Quán Ti La (Hà Tiên) – Phần C: Mùa Xuân 1989 (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, tiếp theo loạt bài về « Quán Ti La » của tác giả Quang Nguyên viết theo thể loại tự thuật, đây là bài cuối kết thúc loạt bài về nguồn gốc, sự thành hình và phát triển của quán Ti La. Trong bài cuối nầy, tác giả nói rỏ hoàn cảnh và cơ duyên để Ti La được hồi sinh và hơn nữa, đã tiếp nối truyền thống quán nhạc ngày xưa cũng với quý khách hàng yêu nhạc, yêu cà phê và yêu cả khung cảnh nên thơ của quán…Nếu như công lao của tác giả phải được xem như là một yếu tố chính và thực sự là một kỳ công để quán Ti La được sống lại thì việc quản lý và duy trì cho sự phát triển của quán do cô em gái Uyên Nguyên (một dạng nàng Tiên Giáng Kiều hiện đại) thực hiện trong suốt giai đoạn Ti La thời hiện đại nầy cũng là một công trình lớn lao và đáng được ghi nhận…Từ bài tự thuật nói về sự sống lại của quán Ti La nầy, chúng ta còn thấy được tính chịu đựng, lòng cương quyết và ý chí không ngại khó khăn của tác giả Quang Nguyên đứng trước mọi điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống. Nếu có một bài học được rút ra từ loạt bài nầy, ngoài cái giá trị văn chương và lịch sử của nội dung bài, đó là bài học về tính vượt khó khăn, ý chí bền vững và một nguyện vọng sắc đá là phải đạt đến sự thành công một khi chúng ta muốn thực hiện một dự án nào trong cuộc sống…Hy vọng rằng quán Ti La thời hiện đại của chúng ta sẽ bền vững, sống mãi cho dù có chạm mặt một vài giai đoạn khó khăn chung như hiện nay,…và cũng hy vọng rằng dù tuổi đời có chất thêm chút đỉnh lên cái mái « bờm xôm vàng hoe tóc cháy », mong rằng những phẩm chất về tính tình, ý chí vẫn còn tỏa sáng trong cuộc sống của tác giả…(Paris, ngày 25/01/2022, nhằm ngày 23 tháng chạp, ngày đưa Ông Táo về Trời, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

QUÁN TI LA (Quang Nguyên)

A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC.
A – HƠN NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC (tiếp theo).
B – DÂY TƠ HỒNG.
C – MÙA XUÂN 1989.

Đó là ngày Chủ Nhật 05/02/1989. Giao thừa của năm Mậu Thìn và năm Kỷ Tỵ. Ti La thức dậy yếu ớt sau một giấc ngủ dài đăng đẳng đúng mười bốn năm, từ tháng 1/1975.

Trước đó…

Tôi là thằng con trai thứ tư của gia đình (là số ba của toán học), và là đứa “lăng xăng” nhất nhà nên chuyện từ trong nhà ra phố chợ, từ việc kiếm tiền cơm gạo củi lửa, đến tã lót chăm em…, chuyện gì cũng qua tay chút chút. Những việc đó nó làm cho thằng tôi già trước tuổi và tự quyết mọi vấn đề sau khi đà cân nhắc kỹ lưỡng…

Bởi già trước tuổi nên “có bồ” từ rất sớm, từ trước khi vào Đại Học (mời các bạn xem “Món Nợ Ân Tình” trong Blog THHTX của Mr. Trần Văn Mãnh), và cuộc tình ấy kéo dài gần sáu năm… Không thể để người ấy cứ “mãi mãi là người tình”? Mà tôi còn đang học năm cuối. Ông bà nói: “cưới vợ thì phải liền tay” chứ không thôi tôi mà dụ dự tên khác sẽ “rinh” mất người đẹp của mình. Nói gì thì cũng phải có hành động chứ? Tôi bèn về Hà Tiên thưa với ba má rằng tôi sẽ lấy vợ! (Trời ạ! năm ấy tôi mới hơn 22 tuổi!). Sợ ba má hoảng hốt vì nhà tôi ngày xưa ấy rất nghèo, nghèo xơ xác, nghèo rách nát… Tôi vội trấn an ngay:

          – Ba má đừng lo, con đã tính hết rồi, ba má chỉ lo giúp cho tụi con phần nghi lễ thôi!

… Việc hai đứa con trai lớn là anh tôi và tôi đi học là một trở ngại không nhỏ của gia đình vì chúng tôi là lao động chủ lực, khi ấy mọi công việc lao động trong nhà mấy đứa em tôi phải cáng đáng phụ cho ba má thay chúng tôi, nên tại Cần Thơ tôi đã phải tự kiếm tiền trang trải chi phí ăn học của mình, bằng tất cả các công việc gì để có thể kiếm ra tiền. Công việc thường nhật ngoài chuyện học là chạy “xe đạp ôm” (ai sống ở Cần Thơ giai đoạn từ 1980 đến 1990 đều biết đến nghề này) và buôn… sổ gạo. Cứ mỗi một quý ba tháng, tôi lại thu gom phiếu gạo trợ cấp của sinh viên tỉnh Kiên Giang về Mong Thọ xuất hàng mấy tấn gạo từ trong kho nhà nước ra và bán ngay cho thương lái để kiếm lời, sau khi bán xong mang tiền về Cần Thơ trả tiền lại sinh viên…v..v. Công việc này cũng “được” lắm, tôi còn sắm được cho mỗi đứa em một chiếc đồng hồ đeo tay Poljot của Liên Xô. Thời ấy, có cái thứ gì mà đeo lên người cũng là “oách” lắm. Kệ, cho chúng vui.

Trời thương, tôi hành nghề “xe đạp ôm” kiếm tiền mệt thật nhưng cũng khá ổn định. Tôi sống được mà không phải nhờ đến gia đình ở Hà Tiên vì nhà tôi đông anh em mà tất cả vừa học vừa làm chung sức với cha mẹ, vất vả lắm, tôi không muốn mình thành gánh nặng cho gia đình. Vì tôi có “bồ” cũng khá lâu rồi và phải tính chuyện trăm năm nên tôi để dành tiền cho ngày ấy. Bằng cách từng chút một tôi chuẩn bị lễ vật mua sẵn chất đầy trong tủ của Ký Túc Xá và để dành tiền lo đặt cọc đãi tiệc, còn việc trả tiền tiệc chúng tôi phải chờ tiền “điếu” của mọi người vào cái ngày “mừng” cho cái chết của sự tự do của tôi!

Nhưng tất cả các thứ ấy chỉ là chuẩn bị cho cái đám cưới một ngày, mà mọi người lại chúc cho đôi trẻ  hạnh phúc đến trăm năm? Chúc xong thì ai rồi về nhà nấy hết, bỏ lại đôi trẻ làm gì với ba vạn sáu ngàn ngày còn lại? Chắc chúng sẽ “oằn oại” nhau đến chết mất! Mà, được “oằn oại” với nhau, được cùng sống cùng chết với nhau âu cũng là hạnh phúc, chỉ e rằng chuyện cơm áo hàng ngày nó vốn khó khăn sẽ đẩy chúng đến bờ vực bất hạnh dễ khiến đôi ngã chia ly… Năm ấy chúng chỉ mới hơn 21 và hơn 22 tuổi có đâu vài tháng.

Bởi vậy tôi hay chiêm nghiệm cái câu nói của ông bà xưa đầy tính an nhiên tự tại: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, nó mang một nội hàm thuận theo tự nhiên, nó khiến cho ta bình tĩnh hơn để sống. Kệ! Tới đâu tính tới đó. Đố ai dám nói tương lai mình sẽ ra sao? Hoang mang nhất là vào cái ngày mình lấy vợ. Các anh em chú bác chắc cũng có cảm nhận như tôi?

Đùng một cái, một bà dì (em của ngoại) gọi tôi đến đưa hai chỉ vàng bảo rằng:

          – Bà có quà mừng cho con lấy vợ!

          – Úi! Sao nhiều vậy bà?

Bà cười, một nụ cười đầy ý nghĩa… (đó lại là một câu chuyện rất dài khác mà nó không liên quan nơi đây).

          – Ừ, con cần phải có vốn làm ăn!

Tôi mừng như “bắt được vàng”, nhanh chóng cám ơn bà, còn nhanh hơn nữa khi tôi bỏ hai chỉ vàng lận sâu vào túi quần, rồi “siêu nhanh” tôi chào bà ra về vì sợ bà đổi ý! Chưa bao giờ tôi cầm được phân vàng nào cho tới lúc ấy. Dù thời ấy tôi đã cầm rất nhiều tiền khi đi buôn sổ gạo nhưng đó là tiền của sinh viên, họ đã tin tưởng mà ủy thác cho mình chứ nào phải của mình? Còn đây là của tôi 100 %. Nói thế này cho độc giả dễ hình dung, ngày ấy lương của giáo viên bậc Cao Đẳng là năm mươi mấy ngàn, lương giáo viên bậc Đại Học là bảy mươi mấy ngàn, còn hai chỉ vàng là bốn trăm ngàn, bằng nửa năm đi dạy! Vào thời ấy là nhiều lắm.

Đó là vào trước ngày đưa ông Táo về trời, đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được, tôi suy nghĩ nhiều lắm vì mình sẽ làm gì với số vàng này? Để dành? Không! Mình đang rất cần tiền để lo đám cưới. Bà bảo “để làm vốn làm ăn” thì làm cái gì bây giờ? Trước giờ tôi đã làm nhiều thứ và ăn cũng lắm, nhưng toàn là những công việc bán sức lao động để nuôi cái miệng ăn nhiều không thôi… Mệt quá (có tiền cũng mệt!), tôi chẳng thèm nghĩ gì nữa, thầm nói trong bụng: “ông Táo ơi, ông hỏi Ngọc Hoàng Thượng Đế dùm tui làm gì với cái vụ vàng này?”.

Chẳng biết ông Táo nói gì với ông Trời không? Nhưng sáng sớm ngày hôm sau khi tôi thức dậy thì đầu óc trống rỗng, tôi thả bộ ra trước hẽm Trần Khắc Chân Tân Định để uống cà phê, sẵn đi sửa chiếc xe đạp trả góp huyền thoại của tôi (xe đạp ngày ấy mà tôi cũng phải trả góp!). Đó là phương tiện kiếm sống, phương tiện di chuyển duy nhất của tôi, là chiếc “xe đò” một khách không tài – một tài không khách – hay khách là tài, tài cũng khách… Nói kiểu nào cũng đúng, chuyên “chạy suốt” Cần Thơ- Sài Gòn 176 km trong vòng 11 đến 12 giờ đồng hồ! Nôm na là muốn đi thăm người yêu đã sắp làm vợ mình, suốt mấy năm qua tôi phải đạp xe từ Cần thơ đi Sài Gòn, để lên SG còn có xe chở bồ đi chơi mà đỡ tiền mua vé xe đò. Nhất cử đại tiện! (ý nói cái tiện lợi lớn.)

Gọi hai ly cà phê đá rồi tôi mang đến chỗ anh Đực sửa xe, tám chuyện tào lao xịt bộp với anh ấý, nhìn anh ấy tập trung bắt căm hai cái niền vặn vẹo, tôi quậy hờ hững cái ly cà phê đá, “ực” lấy vài hớp… Đột nhiên một ý tưởng lóe rất sáng như Đèn Rọi Mũi Nai nó hiện lên trong đầu:

          – Anh Đực, trả dùm tui ly phê đá nhe – chút nữa tính!

          – Ê! Hê. Sắp xong rồi.

Anh ấy nói với theo trong khi tôi đã ù chạy về nhà chắc cũng mươi bước… Tôi nằm vật ra giường mấy phút để tận hưởng về một phát hiện lý tưởng cho cái ý tưởng Start-Up (Khởi nghiệp).

“Cà phê! Quán Ti La của ba má tôi, sẽ mở lại trong cái Tết này?”. Còn ý tưởng nào tuyệt vời hơn? Trời Đất ơi! Vậy mà sao mình không nghĩ ra sớm hơn? Mất toi nó hết 24 tiếng đồng hồ, hôm nay đã là ngày đưa ông Táo rồi…

Tôi nhanh chóng mượn chiếc Suzuki Dame của ông anh cột chèo tương lai của tôi, chạy phành phạch ra Bưu Điện tôi gọi về Hà Tiên. Ngày xưa ấy gọi điện thoại đường dài rất tốn kém và khó khăn, cô Sáu Bưu Điện Hà Tiên phải cho người đến nhà gọi má và em gái tôi ra.

          – Má! Con mở lại quán cà phê Ti La nhe. Tết này!

         – Ờ! Ủa? Làm gì? Mở quán? Tiền đâu mà mày làm? Sao mà kịp? Má tôi dường như chưa hiểu chuyện gì…

          – Con có hai chỉ vàng.

          – Hả? Vàng ở đâu mày có?

         – Thôi! Má đừng hỏi nữa? Con sẽ nói sau. Nói nhiều hết… vàng! Má về bàn với ba giúp con nhe.

Vậy là bà đồng ý, và chắc chắn ba tôi sẽ đồng ý. Tôi nhanh chóng “giao” nhiệm vụ nói chuyện với ba cho má vì tôi biết bà “làm việc” với ông sẽ có kết quả rất tốt, còn tôi có nói chuyện với ông sẽ không nhanh chóng gút được, bởi tôi biết tính ba tôi rất cẩn thận, ông sẽ hỏi tôi nhiều câu hỏi ở “thì tương lai” – là cái mà cả cuộc đời tôi chưa một lần đáp trúng câu nào của tất cả mọi người, hoặc tự mình đã hỏi!

Rồi tôi dặn dò đứa em gái chỉ huy mấy thằng em nhỏ nữa để dọn dẹp sân nhà cho thật vệ sinh và trống trải… Hai anh em hồ hởi chuẩn bị cho một cuộc chơi mới.

Ngay trong chiều hôm ấy sau khi tôi ghi ra giấy tất cả những thứ để chuẩn bị cho một cái quán cốc nho nhỏ, điều này thật không xa lạ với tôi vì suốt năm năm ở Cần Thơ và Sài Gòn tôi đã la cà không biết cơ man nào các quán cà phê. Lợi thế hơn nữa là trí nhớ của tôi về Ti La rất tốt (là dạo ấy, chứ giờ thì tệ lắm, có đôi khi quên cả tên người vợ tao khang!) nên nhanh chóng tôi xác định mình cần gì: Một dàn âm thanh bèo bọt ở chợ Nhật Tảo, 10 bộ bàn gỗ tạp với 20 cái ghế mây và 20 cái ghế đôn thấp ở đường Ngô Gia Tự (Minh Mạng xưa), vài cọng dây đèn màu chớp nhá, vài chục bộ phin cà phê, vài chục ly lớn ly nhỏ, dĩa muỗng ở chợ Bến Thành… Nói chung là tối thiểu để Ti La trở lại.

Ngặt nổi, khi tôi đi chợ Bến Thành, lơ ngơ bị kẻ gian rọc giỏ lấy mất 100 ngàn, vậy là toi mất 5 phân! Thế nhưng tôi lại xem đó là một thử thách… Buồn lắm và tiếc ngẩn ngơ vì kiếm tiền khó khăn quá mà? Nhưng tôi đã quyết thì phải làm thôi, có bi nhiêu “chơi” bấy nhiêu, chuyến này quyết “khô máu”! Thế là tôi mua cũng tối thiểu các thứ cần thiết về thức uống để về bán ngay như cà phê hạt, đường sữa, các nguyên liệu khác…

Sài Gòn ngày ấy chưa có điện thoại di động nhưng điện thoại bàn thì các sạp và tiệm hầu như đâu cũng có nên tôi chưa hẹn điểm tập trung hàng. Đầu giờ chiều 24 Tết tôi chạy ra bến xe Miền Tây thì các xe đò đều không nhận hàng. Dọc theo đường An Dương Vương các chành hàng cũng đầy ắp không ai chịu nhận thêm hàng về Hà Tiên (ngày xưa xe ít hơn bây giờ nhiều).

Trời Đất quỷ thần ơi! Giờ tính sao đây? Tôi hoang mang tột độ, đứng gãi gãi cái đầu bờm xôm vàng hoe tóc cháy…

Như mô típ (motif là một biểu hiệu tượng trưng nghệ thuật) của những câu chuyện thần thoại, đến lúc người hiền lương (!) gặp nạn thì bất thình lình một ông Tiên hiện ra:

          – Ê! Chú em. Hàng đi đâu? Mang tới chưa?

Tiên ông hiện hình là một chú bốc xếp trung niên tóc râu tua tủa, măt mày hung tợn với cái áo bảo hộ lao động đẫm mồ hôi…

          – Dạ không có, chủ chành không nhận hàng Hà Tiên nữa.

          – Chú mày đem xuống bến Vân Đồn đi, ghe bầu nó nhận, nhanh đi còn kịp.

          – Cám ơn chú.

Cám ơn “Tiên ông bốc xếp” xong, tôi chạy ào xuống bến Vân Đồn, dưới dòng nước kênh đen ngòm và đầy rác rưởi là hàng hàng lớp lớp ghe bầu lớn nhỏ tấp nập đầy màu sắc. Ghe chở hoa vạn thọ vàng rực một cục, ghe chở mồng gà thì đỏ tươi cả khối, hoa thược dược, bông giấy đủ màu, hạnh quốc lủng lẳng… Thiệt là nhỏ giờ tôi mới mục kích sở thị một bến sông rực rở của ngày Tết Sài Gòn…Chen lẫn giữa nó là ghe gạo, ghe ăn hàng tạp hóa về các tỉnh, ghe lu, ghe chậu…Thật là một cảnh tượng xôm tụ hoành tráng. Sài Gòn năm 1989 còn rất nghèo so với ngày nay hay mười lăm năm trước đó, nhưng đời sống của người dân đã đỡ hơn nhiều lắm bởi đã có nhiều nguồn gió “Đổi Mới Tư Duy” của các nhà lãnh đạo, đã khiến sức dân bật dậy và ít nhiều người ta đã nhen nhúm niềm tin của sự thay đổi của xã hội. bằng chứng là hàng hóa Tết thật dồi dào khiến các chành hàng chật cứng.

Không khó để tìm được một chiếc ghe nhận hàng về Hà tiên

          – Đi rạng 25, trưa 28 tới, 29 giao thừa, Mùng một khai trương “ngon lành”!

Ông chủ ghe nói với tôi khi tôi trao đổi với ông về chuyện thuê ông chở hàng về Hà Tiên

          – Bao nhiêu tiền cho 20 bộ bàn ghế mây quán cà phê với mấy thứ linh tinh?

          – 15 ngàn!

          – Vét hết rồi còn 12 ngàn được không ông chủ?

         – Rồi, chơi luôn! Chú về dưới trước đi. Trưa 28 đón ghe ở Đông Hồ trước nhà ông Ba Đen.

          – Tui lấy cái gì về? Còn bao nhiêu tiền là đưa ông hết đó. Tui theo ghe ông được không?

          – Ờ được, mà ghe đi chậm lắm đó nghe. Mục xương chứ hổng dỡn chơi. Hê Hê..

          – Bao cơm tui à nhe! Chứ tui không còn cả tiền ăn nữa.

          – Úi! Chuyện nhỏ. Tưởng gì? Chỉ là cái chén đôi đũa thôi mà…

Thỏa thuân xong với ông chủ ghe, tôi ra chiếc xe Suzuki 100 (là già trăm tuổi!), chổng mông đạp 99 cái nó mới chịu nổ với khói um trời đủ che cả một trận địa. Tôi chạy như bay về trả chiếc xe cho ông anh cột chèo (anh ấy chèo lái, tôi chèo mũi !), rồi tôi quơ vội áo quần, gọi điện thoại giáp vòng mấy chỗ giao hàng, xong tôi đạp xe ra bến Vân Đồn để đón nhận hàng hóa các nơi tôi đã mua nhờ họ đưa đến, cuối cùng là quăng cả chiếc xe đạp lên ghe, nằm trên mui ghe nhìn trời lung linh đầy sao mà mơ màng nghĩ về những ngày Tết sắp đến…

Đó là một chuyến đi suốt bốn ngày ba đêm lênh đênh giang hồ sông nước cực kỳ thú vị của tôi mà cả đời chẳng bao giờ được trải nghiệm lần nữa… Từ bến Vân Đồn ghe ra Nhà Bè, Soài Rạp, Vàm Cỏ, kênh Chợ Gạo (đặc biệt là con kênh Chợ Gạo của Tây đào nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ đã gây ấn tượng cho tôi mà ngày xưa tôi từng qua đây từ hơn ba mươi năm trước vốn đã tấp nập, còn nay thường xuyên bị nghẽn. Nghẽn hàng ngày!). Ghe đi hết kênh đào Chợ Gạo rồi đến sông Tiền, đi ngược sông Tiền đến Chợ Mới, qua Vàm Nao rồi vào Bassac của sông Hậu, đi ngang Châu Đốc rồi vào Vĩnh Tế, hết Vĩnh Tế rồi đến Đầm Chích Giang Thành… Tôi được tận mắt thấy cuộc sống muôn màu của đồng bào miền Tây trong những ngày giáp Tết khi đất nước bắt đầu hé cửa đổi mới. Chuyến đi đó gây cho tôi ấn tượng suốt nhiều chục năm sau khi tôi kinh doanh trong ngành Logistics (tương đương với ngành Hậu Cần!). Chuyến đi giúp tôi hiểu được năng lực vận chuyển mạnh mẽ của các phương tiện đường thủy của đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi cho tôi thấy tầm nhìn của cha ông khi kết nối hệ thống sông ngòi tự nhiên chằng chịt với hệ thống kênh đào nhân tạo để tăng năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa và giải quyết nhu cầu thủy lợi tưới tiêu hay thoát lũ, giúp tăng năng suất lúa gạo và nông sản hay bảo vệ mùa màng… Đôi khi nghĩ về những điều lớn lao, tôi thật tiếc cho những điều kiên thuận lợi của thiên nhiên và nhân tạo của miền Nam, mà nếu được khai thác một cách khoa học và “có tâm + có tầm”, khoan thư sức dân dốc lòng ủng hộ, thì chẳng mấy chốc đất nước hóa hổ hóa rồng…

Nhưng chuyện đại sư trên không hay ho bằng chuyện “tiểu sự’. Trong chuyến đi tôi còn được “làm quen” với người đẹp Phan Nghinh Tử, tôi đã xem nàng diễn xuất thần đủ trọn bộ 40 tập Video trong phim Võ Tắc Thiên của Đài Loan (năm 1985), bởi tôi dư thời gian quá mà?

Đúng hẹn, trưa 28 tháng Chạp của năm Mậu Thìn ghe bầu chở cái đống lộn xộn “Khởi nghiệp” của tôi về đến bến Đông Hồ Hà Tiên. Mấy em lấy xe cây ra chở tất cả về. Ngay chiều hôm ấy cả nhà chúng tôi bắt tay vào việc. Đêm 29 là đêm Giao Thừa (năm ấy không có 30) chúng tôi khai trương quán Ti La.

Cũng đèn màu, cũng nhạc chọn, cũng âm thanh, cũng cà phê phin nhỏ giọt, cũng yaourt huyền thoại của má tôi, nay bổ sung thêm các món lạ du nhập từ Sài Gòn là mứt dâu đá, các loại sô đa chanh dâu nho, các món chè đậu ngọt tắt thở mà chỉ có người Hà Tiên mới dùng nổi … Dù hình thức lẫn nội dung không được như xưa, không bao giờ được như Ti La của ba má tôi, nhưng cái quan trọng nhất không thay đổi là: vẫn được người Hà Tiên nhiệt tình ủng hộ rất đông dù sự trở lại chỉ là quán cóc loa kẹo kéo…

Sau đêm đánh thức Ti La, tôi nói với em gái tôi rằng:

          – Tí ráng bán, để dành tiền lo đám cưới cho anh. Sau đám cưới thì Tí quản lý cái quán này lo cho ba má và gia đình!

Gần hai tháng sau tôi chính thức tự giết chết cuộc đời độc thân. Ngày đưa tiễn linh hồn và thể xác tôi về “thế giới mới”, cái thế giới mà “chỉ ai vào nấy biết” đó, ngày ấy có ba má tôi và vài người bà con của gia đình chúng tôi, có cả thầy giáo Bân, ông vốn là một người đồng nghiệp với ba, là thầy giáo rất xưa ở Hà Tiên chúng ta, là một người anh mà ba tôi rất kính trọng. Từ An Hữu Tiền Giang bác Bân lên Sài Gòn làm chủ hôn, đó là cả một sự vinh hạnh cho tôi. Tất cả chi phí đi lại, nghỉ ngủ, ăn uống, lễ lạc… của đoàn Hà Tiên đi Sài Gòn năm ấy được lấy từ quán cóc Ti La trong hai tháng kinh doanh.

Sau đám cưới vợ chồng tôi về Hà Tiên dạy học, hàng ngày mấy anh em xúm lại chăm chút cho cái quán và hoàn thiện nó từ từ, từng chút một. Vẫn là trong “Tần Tảo” và ngoài “Ti La”. Má tôi, em gái tôi cùng vợ tôi ở trong quán lo việc thức ăn thức uống và thu chi, mấy anh em trai chạy bàn và tiếp đãi bạn bè hay thực khách, để ba tôi chuyên tâm nghiên cứu và viết lách… (Thời gian sau má tôi cũng chính thức nghỉ ngơi và từ đó toàn bộ việc quản lý quán là vợ chồng em gái tôi phụ trách.)

Cũng lạ, Dây Tơ Hồng xưa đang giấc ngủ vùi mười bốn năm, nay chỉ để buộc cọng Tơ Hồng mới cho vợ chồng chúng tôi mà nó phải thức dậy? Mà thực ra là nó “tỉnh giấc” để làm nhiều hơn vậy. Ngay năm sau chúng buộc luôn vợ chồng anh trai của tôi thành đôi, buộc chị Hai tôi cùng anh Lý Minh Mẫn, rồi năm sau nữa là nó quấn em gái tôi cùng một chàng đẹp trai hiền lành là thầy giáo xứ Mỹ Tho trù phú. Chỉ trong vòng hai năm nhà Ti La có bốn cái đám cưới, kể ra cũng đáng lập “kỷ lục”.

Kể từ đó Ti La làm trọn vẹn chức năng của nó là kết giao và… kết duyên!

Dù chưa bao giờ Ti La được trở lại rực rỡ như thời khai sinh năm 1970, nhưng công bằng mà nói là cho dù Ti La có tồn tại như thế nào thì cũng được người Hà Tiên và bằng hữu ủng hộ. Những thế hệ người Hà Tiên đã đến với những thế hệ của Ti La đã giúp Ti La tồn tại cho đến hôm nay, và hơn cả là giúp gia đình chúng tôi “thoát nghèo bền vững”! Ơn nghĩa đó ngàn lời cảm tạ cũng không thỏa lòng…

Và tôi hay suy nghĩ mọi thứ lung tung trên trời dưới đất, đôi khi rối não mà vẫn lùng nhùng như đống dây Tơ Hồng phủ trùm tán rộng… Nếu như không có vụ hai chỉ vàng của bà tôi cho, nếu như không có một ý tưởng “đột nhập” bất thần vào buổi sáng đi sửa xe, nếu như tôi không quyết tâm “chơi tới bến Vân Đồn” ngày cuối năm ấy, thì cóc ổi đâu đã hóa táo lê như hôm nay?

Thêm một điều nữa, nếu như em gái tôi không được đầu thai vào cái bụng to năm một của má tôi, thì cuộc đời nó đã không trở thành một khóm Tơ Hồng khổng lồ vững chãi… Vợ chồng em gái tôi đã ràng buộc tình cảm đại gia đình thành một khối vững bền, bằng sự hy sinh rất nhiều những điều riêng tư và chắt chiu từ Ti La mà lo cho các em còn lại học hành thành tài song song với việc phụng dưỡng cha mẹ… Em tôi đã làm hơn vạn lần điều tôi mong muốn ban đầu khi mở lại quán Ti La.

Mọi chuyện nó cứ trôi qua từ từ, từng chút một, vậy mà cũng đã ba mươi hai năm…

Mùa Xuân Nhâm Dần năm nay sẽ không như Xuân của mọi năm vì nỗi tang thương do Covid hoành hành trên cả địa cầu. Nửa năm nay Ti La ngưng bán, em tôi tỏ ra lo lắng… Tôi nói với em rằng:

          – Không sao, nó chỉ “ngủ” thôi. Rồi cũng như mọi khi, Ti La sẽ thức dậy!

Bởi trong câu chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ rất có hậu ấy, cuộc đời của chàng Tú Uyên có lẽ đã xấu đi nếu không có nàng tiên Giáng Kiều, thì Ti La sẽ còn phát triển tốt bởi đã có nàng Uyên Nguyên…

Quang Nguyên (11/2021)

 Quang cảnh quán Ti La trong những năm cuối thập niên 90, trong hình thầy Trương Minh Đạt đang chăm sóc cây cảnh. (Hình: Trương Minh Quang Nguyên, 1998)

Quang cảnh quán Ti La trong những năm cuối thập niên 90, cây « Thảo Bạc » trước sân. Bên phải là gian nhà nơi thầy Trương Minh Đạt dạy học. (Hình: Trương Minh Quang Nguyên, 1998)

Quang cảnh quán Ti La trong những năm cuối thập niên 90, căn nhà lá nơi vợ chồng tác giả cư ngụ và quản lý quán Ti La. (Hình: Trương Minh Quang Nguyên, 1998)

  Mặt tiền quán Ti La hiện nay, đường Tham Tướng Sanh, Hà Tiên. (Hình: Nguyên Lưu, 2021)