn đã vui vẻ hợp tác viết thêm rất nhiều bài cũng trong ý tưởng nầy. Khoảng giữa năm rồi (2021) mình có đề nghị với tác giả Quang Nguyên viết bài về « nguồn gốc » của quán nhạc Ti La ở đường Tham Tướng Sanh mà người Hà Tiên và giới yêu nhạc bốn phương từng sinh sống tại Hà Tiên, ai ai cũng đều biết quán nầy, có người lại dùng từ « Quán Thầy Hiển » hay « Quán Thầy Đạt »…!! Mặc dù là hậu bối « sinh sau đẻ muộn » so với thời gian cực thịnh trong sinh hoạt của quán, tác giả Quang Nguyên đã vui vẻ chấp thuận đề nghị của mình qua một loạt bài viết về sự thành hình và phát triễn của quán nhà Ti La, dù cho vào thời điểm nầy Quang Nguyên vốn còn là một cậu bé hay tò mò và nhất là cũng hay hỏi nầy hỏi nọ lung tung với mọi người chung quanh, nhưng có lẽ nhờ có tính chất hiếu kỳ đó mà ngày nay chúng ta có được loạt bài kể lại về quá khứ mà theo thiển ý mình là các bài viết nầy sẽ gây thích thú và lợi ích cho giới trẻ Hà Tiên hôm nay, để các em sẽ thấy và hiểu được thêm về quá khứ của quán cà phê Ti La với một thời đã từng đạt đến mức vàng son của nghệ thuật quán nhạc và cũng là một thời của những tình yêu đã được nung đúc qua những buổi tối ăn kem, uống cà phê, trò chuyện của những người trẻ thời 60-70 đang yêu nhau và đang ngồi bên một chiếc bàn nhỏ cạnh một góc nào đó trong khu vườn của quán Ti La…(riêng mình thì không nhớ rỏ là mình cũng đã có từng ngồi bên cạnh ai đó không vì thời gian đã lâu quá rồi….., nhưng có lẽ là thường ngồi một mình bên tách cà phê nóng thưởng thức nhạc tiền chiến….!!!). Sau khi phát hành được hai bài với tiểu đề « Quán Ti La -A- Hơn năm mươi năm trước » phần đầu và phần tiếp theo được đăng vào ngày 04/06/2021 và 22/06/2021, thì loạt bài bị ngưng lại một thời gian vì tình hình không được tốt đẹp lắm, mọi người đều lo chống dịch bệnh nên khó có đầu óc thưởng thức văn chương…Nay thấy cũng tạm ổn nên tác giả sẽ tiếp tục cho chúng ta tìm hiểu thêm về sự phát triển, sự ngưng trệ và sự hồi sinh của quán Ti La sau một thời gian có tầm cở vài chục năm qua…Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » xin cám ơn tác giả Quang Nguyên đã cho chúng ta có dịp tìm hiểu nhiều thêm về quán Ti La, nhất là được một vài giây phút xem như ngồi học lại văn thơ của tập thơ cổ điển « Bích Câu Kỳ Ngộ », tập thơ mà ngày xưa mình còn nhớ là đã học với cô Hà Thị Hồng Loan, lớp Đệ Lục (niên khóa 1965-1966) trên ghế nhà trường Trung Học Hà Tiên..(Paris, ngày 13/01/2022, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

QUÁN TI LA (Quang Nguyên)

A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC.
A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC (tiếp theo).
B- DÂY TƠ HỒNG.

Người xưa sẽ rất nhớ con đường Tham Tướng Sanh bởi nó đi thẳng tới bệnh viện, mà ai dám bảo rằng cả đời mình chưa từng đến bệnh viện? Chí ít lần mở mắt chào cuộc đời ô trọc này mình cũng từ đó được thân nhân nâng niu bồng ẳm mà mang ra… Hà Tiên thì nhỏ và có ít bệnh viện, cái bệnh viện cũng nhỏ và ít giường, nhưng nó lại nhiều tên nhất! Xưa nó mang tên gì thì tôi không biết nhưng từ trước khi tôi ra đời nó đã mang tên nhà chí sĩ Nguyễn Thần Hiến. Sau đó khi tôi biết thì nó đã có tên “Bênh Viện Dân Quân Y Phối Hợp Quận Hà Tiên” cho đến 1975. Sau này nó thêm một lần đổi tên nữa thành “Bệnh Viện Đa Khoa Hà Tiên”. Nay thì tất cả đều biến mất mà thay vào đó là cái quảng trường khá khang trang mà ta không biết nó sẽ sống được bao lâu trong tình hình “một phân đất, một tấc vàng” hiện nay.

… Xưa đoạn đường đó là đường “cấp phối” đất với đá piston cở 7 cm x 10 cm, có hai bờ giồng cao hai bên được trồng đầy cỏ lá tre mà hàng tháng có mấy bác “lục lộ” da đen bóng điều khiển chiếc xe bò với hai con một đen một vàng nâu. Con bò đen thì trông mạnh khỏe với cặp sừng to cong đều trông rất đẹp, còn con bò vàng nâu thì nhỏ hơn trông ốm yếu với cặp sừng xấu ma chê quỷ hờn, giống như hai quả chuối khô nhỏ xíu bị ai cắm lên đầu nó vậy! Ấy vậy mà cặp bò hoài niệm đó đã sống rất lâu và hàng ngày nó cứ đi khắp Hà Tiên kéo đằng sau là chiếc thùng xe to bằng gỗ mà gắn cặp bánh xe Jeep! Nó cứ ung dung từ tốn mà đi trong tiếng nhạc lục lạc leng keng thỉnh thoảng hợp âm với ba tiếng kẻng của bác lục lộ báo hiệu đổ rác và dọn cỏ lề đường… Các con đường đất ở Hà Tiên nhờ các bác lục lộ và cặp bò phối màu thời đại đen vàng đó, mà đã trở nên thẳng tắp khang trang và nên thơ một cách tự nhiên không cần văn hoa câu chữ…

Ấy vậy mà con đường Tham Tướng Sanh đoạn từ Chi Lăng đến bệnh viện nói trên lại được tô vẽ thêm “văn hoa câu chữ” bằng thơ theo đúng nghĩa đen! Nó đã tồn tại rất lâu, rất thật chứ tôi không hề ẩn dụ gì nơi đây.

“Nhà lan sum họp bạn mai
Đã trong tần tảo lại ngoài Ti La.”

Nó đã nằm trên một mãng tường ngoài mặt tiền đường Tham Tướng Sanh tại quán Ti La mà ba tôi đã vẽ nên, ông dùng sơn xịt để bay lượn cùng vài bông hoa cách điệu làm nền để nét chữ fantasy kiểu cách của hai câu thơ trong cổ thư Bích Câu Kỳ Ngộ được nổi bật mà thu hút người đi ngang phải nhìn… Cũng may, con đường Tham Tướng Sanh là một “lối xưa thu thảo” đầy “thạch thảo” (không phải hoa Thạch Thảo mà ý muốn nói đùa: đá và cỏ!) đã không làm cho người ta có thể đi nhanh được nên hầu như ai đi ngang cũng đọc được hai câu thơ này.

Kinh tế thị trường hậu “bao cấp” thời hiện đại đã bùng nổ về quảng cáo tiếp thị giờ chúng ta đã không còn lạ nữa. Còn nhớ thời gian đầu sau chế độ bao cấp, nhiều người đã từng lạ lẫm với những “chiêu thức quảng cáo”, nhưng với những người đã sống ở hai chế độ thì biết rằng hơn năm mươi năm trước nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và đúng chất hơn đã có ở miền Nam Việt Nam, nó đã mạnh mẽ đến độ các nước chung quanh Đông Nam Á đã phải thèm thuồng.

Muốn kinh doanh tốt bạn phải ý thức rất rõ ràng rằng: khách hàng là thượng đế và phải đem đến cho thượng đế mọi sự hài lòng nhất, và ba tôi đã vận dụng tối đa sự hiểu biết của mình với một phần của một khái niệm rất rộng mà sau này người nay thường sử dụng là “marketing”. Ông đã xây dựng một bản sắc rất riêng cho Ti La của ngày xưa ấy từ bên trong quán như trang trí, bàn ghế, thức uống, cách phục vụ, nhạc chọn lọc… cho đến bên ngoài là các tấm bảng hiệu quảng cáo, in danh thiếp cho Ti La…

Nếu người xưa còn nhớ thì ngay trên vách tường của tiệm Đồi Mồi Lê Minh góc Trần Hầu – Bạch Đằng là tấm bảng hiệu quảng cáo cao một mét dài năm mét là các thông tin về Ti La do chính tay ba tôi vẽ, mà kế đó là ca-bin bán vé của “Bốn hãng xe đò liên hiệp Sài Gòn – Hà Tiên: Thuận Thành, Tân Tiến Thành, Liên Trung, Vĩnh Phát” (mà xe của họ cũng rất là « marketing(!)” để khách hàng phân biệt nét riêng rồi chọn cho mình nhà xe ưng ý: Thuận Thành, Tân Tiến Thành thì màu đỏ mặc dù là hai hãng xe riêng biệt, còn xe Liên Trung thì màu xanh lá cây đậm và xe Vĩnh Phát thì màu trắng sọc đỏ, tất cả các xe đều có hai chữ “Chạy Suốt”). Vị trí đó hẵn là một vị trí đặc biệt vì khi du khách vừa qua chiếc cầu nổi trứ danh đã thấy ngay tấm bảng hiệu quảng cáo có chữ Ti La to và có hai câu thơ viết nhỏ, rồi sau khi dạo thăm Hà Tiên khách sẽ đến mua vé xe đò để về thì một lần nữa tên Ti La lại được nhắc đến ngay trước mắt họ.

Ngoài ra ngay tại góc Tham tướng Sanh – Chi Lăng còn có một tấm bảng hiệu vuông mà ba tôi đã vẽ chữ rất to “Ti La 30 mét!” được đặt xeo xéo mà du khách tản bộ từ xa có thể thấy được.

Ba mươi mét ước chừng kế đó là quán Ti La về đêm đầy màu sắc, được chủ quán khéo léo bố trí ánh sáng khuếch tán vừa đủ, từ những bóng đèn điện trở của “ánh sáng trắng” thành những màu riêng biệt đỏ cam vàng xanh tím, bởi từng bóng đèn được gói trong những tờ giấy bóng kiếng có màu khác nhau rồi đặt nó vào những cái vỏ đạn, là loại “đạn không giật” to, đường kính cỡ 100 mm và cao cỡ 600 mm có rất nhiều lỗ nhỏ  cỡ 5 mm trên vỏ đạn. Ánh sáng từ đó thoát ra không sáng lắm mà cũng không tối mù, đủ che nét ngương ngập e thẹn mà tăng thêm vẽ quyến rũ của cô gái lần đầu được chàng trai mời đến với Ti La, rồi không biết làm gì chẳng lẽ nàng cứ cúi gầm bẻn lẽn, còn chàng cứ lúng ta lúng túng bứt rứt vặn vẹo rồi phát ra những câu nói ngập ngừng lấp lửng không đầu không đuôi, hay còn tệ hơn là đầu Ngô mình Sở? Thôi thì cả hai đành im lặng bên nhau trong ánh sáng mờ ảo, tiếng nhạc dập dìu, lời ca trữ tình… mà phóng tầm mắt nhìn quanh quán, dứt khoát chàng và nàng sẽ thấy hai câu thơ mang đầy ý nghĩa mời gọi bằng những hình tượng ẩn dụ đang đính trên một mãng tường:

“Nhà lan sum họp bạn mai
Đã trong tần tảo lại ngoài Ti La.”

Hai câu thơ trên cứ lập đi lập lại từ ngoài đường đến trong quán, trên bảng hiệu quảng cáo và trong danh thiếp trao tay… Và như vậy nó đã trở thành một “slogan” (câu chứa đựng thông tin riêng để nhận diện thương hiệu) – chốt danh Ti La từ đó… Quả thật ba tôi đã làm marketing cho “thương hiệu riêng Ti La” từ rất sớm và rất “có nghề”.

Nhưng tại sao là Ti La? Ti La là gì?

Từ xưa lắm tôi đã hỏi ba tôi. Ông trả lời: “ là dây tơ hồng!”

Chỉ cách đây mấy hôm trước thôi ông nói thêm:

          – Cái ý tưởng mở quán là của bác Năm Hiển của con, và tên Ti La do hai anh em cùng chọn. Ba có khả năng hội họa và má có khả năng hiểu biết và yêu thích âm nhạc nên cùng nhau mở quán…

          – Ti La được mở ra từ năm nào?

          – Khoảng từ 1969-1970 chi đó…

Về hai chữ Ti La, thoạt nghe nó có vẻ rất “Tây”, nhưng kỳ thật hai chữ đó là từ Hán – Nôm, được trích ra từ hai câu 427 và 428 của tác phẩm Bích Câu Kỳ Ngộ do La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn hiệu đính:

“Nhà lan sum họp bạn mai
Đã trong tần tảo lại ngoài Ti La.”

Bích Câu Kỳ ngộ là một câu chuyện hoang đường truyền kỳ (được nghe kể và ghi lại) bằng chữ Hán mà tác giả của nó là ai thì còn đang trong vòng tranh cãi… Có người cho rằng của bà Đoàn Thị Điểm hay ông Vũ Quốc Trân  (là một nhà thơ nổi tiếng vào giữa đầu thế kỷ XIX). Nhưng theo cố Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, ông cho rằng tác phẩm ấy của Đặng Trần Côn với những chứng cứ khảo cứu thuyết phục, và hơn nữa lời thơ dung dị và phóng khoán phù hợp với phong cách văn chương của Đặng Trần Côn hơn.

Nội dung câu chuyện là cuộc gặp gỡ lạ kỳ giữa chàng thư sinh Tú Uyên và nàng tiên Giáng Kiều tại làng Bích Câu ngoài cổng thành Thăng Long xưa, chuyện được cho là xảy ra từ thời Hồng Đức nhà Lê thế kỷ thứ XV. Theo Wikipedia thì: Vị trí phường Bích Câu theo phỏng đoán là cả một khu vực ôm lấy nội thành phía nam, tây nam và tây bắc vòng Hoàng thành Thăng Long. Nếu nhìn trên bản đồ hiện nay thì Bích Câu gồm các phố Quán Thánh, sang Hùng Vương, sang Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, xuôi nửa đường Tôn Đức Thắng, xuống các làng Hào Nam, Giảng Võ rồi ngang về phía cuối các trục đường Cát Linh, Kim Mã – cả Thủ Lệ, Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám và một phần thuộc đất làng Thụy Khuê –  (hết trích).

Văn học cổ Việt Nam thường được phóng tác hay Nôm hóa từ những tác phẩm của Trung Quốc, nhưng với Bích Câu Kỳ Ngộ thì câu chuyện này thuần của người Việt. Các bạn có thể tìm đọc lại tại các thư viện, trong e-book, hoặc các link tải trên mạng… Tất cả tên người, địa lý cổ xưa hiện vẫn còn vương vất trong một Hà Nội lộn xộn thú vị với cổ tích xen lẫn hiện đại, một kiểu “tân cổ giao duyên” và trộn cả trong không gian mờ ảo từ sớm đến khuya có hương khói cổ kính hòa tan vào mờ sương bụi mịn của giao thông dày đặc…

Cái tên “Ti La” dễ đọc và dễ nhớ, Tây đọc cũng được và Ta nói cũng suông. Nhưng chỉ thế thôi thì vẫn chưa khiến tôi phải ấn tượng hay khâm phục những người đã chọn cái tên rất hay đó từ trong hai câu thơ đã nói trên, hẵn cả hai anh em song sinh Hiển – Đạt đã phải nghiên cứu kỹ lắm mới “chốt” được cái tên này. Bởi tất cả các thư mục lưu trữ đều truyền nhau một bản Hán – Nôm khuyết danh và nhiều diễn giả đã diễn nghĩa câu 428 là : ”đã trong tần tảo lại ngoài ty ca”. (Ty: chỉ cọng dây đàn. Ca: hát hò), chỉ độc nhất của Hoàng Xuân Hãn ông chú giải: phải là “Ti La” thì các câu này mới diễn nghĩa đầy đủ và đối nghĩa với nhau, bởi “ty ca” thì không phù hợp cả văn chương lẫn ý nghĩa.

          – Nhà Lan sum họp bạn Mai: chúng ta đều biết Mai, Lan, Cúc, Trúc là bộ “tứ bình” chỉ một năm bốn mùa, và câu này được khái quát với nghĩa “gọn” hơn, đại loại – đây là một gia đình quanh năm mời bạn bè đến tụ họp. “Nhà” để sum họp “bạn” và “Lan” đối chữ nghĩa với “Mai”.

         – Đã trong Tần Tảo lại ngoài Ti La: Tần là một loại rau. Tảo là loại rong làm thực phẩm. Đối chữ với “Tần Tảo” phải là chữ của một loại thực vật như “Ti La” (ti là sợi tơ, la là lưới. Trong thực vật có “Thố Ti” là dây tơ hồng, quả thật là nó đan nhau như lưới). Về ý nghĩa được diễn giải là: Trong nhà có người vợ hiền tần tảo chăm lo gia đình (lo về việc “ăn”), bên ngoài có người chồng quảng giao kết nối bè bạn (lo về việc “chơi”, xin hiểu theo nghĩa giao du)…

Quả thật ý nghĩa của cái tên Ti La không những đã nói lên đầy đủ cái chất văn nghệ, phong lưu của một gia đình mà còn nói lên tính “đồng thuận” của gia đình ấy. Đến Ti La không chỉ là bạn đến thưởng thức café và các món ăn khác mà bạn còn tìm thấy nơi đây một sự gần gũi với gia chủ, một không khí đầm ấm và tấm lòng rộng mở kết giao của gia chủ, rồi bạn sẽ dễ dàng gặp gỡ nơi đây các bạn bè khác hay nửa kia của mình.

Quả thật Ti La ngày ấy đã là một nơi hẹn hò của nam thanh nữ tú, của giai nhân tài tử, của tri kỷ tri âm, của gia đình hội tụ…

Thế nhưng mọi chuyện người tính không qua Trời tính. Vào tháng 1/1975 quán Ti La đóng cửa vì ba tôi bị thương trong một lần hành quân, má tôi phải đưa ông đi Cần Thơ điều trị… Rồi tiếp sau đó đến tháng 4/1975 ba tôi cũng như nhiều người khác phải “đi học” khi tuổi đà tứ tuần! Quán Ti La giờ không còn bán café nữa mà chuyển sang bán từng bộ bàn ghế, ly tách, máy móc… để chim mẹ nuôi 9 con chim non suốt ngày há mỏ trong khi chim cha miệt mài học tập mà chưa biết ngày nào tốt nghiệp!

Nhưng Dây Tơ Hồng không chết, nó chỉ ngủ đông, một giấc ngủ dài đúng mười bốn năm. Nó dè dặt sống lại ở chính Hà Tiên này, từng chút một, chồi nào chắc chồi đó… Nó vươn ra khe khẻ dò dẫm, thận trọng và nghe ngóng… Nó từ từ mang hạt mầm của mình đi các nơi, và ở các nơi xa ấy Dây Tơ Hồng mạnh dạn vươn mình ra đến rừng già đầy cổ thụ…

Tỉnh dậy sau giấc ngủ đúng mười bốn năm, Ti La đã như thế nào? Mời các bạn đón đọc phần tiếp C – “Ti La – mùa xuân 1989”.

Quang Nguyên (11/2021)

Tấm danh thiếp ghi tên và địa chỉ quán Ti La với hai câu thơ có chữ Ti La do thầy Trương Minh Hiển tặng mình (Trần Văn Mãnh) ngày xưa. Thầy có viết tay thêm địa chỉ nhà thầy ở Mỹ Tho.

Sơ đồ vị trí quán Ti La trên con đường Tham Tướng Sanh, Hà Tiên. Số 1: Nhà Bảo Sanh. Số 2: Chi Thú Y. Số 3: Quán Ti La (cửa chánh nhìn ra đường Tham Tướng Sanh, cửa sau nhìn ra đường Bạch Đằng). Số 4: Nhà Ông Ba Lón, nhà bạn Tăng Kim Sơn ngày xưa. Ba tấm hình chụp trắng đen phía trên theo thứ tự trái qua phải: Cổng chánh bệnh viện Nguyễn Thần Hiến, nhìn ra đường Mạc Cửu, cổng phụ bệnh viện nhìn ra đường Bạch Đằng và cây dừa ba ngọn. (nguồn hình: Nguyễn Như Sơn, Manhhai và Quách Ngọc Bá)

 

 

Laisser un commentaire