Tô Châu (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, khi thầy cô và các bạn nhìn thấy cái tựa bài với hai chữ tuy ngắn ngủi nhưng lại gợi cho chúng ta một ký ức rất quen thuộc … »Tô Châu »…..A nếu trong bối cảnh là Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » thì Tô Châu đây chính là bài viết về núi Tô Châu của Hà Tiên yêu dấu của chúng ta…Không thể nào khác đi được, Tô Châu chính là tên hai ngọn núi giữ vai trò cửa ngõ bước vào Hà Tiên đây…Tuy nhiên nếu ta chỉ viết đơn thuần hai chữ « Tô Châu » và không ở trong bối cảnh « Hà Tiên » thì từ ngữ nầy chắc chắn sẽ nhắc đến một thành phố xa xưa trong lịch sữ, đó là phố thị Tô Châu nằm ở hạ lưu sông Dương Tử, thuộc tỉnh Giang Tô bên Trung Quốc…!! Chẳng những đó là tên của một phố thị xưa bên Trung Quốc mà có thời Tô Châu lại là kinh đô của nước « Việt » trong khoảng năm 473 trước Công Nguyên…Thời đó Tô Châu cũng được gọi là Cô Tô, Câu Ngô…với sản phẩm tơ lụa nỗi tiếng…Tác giả bài viết dưới đây, bạn Quang Nguyên đã nhắc lại ở phần nhập đề bài viết « Tô Châu » về thành phố nầy, với bốn câu thơ chữ Hán miêu tả quang cảnh thơ mộng của Tô Châu đó….Tuy nhiên là người con muôn đời của Hà Tiên và cũng không muốn trở thành « chủ nghĩa dân tộc quá khích », chúng ta chỉ biết, nói và viết mãi về cái từ Tô Châu để chỉ núi Tô Châu của Hà Tiên của chúng ta, và cũng không phải chỉ có nhà thơ Trương Kế làm thơ ca ngợi cảnh phố Cô Tô của nước Trung Hoa mà may mắn thay, chúng ta cũng có nhiều bậc thi nhân xuất thân từ đất nhà Hà Tiên, làm thơ ca ngợi cảnh đẹp mây trời sắc nước của xóm núi Tô Châu, hãy đọc thơ của nhà thơ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội mà hiểu ngay ra là cảnh Tây Hồ với Hàng Châu cũng chừng thế thôi…đâu có hơn Tô Châu với bến đò qua sông Giang Thành viếng phố Hà Tiên của chúng ta…

« Cận quách kê sơn hoành cổ độ
Đã trang kiều mộc đái tân yên »

Đò ghé bến xưa vờn bóng núi
Khói tuôn xóm mới khuất ngàn cây…
(Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội)

Khách đến chơi phố Hà Tiên hãy thong thả, đừng nóng ruột chờ đò qua sông, hãy dành vài khoảnh khắc nhìn lên hai ngọn núi Tô Châu, ngắm cảnh thiên nhiên núi, hồ, rồi lại không ngăn được ý muốn leo lên ngọn núi Tô Châu nầy, ngay tại bến đò với xóm nhà thơ mộng dưới chân núi,…vì khách cũng còn muốn dừng chân đứng lại đây, ngắm nhìn bốn bên biển hồ sông núi, nhìn cho thỏa ý rồi chợt tai nghe văng vẳng tiếng máy đò cặp bến, thôi mời khách xuống đò sang thăm chợ Hà Tiên,…thăm lăng Mạc Cửu, ở đó khách sẽ lại có thêm dịp ngắm nhìn thưởng ngoạn cảnh núi Tô Châu, một lần được khẳng định là quả thật hai ngọn núi Tô Châu giống y như hai con voi nằm phủ phục trước ngưởng cữa vào đất Hà Tiên…Đến đây mình viết hơi nhiều về đề tài núi Tô Châu nầy rồi, mời Thầy Cô và các bạn đi ngay vào bài của bạn Quang Nguyên, sẽ thấy rất thú vị với những kỷ niệm thời học trò mà bạn kể lại trong bài viết dưới đây…(TVM viết lời giới thiệu bài)

Tô Châu (Quang Nguyên)

Có một Tô Châu (còn gọi là Cô Tô) của Việt Vương Câu Tiễn với câu chuyện Tây Thi – Phạm Lãi mà ai cũng biết, và mọi người cũng biết Tô Châu ấy làm say ngất lòng người trong “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế – nhà thơ sống ở thế kỷ thứ tám:

Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bản dịch của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu như sau:

Thuyền đêm đỗ bến Phong Kiều

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Và có một bản dịch khác của một ông quan thời nhà Nguyễn cũng rất hay – ông Nguyễn Hàm Ninh dịch rằng:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(theo Wikipedia)

… Thời học trò luôn có những kỷ niệm trong sâu thẳm của từng người chúng ta, thỉnh thoảng một câu chuyện gì đó, hoặc gặp ai đó, hoặc không có lý do gì cụ thể – có thể chỉ là một giấc mộng đêm hè – với tiếng ve ra rả đánh thức những tiềm thức đã ngủ yên cả vài chục năm trước khi chúng ta còn ấu thơ… Mấy tháng trước tôi cũng đã có một đêm như vậy, không phải là tiếng ve gọi hè đánh thức đêm khuya mà chỉ đơn giản là thấy mình thời đi học, được đi chơi đến một nơi quen thuộc, lòng nhủ lòng sẽ viết về nó và gửi cho Mr. Mãnh để ông cất vào đâu đó trong những vùng đầy ắp những câu chuyện đẹp đẽ về thời học sinh của chúng ta.

Và không chỉ là một giấc mộng mị không đầu không đuôi của tôi, cũng khoảng thời gian ấy, có một hôm tôi nhận được một tin nhắn của bạn học cùng trường Trung Học Hà Tiên: “Sao bạn không viết về Tô Châu? Tôi thích Tô Châu vào hoàng hôn với hình ảnh “con voi phục” có những ánh đèn nhấp nháy của ngôi chùa trên đó như con mắt của chú voi…”. Ừ thì tôi sẽ viết và giờ tôi đang viết, chút nữa tôi sẽ nhắc lại vụ “mắt voi” này sau khi tôi viết một chút về tuổi học trò mà cái tên Tô Châu của chúng ta đã luôn “dính dáng”, một Tô Châu của người Hà Tiên cũng đặc biệt không kém Tô Châu xứ người…

….Ngày xưa chúng ta không có nhiều trò chơi để giải trí, nên « dã ngoại tự phát » cũng là cách mà học trò ngày ấy ưa thích, có những buổi nghỉ học bất ngờ vì giáo viên bệnh mà trường không sắp xếp thầy dạy thế được, ngay lập tức chúng tôi tổ chức đi chơi, nhưng đi đâu chỉ vài tiết học? Hà Tiên thì có nhiều chỗ cho học trò dã ngoại, nhưng do không có nhiều thời gian nên chúng tôi đã chọn núi Tô Châu. Quả thật, núi Tô Châu rất đẹp, nếu nó không đẹp sao người xưa có câu ca dao rằng:

“Hà Tiên có núi Tô Châu,
Có lăng Mạc Cửu, có chùa Phù Dung…”

Quang cảnh núi Tô Châu (Hà Tiên) nhìn từ thành phố Hà Tiên. Hình: TuanVo sưu tầm, 1956

Một trong những ảnh chụp núi Tô Châu (Hà Tiên) trong những thâp niên 60 -70, lúc chỉ có những tịnh xá đơn sơ của các vị tu sĩ theo phái Khất Sĩ củaTổ sư Minh Đăng Quang. Hình: TVM

Núi Tô Châu (Hà Tiên) trong thời gian còn nét thiên nhiên, chưa có công thự chùa chiền phát triển. Hình: nhà nhiếp ảnh Quách Ngọc Bá trong những năm 60.

Ngọn núi Đại Tô Châu (Hà Tiên) nhìn từ phía dưới quốc lộ 80, nơi gọi là cây số 2 trên con đường từ Hà Tiên xuống Kiên Lương. Ta còn thấy các ô ruộng lúa và một khoảng đất có các trang trại, đó là Trung Tâm Biệt Kích ngày xưa. Hình: Rich Krebs 1966-1970*

Nếu muốn biết Tô Châu đẹp thế nào, và nếu bạn có thời gian đi kèm với lòng can đảm, bạn phải lên Núi Lăng (Bình San), bạn phải đứng ngay trước sân quynh của lăng ông Mạc Cửu vào buổi chiều tà, nhìn qua bên kia sông của cửa biển Hà Tiên, chú tâm chỉ gói gọn trong khung ảnh cần khai thác (vì các cảnh vật khác ở lân cận, cảnh nào cũng đẹp khiến bạn phân tâm), bạn sẽ thấy núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu hiện ra rất đẹp trong khung cảnh hoàng hôn của một ngày nắng đẹp… Núi Đại là con voi mẹ đang nằm phủ phục đầu hướng ra biển và chúng ta thấy rõ cái gù trên đầu voi, khoảng lõm cổ voi, với chiếc vòi đang duỗi dài ra phía trước tựa hồ voi đang thư giãn ngắm hoàng hôn tuyệt vời trên biển Tây, nó thưởng ngoạn cái thời khắc đẹp đẽ mà gần như chỉ duy nhất Hà Tiên – Phú Quốc chúng ta mới có, bởi vị trí của xứ sở đặc biệt của chúng ta trên dãi đất hình chữ S này.

Nếu Núi Đại Tô Châu là con voi mẹ thì Núi Tiểu Tô Châu lại là con voi con với cái đầu nhỏ hơn và không có gù, nằm phủ phục như mẹ nhưng hình thể lại thấp hơn, nó rất biết vị thế để nằm lui về sau mẹ một chút, nó cũng “bắt chước” mẹ thưởng ngoạn hoàng hôn trên biển, nhưng chúng ta thừa biết rằng nó chỉ “làm bộ” vậy thôi chứ voi “trẻ trâu” làm sao có thể chiêm nghiệm được cái đẹp thâm trầm ý nhị của buổi chiều tà? Nó sẽ mãi mãi nằm đó, mãi mãi tuổi nhi đồng bên cạnh bà mẹ quý phái mãi mãi không thể già thêm được nữa…

Quang cảnh nhìn từ trên lăng Mạc Cửu về phía núi Tô Châu (Hà Tiên), phía đầu núi hướng ra biển. Hình: TVM 1994

Rồi bạn cứ đứng yên trước quynh lăng, chịu khó “ghìm” nỗi sợ mồ mả chung quanh trong buổi nhá nhem, cố đừng để ý đến ngoại cảnh sau lưng và hai bên tả hữu …, bạn sẽ nhìn thấy ánh vàng chiếu thẳng vào hai quả núi, khiến nền xanh lục của cây rừng như rõ hẳn lên, vàng và lục là hai màu kế nhau trong quang phổ ánh sáng trắng (đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím), thế nên nó hài hòa một cách lạ kỳ, những vùng mà ánh sáng không chiếu được vào trở nên xanh thẫm, càng nổi bật khung cảnh tuyệt vời của buổi chiều tà trên hai ngọn Tô Châu xinh xắn của chúng ta mà người Hà Tiên quen đơn giản như tính cách của họ, họ gọi là núi Tiểu và núi Đại.

Họ tuyệt đối không bao giờ bỏ chữ “núi” đến tối giản để gọi là: “tiểu đại”!
Thế nhưng không như trong ký ức của người bạn của tôi là có “con mắt voi nhấp nháy…”, chúng ta sẽ phải chờ mãi đến tối mịt, khi mà mặt trời đã xuống hẳn, khi màn đêm bắt đầu lan đến cái không gian âm u tĩnh mịch của nơi bạn đang đứng, nơi mà – phía sau bạn là mồ mả, bên trái cũng là mộ phần, còn đường xuống dưới chân núi là bao nhiêu “căn hộ” của người đã khuất mà ta phải đi qua, tất cả đều đang nằm trong rừng cây âm u với những hình thù tranh tối tranh sáng quái dị… Mà cái điều đã giữ chân chúng ta đứng đó là chờ đợi con mắt của mẹ con voi nhấp nháy vẫn chưa được thỏa lòng. Nếu may ra được một lần trông thấy bà mẹ voi hay chú voi con mở mắt thì cũng đáng để chúng ta chôn chân trên “vùng đất linh hồn” này… Nào có ngọn đèn nào của ngôi chùa hay ngôi nhà nào nơi vị trí của mắt voi ấy? Nhưng chúng ta hãy kiên nhẫn mà chờ chút… Ô kìa! Đã có những ánh sáng nhấp nháy, nhiều nữa là khác, mà ở đằng kia, nơi vị trí tương ứng của cái … mông voi con!

Đó là hàng loạt các ngọn đèn của cái tịnh xá đằng xa được sáng lên, cái tịnh xá ấy mấy mươi năm trước khi tôi còn học trung học nó vốn nhỏ nhắn xinh xắn khép nép lẩn khuất trong tán cây, ẩn dật như Thích Ca rũ bỏ hư danh vào rừng để chiêm nghiệm con đường cứu độ chúng sanh… Nay cũng là cái tịnh xá ẩn dật ấy đã biến hình phình to với kiểu kiến trúc tự phát, chấp vá mở rộng theo kiểu dầu loang với xi măng và bê-tông hóa, các mái tôn và mái ngói lộn xộn giật cấp xuống tới tận chân núi, màu đỏ màu vàng lòe loẹt phô trương đã phá hỏng ý nghĩa của hai từ “tịnh xá”, làm cho ta cảm nhận “có gì sai sai” trong cách hành Đạo tại đây và phá hỏng cả nét thơ mộng của Tiểu Tô Châu vốn đã choáng đầy trong ký ức về ngày xưa ấy của tôi.

… Đám học trò chúng tôi đi lên núi Tiểu (Tô Châu) bằng con đường có bậc tam cấp bằng đất và đá tảng xếp thành, từ quốc lộ 80 cách đầu cầu nổi trứ danh của chúng ta chừng 200-300 mét về hướng Rạch Giá, vừa qua một khúc quanh nhẹ chúng ta đã thấy đường lên núi Tiểu là lối tam cấp đó, trước khi bước vào tam cấp chúng ta phải thấy một cái giếng nước có xây bao quanh một vòng tròn lớn mà theo trí nhớ của tôi ước chừng đến 4-5 mét, đi độ một phần tư đường lên đỉnh núi sẽ có một lối bên phải, đó là lối vào nhà bác Hai Dãnh.

       Xin lạc đề chút để nhắc về bác Hai.

Bác Hai trông rất cao, cao đến độ cái yên chiếc xe đạp bác chẳng cần bước chân qua, bác đạp xe trên đường là từ xa tôi đã nhận ra cái dáng cao kều của bác. Tương phản, bác gái lại là người nhỏ nhắn, có giọng nói rất nhẹ nhàng, bác gái hay mặc áo nâu và cả hai ông bà đều tu hành tại gia, trông người đức độ… Ngày xưa cha tôi thường sai tôi đi “trao đổi kiến thức” bằng cách cầm qua cho bác ấy những quyển sách mà cha tôi có, hoặc cầm về những quyển sách của bác đang có cho cha tôi mượn… Đôi khi kèm về tôi phải vác theo người quả mít, gói tiêu hạt, hay vài loại trái cây trong vườn nhà bác mà bác đã ân cần giấm dúi bắt tôi phải mang về. Một chút tình cảm của ngày xưa ấy tuy không dành cho đứa con nít như tôi, nhưng luôn luôn ấn tượng trong tôi về tình nghĩa của người xưa, hẵn đã rất ấm lòng cha tôi khi thời cuộc xoay vần khiến ông chỉ còn biết tìm vui trong sách vở với người tri kỷ…

« Bác Hai Dãnh » trong bài viết của Quang Nguyên. Đối với mình, đây là Hia Tư vì hia là chồng của chế Thìn chị bạn dì với mình. Tên của Hia Tư là Lý Văn Nhiên, tên của chế Thìn là Lê Thị Phượng. Đây là hình Hia Tư chụp trên núi Tiểu Tô Châu, ngay phía trước nhà của hia và chế, bên phải con đường đi lên tịnh xá Ngọc Đăng

Mời xem một đoạn video về Hia Tư Lý Văn Nhiên và chế Thìn Lê Thị Phượng:

Trên lối mòn đường núi trước nhà bác Hai, đám học trò chúng tôi đi theo hướng Thuận Yên, được một đoạn trống, nhìn xuống dưới Hà Tiên ẩn hiện nho nhỏ phố xá bên kia sông, cửa biển Hà Tiên xanh biếc mùa gió bấc, phố chợ nối với bờ bên Tô Châu là cây cầu nổi gió nước dập dềnh, đương nhiên trên núi Tiểu ta không thể thấy nó dập dềnh, nhưng thật sự nó vẫn dập dềnh như khẳng định của Galileo “dù sao thì trái đất vẫn quay!”. Bên kia con lộ 80 ngày ấy vốn còn là lộ đất đỏ, là khu rừng sác đầy dừa nước được đẩy ra tới ngang núi Pháo Đài bên kia sông, và mở rộng đầm lầy đó đến qua khỏi Eo Bà Má đến trước Trung Tâm. Chúng tôi còn nhìn thấy rõ một đoạn con lộ đỏ vượt đầm lầy, bắt đầu từ bên trái đầu cầu nổi chạy thẳng ra biển đến cái mái tôn trắng của nhà máy xay bột cá làm thức ăn gia súc, và đương nhiên phía bên phải đầu cầu nổi nhìn về Hà Tiên phải là phần còn lại của hãng nước mắm danh tiếng Bỉnh Ky đã “quốc hữu hóa », với hàng đống các tĩn mắm loại 5 lít bằng sành sơn vôi trắng chất hàng hàng lớp lớp cao ngất mà không có thứ cần chứa bên trong – cái chất nước làm nên quốc hồn quốc túy, được gìn giữ, được nghiên cứu, được mày mò bao thế hệ để ẩm thực Việt Nam không thể lạc điệu, hay lơ lớ lai căng với phần còn lại của thế giới.

Trên núi Tiểu nhìn về Hà tiên thì bến Tô Châu thương thuyền cũng tấp nập, và có lẽ trước năm 1975 có thể tấp nập hơn chăng? Hà Tiên dạo ấy còn quạ, (những chú quạ đen gớm ghiếc với cái mỏ to đùng và tiếng kêu đầy đe dọa, chúng đậu trên những cây dừa trong vườn nhà ông Ba Lón trước nhà chúng tôi), cũng có thể có khách thương hồ đậu bến Tô Châu nửa đêm nghe tiếng quạ kêu sương mà tỉnh giấc, ngắm trăng in Đông Hồ, nghe tiếng chuông công phu phát xuất từ tịnh xá mà hứng khởi làm thơ chăng? Thế thì Tô Châu của chúng ta khác nào Cô Tô của Tây Thi và Ngô Phù Sai?

Một trong những cảnh đẹp của núi Tô Châu (Hà Tiên), góc nhìn của hình cho ta thấy cả hai ngọc núi Đại Tô Châu (phía bên trái) và Tiểu Tô Châu (ở giữa và bên phải). Trên sườn núi Tiểu Tô Châu ta thấy có « Tịnh Xá » Ngọc Tiên chiếm một khoảng rất lớn của sườn núi, điều nầy có làm giảm vẻ đẹp thiên nhiên của ngọn núi hay không ? Hình: Nguyễn Lệ Thủy, 2016

… Cũng trên đường mòn trên núi Tiểu về hướng Thuận Yên như đã nói, đi thêm đoạn nữa sau khi vẹt bao bụi gai hay dây rừng, chúng tôi chợt thấy hiện ra trước mặt có nhiều cây lạ, rất to, suông thẳng và có gân lớn, vỏ cây láng trắng xám, tuy lớn nhỏ không đều nhưng chúng giống nhau một cách lạ kỳ. Thoạt đầu chúng ta nghĩ chúng là một quần thể hội tụ nơi đây của cùng một giống, nhưng không phải, mà Trời ạ! Tất cả các gốc cây này chỉ xuất phát từ… một cây.

Đúng vậy! Đó là “Cây Da Bảy Gốc”.

Thật khó để mô tả nó một cách rõ ràng như thế nào, nhưng cái cách mà nó sinh tồn thật mãnh liệt, từ một cái gốc chính nó đã vươn cành nhánh ra chung quanh, rồi từ cành nhánh đó nó phát xuất thêm những gốc khác bằng cách “đâm” xuống đất, gốc to lên và vươn xa hơn… cái cách nó vươn ra ấn tượng làm sao, cứ như là nó biết “bò” vậy…

Cây Da Bảy Gốc là một điểm đến của học trò ngày ấy, không biết bây giờ nó còn tồn tại không hay “lâm tặc” đã “xử” nó rồi? Hơn bốn mươi năm trước trong trí nhớ của tôi nó đã to lắm, có những gốc đến mấy ôm, cũng đã ngần ấy thời gian rồi tôi đã không đến đó, giờ nếu nó còn chắc đã to hơn?

Đã có một cây da có đến mười ba gốc ở Hải Phòng, nó được định tuổi là 300 năm và được công nhận là “cây di sản” và được nhà nước bảo tồn và cho khách tham quan thưởng ngoạn, nhưng công tâm mà nói cây đó nhỏ hơn nhiều và có thể nó ít tuổi hơn Cây Da Bảy Gốc mà tôi biết từ năm xưa…

Trong ký ức của học trò Hà Tiên xa quê, Hà Tiên không chỉ có thập cảnh quá danh tiếng tặng kèm mười bài thơ “xướng” và hàng chục bài thơ “họa”, mà Hà Tiên còn bao cái lạ hơn xứ người: dừa ba ngọn, dừa bốn ngọn, dừa bảy ngọn, da bảy gốc… Biết đâu được năm xưa Sơn Tinh đi bắt voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao từ vùng đất này của chúng ta?

Và “ hai con voi phục” của bạn tôi thì vẫn nằm đó, vẫn ngắm hoàng hôn từ biển Tây, hàng đêm vẫn chớp mắt từ … mông, Tô Châu vẫn thơ mộng dù giờ có những bến phà Phú Quốc và du thuyền sang trọng, Hà Tiên qua bao năm tháng đã thay đổi nhiều, nhưng trong ký ức của người xa quê thì hình ảnh xưa vẫn chiếm ngự…

Tôi không dám đòi hỏi, nhưng tôi sẽ rất vui nếu bạn nào lứa chúng tôi mà “trẻ lại”, thử leo ngọn Tiểu Tô Châu, thăm cụ Bảy Gốc có còn khỏe chăng?
                                                                  Quang Nguyên (07/2018)

                                    Tác giả bài viết: Quang Nguyên                                       

Hình ảnh: Trần Văn Mãnh, Nguyễn Lệ Thủy, Rich Krebs , Quách Ngọc Bá, TuanVo

 Chú thích:

* http://www.tf116.org/vgallery7.html#Krebs

* https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/page8

 

Laisser un commentaire