Trang giới thiệu

Mis en avant

Đây là một nơi dành cho Thầy, Cô và các bạn đã một thời trải qua dưới mái trường Trung Học Công Lập Hà Tiên,….Xin mời Thầy Cô và các bạn có mặt vào những năm 60′ hoặc 70′ (ngay cả những năm 80′, 90′) tại trường Trung Học Công Lập Hà Tiên góp hình ảnh, thông tin hiện tại vào trang nhà của chúng ta nhé, như thế chúng ta có một nơi để đến và dừng lại vài giây phút nhớ về những kỷ niệm xưa, nhắc lại cho nhau những nỗi vui, buồn và cho nhau nhìn ngắm lại những gương mặt quen thuộc, những hình ảnh đầy quyến luyến của khung trời mà chúng ta đã có một thời sống rất trọn vẹn….

Vẫn biết rằng sống là phải vượt qua mọi trở ngại, cố gắng tiếp tục đi tới, nhìn về tương lai và có một tinh thần tích cực phục vụ đời sống hiện tại, nhưng chúng ta vẫn không thể quên dĩ vãng, không thể quên Thầy, Cô, bạn bè, trường, lớp,….Vậy các bạn cứ sống trọn vẹn cho hiện tại nhưng thỉnh thoảng xin cho một vài phút giây trở về quá khứ, nhớ về trường xưa, Thầy, Cô, bạn cũ, đó là mục đich của trang nhà của chúng ta ở đây,…

Paris, ngày chúa nhật 04/10/2015

Trần Văn Mãnh  (Patrice Tran)

Trần Văn Mãnh

Créez votre badge

(Mọi liên lạc xin viết mail về địa chỉ: tranvanmanh18@yahoo.fr)

 Tan_Truong_VeNha

Tan trường về nhà trên đường Mạc Công Du (đường hàng dương)

NguyetHong_NgocMinh_HoangPhuong

Nữ sinh trước cữa lớp học, từ trái qua phải: Nguyễn Nguyệt Hồng, Mai Thị Ngọc Minh, Trần Hoàng Phượng

Thầy Cô và các bạn thân mến, sáng nay trên xe lửa trên đường đi làm, xem lại những hình ảnh xưa trên Blog THHTX, lòng bỗng thấy dạt dào kỷ niệm và buồn da diết, lòng nửa vui nửa buồn, vui vì ngày nay mình lại có dịp nhìn lại hình ảnh bạn cũ trường xưa, với Thầy Cô …Tuy nhiên trong lòng cũng không ngăn được tình cảm nhớ Trường lớp ngày xưa,…Có một cái gì đó tràn ngập trong tâm hồn mình, cảm hứng dâng lên dạt dào, nên phóng tác ra vài câu thơ trên toa xe lửa,…lòng thì buồn và « Mắt anh mờ vì nước hay mưa Hà Tiên ??.. » Mời Thầy Cô và các bạn đọc qua nhé..

Người còn kẻ mất kẻ đi xa
Xem Blog Hà Tiên bỗng nhớ nhà
FaceBook ngày lên đêm lại lướt
Thầy Cô bạn hữu mãi không xa

Trường xưa bạn cũ ôi thương quá
Áo trắng ngây thơ bỗng mắt nhòa
Mái cũ tường rêu theo năm tháng
Dáng em trước lớp tháng năm qua

Dăm đứa bạn xưa hình còn đó
Ảnh mờ ký ức bận lòng lo
Ai còn ai mất cho tin nhắn
Về khung trời cũ chớ đắn đo

Paris 09/10/2015

Tên gọi năm lớp bậc Tiểu Học
trước 1971       sau 1971
Lớp năm           Lớp một
Lớp tư              Lớp hai
Lớp ba              Lớp ba
Lớp nhì             Lớp tư
Lớp nhất           Lớp năm
Tên các lớp bậc Trung Học đệ nhất cấp
Lớp đệ thất      Lớp sáu
Lớp đệ lục       Lớp bảy
Lớp đệ ngũ      Lớp tám
Lớp đệ tứ         Lớp chín
Tên các lớp bậc Trung Học đệ nhị cấp
Lớp đệ tam      Lớp mười
Lớp đệ nhị       Lớp mười một
Lớp đệ nhất     Lớp mười hai

Thư viết cho Cô Nguyễn Phước Thị Liên  (Lý Thị Lắc)                     

Thầy cô và các bạn thân mến, thắm thoát đến ngày 28/03/2024 là đủ 7 tuần kể từ ngày cô Nguyễn Phước Thị Liên rời xa chúng ta. Đội Dưỡng Sinh Hà Tiên từ nay thiếu vắng một người cô kính mến từng chung bước tập dợt với các bạn và các cô…Bức ảnh sau cùng chụp tháng 12/2023 còn ghi lại hình ảnh thân thương của cô, qua bài viết của chị Lý Thị Lắc, xin gởi đến thầy cô và các bạn một khoảnh khắc tâm tình nhớ lại cô Nguyễn Phước Thị Liên, một người cô mà mình cũng có cái hân hạnh đôi khi được xem như một người bạn trên tinh thần thơ văn, trao đổi quan điểm nghệ thuật. (Paris, ngày 26/03/2024, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Thư viết cho Cô Nguyễn Phước Thị Liên  (Lý Thị Lắc)                            

Hôm nay là đúng bốn mươi lăm ngày Cô ra đi nhưng với tôi Cô luôn hiện hữu. Lúc nào hình bóng Cô cũng bên cạnh tôi. Khoảng thời gian nằm trong bệnh viện Cô thường điện về tâm sự với tôi. Có một lần Cô nói : “ Mình giống nhau ở điểm thẳng thắn! “. Tôi cười và ghẹo Cô: “ Không phải mình thẳng thắn đâu Cô. Mình không làm chủ được cảm xúc đó ! “.

Mấy năm trước khi Cô bị tai nạn đụng xe phải đưa lên điều trị ở Bệnh Viện Columbia Thủ Đức. Tôi đã lên thăm Cô hai lần. Lên thành phố Hồ Chí Minh, tôi ở tạm nhà cháu thuộc quận Bình Thạnh. Sáng sớm 4 giờ tôi ra bến xe buýt chờ đi Thủ Đức. Những mẫu chuyện vụn vặt trên xe buýt của khách chờ không làm vơi đi sự nôn nóng mong đợi gặp Cô ở Bệnh Viện. Để tự trấn an, tôi dặn lòng bằng những câu thần chú định tâm :

“ Đừng bận tâm.
Không sao đâu.
Rồi mọi chuyện sẽ qua… “

Khoảng thời gian rất dài (2005) cùng nhau trong Đội Dưỡng Sinh với rất nhiều kỷ niệm : vui buồn lẫn lộn. Cô rất tốt và luôn chăm sóc mọi đội viên.

Có một lần, đội tập ráo riết để chuẩn bị đi thi tỉnh. Còn hai ngày nữa là kết thúc buổi tập thì một hội viên trong đội giận Cô Huấn Luyện Viên (bên Rạch Giá qua). Cô hội viên này nghỉ ngang. Với cương vị một Đội Trưởng, tôi phải năm lần bẩy lượt năn nỉ, vì cận ngày thi quá không tìm ra người thay thế. Thấy tôi cứ đi năn nỉ hoài, Cô sốt ruột phán một câu xanh rờn: “ Tôi không chịu nhục như Lắc đâu ! “

Sau khi đi thi về có cuộc họp nội bộ, Cô thẳng thắn xin lỗi tôi về câu nói đó trong buổi họp.

Rất, rất nhiều những kỷ niệm khó quên và gần đây nhất, ngày 29/12/2023 có buổi tiệc Tất Niên của Đội Dưỡng Sinh. Bức ảnh sau cùng được chụp trước cổng Ti La. Cô vòng cánh tay qua tay tôi. Tôi hỏi sao siết chặt quá vậy Cô ?

– Để mình không rời xa…
Dư âm giọng nói vẫn còn bên tai.

Ôi ! Không thể kể hết những kỷ niệm, những chân tình của những ngày bên nhau trong Đội Dưỡng Sinh. Tôi nhớ , tôi đã nghe một giọng đọc về quyển sách: “ An nhiên giữa những thăng trầm “. Có một đoạn luận bàn về cái chết. Rằng:

Có ba dạng người :

1/ Chết đâu, chôn đó .
2/ Chết rồi, chưa chôn,
3/ Chôn rồi, chưa chết…

Cô ơi ! Trong tim chúng em Cô mãi mãi :

“ Chôn rồi, chưa chết ! “

Hà Tiên, mùa Thanh Minh 2024.

                 Lý Thị Lắc

Đội Dưỡng Sinh Hà Tiên. Hình: Lê Thị Việt Nga, 2020. (Cô Nguyễn Phước Thị Liên đứng giữa, mặc áo màu cam nhạt. Tác giả bài viết, chị Lý Thị Lắc đứng bên trái cô)

Đội Dưỡng Sinh Hà Tiên. Hình: Lê Thị Việt Nga, 2023. (Cô Nguyễn Phước Thị Liên ngồi giữa, mặc áo màu cam nhạt. Tác giả bài viết, chị Lý Thị Lắc ngồi bên trái cô)

Thừa sai Công Giáo đầu tiên đến vùng đất Hà Tiên

Thừa sai Công Giáo đầu tiên đến vùng đất Hà Tiên

Lời nói đầu:

Đây không phải là một bài nghiên cứu viết về nguồn gốc đạo Thiên Chúa ở Hà Tiên, lại càng không phải là bài viết về lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Đây chỉ là một bài viết thứ nhất trong một loạt các bài viết góp nhặt các thông tin và trình bày với mục đích phổ biến một cách rộng rãi, bình dân về các liên hệ giữa các thừa sai Tây phương (bắt đầu là các thừa sai gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp…) với vùng đất Hà Tiên, từ thế kỷ thứ 16 khi trấn Hà Tiên chưa được thành lập cho đến khi Mạc Thiên Tích quản trị Hà Tiên ở giữa thế kỷ thứ 18, gặp gở đức giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) khi đức giám mục quản lý chủng viện ở Hòn Đất (thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay). Ngoài ra trong vòng hai thế kỷ 17 và 18, các giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Paris cũng đã có dịp đặt chân nhiều lần đến trấn Hà Tiên và vùng đất Cambodge.

Xin giới thiệu bài đầu tiên viết về sự có mặt và về quyển sách của một vị giáo sĩ dòng Đa Minh đã có dịp đặt chân đến vùng đất sau nầy trở thành trấn Hà Tiên và từ đó các nhà viết sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thường cho là người thừa sai Tây phương đầu tiên đến truyền giáo ở nước Việt Nam.

A/ Nhắc lại một chi tiết liên quan đến việc truyền giáo ở nước Đại Việt (1):

Bàn về lịch sử Công Giáo ở Việt Nam, nhiều sử gia đã nhắc đến một sự kiện xảy ra năm 1533 dưới thời vua Lê Trang Tông. Xưa nay nhiều tài liệu giáo sử cho rằng năm 1533 có giáo sĩ I-nê-xu (hay I-nê-khu, I-ni-khu) đến truyền giáo tại các xã Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Từ đó, năm 1533 được nhiều nhà sử học Công Giáo Việt Nam chọn là năm khởi đầu lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Đây là một chi tiết xuất phát từ quyển sách bằng chữ Hán có tên “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” của các tác giả Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Đình Hiên, viết vào khoảng năm 1794. Sau đó sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có nhắc một chi tiết trùng hợp với chi tiết trong sách “Tây Dương Gia Tô Bí Lục”, nhưng chỉ viết trong phần chú thích (gọi là phần “chua”, phía dưới phần chính biên) và còn ghi là chi tiết nầy viết theo một quyển sách Dã Lục, tức là loại sách ghi chép những câu chuyện truyền tụng trong dân gian. Sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” viết bằng chữ Hán trong thời gian 1856-1881.

Nhiều học giả và các vị linh mục hiện đại đã ít nhiều chứng minh rằng chi tiết người giáo sĩ Tây phương tên I-nê-xu đến truyền đạo ở Nam Định vào năm 1533 nói trên là không đúng sự thật vì không phù hợp với những dữ liệu lịch sử đã được xác nhận. Thật vậy, chi tiết được kể trên rất có thể chỉ xuất phát từ một nguồn duy nhất là từ quyển sách “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” và không được kể ra một cách độc lập trong bất cứ tài liệu, thư từ, ký sự nào trong kho tàng tài liệu vốn khá phong phú của các giáo sĩ Tây phương.

Ngoài những quyển sách viết về giáo sử ở Việt Nam xuất bản cận đại (Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam: Hồng Lam, Huế – 1944; Làn sóng tôn giáo trên đất Việt: Tâm Ngọc, Cần Thơ – 1959; Việt Nam giáo sử: Phan Phát Huồn, SaiGon –   1965…v…v…), đều nhắc lại chi tiết người giáo sĩ Tây phương tên I-nê-xu  đến truyền đạo ở Nam Định vào năm 1533  theo một nguồn duy nhất từ sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”, các sách viết bằng tiếng Pháp xuất bản khá lâu trước đó như: Cours d’histoire annamite: Jean-Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký, SaiGon – 1875; Variétés Tonkinoises: Henri-Emmanuel Souvignet, HaNoi-1903; Les débuts du Christianisme en Annam: Auguste Louis Marie Bonifacy, HaNoi – 1930, tuy cũng có nhắc lại chi tiết giáo sĩ I-nê-xu truyền giáo năm 1533 ở nước An nam nhưng vẫn chú thích lấy nguồn từ sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”.

Nói tóm lại chúng ta hoàn toàn không biết gì về giáo sĩ I-nê-xu, không có vị giáo sĩ Tây phương nào tên như vậy mà trùng hợp với các sự kiện về thời gian, nơi chốn, hoàn cảnh lịch sử đã được biết rỏ trong quá trình truyền giáo của các giáo sĩ Tây phương, đến nổi nhà nghiên cứu Á Đông, giáo sư, nhà văn và trung tá Auguste Bonifacy phải thốt ra rằng: “Người ta không biết gì hơn về vị giáo sĩ I-Ni-Khu”.

Đến đây chúng ta thấy điều thích hợp nhất là dùng câu kết luận của linh mục Gioan Võ Đình Đệ trong bài  “Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533”, viết ngày 28/10/2021 như sau: “Tóm lại, sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

B/ Giáo sĩ dòng Đa Minh (Dominicains) đến vùng đất sau nầy là Hà Tiên:

Vào thế kỷ thứ 16, Mạc Cửu chưa đến vùng Hà Tiên và nơi nầy hoàn toàn chưa có chủ quyền nhất định mặc dù về phương diện địa lý, vùng nầy thuộc Vương Quốc Khmer (đã suy yếu và trong thời kỳ hậu Angkor) . Về mặt xã hội, vùng nầy chỉ có một số rất ít cư dân nhiều gốc gác đến sinh sống, nhất là người Việt, người Khmer và người Trung Hoa…v…v…, một vùng đất bỏ ngỏ không có chánh quyền cai trị. Vả lại từ thế kỷ 16, do sự can thiệp của chánh quyền Xiêm La (Siam, tức Thái Lan ngày nay) triều đình Khmer bị chia rẽ sâu sắc và dần bước vào thời kỳ suy vong, hầu như không có điều kiện quan tâm đến vùng đất còn ngập nước và trên thực tế đã không đủ sức quản lý vùng đất nầy. Tuy nhiên do vị trí thuận tiện, vùng nầy chính là cửa ngỏ cho sự thông thương của một số người phương Tây, nhất là người của các nước Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Espagne),…trong các mục đích thám hiểm, trao đổi buôn bán và  cũng để loan truyền đức tin Phúc Âm Công Giáo (2)…

Về nước Đại Việt vào thế kỷ thứ 16, lãnh thổ gồm gần như toàn bộ miền Bắc, kéo dài cả từ miền Trung về phía Nam cho tới Qui Nhơn, chấm dứt ở Phú Yên. Phần lãnh thổ tiếp theo về phía Nam : Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn thuộc Vương Quốc Champa (Chiêm Thành). Ngoài ra tất cả lãnh thổ còn lại về phía Nam cho đến vịnh Thái Lan đều là của Vương Quốc Khmer tuy vào thời kỳ nầy đã bắt đầu suy yếu vì các cuộc xâm chiếm liên tục của Xiêm La.

Nếu như phần đầu đã nói, vào giữa thế kỷ 16 trở về trước, chưa có một nguồn tài liệu chánh thức và bằng chứng rỏ ràng nào để xác nhận có các giáo sĩ Tây phương đến truyền đạo ở nước ta thì ngay tại vùng đất mà sau nầy mang tên là Hà Tiên, đã bắt đầu ghi nhận dấu chân của giáo sĩ Bồ Đào Nha thuộc dòng Đa Minh đi theo tàu buôn cặp bến tại đây, sau khi khởi hành cuộc hải trình từ thành Malacca (thuộc nước Mã Lai Malaisie ngày nay) vốn thuộc phần đất do người Bồ Đào Nha chinh phục từ năm 1511.

Các tài liệu ghi chép rằng vào tháng 9 năm 1555 giáo sĩ người Bồ Đào Nha tên là Gaspar da Cruz (có sách viết theo dạng khác Gaspard de Santa Cruz) đáp tàu buôn người Bồ Đào Nha đi từ Malacca, đổ bộ lên vùng đất mang tên CanCao (vùng mà người Tây phương ghi trên bản đồ tên Ponthiamas vào thế lỷ 16, sau nầy trở thành trấn Hà Tiên), lúc bấy giờ vùng nầy thuộc vương triều Khmer hậu Angkor, vì thế giáo sĩ Gaspar da Cruz vừa đến nơi thì tiếp tục đi theo dòng sông Cửu Long (Mékong) vào sâu lãnh thổ Khmer để được tiếp xúc với vua Khmer và hy vọng sẽ thực hiện được mục đích của ông là rao giảng tin mừng cho dân chúng ở đây (3).

Mặc dù vùng đất nơi giáo sĩ Đa Minh Gaspar da Cruz đến thời đó là thuộc đất Khmer, nhưng vì khoảng 150 năm sau vùng nầy sẽ trở thành một nơi rất phồn thịnh và là cửa khẩu có danh tiếng của vùng Đông Nam Á và sẽ thuộc về nước Đại Việt do sự kiện Mạc Cửu dâng đất cho nhà Nguyễn, nên các sử gia nghiên cứu về nguồn gốc Công Giáo ở Việt Nam đều thừa nhận Gaspar da Cruz là người giáo sĩ đầu tiên đặt chân lên nước Việt Nam và là nhà truyền giáo tiên khởi ở nước ta.

C/ Về cuộc đời và hoạt động của giáo sĩ Gaspar da Cruz :

Như đã nói phần trên, giáo sĩ Gaspar da Cruz là người Bồ Đào Nha, ông sinh ra tại Évora, một thành phố lớn thuộc vùng Alentejo về phía nam nước Bồ Đào Nha và rất phong phú về các di sản thời trung cổ. Tuy nhiên người ta không có tài liệu chắc chắn về ngày sinh của ông, chỉ biết năm sinh của ông vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ 16. Ông được thu nhận vào tu viện của dòng tu Đa Minh ở Azeitão thuộc đô thị vùng biển Setubal.

Vào năm 1548, 12 giáo sĩ dòng Đa Minh trong đó có Gaspar da Cruz, theo lịnh truyền của bề trên là Diogo Bermudez, vượt biển cả từ Bồ Đào Nha đi đến các thành phố của Ấn Độ thuộc địa Bồ Đào Nha, mục đích là lập ra một phái bộ truyền giáo Đa Minh ở Đông phương. Trong vòng 6 năm làm công việc mục vụ tại vùng nầy, ông đã có dịp đi nhiều nơi ở các thành phố : (4) Goa, Chaul, Cochin (Ấn Độ) và ngay cả trên đảo Tích Lan (Ceylan nay là Sri Lanka). Đến năm 1554 ông được cử đến Malacca, một thành phố thuộc bán đảo Mã Lai (Malaisie) vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong vòng 130 năm (1511 – 1641) để thành lập một tu viện của dòng Đa Minh. Tại đây Gaspar da Cruz nghe được tin đồn từ Vương Quốc Khmer rằng vua nước nầy muốn mời các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến để truyền đạo Tây phương…

Vốn luôn được hướng dẫn bởi một tinh thần năng động tìm những vùng đất mới ở Đông phương để mang tin mừng đến với lời thuyết giảng Phúc Âm nên Gaspar da Cruz đã chú ý đến tin đồn trên và nhất quyết có một dự định sẽ tìm cách đi đến Vương Quốc Khmer đó, tuy nhiên các giáo sĩ và những thân hữu chung quanh ông đã ngăn cản dự định nầy, ngại rằng đó không phải là tin đúng đắn và chuyến đi sẽ rất khó khăn không thể lường trước được. Cuối cùng do cũng được sự chấp nhận của bề trên dòng Đa Minh nên vào tháng 9 năm 1555, Gaspar da Cruz đã đáp tàu buôn Bồ Đào Nha để đi đến vùng duyên hải của Vương Quốc Khmer bất chấp các lời ngăn cản.

Đúng như lời các giáo sĩ thân hữu đã ngăn cản ông về chuyến đi đầy gian truân nầy, trên chuyến hải hành, Gaspar da Cruz đã gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại rất lớn : đau bệnh, đói khát, và các điều bất lành không ngờ trước được, sau cùng ông đã đến được bờ biển vùng đất sau nầy chính là Hà Tiên, ở đây ta chưa có tài liệu chính xác để khẳng định nơi ông đặt chân lên đất liền là chỗ nào của trấn Hà Tiên sau nầy, chỉ có thông tin đáng tin cậy vì chính được ông đã kể lại trong một quyển sách rất quan trọng do ông viết sau khi trở về nước Bồ Đào Nha 15 năm sau rằng ông đã đi theo con sông Cửu Long (Mékong) để đến tận thành La Bích (Loech), lúc đó là thủ đô của Vương Quốc Khmer để được gặp vua nước nầy (5).

Tuy nhiên Gaspar da Cruz khám phá ra nhanh chóng là vua nước Khmer và hầu hết thần dân trong nước đều theo đạo Phật (6) và điều trở ngại lớn lao hơn nữa là giới tu sĩ Khmer thừa hưởng nhiều đặc quyền lớn lao trong triều đình và rỏ ràng là ông không thể nào truyền bá được Phúc Âm để cải đạo cho dân chúng ở đây. Vả lại chính vua Ang Chan đệ nhất (tên Ponhea Chan, hiệu là Barom Reachea đệ nhị) của Vương Quốc nầy thú nhận là vì ông muốn cho người Bồ Đào Nha đến nước ông để buôn bán và giúp ông chống lại người Xiêm La nên mới tung tin là muốn rước giáo sĩ Tây phương đến…

Trong quyển sách của giáo sĩ Gaspar da Cruz viết, ông có kể lại giai đoạn nầy với mẫu chuyện nhỏ như sau : Dân Khmer rất tin tưởng và rất kính trọng giới tu sĩ ở triều đình nên không ai dám cải lời họ hay nói ngược lại bất cứ điều gì, có nhiều lần Gaspar da Cruz đang thuyết giảng lời Phúc Âm cho một nhóm đông dân cư, ông nhận thấy rằng họ rất chăm chú nghe lời ông giảng và có vẻ rất hài lòng nhận những điều ông đang nói, nhưng chỉ cần có một trong những ông tu sĩ Khmer đi đến và nói với Gaspar da Cruz như sau : « Lời ông giảng nghe hay lắm nhưng những gì chúng tôi có ở đây là hay nhất ! », sau đó cả nhóm đông dân Khmer đều rút lui và bỏ ông lại một mình nơi đó…

Một trở ngại khác nữa là một số người Bồ Đào Nha thường có nhiều thái độ không đúng đắn và gây ra nhiều rối loạn khi đến mua bán với dân Khmer, cuối cùng vì lại lâm bệnh hoạn trong một môi trường chưa quen sống nên Gaspar da Cruz quyết định rời khỏi Vương Quốc Khmer, chấp nhận một thực tế cay đắng là dự định truyền đạo của ông thật sự thất bại ở đây.

Một lần nữa tinh thần náo nức của một tu sĩ Đa Minh lúc nào cũng muốn khám phá ra các chân trời mới của Á Đông để rao giảng Phúc Âm, Gaspar da Cruz lại nghe tin có một nước Trung Hoa  rộng lớn mà lúc bấy giờ người Bồ Đào Nha đã được phép giao lưu buôn bán và cảng thị đón thương thuyền nước ngoài ở Quảng Châu (Canton) của nước nầy đã được mở cửa lại, rằng dân chúng ở vùng đó có thể đón nhận tin mừng để theo đức tin của Thiên Chúa nên vào cuối năm 1556 ông đáp tàu buôn người Trung Hoa để đi đến Quảng Châu với giấy phép của quan chức cho ông lưu trú tại đó khoảng một tháng (7).

Mặc dù thời gian Gaspar da Cruz ở tại Quảng Châu (Trung Hoa) chỉ ngắn ngủi khoảng một tháng, nhưng ông đã thu nhặt một số lượng thông tin rất to lớn qua nhiều nguồn : suy nghĩ cá nhân và những quan sát tận mắt của ông, các văn bản hành chánh bằng tiếng Hoa mà ông đã có được qua các tiếp xúc với quan địa phương, các cuộc tiếp xúc và nghe kể chuyện thực tế của các tù nhân người Bồ Đào Nha trong thời gian họ bị cầm tù ở Quảng Châu, đặc biệt là Gaspar da Cruz đã có tham khảo hồi ký của một người Bồ Đào Nha vốn là một nhà thám hiểm, người lính, thương nhân tên là Galiote Pereira, người đã tham gia vào cuộc chống đối với nhà cầm quyền Phúc Kiến (Fujian hay Fukien) và đã bị bắt giam từ năm 1549 đến năm 1552. Về sau qua những kinh nghiệm thực tế đã trải qua, Galiote Pereira đã viết lại một tập du ký với các chi tiết rất đầy đủ về tất cả các mặt trong đời sống ở Trung Hoa và là nguồn thông tin quý báo cho Gaspar da Cruz sau đó có dịp đọc qua tập du ký nầy.

Sau khi nhận ra được một lần thứ hai là trên thực tế, không thể truyền bá được Phúc Âm Thiên Chúa ở vùng đất Trung Hoa nơi ông lưu trú (thành phố Quảng Châu) vì những trở ngại không thể vượt qua được (8), Gaspar da Cruz đành phải đáp tàu trở về Malacca vào đầu năm 1557 và ở lại đây khoảng chín tháng.

Trong thời gian nầy tài liệu xưa không nói rỏ chi tiết về các chuyến du hành của Gaspar da Cruz, chỉ có các điều suy luận trên những thông tin có liên quan đến các hoạt động truyền giáo ở vùng Đông Nam Á thời bấy giờ do các tác giả Bồ Đào Nha hiện đại khi tái bản quyển sách của Gaspar da Cruz có góp thêm các chi tiết như sau : Gaspar da Cruz có đi đến đảo Makassar thuộc nước Nam Dương (Indonésie), ông cũng đến vùng đất Mylapore ở Ấn Độ nơi tông đồ Thomas tử đạo (khoảng năm 72 sau Công Nguyên), vào khoảng giữa năm 1560, Gaspar da Cruz cũng có tham gia vào đoàn truyền giáo Đa Minh đi tới đảo Ormuz (Hormuz, ngày nay thuộc Iran) để phục vụ việc làm lễ đạo cho những người Bồ Đào Nha sống ở đó, trong khi công việc truyền Phúc Âm ở đảo nầy lại cũng không thành công vì nơi đây là đất của Hồi giáo, đó là lý do khiến ông rời khỏi đảo Ormuz năm 1563.

Từ năm 1563 đến năm 1569, người ta lại cũng không biết rỏ các hoạt động và nơi lưu trú của Gaspar da Cruz, chỉ biết là ông có mặt ở thủ đô Lisbonne của nước Bồ Đào Nha vào năm 1569 và đã tham dự tích cực bằng cách cống hiến cuộc đời ông vào việc chống lại cơn bệnh dịch hạch đang lan truyền tàn phá thủ đô. Trong vòng hơn một năm khi cơn dịch bệnh bớt hoành hành ở thủ đô, ông lui về thành phố Setubal là một thành phố biển ở phía nam Bồ Đào Nha để tiếp tục giúp giáo dân trong cơn dịch.

Gaspar da Cruz đã hy sinh cuộc sống mình trong công việc chống dịch bệnh, thật vậy, cuối cùng ông đã bị lây nhiễm bệnh dịch hạch vì tiếp xức quá nhiều với các bệnh nhân, ông trút hơi thở cuối vào ngày 5 tháng hai năm 1570 mà chưa kịp thấy tận mắt quyển sách du hành mà ông đã ghi chép lại tất cả những điều nghe thấy và thu nhặt được về nước Trung Hoa do ông đã bỏ nhiều thời gian khi về Bồ Đào Nha để viết ra nhưng chưa được xuất bản cho đến khi ông mất.

D/ Về quyển sách chuyên luận của Gaspar da Cruz viết về những điều nghe thấy và thu thập được ở nước Trung Hoa :

Những tiếp xúc đầu tiên giữa người Tây phương và người Trung Hoa bắt đầu có từ thế kỷ thứ 13 vào thời kỳ thống trị của người Mông Cổ (Mongoles) tại Trung Á và nước Trung Hoa, trường hợp điển hình nhất trong lịch sử là chuyến du hành và làm việc dưới triều đình vua Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan) của người nước Ý gốc Venise tên Marco Polo và người cha, người chú vào năm 1271. Sau cuộc du hành nầy Marco Polo đã kể lại tất cả những chi tiết về nước Trung Hoa Mông Cổ và vùng Trung Á cho một người bạn tù nghe và người nầy đã ghi lại thành một tập sách bằng tiếng Ý gồm bốn quyển với tên gọi là « Marco Polo du ký » (9). Ta có thể xem như đó là quyển sách đầu tiên có vai trò như tự điển bách khoa về nước Trung Hoa cho người Tây phương đọc.

Từ đó phải đợi đến thế kỷ 16 khi người Bồ Đào Nha đã đặt chân lên đất Trung Hoa (và đến lượt trường hợp Galiote Pereira và giáo sĩ Gaspa da Cruz), người Tây phương mới có thêm hai quyển sách quan trọng viết về tất cả các khía cạnh của nước Trung Hoa.

Galiote Pereira sau khi trốn khỏi nhà tù ở Phúc kiến (Fujian hay Fukien) thì về Quảng Châu với những bạn đồng hương Bồ Đào Nha vào năm 1552. Vào khoảng giữa tháng hai năm 1553 chính Galiote Pereira có chứng kiến sự khai quật ngôi mộ tạm của giáo sĩ dòng Tên François Xavier trên đảo Shangchuan thuộc tỉnh Quảng Đông (Guangdong)  do người Bồ Đào Nha thực hiện để đưa thi thể giáo sĩ về thành Goa chôn cất. Cho đến ngày nay, thánh François Xavier vẫn được mọi người tôn vinh và kính trọng.

Một thời gian sau khoảng năm 1561 Galiote Pereira có viết tay một quyển sách bằng tiếng Bồ Đào Nha kể lại những gì đã trải nghiệm qua trong thời gian tù tội với tiêu đề « “Một số điều được biết về nước Trung Hoa…” (10). Quyển sách nầy không được xuất bản ngay sau đó nhưng đã được các học trò trường dòng Tên ở thành phố Goa (Ấn Độ) chép tay và chuyển về văn phòng bề trên ở Châu Âu, vì thế nội dung sách nầy đã được phổ biến bằng cách được chép lại trong các quyển sách bằng tiếng Ý xuất bản năm 1565 và bằng tiếng Anh năm 1577. Như thế người Tây phương biết được thêm một quyển sách thứ hai viết về nước Trung Hoa sau quyển của Marco Polo.

Quyển sách thứ ba của người Tây phương viết về nước Trung Hoa là do Gaspar da Cruz viết và đây là một quyển sách giúp cho người Tây phương hiểu rỏ thêm nhiều về một đế chế có tính chất bí ẩn ở miền Á Đông. Tên của quyển sách rất dài, viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, nếu tạm dịch để dễ hiểu thì tựa sách như sau : « Chuyên luận trong đó chúng tôi kể lại nhiều điểm kỳ dị của nước Trung Hoa, với những đặc điểm riêng, cũng như vương quốc Ormuz. Do thầy Gaspar da Cruz thuộc dòng Thánh Dominique tổng hợp viết ra. Dành riêng cho vị vua đầy quyền lực Sebastian, vị chúa của chúng ta ». (11)

Mặc dù đã có hai quyển sách ra đời trước đó viết về nước Trung Hoa, quyển sách của giáo sĩ Gaspar da Cruz được xem như là quyển chuyên luận đầu tiên cống hiến cho người Tây phương một số lượng khổng lồ kiến thức về đất nước rộng lớn nầy. Trong đó ông đề cập đến mọi mặt : Lý do ông du hành đến Vương Quốc Khmer và Trung Hoa, địa lý và con người nước Trung Hoa, các tiểu quốc chung quanh nước Trung Hoa, sự rộng lớn và sự phân chia vùng, tỉnh, thành phố cũng như cách sắp xếp các quan cai trị của nước nầy, sự xinh đẹp, trang trọng của các dinh thự, nhà ở của các quan chức, nền buôn bán, kinh tế, thức ăn, thực phẩm và thói quen ẩm thực của người Hoa, cho đến cách đào tạo giới quan chức, về nhà vua, về sự kiểm soát chặc chẻ thần dân trong nước, kể cả hệ thống tòa án, sự kết tội, tra khảo, hình phạt đánh bằng roi đòn bằng tre, cách xử trí về những tội phạm bị án tử hình, và dĩ nhiên là giáo sĩ cũng không quên ghi lại các ảnh hưởng về tinh thần, tôn giáo, sự thờ cúng, lý do mặc nhiên về các trở ngại không thể vượt qua được của sự truyền giáo Phúc Âm tại nước nầy…v…v…

Chương cuối của quyển sách Gaspar da Cruz viết về sự thành lập thành phố Ormuz trên đảo cùng tên do ông lấy nguồn từ một bản biên niên sử do một vị vua của vùng nầy có tên là Pachaturunxa (1346 – 1377) viết bằng tiếng Ả Rập và do Gaspar da Cruz dịch sang tiếng Bồ Đào Nha trong thời gian ông phục vụ trên đảo Ormuz khoảng 3 năm (1560 – 1563).

Một người Tây Ban Nha tên là André de Burgos thiết lập xưởng in sách của ông ở thành phố Évora (Bồ Đào Nha) từ khoảng năm 1554, sau khi biết đến quyển sách của giáo sĩ Gaspar da Cruz, đã quyết định in và xuất bản quyển sách nầy bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 1569 đến năm 1570 và hiến dâng sách cho vua Bồ Đào Nha Sébastien để quyển sách được sự ủng hộ và che chở của hoàng gia, từ đó sách được giới Tây phương biết đến.

Lúc đầu vì sách xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha và vào năm có dịch bệnh lan truyền nên chưa được phân phối rộng rải khắp Âu Châu. Phải đợi đến năm 1625, một nhà văn nước Anh tên Samuel Purchas, đưa vào bộ sách « Purchas his Pilgrimes » của ông phần lớn nội dung sách của Gaspar da Cruz trong tập có tên là « A Treatise of China and the adjoining regions », dịch sang tiếng Anh, góp phần phổ biến rất rộng rãi tác phẩm của Gaspar da Cruz. Từ đó có đến biết bao nhiêu tác giả và ngay cả các nhà nghiên cứu viết luận án ở các trường Đại Học Âu Châu đã không ngần ngại trích đăng nội dung sách của Gaspar da Cruz trong các tác phẩm của họ, nâng cao sự hiện diện của quyển sách của ông vào thế kỷ 16 trở đi. Ngoài ra các bản in gốc của năm 1570 bằng tiếng Bồ Đào Nha được chú ý đến rất nhiều và đã được lưu chuyển không những ở Âu Châu mà còn có mặt đến tận các nước ở Mỹ Châu.

Trong đa số các tác phẩm đã dịch thuật và đăng lại nội dung quyển sách của Gaspar da Cruz, có vài quyển rất đặc sắc và được dùng làm tài liệu chuẩn cho các nhà nghiên cứu hay dịch thuật hiện đại, ta có thể kể ra :

« South China in the Sixteen Century – being the Narratives of Galeote Pereira, Fr. Gaspar da Cruz, Fr. Martin de Rada » của tác giả nước Anh tên Charles Ralph Boxer, xuất bản tại Luân Đôn (Londre) năm 1953.

« Tratado das Cousa da China”, của tác giả Rui Manuel Loureiro, xuất bản tại Lisbonne (Bồ Đào Nha) năm 1997, 2010 và 2021.

« Merveilles de la Chine », đây là một quyển sách rất quan trọng vì tác giả là một nhà nghiên cứu về biên niên sử của những nhà du hành Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 và 17 ở Á Châu. Các tập du ký của các nhà du khách nầy là trọng tâm suy tư và chủ đề nhằm hiện đại hóa các phiên bản xưa vốn thường viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, được dịch giả chuyển sang tiếng Pháp mới mẻ giúp người đọc dễ hiểu và dễ nghiên cứu nội dung sách. Dịch giả là một nữ giáo sư tên Charlotte ORTIZ xuất thân từ trường Ecole Normale Supérieure Lyon, tiến sĩ ngành nghiên cứu về lãnh vực tiếng Tây Ban Nha và đồng thời cô cũng giảng dạy tại trường đại học Sorbonne Paris, nước Pháp. Quyển sách « Merveilles de la Chine » là bản dịch từ tiếng Bồ Đào Nha của quyển sách gốc của giáo sĩ Gaspa da Cruz sang tiếng Pháp và được xuất bản tại Paris, Éditions Chandeigne (Collection Magellane Poche), năm 2022.

Đây là một quyển sách mà mình đã chờ đợi từ rất lâu vì bản thân từ khi khám phá ra Gaspar da Cruz là người thừa sai đầu tiên đến nước Việt Nam ta qua ngả vùng sau nầy trở thành trấn Hà Tiên, mình đã để tâm nghiên cứu rất nhiều tư liệu, chính giới hạn về ngôn ngữ khi tìm hiểu qua bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha đã gây trở ngại lớn lao trong việc nầy, vì thế khi quyển sách được dịch từ tiếng Bồ Đào Nha qua phiên bản tiếng Pháp của Charlotte Ortiz vừa ra đời không lâu (2022), mình rất thích và chính quyển sách nầy đã giúp rất nhiều trong việc thảo ra bài viết hiện tại. Ngoài công việc dịch thuật nội dung chính xác tập du ký ở Vương Quốc Khmer và nước Trung Hoa với bao nỗi gian khổ của giáo sĩ Gaspar da Cruz, tác giả Charlotte Ortiz đã viết nhiều phần để giới thiệu nội dung quyển sách, tóm tắt các phần chính yếu, phân tích và nêu rỏ các điểm rất giá trị cũng như những phán đoán còn hơi chủ quan và mơ hồ của Gaspar da Cruz, thêm vào đó, phần tiểu sử rất chi tiết của Gaspar da Cruz sẽ giúp cho các tác giả hoặc các nhà nghiên cứu giáo sử ở Việt Nam sau nầy thống nhất và chỉnh đổi lại các niên biểu, nơi chốn trong cuộc đời của Gaspar da Cruz, vốn có rất nhiều sai lệch trong rất nhiều sách và tài liệu đã được phổ biến ra từ xưa đến nay (12).

E/ Chú thích :

(1) Đại Việt là danh hiệu của nước ta có từ đời nhà Lý tính từ năm 1054 đến năm 1400 và sau đó từ năm 1428 đến năm 1804. (từ năm 1400 đến năm 1407 nhà Hồ đổi tên nước là Đại Ngu, từ năm 1407 đến năm 1427 nước ta bị nhà Minh xâm chiếm và trở lại thành một tỉnh tên Giao Chỉ thuộc nhà Minh, đến khi vua Lê Lợi đánh thắng quân Minh năm 1428 và lập nhà Hậu Lê thì tên nước đổi lại là Đại Việt).

(2) Vào thế kỷ thứ 15, người Bồ Đào Nha nói riêng và người Tây phương nói chung vượt biển đến các nơi xa lạ chỉ để thực hiện hai mục đích, hai mục đích mà sử gia người Đức Felix Alfred Platter đã tóm gọn lại trong mấy chữ : « Hạt tiêu và các linh hồn ». (sách « Quand l’Europe cherchait l’Asie : Jésuites missionaires, 1541-1785 » của sử gia người Đức Felix Alfred Platter, nhà xuất bản Casterman, 1954.

(3) Lãnh thổ của trấn Hà Tiên dưới thời Mạc Thiên Tích vào năm 1757 rất rộng lớn bao gồm toàn bộ vùng đất hữu ngạn sông Hậu, kéo dài ra tới vịnh Thái Lan, rồi có cả một phần đất của Cambodge lên đến tỉnh Kampong Som với một phần của tỉnh Kampot, nói tóm tắt là từ vùng duyên hải Kampong Som xuống tới vùng mũi Cà Mau và qua vùng bờ biển phía đông trở lên tới Bạc Liêu, Cần Thơ, vì thế khi các sử gia cận đại viết giáo sử Việt Nam đã nói giáo sĩ Gaspar da Cruz tới vùng đất sau nầy trở thành trấn Hà Tiên và sẽ đi ngược lên nhánh sông Cửu Long để đến tận thủ đô của Vương Quốc Khmer thì không phải là không có căn cứ, tuy chỉ có điều nếu muốn xác định nơi ông đổ bộ lên bờ chính xác tại nơi nào thì không có tài liệu nào nói rỏ.

(4) Chaul, Goa, Cochin : các thành phố ở bờ Tây của lục địa Ấn Độ theo thứ tự từ Bắc xuống Nam. Thành phố Chaul ngày nay đã bị bỏ hoang, Goa vào thế kỷ 16 được xem như thủ đô của thuộc địa Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, Cochin còn được viết là Kochi là nguyên nhân của tên gọi Cochinchine để chỉ một phần hay toàn phần nước ta tùy theo các thời kỳ khác nhau, người Bồ Đào Nha đặt ra tên Cochinchine (Cochin gần Chine) để phân biệt với thành phố Cochin (Kochi) của Ấn Độ.

(5) Thành La Bích, Loech, Lovek, Longvek là thủ đô trong khoảng thời gian 1525 – 1603 của Vương Quốc Khmer thời hậu Angkor, vị trí ở khoảng giữa của điểm cực nam hồ Tonle Sap và thành phố Phnom Penh.

(6) Có nguồn cho rằng thời vua Ang Chan đệ nhất trị vì trong khoảng 1515 – 1566, lúc Gaspar da Cruz đến Vương Quốc Khmer, đại đa số người Khmer theo Phật giáo nhưng vua Ang Chan đệ nhất là người theo đạo Bà La Môn (Brhamane).

(7) Quảng Châu (Canton hay Guangzhou) là thủ phủ và thành phố đông dân nhất của tỉnh Quảng Đông (Guangdong) ở phía Nam của nước Trung Hoa.Về dân số Quảng Châu được xếp thứ ba sau thành phố Thượng Hải (Shanghai) và Bắc Kinh (Pékin) của Trung Hoa.

(8) Trong một chương viết về cư dân Hồi giáo ở Trung Hoa và các trở ngại của việc truyền Phúc Âm ở đây, Gaspar da Cruz có nói rỏ là chỉ có một cách duy nhất mà người Tây phương có thể rao giảng đức tin ở Trung Hoa là phải xin phép của nhà vua Trung Hoa, phải cử một phái đoàn ngoại giao nhân danh vua nước Bồ Đào Nha, cùng đi theo một cách trang trọng phải có một đoàn giáo sĩ và không có người nào được mang vũ khí để chứng mình với vua Trung Hoa là đức tin Thiên Chúa sẽ không có gì là hại cho đất nước và chánh quyền của nhà vua mà ngược lại nhờ có đức tin đó, thần dân sẽ vâng lời nhà vua và mọi người sẽ tôn trọng luật pháp của nhà vua. Tuy nhiên trong hoàn cảnh lúc đó, Gaspar da Cruz không thể thực hiện được giải pháp nầy nên ông đành phải rời khỏi nước Trung Hoa.

(9) Quyển sách của Marco Polo được biết đến với nhiều hình thức, nhiều ngôn ngữ khác nhau cũng như tựa đề : Le Livre de Marco Polo, Le Devisement du monde, Le Livre des merveilles, …v…v…Ban đầu viết bằng tiếng Ý (1298), sau đó được viết lại bằng tiếng Pháp (1307). Tuy tác giả là Marco Polo nhưng do ông kể lại cho một nhà văn viết chuyện hiệp sĩ tên là Rustichello da Pisa viết ra khi hai người cùng bị giam trong tù khi có chiến tranh giữa hai thành phố Venise và Gênes (cả hai đều là thành phố của nước Ý ngày nay)

(10) Bản viết tay quyển sách của Galiote Pereira sau đó được kể lại bằng tiếng Ý trong một tập sách gồm các báo cáo của các giáo sinh dòng Tên năm 1565, từ bản tiếng Ý đó có được một bản dịch ra tiếng Anh do một cựu giáo sinh dòng Tên người Anh Richard Willis in ra sách năm 1577 và được in lại nhiều lần.

(11) Quyển sách của Gaspar da Cruz về nước Trung Hoa là một một tổng hợp đáng chú ý về kiến ​​thức được lưu truyền trong khu vực Á Đông này trên thế giới, là bản chuyên luận đầu tiên hoàn toàn dành riêng cho nền văn minh Trung Quốc. Sách cung cấp cho người đọc hiện tại một bức ảnh chụp nhanh về quan điểm của người Âu Châu về các nền văn minh Á Châu vào thời điểm “Những khám phá vĩ đại” vào thế kỷ 15 và 16. Tựa sách trong bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha dịch qua tiếng Pháp như sau : « Traité où on narre de nombreuses singularités de la Chine, avec ses particularités, ainsi que du royaume d’Ormuz. Composé par le frère Gaspar da Cruz de l’ordre de saint Dominique. Dédié au très puissant Roi Sébastien, notre seigneur. »

(12) Trước đây khi bản dịch tiếng Pháp của quyển sách của Gaspar da Cruz chưa ra mắt (bản dịch tiếng Pháp xuất bản năm 2022), đại đa số thông tin về việc đến vùng đất thuộc Hà Tiên của giáo sĩ Gaspar da Cruz thường được ước lượng theo nhiều niên biểu khác nhau tùy theo nguồn sách và tác giả. Các tác giả xưa viết về giáo sử ở Việt nam thường lấy năm 1550 là năm giáo sĩ Bồ Đào Nha đến vùng Hà Tiên lúc đó còn thuộc Vương Quốc Khmer, thông tin nầy xuất phát từ quyển sách « l’Historia de las Misiones dominicanas en Tungkin » ( Lịch sử truyền giáo của dòng Đa Minh ở miền Bắc), viết bằng tiếng Tây ban Nha của giáo sĩ Marcos Gispert, xuất bản năm 1927-1928 ở thành phố Avila thuộc Tây ban Nha. Giáo sĩ Marcos Gispert người gốc Taragone thuộc Tây Ban Nha, ông vào tu viện Ocana năm 1880. Sau khi đến thủ đô Manille của Phi Luật Tân trong phái đoàn dòng Đa Minh, ông được cử đi truyền giáo ở miền Bắc Việt Nam năm 1888, ông ở lại miền Bắc nước Việt Nam hơn 35 năm, khi về Tây Ban Nha ông đã viết quyển sách nói trên, đó là quyển sách đã được các nhà viết giáo sử ở Việt Nam lấy làm tiêu chuẩn để đưa ra những thông tin trong sách của họ.

Nhà thám hiểm và sĩ quan Hải Quân Pháp Francis Garnier (1838 – 1873) cho rằng các giáo sĩ Đa Minh đến Vương Quốc Khmer vào năm 1553. Jean Moura (1827 – 1885) nhà thám hiểm, quản trị hành chánh và nhà nghiên cứu về Vương Quốc Khmer cho rằng Gaspar da Cruz đến Cambodge vào năm 1560.

F/ Sơ lược vài kiến thức bổ túc cho bài viết :

F1/ Thuật ngữ :

Hiện nay ta nên dùng từ ngữ nào để chỉ đạo thờ Đức Chúa Trời ?

Danh từ Kitô Giáo và Cơ Đốc Giáo bắt nguồn từ cách gọi tên và danh xưng mà con người thường gọi Chúa Jésus.

Jésus (sách xưa thường viết là Gia Tô hay Da Tô) là tên gọi có nguồn gốc trong tiếng Do Thái (Hebrew) và có nghĩa là « Đấng Cứu Rỗi » (Yehoshua).

Kitô là từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (Khristós), từ ngữ nầy cũng được dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp, từ gốc Đo Thái có nghĩa là « Đấng được xức dầu » và khi dịch qua tiếng Anh thì có nghĩa là « Đấng Cứu Thế », dần dần từ Kitô trở thành một thành phần trong tên của Chúa thành Jésus Christ.

Hai từ Jésus và Christ khi được chuyển thành tiếng Hán Việt thì trở thành Gia Tô và Cơ Đốc, cho nên đạo do Đức Jésus Christ lập ra và giảng dạy thì được gọi là đạo Gia Tô (từ ngữ xưa), hay Kitô Giáo, Cơ Đốc Giáo, các từ nầy tuy viết khác nhau nhưng chỉ có cùng một nghĩa (Christianisme, Christianity).

Trải qua nhiều thế kỷ, có nhiều bất đồng nên có phong trào « ly giáo » tức là các giáo hội tách rời nhau, ta có thể nói các nhánh chính của Cơ Đốc Giáo (Kitô Giáo) như sau :

1/ Công Giáo La Mã (Église catholique romaine, Roman Catholic Church)

2/ Chính Thống Giáo Đông phương (Église orthodoxe orientale, Eastern Orthodox Church)

3/ Tin Lành (Protestantisme, Protestantism)

Thuật ngữ Công Giáo bắt nguồn từ từ ngữ Hy Lạp (katholikos)  và có nghĩa là chung, phổ quát, giáo hội Công Giáo có nghĩa là giáo hội phổ quát và hoàn toàn do Đức Giáo Hoàng lãnh đạo, đặt trụ sở ở Vatican thuộc thủ đô Rome của nước Ý.

Vào thế kỷ thứ 17 các giáo sĩ thuộc Giáo Hoàng La Mã đến Trung Hoa truyền đạo thì các ngài dùng tên gọi đạo của Thiên Chúa (Dieu, God) nên người Trung Hoa dịch ra chữ Thiên Chúa giáo (thật ra lúc đầu là Thiên Chủ giáo). Vì lúc đó các vị đi truyền đạo thường là linh mục thuộc Dòng Tên tức trực thuộc Đức Giáo Hoàng Công giáo La Mã nên từ ngữ Thiên Chúa giáo nầy cũng đồng nghĩa với Công giáo.

Khi đạo Thiên Chúa được truyền tới Việt Nam thì các giáo sĩ cũng dùng từ Thiên Chúa Giáo để gọi đạo của Đức Chúa Trời. Vì thế ta thấy tất cả các sách vở viết về nguồn gốc đạo Công Giáo ở Việt Nam xuất bản từ xưa đến thời cận đại đều dùng từ Thiên Chúa Giáo, mãi đến đầu thế kỷ thứ 20 mới có từ Công Giáo xuất hiện. Hiện nay nếu một người Việt Nam theo đạo của Đức Chúa Trời thì theo lời các vị linh mục, nên xem như đó là một người Công Giáo.

Tóm lại các từ ngữ « Kitô Giáo », « Cơ Đốc Giáo » là những từ rất xa xưa trong lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, ngày nay không còn được dùng nữa. Từ « Thiên Chúa Giáo » được dùng để chỉ đạo Công Giáo » trong thời gian từ thế kỷ thứ 17 đến hết thế kỷ thứ 19. Hiện tại dùng từ « Công Giáo » để chỉ nhánh của đạo theo Giáo Hội La Mã là hợp thời nhất và cũng đúng theo ý của các vị linh mục và giáo dân.

F2/ Các tên gọi Nam Triều, Bắc Triều, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Hà, Bắc Hà:

Trong khoảng các thập niên từ năm 1527 đến năm 1802, lãnh thổ nước ta (vào thời đó có tên là Đại Việt) bị chia cắt liên tục khiến cho tên gọi những vùng có các vua chúa chiếm cứ có những tên gọi khác nhau như : Nam Triều, Bắc Triều, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Hà, Bắc Hà.

Theo lịch sử, nước ta có hai thời kỳ họ Lê làm vua : thời kỳ thứ nhất gọi là thời Tiền Lê (thời nhà Lê trước) bắt đầu từ năm 980 với vua Lê Đại Hành cho đến năm 1009 vua cuối là vua Lê Long Đĩnh. Thời kỳ thứ hai gọi là thời Hậu Lê (thời nhà Lê sau), thời kỳ nầy bắt đầu từ năm 1428 Lê Lợi đánh tan quân Minh của Trung Hoa và lên ngôi tức vua Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, lập thủ đô ở thành Thăng Long xưa (Hà Nội) lúc nầy được gọi là Đông Đô (sau đó đổi tên thành Đông Kinh, theo đó đến thế kỷ thứ 17 thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Tây phương gọi là Tunquin hay Tonkin để chỉ cả xứ miền Bắc) . Đến năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc (họ Mạc nầy hoàn toàn không có liên quan đến gia đình Mạc Cửu lập ra trấn Hà Tiên sau nầy), thời kỳ nầy còn gọi là thời Lê Sơ.

Đến năm 1533 đại thần nhà Lê là Nguyễn Kim phục hồi nhà Lê, lập vua Lê Trang Tôn, lấy thủ đô tạm ở Thanh Hóa còn được gọi là Tây Đô. Ngoài Bắc là lãnh thổ nhà Mạc được gọi là Bắc Triều, từ Thanh Hóa vào phía Nam tới vùng đất của Chiêm Thành là lãnh thổ của vua Lê với hai đại thần phò vua là Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, gọi là Nam Triều. Hai bên Nam Bắc Triều đánh nhau từ năm 1533 cho đến năm 1592, họ Mạc thua phải rút về Cao Bằng và còn cát cứ ở đó cho tới năm 1677 mới bị nhà Lê và họ Trịnh tiêu diệt hoàn toàn, chiến tranh Nam Bắc Triều chấm dứt.

Đồng thời trong thời kỳ nầy, năm 1558 Nguyễn Hoàng là con của Nguyễn Kim xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa và bắt đầu gầy dựng cơ ngơi của nhà Nguyễn. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn có mầm móng bắt đầu với cuộc chinh phạt của vua Lê và chúa Trịnh đối với họ Nguyễn (1627), khái niệm Bắc Hà và Nam Hà vẫn còn với sông Lam ở Nghệ An làm ranh giới hai bên.

Đến giai đoạn Trịnh Nguyễn thật sự đi vào chiến tranh (1627 – 1672), hai bên đánh nhau và kết cuộc đưa đến việc tạm đình chiến, lấy sông Gianh (Linh Giang) ở Quảng Bình làm ranh giới. Đến đây xuất hiện hai tên gọi Đàng Trong và Đàng Ngoài : Đàng Trong là lãnh thổ của Chúa Nguyễn, từ sông Gianh kéo dài qua các cuộc chinh phục đất đai Nam tiến, đỉnh cao là năm 1757, lãnh thổ mở rộng cho đến mũi Cà Mau. Đàng Ngoài từ sông Gianh trở lên phía Bắc thuộc vua Lê và Chúa Trịnh. Từ đây vì đã có nhiều sự tiếp xúc với người Tây phương, nhất là các giáo sĩ Công giáo nên dưới con mắt người nước ngoài, Đàng Trong được gọi tên là Cochinchine và Đàng Ngoài là Tonkin, họ cũng xem như là hai vương quốc khác nhau, mỗi bên đều có Chúa cai trị riêng mặc dù đều lấy danh hiệu phù Lê vì nhà Lê vẫn còn trên ngai vị ở ngoài Bắc.

Đến thời Tây Sơn bắt đầu khởi nghĩa và lần lượt xâm chiếm Đàng Trong của các Chúa Nguyễn, tính từ năm 1778 trở đi Đàng Trong bị chia cắt, cao điểm là từ năm 1785 Tây Sơn chiếm cả Đàng Trong, để phân biệt với lãnh thổ của Chúa Nguyễn trước đây, tên Đàng Trong được thay đổi là Nam Hà và Đàng Ngoài của vua Lê được gọi là Bắc Hà cũng với sông Gianh làm ranh giới và cũng là hai vương quốc riêng biệt.

Khi vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) mất, nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu, Nguyễn Ánh chống lại quân Tây Sơn và dần dà thắng cuộc chiến tranh nầy, đến năm 1802 trở thành vua Gia Long, bắt đầu một sự nghiệp của nhà Nguyễn kéo dài đến năm 1945 mới chấm dứt chế độ phong kiến. Kể từ năm 1802, nước nhà thống nhất nên không còn hai danh xưng Đàng Trong và Đàng Ngoài nữa (tuy nhiên trong các tập du ký truyền đạo và các thư từ liên lạc do các giáo sĩ viết đều vẫn dùng hai tên Cochinchine và Tonkin). Sau đời vua Gia Long, vua Minh Mạng có thực hiện nhiều cuộc cải cách về hành chánh nên sau năm 1832 nước ta mặc dù thống nhất nhưng trên mặt địa lý chia làm 3 vùng có tên là Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine).

F3/ Dòng tu Công Giáo :

Dòng tu là một tổ chức thuộc Công Giáo, chuyên lo việc truyền đạo, hoạt động giáo dục, y tế, xã hội và cả về văn hóa. Đó là một tổ chức quy tụ những tu sĩ sống theo những quy tắc đã được định ra tùy theo mỗi loại dòng tu. Nguyên tắc chung là các tu sĩ gia nhập dòng tu thì phải khấn nguyện giữ ba điều : đó là vâng lời, sống nghèo khó và sống khiết tịnh. Ba điều nguyện nầy được khấn phải giữ suốt đời hay phải giữ trong một thời gian rồi khi mãn hạn phải khấn nguyện tiếp tục lại. Sau đây là sơ lược một số dòng tu đã có ảnh hưởng rất to lớn trong việc tiếp xúc và truyền đạo ở Đàng Trong (miền Nam) và Đàng Ngoài (miền Bắc) của nước ta.

F3-a/ Dòng tu Phan Sinh

Dòng tu Phan Sinh (Ordre des Franciscains), từ xưa gọi là Dòng Anh Em hèn mọn (Ordre des Frères mineurs), là một dòng tu Công Giáo do thánh François d’Assise thành lập năm 1209  tại nước Ý.

Thánh François d’Assise tên thật là Giovani di Petro sinh khoảng năm 1181 hoặc 1182 tại Assise, nước Ý (Italie) và qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226 cũng tại Assise, nước Ý. Sau khi ông mất chưa được 2 năm, ông được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh.

Năm 1209 thánh François d’Assise lập ra một đoàn huynh đệ dựa trên sự nghèo khó và sự rao giảng, qua năm sau 1210 Đức Giáo Hoàng Innocent III phê duyệt và hội đoàn nầy trở thành Dòng tu Anh Em hèn mọn. Dòng tu đặt trưng bởi sự cầu nguyện, niềm vui, sự nghèo khó, sứ mạng truyền giáo và tình yêu đối với tạo hóa thiêng liêng.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Phan Sinh thường được viết thêm các chữ tắt : O.F.M (Ordre des Frères Mineurs ; Order of Friars Minor).

F3-b/ Dòng tu Đa Minh

Dòng tu Đa Minh (Ordre dominicain) là một hội dòng tu Công Giáo do thánh Dominique de Guzman thành lập năm 1216 tại Toulouse, nước Pháp.

Thánh Dominique de Guzman sinh khoảng năm 1170 tại Caleruega, vùng Castille, nước Tây Ban Nha (Espagne). Trong một cuộc hoạt động truyền giáo  ở Lombardie, khi trở về Bologne (nước Ý), ông bị kiệt sức và qua đời ở đó vào ngày 6 tháng 8 năm 1221. Ngày 3 tháng 7 năm 1234 ông được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh.

Dòng tu Đa Minh ban đầu có tên là Dòng Anh Em thuyết giảng (Ordre des Frères Prêcheurs hay Ordre des Prêcheurs), sau đó được gọi theo tên thông dụng là Dòng Đa Minh. Đến năm 1217, dòng có lập ở thủ đô Paris một tu viện ở đường Saint-Jacques nên còn có tên là Jacobins. Dòng tu Đa Minh tôn trọng kiến thức, ý tưởng và sự lý luận, cho rằng sự suy tư, chiêm nghiệm sẽ dẫn đến đức tin. Các tu sĩ Đa Minh chỉ có một điều khấn nguyện là vâng lời người đứng đầu dòng tu. Ngoài ra hai lời nguyện chủ yếu khác là sống nghèo khó và tịnh khiết cũng được tuân thủ theo một cách mặc nhiên. Tu sĩ dòng Đa Minh sống gia nhập vào xã hội chứ không ràng buộc hay tự cô lập trong các tu viện.

Chính vào thế kỷ thứ 16, một tu sĩ dòng tu Đa Minh đã đến trước nhất ở vùng CanCao (Hà Tiên sau nầy) và vùng lân cận thuộc nước Cambodge để truyền giáo.

Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ thứ 18, dòng tu Đa Minh bị giải thể khỏi nước Pháp năm 1790 và được lập lại năm 1839.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Đa Minh thường được viết thêm các chữ tắt : O.P (Ordre des Frères Prêcheurs ; Order of Preachers).

F3-c/ Dòng tu Thánh Augustin

Dòng tu Thánh Augustin còn có tên khác là Dòng tu các ẫn sĩ Thánh Augustin (Ermites de Saint Augustin) hay là Dòng tu Âu Tinh, là một dòng tu Công Giáo được thành lập năm 1243 ở La Mã (Rome) nước Ý và sau đó được mở rộng do một cuộc họp lớn để phát triển dòng tu nầy vào năm 1256 cũng tại La Mã, nước Ý.

Sở dĩ dòng tu có tên Thánh Augustin là vì quy luật của dòng nầy bắt nguồn từ một bức thư do Thánh Augustin viết ra nhằm mục đích thiết lập ra các quy tắc sống chung và hoạt động của các tu sĩ. Nhiều thế kỷ sau có rất nhiều dòng tu dựa theo bức thư nầy của Thánh Augustin để lập ra quy tắc của các dòng tu đó.

Augustin d’Hippone sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 (sau Công Nguyên) tai làng Thagaste, thuộc một tỉnh của chế độ La Mã ở Phi Châu, hiện nay nơi nầy có tên là Souk Ahras, nước Algérie. Ông là giáo viên dạy hùng biện ở Rome và Milan (nước Ý). Khi trở thành linh mục và giám mục ông thực hiện nhiều cuộc hành trình dài hạn để giảng đạo. Vào năm 430, ông ngã bệnh và qua đời ngày 28 tháng 8 tại thành phố Hippone thuộc một  tỉnh của chế độ La Mã, nay là Annaba, nước Algérie.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Âu Tinh thường được viết thêm các chữ tắt : O.S.A (Ordre de Saint Augustin ; Order of Saint Augustine).

F3-d/ Dòng tu Chúa Jésus

Dòng tu Chúa Jésus là một dòng tu Công Giáo do thánh Ignace de Loyola và một số bạn hữu (thánh François Xavier, thánh Pierre Favre,…)  thành lập năm 1539 tại Rome, nước Ý và được Đức Giáo Hoàng  Paul III chấp thuận năm 1540. Ban đầu là một giáo đoàn dành cho nam giáo sĩ, có tên chính là Compagnie de Jésus hay Society of Jesus.

Thánh Ignace de Loyola tên thật là Inigo Lopez de Loyola sinh năm 1491 tại Loiola thuộc vùng đất xứ Basque, nước Tây Ban Nha (Espagne), ông mất năm 1556 ở Rome nước Ý (Italie). Ignace de Loyola được phong thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.

Ban đầu dòng có tên là dòng Đức Chúa Jésus, dần dà theo sự phát triển truyền giáo ở Việt Nam trong thế kỷ thứ 19, người Công giáo Việt Nam gọi là Dòng Tên, có sự giải nghĩa là do tôn trọng Đức Chúa nên không gọi thẳng tên Chúa Jésus. Ngoài sứ mạng truyền giáo, dòng Tên còn hoạt động về giáo dục, nghiên cứu và thăng tiến văn hóa. Vào thế kỷ thứ 17 các thừa sai dòng Tên đầu tiên đã đến nước Việt Nam, nhất là ở Đàng Trong để hoạt động truyền giáo. Một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất thời đó là giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người đã góp phần cùng các giáo sĩ Bồ Đào Nha (Portugal) sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ của nước ta.

Vì có nhiều biến cố chánh trị của các triều đình các nước Âu Châu có liên quan đến dòng Tên, năm 1773 Đức Giáo Hoàng Clément XIV dưới áp lực của các nền quân chủ Pháp, Tây Ban Nha, Ý…bắt buộc phải giải tán dòng Tên. Đến năm 1814 dòng Tên được Đức Giáo Hoàng Pie VII thiết lập trở lại.

Tên của những vị linh mục thuộc dòng tu Đức Chúa Jésus thường được viết thêm các chữ tắt : S.J (Society of Jesus).

F3-e/ Hội thừa sai hải ngoại Ba Lê

Hội thừa sai hải ngoại Ba Lê (Missions étrangères de Paris), một số sách báo còn dùng tên Dòng Sai để chỉ hội nầy, ban đầu không phải là một tổ chức theo cách thức một dòng tu Công Giáo mà là một hiệp hội các tông đồ Công giáo có trụ sở tại Paris với mục đích là công việc truyền giáo ở các quốc gia không theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt là ở Châu Á. Hội thừa sai Ba Lê được thành lập vào năm 1663 tại Paris, nước Pháp (France), bắt nguồn từ những vận động của giáo sĩ Alexandre de Rhodes ngay từ năm 1653.

Mục đích của Hội thừa sai Ba Lê lúc đầu theo ý của giáo sĩ Alexandre de Rhodes là xin giáo hội Công Giáo La Mã thiết lập trường đào tạo linh mục và giám mục để từ đó đưa đi vào các nước Châu Á thoát khỏi ảnh hưởng và quyền hạn của chánh quyền và giáo quyền Bồ Đào Nha. Các giáo sĩ có ảnh hưởng quan trọng trong bước đầu của hội gồm : Alexandre de Rhodes, Pierre Lambert de La Motte, François Pallu, Ignace Cotolendi, François Montmorency-Laval. Đến thập niên đầu của thế kỷ 20, Hội thừa sai Ba Lê mới chánh thức trở thành một tổ chức đúng nghĩa là một dòng tu của Thiên Chúa Giáo.

Alexandre de Rhodes sinh năm 1591 tại Avignon, nước Pháp (France) và mất năm 1660 tại Ispahan, thành phố thuộc nước Ba Tư (Perse, nay là Iran). Ông là một linh mục dòng Tên, hoạt động truyền giáo ở Viêt Nam và cũng là nhà ngôn ngữ học, thông thạo rất nhiều thứ tiếng. Chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã phiên âm tiếng nói của tiếng Việt thành kiểu chữ viết theo mẫu tự La Tinh, sau đó đã trở thành chữ quốc ngữ Việt Nam. Ông cũng viết ra quyển tự điển đầu tiên Việt-Bồ Đào Nha-La Tinh do Thánh Bộ Truyền Giáo các Dân Tộc xuất bản tại La Mã (Rome) năm 1651.

Một giáo sĩ khác có ảnh hưởng ít nhiều đối với việc thiết lập nhà Nguyễn ở Việt Nam và là hội viên của Hội thừa sai hải ngoại Ba Lê là giáo sĩ Pigneau de Béhaine. Ông được cử đến chủng viện ở Hòn Đất thuộc trấn Hà Tiên năm 1767 và vì nhiều biến cố chánh trị, chiến tranh, đã có dịp tiếp xúc với tổng trấn Mạc Thiên Tích và cả với Chúa Nguyễn Phúc Ánh, từ đó ông theo giúp đở Nguyễn Ánh trong công cuộc phục hồi nhà Nguyễn.

Tên của những vị linh mục thuộc Hội thừa sai Ba Lê  thường được viết thêm các chữ tắt : M.E.P (Missions Étrangères de Paris) .

Paris, Patrice Trần Văn Mãnh, bắt đầu viết ngày 26 tháng 7 năm 2023 và viết xong ngày chúa nhật 10 tháng 12 năm 2023.

Đài kỷ niệm 450 năm ngày thành lập nhà thờ Công Giáo ở Campuchia, được tính kể từ việc truyền giáo của giáo sĩ Gaspar da Cruz tại nước nầy.

Trang bìa của quyển sách bằng tiếng Bồ Đào Nha của Gaspar da Cruz.

Bản đồ hàng hải chỉ một số thành phố người Bồ Đào Nha đi tới trong thế kỷ 15/16

Bản đồ chỉ vị trí miền duyên hải vào thế kỷ 16 nơi Gaspar da Cruz vào Vương Quốc Khmer

Bản đồ chỉ lãnh thổ trấn Hà Tiên (1757) hơn 200 sau khi Gaspar da Cruz đến vùng đất nầy (1555).

Giáo sư, tiến sĩ Charlotte Ortiz hiện đang giảng dạy ở viện đại học Sorbonne nước Pháp, là dịch giả đã chuyển quyển sách tiếng Bồ Đào Nha của giáo sĩ Gaspar da Cruz (1570) sang tiếng Pháp giúp độc giả hiểu rỏ một cách chính xác hơn về cuộc đời và các cuộc du hành của giáo sĩ ở vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 16.

Trang bìa quyển sách do Charlotte Ortiz dịch sang tiếng Pháp (2022) quyển sách viết bằng tiếng Bồ Đào Nha (1570) của Gaspar da Cruz

Mời các bạn xem một vidéo do dịch giả Charlotte ORTIZ giới thiệu quyển sách « Merveilles de la Chine », bản dịch ra tiếng Pháp quyển sách xưa của giáo sĩ Gaspar da CRuz xuất bản năm 1570.
Charlotte Ortiz, traductrice des « Merveilles de la Chine » de Gaspar da Cruz, nous parle de ce traité, paru pour la première fois en 1570. Écrit par un frère dominicain de retour de voyage en Orient, ce livre nous renseigne sur le regard porté par les Européens de l’époque sur la civilisation chinoise, entre surprise, émerveillement et condamnation.

Ngày đẹp nhất của năm 2023 (Thầy Lê Văn Trợ)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thời gian một năm hay ngay cả một cuộc đời, có những ngày ta cho là ngày đẹp nhất, ngày đáng ghi nhớ nhất hay ngày không bao giờ quên được… Những ngày đó có thể (hay phải nói là chắc chắn) là ngày đám cưới của ta, ngày ta sinh ra, ngày ta gặp một người nào đó, …v…v…Mọi kết luận chắc phụ thuộc vào nhân vật, hoàn cảnh, và sự kiện…Như vậy đối với một người theo nghiệp phấn trắng bảng đen, một người thầy giáo, những ngày đẹp nhất chắc phải là những ngày các em học trò đến nhà thầy cô thăm viếng, còn là một ngày phải nói là đẹp hơn hết cả nếu cuộc thăm viếng đó xảy ra sau bao nhiêu chục năm thầy trò xa cách, không gặp mặt nhau vì dòng đời khiến mỗi người có một hướng đi riêng…Người thầy thì có thể vẫn còn cầm viên phấn trắng mặc dù đôi mắt thầy bắt đầu hơi mờ theo thời gian, hay đã xếp lại giáo án về quê nhà hay một nơi nào đó nghỉ ngơi sau một cuộc đời dài cống hiến cho ngành giáo dục, người học trò thì đã thành người đúng nghĩa do sự giáo hóa của trường học và nay đã ra đời sống thi thố tài năng, phục vụ xã hội,…Cuộc hội ngộ lúc đó lại càng có nhiều ý nghĩa và chắc phải khiến cho cả thầy lẫn trò đều xúc động….Như vậy không phải là cường điệu hóa khi thầy Lê Văn Trợ dùng cái tựa của một bài viết như câu « Ngày đẹp nhất của năm 2023″…

Ngày đã nói trên trong năm 2023 là ngày nào…, có thể là ta cho không quan trọng lắm ngày tháng chính xác theo kiểu ghi trong giấy tờ, ta chỉ cần biết là đó là một ngày đã xảy ra trong năm 2023, một ngày mà có rất nhiều học sinh cũ của ngôi trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên đã từ Kiên Lương lên Sài Gòn tìm đến nhà thầy Lê Văn Trợ để thăm thầy, càng có ý nghĩa hơn là trong nhóm học trò thăm thầy, có những em đã hơn 40 năm qua chưa gặp lại thầy…!

Thầy Lê Văn Trợ bắt đầu dạy môn Sử Địa trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên vào những năm đầu của thập niên 80 (1980), theo các nhận xét của học trò Hà Tiên vào thời đó, thầy Lê Văn Trợ có một thói quen là thức dậy rất đúng giờ và tập thể dục không bỏ ngày nào. Sau một thời gian vài năm, thầy Lê Văn Trợ rời Hà Tiên về Sài Gòn để tiếp tục tu nghiệp theo môn Anh Văn tại trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, sau đó thầy Lê Văn Trợ làm giảng viên môn Anh văn tại Sài Gòn. Hiện nay thầy đã về nghỉ hưu tại Sài Gòn, vì thế các em học sinh ngày xưa có dịp đến thăm thầy như đã nói ở trên. Bài viết mang tên « Ngày đẹp nhất của năm 2023 » do thầy Lê Văn Trợ cảm xúc viết ra sau cuộc thăm viếng của các em học sinh ngày xưa, xin mời thầy cô và các bạn hãy thưởng thức lời thuật lại của thầy Trợ cuộc gặp gở đó nhé. Paris, ngày 11/11/2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu.

NGÀY ĐẸP NHẤT CỦA NĂM 2023 (Thầy Lê Văn Trợ)

« Khi Thầy viết bảng bụi phấn bay bay.
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.
Có hạt bụi nào rơi trên tóc Thầy.
Em yêu phút giây nầy… » (1)

Ngày đầu đặt chân đến Hà Tiên, khi tiếp xúc với người địa phương chính gốc, chúng tôi có ngay một ấn tượng đẹp: Ngài Mạc Cửu, người khai sáng đất Hà Tiên, đã giáo hóa cư dân ở đây theo tinh thần Nho Giáo, NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN. Về sau, khi tìm hiểu về Tao đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích, chúng tôi biết rằng, ngoài việc xướng họa thơ ca, Chiêu Anh Các còn là nơi thờ các vị thánh hiền như Đức Khổng Tử.

Kiên Lương là một thị trấn cách Hà Tiên 30 km trên đường Hà Tiên – Rạch Giá. Đa phần người dân Kiên Lương là dân nhập cư về sống và làm việc cho nhà máy xi măng Vincem Hà Tiên. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy không phải là người Hà Tiên chính gốc, nhưng cách đối nhân xử thế của họ, khiến người thứ ba không phân biệt được đâu là Hà Tiên, đâu là Kiên Lương.

Tháng 10 – 2023 vừa qua, một lớp học sinh cũ của trường Phổ Thông Trung Học Hà Tiên tổ chức họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày rời trường. Các em có mời, nhưng do điều kiện, tôi không thể về được. Sáng thứ tư 01- 11- 2023, một số học sinh cũ PTTT Hà Tiên đi chuyến xe đêm từ Kiên Lương lên Sài Gòn để thăm tôi. Tất cả các em đều là người Kiên Lương.

10g30 các em đến nhà. Trong số các em, có Ngọc Ngân do sống ở hải ngoại, nên 40 năm, nay mới gặp lại. Sau một vài tách trà cùng ôn lại chuyện xưa, các em mời tôi đi dùng bữa trưa tại một nhà hàng. Vì biết Nha Trang là quê hương thứ hai của tôi, nên các em đưa tôi đến một nhà hàng thức ăn biển dân dã trên đường Trần Quốc Thảo, Q 3. Ngày còn ở quê, món ăn làm từ hến là rất bình thường, nhưng kể từ ngày xa quê đến nay, 60 năm, đây là lần đầu tiên, tôi gặp lại món hến, nên sáng hôm đó, tôi rất nhiệt tình với món này. Ngoài ra, những món khác như cá bống kho, lẩu, canh chua, v.v… cũng rất hầp dẫn.

Trước covid 19, do lịch làm việc, mỗi ngày, chúng tôi thường rời nhà sau 8g sáng, đến khoảng 12g trưa về lại nhà, chiều đi tiếp từ lúc 2g và về đến nhà có bữa là 10g đêm, một số bữa là 11g. Lúc đó, gần như tối nào cũng vậy, trừ chúa nhật, tôi thường đi ngủ lúc 12g khuya. Để chống stress, tôi tích cực thể dục mỗi sáng sớm, đôi khi, tôi tìm một chút thư thả trong các quán cafe sân vườn. Chỉ quanh quẩn trong khu dân cư nơi tôi ở, nên tôi luôn có một ấn tượng Gò Vấp là nơi có nhiều café sân vườn đẹp nhất Sàl Gòn. Thực ra, có « đi một ngày đàng mới học một sàng khôn. » Sau cơm trưa, chúng tôi đến một quán cafe sân vườn trên đường Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận. Không gian nền của quán là một hồ cá với đa dạng các loài cá đẹp. Tất cả các lối đi đều trên mặt nước. Chỗ ngồi của khách nằm trong lòng hồ, cá lội tung tăng chung quanh. Bàn cafe hình tròn và chỗ ngồi cũng là một hình tròn vòng quanh bàn. Một không gian nhân tạo nhưng đẹp tự nhiên và nó đã đem đến cho thầy trò chúng tôi một buổi chiều cuối thu bình yên và thanh thản. Chúng tôi xem ngày nầy là ngày đẹp nhất, đáng yêu và đáng nhớ nhất của năm 2023. Đẹp, trước hết và chủ yếu, là vì tấm lòng.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Sài Gòn có những ngày trời mưa tầm tã, đôi khi cả sáng lẫn chiều, nhưng hôm đó, nắng rất đẹp. Thiên nhiên đẹp và con người hài hòa với thiên nhiên. Đáng yêu, vì từ nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên, tôi mới có dịp bước vô một nhà hàng, được thưởng thức những món ăn vừa quen vừa lạ lại vừa ngon.

Trong các loại hình lao động, công việc của người đứng trên bục giảng là khó đánh giá nhất, vì nó có những kết quả rất gần, nhưng cũng có những kết quả rất xa đến nhiều năm sau khi học sinh rời trường, thành quả mới được công nhận. Đó là chưa kể những kết quả trừu tượng, chỉ có lương tâm của người làm công tác giáo dục mới biết. Cứ mỗi lần gặp lại, các em học sinh cũ trường Hà Tiên luôn làm tôi nhớ đến ý tưởng của một học giả phương Tây, « Nếu bạn không làm được một ngôi sao giữa vòm trời cao rộng thì bạn hãy làm một ngọn đèn trong nhà vậy », các em học sinh cũ trường Hà Tiên mà tôi gặp lại đểu là những ngọn đèn. Các em lên thăm chúng tôi đây, có em hiện đang sống và làm việc tại Úc, nay trở về thăm quê Kiên Lương, có em là đồng nghiệp chúng tôi, có em làm việc cho Vincem Hà Tiên, có em là bác sĩ giám đốc bệnh viện, v.v… Chúng tôi thích những ngọn đèn có thực hơn là những ánh hào quang loé lên rồi vụt tắt. « Con hơn cha là nhà có phúc. » Chúng tôi chỉ mong có vậy. Chính các em là những người đã làm sống lại trong tôi quãng thời gian sống và làm việc tại Kiên Lương – Hà Tiên. Tuy không dài, 5 năm học, nhưng tôi xem đây là quãng đời có ý nghĩa nhất và đẹp nhất trong sự nghiệp của một người đưa đò. Năm tôi ra trường, 1979, lúc này trường PTTH Hà Tiên đang sơ tán vể Kiên Lương do chiến tranh biên giới năm 1979.

Những ngày sơ tán Kiên Lương
Ngôi trường mái lá bên đường có nhau.

Hai năm học sau, năm học 1981- 82, trường dời về lại Hà Tiên. Hà Tiên hay Kiên Lương, thời kinh tế bao cấp, ở đâu cũng vất vả, thiếu thốn trăm bề, nhất là địa phương là vùng thiếu nước ngọt kinh niên. Nhưng cái nghèo, cái khổ cũng có mặt tích cực của nó. Trong gian khổ, con người dễ cảm thông và dễ gần gũi nhau hơn. Đến đây, bẩt chợt, tôi nhớ lại một chuyện nhỏ. Hà Tiên là một vùng đất già truyền thống văn học nghệ thuật tại đồng bằng sông Cửu Long. Tết âm lịch năm 1983, ban Văn hóa thông tin huyện Hà Tiên lên kế hoạch ra một đặc san mừng xuân. Người phụ trách tờ đặc san mời tôi viết bài cộng tác. Tôi cảm thấy lúng túng. Chỗ quen biết, từ chối rất khó, mà nhận lời lại càng khó hơn. Hồi đó, mỗi tối, trước giờ đi ngủ, tôi thường đi bộ chậm rãi qua lại trên hành lang trước phòng nội trú giáo viên. Trong khi đi như vậy, tôi nghĩ ra được mấy câu thơ, góp thành một bài và gởi đăng. Chủ thể bài thơ là một cô giáo trẻ mới ra trường.

Em mang mùa xuân vào lớp học
Mang cả trái tim chan chứa tình người…
Màu phấn trắng như lòng em trong trắng
Màu bảng xanh như tà áo em xanh
Trên bục giảng em ươm mầm hy vọng
Hoa sẽ đơm bông quả sẽ ngọt lành…
Cuộc sống mới còn gian nan vất vả
Nhưng em ơi ta quyết chí bền lòng
Bên đàn em cùng giáo án bảng xanh
Viên phấn trắng là lẽ đời ta đó.

Sau khi bài thơ được đăng lên tờ báo nói trên, trong một bữa tiệc nhỏ, ngồi cạnh tôi là Bùi Thế Hưng, nhân viên ban giáo dục Hà Tiên. Hưng tỏ ý muốn phổ nhạc bài thơ. Phổ nhạc xong, Hưng đưa tặng tôi một bản. Tôi chỉ biết đến đó. Phần còn lại, tôi viết theo lời kể của Hưng. Sau đó, Hưng đem bản nhạc đi dự Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Kiên Giang, dường như theo tôi nhớ, cũng vào dịp Tết năm đó, và chiếm giải nhất sáng tạo tự biên tự diễn. Tôi giữ mãi bản nhạc nầy như một kỷ niệm không bao giờ quên với trường Trung học Phổ thông Hà Tiên.

Cuộc hội ngộ của Thầy xưa Trò cũ chúng tôi thật viên mãn, thật vui và cảm động. Chúng tôi chia tay nhau khi trời chiều vừa xế bóng.

« Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài ». (2)

Tác giả : Lê Văn Trợ, nguyên giáo viên trường Phổ Thông Trung Học cấp 3 Hà Tiên trong những năm 80.

Chú thích:

(1) Thơ của Lê Văn Lộc, được Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài « Bụi phấn ».
(2) Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ Trung Học Hà Tiên Xưa giữa thầy Lê Văn Trợ và các em học sinh ngày xưa: trái qua phải: Lê Ngọc Ngân, Hồ Thanh Tuyền, Lê Li Fa, thầy Lê Văn Trợ, Hàng Phụng Linh, Nguyễn Thị Bích Thủy. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ Trung Học Hà Tiên Xưa sau hơn 40 năm giữa thầy Lê Văn Trợ và học sinh Lê Ngọc Ngân. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Sài Gòn, ngày 1/11/2023: Hội ngộ giữa thầy trò Trung Học Hà Tiên Xưa. (Nguồn: Lê Ngọc Ngân)

Tái bút: Trân trọng cảm ơn thầy Lê Văn Trợ đã vui lòng cho đăng bài viết của thầy, không quên cảm ơn Lê Ngọc Ngân đã cung cấp hình ảnh quý và cảm ơn Trương Minh Quang Nguyên đã giới thiệu bài viết của thầy Lê Văn Trợ và cám ơn tất cả các em học sinh có mặt trong các hình trên. (TVM)

Học trò Trung Học Hà Tiên xưa từ Việt Nam và Mỹ đến thăm cô giáo (cô Ngô Thị Tuyết Dung)

Trung Học Hà Tiên xưa: Những cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm qua

Thầy cô và các bạn thân mến, ngày xưa khi thầy cô hay bạn bè chia tay nhau, mỗi người một ngả tìm phương định hướng tùy theo hoàn cảnh mỗi người, muốn liên lạc lại với nhau cũng hơi khó khăn…Ngày xưa chỉ có phương tiện viết thư cho nhau, trong thư ta cho biết tin tức, có khi kèm theo một vài tấm ảnh trên giấy trắng thật sự…Phương tiện liên lạc ít ỏi như vậy nhưng ta vẫn còn được biết tin nhau…Rồi thời gian trôi qua với biết bao biến cố, vì chiến tranh, vì di tản, vì những cuộc đi tìm một chân trời mới để sinh sống, chúng ta hoàn toàn mất tin nhau, có khi hơn cả vài chục năm không ai biết tin của ai…Những người còn ở lại Hà Tiên thì vẫn tiếp tục mưu sinh, đó là những con người rất thân yêu và rất đáng kính trọng…thầy cô, bạn bè còn đó tuy không còn lui tới mái trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa nữa, nhưng thầy cô và các bạn đó vẫn là những con người rất can đảm, ngày đêm gắn bó với mảnh đất thân yêu Hà Tiên, xin mượn bài viết nầy để nêu lên tấm lòng ngưởng mộ, kính phục thầy cô và các bạn còn mãi mãi với đất Hà Tiên đó…Một số thầy cô và các bạn khác, hoặc là dời đi sinh sống ở các thành phố, tỉnh thành khác nhưng vẫn còn ở trong nước, một số lại lần lượt ra đi, phần lớn để đoàn tụ gia đình đã lập nghiệp ở các nước ngoài: Mỹ, Canada, Pháp, Úc,…Bây giờ tuy đã xa nhau thật sự hàng ngàn dặm nhưng khoa học và những phương tiện truyền thông hiện đại lại đưa chúng ta đến gần, trong một khoảnh khắc chúng ta có thể trao nhau một vài câu viết, cho nhau xem những tấm ảnh kỷ niệm xưa nay,..Thật là may mắn và huyền diệu thay…Mình thuộc vào thế hệ học sinh trung học Hà Tiên vào những năm 1960-1970…cũng như nhiều bạn khác cùng lứa, đã rời trường từ hơn 40 năm nay, phần lớn là để tiếp tục quá trình học vấn, hoặc đi làm việc, có bạn đi nhập ngủ vì con đường học vấn tạm dừng lại,..cũng có bạn lại không may mắn đã ra đi vĩnh viễn, vì một cơn bệnh ngặt nghèo hay càng không may hơn vì một biến cố giữa biển khơi, đành phơi mình trong lòng biển cả…Chúng ta là những người còn ở lại thế gian nầy, tuy xa cách qua không gian, nhưng may mắn được gần gủi nhau qua những trang Face Book, qua những bài viết nhắc nhau kỷ niệm xưa trên Blog,…Vậy chúng ta hãy xem lại hình ảnh của những cuộc hội ngộ nầy dù sau hơn 40 năm trôi qua, tình thầy cô trò, tình bạn vẫn không phai nhạt, diễn tả được trên nét mặt, nụ cười trong những hình ảnh sau đây…..(còn nhiều cuộc hội ngộ khác hình ảnh và tin tức vẫn còn nhiều thiếu sót xin thầy cô và các bạn giúp bổ sung thêm nhé).

Trong những ngày trước, chính xác là ngày 22/tháng năm/2023, mình có dịp đọc được một bài viết của cô Ngô Thị Tuyết Dung (tác giả bài viết « Những ngày xóa dốt ở ấp Trần Thệ » đã được đăng trên Blog nầy trong mục « Chuyện vui buồn ngày xưa » ngày 08/tháng năm/2020). Cô Tuyết Dung là một trong những vị giáo sư đã giảng dạy môn Văn ở trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 70-80, cô đã thông tin cho cộng đồng bạn trên trang face book cá nhân về cuộc viếng thăm của các em học trò trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa, các em đã từ quê hương Việt Nam xa xôi, từ các thành phố ở nước Mỹ, cùng hẹn nhau một ngày thứ bảy 20 tháng 5, 2023 đến thành phố Houston, tiểu bang Texas để gặp lại cô giáo thân yêu ngày xưa…, đó là những em đã theo học các lớp 8A, 8P với cô giáo Ngô Thị Tuyết Dung…. Trong số các em, đặc biệt có em Trương Thị Uyên My, con gái đầu lòng của thầy cô Trương Minh Đạt, Nguyễn Phước Thị Liên, đã từ ngay ở Việt Nam đến nước Mỹ để thăm cô Dung. Mời thầy cô và các bạn đọc lại bài viết sau đây của cô Ngô Thị Tuyết Dung kể lại câu chuyện học trò đến thăm cô giáo nhé. (Paris, ngày thứ sáu, 30 tháng sáu, năm 2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Học trò Trung Học Hà Tiên xưa từ Việt Nam và Mỹ đến thăm cô giáo (cô Ngô Thị Tuyết Dung)

Một ngày tháng tư, em Uyên My từ Việt Nam gửi tin hỏi thăm và cho biết sẽ cùng các bạn đến thăm cô giáo cũ vào cuối tháng năm. Các em từ các nơi: Việt Nam, OHIO, ARLINGTON, AUSTIN, GALVESTON đã không ngại đường sá xa xôi và công việc làm ăn.. , hẹn cùng đến thăm cô vào trưa thứ bảy 20 tháng năm vừa qua.

Thật không còn gì cảm động hơn tình nghĩa cô trò chỉ vài năm gắn bó tại mái trường Trung Học Hà Tiên xưa mà nay, dù đã hơn bốn chục năm vật đổi sao dời, vẫn không hề quên lãng. Thuở đó cô mới tốt nghiệp ra trường đi về miền cùng trời cuối đất nhận nhiệm sở trong một buổi giao thời đầy hoang mang vô định. Cô được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trong chế độ cũ nhưng lại phải truyền đạt kiến thức theo hệ tư tưởng mới nên cũng lóng ngóng ngượng ngùng! Nhưng các em vẫn hồn nhiên đón nhận bằng tình cảm chân chất cởi mở của người dân xứ Hà, một xứ sở giao thoa giữa các nền văn hóa lịch sử và tâm linh.

Buổi hội ngộ rôm rả kỷ niệm về các bài luận tranh tài giữa em giỏi văn viết không cần nháp và em xuất bút tràng giang đại hải quên cả lối về, kèm theo những lời pha trò dí dỏm khiến cuộc vui chẳng muốn dừng! Chuyện xưa tưởng như mới hôm qua thoắt nay tuổi đời các em cũng đã trải từng, tóc đã điểm sương, dâu hiền rể thảo có đủ … Rất tiếc rể quý chủ nhà và con gái cô vắng mặt nên buổi tiếp đãi đơn sơ và thời gian có giới hạn. Cám ơn tất cả các em đã có lòng nghĩ nhớ đến cô giáo năm xưa mà nhóm lên buổi gặp nghĩa tình. Mong là các em Thảo, Lài, My, Liêm, Nguyên, Đạt, Đắc Dũng, và nhất là em Hùng Thành (đã quy tụ cả gia đình thầy Đức, cô Bích đến nhà họp mặt, cùng cả các bạn Huỳnh Dũng, Huệ Anh,  Nghĩa, Đáo ..nói chuyện qua zoom trên laptop.. ) tiếp tục cuộc vui họp mặt,  thăm thú đó đây trước khi các em lên đường trở về với cuộc sống nơi ở thường ngày!

Thượng lộ bình an nhé các em !

Cô Ngô Thị Tuyết Dung (5/22/2023)

Trái sang phải: Đặng Hùng Thành, Hoàng Thanh Liêm, Trần Đắc Dũng, Trương Thị Uyên My, cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trương Thanh Nguyên, Lại Kim Lài, Trần Hiếu Thảo. Hình: NTTD

Trong dịp họp mặt cô trò Hà Tiên xưa, cô Ngô Thị Tuyết Dung cũng đã có dịp hội ngộ bạn đồng nghiệp xưa ở trường Kiên Lương: Hàng phía trước trái qua phải: Hoàng Thanh Liêm, cô giáo Bích dạy ở Kiên Lương ngày xưa, cô Ngô Thị Tuyết Dung, thầy Đức. Hàng sau: trái qua phải: Trương Thị Uyên My, Trương Thanh Nguyên, Đặng Hùng Thành, Phạm Huy Đạt. Hình: NTTD

Trái qua phải: Cô Ngô Thị Tuyết Dung, học trò lớp 8P Hà Tiên: Trương Thị Uyên My, Trương Thanh Nguyên, Hoàng Thanh Liêm, học trò lớp 8A: Đặng Hùng Thành. Hình: NTTD

Trái sang phải: Trương Thị Uyên My (học sinh lớp 8P), cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trương Thanh Nguyên (học sinh lớp 8P), Lại Kim Lài (vợ của em Trần Hiếu Thảo, học sinh Hà Tiên). Hình: NTTD

Hình trái: Cô Ngô Thị Tuyết Dung (trái), cô Bích, bạn đồng nghiệp xưa dạy trường Kiên Lương (phải). Hình phải: Cô Ngô Thị Tuyết Dung (trái) và học trò giỏi văn lớp 8P Trung Học Hà Tiên Xưa: Trương Thị Uyên My (phải). Hình: NTTD

Hình trái: Trái sáng phải: Phạm Huy Đạt, cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trương Thanh Nguyên. Hình phải: Cô Ngô Thị Tuyết Dung, Trần Đắc Dũng. Hình: NTTD

Cô Ngô Thị Tuyết Dung với hai em Lại Kim Lài và Trần Hiếu Thảo. Hình: NTTD

Quang cảnh cuộc vui hội ngộ Trung Học Hà Tiên sau hơn 40 năm qua. Hình: NTTD

 

 

 

Một sư cô nơi biên địa (Cô Nguyễn Phước Thị Liên)

Thầy cô và các bạn thân mến, nói đến địa danh mang tên Giang Thành, không thể nào không nhắc đến thời Mạc Thiên Tích với những chiến công dẹp giặc loạn cứu nguy trấn Hà Tiên. Giang Thành là nơi biên ải, không xa lắm trung tâm Hà Tiên để đêm đêm người dân và quan lính trấn Hà Tiên còn có thể nghe được tiếng trống canh đêm vọng về, rồi tuy là một đại tướng quân từng cầm gươm lệnh xông pha nơi chiến trường, lòng Mạc Thiên Tích không khỏi rung động để viết lên những vần thơ  xuất phát từ cảm hứng khi nghe tiếng trống đêm, để lại cho hậu thế những bài thơ còn mãi được chúng ta chiêm nghiệm…

Tướng quân Doãn Uẩn, người từng cầm quân vâng lệnh vua Thiệu Trị, cùng với các quan võ cùng thời, năm 1845, đã hành quân chiếm lại được tỉnh Hà Tiên sau cuộc chiến xâm lăng phá hoại của quân Xiêm. Có lần ông nghỉ lại qua đêm ở trấn thự của người xưa Mạc Thiên Tích…(nơi từng là địa điểm của ngôi nhà Chiêu Anh Các một thời vang bóng và ngay nay chính là nơi có ngôi chùa Phù Dung được cất lại trên nền nhà xưa). Trong một tác phẩm của ông, Doãn Uẩn đã viết: « Mùa thu năm ngoái (tức năm 1845), ta vâng kiếm lệnh của nhà vua đi dẹp giặc cỏ ở nơi sơn cùng thủy tận, nhân đó có dịp đến Hà Tiên, cảnh còn đó mà người xưa đâu tá…Ta đang trầm ngâm đọc Trống đêm ở Giang Thành (tức Giang Thành dạ cổ) của Mạc Tướng Công, trong thơ phòng của chính người xưa. Cũng chính bấy giờ – từ đồn canh Giang Thành, trống quân báo giặc tới, bỗng thúc lên từng hồi… vội tiếc rẽ, gài thơ hay vào bao gươm lệnh, rồi cùng tướng sĩ lên mình ngựa, xông pha vào chốn lằn tên mũi đạn, mà dẹp tan bọn giặc cỏ…Tiệc rược khao quân cử ngay trước trận tiền, ngay bên gò đống xác giặc…sực nhớ ta cười ha hả rút bài thơ trong bao gươm lệnh ra, sang sảng nói: « Thức nhắm đây »…rồi sang sảng mà đọc bài « Trống đêm ở Giang Thành » của Mạc Tướng Công (1)…

Ngày nay, đất Giang Thành, chốn biên ải vẫn còn đó mà người xưa như Mạc Tướng Công, Doẵn Uẩn, quan quân lính trận đâu cả rồi,…ngay cả tiếng trống lệnh báo giặc hay báo việc canh gát ban đêm cũng đã lặng im…Nếu ta còn đứng ở một nơi nào đó trên đất Giang Thành, chắc hẳn lòng cũng rất ngậm ngùi và bâng khuâng tiếc nuối một thời đại mà ta không thể sống qua…Tuy nhiên lòng cũng hân hoan được sống trong một cảnh thanh bình… Giang Thành không còn đồn canh báo trống lệnh như xưa nhưng lại có một ngôi chùa như chứng nhân cho thời xưa còn lại, chùa được lập ra từ thời vua Minh Mạng, nhưng với thời gian đã hư mòn, mụt nát… May mắn thay cơ duyên cũng sắp đặt để có một sư cô đến trụ trì, chỉnh trang lại ngôi chùa, đem lại tiếng kinh kệ hằng đêm thay thế tiếng trống quân…

Rồi lại có một tín nữ có lòng mộ đạo, từ Hà Tiên tìm đến ngôi chùa, tham quan và hầu chuyện cùng với sư cô…Mời thầy cô và các bạn đọc bài ký đi thăm chùa Giang Thành sau đây để biết được các hoạt động ở ngôi chùa nầy, bài viết của cô Nguyễn Phước Thị Liên, cây bút rất quen thuộc của văn đàn Hà Tiên. (Paris, ngày thứ bảy, 24 tháng 6 năm 2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

(1): Trích theo sách « 250 năm Tao Đàn Chiêu Anh Các », tr 78-79, bài viết của Hà Văn Thùy và sách « Nghiên cứu Hà Tiên », tr 240-241, của Trương Minh Đạt

Một sư cô nơi biên địa (Cô Nguyễn Phước Thị Liên)

Vào thời Mạc Cửu khai phá đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn phong tặng: “Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công”. Lúc bấy giờ ở Giang Thành được Mạc Cửu cho xây bờ lũy và đồn canh để ngày đêm canh phòng nghiêm nhặt, ngăn ngừa giặc xâm lăng. “Giang Thành dạ cổ” là một trong mười bài “Hà Tiên thập vịnh” tuyệt tác của Mạc Thiên Tích, con trai Mạc Cửu. Bài thơ nói về tiếng trống cầm canh nơi đồn thú bên bờ sông vọng về trong đêm:

“Trống quân Giang thú nổi uy phong,
Nghiêm gióng đồn canh ỏi núi sông,
Đánh phá mặt gian người biết tiếng,
                    Vang truyền lịnh sấm chúng nghiêng lòng …”(*)

Đến thời Minh Mạng (1820-1841) nhân dân tại đây có lập một ngôi chùa gọi là chùa Giang Thành để dân làng có nơi chiêm bái Phật tổ, nương tựa phần tâm linh. Chùa được vua ban sắc thừa nhận.

Toàn cảnh Giang Thành ngày nay bờ lũy không còn, đồn canh chỉ là dấu gạch rêu phong, ngôi chùa một thời mục nát vô chủ, đến khi gây dựng lại thì không ai trụ giữ được hơn ba tháng. Cho đến lúc có một sư cô đến trụ trì. Đó là Sư cô Thích Nữ Huyền Thanh, tu học tại thiền viện Linh Chiếu. Sư cô được Giáo hội bổ nhiệm về tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang. Tại đây sư cô được thầy mình là Ni sư Thích Nữ Như Hải, Phó ban trị sự Phật giáo Kiên Giang, trụ trì chùa Sắc tứ Tam Bảo – Hà Tiên, giới thiệu về chùa Giang Thành tu thân, phục vụ đạo pháp.

Tôi được nghe, trong khi đào đất, chùa Giang Thành phát hiện một tượng Phật bằng gỗ quý, cao chừng bảy tấc, có đường nét chạm khắc rất đẹp. Hôm ấy tôi đến thăm chùa, xe ôm bỏ tôi ở chổ ngã ba rẽ vô xã. Tôi cuốc bộ hỏi thăm từng chặng đường vô chùa. Ai cũng bảo: “Đó… đó. Ở đằng đó, đi ngã này”. Phải qua hàng loạt mấy đám cỏ lát, cỏ năn với ruộng lúa và qua ba bốn bận “đi ngã này”, tôi mới thấy mái chùa, mà cứ tưởng mái nhà ai lờ mờ thấp bé bên một cái cây thật cao. Chùa chẵng là sừng sững hay oai nghi như tôi thường thấy.

Tôi vô cổng, qua sân. Một con chó ùa ra sủa. Sư cô trong chùa bước ra. Tôi vái chào. Sư cô có dáng người hơi cao, nhanh nhẹn, đặc biệt tiếng nói to, miệng cười tươi tắn hồn nhiên. Sư cô tiếp tôi chân tình cởi mở, dường như lâu quá mới thấy người kẻ chợ vô thăm. Tôi dòm quanh không thấy ai ngoài sư cô đang lăng xăng kéo ghế pha trà. Tôi xin phép lên lạy Phật. Chuông đổ. Tiếng ngân khẽ chạm vào hư không, lững trôi giữa bốn bề đồng không mông quạnh. Lòng tôi bỗng dưng buồn một cách lạ lùng.

Tôi ngắm nhìn tượng Phật gỗ rồi đi quanh chùa. Chỉ cần vài bước chân là tôi đã đi cùng khắp rồi. Tôi than: “Chùa nghèo quá”. Hai chúng tôi bật cười. Một mối dây thân thiện không biết từ đâu vây lấy. Cứ thế, sư cô và tôi đi ra sân trước sân sau nhà chùa. Tôi khen chùa có cái cây to, quí quá, cho bóng mát suốt ngày, rồi hỏi:

– Thưa sư cô, ở đây hầu hết là người Khơ-me, họ có thường vào chùa lạy Phật?
– Mô Phật, cũng thường lắm. Nhưng lúc này vắng hẳn là do trên cây đó có cái tổ ong vò vẽ thật lớn. Hễ chùa lên đèn là chúng rủ nhau bay vào.
– Vậy làm sao, cô? Tôi lại hỏi.
– Mô Phật, có nhiều Phật tử đưa ý kiến nếu tôi đồng ý, họ sẽ phá. Nhưng nhà chùa vốn không sát sanh hại vật, chỉ biết đêm đêm tắt đèn tụng niệm, cầu Phật gia hộ, xin các đấng Chư Thiên hiển linh, dẫn đàn ong đi chỗ khác.
– Được không, sư cô?
– Mô Phật, nhờ cầu xin mà được. Sư cô cười đáp.
Tôi lại than:
– Chùa vắng vẻ quá, quanh đây chỉ thấy ruộng cỏ, không thấy nhà. Ban đêm cô ở một mình như vậy sao?
– Mô Phật, chùa ở đây vẫn vậy. Đến ngày rằm, mồng một hay ngày vía, ngày lễ, các Phật tử đến làm công quả, thường ở lại ngủ đêm.

Ra về mà nhớ câu ai hát “Một cõi biên thùy một cõi thơ”, tôi lại bùi ngùi nghĩ về người nữ tu và ngôi chùa nhỏ khép mình bên lằn ranh biên giới được gọi là vùng sâu, vùng xa…

***

Tháng 6 năm 2009, tôi có duyên được theo các sư và các Phật tử Hà Tiên ra Phú Quốc dự lễ cầu siêu tịnh độ các vị anh hùng liệt sĩ. Bất ngờ tôi gặp lại “người xưa” là sư cô chùa Giang Thành. Vô tình, ban tổ chức sắp xếp tôi ở kế phòng sư cô trong một khách sạn. Sư cô không nhớ tôi, tôi nhớ sư cô qua vóc dáng và cái cười tươi ấy. Tôi nói:

– Thưa sư cô, tôi nhớ hồi đó bên chùa sư có cái tổ ong… Nghe thế sư cô vụt mừng, cười càng tươi hơn. Thế là tối ấy tôi tranh thủ gặp Sư cô.
– Thưa sư cô, tôi vừa được biết và cũng rất bất ngờ, ngoài cương vị trụ trì chùa, lại là chùa nghèo vùng biên giới, sư cô còn là một nhà từ thiện tầm cỡ của Kiên Giang. Có lần sư cô được lên ti-vi, nhận bằng khen, được chính quyền và nhân dân kính mến. Xin sư cô có thể cho biết điều gì khiến sư cô làm được vậy?
– Mô Phật, ngày mới về chùa, tôi là một nữ tu xa lạ, lạ nước lạ cái. Hằng ngày tôi thấy cảnh nghèo đói của người dân nơi đây, họ làm lụng suốt ngày mà vẫn không có cái ăn. Việc trồng trọt cũng không thể vì đất đai khô cằn lại nhiễm phèn mặn. Đã thế, họ sanh đẻ nhiều, nhà ai cũng một cảnh con cái nheo nhóc, không được đến trường, lớn một chút chúng phải đi nhổ cỏ, bắt ốc, hái rau tìm kế sanh nhai. Tôi đau đớn tận mắt thấy cảnh người chết phải bó chiếu đem chôn… Tôi suy nghĩ kẻ tu hành ngày nay không chỉ lo việc riêng cho chùa và tu tập cho mình mà còn phải biết lo cho đời, theo lời dạy: “Đạo pháp và dân tộc”, “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”. Tôi nhớ ngày đó tôi gặp cô Kim Tư, Chủ tịch Hội Phụ nữ năm xã biên giới. Tôi xin cô Tư giúp tôi, trên danh nghĩa chùa Giang Thành kết hợp với Hội Phụ nữ làm từ thiện. Vì dù sao tiếng nói của Hội là sức mạnh đối với nhân dân và chính quyền. Được cô Tư chấp thuận, tôi mừng lắm, bắt tay làm ngay.

Tôi liền hỏi:
– Thưa sư cô, người ta thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Vậy cái “đầu tiên khó” của sư cô là gì?
– Tôi nói điều này cho vui. Người ta cũng nói cái khó khăn đầu tiên là tiền đâu, nhưng với tôi, chuyện đó không đáng ngại. Cái ngại nhất là lòng tin, niềm tin. Không ai tin người tu hành, kẻ thường ngày chỉ biết gõ mõ tụng linh với quét lá đa mà nay nói chuyện ra xã hội làm việc từ thiện, có tầm cở. Với họ, nhà chùa làm từ thiện là đi ủy lạo, phát gạo, phát quà, trong các dịp lễ hay trong mùa lụt bão. Không ai tin tôi, họ sợ tôi đánh trống bỏ dùi. Cái khó thứ hai là dân trí ở đây thấp, khó sửa đổi cách suy nghĩ và lề thói làm ăn xưa cũ, không có ý thức tự mình cởi trói; cái khó nữa, ở đây chưa có đường giao thông, việc đi lại, vận chuyển còn trắc trở. Và sau khi nhà chùa làm ra sản phẩm, chúng tôi gặp ngay một cái khó không ngờ đến, đó là va chạm với người thương lái mua đi bán lại.
– Thưa sư cô, có khó khăn mà có thuận lợi không ạ?
– Có chứ – sư cô đáp rất tự tin – tôi luôn gặp thuận duyên. Cô thử nghĩ xem, trong khi tôi chưa có hộ khẩu ở chùa mà tôi đã là ủy viên hội đồng nhân dân hai cấp, cấp xã, cấp huyện. Bởi vậy mỗi tiếng nói của tôi đề bạt lên chính quyền là tiếng nói của người dân, lẽ nào chính quyền không lắng nghe, giải quyết. Một thuận lợi nữa là trong việc làm từ thiện, tôi không cực khổ bỏ công sức đi vận động bà con cô bác hay xin ai khác mà tự họ đem tiền đến cho tôi. Ví dụ vào từng đỉnh điểm trong năm như mùa lũ, mùa khai giảng, mùa hạn ở các xã đảo, tôi thường lưu ý mời người quen, người thân ở trong và ngoài nước về tại nơi để thấy tận mắt, tiếp cận cảnh nghèo khổ thiếu thốn của người dân. Thế là họ gửi tiền về rồi miệng truyền miệng, khắp nơi kẻ ít người nhiều, rủ nhau quyên góp…
– Thưa, xin cô cho biết cụ thể một vài “kế hoạch dài lâu”, cô vừa nói.
– À, đó là kế hoạch thành lập tổ đan đệm, khung dệt chiếu.Tổ đan đệm gồm những chị em nghèo để họ có tiền trên từng sản phẩm họ làm ra. Ở đây có loại cỏ bàng mọc hoang nhiều lắm, người dân chỉ cần vô đồng nhổ về đập giập, phơi khô thành từng sợi dẹp, dùng đan giỏ, nón và chiếu. Nhà chùa và cô Kim Tư đã thực hiện được 300 khung dệt, xóa nghèo 300 hộ ở ba xã Phú Mỹ, Phú Lợi, Tân Khánh Hòa (mỗi xã nhận 100 khung). Ở chùa có 4 tổ đan đệm. Chùa thường mua sẵn cỏ bàng dự trữ vào mùa mưa để chị em có việc làm suốt năm không gián đoạn. Đối với các hộ nghèo là người dân tộc, nhà chùa giúp tiền mặt. Với tổ trưởng tổ đan đệm thì hội Phụ Nữ giúp vốn. Chúng tôi có chủ trương không bán sản phẩm cho lái thương vì họ thường ép giá, cũng không chở đến các nơi khác vì phí tổn vận chuyển quá cao. Chúng tôi bán trực tiếp cho công ty có nhu cầu tiêu thụ. Nhờ vậy được giá, chị em có thu nhập vừa ý. Mỗi sản phẩm, ai làm ra, khi bán được, phải đóng 1.000đ tiền tiết kiệm cho mình, phòng khi hữu sự, cần tiêu xài.

Tôi hỏi:
– Thưa sư cô, cách làm ăn có hiệu quả như thế, chắc sư cô được chính quyền tin cậy và nâng đỡ.
– Mô Phật, không giấu gì cô, chính các ông chính quyền xác nhận nhà chùa chúng tôi làm rất tốt công tác xóa đói giảm nghèo, có khi nhà nước phải học tập. Năm xã biên giới của huyện Giang Thành nằm trong chương trình 135 của Chính phủ và cũng là vùng di dân lập nghiệp của tỉnh nên việc chúng tôi làm có hiệu quả, chính quyền rất khen, hết lòng giúp đỡ, tạo nhiều thuận duyên, để tôi đủ tư cách pháp nhân hoạt động từ thiện. Bởi vậy tôi mạnh dạn đứng ra vận động các chư Tôn Đức Tăng Ni, các nhà hảo tâm, các Phật tử gần xa. Kết quả : Hội Khuyến học được ủng hộ trên 400 triệu đồng, dùng cấp học bổng cho 20 học sinh nghèo hiếu học, với định xuất hàng tháng 200.000đ và 40 em với định xuất hàng tháng 50.000đ, trong vòng ba năm nay. Quỹ sẽ cấp dài lâu nếu em nào muốn lên đại học. Nhờ vậy số học sinh bỏ học nửa chừng giảm thấy rõ. Sư cô nói thêm: Chùa cũng đã cấp 70 xe đạp, giúp các em nghèo có phương tiện đến trường.

+ Khoan 200 giếng nước sạch ở các điểm trường và trạm xá.
+ Vận động đóng góp vào các chủ trương xóa đói giảm nghèo trên 2,4 tỷ đồng dùng để:
* Xây cầu bê tông, xóa cầu khỉ trên các kênh rạch.
* Làm đường bê tông nông thôn.
* Cấp trên 200 chiếc xuồng vào mùa lũ (từ năm 2000 đến nay).
* Cấp 50 xe lăn cho người tàn tật.
* Mua 10 máy may, một máy vắt sổ. Dạy may cho các chị em tại chùa. Sau đó giới thiệu họ có việc làm.
* Thực hiện dự án nước ngọt ở xã đảo Sơn Hải, trị giá 150 triệu đồng.

Sau khi tôi cùng ban dự án công trình đi nghiệm thu, tôi có kế hoạch giúp dân mua đồng hồ nước, mỗi cái giá trị 500 ngàn đồng. Hộ nào không có khả năng mua thì chùa hỗ trợ toàn phần. Chỉ cần mỗi ngày họ bỏ ống tiết kiệm 2.000đ thì trong 8 tháng, dân trả hết vốn cho nhà chùa.

* Giúp người nghèo chăn nuôi bò để hưởng lợi bò con.
* Cấp gần 200 nhà tình thương, mỗi căn trị giá 15 triệu đồng. Khám và cấp thuốc miễn phí…
* Cho 200 quan tài giúp người nghèo khi qua đời.
* Cứu trợ trên 4.000 phần lương thực và các hoạt động từ thiện xã hội khác. Đặc biệt, các đối tượng trong diện xóa đói giảm nghèo thường là các đối tượng chính sách, có hộ khẩu thường trú. Riêng nhà chùa, việc xét chọn có thoáng hơn. Nếu thấy hộ nào thật sự nghèo, sống tốt là giải quyết ngay. Như thế cùng lúc nhà nước và nhà chùa song hành thực hiện, cho nên số lượng xóa nghèo được tăng lên gấp đôi. Dân nghèo rất phấn khởi.

Tôi thật sự choáng ngợp trước các công trình từ thiện của sư cô. Tôi tò mò hỏi thêm:
– Thưa, xin sư cô cho biết việc chăn nuôi bò để hưởng lợi bò con là sao?

Sư cô đáp ngay:
– Nhà chùa không cấp bò cho dân mà chỉ cho mượn bò mẹ, chừng nào bò mẹ đẻ bò con, con biết tự kiếm ăn thì người nuôi trả bò mẹ cho nhà chùa. Nhà chùa cho người khác mượn. Cứ thế lần hồi ai cũng được mượn, ai cũng có bò con, vui vẻ hưởng lợi, có điều ai nuôi tốt thì mau có bò con. Hiện thời nhà chùa có hơn 100 con bò mẹ dùng trong mục đích xóa nghèo cho 5 xã biên giới. Giúp dân nuôi bò kiểu này có hiệu quả lắm, vốn của chùa còn hoài.

Tôi lại hỏi:
– Số bò mẹ già thì sao, thưa sư cô?

Sư cô hiểu ý tôi, cười tế nhị:
– Việc đó do hội Phụ Nữ đem bò già đổi lấy bò con, theo thỏa thuận đôi bên.
– Thưa sư cô, hiện giờ trong công tác từ thiện, sư cô có điều chi trăn trở?
– Qua việc làm của tôi, dân đặt niềm tin ở nhà chùa. Tôi ước ao nhà nước tạo điều kiện cho nhà chùa có mặt bằng thoáng rộng để chùa mở lớp dạy may. Hiện nhà chùa có sẵn máy. Tôi dự trù mỗi khóa học là 3 tháng. Học xong, học viên phải qua cuộc thi tốt nghiệp, do tỉnh hoặc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Có bằng tốt nghiệp, học viên dễ kiếm việc làm. Nhà chùa cũng cần máy vi tính để mở lớp dạy vi tính. Các em ở vùng sâu cần sử dụng thành thạo máy vi tính để các em đi học ở tỉnh thành không bỡ ngỡ trước máy. Tôi còn có dự án nhân giống trồng cỏ bàng trên diện tích rộng. Chừng đó sẽ có máy cắt, đập, sấy, đáp ứng nhu cầu dệt chiếu đẹp, bền, có hoa văn sắc sảo cộng thêm dự án cải tạo đất, lên líp, trồng bạch đàn, mua cây con về trồng, 5-6 năm sau thu hoạch. Nếu nhà nước cho nhà chùa mượn đất trong vòng ba mươi năm, năm mươi năm, chúng tôi sẽ tiến hành dự án.

Mới đây, chùa lên kế hoạch kết hợp với các bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh về đây khám bệnh, mổ mắt cho 4.000 ca ở các xã biên giới, trong đó giúp nước bạn Campuchia ở huyện Ton Hon 2.000 ca. Vào tháng 10 năm 2009 này.
– Xin cảm ơn sư cô.

Ở “một cõi biên thùy”, ngày nay lại có sư cô Huyền Thanh, trụ trì chùa Giang Thành làm nên “một cõi thơ” trong sứ mạng dâng trọn đời mình, lo tô điểm cuộc sống bao con người bằng cái tâm Từ bi Thanh tịnh, không mưu cầu lợi ích riêng cho chùa mình dù chùa còn nhiều thiếu thốn ◼

Chú thích:

(*): Trích trong tập “Văn hóa Hà Tiên” của Đông Hồ, trang 204 – 205. NXB Văn Nghệ, năm 1996.

                                                         Nguyễn Phước Thị Liên

Ngôi chùa mang tên Giang Thành Tự ở huyện Giang Thành, thuộc tỉnh Kiên Giang. Hình: Agneset Francois, 2017

Các Phật tử ở Giang Thành đến chùa Giang Thành tụng niệm. (Hình: cô NPTL)

Sư cô Huyền Thanh kiểm tra sản phẩm trước khi cho ra thị trường. (Hình: cô NPTL)

Hoạt động dệt chiếu ở chùa Giang Thành. (Hình: cô NPTL)

Tổ may và đan đang làm việc ở chùa Giang Thành. (Hình: cô NPTL)

Các sản phẩm được chế ra tại chùa Giang Thành Tự: giỏ, nón, chiếu,….. (Hình: cô NPTL)

Sư cô Huyền Thanh cùng tác giả bài viết nghiệm thu công trình xây dựng bồn chứa nước ngọt tại một xã đảo. (Hình: cô NPTL)

Vị trí huyện Giang Thành so với Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá.

Từ bản đồ Hà Tiên năm 1869, viết lại lịch sử chùa Tam Bảo (Thầy Trương Minh Đạt)

Thầy cô và các bạn thân mến, chúng ta thường nghe nói câu « Hà Tiên đất Phật người hiền… », ở đây ta để ý đến nhóm từ « đất Phật », quả thật vậy, Hà Tiên của chúng ta có rất nhiều chùa chiền, đó là chưa nói đến các ngôi miếu, điện, đình, các ngôi chùa thờ Thần…v…v…Nổi tiếng và có chiều sâu lịch sử nhất trong số các ngôi chùa thờ Phật ở Hà Tiên, hẳn nhiên là chùa Tam Bảo hay nói theo tên chữ là Sắc Tứ Tam Bảo Tự. Nếu là người sinh ra và lớn lên ở Hà Tiên, ai cũng biết đến ngôi chùa Tam Bảo nầy, thậm chí còn có rất nhiều anh chị, bạn học đã từng tham dự các sinh hoạt tu tập, hội họp cùng với gia đình Phật Tử và cũng từng được quý thầy, quý sư, đặt cho các Pháp danh…Như vậy rõ là chùa Tam Bảo ở Hà Tiên rất là quan trọng và có một chỗ đứng nhất định trong lãnh vực văn hóa, xã hội ở Hà Tiên…Tuy nhiên có mấy ai trong chúng ta hiểu rõ nguồn gốc, lịch sử và các giai đoạn thăng trầm của ngôi chùa nầy…!! Chắc chắn là ở thế hệ học trò của những thập niên 60 – 70 như đa số các bạn trong chúng ta thì vấn đề lịch sử chùa Tam Bảo chỉ là một vấn đề rất mơ hồ và hoàn toàn ngoài tầm hiểu biết của nhóm học trò chúng ta…Ngày nay, thế hệ nầy đã trưởng thành và đã đi vào « bậc lão » của cư dân Hà Tiên, một số đã rời xa Hà Tiên đi lập thân ở các đất nước xa xôi, số bạn bè khác vẫn còn trung thành với vùng đất ông cha Hà Tiên, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tìm hiểu sâu đậm hơn về quê hương của chúng ta, phải tìm tòi, phải tham khảo qua sách vở, qua các lời kể của quý bậc tiền bối, lão thành, quý thầy cô đi trước, để có thể biết rõ phần nào về lịch sử của đất đai Hà Tiên, qua đó chúng ta mới có thể hướng dẫn, nói chuyện và giải thích cho đàn em, con cháu đi sau, tiếp tục hiểu rõ về quê hương và nhất là tránh được các nhận định sai lầm, các định kiến hay các ý kiến có tính chất định hướng và lệch lạc. May mắn thay, nếu ngày xưa, sách viết về lịch sử Hà Tiên thường rất hiếm, không có tính chất lôi cuốn người đọc để tìm tòi, tham khảo, thì ngày nay, chúng ta đã có rất nhiều nguồn sách về đề tài nầy, những quyển sách được viết với một tinh thần nghiên cứu khoa học, khách quan và có dẫn chứng trong các lý luận…Như vậy chúng ta không thể tự bào chữa là không biết rõ về nguồn gốc quê hương của chúng ta vì thiếu tài liệu, mình muốn giới thiệu đến thầy cô và các bạn những bài viết của thầy Trương Minh Đạt, học giả nghiên cứu về Hà Tiên, những công trình của thầy được lần lượt cho ra mất trong nhiều năm gần đây, với rất nhiều đề tài liên quan đến lịch sử Hà Tiên, được xếp loại như là các tác phẩm khảo luận, đính chính, tư liệu…

Một trong các đề tài khảo luận, đính chính mà tác giả Trương Minh Đạt đã nhấn mạnh nhiều lần và cũng không ngần ngại đi ngược lại với nhiều ý kiến thành hình lâu đời, đó là nói về nguồn gốc chùa Tam Bảo ở Hà Tiên, với một câu hỏi: « Mạc Thiên Tích, vị Đô Đốc tướng quân nổi tiếng nhất của trấn Hà Tiên có từng được nuôi dưởng và lớn lên ở bên cạnh chùa Tam Bảo, ngôi chùa mà cha của ông là Mạc Cửu đã cất lên phía sau trấn thự để cho mẹ của Mạc Cửu từ Trung Hoa sang và ở lại Hà Tiên để tu hành và từ đó hàng ngày Mạc Thiên Tích nghe tiếng chuông chùa và cảm hứng đề bài thơ « Tiêu Tự hiểu chung » ? ». Câu hỏi nầy nếu được trả lời, chắc hẳn phải đòi hỏi các lý luận, minh chứng, dẫn chứng và cũng phải cần sự can đảm của người trả lời câu hỏi…Đó là điều mà thầy Trương Minh Đạt đã làm và ngày hôm nay, thầy có nhã ý góp phần vào việc trình bày, giải thích để chúng ta có được tư liệu hầu mở rộng thêm phần nào sự hiểu biết về Hà Tiên vốn vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », mình xin trân trọng cám ơn tác giả bài viết, thầy Trương Minh Đạt và cố gắng phần nào, giúp cho sự hiểu biết về lịch sử quê hương Hà Tiên nói chung, lịch sử chùa Tam Bảo nói riêng được đưa đến với quý độc giả, xin dùng câu kết bài của thầy để thay lời kết ở đây « Nói lên điều đúng để chánh pháp chùa Tam Bảo Hà Tiên được toàn mỹ ». (Paris, ngày 24/05/2023, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu).

Từ bản đồ Hà Tiên năm 1869, viết lại lịch sử chùa Tam Bảo

(Thầy Trương Minh Đạt)

A/ Lịch sử chùa Tam Bảo Hà Tiên qua từng thời kỳ biến loạn.

Sử liệu xưa cho biết chùa Tam Bảo Hà Tiên đã trải qua nhiều giai đoạn do chiến tranh tàn phá bởi quân Xiêm La. Và chùa cũng được cất lại nhiều lần. Để biết rõ, chúng ta hãy đối chiếu lịch sử chùa với lịch sử dòng họ Mạc, có liên quan.

Sau đây chúng tôi mạn phép gọi từng giai đoạn sụp đổ, xây dựng chùa bằng chữ C. (C là chữ viết tắt của chùa). Ta có C1, C2, C3, C4, C5

Giai đoạn C1. Sau năm 1708, trấn thự của Mạc Cửu được hình thành. Ở trấn thự ông có xây một ngôi chùa cho mẹ tu. Nhưng năm 1718, Hà Tiên bị giặc Xiêm đốt phá cùng với 200 tấn ngà voi, (1) Trấn thự và chùa C1 tiêu tan sau 10 năm tồn tại..

Giai đoạn C2. Mạc Cửu chạy lánh nạn ở Lũng Kỳ. Bà Mạc Cửu đang có thai, đêm mồng 7 tháng 3 năm Mậu Tuất (1718) bà sanh Mạc Tông – tức Thiên Tứ hay Thiên Tích.  Năm sau, tức 1719,  ông bà phải rời bỏ Lũng Kỳ trở về Hà Tiên. Nhưng trấn thự không được cất lại.  Ngày nay còn để lại vết tích chứng tỏ nơi đây không được tái thiết, không còn là chỗ ở của gia đình Mạc Cửu nữa. Như vậy Mạc Thiên Tích không được nuôi dưỡng và trưởng thành trong khu phế tích trấn thự của cha mình. Tuổi trẻ của ông diễn ra ở một nơi khác. Vậy thì bài thơ Tiêu Tự làm sao được ông sáng tác nơi đây ?

Từ năm 1719 đến 1771 là 52 năm. Chùa được lập lại nhưng không phải do họ Mạc xây cất mà do người dân Hà Tiên vốn tin vào Phật pháp, vả thấy nơi đây còn cái tháp của Hòa Thượng Phật Hội Ấn Trừng và mộ của mẹ Mạc Cửu. Chùa làm bằng cây lá để thờ Phật.  Chúng ta nói dân lập lại chùa C2, vì suốt thời kỳ 1719 -1771, lịch sử họ Mạc không có đề cập việc cất lại chùa C2. Chùa C2 tồn tại khoảng trên dưới 50 năm vì chùa lại bị quân Xiêm đốt phá lần nữa, vào năm 1771. Chính Trịnh Tân, vua nước Xiêm đích thân chỉ huy quân đội tấn công chiếm cứ Hà Tiên. Mạc Thiên Tích phải chạy về Trấn Giang (Cấn Thơ).

Giai đoạn C3. Từ năm 1772 đến 1834 là 62 năm, suốt mấy chục năm đầu chỉ là thời kỳ nhiễu nhương: Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm cứ, kế tiếp là nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cho đến năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lập nên triều đại Gia Long. Thời loạn lạc này, nếu tính từ 1772 đến 1811 là  39 năm, không có cơ may chùa được lập. Chỉ có thể được cất lại sau năm 1811, dưới đời Gia Long thứ 10 (1802-1818) khi hai ông Trương Phúc Giáo và Bùi Đức Minh được cử về tái thiết Hà Tiên, chỉnh trang lại các đổ nát bị quân Xiêm tàn phá. Dịp này vua Gia long ban Sắc Tứ cho chùa, từ đó chùa mới đuọc gọi tên “Chùa Sắc Tứ Tam Bảo ”. Nhưng C3 chỉ tồn tại được 23 năm, rồi lại bị giặc Xiêm tàn phá vào năm 1834, đời vua Minh Mệnh. Trong trận này, quân Xiêm bắt đi hầu hết dân chúng Hà Tiên (2) và cướp phá tất cả tài sản của dân.

  • Sau năm 1834 đến 1869, trên bản đồ của Thiếu Úy Hải quân Pháp tên V. d’Elber vẽ năm 1869 không hề có chỉ dấu một ngôi chùa nào. Trong khu vực phế tích chỉ có những dấu hình vuông hoặc vòng tròn nhỏ, hiển thị các ngôi tháp hoặc mồ mả, chứ không có chữ pagode nghĩa là chùa. Về điểm này, sử liệu đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847) đều không nói tới việc tái lập chùa Tam Bảo. Các tư liệu lịch sử chỉ nói việc vua Thiệu Trị cho lập ngôi chùa Phù Anh (thường gọi chùa Phù Dung) ở đầu bắc núi Bình San vào năm 1846 mà thôi.

Giai đoạn C4. Chúng ta biết, từ năm 1869 đến 1920 là 51 năm, trên địa bàn phế tích trấn thự của Mạc Cửu, người dân Hà Tiên có cất lại chùa Tam Bảo thế hệ C4 bằng cây lá, theo kiểu mới, mà sách Chuyên Khảo Tỉnh HàTiên năm 1901 của Pháp gọi là “ngôi chùa tân thời”. Đoạn văn sách ấy tạm dịch như sau: “Bên trong khu tường bao, phía sau trấn thự, thời xưa có một ngôi chùa tư đã bị phá sập từ thời đó và được thay thế bởi ngôi chùa tân thời khác.” (3) Trong chùa có tượng Phật thấp, được thiết trí ngay trên nền đất như cách thờ phượng của người Khơ-me, theo lời mô tả của cụ Nguyễn Văn Sự khi còn sinh tiền. Cụ biết rất rõ, vì đã tham gia xây cất ngôi chùa C5 với Sư Ông Hồng Chức Phước Ân. Chính cụ là người thuật chuyện cho tác giả bài viết này.

Giai đoạn C5. Từ năm 1920, Sư Ông Hồng Chức Phước Ân phát động công cuộc đại trùng tu chùa Tam Bảo thế hệ C5, sư tịch và được lập tháp năm 1940.  Người Phật tử đóng góp công đức lớn nhất là cụ bà Huỳnh Thị Liêng, con cố Huỳnh Thuận Phát. Cụ bà đã cúng dường trọn khu đất mà bà đã mua của người Pháp, do tỉnh trưởng người Pháp Marcel Poulet ký tên trên tờ giao kèo tương thuận mua bán vào năm 1920.

B/ Chùa Tam Bảo Hà Tiên không phải là Tiêu tự.

     B1 – Chùa Tam Bảo thế hệ thứ 5 hiện nay chỉ mới được đại trùng tu từ năm 1920, do hòa thượng Hồng Chức Phước Ân chủ trì, hoàn thành năm 1930.

     B2 – Đất cất chùa mới được sang nhượng do biên bản hợp đồng tương thuận mua bán giữa Tinh trưởng người Pháp và bà Huỳnh Thị Liêng, ký kết năm 1920.    

     B3 – Quả đại hồng chung trong chủa Tam Bảo Hà Tiên hiện nay chi được cúng dường  khi chùa hoàn thành, do hòa thượng Hoằng Nghĩa, trụ trì chùa Giác Viên ở Gia Định tới Hà Tiên làm lễ chứng minh.  Người cúng dường quả chuông là hai ông bà Tri huyện Cao Văn Viện và Trần Thị Tuy, ở xã Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. (Công đức này được khắc ghi rõ ràng bằng chữ Hán trên chuông (4)).

Ba chi tết nêu trên chứng tỏ chùa Tam Bảo thế hệ C5 là mới hoàn toàn. Chữ Tiêu Tự ta thấy phía trên bàn thờ Tổ, chỉ mới được khắc ghi trong chùa này sau thời điểm 1920. Việc làm  phát sinh từ một quan điểm sai lầm. Người ta cứ tưởng khi xưa Mạc Thiên Tích làm bài thơ Tiêu Tự Hiểu Chung tại vị trí trấn thự của Mạc Cửu, vi ngỡ rằng Mạc Thiên Tích đã sống, trưởng thành và sáng tác văn thơ tại đây.  Họ không biết rõ, sau năm 1719, Mạc Cửu không hề trở lại sống trong khuôn viên phế tích này. Ông đã dời nhà lên chân núi Bình San, chỗ đền thờ, lăng miếu của ông bây giờ. Đó là điểm cao nằm trên nguồn nước, đào ao lấy được nước sạch. Vì sau trận giặc năm 1718, trong tường bao trấn thự có nhiều xác người chết rã thây.

Chắc chắn đây không phải là nơi ra đời  bài thơ Tiêu Tự Hiểu Chung  (hay Tiêu Tự Thần Chung) thì chùa Tam Bảo Hà Tiên không phải là ChùaTiêu. (Chúng tôi sẽ trình bày vị trí Chùa Tiêu ở một bài viết khác)

C/ Đại sư Phật Hội Ấn Trừng không phải là Huỳnh Long hay Hoàng Long lão hòa thượng.

          Trong bản Lý lịch Di tích Lịch sử – Văn hóa chùa Tam Bảo do nhà chùa ấn hành, phổ biến cho Phật tử, có đoạn viết: « Chuyện kể rằng trong thời gian Thái Bà Bà tu ở đây, có một đêm Bà mơ thấy rồng, Bà cho đó là điềm lành. Sáng hôm sau thức dậy có một hòa thượng và mười hai vị đệ tử muốn đến tu ở chùa. Thái Bà Bà đồng ý cho hòa thượng tu tại đây và dạy đạo cho Bà . Vị hòa thượng đó có tên là Huỳnh Long, pháp danh Ấn Hạ Trừng, thuộc dòng Lâm tế Chánh tông đời thứ 35. »  Đây cũng là một sai lầm lớn trong việc phổ biến lịch sử  của  chùa Tam Bảo Hà Tiên. Chúng tôi phải nói lên điều này, vì trong tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 325, ngày 15-7-2019, trang 7, bài viết Tìm hiểu di tích lịch sử chùa Tam Bảo – Hà Tiên, của tác giả Thích Minh Nghĩa có đoạn “Đời trụ trì đầu tiên của chùa Tam Bảo là hòa thượng Ấn Trừng, đạo hiệu Hoàng Long…”, rồi tác giả nêu dẫn một đoạn sách Đại Nam liệt truyện viết về Hoàng Long lão hòa thượng, Nhưng chính tác giả không ngờ rằng minh bị lôi cuốn bởi cái ý Phật Hội Ấn Trừng là Hoàng Long lão hòa thượng do chính chùa Tam Bảo Hà Tiên dựng lên.

          Đây chúng ta cần xác minh lại, Hoàng Long lão Hòa thượng và Đại sư Phật Hội Ấn Trừng là 2 con người riêng biệt, tu ở hai nơi riêng biệt.

          Huỳnh Long hay Hoàng Long lão hòa thượng, người Qui  Nhơn, vân du đến Hà Tiên vào thời đại Mạc Thiên Tích mới mở Chiêu Anh Các (1736). Ngôi tháp của sư ông ở dưới chân núi Đá Dựng là có thật, thời trẻ chúng tôi lên núi Đá Dựng có thấy ngôi tháp này. Tháp đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá khoảng thập niên 70 thế kỷ trước. Nhiều sách chép sự tích của lão hòa thượng, như :

  + Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết “Bạch Tháp sơn (Núi Đá Dựng )…có nhà sư ở Qui Nhơn là Huỳnh Long đại hòa thượng dừng chân dựng chùa ở đây. Năm Đinh Tỵ (1737), Hòa Thượng thị tịch, đồ đệ xây tháp bảy cấp để gìn giữ xá lợi. Hằng năm cứ dịp 3 ngày rằm lớn và lễ Phật đản thì có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh dâng trái, lưu luyến bịn rịn như có ý muốn tham thiền nghe pháp, đáng gọi là chốn tịnh độ tiêu dao”.(5) Sách này còn nói rõ thời điểm lão hòa thượng Hoàng Long đến Hà Tiên: “ Bính thìn (1736) mùa xuân… cho Thiên Tứ được nối chức cha …Thiên Tứ lại chiêu tập những văn sĩ tài nghệ các xứ, nên những tay văn chương người tỉnh Phước Kiến như Châu Phát… người phủ Qui Nhơn như hòa thượng Huỳnh Long, đạo sĩ tỉnh Phước Kiến như Tô Dần tiên sinh, nối gót nhau đến. Tứ mở Chiêu Anh Các…” (6).

+ Sách Đại Nam Liệt truyện Tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Hoàng Lung (hay Long), người tỉnh Bình Bịnh, đi chơi đến Hà Tiên thấy núi Bạch Tháp ở phía bắc núi Vân Sơn, các ngọn bày quanh, cỏ cây xanh tốt, bèn cm gậy tích (thiếc) làm chùa tu ở đấy. Túc tông hoàng đế, Đinh Tỵ năm 13, Lung tịch, đồ đệ xây tháp 7 cấp để xá lị vào trong tháp. Mỗi năm cứ đến tiết tam nguyên có hạc đen đến múa, vượn xanh dâng quả, lưu luyến bồi hồi, như có ý tham thiền nghe giảng « . (7) (Đoạn sách Đại Nam Liệt truyện Tiền Biên này được tác giả Thích Minh Nghĩa sử dụng trong bài viết của minh, mặc dù sách này trước sau không hề nhắc đến vụ Phật Hội Ấn Trừng là Hoàng Long hay Hoàng Lung ).

+ Sách Thiền sư Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thanh Từ (8), có thuật chuyện Hòa Thượng Hoàng Long (? – 1737) nhưng không hề viết Hòa Thượng Hoàng Long có pháp danh Phật Hội Ấn Trừng. Suốt 630 trang sách này, thầy Thanh Từ không một lần nhắc đến pháp danh Phật Hội Thượng Ấn Hạ Trừng, đừng nói chuyện Hòa Thượng Hoàng Long ở trang 606.

Như vậy, không một quyển sách nào nói sư ông Hoàng Lung hay Huỳnh Long lão hòa thượng có pháp danh Phật Hội Ấn Trừng. Hơn nữa sư ông Phật Hội Ấn Trừng hiện có Tháp ở chùa Tam Bảo, còn Hoàng Long lão Hòa Thượng có tháp ở núi Đá Dựng. Hai người sống chênh lệch nhau chỉ vài mươi năm. Sư ông Phật Hội Ấn Trừng đến Hà Tiên sau 1708 vài năm, khi Mạc Cửu mới lập chùa  C1, sư ông tịch khoảng 1710 – 1730. Còn theo Gia Định thành Thông chí, Hoàng Long lão Hòa Thượng đến Hà Tiên năm 1736, khi Mạc Cửu đã mất (1735), sư thị tịch năm 1737. Các sách xưa ghi chép rõ ràng như vậy, thật đúng với hiện trạng hai ngôi tháp của hai sư ông ở hai nơi tại Hà Tiên.  

       Chúng ta là kẻ hậu sanh, thấy có sự nhầm lẫn tư liệu lịch sử và danh tánh hai nhà sư, thì nên giải thích rạch ròi. Nói lên điều đúng để chánh pháp chùa Tam Bảo Hà Tiên được toàn mỹ./.

Chú thích.

(1): Sách Un Chinois des Mers du Sud le Fondateur de Hà Tiên (Mọt người Trung Hoa ở vùng biển phía Nam, người tạo dựng xứ Hà Tiên) của Émile Gaspardone, in  năm 1952  ở Paris – Nhà sách Viễn Đông  Paul Geuthner, trang  372 có đoạn bút ký của Alexendre Hamilton, người Anh đến Hà Tiên năm 1720 như sau: “ .they coming to Ponteamass, sent in their small Gallies to plunder and burn the Town, which they did effectually, and, of Elephants Teeth only, they burnt above 200 Tuns… In Anno 1720, I  saw several of the Wracks, and the Ruins of the Town of Ponteamass.” (…chúng đến Hà Tiên, cho những ghe nhỏ có lườn cạn (Gallies) vào cướp và đốt phố thị, công việc này của chúng làm rất hiệu quả, và chỉ riêng món ngà voi, chúng đốt khoản 200 tấn …Vào năm 1720, tôi đã nhìn thấy những xác tàu đắm và những đổ nát của phố thị Hà Tiên.)

(2): Mời xem Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 1 (142) – 2012, Hà Nội,  trang 31 – 40, bài “Chính sách ‘bắt người – di dân’ trong các cuộc chiến tranh bành trướng của Xiêm …giữa thế kỷ XIX” của Đặng Văn Chương và Bùi Trúc Linh. Bài viết thuật lại nguồn tin của Puangthong Rungswasisab, người Thái Lan (Xiêm), tác giả sách “War and trade:Siamese interventions in Cambodia, 1767 – 1851” (Chiến tranh và đổi chác: sự can thiệp của Thái Lan vào nước Campuchia, 1767 – 1851) xuất bản tại Australia (1995), như sau: “ Năm 1834, trong cuộc tấn công vào Hà Tiên, Tướng Chaophraya Bodin nhận được chỉ thị: phải tìm mọi cách bắt và mang thật nhiều người về vương quốc hơn nữa, để tạo nguồn nhân lực…Những người bị bắt ở Hà Tiên đều bị đưa về Băng Cốc.”

(3): Nguyên văn chữ Pháp sách Monographie de la Province d’ Hà Tiên (Chuyên khảo về tỉnh Hà Tiên), nhà in L. Ménard ấn hành năm 1901 – Sài Gòn, trang 23 : « Dans l’ intérieur de l’enceinte , derrière les habitations officielles, il y avait une pagode particulière, démolie depuis et remplacée par une autre moderne… »

(4): Câu văn chữ Hán : “Đại Nam Lịch Giá tỉnh, Vĩnh Thanh Vân xã, Tín sĩ Tri huyện nha Cao Văn Viện dữ Trần thị Tuy phụng cúng Hà Tiên tỉnh Tam Bảo tự. Giác Viên tự, Hòa thượng Hoằng Nghĩa chứng minh”.

(5): Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức do Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng – Saigon Books và Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2019, trang 116.

(6): Gia Định Thành Thông Chí, sách nêu trên,  trang 406, 407

(7): Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên – (Quyển 6) – Quốc Sử Quán triều Nguyễn – Nhà Xuất Bản Thuận Hóa – Huế – năm 1993, trang 196.

(8): Thiền sư Việt Nam – H.T. Thích Thanh Từ – NXB. Hồng Đức – Hà Nội – Công ty Cổ phần in Khuyến học phía Nam -Tp.HCM – 2018 – trang 606 – 607.

Bản đồ do người Pháp vẽ tay vào năm 1869 khu vực Hà Tiên. Ô vuông đứng màu vàng phía trên là khu phế tích dinh thự thành quách của Mạc Cửu, trong đó có ghi rỏ vị trí chùa Tam Bảo đầu tiên và ba hình tròn nhỏ xem như ba bảo tháp còn lại. Khu ô chữ nhật màu vàng phía dưới là khu thành cũ của Mạc Thiên Tích xây dựng.

Vị trí chùa Tam Bảo nằm trong khu phế tích (thành xưa) của Mạc Cửu

Bức hình chùa Tam Bảo (Hà Tiên) xưa nhất hiện nay chúng ta có (1957) :Nguồn hình: KimLy

Từ vùng đất Mang Khảm đến trấn Hà Tiên

I/ Nhập bài:

Thầy cô và các bạn thân mến, chúng ta đều biết Mạc Cửu là người từ nước Trung Hoa đến vùng đất mang tên Mang Khảm (còn có tên là Phương Thành) và khai phá vùng đất nầy để sau đó trở thành một trấn rất rộng lớn mang tên mới là Hà Tiên. Tuy nhiên chúng ta lại biết một cách mơ hồ và thiếu sót khi muốn trả lời câu hỏi: « Họ Mạc quản thủ trấn Hà Tiên như thế đến bao nhiêu năm và trong gia đình họ Mạc thì ai là những người làm đến chức Tổng Trấn Hà Tiên? ». Nói một cách khác từ năm dựng đất và phát triển thành trấn Hà Tiên để nhập vào lãnh thổ nhà Nguyễn (1708) cho đến năm 1867 khi quân Pháp chiếm Hà Tiên, họ Mạc có bao nhiêu người được làm quan cai trị trấn, tỉnh Hà Tiên?

Thực ra trong sự hiểu biết còn có rất nhiều giới hạn của chúng ta về lịch sử Hà Tiên, chúng ta chỉ có thể liệt kê tên của vài nhân vật nổi tiếng trong gia đình họ Mạc như: Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh, Mạc Công Du..v..v… Ngoài ra chúng ta không biết được nhiều hơn về lai lịch từng người trong gia đình họ Mạc, còn không thể biết hết những ai đã từng nối tiếp cha ông để làm quan quản thủ đất Hà Tiên. Nội dung bài viết nầy chỉ đơn giản là tìm hiểu phần nào vấn đề nêu trên, với một sự tìm tòi tạm thời, không thể gọi là kết quả của một sự nghiên cứu có tính chất hàn lâm, mong được người Hà Tiên nói riêng và chúng ta nói chung, đọc qua để có một cái nhìn khái quát hơn và làm giảm bớt sự tò mò của chúng ta khi muốn biết về vùng đất Hà Tiên với những ai đã từng là quan cai trị vùng đất nầy, dĩ nhiên phải là những người xuất thân trong gia đình họ Mạc, nhưng dần dà, dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn, Hà Tiên trở thành một bộ phận của nguyên thể Đại Việt, thì những người đứng đầu cũng sẽ là những vị quan chức do nhà Nguyễn bổ nhiệm.

Các sự kiện lịch sử, các niên đại được nêu ra trong nội dung bài viết qua tóm tắt tiểu sử của từng vị quan quản thủ Hà Tiên có thể có nhiều sai sót, ngoài ra tác giả cũng không thể thiết lập lại một lịch trình từng năm một từ năm 1708 cho đến năm 1867 để nêu ra một cách chi tiết và chính xác tên tuổi của tất cả các vị quan cai trị vùng đất Hà Tiên. Do đó bài viết chỉ có tính chất đề nghị, giới thiệu sơ lược và từ đó tạo nên một nguồn cảm hứng và sự tiếp nối đến với quý học giả, quý vị cao niên, quý anh chị để được tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, chỉnh sửa để chúng ta tìm được một loạt những câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên, từ đó giúp cho sự hiểu biết về lịch sử quê hương Hà Tiên được phong phú và đầy đủ hơn, đó là điều mong ước của tác giả. Xin quý vị thông cảm và rộng lượng cho việc đọc bài nhé. Xin cám ơn tất cả.

II/ Đại cương về tình hình vùng đất Hà Tiên từ năm 1708 cho đến năm 1867:

Năm 1679, nước Trung Hoa xảy ra một biến cố quan trọng: quân Mãn Thanh tiếp tục đánh chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ nhà Minh, bình định Quảng Đông, sự kiện nầy gây ra vài cuộc di cư rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sự Nam tiến của nhà Nguyễn sau đó và làm thay đổi diện mạo gần cả toàn vùng đất của Đàng Trong. Đó là cuộc di cư đến nước ta (lúc đó có tên là Đại Việt) của quan thần nhà Minh: Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, nguồn gốc của sự thành lập các thành phố vùng Mỹ Tho và Đồng Nai.

Một cuộc di cư khác không kém phần quan trọng nếu không muốn nói là có tính chất quyết định và giúp cho cuộc Nam tiến của nhà Nguyễn kết thúc vừa tiết kiệm các cuộc chiến tranh chiếm đất vừa tranh thủ về thời gian, đó là công cuộc dựng đất vùng Hà Tiên của Mạc Cửu.

Từ năm 1671, Mạc Cửu lúc đó còn trẻ đã theo tàu buôn khắp vùng biển Đông Nam Á và sau đó đã ghé lại Nam Vang để làm việc lâu dài cho triều đình vua Cao Miên. Sau gần 10 năm chạy loạn qua đất Xiêm, Mạc Cửu về Lũng Kỳ (vùng đất thuộc nước Cao Miên, phía Tây Bắc đảo Phú Quốc) và đến năm 1700, Mạc Cửu đến đất Mang Khảm (tên xưa của Hà Tiên ngày nay), bắt đầu công cuộc khai phá đất đai và dựng làng thôn.

Niên đại 1708 là niên đại lịch sử không những đối với Hà Tiên mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Nam tiến, đó là năm Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu, được phong tặng chức tước và được cai quản đất Hà Tiên như là một phó vương với tính chất gần như là độc lập. Trong thời gian dựng dất, Hà Tiên bắt đầu phồn thịnh, dân chúng tụ họp đông đúc. Tuy nhiên Hà Tiên cũng không thể yên ổn dưới sự dòm ngó của lân bang, năm 1718, quân Xiêm tấn công đốt phá thành thị, nhà cửa, Mạc Cửu tị nạn về Lũng Kỳ và vợ ông sinh ra Mạc Thiên Tích tại đây. Năm sau ông về Hà Tiên xây dựng lại xứ sở cho đến năm 1735 Mạc Cửu thọ bệnh và qua đời.

Mạc Thiên Tích tiếp nối sự nghiệp của cha, củng cố việc hành chánh, quân sự, mở rộng đất đai mới: Rạch Giá, Cà Mau, Trấn Di (Bạc Liêu), Trấn Giang (Cần Thơ). Năm 1757 Mạc Thiên Tích còn mở rộng Hà Tiên thêm 5 phủ của vùng đất thuộc bên Cao Miên, trấn Hà Tiên lúc đó phát triển nhanh chóng và có diện tích rất rộng lớn, trải dài từ vùng vịnh Kompong Som (nay là vùng Sihanoukville thuộc nước Cambodge) cho đến tận mũi Cà Mau.

Một sự kiện quan trọng về văn hóa trong thời kỳ đầu quản trị Hà Tiên của Mạc Thiên Tích là sự ra đời của Tao Đàn Chiêu Anh Các năm 1736, một hoạt động văn hóa, tôn giáo và giáo dục, kết quả của sự tiếp đón, chiêu đải hiền tài, mở trường dạy chữ…Với hoạt động nầy, Hà Tiên đã gây ấn tượng trong giới văn nhân thời đó đến độ nhà bác học Lê Quý Đôn sau khi xem được tập “Hà Tiên thập vịnh” theo bản khắc gỗ in của Mạc Thiên Tích, đã không tiếc lời khen ngợi và thốt lên rằng “không thể bảo rằng ở vùng hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy”.

Hà Tiên dưới thời Mạc Thiên Tích là giai đoạn củng cố và phát triển, về quân sự đã đẩy lùi được giặc bên ngoài, lại phá tan được nhiều vụ nổi loạn, dẹp tan bọn cướp biển mưu chiếm Hà Tiên.

Về thương mại và giao lưu với nước ngoài, Mạc Thiên Tích mở cửa đón nhận ghe tàu thương thuyền các nước khác kể cả các nước Âu Châu…Ông cũng tiếp đón nhiều người đến Hà Tiên tị nạn, các giáo sĩ truyền giáo được phép đến vùng trấn Hà Tiên lưu trú, mở trường hoạt động.

Tuy nhiên kể từ năm 1769, quân sĩ đi chiến dịch xa nơi đất Xiêm bị bệnh thời khí và giông bão chết dọc đường rất nhiều, Hà Tiên bắt đầu suy yếu và đi vào chiến tranh tàn khốc vì quân Xiêm thừa lúc đó động binh gây hấn. Hà Tiên bị quân xiêm chiếm đóng từ năm 1771, Mạc Thiên Tích và quần thần phảỉ chạy về Trấn Giang và đó là lần cuối cùng Mạc Thiên Tích rời khỏi Hà Tiên để không trở lại được nữa. Sau ba năm chiếm đóng của quân Xiêm, Hà Tiên trở thành đất hoang, dinh thự, nhà cửa bị tàn phá nặng nề. Mặt khác quân Tây Sơn bắt đầu dấy binh, nhà Nguyễn bị lâm nguy với nhiều cuộc truy kích của Tây Sơn, Mạc Thiên Tích phải qua Xiêm lưu trú.

Đến khi chúa Nguyễn Ánh bắt đầu khôi phục dần cơ đồ thì lại xảy ra nhiều sự hiểu lầm, ngộ nhận khiến cho vua Xiêm nghị kỵ phái đoàn Mạc Thiên Tích ở Vọng Các (Bangkok, Thái Lan), cuối cùng cả nhóm đều bị vua Xiêm giết chết, Mạc Thiên Tích vì uất ức nên tự tử ở đó (1780).

Sau khi chúa Nguyễn Ánh toàn thắng Tây Sơn (1802) lên ngôi là vua Gia Long, vua đã cho chỉnh đốn lại vùng Hà Tiên, tiếp tục phong chức cho con cháu Mạc Cửu như Mạc Tử Sanh, Mạc Công Bính, Mạc Tử Thiêm làm trấn thủ Hà Tiên. Tuy nhiên Hà Tiên không còn là vùng đất phồn thịnh như trước nữa mà đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của nước Xiêm và dần dần trực tiếp dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn, do chính vua Gia Long bổ nhiệm các quan trấn thủ vì sau đời Mạc Tử Thiêm thì con cháu họ Mạc còn nhỏ không thể quản trị việc chánh trị, quân sự được nữa.

Đến năm 1816 Mạc Công Du được phong quan Hiệp Trấn, lần lần được nắm quyền quản thủ Hà Tiên. Trong thời gian nầy lại có biến cố Lê Văn Khôi nổi loạn chống nhà Nguyễn và xâm chiếm Hà Tiên, con cháu Mạc Công Du theo nhận chức của giặc loạn nên đều bị tội, em của Mạc Công Du là Mạc Công Tài là người cuối cùng trong họ Mạc giữ chức trấn thủ Hà Tiên (1832), sau đó cả anh em, con cháu đều bị kết tội, bị lưu đày xa xứ.

Đến giai đoạn nầy thì mặc dù con cháu họ Mạc vẫn còn ở Hà Tiên, tuy phải đổi họ và trốn tránh, nhưng sau đó đến đời vua Thiệu Trị, năm 1846, nhà vua mới cho phục hồi Mạc Công Miếu cất lại nơi núi Lăng, cho người tìm con cháu họ Mạc để ban chức và lo việc thờ phụng, giữ gìn ngôi miếu. Tuy nhiên họ Mạc đến đây đã không còn người để làm Trấn Thủ như cha ông ngày trước. Hà Tiên hoàn toàn do triều đình nhà Nguyễn quản lý và cấp quan cai trị.

Nhà Nguyễn cử các vị quan văn, võ lần lược đến quản thủ Hà Tiên với danh xưng Tổng Đốc, lúc bấy giờ Hà Tiên và An Giang được nhập lại với tên An Hà, vị Tổng Đốc sau gia đình họ Mạc là Lê Đại Cương (1833) đến vị Tổng Đốc cuối cùng trước khi quân Pháp chiếm Hà Tiên là Phan Khắc Thận (1867). Từ đây Hà Tiên chỉ còn là một tỉnh nhỏ dưới sự cai quản của quân Pháp. Từ một trấn Hà Tiên rộng lớn đầy thịnh vượng về cả mọi mặt thương mại, hàng hải, văn hóa, Hà Tiên đã mất đi tầm ảnh hưởng quan trọng của thời đại dựng đất và phát triển để thu nhỏ lại chỉ còn là một tỉnh rồi một quận lẻ của miền cực Tây đất nước. Đối với người Hà Tiên, chúng ta tự xem như là con cháu của những vị công thần đi tiên phong khai dựng đất đai, Hà Tiên tuy đã đổi khác nhưng vẫn là vùng đất thân yêu và luôn ngự trong trái tim của chúng ta.

III/ Sơ lược các giai đoạn của các quan quản thủ Hà Tiên kể từ lúc thành lập trấn Hà Tiên (1708) cho đến lúc Hà Tiên bị Pháp chiếm (1867):

A/ Mạc Cửu :

Mạc Cửu là người gốc Trung Hoa, sinh năm 1655 tại Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Hoa), mất năm 1735 tại Hà Tiên.

Vào năm 1679 nhà Thanh chiếm Quảng Đông, một số quan thần nhà Thanh bắt đầu rời khỏi Trung Hoa dùng tàu biển tị nạn về phía nam, đến đầu phục chúa Nguyễn ở Việt Nam. Năm 1680 Mạc Cửu đến Nam Vang làm việc cho vua Cao Miên và được giữ chức Ốc Nha (Oknha).

Năm 1700 Mạc Cửu đến vùng đất Mang Khảm (còn có tên Phương Thành), ông bắt đầu chiêu mộ cư dân, lập ra 7 thôn xã. Đến năm 1708 Mạc Cửu dâng đất xin đầu phục chúa Nguyễn Phúc Chu và được chúa phong chức Tổng Binh,  làm Hà Tiên Trưởng.

Chức tước được phong : Oknha (Khmer) ; Hà Tiên Trấn Tổng Binh Cửu Ngọc Hầu (Việt Nam).

Sau khi ông mất, Mạc Cửu được các vua nhà Nguyễn phong chức : Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công, Thọ Công Thuận Nghĩa Trung Đẳng Thần, Thượng Đẳng Thần.

Mạc Cửu được thờ tại đền Mạc Công Miếu và đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên. Tại thị trấn Kiên Lương (Cống Tre, ấp Ngã Ba) cũng có ngôi đình thờ ông.

Mạc Cửu trị vì ở Trấn Hà Tiên từ năm 1708 đến năm ông mất 1735. Lãnh thổ trấn Hà Tiên lúc đó gồm 7 thôn xã : Hà Tiên, Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột (Kampot), Vũng Thơm (Kompong Som), Rạch Giá, Cà Mau. Thời kỳ nầy tương ứng với hai đời Chúa Nguyễn là : Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Phúc Chú. Đây là thời kỳ khai sáng vùng đất Hà Tiên và được phát triển thịnh vượng.

B/ Mạc Thiên Tích :

Mạc Thiên Tích là con của Mạc Cửu, ông là người lai Trung Hoa và Việt Nam vì mẹ ông là người Việt, sinh năm 1718 tại Lũng Kỳ (Kampuchia), mất năm 1780 tại Vọng Các (Bangkok, Thái Lan).

Sau khi Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn Phúc Chu phong Khâm Sai Đô Đốc Tướng Quân, đứng đầu Trấn Hà Tiên. Thời kỳ Mạc Thiên Tích trị vì ở Hà Tiên là thời kỳ phồn thịnh nhất với rất nhiều thành tựu về quân sự, chánh trị, kinh tế và văn hóa, đó là khoảng thời gian từ năm 1735 đến năm 1771. Trong thời kỳ nầy Mạc Thiên Tích đã góp phần rất to lớn trong công cuộc khai tiến mở rộng lãnh thổ về phía Nam của các chúa Nguyễn.

Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1773, Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm đóng, Mạc Thiên Tích phải chạy ra Châu Đốc và sau đó về Trấn Giang (Cần Thơ). Vua Xiêm Taksin phong tướng Xiêm là Trần Liên (Chiêu Khoa Liên hoặc Tang Lieng hoặc Chen Lian là người Trung Hoa gốc Tiều Châu) trấn giữ Hà Tiên (1771 – 1773), trong hai năm nầy Hà Tiên bị quân Xiêm tàn phá, rất điêu tàn và đổ nát.

Năm 1773, vua Xiêm Taksin giảng hòa, trả lại Hà Tiên cho Mạc Thiên Tích, ông ủy quyền  cho con là Mạc Tử Hoàng về tiếp nhận Hà Tiên. Tuy nhiên bắt đầu từ đây Hà Tiên bị ảnh hưởng nặng vì cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn. Năm 1775, quân Tây Sơn tiến công khiến chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, Mạc Thiên Tích đưa các con Tử Hoàng, Tử Thảng và Tử Dung đến tiếp kiến chúa và ông được phong chức Đô Đốc Quận Công. Đến năm 1777 quân Tây Sơn chiếm Gia Định, tiến về Long Xuyên (tức vùng Cà Mau) và làm chủ vùng đất Hà Tiên, Mạc Thiên Tích cùng đoàn tùy tùng qua Xiêm. Sau đó vì bị vua Xiêm Taksin nghi ngờ nên Mạc Thiên Tích và đoàn tùy tùng đều bị bắt giam, ông tự tử chết và cả đoàn người đi theo đều bị giết chết cả (1780). Xem như kể từ năm 1771, Mạc Thiên Tích chạy giặc, rời khỏi Hà Tiên, sau đó đóng quân ở Trấn Giang (Cần Thơ) rồi qua Xiêm cho đến ngày tự vận mất bên Xiêm, không có lúc nào trở về đất Hà Tiên của ông cha nữa.

Sau nầy, triều Nguyễn có ban sắc phong cho Mạc Thiên Tích là Hà Tiên trấn Tổng Binh Đại Đô Đốc Quốc Lão Sùng Quận Công, Đạt Nghĩa Chi Thần.

Mạc Thiên Tích được thờ tại đền Mạc Công Miếu và đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên.

Mạc Thiên Tích trị vì ở trấn Hà Tiên từ năm 1735 đến năm 1771, sau đó giai đoạn 1771 – 1773 tướng Xiêm Trần Liên thống trị Hà Tiên. Mạc Thiên Tích được vua Xiêm trả lại Hà Tiên và ông tiếp tục trị vì Hà Tiên trong giai đoạn 1773 – 1777, tuy nhiên trong thời gian nầy Mạc Thiên Tích vẫn đóng quân ở Trấn Giang (Cần Thơ), chỉ có con ông là Mạc Tử Hoàng, lúc đó làm Hiệp Trấn (tức phó Tổng Trấn) đang ở tại Hà Tiên để xây dựng lại Hà Tiên còn trong tình trạng đỗ nát vì chiến tranh. Thời kỳ Mạc Thiên Tích trấn thủ Hà Tiên tương ứng với ba đời Chúa Nguyễn : Nguyễn Phúc Chú, Nguyễn Phúc Khoát và Nguyễn Phúc Thuần.

C/ Giai đoạn 1777 – 1787:

Đây là giai đoạn loạn lạc vì chiến tranh Tây Sơn, chúa Nguyễn, chúa Trịnh và nước Xiêm (1777 – 1787) : Năm 1777 quân Tây Sơn chiếm Long Xuyên (tức vùng Cà Mau), Hà Tiên bị biến loạn, đến năm 1780 tướng nhà Nguyễn cử Chưởng Thăng (không rỏ họ) về trấn thủ Hà Tiên. Vua Xiêm Chakri mới lên ngôi hiệu là Phật Vương năm 1782, có mối quan hệ khá tốt với chúa Nguyễn nên cho tướng Xiêm tên Thát Xi Đa dẫn quân sang đóng ở Hà Tiên phòng quân Tây Sơn. Thời gian nầy quân Tây Sơn truy đuổi chúa Nguyễn Phúc Ánh đến tận Hà Tiên và ra các đảo thuộc vịnh Xiêm La (1784). Sau đó quân Xiêm giúp binh tướng để hộ chúa Nguyễn Phúc Ánh về nước, trong dịp nầy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu đã đánh thắng quân Xiêm trong một trận lịch sử rất nổi tiếng, đó là trận Rạch Gầm, Xoài Múc tại Mỹ Tho (năm 1785). Sau trận nầy con của Mạc Thiên Tích là Mạc Tử Sanh phò chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy về Hà Tiên và ra vịnh Xiêm La đi qua nước Xiêm.

Trong thời gian nầy Hà Tiên vẫn dưới ảnh hưởng của chúa Nguyễn, nhưng chúa Nguyễn chịu ảnh hưởng của vua Xiêm Phật Vương.

D/ Mạc Tử Sanh:

Mạc Tử Sanh là con của người thiếp, vợ thứ tư của Mạc Thiên Tích, sinh năm 1769, không rỏ nơi sanh, mất năm 1788 tại Hà Tiên. Từ thế hệ con của Mạc Thiên Tích trở về sau, tất cả các công tử và công nương đều là người Việt Nam.

Khi Mạc Thiên Tích mất ở bên nước Xiêm, Mạc Tử Sanh còn nhỏ (12 tuổi) nên mấy anh em đều không bị vua Xiêm Taksin giết mà bị đày đi nơi xa và được một quan Xiêm che dấu và nuôi nấng. Khi vua Xiêm Taksin bị lật đổ và bị giết chết, vua mới lên thay nên được vua Xiêm mới tên Chakri (tự là Phật Vương) cho ông đến chào chúa Nguyễn Phúc Ánh nhân dịp chúa qua nước Xiêm tránh quân Tây Sơn, lúc đó năm 1784, Mạc Tử Sanh được phong chức Tham Tướng Lý Chánh Hầu và được cho theo hầu chúa Nguyễn Phúc Ánh. Đến năm 1787 chúa cho Mạc Tử Sanh về Hà Tiên làm Lưu Thủ, qua năm sau 1788 Mạc Tử Sanh bệnh mất trong khi đang giữ chức Lưu Thủ Hà Tiên.

Mạc Tử Sanh được phong tặng Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm Y Vệ Chưởng Vệ Sự Đô Đốc Chưởng Cơ.

Mạc Tử Sanh được thờ tại đền Mạc Công Miếu và đình Thần Thành Hoàng ở Hà Tiên.

Mạc Tử Sanh trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1787 đến năm sau 1788.

E/ Giai đoạn 1788 – 1789:

Sau khi Mạc Tử Sanh mất (1788), chúa Nguyễn xin vua Xiêm Phật Vương cho Mạc Công Bính về Hà Tiên để lo việc xây dựng lại vùng đất Hà Tiên., tuy nhiên Mạc Công Bính chưa về kịp ngay lúc đó, nên người của nước Xiêm tạm thời trông coi công việc của trấn Hà Tiên, thời kỳ nầy kéo dài một năm.

Tướng nước Xiêm,  tạm thời quản lý Hà Tiên trong giai đoạn 1788 – 1789.

F/ Mạc Công Bính:

Mạc Công Bính là con của Mạc Tử Hoàng, không biết năm sinh, mất năm 1792, không rỏ nơi sinh và nơi mất.

Năm 1789, Mạc Công Bính từ Xiêm về trước hết vào Gia Định yết kiến chúa Nguyễn Phúc Ánh và được phong chức Khâm Sai Cai Đội Lưu Thủ đạo Long Xuyên (ở Cà Mau), vì thế không về tới Hà Tiên, vua Xiêm Phật Vương không hài lòng nên Mạc Công Bính phải trở lại Hà Tiên, trước hết nhân đem hài cốt Mạc Thiên Tích và các con của ông lúc trước bị bức hại chết ở bên Xiêm về an táng tại núi Lăng Hà Tiên, sau đó Mạc Công Bính chỉ trấn thủ Hà Tiên từ 1791 đến 1792 mà thôi.

Mạc Công Bính trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1791 đến năm 1792.

G/ Giai đoạn 1792 – 1799:

Giai đoạn nầy Hà Tiên bị khuyết quan cai trị, chỉ có có cha con Trần Hanh và Trần Tô quản lý Hà Tiên một cách kiêu căng, tàn bạo, mất lòng dân nên vua Xiêm Phật Vương rất tức giận, ông cho Mạc Tử Thiêm nhận chức tước nước Xiêm và khiến về Hà Tiên thu hồi quan chức của Trần Tô.

H/ Mạc Tử Thiêm:

Mạc Tử Thiêm là con người thiếp của Mạc Thiên Tích, cùng một mẹ với Mạc Tử Sanh, không biết năm sinh, mất năm 1809.

Năm 1799 vua Xiêm cho Mạc Tử Thiêm và cháu là Mạc Công Du từ nước Xiêm về Hà Tiên để cho Mạc Tử Thiêm tiếp nối cai quản Hà Tiên. Mạc Tử Thiêm về nước ra mắt chúa Nguyễn Phúc Ánh và được phong chức Khâm Sai Tổng Binh Cai Cơ, trấn thủ Hà Tiên, năm 1805 thăng chức Chưởng Cơ. Đến năm 1807, vua Gia Long sai Mạc Tử Thiêm đi sứ sang Xiêm (lúc nầy chúa Nguyễn Phúc Ánh đã dẹp hết nhà Tây Sơn và nhà Trịnh, lên ngôi vua hiệu là Gia Long, thống nhất đất nước từ năm 1802). Năm 1809 Mạc Tử Thiêm bị bệnh mất.

Mạc Tử Thiêm trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1799 đến năm 1809.

I/ Giai đoạn 1809 – 1816:

Năm 1809 khi Mạc Tử Thiêm mất, các người cháu là Mạc Công Thê, Mạc Công Tài còn nhỏ, Mạc Công Du thì bị tội năm 1809, bị cách chức đến năm 1811 mới được tha, vì thế  vua Gia Long không lập con cháu nhà họ Mạc làm quyền lĩnh chức Trấn nữa mà lại cử Ngô Y Nghiểm và Lê Tiến Giảng (có sách viết Lê Tiến Phúc) làm quyền án thủ trấn Hà Tiên, tuy nhiên hai ông nầy tham lam, hại dân nên bị cách chức. Năm 1810, Nguyễn Văn Thiện được cử làm Trấn Thủ và Nguyễn Đức Hội làm Hiệp Trấn, Dương Văn Châu được cử làm Tham Hiệp, ba người cùng cai quản Hà Tiên. Sau khi Trấn Thủ Nguyễn Văn Thiện chết, hai người phó là Nguyễn Đức Hội và Dương văn Châu chuyên coi việc trấn, nhưng hai người có hiềm khích, cùng gây rối loạn trong trấn, tin về vua Gia Long, cả hai đều bị trọng tội.

Đến năm 1811, vua Gia Long cử Trương Phúc Giáo làm Trấn Thủ HàTiên, Bùi Đức Miên (hay Bùi Đức Minh) làm Hiệp Trấn. Đến năm 1815 Trương Phúc Giáo cáo lão, xin về hưu. Thời gian nầy ở trấn Hà Tiên tình hình tốt đẹp dần, dân chúng về sinh sống ngày càng thịnh vượng. Hiệp Trấn Bùi Đức Miên được gọi về làm việc ở Bộ Lễ năm 1813, triều đình cử Lê Văn Nguyên làm Hiệp Trấn. Năm 1815 sau khi Trương Phúc Giáo về hưu, vua Gia Long bổ Nguyễn Văn Chiêm vốn đang trấn thủ Biên Hòa về làm Trấn Thủ Hà Tiên.

Đến năm 1816, Hiệp Trấn Lê Văn Nguyên bệnh chết. Trấn Thủ Nguyễn Văn Chiêm được gọi về làm Trấn Thủ Vĩnh Thanh.

J/ Mạc Công Du:

Mạc Công Du là con người thiếp thứ ba của Mạc Tử Hoàng, không biết năm sinh, không rỏ nơi sinh, mất năm 1833 tại Hà Tiên.

Năm 1780, khi Mạc Thiên Tích tuẩn tiết ở bên Xiêm, Mạc Công Du lúc đó có trong phái bộ của Mạc Thiên Tích nhưng vì còn nhỏ tuổi nên không bị vua Xiêm Taksin giết hại, tuy nhiên phải bị đày đi ở nơi vùng quê xa bên đất Xiêm. Đến năm 1799 Mạc Công Du theo chú là Mạc Tử Thiêm về Hà Tiên và được phong chức Cai Đội năm 1807. Đến năm 1809 Mạc Tử Thiêm chết, Mạc Công Du bị mắc tội và bị cách chức cho đến năm 1811 mới được tha, sau đó nhận chức Ất Phó Sứ và đi sứ sang Xiêm năm 1813. Đến năm 1816 Mạc Công Du được vua Gia Long phong chức Cai Đội Hiệp Trấn và năm 1818 chức Trấn Thủ Hà Tiên, từ năm 1816 cũng có Phạm Nhữ Đăng được phong làm Tham Hiệp trấn Hà Tiên cùng trấn thủ với Mạc Công Du. Mạc Công Du làm việc đến năm 1829 thì cáo về hưu.

Vào năm 1833 có xảy ra biến loạn Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An (Gia Định), lúc nầy có em Mạc Công Du là Mạc Công Tài đang làm trấn thủ Hà tiên, cùng với các con của Mạc Công Du là Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu đều theo phe và lãnh chức tước của Lê Văn Khôi. Chỉ vài tháng sau, triều định dẹp loạn giặc Khôi, cha con Mạc Công Du đều bị bắt giải về Huế theo lệnh vua Minh Mệnh, trước khi lên đường, Mạc Công Du bị bệnh mất tại Hà Tiên (năm 1833). Lúc đó toàn thể con cháu họ Mạc đều bị bắt tội, người người phải đổi họ, trốn tránh di tản đi nơi khác.

Trong thời gian làm Trấn Thủ Hà Tiên, Mạc Công Du có lập một ngôi đền tên là Mạc Công Từ để thờ ông bà, lập bên trái chùa Tam Bảo, sau sự việc giặc Lê Văn Khôi, ngôi đền cũng đã bị bỏ hoang không ai dám chăm sóc, đến cả khi Mạc Công Du chết, ông cũng không được chôn cất vào ngôi mả đã định trước, và cũng không có mộ bia để tên tuổi. Tình trạng về ngôi mộ vô danh không ai biết và cũng không xác định được mộ của ông chính xác ở đâu đã kéo dài hơn một thế kỷ rưởi, đến năm 2006 con cháu họ Mạc mới xác định và xin phép đặt một mộ bia cho ngôi mộ của Mạc Công Du.

Mạc Công Du trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1816 đến năm 1829.

K/ Mạc Công Tài:

Mạc Công Tài là em của Mạc Công Du, con người thiếp thứ ba của Mạc Tử Hoàng, không biết năm sinh, mất năm 1833 tại Hà Tiên.

Mạc Công Tài được phong chức Cai Đội Quản Thủ Hà Tiên năm 1830. Ông tại chức cho đến năm 1832, qua năm sau 1833 có vụ biến loạn Lê Văn Khôi, vì theo phe của giặc Khôi nên ông bị triều đình kết tội, họ Mạc phải bị trọng tội nên Mạc Công Tài cùng với vợ đều bị tội và chết tại Hà Tiên.

Mạc Công Tài trấn thủ ở Hà Tiên từ năm 1830 đến năm 1832. Đến giai đoạn nầy thì mặc dù con cháu họ Mạc vẫn còn ở Hà Tiên, tuy phải đổi họ và trốn tránh, nhưng sau đó đến đời vua Thiệu Trị, năm 1846, nhà vua mới cho phục hồi Mạc Công Miếu cất lại nơi núi Lăng, cho người tìm con cháu họ Mạc để ban chức và lo việc thờ phụng, giữ gìn ngôi miếu. Tuy nhiên họ Mạc đến đây đã không còn người để làm Trấn Thủ như cha ông ngày trước. Hà Tiên hoàn toàn do triều đình nhà Nguyễn quản lý và cấp quan cai trị.

Từ năm 1832 trở đi, dưới thời vua Minh Mệnh, các dinh, trấn đã được đổi lại thành tỉnh, Đàng Trong có 6 tỉnh, vì thế người ta không dùng danh xưng « Đàng Trong » nữa mà dùng thành ngữ « Nam kỳ lục tỉnh » để chỉ miền Nam nước ta, đó là các tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Danh xưng Tổng Trấn trở thành Tổng Đốc:Tổng đốc là viên quan đứng đầu một vùng bao gồm nhiều tỉnh thành, trông coi cả về dân sự và quân sự. Ngoài ra còn có chức Tuần phủ, là người lãnh đạo một tỉnh hoặc một bộ phận của tỉnh lớn, có quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm các chức quan dưới quyền ở địa phương mình quản lý, có quyền lãnh đạo về hành chính, tài chính, quân sự cùa tỉnh. Thí dụ từ đây ta có chức Tổng Đốc của tỉnh An Hà (tức An Giang và Hà Tiên) còn riêng về tỉnh Hà Tiên thì đứng đầu có quan Tuần Phủ, Quan Tổng Đốc là cấp trên của quan Tuần Phủ.

Lê Đại Cương:

Sinh năm 1771, tại Tuy Phước, Bình Định, mất năm 1847 tại Tuy Phước, Qui Nhơn.

Lê Đại Cương nổi tiếng văn võ song toàn, làm quan từ chức Tri huyện đến chức Tổng đốc, Thượng thư…Năm 1832 ông được giao làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên dưới thời vua Minh Mạng. Đến năm 1833 do việc giặc Lê Vãn Khôi nổi loạn, ông vì do trúng kế Lê Văn Khôi nên để cho giặc chiếm được Định Tường, An Giang, Hà Tiên, ông bị vua cách chức Tổng đốc An Hà. Sau đó vì phản công được giặc Lê Văn Khôi và giặc Xiêm xâm lược, ông được chức Tuần Phủ An Giang. Đến năm 1835 được quyền lĩnh ấn Tổng đốc quan phòng An Giang – Hà Tiên. Sau một lần nữa bị vua Minh Mạng gán tội, cách chức năm 1838, rồi lại được vua Thiệu Trị phục chức năm 1841 và đến năm sau ông xin về hưu. Lúc đó ông về quê Tuy Phước, Qui Nhơn lập chùa để tu và đến năm 1847 thì mất.

Lê Đại Cương làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1832 đến năm 1833.

Trương Minh Giảng:

Sinh năm 1792 tại Bình Dương, Gia Định, mất năm 1841 tại An Giang.

Trương Minh Giảng đổ Cử Nhân năm 1819, làm quan qua các chức vụ liên hệ đến bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình. Năm 1832 ông được thăng chức Thượng Thư bộ Hộ, chủ trì việc biên soạn bộ « Đại Nam Thực Lục Chính Biên ». Năm 1833 Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Gia Định, Trương Minh Giảng cùng với tướng quân Phan Văn Thúy đem quân dẹp loạn, sau đó ông được lãnh chức Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên). Ông giữ chức cho đến năm 1840, sau đó bàn giao chức Tổng đốc An Hà lại cho Dương Văn Phong. Trong thời gian nầy Trương Minh Giảng phải đối phó với sự chống đối của Chân Lạp và sự tấn công của quân Xiêm nên ông xin vua Thiệu Tri được rút quân về An Giang, việc nầy khiến ông bị vua khiển trách và bị trừng phạt, ông quá uất ức bị bệnh và qua đời năm 1841.

Đời vủa Tự Đức, Trương Minh Giảng được thờ tại đền Hiền Lương. Ông cũng được thờ tại nhà thờ họ Trương Việt Nam tại Hoa Lư, Ninh Bình.

Trương Minh Giảng làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1833 đến năm 1840.

Dương Văn Phong :

Dương Văn Phong làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1840 đến năm 1841.

Phạm Văn Điển :

Sinh năm 1769 tại Phú Vang, Thừa Thiên, mất năm 1842 tại Thất Sơn, An Giang..

Phạm Văn Điển tuy xuất thân là lính huấn luyện voi trận, nhưng về sau ông được thăng chức rất cao, được xem như là danh tướng. Ông từng được vua Minh Mạng cử đi dẹp các giặc ở nhiều nơi : « giặc biển » ở Thanh Hóa, phá giặc Xiêm ở vùng Quảng Trị, dẹp cuộc nổi dậy của Đinh Công Tiến ở Thanh Hóa…Đặc biệt Phạm Văn Điển có công lớn trong cuộc dẹp giặc Nông Vân Vân ở Tuyên Quang. Năm 1841 ông được tạm quyền giữ chức Tổng đốc An Hà. Đến năm 1842 ông thọ bệnh và mất tại quân thứ Thất Sơn, An Giang.

Sau khi mất, vua Thiệu Trị thương tiếc, phong ông là Tráng Vũ Tướng Quân, Tả Quân Đô Thống, Chưởng Phủ Sự.

Vua Tự Đức cho thờ ông ở đền Hiền Lương. Hiện tại ông được thờ cúng ở Phạm Tộc Từ Đường, thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

Phạm Văn Điển làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1841 đến năm 1842.

Nguyễn Công Nhàn :

Không biết năm sinh, không rỏ nơi sinh, mất năm 1867 tại Lấp Vò, Đồng Tháp.

Nguyễn Công Nhàn người gốc Phước Chánh, Biên Hòa, nhân việc dẹp loạn Di, Châu ở Khai Biên thuộc Hà Tiên (1838), được phong Vệ Úy. Năm 1840 ông đánh phá tan nhiều đồn quân Xiêm, được vua Minh Mạng khen thưởng và ban cho 4 chữ « Hùng Dũng Chi Tướng ». Năm 1842 ông lại hiệp sức với các tướng khác đánh đuổi được giặc Xiêm ở An Giang, Hà Tiên và được thăng  Tổng Đốc An Hà. Năm 1843 ông xin vua cho khởi công đào kênh Tân Châu (kênh Vĩnh An). Năm 1844 ông bị mắc tội vu cáo nên cùng với một loạt các quan chức An Giang, Hà Tiên, tất cả đều bị cách chức. Sang năm 1845 ông được vua xét cho phục chức Hiệp Quản, được điều đi đánh giặc Chân Lạp ở vùng An Giang.

Đến đời Thiệu Trị, năm 1847, Nguyễn Công Nhàn được làm Lãnh Binh Gia Định. Sang đời Tự Đức, ông được thăng Đề Đốc An Giang (1856), rồi Tuần Phủ Hà Tiên (1848).

Từ năm 1859, Tổng Đốc An Hà là Cao Hữu Bằng chết ; Nguyễn Công Nhàn được thay thế với chức Hộ Lý Tổng Đốc An Hà. Đến năm 1861, ông đổi đi lãnh chức Tổng Đốc Định Tường, tuy nhiên lúc nầy quân Pháp chiếm thành Mỹ Tho, ông bị vu tội bỏ thành chạy nên lại bị cách hết chức tước. Tuy sau đó ông được vua Tự Đức phục chức nhưng ông bắt đầu sự nghiệp chiêu tập nghĩa quân chống Pháp ở vùng Lấp Vò, Đồng Tháp.

Hiện nay có ngôi đền thờ của Hùng Dũng Chi Tướng Nguyễn Công Nhàn do con cháu năm đời xây dựng phụng thờ tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp rất khang trang và ấm cúng, hương khói quanh năm.

Nguyễn Công Nhàn làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1842 đến năm 1844 (nhiệm kỳ đầu).

Nguyễn Văn Chương :

Sinh năm 1800 tại Phong Điền, Thừa Thiên (Huế), mất năm 1873 tại Hà Nội.

Nguyễn Văn Chương là tên cũ của Nguyễn Tri Phương, ông là một đại danh thần dưới nhà Nguyễn tuy ông xuất thân từ nhà nghèo khó và không có khoa bảng, nhờ ý chí tự lập nên ông làm nên cơ nghiệp lớn.

Năm 1835, ông cùng với Trương Minh Giảng vào Gia Định bình định thành công các vùng đất mới khai hoang. Đến năm 1837 bị dèm pha nên bị giáng chức, tuy nhiên năm 1839 được phục chức và được bổ nhiệm làm Tuần Phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi (1840) canh chừng cửa biển Đà Nẳng. Sau đó vì công việc tốt đẹp ông được cử làm Tổng Đốc Vĩnh Long, Định Tường. Đến năm 1844 Nguyễn Văn Chương được phong Tổng Đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên). Ông cùng với Doãn Uẩn đáng bại giặc Xiêm, ổn định vùng biên giới Tây Nam.

Vua Thiệu Trị khen ngợi ông và ban cho danh hiệu « An Tây Trí Dũng Tướng » (1847). Đến đời vua Tự Đức ông được vua chuẩn phê cải tên là Nguyễn Tri Phương, từ đó là tên chính của ông (1850).

Từ năm 1858, ông bắt đầu tham gia chống Pháp ở các nơi như : Gia Định, Phú Thọ, Chí Hòa (Kỳ Hòa). Sau khi ba tỉnh miền Đông bị chiếm, ông được cử ra Bắc xem xét việc quân sự ở Bắc kỳ (1862). Năm 1873, Nguyễn Tri Phương lãnh nhiệm vụ trấn giữ thành Hà Nội, trong trận đánh chiếm thành Hà Nội, quân Pháp dưới sự chỉ huy của đại úy Francis Garnier tấn công quá mạnh, con ông là Nguyễn Lâm trúng đạn chết, ông bị thương nặng, sau đó vì ông từ chối được cứu chữa, lại tuyệt thực nên ông mất vào năm 1873.

Hiện nay có đền thờ họ Nguyễn Tri ở Phong Điền, Thừa Thiên, Huế và ở Biên Hòa, Đồng Nai cũng có đền thờ ba vị Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy (em của Nguyễn Tri Phương) và Nguyễn Lâm (con ông), đền thờ nầy xem như đinh Thành Hoàng của địa phương.

Nguyễn Tri Phương làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1844 đến năm 1845.

Tôn Thất Bạch :

Tôn Thất Bạch làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1845 đến năm 1847.

Doãn Uẩn :

Sinh năm 1795 tại Vũ Thư, Thái Bình, mất năm 1850 tại An Giang.

Doãn Uẩn sinh ra trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ ông được rèn cặp, năm 1828 ông đỗ Cử Nhân với hạng ưu. Sang năm sau ông bắt đầu sự nghiệp quan trường. Năm 1832 thụ chức Án Sát Vĩnh Long, do giặc Lê Văn Khôi chiếm được thành Vĩnh Long, ông cùng với các tướng thuộc nhóm Trương Minh Giảng sau đó thu phục được Vĩnh Long. Thời gian sau ông tham gia đánh giặc Xiêm và giúp vua Chân Lạp.

Năm 1834 vua Minh Mạng bổ ông làm Án Sát Thái Nguyên ở miền Bắc, cùng với Nguyễn Công Trứ trấp áp giặc Nông Vân Vân. Năm 1838 ông được thăng Tổng Đốc Định Yên và kiêm luôn chức Tuần Phủ Hưng Yên (miền Bắc). Đến năm 1840 Doãn Uẩn được đưa về miền Nam, giữ gìn biên cương Tây Nam. Năm 1844 giữ chức Tuần Phủ An Giang.  Đến năm 1847 đời vua Thiệu Trị, ông được cử làm Tổng Đốc An Hà thay thế Nguyễn Văn Chương (tức Nguyễn Tri Phương). Vua phong cho ông hiệu An Tây Mưu Lược Tướng. Chính trong thời gian nầy Doãn Uẩn cho xây dựng chùa Tây An tại chân núi Sam, Châu Đốc.

Năm 1850 Doãn Uẩn mất bệnh tại An Giang và được đưa về quê an táng.

Vua Tự Đức truy tặng cho ông hàm Hiệp Biện Đại Học Sĩ và được đặt bài vị tại đền Hiền Lương cùng với 39 danh thần nhà Nguyễn khác.

Doãn Uẩn làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1847 đến năm 1850.

Cao Hữu Bằng :

Còn có tên là Cao Hữu Dực.

Không rỏ năm sinh, năm mất., chỉ biết ông gốc Phong Điền, Thừa Thiên, Huế.

Năm 1825, ông đỗ Hương Tiến, làm đến Thượng Thư bộ Binh, rồi cùng Doãn Uẩn quản lý cơ vụ thành Trấn Tây (Nam Vang) vùng đất của Campuchia ngày nay. Có lần phạm lỗi sơ thất, ông phải giáng làm Viên Ngoại Lang bộ Binh, nhưng sung chức Hiệp Tân.

Năm 1848, đầu đời Thiệu Trị, ông quyền lĩnh Bố Chánh An Giang. Rồi vì việc thất thủ thành Trấn Tây, ông lại bị giáng chức, nhưng vẫn quyền lĩnh Án Sát An Giang. Ít lâu, lại bổ làm Tuyên Phủ Tây Ninh, rồi thăng Tổng đốc An Hà. Khi mất, được truy tặng Hiệp Biện Đại Học Sĩ.

Cao Hữu Bằng làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1850 đến năm 1859.

Nguyễn Công Nhàn :

(Xem phần Nguyễn Công Nhà phía trên)

Nguyễn Công Nhàn làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1859 đến năm 1861 (nhiệm kỳ cuối).

Phan Khắc Thận :

Sinh năm 1798 tại Sơn Tinh, Quảng Ngãi. Mất năm 1868 tại quân thứ khi ông đang tiểu trừ giặc Ngô Côn ở vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Ông đỗ Tú Tài đời vua Minh Mạng (1825), đời vua Thiệu Trị ông nhận chức quyền nhiếp phủ Tây Ninh. Tại đây ông có công dẹp loạn Đinh Thân. Năm 1844 Phan Khắc Thận được cử làm Án sát Bình Định và Vĩnh Long rồi thăng Tuyên phủ sứ Tây Ninh và sau đó Bố chánh sứ Nam Định, Hà Nội.

Năm 1852 đời vua Tự Đức, ông có công dẹp loạn quân phỉ cướp phá Lạng Sơn và được thăng cấp. Đến năm 1858, ông được cử đem quân chống cự quân Pháp tấn công Đà Nẳng, bị thua trận, ông bị giáng ba cấp..Khi quân Pháp đánh Gia Định, ông được vua cử làm Tuần Phủ An Giang, dẹp được loạn Khmer ở Ba Xuyên nên ông được thưởng công, thăng làm Tổng đốc An Hà (1859).

Năm 1861, Định Tường thất thủ, Phan Khắc Thận cùng với các tướng khác, tổ chức chiêu binh, xây đồn lũy chống quân xâm lược.

Năm 1862, do việc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước với Pháp, Phan Khắc Thận vừa bị áp lực của Pháp và của cả triều đình Huế để truy bắt và giao nạp hai thủ lĩnh chống Pháp là A Soa (một người Khmer có tên Ong Bướm) và Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân). Cuối cùng hai thủ lĩnh chống Pháp nầy đều bị bắt và bị giao nộp cho cho Pháp.

Phan Khắc Thận làm Tổng Đốc An Giang – Hà Tiên từ năm 1861 đến năm 1867.

Bảng tóm tắt giai đoạn các quan quản thủ Hà Tiên từ 1708 đến 1867:

Họ và tên: Giai đoạn trấn thủ Hà Tiên / Chú thích
Mạc Cửu: 1708 – 1735
Mạc Thiên Tích: 1735 – 1771
Trần Liên: 1771 – 1773 / Xiêm chiếm Hà Tiên
Mạc Thiên Tích: 1773 – 1777 / Mạc Tử Hoàng làm phó Tổng Trấn
Chiến tranh Tây Sơn: 1777 – 1787
Mạc Tử Sanh: 1787 – 1788
Tướng Xiêm: 1788 – 1789 / Ảnh hưởng Xiêm
Mạc Công Bính: 1791 – 1792
Không có quan cai trị: 1792 – 1799 / Ảnh hưởng Xiêm
Mạc Tử Thiêm: 1799 – 1809
Ngô Y Nghiểm: 1809 – 1810 / Nhà Nguyễn bổ nhiệm
Nguyễn Văn Thiện: 1810 – 1811
Trương Phúc Giáo: 1811 – 1815
Nguyễn Văn Chiêm: 1815 – 1816
Mạc Công Du: 1816 – 1829
Mạc Công Tài: 1830 – 1832
Lê Đại Cương: 1832 – 1833 / Nhà Nguyễn bổ nhiệm
Trương Minh Giảng: 1833 – 1840
Dương Văn Phong: 1840 – 1841
Phạm Văn Điển: 1841 – 1842
Nguyễn Công Nhàn: 1842 – 1844 / Nhiệm kỳ đầu
Nguyễn Tri Phương: 1844 – 1845
Tôn Thất Bạch: 1845 – 1847
Doãn Uẩn: 1847 – 1850
Cao Hữu Bằng: 1850 – 1859
Nguyễn Công Nhàn: 1859 – 1861 / Nhiệm kỳ cuối
Phan Khắc Thận: 1861 – 1867

Paris, viết xong ngày 27/02/2023 Patrice Tran  (Trần Văn Mãnh)

Lãnh thổ trấn Hà Tiên vào năm 1708: vùng màu nâu, ranh giới phỏng theo tư liệu.

Lãnh thổ trấn Hà Tiên vào năm 1757: vùng màu nâu, ranh giới phỏng theo tư liệu. Đây là giai đoạn dưới thời Mạc Thiên Tích, trấn Hà Tiên có diện tích lớn rộng nhất, diện tích lên đến hàng chục ngàn km².

Lãnh thổ thành phố Hà Tiên vào năm 2018: vùng màu đỏ, diện tích thu nhỏ lại khoảng chừng 100 km²

Một trong hai bức tượng tướng quân đứng hai bên ngôi mộ của Mạc Cửu, núi Bình San, Hà Tiên. Hình chụp từ sau lưng tượng, nhìn về phía cửa sông Giang Thành ra biển. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp vào năm 1953. (đây là hình bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mộ)

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích, núi Bình San, Hà Tiên vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.

Quang cảnh đền Mạc Công Miếu (Hà Tiên), nơi thờ các quan quản thủ Hà Tiên trong gia đình họ Mạc. Hình: Trần Văn Mãnh, năm 1994

 

 

Tết Nguyên Tiêu ở Hà Tiên (Trương Minh Cát Nguyên)

Thầy cô và các bạn thân mến, ông bà ta thường nói cụm từ ngữ « ba ngày Tết »…., đó là để nói lên một khoảng thời gian tuy ngắn vì chỉ có ba ngày mà hình như mọi hoạt động thường ngày đều được tạm gát lại để nhường chỗ cho các cuộc họp mặt, thăm viếng, cúng kiến,…sum họp gia đình…. Cái không khi của ba ngày đó rất là thiêng liêng, mà lại cũng rất ấm cúng, quen thuộc và cũng rất cảm động với những cuộc gặp gỡ lại sau một năm dài xa cách vì phải đi làm ăn, làm việc ở phương xa…

Ngày xưa khi mình còn đi dạy học xa nhà thì cũng nhân ba ngày Tết đó cũng được tạm nghỉ dạy để về quê nhà Hà Tiên ăn Tết với gia đình. Tuy vậy mình cũng khá « ham ăn Tết », trong những năm xưa như thế nên không phải chỉ có ba ngày mà hơi lạm dụng việc nghỉ Tết để kéo dài thời gian ăn Tết có khi đến một tuần lễ…khiến cho mấy em học trò ngóng chờ thầy đến dài cổ…!

Bây giờ tuy cũng ăn Tết trong ba ngày xuân ngắn ngủi trôi qua, nhưng theo tác giả Trương Minh Cát Nguyên, từ trẻ em đến người lớn ở Hà Tiên ngày nay lại được thêm hai ngày vui chơi lễ hội, đó là hai ngày trước sau nhân dịp ngày rằm tháng giêng tuy từ xưa đến giờ theo sách vở, truyền thống văn hóa, ngày rằm nầy đã là một ngày rất quan trọng trong năm rồi, nhưng là con cháu của Tổng Binh Đô Đốc Mạc Cửu thì chúng ta còn có bổn phận nhớ đến ngày rằm tháng giêng nhiều hơn nữa, vì đó là ngày mà con trai của ông Mạc Cửu, vị Thống Soái Mạc Thiên Tích của Hà Tiên chúng ta trong lúc tiếp nối sự nghiệp của cha mình, đã tạm gát áo bào, kiếm trận « những lúc việc chánh trị rỗi rảnh cùng các văn nhân đàm sử vịnh thi »(*)  hoặc « mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi »(*)...để rồi đến ngay ngày rằm tháng giêng năm Bính Thìn 1736, cùng thầy Trần Tuấn Khải tự Hoài Thủy, « dựng cờ Tao Đàn, mở hội phong nhã »(*)..., cho ra đời Tao Đàn Chiêu Anh Các.

Như vậy còn gì hay bằng trong dịp ngày Tết Thượng Nguyên nầy, chúng ta cùng họp mặt, một là để tưởng nhớ sự nghiệp người xưa và sự ra đời của một Tao Đàn được xem như nhất nhì trong lịch sử Nam tiến, hai cũng là để theo gót người xưa, dám cất tiếng ngâm vịnh, hát xướng, giới thiệu vài tác phẩm văn học, nghệ thuật để cho truyền thống văn thơ của đất Hà Tiên vẫn còn sống mãi, đó là điều mà Hà Tiên đã không quên, bằng chứng là trong dịp nầy chúng ta được giới thiệu đến với tác phẩm « Nghiên cứu Hà Tiên – Họ Mạc với Hà Tiên » do học giả Trương Minh Đạt viết sau nhiều năm làm việc, tìm tòi nghiên cứu để cố gắng đưa đến cho chúng ta một nhận thức mới về lịch sử của vùng đất Hà Tiên và vai trò của họ Mạc trong công cuộc phát triển đất Hà Tiên, qua đó thúc đẩy việc Nam tiến của triều Nguyễn tiến mạnh và hoàn thành một cách nhanh chóng. Ngoài ra trong dịp nầy, người Hà Tiên cũng được dịp tham quan, thăm viếng các quầy sách, tạp chí và nhân đó nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử…(Paris, 08/tháng hai/2023 TVM viết lời giới thiệu). 

(*) : Lời viết của Mạc Thiên Tích bằng chữ Hán, do thi sĩ Đông Hồ dịch ra chữ Việt.

TẾT NGUYÊN TIÊU Ở HÀ TIÊN

Ngày còn bé, cứ hết mùng 3 tết, anh em tôi thường rất luyến tiếc 3 ngày xuân trôi nhanh. Những ngày tết đó thật là đáng nhớ, vì đó là 3 ngày duy nhất chúng tôi được nghỉ ngơi và ăn uống thỏa sức, 360 ngày còn lại là học tập và lao động chân tay đến rã rời, đặt lưng chỗ nào cũng ngủ được.

Nhưng, ở Hà tiên, bọn trẻ và người lớn còn thêm được 2 ngày … vớt cú chót vui xuân, đó là ngày rằm tháng giêng, với lễ hội Chiêu Anh Các hàng năm, mà bọn con nít tụi tôi gọi là … đi hái lộc!

Đây là dịp người lớn tổ chức thi ca – hát xướng, ngâm thơ với nhau, truyền nhau những tác phẩm văn học – nghê thuật đã sáng tác trong năm, hoặc những nghiên cứu mới được phát hiện trong lĩnh vực của họ. Lễ hội này là sự tiếp nối truyền thống có từ đầu thế kỉ 18 – khi Mạc Cửu đặt chân đến khai phá vùng đất mà ông đặt tên là Hà Tiên, để rồi 1736 con trai ông là Tổng Binh Đô Đốc Mạc Thiên Tích tổ chức một thi đàn vang dội, tụ họp những nhân sĩ trí thức khắp vùng Đông và Đông Nam Á về tham gia – Tao Đàn Chiêu Anh Các. Từ thời điểm đó, hàng năm vùng đất này có ngày lễ hội đặc biệt này.

Có lẽ ngày xưa, các cô các câu cùng cha mẹ đến dự những buổi trao đổi thi ca đó, người lớn trong kia chăm chú thưởng thức những áng văn thơ mới đầy sức quyền rũ, còn bọn con nít choai choai bắt đầu biết thẹn thùng với bạn trai-bạn gái thì … rảnh quá đâu biết làm gì, rủ nhau đi dưới những tán cây nhìn lên trăng rằm vằng vặc sáng, nói những câu chào hỏi làm quen trong rung động những cảm xúc đầu đời, trong cái tiết xuân mát mẻ, bắt đầu những mối quan tâm mới mẻ về nhau trong khung cảnh đầy lãng mạn… Họ đi cùng nhau dưới lấp lánh ánh trăng soi mặt đất, trong lao xao tán lá,… họ trao cho nhau những ánh mắt mà họ chưa từng có cảm xúc thú vị hơn,… bối rối, muốn cầm tay người kia nhưng không dám, cảm thấy thừa thải… Thừa tay, thừa chân, họ ngắt những cành hoa, những cành lá, đọt cây trong tầm tay quanh lối đi, đưa cho nhau và thích thú đón nhận những tiếng cười trong trẻo,… Từ buổi đó, mối quan hệ giữa họ nảy nở lên, nhiều đứa trẻ nên duyên thành vợ, thành chồng… Cái động tác ngắt ngọn cây, lá cây đó, họ luôn giữ trong lòng, là những ký ức đẹp không gì đẹp hơn! Qua nhiều thế hệ từ ngày có Tao đàn Chiêu Anh Các, những cú ngắt, hái cây đó trở thành cái tục …. HÁI LỘC ĐẦU XUÂN tại Hà tiên ngày nay! Nó thành một tập tục đầy lãng mạn, giàu cảm xúc chưa từng có, độc đáo hơn tất cả những nơi khác, trong bất cứ vùng đất nào của nước ta! Không như những vùng đất khác đầu năm đem con vật ra chém, tế này kia. Ở Hà tiên quê tui cũng “chém”! Nhưng mà mọi người chém thơ, chém văn phần phật trong gió, trong tiết xuân thấm đẫm kỷ niệm và yêu thương…

Ngày nay, cứ đến rằm tháng giêng hàng năm, nhà nào ở Hà tiên mà có hàng cây làm rào, sáng hôm sau là cây chẳng còn hoa, chồi non bị ngắt trụi,… trước cổng nhà vương vãi những lá và hoa! Ai cũng rất vui, không ai buồn la vì cây cối hoa cảnh bị vặt trụi! Ngày xưa khi còn nhỏ, họ cũng vặt của nhà khác đó thôi! Kỷ niệm đó ùa về, làm sao mà la, mà rầy cho được!?

(Bài viết này là tui tự tưởng tượng ra mình đang được Cha dẫn đến Tao Đàn Chiêu Anh Các tối rằm tháng Giêng nhe! Không phải là tư liệu lịch sử à! – Là tui « chém » vài dòng văn cho vui sau khi Lễ Hội tan rồi á!)

                                                      Trương Minh Cát Nguyên (08/tháng hai/2023)

Trương Minh Cát Nguyên, tác giả bài viết, một vài phút quên đi những con số, tài chánh, ngân hàng, bảo hiểm để vui xuân cùng ngày lễ Nguyên Tiêu

Quang cảnh « đường sách », trình bày, giới thiệu sách nhân dịp Tết Nguyên Tiêu ở Hà Tiên năm nay (2023). Từ trái qua phải: Cô Nguyễn Phước Thị Liên, Trương Ân Nhu và thầy Trương Minh Đạt.

Giới thiệu quyển sách « Nghiên cứu Hà Tiên – Họ Mạc với Hà Tiên », phát hành lần đầu tiên 2017

Hình trái: Thầy cô Trương Minh Đạt và Nguyễn Phước Thị Liên với quầy giới thiệu sách. Hình phải: Chữ viết tặng sách do chính tác giả viết.

Chú thích: Blog « Trung Học Hà Tiên xưa » xin cám ơn các bạn: Trương Minh Quang Nguyên, Trương Minh Cát Nguyên, Trương Ân Nhu, Nguyễn Việt Ngân và Trương Ân Triêm về hình ảnh và bài viết.

 

 

 

Một cuộc hội ngộ bất ngờ và thú vị ngày đầu năm mới

Thầy cô và các bạn thân mến, đúng ngay ngày đầu năm 01/01/2023, mình cùng với bà xã Ngọc Tiếng đi dự buổi văn nghệ vừa thư giản trong ngày đầu năm vừa ủng hộ hội “Un Soin Une Vie” (Một sự chăm sóc một cuộc đời), tổ chức tại thành phố ngoại ô Paris, Vitry Sur Seine, nước Pháp. Đặc biệt trong buổi văn nghệ nầy có sự có mặt của gia đình nghệ sĩ Ngọc Huyền từ nước Mỹ sang với cô con gái đầu lòng được đặt tên là Hà Tiên.

Vì không biết là gia đình Ngọc Huyền có liên hệ gì với vùng đất Hà Tiên hay không mà cô con gái lại mang tên nầy nên mình có nói chuyện với anh Đông Nguyễn là phu quân của nghệ sĩ Ngọc Huyền để hỏi thăm thì được anh cho biết là trong nhà anh chị có hai cháu nên cháu gái đầu đặt tên là Hà Tiên (thuộc miền Nam), cháu trai sau đặt tên là Hà Nam (thuộc miền Bắc). Anh Đông Nguyễn còn cho biết thêm cũng vì Ngọc Huyền rất được biết đến khi ca bài Hà Tiên nên trong nhà rất yêu mến vùng đất Hà Tiên, do đó Ngọc Huyền đặt tên cho con gái như thế. Nghe xong câu chuyện mình cũng rất vui và nhân tiện tự giới thiệu với anh chính mình là người gốc Hà Tiên thật sự, và cũng nhân vậy xin mạn phép thay mặt người Hà Tiên cám ơn và chúc vui gia đình của anh.

Chương trình văn nghệ bắt đầu lai rai thì tiếp đến có các tiết mục chính là sự trình diễn của Ngọc Huyền và cô con gái tên Hà Tiên…Ca sĩ Hà Tiên rất xinh đẹp và ca cũng rất hay, trong lúc cô ca thì mình cũng có thâu hình lại để có dịp cho người đồng hương của mình xem qua. Tuy là được sinh ra bên Mỹ, nơi gia đình của Ngọc Huyền định cư, nhưng cô ca sĩ trẻ Hà Tiên ca rất hay, lời ca tiếng Việt được phát âm rành rẽ…. Sau khi phần trình diễn của Hà Tiên chấm dứt thì mình tắt máy quay, chuẩn bị về chỗ ngồi thì có một cô đến ngay gặp mình và hỏi là “Chắc người Hà Tiên hay sao mà quay phim ca sĩ Hà Tiên ca vậy?”…

Thoạt đầu qua một giây ngắn mình hơi ngạc nhiên nhưng chưa kịp nghe hết lời tự giới thiệu của cô thì mình đã nhận ra người và thốt lên ngay; “A ! Vương Ngọc Hường đây phải không?”, trong lúc đó thì cô cũng thốt xong câu tự giói thiệu: ”Vương Ngọc Hường đây anh Mãnh!”…

Thật là rất bất ngờ và cũng rất thú vị, thầy cô và các bạn mến, thực ra mình chưa bao giờ gặp cô bạn Vương Ngọc Hường bằng xương bằng thịt trước mặt cả, vì Hường chính là một cựu học sinh của ngôi trương Trung Học Công Lập Hà Tiên ngày xưa trong những năm 70, thời gian mà mình đã rời trường đi học ở Rạch Giá và Cần Thơ.

Sở dĩ mình biết Vương Ngọc Hường và nhận ra ngay là vì kể từ năm 2015, lúc mà mình sáng lập ra blog “Trung Học Hà Tiên Xưa” (THHTX), trong đó có đăng rất nhiều hình ảnh thầy cô, những gương mặt quen thuộc của Trung Học Hà Tiên xưa, có vài tấm hình các bạn cùng lớp chụp chung và có gương mặt của Vương Ngọc Hường, hình do bạn Lê Phước Dương cung cấp và chú thích cho biết tên họ các bạn có mặt trong hình.

Nói một cách rỏ hơn Vương Ngọc Hường chính là bạn học cùng lớp với các bạn thân quen mà ngày xưa mình thường đi chơi chung, đó là Lê Phước Dương, Trang Việt Thánh, Hoàng Thu Bình, Trần Tuấn Kiệt, Hà Quốc Hưng,..v..v…(lớp học của các bạn nầy sau lớp của mình hai năm).

Tưởng cũng nên nhắc lại mối liên quan bạn học  của Lê Phước Dương và Vương Ngọc Hường qua một trích đoạn trong một bài viết của Lê Phước Dương có đăng trên blog THHTX thuộc tiết mục “Chuyện vui buồn ngày xưa” như sau:

May mắn làm sao lớp có được hai gương mặt nữ mới là Vương Ngọc Hường và Nguyễn Kim Tuyến từ Kampuchia theo gia đình hồi hương về Hà Tiên, cả hai trước đây đều học Trường Pháp nên môn Pháp văn rất giỏi, tuy nhiên về tiếng Việt thì hơi có vấn đề, thế là mình và Hưng cùng nhau tiếp cận hai nàng. Hà Quốc Hưng thì cao lớn đẹp « chai » nên đã chọn Kim Tuyến, còn mình thì Ngọc Hường…!!… »

……………

“Tình cờ được Hoàng Đức Trung giới thiệu mình được dạy kèm môn Toán lớp Đệ Thất cho em Tâm (nhà có một em bé gái rất là dể thương) nên mình có thêm được tiền xài. Hằng đêm nếu không đi dạy kèm thì đến nhà của Vương Ngọc Hường cùng học, cùng làm bài tập Toán với phương trình thông số m, chứng minh Hình Học..v..v…

Không biết Ngọc Hường có chút tình cảm gì với mình không chứ mình thì đêm nào mà không đến cùng học với Hường thì cứ ray cứ rứt, nhớ làm sao mùi tóc thoang thoảng nhè nhẹ bay vào mũi, giọng nói ngọt ngào c« Dương ơi! Dương à!…cái nầy gọi là gì…, cái nầy làm sao… »…cứ văng vẳng bên tai. Tình cảm đầu đời của thằng con trai mới lớn sao mà dể thương người ta, dể nhớ người ta quá vậy… »  (trích trong bài viết “Những câu chuyện một thời áo trắng”, tác giả Lê Phước Dương, đăng ngày 15/tháng 3/2019 trên blog THHTX). 

Sau đó nhờ có một số hình ảnh các bạn cùng lớp mà Lê Phước Dương đã chia sẻ cho mình, mình thường trích hình đăng trên blog THHTX trong các tiết mục “Sinh hoạt Trung Học Hà Tiên Xưa” và “Những gương mặt Trung Học Hà Tiên Xưa”…Theo thời gian, blog THHTX cũng đã được phổ biến khá rộng rải, tình cờ vào tháng 11 năm 2020, mình nhận thấy có một nhận xét viết dưới trang đầu bài giới thiệu về blog, lời nhận xét viết như sau:

« Ngày 21/tháng 11/năm 2020

Thân chào anh Mãnh

Tôi là 1 trong 2 gương mặt mới, hồi hương về quê mẹ năm 70. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy lại chân dung của mình cách đây 50 năm được chấp nhận cùng với tất cả các bạn học sinh của trường trung học Hà Tiên dù tôi chỉ học được 1 năm thôi. Nhờ blog của anh mà tôi nhìn lại được chân dung của những người bạn cũ. Ngọc Bích có hỏi tôi còn nhớ anh Mãnh không tôi suy nghĩ một hồi rồi trả lời « không » nhưng khi nhìn được hình thì tôi nhớ ra ngay gương mặt nầy tôi đã từng nhìn thấy qua rồi. Thành thật cảm ơn anh vì từ đây bạn bè có thể biết được tin tức của nhau sau 50 năm im lặng. Bích và tôi đã có chương trình về HT để được gặp lại các bạn thì dịch covid 19 lại bùng phát.

Chúc gia đình anh luôn an lành và những ngày cuối tuần vui vẻ.

Vương Ngc Hưng »

Thật là bất ngờ và rất vui, khi đọc xong lời nhận xét của Vương Ngọc Hường viết, mình hiểu ngay đó là Vương Ngọc Hường bạn học cùng lớp với Lê Phước Dương, đó là vào niên khóa lớp đệ tam (1970-1971). Vì có được địa chỉ mail của Vương Ngọc Hường nên qua đó mình có trả lời và giữ được liên lạc với Vương Ngọc Hường, đồng thời mình cũng rất vui thông tin cho bạn Lê Phước Dương là đã tìm được tin tức của người bạn học chung lớp với Dương năm xưa. Sau đó mình cũng có dự báo với Vương Ngọc Hường là qua thời gian khó khăn của vụ dịch bệnh hai năm 2020, 2021, sau nầy nếu thuận tiện sẽ có dịp gặp nhau tại Paris. Trong thời gian đó, Vương Ngọc Hường vẫn thường xuyên theo dõi các bài mới đăng trên blog THHTX và cũng có viết góp ý vài nhận xét về bài vở. Cũng nhờ có việc tình cờ Vương Ngọc Hường khám phá ra được blog THHTX và đã nhận ra được bạn bè cùng lớp năm xưa.

Thời gian bẳng trôi đi, dù tình hình dịch bệnh đã giảm nhiều, mình vẫn chưa có dịp cụ thể hóa sự gặp gở với Vương Kim Hường, may mắn thay, qua một buổi dự xem văn nghệ như đã nói ở phần trên, mình và Vương Ngọc Hường được dịp gặp gở nhau, không qua sự hẹn trước mà chỉ cần một duyên cơ lành đến rất bất ngờ và rất thú vị. Xin cám ơn bạn Vương Ngọc Hường đã không ngần ngại đến hỏi thăm mình vì Hường có nói là thoạt đầu nhìn thấy mình trong phòng trình diễn văn nghệ thì Hường đã nghi là anh bạn Trần Văn Mãnh của vùng đất Hà Tiên đây rồi, sau đó thấy anh ta quay vidéo bài hát do cô ca sĩ Hà Tiên ca thì mười phần đã chắc đúng đến chín phần chín rồi…

Qua cuộc hội ngộ và nói chuyện, được biết Vương Ngọc Hường đã đi qua nước Pháp ngay từ năm 1975. Sau đó Hường định cư tại nước Pháp và lập gia đình, có hai cháu.

Thầy cô và các bạn thân mến, trong blog THHTX, mình có mục «Trung Học Hà Tiên xưa: Những cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm qua», cuộc hội ngộ rất bất ngờ và thú vị với Vương Ngọc Hường ngày đầu năm trong một buổi đi xem văn nghệ như đã kể quả đúng là một trong những cuộc hội ngộ của Trung Học Hà Tiên Xưa sau hơn 40 năm qua, còn hơn nữa, trong trường hợp nầy có thể nói là sau hơn 50 năm qua, từ một người bạn gái học cùng lớp với bạn Lê Phước Dương, người bạn gái nầy mình chưa bao giờ gặp gở nhưng có thể nói theo tinh thần của ngôi trường Trung Học Hà Tiên của chúng ta, sự gặp gở đó cũng được xem như đã diễn ra từ khi mình thành lập blog THHTX, từ khi Vương Ngọc Hường đã nhận ra hình ảnh của Hường đăng trên blog, rồi đến ngày đầu năm 2023, sự hội ngộ thực sự đến với một niềm vui vừa bất ngờ vừa thú vị.

Mong rằng tất cả quý thầy cô, bạn học của chúng ta của ngôi trường Trung Học Hà Tiên xưa sẽ có được hết cả mọi cuộc gặp gở bất ngờ và thú vị như vậy nữa nhé để chúng ta nối lại cuộc vui của những giờ ra chơi ấm áp dưới giọt nắng trong sân trường ngày nào vẫn còn đang dang dở và đang chờ chúng ta…

Paris, ngày thứ nhì của năm mới 2023, Trần Văn Mãnh.

Hội ngộ Trung Học Hà Tiên sau hơn 50 năm. Bên trái: Vương Ngọc Hường, bên phaỉ: Trần Văn Mãnh. Hình TVM 2023

Vương Ngọc Hường (01/01/2023), học sinh Trung Học Hà Tiên xưa trong những năm 1970.

Nguyễn Kim Tuyến, Vương Ngọc Hường, Hoàng Thu Bình và Lê Phước Dương, hình chụp trước cột cờ trường Trung Học Công Lập Hà Tiên những năm 1970, người bấm máy chụp là thầy Nguyễn Văn Nén.

Lê Phước Dương, Hoàng Thu Bình và Vương Ngọc Hường (bạn cùng lớp nhau những năm 1970 Trung Học Hà Tiên)

 

Thầy Doãn Quốc Sỹ

Thầy Doãn Quốc Sỹ

A/ Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ được chúc thọ 100 tuổi :

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thế hệ học sinh của chúng ta vào những thập niên 60 và 70, ít có bạn nào được may mắn theo học tại trường Trung Học Công Lập Hà Tiên dưới thời thầy Doãn Quốc Sỹ làm hiệu trưởng. Thật vậy, mãi sau nầy không ít người Hà Tiên chúng ta mới biết được là thầy Doãn Quốc Sỹ đã từng có thời gian làm hiệu trưởng của trường Trung Học Hà Tiên, điểm đường Mạc Tử Hoàng, Hà Tiên. (Thầy Doãn Quốc Sỹ làm hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên trong thời gian 1960 – 1961, trước năm 1960 thầy thanh tra Hồ Văn Chiếu đảm nhận chức hiệu trưởng, sau năm 1961; 1962 thầy Lê Trung Hoan, dạy Lý Hóa, làm hiệu trưởng thay thế thầy Doãn Quốc Sỹ).

Chẳng những thầy Doãn Quốc Sỹ là một nhà mô phạm, mà lại còn là một nhà văn rất nổi tiếng của nền văn học miền nam, ông viết rất nhiều tác phẩm có giá trị. Sau 1975 ông cũng từng đi học tập cải tạo, ở tù, sau đó ông đi định cư ở nước Úc và hiện nay ông sống ở nước Mỹ.

Theo bản tin báo điện tử « Người Viêt », ra ngày 10 tháng 12 năm 2022, các đoàn thể : Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn, Viện Việt Học, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, và Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An đã cùng tổ chức vào sáng ngày thứ bảy (10/tháng 12/2022) buổi lễ chúc thọ mừng 100 tuổi của thầy Doãn Quốc Sỹ tại địa điểm Royal Garden Estates, thành phố Westminster, thuộc tiểu bang California, nước Mỹ. Trong buổi lễ mừng thọ thầy Doãn Quốc Sỹ, có rất nhiều bằng hữu thân thuộc và nhất là rất nhiều học trò cũ của thầy đến dự, những vị học trò cũ của thầy cũng đã thuộc thế hệ 60, 70 tuổi rồi. Có người còn nhắc lại một kỷ niệm xưa khi còn học với thầy Doãn Quốc Sỹ ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn như sau :

« Lần đầu thầy vào lớp, chúng tôi cùng đứng dậy chào. Thầy nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: « Không cần phải đứng lên nữa. Tôi đến đây không phải để gặp học trò mà tôi đến đây để gặp những người bạn đồng nghiệp tương lai » ». (trích bài của Đằng-Giao/Người Việt).

Đa số chúng ta, thế hệ học sinh thập niên 60, 70 và luôn cả những thế hệ trẻ sau nầy của trường Trung Học Công Lập Hà Tiên, tuy không có dịp học với thầy Doăn Quốc Sỹ, nhưng rất hảnh diện và vui mừng khi thấy ngôi trường Trung Học Hà Tiên của chúng ta đã có thời được thầy làm hiệu trưởng. Xin kính gởi đến thầy Doãn Quốc Sỹ lời chúc mừng 100 tuổi thọ và kính mong thầy sẽ còn giữ mãi sức khỏe tốt đẹp.

B/ Tóm tắt tiểu sử của thầy Doãn Quốc Sỹ (trích trong bài đăng của báo Người Việt ngày 10/tháng 12/2022) :

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ lấy tên thật làm bút hiệu. Ông sinh ngày 17 Tháng Hai, 1923 (nhằm ngày Mùng Hai Tết Quý Hợi) tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội.

Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Vào năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, là ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, Hồ Trọng Hiếu.

Năm 1954, khi hiệp ước Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.

Ông Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song, một của nhà văn và một của nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp.” Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường: Trung Học Công Lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962), Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông cũng từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961) và từng đi tu nghiệp về sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).
Vào năm 1956, với cương vị nhà văn, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Ông vẫn ưu ái gọi nhóm văn nghệ của mình là “Thất Tinh.” Ông cũng có những bài viết được đăng trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật…

Khoảng năm 1976 hầu hết các nhà văn miền Nam đều bị đưa đi học tập cải tạo. trong đó có Doãn Quốc Sỹ cùng các văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe…

Đến năm 1980, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn Thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, nhưng lại bị đi tù và bị giam cùng với ông trong đợt này có ca sĩ Duy Trác, nhà báo Dương Hùng Cường, hai nhà văn Hoàng Hải Thủy và Lý Thụy Ý… Ông bị kết án mười năm tù và mãn hạn tù lần thứ hai vào Tháng Mười Một, 1991.

Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh để di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Orange County, California.

Chân dung thầy hiệu trưởng Trung Học Hà Tiên và cũng là nhà văn Doãn Quốc Sỹ lúc trẻ và khoảng trước năm 2018.

Thầy Doãn Quốc Sỹ, giáo sư kiêm nhà văn, cố giấu xúc động trước sự quý mến của học trò nhân dịp chúc thọ mừng 100 tuổi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hình bìa quyển sách « Vào Thiền » (1970) của thầy Doăn Quốc Sỹ; một tác phẩm viết với dạng giai thoại, tùy bút.

Chú thích: Xin trân trọng cám ơn thầy Nguyễn Hồng Ẩn đã thông tin về buổi lễ mừng 100 tuổi thọ thầy Doãn Quốc Sỹ. Xin trân trọng cám ơn báo điện tử « Người Việt » và tác giả Đằng Giao về bài viết và hình ảnh về thầy Doãn Quốc Sỹ.