Từ những bức ảnh trăm năm. Phần C-Chị em Rạch Vược-Cái Tắt (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, qua hai phần viết trước đây, ta đã được tác giả Quang Nguyên hướng dẫn đến các địa điểm: Rạch Vược thuộc xã Thuận Yên (Hà Tiên) và con đường từ những năm xa xưa đi từ Hòn Chông về Hà Tiên, qua các địa danh Bãi Ớt, Hòn Heo, Thuận Yên và Tô Châu mà trên con đường nầy ta đã tình cờ đặt chân lên nhiều nơi có liên quan đến vài cảnh đẹp của Hà Tiên ngày xưa…(đó là cảnh « Châu Nham Lạc Lộ » ở Bãi Ớt, cảnh « Lư Khê Ngư Bạc » ở Rạch Vược và cảnh « Nam Phố Trừng Ba » ở bờ biển nơi hai ngọn núi Tô Châu kết thúc. Trong phần II nầy, tác giả sẽ bày tỏ cho chúng ta biết một cách rỏ ràng lối đi dòng chảy của con rạch mang tên Rạch Vược (hay Rạch Núi hay kênh Núi Nhọn): Ngày xưa thì con rạch nầy thông ra biển nơi gần Mũi Gành, sau đó đoạn rạch nầy đã bị lấp đi để làm đường lộ liên tỉnh (1943), con rạch uốn khúc trong phần đất thuộc vùng quê cha đất tổ của tác giả và sau đó chia làm hai nhánh tại ngã ba gọi là Ngã Ba Vàm Cui (Giồng Cui) để rẽ trái thành con rạch mang tên Rạch Cái Tắt đi luôn xuyên qua kênh Hà Tiên-Rạch Giá tạo thành ngã tư mang tên Ngã Tư Đèn Đỏ, nhánh kia còn quyến luyến đất quê nhà nên quay lại uốn éo cập về Núi Nhọn trước khi đi thẳng ra nhập vào con kênh đào Hà Tiên-Rạch Giá mà nếu ta đi theo con kênh nầy một khúc nữa theo phía Hòa Điền thì sẽ tới « Cản Cờ Trắng »… Nếu thầy cô và các bạn có đọc các quyển sách nghiên cứu về Hà Tiên của học giả Trương Minh Đạt thì sẽ hiểu rỏ vì sao ngày xưa muốn đi từ Hà Tiên sang Rạch Vược (Thuận Yên) để câu cá như lối hưởng nhàn của thi sĩ Mạc Thiên Tích thì chỉ có hai cách đi: trước hết phải mua một chiếc xuồng (ghe) giống như trong bài dưới đây Quang Nguyên có kể cho chúng ta việc đi mua xuồng nầy, sau đó nếu có gan thì dùng xuồng đó chèo ra cửa biển Hà Tiên, rồi quẹo trái hướng về Nam Phố, nhắm Mũi Gành tiến tới thì sẽ thấy cửa vào Rạch Vược sau Mũi Gành, mình nói có gan vì đi kiểu nầy sẽ gặp chút đỉnh sóng gió (bởi vậy ông Mạc Thiên Tích mới đặt tên cho bài thơ của ông là « Nam Phố Trừng Ba »…!!), còn nếu muốn đi một cách an nhiên tự tại thì chèo ghe đó về phía Đông Hồ rồi quẹo phải nhập vào đầu kênh Hà Tiên-Rạch Giá, chèo một khúc thì sẽ gặp « Ngã Tư Đèn Đỏ » là quẹo phải luôn đi vào con rạch Cái Tát chèo luôn đến Ngã Ba Vàm Cui thì quẹo nhẹ bên phải nữa thì vào Rạch Vược…Chính thật trên dưới 240 năm sau khi ông Mạc Thiên Tích đã dùng con đường thủy nầy đi Rạch Vược câu cá mà hai cha con tác giả Quang Nguyên cũng đi đường thủy nầy đem chiếc xuồng « lườn » về để chở lá dừa nước cất nhà. Đó là câu chuyện bên dòng Rạch Vược mà nếu thầy cô và các bạn muốn vừa tìm hiểu địa lý vùng nầy vừa nôn nao để biết sinh hoạt trong những năm gặp khó khăn của gia đình Quang Nguyên ra sao, mời thầy cô và các bạn đọc bài tiếp theo dưới đây, câu chuyện rất hay đầy tính chất đồng quê theo kiểu « miền đồng bằng sông Cửu Long » tuy không kém phần thực tế đầy gian nan trắc trở của một thời kỳ mà không ít những gia đình « bên nầy » phải dùng tay chân của mình để còn được tồn tại với xã hội…(Trần Văn Mãnh viết lời dẫn, Paris 21/03/2021).

I/ Lư Khê Ngư Bạc và đường Hòn Chông

 A – Tàn tích Lư Khê Ngư Bạc:

 B – Đường Hòn Chông:

II/ Rạch Vược và các con rạch chung nước:

 C – Chị em Rạch Vược – Cái Tắt:

Phần trước là tôi viết về “Tàn Tích Lư Khê” và “Đường Hòn Chông’ đầy hoài niệm, giờ tôi viết tiếp về “Dòng Rạch Vược”. Nghe hơi kỳ kỳ? Bởi Lư Khê là Rạch Vược mà? Ồ! Các bạn không sai, nhưng chậm lại một chút để tôi nói rõ ý của mình: Lư Khê là tên “chữ nghĩa” mà người xưa dùng, nó được “đóng đinh” với thập cảnh danh tiếng của Hà Tiên, còn trong phần này tôi chỉ nói về con rạch “thuần nôm” mang tên Rạch Vược, nơi quê cha đất tổ, nơi tôi đã ở đây khi còn nhỏ, và là nơi tôi đã có những năm tháng đầy ắp kỷ niệm cơ cực của một quãng đời tạm bợ tiếp diễn, dẫu rất ngắn ngủi nhưng mình phải liên tục chiến đấu chống đỡ với vô vàn khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, mà nếu quên những năm tháng cơ cực đó tôi sẽ là kẻ phản bội “bắn vào quá khứ”của mình…

Khi bạn đi vào con đường bên hông Đình Thuận Yên để vào các khu vườn bên trong sau mõm núi Đồn là bạn đang đi trên phần đất của ông bà tôi để lại… Cái nền Đình Thuận Yên là của bà nội tôi hiến tặng làng xã xưa kia xây dựng Đình Thần Hoàng để bà con có nơi cúng Kỳ Yên, còn ngôi chợ Thuận Yên là cha tôi noi gương ông bà nội mà hiến đất cho dân chúng có nơi họp chợ vào năm 1995, từ đó có một nơi gọi là “Chợ Thuận Yên” hoàn chỉnh, được nằm gọn trong “cục đất thịt” gần 1000 mét vuông mà mấy cha con gia đình tôi bao năm cày cấy; chứ trước đó dân làng tự họp “chợ chồm hổm” rồi mua bán ở ven lộ, hay ven bờ biển….

Trên con đường nhỏ bên hông Đình này đi sâu chừng 200 mét bạn sẽ thấy dòng Rạch Vược tiệm cận với con đường sau một khúc uốn lượn, đoạn tiệm cận kéo dài trăm mét để đến Doi đã nói ở phần trên. Đến đây, dòng Rạch Vược từ giã con đường vườn mà cong sang hướng khác…

Ba bức ảnh làm thành tựa bài : »Từ những bức ảnh trăm năm ». Hình trên: « HATIEN: Pont de Rach-Vuoc (Thuan Yen), 3km500 du chef-lieu. 1920-1930 » (Cầu Rạch Vược, Thuận Yên, cách Hà Tiên 3,5 km). Hình giữa và dưới: « Cochinchine, HATIEN: Route de Hon Chong 1902-1901 ». Ba tấm hình nầy đều được chụp cùng một quang cảnh, đó là Rạch Vược với chiếc cầu sắt. Hình sưu tầm.

Đến đây ký ức ùa về khiến tôi phải kể sang một câu chuyện khác về Doi:

Con đường mòn này chẻ hai tại đây, nhánh trái vào các khu vườn của cư dân Thuận Yên, nhánh phải cũng băng ngang các khu vườn mà thẳng tiến đến Núi Nhọn. Nếu ai đã là cư dân Hà Tiên chạy giặc qua đây trong khoảng thời gian từ 1977 sẽ biết rằng Đình Thần Hoàng là khu vực quần cư của rất đông người tị nạn, ba tôi đã cho rất nhiều có đến mấy chục hộ ở tạm trên đất nhà vì chiến tranh loạn lạc thì sự thống khổ là như nhau.

Một cái chợ “chồm hổm” (đã nói trên) hình thành trên con lộ 80 trước đình Thuận Yên kéo dài xuống cái cống Lộ Đứt, hàng ngày chính quyền xã phải đưa quân xuống dẹp chợ để giữ trật tự, mà dẹp đi đâu khi người dân không có cái chợ mà lại rất cần? Cho nên cũng dẹp, cũng bắt bớ, cũng tịch thu, cũng chế tài… Nhưng, mèo vẫn hoàn mèo. Cái chợ này của bao gia đình và cũng là nguồn sống tạm bợ của gia đình chúng tôi, hàng ngày hai anh em chúng tôi sau khi thu xếp xong các việc học hành đồng áng là lấy chiếc xe cây (mà trước đó dùng để xe nước mướn ở Hà Tiên) để mang hàng hóa mà các xe đò bỏ xuống bằng cách đẩy tay về nhà theo yêu cầu của người thuê. Phải nói là chúng tôi trở thành trụ cột của gia đình rất sớm từ ngay khi 10 tuổi, vì ba tôi sau khi đi “học tập” về khó có thể làm việc gì chính thức hoặc ổn định; cứ vài ba tháng ông lại phải đi “ôn tập tập trung” một thời gian, nên lúc có thể ba tôi sắp xếp công việc gì cho gia đình là sau đó “hai thằng đàn ông nhí” tiếp tục đảm trách; má tôi thì cố gắng dạy học thật tốt để ba tôi “trong ấy” được điểm cộng… Ôi! Cái chuyện thời cuộc thiệt là dài và nhiều đoạn nhiêu khê lắm. Mà thôi, chuyện đó để khi khác!

…Người di tản về đây đông lắm, chưa bao giờ trong suốt lịch sử thành hình đất Rạch Vược mà có nhiều dân quần tụ nơi đây như khi ấy, họ tràn xuống biển và kéo dài qua cả núi Đồn để ở … Phát sinh vấn đề cơ bản là nước ngọt để uống vì người ta chưa chuẩn bị cho tình huống này. Mà hay lắm kia, các căn nhà sát dưới biển họ chỉ cần đào một cái lỗ rồi đặt cái thùng phuy cắt đáy xuống là có nước trong vắt để sử dụng, những hộ ngoài biển đối diện núi Đồn thì nước ngọt hơn và uống được hẳn hòi. Vậy đó nhưng vẫn chưa đủ cho người dùng, lại có thêm các giếng nước ngọt rất xưa của người kỳ cựu của Rạch Vược cung ứng. Trong các giếng này, phải kể đến giếng nước ngay sau Đình Thần Hoàng của nội tôi mà mùa kiệt nước cả xóm phải xếp hàng vét từng ca nước mọi, được cái nước ra hoài quanh năm suốt tháng. Đi sâu vào trong đường vườn thì có giếng bà Hai Ánh nổi tiếng là “ngon” nhất, ao vườn hay các giếng trong vườn của anh Hai Lý, anh Tư Cẩn, ông Ba Len, ông Năm Tốt … đều cung cấp cho dân dùng, sở dĩ tôi biết rõ vì bản thân tôi phải đi gánh nước, tôi gánh cũng “dịu dàng” lắm, cũng đòng đưa thả lỏng vai và cánh tay đánh theo nhịp võng của đôi thùng nước hai đầu, để nước không sóng sánh văng ra và để bước đi của mình nhẹ nhàng khoan thai hơn… Chỉ mỗi chuyện nước uống được sẵn sàng sẻ chia trong bao nhiêu sự giúp đỡ của cư dân kỳ cựu, đã nói lên rằng tinh thần tương trợ của người dân Rạch Vược thật tuyệt vời, lưu dân tứ xứ về đây được tiếp đón khác nào người bản địa?

Sau khi “từ giã” Doi, thì dòng Rạch Vược chảy thẳng đến “Vàm Cui” mà trước khi chính thức đến Vàm Cui nó còn kịp làm một cái ngoặc ẹo khác như một cô gái dỗi hờn, đoạn này không biết nay ra sao chứ trong thập niên 70 – 80 thì hai bên đều toàn dừa nước, thỉnh thoảng phía bên trái con rạch (hướng về Vàm Cui) ta thấy ẩn hiện một con đường mòn. Đó là con đường sau trường Rạch Núi, vòng sau núi Thanh Hòa, và đi riết nó sẽ trổ ra sau lưng Trung Tâm và vùng đất đầm lầy rừng lá vùng Ngã Tư kênh xáng Hà Tiên Rạch Giá, sau lưng núi Đại Tô Châu rồi cuối cùng là vùng Thất Cao Đài giữa vùng núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu… Con đường này rất nhỏ, năm xưa chỉ là con đường mòn người đi, những năm đói kém anh em chúng tôi đã “hành quân” trên những con đường này với cái chài lưới trên tay để kiếm cá kiếm tép trong mấy con mương nho nhỏ dẫn nước từ sông rạch vào. Cũng có những ngày chúng tôi vác dao vắt búa đi kiếm củi khô hay củi tươi về đun nấu (bởi “lò đã nóng, củi tươi cũng cháy”!). Cũng bằng con đường này chúng tôi đã đi “khám phá” các ngọn núi chung quanh Thuận Yên và Tô Châu mà khi về thế nào cũng đầy ắp sản vật thiên nhiên mà má tôi không phải kiếm tiền để mua từ chợ; và cũng chính vì “từng trải” vậy mà hôm nay tôi mới có thể kể lể dài dòng về cuộc đất chung quanh Rạch Vược này.

Vàm Cui, chỗ này năm xưa được mở rộng ra vì đó là ngã ba của hai con kênh tự nhiên là kênh Rạch Vược và kênh Cái Tắt. Dòng Cái Tắt nằm bên trái của Rạch Vược từ Doi ra, nước chảy mạnh ngoằn ngoèo rồi đổ ra Ngã Tư Đèn Đỏ, còn Rạch Vược sau khi gặp Cái Tắt nó làm một việc thuận theo ý tự nhiên và công bằng của tạo hóa, là vay (hay trả) một phần nước của Cái Tắt rồi nó đi tiếp qua Núi Nhọn… Ngay ngã ba này có một vùng đất giồng cao phía trên có mấy cây dừa cổ, đất đai mầu mỡ canh tác được gọi là Giồng Cui.  Bởi thế, nếu tại địa điểm này nếu có người nào đó gọi là Vàm Cui, thì sẽ có kẻ lớn tiếng cãi lại: “là Giồng Cui!”, rất tiếc là cả hai đều… đúng! Vì dưới nước có “vàm”, còn trên có “giồng”, cả thảy đều mang tên “Cui”. Còn tại sao mang tên “Cui” thì tôi không biết.

Hai con kênh chị em Cái Tắt và Rạch Vược đều uống chung một nguồn nước Đông Hồ và kênh xáng (Rạch giá- Hà Tiên) mà khác nhau đến lạ. Em Cái Tắt thì hẹp hơn chút nhưng nước sâu hơn, màu nước nâu hơn, dòng chảy mãnh liệt hơn, ít cong cớn làm dáng hơn, tính tình dứt khoát nhanh nhẹn, đi một phát là cô em ra tới Ngã Tư Đèn Đỏ. Cô chị Rạch Vược thì thướt tha, chảy êm đềm, quanh co uốn lượn… Phải nói là khi bắt đầu từ biển vào là chị đã vờn cái mũi của anh Gành (Mũi Gành) rồi liếc mắt với anh Núi Đồn, đi song hành cùng anh Thanh Hòa. Chị chàng tiếp tục ve vãn anh Núi Nhọn riết rồi mang danh kênh Núi Nhọn luôn như mặc nhiên công nhận chị là của anh ấy! Ấy vậy mà không biết cách nào đó chị còn dòm ngó anh Núi Đồng? Cho nên chị ấy bị anh Nhọn lo sợ ôm sát vào còn anh Đồng thì với tay níu kéo. Để vừa lòng cả hai chị đã nhận chút nước của anh Nhọn, tí phèn của anh Đồng làm cho đoạn này của chị phình to ra đồng thời dòng nước đã đổi màu xanh ngọc rất lạ… Bởi cái tính đòng đưa và đặc biệt chuyên xàng xê với mấy anh núi mà người dân xưa của xứ này còn chốt danh chị là “Rạch Núi”. Chị đỏng đa đỏng đảnh, nhỏng nhảnh nhởn nhơ, vừa đi vừa làm thơ, lơ ngơ lạc lối, đi đến tối rồi cũng trổ ra kênh đào Hà Tiên Rạch Giá mà ở hướng Cản Cờ Trắng, cách nàng em Cái Tắt hơn hai cây số ngày nào cũng đứng chờ từ sáng đến đêm ở Ngã Tư Đèn Đỏ…

Kể từ đó chị có quá nhiều tên mà tên nào cũng là chị: Rạch Vược, Rạch Núi, kênh Núi Nhọn.

Sơ đồ vùng xã Thuận Yên (Hà Tiên) nơi có dòng Rạch Vược chủ đề của bài viết. 1/ Núi Tiểu Tô Châu. 2/ Núi Đại Tô Châu. 3/ Núi Thanh Hòa Tự. 4/ Núi Đồn. 5/ Núi Nhọn. 6/ Núi Đồng. 7/ Rạch Cái Tắt. 8/ Rạch Vược. 9/ Mũi Gành, chùa Sơn Hải. 10/ Ngã Ba Vàm Cui, Giồng Cui. 11/ Ngã Tư Đèn Đỏ. 12/ Kênh Hà Tiên-Rạch Giá

Sơ đồ vùng xã Thuận Yên (Hà Tiên) nơi có dòng Rạch Vược. 1/ Chợ Thuận Yên. 2/ Đình Thần Thành Hoàng. 3/ Núi Đồn. 4/ Ngã Ba Vàm Cui, Giồng Cui. 5/ Chùa Sơn Hải. 6/ Núi Thanh Hòa Tự.

Chùa Sơn Hải thuộc Ấp Rạch Vược, xã Thuận Yên (Hà Tiên). Hình: Khanh Lam, 2015

Tôi còn nhớ rõ vào năm 1977, khi chiến tranh biên giới nổ ra, Hà Tiên sơ tán, gia đình tôi chạy về Thuận Yên nơi miếng đất của tổ phụ phía sau Đình, cách Doi chừng trăm mét. Việc đầu tiên là ba tôi cất căn nhà nhỏ bằng lá dừa nước trên nên đất của căn nhà cũ của nội xưa kia. Nhà không có tiền nên ba tôi chỉ mua được một phần cây tràm đủ làm hai mái nhà mà không có vách, căn nhà nhỏ xíu lối 30 mét vuông, chỉ kê giường chõng tre mà cả nhà 10 người lăn lốc trên đó trong một thời gian ngắn.

Lá dừa nước lợp nhà tạm thời được đốn từ các bụi dừa nước mọc dại sau nhà nên không đủ đâu vào đâu, nhà có sác lá khá rộng nhưng nằm ở Vàm Cui, ba cha con đi đốn rất nhiều lá nhưng không có phương tiện đưa về… Ba tôi mới nghĩ cách, và rồi ông mượn tiền đi kiếm mua được một chiếc xuồng “lườn”, là loại độc mộc lên hai be, dài chừng hơn 7 mét, chỗ rộng bụng chừng 1,5 mét và dùng chèo chiếc để chèo, nó khá to cho cả hai là xuồng và chèo, làm chủ được cây chèo to và điều khiển được chiếc xuồng lườn nặng này không phải là chuyện đơn giản. Đây là chiếc xuồng chuyên đi thăm đáy của ai đó ở Cầu Câu, nó được dùng ở cửa biển Hà Tiên chịu được với sóng to và dữ. Cái ngày đi lấy chiếc xuồng có ba và tôi, tôi thật ngưỡng mộ ông khi loay hoay quay vài vòng với chiếc xuồng nặng nề mà rồi ông cũng làm chủ được nó, tôi hỏi ông “sao ba biết chèo vậy?” ông trả lời rằng “ông nội dạy!”. Ông đã nhanh chóng chấp nhận sự thay đổi của cuộc đời để bước sang một phần đời khác đầy gian nan, mà cho đến ngày hôm ấy ông cũng như mọi người trong hoàn cảnh của ông chưa ai biết trước được cái gì chờ đợi mình phía trước! Chỉ mới 11 tuổi thôi mà tôi ngày hôm ấy đã học được thêm bài học đương đầu với nghịch cảnh từ ba tôi “gặp thời thế, thế thời phải thế” đó. Cũng như vừa hơn một năm trước đó thôi tôi cũng đã học những cách mà má tôi phải chèo chống con thuyền gia đình chở tám đứa con vượt sóng dữ cuộc đời khi ba tôi còn “ở trỏng”.

Bài học đó là: Ý Chí Vượt Khó.

Cuối cùng, ông cũng làm chủ được chiếc thuyền đưa cái mũi của nó chậm chạp chồm chồm trên sóng mà thẳng tiến vượt đầm Đông Hồ hướng về Rạch Vược. Ông chèo rất nhịp nhàng, bước tới bước lui khoan thai, cây chèo bản to gần một gang tay, dài hơn 3 mét nó gọn gàng trong từng bước tới đẩy xoáy, bước lui rẽ nước, khiến cho tốc độ ngày càng được cải thiện… Sau khi vượt Đông Hồ là vào dòng kênh xáng, dòng kênh xáng này trước khi đến Ngã Tư Đèn Đỏ đã làm ta khó định vị, bởi bờ trái (là phía Cừ Đứt) nước luôn tràn ngập, cứ men theo bờ phải với rừng dừa nước cặp bên Thất Cao Đài có cái biên với mép nước thẳng tưng mà đi thì đó là lòng sâu của dòng kinh xáng.

Rẽ phải ngay cái ngã tư thủy lộ là ta vào rạch Cái Tắt, con rạch này cũng loanh quanh bởi nó là con rạch tự nhiên, đi thêm một chút là ba tôi chỉ cho biết cái “sác lá” của nội để lại, cũng khá rộng và đầy dừa nước, nó kéo dài đến ngay ngã ba Vàm Cui và còn quanh qua Rạch Núi một đoạn về Núi nhọn… Trong những ngày tháng đó chúng tôi thường vào đây để đốn là dừa nước, xé soàng soạt tàu dừa làm hai đều đặn rồi bó lại thành từng chục tàu với hai cái bề gáy phô ra thẳng thóm, lấy “cù bắp” là ngọn chưa nở lá, xé ra rồi dung mũi dao để tách sống lá còn non để lấy “lạt” buộc, sau đó phải “lòi” lá đã bó ra bờ rạch từ sâu trong sác lá, nơi không có chút ánh nắng lọt vào, muỗi thì quơ cả nắm, bùn thì ngang đầu gối, còn các bọp dừa chĩa tứ tung ngang dọc… Công việc gian nan vô cùng mà không mấy chốc mấy cha con chúng tôi nhuần nhuyễn như những người đổ lá chuyên nghiệp.

Và sau ngày ấy ba tôi cất xong cái nhà sơ tán bằng lá dừa nước trên cái nền nhà năm mươi năm trước đó của ông bà tôi…

Các con rạch Cái Tắt và Rạch Vược ngày ấy có nhiều sản vật, nó đã cung cấp cho chúng tôi bao nhiêu là món ăn không tốn chút tiền chợ cho nhà mười miệng ăn…

Mùa mưa là mùa của con ốc len, chỉ cần vào đầu mùa mưa chừng mươi ngày là bạn có thể thưởng thức được món “ốc len kèn dừa” trứ danh của người Hà Tiên, nấu phải có chút sả chút nghệ, nước cốt dừa, cùng trái đu đủ “mỏ vịt” … Con ốc len chỉ được bắt những con đang leo lên bọp hoặc tàu dừa nước, tuyệt đối không bắt con đang bò dưới đất vì nó sẽ dơ đầy cát và… Mà thôi! Ăn chi cho khổ vậy? Cứ lựa các con mập to leo cây mà bắt ăn cho ngon!

Các bạn có biết “hội ba khía”? Tôi chắc không mấy người biết ngoài những con dân vùng rừng sác. Tôi không nhớ rõ tháng mấy ở Rạch Núi và Cái Tắt có ba khía hội, nhưng phải nói là ba khía nhiều vô kể vào đêm đó. Kể cũng lạ, chuyện yêu đương của chúng cũng không thể vào thanh thiên bạch nhật. Vào đêm 30 âm lịch của một mùa trong năm, các chàng các nàng ba khía tìm kiếm nửa kia của minh, việc lãng mạn đó cần nhanh chóng trước khi trời sáng nên chúng “tranh thủ” lắm, chúng có thể hẹn thề trên bọp dừa, dưới bãi bùn, trong bụi ô rô gai góc, trên rễ cây đước chằng chịt… Đã phải tranh thủ mà chắc nhiều khó khăn, có lẽ chúng phải nói với nhau rất nhiều câu yêu đương tỏ tình mới đốn ngã đối tượng hay sao ấy vì tên nào cũng sùi bọt mép? Chúng ta chỉ việc lấy cái can 30 lít cắt lỗ miệng, một cây đuốc dầu để soi, ba khía thấy đèn sẽ đứng yên hoặc giương càng, thấy nó dữ dằn vậy chứ bạn đừng ngại, cứ chụp nhanh một phát, bảo đảm nó sẽ không kịp làm gì bạn vì nó còn đang ngây ngất hương tình, còn sợ bị kẹp thì bạn chỉ cần trang bị thêm một đôi bao tay vải… Một đêm một người chuyên nghiệp có thể bắt hai đến ba thùng 30 lít đó. Đương nhiên ngày thường cũng bắt được ba khía nhưng ít hơn.

Ven các con rạch chúng ta còn bắt được con vọp, người bắt vọp chỉ việc đeo một cái giỏ rồi men theo bờ nước, đu các nhánh dừa nước và đạp xuống bùn chung quanh các gốc dừa nước nếu thấy cộm tròn lòng bàn chân thì chắc mẫm bạn đã bắt được con vọp. Đi trong sác lá bạn cũng có thể bắt được vọp. Bạn có bao giờ nghe tiếng kêu của nó chưa? Giật nẩy cả người nếu bạn đang ở trong rừng sác âm u mà nghe những tiếng to, rõ, vang xa “Cốp…Cốp”, đó là tiếng vọp mở miệng. Vọp Rạch Vược ngon ngọt, thịt không ngon bằng nghêu nhưng được cái thịt rất đầy và to, có con nguyên vỏ to bằng cái chén ăn cơm thì thịt của nó đầy cả vá canh (giờ thì không thể có), bạn có thể luộc sơ gỡ thịt rồi nấu canh rau “tạp tàng” mà bạn hái nhặt chung quanh các ngọn núi nơi đây, hoặc bạn có thể nướng mỡ hành với chút đậu phọng rang đập vỡ lộm cộm, hay đơn giản chỉ luộc cho nó há miệng rồi chấm muối tiêu (phải là tiêu Hà Tiên nhé! Bảo đảm cực kỳ ngon!) để thưởng thức trọn vẹn hương vị của nó…

Ngày ấy hàng đêm ba tôi đi chài, kinh nghiệm thời thơ ấu khi ông còn là con của một ngư dân Rạch Vược được ông đem ra “xài’ cho thời cuộc, và ông đã dạy lại cho chúng tôi… Chèo chiếc xuồng lườn dọc con kênh Rạch Vược, có đêm chúng tôi ra đến ngã ba Kênh xáng, ông dạy tôi chèo để ông chài, dù không chuyên nghiệp nhưng ông chài cũng tròn lắm, đủ để bắt được cá tôm để hôm sau nhà tôi có cái ăn… Cơ khổ, ba tôi bị thương hư một mắt trong thời gian chiến tranh, nên việc nhìn ngắm và thăng bằng không tốt, mà chài thì đứng trên mũi thuyền nên ông thường xuyên té xuống kênh, vì thế tôi phải tập chài để thay ba khi ba mệt. Kết quả, tôi là đứa con duy nhất trong tám đứa của ông vừa biết chài vừa biết chèo.

Đi chài đêm tôi mới biết thế nào là “hội đom đóm”, không biết cơ man nào là đom đóm, hàng ngàn con bay chập chờn, hàng vạn con đậu chấp chóa trên các cây bần ven kênh, chỉ đặc biệt là cây bần (các cây giống khác cũng có đom đóm nhưng không hội nhiều bằng cây bần).  Đom đóm bay ví như hàng vạn vì sao trong đêm trong vắt. Đom đóm đậu như vạn ngọn đèn lung linh chớp nháy lộng lẫy một màu trắng xanh nhẹ trên các hàng cây trong đêm Noel… Đó cũng là đêm hẹn hò của chúng, mà cuộc hẹn hò của côn trùng lãng mạn hơn ta hình dung, phải chi các bạn được chứng kiến mới hiểu và cảm nhận được cái cảm xúc làm cho người ta đã phải bật ra mà thốt lên rằng:

“Nước ròng kênh cạn chèo buông
Bần gie đóm hội, anh buồn nhớ em…”

hay là:

“Bần gie đóm đậu sáng ngời
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên”

“Đóm đeo thủy liễu đôi chùm
Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn”

Con rạch Cái Tắt và Rạch Vược đã để lai trong tôi quá nhiều ký ức đậm sâu mà nhắc lại chuyện bốn mươi lăm năm như mới hôm qua…

Quang Nguyên – 03/2021

Bên dòng Rạch Vược (Thuận Yên, Hà Tiên), bên phải là cây cầu sắt ngày xưa, nay đã biến mất, phía xa bên phải là ngọn núi Đồn. Hình năm 1902 (Sưu tầm)

 (Còn tiếp. Mời các bạn đón đọc II. Phần D)

 

 

 

Từ những bức ảnh trăm năm. Phần B-Đường Hòn Chông (Quang Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong bài trước với tựa đề « Từ những bức ảnh trăm năm – Phần A », tác giả Quang Nguyên đã đề cập đến Tàn tích Lư Khê Ngư Bạc. Với một cách hành văn nhẹ nhàng như kể lại một câu chuyện xưa, tác giả đã định vị được cho người đọc nơi nào là Lư Khê (Rạch Vược) và sự liên quan theo thời gian giữa cảnh xưa và nay. Con rạch mang tên Rạch Vược đã có từ xa xưa thời trước ông Mạc Thiên Tích, một đầu rạch thông ra biển còn một đầu rạch kia thì theo ngả rẽ qua rạch Cái Tắt và thông đến kênh Hà Tiên – Rạch Giá. Nếu từ Hà Tiên xa xưa muốn đi về Hòn Chông thì phải mượn con đường cặp theo cái rạch nầy mà đi lần dài theo bãi biển và xuống tới Hòn Chông, vì con rạch chắn ngang đường đi nên thời đó có một chiếc cầu bắt qua con rạch. Đến năm 1943, người ta làm đường liên tỉnh lộ 8 (nay là tỉnh lộ 80), và vào năm 1944 chiếc cầu bị phá bỏ, phía đầu thoát ra biển của Rạch Vược đã bị lấp đi…Từ đó nếu khách du ngoạn ngồi trên xe từ Hà Tiên về Rạch Giá,  lúc chạy qua đoạn đường có chùa Sơn Hải, Mũi Gành cho đến thấy ngọn Núi Đồn, thì đã đi qua trên phần tàn tích của « Lư Khê Ngư Bạc »…Hôm nay, để tiếp tục cuộc hành trình về thiên nhiên của một vùng Hà Tiên rộng lớn xa xưa, tác giả viết tiếp cho chúng ta biết được phần con đường từ Rạch Vược đi đến tận Hòn Chông. Nói một cách khác, là người quê quán Hà Tiên, khi đi xa theo việc học hành hay đi làm việc, lúc nào chúng ta cũng có dịp được về thăm quê nhà Hà Tiên, khi ngồi trên chuyến xe đò chạy từ quảng đường Kiên Lương về Hà Tiên, khi đã quẹo phải một góc 90° của khúc đường Ba Hòn thì ta đã bắt đầu được nhìn thấy thiên nhiên êm đềm và xinh đẹp của Hà Tiên…Chính mình đã sống qua hàng trăm lần những chuyến xe về quê như thế, lần nào khi được ngắm nhìn cảnh vật quê nhà, một bên là đồi núi xanh thẩm nhấp nhô, một bên là biển cả xa ra với các ngọn sóng bạc nhẹ nhàng uyển chuyển, lòng mình lúc nào cũng tràn ngập xúc động…Tâm hồn và ý nghĩ hầu như đã hòa nhập vào thiên nhiên đó để làm sống lại một ca khúc trở về với quê hương mà không một quảng đường xa lạ nào khác tạo cho mình cái cảm xúc như vậy…cảm xúc đó là một thứ tình cảm như là bồi hồi, phấn khởi, hồi hộp cũng như ta sắp được gặp lại một người bạn gái năm xưa, tuy đã rất quen thuộc với nhau thuở còn thơ, nhưng lại cũng rất nôn nao chờ được gặp lại để xem « dung nhan » vẫn còn như xưa hay không ?? Và lần nào cũng thế, mỗi khi trở về với Hà Tiên, mình cũng hoàn toàn được thấy « nàng » vẫn còn đó với một dung nhan tuyệt vời rất quen thuộc như những ngày còn với nhau từ xa xưa, vẫn mặn nồng chan chứa với những nét cong tuyệt đẹp của đồi núi, với làn da mát rượi của sóng biển thổi nhẹ nhấp nhô, với cái dáng trải dài của con sông Giang Thành êm đềm không tiếng động và với một bộ áo xanh thẩm của những hàng dừa, những ngọn núi không cao lắm luôn bao bọc che chở….. Đó là những kỷ niệm của mình với Hà Tiên…mà than ôi ngày nay đã không còn nữa vì cũng như trong thơ văn người xưa có nói « Thương hải biến vi tang điền », biển xanh nay đã biến thành ruộng dâu…hay nói đúng hơn, con sông êm đềm không tiếng động ngày xưa nay đã bị lấp dần hai bên bờ và chứa đầy nhà cửa, dinh thự xa hoa…!!! (Trần Văn Mãnh viết lời dẫn, Paris ngày 19/03/2021)

I/ Lư Khê Ngư Bạc và đường Hòn Chông

 A – Tàn tích Lư Khê Ngư Bạc:  (bạn nào chưa đọc phần A xin bấm vào link đọc)

 B – Đường Hòn Chông:

Các bạn có lạ không khi đường về Hà Tiên đang đi thẳng băng trên con lộ 80 đến Ba Hòn rồi bẻ một cái cua 90 độ muốn văng khỏi ghế? Rồi sau đó phải chỉnh lại cái sống lưng ta mới có thể lái tiếp men theo con đường lộng gió biển quanh co khúc khuỷu, để rồi khi về đến Hà Tiên bạn loạng choạng bước vào nhà vừa đi vừa ói?

Các bạn có lạ không khi bên phải con lộ 80 là một góc của Tứ Giác Long Xuyên mà từ thuở hồng hoang toàn phèn chua cỏ cháy, cớ gì người ta không băng thẳng một con đường về đến Hà Tiên cho đỡ tốn đất, tốn đá, tốn nhựa đường, tốn tiền “đền bù giải tỏa”?

Bởi xưa kia thời ông Mạc Cửu chưa có con đường 80 như bây giờ các bạn đang đi, người dân muốn đi Rạch Giá chỉ có thể đi bằng đường biển mà thôi. Đường bộ thì từ Hà Tiên chỉ có thể đi đến Hòn Chông, mà cũng chỉ có thể men theo bờ biển, họ đi bằng ngựa, hoăc xe ngựa, hoặc đi bộ… Con đường lâu ngày mà thành đó người xưa gọi là “đường Hòn Chông”. Đó cũng là con đường tuần tra, đường hành quân của Mạc Thiên Tích. Đến Hòn Chông, sẽ có con đường khác men theo biển hướng về Rạch Giá, các con đường này năm xưa có thể đến Rạch Giá được không thì quả thật tôi không thể biết. Tuy nhiên, tôi nghe nói rằng con đường Rạch Đùng cũng là một con đường cổ (bắt đầu từ ngã ba thuộc Xã Bình An – Hòn Chông) có thể đi đến Rạch Giá, dù tôi chưa đi bao giờ.

Thời Pháp thuộc, người Pháp đào con kênh Rạch Giá – Hà Tiên để vừa làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp, vừa làm giao thông thủy, còn đất của nó “quăng lên” đã làm con đường 80 ta đi bây giờ. Con kênh đào đó đã đi suốt đến Hà Tiên gọi là kênh Rạch Giá – Hà Tiên, con kênh này đến Kiên Lương thì có nhánh đâm thẳng đến Ba Hòn như các bạn đã biết. Con kênh hoàn thành thì con đường 80 cũng hình thành cơ bản song song con kênh, đầu đường 80 chỗ Ba Hòn đã nối vào đường Hòn Chông cổ vốn là “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” (thơ Bà Huyện Thanh Quan), được người Pháp nâng cấp to hơn, chắc chắn hơn.

Đoạn từ Ba Hòn về Hà Tiên từ đó về sau được mặc định là “lộ 80” rồi tên đường Hòn Chông chỉ còn là đoạn từ Ba Hòn vào đến Hòn Chông như hiện nay.

… Bởi “phôi” đường là con đường mòn của người xưa nên nó mới quanh co uốn lượn, nhờ vậy mà đường về Hà Tiên đoạn này rất đẹp, đẹp khó tả… Ai còn nhớ trên lối xưa ta về, vừa quẹo gắt leo lên cây cầu sắt Ba Hòn là thấy bên trái là biển xanh một màu yên ả, nhất là vào mùa đông bắc. Kế cạnh bên trái là một quả núi là một trong ba cái hòn nhỏ toàn đá vôi với những cột nhọn lớn nhỏ chỉa thẳng lên trời, mà bây giờ quả núi đá nhỏ này đã nham nhở gần hết do khai thác đá.

(Nếu các bạn để ý sẽ thấy 100% các ngọn núi đá vôi vùng Kiên Lương – Hòn Chông có các ngọn đá nhọn chỉa lên như chông, mà tất cả các “cây chông” đó ngọn của nó như nghiêng vào đất liền, đó là kết quả của triệu năm bị xâm thực bởi gió biển và nước mưa. Tất cả các núi đá vôi đó đều có chân núi bị nước biển xâm thực tạo thành những hang động ngoằn nghoèo kỳ thú, mà cao độ khoảng xâm thực của các ngọn núi là cao tương đối bằng nhau, bởi hàng triệu năm vùng này bị ngâm chìm trong nước biển, rồi có một kỳ biển thoái đã để lại các hòn đá đảo này lại đất liền…).

Con đường tiếp tục lượn hai ba vòng để ta ngắm nhìn các ruộng muối trắng trước khi đi qua Tà Xăng (hay Tà Săn?), rồi đột nhiên hiện ra giữa đồng trống phía bên phải một hòn đá vôi mồ côi mà dưới hốc chân của nó có một căn nhà lá với miếng đất vườn nho nhỏ xanh ngắt nổi bật giữa vùng đồng phèn vàng võ, bên trái con đường sau khi băng qua khoảng ruộng nhỏ rồi một khoảng đất đầm lầy cạn ngập mặn, là chúng ta đến bãi biển có hàng dừa cao sát mé, vào mùa gió nam các chùm tàu lá trên ngọn được dịp cùng nhau múa hát dập dìu dưới mưa. Tôi còn nhớ những năm thập niên 70-80 chúng tôi còn ra đây « picnic », bắt nghêu sò rất nhiều, mà nay không còn dấu vết chi của hàng dừa này nữa…

Con đường về Hà Tiên tiếp tục với những đoạn đẹp ngẩn ngơ nối tiếp bắt đầu từ cầu Tam Bản mà ngày xưa chỉ là cái cống, trận lũ lịch sử năm 2000 (tôi nhớ vậy không biết đúng không) sau một đêm bọn giặc lũ mượn đường đi, chúng đã tàn ác thổi bay mất cái cống Tam Bản (bởi vậy cha ông ta đã dạy: “tuyệt đối không cho giặc mượn đường!”). Con lộ 80 nằm đè lên con đường Hòn Chông cổ vì thế đã bị đứt một đoạn rộng có đến ba mươi mét, nước chảy qua ào ào cuồn cuộn, mở rộng dòng mương Tam Bản tạo thành một cửa biển mà trước đó chỉ là “dòng nước cống”, cái cống giờ đây đã biến hình thành một cái cầu đúc khang trang và khá bề thế.

(Rồi nữa, tại đoạn cuối con đường cổ là Hòn Chông, nơi có cái Chùa Hang còn gọi là Hải Sơn Tự được người xưa đặt nằm trọn vẹn trong một lòng hang vừa dài vừa rộng. Cái hang này được tạo thành bởi dòng chảy của nước xuyên qua núi đá vôi từ triệu năm trước, khi nơi này còn chìm hoàn toàn trong nước biển. Ngày nay mọi người khi xuyên qua hang có Hải Sơn Tự, cho dù các bạn bực bội vì bị đụng đầu vào vách đá khiến bạn đau đớn, hay bị đàn dơi từ trên trần của hang động tặng vài “vật phẩm thơm tho” khiến bạn đau khổ… Thì mọi cảm giác đó sẽ tan biến khi bất chợt một khung cảnh nên thơ mà hoành tráng đập ngay vào mắt bạn: nền trời thì xanh trong với một vài cụm mây trắng xốp như bông đang treo trên một bãi cát vàng nhạt với các dãi sóng nhẹ nhàng đang “sơn mỏng” lên nó, ngoài kia các quả núi đá vôi lởm chởm như mọc lên từ nước, bên trái cách bờ vài trăm mét là Hòn Phụ Tử – một biểu tượng bất hủ của Hà Tiên… Tất cả đang rớt trọn vào một khung hình với một bố cục hoàn hảo ở mọi góc cạnh, đủ màu sắc của thiên nhiên, tất cả tạo nên một phong cảnh đẹp đến mê mệt đắm đuối… Thế mà, một trong hai cây chông đẹp nhất xứ mình đã bền vững đứng đó hàng triệu năm bất ngờ đổ ầm xuống biển trong đêm 9-8-2006, từ sau đêm ấy biểu tượng chỉ còn là hình tượng…

Đúng là câu chuyện bể dâu. Vạn vật thay đổi ngay trong đời mình. Thế mới hay rất “vô thường”. Triệu năm còn chết huống hồ trăm năm?)

… Nhưng cho dù có dâu bể thế nào thì con đường Hòn Chông bị “thằng” lộ 80 nằm đè lên ngót trăm năm đó vẫn rất đẹp, ở cái đoạn cong cong chuẩn bị cua lên dốc Bãi Ớt đó nếu bạn chịu khó dừng lại chút trên cầu Tam Bản và đưa nó vào khung hình, dứt khoát bạn sẽ thấy một bố cục hoàn hảo. Bên phải có một ngôi chùa Khmer với kiến trúc đặc trưng nằm trơ trọi giữa đồng, ngôi chùa này được xây dựng trước năm 1975 và công việc đang dở dang, vào khoảng thập niên 80 ba của tôi cùng các bạn hữu của ông, người góp của kẻ góp công để hoàn thành đẹp đẽ như hôm nay, công việc có ngót năm đến sáu năm. Bên trái là Mũi Dừa Hòn Heo với dãy núi thấp đầy màu xanh cây lá chảy dài ra biển, nơi đó có cái chùa Vạn Hòa mà tính tổng cộng thời gian từ thời ông bà tôi và cha mẹ tôi họ đã lui tới liên tục ngót đã gần trăm năm. Ngôi chùa dựa núi với bãi biển xinh đẹp trước mặt có nhiều hàng dừa mà người ta gọi đúng tên của nó: Mũi Dừa. Nơi mà năm xưa tôi có một buổi lửa trại đầy kỷ niệm với các bạn học cùng trường, ngày ấy chúng tôi còn “khám phá” có một cái lô cốt của người Pháp với bê tông dày hàng mét, rồi hệ thống các đường hầm phòng ốc bí hiểm âm vào trong núi có các lỗ châu mai mở ra hướng biển, rồi đầu óc con trẻ của chúng tôi áp đặt vào đó bao câu chuyện hoang đường đầy thuyết âm mưu hay tính phiêu lưu mạo hiểm… Cho dù thế nào thì đây hẵn là một điểm phòng thủ của người xưa.

(Theo như nghiên cứu của ba tôi thì vùng đất này còn là một thắng cảnh lừng danh khác của Hà Tiên: “Châu Nham Lạc Lộ”. Dù kết quả nghiên cứu này của ông không dễ để người đời chấp nhận bởi một sai lầm cũng của người “cận xưa” đã “lỡ” xác định “Châu Nham Lạc Lộ” là Đá Dựng. Riêng tôi, tôi tin rằng ba tôi đã đúng bởi các lý lẽ của các sách xưa đã nói rõ vị trí, và những câu chuyện chánh sử đã ghi liên quan đến “đồn Châu Nham” từ thời Minh Mạng. Vị trí của Đồn châu Nham nằm bên phải đường Hòn Chông về Hà Tiên, dưới chân núi Bãi Ớt tỏa ra vùng đất bằng tại vị trí án chừng là chùa Khmer bây giờ, mở ra đến cạnh rạch Tam Bản… Còn nhiều thông tin khoa học khác dư sức thuyết phục những ai hồ nghi điều cha tôi đã nghiên cứu và khẳng định. Việc ông làm là để trả lại một địa danh lịch sử, một danh thắng của Hà Tiên đúng vị trí của nó để tránh ngộ nhận sau này. Mời các bạn tìm đọc bộ sách ba quyển khảo cứu về Hà Tiên của tác giả Trương Minh Đạt*)

Sau khi vượt dốc Bãi Ớt thì đến Hòn Heo, nơi đây có một ngã tư, bên trái là đường ra Mũi Dừa có chùa Vạn Hòa như đã nói, bên phải có con đường đi thẳng đến Cờ trắng của dòng kênh Rạch Giá – Hà Tiên, mà nếu vượt qua con kênh sẽ là một vùng đất bằng phẳng thuộc vùng Lò Bôm, Phú Mỹ, Trần Thệ mà vào những năm 1977-1979 bao nhiêu lần tôi đã đi bộ hàng chục cây số, có khi đi cùng ba tôi nhưng cũng có lúc đi một minh vào vùng đất hoang chỉ toàn cỏ năng, cỏ đưng, và rừng tràm để khẩn hoang làm ruộng theo “ý chỉ” của chính quyền thời ấy… Quả là một quảng trời đầy ắp những kỷ niệm, cho dù buồn hay vui thì nó vẫn là cái thứ bạn không thể quên được.

Sau khi vượt qua Mũi Ông Cọp một bên là núi một bên biển thật thơ mộng, nào khác qua các khúc đèo biển núi nổi tiếng của miền Trung Việt Nam? Rồi đường xưa cũng qua núi Xoa Ảo, Hòa Phầu, Mũi Dông (Mũi Giông) là cái đuôi ra biển của núi Nhọn, đi thêm một đoạn thẳng một cây số là ta đến Núi Đồn, vừa qua Núi Đồn là đến Lư Khê Ngư Bạc, người xưa phải vượt qua cây cầu sắt như đã nói ở bài trước đây mới đi tiếp về Hà Tiên được …

Tóm lại, bức ảnh được chụp cách đây trăm năm có một con đường đất đá tại vị trí Rạch Vược mà ghi chú “Route de Honchong” (đường Hòn Chông) là hoàn toàn không sai.

Chỉ chừng ấy thôi mà chúng ta có cả một bài viết dài với bao nhiêu câu chuyện “ăn theo”. Con đường này giờ không chỉ có “Lư Khê Ngư Bạc”, các bạn còn xác định được “Châu Nham Lạc Lộ”. Các bạn để lại sau lưng vùng Hòn Chông (Bình An) đẹp “dữ dằn” mà không được ông Mạc Thiên Tích đặt tên và làm thơ, thật tiếc.

Điểm gần cuối của đường Hòn Chông về Hà Tiên các bạn có thêm một thắng cảnh nổi danh khác. Nếu bạn đứng trên đầu dốc Eo Bà Má (là cái đuôi của núi Đại Tô Châu) mà phóng tầm mắt xa hơn về hướng biển bên Hà Tiên, các bạn sẽ thấy một vùng đầm lầy rộng lớn nằm bên trái con lộ giữa Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu, nó kéo dài ra biển, nối tiếp vùng đầm lầy là vùng đất cồn bồi rất xa có đến hàng cây số rộng người Hà Tiên gọi là cồn Quai Vạc (hay Quay Vạc?), tại đây có nhiều nghêu sò ốc, nhuyễn thể, có con móng tay và cà xỉu trứ danh đặc sản Hà tiên. Đó là “Nam Phố Trừng Ba”. Ngày nay nơi dốc Eo Bà Má đã là quảng trường nhỏ có tượng ông Mạc Cửu, còn vùng đất có cồn Quai Vạc đã nói đã thành khu dân cư, bến phà Thạnh Thới… Người nay đã nắn con đường Hòn Chông cổ có cõng con lộ 80 trên lưng gần trăm năm vẫn cố gắng băng ngang vùng đầm lầy nói trên, để đưa ta đến đầu cầu Hà Tiên. Có nghĩa, toàn bộ vùng đất này nó nằm hoàn toàn trong “Nam Phố Trừng Ba”.

Tất cả đều chỉ còn là tàn tích.

Và chắc chắn các bạn cũng như tôi, sẽ yêu thương hơn con đường Hòn Chông của chúng ta cho dù nó có mang tên gì đi nữa, bởi chỉ men theo nó thôi mà chúng ta đã đi, đã đến, và đã chiêm ngưỡng ba trong số thập cảnh xưa của Hà Tiên cho dù chỉ là tàn tích… Bỏ qua các tàn tích, toàn bộ con đường từ Hà Tiên đến Chùa Hang Hòn Chông hay ngược lại, sao tôi thấy đoạn nào cũng đẹp, nó làm cho người thăm Hà Tiên sẽ muốn quay lại, người con Hà Tiên sẽ muốn trở về…

Các bạn có đồng ý với tôi không?

Quang Nguyên – 03/2021

 (Còn tiếp. Mời các bạn đón đọc II. Phần C)

Sơ đồ xác định một số vị trí địa danh dọc theo bờ biển Hà Tiên – Kiên Lương

Sơ đồ các vị trí địa danh đã nhắc đến trong bài viết

Bức ảnh “Route de Hon Chong” được một người Pháp chụp đầu thế kỷ 20 (1901), một đoạn đường Hòn Chông từ Hà Tiên qua trước khi qua cầu Rạch Vược, là chiếc cầu sắt trong ảnh. Địa điểm ngay “Lư Khê Ngư Bạc” – ảnh sưu tầm.
Nhìn cận cảnh chiếc cầu sắt bắt qua Rạch Vược (1901), phía sau nền ảnh là ngọn núi Đồn của vùng Thuận Yên. (Chiếc cầu nầy đã bị tháo gở năm 1944). Ảnh sưu tầm.
Chùa Vạn Hòa thuộc Ấp Hòn Heo, Xã Dương Hoà, Huyện Kiên Lương. (Người trong hình là thầy Lý Mạnh Thường, giáo sư Trung Học Hà Tiên Xưa). Hình: Lý Thanh Xuân. (Chùa Vạn Hòa ngay nay đã được trùng tu và thay đổi rất nhiều so với hình nầy đã chụp nhiều năm trước 2012).

Chùa Khmer Bãi Ớt (còn có tên Seray Chapa Loh Bay Ok) thuộc Ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, Kiên Giang. Hình xưa, nguồn Tuan Vo.

Bãi Hòn Heo, thuộc ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Bãi nằm bên trái tỉnh lộ 80 từ Kiên Lương về Hà Tiên sau khi qua dốc Bãi Ớt. Hình: Nhiếp ảnh gia Quách Ngọc Bá, 1973.

Bên trái: Bãi biển Thuận Yên (Hà Tiên), con đường ở giữa hình là liên tỉnh lộ 8, nay là tỉnh lộ 80, bên phải hình là địa phận xã Thuận Yên. Hình: Nhiếp ảnh gia Quách Ngọc Bá, 1973.

Phía trên hình là đoạn cuối của núi Tô Châu (Hà Tiên), dải đất nhô ra hướng về bên phải chính là Cồn Quai Vạc, hình chụp từ bên Pháo Đài, phía dưới hình là căn cứ Hải Quân Mỹ lúc còn đóng tại Pháo Đài, năm 1969. Hình: Tom Lefavour**

Phía trên hình là đoạn cuối của núi Tô Châu (Hà Tiên), dải đất nhô ra hướng về bên phải chính là Cồn Quai Vạc, hình chụp từ bên Núi Lăng, phía dưới là phần cây xanh của Núi Lăng, năm 1994. Hình: Trần Văn Mãnh.

Cồn Quai Vạc (giữa hình) khi đã có cầu Tô Châu cất từ Pháo Đài (Hà Tiên) qua phía phường Tô Châu, nơi có bến đò Thạnh Thới. thời gian vào khoảng 2002-2009. Hình: Nguyễn Xuân Thắng (ARCH)

Chú thích một:
 * Bộ sách ba quyển khảo cứu về Hà Tiên của tác giả Trương Minh Đạt: 
1/ Nhận thức mới về đất Hà Tiên, 2001.
2/ Nghiên cứu Hà Tiên, 2008
3/ Họ Mạc với Hà Tiên, 2016
Chú thích hai:
Để hiểu một cách rỏ ràng về các địa danh Thuận Yên và Dương Hòa có đề cập đến trong bài viết, sau đây là vị trí hành chánh các địa danh nầy:
Thuận Yên là xã thuộc về thành phố Hà Tiên. Thuận Yên gồm các ấp: Hòa Phầu, Rạch Vược, Ngả Tư, Xoa Ảo, Rach Núi.
Dương Hòa là xã thuộc huyện Kiên Lương. Dương Hòa gồm các ấp: Bãi Ớt, Chà Và, Hòn Heo, Mũi Dừa, Ngả Tư, Tà Xăng.

 

 

Từ những bức ảnh trăm năm. Phần A-Tàn tích Lư Khê Ngư Bạc (Quang Nguyên)

Lời dẫn:

Vào những ngày đầu năm Tân Sửu, tôi nhận được ba tấm hình của Mr. Mãnh, “soái ca” của Trung Học Hà Tiên Xưa (tôi dùng từ nầy mặc dù tôi biết là Mr Mãnh không nhận từ « soái ca » vì ông nói còn rất nhiều bậc đàn anh đàn chị đáng tôn vinh của trường Trung Học Công Lập Hà Tiên xưa). Đó là những tấm ảnh được chụp ở các thời điểm cách nhau đến hơn hai thập kỷ và các bức ảnh đã có cách đây hơn trăm năm tại cùng một địa điểm – nhất định là thế, đó là đầu con Rạch Vược đoạn ra biển. Nhưng, tại sao có những chú thích có vẻ mâu thuẫn nhau? Tấm thì đề là “Rạch Vược”, còn tấm thì ghi “Đường Hòn Chông”? Thắc mắc của Mr. Mãnh làm tôi cũng hoang mang, hỏi anh Google thì ảnh bảo “không biết! Nếu tui biết thì tui đã nói với Mr. Mãnh rồi!”. Thế là chúng tôi phải hỏi “Nhà Hà Tiên học” Trương Minh Đạt, mà nói chuyện điện thoại với ba tôi thật khó bởi xuân này ông đã 87 tuổi mụ, ông lãng tai và khó nói chuyện vì cơn tai biến liệt nửa người nhiều năm nay… Cuối cùng chúng tôi cũng có những thông tin mà minh cần biết sau hai ba ngày với nhiều cuộc điện đàm phải ngắt ngang nửa chừng để ba tôi nghỉ ngơi. Phải công nhận rằng nói về Hà Tiên thì ông là một kho dữ liệu ngồn ngộn thông tin, ông quên nhiều thứ chứ có hai vấn đề tối quan trọng với ông mà ông không thể quên: một là uống thuốc hàng ngày và hai là các câu chuyện, các sự kiện, dữ liệu…, liên quan đến Hà Tiên ông nhớ rõ và chính xác! Giờ chúng tôi phải chia sẻ hiểu biết này để hôm nay và mai sau mọi người cùng thêm hiểu biết về xứ sở tươi đẹp của mình. Không quên nhờ các độc giả chỉ ra và bổ sung thêm cho chúng tôi những thiếu sót. Rất cảm ơn các bạn. (Quang Nguyên)

I/ Lư Khê Ngư Bạc và đường Hòn Chông

 A – Tàn tích Lư Khê Ngư Bạc:

Khách thập phương ngày nay khi tìm hiểu về Hà Tiên ắt hẵn ai cũng có thể biết về bài thơ “Lư Khê Ngư Bạc” của ông Mạc Thiên Tích, ông mô tả về dòng Lư Khê đó là một trong Hà Tiên Thập Cảnh trứ danh.  Thế nhưng mấy ai biết được sau khi tham quan Hà Tiên xong trên đường về nhà bằng quốc lộ 80 thì tất cả mọi người đều đi qua đó?

Đúng ra là đã đi qua tàn tích của nó.

“Lư” là tên chữ Hán của con cá Vược, dân dã thì gọi là cá Chẽm, khoa học thì gọi là Lates Calcarifer, nghe đồn (mà tôi không chắc lắm) bên Mỹ họ quen gọi là Seabass… Nói chung là con cá này rất phổ biến ở khắp thế giới ở những vùng nước không lạnh lắm. Thịt cá mềm đối với cá dưới 1kg và thịt “chắc” dần lên khi nó lớn, nhưng dù cỡ nào thì nó cũng ngọt ngon, bạn nấu món gì cũng ngon.

Nếu vào một ngày đẹp trời bạn đi câu ở cửa biển, vùng nước lợ, “chẳng may” bạn bị con cá Chẽm cỡ 3 kg cắn câu, nhất định nó sẽ lôi bạn xuống nước cho ướt cả áo quần bởi nó mạnh lắm, nhất định bạn phải kéo nó vào được bờ, rồi nhất định bạn phải trả thù một cách “man rợ” nhất là đoạn nó thành ba khúc. Hãy làm theo tôi:

Khúc thứ nhất là cái đầu cá có một phần bụng, mang (go), gan và bao tử, bạn chỉ bỏ ruột, bạn làm vệ sinh thật sạch bằng muối và khử bớt mùi cá bằng một chút chanh, dấm nuôi, hay cho nó “nhậu” một ly đế trứ danh của Lưu Linh, rồi bạn nấu canh chua Việt theo kiểu miền Tây, có bạc hà, có chút giá, đậu bắp, vài trái cà chua, miếng khóm, me chua và chút đường. Khúc thứ hai là cái thân mình đầy thịt và thịt của nó, bạn sẽ hả hê hài lòng bằng cách rọc xương nó ra lấy hai mảng phi lê hai bên toàn nạc, một để làm món Tàu có chút nấm tai mèo, nước tương, gừng, tiêu tỏi, chút bún Tàu, hành lá, nêm vừa ăn và hấp trên lửa vừa, miếng phi lê còn lại bạn có thể làm món Tây – cá Chẽm nướng với sốt mật ong chanh dây có bơ, tỏi, tiêu, muối và vài cọng rau mùi. Khúc thứ ba là cái đuôi, bạn có thể ướp sơ muối hoặc chiên tươi, món này ở nước nào vùng Đông nam Á tôi cũng thấy họ dùng, tuy nhiên người miền Nam Việt Nam thì dùng với nước mắm đâm ớt chua ngọt ăn với xoài băm kèm với một dĩa rau thơm sống các loại, lưu ý rằng khi chiên cá bạn phải để chảo thật nóng đến bốc khói, và dầu hay mỡ chiên không cần nhiều nhưng cần thật nóng trên lửa nhỏ (vụ này được rút tỉa kinh nghiệm vào cái thời đói ăn mà mỡ heo phải mua từng muỗng), bảo đảm phần còn lại của ‘kẻ thù’ của bạn sẽ vàng ươm và còn nguyên vẹn hình hài không dính một miếng da nào vào cái chảo… Cuối cùng, bạn có thể gọi 4-5 người đến để cùng bạn trả thù một cách ngọt ngào nhất – cái con cá đã dám lôi bạn xuống bùn! Nếu có một chút rượu “đưa cay” thì việc tiễn đưa và “hóa kiếp” cho nó có thêm phần long trọng.

Nãy giờ mới nói đến “Lư” còn “Khê”?

“Khê”: là khe nước, là dòng nước nhỏ, là con rạch tự nhiên… Ai cũng có thể biết điều này, và Lư Khê là Rạch Vược, là một con rạch có nhiều cá Vược. Nôm na là vậy.

Rạch Vược đã gắn với tôi từ thời niên thiếu, đâu đó khoảng năm 1973-1975, cứ mỗi cuối tuần khi ba rảnh việc là ông dẫn hai anh em tôi qua mảnh đất của ông bà để lại ngay sau đình Thần Hoàng xã Thuận Yên cách Hà Tiên non bốn ki lô mét. Ông trồng chuối, trồng dừa, phát quang cây cỏ… Chúng tôi đi theo chỉ để bắt cào cào châu chấu, gom cỏ đốt rác, lấy cho ông ấm nước hay vịn cho ông cây chuối non tơ để ông lấp đất trồng nó (không ai biết được điều gì, chỉ vài năm sau thời cuộc thay đổi, những gì cha con chúng tôi làm lúc ấy đã một phần phát huy tác dụng “cứu đói” cho cái gia đình nheo nhóc của ba má tôi sau này).  Và trước khi về nhà, thế nào ông cũng cho hai anh em tôi hụp lặn trên dòng Rạch Vược lợ lợ trong vắt màu nâu nhẹ, và nhờ thế anh em chúng tôi biết bơi từ rất sớm.

Đoạn sông chúng tôi tắm ba tôi gọi là “Doi”, ở đó có cái doi núi cạnh mép sông, là một cái “phá” nhỏ, hơi sâu hơn hai thằng con nít 7 – 8 tuổi chồng lên nhau. Phía đối diện bên kia sông là một mũi đất bồi mà ba nói đó là tàn tích của “Điếu Đình”, chúng tôi có thể lội qua bên đó không quá khó khăn vì chỉ cần vượt qua vũng sâu chừng hai mươi mét thì chân đã chạm đất.

Nếu đứng ở con đường vào các khu đất vườn sau Đình Thuận Yên ngay Doi, thì về bên trái khi xưa thật xưa là nàng Rạch Vược cong cớn, trước khi chảy ra cửa biển nó còn kịp lưu luyến khung cảnh hữu tình nơi đây mà uốn éo khơi gợi một đường cong hoàn mỹ hình chữ S mà người nay gọi là “ngực tấn công mà mông phòng thủ”, nước chảy qua chữ S đó bèn mở ra một cái phá to và sâu hơn cái phá nơi Doi đã nói trên. Các vũng “phá” này tạo dòng nước xoay tròn, là nơi cá nhỏ và tôm tép vào ăn các phiêu sinh vật phù du, còn cá lớn thì nuốt cá bé và nuốt cả tôm tép theo đúng luật chơi công bằng của tạo hóa.  Cá Vược là loại cá rất thích mồi tôm sống, nên bọn chúng kéo bầy đàn thê tử cùng hai họ nội ngoại về quần tụ nơi đây. “Chim trời cá nước ai bắt được người đó ăn”, vì vậy mà người dân quần tụ về đây đông đúc thành cả một xóm chài.  Và cũng bởi “ai bắt được người đó ăn” nên dân bắt được thì quan cũng thế, do vậy ông Mạc Thiên Tích rất thích đến đây câu cá (đương nhiên là cá Vược), chỉ cái việc ngồi chờ cá cắn câu và tức cảnh sinh tình mà ông còn kịp để lại theo năm tháng hơn ba chục bài thơ khác về Lư Khê …

Anh Hai Lý nhà ở Rạch Vược Thuận Yên, một người anh bà con của tôi mà tôi rất quý trọng, tính đến năm nay anh đã 82 tuổi mụ, nhiều năm trước khi anh em cùng ngồi nhâm nhi trà dư tửu hậu khi anh đến thăm tôi ở Sài thành hoa lệ mà nhắc nhớ xứ sở quê nhà, anh có nói với tôi rằng:

–          Năm xưa hồi anh còn nhỏ, anh có biết một hòn đá to nằm ngoài mép rạch, bằng phẳng như cái phản, ngay trước xeo xéo Điếu Đình, nếu đứng trên đó thì nước sâu hơn thắt lưng chút, anh hồ nghi rằng đó là nơi ông Mạc đứng câu.

–          Vậy cái tảng đó đó còn không anh Hai?

–          Còn chớ! Ai mà đem đi đâu làm gì?

–          Mình có thể tìm lại nó được không?

–          Sau này anh không thấy nữa, chắc giờ nó bị bồi lấp mất rồi khi Tây chặn cửa biển…

Có nghĩa là trăm năm trước thì Lư Khê của Mạc Thiên Tích vẫn nguyên trạng, đi từ Hà Tiên sau khi qua Tô Châu hữu tình, chúng ta còn có thêm một cái cửa biển cũng hoành tráng và đẹp “lồng lộn” chỉ cách Hà Tiên non 4 ki lô mét. Cửa biển đó được thiên nhiên tạo bởi dòng Rạch Vược đổ ra biển, từ ngoài biển nhìn vào sẽ thấy bên trái có gành đá đẹp, nó đẹp nổi bật khi sóng biển đánh vào làm tung nước trắng xóa phủ lên các tảng đá nâu nằm dưới chân một mõm núi xanh, người địa phương gọi là Mũi Gành (quả núi nho nhỏ sau chùa Thanh Hòa Tự có một đầu chạy vào khu Trung Tâm, đầu kia chạy ra biển chấm dứt bằng Mũi Gành, phía trên Mũi Gành có một cái chùa nho nhỏ có vị trí “đắc địa” để tu hành gọi là chùa Sơn Hải, con dốc Xã Thuận Yên là con đường 80 được vượt ngang cái đuôi của ngọn núi đó). Bên phải của cửa biển Rạch Vược là Đình Thần Hoàng nằm cạnh ngọn núi Đồn nhỏ xíu có cái đỉnh nhọn mà thấp, xa xa là núi Nhọn với Mũi Dông (hay Mũi Giông?), Núi Đồng, Mũi Ông Cọp (hay Mũi Con Cọp), rồi Bãi Ớt Dương Hòa, rồi nhấp nhô núi đồi miền Ba Hòn, Hòn Chông, Rạch Đùng…cảnh vật nên thơ hữu tình, xứng đáng là một danh thắng trong Hà Tiên Thập Cảnh.

Vậy đã có con đường Hòn Chông cổ trước khi nó mang tên lộ 80, và đường Hòn Chông này dành cho cơ giới bậc nhất ngày ấy là xe ngựa thì gặp trở ngại ngay cửa biển Rạch Vược. Nhưng xe ngựa hay ngựa làm sao vượt được cửa biển Rạch Vược? Có một cây cầu các bạn ạ. Một cây cầu sắt băng qua bên trong của dòng Rạch Vược, nếu người xưa đi từ Hà Tiên qua thì sau khi vượt mõm núi nhỏ chỗ dốc Xã Thuận Yên bây giờ, họ ôm phía trái một đoạn cong chừng ba trăm mét (chỗ trường rạch Núi bây giờ) rồi người xưa phải leo lên cây cầu đó để qua sông ngay sau Đình Thuận Yên rồi mới đi tiếp về Hòn Chông.

Năm 1943, người Pháp cho lấp cửa biển Rạch Vược để lưu thông tỉnh lộ 80 xuyên suốt, năm 1944 khánh thành tỉnh lộ 80 và người ta dỡ cây cầu sắt này.

Có một bài trong báo Thanh Niên, mục Văn Hóa* tác giả có chút lầm lẫn: “Lộ Đứt” là tên người dân gọi ngay địa phương này. Rạch Núi, Rạch Vược, Lộ Đứt, Đình Thần Hoàng Thuận Yên… Đều chỉ một địa điểm nơi đây. Sở dĩ có tên Lộ Đứt là vì trong thời gian chín năm kháng chiến chống Pháp (từ 1945 đến 1954), vùng Thuận Yên do Việt Minh kiểm soát, nên Việt Minh đào con đường bứt ngang đây đoạn ngắn đủ để cơ giới của Pháp từ Hà Tiên không thể đi càn qua đây… (nên nhớ năm xưa Hà Tiên là Tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tiên rất to lớn và quân Pháp đóng quân ở đây). Nước từ Rạch Vược lại một lần nữa được chảy ra biển Tây, và ngay sau 1954 khi Pháp rút khỏi Đông Dương thì con đường đã được lấp lại chứ không phải đến “sau giải phóng” như bài báo viết. Khi lấp người ta để nơi đây một cái cống to, đến thập niên 80 cống vẫn còn có chút nước ra biển mỗi khi triều cao.

… Vậy khi du khách giã từ Hà Tiên về bằng quốc lộ 80 (xưa là liên tỉnh lộ 8 « LTL8 »), vừa qua Ủy Ban Nhân Dân Xã Thuận Yên đến cái doi núi bên trái, các bạn đã tiếp cận với địa danh “Lư Khê Ngư Bạc” rồi đó. Các bạn sẽ đi trên “cửa biển tàn tích” của nó đến doi núi kế tiếp (núi Đồn) có cái Đình Thần Hoàng Thuận Yên – Các bạn đã thưởng ngoạn một “Lư Khê Ngư Bạc” trứ danh của Hà Tiên mà khi xưa hẵn là nó đã rất đẹp.

Lư Khê Ngư Bạc năm 1920 -1930, hướng cửa biển nhìn vào, có cây cầu sắt bắt ngang đoạn hẹp, đầu cầu hướng Hòn Chông trỗ ra cạnh Đình Thuận Yên kế bên quả núi Đồn – góc chụp đầu doi núi bên trái từ Hà Tiên qua. Góc bên trái có một cái nhà khang trang với hàng rào thẳng tắp, tôi võ đoán là ngôi trường tiền thân của Trường Rạch Núi bây giờ – Hình sưu tầm.

Vị trí con Rạch Vược, Thuận Yên so với các địa danh khác trong vùng xã Thuận Yên (Hà Tiên).

1/ Rạch Vược (còn có tên khác: Rạch Núi, Kênh Núi Nhọn). 2/ Rạch Cái Tắt. 3/ Ngả Tư Đèn Đỏ-Cái Tắt. 4/ Ngả Ba Vàm Cui hay Giồng Cui. 5/ Chùa Sơn Hải, Mũi Gành. 6/ Núi Đồn. 7/ Núi Thanh Hòa Tự. 8/ Núi Nhọn. 9/ Núi Đồng. 10/ Núi Đại Tô Châu. 11/ Núi Tiểu Tô Châu.

(Còn tiếp, mời các bạn đón xem phần tiếp theo: B – Đường Hòn Chông)

Tác giả: Quang Nguyên.

Chú thích: Mời các bạn tham khảo thêm một đoạn trong bài báo này:

 * https://thanhnien.vn/van-hoa/theo-dau-van-tho-ky-5-lu-khe-nhat-dau-365747.html

Những người thám hiểm khoa học Pháp trong nửa cuối thế kỷ 19 từng đặt chân đến vùng Hà Tiên

A/ Nhu cầu thám hiểm vùng Đông Dương:

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thời kỳ người Pháp chiếm toàn phần miền nam nước Việt Nam (1859: Pháp chiếm Saigon, 1862: Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, 1867: Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, 1874: Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp) thì người Pháp cũng đã bắt đầu dòm ngó vào các nguồn tài nguyên, nguồn quặng mỏ, các đường lưu thông trên bộ, dưới sông, các nguồn cây gỗ trong rùng núi để tìm hiểu, thống kê và khai thác…v..v…Ngoài ra để tìm kiếm các tuyến đường tiếp cận mới vào thị trường Trung Quốc để cạnh tranh với các tham vọng thương mại của người Anh trong khu vực, người Pháp cho rằng sông Cửu Long có thể sẽ là một tuyến đường khai thác được để đến Trung Quốc.

Từ đó bộ trưởng bộ Hải Quân Pháp Marquis de Chasseloup-Laubat đã lần lượt bổ nhiệm vài phái đoàn người thám hiểm khoa học đến Nam Kỳ để thực hiện điều nầy. Thành phần những người thám hiểm Pháp trong thời gian đầu thường là các sĩ quan, các nhà khoa học đủ các bộ môn…Chuyến thám hiểm mở đường trên sông Cửu Long nổi tiếng trong lịch sử là chuyến « Sứ mạng Cửu Long » do Ernest Doudart de Lagrée (1823-1868) cầm đầu vào năm 1865 với sự hổ trợ của sĩ quan Hải Quân Francis Garnier (1839-1873). Tuy nhiên chuyến thám hiểm nầy rất hiểm trở vì đường xá khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt …gây trở ngại rất nhiều đến nổi Ernest Doudart de Lagrée phải thiệt mạng vì kiệt sức và sau đó Francis Garnier tiếp tục hoàn thành sứ mạng nầy. Tổng cộng chuyến đi kéo dài hơn 2 năm và tuy đi rằng đi đến kết luận là không thể dùng sông Cửu Long như một lối tiếp cận thương mại với Trung Quốc, thì kiến ​​thức khoa học thu thập được trong chuyến hành trình dài và gian truân này thật đáng kể. Các thăm dò đã cung cấp một sự thông tin phong phú về khoa học, dân tộc học và địa lý học cho vùng quần thể nầy. (Francis Garnier chính là người sĩ quan Pháp chiếm được thành Hà Nội của Nguyễn Tri Phương vào tháng 11 năm 1873, nhưng sau đó đã bị quân Cờ Đen giết chết tại Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội vào tháng 12 năm 1873).

Ngoài ra sau giai đoạn trên còn có hai chuyến thám hiểm tuy ở mức độ quy mô nhỏ hơn chuyến « Sứ mạng Cửu Long » nói trên, nhưng hai chuyến du hành sau nầy có liên quan đến vùng đất Hà Tiên của chúng ta vì chính hai người thám hiểm lần nầy đã lưu trú lại để tìm hiểu, thăm dò nhiều thời gian ở Hà Tiên. Đó là chuyến thăm dò địa chất của nhà địa chất học Anatole Petiton trong thời gian 1869-1870 và cuộc du hành của nhà tự nhiên học, bác sĩ Claude-Jean-Albert Morice trong thời gian 1872-1874. Cả hai ông nầy đều có ghé lại một thời gian ở Hà Tiên để nghiên cứu theo bộ môn chuyên khảo của mỗi ông.

B/ Cuộc thăm dò địa chất học ở Đông Dương của nhà địa chất học Anatole Petiton:

Anatole Petiton (Anatole Jules Clément PETITON-SAINT-MARD) sinh năm 1836 tại Moret (Seine-et-Marne, Pháp) là kỹ sư hầm mỏ và nhà địa chất học. Vào năm 1868, tiếp theo cuộc thám hiểm sông Cửu Long vừa chấm dứt của phái đoàn Ernest Doudart de Lagrée và Francis Garnier, Thống Đốc Nam Kỳ là Phó Đô Đốc Pierre-Paul de La Grandière bổ nhiệm kỹ sư hầm mỏ Anatole Petiton để thám hiểm tài nguyên vùng Đông Dương. Khởi hành vào năm 1868 từ Pháp, Anatole Petiton đến Sài Gòn năm 1869. Không may cho ông, lúc đó Thống Đốc Pierre-Paul de La Grandière đã trở về Pháp và người thay thế ông là Đô Đốc Marie Gustave Hector Ohier, ông nầy không phấn khởi trong công việc nầy nên đã không làm điều gì để ủng hộ cho sứ mạng của Petiton, từ chối hầu hết mọi yêu cầu về vật chất, máy móc, nhân sự. Vì thế trong thời gian hai năm thi hành sứ mạng, Anatole Petiton đã gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện và nhân viên phục vụ trong đoàn, lại thêm sức khỏe ông càng ngày càng bị suy yếu vì khí hậu khắc nghiệt của vùng núi non Nam Kỳ và bên Cambodge. Tuy nhiên trong hai năm liên tiếp, bất chấp những trở ngại về thời tiết với những cơn mưa xối xả, những thảm thực vật dầy đặc nhiệt đới, cộng thêm sự thờ ơ không hợp tác của người bản địa, Anatole Petiton đã có thể thu thập, xác định và phân loại hàng nghìn mẫu đá, và phác thảo bản đồ cấu tạo địa chất của vùng Nam Kỳ. Ông là người đầu tiên chỉ ra, ở tỉnh Hà Tiên, có một mỏ vôi phốt phát với trử lượng rất cao và giá trị khai thác thương mại to lớn và ông cũng bác bỏ tin đồn trước kia ở địa phương cho rằng núi ở Mũi Nai và núi Sa Kỳ có mỏ bạc sau khi nghiên cứu địa chất vùng nầy. Đến năm 1870 Anatole Petiton thình lình bị gọi về Sài Gòn và bắt buộc phải ngưng mọi hoạt động thám hiểm, sứ mạng của ông bị chấm dứt theo quyết định của vị Thống Đốc Nam Kỳ mới. Bị suy sụp về tinh thần và sự hối tiếc vì không thể tiếp tục công việc, ông trở về Pháp mà không có đủ thời giờ để sắp xếp và phân loại hàng nghìn mẫu đất đá địa chất do ông thu thập. Tại Pháp, mãi đến năm 1895, nhờ sự kiên trì và bền bỉ mà ông luôn thể hiện, ông mới có thể xuất bản các tác phẩm và bản đồ địa chất Đông Dương của mình. Anatole Petiton mất tại Paris vào năm 1911.

Anatole Petiton ghi lại trong một cuốn nhật ký du hành của ông cho ta biết các giai đoạn như sau: Thám hiểm khu Bà Rịa, đến Vũng Tàu (Cap Saint-Jacques), du hành từ Sài Gòn qua Mỹ Tho, Vĩnh Long, về Châu Đốc, Hà Tiên, ra đảo Phú Quốc. Sau khi xem qua vùng Long Xuyên, Rạch Giá, du hành lên Tây Ninh, Gò Công, Biên Hòa, ra đảo Côn Sơn (Poulo Condore), qua tới Cambodge tại Battambang.

B1/ Nghiên cứu Pháo Đài:

Anatole Petiton đến Hà Tiên vào cuối tháng ba năm 1869 từ kênh Vĩnh Tế mà ông gọi là kênh Hà Tiên, trong khi vào sông Giang Thành ông mô tả hai bên bờ toàn là rừng ngập mặn (végétation des palétuviers). Tại Hà Tiên, ông cư ngụ tại trụ sở tham biện trên đồi Ngũ Hổ và bắt đầu thám hiểm chung quanh. Đầu tiên ông đến viếng Pháo Đài mà ông gọi là « Đồn Hà Tiên » hay là « Batterie ». Dưới con mắt của nhà địa chất học, Anatole Petiton nhận xét là những khối đá cấu tạo Pháo Đài là đất sét giàu silice (silico-argileuse) có màu trắng như màu rượu vang trắng, trong những khối đá cũng có nhiều phần hoàn toàn là thạch anh (quartzeuses). Ông cũng nhận xét núi Tô Châu đối diện bờ bên kia, cũng cùng một loại đất đá như ở Pháo Đài.

B2/ Nghiên cứu Thạch Động:

Tiếp đến Anatole Petiton thám hiểm Thạch Động mà ông viết trong nhật ký là tên « Tháp Động ». Ông mô tả Thạch Động được chia làm hai phần bởi một khe hở rất rộng lớn và thẳng đứng. Có một ngôi chùa xưa ở bên trong hang động. Ông ước lượng là Thạch Động có cở 100 m chiều cao, 100 m chiều dài và 100 m chiều rộng. Về mặt địa chất ông viết là Thạch Động được cấu tạo bằng chất đá vôi đen đặc có vân carbonate màu trắng. Dưới chân tháp Thạch Động là một ngọn đồi với những phiến đá đen và bên cạnh dó là một ngọn núi phủ đầy cây xanh và được cấu tạo bằng những khối đá đất sét giàu silice màu vàng và cứng. Anatole Petiton cũng lên phía mặt sau của Thạch Động để nhìn về phía biên giới và ngắm các ngọn núi về phía Mũi Nai, nhìn ra xa ngoài khơi đảo Phú Quốc. Ông đưa ra kết luận là vì Thạch Động nằm cách khoảng 4 km với Hà Tiên nên nếu người ta thiết lập một cơ sở khai thác đá vôi thì rất tiện vì có một dòng con rạch tự nhiên nằm ngay gần chân núi Thạch Động làm con đường lưu thông vận chuyển (con rạch mà Anatole Petiton nói có thể chính là rạch Mương Đào cách núi Đề Liêm chừng vài trăm thước).

B3/ Nghiên cứu cảng Hà Tiên, Tô Châu, Thuận Yên, Bãi Ớt:

Qua ngày 3 tháng tư năm 1869, Anatole Petiton thăm viếng hải cảng Hà Tiên về phía nam, ông có ghi rỏ là điểm khởi hành là dưới chân núi Tô Châu ngay tại nhà Tham Biện cũ. ông đi bộ dọc theo bờ biển phía nam, qua khỏi núi Tô Châu, đi ngang qua khỏi Rạch Vược mà ông gọi trong nhật ký du hành là « Rạch Địch », nơi có làng Thuận Yên, ông đi qua khỏi Núi Nhọn mà ông viết là « Núi Ngọn », gần làng Thuận Bình (ngày nay ta không biết làng Thuận Bình nầy tên tương ứng là gì?), ông đi tới luôn ngọn núi Ông Cọp, núi Bãi Ớt mà ông gọi là « Bảy Ất » và đến ngọn « Núi « Mưu »? Ông ghi rỏ từ chân núi Tô Châu đến Rạch Vược là hai giờ đi bộ, từ Rạch Vược đến Bãi Ớt là ba giờ đi bộ. Về phương diện địa chất, ông ghi núi Tô Châu cấu tạo bởi loại đá silice màu đỏ và cứng, có những phần màu xanh mềm hơn. Qua khỏi Rạch Vược thì gặp loại đá sa thạch cứng và đặc, đó là loại thạch anh ngoài mặt có các hạt mica vàng. Núi Ông Cọp thì cấu tạo bởi những phiến đá xám.

B4/ Nghiên cứu các ngọn núi gần Thạch Động: Sa Kỳ, Địa Tạng:

Ngày 5 tháng tư năm 1869, Anatole Petiton cùng đoàn của ông đi bộ từ Hà Tiên, đi dần dần về phía các núi ở vùng Thạch Động, cho đến một ngọn núi ông ghi tên là Sa Kỳ, theo nhật ký, ông viết đó là một ngọn núi nhỏ, có hình dáng kim tự tháp, cao khoảng 150 m, ở về phía đông của Thạch Động, phủ đầy những cây tre nhỏ nhọn, phía trên đỉnh núi có một phần bằng phẳng ngày xưa dùng làm pháo đài (có thể là hỏa đài để đốt lửa lên dùng cho việc thông tin). Ở phía đối diện với ngọn Sa Kỳ đối với Thạch Động, ông có ghi là có ngọn núi « Đa Đồng » (có thể là ngọn núi Địa Tạng?), cách núi Sa Kỳ vài trăm thước, phia trên ngọn núi nầy có nhiều bề mặt đá lớn và nhọn. Núi Sa Kỳ cấu tạo bởi những đất đá silice cứng có chứa tinh thể oxyde sắt màu đen còn ngọn núi « Đa Đồng » thì chứa đá vôi xám có nhiều vân carbonate sắt mà ông cho là người ta có thể chế tạo ra chất vôi với nguyên liệu nầy. Trong vùng nầy ông đã không tìm thấy mỏ bạc như lời đồn ở địa phương…

B5/ Nghiên cứu núi Ngũ Hổ:

Anatole Petiton viết rỏ là ngọn núi nhỏ tên Ngũ Hổ nằm trong khuôn viên của thành cũ (ông viết là ancien fort), được cấu tạo bởi đá đất sét có silice màu trắng, đỏ và vàng nhạt. Ngọn núi nầy cao chừng vài thước và dài vài trăm thước (thực ra núi Ngũ Hổ cao khoảng 20 m). Chung quanh núi đầy cây xanh ngoại trừ mặt bằng phía trên mà ông đứng trên đó có thể quan sát được tất cả những ngọn núi bằng cách xoay mình từ trái qua phải. 

Ngày 9 tháng tư năm 1869 Anatole Petiton cùng phái đoàn đáp tàu đi Phú Quốc và trở lại Hà Tiên ngày 11 tháng năm năm 1869. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu vùng làng Bình Trị, Hòn Chông, núi Huỷnh, núi Khóe Lá..v..v…Qua ngày 17 cùng tháng ông đi thám hiểm Cambodge bằng ngỏ Giang Thành.

Có thể nói mặc dù Anatole Petiton đã trở về Pháp vào năm 1870, nhưng ông kết luận là sứ mạng của ông bắt đầu vào năm 1868 và chỉ chấm dứt vào năm 1895, thật vậy cho đến năm 1895 khi về Pháp ông mới có thể cho xuất bản toàn bộ công trình của ông gồm Nhật ký du hành, các bảng thống kê mẫu đất đá địa chất, báo cáo phân tích và tổng hợp phân loại địa chất về địa chất học ở Đông Dương. Công trình nầy được in ra tại Paris vào năm 1895 và còn được lưu trử ở rất nhiều thư viện trên thế giới: Thư viện Quốc Gia Pháp, thư viện trường Hầm Mỏ Pháp, thư viện ở các trường Đại Học Mỹ…Ngày nay Thư viên Quốc Gia Pháp và công ty Google đã cho chuyển sang tài liệu số (scanner)  tất cả những trang giấy của công trình nầy.

C/ Cuộc hành trình ở Nam Kỳ của thầy Albert Morice:

Claude-Jean-Albert Morice sinh năm 1848 tại Saint-Etienne, Pháp, là một nhà tự nhiên học, dân tộc học, nhân chủng học và bác sĩ y khoa. Trước khi du hành qua Đông Dương, ông đang là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Lyon, bác sĩ cho Hải Quân. Đến năm 1872 ông gia nhập vào Y Sĩ Đoàn của Hải Quân và được đưa đi phục vụ ở Nam Kỳ (Đông Dương) trong một bệnh viện ở Sài Gòn. Vì ông là người rất thông minh, thích tìm tòi, nghiên cứu, ghi chép nên ông luôn chú ý đến các đề tài: động vật, côn trùng, ngôn ngữ, nhân chủng..v..v…để  viết lại tất cả những điều ông khám phá ra. Chính ông là người đã khám phá ra một loài rắn nước trên thân có sọc nâu ở Nam Kỳ, giới khoa học đã thừa nhận và đặt tên loài rắn nầy là « Oligodon moricei » để vinh danh ông. Trong thời gian phục vụ ông được điều động đi nhiều nơi ở Nam Kỳ, vì thế ông có dịp đến Gò Công, Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tây Ninh. Ông được bổ nhiệm đến Hà Tiên vào năm 1873 và trú ngụ tại nhà Tham Biện trên đồi Ngũ Hổ một thời gian, từ đó ông ra Phú Quốc để chích ngừa chống bệnh đậu mùa (variole) cho dân trên đảo. Tháng chín năm 1874 ông trở về Pháp và tổ chức nhiều cuộc hội nghị để công bố những kết quả nghiên cứu của ông. Năm 1876 ông xin được trở lại Đông Dương một lần nữa và đã thu thập rất nhiều mảnh vụn, mẫu khắc trên đá, pho tượng trong một đền thờ cỗ của sắc dân Chăm (Champa) ở Hưng Thạnh, Quy Nhơn, ông đã gởi tất cả 30 thùng gỗ các mẫu tượng đá cỗ nầy về Pháp vào năm 1877 nhưng tàu bị đắm chìm trên đường biển, chỉ có 7 thùng được cứu vớt, tuy nhiên mãi cho đến năm 1995 sau nầy người ta đã vớt lên được tất cả số thùng còn lại…Vào tháng mười năm 1877 Albert Morice phải trở về Pháp gấp rút và mất tại Toulon vì ông đã mắc phải bệnh lao trong lúc thám hiểm ở Nam Kỳ, lúc đó ông chỉ mới 29 tuổi và vẫn còn độc thân, còn để lại rất nhiều công trình nghiên cứu đang dang dở.

  • Hoạt động của thầy Albert Morice ở Hà Tiên:

Vào năm 1872 Albert Morice được bổ nhiệm vào nhiệm sở Hà Tiên, trên đường từ Sài Gòn xuống Hà Tiên bằng tàu hơi nước, ông có ghé qua Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc. Từ Châu Đốc, quan quản trị người Pháp cấp cho ông một chiếc tàu buồm và một số người bản địa để đi cùng với ông vào Hà Tiên bằng kênh Vĩnh Tế. Ông mô tả Hà Tiên với cảnh Đông Hồ và những ngọn đồi đầy cây xanh, cửa ngõ vịnh Siam (Xiêm) với các hòn đảo duyên dáng, những ngôi chùa cỗ xinh đẹp, ngọn núi Thạch Động nhô lên từ xa, tàn tích hùng vĩ của các ngôi mộ họ Mạc, tất cả đối với ông đều rất quyến rũ, tuy nhiên bầu không khí thì lại rất khó thở, ngột ngạt và độc hại…đó là chướng khí khủng khiếp tỏa ra từ các đầm lầy ngập mặn dọc theo bờ biển. Đó cũng là lý do mà hầu hết các bác sĩ đồng nghiệp làm việc lúc trước ở Hà Tiên nầy khi trở lại Sài Gòn đều bị lâm bệnh nặng và chính sức khỏe của Albert Morice sau nầy cũng sa sút nặng sau thời gian làm việc ở Hà Tiên. Vì thế nhiệm sở về y tế ở Hà Tiên sau nầy đã bị hủy bỏ.

Sau một đêm ngủ tạm trong một cái đồn nhỏ nhưng được duy trì tốt, đồn được cất trong bãi đầm lầy, rất thấp so với mặt đường, chung quang có trồng nhiều bông hồng, vì thế thời đó người Pháp đặt biệt danh thơ mộng cho nơi nầy là « Hatien-les-Roses », Alber Morice mô tả quang cảnh chung quanh như sau: Kế cái đồn là một con đường dọc theo Đông Hồ được trồng rất nhiều cây Tuyết Tùng (Cèdres) và Phi Lao. Cuối đường là căn nhà của nhân viên điện tín và ngôi vườn của nhà Tham Biện, ngôi nhà nầy được cất trên một ngọn đồi cao 30 m (chính là đồi núi Ngũ Hổ) là một nơi duy nhất ở Hà Tiên mà không khí có vẻ trong lành…Một mặt của nhà Tham Biện nhìn ra phía Đông Hồ, còn mặt kia thì nhìn về phía một cánh đồng bao la về phía Cambodge…

Dọc theo cửa ngõ và ngay trên cảng là một thành phố người Việt và người Hoa với một con đường chính được gọi biệt danh là « Venise d’HaTien » vì con đường được cấu tạo bởi những thanh ván gỗ dài khoảng 100 hoặc 150 m, hai bên là những căn nhà được cất trên những cộc cắm trên đất bùn mà khi thủy triều xuống, bùn bị hâm nóng lên và tỏa ra một mùi hôi rất khó chịu…Dân chúng Hà Tiên đa số là người Việt, người Hoa, và nhất là người lai gọi là người Minh Hương. Họ sống bằng nghề đánh cá, Albert Morice với con mắt của nhà tự nhiên học, đã chú ý đến các loại cá ở Hà Tiên như sau: Cá lưởi trâu (Sole), rùa lớn mà cái đầu gần bằng đầu người ta,  cá chình biển (Anguilles de mer), mực, hàu, cua lột. Có một điều thú vị là Albert Morice mới biết được một loại cá quen thuộc ở ao nước Hà Tiên là cá lia thia mà ông gọi là « Poisson de combat ».

Albert Morice cũng có đi xem Thạch Động mà vào thời đó người Pháp đặt tên là « Cái mũ lông » (Bonnet-à-Poil) vì hình dáng rất giống cái mũ bằng lông mịn. Ông mô tả sự khó khăn khi đi bộ đến Thạch Động, vì con đường đi phải băng qua một khu đầm lầy nước mặn khi thủy triều lên người đi bị ướt cả người rất khó chịu, nhưng khi tới nơi người ta sẽ được đền bù công khó…Ông nhận xét là Thạch Động được thành lập do hai khối đá khổng lồ dựa vào nhau ở trên cao và tạo ra một không gian rộng lớn ở phía dưới. Ông cũng ghi nhận có một ngôi chùa xưa trong đó và người dân bản xứ rất tin tưởng vào sự linh thiêng của ngôi chùa nầy. Albert Morice đến thăm Thạch Động rất nhiều lần, và ông kể lại là có một lần ông thấy có một người Khmer đang hấp hối nằm trên chiếc chiếu được gia đình mang tới đặt trong chùa để hy vọng là thần linh sẽ cứu giúp trong lúc tuyệt vọng nầy. Ở phía bên kia của hang động, quang cảnh trải dài trên một vùng đồng bằng bao la được bao bọc bởi ngọn núi Voi ở phía chân trời. Biên giới Cambodge cách đó gần 100 m và được đánh dấu bằng một bờ lũy có cặm tre, phía sau bờ lũy là một con mương khá rộng, nhưng cạn và có thể lưu thông trên đó được. Ở bên phải là rừng xanh và ở phía trái xa xa là vịnh Siam lấp lánh với những hòn đảo trông giống như những chấm đen trong đó có dãy đen dài đảo Phú Quốc.

Ông nhận xét thấy chung quanh Thạch Động có nhiều cây ăn trái như là xoài có trái nhiều và rất nhiều dây leo phủ kín …Có một ngôi mộ hình tháp của một người nào đó không tên tuổi dựng lên trên sườn một ngọn núi nhỏ ở vài khoảng cách với Thạch Động, chung quanh ngôi mộ hình tháp có rất nhiều ổ kiến lửa đỏ…(Có thể ông nói đến ngôi mộ tháp bảy tầng ở sườn núi Phù Dung tức là núi Đề Liêm, tuy nhiên khó có thể xác đinh được vì núi Đề Liêm ở hơi xa Thạch Động!!?).

Sau đó Albert Morice đi viếng khu lăng Mạc Cửu. Ông viết trong nhật ký du hành là những tàn tích hùng vĩ của khu lăng mộ nầy nằm phía sau đồn Hà Tiên và có một đồn điền trồng tiêu rất rộng lớn với những bức tường to lớn và rất dầy, gần đó có nhiều cây cà độc dược, cây thầu dầu cùng với một màn cây xanh dầy…xen lẫn với những con thằn lằn, chim chóc và côn trùng che kín cả 5, 6 ngôi mộ. Ông cũng nhìn ra ngôi mộ ở giữa phía trên cao, của Mạc Cửu, do xi măng bao phủ, không có chữ ghi tên, lại có những lỗ bể mà trong đó có những con ong nhỏ làm tổ, có cả một cây xanh nhỏ mọc tự nhiên ngay trên đỉnh ngôi mộ…Những ngôi mộ của các phu nhân và con cái thì đơn giản hơn, không chắc chắn và đều bị hư hao dưới tác dụng của mưa nắng hằng ngày…

Những ngôi chùa cất lân cận thành phố phần lớn rất xinh đẹp, Albert Morice để ý đến hai trong số đó, ngôi chùa thứ nhất tọa lạc sau một cái ao rộng lớn có nhiều bông súng và bông sen, bên trong trang hoàng rất phong phú bàn ghế, những tấm bảng, bình phong có cẩn óc xa cừ (đây chắc chắn là đền Mạc Công Miếu tức đền thờ họ Mạc trước ao sen, thời nầy chỉ có một cái ao sen trước đền thờ). Ngôi chùa thứ hai, theo ông là rất kỳ lạ vì dân quân Pháp thời đó đặt tên là « Chùa Quỷ » (la Pagode du Diable), ngôi chùa nầy nằm không xa con đường dẫn đến Thạch Động, ở bên trái, dưới chân một ngọn đồi cây xanh (đó là núi Đề Liêm)…Bên trong ngôi chùa trên vách có nhiều hình ảnh vẽ trên giấy Tàu lớn, những hình ảnh tả cảnh hành hình tội phạm dưới địa ngục, phía trên tờ giấy có vẽ hình một vị Phật uy nghi và nhân từ hình như tươi cười chào đón những linh hồn may mắn đến với ngài…, còn chung quanh bìa bức hình ảnh thì toàn là những quỷ sứ với giáo, thương nhọn, xiên đâm thân người và nướng trên lửa hoặc nấu trong nồi dầu sôi hay cho những con hổ dử ăn thịt….(khi đọc đến đây thì mình có thể nghĩ đây chính là chùa Lò Gạch vì ngày xưa trong chùa Lò Gạch cũng có treo trên vách những tấm hình bằng vải lớn vẽ hình địa ngục với quỷ sứ…, tuy nhiên không phải là chùa Lò Gạch vì chùa Lò Gạch chỉ mới cất rất xa sau nầy khoảng từ năm 1945 trở về sau).

Albert Morice mô tả tiếp theo về ngôi « Chùa Quỷ »: Phía ngoài chùa vài trăm bước, trong một mái tranh lá, có một tượng Phật Khmer rất lớn với hai trái tai căng dài, thòng xuống và có đụt lỗ, trên đầu thì có tóc theo kiểu xếp tầng và giảm từ trên xuống, ngực thì có quàng xéo một chiếc khăn đỏ, ngồi theo kiểu xếp bằng…(Điều nầy có thể cho ta thấy « Chùa Quỷ » nầy có thể là chùa « Bà Cố » ở bên trái đường ra Thạch Động, khoảng giữa chùa Phù Dung và chùa Phật Lớn, còn pho tượng Phật lớn mà ông mô tả có thể là pho tượng Phật của chùa Phật Lớn?).

Về mặt động vật ở Hà Tiên, Albert Morice ghi lại là việc săn bắn ở Hà Tiên rất hạn hẹp, chỉ có thể săn bắn được các con chim ở đầm lầy, bồ câu, rồi là rùa, các động vật có vú thường gặp là sóc, chuột cọ, con tê tê hay trúc (pangolin), thỏ và hươu tai dài…Ông cũng có mua một con hươu tai dài đó của những người địa phương đặt bẩy được và đã huấn luyện nó thành một con vật trong nhà như con chó, ông cho nó ngủ chung phòng với ông và cũng trao đổi nhiều cử chỉ trìu mến với nó…

Albert Morice có nhận xét là ngoài việc đánh cá, người dân Hà Tiên thực hành trồng tiêu và đó cũng là nguồn lợi chính vì phần lớn hồ tiêu xuất khẩu ở Nam Kỳ là do nguồn Hà Tiên. Ngoài hồ tiêu, Hà Tiên có rất ít các loại cây ăn trái khác, chỉ có dừa, khóm, mít…Chuối thì được trồng nhiều nhưng trái ít phẩm chất gọi là « chuối lợn », còn những trái chuối nhỏ tuyệt ngon có vị « caramel » thì do Châu Đốc đưa đến, xoài rất khan hiếm, và cũng không có măng cụt.

Albert Morice kể lại là trong thời gian ông đóng nhiệm sở ở Hà Tiên, không có cuộc phiêu lưu nào khuấy động ông, riêng có một lần ông đã đối mặt với một nguy hiểm mà ông không hề hay biết. Có một ngày nọ, những người thợ người Hoa đang sửa chữa vách tường của đồn trên đồi Ngũ Hổ đến gặp ông và chỉ cho ông thấy có một con rắn và rất nhiều trứng dưới một viên gạch cũ, ông lấy tay bắt con rắn và nghĩ là không phải rắn độc, tuy nhiên con rắn đã cắn ông, ông đem tất cả là 24 trứng và con rắn mẹ về phòng nuôi và một tuần sau trứng đã nở ra những con rắn con..Tuy nhiên ông đã phải cẩn thận rửa sạch vết rắn cắn…

Albert Morice mô tả việc buôn bán thuốc phiện ở Hà Tiên như sau: Ở Nam Kỳ người Pháp đặc quyền cho các thương gia người Hoa được bán thuốc phiện và được đặt các quầy buôn bán khắp nơi nào họ muốn. Để hạn chế việc lưu thông các hàng lậu ở khắp nơi trong Nam Kỳ, các thương gia người Hoa nầy có rất nhiều đại diện, kể cả người tây phương, để đưa hàng đến các vựa và kiểm soát hàng lậu. Ông đã có lần nói chuyện với một người đại diện hàng thuốc phiện nầy ở Hà Tiên và đã chứng kiến một vụ bắt được một chuyến hàng lậu chở bằng thuyền buồm từ Vọng Các (Bangkok) đến Hà Tiên, với số lượng hàng thuốc phiện lậu hơn 80 gói lớn, mỗi gói thuốc phiện to như cái đầu người ta và có giá trị thương mại rất lớn. Những người buôn hàng lậu nầy mặc dù có trang bị vũ khí (ngay cả có súng lớn đại bác) phải chịu để bị bắt và bị tịch thu hàng lậu.

Bác sĩ Morice cũng có dịp trải qua một cái Tết Âm lịch ở Hà Tiên. Ông kể rằng cuộc sống trong thời gian đóng nhiệm sở ở Hà Tiên của ông khá tẻ nhạt, tuy nhiên ông đã có dịp tham dự vào cái Tết cổ truyền của người Hà Tiên. Trong những ngày lễ Tết nầy, mọi người đều mặc những bộ quần áo lụa đen rất đẹp, mấy em bé nhỏ thì có những chiếc quần dài hai màu nhưng lại không có đáy tạo ra một quang cảnh rất buồn cười……Trước mỗi nhà đều có dựng lên một cây cau (arequier) hay cây tre có treo các lễ vật dâng cúng và trước cửa nhà đều có bày ra một mâm cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên. Những người Hoa thì dán những tờ giấy đỏ mới trên vách nhà để xua đuổi ma quỷ, bệnh tật và sự nghèo khó…, ngoài ra cũng có tiếng đánh trống và tiếng pháo nổ vang khắp phía…Lễ Tết như vậy kéo dài gần bảy ngày.

Một thời gian trước khi rời khỏi Hà Tiên, bác sĩ Morice có dịp ra Phú Quốc để chích ngừa cho dân trên đảo chống bệnh đậu mùa theo lời mời của quan quản trị trên đảo, đại úy Hersen, ông nầy từ Sài Gòn vừa về tới Hà Tiên, đề nghị đưa ông Morice ra đảo thăm viếng đồng thời chích thuốc ngừa luôn cho dân. Trên chiếc sà lan to chở đầy dụng cụ và thực phẩm, có thêm hai người Pháp khác, một người kiểm lâm Phú Quốc và một người thủ quỹ. Khởi hành buổi chiều và sáng hôm sau tàu mới tới Phú Quốc sau khi luồn lách qua các hòn đảo của khu quần đảo Hải Tặc và hàng ngàn rạn san hô nầm dọc theo vịnh. Trên đảo, ông có dịp thăm viếng Hàm Ninh, Dương Đông và quan sát, ghi chép rất nhiều các loài cá, thú rừng, nghề làm nước mắm của cư dân trên đảo. Trước khi rời đảo, ông đã chích ngừa cho dân và đã chỉ cho một « thầy thuốc » trên đảo tiếp tục chích với số thuốc do ông để lại. Trong chuyến về cũng với chiếc sà lan như chuyến đi, nhờ con gió lớn tây nam đẩy nhanh, không bao lâu ông đã về tới Hà Tiên vào buổi chiều.

Vài ngày từ khi đi Phú Quốc về bác sĩ Morice chánh thức rời nhiệm sở Hà Tiên bằng một chiếc tàu buồm, ghé qua nhanh Châu Đốc để chào hỏi các quan chức quen biết lúc trước, đồng thời ông có biếu tặng cho trung úy bộ binh Ledentu, một con kỳ đà rất đẹp mà ông đã bắt được khi còn ở Phú Quốc, con kỳ đà nầy đã trốn chạy mất ngay đêm hôm sau…Trên chuyến về Sài Gòn, ông ghé lại Vĩnh Long, Mỹ Tho và ông có nhận xét là ngôi nhà Tham Biện ở Mỹ Tho có lẽ là ngôi nhà đẹp nhất trong các nhà Tham Biện ở Nam Kỳ. Sau khi nghỉ dưởng bệnh vì mắt ông bị nhiểm trùng ở Hà Tiên, ông lên Tây Ninh và tại đây ông có dịp nghiên cứu rất nhiều về nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngũ học của các sắc dân địa phương, các loài động vật quanh vùng..Chính tại Tây Ninh ông đã phát hiện ra một loài rắn nước lạ (Herpéton tentaculé) mà ông đã đem được về Pháp một con và giới khoa học đã chấp nhận đặt cho loài rắn nầy cái tên « Oligodon moricei » để vinh danh ông. Ông để lại rất nhiều tác phẩm khoa học do ông nghiên cứu trong thời gian ở Nam Kỳ.

Tài liệu tham khảo:

  • Bio-Bibliographie générale, ancienne et moderne de L’Indochine Française: Antoine Brébion, Paris, 1935
  • Géologie de l’Indochine: Anatole Petiton, Paris, 1895
  • Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74: Dr Morice, Lyon, 1876

 Paris, viết xong ngày 08 tháng 3 năm 2021, Trần Văn Mãnh

Quang cảnh phố Hà Tiên vào năm 1902 nhìn từ Pháo Đài, ảnh sưu tầm. Bên trái hình cho thấy có rất nhiều căn nhà gỗ cất trên sông, đó là « Venise d’Hatien » như bác sĩ Morice đã mô tả. Ngày xưa đó là đường « Cầu Câu » (Pont en bois), không phải là đường Cầu Câu mới sau nầy.

Toàn cảnh Hà Tiên vào đầu thế kỷ 20 nhìn từ phía Pháo Đài in trên một bưu ảnh xưa do nhà Nadal xuất bản. Hình nguồn delcampe.

Một trang trong tác phẩm « Géologie de l’Indochine: Anatole Petiton, Paris, 1895 », đoạn nói về Hà Tiên, tác phẩm do Google chuyển sang tài liệu số (scanner).

Thầy Dương Tài Khôi (Oanh Hdh)

Thầy cô và các bạn thân mến, ngược dòng thời gian về những năm 50-60 ở vùng đất Hà Tiên, một khoảng thời gian mà ngay cả thế hệ học sinh như mình cũng không biết được nhiều về những bậc thầy cô, tiền bối trong ngành Giáo Dục. Hôm nay duyên cơ được đến, có một người quen tuy chỉ quen biết qua trao đổi thông tin trên mạng, nhưng cuối cùng rồi thì hóa ra cũng là người đồng hương. Một cô gái trong gia đình có giới thiệu đến với mình một bài viết ngắn, nói về sự nghiệp thân thế của một vị thầy ở Hà Tiên ngày xưa, vị thầy đã từng cống hiến rất nhiều trong công việc Giáo Dục, mở đường mở lối, đem ánh sáng của chữ nghĩa đến tận những vùng còn xa xôi, thiếu phương tiện vật chất,…nhằm giảng dạy con em những gia đình nghèo khó, không có điều kiện ra đến tận chợ thành Hà Tiên để theo học. Xin giới thiệu vị thầy tên là Dương Tài Khôi, bản thân mình lại rất tiếc là không được dịp hân hạnh biết đến thầy vì sau khi phục vụ một thời gian ngắn ở Hà Tiên, thầy chuyển tiếp đến những nơi khác trong tỉnh để tiếp tục sứ mạng giáo dục. Mời thầy cô và các bạn đọc bài viết của tác giả Oanh Hdh viết về « Thầy Dương Tài Khôi ». (TVM viết lời giới thiệu, Paris ngày 16/12/2020)

Thầy Dương Tài Khôi (Oanh Hdh)

Phía đường ra bãi Mũi Nai, chúng ta ai cũng từng biết và đến chơi một bãi biển nhỏ, kín và rất xinh đẹp, an lành, đó là vùng có tên là Xóm Nò vì là nơi người Việt cư trú rất xa xưa, chuyên nghề làm « Nò » bắt cá…, trước năm 1975 nơi đây có một đơn vị Ấp tên là Ấp Việt Nam., ta thường gọi theo tên quen thuộc là Bãi Nò, vừa để chỉ bãi biển nơi người ta ra bãi hứng gió, vừa chỉ chung vùng nầy. Vào năm 1955, trên một cái trại nò cũ đã bỏ hoang nhiều năm, các phụ huynh học sinh quanh đó và quý thầy giáo cùng hợp nhau ra sức, mỗi người góp một tay: người khiêng ván, người đóng bàn, người dựng cột, lợp mái…Cuối cùng một lớp học được ra đời, tuy đơn sơ mái lá, nhưng được cái mát mẻ, khang trang và nhất là được sự tiếp nhận trong lòng hân hoan của mọi người. Đó là lúc đánh dấu cho một sự việc quan trọng: con chữ đã được đến với các em nhỏ của làng chài xa xôi, hẻo lánh nầy …Và rồi đến giờ mở lớp học, tiếng giảng bài của ngày đầu tiên vang xa, đó là tiếng của thầy Dương Tài Khôi, hòa lẫn với tiếng phụ họa đọc bài của các em nhỏ học sinh, một bầu không khí đầy sức sống, ấm cúng tình thầy trò lại còn được điểm thêm những tiếng cười giòn tan sau giờ tan học…

Trong thời gian đầu thầy giáo chưa nhận được lương bổng gì cả, phụ huynh vui vẻ ủng hộ, người giúp gạo, người mang đến con cá mới chài buổi sáng còn tươi rói để biếu thầy, đó là niềm vui và niềm khích lệ cho người giáo viên dạy nơi xa…

Bức chân dung xưa thầy Dương Tài Khôi. (Hình: Oanh Hdh)

Công việc được một năm, học sinh được ăn học ổn định, qua năm sau, thầy Dương Tài Khôi chuyển về ngôi trường Thánh Thất Cao Đài Tô Châu để dạy học. Đến năm 1957, thầy được chuyển về dạy học ở Dương Hòa để gần gủi với gia đình vì thầy vốn người ở Hòn Heo (Dương Hòa là đơn vị xã thuộc huyện Kiên Lương, và Bãi Ớt, Chà Và, Hòn Heo, Mũi Dừa, Ngã Tư, Tà Xăng là đơn vị ấp thuộc xã Dương Hòa). Khi về dạy ở Dương Hòa, thầy Dương Tài Khôi được cử làm Hiệu Trưởng trường. Nhận chức vụ mới là thêm trách nhiệm nặng nề thêm…, thầy thấy là trường thì đã có, nhưng lớp học thì lại còn thiếu nên xin xây dựng thêm phòng học để mở thêm lớp. học sinh được tiếp nhận ngày càng đông, có khoãng 400 em. Ngoài ra thầy cũng xin mở thêm trường ở ấp Cầu Thăng (có sách viết Cần Thăng, hiên nay tên là Tà Xăng), trường nầy tiếp nhận được cở 100 học sinh đến học.

Đến năm 1961 một bước ngoặc mới lại đến với thầy. Thầy nhận quyết định về quận Kiên Tân (tên trước đó và sau nầy là Tân Hiệp, thuộc tỉnh Kiên Giang). Lần này thầy đưa cả gia đình theo. Trường Tiểu Học Kiên Tân khá khang trang đầy đủ vật chất, về trường thầy không còn phải vất vả, lo toan nữa. Thầy phụ trách đứng lớp chuyên về lớp một. Mỗi năm học sinh của thầy đông nhất khối. Bạn bè đồng nghiệp được thầy truyền trao kinh nghiệm giảng dạy. Học trò được thầy tận tình chỉ dạy.

Thầy Dương Tài Khôi. (Hình: Oanh Hdh)

Những tưởng thầy sẽ an vui với công việc, hạnh phúc với gia đình. Nào ngờ một căn bệnh hiểm nghèo đã đến với thầy và thầy đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi xa rời bạn bè đồng nghiệp học sinh và xa vợ xa con của mình. Tâm nguyện cuối đời của thầy là được đưa về quê hương (Dương Hoà, Hà Tiên) và tâm nguyện thứ hai nữa là các con của thầy phải tiếp bước con đường mà thầy còn bỏ dở. Lúc bấy giờ thầy có hai cô con gái cũng đang dạy ở quận Kiên Tân.

Để thực hiện tâm nguyện của thầy, cô Dương Mỹ Ái đã xin chuyển dạy ở trường Tiểu Học Hà Tiên vào năm 1972. Lúc đó, thầy Lê Quang Thuyên làm hiệu trưởng và những năm sau là thầy Trương Thanh Hùng làm hiệu trưởng. Đến năm 1978, do chiến tranh biên giới bùng nổ, cô Dương Mỹ Ái chuyển về dạy trường Tiểu Học Dương Hoà. Sau năm 1975, hai người em cô cũng về dạy học ở đây. Lúc đó, với đồng lương trong nghề ít ỏi, một số giáo viên phải bỏ nghề, nhưng với tâm nguyện của người cha, các cô đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để bước tiếp hết quãng đường mà cha mình đã bỏ dở.

Hai người con gái của thầy Dương Tài Khôi là cô Dương Mỹ Diễm (đứng bìa trái mặc áo dài xanh dương) và cô Dương Mỹ Duyên (đứng bìa phải mặc áo dài trắng cầm bó bông) nhận huy chương « Vì Sự Nghiệp Giáo Dục » nhân ngày nhà giáo năm 2004. Ngoài ra cô giáo mặc âu phục đứng thứ nhì từ trái qua phải cũng là con gái của thầy Dương Tài Khôi, cô tên là Dương Mỹ Ái. (Hình Oanh Hdh)

Trên đây là vài hàng nhắc lại thân thế, hoàn cảnh gia đình của thầy Dương Tài Khôi, xin gửi đến trang Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa » để nói về những người giáo viên thầm lặng đem con chữ đến với học sinh nơi vùng xa xôi hẻo lánh.

TB: Dạy cùng thời với thầy Dương Tài Khôi là quý thầy: là thầy Lê Quang Phấn, thầy Hứa Văn Vàng, thầy Thành, thầy Trương Tự Phát, thầy Lâm Văn Núi, cô Lý Thị Nhan….v…v….

Tác giả bài viết: Oanh Hdh

Hình chụp toàn thể giáo viên hai quận Hà Tiên và Kiên Lương ngày 02/02/1963. (Hình Oanh Hdh)

Giới thiệu Dương Văn Hiến

Dương Văn Hiến

Thầy Cô và các bạn cho phép tôi được dài dòng đôi chút để được biết rỏ về tôi, cũng giống như bài viết  « Tự bạch của Trương thanh Hùng » đã được đăng vào Blog nầy. Vào khoảng năm 1962 tôi từ Hòn Heo, Bãi Ớt lên Hà Tiên, ba tôi là ông Dương Công Huỳnh làm y tá ở bệnh viện Nguyễn Thần Hiến Hà Tiên, lúc đó tôi học lớp nhất với thầy Lê Đức Nguyên (chung với Lý Mạnh Thường).  Vì thi trượt vào lớp Đệ Thất nên tôi học lớp Bán Công chung với Trần Tiên, Tiền Công Thành… Tôi đậu vào lớp Đệ Thất « sau lưng » Trương Thanh Hùng ( Trương Thanh Hào đậu hạng 46/50, Trương Thanh Hùng đậu hạng 47/50 và tôi  Dương Văn Hiến đậu hạng 48/50, còn bạn Trương Minh Huệ đậu hạng 49/50). Không may, học lớp Đệ Thất năm đó (niên khóa 1965-1966) vận đen đến với tôi: ngay cái ngày thi Đệ nhị lục cá nguyệt tôi lại kẹt đi lưới chưa về được nên bỏ cuộc thi, tôi khóc và khóc thật nhiều, năm đó ở lại và học chung lớp với Lê Phước Dương, Trần Tuấn Kiệt…(niên khóa 1966-1967). Hết năm đó tôi vừa lên lớp Đệ Lục đươc 2 tháng thì trong nhà có nhiều chuyện xảy ra, tôi buồn tình bỏ học và đi hoang (đi Phú Quốc làm việc, khi thì đi biển khi thì đi tàu chở hàng hóa lênh đênh trên sông biển cho đến năm 18 tuổi thì trở về Hà Tiên đi lính Địa Phương Quân đóng ở Đá Dưng. Trong khi các bạn ngày xưa đứa có Tú Tài, đứa vào trường Sư Phạm, người nhập ngủ vô Thủ Đức,  người thì còn vui với đèn sách, còn tôi nếu có nhớ về trường về bạn về kỹ niệm học trò thì thật là không có gì để được nhớ và nói đến. Tôi không thể có khung thời thơ mộng nào của tuổi học trò để đóng góp trong Blog của thầy cô và các bạn, chỉ mong thầy cô và các bạn nhận ở tôi đôi dòng tâm sự nầy coi như tôi chia sẽ chút vui buồn về tôi đến thầy cô và các bạn. Vậy xin cám ơn anh Trần Văn Mãnh chủ Blog đã bỏ chút thời gian đọc thư của tôi. Xin kính chúc gia dình anh có được mùa xuân hạnh phúc và dồ dào sức khỏe. 

Tạm bút 12/2016: Dương Văn Hiếu  (ngày xưa tôi tên Dương Văn Hiến còn tên hiện dùng là Dương Văn Hiếu)

Dương Văn Hiếu

Dương Văn Hiến, người bạn khá đặc biệt của tôi (Trương Thanh Hùng)

Trong số bạn bè hồi còn học Đệ Thất, Đệ Lục (1965-1966), có lẽ Dương Văn Hiến là một trong những người bạn đã để lại ấn tượng trong tôi đậm nét nhất, bởi Hiến là học trò học lớp luyện thi vào Đệ Thất của ba tôi. Tôi quen Hiến và chơi thân với Hiến từ lúc đó. Kỷ niệm về Hiến hơi nhiều, xin kể lại các bạn nghe một vài mẫu chuyện vui vui về người bạn khá đặc biệt này.

Chuyện ở Núi Lăng

Tôi không nhớ đó là năm học Đệ Thất hay Đệ Lục, có một giờ trống, tôi cùng Dương Văn Hiến, Trần Phước An, Trương Thanh Hào (anh tôi) lên núi Lăng chơi. Mà hình như thời gian đó học trò hay đi núi Lăng phá phách vào những giờ trống (thầy cô có việc không dạy). Mấy anh em đến gần mộ Mạc Thiên Tích ăn cắp dừa. Trần Phước An là người leo dừa giỏi nên leo lên một cây dừa xiêm không cao lắm. Hiến là dân lao động, tháo vác nên phụ trách chụp dừa không cho rớt xuống đất, bởi nếu dừa rớt xuống đất gây tiếng động thì ông Từ Nguơn nghe lên bắt thì hư bột hư đường hết. Khi An leo lên cây thì Hiến đứng dưới gốc dừa mở nút quần ra tè. Lúc đó, vào ngày thứ hai học trò phải mặc quần trắng, mà quần còn gài nút chứ chưa có « phẹc mơ tuya ». Hiến tè vừa xong, còn đang lui cui gài nút thì ở trên, An hỏi “Rồi chưa?”. Hiến đáp “Rồi!”, An thả trái dừa xuống vừa lúc Hiến ngữa mặt lên, trái dừa rớt ngay miệng của Hiến một cái như trời giáng, cái mỏ lập tức sưng vù lên. Tuy đau, nhưng Hiến cũng ráng chụp thêm mấy trái nữa. Anh em đem dừa đến mộ Mạc Thiên Tích đập lột võ uống. Xong xuôi, Hiến mang cái mỏ sưng vù về trường, vô lớp bị bạn gái Lâm Thị Lan hỏi “Bộ bị vợ khẻ đũa vô mỏ sao mà sưng vù vậy?”. Hiến mắc cỡ không trả lời…!!

Bán cà rem

Tôi thương, quý Hiến cũng vì chuyện này. Nhà tôi nghèo, mà nhà Hiến cũng không khá, hai anh em lãnh cà rem ở hảng nước đá Triều Quang đi bán dạo. Lúc đầu tôi còn ngỡ ngàng nên rao “Ai mua cà rem hôn?”. Hiến dạy tôi: “Mầy phải rao Cà rem đây, chớ ai mà rao như mầy”. Vậy là tôi học được một chiêu. Hôm đó, bán cà rem ở khu nội ô hơi ế, Hiến rũ tôi qua Tô Châu bán. Hai anh em qua đò đi vòng núi Tô Châu rao bán. Khi có người kêu mua, Hiến hay nhường tôi bán trước. Hiến còn hỏi: “Nếu người ta trả giá 3 đồng 5 cây mầy bán không?”. Tôi chưa trả lời thì Hiến nói tiếp: “Mầy bán 4 đồng 5 cây rồi mầy ăn 1 cây, bây giờ mầy bán 3 đồng 5 cây thì coi như mầy ăn 1 cây chớ đâu có gì mà lo”. Vậy là tôi học thêm được một chiêu nữa.

Đi xuồng trên Đông Hồ

Hiến nghỉ học khá sớm, một thời gian rất dài tôi không gặp Hiến. Đến năm 1974 mới gặp lại khi Hiến làm lính đóng trên Đá Dựng. Đến năm 1976, lúc tôi đi dạy học ở Hà Tiên, có lần tôi đến nhà Hiến (ở mé sông gần Cầu Đá), hình như hai anh em có làm vài xị, sau đó Hiến rũ tôi xuống xuồng chèo vào Đông Hồ thả lưới. Hiến chèo chỉ có 1 chèo mà xuồng đi rất nhanh, Hiến giảng cho tôi biết về kỹ thuật chèo xuồng của người dân biển. Khi vào trong Đông Hồ Hiến nói: “Tao chỉ muốn có một chiếc ghe nhỏ, có mui để khi nào trời mưa vô ngồi trong mui nhậu là được rồi”. Vậy mà cho đến bây giờ Hiến không thực hiện được ước muốn đó cho dù điều kiện hiện nay của Hiến không còn nghèo khổ như trước nữa.

Cuộc gặp ở Vàm Rầy và nửa con khô cá bè.

Năm 1977, tôi đi dạy học ở Vàm Rầy (xã Bình Sơn), tình cờ gặp Hiến tại đây, tôi rũ Hiến về chỗ các thầy cô giáo ở để ăn với nhau một buỗi cơm. Hồi đó thầy giáo rất nghèo, khi tôi nói với mấy cô giáo nhà có khách, các cô khá băn khoăn vì bạn của thầy Hùng tới mà không có gì ăn. Khi Hiến ra phía sau đi vệ sinh thì nghe các cô nói với nhau: “Bạn thầy Hùng tới mà thức ăn không còn gì, mình phải đi mua vài cái trứng vịt chiên để đãi khách”. Hiến nghe nói cảm động quá. Khi các cô ra nhà trước để đi mua thức ăn thì Hiến ngăn lại nói: “Mấy cô đi mua thêm thức ăn phải không, thôi, mấy cô đi chi cho mất công, tui còn con khô cá bè, để tui cắt phân nửa chiên ăn là xong chớ gì”. Nói xong, Hiến vội lấy con khô cá bè gói trong tờ giấy nhật trình xuống bếp cắt phân nửa (phần đầu), còn khúc đuôi có dây cột thì gói lại treo lên vách. Hôm ấy mấy thầy cô có bữa ăn cơm với khô cá bè chiên thật ngon. Đến sau này tôi mới biết còn nửa con khô, Hiến xách đi qua Ba Chúc thăm bạn. Thật là cái tình của bạn nghèo cảm động biết bao nhiêu.

Chuyện của Hiến với tôi còn dài, nhưng chỉ kể vài chuyện để Thầy Cô và các bạn nghe cho vui.

Hiện nay Hiến có tên là Dương Văn Hiếu, đang sinh sống ở tiểu bang Floride Mỹ.

Trương Thanh Hùng Ngày 28 tháng 10 năm 2017

Bạn Dương Văn Hiếu về Hà Tiên thăm các bạn cùng trường Trung Học Hà Tiên (ngồi giữa: Lê Thị Việt Nga, Trần Quý Nương, Trần Quý Nữ)

Bạn Dương Văn Hiếu về Hà Tiên thăm các bạn cùng trường Trung Học Hà Tiên (ngồi bìa trái: Lê Thị Việt Nga và Trần Quý Nương)

Bạn Dương Văn Hiếu về Hà Tiên thăm các bạn cùng trường Trung Học Hà Tiên (ngồi bài trái: Lê Phước Dương)

Bạn Dương Văn Hiếu về Hà Tiên thăm các bạn cùng trường Trung Học Hà Tiên (ngồi ở giữa: Sĩ, Trang Việt Thánh, Huỳnh Ngọc Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Lê Phước Dương)

Nhân một chuyến ngao du nước Mỹ, Trương Thanh Hào ghé thăm bạn Dương Văn Hiến tại tiểu bang Floride

Nhân một chuyến ngao du nước Mỹ, Trương Thanh Hào ghé thăm bạn Dương Văn Hiến tại tiểu bang Floride

 

Kể về người bạn ở trời Tây (Lâm Thị Lan)

Nữ kê tác quái,gà mái đá gà cồ.
Đây là 2 nhân vật chính nè các bạn ơi!
Nữ kê đây. Gà cồ đây

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình trái: « Nữ kê »: Lâm Thị Lan, hình phải: Gà cồ: Dương Văn Hiếu

Sau gần 40 năm gặp lại bạn Dương Văn Hiếu trên Face book. Hiếu hỏi Lâm Lan có còn nhớ lúc còn là học sinh năm học ở lớp Đệ Thất trường Hà Tiên không?

          – Nhớ cái gì bạn Hiếu?

          – Nhớ cái tuổi 13 lắm chiêu, nhiều trò này. Lớn không lớn, mà nhỏ không nhỏ hay trêu hay ghẹo với nhau.

Nữ sinh với chiếc áo dài thướt tha thường hay bị cái anh chàng « lí lắc » này rình cột cái đuôi áo dài. Khi mình phát hiện ra thì anh chàng này mặt phớt tỉnh như không có sự việc gì xẩy ra.

Ấm ức trong bụng không biết làm sao trả đũa cái anh chàng « lí lắc » này. Có một lần Lâm Lan chờ giờ vào lớp khi chàng Hiếu đi qua (vì Hiếu xếp hàng sau Lâm Lan nên phải đi vào sau), Lâm Lan đưa cái chân cho anh chàng này té chảy máu mũi chơi.

Hihihi!

Nghĩ thế thì làm. Khi anh chàng « lí lắc » vừa trờ tới Lan liền đưa chân ra. Úi giời ơi! Sợ quá rút chân về nhanh các bạn ạ (sợ gặp thầy Giám Thị là con chết lớn). Thôi rồi tha cho bạn lần này thôi. Không thì cho bạn nhảy cò cò một phen cho chừa cái tật hay ghẹo bạn gái.

Hihihi! Hihihi!

Cái tuổi 13 lắm chiêu trò.
Nhớ mãi trò vui nghịch ở trường.
Làm cho bạn té chảy mũi chơi.
Hay đùa hay nghịch với bạn gái.
Bây giờ gặp lại bạn ngày xưa.
Hiếu ơi! Lúc đó có gì không?
Không Lan ơi! Làm sao tui té được.
Đến bây giờ kẻ bắc, người nam.
Kể nhau nghe cái tuổi học trò.

Nhờ có Blog THHTX mình nhớ lại cái tuổi con nít có biết bao là kỷ niệm. Đúng là học sinh đứng hàng thứ 3 nhỉ.!!!

Lâm Thị Lan tự thuật (10/2016)

Tái bút: Bài « Tạm bút » của bạn Dương Văn Hiếu và bài « Tự thuật » vui nhộn của Lâm Lan đã được viết lâu rồi (năm 2016), nhưng vì chờ nhiều thông tin bài vở về bạn Dương Văn Hiếu nên hôm nay sẳn có bài của Trương Thanh Hùng kể chuyện về Hiếu ngày xưa nên mình cho vào chung một bộ…

Hình ảnh: Dương Văn Hiếu, Lâm Thị Lan, Trương Thanh Hào