Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 2 (ANH HOA)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong bài trước: « Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (1966 – 1967) », tác giả có nói qua về một người khách không quen không lạ đến chùa vào một thời điểm nào đó…Hôm nay qua bài ký ức phần 2 tiếp theo nầy, chúng ta sẽ có dịp biết qua hoàn cảnh xuất hiện của người khách không quen không lạ đó và một quan hệ tình bạn nảy ra như thế nào, thật ra khi đọc bài chúng ta cũng không thể xác định được mối quan hệ đó là tình bạn hay một thứ tình cảm nào đó…Hãy để tâm hồn được tác giả dìu dắt đi theo cuộc du ngoạn viếng thăm Thạch Động, Mũi Nai, Bãi Nò và cứ đóng vai như là tác giả, các bạn sẽ tự cảm nhận lấy…Chả trách gì thi sĩ Đinh Hùng đã viết vài câu thơ để cố giải thích tâm trạng ấy…

… »Ta run sợ, cho yêu là mệnh số
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau
Vì người em có bao phép nhiệm mầu
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc »…

Không thể chờ được nữa, ta hãy bước ngay vào bài đọc để cùng hòa nhập với tác giả…(Paris, thứ ba 09/11/2021, TVM viết lời giới thiệu!)

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 1 (ANH HOA)

A/ Chùa Quảng Tế Phật Đường:

B/ Nhân duyên hội ngộ:

C/ Nói về cô Năm và cô Tư Thọ:

D/ Hậu liêu chùa Phật Đường:

E/ Lý Mạnh Thường và người khách không quen, không lạ:

F/ Nói về Mạnh Thường:

G/ Quảng Tế Phật Đường và nén tâm hương:

Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 2 (ANH HOA)

(Lời kể về một kỷ niệm xa xưa trong những năm tháng tá túc tại chùa Phật Đường Hà Tiên, 1966 – 1967)

A/ Bữa cơm chiều:

Sau giờ tan học chiều, tôi tạt ra chợ mua tờ báo (sạp báo của anh Minh Xuân). Khi về tới chùa, theo lối cổng sau, là Tri chạy ra mừng rỡ báo tin :

  • Thầy ơi có cô Hai từ Rạch Giá mới qua.

Nói rồi Tri lẹ chân trở vào chùa, tôi bước theo Tri, nhìn quanh mà không thấy có người khách nào ngoài cô Năm đang ngồi ăn trầu trên chõng như mọi khi. Tôi chào cô Năm rồi vào phòng cất tập sách, tờ báo và làm những việc cần thiết trước khi dùng cơm chiều với cô Tư. Cũng không lâu sau đó, Tri đến gõ cửa :

  • Thưa thầy, bà Cô mời thầy ăn cơm.

Tôi bước ra khỏi phòng là thấy một thiếu nữ đang chuyện trò với cô Tư bên bàn ăn. Tôi nghĩ thầm :

  • Bữa cơm chiều nay có người khách lạ, như Tri vừa báo, là đây rồi !

Tôi vừa mới đến bên bàn là cô Tư giới thiệu :

  • Đây là Hà cháu của cô, từ bên Rạch Giá mới qua thăm cô. Đây là Thái, thầy của Tri, thầy Thái ở đây để tiếp cô dạy dỗ Tri. Thôi cô mời hai đứa ngồi vào bàn đi.

Tôi chỉ cho Tri ngồi bên cạnh giữa tôi và Hà, thế là chúng tôi mời cô Tư và mời nhau. Trong bữa cơm, nhờ chuyện kể của cô Tư nên bữa ăn rất thân thiện. Cô cũng nói thời còn trẻ, cô cũng ham vui, ham đi đó đây như mấy đứa con bây giờ. Tính lại thì cũng hơn 50 năm rồi đó; cô cũng nói là thời gian qua mau và cuộc sống của con người thì ngắn ngủi. Tôi thấy Hà chăm chú nghe chuyện kể của cô Tư, còn tôi thì có lúc nhìn trộm Hà: Nhìn khuôn mặt, rồi nhìn mái tóc đen dài óng ả buông xuống hai bờ vai, đôi mắt, đôi môi và để ý đến nụ cười.

Rồi cô Tư chợt nói :

  • Sao hai đứa không nói gì hết vậy ! để cô nói một mình sao ?

Chúng tôi bật cười, nhưng rồi tôi liền nói :

  • Mấy khi được nghe cô Tư kể chuyện, tâm sự vừa hay vừa để học hỏi kinh nghiệm.

Tôi chờ Hà góp ý và bắt gặp cái nhìn mỉm cười của Hà. Để góp chuyện với cô Tư cũng như thay lời Hà, tôi có câu hỏi :

  • Trải qua thời gian của tuổi thanh xuân, như lời kể của cô, cô có cho tụi con lời khuyên nào không ?
  • Câu hỏi nầy cô chưa biết trả lời sao, mà cô nghĩ, trong tình cảm không có gì tốt hơn là sự chân thật, chân thật trong cách đối xử, chân thật trong lời nói. Quý trọng nhau là ở chỗ đó.

Quả thật, lời dạy của cô Tư thật là ý nghĩa.

Bàn vừa được dọn và lau sạch thì Tri mang ra bình nước trà vừa mới châm. Hà rót ra ly và mời cô Tư trước. Tôi nhìn Hà với dáng đứng và bình trà nơi tay. Em nhận ra cái nhìn của tôi và mỉm cười. Tôi còn nhớ lúc đó, trông cô Tư vui hơn mọi khi, có lẽ là nhờ có Hà.

Trước khi rời bàn ăn, cô Tư dặn :

  • Mai là chúa nhựt, con chở Hà đi chơi cho biết cảnh đẹp Hà Tiên. Đi Thạch Động, biên giới, Mũi Nai hay nơi nào con biết. Hà nó ở lại đây chơi với cô 3 ngày rồi về lại Rạch Giá.

Nói xong cô Tư đứng dậy, rồi Hà cũng theo cô Tư về phòng riêng ở chùa trên. Tôi cũng rời bàn ăn và dõi mắt tìm Tri, bởi nếu không khéo … thì hai thầy trò cũng bị quở trách.

Trở về phòng, tôi lấy tờ báo đọc lướt qua mấy dòng tin tức, nhưng cứ lại nhớ đến bữa cơm chiều. Ngẫm nghĩ lại, giờ nầy tôi mới hiểu câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng « Một sợi tóc cũng làm nên mê hoặc» !

B/ Ngày chúa nhựt – Đường lên Thạch Động :

Thế là sáng hôm sau tôi và Hà lên đường trên chiếc Mini-Lambretta, trực chỉ Thạch Động. Hà ngồi để chân một bên và vòng tay qua tôi.

Ra khỏi những con đường trong thị trấn là lúc nắng sớm đã lên và nhiều gió lạnh. Chiếc xe lướt êm trên con đường vắng. Hà có lúc tựa người vào tôi và tôi cảm nhận ra một sự gần gũi rất dễ nhớ đời. Thỉnh thoảng có chiếc xe Lam chở đầy ấp hàng và vài chiếc xe thồ từ biên giới đổ về. Hai bên đường, theo ký ức của tôi, là rừng lá lẫn cây mắm ở phía đông và cây cỏ hoang dại phủ đầy cánh đồng phía tây. Thỉnh thoảng chỉ thấy vài căn chòi lá bên đường. Lòng phơi phới trước làn gió sớm, tôi lái chiếc xe có Hà ngồi phía sau và hoàn cảnh nầy làm nảy sinh câu chuyện bởi tôi với Hà mới biết nhau từ chiều hôm qua. Vậy mà ký ức tôi không ghi lại được điều gì về câu chuyện mở đầu của hai người mới quen biết nhau. Phía trước, Thạch Động càng gần hơn sừng sững trong một không gian mênh mông tràn ngập nắng mai và gió lộng. Lần nầy tôi thấy Thạch Động cùng với con đường đẹp hơn mọi khi.

Tới nơi tôi dừng xe bên đường để nghỉ chân, để cho Hà ngắm nhìn trước khi leo dốc lên động. Chỗ nầy thiếu vắng du khách, nên chòi lá cũng đơn sơ, chỉ là mái che bán trái cây, thức uống và cũng còn có đồ lưu niệm bày trên quầy kệ. Tôi nhìn Hà trong chiếc áo dài màu có điểm hoa. Tôi không nhìn trộm như buổi chiều hôm qua. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Hà mỉm cười và né tránh. Sau chừng 10 phút nghỉ chân, tôi ra hiệu cho Hà lên xe, Hà bảo tôi :

  • Để em đi bộ.

Có lẽ Hà sợ xe chạy lên dốc không nổi nên nói thế !

  • Không được, để anh chở Hà.

Và tôi « lệnh » cho Hà ngồi để chân hai bên cho vững. Thế rồi ngoan ngoãn theo lời, Hà vòng tay qua tôi, sẵn sàng lên dốc. Tôi nổ máy và chiếc xe dễ dàng leo dốc theo tay lái vững vàng của tôi. Đoạn dốc nầy không dài nhưng gồ ghề quá. Tôi không biết Hà có sợ không, bởi khi xe tắt máy hay ngả lật là cả một vấn đề. Khi xe dừng lại trên sân, Hà bước xuống và không quên tặng tôi nụ cười với cái nhìn rất dễ thương. Đáp lại, tôi cũng mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Hà như để cho em biết rằng tôi cũng đang chú ý nhiều đến em. Trong khi tôi đang tìm chỗ để xe, Hà vẫn đứng yên tại chỗ xuống xe và chờ tôi.

Tôi đã có lần viếng Thạch Động cùng với bạn bè đồng nghiệp, nên tôi biết hết lối đi và ngõ ngách trong hang. Tôi dẫn Hà vượt qua, vượt qua rồi dừng lại ở giữa động, chỉ cho Hà xem chuyện tranh cổ tích Thạch Sanh trên trần trong ánh sáng lờ mờ. Rồi hai đứa dắt nhau bước lên theo lối bậc cấp ra ngoài hang về phía tây. Từ đây hai đứa lần mò ra chỗ ngồi cheo leo trên vách đá. Quả thật, không phải là chuyện dễ ! Nhìn xuống bên dưới là vực sâu, hướng tầm mắt ra xa, là không gian bao la, vậy mà hai đứa cũng lần mò đến.

Giờ nầy là khoảng 8 giờ sáng, gió đã bớt lạnh. Trước tầm mắt về phía biên giới, tôi chỉ cho Hà nhìn cánh đồng lúa vàng tràn ngập ánh nắng, có con đường quanh co dẫn tới cửa khẩu, rồi tôi chỉ Hà nhìn xuống vực sâu bên dưới chân tôi rồi hỏi :

  • Em có sợ không ?

Hà mỉm cười lắc đầu :

  • Nếu Hà sợ thì đâu có theo anh đến đây !

Sự sâu sắc và mạnh mẽ ẩn chứa trong câu nói nầy thấm sâu trong tâm tôi mãi cho đến sau nầy. Nay hồi tưởng lại câu chuyện ban đầu đó, tôi nhớ là mình có kể cho Hà nghe một chuyện tình thật đẹp và lãng mạn trong một phim với Natalie Wood (1), nữ diễn viên xinh đẹp nổi tiếng của làng điện ảnh Mỹ thập niên 60. Sau chuyện kể, hai đứa vẫn yên lặng, rồi bất chợt tôi bạo dạn nắm lấy bàn tay Hà. Em rụt rè gở tay tôi ra, tôi mỉm cười nhìn Hà mà không biết nói được lời nào. Quả thật mình vụng về quá, nay nhớ lại thấy cũng thấy nực cười và tội nghiệp ! Phải chi lúc đó bàn tay Hà để lên tay tôi…Thế là sự yên lặng lại bao trùm, tôi nhìn lơ đãng khoảng không trước mặt như để qua đi điều gì đó trong tôi, trong khi đó Hà vẫn yên lặng, chỉ có tiếng gió rì rào qua tàng cây bên dưới chân và tiếng tim đập, rồi hai đứa lại nhìn nhau mỉm cười.

Qua giây phút bối rối, tôi tự hỏi Hà đã nghĩ gì ? Có thông cảm với tôi không ? Bất chợt tôi hít thật sâu để lấy lại tinh thần rồi bảo với Hà xuống núi đi tiếp. Hà có vẻ chần chờ một chút rồi đứng dậy theo tôi. Qua chỗ gập ghềnh, tôi đưa tay ra cho Hà nắm lấy và cùng lần bước đến cửa động. Bước tiếp là cấp bậc sâu nên tôi đưa hai tay đở Hà bước xuống.… !

Ra khỏi hang động và nhận xe, hai đứa đèo nhau xuống dốc. Bởi đường gồ ghề nên Hà cảnh giác không để tôi nhắc nhở, tôi lái xe hướng về phía biên giới rồi rẽ trái theo đường ra Mũi Nai.

C/ Đường ra Mũi Nai, Hà Tiên (9 g 30 – 12 g) :

Sau khi hướng về phía biên giới một đổi, tôi lái xe rẽ trái theo đường dẫn ra Mũi Nai. Đoạn đường nầy do gió mưa và thời gian bào mòn, nên nó rất phẳng và xe chạy rất êm. Đường vắng đến nỗi không thấy có một chiếc xe đạp hay người đi bộ, cả trên đồng cũng không thấy bóng người. Hình như hai đứa đang lạc vào cõi thiên đường bởi lòng chẳng còn vướng bận, chỉ có tâm bình an với hạnh phúc của tuổi lứa đôi ngạt ngào hương hoa…

Vừa qua cánh đồng cỏ là đến chân núi. Hai đứa theo con đường uốn lượn đẹp như tranh, hàng cây thốt nốt xen lẫn những cây dại bên đường đã giữ chân hai đứa. Tôi dừng xe lại, Hà bước xuống, chúng tôi nhìn nhau như để hội ý.

  • Ngồi lại đây phải không anh¸ Hà hỏi tôi.
  • Tới rồi, bồng lai là đây em ạ. Tôi nói đùa thôi nhưng cũng làm Hà cười khúc khích.

Chọn được chỗ ngồi, nhìn tôi, Hà chỉ tay :

  • Mình ngồi đây đi anh, được không ?
  • Đúng là chỗ nầy rồi, thôi mình ngồi xuống đây đi.

Hai đứa như đôi chim ríu rít bên nhau. Rồi Hà lấy ra mấy thỏi sô-cô-la và phong kẹo :

  • Mình ăn sô-cô-la, đói bụng rồi, nè ! Hà đưa cho tôi và nói :
  • Nó bị nắng nóng làm chảy rồi.

Nụ cười và ánh mắt của Hà lúc nào cũng thấy dễ thương. Trong giây phút thăng hoa, tôi nói với Hà :

  • Để anh đọc bài thơ nầy cho Hà nghe nhé, thực ra là bài nhạc có tên là « Mộng Dưới Hoa » do Phạm Đình Chương phổ thơ của thi sĩ Đinh Hùng (2):

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
………..
Hò hẹn nhau rồi em nói đi
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
………..
Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu…
…………

Đọc xong bài thơ như theo lời ca, tôi hỏi:

  • Em nghe bài thơ phổ nhạc nầy có hay không?
  • Anh lãng mạng quá…!
  • Mà anh hỏi bài thơ phổ nhạc nầy có hay không?
  • Em muốn được nghe lại.
  • Mấy câu thôi nhé!

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Rồi tôi nhìn Hà:

Hò hẹn nhau rồi em nói đi
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
………..
Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu…

Tôi hát khẽ và cố ý lập lại “ Hò hẹn nhau rồi em nói đi”…. Trong giây phút hưng phấn chưa kịp nghĩ suy thì tôi nghe tiếng của Hà:

  • Sao anh yên lặng? Anh có nói gì với em không?

Thế là, nhưng mà nói gì đây! Nhưng đây là cơ hội mà mấy ai có được để cùng nhau tâm sự. Qua giây phút lúng túng, tôi chợt có câu hỏi:

  • Em có thấy cảnh nầy đẹp không?
  • Đẹp quá phải không anh!
  • Mà cũng nhờ có em ở đây, nên cảnh mới đẹp đến như vậy!
  • Cám ơn anh đã có lời làm em hạnh phúc. Sau đó Hà tâm sự với tôi:
  • Hà nói hết cho anh Thái nghe những gì riêng tư của Hà để sau nầy anh không hối hận về quyết định của mình. Đoạn Hà nói tiếp:
  • Em thì khỏe mạnh không có bệnh chi, chỉ có viêm mũi dị ứng khi trở trời và không có liên hệ gì với ai cho tới bây giờ…

Lời chân tình đến thế là cùng! Tự nhiên tôi nghe tim mình đập và trộm nghĩ: Rõ ràng Hà là một thiếu nữ chân thật, mạnh mẽ và dứt khoát.

Tôi không có trả lời liền lời tâm sự của Hà mà để tâm hồn phiêu lãng đâu đâu trong giây phút đặc biệt nầy. Lời nói của Hà đã đưa tôi vào sự bình an lạ thường là tôi có Hà bên cạnh. Vì muốn cho Hà được hạnh phúc như mình, tôi đưa Hà vào cõi của âm nhạc, của thi ca như là để tô thắm chuyện lòng của hai đứa, mà chưa vội có câu trả lời cho Hà.

– Tôi nói đến thi ca, đến bài thơ của Đinh Hùng, rồi giọng ngâm của Hồ Điệp.

– Tôi cũng nói đến âm nhạc, có lẽ là bài nhạc nổi tiếng của Văn Cao như là bài Suối Mơ. Tôi cũng nói đến Đoàn Chuẩn với bài Thu Quyến Rũ, nhưng rồi tôi chợt nhận ra sự thất vọng trên gương mặt của Hà, hình như em chờ đợi điều gì đó chớ không phải âm nhạc hay thi ca.

Tôi trở về với thực tại khi Hà phát hiện ra đàn kiến, những con kiến đen to bu trên thức ăn, dưới chỗ ngồi, trên quần áo của hai đứa. Đây là cơ hội hiếm hoi để tôi quan tâm chăm sóc Hà “phủi kiến”, trong khi Hà thu dọn vài thứ, rồi hai đứa đứng dậy lên xe. Tôi hỏi Hà:

  • Có lưu luyến gì chỗ nầy không?

Hà mỉm cười, tôi hỏi tiếp:

  • Có bao giờ mình ngồi lại chỗ nầy lần nữa không?
  • Hà cũng không biết nữa.

Tôi nổ máy, lái xe hướng về Mũi Nai, đoạn đường nầy quá gồ ghề làm xe luôn bị dằn xóc liên tục, hai bên là vách núi, cây cối rậm rạp nên là đoạn đường nguy hiểm cho người qua lại. Vượt qua dốc đá là tới chùa Miên và phải mất chừng mười phút nữa là tới Mũi Nai. Hai đứa yên lặng để Hà ngắm cảnh cho tới khi tôi dừng xe trên bãi biển Mũi Nai.

D/ Bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên:

Bãi biển Mũi Nai giờ nầy cũng vắng bóng người, không thấy có ghe thuyền neo đậu. Hai đứa sóng đôi trên bãi cát nghe sóng vỗ gió gào. Tuy nhiên cả hai đều thấm mệt và đói khát. Theo dự định hai đứa còn phải đến Bãi Nò, điểm cuối của chương trình. Hà có vẻ buồn hiu còn tôi thì gần như cạn kiệt hết năng lượng nên không đi bộ được nữa và hai đứa ra xe, chạy tiếp ra Bãi Nò.

Tôi lái dọc bãi cát đến chân núi (đồi) và tìm cách lên “lầu hoang” được xây từ thời Pháp thuộc. Vì không có lối mòn, nên phải vạt cỏ cây mà bước. Đi được nửa đường hai đứa đều quá mệt không đi tiếp được.

  • Thôi trở lại thôi.

Tôi nói với Hà. Em yên lặng và theo chân tôi. Trở lại xe, hai đứa đi qua thông Lộc Trĩ, theo đường về lại thị trấn Hà Tiên và tới chùa Phật Đường thì đã xế chiều (gần 14 giờ).

E/ Ngày thứ hai trong tuần:

Hà từ chối không đi nữa với lý do là còn mệt. Trông Hà có vẻ kém vui, vậy mà tôi không biết thăm hỏi hay chăm sóc dù chỉ là lời nói. Tôi lại đến trường trong tinh thần lơ đãng, còn Hà thì không vui.

Chiều về, cô Tư hỏi:

  • Sao hai đứa không đi chơi mà ở nhà?

Tôi thưa với cô Tư là Hà bị mệt.

F/ Ngày thứ ba trong tuần:

Theo lời dặn của cô Tư, tôi đưa Hà đến chùa Phù Dung thật sớm để gặp Sư Bà có việc. Cũng như hôm trước, Hà mặc áo dài tươm tất có màu hoa. Hình như buổi sáng sớm là lúc người phụ nữ đẹp nhất trong ngày. Hôm nay Hà đẹp quá. Sau lời chào Hà lặng lẽ ngồi sau tôi. Chúng tôi đi trong màn sương sớm và có gió lạnh. Tôi cũng ăn mặc đàng hoàng như khi lên lớp, bên cạnh Hà mà tôi vụng về quá, không biết gợi chuyện hay hỏi thăm sức khỏe của Hà. Khi đến chùa thì cổng cũng đã mở. Theo bước chân của Hà tôi dắt xe vào sân. Để phá tan sự yên lặng từ nãy đến giờ, tôi hỏi Hà:

  • Em có gặp Sư Bà lần nào chưa?

Hà lắc đầu nói:

  • Em sẽ vào trong rồi hỏi, anh chờ ở đây để em vào một mình cho tiện.

Thế là tôi đứng chờ bên ngoài, nhìn theo dáng em đi. Đang suy nghĩ vẩn vơ tôi chợt nhớ đến Dì Tự; người nữ tu trẻ trong sách cùng tên là Dì Tự (?) kể về nàng Ái Cơ trong chậu úp, chùa Phù Dung và ao sen với hoa Phù Cừ, một chuyện tình đẩm lệ, nghiệt ngã đã xảy ra ở nơi đây. Khi Hà trở ra tôi liền hỏi:

  • Việc đã xong rồi phải không?
  • Dạ xong rồi.
  • Vậy hôm nay đi đâu, anh đưa Hà đi.
  • Thôi về lại chùa đi anh!

Tôi thấy nuối tiếc mà chưa biết phải nói với Hà điều chi thì Hà bước ra cổng nên tôi dẫn xe theo sau. Cảnh vật dần trở nên sáng tỏ dưới ánh sáng ban mai, tôi tiếp tục dẫn xe và Hà đi bên cạnh, tôi chỉ Hà hai cái hồ nhỏ bên cạnh:

  • Đây là hai hồ sen trồng hoa Phù Cừ, một chứng tích còn lại của Phù Dung Tự. Hà có biết sự tích của chùa Phù Dung chưa?
  • Dạ chưa.
  • Vậy là anh sẽ kể cho nghe hoặc là mượn quyển sách cho em đọc.

Hôm nay nắng đẹp như thế nầy mà không đèo nhau đi chơi thì thật là uổng quá, nhưng nói sao với Hà. Tôi phân vân trong khi Hà lơ đãng nhìn. Sau một lúc yên lặng, tôi bảo Hà lên xe và hai đứa trở về chùa Phật Đường. Tôi lấy tập sách và đi vội đến trường cho kịp giờ buổi sáng.

Bên mâm cơm chiều, không có Hà (có lẽ là Hà đi chợ mua sắm chưa kịp về). hai cô cháu dùng bữa và trò chuyện với nhau. Cô cố ý tìm hiểu nên hỏi:

  • Sao rồi, con có nói gì với Hà chưa?
  • Con chưa biết nói gì với Hà.

Rồi cô Tư nói tiếp:

  • Nó giận con rồi đó, cô thấy nó buồn buồn, chắc là có chuyện gì rồi. Hèn chi chiều tối hôm qua (tối thứ hai) cô không thấy hai đứa nói chuyện.
  • Con không có cơ hội.
  • Con khù khờ quá, nó chê con rồi đó! Cô không biết ngày mai nó về Rạch Giá lúc nào, chắc là nó về sớm rồi đó. Thôi mai mốt con qua bển (RG), lại nhà gặp lại nó, coi nó nói làm sao với con rồi cho cô biết.

ANH HOA, Rằm tháng 9 âm lịch Tân Sửu (tháng 10 năm 2021)

Tái bút : Thầy Huỳnh Văn Hòa, bút hiệu ANH HOA, giáo viên Trung Tiểu Học Hà Tiên 1964 – 1967.

Còn tiếp, xin mời thầy cô và các bạn chờ đọc tiếp bài « Ký ức về chùa Phật Đường Hà Tiên – Phần 3 »

Con đường dẫn ra Thạch Động (Hà Tiên) trong những năm 60-70. Nguồn: Lưu Như Việt (1971-1972)

Hình trái: Thầy Huỳnh Văn Hòa chụp trước sân chùa Tam Bảo, Hà Tiên, trước khi về tá túc ở chùa Phật Đường, năm 1966. Nguồn: Thầy Huỳnh Văn Hòa. Hình phải: Con đường từ phố Hà Tiên ra Thạch Động với chiếc xe Mini-Lambretta của thầy Huỳnh Văn Hòa kể trong ký ức trên. Hình: Thầy Nguyễn Hồng Ẩn, 1966 (3).

Hình bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên trong những năm 60-70. Nguồn hình: KimLy

Đường vào bãi biển « Bãi Nò », Hà Tiên.

Chú thích:

(1) Nữ diễn viên Natalie Wood đóng trong phim « La Fièvre dans le sang » (« Splendor in the Grass ») do Elia Kazan thực hiện và ra mắt năm 1961. Thầy Huỳnh Văn Hòa có dịp xem phim nầy vào năm 1965 tại rạp Minh Châu, Cần Thơ.

(2) Đó là bài thơ mang tựa : « Tình Tự dưới hoa “ của Đinh Hùng.

(3) Xin cám ơn thầy Nguyễn Hồng Ẩn đã vui lòng cho phép mình trích phần hình của thầy, trong đó có chiếc xe MiniLambretta để minh họa cho bài viết.

Thach Động Hà Tiên và những câu chuyện thực hư

A/ Vị trí và hình thể Thạch Đông Hà Tiên:

Thầy cô và các bạn thân mến, nói đến địa danh, thắng cảnh Thạch Động thì không còn gì xa lạ đối với người Hà Tiên chúng ta, chẳng những thế mà đa số du khách các nơi khác cũng đều nghe tiếng về Thạch Động nên mỗi lần có các đoàn du khách đến tham quan Hà Tiên, đều có mục thăm viếng Thạch Động.

Ngày xưa trước khi Pháp chiếm Hà Tiên (1867) vùng Thạch Động và Đá Dựng thuộc hai thôn Sa Kỳ và Nhượng Lộ, sau đó Pháp nhập hai thôn lại lập thành làng tên là Làng Kỳ Lộ. Trong những năm 60-70, Thạch Động thuộc xã Lộc Kỳ. Đến sau 1975, Thạch Động thuộc xã Mỹ Đức, ngày nay Thạch Động là một địa điểm du lịch thuộc phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. Từ trung tâm chợ Hà Tiên, theo quốc lộ 80 đi thẳng về phía cửa khẩu Xà Xía về hướng bắc hoặc từ con đường Phương Thành đi tiếp tục ra biên giới Hà Tiên – Campuchia, khoảng được 3 hoặc gần 4 cây số, trên đường nhìn về bên tay phải ta sẽ thấy Thạch Động sừng sửng hiện ra, cứ trơ gan cùng tuế nguyệt có hơn bao nhiêu triệu năm về trước.

Về mặt hình thể, Thạch Động là một khối đá vôi rất to lớn dựng đứng như một ngọn tháp, chiều cao so với mực nước biển là khoảng 93 m và có đường kính ở phần dưới chân khoảng 45 m. Từ xa Thạch Động được bao phủ bởi một phần đá vôi màu trắng bạc, và một phần có rất nhiều cây xanh tô điểm nên nhìn giống như một chiếc mũ lông của những kỵ binh người Anh, do đó người Pháp, trên các bưu ảnh chụp về Thạch Động, ngay từ những năm đầu thế kỷ thứ 20 đã đặt tên Thạch Động trong bưu ảnh là « Bonnet à poils ». Cửa chánh để vào Thạch Động ở hướng đông, nhìn về phía thành phố Hà Tiên và có độ cao khoảng 50 m.

Về phương diện địa chất học, các nhà địa chất học xác định khối đá vôi Thạch Động được thành hình trong kỷ Permi (tức thời kỳ tầng địa chất kéo dài từ khoảng 298 đến 252 triệu năm về trước). Đá vôi của Thạch Động có nguồn gốc trầm tích hóa học  chứ không phải do trầm tích sinh vật học. Người ta còn tìm thấy cùng loại đá vôi của Thạch Động ở vùng ven biển Kiên Lương, ở phía tây nam Campuchia và ở phía nam Thái Lan. Nếu ta phân biệt ý nghĩa của các từ tiếng Pháp: Tunnel: loại hầm, kéo dài theo một con đường (đường hầm); Cave: hang, động (hang sâu như một căn phòng) thì Thạch Động thuộc dạng hang động (Cave).

Thạch Động có hai cửa chánh: cửa vào chánh ở phía đông, nhìn về thành phố Hà Tiên, tai đây có xây bậc thang bằng gạch đá từ dưới đất liền lên đến cửa hang, ngay cửa vào ngôi chùa tọa lạc bên trong Thạch Động. Một cửa khác ở phía tây, tại đây người ta có thể nhìn ra được quang cảnh đồng lúa và núi non của phường Mỹ Đức. Ngoài ra còn có hai cửa theo hướng đông bắc và tây nam, ra đứng tại các cửa nầy, người ta được tận hưởng những cơn gió mát thổi lồng lộng, được nhìn ra một không gian trống khoáng, cả vùng trời biên giới có biển xanh, núi non, đảo nhỏ xa xa và một bầu không khí tỉnh lặng tạo cho ta một cảm giác rất thú vị…

Vị trí Thạch Động : Thạch Động ở về phía bắc thành phố Hà Tiên, cách trung tâm Hà Tiên khoảng 3 hoặc 4 cây số.

Hình thể bên ngoài và các cửa ra vào Thạch Động (Nguồn: Hà Quang Hải, Trần Tuấn Tú, Nguyễn Ngọc Tuyến, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Thị Phương Thảo)

B/ Hình thể bên trong Thạch Động:

Vào bên trong Thạch Động theo cửa chánh hướng đông, trước hết ta sẽ thấy ngôi chùa tọa lạc bên trong phần có thể tích rộng lớn, đó là chùa Tiên Sơn (sẽ viết thêm ở phần kế tiếp). Nếu du khách tiếp tục đi vào các ngỏ ngách theo các hướng khác nhau, lần lượt sẽ thấy có một lối trống rất cao và thông lên đến trên đỉnh Thạch Động, từ dưới ta có thể nhìn thấy như là một lối thoát lên trời vì nhìn thấy cả những đám mây xanh, người ta đặt tên là « đường lên trời ». Rồi đến xem một hang nhỏ khác ăn sâu vào lòng núi, nhìn vào chỉ thấy màu đen thẩm như hang không đáy, đó là « đường xuống địa ngục ». Ngày xưa tục truyền hang đó ăn thông ra đến tận biển ở Mũi Nai, vì người ta có thả một trái dừa khắc làm dấu và sau nầy tìm vớt lại được trái dừa nầy ở ngoải bờ biển…Từ những năm 1960 vì sự nguy hiểm của cái hang nầy, người ta đã lấp kín hang lại, chỉ còn xây bờ chung quanh để làm dấu cho khách tò mò đến xem. Ngoài ra trong vách đá bên trong Thạch Động còn có rất nhiều thạch nhũ, đặc biệt là có một khối thạch nhũ nhìn thấy từ bên ngoài có hình dạng như một cái đầu con đại bàng to lớn đang quặp một cô gái. Chung quanh đó còn có nhiều dây leo rừng to lớn thòng xuống, tuy nhiên vì tính hiếu kỳ và thiếu kỷ lưởng của du khách các sợi dây to lớn nầy đã bị lôi kéo và bị đứt mất dần dần. Bên trong vách đá còn có các vết xâm mòn do nước đọng chảy quanh năm tạo ra các hình dáng giống như một người con gái, hay hình Phật…

Tất cả những hình thù do các khối đá thiên nhiên và do tác động của nước mưa bào mòn vách đá tạo nên như vậy đã cung cấp nguồn cảm hứng cho dân gian bao nhiều đời đã qua, kết tạo lại nhiều truyền tích, huyền thoại. Mỗi hình thù vách đá, mỗi cọng dây leo, …được gắn liền với một hành động và một giai đoạn của một câu chuyện huyền thoại có tên « Thạch Sanh và Lý Thông ». Đây là một câu chuyện được truyền đi trong dân gian và có tác giả cho là có nguồn gốc ở quận Cao Bình, tỉnh Cao Bằng thuộc miền núi đông bắc Việt Nam (sẽ viết thêm ở phần kế tiếp).

C/ Ngôi chùa « Tiên Sơn Tự » trong Thạch Động:

Hiện nay muốn tim hiểu về nguồn gốc ngôi chùa có tên « Tiên Sơn Tự » bên trong Thạch Động cũng rất khó khăn vì còn thiếu thông tin chính xác.

            C1/ Quá trình trụ trì chùa theo nguồn thông tin thứ nhất:

Theo sách Đại Nam nhất thống chí đoạn nói về tỉnh Hà Tiên, mục Tự quán có chép rằng:  Chùa Bạch Vân (Bạch Vân Tự hay Bạch Vân Am) ở núi Thạch Động (tức núi Vân Sơn) ở thôn Mỹ Đức, huyện Hà Châu, nguyên do phú hộ Minh Hương là Đoàn Tân lập ra.  Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Tuần phủ Phan Tông trùng tu…”.

Có nguồn cho rằng từ năm 1790, có vị hoà thượng tên Minh Đường (người Trung Quốc) đã tìm đến hang Thạch Động và ở lại đây để tu hành, hòa thượng đặt tên cho cái am nơi tu là Bạch Vân Am, sau đó vị nầy giao am tu lại cho đồ đệ là Bạch Vân cư sĩ và dời ra lập chùa Địa Tạng ở một ngọn núi cách đó khoảng 800m về phía đông nam, từ đó núi lấy theo tên chùa trở thành núi Địa Tạng.

Cuối thế kỷ thứ 19, có một nhóm người Minh Hương đến trùng tu am xưa và thỉnh hai nhà sư tới trụ trì ngôi chùa. Vị thứ nhất là hòa thượng Thích Chánh Quả (chưa biết tên đúng hay sai) ) tục danh là Lê Thế Diên (có sách viết Duyên), quê ở Phú Yên, thuộc dòng tu Lâm Tế đời thứ 39. Hòa thượng cho đúc tượng Phật và Bồ Tát và đổi tên chùa là Linh Sơn Tự. Ngài viên tịch ngày 21 tháng 12 năm Quý Sửu (1913), thọ 78 tuổi.  Vị thứ hai là hòa thượng Thích Thiện Sĩ thế danh là Trịnh Tấn Phước, người Bình Định, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40. Ngài tổ chức trùng tu và mở rộng ngôi chùa và đặt tên mới là Tiên Sơn Tự, tên còn giữ cho đến ngày nay. Ngài từ trần ngày 02 tháng 09  năm Ất Dậu (1945), thọ 75 tuổi.  Sau đó có người đệ tử của sư tên là Cam Thị Nam (thường gọi là cô Hai Nàm) kế thừa trụ trì ngôi chùa. Về câu chuyện của cô Hai Nàm có nhiều nguồn do người dân kể lại:

     C1a/- Nguồn thứ nhất kể lại rằng vào ngày 29 tháng 04 năm 1948 quân lính Pháp bắt gặp trong chùa ở Thạch Động có lương thực và cán bộ Việt Minh đến hội họp nên bắt giải giam tất cả bốn người đang hiện diện trong đó có cô Hai Nàm về đồn ở Hà Tiên. sau đó lính Pháp hành hình giết bà và các cán bộ tại cầu tàu chợ Hà Tiên vì kết tội bà là người nằm vùng nuôi dấu cán bộ.

     C1b/- Cũng có nguồn tin thứ hai kể lại rằng ngày hôm đó trong chùa ở Thạch Động có lễ cúng kiến nên có dự trữ thức ăn và có nhiều người tham dự, lính Pháp đi lùng bố càn quét cán bộ Việt Minh vì trước đó có xảy ra vụ vị sĩ quan Pháp bị phục kích giết chết trong vùng Thạch Động, nên cả nhóm người hôm đó đều bị bắt và bắt oan luôn cả cô Hai Nàm. Rốt cuộc cô Hai Nàm bị giết oan ức.

Đó là hai nguồn thông tin về chuyện cô Hai Nàm ở Thạch Động, hiện nay chưa có độ chính xác về câu chuyện nầy,  cần được kiểm chứng và đưa ra tư liệu chính xác.

Từ biến cố đó, ngôi chùa Tiên Sơn trong Thạch Động bị bỏ hoang gần 4 năm liền không ai tới lui chăm sóc.

Đến năm 1952 có vị Phật Tử Hồng Phúc, người Hà Tiên, thế danh Trình Kim Huê (theo thiển ý, đây có thể là ba của thầy giáo Trình Kim Chung dạy tại trường Tiểu Học Hà Tiên ngày xưa), đệ tử của hòa thượng Thiện Sĩ, ngài Hồng Phúc đến trông coi chùa và tu ở đó. Được 7 năm trời, hình dáng ông lúc đó có để bộ râu bạc trắng trông rất đẹp, giống như một vị tiên ông, sau thời gian đó ông trở về cuộc sống bình thường tại nhà riêng ở Hà Tiên và qua đời vào năm 1968. Người Hà Tiên ai ai cũng biết và nhớ đến hình ảnh của ông được đăng trong tờ tạp chí « Thế Giới Tự Do » do Chi Thông Tin Hà Tiên thường phát cho dân chúng đọc, Trong tờ tạp chí nầy do có bài giới thiệu vè thắng cảnh Thạch Động Hà Tiên nên có đăng hình Thạch Động và vị trụ trì là phật tử Hồng Phúc.

Trong những năm 70, Thạch Động nói riêng cũng như với ngọn núi Đá Dựng nói chung về tình hình các thắng cảnh vùng biên giới, hai địa điểm nầy đã trở thành căn cứ quân sự trọng yếu nên đều có quân đội Địa Phương Quân VNCH trấn đóng. Trong thời gian nầy, người dân không được lui tới thăm viếng thắng cảnh như thời trước được. Ngôi chùa Tiên Sơn trong Thạch Động có lẽ bị bỏ hoang không sư trụ trì và nhang khói trong thời gian nầy.

Sau năm 1975, tình hình còn biến động vì chiến tranh biên giới cho đến năm 1979, có người Phật Tử Thiện Thành, thế danh Tiết Văn Lương, người gốc Mỹ Đức, Hà Tiên, tình nguyện đến trông coi chùa Tiên Sơn trong Thạch Động.  Đến năm 1989, phật tử Thiện Thành cùng với phật tử địa phương cung thỉnh đại đức Thích Minh Luận, thế danh Giang Văn Khép, về trụ trì chùa Tiên Sơn trong Thạch Động. Đại đức Minh Luận bắt đầu cho trùng tu ngôi chùa, xây dựng lan can và các bậc tam cấp, an vị tượng đức Bổn Sư trong chánh điện. Đến ngày 09 tháng 06 năm 1990 phật tử Thiện Thành lâm bệnh và qua đời. Năm 1991 đại đức Minh Luận tiếp tục trùng tu ngôi chùa, thiết lập tượng đài Quan Âm trước của chùa, năm 1995 lát gạch toàn bộ khu chánh điện, trồng thêm cây xanh chung quanh khuôn viên chùa. Năm 1997 ngài cho khởi công xây dựng tăng xá để chư tăng các nơi xa đến có chỗ an nghỉ. Trong tương lai sẽ cho trùng tu thêm giảng đường, tổ đường và nhà từ thiện. Toàn bộ khu Thạch Động với ngôi chùa xưa Tiên Sơn Tự trở thành một nơi du ngoạn cho khách du lịch đến thăm, người người ra vào đông đúc, tuy quang cảnh sầm uất, nhộn nhịp nhưng đã mất phần uy nghiêm, thơ mộng và cổ kính trầm mặc của một không gian yên tỉnh ngày xưa.

            C2/ Quá trình trụ trì chùa theo nguồn thông tin thứ hai:

Có một nguồn thông tin khác về gốc gác của ngôi chùa Tiên Sơn Tự như sau: Thời ông Mạc Thiên Tích trấn nhậm vùng Hà Tiên, có một vị đạo sĩ pháp hiệu Huỳnh Phong chân nhân từ Thanh Hóa vào Hà Tiên tìm nơi tu luyện và ông cũng là một thành viên trong thi đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích thành lập năm 1736. Đạo sĩ thấy hang động ở Thạch Động thích hợp nên ẩn tu tại đó. Sau một thời gian, ngài đổi pháp hiệu thành Huỳnh Phong (hay Hoàng Long ?) hòa thượng, đến năm 1785 ngài viên tịch, thọ 108 tuổi, nhục thân ngài được nhập tháp do đề đốc trấn nhậm Bác Giác Sơn tên là Đỗ Như Liêm cùng các tín đồ xây dựng. (Bác Giác Sơn tức núi Phù Dung thời ông Mạc Thiên Tich, sau nầy tại ngọn núi nầy cũng có ngôi mộ của ông đề lại Đỗ Như Liêm nói trên nên núi được mang tên là Đề Liêm). Tuy nhiên nguồn thông tin nầy có thể sai trái vì ông đề lại Đỗ Như Liêm mất khoảng 1860 – 1870 tức là lúc năm 1785 khi Hoàng Long hòa thượng viên tịch thì ông đề lại Đỗ Như Liêm còn rất nhỏ, thậm chí chưa sanh ra.   Một điểm khác làm sai lệch nguồn thông tin trên là theo như các điều ghi chép trong hai quyển Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Liệt Truyền Tiền Biên thì thời ông Mạc Thiên Tích có vị sư tên Hoàng Long (hay Huỳnh Phong) hòa thượng người gốc Qui Nhơn Bình Định, vào tu ở Bạch Tháp Sơn (tức là núi Đá Dựng) và khi ông viên tịch đồ đệ lập tháp bảy cấp để giữ xá lợi, tuy nhiên tài liệu nầy không nói rỏ ngọn tháp của Hoàng Long hòa thượng nằm chính xác ở đâu và nếu ở trong vùng núi Đá Dựng thì ngày nay ngọn tháp đó có còn được bảo tồn hay không? Như vậy theo hai quyển sách xưa thì Hoàng Long hòa thượng không có lập chùa trong Thạch Động mà tu ở bên núi Đá Dựng.

Nói tóm lại về nguồn gốc ngôi chùa Tiên Sơn Tự trong Thạch Động, thông tin còn rất mơ hồ chưa có những điểm chính xác về năm thành lập và người tạo ra ngôi chùa. Tuy nhiên ta có thể xem như ngôi chùa đã có dưới dạng một cái am nhỏ bằng gỗ từ trước năm 1790, sau đó có nhóm người dân Minh Hương đến trùng tu và thỉnh thầy về trụ trì, quá trình trụ trì chùa có thể xem vào nguồn thông tin thứ nhất nói trên.

D/ Truyền thuyết « Thạch Sanh – Lý Thông » có liên quan đến Thạch Động:

Theo sách « Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ấn bản 1957, có kể câu chuyện như sau:

“Thời rất xưa, ở quận Cao Bình. Hai vợ chồng già, nghèo, lòng tốt, nhưng không con. Ngọc Hoàng sai thái tử đầu thai làm con nhà họ Thạch. Bà cụ có thai, lâu cả mấy năm đến khi ông cụ Thạch bệnh, chết. Thạch Bà sinh con trai. Cụ bà chết. Cậu bé dựng lều sống dưới gốc đa, được dân gọi là Thạch Sanh. Cậu chỉ có một lưỡi búa. Ngọc Hoàng sai tướng trời xuống dạy cậu võ, và phép thần.

Có người bán rượu, tên Lý Thông, thấy Thạch Sanh có sức khỏe, nên kết thân. Trong vùng có con chằn tinh, thường ăn thịt người. Quan quân trừ không nổi, nên dựng miếu, mỗi năm cúng một mạng người. Năm ấy, tới phiên Lý Thông nạp mạng. Lý lừa gạt Thạch, nhờ thay Lý đi canh miếu thay một đêm rồi sáng hôm sau về. Nửa đêm, chằn tinh hiện ra, Thạch Sanh rút búa xả đôi chằn tinh, mới thấy là con trăn. Thạch Sanh cắt đầu trăn và cầm cung tên vàng của chằn về.

Khi Thạch Sanh về, kể lại, Lý Thông nói, rằng trăn đó là của vua nuôi, rằng Thạch Sanh hãy trốn đi. Lý Thông đem đầu chằn nạp cho vua. Vua khen, phong chức tước cho Lý Thông. Trong triều có công chúa, chưa ưng ai. Vua tổ chức hội tuyển phu, cho hoàng tử các nước và trai tráng trong dân tới chờ quả cầu do công chúa ném từ lầu cao xuống. Khi cô sắp ném cầu, Đại bàng bay ngang, sà xuống cắp công chúa bay về núi. Thạch Sanh đang ở gốc đa, ngó lên mây, thấy, mới rút cung tên, bắn trúng cánh Đại bàng. Thạch Sanh dò theo vết máu, biết cửa hang Đại bàng.

Vua sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa gả công chúa và truyền ngôi. Lý Thông nghĩ chỉ có Thạch Sanh mới cứu được công chúa. Khi gặp Thạch Sanh, Lý Thông nhờ dẫn đường tới cửa hang Đại bàng. Hang sâu không ai dám xuống. Thạch Sanh tự nguyện buộc dây ở lưng rồi xuống hang. Đại bàng đang dưỡng thương. Thạch Sanh đưa thuốc mê để cho Đại bàng uống. Khi Đại bàng ngủ say, Thạch lấy dây buộc công chúa, hiệu cho quân Lý Thông kéo lên. Cứu công chúa xong, Lý Thông lấy đá lấp hang. Dưới hang, Thạch Sanh giết chết Đại bàng, cứu một thanh niên ra khõi cũi sắt, mới biết đó là thái tử con vua Thủy Tề, bị Đại bàng bắt về hơn cả năm. Thái tử mời Thạch Sanh xuống Thủy phủ chơi. Vua Thủy phủ gặp con, vui mừng, xin đền ơn. Thạch Sanh từ chối, chỉ xin một cây đàn, rồi về lại gốc đa.

Hồn của chằn tinh và Đại bàng sau khi chết, đói vì không được ai cúng tế, tình cờ gặp nhau, bèn lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ. Lính theo dấu tìm, đến gốc đa thì gặp tang vật, bắt Thạch Sanh về giam. Công chúa về triều, tự nhiên bị câm, buồn hoài, nên vua hoãn hôn lễ với Lý Thông. Thấy quân bắt Thạch Sanh về, Lý Thông mới tính xử tử Thạch Sanh. Trong tù, Thạch Sanh buồn, lấy đàn của vua Thủy ra chơi, không ngờ đàn thần vẳng tiếng như than, như oán, vạch tội Lý Thông. Công chúa nghe tiếng đàn, vui mừng, cười nói, xin vua mời người đàn vào cung. Thạch Sanh kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua sai bắt hai mẹ con Lý Thông, giao Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh tha, cho hai mẹ con Lý Thông về quê. Nửa đường, hai mẹ con bị sét đánh chết. Vua làm lễ cưới công chúa cho Thạch Sanh. Hoàng tử các nước bị từ hôn nổi giận, tụ họp lính 18 quốc gia tới hỏi tội vua. Thạch Sanh lấy đàn thần ra khảy, lính 18 nước buông vũ khí. Thạch Sanh sai dọn cơm cho lính các nước ăn no để về. Niêu cơm nhỏ, nhưng ăn hoài lại có cơm  ra hoài. Vua không con trai, nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.” (Hết tóm lược)

Liên quan giữa câu chuyện « Thạch Sanh-Lý Thông » và Thạch Động: Vì phía đông của bên trong Thạch Động có một cửa hang thông thiên nên khi ánh sáng rọi xuống người xưa gọi là « đường lên trời ». Theo truyền thuyết xưa, Thạch Sanh đã theo cửa miệng hang này để vào bên trong lòng động giết đại bàng, cứu công chúa Quỳnh Nga. Còn về cái hang thông sâu thẩm không thấy đáy hang thì truyền thuyết cũng cho rằng đó là con đường mà Thạch Sanh đi gặp vua Thủy Tề trong cổ tích. Ngày nay, cửa miệng hang này đã được lắp kín lại để đảm bảo an toàn cho du khách như đã nói ở phần trên. Ngoài ra từ bên ngoài Thạch Đông, người ta còn thấy một khối thạch nhũ có hình dạng như một cái đầu con đại bàng to lớn đang quặp một cô gái, truyền thuyết cho rằng đó là hình con đại bàng đang quặp công chúa Quỳnh Nga về Thạch Động.

Nói tóm lại, tuy rằng câu chuyện thuộc về truyện cổ tích dân gian và theo giáo sư Nguyễn Đổng Chi, chuyện xảy ra ở Cao Bình là xã Hưng Đạo, huyện Hoà An, nay thuộc thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, hiện ở nơi đó còn có một cái hang được cho là nơi Thạch Sanh đã chém chằng tinh và còn có nhiều đền thờ Thạch Sanh trong thôn làng cùng với một số phong tục văn hoá gắn liền với tích chuyện Thạch Sanh không có liên quan gì với cái hang Thạch Động ở Hà Tiên, tuy nhiên vì trong hang Thạch Động có nhiều hình thù và dạng hang đá phù hợp với câu chuyện được kể ra trong dân gian, thêm nữa tên họ Thạch Sanh trùng với họ Thạch là họ thông thường của người Việt Nam gốc Campuchia nên người ta vẫn tiếp tục gắn liền huyền thoại Thạch Sanh-Lý Thông với thắng cảnh Thạch Động, ta nên xem đó là chút thi vị được thêu dệt cho cái hay và cái đẹp của một thắng cảnh có tên tuổi như Thạch Động, tuy không phải là sự thật nhưng cũng không gây ra điều tai hại hoặc hiểu lầm làm méo mó lịch sử, mọi nơi, mọi dân tộc đều có những câu chuyện huyền thoại như vậy để được truyền tụng lâu đời trong dân gian.

E/ Câu chuyện lên núi Thạch Động cầu tiên của ông Ngô Văn Chiêu:

Theo quyển sách  » Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926″ (Nxb Thuận hóa, 1996) do Huệ Khải (Dũ Lan Lê Anh Dũng) viết, có đoạn nói về cuộc đời của ông Ngô Văn Chiêu đạo hiệu là Ngô Minh Chiêu (1878-1932), ông là người sáng tạo và là môn đồ đầu tiên của Đạo Cao Đài. Ông Ngô Văn Chiêu tuy xuất thân từ một gia đình thanh bạch, không giàu có nhưng ông là người có học cao, đỗ đạt thời Pháp và được bổ nhiệm làm công chức tại nhiều nơi ở miền nam. Khi thân mẫu ông mất, xong tuần bá nhật (100 ngày), vào ngày thứ hai 01/03/1920 (nhầm ngày 11 tháng giêng năm Canh Thân), ông đổi ra tỉnh Hà Tiên làm việc. Tại đây ông kết giao với nhiều bậc thân sĩ địa phương và thường lên núi Thạch Động cầu tiên. Một vị tiên cô xưng danh Ngô Kim Liên ban cho ông hai vế thơ, ngụ ý khuyên ông đi tu:

Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu,
Rằng trời cùng đất vẫn xa mù.
Non tây ngoảnh lại đường gai góc,
Gắng chí cho thành bực trượng phu.
Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu
Cái cảnh Tây phương vẫn mịt mù.
Mắt tục nào ai trông thấy đấy,
Lắm công trình mới đúng công phu.

Đêm Trung thu năm Canh Thân (chủ nhật 26-9-1920), ông Chiêu cùng các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu lập đàn tại nhà ông Lâm Tấn Đức. Tiên ông ban cho bốn câu thơ vừa xưng danh vừa điểm danh như sau:

Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn hộc thể Quan, Diêu.
Vô thậm Sự, Đức nhiệm ngao du,
Bích thủy, thanh sơn tương đối tiếu.

Theo tác giả  Lê Anh Dũng, thì bài thơ trên có kể ra các tên của những vị thân hữu với ông Ngô Văn Chiêu, trong câu thứ hai có tên Quan, không biết là ai. Còn hai ông Diêu và Sự thì đã rõ. Riêng Đức tức là ông Lâm Tấn Đức (1866-1934), tự Hữu Lân, không con) là anh ruột của ông Lâm Tấn Thoại, và ông Thoại là cha của thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969).

Sau đó đến ngày 26-10-1920 (nhằm ngày rằm tháng chín năm Canh Thân), tiền bối Ngô Văn Chiêu đổi ra đảo Phú Quốc. Tại hòn đảo này, tiền bối thường lập đàn cầu tiên trên núi Dương Đông. Đàn được lập ở một Phật đường của đạo Minh Sư, tục gọi là chùa Quan Âm, cách dinh quận chừng 500 m.

Về câu chuyện ngài Ngô Văn Chiêu thường lên núi Thạch Động Hà Tiên cầu cơ tiên trong năm 1920 với quý ông Lâm Tấn Đức, Diêu, Sự,…thì đó là một sự kiện trong tiểu sử cuộc đời ngài do tác giả Lê Anh Dũng kể lại, tuy nhiên là người Hà Tiên, chúng ta lại ít nghe nói về sự kiện nầy, mong các bậc cao niên và học giả góp ý thông tin thêm để làm sáng tỏ các chi tiết nầy, vì có liên quan đến thắng cảnh Thạch Động của chúng ta.

F/ Câu chuyện về cái đầu lâu trong hốc đá trên Thạch Động:

Trong sách « Truyện tích Việt Nam » do Lê Hương sưu tầm xuất bản năm 1970 có kể lại một câu chuyện liên quan đến Thạch Động như sau:

« Vào cuối năm 1945 khi Pháp tái chiếm miền nam, trong khi lục soát hang Thạch Động ở Hà Tiên thì tìm thấy được một đầu lâu gói trong một mảnh vải trắng nhét trong một hốc đá phía dưới hình tượng bà Quan Âm nổi trên vách. Người Pháp cho rằng đó là cái đầu sọ của một người lính Nhật tạm dấu trong đó chờ ngày đem về nước vì đầu được gói trong miếng vải sang trọng không phải của dân thường thời đó.

Truy tìm ra nguyên nhân thì có nguồn gốc như sau: Khi Nhật chiếm Đông Dương, có một chàng trung sĩ quân đội Thiên Hoàng yêu một cô thôn nữ người Việt nhà ở cạnh quốc lộ 17 (tên đường xưa đi đến Thạch Động). Cô gái tuy quê mùa nhưng cũng rất xinh đẹp nên chàng trai xứ Phù Tang say mê và nhờ viên thông ngôn người Việt đưa chàng đến nhà cô gái để bày tỏ lòng mong muốn của mình với cha mẹ cô gái. Hai bên cũng đã đồng lòng và chuẩn bị ngày cưới hỏi. Tuy nhiên tai họa lại xảy đến khi viên đại úy cấp trên của chàng trung sĩ thấy cô gái liền sanh tâm quyết cướp đoạt cho bằng được. Nghe hung tin như vậy, chàng trung sĩ nổi máu anh hùng võ sĩ đạo, quyết bảo vệ người yêu của mình nên chàng vào ngay văn phòng viên đại úy để thách thức đấu kiếm, phân định hơn thua để người đẹp sẽ thuộc về bên chiến thắng. Viên đại úy nhận lời và hai bên hẹn gặp nhau trên mảnh sân sát bên chân núi Thạch Động vào một đêm trăng sáng. Mỗi bên có một người bạn làm nhân chứng đi theo, theo thủ tục dân Phù Tang. Ngoài ra còn có một khán giả duy nhất đó chính là cô gái trong câu chuyện, vì nghe tin người yêu báo nên cô gái cũng đi đến, lén núp vào kẹt đá để theo dỏi trận đấu. Nàng thầm van vái các vị thần linh xui khiến cho viên đại úy đổi ý bỏ trận đấu để tránh thảm họa cho đôi bên và nàng cũng sợ rằng người yêu không đủ tài năng để chiến thắng. Nàng thầm nguyện nếu có gì thì thà chết chớ không thất ước với người yêu. 

Thế rôi sự thật phải đến, hai lưởi gươm dài sáng chói đã chạm vào nhau dưới ánh trăng bật thành những tiếng động rợn người kèm theo tiếng quát tháo làm cho nàng khiếp sợ run lên. Sau hơn nửa giờ thi thố tài nghệ, chàng trung sĩ bị viên đại úy đánh văng kiếm, kẻ thắng trận cười ngạo nghễ, tra kiếm vào vỏ và gọi người nhân chứng ra xe về chợ Hà Tiên, thình lình thấy bóng cô gái trong kẹt đá đứng nhô ra xem người yêu mình có bị giết không…Viên đại úy cười to và tiến tới dang tay như đón mời người đẹp, cô gái hoảng sợ vụt ù té chạy xuống chân núi và biến mất trong bóng tối. Viên sĩ quan không đuổi theo, lái xe về chợ Hà Tiên.

Chàng trung sĩ thua trận không thể sống chịu nhục và nhìn người yêu qua tay người khác, anh nhờ người bạn giúp mình để anh tự xử sự theo lối anh hùng võ sĩ đạo (harakiri). Trước đó chàng thảo hai bức thư, một gởi về cho cha mẹ và một gởi cho người yêu rồi dùng dao ngắn tự rạch bụng. Người bạn đứng sau lưng đưa gươm chém chàng đứt đầu, dùng vải trắng gói đầu lại và đem vào hang trong hốc đá trên Thạch Động dấu rồi chở thân mình về đơn vị làm lễ mai táng.

Cô gái không hề biết thảm trạng nầy vì trong đêm đó cô cùng bà mẹ vượt biên giới qua đất Miên lánh nạn vì cô không muốn làm vợ viên đại úy. Khi ông đại úy hay liên tiếp hai tin buồn: viên trung sĩ tự tử và cô gái đã bỏ xứ đi vì ý muốn không tốt đẹp của mình, ông rất hối hận nên cho tổ chức lễ hỏa thiêu xác của viên trung sĩ trước đội quân và hứa sẽ tự tay mang đầu người quá cố về nước Nhật sau nầy khi thắng trận. Sau đó vì đau buồn ông xin thuyên chuyển đi tỉnh khác để cố quên câu chuyện đó.

Vài thắng sau, Nhật đầu hàng, chiến tranh kết thúc, quân Pháp trở lại chiếm đóng miền nam nước Việt. Bên địa phận Cao Miên, Việt kiều gặp phải nạn « cáp duồn » và cướp bóc vì người Miên kỳ thị, cô thôn nữ theo một số kiều bào trở về hồi cư ở Hà Tiên. Nghe tin bà con trong xóm kể lại cái chết của chàng trung sĩ Nhật, cô gái rất đau đớn. Nàng đem vàng hương, hoa quả đến mảnh sân cạnh Thạch Động cúng kiến và khóc than cho người xấu số vì không biết chàng Nhật có được ngôi mộ ở đâu không, từ đó nàng thường đến nơi đấu kiếm ngày trước để trút nỗi nhớ niềm thương ».

Câu chuyện đầu lâu trong hang đá ở Thạch Động nầy ngày xưa khi còn đi học mình cũng có nghe người ta kể lại, người ta còn chỉ cho mình thấy cái hốc đá bên trong vách của Thạch Động, nơi có để cái đầu trong đó. Không biết câu chuyện tình đẩm lệ nầy có thật hay không, tuy nhiên câu chuyện không thuộc loại huyền thoại như kiểu chuyện Thạch Sanh – Lý Thông. Câu chuyện nầy có phần thực tế theo hoàn cảnh lịch sử thời Nhật và Pháp chiếm miền nam Việt Nam, nhưng các tình tiết trong câu chuyện thì không ai xác định được độ chính xác.

G/ Thạch Động trong thơ văn và điện ảnh:

Nói đến thắng cảnh Thạch Động ở Hà Tiên, chúng ta ai cũng nhớ đến cái tựa bài thơ vịnh 10 thắng cảnh đẹp của Hà Tiên, đó là tựa « Thạch Động thôn vân », bài thơ lúc ra đời viết bàng chữ Hán trong tập thơ « Hà Tiên thập vịnh » của Mạc Thiên Tích được khắc bản in vào năm 1737 sau khi thành lập tao đàn Chiêu Anh Các vào năm 1736, sau đó có tập thơ chữ nôm cũng của Mạc Thiên Tích viết ra là tập « Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh » và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.

« Thạch Động thôn vân » là động đá nuốt mây, từ xa ta thấy những áng mây trôi nhẹ nhàng trên miệng hang Thạch Động rồi từ từ có đám mây khuất vào trong miệng hang, người ngoạn cảnh có cảm tưởng như chính hang động đã nuốt mây. Xin chép lại bài thơ ở đây để mọi người thưởng thức:

Quỷ trổ thần xoi nổi một tòa,
Chòm cây khóm lá dấu tiên gia
Hang sâu thăm thẳm mây vun lại;
Cửa rộng thinh thinh gió thổi qua.
Trống lổng bốn bề thâu thế giới;
Chang bang một dãy chứa yên hà.
Chân trời mới biết kho trời đấy
Cân đái hèn chi rở ỷ, la.

Khi viết tập « Hà Tiên thập cảnh & Đường vào Hà Tiên », tác giả Đông Hồ và Mộng Tuyết, phần bàn về Thạch Động, nhà thơ Đông Hồ đã có viết cảm nghĩ riêng về việc thắng cảnh Thạch Động. Đai khái là ông rất chống đối việc xây cất ngôi chùa kiên cố bên trong hang Thạch Động, ông viết: « Không như ở đây, chỉ riêng có một ngọn núi, cũng là loại đá xanh mà trong bụng núi thì rộng thênh thang, lại có hai cửa thông, đủ cho bóng trời soi sáng, y như một cảnh cung thẩt. Ở đây, như chúng ta thấy hiện nay, phần nhân tạo đã làm hỏng mất phần thiên nhiên. Ngôi chùa ngay giữa động, chùa gỗ lợp ngói, đã làm cho cảnh Thạch Động mất đẹp đi nhiều. Nếu không có ngôi chùa đó, thì chúng ta sẽ được nhìn thấy một cảnh động đá thênh thang, rộng rãi, chung quanh vách đá uốn nét, giữa có khoảng thông thiên, nhật quang tỏa khắp lên các thạch nhũ, đẹp biết mấy ».

Nhà thơ Đông Hồ còn nói rỏ thêm về việc sơn màu vôi trắng tô đắp vẽ vời tượng nọ hình kia trên vách đá là dại dột…Ông khuyến cáo nên dời chùa ra ngoài có nhiều chỗ rộng rải để khỏi làm mất vẻ đẹp của thiên nhiên.

Trong những năm 50-60, có hảng phim tại Sài Gòn xuống Hà Tiên thực hiện cuốn phim về sự tích Thạch Sanh-Lý Thông, người đạo diễn đã nhờ ông cụ ba của thầy giáo Trình Kim Chung, ông cụ lúc đó tu ở trên Thạch Động, vì tướng mạo ông phương phi, râu bạc trắng, tay cầm phất trần rất giống tiên ông nên ông đóng vai Tiên Ông trong bộ phim nầy.

Ngoài ra Thạch Động cũng còn là nơi được chọn là bối cảnh cho các bộ phim như « Cuộc chiến với chằn tinh » (hay còn có tên là « Thạch Sanh ») với các nhân vật thằng An, thằng Cò của cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu năm 1997 và bộ phim « Đất Phương Nam »  của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

H/ Ký ức riêng về Thạch Động:

Vốn là dân gốc gác Hà Tiên, mình biết rất nhiều về Thạch Động, mỗi lần theo bạn bè đi xe Honda chạy ra đường biên giới về phía chùa Xà Xía, mình có dịp ngắm nhìn Thạch Động và rất có ấn tượng về thắng cảnh nầy. Trong những năm 50, người dân Hà Tiên có thể lên Thạch Động viếng cảnh, ngắm thiên nhiên và thả hồn với không gian  trầm mặc của vùng núi non bao quanh Thạch Động. Tuy nhiên khi mình trưởng thành và trong thời gian đi học tại Trung Học Hà Tiên, khu vực Thạch Động trở thành một nơi chiến lược do có quân đội địa phương đóng điểm trên đó nên không ai còn được lên Thạch Động ngoạn cảnh. Hằng ngày chỉ chạy xe Honda qua lại bên phía dưới con lộ chánh dẫn ra biên giới và nhân lúc đó nhìn ngắm Thạch Động mà thôi. Có một điều may mắn là trong lúc đi học, mình có tham gia vào ban nhạc do bạn Lê Công Hưởng là trưởng ban, thời đó các đơn vị nhà binh đóng quân tại Hà Tiên như trên đồi Ngũ Hổ (Lầu Ba Ông Chánh), Thạch Động, trại biệt kích Tô Châu,..v..v..thường hay tổ chức chơi văn nghệ giúp vui nên có một lúc đại đội đóng quân trên Thạch Động có mời ban nhạc học sinh trường Trung Học Hà Tiên lên chơi nhạc trên Thạch Động. Nhờ dịp như thế, mình và các bạn, cùng các bạn gái ca sĩ học sinh được vào hang Thạch Động để ca hát giúp vui trên đó.

Vào thời đó, trên Thạch Động có một đơn vị Địa Phương Quân đóng ngay trong Thạch Động, đơn vị nầy do một trung úy (sau nầy ông thăng lên Đại úy) tên là Hoàng chỉ huy. Trung úy Hoàng vào thời đó rất là nỗi tiếng vì ông rất đẹp trai và rất phóng khoáng với tư cách rất trẻ trung. Thường xuyên trung úy Hoàng thường dùng xe nhà binh Dog 4×4 chở rất nhiều quân lính bộ hạ đi vài vòng từ Thạch Động qua Mũi Nai để dạo chơi. Thời đó có một anh là em trai của trung úy Hoàng tuy không phải là binh lính nhưng cũng theo ông ở ngay trong Thạch Động, anh chàng nầy cũng thường đi xe dạo chơi như thế. Nếu mình nhớ không lầm thì trong một chuyến đi chơi bằng xe Dog 4×4 từ Thạch Động chạy đường Bà Lý qua Mũi Nai như vậy có người đàn anh gốc Hà Tiên, lúc đó mang cấp trung sĩ tên là Đường Hùng Việt (con của bác Hai Lù Đường Văn Từ chạy xe Lam nhà ở đường Lam Sơn), anh Việt đã bị phục kích và đã hy sinh trong một chuyến đi như thế, vì ngày xưa các con đường ra Mũi Nai khu Bà Lý, hay khu Núi Đèn rất nguy hiểm không có an ninh như bây giờ… Kỷ niệm nầy mình có kể với nhiều chi tiết trong bài « Chuyện té xe Honda tại Thạch Động, Hà Tiên (Trần Văn Mãnh) » các bạn có thể bấm vào đường link nầy để đọc bài thêm.

Lần về thăm nhà Hà Tiên vào tháng sáu năm 2012, mình có gặp lại người bạn thân Nguyễn Đình Nguyên thời xưa đi chơi chung với nhau, hai dứa đi chơi ở Thạch Động,..Nguyên có nói với mình: » Lần sau về mầy sẽ thấy tao có thể đi tu ở ngay trong chùa Thạch Động nầy… »  (vì là bạn thân nên mình và Nguyên thường xưng hô mầy tao…). Tự dưng mình nghĩ thấy cuộc đời sao nhẹ nhàng và không có gì phải vướng bận cả, cuộc đời người như một quán trọ, người đến rồi đi, kẻ ở trước vài đêm rồi sáng lại đi, người mới đến cho qua đêm vài hôm, kẻ sẽ đến quán trọ và rồi cũng sẽ rời quán ra đi…kẻ trước người sau…Biết bao nhiêu người bạn thân thời chơi nhạc Hà Tiên đã ra đi: Nguyễn Ngọc Thanh, Lý Mạnh Thường, Lê Công Hưởng, Lý Cui, Tống Châu Thành, ….Hà Tiên của mình đã xa dần và mất mát nhiều quá,…Sông Giang Thành đã mất đi chiều ngang khá nhiều, cát đen Mũi Nai cũng đã bị đào xới phủ lên cát mới trắng trẻo,…Đôi bờ ao sen cũng đã bị nền xi măng vây kín, ngôi chùa gỗ Tiên Sơn Tự cũng dần dần được phủ lên nền gạch đá rắn chắc và cổng vào chùa cũng được sơn phết điểm tô màu sắc,…còn đâu nét đẹp thiên nhiên ngàn năm cổ kính của một thời mà hồn đất Hà Tiên hòa nhập với cây xanh, bóng mát và không gian trầm lặng một Thạch Động yên nghỉ nhìn về hướng chợ Hà Tiên…

Paris, Trần Văn Mãnh, viết xong ngày 02/05/2020

Một bức hình có thể xem như là xưa nhất về Thạch Động (Bonnet à poils) do người Pháp chụp năm 1900, hình rửa theo giấy Citrate

Thạch Động (Bonnet à poils) do người Pháp chụp năm 1901. Hình rửa theo giấy Citrate

Quang cảnh Thạch Động in trên bưu ảnh do người Pháp phát hành. ta thấy cửa vào Thạch Động và có hai vị hòa thượng đứng trước cửa. Dưới bưu ảnh có ghi hàng chữ: « COCHINCHINE – Hatien- Le bonnet à poils. Entrée de la Bonzerie à l’intérieur du rocher » (Lối vào chùa bên trong hòn đá)

Quang cảnh Thạch Động trong bưu ảnh do người Pháp phát hành năm 1926 (Nadal). Dưới bưu ảnh có ghi: « HATIEN – Bonnet à poils. Chemin dans les grottes, 3 km 500 du chef-lieu » (Mũ lông – Lối đi trong hang động, cách thị trấn 3 cây số rưởi)

Hình cửa vào Thạch Động do hảng chocolats SUCHARD của người Pháp in trong tập hình sưu tầm.

Hình Thạch Động do người Pháp chụp khoảng trước năm 1931 (Nadal)

Hình Thạch Động (mặt tây) do người Pháp chụp khoảng trước năm 1931 (Nadal)

Quang cảnh Thạch Động hình chụp năm 1956. (TuanVo)

Thạch nhũ trước Thạch Động có hình như mỏ đại bàng. Hình chụp năm 1959. (TuanVo)

Quang cảnh Thạch Động mặt tây, ở mặt nầy ta thấy hình mặt người ta bằng đá trên sườn núi. (BronsonHa)Trước cổng vào Thạch Động, chùa Tiên Sơn Tự năm 1994. (TVM)Quang cảnh Thạch Động mặt tây, ở mặt nầy ta thấy hình mặt người ta bằng đá trên sườn núi. (BuiVanTam, năm 2004)

Quang cảnh Thạch Động (mặt đông nam). (Herman Hermanson, năm 2006)

Trước cổng vào Thạch Động, chùa Tiên Sơn Tự năm 2008. (TuấnMinh)

Quang cảnh Thạch Động mặt tây, ở mặt nầy ta thấy hình mặt người ta bằng đá trên sườn núi. (2017)

Quang cảnh Thạch Động mặt tây, ở mặt nầy ta thấy hình mặt người ta bằng đá trên sườn núi. (PhamKhang, năm 2018)

Quang cảnh Thạch Động mặt đông nam. (PhamKhang, năm 2018)

 

 

Thầy Nguyễn Văn Tiêu

 

Thầy Nguyễn Văn Tiêu.

Trước tiên tôi xin cảm ơn ý tưởng quá xá hay (chứ không còn là “rất hay”) của một cựu học sinh Trung học Hà Tiên – Mr. Trần Văn Mãnh, ông đã mở trang một Blog về ngôi trường trung học mà khi tất cả chúng ta trải qua đều cảm nhận rằng đó là thời gian đẹp nhất, thời gian đáng nhớ nhất của một đời người, tuy dài theo tiếng đếm của nhịp đồng hồ nhưng rất ngắn với kiếp nhân sinh… Đó là thời gian mà chúng ta “mở mắt” với  cuộc đời  một cách “bài bản” được hướng dẫn và dìu dắt bởi những nhà sư phạm chuyên nghiệp, là các nhà khoa học mà chúng ta thân thương gọi là thầy cô (xưa nữa, đối với giao viên trung học người ta phân biệt bằng danh xưng “giáo sư” – professeur).  Đó là lúc chúng ta bước qua một không gian học tập mới, với một tinh thần mới mang tính khám phá một góc thế giới nhỏ bé với đôi mắt trong suốt và trí tuệ đang trong tình trạng “trong vắt”… Đó là lúc chúng ta không còn “mài đũng quần” theo kiểu làm theo và bắt chước thời tiểu học mà chúng ta đã trưởng thành hơn một bậc, để rồi tất cả những gì mà chúng ta được truyền đạt và hướng dẫn bởi những nhà sư phạm chuyên nghiệp đó sẽ làm hành trang cho tất cả chúng ta bước vào cuộc đời một cách tự tin hơn…

Hưởng ứng với tác giả trang Blog này “viết về các thầy cô đã từng dạy tại Trung Học Hà Tiên”,  tôi xin nhắc đến một người thầy – thầy Tiêu dạy môn Sinh Vật. Tôi không nhớ rõ đủ cả tên họ của thầy, nói ra mà không đúng thì thật là bất kính. Về điểm này xin các anh chị hay bạn bè góp ý cho tôi.

Thầy về trường trung học Hà Tiên khoảng năm 1975-1977, khi tôi vào trường niên học 1976-1977 thì đã có thầy rồi, có lẽ thầy về cùng lúc với thầy Bùi Đăng Trường (đã quá cố), cô Châu (dạy Pháp Văn), cô Vũ Thị Thêm… Tất cả các thầy cô đều được điều động từ nơi khác đến dạy tại trường của chúng ta.

Thầy  Tiêu trong ký ức của tôi là một người cao ráo, với mái tóc loăn xoăn mà mỗi khi đi ra gió thì cái mớ tóc ấy của thầy bị gió thốc tung lên, rồi một khi ngọn gió đã đi qua thì để lại “trên đỉnh phù vân” của thầy một … Cái tổ quạ!

Tôi xin dừng lại đôi chút vì tôi chợt nghĩ: “cái kiểu viết này sẽ gây sốc cho nhiều người…”, tuy nhiên xin mọi người đừng hiểu lầm rằng thế này là một sự bất kính, bởi sự kính trọng nó nằm trong tâm tưởng của một người, nó có một trọng lượng tinh thần đáng kể chứ không phải cố gồng mình thể hiện ra ngoài mà thực tâm trống rỗng… Hơn nữa, thầy cô cũng như chúng ta, cũng có những cung bậc cảm xúc, những phút giây tếu táo và những hành động bộc phát táo bạo “rất con người” mà không hề được môi trường sư phạm khuyến khích.

… Thầy đã dẫn một nhóm nhỏ lớp chúng tôi đi Thạch Động, thầy rất thích và thầy nói rằng vùng đất và con người nơi đây rất cuốn hút thầy… Sau khi đi khắp hang động tìm chàng Thạch Sanh để hỏi cách “cứu mỹ nhân” bởi thầy còn “rất độc thân”. Đương nhiên nào có Thạch Sanh? Chỉ có nàng công chúa nhỏ xíu vận tà áo dài rêu phong với mái tóc dài màu đen được tạo bởi một miếng đá vôi đậm màu hơn chút. Nàng được Thạch Sanh “dấu lộ thiên” bằng cách treo nàng lơ lửng trên hốc của một vách đá cheo leo để chẳng ai được đụng đến nàng… Quả thật việc làm của Thạch Sanh đã rất hiệu quả, đến nỗi ngày nay muốn tiếp cận nàng công chúa bé nhỏ đó, chúng ta phải dùng một cây sào dài mà chỉ gãi gãi được tà áo rêu phong của nàng mà thôi. Thầy Tiêu “rất độc thân” của tôi chỉ đứng trầm ngâm lặng lẽ lắc đầu tiếc nuối và ngao ngán…

Sau khi không thể tiếp cận nàng công chúa bé nhỏ kia, thầy cũng nhanh chóng trở về thực tại, thầy đưa lũ nhóc chúng tôi leo mấy chục bậc thang lên một cái hốc trống hoác ở rìa phía Tây của Thạch Động, rồi sau khi đến được mép của hốc đá này chúng tôi cảm thấy lạnh cả người và sống lưng vì chợt thấy rằng mình đang ở lưng chừng vách đá mà nhìn xuống con đường QL 80 với người ta nhỏ xíu bên dưới… Ở đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn hết cánh đồng Xà Xía, đường Bà Lý về Núi Đèn Mũi Nai và cả Lục Sơn bên đất Cambodge… Chợt tôi nhìn thấy thầy rùng mình và nhanh chân tụt xuống các bậc thang, mau chóng rời khỏi nơi có cái tầm mắt thu trọn cảnh vật tuyệt vời có một không hai đó một cách lãng phí, không nói không rằng thầy chỉ lên trên vòm hang, cái thứ gì làm cho thầy quá sợ? Một tảng đá to cỡ chiếc xe hơi, chắc nặng cũng chục tấn đang lơ lửng giữa không trung, nó bị kẹt giữa hai khối đá to hơn hai bên, tảng đá ấy như chực hờ rơi xuống cái đám trẻ con và một ông thầy cũng còn đang rất trẻ này…

Hôm sau vào lớp thầy đọc cho chúng tôi một đoạn thơ vì tức cảnh mà sinh tình hôm trước:

“ Hùng vỹ quá! Thạch động nơi ta đến
Thăm một lần rồi khiếp sợ bao đêm.
Nhỡ chiều nào sóng gió chẳng êm
Nó sụp đổ, hỡi đường mô ta chạy?”

Thach Đông nhìn từ QL80, cách trung tâm thị xả Hà Tiên khoảng 3 km. (Photo: Bùi Thị Đào Nguyên 2011)

Một vị trí trên Thạch Đông để ngắm toàn cảnh phía dưới. (Photo: Trần Văn Mãnh, 1994)

Toàn cảnh ruộng lúa từ trên Thạch Động nhìn xuống. (Photo: Trần Văn Mãnh 1994)

Một lối thoát « lên Trời » nhìn từ bên trong Thạch Động

… Hà Tiên trong ký ức của nhiều người trung niên và cao niên, có một nhu cầu tối cần thiết của con người mà Hà tiên của chúng ta luôn đối mặt hàng năm đó là: Nước!

Nhu cầu nước của vùng đất này luôn nhiều hơn khả năng cung cấp của tất cả những gì người ta có thể, ngày xưa họ Mạc đã cho đào ao to chứa nước, các chùa chiền đều có ao chứa nước, nhà dân có đất rộng cũng đào ao chứa nước ngọt, dùng lu hoặc xây bồn hứng triệt để nước mưa, hoặc đào thêm giếng để có nước rửa nhằm tiết kiệm nước ngọt để nấu ăn và nấu nước uống… (Tuy nhiên, có mấy ai biết được là nấu cháo bằng nước giếng lờ lợ sẽ rất ngon và rất béo…)

Hàng ngày người ta phải lên Ao Sen lấy nước, ba cái ao đó không bao giờ đủ cho nhu cầu của người Hà Tiên dù chính quyền xa xưa đã tăng từ một ao lên đến ba như ngày nay… Mùa hạn, cả ba ao đều cạn khô, người ta phải vét nước moi đầy bùn sét từ đáy ao bằng cách đào lỗ chỗ các miệng giếng nhỏ, nhìn đáy ao như vừa qua một trận bom rải thảm thu nhỏ… Các ao nhà dân và ao chùa cũng cạn, người ta phải đi xa hơn để lấy nước trên Giếng Tượng núi Tam Phu Nhơn, hay các giếng khoan “vùng đất linh hồn” núi Đề Liêm mà không một ai nghĩ tới nước giếng khoan đó ngấm cả những phần tử hửu cơ được phân hủy từ nghĩa trang bao đời ngay đó… Rồi sau khi hết tất cả nước của xứ sở giàu tình mà nghèo nước này thì… Ghe nước về.

Ghe nước mang nước từ dòng Vĩnh Tế, là nước ngọt của dòng Bassac của Campuchia chia xẻ cho chúng ta khi trôi về hạ nguồn, nơi ấy nước mặn không xâm nhập, ghe thương hồ thay vì đi chở hàng, nay vì nhu cầu nước của xứ Hà Tiên nên họ đã cải tạo chiếc ghe chút ít để khả dĩ chứa được nước ngọt bơm thẳng vào lòng ghe chứ không chứa đựng vào đâu cả… Nước ghe về thì bến Đông Hồ vui như hội, hàng trăm chiếc xe cây chở nước (bằng thùng phuy hay thùng tôn hàn) xếp dài dọc theo con đường cập theo đó, hết chiếc này được bơm đầy nước sông trắng bạc thì lần lượt đến chiếc khác, “văn hóa xếp hàng” được tôn trọng tuyệt đối nơi đây…

Thầy Tiêu cũng phải tự đi lấy nước và phải xếp hàng trong đó dù ông là … Thầy.

Trải qua mùa hạn đầu tiên của năm 1976-1977 thầy đã thật sự ngao ngán mà thốt lên rằng”

… “Hà Tiên ơi! Cỏ cháy!
Hà Tiên ơi! Người khô.
Ta ngồi đây im lặng
Nhìn mặt nước Đông Hồ
Xót xa…Toàn nước mặn!”

Thầy không ở Hà Tiên đủ lâu để hiểu là người Hà tiên không hề khô, và biết đâu có thể con người của xứ sở này sẽ xoá cái thế “rất độc thân” của thầy mà không có một đòi hỏi gì khác ngoài chuyện – phải yêu xứ sở đó! Và có lẻ, thầy Tiêu còn nhiều thơ về Hà Tiên nữa vì thầy thích làm thơ và có khả năng “xuất khẩu thành thơ”, tuy nhiên tôi đã không còn nhớ…

Ao Sen trước Lăng Mạc Cửu mùa nước lớn (Photo: Ngọc Viên)

Ao Sen trước Lăng Mạc Cửu mùa nước cạn. (Photo: Trần Văn Mãnh, 1994)

Nay tôi không biết thầy đang sống nơi đâu, vì năm 1977 Hà tiên bị Khmer đỏ đánh ác liệt, các thầy cô sơ tán, một số thầy cô đã thuyên chuyển đi và không bao giờ quay lại, trong đó có thầy Tiêu.

Tôi cũng mong muốn rằng nhờ Blog này giúp sức, chúng ta sẽ lan tỏa thông tin để tìm kiếm lại những thầy cô bạn bè và đã từng đến gắn với ngôi trường Trung học Hà Tiên, để cùng ôn lại những kỷ niệm thời cắp sách đến trường, để chúng ta còn lưu được những điều đẹp đẽ nhất.

TruongMinhQuangNguyen_1Quang Nguyên (Việt Nam)

10/2017

 

 

 

 

 

Hình ảnh: Trần Văn Mãnh, Trương Minh Quang Nguyên

Tái bút:

Cô Lâm Ngọc Mai chị của bạn Lâm Thị Lan cho chúng ta biết là thầy tên nguyên họ là Nguyễn Văn Tiêu và môn thầy dạy là môn Sinh Vật. Xin cám ơn cô Mai và bạn Lan nhiều. (dỉ nhiên là một người thầy trên bậc Trung Học có thể dạy nhiều môn khác nhau tùy theo tình hình thiếu giáo sư trong trường nên có thể là thầy Nguyễn Văn Tiêu ngoài môn Sinh Vật, còn dạy môn Địa Lý cho lớp của bạn Quang Nguyên (tác giả bài viết trên)

Bạn Hồ Anh Dũng có thông tin cho biết thêm là thầy Nguyễn Văn Tiêu về dạy trường TRung Học Hà Tiên trước năm 1975, cô Nguyễn Thị Bình dạy môn Anh văn tại Trung Học Hà Tiên (niên khóa 1974-1975) là vợ của Thầy Tiêu lúc đó..

Cô Võ Kim Loan có thông tin thêm là hiện thầy Nguyễn Văn Tiêu định cư ở Sydney Úc Châu, thầy Tiêu có thông tin tìm người quen trên mạng (Blog Tha Hương, thầy trò trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá), địa chỉ e-Mail của Thầy Tiêu như sau:

tuannguyenaus1@yahoo.com.au

Thông tin tìm người quen của thầy Nguyễn Văn Tiêu đăng trên Blog Tha Hương (thầy trò trường Nguyễn Trung Trực Rạch Giá)