Kỷ niệm về cố Hòa thượng Huyền Vi (Cô Nguyễn Phước Thị Liên)

Thầy cô và các bạn thân mến, cô Nguyễn Phước Thị Liên ngoài việc dạy học, hoạt động về ngành giáo dục, cô cũng thường viết văn, viết tùy bút. Mãi đến hiện nay mình mới khám phá ra được là cô đã cho đăng rất nhiều những bài truyện ngắn, tùy bút, suy nghĩ trên các tạp chí như : Văn Hóa Phật Giáo, các trang Web « Trang nhà Quảng Đức », « Gia đình Phật Tử Kiên Giang »,…Đặc biệt là trên tạp chí và các trang Web nầy đều có đăng một bài ký sự kể lại ký ức của một người cựu học sinh trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa và các hoạt động trong Gia Đình Phật tử chùa Tam Bảo Hà Tiên. Chuyện kể từ những năm rất xa xưa (1957…), lúc mà mình chỉ vừa mới được 6 tuổi, có lẽ mới bắt đầu vào lớp « chót » (lớp 5 hay theo hiện nay là lớp 1). Bài viết mang tựa là « Kỷ niệm về cố Hòa thượng Huyền Vi », lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 148 ra ngày 01/03/2012. sau đó bài lại được đăng trên trang Web « Trang nhà Quảng Đức » ngày 29/03/2013 và khi quyển ký và truyện mang tên « Đường về » được xuất bản vào năm 2018 của tác giả Nguyễn Phước Thị Liên, bài viết « Kỷ niệm về cố Hòa thượng Huyền Vi » được xếp vào thứ ba trong số 27 bài của quyển sách nầy. Vào năm 2018, một lần nữa bài cũng được đăng trên trang Web « Gia đình Phật Tử Kiên Giang ».

Bản thân mình không được biết thầy Thích Huyền Vi và thầy Thích Thanh Từ, vì câu chuyện do Phật tử Chân An Tịnh kể lại xảy ra vào năm 1957, như trên đã nói, mình còn quá nhỏ tuổi…Tuy nhiên vì nhà có truyền thống Đạo Phật nên mình được thấm nhuần trong một nền giáo dục gia đình chịu ảnh hưởng rất nhiều về Đạo Phật. Bà ngoại mình năm nào cũng vậy, đầu tiên là khoảng mùng chín tháng giêng thì đi chùa Phật Đường để cúng sao. Lúc đí chùa bà ngoại dẫn hết ba anh em mình đi theo, mình rất thích đi như vậy, vì sau khi cúng sẽ có chè và xôi ăn rất ngon. Rồi tiếp theo đó một ngày khác bà ngoại cũng thuê một chiếc xe lôi và dẫn ba anh em mình cùng đi, lần nầy là đi một vòng lớn rất nhiều chùa, đầu tiên là năm nào cũng đi chùa Bà Cửu Thiên trước (chùa Bà Cửu Thiên ở bên trái đường Phương Thành, khoảng hướng ra phía Ấp Chiến Lược hồi xua, ngày nay chùa đã bị phá hủy, mình dùng chữ « chùa » vì từ xưa đến giờ người Hà Tiên không phân biệt chùa hay miếu, nên nói đúng phải là Miếu Bà Cửu Thiên). Tiếp theo đó là chùa Phù Dung, chùa Lò Gạch, chùa Tam Bảo, ở mỗi chùa nào bà ngoại cũng kêu tụi mình vô phía sau nơi quý bà cô ở để chào hỏi và chúc Tết. Mấy bà cô giữ chùa đó rất cao tuổi, và rất thương con nít, lần nào quý bà cũng vò đầu tụi mình và khen ngoan…Tuy nhiên ngay từ nhỏ mình cũng không có gia nhập Gia Đình Phật Tử ở chùa Tam Bảo, thường đi các chùa chiền theo các bạn chơi và để được ăn cơm chay nhưng không có chánh thức hoạt động đạo pháp theo một tổ chức hẳn hoi. Nếu mình nhớ không lầm thì trong gia đình có người anh bạn dì, vai anh Hai, tên là anh Lê Quang Chỉnh (tên thân mật ở nhà là anh Hiển), và gia đình bên chị Hai (vợ của anh Chỉnh tên là chị Mùi nhà ở phía trên đường Lam Sơn, qua khỏi nhà bạn Lý Cui và gần đối diện với nhà của anh Đỗ Thành Tâm), là có tham gia Gia Đình Phật Tử ở chùa Tam Bảo rất thường xuyên. Mình còn nhớ trong những năm 1960, còn có anh Minh Thế, anh của người bạn tên Nhựt, con của Bác Ba Góp, có tiệm buôn bán ở góc đường Lam Sơn – Tuần Phủ Đạt), anh Minh Thế lúc đó là Chánh Thơ Ký của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Hà Tiên, có văn phòng ở chùa Tam Bảo Hà Tiên.

Để kết luận phần giới thiệu nầy, mình cũng xin mượn lời và ý của tác giả cô Nguyễn Phước Thị Liên: « Trong nỗi mong cầu được thoát khỏi nghiệp chướng » (mà có thể hay chắc chắn là mình cũng đã có ít nhiều gây ra…, nếu không phải là tội ác quá đáng thì cũng có thể là những món nợ tình cảm mà mình đã vô tình hay cố ý đã vướng vấp phải…) mình phải tự biết rèn chí tu luyện bản thân, để rồi một ngày vô thường sẽ đến, theo tuổi già e rằng không kịp…..Xin được tự nguyện đăng bài viết của Phật tử Diệu Hạnh – Chân An Hoa, bài viết kể lại một khoảng thời gian của một cô học trò mới tròn 15 đang học lớp Đệ Lục, đã được duyên lành tiếp xúc với hai vị thầy đầy đức độ, được rèn luyện tinh thần và tâm linh để rồi trong suốt cuộc sống được ảnh hưởng tốt đẹp, mong quý độc giả kiên nhẫn đọc hết phần giới thiệu nầy và hãy bắt đầu vào câu chuyện kể sau đây, trân trọng cám ơn…(Trần Văn Mãnh, viết lời giới thiệu, Paris ngày 23/10/2021)

Kỷ niệm về cố Hòa thượng Huyền Vi

Thuở ấy ở Hà Tiên còn chân quê lắm. Chợ chồm hổm nhóm ngay giữa lộ, từ 4 giờ sáng đến 10, 11giờ trưa là tan. Ban đêm, ông nhà đèn cho sáng từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Sáng hôm sau chỉ lóe lên một hai tiếng rồi tắt. Trường học chỉ mở đến lớp đệ lục (tương đương lớp bảy ngày nay), được gọi là “Lớp Trung học Hà Tiên”. Trường trung học chưa được cất. Ngoài giờ học, bọn trẻ tha hồ đi rong chơi. Khi lên núi Lăng, khi lên Thạch Động, lúc ra biển Mũi Nai. Mấy đứa con trai rắn mắt, thích cảm giác mạnh thì rủ nhau hái trộm xoài, đặt bẫy, bắn chim hoặc xuống mé biển dưới chân hòn Kim Dự, chờ nước rút, bắt nghêu sò. Con gái hiền lành hơn, thường theo cô dì hay ông bà vô chùa Tam Bảo. Ở đây có sân rộng, bảy tám đứa mặc sức chơi rượt bắt, nhảy dây, lò cò, có khi cùng nhau hát nghêu ngao. Chơi mệt, chúng vào nhà khói “nhõng nhẽo” để được người lớn đưa hết mấy mâm quả đã cúng xong.

Tôi nhớ rất rõ, lúc ấy là năm 1957, tôi mới 15 tuổi, học lớp đệ lục là lớp học lớn nhất của Hà Tiên lúc bấy giờ. Lớp tôi có 10 nữ sinh. Ngoài giờ học, nhóm chúng tôi không đứa nào phải bận tâm làm việc nhà giúp cha mẹ, có lẽ cha mẹ ưu tiên dành thời gian cho con gái ăn học, vì thế chúng tôi cứ rủ nhau vô chùa chơi nhởi. Tôi cũng nhớ lúc này có nhiều cô chú và các thầy giáo dạy chúng tôi vô chùa làm Phật sự.

Một hôm, tự nhiên chúng tôi thấy không khí trong chùa khác hẳn mọi ngày, ai nấy vô ra có vẻ nghiêm trọng, lại còn bàn tán xôn xao… Chuyện của người lớn, bọn trẻ nào dám nghĩ suy.

Thế rồi hôm sau, có hai ông sư nào lạ hoắc đang ở trong chùa làm chúng tôi cứ đứng thập thò nơi bậu cửa. Một bà Phật tử bước ra, nói:“Mấy đứa vô chào thầy đi con”. Tôi đang còn rụt cổ thì một sư đến xoa đầu từng đứa, hỏi: “Mấy con có thường vô chùa không? Ngày mai vô chùa nữa không?… Vô nữa hả, vậy tốt quá ha…”. Trước khi chúng tôi chào sư ra về, sư còn nói thêm: “Mấy con có thích múa hát không? Vô chùa hát, vui lắm nhen”. Chúng tôi nói với nhau: “Ngày mai tụi mình vô sớm sớm, coi chừng ổng cho tụi mình hát”.

Từ đó chúng tôi biết tên hai vị sư này là thầy Thích Thanh Từ và thầy Thích Huyền Vi. Thầy Huyền Vi nói chuyện cởi mở, vui vẻ, không lộ vẻ nghiêm trang như thầy Thanh Từ. Và cũng từ đó, chúng tôi “nhí nhảnh” hơn, biết múa hát nhiều bài của Phật giáo như bài Dòng A-nô-ma, bài Sen trắng, bài Trầm hương đốt. Đặc biệt khi múa bài Mừng Thầy đến, thầy cho chúng tôi cầm bông.

Thầy Huyền Vi dạy hát mà không có đàn. Thầy hát câu đầu, chúng tôi hát theo, chừng thấy đúng nhịp điệu, Thầy hát câu tiếp, cứ thế cho đến hết bài. Còn múa thì cũng vậy, chúng tôi là con nít nhà quê, cả đời không biết múa ca những bài hát Phật mà bây giờ… thích quá nên múa đại, múa theo thầy. Thầy đứng chính giữa, hình dạng mập tròn, chúng tôi cầm tay nhau đứng xung quanh thầy như cái bánh có cục nhưn. Tôi nghĩ vậy mà cười. Và khi tập, cố làm theo thầy. Thầy đưa tay lên, mình đưa. Thầy chuyển mình đưa tay xuống hoặc đưa chân đá một cái, mình đá… Bảy tám đứa đều làm y chang như vậy cho đến hết bài và thuộc bài. Có nhiều đứa mình mẩy cứng khừ, thầy sửa hoài không được nhưng thầy không chê mà cứ khen giỏi. Và cũng có đứa cà nanh. Khi nào cũng vậy hễ múa xong là thầy phát kẹo, phát bánh… Vui ơi là vui. Lại có lần thầy đưa chúng tôi đi tham quan quanh chợ Hà Tiên, khi đến chỗ cây dừa ba ngọn*, vừa lúc mặt trời xế bóng, chúng tôi không nhìn cây lạ mà vội túm lấy áo thầy, chỉ trỏ cái nhà xác trong khu bệnh viện gần đó, thầy cười, nói: “Có thầy ở đây, làm sao có ma được”.

Lúc đó thầy Huyền Vi dạy múa hát; còn thầy Thanh Từ dạy giáo lý là kể chuyện sự tích Đức Phật và những mẩu chuyện về đạo Phật, hai thầy thay nhau dạy dỗ chúng tôi từng li từng tí. Vào ngày rằm, mồng một, có khi ban tối, thầy giảng Pháp cho người lớn. Hai thầy lưu lại Hà Tiên có đến ba tháng. Bữa hai thầy từ giã chúng tôi, đứa nào cũng khóc. Vô chùa không thấy thầy cũng khóc rồi biên thơ thăm thầy, gửi “Nhà dây thép”. Thầy trả lời cho từng đứa, đều đặn, động viên chúng tôi đi chùa, chăm ngoan và tinh tấn. Thầy hứa sẽ trở lại, chúng tôi mừng quá, đếm từng ngày một. Càng chờ càng thấy lâu và để bớt nhớ thầy, chúng tôi cứ đến chùa múa hát những bài thầy đã dạy, nhuần nhuyễn lúc nào không hay. Khi trở lại, thầy xem mà ngạc nhiên và rất vui, liền cho chúng tôi một đêm trình diễn văn nghệ trong dịp lễ Phật đản, phục vụ bà con cô bác Phật tử Hà Tiên. Chúng tôi được người lớn hoan nghênh nhiệt liệt.

Lần này hai thầy chỉ lưu lại Hà Tiên một tháng nhưng số Phật tử nhóc con đến chùa đông gấp bội, có cả các em học lớp năm và lớp đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ). Lúc hai thầy chưa sửa soạn ra về mà chúng tôi đã buồn rồi. Đứa nào đứa nấy tranh nhau đưa « lưu bút ngày xanh » cho hai thầy viết mà không biết điều đó là vô phép. Vì rằng thầy là sư, là người xuất gia, là bậc cao minh, mình là con nít, sao dám đưa thầy viết chung một quyển có bài của mấy nhóc tì cóc cắn!! Nhưng cảm động quá chừng, hai thầy vẫn thản nhiên, vui vẻ viết vào. Ngày nay quyển lưu bút này và nhiều hình ảnh khác của hai thầy đã không còn mặc dù tôi quý nó lắm, đã cất riêng trong tủ. Chẳng qua vì bị giặc Pôn Pốt, tôi cũng như bao người dân Hà Tiên phải chạy sơ tán. Ôi, tiếc làm sao!

Nhiều người nói thầy Thanh Từ có trí nhớ tuyệt vời, gặp lại ai sau mấy mươi năm đổi dời xa cách, thầy vẫn nhớ, hỏi thăm chuyện cũ, chuyện xưa như chuyện mới hôm qua. Thầy Huyền Vi cũng có trí nhớ siêu đẳng và nắm bắt tình hình nhanh nhạy. Lần đầu tiên gặp thầy chỉ một lần, thầy hỏi tên từng đứa chúng tôi vậy mà nhiều năm sau khi gặp lại, thầy nhìn mặt gọi tên không sai còn nhớ cả hoàn cảnh của ai ra sao hoặc ai là con cháu của ai trong chùa, sợ nhất, khi tập múa, dầu thầy không đưa mắt nhìn, thầy cũng biết có đứa đang “sơ sẩy”, gọi đúng tên đứa đó. Bởi vậy, để không “bị quê”, chúng tôi phải hết sức cố gắng.

Tuổi 15 – 16 là tuổi đẹp nhất của đời người, cái tuổi bản lề giữa trẻ con – người lớn, chúng tôi được duyên lành tiếp xúc hai vị thầy đức độ Thanh Từ và Huyền Vi, tuy chỉ ba bốn tháng nhưng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn, tâm linh và đời sống của chúng tôi. Nhìn lại đến nay, hầu hết đứa nào cũng sống tốt, gia đình ổn định, con cháu hiếu thảo chăm ngoan.

Trong nhóm có bạn Đường Minh Phương nay là Đại đức Thích Kiến Nguyệt, một vị sư rất có uy tín trong việc xây dựng các thiền viện ở nước ta, đó là Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh, Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc, Thiền viện Hàm Rồng ở Thanh Hóa…

Ngày nay thầy Huyền Vi đã liễu đạo nơi chốn trời Tây. Nhớ về Hòa thượng quá cố, chúng tôi không thể không nhớ người thầy “biên đạo múa” của “Đội ca múa trẻ” dưới mái gia đình Phật tử Tam Bảo Hà Tiên, một ấn tượng sâu sắc để sau này mỗi lần nghe lại những bài hát Phật, tôi xúc động như ngày còn nhỏ.

Hình ảnh những đứa học trò chân quê vô chùa đón thầy trở lại, vui đến rơi nước mắt, đó là kỷ niệm suốt đời tôi không thể nào quên. Tôi xin gửi vào đây bức ảnh chân dung hai thầy thời đó cùng di bút của thầy Huyền Vi để tri ân và chia sẻ với quý Phật tử gần xa niềm vinh dự của Hà Tiên thuở ban đầu xây dựng Gia Đình Phật Tử, có hai thầy chăm lo, vun quén vườn ươm.■

Tác giả: Cô Nguyễn Phước Thị Liên, viết theo lời kể lại của một Phật Tử pháp danh Chân An Tịnh, cũng là một người học sinh Trung Học Hà Tiên xưa.

Chùa Tam Bảo (Hà Tiên) trong những năm 1950 – 1960. Nguồn hình: Kim Lý

Chị Trịnh Thị Phương Khanh đã chia sẻ một bức ảnh chụp quý thầy và quý anh chị học sinh Trường Trung Học Hà Tiên vào năm 1956. Hình chụp trước căn phòng của quý thầy, bên cạnh hòn non bộ trong khuôn viên chùa Tam Bảo. Sau đây là một vài vị trong hình được nhận dạng ra tên họ: 1/ Anh Trinh Thanh Quang, 2/ Thầy Trương Minh Đạt, 3/ Anh Đường Minh Phương, 4/ Anh Trịnh Thanh Tùng, 5/ Chị Trịnh Thị Phương Khanh, 6/ Thầy Thích Huyền Vi, 7/ Thầy Thích Thanh Từ, 8/ Chị Lý Thị Lắc, 9/ Anh Thu, 10/ Chị Xé Lúi, 11/ Thầy Trần Văn Bân (Quý thầy cô và quý anh chị nhận dạng tên họ thêm trong hình xin góp ý nhé, rất cám ơn).

Chân dung Hòa Thượng Thích Thanh Từ (bên trái) và Hòa Thượng Thích Huyền Vi (bên phải). Nguồn hình: PT Chân An Tịnh, 1957

Quyển Kỷ Yếu của Gia Đình Phật Tử Tam Bảo Hà Tiên, hoạt động trong những năm 1959-2009**.

Thầy Thích Thanh Từ, hình chụp năm 2017 nhân dịp chị Trịnh Thị Phương Khanh đi thăm thầy ngày lễ sinh nhật của thầy (09/07/2017) tại Thiền Viện Trúc Lâm Thường Chiếu, Vũng Tàu. Hình: Chị Trịnh Thị Phương Khanh.

Thầy Thích Kiến Nguyệt (ngày xưa là học sinh, thầy giáo và giáo sư Đường Minh Phương), hình chụp năm 2017 nhân dịp anh Trịnh Thanh Tùng đi thăm thầy tại Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hình: Chị Trịnh Thị Phương Khanh.

Hình trái: Hòa thượng Thích Thanh Từ (1924 –     ), thuộc trường phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử. Hình phải: Hòa thượng Thích Huyền Vi (1926 – 2005), thuộc trường phái Lâm Tế Chánh Tông.

 

Chú thích:

* Ở Hà Tiên từ xưa, lần lượt có cây dừa 3 ngọn, 7 ngọn, 4 ngọn. Cây dừa 3 ngọn bị gãy và chết vào năm 1971, tiếp đến vào năm 1987 cây dừa 7 ngọn cũng chết, sau đó Hà Tiên lại có cây dừa 4 ngọn, cũng sống được vài chục năm rồi bị chết đi.

** Về quyển Kỷ Yếu nầy mình rất muốn có để xem nội dung, thông tin và những hình ảnh xưa ở chùa Tam Bảo (nếu có đăng hình). Hiện nay mình không tìm được trên mạng. Quý Phật tử nào ở Hà Tiên có quyển Kỷ Yếu nầy xin vui lòng chia sẻ cho mình một số thông tin hoặc hình ảnh bên trong, rất cám ơn.

Bổ túc thông tin ngày 8 tháng 12 năm 2021 như sau:

Được dịp may và như có phép mầu, đó là sau khi mình đăng bài nầy thì có chị Lý Thị Lắc, là một đàn chị của Trung Học Hà Tiên ngày xưa, đã đọc qua bài viết và có đáp ứng lại lời ao ước của mình là chị đã nhờ cô Nguyễn Phước Thị Liên gởi dùm từ Hà Tiên qua bên Pháp cho mình, tặng cho quyển « Kỷ Yếu 50 năm Gia đình Phật tử Tam Bảo – Hà Tiên », thật là hay quá. Ngày 8 tháng 12 năm 2021, mình đã nhận được quyển sách nói trên rồi, xin cám ơn chị Lý Thị Lắc thật nhiều, chị đã nhã ý tặng cho quyển sách và lại còn ra chịu cước phí gởi đi nữa, cám ơn chị rất nhiều nhé, thân chúc chị vạn an nhé, đồng thời cũng không quên cám ơn cô Nguyễn Phước Thị Liên đã ra công sức đi tới nhà bưu điện Hà Tiên để gởi sách, xin kính chúc cô vạn an. (Trần Văn Mãnh).

Chữ viết của chị Lý Thị Lắc (Hà Tiên) nhờ cô Nguyễn Phước Thị Liên gởi dùm quyển sách « Kỷ Yếu 50 năm Gia đình Phật tử Tam Bảo – Hà Tiên » từ Hà Tiên qua Pháp tặng cho Trần Văn Mãnh. Xin cám ơn chị Lý Thị Lắc và cô Nguyễn Phước Thị Liên rất nhiều.

 

Cô Nguyễn Phước Thị Liên

Thầy Cô và các bạn thân mến, mặc dù trong đa số các bạn học sinh Trung Học Hà Tiên vào thế hệ mình trở lên không có học với cô Nguyễn Phước Thị Liên ở bậc Tiểu Học Hà Tiên (ngoại trừ một số các em học sau mình nhiều năm thì trước khi vào Trung Học Hà Tiên đã có học qua với cô ở bậc Tiểu Học…), ảnh hưởng của cô đối với nhóm học sinh Trung Học Hà Tiên là không nhỏ. Cô Nguyễn Phước Thị Liên là phu nhân của thầy Trương Minh Đạt, mình không nhớ cô về dạy bậc Tiểu Học Hà Tiên vào năm nào, nhưng sự quan hệ giữa cô và các học sinh Trung Học Hà Tiên rất là mật thiết…Vào thời đó khi thầy Đạt xuất hiện trở về Hà Tiên sau một thời gian dạy học Hà Tiên và Phan Thiết rồi nhập ngủ với cấp bậc Đại Úy, thầy rước cô về Hà Tiên ở, lập nghiệp lâu dài, vì thế cô đã được mời vào giãng dạy ở Trường Tiểu Học Hà Tiên (ngôi trường Tiểu Học chính của Quận Lỵ Hà Tiên). Dĩ nhiên là đối với cặp vợ chồng rất đẹp và rất lý tưởng như vợ chồng thầy Đạt và cô Liên, dân chúng và học trò Hà Tiên rất lấy làm ái mộ và ngưởng phục. Lần đầu tiên khi mình thấy thầy Đạt là khi thầy ngồi trong quán cà phê Dũ Long, thầy ngồi nhìn ra phía ngoài đường, mặc quân phục mang lon hẳn hoi, trên mắt thì có cặp kính đen rất oai và rất tài tử, mình rất có ấn tượng khi nhìn thấy thầy như vậy…Còn về phía cô, thì ai ai cũng phải khen cô là người đàn bà có dáng cao ráo rất đẹp. Có một bằng chứng mà bây giờ mình vẫn còn nhớ là do bạn Nguyễn Đình Nguyên kể lại, lúc đó Nguyên là một trong những học trò rất « thân tín » với thầy Đạt (và thầy Hiển, anh song sinh với thầy Đạt). Bạn Nguyên kể lại với mình ra sao về cô Nguyễn Phước Thị Liên? Bây giờ nói thiệt mình cũng không dám nói ra nhưng thôi kệ nói ra để chứng minh là về hình dáng, dáng dấp của cô Liên đã được học trò và ngay cả thầy cô thời đó ngưởng mộ ra sao…Số là có một lúc nào đó học trò và thầy Hiển, thầy Đạt, cô Liên và có lẻ cùng nhiều thầy cô khác của trường Trung Học Hà Tiên tổ chức đi chơi bãi biển Mũi Nai, nhưng không biết sao lại không có mình trong chuyến đi chơi nầy. Ra tới biển thì hiển nhiên là mọi người cùng tắm biển,..vì thế cô Liên có mặc bộ áo tắm để tắm biển, tiếc thay là mình không có ở đó để chiêm ngưởng dáng người cao ráo xinh đẹp của cô,…chỉ nghe bạn Nguyễn Đình Nguyên về kể lại cho mình nghe là trong hôm đó khi thấy cô Liên trong bộ y phục tắm biển ai nấy cũng sửng sờ, trầm trồ một cách kín đáo tỏ vẻ ngưởng mộ và không ngờ là cô có dáng người cân đối và đẹp đến như thế, mặc dù hằng ngày ai cũng đều có dịp ngắm cô trong chiếc áo dài lúc đi dạy học… !!! (Cô ơi nếu cô có đọc đến đây thì cũng xin cô rộng lòng từ bi bác ái, điều nầy thì chắc có vì bây giờ cô thường đi chùa và tu dưởng rồi… !! cô bỏ qua cho các lời viết của em nhé, vì em muốn viết ra và nhắc lại lời nói của bạn Nguyên thật sự hồi xưa để chứng minh là cô là một người cô giáo có dáng người cao ráo rất đẹp và rất lý tưởng…).

Như trên mình đã nói, học trò Trung Học Hà Tiên lúc đó thường đến chơi rất thân với thầy Đạt, cô Liên và thầy Hiển. Và ngay khi nhà thầy thành lập quán Ti La thì sự lui tới càng thường xuyên hơn nữa, hầu như là tối nào nhóm bạn học trò « ruột » của thầy cô cũng đều đến quán Ti La để uống cà phê và để có dịp trò chuyện với thầy cô. Mình còn nhớ thời đó nhóm học trò gồm : Trần Văn Mãnh, Trần văn Dõng, Nguyễn Đình Nguyên, Lê Công Hưởng, Bùi Văn Tư, Phan Văn Hữu, Lê Phước Dương,..Nhan Hồng Hà, Nguyễn Ngọc Thanh,…Hà Quốc Hưng,….và còn nhiều bạn khác nữa mình không thể kể hết ra đây, nhóm bạn đó là nhóm không phân biệt lớp học, thường là bạn cà phê, văn nghệ cùng đi chơi với nhau mỗi buổi chiều sau khi cơm nước xong…Nhóm bạn nầy cũng quen thân với anh Mẫn, một quân nhân làm việc tại Chi Khu Hà Tiên lúc đó, anh Mẫn vì làm việc ở Chi Khu Hà Tiên nên kết thân với thầy Đạt, vả lại anh cũng là người thường chơi nhạc, chơi đàn guitare nên vì yêu âm nhạc nên anh thường giúp thầy Đạt bằng cách mỗi chiều đến quán Ti La sớm để trang bị các loa phát thanh nghe nhạc (Enceinte acoustique)  trong mỗi góc vườn của quán để khi bắt đầu bán cà phê thì quán sẽ để nhạc cho khách ngồi vừa uống cà phê vừa thưởng thức nhạc…(vì phần để loa phát thanh nghe nhạc là ở ngoài trời trống nên mỗi chiều phải đem loa ra và tối thì lại đem vô nhà sợ bị mưa ướt hư) …Mỗi buổi tối nhóm bạn đến ngồi quanh một bàn hoặc nhiều khi phải để nối hai bàn như vậy và thường có anh Mẫn ra ngồi cùng uống cà phê và trò chuyện…

Khi về khuya khách ra về bớt thì thầy cô cũng ra cùng ngồi bàn với nhóm học trò « ruột » để trò chuyện văn nghệ, mây nước, thời sự…Trong những dịp nầy mình còn nhớ có bạn Bùi Văn Tư thường hay kể chuyện đùa vui và mỗi khi hứng thú thì bạn Tư cười lên rất to…

Ngoài ra còn có những buổi họp mặt thầy cô trò trong nhà của thầy cô vào ban ngày. Cả nhóm thường hay ngồi chung quanh bộ ấm trà, cùng uống trà và nói chuyện đủ thứ đề tài với thầy cô. Mỗi lần vào trong nhà của thầy cô mình thường chú ý đến cái tủ sách của thầy cô để ngay phía trước, bên trong tủ mình thường thấy có rất nhiều bộ nhạc đóng thành từng bộ bìa cứng dầy, bên hông của mỗi bộ nhạc đóng như vậy, có đề hàng chử mạ vàng « Đạt Liên ». Lúc đó mình rất ngưởng mộ cách sưu tầm nhạc và đóng bộ các bản nhạc như thế của thầy cô. Hy vọng là cho đến ngày hôm nay thầy cô vẫn còn giữ bộ sưu tầm bản nhạc đống thành tập như vậy, đó là một bằng chứng cho tình yêu vĩnh cữu của thầy Đạt và cô Liên, tên hai người luôn gắn liền với nhau chẳng những trong các giấy tờ chính thức mà hai cái tên thầy cô Đạt Liên vẫn gắn bó với nhau trên từng bìa của mỗi tập nhạc…

Cô Nguyễn Phước Thị Liên ngoài việc dạy học, cô dần dần trở thành người « con dâu » quen thuộc của đất Hà Tiên. Cô giao thiệp thân hữu với các đồng nghiệp Hà Tiên, các người quen biết chung quanh chợ Hà Tiên, ai ai cũng thích và quý mến cô. Ngoài hoạt động về ngành giáo dục, cô cũng thường viết văn, viết tùy bút và đến mãi bây giờ mình mới khám phá ra được là cô đã cho đăng rất nhiều những bài truyện ngắn, tùy bút, suy nghĩ trên các tạp chí như : Văn Hóa Phật Giáo, …Đó là do một sự tình cờ tìm tòi về tư liệu về đất Hà Tiên, lần đầu tiên mình thấy bài viết « Ngồi Một Mình » do tác giả cô Nguyễn Phước Thị Liên đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 178 xuất bản vào năm 2013. Khi đọc xong bài viết đó mình rất lấy làm thú vị. Trong bài cô kể lại quảng đời theo chồng về lập nghiệp tại đất Hà Tiên, lúc đầu có lúc sống bên đất Rạch Vược là quê hương gốc gác của gia đình thầy Đạt. Những lần đầu tiên tiếp xúc với cách sống, không khí, tập tục của quê hương Rạch Vược, quan hệ với gia đình của thầy, quan sát sinh hoạt địa phương, trong đó có nghề làm giá ở các nhà chung quanh…Rồi đến phong tục « người đàn bà khi có việc riêng thì phải kiêng cử không được đến gần nơi làm giá » hoặc là có lúc cô cũng cười thầm khi so sánh chiếc cọng giá ốm yếu của giá « Rạch Vược » so với chiếc giá « cao cả rộng lớn » của quê mình Phan Thiết… !!

Và khi được cử đi chợ mua trái bầu về nấu canh thì cô tìm hoài tìm mãi mà không thấy trái nào tròn trỉnh « bầu bịa » như trái bầu trong tưởng tượng của cô, đến khi má của thầy chỉ cho thấy trái « bầu » nó « dài » cả thước cô mới giựt mình ngạc nhiên tự hỏi sao nó không bầu tròn như « Bầu Cua Cá Cọp ». (lại không dám dùng từ ngử «Bầu rượu túi thơ »….để tượng hình…)

Đọc kỷ lại bài viết thì mình mới biết được chi tiết là cô vào dạy trường Tiểu Học Hà Tiên vào năm 1965…Học trò trẻ con đất Hà Tiên mới có dịp lần đầu tiên được tiếp xúc với một « Công Tằng Tôn Nữ » đất Huế với một giọng nói tuy rất êm dịu nhưng mà cũng rất khó nghe khó đoán ra …Chẳng hạn khi cô đọc bài với từ « Vi vút » thì chắc giọng cô cũng rất vu vi vu vút nên học trò không biết viết với chử « dờ con de hay dờ cây dù… » !!  Cũng như từ « qua quýt » thì học trò cũng thắc mắc không biết có phải viết với « quờ con quạ hay không ». Còn cô giáo thì cũng ngạc nhiên vì trong bài đâu có nói gì đến con quạ con diều đâu !!!  Trong các loài chim thì cũng không có con chim nào tên là « con sạo » chỉ có con chim tên là « con sáo » mà thôi… !! Rồi khi cô muốn giúp học trò làm bài thì nói « Để cô vẻ cho » khiến cho học trò ngạc nhiên hỏi cô « đây là bài viết mà cô đâu có dẻ cái gì đâu… » !!

Có thể nói bài « Ngồi Một Mình » của cô Nguyễn Phước Thị Liên là điển hình nhất, chỉ cần dùng bài viết nầy để làm bài « Giới thiệu cô Nguyễn Phước Thị Liên » trong mục « Thầy Cô » của Blog Trung Học Hà Tiên Xưa » của chúng ta là đầy đủ nhất. Vì thế phần dưới tiếp theo đây mình sẽ đăng lại toàn bộ bài viết nầy của cô để thầy cô và các bạn có dịp đọc kỷ qua, để hiểu và cảm nhận cùng với cô cái tình cảm, đồng cảm của cô khi « chân ướt chân ráo » theo chồng về đất Hà Tiên lập nghiệp…

Hiện nay trước những đổi mới to lớn và rất nhanh chóng của Hà Tiên, có nhiều khuynh hướng suy nghĩ khác nhau : có người rất phấn khởi cho sự đổi mới tốt đẹp của quê hương, có người lại cứ buồn nhớ tiếc nuối cho một thời quen thuộc đã qua đi…Cũng như ta thường hay nhắc đến Hà Tiên với những cơn mưa tuy có rả rích lâu dài nhưng khi nằm trong nhà, uống ly trà hay ly cà phê, tai nghe tiếng « ểnh oạp »của con ểnh ương, tiếng « rét rét » của ếch nhái vọng về phía nhà từ khu vườn nhà Ông Ba Lón, rồi tiếng mưa rỉ rả rơi trên các ao : Ao Sen, ao Sà lách, ao Rau Muống,…thật là thú vị vừa buồn buồn vừa thơ mộng…Ôi tất cả đã đi vào quá khứ như cô Liên đã viết trong phần kết thúc của bài « Ngồi Một Mình »,…mình thích nhất là đoạn cuối, như là một lời tổng hợp các ý kiến, tình cảm khác nhau trước sự đổi biến của Hà Tiên,…Cô đã viết như sau : « Ôi ! tất cả giờ đây đã đi vào ký ức của người Hà Tiên xưa. Trong nỗi nhớ miên man ấy, mình chợt nhận ra: Phát triển đổi mới là nhu cầu thiết yếu của xả hội. Nhưng khi đối diện với « tất cả những đổi thay, cho dù là những đổi thay hằng mong ước nhất, cũng có một nỗi buồn âm thầm của nó ». Nếu ai chưa biết mang trong lòng cái « nỗi buồn âm thầm » ấy, hẳn…buồn tẻ lắm nhỉ ».

Tâm sự nầy khiến mình chợt nhớ đến tâm sự của thi sĩ Trần Tế Xương trong bài thơ « Sông Lấp » :

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Trước khi đăng toàn bộ bài viết « Ngồi Một Mình » của tác giả cô Nguyễn Phước Thị Liên, mình xin liệt kê ra đây một số tác phẩm của cô đã có đăng trên báo chí mà mình sưu tầm thấy được trên mạng. Danh sách nầy không đầy đủ, còn rất nhiều bài viết, truyện ngắn khác mà mình chưa thấy được. Một số lớn bài viết của cô thường được chọn đăng trên tạp chí « Văn Hóa Phật Giáo ». Site Web « Văn Hóa Phật Giáo » ngày nay không biết lý do gì đã ngưng hoạt động nên chúng ta không thể tìm lại các bài viết của cô trên site web nầy, tuy nhiên có một site web khác tên là

https://quangduc.com/p140a58422/tap-chi-van-hoa-phat-giao

Trên site nầy có lưu trử lại tất cả các số Văn Hóa Phật Giáo từ năm 2011 đến ngày nay 2018. Có đủ cả các số tạp chí Văn Hóa Phật Giáo từ số 123 (2011) đến số hiện nay 288 (2018) dưới dạng file pdf. Thầy cô và bạn nào muốn tìm đọc những bài viết của cô đăng trong các số này hãy liên lạc với mình qua E-mail, mình sẽ gởi cho file pdf để đọc.

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Phước Thị Liên : (đôi khi cô ký tên với bút hiệu Chân An Hoa)

Thời Nõn Giá (tập truyện ngắn xuất bản năm 2004, có lời giới thiệu như sau : Nguyễn Phước Thị Liên một người Huế sinh trưởng ở Phan Thiết, mấy mươi năm dạy học và viết ở Rạch Giá, Hà Tiên. 14 truyện ngắn in trong tập này « là mười bốn mảnh tâm tình, lắng đọng bao nỗi ngậm ngùi của một con người mẫn cảm xa quê, với những kỷ niệm khó quên cùng bao chiêm nghiệm nghĩ suy trăn trở về thời gian dâu bể, về lẽ đời còn mất, về những điều trông thấy… đau lòng. Mỗi truyện là một chuyện kể tự nhiên, nhẹ nhàng bằng giọng Huế ; có giọng đẹp, dễ cảm, trầm ấm; có giọng ma quái, trầm buồn… Chất khôi hài dí dỏm với những ẩn dụ ví von dễ lan tỏa trong cảm nhận của mọi người bởi khá gần gũi với lời ăn tiếng nói thường nhật của dân gian. Chuyện ngắn thôi nhưng cũng đủ khiến người nghe thỉnh thoảng giật mình khi chợt nhận ra mình còn đôi lúc sống lơ đãng, vô tâm… » (theo Cao Quảng Văn). Sách do NXB Trẻ ấn hành, tháng 7/2/2004).

Chuyện ít người biết (Tạp chí Chiêu Anh Các, trang 48-51, số đặc biệt kỷ niệm 300 năm thành lập trấn Hà Tiên, 2008, cô viết bài nầy để nói về 4 người trong Hà Tiên Tứ Tuyệt là : Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà)

Lộng Ngọc (Văn Nghệ Hoa Phương Đông 2007)

Một Lần sớt bát (Văn Hóa Phật Giáo=VHPG số 127/2011)

Chùa Bà Tuần Phạm và Tôi (VHPG số 129/2011)

Tiếng Trống cửa Thiền (VHPG số 132/2011)

Cái duyên thật diệu kỳ (VHPG số 135/2011)

Về Phù Dung cổ tự ở Hà Tiên (Chân An Hoa VHPG số 151/2012)

Chùa lạ giữa quần đảo Hải Tặc (VHPG số 173/2013)

Lễ Phật Đản với tuổi thơ tôi (VHPG số 177/2013)

Ngồi một mình (VHPG số 178/2013)

Chiếc áo (VHPG số 203/2014)

Vươn lên từ đời chợ (VHPG số 207/2014)

Một tấm lòng (VHPG số 214/2014)

Đường về (Ký và truyện, Nhà xuất bản Tổng họp Thành phố Hồ Chí Minh)

Đặc biệt trong bài « Vươn lên từ đời chợ » là một bài viết theo trường phái hiện thực, trong đó cô Nguyễn Phước Thị Liên kể lại quảng đời khó khăn của gia đình sau những năm 1975…người lớn không có việc làm, con cái phải đi bán bánh mì dạo, …trong gia đình người đàn bà phải lo đủ thứ việc, gói ghém để đủ trang trải trong nhà và nuôi con…Đã vậy mà có người quen ở chợ Hà Tiên còn gởi gấm con trai của họ cho gia đình thầy cô nuôi và giáo dục dùm cho, vậy mà vì lòng nhân từ và tính tình quảng đại thương người, thầy cô đã nhận lời gởi gấm và người con trai nuôi đó từ một trẻ con lông bông đã được giáo huấn tốt đẹp của thầy cô mà thành người tốt thành công trên đường đời trở thành một vị giáo sư Anh văn tài giỏi…Cô cũng có kể lại trong bài viết là lúc đầu cả nhà đều không muốn nhận lời nuôi dùm đứa trẻ, nhưng vì cô đã nghe được lời dạy của Đức Phật và áp dụng vào quyết đinh nầy : « Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai ». « Đừng khẳng định cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đở phải hối hận hơn ».

Bây giờ xin mời thầy cô và các bạn thưởng thức bài viết « Ngồi Một Mình » của tác giả Nguyễn Phước Thị Liên.                              

                                         (Trần Văn Mãnh viết phần giới thiệu Paris 11/01/2018)

Cô Nguyễn Phước Thị Liên

Cô Nguyễn Phước Thị Liên

Cô Nguyễn Phước Thị Liên

Cô Nguyễn Phước Thị Liên cùng các con. Rạch Giá 1968

Thầy Trương Minh Đạt và cô Nguyễn Phước Thị Liên (2017)

Ngồi một mình (Nguyễn Phước Thị Liên)

Mỗi chúng ta, ai cũng có đôi lần ngồi một mình ở đâu đó: trong sân nhà, ngoài bãi biển, bên bờ sông, bờ suối, dưới tàng cây, trên đồi núi hay nơi bìa rừng đề suy tư, lắng nghe, rồi nhớ thương, hoài niệm… Nhưng nếu ngồi như thế thật yên, tĩnh tâm nhìn bầu trời, sẽ thấy mây trắng hơn, trời xanh và rộng hơn mà mình thì nhỏ lại hoặc vô cùng bé xíu mong manh. Rồi bỗng nhiên mình tự hỏi: tại sao mình hiện hữu, sống chết ở nơi này mà không là nơi khác. Cắc cớ, có khi mình lại hỏi vì lẽ gì một nửa của mình không phải là ai kia. Hỏi để thấy dẫu sang hèn hay sướng khổ thì nghiệp phận cũng đã định rồi. Thế là mình cứ vậy mà an nhiên tự tại, mỗi lúc một thấy cuộc đời vô cùng mầu nhiệm, thật đáng yêu, đáng quý.

Ngồi một mình bên bờ Rạch Vược nhớ ngày đầu mới về quê chồng, mẹ cho ăn giá, những cọng giá tuy có trắng nhưng ốm nhom dài ngoằng, đầu ló ra hai cái mầm tí tẹo xanh xao, thêm cái đuôi lượt thượt, thấy phát tội. Buồn cười hơn, nhân lúc mình cùng người ấy dạo chơi, thấy ở sân nhà người hàng xóm để đầy những lu, khạp, lớn nhỏ . Mình hỏi:

– Ở đây làm tương dữ dằn, người ta ăn chay ghê lắm hả anh?

– Tương gì… làm giá chứ bộ. Người ấy đáp.

– Trời ơi… mình la lên rồi bụm miệng cười khằng khặc không ý tứ; nhưng rồi ngại cái tự ái “chùm khế ngọt” của người ấy nổi dậy, mình bèn vuốt ve bằng một câu êm dịu:

– Làm giá ngộ quá ha, họ làm như thế nào vậy anh? Người ấy đáp:

– Trước tiên họ lót lá chuối khô thật sạch vô khạp cùng với một lớp đất mỏng, rãi đậu xanh đã lựa kỹ và đã ngâm qua đêm lên đó rồi ủ cũng bằng lá chuối khô, đoạn tưới nước, tưới sương sương nhiều lần trong ngày như thế chừng bốn năm bữa thì dỡ giá. Quan trọng là nước tưới giá không được nhiễm phèn, cũng không ngọt như nước mưa. Nói thì vậy chớ làm giá không đơn giản, chỉ một sơ suất nhỏ trong việc chăm sóc, cả mẻ giá có thể đi tong, ấy là chưa nói đến phần tâm linh của giá. Đã có nhiều người làm giá bị vỡ nợ.

Nghe tâm linh của giá, mình lại cười to lên lần nữa. Người ấy giải thích:

– Thật mà em, nhà làm giá sợ nhất người phụ nữ có việc riêng, người đi đám ma, người bị bệnh lên trái… đến chỗ họ làm giá. Để tẩy uế, họ phải cắm nhiều hoa nơi đó và tắm gội sạch sẽ trước khi tiếp cận nó.

Mình nghĩ làm giá gì mà kỳ cục rồi đâm ra nhớ thật nhiều những cọng giá ở Động Giá “cao cả rộng lớn” nơi quê mình.

Bây giờ cách làm giá cũ kĩ đó được cải tiến đến khiếp sợ. Còn cái sân có nhiều lu, khạp giờ biến thành dãy nhà trưng bày nhiều hình nhân dùng làm giá treo sản phẩm thời trang có mặt mày, tóc tai, áo quần cực kỳ xinh đẹp, ngày ngày kênh kiệu, diêm dúa, đứng ngồi cứng đơ trong tủ kính.

Ngồi một mình trong sân chùa ở núi Tô Châu nhìn qua phố chợ, nhớ hồi đó mẹ bảo mình đi chợ mua bầu về ăn để mau có bầu, sang năm sanh cho bà đứa cháu nội. Lúc ấy mình chưa muốn có em bé nhưng sợ mẹ buồn, đành bóp bụng đi chợ thật sớm, tìm mua bầu. Thời đó chợ nhóm từ mờ sáng và tan rất nhanh, khoảng mười, mười một giờ. Hàng rau hành ngồi bán dưới đất ngay lề đường. Mình đi dạo năm lần bảy lượt vẫn không thấy một trái bầu nào để mua. Mình thắc mắc, tự hỏi, bầu bí chứ nào phải thứ gì cao siêu mà ở đây không có bán.

Và khi nghe mình báo cáo, mẹ ngạc nhiên hơn cả mình, bà tức tốc đi ra chợ, cầm về một trái gọi-là-bầu… dài cả thước kèm theo lời nói: “Trái gì đây?”. Mình nực cười trong nỗi sợ hãi ,nói: “Dạ, con thấy trái này nhiều lắm ở ngoài chợ. Bộ nó là trái bầu hả mẹ, sao nó không tròn như trái bầu ngoài con, loại “bầu cua cá cọp”. Mình không dám nói loại “bầu rượu túi thơ”, lại càng không dám lấy câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” để lý sự.

Tối đó mình đem chuyện bầu kể cho người ấy nghe rồi tuyên bố: “Ăn bầu ở xứ anh để có bầu… dài thượt, không dám đâu” và cù lét anh: “Thầy cô giáo ở đây dùng trái bầu này làm giáo cụ trực quan để dạy “bầu rượu túi thơ” thì hết sẩy, đúng là siêu hình học”.

Nhưng ngồi một mình suy ngẫm, bây giờ mình mới hiểu thâm ý nguyện vọng của mẹ, bà muốn mình có bầu dài dài, con đàn cháu đống thế mới là nhà có phước. Và trái bầu thiêng của mẹ ngày nào đã cho mình tám nhóc con hay ăn chóng lớn, tù tì dễ thương như trái bầu trái bí xứ “Thần Tiên”… Hẳn mẹ đã thỏa lòng nơi chín suối.

Ngồi một mình trong sân nhà nhìn ra lộ, thấy người ta đặt cống nước, lại nhớ năm nào mẹ dặn: “Con giùm rửa cái cống cho má”. Mình “dạ” rất ngoan. Người chị bạn dâu của mình nghe vậy liền nói: “Dạ, để con và thím Sáu cùng rửa”. Ăn cơm xong, chờ mọi người trong nhà đi nghỉ, mình và chị Năm xách nước rồi đứa quét đứa dội, chùi rửa cái cống cả buổi trưa, thật sạch. Cống thông thoáng, nước chảy, vui cả mắt. Bàn chải, chổi dừa cũng được rửa sạch, đem phơi. Công việc vừa xong, mẹ thức dậy uống nước, hỏi: “Rửa cái cống chưa con?”. Mình nhanh nhẩu đáp: “Dạ, con đã rửa sạch rồi”. Mẹ không nói, trố mắt nhìn, mình khẳng định lại: “Dạ, con với chị Năm quét rửa đến hai ba thùng nước mới sạch”. Mẹ ngừng uống nước, nói: “Nước ở đây quý hơn vàng, rửa có cái cống mà hai ba thùng nước”. Mình và chị Năm ngớ người, nhìn nhau hỏi qua ánh mắt: “Vậy là sao?”. Ý chừng hiểu ý hai con dâu, mẹ nói: “Nó đây nè” liền đưa cái ca nhôm còn sánh nước bà đang uống!!.

Không chỉ có thế, mình còn phải đối đầu với những “sự cố” tương tự khác như khi mẹ nói cái tợ thì mình phải hiểu đó là cái bàn. Mình ên là một mình, ăn “la sét” là ăn tráng miệng v.v. Và điều mình không hiểu nổi là do đâu mẹ cũng như hầu hết người ở đây có lối nói đảo ngược như: “làm giùm” thì nói “giùm làm”; “cất giùm” thì nói “giùm cất”…

Buổi chiều ngồi một mình nhìn biển cả mênh mông, thấy mặt trời đỏ rực từ từ lặn xuống biển, chợt nhận ra mình là kẻ bỏ xứ về dạy học nơi trời Tây xa xôi này để cho dưới mắt người địa phương thời ấy, mình mãi mãi không phải là người Việt Nam (!) mà là người Trung ọ ẹ. Ngày khai trường nhận lớp (năm 1965), sáng điểm danh 45 trự, chiều chạy đâu mất mươi mười lăm trự chỉ vì cái tội người Trung và hai tiếng “Việt Nam”. Muốn được tồn lưu tồn tại, mình phải học bắt chước giọng nói của họ, càng bớt trọ trẹ càng tốt, nhất là trong giờ chính tả mình đọc cho học sinh viết, như khi mình đọc hai từ “vi vút” đầy truyền cảm thì học trò thắc mắc hỏi:“Cô ơi dờ con de hay dờ cây dù?”. Mình ngớ ngẩn trả lời: “Trong bài đâu có con de hay cây dù nào”. Lần khác mình đọc “qua quýt”, chúng hỏi: “Phải quờ con quạ không cô ?”. Mình đáp: “Có quạ diều gì đâu em?”. Còn khi mình đọc “con sáo”, một số em lại viết “con sạo”. Và đau đớn nhất, khi mình bảo: “Em làm bài được không, để cô vẽ cho”. Bọn chúng trố mắt nói: “Dẽ gì cô, làm bài tập mà”.

Ôi thương các em nhỏ học trò, trước hết là thương mình, mình phải tức khắc chịu đánh mất, giấu biệt cái giọng miền Trung ọ ẹ ấy. Và trong cái mất, luôn sẵn chứa nhiều cái được mà bây giờ mình mới nhận ra.

Rốt cuộc ngồi một mình ở đâu, nhìn ra đâu cũng thấy nhớ, nhớ từng gốc me già bên cái giếng cổ, từng con quạ đen dạn dĩ, lanh lẹ, chực chờ mình ngồi làm cá ở xó xỉnh nào trong vườn nhà, nó cũng sà xuống tha đầu cá, ruột cá. Rồi là tiếng ễnh ương “ềnh oạp”, tiếng ếch nhái “rét rét” vang lên mỗi tối từ đầm nước vườn nhà ông Ba Lón sau trận mưa đầu mùa làm đinh tai nhức óc cả một xóm. Rồi là Ao Sen, ao Sà Lách, ao Rau Muống. Thơ mộng nhất là con đường hàng dương…

Ôi! Tất cả giờ đây đã đi vào kí ức của người Hà Tiên xưa. Trong nỗi nhớ miên man ấy, mình chợt nhận ra: Phát triển đổi mới là nhu cầu thiết yếu của xã hội. Nhưng khi đối diện với “tất cả những đổi thay, cho dù là những đổi thay ta hằng mong ước nhất, cũng có một nỗi buồn âm thầm của nó”. Nếu ai chưa biết mang trong lòng cái “nỗi buồn âm thầm” ấy, hẳn… buồn tẻ lắm nhỉ. ■

               Nguyễn Phước Thị Liên. Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 178  (2013)

Bìa quyển sách « đường về » của cô Nguyễn Phước Thị Liên

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 127/2011 có bài « Một lần sớt bát » trang 7

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 129/2011 có bài « Chùa Bà Tuần Phạm và tôi » trang 30

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 132/2011 có bài « Tiếng trống cửa thiền » trang 28

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 135/2011 có bài « Cái duyên thật diệu kỳ » trang 20

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 151/2012 có bài « Về Phù Dung cổ tự ở Hà Tiên » trang 34

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 173/2013 có bài « CHùa lạ giữa quần đảo hải tặc » trang 38

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 177/2013 có bài « Lễ Phật Đản với tuổi thơ tôi » trang 46

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 178/2013 có bài « Ngồi một mình » trang 48

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 203/2014 có bài « Chiếc áo » trang 54

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 207/2014 có bài « Vươn lên từ đời chợ » trang 50

Mục lục tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 214/2014 có bài « Một tấm lòng » trang 58

Hình ảnh: Cô Nguyễn Phước Thị Liên, Trương An Triêm…