Một bác sĩ người Pháp rất tận tâm từng phục vụ tại Hà Tiên

Một bác sĩ người Pháp rất tận tâm từng phục vụ tại Hà Tiên

A/ Thầy cô và các bạn thân mến, trong phần viết về nguồn gốc chùa Tam Bảo ở Hà Tiên (1), thầy Trương Minh Đạt có nhắc đến giai đoạn Hòa Thượng Hồng Chức Phước Ân đời Lâm Tế thứ 40 đang trụ trì chùa và có khởi công xây dựng lại chùa từ năm 1920 đến năm 1930 thì hoàn thành. Trong thời gian nầy Hòa Thượng có mời một vị bác sĩ người Pháp rất thông hiểu giáo lý nhà Phật, tên là Isnard đến ở trong căn nhà mới xây bên trái chùa, đó là một căn nhà mới, kiểu tân thời, sau nầy dùng làm hậu liêu của quý sư trụ trì chùa. Thuở còn nhỏ khi theo Bà ngoại đến chùa hàng năm, mình cũng có thấy căn nhà gạch nầy. Vậy bác sĩ Isnard là ai, một người Pháp đang ở Hà Tiên và có làm việc gì ở đây hay không ?

Theo các văn bản còn lưu lại ở Thư Viện Quốc Gia nước Pháp, có một đoạn ghi rỏ như sau :

«Province de Ha-tien
Isnard (Edmond), médecin de 1re classe de l’Assistance, chef de service. ;
Nguyên-van-Ha, médecin auxiliaire de 5e classe à Ha-Tiên ;
Sept infirmiers indigènes de l’Assistance ;
Quatre sages-femmes indigènes de l’Assistance».
Tỉnh Hà Tiên
Các ông : Edmond Isnard : Bác sĩ hạng nhất, giám đốc sở Y Tế ;
Nguyễn Văn Hà, bác sĩ phụ tá hạng 5 ở Hà Tiên ;
Bảy y tá người bản xứ của Sở Y Tế ;
Bốn nữ Hộ Sinh người bản xứ của Sở Y Tế.

Vậy bác sĩ Edmond Isnard chính là một vị bác sĩ làm việc ở tỉnh Hà Tiên với chức vụ giám đốc sở Y Tế và thời gian làm việc của ông ở Hà Tiên là khoảng vài năm trong thập niên 20 (có thể là 1925 – 1929).

Bác sĩ Edmond Isnard sinh ngày 9 tháng 2 năm 1869 tại làng Riez, thuộc Basses-Alpes, nay là vùng Province-Alpes-Côte d’Azur, Pháp. Ông theo học ngành Y khoa tại trường Đại Học Y Dược tỉnh Lyon và đệ trình luận án tiến sĩ Y khoa của ông tại trường nầy với đề tài « Névroses traumatiques chez l’enfant » (Bệnh đau thần kinh ở trẻ em) vào ngày 28/04/1894. Có rất ít tài liệu nói về tiểu sử cuộc đời ông, ngày nay, nhờ một số trang trong các quyển niên giám tổng quát về Đông Dương trong những năm 1916 đến 1925 ta có thể biết được các hoạt động của bác sĩ Isnard tại Đông Dương : Ông tham gia vào bộ máy hành chánh của Pháp ở Đông Dương từ ngày 20 tháng giêng năm 1903 với thứ bậc là bác sĩ hạng 3 tại Sở Y Tế tỉnh Rạch Giá, sau đó một thời gian ngắn cùng năm, ông được thăng bậc bác sĩ hạng 2  và cho đến năm 1920 ông được được thăng bậc bác sĩ hạng nhất và vẫn làm việc tại Rạch Giá. Đến năm 1925 bác sĩ Isnard chuyển đến sở Y Tế tỉnh Hà Tiên và làm giám đốc ở đây. Nhân viên của ông gồm có 6 người y tá và một người trợ tá, 4 nữ hộ sinh được phân phối mỗi người ở một đơn vị : Phú Quốc, sở lỵ Hà Tiên, Hòn Chong và Giang Thành.

Trong thời gian vài năm phục vụ tại Hà Tiên, Bác sĩ Isnard rất được mọi người quý mến và kính trọng, từ những nhân viên người Pháp làm việc và ngay cả người bản xứ vùng Hà Tiên. Ông rất tận tụy, yêu nghề, và cống hiến sức lực, tinh thần cho việc làm của ông luôn được tốt đẹp và thành công. Bác sĩ Isnard vẫn là một con người độc thân, sống rất đơn giản, ông giảm thiểu mọi việc tiêu xài trong cuộc sống để có một lối sống rất bình dị. Ông tham khảo sách vở viết về Đông Phương, nghiên cứu Phật Giáo, thông hiểu giáo lý nhà Phật. Chính Hòa thượng Hồng Chức Phước Ân trụ trì chùa Tam Bảo đã mời bác sĩ Isnard đến ở trong chùa trong thời gian từ năm 1925 đến năm 1929.

Bác sĩ Isnard cũng có cất một ngôi nhà xinh đẹp ở đường trên đi Hòn Chong, thuộc xã Dương Hòa, cách Hà Tiên 10 km và nơi đây chính là nơi ông nghỉ mát, suy tư, chiêm nghiệm để viết sách trong những ngày nghỉ việc của ông. Ông đã hoàn thành nhiều quyển sách về triết học Đông Phương và triết lý nhà Phật và có cho xuất bản sách tại Sài Gòn.

Vào buổi trưa ngày 14 tháng tư năm 1929, một thảm kịch đã ụp xuống cuộc đời luôn tận tụy cho tha nhân của bác sĩ Isnard : Sau khi từ Hà Tiên về căn biệt thự trên đường đi Hòn Chong để nghỉ ngơi, buổi ăn trưa xong xuôi, bác sĩ cho phép người nhà thong thả về các căn nhà phụ gần đó để ông được một mình ngồi suy tư nhìn ra bờ biển trước mặt…Căn nhà mở tung các cánh cửa đón gió biển…Không ngờ có một tên cướp bản địa lén vào, người ta không biết là do động cơ gì : trả thù bác sĩ hay muốn cướp tiền ? (Không một ai dù là người Pháp hay người bản xứ lại thù ghét một người bác sĩ có lương tâm như ông, và ông cũng chẳng có tiền bạc quý giá gì trong căn nhà nầy !!??) Tên cướp nầy đã dùng một con dao loại dao lớn đốn cây rừng và đã gây ra nhiều vết thương trầm trọng trên mặt bác sĩ…Ông không kêu lên được tiếng nào, khi người nhà chạy đến tiếp cứu thì tên cướp đã chạy mất và thấy bác sĩ Isnard đang nằm trên vũng máu.

Lập tức người ta chuyển bác sĩ Isnard lên nhà thương Hà Tiên, các đồng nghiệp cố gắng trị cho ông, nhưng trong đêm 14 rạng ngày 15 tháng tư năm 1929, bác sĩ Isnard đã trút hơi thở cuối cùng vì các vết thương trên mặt quá nặng…

Thế là chấm dứt một cuộc đời rất đơn giản của một bác sĩ người Pháp luôn phục vụ tận tụy nhân viên, quan chức và ngay cả người bản xứ ở tỉnh Hà Tiên,…Thật là đáng tiếc cho một người tốt đẹp như ông lại bị một cái chết rất thảm hại và vô lý như vậy…

Bác sĩ Isnard còn đang viết một quyển sách chưa hoàn thành về các giá trị tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa, thì ông lại bị ám sát như vậy.

Theo tin tức các tờ báo tiếng Pháp đăng nguồn tin về việc ám sát bác sĩ Isnard trong ngày 14 tháng tư năm 1929, phát hành mấy ngày sau đó, người ta còn biết thêm là buổi sáng ngày 14 tháng 4 hôm đó, đã có một nhóm người chận đường cướp tiền của hành khách trên chuyến xe thư đang chạy về Hà Tiên. Người ta tự hỏi có phải một trong những tên cướp nầy vào buổi trưa đó đã vào nhà bác sĩ Isnard và ám hại ông ?

B/ Sau đây là nội dung tóm tắt bản tin về vụ ám sát bác sĩ Isnard đăng trên tờ báo tiếng Pháp « Người thực dân Pháp » (Le Colon Français) số 491 ra ngày thứ ba 23 tháng 4 năm 1929, theo bản tin nầy chúng ta được biết thêm về con người luôn tận tâm của bác sĩ Edmond Isnard :

« Bác sĩ Isnard, Giám đốc Y tế của tỉnh Hà Tiên, đã bị tấn công vào ngày 14 tháng 4 khi đang ngủ trưa, trong nhà nghỉ của ông cách Hà Tiên 10 km về phía nam và bị thương nặng ở đầu do nhiều nhát dao chém. Bác sĩ Isnard không qua khỏi được vì các vết thương nặng của mình và chết vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 mà không thể cho biết được một chi tiết nào về cuộc tấn công và nguyên nhân của vụ nầy. Hiến binh Rouet, từ trạm Hà Tiên, đến xem xét sự việc trước nhất nhưng chưa đưa ra một kết luận nào.

 … Bác sĩ Isnard sống một mình trong biệt thự của ông nằm trên đường đi Hòn Chong, một địa điểm đẹp như tranh vẽ bên bờ vịnh Xiêm. « Chúng tôi đang phân vân trong các phỏng đoán về động cơ của vụ ám sát này và chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin chính xác nào về tên tội phạm ». Tờ báo viết.

Đây có phải là hành động cô lập của các tên cướp hải tặc xâm nhập khu vực?

Kể từ sáng nay, các ông Bresey, quản lý tỉnh và Roué, ủy viên cảnh sát, đã có mặt tại hiện trường vụ án cùng với các nhân viên dưới quyền của họ để cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn này. Dự kiến ​​sẽ có văn phòng công tố Châu Đốc và cảnh sát cơ động.

… Người quá cố rất được mọi người trong tỉnh kính trọng, nơi mà những cống hiến của bác sĩ đều được người châu Âu và người bản địa biết đến. Bác sĩ sống độc thân và trong những năm gần đây đã chuyển sang Phật giáo…. .

Một đội an ninh, theo lệnh của ông Catalan, thanh tra chính, đến Hà Tiên để điều tra sự việc bác sĩ Isnard bị giết chết. Trong giới chính quyền dường như có một nỗ lực chỉ ra rằng động cơ gây ra tội ác là trộm cắp. Ông Georges Mignon, trên tờ báo « Không thiên vị » (L’Impartial) (2), đã đăng bài viết sau đây về bác sĩ ISNARD:

«Không vướng bận các mối quan tâm về vật chất, giảm lối sống của mình xuống mức cực kỳ đơn giản, ông chỉ nghĩ đến việc xác định trong các bài viết của mình những giá trị tinh thần mà người ta có thể rút ra từ kinh nghiệm Á Châu.

Trong thời gian tôi gặp bác sĩ Isnard ở Hà Tiên, ông đã khai triển cho tôi những kết quả thiết yếu của triết học tổng quát mà ông đã đạt tới, đồng thời đưa tôi đến thăm các địa điểm và chùa chiền của vùng đất nước êm dịu này mà ông yêu thích và được ông xem là một trong những nơi quyến rũ nhất của miền Nam Đông Dương. Ông đã xuất bản vào thời điểm đó do nhà xuất bản Jouve ở Paris, một tập thơ: « Aux Écoutes du Divin » (Lắng nghe điều thiêng liêng) với một niềm cảm hứng rất riêng biệt. Ông vừa xuất bản một bài tiểu luận cô đọng những kết luận siêu hình chính của mình với tựa đề: « La conception idéaliste de l’univers organisme et les théories de la relativité » (Quan niệm duy tâm về vũ trụ sinh vật và các thuyết tương đối).

Tôi đã nói ra với Isnard rằng tác phẩm nầy khó đọc, chỉ các chuyên gia mới có thể tiếp cận, chỉ chạm vào một số lượng nhỏ người đọc và rằng những ý tưởng như vậy xứng đáng được đưa ra công chúng dưới một hình thức cụ thể hơn, chẳng hạn như được nói đến trong một buổi trình bày các học thuyết triết học chính của Châu Á. Ông đã đồng ý và sáng tác những tác phẩm thuộc loại này, và chính nhờ lời mời này mà hai cuốn sách được viết và rất được quan tâm (đặc biệt là cuốn thứ hai): « L’esquisse des principales sectes du Bouddhisme » (Sơ lược về các bộ phái chính của Phật giáo) và « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc)

Trong thời gian gần đây, bác sĩ Isnard đã nghĩ đến việc làm cho học thuyết của mình trở nên dễ hiểu hơn nữa bằng cách phát triển nó trong một loại tiểu thuyết mà ông đặt tên tựa là «Cô-Hai religieuse bouddhiste» (Cô-Hai, nữ tín đồ Phật Giáo). Cuối cùng ông đang chuẩn bị một cuốn sách tuyệt vời về các giá trị tinh thần của Phật giáo Đại thừa, thì ông bị ám sát.

Bác sĩ Isnard là một người hay lo lắng, một tâm hồn bận tâm về sự tuyệt đối và luôn không vừa ý với chính mình. Thật an ủi khi nghĩ rằng vẫn còn những người như vậy ở đây đó và rằng với số người ít ỏi này cũng đủ cho sự cân bằng tuyệt vời của các giá trị đạo đức để đóng vai trò là một đối trọng với nhóm những kẻ tự mãn, không quan tâm mà đầu óc thông minh, nghệ thuật không bao giờ làm việc…

Từ nhiều tháng nay, bác sĩ Isnard đã bị ám ảnh bởi ý tưởng về cái chết. Ông đã viết cho tôi vào ngày 5 tháng Giêng: « Tôi không biết tại sao, nhưng tôi cảm thấy mình không còn nhiều thời gian để sống … ». Ông có cảm thấy bị ám ảnh bởi một số phận bi thảm không? Có lẽ. Nói chung, ông bị cuốn hút một cách kỳ lạ với vùng đất Hòn Chong này, nơi ông có một biệt thự nhỏ được xây cho riêng mình và là nơi ông đến để trải qua những ngày nghỉ của mình. Ông mô tả về đất nước này với tôi như sau vào ngày 19 tháng 3 năm ngoái (1928): “Ở đây có Hòn Chong, một bãi biển tuyệt vời dài hơn 30 km mà người Sài Gòn chưa biết đến nhiều: một Côte d’Azur của Nam Kỳ. Bạn nhất định phải đến và khám phá cùng với bạn bè của mình… ”. Điểm thu hút kỳ lạ của một vùng đất mà ông sẽ bị giết chết tại nơi đó.

Hiện trường kinh hoàng được dựng lại một cách dễ dàng : Bác sĩ Isnard vừa mới đến biệt thự của ông vào cuối tuần. Ở một mình và thiền định trong buổi ngủ trưa, ông cho người nhà của mình đi ngay sau bữa ăn trưa. Ông đang nằm trên một chiếc ghế bành. Tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều mở rộng. Qua các khoảng trống đó, bác sĩ Isnard chiêm ngưỡng con vịnh tuyệt đẹp, với những hòn đảo nhỏ kỳ lạ, có vẻ giống như một phong cảnh của Nhật Bản. Bên cạnh đó, ngôi nhà luôn rộng mở cho tất cả mọi người: bác sĩ không có tiền hoặc có rất ít và người bản xứ nào dám lấy trộm bất cứ thứ gì trong nhà của người mà tất cả mọi người yêu quý và kính trọng? Do đó, không cần đề phòng bọn tội phạm, những người làm trong nhà ông đang ở trong những ngôi nhà phụ xa căn nhà chính. Và ngôi nhà chính đang ở trong sự cô quạnh tuyệt đối.

Tên sát thủ vô danh nhận thức được những điều kiện này. Động cơ nào thúc đẩy tên nầy? Có vẻ như là một sự trả thù, nhưng trả thù nào đối với một người bao giờ cũng chỉ làm bất cứ điều gì tốt với người bản địa? Không ai biết được vì sao. Kẻ thủ ác trang bị một cây dao loại dao đốn cây rừng. Bác sĩ Isnard không nghe thấy tiếng sột soạt của đôi chân trần, ông không kêu lên được tiếng nào cho đến khi cây dao đã gây cho ông vết thương khủng khiếp mà chúng ta biết, cắt mũi và rạch mặt từ trên xuống dưới. Những người làm trong nhà chạy lên thì thấy bác sĩ đang tắm trong vũng máu. Sát thủ biến mất. Bác sĩ bị thương được nhanh chóng chở đến Hà Tiên, ông vẫn giữ được vẻ vui tươi đáng kinh ngạc. Nhưng máu ra quá nhiều. Người đồng nghiệp tận tụy của bác sĩ Isnard đã vội vàng chạy tới, cố gắng cứu ông một cách tuyệt vọng. Bác sĩ Isnard chết sau đó vài giờ. Người đàn ông có lương tâm và trái tim rộng mở, người đã làm thơ viết về Thần Chết như sau (3):

Trong một thời gian dài, tôi đã đưa người ra ngoài trái đất,
Hỡi tâm hồn hoang dã, dịu dàng hơn cả nhân bản của tôi,
Hồn đi trước mặt tôi trong ngọn lửa bí ẩn
Nơi tôi gợi lên chủ quyền vĩnh cửu của mình, …

Những lời nói dối của tôi
Sẽ sớm tan biến trong dư âm của một tiếng ồn vô ích,
Và lằn ranh sống vạch ra mà con người tôi bị cô lập trong đó,
Sẽ đến lượt ra đi một cách bối rối trong đêm tối .

Và mệt mỏi vì khao khát được sống cứ theo đuổi,
Con người với chu kỳ dai dẳng từ đau khổ đến đau khổ
Để tuôn chảy tiếng nói của Trời vốn đã quyến rũ tôi.
Riêng tôi, tôi sẽ đóng những cánh cửa im lặng.
* **

Dư luận cho chúng ta biết rằng vào cùng ngày bác sĩ Isnard bị ám sát, trong khi chuyến xe thư Hà Tiên đang chạy về Hà Tiên, với nhiều người hành khách trên xe thì đột nhiên, từ những bụi cây giáp bên đường, bảy người xuất hiện trang bị hai khẩu súng trường và hai khẩu súng lục. Bọn người này ném những tấm ván lớn ra giữa đường khiến tài xế phải dừng lại. Chĩa vũ khí vào xe, bọn chúng ra lệnh cho những người ngồi trong xe ra ngoài để chúng khám xét, xong việc chúng cho xe tiếp tục lên đường. Ngay sau khi các nhà chức trách ở Hà Tiên biết được sự việc, một cuộc tìm kiếm đã được tổ chức. Đơn vị cơ động của Châu Đốc đã được thông báo. Một số hành khách sống trong làng đã nhận ra trong số những tên cướp có tên đã hoạt động trong làng của họ. Chắc chắn lúc đó bọn cướp có mang theo khẩu súng trường mà chúng đã lấy của một người ở Bình-Trị.

Các cuộc tìm kiếm được tổ chức với người trong làng, dân quân và an ninh, vẫn tiếp tục. Người ta tự hỏi liệu bọn này có phải là kẻ mà vài giờ sau đó, đã tấn công bác sĩ Isnard và sát hại ông hay không, trong những hoàn cảnh khủng khiếp mà chúng tôi đã viết ở trên ».

(Đến đây là hết phần tóm lược bài báo đăng trên tờ « Người thực dân Pháp » (Le Colon Français) số 491 ra ngày thứ ba 23 tháng 4 năm 1929).

C/ Trong tờ báo « L’ Echo annamite » (Tiếng vọng An Nam) do Võ Văn Thơm làm giám đốc, số ra ngày 18/12/1924 tại Sài Gòn, có một bài viết bằng tiếng Pháp về khía cạnh tâm linh của bác sĩ Edmond Isnard và ca ngợi ông là một con người tốt, nội dung bài báo như sau:

« Một nhà tâm linh và là một con người tốt

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện, trong số ra tháng 11 của nguyệt san về tinh thần học (Revue Spirite), một thư mục ghi chú về tập thơ của bác sĩ Edmond Isnard, bác sĩ ngành y tế ở Rạch Giá. Dưới đây là những lời khen ngợi về tác phẩm có tựa đề « Lắng nghe điều thiêng liêng » đã được giới thiệu với công chúng:

Bác sĩ Edmond Isnard, bác sĩ hạng nhất ngành y tế ở Đông Dương, và là nhà tâm linh học, đã có ý tưởng tuyệt vời khi tập hợp lại thành một tập thơ được nhà xuất bản Jouve trình bày rất hay, những bài thơ mà tên tập thơ được đặt rất có ý nghĩa: « Lắng nghe điều thiêng liêng ». Tác phẩm được chia thành nhiều nhóm, nơi những thôi thúc của một chủ nghĩa tâm linh tinh tế xen kẽ với cảm hứng của một nhà thơ, dưới con mắt của mình, giữ được phép thuật sáng chói và xáo động của miền Viễn Đông, thiên đường của những thần thoại, truyền thuyết, và cũng là cái nôi của những sự thật trang trọng. Các nhà Hán học sẽ thích những bài thơ như Kouan-Yin (Bồ Tát Quan Âm); các nghệ sĩ sẽ nếm tác phẩm Le paradis des Colombes (Thiên đường của chim Bồ Câu). Các nhà tâm linh sẽ chỉ phải lựa chọn trong số rất nhiều tác phẩm mà lý tưởng của họ được tôn vinh dưới hình thức quyến rũ nhất, trong một câu thơ uyển chuyển và di động, với những câu ca dao luôn vui vẻ. Đoạn thơ  của bài La Prière (Lời cầu nguyện) sẽ minh họa lời bình luận quá ngắn gọn này về tác phẩm giá trị cao là tập thơ đã nói trên (4):

Hỡi Trời cao, vị thần của hòa bình, tình yêu và sự hòa hợp,
Tôi ngưỡng mộ ngài, trong sâu thẳm của thiên đường với trật tự ẩn kín,
Và sự thống nhất bí mật nơi tất cả sự sống lặn xuống,
Lòng cha mềm mại mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu nay.

 Dây chuyền chúng sinh giờ đây đã bị rời rạc,
Nước trời cạn và cây khô héo,
A! ngừng mòn mỏi trên trái đất bị uốn cong,
Thăng lên, Tình yêu, đi lên nguồn vô tận của ngài.

Chỉ có Trời xứng đáng mãi mãi làm khơi dậy một trái tim trong sáng,
Làm cho tôi trở nên luôn khiêm tốn và luôn mờ mịt hơn,
Chỉ có yêu mới có đau khổ.

Mong rằng lời phàn nàn của tôi với ngài sẽ nổi lên như một dòng chữ chắc chắn,
Và hãy để mỗi nỗi đau mở rộng khung cảnh,
Tôi sẽ đi về đâu để đánh mất mình trong bản thể vĩnh hằng.

Chúng tôi biết rằng bác sĩ Isnard, người đã nhiều năm phụ trách bệnh viện tỉnh Rạch Giá, nơi ông được bao bọc bởi sự đồng cảm kính trọng của người bản xứ, là một người có tấm lòng vàng, người đã làm rất nhiều điều tốt cho tha nhân. Người ta cho rằng lòng tốt của ông nảy sinh từ niềm tin tôn giáo của mình và rằng, sống như một người khổ hạnh, ông đã thêm vào lợi ích của khoa học những kho báu của một tổ chức từ thiện lúc nào cũng muốn cho ra không tiếc rẻ.

Như vậy bác sĩ Isnard tiết lộ về bản thân mình, qua dáng một nhà thơ tinh tế, dưới vẻ ngoài bất ngờ là một bác sĩ, thực sự là một nhà tâm linh hoàn toàn. Không nghi ngờ gì nữa, trong niềm tin và học thuyết triết học của mình, bác sĩ Isnard đã tìm thấy hương vị và những lý do để trở nên con người tốt.

Ô hô! nếu có nhiều người « văn minh » như thế! Giữa chúng ta, người Pháp và người An Nam sẽ hòa hợp, và thương yêu nhau bao nhiêu ! Chao ôi!

Chúng ta đã nghe nhiều hơn một người Pháp từng nói rằng bác sĩ  Isnard bị điên hoặc ít nhất là hơi « điên ». »

Đến đây chấm dứt nội dung bài viết đăng trên tờ báo « Tiếng vọng An Nam », số ra ngày 18/12/1924 tại Sài Gòn.

D/ Bài viết « Một số chi tiết về vụ ám sát bác sĩ Isnard » đăng trên báo « Avenir du Tonkin », (Tương lai của Bắc Kỳ) số 9911, ra ngày 30/4/1929.

« Mọi người biết rằng bác sĩ Isnard, như thường lệ, đã đến nghỉ cuối tuần ngày 14 tháng 4 tại nhà nghỉ mát của ông ở Dương Hòa, cách đường đi Hòn Chong một đoạn và cách Hà Tiên khoảng 12 km. Ông đến vào khoảng 9 giờ sáng, sau đó đi một đoạn khoảng 800 m đến một ngôi chùa (5) để xách giỏ cây cà chua cho nhà sư, rồi trở về ăn trưa vào khoảng 11 giờ và ngủ trưa trước cửa sổ và cửa ra vào, mình để trần theo phong cách của những người địa phương..

Khoảng 13 g 15, chú Can, người làm vườn, đang dọn dẹp hàng rào trong khuôn viên nhà, nghe thấy một tiếng gọi yếu ớt. Anh chạy đến chỗ chủ nhân của mình, thì thấy ông đang ngồi trên giường, giữa vũng máu, một tay ôm cái miệng bị cắt xén của mình. Trên thực tế, bác sĩ có một vết thương khủng khiếp, rất sâu, chạy từ mũi đến hàm dưới và khuôn mặt của ông gần như bị cắt đứt toàn bộ theo chiều dọc.

Người hầu trung thành ngay lập tức đi sang làng bên cạnh để tìm kiếm sự giúp đỡ và với sự giúp đỡ của một số người dân, anh đặt bác sĩ lên xe ngựa để đưa ông đến Hà Tiên. Vì bận rộn công việc, người làm vườn không hề thấy người nào vào nhà nghỉ mát, đúng là nhà có sáu cửa, tội phạm từ khu rừng gần đó hoặc từ trên đồi đi xuống đều có thể tự ý ra vào nhà bác sĩ mà không ai thấy cả.

Ngay khi mọi người đến Hà Tiên, quan chủ tỉnh đã thông báo cho ông Roué, ủy viên cảnh sát đương nhiệm, người đã nghe những lời nhân chứng đầu tiên và lập tức đến hiện trường vụ án. Trong phòng ngủ của bác sĩ, ông phát hiện ra một chiếc quạt lá lấm tấm máu và bị cắt một góc như thể nó đã ở trên mặt nạn nhân khi ông bị chém.

Một cuộc săn lùng ngay lập tức được tổ chức trên núi với sự giúp đỡ của những quan chức và cư dân, nhưng vô hiệu. Mặt khác bác sĩ lại là người rất tốt và không có kẻ thù. Mọi người chìm đắm trong các phỏng đoán về vụ việc này.

Bác sĩ Isnard không còn nói được nữa nhưng vẫn tỉnh táo. Tại bệnh viện Hà Tiên, tối hôm chúa nhật đó ông chỉ trả lời các câu hỏi bằng cách gật đầu đáp lại. Do đó, người ta biết rằng ông đã bị tấn công trong lúc ngủ mà không hề nhìn thấy kẻ ám sát mình và ông không nghi ngờ ai cả. Sau đó, vào khoảng nửa đêm, vị bác sĩ sáu mươi tuổi bất hạnh nầy đã qua đời trong vòng tay của một bác sĩ bản địa từ Kampot đến để chữa trị và chăm sóc cho ông.

Ngày hôm sau, các nhà điều tra được biết rằng một đứa trẻ khoảng mười tuổi đã nhìn thấy một người đàn ông trẻ và gầy, nước da trắng bệch, rời khỏi nhà mát của bác sĩ một ngày trước đó, vào thời điểm xảy ra vụ án, và leo lên núi chạy đi. Cùng lúc đó, quan Phủ Phẩm, đại biểu hành chánh khu đó và một số dân phòng đang tuần tra trong rừng cách nhà mát 150 m, tìm thấy trên một con đường mòn khó đi, số tiền 75 đồng và một hóa đơn đứng tên bác sĩ. Con đường mòn này kết thúc ở một con đường đất, gần nhà ông Trần Văn Thái nào đó. Quan phủ và nhóm người của ông đã khám xét ngôi nhà này và phát hiện ra một cây dao rừng và một cái quần dính đầy máu. Những người cư ngụ khai rằng cây dao này đã được sử dụng để giết cá và các vết bẩn trên quần áo là do mụt nhọt. Những đồ vật này bị thu giữ và gởi cho một phòng thí nghiệm ở Sài Gòn để phân tích máu.

Thẩm phán ở Châu Đốc và thanh tra Catelan, người đứng đầu lực lượng cảnh sát cơ động đã đến vào lúc này cùng với chín điều tra viên giỏi, những phát hiện của nhóm người của ông phủ Phẩm được tiếp tục điều tra và khai thác ngay lập tức. Thời gian biểu của các thành viên trong gia đình Trần Văn Thái là đối tượng được kiểm tra chéo cẩn thận. Tuy nhiên điều đó không hề dễ dàng, địa hình nơi đây và sự im lặng của cư dân đã tạo thành những trở ngại nghiêm trọng.

Cuối cùng, người ta đã thu thập được những giả định đặc biệt nghiêm trọng đối với một trong những người con trai của căn nhà đối tượng của sự điều tra và vào ngày 18 tháng 4, vào buổi sáng, một chiếc tàu thuộc tỉnh Hà Tiên ra khơi cùng với dân quân và cảnh sát cùng với ông phủ Phẩm. Chiếc tàu chạy cả ngày ở Vịnh Xiêm La, thẩm vấn các nhóm ngư dân mà tàu đã gặp qua và may mắn là vào buổi tối đã bắt gặp Phùng Văn Thôi (6), người được cho là thủ phạm, đang bình tĩnh giăng lưới đánh cá.

Bị cáo 23 tuổi được đưa về Hà Tiên, cơ quan công tố Châu Đốc khẩn trương đến thẩm vấn. Thôi hoàn toàn trùng khớp với mô tả của đứa trẻ và chính chiếc quần của anh ta đã dính đầy máu. Khôi bị bỏ tù bất chấp những lời phủ nhận của anh và việc xác minh bằng chứng ngoại phạm của anh đang được tiến hành. Kiểm tra bằng phương pháp chụp X quang các vết dính vào cây dao rừng đã cho biết đó là máu người. Theo những suy luận có khả năng xảy ra nhất, hành vi trộm cắp có thể là động cơ gây ra tội ác. »

Đến đây là hết nội dung của bài báo đăng trên tờ báo nói trên.

Như vậy người ta đã bắt được tên cướp giết chết bác sĩ Isnard.

E/ Tờ báo « Avenir du Tonkin », (Tương lai của Bắc Kỳ) ra ngày 19/8/1929 có đăng tin về vụ xử án thủ phạm ám sát bác sĩ Isnard, tờ báo « Công Luận báo » ra ngày 14/8/1929 cũng có đăng tin tường thuật vụ xử án.

« Vĩnh Long, 12 tháng tám năm 1929 : Chiều ngày thứ hai , 12 tháng tám 1929, vào khoảng 3 giờ tòa án Vĩnh Long khởi sự xử vụ ám sát bác sĩ Isnard ở Hà Tiên, ông Guarrigues ngồi chánh tòa, hai ông Pilatriau và Echeyne thẩm án, quý ông Huỳnh Văn Long và Lê Quang Sung thị sự thiệt thọ, quý ông Nguyễn Văn Hanh và Trần Văn Hô, thị sự phụ. Ông Léonardi, chưởng lý. Trạng sư Mérimée bào chữa cho bị cáo là Phùng Văn Thôi. »

« Nam Kỳ, Vĩnh Long

Kẻ sát hại bác sĩ Isnard bị Tòa án Vĩnh Long tuyên án tử hình.

Kẻ sát hại bác sĩ Isnard, đã xuất hiện hôm qua trước Tòa án hình sự Vĩnh Long, bác sĩ Isnard là trưởng Viện Y Tế tỉnh Hà Tiên, đã bị dao đâm chết tại nhà nghỉ mát của ông.

Tội ác khủng khiếp này dù đã xảy ra cách đây vài tháng vào ngày 14 tháng 4 năm 1929 nhưng vẫn còn hiện hữu trong ký ức của mọi người.

Bác sĩ Isnard đang chợp mắt trong nhà nghỉ cách Hà Tiên khoảng 10 km thì khoảng 1 g 15 chiều, người làm vườn của ông nghe thấy một tiếng gọi yếu ớt. Anh chạy ngay lập tức đến chỗ người chủ của mình, thì  thấy ông bị thương nặng trên giường, ông Isnard vừa bị đánh rất nhiều vào đầu. Được chuyển đến Hà Tiên, bác sĩ Isnard chết ngay trong đêm.

Vào ngày 18 tháng 4, kẻ được cho là sát thủ, Phùng Văn Thôi, người đang đánh cá thản nhiên ở Vịnh Xiêm La, đã bị bắt. Ban đầu anh phủ nhận mình là thủ phạm của tội ác, nhưng đối mặt với những bằng chứng thuyết phục được đưa ra cho anh ta – chiếc quần và một cây dao rừng có vết máu đã được tìm thấy trong nhà anh ta – anh bắt đầu thú nhận. Thôi khai rằng chính là để ăn trộm nên hắn đã giết bác sĩ Isnard.

Thôi đã nhắc lại lời thú nhận của mình ngày hôm qua tại phiên điều trần. Trước tội ác man rợ như vậy, Léonardi, người đảm nhận ghế công tố viên, đã yêu cầu mức án tử hình. Nhiệm vụ của luật sư Mérimée người bào chữa cho Thôi thật khó khăn. Rất khéo léo, luật sư đã cố gắng cứu lấy thân chủ của mình nhưng Tòa án không thừa nhận bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào. Kết quả Phùng Văn Thôi bị kết án tử hình. »

Đến đây là hết nội dung của bài báo đăng trên tờ báo nói trên.

F/ Tuy không biết rỏ động cơ hành động về việc ám hại bác sĩ Isnard, nhưng sau đó trên một bản tin hành chánh Nam Kỳ, trang 1568, có đăng một tin liên quan đến việc bắt được thủ phạm giết chết bác sĩ Isnard như sau :

« Ngày 3 tháng 5 năm 1929, văn bằng khen chính thức đã được trao cho ông Nguyễn Văn Phẩm, phủ hạng 3 và phó quận hạng 1 Nguyễn Văn Sóc, phục vụ tại Hà Tiên, vì những hoạt động và cống hiến mà họ đã thể hiện trong việc truy lùng và bắt giữ kẻ giết bác sĩ Isnard ».

G/ Theo một bài viết của thầy Trương Minh Đạt đăng trên quyển « Kỷ yếu 50 năm Gia đình Phật tử Tam Bảo Hà Tiên » ra mắt năm 2009, thì bác sĩ Edmond Isnard được hòa thượng trụ trì chùa Tam Bảo Hà Tiên mời về ở trong căn nhà hậu liêu của chùa trong khoảng thời gian từ 17 tháng 1 năm 1925 đến ngày 15 tháng 4 năm 1929 là ngày ông bị tai nạn nói trên. Thời đó ông Isnard được chôn cất tại sườn đồi Pháo Đài (Kim Dự) ở Hà Tiên, trên mộ ông có đấp biểu tượng hoa sen như một tín đồ Phật giáo và cũng có cây thánh giá nói lên ngôi mộ của một người Tây phương, ngoài ra cho đến năm 1955 ở chùa Tam Bảo Hà Tiên vẫn còn treo bức hình chân dung của ông. Theo thông tin mà mình dọ hỏi thì hiện nay bức hình chân dung của ông đã bị thất lạc mất, còn ngôi mộ của ông ở sườn đồi Kim Dự (Pháp Đài) thì khi người ta thành lập khu nghỉ dưỡng trên Pháo Đài thì có thể các ngôi mộ rải rác trên sườn đồi nầy đã được dời đi tùy theo thân nhân của các người chết, không có tin chính xác về ngôi mộ của bác sĩ Isnard.

H/ Một trong những quyển sách bằng tiếng Pháp do ông viết ra là quyển « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc) do bác sĩ Edmond Isnard viết, xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn. Quyển sách nầy hiện nay hơi khó tìm, thuộc loại sách xưa hiếm, mình vẫn chưa đọc được, tuy nhiên mình đã tìm ra phần do ông viết « Lời nói đầu » (préface) của quyển sách và mình tạm dịch ra tiếng Việt để giới thiệu với quý vị ở đây, để dễ hiểu mình cũng có thêm phần chú thích dưới bài nầy.

Lời nói đầu (sách « Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc » của bác sĩ Edmond Isnard)

« Những ai đã đọc quyển “Phật giáo ở Campuchia” của Adhémar Leclère (7), có lẽ còn nhớ sự cảm động gợi ứng của vị tu sĩ này (ý nói người tu sĩ Khmer), người mà tác giả (tức Adhémar Leclère) đã cố gắng nói bóng gió, trong một khoảnh khắc ngắn, một chút nghi ngờ triết học của ông với tư cách là một người châu Âu: “Một câu cảm thán thoát ra từ ông ấy.” : “Nhưng mà, chẳng có gì cả!” Nếu con người không tái sinh, nếu không có Thiên đường, Địa ngục, Niết bàn thì không có gì cả; khi chúng ta chết mọi thứ đều qua đi, không có gì cả! Và đầu ông cúi xuống, vầng trán nhăn nheo: ông nhắm mắt lại và giữ nguyên một lúc mà không có một nét nào trên khuôn mặt chuyển động. Ông đang thiền định. Sau đó khuôn mặt ông ấy từ từ sáng lên; ông ngước lên nhìn tôi, mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt tôi, ông nói với tôi: “Ở bên kia cuộc sống, có Thiên đường cho người tốt, có Địa ngục cho người xấu; có tái sinh và trên hết là có Niết bàn. Có tất cả những điều này, bởi vì Đức Phật đã nói có tất cả những điều này”.

Tôi không biết liệu nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ có tin vào những Thiên đường và Địa ngục này hay không mà bản năng công lý ngây thơ luôn phát minh ra để bù đắp cho những tội lỗi của thế giới này; trong tư tưởng Ấn Độ giáo, những nơi này không phải là vĩnh cửu mà vẫn thuộc về vòng luân hồi của Dục vọng và Ảo tưởng. Chúng không cần thiết đối với nền tảng của Phương pháp Cứu rỗi do Đức Phật sáng lập dựa trên khoa học và nghị lực cá nhân.

Các tu sĩ Khmer có thể yên tâm. Nếu học thuyết của người sáng lập vẫn đứng vững trên những biến động tôn giáo, đó là vì được đặt ra một mức tối thiểu về siêu hình học và muốn duy trì trên hết một triết lý kinh nghiệm, một phương pháp cứu rỗi mọi chúng sinh. Đạo đức độc lập, học thuyết chuẩn bị một nền tảng chung tuyệt vời nơi các tín đồ của phương Tây và phương Đông một ngày nào đó có thể được hòa giải về chủ đề vĩnh cửu, cuộc chiến chống lại nỗi đau phổ quát thông qua sự thống trị của những đam mê hỗn loạn được nhân lên, từ thời đại này sang thời đại khác, nỗi đau này: “Hãy làm chủ chính mình… vì thương hại chính mình… vì thương hại người khác”.

Kể từ khi có sự phê phán của Kant (8) và sự ra đời của chủ nghĩa khoa học, các giá trị siêu hình đã bị lu mờ sâu sắc ở phương Tây.

Họ ở rất xa, những nhà tư tưởng của Milet và Élée (9),
Muốn chinh phục tất cả những điều chưa biết ngay lập tức.
Đang cố gắng ôm lấy vũ trụ một cách điên cuồng.

Chúng ta không còn tự hào về mình như những vận động viên già mà nhà thơ nói đến, về việc thâm nhập vào lãnh vực của bóng tối sinh sản trong chớp mắt như những anh hùng của Walhalla (10), để chúng ta luôn có thể tự cho mình niềm vui khi ra những đòn đẫm máu. Kant đã chứng minh một cách dứt khoát rằng các ý tưởng của lý tính đều xuất phát từ kinh nghiệm và quay trở lại kinh nghiệm.

Liệu chúng ta có tìm cách sử dụng những ý tưởng này bên ngoài kinh nghiệm, bên ngoài thế giới quan hệ, bằng cách áp dụng chúng cho toàn bộ Vũ trụ, cho bản chất và nguyên nhân đầu tiên, theo so sánh của triết gia, tất cả những gì còn lại trong tay chúng ta chỉ là những cái bóng. Có vẻ như, khi bị loại khỏi trò chơi của trải nghiệm, các phạm trù của lý trí thuần túy chỉ đóng vai trò trống rỗng, giống như một cánh quạt rời khỏi mặt nước.

Những phân tích của Hume (11) và Kant, vốn làm kinh ngạc tâm trí phương Tây của chúng ta, vẫn thấm nhuần chủ nghĩa trí thức Do Thái-Kitô giáo, đã quen thuộc với Ấn Độ cổ đại. Không có con người hiện đại nào vượt qua được sự chỉ trích của các vị Tổ vĩ đại của Phật giáo trong những thế kỷ đầu tiên của thời đại chúng ta, Nagarjuna và Cantideva (12). Có vẻ như đôi khi, khi đọc lý thuyết của họ về tính tức thời của các hiện tượng và khoảng trống phổ quát, họ đã đoán trước được những quan niệm tiên tiến nhất của thời đại chúng ta về tính tương đối của thời lượng, độ dài, khối lượng của tất cả những ấn tượng nhạy cảm của chúng ta.

Chính từ sự thái quá của chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa bi quan của mình, kéo dài đến cơn lốc vĩnh cửu của cái chết và sự tái sinh, mà Đấng Giác ngộ vĩ đại của Ấn Độ đã mang lại sự sáng tỏ sẽ trở thành sự cứu rỗi của thế giới. Lãnh vực của các mối quan hệ được những người theo đạo Hindu gọi là Luân hồi (cơn lốc), chỉ cung cấp cho trí tuệ những chân lý tương đối và đạo đức vĩnh viễn mà những giá trị nầy thiếu tiêu chuẩn về một điểm tham chiếu tuyệt đối. Tuy nhiên, con người khao khát sự thật và hạnh phúc. Điều mà thế giới tri thức nhạy cảm và trí thông minh từ chối đối với con người, con người quay về với chủ nghĩa thần bí. Hoàn toàn được nuôi dưởng bởi sự bất mãn vô địch của con người đối với một thứ siêu lý trí không thể nhận biết được, vượt ra ngoài những điều kiện phù du của giác quan, của kinh nghiệm và lý trí, chủ nghĩa thần bí giả vờ mang lại một sự thật vượt khỏi lý trí, một hạnh phúc vượt quá khoái cảm.

Chống lại sự thiếu hiểu biết, vô minh, mẹ của ảo tưởng và đau khổ, nghiền nát thế giới hiện tượng thành bụi của các sự kiện không có thời gian và không có cá tính, đó là đối tượng của “Lòng Từ bi Phật giáo” vĩ đại. Lòng trắc ẩn hướng tới “Nỗi đau của thế giới” này thậm chí còn mang tính lý trí hơn là cảm xúc. Nhưng điều ấy không phải là tất cả. Đối mặt với những thú vui buồn bã mà Kinh Thánh gọi đúng là “mắt xích” dẫn đến hạnh phúc, người Phật tử phải nói được: “Tôi không phải cái đó, cái đó không phải là tôi”. Cầu mong anh ta thăng tiến lên một mức độ, cầu mong anh ta khám phá cho tất cả chúng sinh những quan điểm của Niết bàn thông qua niềm hạnh phúc của những chiêm nghiệm khoa học, thẩm mỹ và tôn giáo, của nghệ thuật, của trực giác, của sự hy sinh, của mọi thứ chuyển động theo thứ tự vô tư, của cái không thể cân nhắc, của tâm linh và được tóm tắt bằng từ “giải thoát”.

Làm chủ các đam mê và tự chủ chuẩn bị cho Phước lành, và đến lượt Hạnh phúc bảo đảm làm chủ được các đam mê. Ở đây phương Tây và phương Đông gặp nhau nơi con người của hai vị sáng lập ra khoa học hạnh phúc, Spinoza và Çakya-Mouni (13). Phần cuối cuốn « Đạo đức học » của Spinoza mang âm hưởng Phật giáo thực sự: “Hạnh phúc không phải là phần thưởng của đức hạnh, mà chính là đức hạnh, và chúng ta không hưởng được Hạnh phúc vì chúng ta hạn chế sự rèn luyện của mình, mà ngược lại, chính vì chúng ta tận hưởng Hạnh phúc mà chúng ta có thể kiềm chế được sự rèn luyện của chúng ta.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, khoa học về hạnh phúc như vậy chỉ có thể tiếp cận được với giới thượng lưu. Hầu hết con người đều cần sự trừng phạt của Thiên đường và Địa ngục để “hạn chế việc rèn luyện của họ”. Ngay từ đầu, giáo lý thanh tịnh của Đức Phật đã bị các phần tử ăn bám xâm chiếm, Spinoza bị Giáo hội Do Thái buộc tội là vô đạo đức. Tuy nhiên, sự sáng tỏ do những bậc tiền bối vĩ đại này nêu ra không phải được giấu kín với con người. Một số ít sẽ hiểu: đây đó sẽ có những vụ thu hoạch mới cho Thành phố tương lai ».

Đến đây là chấm dứt bài « Lời nói đầu » của quyển sách « Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc » của bác sĩ Edmond Isnard.

I/ Trong tạp chí “La Revue Spirite” (Tạp chí Tâm linh) ra tháng 4 năm 1928, tại Paris, có đăng một bài bình luận về nội dung quyển sách « Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc » của bác sĩ Edmond Isnard trong mục « điểm sách ». bài viết được tóm tắt như sau:

« Trí tuệ của Đức Phật và Khoa học về Hạnh phúc, của Bác sĩ Edmond Isnard (Ấn bản của Tạp chí Viễn Á).

Một trong những cuốn sách hay nhất về Phật giáo dành cho người phương Tây: bởi vì Bác sĩ Isnard, một người theo chủ nghĩa duy vật, đã gần như chuyển đổi sang Phật giáo sau một thời gian dài lưu trú ở Châu Á; bởi vì Bác sĩ Isnard nhận thức được tất cả những tiến bộ siêu hình trong những năm gần đây, đến mức công việc của ông không còn là “chủ nghĩa kinh viện về Đông phương ” mà là một sự thích ứng của Phật giáo với những khát vọng hiện đại của chúng ta, một sự thích nghi dễ dàng hơn, ông đảm bảo với chúng ta, vì nước Ấn Độ (L’Inde aryenne trong bản gốc) và nước Pháp (La France Celtique trong bản gốc) thường có cảm giác như chị em. Cuối cùng, Bác sĩ Isnard dường như tin vào sự ưu việt của Phật giáo so với Cơ đốc giáo. Vấn đề quá tế nhị để chúng ta có thể trả lời bằng một từ duy nhất. Còn lại thì có gì quan trọng! Chúng ta chỉ cần biết rằng phương Tây sẽ rất sai lầm nếu đánh giá thấp tôn giáo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Khi đọc cuốn sách quý giá này, chúng ta nhận ra, qua những quan điểm nguyên thủy và những nhận định sâu sắc của tác giả, Phật giáo bí truyền như thế nào: Không hề bị lay chuyển, khoa học đã xác nhận một cách đáng kinh ngạc những thông điệp của học thuyết Phật giáo (Einstein, Curie, Osty… , là những người dẫn dắt ​​của học thuyết Phật giáo), và điều đang sụp đổ là tất cả những định kiến ​​của phương Tây về giáo lý của Đức Phật: chủ nghĩa hư vô; niết bàn là hư vô, v.v., tất cả những sai lầm đều được hầu hết các học giả của chúng ta duy trì một cách lạnh lùng!

Bác sĩ Isnard nói về những gì ông học được ở tại chỗ, chứ không phải ở Thư viện Quốc gia ở Ba Lê! Vừa thú vị vừa giàu thông tin, cuốn sách của ông viết ở Đông Dương, nơi ông đến lần đầu tiên vào năm 25 tuổi, xứng đáng được đánh giá cao. ».

Đến đây thì chấm dứt bài bình luận nói trên.

 Chú thích  :

  • (1) Trang 328, quyển « Nghiên Cứu Hà Tiên, Họ Mạc Với Hà Tiên », tác giả Trương Minh Đạt, xuất bản năm 2016.
  • (2) «Không thiên vị» (L’Impartial) là một tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn lúc đầu xuất bản tại Nam Vang (Phnom Penh), đến năm 1917 Ernest Outrey mua lại và chuyển về Sài Gòn và để cho nhà báo Henry Chavigny de Lachevrotière làm chủ bút. Đó là một trong những tờ báo được nhiều độc giả nhất. Thời gian hoạt động từ 1917 đến 1943.
  • (3) Nguyên văn bài thơ của bác sĩ Isnard bằng tiếng Pháp :

    Dès longtemps je t’ai mise à l’abri de la terre,
    O mon âme sauvage et douce et plus qu’humaine,
    Qui marche devant moi dans les feux d’un mystère
    Où j’évoque mon éternelle souveraine,

    …Le mensonge de mes paroles
    Bientôt va se dissoudre en l’écho d’un vain bruit,
    Et les vivants contours dont mon être s’isole,
    A leur tour confondus, s’en iront dans la nuit.

    Et lassé du désir de vivre qui poursuit,
    Les hommes, de douleur en douleur, cycle immense
    Pour écouler la voix du Dieu qui me séduit.
    Sur moi je fermerai les portes du silence

  • (4) Nguyên văn bài thơ của bác sĩ Isnard bằng tiếng Pháp :

Oh Dieu, Esprit de paix, d’amour et d’harmonie,
J’adore en vous, au fond des cieux, l’ordre caché,
Et l’unité secrète où plonge toute vie,
Le doux sein paternel que j’avais tant cherché.

Des êtres maintenant, la chaîne est désunie,
L’eau du ciel est tarie et l’arbre desséché,
Ah ! cesse de languir sur la terre penché,
Remonte, Amour, remonte à ta source infinie.

Dieu, seul digne à jamais d’inspirer un cœur pur,
Rends-moi toujours plus humble et toujours plus obscur,
Uniquement épris de la bonne souffrance.

Que ma plainte vers toi monte comme un trait sûr,
Et que chaque douleur élargisse l’azur,
Par où j’irai me perdre en l’éternelle essence.

  • (5) Ngôi chùa đó có thể là chùa Vạn Hòa, thuộc Ấp Hòn Heo, xă Dương Hòa, quận Kiên Lương.
  • (6) Nguồn khác ghi là Khôi.
  • (7) Adhémard Leclère (1853 – 1917), là một chính trị gia người Pháp, nhà quản lý thuộc địa, nhà kinh tế, nhà văn, nhà thơ, nhà Đông Phương học  và người theo chủ nghĩa Ấn Độ. Ông sống và làm việc ở Cambodge trong thời kỳ 1886 – 1910. Ông viết rất nhiều sách về nước Cambodge và về triết học Phật Giáo, đặc biệt có quyển « Le Bouddhisme au Cambodge » (tựa chính thức trong sách gốc ghi là “« Le Buddhisme au Cambodge »), xuất bản tại Paris năm 1899, NXB: Ernest Leroux, Editeur.
  • (8) Emmanuel Kant (1724 – 1804), là một triết gia người Đức, theo chủ nghĩa duy tâm siêu việt, ông tin rằng lý trí là nguồn gốc của đạo đức. Ông gây ảnh hưởng rất lớn đến Kỷ nguyên Khai sáng vào thế kỷ thứ 18 ở Tây phương.
  • (9) Milet: là một thành phố cổ của nước Hy Lạp cổ xưa được thành lập vào thế kỷ thứ 11 trước Công Nguyên, ngày nay vùng nầy thuộc về nước Thổ Nhỉ Kỳ. (Milet cũng là nơi sinh ra của nhà Triết học, Toán học Hy Lạp Thalès). Élée là một thành phố cổ do người Hy Lạp cổ thành lập khoảng năm 535 trước Công Nguyên, ngày nay vùng nầy thuộc về nước Ý. (Élée là quê hương của nhiều nhà triết học như Parmenides, Zeno, cùng trường phái triết học Eléatique, một trường phái triết học cổ đại rất nổi tiếng).
  • (10) Walhalla : Theo thần thoại cổ Bắc Âu, Walhalla là cung điện nơi các anh hùng, chiến sĩ chết trận dũng cảm được đưa về đó. Hằng ngày họ tập trận và đến tối thì được dự yến tiệc, trong khi những người khác không được vào cung điện Walhalla thì phải bị đưa về cung âm (giống như âm phủ, địa ngục).
  • (11) David Hume (1711 – 1776), là một nhà triết học, kinh tế học, sử học người Tô Cách Lan ( Ecosse) rất quan trọng trong thời kỳ Khai Sáng vào thế kỷ thứ 18. Ông theo nhiều chủ nghĩa trong đó có chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa tự nhiên, duy nghiệm, không tôn giáo.
  • (12) Nagarjuna : (còn gọi là Sư Long Thọ) là một nhà văn, nhà hiền triết, nhà sư lớn thuộc Phật giáo Ấn Độ. Ông sinh vào khoảng thế kỷ thứ nhất và mất vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Ông thành lập ra trường phái Trung Quán Tông (La Voie du milieu, Madhyamaka), một trường phái thuộc Đại thừa Phật Giáo. Sư được xem như là vị tổ thứ 14 của Thiền Tông Ấn Độ và cũng được xếp trong 84 vị Đại thành tựu giả (mahasiddha), danh hiệu chỉ những vị sư tu khổ hạnh trong khoảng thế kỷ 8 đến 12 của Phật giáo Ấn Độ. Cantideva : Shantideva (còn gọi là Tịch Thiên) là một nhà thi sĩ và nhà sư lớn thuộc Phật giáo Ấn Độ. Ông sinh năm 685 và mất năm 763 sau Công Nguyên. Ông là thành viên của trường phái Trung Quán Tông thuộc Đại Thừa Phật giá và cũng được xếp trong 84 vị Đại thành tựu giả nói trên.
  • (13) Baruch Spinoza (1632 – 1677) là một nhà triết học Hòa Lan – Do Thái, gốc Bồ Đào Nha. Ông được xem như đi tiên phong trong thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ thứ 17, theo chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phê phán Kinh thánh. Çakya-Mouni, còn gọi là Siddhārtha Gautama hay tên quen thuộc là đức Phật Thích ca Mâu Ni, là một nhà sư, nhà thuyết giảng, nhà triết học của Ấn Độ cổ đại, và là vị sáng lập ra Phật giáo. Nhiều tài liệu cho là năm sinh của ngài khoảng 623 hoặc 563 trước Công Nguyên tại Népal và năm ngài mất khoảng 543 hoặc 483 trước Công Nguyên tại Ấn Độ.

Paris, viết xong ngày thứ hai 29 tháng 11 năm 2021, bổ sung ngày 24 tháng 6 năm 2022 và ngày 27 tháng 11 năm 2023. Trần Văn Mãnh

 

Hình bìa tập luận án Tiến Sĩ Y Khoa của bác sĩ Edmond Isnard đệ trình vào ngày 28/04/1894 tại trường Đại Học Y Dược Lyon. Nguồn: Source gallica.bnf.fr / Bibliothèque nationale de France)

Quyển niên giám năm 1916, trang 424 có ghi rỏ tên họ và ngày sinh của bác sĩ Edmond Isnard. Nguồn: (Annuaire de l’Indochine Française 1916 – IMPRIMERIE D’ EXTRÊME-ORIENT, Editeur à Hanoi)

Quyển niên giám năm 1925, trang 156 có ghi rỏ tên họ bác sĩ Edmond Isnard và thành phần nhân viên trong sở Y Tế Hà Tiên. Nguồn: (Annuaire de l’Indochine Française 1916 – IMPRIMERIE D’ EXTRÊME-ORIENT, Editeur à Hanoi)

Hình bìa của quyển sách « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc) do bác sĩ Edmond Isnard viết, xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn.

Hình bìa và trang đầu của quyển sách « La sagesse du Bouddha et la science du bonheur » (Trí tuệ của Đức Phật và khoa học của niềm hạnh phúc) do bác sĩ Edmond Isnard viết, xuất bản năm 1927 tại Sài Gòn.

Hình một vị BồTtát ở một ngôi chùa ở Hà Tiên (có thể là chùa Tam Bảo, Hà Tiên) tranh bằng màu nước do bác sĩ Edmond Isnard vẽ.

Bổ sung bài:

1/ Bạn Trương Thanh Hùng, một cựu học sinh Trung Học Hà Tiên ngày xưa, góp ý thêm sau khi đọc bài: « Ngôi nhà nghỉ của bác sĩ Isnard ở trên sườn đồi nhìn xuống bãi tắm Hòn Heo. Năm 1974 tôi còn thấy nền nhà bằng đá và có lên ngồi trên đó ngắm cảnh. » (Ấp Hòn Heo thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang ngày nay).

2/ Anh Nguyễn Như Sơn là một trong những người hậu duệ của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến, góp ý sau khi đọc bài: « Trong bài viết về Bs Isnard có đoạn cuối… khen thưởng nhân viên đã bắt thủ phạm… có thấy tên “ông Nguyễn Văn Phẩm, phủ hạng 3”… ông là cháu rể gọi Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến bằng cậu (mẹ vợ ông Phẩm là em của Cụ Nguyễn Thần Hiến) ». Anh Nguyễn Như Sơn kêu ông Nguyễn Văn Phẩm là Ông dượng.

Cám ơn các bạn đã đọc bài và góp ý rất hay. (TVM)