Giới thiệu Trần Phước An

Thầy cô và các bạn thân mến, ngày 06/08/2018 mình vừa được biết tin nhà ở Hà Tiên cho biết bạn TRẦN PHƯỚC AN (em của Trần Minh Trí và em của thầy Nhật Quang), bạn An đã ra đi vĩnh viễn..Sở dĩ mình biết được tin là vì em mình là Trần Văn Phi là em cột chèo với An (vợ của An là chị Hai của vợ của Phi, nhà của An và vợ ở trên đường đi Thạch Động Hà Tiên), Phi ở Kiên Lương, nhưng có về Hà Tiên để dự lễ an táng của Trần Phước An và có cho mình hay tin, xin cám ơn anh Hai Dõng đã chuyển tin đến. Sau đó mình có liên lạc với anh Hai Trần Văn Dõng ở VN thì được biết tin là gia đình bạn Trần Phước An có tổ chức buổi lễ hỏa táng di hài An tai chùa Khmer ở ngoài Mũi Nai, Hà Tiên (bạn Trần Phước An mất ngày 04/08/2018 vì bênh lâu năm). Ngay sau đó mình có ý nhờ hai bạn Trương Thanh Hào và Trương Thanh Hùng là hai người bạn cùng lớp với Trần Phước An, viết một bài để giới thiệu về Trần Phước An, một bạn học cùng trường với tất cả chúng ta là học trò nhiều năm của Hà Tiên ngày xưa…Hai bạn đã vui vẻ nhận lời và Thanh Hùng đại diện để viết bài, nhắc nhở về Trần Phước An và Trần Minh Trí, An và Trí là hai anh em cùng học chung một lớp, riêng Trần Minh Trí mình cũng đã biết tin là bạn Trí đã mất từ rất lâu rồi, bạn mất vì bệnh trong những năm định cư sống bên nước Mỹ.

Sau đây là phần bạn Trương Thanh Hùng kể về Trần Phước An:

Đôi điều về bạn TRẦN PHƯỚC AN (người viết: Trương Thanh Hùng)

Nghe tin Trần Phước An đã qua đời, lòng có chút xốn xang vì chưa về được để thắp cho bạn nén nhang.
Tôi và Trần Phước An biết nhau từ năm học Đệ Thất, trường Trung học Hà Tiên. Có bạn nói là chúng tôi cùng học lớp Nhứt A do thầy Phan Tấn Hoàng dạy, nhưng tôi không nhớ, có lẽ bởi không có ấn tượng gì, mà phải đến năm Đệ Thất mới có nhiều kỷ niệm.
Năm học Đệ Thất, lớp chúng tôi có nhiều trường hợp anh em ruột cùng học chung lớp, đó là tôi với anh Trương Thanh Hào, anh em Tiền Minh Quang – Tiền Quí Mai, anh em Trần Tuấn Anh – Trần Yến Phượng và anh em Trần Minh Trí – Trần Phước An.
Tôi chơi khá thân với cả Trí và An, nhất là An nên viết đôi dòng về An và Trí, coi như để tưởng nhớ người bạn vừa quá cố (mà cũng có lời động viên của anh Mãnh).
Người Hà Tiên xưa, có lẽ ai cũng biết gia đình ông Yết Ma (Yết Ma là một chức vị trong đạo Phật, dưới cấp Hòa Thượng) và việc ông bị một đệ tử giả điên chém chết lúc còn tu trong chùa Vân Sơn ở Đá Dựng. Về sự kiện này nếu có điều kiện tôi sẽ viết tiếp hầu các bạn. Gia đình ông có khá đông con, mà người con thứ tư là thầy Nhật Quang, trụ trì chùa Phù Dung. Trí và An là con của ông Yết Ma, cả hai đều đẹp trai, giỏi võ, Trí còn có nghề đờn cổ nhạc rất hay, là học trò của nhạc sư Văn Vĩ. Sau này anh qua Mỹ sống và đã chết khá lâu.
Trước hết nói về Trần Phước An. An đẹp trai, có dái tai khá dài như tai Phật, đó là người có tướng sống lâu, nhưng không biết tại sao lại chết tương đối sớm; tánh tình hiền lành, vui vẻ, vì đi học trễ nên An phải đi lính khi hết năm Đệ Tứ. Nhà của An ở bên cạnh ngôi chùa nhỏ của gia đình trước ao sen còn gọi là ao Phù Dung. Khi còn học chung, nhóm chúng tôi (anh Hào, Dương Văn Hiến, tôi, Mong Đức Hưng) hay lên núi Lăng chơi, cũng có lúc đến nhà An và vào chùa Phù Dung chơi. Trong thời gian học chung, tôi chỉ nhớ nhất chuyện đi ăn cắp dừa ở núi Lăng, An thả trái dừa ngay mỏ Dương Văn Hiến mà tôi đã nói ở chuyện trước.

Chân dung Trần Phước An lúc còn học sinh lớp Đệ Tứ (lớp được mệnh danh là « Đệ Tứ Quốc Tế »), niên khóa 1968-1969 trường Trung Học Công Lập Hà Tiên

Khi An rời ghế nhà trường, tôi chỉ biết An vào sắc lính Hải quân. Chúng tôi gần như không gặp nhau từ đó. Đến sau năm 1975, An tham gia công tác Chữ Thập Đỏ tại Hà Tiên, làm nhân viên cho cô Chín Triệu chúng tôi mới gặp lại, An vẫn giữ tính vui vẻ, hiền lành như xưa. Nhớ những năm bọn Khmer đỏ đánh phá, có lần chúng bắn pháo qua thị trấn Hà Tiên, pháo rớt trên đường Tham Tướng Sanh (gần nhà chị Châu Ngọc Mỹ), An cùng đội xung kích Chữ Thập Đỏ xông xáo cứu chữa cho người bị thương. Người bị thương (tôi không nhớ là ai) bị mảnh pháo trúng bụng lòi ruột, anh Thanh Ngọc cùng An lấy cái chén chụp lên rồi băng lại để đưa đến nơi cứu chữa.
Khi các cơ quan huyện dời về Kiên Lương, cơ quan Chữ Thập Đỏ ở gần cơ quan tôi nên chúng tôi thường xuyên gặp nhau uống cà phê, có khi cũng nhậu lai rai. An thổi sáo rất hay, tôi cũng biết thổi sáo nên cũng hay trao đổi với nhau. Có lần tôi rũ An đến cơ quan tôi chơi rồi ngủ lại, không có giường chiếu, hai anh em ngủ tại phòng làm việc của cơ quan, tôi để An ngủ trên bàn, còn tôi đâu mấy cái ghế lại nằm ngủ. Đêm ấy An nói khá nhiều về cuộc đời lang bạt của mình trong những ngày đi lính, nói cả những chuyện chơi bời không được đứng đắn lắm. Khi chơi sáo, tôi và An đều có nét riêng, trong điệu sáo tao đàn tôi học An ở tiếng sáo vút cao nhất mà ống sáo có thể, An lại học tôi ở giọng sáo xuống trầm mềm mại. Hai anh em tương đắc lắm.

Trần Phước An trong những năm gần đây. Hình: Trương Thanh Hào cung cấp

Rồi An cưới vợ về nhà sinh sống bằng việc khai thác nước ở cái ao Phù Dung trước nhà và khu vườn sau núi. Chúng tôi cũng hay gặp nhau bày chuyện nhậu nhẹt. Tôi nhớ có một lần nhóm bạn lớp tôi, có cả mấy bạn nữ đến nhà An vào một ngày sau tết, An bày tiệc, cũng đơn giản nhưng có một hủ rượu nếp than rất ngon. Mấy anh chị em nói chuyện, giởn hớt đủ thứ. Tôi vốn có tửu lượng khá cao, lại hay làm phách nên uống rất nhiều và cho rằng rượu nếp than ngọt, nhẹ, uống không say. Vậy mà sau đó mấy anh em lên Lăng Mạc Cửu chơi, tôi say đi không nổi phải nằm trên ghế đá ở võ ca ngủ. Thật tệ nhưng vui.
Vào năm 1982, tôi bị bệnh khá nặng nên không còn uống rượu, vậy mà có một lần một số bạn, trong đó có Trang Việt Thánh, Tiền Thiên Lộc, Lê Phước Hải đến nhà An, bày tiệc phía sau nhà nhậu, tôi ngồi uống nước ngọt nhìn các bạn nhậu rất vui. An vẫn giữ nét hoạt bát vui vẻ và hiếu khách như ngày nào dù đã có vợ con.
Năm 1987, tôi ra Rạch Giá sinh sống nên ít có dịp gặp An. Thỉnh thoảng, khi về Hà Tiên tôi có ghé thăm, những năm gần đây sức khỏe An xuống thấy rõ, không còn nụ cười có duyên như xưa, nhưng không nghĩ là Trần Phước An lại ra đi sớm như vậy.
Mấy dòng nhắc bạn, cầu chúc hương hồn Trần Phước An sớ tiêu diêu nơi miền cực lạc. 

                                                                        Trương Thanh Hùng

Sau khi thông báo tin trên trang nhà fb, có nhiều bạn đã hay tin và cũng viết vài hàng nhắc nhở đến những kỷ niệm đã từng trải qua với bạn Trần Phước An. Bạn Lê Phước Dương có chia sẻ như sau:

« Không biết vì sao mà vào năm lớp Nhứt học với thầy Hoàng mình lại học chung lớp với hai anh em An và Trí. Anh Trần Phước An tính người hiền lành, có Phật tính trong lòng, không thù ghét hay giận hờn ai cả. Trước năm 1975, sau khi thôi học, anh An đi lính Hải quân, khoảng năm 1984 có lúc hành nghề bán vé số ở Hà Tiên. Anh An cũng có thời gian làm Trưởng Ấp Lầu Ba, anh có dịp phân xử nhiều vụ ly hôn, đặc biệt là kết quả anh xử là phần lợi thường về phía quý bà trong cuộc ly hôn !!.
Tính tình hiền hòa, không độc, anh như một loài thảo mộc ven đường, cuộc sống đạm bạc, lại có phần khắc khổ. Anh Trần Phước An có thói quen mỗi buổi chiều đúng 16 giờ, thường đến quán cafe Minh ở gần chùa Lò Gạch, gọi một ly cafe đen nóng, miệng bập bập điếu thuốc, rồi từ từ nói rất chậm rải như trẻ con đánh vần, và luôn hé miệng cười. Lê Phước Dương nầy nợ anh một nén nhang vĩnh biệt, nghe tin anh mất mà không kịp đến viếng vì nghe nói chỉ chọn được một ngày tốt nên chỉ để anh lại một đêm thôi. Ngày anh mất cũng lại là dịp giúp đở bà con nghèo, vì đêm đó đài phát thanh Long An xổ ra con số 67 đúng ngay tuổi thọ của anh An. Buổi chiều xổ số có mấy bà phụ nữ cùng xóm mình chạy nhau hỏi thăm có ai mua con số 67 không?, Có ai trúng không ?!! Vậy là cũng mong cho ai đó mua được con số 67 và trúng ngay ngày đó thì lập miếu thờ anh để cầu xin cho anh phù hộ cho trúng số!!! Anh An ơi, sống khôn thác thiêng, giúp người thì cứ giúp thôi anh An nhé…!! »

Nguyễn Hữu Tâm cũng viết nhắc kỷ niệm với bạn Trần Phước An khi còn hoạt động Chữ Thập Đỏ:

« 39 năm về trước anh Trần Phước An là đội trưởng xung kích Chữ Thập Đỏ cùng với chúng tôi quảy ba lô túi xách cứu thương, băng ca đi dọc suốt biên giới Hà Tiên trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây nam. Anh An người hiền hòa, dể gần gủi và hòa đồng. Xin thắp nén nhang trân trọng gởi đến linh hồn anh và mong sớm tiêu diêu về đất Phật. »

Trương Minh Huệ, bạn cùng lớp ở trường Trung Học Công Lập Hà Tiên ngày xưa với Trần Phước An chia sẻ như sau:

« Tiễn biệt bạn Trần Phước An, người bạn cùng lớp, cùng đăng vào lính, đi cùng một binh chủng Hải quân, học cùng nghề Điện Tử ở quân trường Nha Trang và về cùng một đơn vị ở An Thới. Thành thật chia buồn cùng gia đình ».

Huỳnh Minh Nhã Khiết là người Hà Tiên, cháu của cô Hà Thị Hồng Loan vừa hay được tin và chia sẻ như sau:

« Bác Trần Phước An mất, bên phía Chữ Thập Đỏ không có ai hay biết vì không có thông tin, đến ngày đưa đi hỏa táng ở Mũi Nai, đi ngang qua tiệm giầy dép Hạnh Sơn, ngang tiệm của con ông cậu Mười Thân (đồi mồi Phan Văn Thân) thì có người mợ hai tên Hồng (Hồng là con của ông cậu Mười Thân và cũng là cháu dâu của bà ngoại Chín Triệu, Phan Thị Triệu) báo tin. Bà ngoại Chín Triệu khi xưa nguyên là chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Hà Tiên 39 năm về trước. Xin phép kính gởi đến lời chia buồn đến gia đình bác An ».

Ngoài ra có rất nhiều bạn học cùng trường, cùng lớp, người đồng hương Hà Tiên cũng đã viết lời chia sẻ tin buồn. (Nguyễn Bích Thủy, Trần Thị Phương Nhu,…)

Hồ Thị Kim Hoàn (cùng lớp với Trần Phước An): « Khóc bạn Trần Phước An! Cảm ơn anh Mãnh báo tin. Ôi, buồn quá! Một người bạn thân thuở học trò, có biết bao kỷ niệm vui buồn, đã đi một chuyến không về!. »

Trương Thanh Hào (cùng lớp với Trần Phước An): «  Lần nào về Hà Tiên mình cũng ghé thăm bạn Trần Phước An. Chỉ có lần vừa rồi, tháng 6/2018 mình không ghé An. Hãy ngủ yên nhé bạn, ngủ với giấc mộng bình thường như cuộc đời của bạn ! »

Lâm Thị Lan (cùng lớp với Trần Phước An): « Trần Phước An ngày còn đi học bạn rất “lí lắc” đến khi tóc đổi màu vẫn vui vẻ như xưa. Nay ra đi không bao giờ gặp lại. Các bạn lớp “Đệ Tứ Quốc Tế“ rất đau buồn tiển bạn. Cầu cho hương linh về cỏi Phật. Khóc bạn. A Di Đà Phật. Viết tiếp nữa đi Út Dương! viết về người bạn của mình. Hôm nay mới ra chiêu kể chuyện về người bạn đồng trang lứa, cùng trường, cùng lớp, cùng quê hương nay không còn nữa. Phước An ra đi không trở lại ».

Thầy Nguyễn Hồng Ẩn, vị thầy yêu mến ngày xưa dạy môn Lý Hóa của trường Trung Học Công Lập Hà Tiên trong những năm 60 cũng chia sẻ như sau: « Yên nghỉ nhé Phước An ».

Trương Mộng Uyên, con gái của thầy Trương Minh Hiển tuy không có nhiều kỷ niệm ở Hà Tiên với các bạn trường Trung Học Hà Tiên nhưng cũng chia buồn: « Thành kính phân ưu! »

Một số bạn nam nữ trong lớp Đệ Tứ (mệnh danh là « Đệ Tứ Quốc Tế »), niên khóa 1968-1969 trường Trung Học Công Lập Hà Tiên. Trần Phước An ngồi bìa trái hàng thứ hai từ dưới tính lên trên. Trần Minh Trí đội nón cầm đàn ở hàng thứ ba từ dưới tính lên trên. Hình: Hồ Thị Kim Hoàn.

Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », xin cám ơn tất cả quý vị và các bạn đã đóng góp cho bài viết. (TVM)

Tết kể chuyện uống rượu (Trương Thanh Hào)

Tết kể chuyện uống rượu (Trương Thanh Hào)

Jpeg

Hôm đó là trưa ngày mùng 3 Tết năm Bính Ngọ, nếu giở lại lịch Tam Tông Miếu thì đó là ngày 23 tháng giêng năm 1966, tức là cách đây đúng 50 năm, tết năm đó tôi 13 tuổi, đang học lớp đệ thất, trường Trung Học Hà Tiên, tôi và các bạn học chung lớp: Tiền Minh Quang, Tô Vĩnh Tuấn (con của Cô Loan bán thuốc Tây tiệm Thanh Bình), Tiền Thiên Lộc, Trương Minh Huệ (con của Bác công chức ngành Bưu Điện, Viễn Thông), Trần Phước An (em của Thầy Nhật Quang), Dương văn Hiến…. hẹn nhau lên Núi Lăng nhậu, mồi thì có 1 con gà luộc đã được chặt nhỏ ra và ướp muối tiêu, do Tiền Minh Quang đem theo (chắc là hôm đó nhà Quang cúng mùng 3 tết nên có sẵn), rượu là 1 chai rượu nho loại 3 xị….̀ của Tiền Thiên Lộc. Tôi không nhớ là đã hẹn nhau như thế nào, nhưng các « tửu sinh » có mặt rất đúng giờ, khoảng 1 giờ trưa chúng tôi nhập tiệc trong 1 bụi rậm ven đường lên mộ ông Mạc Lệnh… Buổi tiệc kéo dài chừng 1 giờ thì hết rượu, hết mồi và các « tửu sinh » ra về trong tình thương mến thương, hẹn ngày tái… nhậu. 

HaTien_LangMacCuu_1994_hĐường lên Lăng Ông Mạc Cữu

Tôi nhớ là khi về đến nhà thì Hùng, em trai tôi rất ngạc nhiên vì thấy mặt tôi đỏ gay và đi không vững, tôi mau mau bò lên gác ngủ 1 giấc tới sáng hôm sau mới tỉnh dậy. Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu sao hồi đó ở Hà Tiên không nhà ai có điện thoại mà sao các bạn hẹn đi nhậu đúng giờ đến như vậy và hẹn nhau lúc nào, nếu như lúc bấy giờ mà có điện thoại di động thì chắc buổi nhậu còn đông vui hơn nữa và tôi cũng thắc mắc là tại sao không mời các bạn gái cùng lớp tham dự để thể hiện tính nam nữ bình quyền phải không các bạn. Đó là buổi nhậu đầu tiên của tôi thời học sinh và mở đầu cho những ngày dài cùng rượu chè suốt quãng đường tha phương… cầu nhậu.

Nhân dịp xuân về, xin kính chúc quý Thầy Cô đã dạy ở Trung Học Hà Tiên, chúc các anh chị em đã từng học ở Trung Học Hà Tiên những lời chúc tốt đẹp nhất.
Sau cùng tôi cũng xin mời tất cả cùng nâng ly…. 1… 2….3….dô.

TruongThanhHao_NayTrương Thanh Hào hiện nay (2015)

Chứng chỉ thay bằng Tiểu Học của bạn Trương Thanh Hào, năm 1965

 

Hình ảnh: Trương Thanh Hào, Trần Văn Mãnh

Tự bạch (Trương Thanh Hùng)

                                              TỰ BẠCH

Gia đình tôi về sống tại Hà Tiên từ năm 1963 khi ba tôi là thầy giáo Trương Tự Phát chuyển từ Tri Tôn (Hòn Đất) về dạy tại trường tiểu học Hà Tiên. Gia đình tôi ở trên đất của bà Đội Căn mà chúng tôi gọi là “Bà Cô”, địa chỉ tại số 6 đường Mạc Cửu, xéo xéo nhà Bác Tư Trượng (sau này gia đình Thúy Vân ở).

Về Hà Tiên, tôi học lớp nhì do Thầy Minh dạy, rồi Thầy Minh chuyển đi, tôi cùng với anh tôi là Trương Thanh Hào học với Thầy Hứa Văn Vàng, còn anh Trương Thái Minh thì học tiếp liên. Thầy Vàng đã để lại trong tôi dấu ấn khó quên là vì tôi viết chữ xấu, lại ẩu nên Thầy thường ngồi bên tôi, khi tôi viết ẩu, Thầy cho ngay một cây “bê”, không đau lắm, nhưng tiếng cây “bê” bằng cạc tông nghe rất sợ. Chính vì thế sau này tôi viết chữ không đến nỗi tệ, chỉ còn tật ẩu thì chừa chưa được.

Năm lớp nhất, tôi học với Thầy Phan Tấn Hoàng cùng với nhiều bạn sau này vào trung học như Lý Minh Chữ, Trần Phước An. . .

Thi vào đệ thất năm học 1965-1966 đậu hạng 47/50. Năm đó có 200 thí sinh thi vào đệ thất trường trung học Hà Tiên gồm 2 lớp nhất nam, 1 lớp nhất nữ của trường tiểu học Hà Tiên và 1 lớp nhất của trường Kiên Lương mà chỉ tuyển có 50 em, kể cũng ít.

Năm học đệ thất, tôi được học với cô Hà Thị Hồng Loan, Vương Thị Lành, hình như trường trung học Hà Tiên những năm đó chỉ có cô Loan và cô Lành là người Hà Tiên, còn lại là thầy cô ở nơi khác đến dạy. Không nhớ hết các thầy cô dạy những năm đệ thất, đệ lục, nhưng còn nhớ thầy Đức Sinh dạy Anh văn. Trong giờ học Anh văn mà Thầy lại dạy hát 2 bài thánh ca, đến nay tôi còn thuộc. Năm này, thầy Lại Xuân Quất đã chuyển, thầy Nguyễn Văn Thành làm hiệu trưởng.

Trong những năm học từ đệ thất đến đệ tứ, tôi là một học sinh kém “toàn diện”, nhưng may mắn là không ở lại lớp, tuổi cũng nhỏ so với các bạn. Không hiểu sao tôi luôn có mặc cảm mình là người xấu trai, học dốt. Tôi luôn ngưỡng mộ các bạn học cùng lớp như Tô Vĩnh Tuấn, Tiền Thiên Lộc, Tiền Minh Quang, Lý Minh Chữ, Trần Tuấn Anh, Trần Học Quang, Trương Công Tước. . . dĩ nhiên là có cả anh Trương Thanh Hào của tôi. Các anh ở lớp trên cùng học với anh Trương Thái Minh của tôi có Trần Văn Mãnh, Trần Tiên, anh Trần Tấn Công (anh của Vân, nhà ở góc đường Phương Thành-Chi Lăng), anh Trần Văn Danh con Bác Ba Đen (ở xéo nhà tôi, góc đường Phương Thành-Mạc Cửu, sau đó anh Danh về Nhà Bàng ở không còn nghe tin tức), anh Nguyễn Ngọc Thanh (Thiếu úy), anh Lý Văn Tấn, Lý Cui. . . Kể cả ngưỡng mộ lớp đàn em như Hà Quốc Hưng, Quách Ngọc Điền ở khả năng văn nghệ. Còn nhiều anh chị và các bạn nữa nhưng tôi không thể kể hết ra đây. Hình như vì mặc cảm đó cùng với ba tôi rất khó nên tôi cũng ít đi chơi, nhưng những năm học đệ thất, đệ lục, tôi hay đi câu cá ở bờ Đông Hồ, bán cà rem nên có dịp dạo khắp đất Hà Tiên.

Học hết năm đệ tứ, có lẽ ba tôi thấy tôi học yếu nên cho đi học sửa máy ở tiệm của bác Năm Xuân Thạnh vào hè năm đó.

Năm Đệ Tam, tôi chơi khá thân với Hoàng Đức Trung vừa từ ở Kampuchia về. Hết năm đệ tứ, nhiều bạn trai phải đi lính, trong đó có Trần Tuấn Anh, Chung Lưỡng Tài, sau này anh Tài về ở Bãi Chà Và và đã mất khoảng 5 năm nay. Do đó lớp đệ tam còn rất ít bạn trai. Đến năm lớp 11 thì trong lớp chỉ còn 6 bạn trai mà thôi, vài bạn gái cũng đi Long Xuyên hay Sài Gòn học.

Hung_Hien_Hung_Trung_Chu_Kiet_THHTTrương Thanh Hùng, Cô Trần Diệu Hiền, Mong Đức Hưng, Hoàng Đức Trung, Lý Minh Chữ và Kiệt

HoangDucTrung_TruongThanhHungHoàng Đức Trung và Trương Thanh Hùng (ở trần leo cây không biết để làm gì ??)

Đậu tú tài 1 năm 1971, tôi ra trường Nguyễn Trung Trực học lớp 12, đậu tú tài 2 rồi đi học ở Sư phạm Vĩnh Long.

Năm 1974 về dạy trường sơ cấp Bãi Ớt, lúc này các bạn Lâm Thị Lan, Trần Yến Phượng, Thúy Phương cũng vào nghề giáo.

Cuộc đời đưa đẩy, năm 1977, tôi chuyển công tác rồi thành người viết lách cho đến hôm nay.

Năm 1987 tôi ra Rạch Giá công tác.

Năm 2013 nghỉ hưu về Sài Gòn sinh sống.

TruongThanhHung_DessinTrương Thanh Hùng qua nét vẻ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông (2012)

Hiện tôi vẫn còn hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, chủ yếu là nghiên cứu, viết lách về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ, đặc biệt là Kiên Giang và Hà Tiên của chúng ta.

Qua trang “Trung học Hà Tiên xưa”, tôi rất mong được liên lạc với các Thầy cô, các bạn, các anh chị mà tôi hằng quí mến.

TruongThanhHung_Nay

                Sài Gòn 10-1-2016

               Trương Thanh Hùng

Hình ảnh: Trương Thanh Hùng, Hoàng Thị Minh Liên