Lăng Ông Mạc Cửu (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian (Trần Văn Mãnh)

Thầy cô và các bạn thân mến, đối với thầy trò trường trung học Hà Tiên, khi nói đến lăng Mạc Cửu thì ta không thể không nhớ đến giai đoạn ngày xưa trong những năm 60-70, biết bao nhiêu lần chúng ta, thầy lẫn trò, cùng kéo nhau lên núi Lăng (núi Bình San) để họp nhau vui chơi, kể chuyện, ăn uống tại chỗ rất vui, Hôm nay chủ đề chánh của bài là sẽ viết ngắn gọn và nhờ những hình ảnh sưu tầm để nhắc lại về gốc tích của ngôi đền thờ ông Mạc Cửu và sự thay đổi qua các giai đoạn thời gian.

Cũng theo thông lệ và nguyên tắc của Blog nầy, xin nhắc lại là bài viết chỉ nhằm mục đích phổ biến rộng rải một cách bình dân những kết quả của các nghiên cứu do các nhà khảo cứu về vùng đất Hà Tiên và sự nghiệp họ Mạc (như tài liệu « Họ Mạc với Hà Tiên » trong tập « Nghiên Cứu Hà Tiên » của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, 2017,..v..v..) do đó bài không đi sâu dẫn chứng tư liệu phần lớn uyên bác và rất cần sự chú ý nghiêm túc mới thấm nhuần được các lý giải, dẫn chứng về các kết luận khoa học. Để được hiểu thêm sâu rộng, thầy cô và các bạn có thể tiếp tục đọc sách chuyên và tra cứu trên mạng những bài đã xuất bản về chủ đề nầy.

A/ Định vị trí của Lăng Mạc Cửu:

Có rất nhiều tên gọi để chỉ định lăng Mạc Cửu, nói chung ta có thể dùng từ « Đền thờ họ Mạc » để chỉ định ngôi đền nầy vì đền được dựng lên để thờ cúng tất cả các dòng con cháu nhà họ Mạc. Tuy nhiên còn có nhiều tên chữ để chỉ định ngôi đền như các tên: Trung Nghĩa Từ, Mạc Công Từ, Mạc Công Miếu, dân gian lại thường gọi là Miếu Ông Lịnh (vì đền thờ ông Mạc Thiên Tích và ông Mạc Thiên Tích được gọi là Mạc Lịnh Công).

Thực ra ngay từ lúc đầu khi vua Gia Long phong cho Mạc Công Du (con của Mạc Tử Hoàng, cháu nội của Mạc Thiên Tích) làm Trấn Thủ Hà Tiên (trong khoảng thời gian 1818 – 1829) thì ông Mạc Công Du bắt đầu cho dựng một ngôi đền gọi là Đền Mạc Công để thờ phụng ông nội là Mạc Thiên Tích. Ngôi đền nầy vách bằng cây, lợp lá đơn sơ nằm ở bên trái chùa Tam Bảo, trong khu phế tích thành quách cổ thời ông Mạc Cửu (vị trí nầy còn được xác định trong bản đồ người Pháp vẻ tay vào năm 1869 và ghi chú là Ruines). Lúc nầy đền còn có tên « Mạc Thiên Tứ Từ », tuy nhiên trong đền cũng thờ tất cả ba vị họ Mạc có tên là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, vì thế đền cũng được gọi là đền « Mạc Công Tam Vị ».

Sở dĩ đền thờ ba vị họ Mạc là vì ba vị họ Mạc nầy đều được sắc phong nhân thần của các vua nhà Nguyễn thời đó:

Mạc Cửu (1655-1735 thọ 81 tuổi): được vua Minh Mạng phong Trung Đẳng Thần, sau đó vua Thiệu Trị và Tự Đức cũng ban thêm các mỹ tự và vua Bảo Đại phong thêm Thượng Đẳng Thần.

Mạc Thiên Tích (1718 – 1780 thọ 63 tuổi): con của Mạc Cửu, được vua Minh mạng phong Đạt Nghĩa Chi Thần, sau đó vua Thiệu Trị và Tự Đức ban thêm các mỹ tự.

Mạc Tử Sanh (1769 – 1788 chết trẻ 20 tuổi): con của Mạc Thiên Tích, được vua Minh Mạng phong Trung Nghĩa Chi Thần, sau đó vua Thiệu Trị và Tự Đức ban thêm các mỹ tự.

Từ khi thành lập năm 1818 đến năm 1833, ngôi đền được con cháu họ Mạc và nhân dân chăm lo hương hỏa, cúng kiến. Đến năm 1833 lúc nầy có giặc phản loạn Lê Văn Khôi dấy binh đánh chiếm thành trì nhà Nguyễn (đời vua Minh Mạng), Mạc Công Du và các con ngả theo bên Lê Văn Khôi, đến khi họ Lê thất bại, Mạc Công Du và các con đều bị tội, lúc đó Mạc Công Du lại bệnh mất, cả nhà họ Mạc đều bị  vua kết tội, đền thờ họ Mạc bị bỏ hoang không ai dám chăm sóc…

Đến năm 1846 có quan thần nhà Nguyễn đời vua Thiệu Trị xin vua nghĩ đến công trạng của cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích nên nhà vua cho phép dựng lại ngôi đền mới nhưng xây cất tại vị trí mới, tọa lạc dưới chân núi Bình San, hoàn thành năm 1847, đó là ngôi đền Mạc Công Miếu hiện nay. Tuy nhiên từ lúc xây cất năm 1847, vì ngôi đền xây cất bằng gỗ, lợp ngói nên không duy trì được lâu dài với thời gian sau đó, chừng vài chục năm lại bị hư dột…

Đến năm 1897 có chí sĩ người gốc Hà Tiên tên là Nguyễn Thần Hiến thảo bài văn kêu gọi nhân dân Hà Tiên góp tiền góp sức trùng tu lại ngôi cổ miếu cất từ đời vua Thiệu Trị (bản văn của ông Nguyễn Thần Hiến vẫn còn lưu truyền tại đền Mạc Công Miếu hiện nay). Công việc trùng tu kéo dài đến năm 1901 mới xong (đó là công lao rất to lớn của ông Nguyễn Thần Hiến cùng với nhân dân và hội người Minh Hương ở Hà Tiên, người Hà Tiên chúng ta không ai là không biết đến tên gọi Nguyễn Thần Hiến, từ ngày xưa Hà Tiên đã có một bệnh viện và một con đường được mang tên Nguyễn Thần Hiến, ngày nay có ngôi trường mới cất sau nầy là trường Phổ Thông Trung Học Nguyễn Thần Hiến với pho tượng bán thân của ông ở ngay lối chánh vào trường). Trong đợt trùng tu nầy, có cất thêm nhà Võ Ca, bức tường bao quanh ngôi miếu và cổng Tam Quan. Lần trùng tu thừ hai là vào năm 2002 do Ban Bảo Vệ Di Tích Núi Bình San thực hiện. Lần trùng tu thứ ba là vào năm 2012, do Ban Di Tích tỉnh Kiên Giang thực hiện. Tuy vậy việc trùng tu đều tôn trọng giữ theo đúng hình dạng kiến tạo năm 1897 của thời ông Nguyễn Thần Hiến.

Bản đồ do người Pháp vẻ tay vào năm 1869 khu vực Hà Tiên. Ô vuông đứng màu vàng phía trên là khu phế tích dinh thự thành quách của Mạc Cửu, trong đó có ghi rỏ vị trí chùa Tam Bảo đầu tiên và ba hình tròn nhỏ xem như ba bảo tháp còn lại. Ngôi đền Mạc Công Miếu được Mạc Công Du dựng đầu tiên vào năm 1818 nằm bên trái chùa Tam Bảo, ngôi đền nầy đã bị bỏ hoang phế sau năm 1833. Đến năm 1846 ngôi đền Mạc Công Miếu mới được xây dựng lại nhưng đã ở vị trí khác, tọa lạc dưới chân núi Bình San, ngay trước đền có một cái ao đã có từ đời ông Mạc Cửu (đào vào khoảng năm 1719).

Tuy việc dựng đền là để thờ cúng ba vị họ Mạc đi tiên phong trong công cuộc mở mang vùng đất Hà Tiên, nhưng thực sự trong đền đều có đủ cả các bài vị thờ hầu hết tất cả con cháu dòng họ nhà Mạc, có cả bàn thờ chư vị tướng lảnh phục vụ cho nhà Mạc và cũng có cả bàn thờ các vị phu nhân và bàn thờ Mạc Mi Cô tức bà Cô Năm, người con gái út của Mạc Thiên Tích, tiểu thư Mạc Mi Cô chết rất trẻ lúc chỉ mới 14 tuổi.

B/ Các bộ phận của ngôi đền

  • Cổng tam quan và tường gạch cao chung quanh đền: Có ba cổng ra vào đền nhung cổng bên trái bít kín từ năm 1911 vì tôn kính bà Cô Năm.
  • Nhà Võ Ca: Có rất nhiều câu đối, những bài thơ Nôm trên những hàng cột.
  • Trù Phòng: Hai gian nhà bếp để phục vụ việc nấu nướng ngày xưa, nay là văn phòng và nhà kho.
  • Tiền Khu Chánh Điện: Một bức tường có ba lối vào ngăn nhà Võ Ca và Chánh Điện, có tấm biển đề tên Trung Nghĩa Từ và nhiều câu liễn đối.
  • Bái Đình: nền gạch hình vuông, có mái.
  • Đông Lang và Tây Lang: nơi đặt bài thờ gọi là Tiền Hiền, Hậu Hiền.
  • Chánh Điện: một ngôi nhà trệt ba gian, có tấm biển khắc tên và nhiều câu liễn đối. Đây là nơi đặt các bàn thờ chánh.
  • Hai bên tường tả và hữu; nơi chép các bài văn, thơ, vịnh…

C/ Khu lăng tẩm và các ngôi mộ nằm trên ngọn núi Bình San:

Toàn bộ mồ mả các vị quan, tướng, phu nhân, hầu thiếp nhà họ Mạc đều được chôn cất trên ngọn núi Bình San (ngọn núi Bình San có ba đỉnh riêng biệt). Theo tài liệu tổng kết của Ban Bảo vệ Di tích núi Bình San thì có khoảng 68 ngôi mộ được chỉnh trang, sơn phết và có bia khắc, đánh số để xác định tên tuổi. Mộ ông Mạc Cửu đánh số 1, mộ Mạc Thiên Tích đánh số 2, mộ Mạc Tử Hoàng đánh số 3…, mộ Bà Cô Năm Mạc Mi Cô đánh số 43…Điều đáng chú ý là tuy đền Mạc Công Miếu thờ ba ông được phong nhân thần là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, nhưng trong ba ông chỉ có Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích là có được mồ mả oai nghiêm còn Mạc Tử Sanh thì trong cơn biến loạn đã mất vì bệnh và không ai biết được mồ mả của ông chôn cát ở đâu.

Khi đi vào ngôi đền Mạc Cửu, nhìn bên phải có con đường lót gạch để dẫn đi lên khu các ngôi mộ. Ngoài ra chung quanh ngôi đền và đường lên khu mồ mả đều có trồng cây xanh, cây hoa kiểng rất xinh đẹp.

Hồi xưa lúc còn đi học trung học, các học sinh Hà Tiên thường kéo nhau cả nhóm lên núi Lăng chơi. Tuy nhiên lúc đó mình rất sợ và rất tôn kính ngôi đền ông Mạc Cửu và ngay cả khi đứng trước các ngôi mộ. Lúc vào trong chánh điện của đền thờ mình rất sợ, không dám nhìn thẳng vào các bài vị trên bàn thờ, và hoàn toàn im lặng không dám nói chuyện …Hồi xưa có rất nhiều tin đồn, chẳng hạn như người ta nói là khi mình chụp hình ngôi mộ của ông Mạc Cửu, khi đem phim đi rửa để ra hình thì thấy hình hoàn toàn màu đen không có hình ảnh gì cả,…, đó chỉ là lời đồn nhưng hồi xưa mình cũng tin ít nhiều…

Bức hình về ngôi đền Mạc Công Miếu xưa nhất có lẻ là hình nầy, trên tấm bưu thiếp nầy được người Pháp ghi là Pagode, vì người Pháp xem ngôi đền như là ngôi chùa, bưu thiếp được ký tên ngày 6 tháng ba năm 1909, như vậy bức hình nầy được chụp khoảng trước năm 1909, đền Mạc Công Miếu được trùng tu xong vào năm 1901.

Một bức hình xưa về đền Mạc Công Miếu trên một bưu thiếp do ngườì Pháp xuất bản, dấu ấn đóng trên con tem cho biết là Tây Ninh, ngày 23 tháng 11 năm 1909. (bộ sưu tập Poujade de Ladevèze)

Sâu đây là một số bưu thiếp do người người Pháp xuất bản cùng dạng, trên hình ta thấy đó là nhà Võ Ca trong đền Mạc Công Miếu sau khi được trùng tu lần đâu tiên.

Ngôi đền Mạc Công Miếu vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.

Một trong hai bức tượng tướng quân đứng hai bên ngôi mả của Mạc Cửu, hình chụp từ sau lưng tượng, nhìn về phía cửa sông Giang Thành ra biển. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp vào năm 1953. (đây là hình bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mả)

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.

Lăng Mạc Cửu trong những năm 1960, người trong hình là Nguyễn Đình Nguyên, một học sinh Trung Học Hà Tiên thời xưa, hình chụp tại bờ ao sen trước ngôi đền. Hình: Nguyễn Đình Nguyên

Lăng Mạc Cửu trong những năm cuối của thập niên 1960, người trong hình là anh Trần Văn Dõng, một học sinh Trung Học Hà Tiên thời xưa, hình chụp tại bờ ao sen trước ngôi đền. Hình: Trần Văn Dõng

Ngôi mộ Mạc Cửu trong những năm cuối của thập niên 1960, người trong hình là anh Trần Văn Dõng, một học sinh Trung Học Hà Tiên thời xưa. Hình: Trần Văn Dõng. (ta thấy có hình bức tượng tướng quân đứng hầu bên phải, đây là bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mả)

Ngôi mộ Mạc Cửu trong những năm 1970, hình do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hà Tiên Quách Ngọc Bá xuất bản. (ta thấy có hình bức tượng tướng quân đứng hầu bên trái, đây là bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mả)

Nói thêm về hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên mả của ông Mạc Cửu: Từ lúc lập mả người ta có làm hai bức tượng hai tướng quân đứng hầu hai bên mả, tả hữu rất oai nghiêm, từ xa xưa, có nhà nhiếp ảnh người Hà Tiên Quách Ngọc Bá có chụp hình làm bưu thiếp về lăng ông Mạc Cửu và hình tượng tướng quân đứng hầu. Lúc còn nhỏ mình có thấy hình bức tượng nầy do ông QNB chụp, ông chụp một cách rất nghệ thuật từ sau lưng nhìn về phía trước và chụp gần nên thấy trong hình bức tượng rất to lớn. Đến khi học Trung Học (những năm 60 – 70), mình thường theo nhóm bạn lên lăng Mạc Cửu chơi trong những giờ vắng thầy, không có giờ học, lúc đó mới nhìn thấy hai bức tượng thật sự trước mắt thì mới biết là hai bức tượng có khuôn khổ vừa phải không to lớn như mình tưởng lúc còn nhỏ .

Đến sau khi chiến tranh biên giới ở Hà Tiên chấm dứt (sau những năm 1978-1979), hai bức tượng nguyên bản gốc nầy đã bị người ta trộm mất đầu…Sau đó một thời gian dài người ta làm đầu bằng xi măng và gắn lên thân tượng gốc bằng đá còn lại …Tuy nhiên hiện nay hai bức tượng đã được người ta làm lại mới hoàn toàn, có nét vẻ sơn phết tô màu cho đẹp, còn hai thân tượng cũ nguyên gốc ngày xưa thì đã được cất giữ đâu đó không có tin chi tiết rổ.

Lăng Mạc Cửu trong những năm 1970, hình do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hà Tiên Quách Ngọc Bá xuất bản.

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp trong những năm 1970-1980. Người đứng trong hình là Trần Văn Phi (em của Trần Văn Dõng và Trần văn Mãnh), một học sinh trường trung Học Hà Tiên thời xưa. Hình: Trần Văn Phi.

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 1974, ta còn thấy bức tượng nguyên bản gốc quan tướng đứng hầu bên phải. Trong hình là thầy Nguyễn Hồng Ẩn, giáo sư Trung Học Hà Tiên trong những năm 1965 – 1969. Hình: Nguyễn Hồng Ẩn

Ngôi mộ Mạc Cửu: Hình trắng đen trái: Một trong hai pho tượng nguyên bản gốc quan tướng đứng hầu (vị trí đứng bên trái ngôi mộ), hình trích trong ảnh do ông Quách Ngọc Bá chụp vào những năm 1970. Hình màu phải: Một trong hai pho tượng làm lại sau những năm 1990 (vị trí đứng bên phải ngôi mộ), hình trích trong ảnh do Missak chụp vào năm 2006.

Toàn cảnh Lăng Mạc Cửu rất đẹp năm 1994. Hình: TVM

Trần Văn Mãnh với nhà nghiên cứu Sử Học Trương Minh Đạt, hình chụp trước cổng tam quan đền Mạc Cửu năm 1994. Hình TVM

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 1996. Hình: tạp chí Hà Tiên Thập Cảnh, nhà xuất bản Văn Hóa.

Lăng Mạc Cửu năm 1999, lối vào nhà Võ Ca từ cổng Tam Quan nhìn vào. Hình: tạp chí Hà Tiên, Đất nước&Con người, nhà xuất bản Mũi Cà Mau

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 1999. Hình: tạp chí Hà Tiên, Đất nước&Con người, nhà xuất bản Mũi Cà Mau

Cổng tam quan chánh đi vào lăng Mạc Cửu chụp vào năm 1999. Hình trích từ video TVM

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 2006, hình chụp nhìn ra ngoài ao sen trước đền. Hình: ThoNau

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2006, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: ThoNau

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2007, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: DawnBreeze

Lăng Mạc Cửu năm 2008, lối vào nhà Võ Ca từ cổng Tam Quan nhìn vào. Hình: BuiThiDaoNguyen

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 2008. Hình: BuiThiDaoNguyen

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 2008. Hình: LeDuyThuong

Tiền khu chánh điện bên trong lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2009. Hình: BuiThiDaoNguyen

Bút tích của nhà chí sĩ Nguyễn Thần Hiến vẫn còn ghi lại trên vách tường đền thờ nhà họ Mạc. Hình: BuiThiDaoNguyen, 2009

Lăng Mạc Cửu năm 2009, bên trong Tiền Khu Chánh Điện chụp ra phía ngoài ao sen. Hình: FamilleToan

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2010, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: TranNguyenMinhHuy

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 2011. Hình: LaiMyThanh

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2011, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: LaiMyThanh

Cổng tam quan chánh đi vào lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2011. Hình: NguyenSauRieng

Bái Đình nền gạch vuông trước khi vào chánh điện. Hình chụp khoảng năm 2011

Cổng tam quan phía bên phải đi vào lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2012. Hình: TVM

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 2012. Hình: TVM

Tiền khu chánh điện bên trong lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2012. Hình: TVM

Tiền khu chánh điện bên trong lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2012. Hình: AaronGeddes

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2013. Hinh: LeThanhHoangDan

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích chụp vào năm 2013. Hinh: LeThanhHoangDan

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích chụp vào năm 2014. Hinh: ThanhKieu

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2014. Hinh: ThanhKieu

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2014. Hinh: JimGoodman

Ngôi mộ Mạc Tử Hoàng chụp vào năm 2014. Hinh: DauDinhAn

Cổng Tam Quan chánh và cổng bên phải lăng Mạc Cửu vào năm 2014. Hinh: DauDinhAn

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Ngôi mộ Mạc Tử Hoàng chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Bên phải đền Mạc Cửu, có con đường gạch dẫn lên khu mồ mả nhà họ Mạc. Hình: Kiều Trang 2017

Cổng Tam Quan chánh vào đền Mạc Cửu vào năm 2017. Hinh: Kiều Trang

Bái Đình lăng Mạc Cửu, hình chụp từ trong Bái Đình nhìn ra phía ngoài ao sen. Hình: SoniaMaclean 2018

Sơ đồ các ngôi mộ nhà họ Mạc tọa lạc trên 4 khu vực trên toàn địa phận núi Bình San và danh sách các ngôi mộ có đánh số và ghi tên.

Tác giả bài viết (TVM) xin trân trọng cám ơn nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt và tất cả các nhiếp ảnh viên đã có hình được trích minh họa cho bài nầy.

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết.

Mời quý đọc giả xem thêm các bài viết có liên quan đến đền Mạc Cửu:

1/ Bài viết về nguồn gốc các ao sen trước ngôi đền Mạc Cửu.

2/ Bài viết về ngôi chùa Tam Bảo qua các giai đoạn thời gian.

3/ Xin mời bạn đọc xem thêm video dưới đây về buổi viếng thăm lăng Mạc Cửu của hai người bạn năm xưa Trần Văn Mãnh và Nguyễn Đình Nguyên vào tháng 11 năm 1999:

 

Thầy Nguyễn Lê Hùng

« Thầy cô và các bạn thân mến, vào những năm đầu của thập niên 1960, có một người thầy dạy môn Pháp văn ở Trường Trung Học Hà Tiên mà mình muốn giới thiệu qua bài viết hôm nay, thầy tên là Nguyễn Lê Hùng. Thầy Hùng tuy dạy không nhiều năm ở Hà Tiên (thầy dạy trong khoảng thời gian 1962-1965) nhưng là một trong những vị thầy đã để lại rất nhiều ấn tượng và tình cảm luyến nhớ cho học sinh…Mình cũng là một trong những học sinh có nhiều tình cảm luyến nhớ về thầy…Tuy không được học với thầy nhiều lắm nhưng mình nhớ là thầy đã có dạy qua lớp Đệ Thất (1964-1965) của mình một thời gian ngắn, môn Pháp văn. Hồi xưa ngay cả lúc còn ở bậc Tiểu Học, khi chưa vào bậc Trung Học, nhưng theo tin tức các anh chị đi trước, học trò thường hay nghe ngóng và bàn tán về các vị thầy cô trên bậc Trung Học,…Lúc đó mình cũng có nghe nói rất nhiều về thầy Nguyễn Lê Hùng….Mấy anh chị thường ca ngợi thầy là một người rất thanh nhã, thanh nhã từ dáng người của thầy, qua đến tiếng nói, lời giảng bài trong lớp.., Thật sự là như vậy, các bạn có biết là ngày xưa, ở tuổi học trò nhỏ bé của chúng mình, mình thường nhìn lên phía thầy cô như là một nhân vật cao cả, tuy hơi có vẻ xa cách bên ngoài nhưng về mặt tình cảm thì lại rất gần…Phong cách của quý thầy cô thời xưa rất là sang trọng, đẹp đẻ, có một cái vẻ gì đó cao cả, thanh tao, quý phái, không bao giờ có một nét tầm thường hay trần tục trong đó,…Học trò luôn ái mộ thầy cô, lúc nào cũng ngắm nghía với một vẻ khâm phục, chiêm ngưởng và trân trọng đối với thầy cô…Trong giờ dạy trong lớp học, mỗi khi thầy hoặc cô đến gần học trò, người học trò cảm thấy hơi bị xao động, bối rối nhưng đồng thời cũng cảm và ngửi được cái mùi thơm tho của y phục và con người thầy cô thoát ra. Mình còn nhớ trong giờ học, vì mình thường hay ngồi đầu bàn, mỗi khi thầy cô đến gần nhìn vào bài làm của mình, mình thường hay bị dao động và cảm nhận được mùi hương thơm của thầy cô thoát ra…. Mình còn nhớ cô Nguyễn Minh Nguyệt dạy Pháp văn trong những năm về sau, cô rất thích và chú ý nhiều đến mình (có lẽ vì là học trò « ngoan »…!!), cô thường đến đứng gần chỗ mình ngồi để xem mình làm bài, cô đứng sát đến nổi mình cảm thấy thân hình cô chạm nhẹ vào cánh tay của mình,…lúc đó mình không dám động đậy gì cả, chỉ yên lặng gần như nín thở và làm ra vẻ suy nghĩ để làm bài và ……!!

Mình còn nhớ giờ học Pháp văn với thầy Nguyễn Lê Hùng, hôm đó thầy dạy bài « À l’école », đó là một bài học về môn « Etude de texte »…Bắt đầu giờ giảng, thầy đọc to tiếng… » A….a…a…a..lê….lê…lê….coo…..coo..lơ…..lơ….lơ….!! »  Cũng có bạn cười lên và nói rì rào thầy « điệu » quá…Mà thật sự là như vậy, « điệu » ở đây không phải là cầu kỳ, quái dị, nhưng từ « điệu » ở đây chỉ một nét gì đó không phải là bình thường, không phải là nhạt nhẽo mà chỉ một cá tính cao sang, quý phái trong cách nói, cách phát âm của thầy…Ngay cả trong lúc đi đường thời đó, mình còn nhớ, mỗi khi trời mưa lất phất không lớn lắm, thầy cũng chậm rãi đi, tay cầm cây dù đen che mưa như người Tây phương,..khiến học trò từ xa nhìn thầy đi tới với một ánh mắt rất là ái mộ…

Mấy tháng trước đây, nhân có một bài mình vừa tìm ra được trên mạng với tựa đề « Ký Ức Về Chùa Tam Bảo Hà Tiên » do một cây bút ký tên là MINH CƯỜNG, đăng trên tạp chí « Văn Hóa Phật Giáo » số 144&145 (2014), trong bài viết có nói về đời sống và tâm tình của một người thầy từng dạy học ở Hà Tiên những năm xưa…mình rất ngạc nhiên và đã giới thiệu bài viết đó trên trang nhà fb. Sau đó thầy cô và các bạn có bàn luận và nhận ra là bài viết đó là do thầy Nguyễn Lê Hùng viết ra (kết luận theo các chi tiết chính xác có trong bài), lại có bạn cho tin là hình như thầy đã qua đời nhiều năm nay ở Sài Gòn…Thật là vừa vui vừa lại buồn tiếc cho người thầy xưa vừa mới gặp lại dù là gặp trên tin tức mạng ảo mà lại biết là thầy đã ra …..

Bạn Trương Thanh Hùng có cho biết thầy có gởi một bài văn cho Hùng và may mắn thay ngày nay bạn Hùng vẫn còn giữ bản văn của thầy viết, mình xin được bản văn nầy do Hùng gởi đến,…(xin cảm ơn Hùng rất nhiều nhé..) Thầy cô và các bạn thân mến, đọc xong bài văn rất dài và rất nhiều đề tài do thầy viết, mình thấy công ơn và tình cảm của thầy đối với học trò, trường lớp, chùa Tam Bảo và đất Hà Tiên chúng ta thật là to lớn…Thầy vẫn không quên những anh chị học trò giỏi ưu tú thời thầy dạy, thầy nhắc tên từng người: Lắc, Nhung, Nga, Cheo, Xuân, và đặc biệt là thầy có nhắc nhiều đến người học trò nam mang tên Phù Thọ Phương, biệt hiệu Tùng Phương, không ai xa lạ đó chính là anh Tùng Phương (anh của bạn Phù Ngọc Anh học chung lớp với mình)…Thầy rất khen anh Tùng Phương, nào là đẹp trai, hào hoa, ca hay, đàn giỏi,…và thầy lại tiếc thương cho người học trò thân yêu đó đã không còn trên cõi đời nầy nữa !!!

Trong bài văn của thầy viết, thầy đề cặp tới đủ tất cả các chủ đề, về Hà Tiên, về chùa Tam Bảo, về lịch sử Hà Tiên nói riêng, Việt Nam nói chung, có cả thơ ca trong đó,…Vì thầy là thầy dạy Pháp văn nên thầy không kiềm được thú chiêm những từ tiếng Pháp vào trong bài viết, thậm chí thầy còn trích thơ tiếng Pháp vào bài, tất cả các gia vị nầy biến bài văn của thầy viết thành một món ăn tinh thần rất hay, bổ ích và nhất là một niềm cảm kích thấm sâu vào lòng chúng ta khi đọc qua những hàng chữ thầy viết,..Bài của thầy viết rất là cảm động, càng đọc càng thấy nhớ thương thầy, nhớ một người thầy có tài hiểu biết sâu rộng và lại buồn cho sự ra đi của thầy quá đột ngột…Theo phần cuối bài viết, thầy có nói đến tập hồi ký « Bóng Ngày Qua » một hồi ký về ký ức dạy học ở Hà Tiên gồm 25 bài, tiếc là chúng ta không biết làm sao để tìm ra được tập hồi ký nầy …

Mình chỉ có một ý duy nhất để kết luận phần giới thiệu nầy: thầy cô và các bạn hãy đọc, đọc kỹ và đọc hết bài văn của thầy Nguyễn Lê Hùng, bài viết rất dài, rất sâu sắc, rất hay và rất bổ ích cho chúng ta, đọc để tưởng nhớ một người đồng nghiệp, một vị thầy đã trải qua một thời gian cùng chung sống với chúng ta dưới mái trường thân yêu Trung Học Hà Tiên…Cánh cửa đã mở rộng dưới đây, xin mời tất cả bước vào tâm hồn của thầy Nguyễn Lê Hùng nhé,.. »  (TVM viết lời giới thiệu 12/10/2017)

 Chân dung thầy Nguyễn Lê Hùng trongthời kỳ dạy học ở Hà Tiên 1962-1965NHỚ LẠI NHỮNG CON VẬT DỄ THƯƠNG TRONG KHUÔN VIÊN CHÙA TAM BẢO HÀ TIÊN NĂM XƯA

(Nguyễn Lê Hùng)

KÍNH DÂNG – Chơn linh: Thượng Tọa Thích Thiện Giác (nguyên Trụ trì chùa Tam Bảo Hà Tiên (1960-1974), Bà Cô Diệu Thanh Đỗ Thị Kiểng (Quản Lý chùa), Đại Đức Thích Thiện Tường (phụ tá thầy Trụ Trì) với tất cả lòng tôn kính và sự biết ơn vô hạn.

ĐẶC BIỆT TẶNG – Các em học sinh thuộc diện ưu tú trường trung học Hà Tiên năm xưa (1962-1965) với tất cả cảm tình quí mến hơn bao giờ hết: Lắc, Nhung, Nga, Cheo, Xuân…. Rất ngỡ ngàng khi nhận được điện thoại và gặp lại các em sau gần 50 năm xa cách. Cuộc hội ngộ này đối với tôi thực sự là khoảnh khắc ngàn vàng, nó giống như một giấc mơ kỳ diệu và tôi cảm thấy “như chưa hề có cuộc chia ly”. Gặp lại nhau, thầy trò chúng tôi đã có quá nhiều những niềm vui khó tả, những câu chuyện không kết thúc.  Thế nhưng, điều khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động là nhận thấy các em lúc nào cũng thể hiện trọn vẹn tấm lòng “tôn sư trọng đạo” trước sau như một. Tôi rời Hà Tiên đã gần nửa thế kỷ và chưa có dịp trở lại viếng thăm lần nào. Ở đó, tôi có nhiều kỷ niệm êm đềm đã nhạt nhòa theo năm tháng. Cái không khí thanh bình của một thời xa vắng tưởng chừng như đã vĩnh viễn qua đi, cứ ngỡ tất cả đã chìm trong quên lãng,  nay vụt sống lại trong tôi. Do vậy, lúc viết những dòng này, tôi đang lần bước ngược chiều thời gian, trở về quá khứ với tất cả nỗi niềm thương nhớ đan xen lẫn lộn. Nó giống như một cuộn phim được phục hiện và lần lượt cho thấy những hình ảnh thấm đậm biết bao tình cảm trìu mến về một khung cảnh đầy Thơ và Mộng. Vì lẽ đó, bài viết này gần giống như một bài thơ được diễn tả bằng văn xuôi mà tôi mong muốn được hân hạnh trao tặng các em với vô vàn tình cảm quí mến nhất. Các em thân mến, khi viết những dòng này, thực sự là tôi đã về thăm lại Hà Tiên thân yêu trên những trang viết. Mong các em thấu hiểu cho lòng thành của tôi. C’est presque un poème en prose que j’ai l’honneur à dédier à mes éleves. Ce texte est bien à elles et à eux en tant qu’ il est le reflet d’ un pays merveilleux inondé de lumière et de beauté dans un cadre paradisiaque. Et mon coeur brule souvent l’envie de le revoir (hầu như đây là một bài thơ được diễn tả bằng văn xuôi mà tôi hân hạnh được để tặng các học trò của tôi. Bài văn này hoàn toàn thuộc về các em, vì nó phản ánh được một vùng đất tuyệt vời, tràn ngập đầy ánh nắng và sự mỹ lệ trong một khung cảnh thần tiên. Và lòng tôi luôn cháy bỏng một nỗi khát khao là mong muốn được trở lại thăm viếng). 

«Ai về mua lấy duyên cười,
Riêng tôi mua lại mảnh đời thơ ngây »
Trích bản nhạc “Tình hoài hương” (Phạm Duy)

          Thời gian êm đềm trôi qua, thấm thoát tôi dạy học ở Hà Tiên đã được ba tuần trăng kể từ tháng 9/1962. Thường khi tiết học cuối cùng buổi sáng (dành cho học sinh cấp 3) chấm dứt lúc 11 giờ 30 qua một hồi kẻng xôn xao và rộn rã, thầy trò chúng tôi cũng chỉ mong có thế! Tôi cùng ào ra về với các em học sinh, lòng tràn ngập một niềm vui sướng , hớn hở và hồn nhiên như các em. Tôi đi bộ thong thả đến chỗ dùng cơm tháng nơi nhà ông Ách Nhỏng. Sự ân cần đối đãi tử tế của hai ông bà đã đọng lại trong ký ức tôi nhiều ơn sâu nghĩa nặng khó quên mà tôi chưa một lần được đền đáp. Nhiều lúc, bâng khuâng nhớ lại, tôi không khỏi chạnh lòng và cảm thấy phảng phất buồn.

           Dùng cơm trưa xong, tôi lửng thửng đi bộ về chùa. Đường sá Hà Tiên tuy nhỏ bề ngang, nhưng được tráng nhựa bằng phẳng và sạch sẽ. Đi rảo bộ ngoài đường dưới ánh nắng hanh vàng ban trưa một lúc là vã mồ hôi ngay. Mặc dù trời nắng chang chang, nhưng khi bước vào bên trong cổng chùa, tôi thấy mát mẻ dễ chịu nhờ có bóng râm.

          Sau khi hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn một hồi lâu cảnh quang bên trong chùa, tôi nghe văng vẳng đâu đây tiếng nhạc chuông gỗ treo lủng lẳng dưới cổ mấy chú bò tơ thả hoang. Đó là đàn bò 5 con đã lẻn vào bên trong sân chùa từ lúc nào không ai hay. Nghe tiếng lóc cóc phát ra từ đàn bò vang vọng lên một thứ âm thanh đơn điệu tan biến trong gió thoảng, tạo thành những nốt nhạc vui tai, tôi thấy lòng mình cũng rộn ràng và phấn khởi thế nào ấy. Lúc này, chung quanh tôi toàn là nắng và nhạc. Nhưng rồi phải xua đuổi đàn bò đi ra ngoài thôi. Không chần chờ lâu, nói là làm. Đàn bò đành bỏ lỡ bữa ăn ngon giữa chừng, đồng loạt tháo chạy ra ngoài nhanh chóng. Chúng đi luôn một mạch, không quay lại chỗ cũ, rất ngoan ngoãn.

            Len lỏi qua các thân cây Sao có dáng dấp thẳng đứng, tôi cảm nhận được mùi hương thơm thoang thoảng toát ra từ cỏ cây, hoa lá mọc chen lấn nhau dày đặc chung quanh chùa theo gió phảng phất trong không khí. Bóng mát dưới đất và ánh sáng rạng rỡ phía trên nền trời xanh tương phản nhau tạo thành một ranh giới rõ nét, tách biệt hẳn trên cao và dưới thấp trông rất lạ mắt.

             Vẫn con đường quen thuộc hằng ngày từ cổng dẫn vào chùa mà hai bên lề đường có trồng hai hàng cây Cau ngay hàng thẳng lối, tôi đi chậm rãi vào bên trong, hướng tới hành lang nhà khách, bổng nhiên tôi thấy toàn cảnh mặt tiền ngôi chùa giờ đây hiện lên một màu trắng toát và sáng ngời dưới bầu trời rạng rỡ ánh nắng vào một buổi trưa yên tĩnh. Tôi lóa mắt bởi cảnh tượng kỳ diệu này.

              Đi tới vài bước nữa, bất chợt tôi nghe một tiếng Frrrựt khô khan làm tôi giật mình. Thì ra, một đàn bồ câu khoảng chục con đang say mê mổ liên hồi những hạt cỏ rơi vãi trên mặt đất. Thấy tôi đi tới, chúng đồng loạt bay vụt lên nhanh để lại dưới đất một đám bụi mờ. Chúng đậu trên mái ngói của chánh điện, đầu gục gật liên hồi. Những con chim bồ câu này không biết từ đâu bay đến đây trú ngụ. Chúng làm tổ trong các lỗ trống dưới mái ngói lâu lắm thì phải. Tôi thầm nhũ:  «này các bạn bồ câu thân mến! các bạn có đầy đủ lầu son gác tía mà gia chủ đã hiến tặng các bạn với tất cả tình cảm thắm thiết, không thiếu một thứ gì: nào là lúa thóc đầy máng ăn, bồn tắm sang trọng, kiếng soi mặt sáng sủa và lộng lẫy…tại sao các bạn nỡ dứt áo ra đi một cách phủ phàng và lạnh lùng đến nổi không kịp từ giả ai cả (tôi đoán thế) để tìm đến một chỗ nương náu  trong cảnh «chùa rách Phật vàng» nghèo nàn và thanh vắng như thế này. Còn tôi lúc này đây, có khác gì các bạn đâu! Tôi cũng có nỗi niềm riêng tư khó nói nên lời khiến tôi đã rời bỏ chốn phồn hoa đô hội ồn ào náo nhiệt không chút luyến tiếc. Mặc dù ở nơi đô thị có nhiều ánh đèn màu rực rỡ lúc về đêm và sực nức mùi hương phấn đầy quyến rũ, thế nhưng lòng tôi thật khó vui khi mà trên mỗi bước đi dạo, tôi thường chạm phải những điều khổ tâm phơi bày ra trước mắt. Nhìn những cảnh tượng như thế, có nhiều khi tâm hồn tôi bỗng thấy nặng trĩu một nỗi sầu vô cớ, một nỗi sầu muộn  không hiểu vì đâu. Vẫn biết, lòng mình không ai oán, nhưng sao tôi cảm thấy man mác buồn, một nỗi buồn mênh mông xa lạ. Trước đây, tôi thường đi dạo trong  lòng thành phố đông người, đi dưới một bầu trời nắng ấm, đếm từng bước đi trên vỉa hè khô ráo và tôi lấy làm thích thú vô cùng. Nay, tôi thấy cô đơn và khắc khoải một cách kỳ lạ, đôi lúc day dứt khó tả khi va chạm với thực tế phủ phàng. Do vậy, tôi đã phải tạm lánh về đây, lấy cửa chùa làm nơi nương tựa trong một giai đoạn mà ở ngoài kia đang mịt mù khói lửa chiến tranh, đồng thời mong muốn quên đi tất cả nỗi chán chường để được đắm chìm trong  những giây phút suy tư và thả hồn vào cõi mộng mơ. Đây là khoảnh khắc mà cơ hồ như tôi không còn biết đến thời gian là gì. Ở đây, tôi tìm ra được cho mình một tâm thức an lạc. Ỏ đây, tôi thấy mình thực sự an tịnh với chính mình và thế giới chung quanh. Cũng giống như các bạn, tôi thích cảnh sống thanh bần, ưa cuộc sống tự do hơn là gò bó trong lầu son gác tía. Chúng ta có đồng cảnh ngộ như nhau, nên đồng cảm với nhau dễ dàng. Bây giờ chúng ta thực sự là những kẻ thân quen. Không rõ các bạn thế nào, chứ riêng tôi, tôi rất hạnh phúc khi được sống trên mảnh đất hiền hòa, hiếu khách và nhìn thấy khắp nơi, đâu đâu cũng tràn ngập toàn ánh nắng tươi sáng rực rỡ, nắng ở nơi này nó giống như một thứ ánh sáng thanh khiết và kỳ ảo. Ở đây, trong cái đẹp của thiên nhiên còn có cái đẹp của tình người. Điều đó khiến tôi cảm thấy yêu tha thiết nơi này đến thế nào các bạn biết không! Từ lâu, tôi mong muốn tìm một góc nhỏ không gian ngào ngạt cây cỏ hoa lá và khí hậu hiền lành, vậy còn chốn nào hơn Hà Tiên! Các bạn cứ tha hồ hưởng thụ thoải mái những gì có sẵn trong thiên nhiên vô tận. Chùa chiềng là nơi trú ẩn an toàn nhất trong thời tao loạn. Còn ở ngoài kia, các bạn sẽ gặp đủ thứ rủi ro. Nhưng điều mà các bạn đáng lo ngại hơn hết, chẳng phải diều hâu, đại bàng hay chim cắt…Có một loài động vật tỏ ra cực kỳ hiếu sát: thích giết để ăn thịt, giết để mua vui, hoặc giết để mà giết chứ chả có mục đích gì cả…Đố các bạn là ai? Xin nói ngay, đó là Con Người. Ở bên phương Tây, người ta bẫy một con chim đẹp để nghiên cứu về màu sắc, tiếng hót, mùa sinh sản…rồi thả nó ra ngay, sau khi cân-đo-đong-đếm. Còn đối với người Đông phương thì họ thiết thực hơn, họ tính thử với một con chim như thế sẽ làm được mấy món “nhậu”, hủ rượu ở nhà đã vơi hay còn đầy… Hiện nay, các bạn đã tìm được một chỗ ẩn náu nơi chốn Thiền môn là điều rất may mắn cho các bạn. Không ai vào trong sân chùa hãm hại các bạn. Ở trong này, việc săn bắn để giải trí, hoặc phục vụ các trò chơi thể thao, bị coi như một Tội Ác. Các bạn biết không, thế giới này có đủ mọi thứ, nhưng cũng đầy dẫy khổ đau. Cái mà nhân loại cần là Tình Thương, vì nhân loại là một phần của cơ thể, khi nhân loại đau là cả cơ thể ta đau. Tôi thực sự mừng cho các bạn đã tìm được một chỗ trú ngụ an toàn nhất». Vừa quay mặt đi khuất, bầy bồ câu lại bay sà xuống đất. Nhìn chúng vô tư nhặt nhạnh những hạt bông cỏ li ti rơi rụng vung vãi trên mặt đất, tôi mới nghiệm ra rằng, trong các loài động vật, chỉ có con người là vất vã tìm kế sinh nhai. Hãy quan sát đàn bồ câu kia, chúng tha hồ ăn no, khi thì ở chỗ này, lúc ở chỗ khác. Chúng không cần thiết phải “ tích cốc phòng cơ” như con người  mà vẫn hưởng thụ trọn vẹn hạnh phúc trên đời.

           Sau đó,  tôi quay mặt hướng vào chùa, đi dọc theo hành lang nhà khách bọc ra phía sau hậu Liêu, chuẩn bị bước lên tâng cấp nhà hậu Tổ, chợt tôi thấy một con rùa nặng khoảng 5 kg. Nhìn hình ảnh con rùa đang trầy trật leo lên bậc thềm một cách khó nhọc, điều đó không khỏi làm cho tôi sửng sờ trong giây lát. Rong rêu bám đầy trên chiếc mai sần sùi của nó. Hai bên hông mai rùa dày cộm và cuốn cong lại, chứng tỏ con rùa có tuổi thọ rất cao. Đây là giống rùa thuộc loại nhỏ con, nó phát triển tới cỡ đó là tối đa.. Lúc tôi nhìn thấy là nó đã leo lên được vài ba bậc thềm . Quá ngạc nhiên và xúc động làm sao! Tôi định bước tới đỡ nó lên, nhưng Bà Cô nói cứ để tự nhiên, rồi nó sẽ leo lên được hết các bậc thềm và lặng lẽ bò đến nằm dưới bàn thờ Tổ, trên có di ảnh Sư Ông ( Hòa Thượng Phước Ân, Trụ Trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo Hà Tiên từ năm 1920-1946 ). Đây là trường hợp hiếm hoi và lạ lùng nhất mà tôi mới thấy lần đầu.

           Bà Cô kể, con rùa này do Sư Ông phóng sinh lúc làm Trụ trì chùa Tam Bảo Hà Tiên  hồi thời còn thực dân Pháp cai trị. Tại nhà hậu Tổ, ảnh bán thân Sư Ông được lồng trong bộ khung gỗ quí và được treo một cách trang trọng trên cao của bức tường. Tuy Sư Ông viên tịch đã lâu (1946), nhưng cứ đến đến ngày giỗ là các Phật tử cao niên vẫn đến chùa thắp hương lễ bái. Bà Cô còn cho biết, cứ đúng ngày giỗ Sư Ông là nó lại lò mò về chùa mà quanh năm suốt tháng không thấy nó đâu cả. Mỗi năm khi thấy nó về chùa, Bà Cô  nhờ người ta viết dòng chữ bằng sơn đỏ “rùa phóng sinh”, viết lại theo nét chữ cũ trên mai rùa nhằm giúp nó khỏi lọt vào nằm thảm thương  trong các quán nhậu bình dân.

           Qua năm sau,  đúng ngày giỗ Sư Ông, nó lại khệ nệ mang chiếc mai lưu đày nặng nề của nó về chùa, tự leo lên được các bậc thềm và lê từng bước chân chậm chạp đến nằm dưới bàn thờ Tổ. Tôi ngụ trong chùa ba năm liên tục và có dịp chứng kiến đủ ba lần rùa về chùa đúng ngày giỗ Sư Ông. Sau đó, nó âm thầm ra đi lúc nào không ai hay và đi đâu chả ai biết. Tôi cũng đã lùng sục khắp các ngõ ngách trong khuôn viên chùa mà chẳng thấy nó đâu cả.

           Tôi tự hỏi, rùa là loài động vật như các loài khác, tại sao con rùa này biết được chính xác ngày giỗ Sư Ông? Trong khi các bậc cao niên cũng có thể có người nhớ, người quên. Thật khó hiểu! Phải chăng có sự liên hệ phi-ngôn-ngữ giữa loài vật và con người bằng một trực giác siêu-tâm-thức qua nhiều giai đoạn tái sinh? Khoa học nghĩ gì về hiện tượng kỳ lạ nầy! Mặc dù con người đã đặt chân lên mặt Trăng từ nửa thế kỷ nay và chuẩn bị đưa tiếp người lên sao Kim, sao Hỏa. Tuy vậy, trong thế giới chúng ta đang sống, hiện có rất nhiều điều bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được. Có nhiều hiện tượng siêu hình thuộc lĩnh vực tâm linh mà khoa học không bao giờ chấp nhận.

          Thực tế, trong vũ trụ bao la này, không gian là vô cùng, thời gian là vô tận, sự hiểu biết của con người về thế giới khách quan là có giới hạn. Vì thế, trình độ khoa học kỹ thuật của con người ngày nay vẫn còn mờ nhạt trước nhiều bí ẩn chưa khám phá và còn rất nhiều hiện tượng siêu nhiên lạ lùng vẫn đang còn nằm ngoài kiến thức của chúng ta. Không gian của các loài động vật cấp thấp chỉ có hai chiều. Muốn đi từ điểm A đến điểm B, con chim hoặc con kiến chỉ biết đi đường thẳng. Ở loài người, họ nắm bắt được không gian 3 chiều, nên đã thực hiện được nhiều công trình tưởng chừng như siêu đẳng. Thế nhưng, nếu ta nhìn vũ trụ như mục tiêu khách quan nổi lên toàn những hiện tượng vật lý, ta chẳng hiểu gì hết. Bởi lẽ, tất cả những bí ẩn đều nằm trong chiều thứ 4 có vẻ như huyền bí mà khoa học thực nghiệm luôn phủ nhận. Bốn ngàn năm trước, Ai Cập vẫn còn trong thời kỳ xã hội nô lệ, năng lực sản xuất hoàn toàn mang tính thủ công. Vậy, họ đã áp dụng kỹ thuật gì để đưa hai triệu sáu trăm ngàn (2.600.000) khối đá (mỗi khối nặng từ 3 đến 8 tấn) được gọt đẽo vuông vức, bằng phẳng lên cao 145 thước và xây dựng nên Kim Tự Tháp Échop lớn nhất trong sa mạc mênh mông, không có lấy một quả núi đá nào. Đá ở đâu đem đến đây, đem đến bằng cách nào. Người xưa xây dựng Kim Tự Tháp hoàn toàn bằng thủ công và thật khó mà hoàn thành một công trình vĩ đại như thế đã tồn tại 4.000 năm. Phải chăng, các kiến trúc sư cổ xưa của Ai Cập đã nắm bắt được chiều thứ 4 của không gian! Trình độ khoa học kỷ thuật ngày nay vẫn còn lắm thắc mắc. Đúng hơn, đây là bài toán khó giải đáp đối với giới khoa học hiện đại. Chính, nhà bác học Albert Einstein, cha đẻ ra bom hạt nhân cũng đã thừa nhận “những gì chúng ta biết chỉ là một giọt nước, những gì chúng ta chưa biết thì mênh mông như đại dương”.

          Chùa Tam Bảo Hà Tiên tọa lạc trên một vị trí thuận lợi cả về quy mô lẫn cảnh quang kỳ vĩ nhất miền Tây Nam Bộ. Đáng kể hơn hết là những bức tường xưa cổ kính được xây dựng bằng mủ cây ô dước, vôi và mật đường,  nhưng nó đã hiện hữu ngót 300 năm nay. Đây là biểu tượng hào hùng của một thời Cảng Khẩu Phương Thành rất hưng thịnh. Những bức tường thành cổ xưa này đã từng làm phên giậu che chắn và cũng là công sự bảo vệ chính quyền đia phương tại một miền đất biên cương  xa xôi của Tổ quốc thân yêu và giàu đẹp từ hồi thế kỷ 17, nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, chung quanh chùa còn có một thảm thực vật dày đặc toàn màu xanh tươi mượt mà. Thêm vào đó, chùa được điểm xuyết qua vài nét chấm phá đơn sơ của một bức tranh thủy mặc siêu thoát với những ao hồ thiên nhiên, trong đó nổi lên những cánh bèo lung linh theo làn gió thoảng nhẹ. Đúng là phong cảnh đượm vẻ sơn thanh thủy tú hữu tình,  đứng nhìn từ xa, ta thấy mỗi tán cây là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Đây cũng là nơi hội tụ đông đảo của các loài chim muông từ khắp các nơi bay về đậu rãi rác trên những cành cây rậm lá lúc bình minh vừa ló dạng. Chúng cất tiếng hót líu lo, rộn ràng và bay chuyền  nhảy nhót lăng xăng dưới ánh nắng mai rực rỡ.Tất cả cảnh vật thơ mộng  và xinh đẹp đó đã làm cho không gian bên trong khuôn viên chùa Tam Bảo Hà Tiên có đủ 4 mùa chỉ trong một ngày đêm.Ta hãy xem đây:

           – Nằm nghĩ nơi nhà hậu Tổ khoảng nửa đêm về sáng, tôi đã phải thức giấc  vì cảm thấy cái lạnh đâu đó chợt đến thình lình, khiến tôi phải kéo chăn lên tận cằm, tưởng không có gì thích thú cho bằng. Cái cảm giác lạnh lẽo như thế này làm cho người ta cứ tưởng như đang ở giữa mùa Đông rét mướt.

            – Lúc sáng sớm, mặt trời vừa ló dạng phía Đông Hồ và trải dài ánh nắng ấm áp lên nóc chánh điện chùa Tam Bảo, cũng là lúc mà muôn ngàn tia sáng lấp lánh xuyên qua các cành cây kẽ lá còn ướt đẫm sương đêm. Đó đây, khắp nơi chung quanh chùa, tiếng chim họp đàn cất tiếng hót líu lo, ríu rít vang rền như một ngày hội, nghe rất vui tai, báo hiệu một buổi sáng tươi đẹp bắt đầu. Vạn vật giao hòa trong bầu không khí ấm áp. Tôi chuẩn bị đi đến trường, lòng nghe rạo rực và phấn khởi kỳ lạ. Bước xuống thềm từ nhà hậu Tổ, nhìn ánh nắng ban mai chói lọi sáng rực trên hòn non bộ và tràn ngập khắp sân chùa, lòng tôi cũng thấy phấn khởi trước cảnh tượng thiên nhiên  sáng sủa và lộng lẫy mang dáng dấp của mùa Xuân. Tôi đi bộ ra khỏi chùa với một cảm giác lâng lâng thơ thới là được đi dưới một bầu trời nắng đẹp và được hít thở không khí trong lành. Ánh nắng huy hoàng êm dịu của một buổi sáng đẹp trời đổ xuống, tràn ngập trên các lối đi tạo thành những tia sáng long lanh rực rỡ làm tôi cảm thấy dễ chịu khác thường. Đặc biệt, khi đất trời trở sang Xuân và trong những tháng đầu năm, nhất là sau Tết Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) là có một loài chim ở đâu trên núi bay về đậu  trên mấy nhánh cây Sao trong sân chùa. Nó cất tiếng hót  trong trẻo, lãnh lót và kéo dài từng tiếng nghe rất lạ tai. Tiếng hót của nó khác hẳn với các loài chim thường khi rất xôn xao, ríu rít. Âm giai của tiếng hót chia thành hai nhịp. Nhịp đầu phát ra mạnh hơn gồm ba nốt có vẻ thong thả, vang dội ra xa, nghe rất ảo nảo: Tút…Tút…Tút. Nhịp hai nhẹ hơn, thốt ra nhanh gọn, dồn dập và kết thúc mau lẹ ở phần cuối cùng: tút,tút,tút,tút,tút. Có người thích bông đùa và họ đã thử giải mã âm thanh tiếng hót của nó thành những từ rời rạc như sau: “Père…Mère…Frères…tout est perdu”  (Cha…Mẹ…Anh-Em…tất cả đều mất! ) rồi đặt cho nó cái tên ngộ nghĩnh: “chim mồ côi”, nghe cũng có lý. Thân hình của nó nhỏ nhắn như chim Sơn ca (rossignol) và có bộ lông màu nâu sậm. Khi hót, nó nhướng cổ lên, ngoe nguẩy cái đuôi theo tiếng hót. Giọng hót của nó vang vọng ra xa, buông thỏng từng tiếng làm cho người nghe lắm lúc phải thót cả ruột gan. Loài chim này chỉ xuất hiện vào những tháng mùa Xuân, đến khi trời đổ một vài cơn mưa đầu mùa là nó biến đi đâu mất, mãi cho đến mùa xuân năm sau mới thấy nó xuất hiện trở lại. Thoạt tiên,  nghe lại tiếng hót của nó, tôi mới cảm nhận được là một năm trôi qua nhanh quá, chứ ở đây đời sống êm ả, thanh bình nên cũng khó mà lắng đọng trong tâm não về khái niệm thế nào là thời gian. Có thể hiểu là ở đây, thời gian hầu như không có bến đỗ, nó cứ trôi lơ lững như “con thuyền không bến”.

           – Buổi trưa tan học, dùng cơm xong, tôi đi bộ về chùa trên một quãng đường ngắn là cảm thấy nóng bức, đúng lúc mặt trời đứng bóng. Trên mặt sàn xi măng và trên nóc mái tôn nhà khách, cái nắng hừng hực bốc lên nền trời xanh thăm thẳm và trong vắt không chút gợn mây. Khắp nơi tràn ngập ánh nắng gay gắt. Cảnh vật đượm vẻ tiêu sơ, hoang vắng từ trong ra ngoài. Mặt trời từ trên cao chiếu ánh nắng oi ả xuống nền đất khô khan. Không một làn gió nhẹ, cây cối đứng lặng yên, thời gian như ngưng đọng hẳn, mọi vật chìm đắm trong một không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Tất cả chim chóc, côn trùng đều im hơi lặng tiếng. Đây là buổi trưa Hè đúng nghĩa của nó.

           – Đến khoảng 5 giờ chiều, thời tiết bắt đầu dịu lại và trở nên mát mẻ như mùa Thu. Mặt trời ngã về Tây làm đổ bóng toàn thể ngôi chùa về phía đối diện. Lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Tôi háo hức khoát vào người  bộ cánh tươm tất cho đúng phong cách một thầy giáo rồi hí ha hí hửng bước xuống bậc thềm sau nhà hậu Tổ và bắt đầu tung tăng đi ra khỏi chùa, lòng tràn ngập một niềm vui khó tả.

              Tôi có thói quen là thích đi dạo một mình. Nhờ khí hậu mát mẻ, tôi bắt dầu đi dạo và đi dạo…trên những con đường rất thân thuộc đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi cứ đi lòng vòng một cách thong thả, hết con đường này đến con đường khác mà hồi đó còn thưa vắng người. Tôi nhớ mình đã bước hoài, bước mãi qua các con đường lớn, nhỏ để tận hưỏng và đắm chìm trong sự yên tĩnh, vắng lặng khác thường. Những con đường nhỏ hẹp, ngắn gọn này đã trở nên thân quen một cách kỳ lạ và nó đã đọng lại trong ký ức tôi biết bao là tình cảm quyến luyến khác thường. Tôi đi như trôi trong cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau khó tả (ngày nay, truy cập trên mạng Internet, nhìn thấy kiến trúc hiện đại thời mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài đã xóa nhòa những nét đẹp cổ kính của phố cũ nhà xưa từng tạo nên một khuôn mặt cá biệt cho Hà Tiên thế kỷ trước. Nhưng đây lại là điều đáng mừng, mừng vì Hà Tiên bây giờ thay đổi lớn quá, trù phú hơn xưa rất nhiều. Có  mấy người học trò cũ nói đùa với tôi là nếu Thầy về Hà Tiên bây giờ, coi chừng đi lạc đường ! ).  

               Lúc này, thời gian có vẻ dồn dập, chân trời rực lên một dãy màu cam pha lẫn sắc tím, rồi cứ chuyển đổi gam màu từng phút… Và khi mà ánh nắng của bầu trời về chiều càng lúc càng yếu dần, vạn vật đang lặng lẽ chìm đắm trong ánh sáng mờ nhạt cuối ngày, đó đây hiện lên những sắc màu huyền ảo giữa cảnh tranh tối, tranh sáng, lòng tôi không khỏi vương vấn một nỗi buồn mênh mông xa lạ của kẻ độc hành đi giữa phố xá quạnh hiu. Đúng hơn là một kẻ lữ thứ mang nặng nỗi niềm cô đơn giá lạnh trong giây phút ngắn ngủi trước hình bóng của một ngày sắp tàn lụi.

                Trời đã tắt nắng hẳn, bước đi của tôi chậm lại. Trên đường về, tôi đưa mắt ra xa, ngắm nhìn bóng tối dịu dàng từ trên cao buông xuống mỗi lúc một dày đặc…Và khi mà bức màn đêm đã phủ kín khắp không gian thì những tinh tú lấp lánh hiện ra rải rác trên nền trời cao thăm thẳm mỗi lúc một rõ dần. Một cảm giác hoang vu, huyền bí và mơ hồ đả theo tôi mãi trên từng chặn đường. Phố xá đã lên đèn, tôi nghe từ xa, trên sóng phát thanh địa phương, vọng lại một giọng ca trầm lắng, nhẹ nhàng, nó quyến rũ tôi một các kỳ lạ, tôi dừng lại để thả hồn chơi vơi theo giai điệu slow rock du dương của bài hát với tất cả nỗi nhớ  nhung dâng sầu. Lời ca buồn da diết, uyển chuyển, thanh thoát, mang thêm niềm day dứt, xót thương, hòa quyện lẫn nhau, ca từ có những đoạn như sau: «Chiều đi lặng lẽ màn đêm dần trôi…Bâng khuâng vì gió đông đến tim côi…Ngã mình nghe lá khô nhẹ rơi…Thấy lòng bớt cô đơn…giữa ánh đèn kinh đô sáng soi»… Ôi, lời ca nghe sao mà thấm thía đến tận cõi lòng, nó phù hợp với hoàn cảnh và tâm hồn rã rời của một kẻ độc hành cô đơn đang âm thầm đếm từng bước đi lẽ loi trong sự tĩnh lặng của màn đêm kỳ bí (đây là bản nhạc Kiếp Tha Hương , nhạc sĩ Lam Phương sáng tác qua giọng ca của Phù Thọ Phương, biệt hiệu Tùng Phương trên sóng phát thanh Hà Tiên. Phương là học sinh lớp đệ Nhị năm 1962 chuẩn bị thi Tú Tài phần 1. Nhờ có giọng ca thiên phú, chơi đàn gui-ta xuất sắc nên thỉnh thoảng Phương còn được mời hát trong chương trình văn nghệ nơi quê nhà. Sở trường của Phương là trình bày những bản nhạc thuần túy trữ tình rất được ưa chuộng thời đó. Giọng ca của Phương đã một thời làm say mê giới trẻ Hà Tiên. Tôi còn nhớ mãi cái tính tài tử hào hoa ở Phương, luôn toát ra chất nghệ sĩ từ mái tóc, lối nói chuyện nhỏ nhẹ và nhất là dáng dấp cao ráo, khuôn mặt đẹp trai trông thật phong nhã. Sau gần 50 năm bạt tin, nay thăm hỏi lại, tôi mới biết Phương giờ đã nghìn trùng xa cách vĩnh viễn, một phút ngậm ngùi tưởng nhớ người học sinh tài hoa năm xưa ).

Bên trái trên: Học sinh, anh Tùng An (Phù THọ An) em của anh Tùng Phương (Phù Thọ Phương), bên phải dưới: Thầy: Nguyễn Lê Hùng.

           Vậy là đã trôi qua, ngày đi đêm tới với tất cả tâm trạng chán chường lẫn rạo rực. Cứ thế, ngày lại ngày hiện lên đều đặn cảnh Đông tàn, Xuân qua…rồi Thu đến…

            Tuy đã rời xa mái chùa thân yêu gần nửa thế kỷ, tôi vẫn nhớ mãi con đường đất từ cổng dẫn ra sau chùa.Trên con đường mòn quen thuộc này, tôi đã bắt gặp thường xuyên nhiều con rắn mối rất dễ thương. Chúng cứ bò qua lại và làn chàn ngay trước mặt tôi, thấy rất dễ ghét! Trên đường đi, hễ lúc nào gặp chúng là tôi nổi máu nghịch ngợm như một đứa trẻ (lúc đó tôi cũng chỉ mới ngoài 20 tuổi, không trẻ con là gì!) và ra sức rượt đuổi chúng chạy tán loạn, trong lòng cảm thấy vui vui. Có một lần, trên đường về chùa, tôi rượt đuổi con rắn mối, nó chạy nhanh trên một đoạn đường ngắn rồi dừng đột ngột, quay đầu ra sau nhìn tôi trân trân khiến tôi đứng khựng lại, tay chân nổi da gà. Một lần khác, cũng trên đường về chùa, tôi cố đuổi một con rắn mối, nó đâm đầu chạy trối chết và chui nhanh vào một lỗ trống dưới chân nền chùa, tưởng đâu yên ổn như mọi khi, chợt nó dội trở ra ngay, bí quá bèn chui đại xuống đống lá khô dưới giàn trầu của Bà Cô. Thì ra, trong cái hang ổ đó đã có sẵn một con rắn mối thuộc loại “anh chị”, nó quen sống “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” và nó ngang nhiên chiếm ngụ “bất hợp pháp” các hang ổ nào tùy thích để sẵn sàng tống cổ bất cứ kẻ đồng loại nào dám bén mảng đến gần. Quá vui! Rắn mối cũng là cư dân hiền lành  sống trong sân chùa, tôi xem như bạn.

           Nằm lì mãi trong chùa, tôi cảm thấy thời gian như đọng lại, mặc cho ngày tháng cứ lạnh lùng trôi qua, tôi bây giờ thực sự sống như một “ẩn sĩ bất đắc dĩ”. Các bạn đồng nghiệp đến thăm nơi “ẩn cư” của tôi, không ai ở chơi lâu được, họ chợt đến rồi chợt đi vì không chịu nổi sự vắng vẻ và tĩnh lặng của cuộc sống cô liêu, u tịch.  Còn tôi, tôi thích chọn nơi này để mà nghiền ngẫm, để mà suy tư sau khi đã  rủ bỏ cát bụi của chốn đô thành xuống hai con sông Tiền, sông Hậu mỗi lần trở lại Hà Tiên và dứt khoát từ biệt cuộc sống ồn ào ở nơi thị tứ. Tại đây, tôi vô cùng sung sướng được sống trong cảnh thân tâm chay tịnh và cảm thấy một niềm phúc lạc lâng lâng thoát tục. Cũng tại đây, tôi có được một tâm thức bình an, một sự siêu thoát lạ lùng không thể diễn tả được. Cũng tại nơi này, tôi được sống gần gũi với thiên nhiên, với gió trăng và ánh nắng mặt trời chói chan tràn ngập trên khắp cỏ cây tươi đẹp. “Ẩn cư” như thế này quả thực cũng phong lưu, vì suốt ngày tôi lấy việc di dưởng tinh thần, đọc sách và dạy học làm phương châm sống.

           Lúc nhớ lại những con vật dễ thương năm xưa trong khuôn viên chùa Tam Bảo Hà Tiên, tôi không thể nào quên được mùa Đông cuối năm 1963. Đây là mùa đông đáng nhớ hơn hết trong những năm tháng dạy học tại Hà Tiên. Qua một trận mưa to hiếm thấy lúc nửa đêm, sáng ra nhìn mặt đất trong sân chùa chỗ nào cũng ẩm ướt. Cây cỏ, hoa lá toát lên sức sống trở lại sau những ngày hanh khô. Cảnh vật chung quanh chùa đã thay hình đổi dạng chỉ qua một đêm mưa nặng hạt và tôi cảm thấy dấu hiệu đầu tiên của mùa đông đang đến. Ngọn gió Đông-Bắc kéo về, thổi ào ạt vào cây cối chung quanh chùa, đập mạnh vào 4 cánh cửa gổ bước lên nhà hậu Tổ nghe rầm rầm. Mùa đông thực sự đã tràn về Hà Tiên. Chưa bao giờ trời trở lạnh đột ngột như thế này. Gió lạnh kéo về rít từng cơn, thổi ào ào tới tấp, xuyên qua các cành lá cây làm rách tả tơi những tàu lá chuối trông thật thê thảm. Giờ đây, có dịp xem lại mấy tấm ảnh cũ tuy đã phai màu thời gian sau gần 50 năm, tôi vẫn nhận ra được nhiều bạn đồng nghiệp chụp ảnh chung với các em học sinh trong buổi lễ ra mắt hiệu đoàn trường trung học Hà Tiên tháng 12/1963. Tất cả  mặc áo ấm đã đành, còn có những bạn quấn thêm chiếc khăn len quanh cổ trông giống như đi du lịch ở Đà Lạt, miền đất của sương mù và gió rét. Đủ biết, mùa đông năm 1963 ở Hà Tiên là quá lạnh. Lúc bấy giờ, thị xã Hà Tiên chưa có nhà cao tầng, ngoại trừ hai dãy phố lầu thấp lè tè hình thành dọc hai bên hông chợ đã xưa cũ. Ngoài ra, còn có một cái nhà lầu đúng nghĩa của nó, kiến trúc theo kiểu Tây trông rất bề thế, tọa lạc đơn độc trên một khoảnh đất cao (núi Ngũ Hổ). Hồi thời Pháp thuộc, Hà Tiên còn là đơn vị hành chính cấp tỉnh, cái nhà lầu này là dinh tỉnh trưởng, người dân địa phương gọi nó là Lầu Ba.  Năm 1962, toàn bộ nhà lầu được sử dụng làm trại gia binh (foyer du soldats) và người dân Hà Tiên vẫn còn nghe đều đặn tiếng kèn Tây trỗi lên từ đây vào lúc tờ mờ sáng và khuya trước khi đi ngủ. Tiếng kèn về đêm buông thỏng từng giai điệu rời rạc nghe buồn tê tái đến  não nùng. Nhà cửa thưa thớt như thế, cho nên không có gì cản trở ngọn gió lạnh từ phía Đông-Bắc đổ dồn về làm cho Hà Tiên lãnh đủ.

           Trời đã sáng mà tôi vẫn muốn nằm cuộn tròn trong chăn ấm. Thời tiết lạnh quá, phải can đảm lắm mới có thể tung chăn bước ra khỏi giường, chuẩn bị  đến trường. Trời vẫn còn lạnh, nhưng khi nhìn qua cánh cửa sổ hé mở, tôi thấy bên ngoài cảnh vật luôn chan hòa dưới ánh nắng ấm áp ban mai, báo hiệu một ngày mới tươi đẹp, một luồng sinh khí mới bắt đầu và trong lòng tôi cảm thấy phấn khởi biết bao.

           Bước xuống từ các bậc thềm quen thuộc hằng ngày sau nhà hậu Tổ và bắt đầu đi ra khỏi chùa, tôi thấy lạnh cóng, phải cho tay vào hai túi quần. Trước sân chùa, phía cánh trái sát đường lộ, có một cái ao hình chữ nhật. Người dân chung quanh thường đến đây gánh nước mang về nhà dùng. Hằng ngày, đi ngang qua đây, tôi thấy nước ao có một màu trong xanh, trên mặt nước có phủ một ít cánh bèo hoa sen nổi lềnh bềnh và chao đảo qua lại theo làn gió thoảng nhẹ. Màu xanh của nước và màu trắng của ánh sáng mặt trời phản chiếu làm cho mặt hồ lấp lánh muôn vàn tia sáng kỳ ảo. Cảnh vật dưới ánh nắng ban mai đẹp tựa như một bức tranh, càng đẹp biết mấy khi ngửng lên trời, bâng khuâng nhìn mây bay thiên hình vạn trạng, cứ trôi mãi vào hư không.

           Sáng hôm đó, lúc đi đến gần ao, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một số người tụ tập trên bờ ao và nhìn xuống mặt nước, để làm gì? Trong khi bên ngoài, trời lạnh đến nổi mặt hồ bốc lên hơi nước  phảng phất qua lại giống như làn khói sương mong manh mờ đục. Hóa ra, trời lạnh làm ảnh hưởng đến hồ nước và không ai ngờ  dưới đáy hồ có những con rùa to lớn bằng cái thúng phải trồi đầu lên khỏi mặt nước và bơi qua lại dọc theo chiều dài mặt hồ. Tôi đứng lại, say mê nhìn những con rùa to lớn khác thường bơi sát mặt nước. Đây là hình ảnh kỳ lạ nhất mà tôi được thấy lần đầu tại Hà Tiên. Tôi mãi đứng nhìn cho đến khi màn sương tan dần phơi bày 4 cạnh bờ ao bằng đá đóng rêu xanh. Chân bước đi đến trường mà tâm trí tôi vẫn lảng đảng mơ màng trong sương khói về những con rùa to lớn dị thường vừa nhìn thấy.

           Tan học, dùng cơm trưa xong trở về chùa, tôi liền tìm Bà Cô để thưa hỏi về chuyện những con rùa trước ao. Bà Cô biết rất rõ nguồn gốc của những con rùa này từ lúc Bà Cô còn trẻ. Đã mấy chục năm qua, những con rùa này vẫn không thay đổi kích thước,  chúng nặng khoảng 40kg/con. Những con rùa này chả khác mấy với rùa ở hồ Hoàn Kiếm hoặc trên đảo Galapagos (Nam Mỹ) mà ta thường thấy trên TiVi. Rùa ở Hà Tiên có cùng một giống với rùa ở hồ Hoàn Kiếm, nó thuộc loại rùa nước . Rùa trên đảo Galapagos  là rùa đất. Chúng khác nhau ở chỗ rùa nước có hình dáng dẹp hơn để dễ bơi và dễ lạn lách trong nước. Rùa đất đi bằng 4 chân, nó có chiếc mai tròn, gọn và cao hơn rùa nước . Những con rùa này có tuổi thọ lên đến cả trăm năm, thậm chí vài trăm năm là chuyện bình thường. Tôi còn dạy học ở Hà Tiên thêm 2 năm nữa, nhưng không thấy những con rùa này xuất hiện. Bà Cô cho biết, chúng thường xuyên di chuyển qua lại trong các ao hồ chạy dài lên tận Ao Sen dưới chân núi Bình San. Chúng di chuyển lặng lẽ ban đêm, không ai thấy. Chùa Tam Bảo Hà Tiên lúc đó (1964) rất thanh vắng do đường bộ lưu thông thường xuyên bị gián đoạn và cũng do hoàn cảnh chiến tranh, kinh tế địa phương khó phát trển và khách hành hương vì thế mà cũng ít vãng lai tới chùa. Trong chùa lúc đó chỉ có ba vị thường trú : Thầy Trụ Trì nghỉ dưới Hậu Liêu, Bà Cô ở trong một cái phòng nhỏ cạnh nhà bếp, Thầy Thiện Tường (Thầy mù) nghỉ tại nhà hậu Tổ, về sau (1962) có thêm tôi cũng ở tại nhà hậu Tổ là bốn người tất cả. Thường, khóa lễ chiều kết thúc khoảng 5giờ, Bà Cô vẫn mặc chiếc áo tràng màu lam, xuống ngồi xếp bằng trên bộ ván gỗ đặt nơi hành lang nhà Khách và tiếp tục lần chuỗi hạt niệm Phật. Tôi hay lân la đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh chân Bà Cô và ân cần thưa hỏi về những chuyện có liên quan tới Hà Tiên năm xưa. Đặc biệt, những chuyện linh hiển của Bà Cố Năm Hà Tiên, tôi nghe cũng đã nhiều, nhưng có một chuyện linh diệu mà tôi chỉ được nghe Bà Cô kể lại, ngoài ra chưa từng nghe ai nói đến bao giờ, có lẽ do tôi ít giao du cũng nên. Tôi chưa dám đánh giá câu chuyện đó thực, hư thế nào, chỉ cần nhớ lại thái độ nghiêm chỉnh cộng với ánh mắt trung hậu của một nhà tu hành chân chính lâu năm như Bà Cô đang nhìn vào tôi lúc kể chuyện, vì năm đó Bà Cô cũng đã gần 80 tuổi. Bà Cô còn nói thêm một câu mà tôi cứ nhớ mãi cho tới bây giờ hầu như nguyên văn « đây là chuyện linh thiêng mầu nhiệm của Bà Cố Năm Hà Tiên mà Bà Cô đã tận mắt chứng kiến lúc còn con gái từng đi theo ghe thương hồ để buôn bán trái cây dọc các bến, chớ không nghe ai kể lại ». Đã gần 50 năm trôi qua, chuyện kể của Bà Cô luôn đọng mãi trong ký ức tôi và tôi tin rằng chuyện kể đó đáng được «tin cậy». Những chuyện linh thiêng hiển hiện ra như thế này, ta cứ xem như «truyền thuyết dân gian» mà ở địa phương nào cũng có, nó càng làm phong phú thêm những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của mỗi vùng và dù muốn hay không, nó vẫn in sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ tiền bố, nên đáng được trân trọng bảo tồn (đầu năm 2012, tôi có nhờ cô học trò cũ chuyển chút ít phần công đức gởi tới ban vận động kinh phí mở rộng khu lăng mộ Bà Cố Năm Hà Tiên từ lâu đã được Bộ Văn Hóa-Thông Tin công nhận là Di Tích Lịch Sử. Tôi thấy, đây là việc cần làm, vì lúc còn dạy học ở Hà Tiên năm 1962, tôi thấy khu vực này quá vắng vẻ, cây cỏ hoang dại mọc um tùm, khó mà lần ra dấu vết). Do tính hiếu kỳ, nên đã nhiều lần tôi thử đi ngược lên phía Ao Sen vào những lúc chiều tà để ngắm nhìn sen nở, thưởng thức hương thơm và hy vọng được thấy rùa trồi lên mặt nước, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì cả, ngoài một cái ao sen rộng lớn nở đầy hoa, mùi thơm dịu dàng. Ao sen chạy dài phía trước Miếu Ông Lịnh (Mạc Cửu),  tôn nghiêm và lặng lẽ. Ngồi lại một mình trên bờ ao, nhìn cảnh người người lần lượt đến ao gánh nước khi mặt trời vừa xế bóng và hoàng hôn đang trải dài trên khắp mặt hồ, tôi mới thấy được giá trị của nước tiêu dùng đối với người dân Hà Tiên từ bao đời nay . Cái ao sen này đã cung cấp nước cho toàn thị xã Hà Tiên, nhưng chỉ để rửa ráy, giặt giũ là chính. Tại Hà Tiên lúc bấy giờ nhà nào cũng có sẳn lu chậu để trữ nước mưa dùng trong việc nấu ăn. Nước sạch là thứ quý hiếm, cho nên hầu như nhà nào cũng xây thêm hồ chứa nước mưa trong sân nhà đủ dùng quanh năm. Viết dến đây, tôi chợt nhớ tới một thiên tình sử khá lâm ly khiến không ít người đã phải ngậm ngùi khi được nghe kể lại. Ở Hà Tiên, người ta thường dùng cái chậu  lớn bằng đất nung để chứa nước mưa. Thời đó có nhiều chậu được sử dụng trong chùa  Phù Dung, nơi đây khi xưa là trụ sở của Hội Thi Văn Đoàn Chiêu Anh Các.  Vào mùa nắng, người ta úp chậu lại nhằm tránh bụi bặm, rác rưởi. Đến khi trời chuyển mưa, người ta đến lật  chậu ra và phát hiện “Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp”  .Có lẻ do chán cảnh đời dâu bể, khổ sở trăm bề nơi chốn hoàng cung và cũng không muốn vương vấn  thêm mùi tục lụy nơi cõi phù trầm mộng ảo, nàng ái cơ của vị tiểu vương đã tìm đến nương nhờ cửa Phật. Càng xót xa cho số phận “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” bao nhiêu thì tôi càng kính nể vị tiểu vương bấy nhiêu, vì ông  chẳng dùng đến quyền uy của một đấng “thiên tử” để bắt ép nàng ái phi phải xuất thế. Ông quý trọng nàng, vẫn một lòng chung thủy với nàng, chịu khó cưỡi ngựa lặng lẽ tới trước cổng chùa, âm thầm đưa mắt nhìn vào bên trong sân chùa, mong tìm một hình bóng giai nhân. Thì ra, ông luôn dành cho nàng ái thiếp một góc nhỏ trong trái tim, ở nơi đó ông tôn thờ nàng. Với cương vị Tông Đức Hầu, thừa kế chức Tổng binh, oai trấn lừng lẫy cả một vùng, thế mà tình cảm của đấng quân vương này sao mà chẳng khác mấy so với tâm hồn của kẻ thứ dân bình thường đến thế! Thảo nào, ông còn được giới văn nghệ sĩ thời đó tại địa phương ưu ái tôn vinh như một thủ lĩnh khả kính của nhóm Tao Đàn Chiêu Anh Các. Thi Văn Đàn Chiêu Anh Các đã cho ra đời nhiều áng văn tuyệt tác và cũng  đã làm rạng rỡ nền văn học đất Hà Tiên một dạo, đó là điểm son trong nền văn học VN nói chung. Riêng 10 bài “Hà Tiên Thập Vịnh”có thể nói, đó là những bức tranh thủy mặc chấm phá, bút pháp tả cảnh đơn sơ cho thấy thi nhân là những họa sĩ tài ba, trong thơ có họa (thi trung hữu họa), áp dụng lối tả cảnh bằng kỹ thuật ấn tượng. Kẻ hậu sinh không biết nói gì hơn là vô cùng ngưỡng mộ cũng như tôn kính ông như một bậc minh quân chan chứa tâm hồn nghệ sĩ đầy ắp tinh thần nhân văn sâu sắc, thấm đậm tình người, ông  xứng đáng là nhà  Mạnh Thường Quân hào hiệp và trên hết,  ông còn là nhà “bảo trợ văn học nghệ thuật” (protecteur des lettres et des arts) có một không hai trong lịch sử văn học VN phía Đàng Trong hồi thế kỷ 18. Ngoài ra,  tôi cũng hết sức mến mộ tài nghệ của soạn giả Viễn Châu, vì ông đã khéo hư cấu (création imaginaire) câu chuyện tình  xảy ra tại một vùng hẻo lánh thành vỡ tuồng cải lương,  tựa đề: “Áo Cưới Trước Cổng Chùa” từng làm say mê hàng vạn khán thính giả miền Nam trong nhiều thập niên trước đây.

           Nhìn mãi không biết chán những đóa sen hồng pha lẫn sắc trắng đang ngã nghiêng  theo làn gió chiều thoảng nhẹ và mùi hương của hoa phảng phất dịu dàng trong khoảng không gian lồng lộng  cảnh trời nước bao la, bất giác tôi nhớ lại bài thơ : “Hái Sen” mà tôi đã học hồi còn lớp đệ Lục (lớp 7) chương trình Pháp. Bài thơ được chọn dịch ra Pháp văn trong chương trình học chuẩn bị thi bằng Brevet du premier cycle (bằng tốt nghiệp lớp 9). Nội dung bài thơ như sau:

Hái sen,
(gởi chị Ngọc Hoa)
Em nhớ mùa sen nở,
Em cùng chị ra ao…
Chị bảo em bưng rổ,
Chị đi trước, em sau.

Hôm sau, lúc ra chợ
Để bán rổ hoa sen.
Rằng: “chị ơi, hãy nhớ !
Mua em bánh với kèn ! “

Đến nay. Mùa sen nở
Chỉ mình em hái sen !
Và chẳng ai ra chợ
Để mua em, bánh kèn !

Bên đầm sen đã nở
Nhưng chị đã theo chồng…
Em bâng khuâng hồi nhớ
Thửa cùng chị bẻ bông…
Tác giả: Trần Văn Hai

  Thật là giản dị, tươi sáng và trong trẻo như nước từ nguồn chảy ra. Bài thơ diễn tả một thời thơ ấu đã trôi lắng vào quá khứ êm đềm xa xưa, nhưng không khỏi cho chúng ta cái cảm giác buồn thấm thía dường như vẫn còn bàng bạc đâu đây. Bài thơ đã hay, nhưng khi được Giáo Sư Pierre Darriville dạy trường Marie Curie lúc đó dịch ra Pháp văn vẫn hay không kém (4 câu cuối):

Cueillir les lotus,
………………………………….
Dans l’étang, les lotus ont fleuri,
Cependant, tu as suivi ton mari !
Et tristement, me revient le souvenir
Des fleurs qu’avec toi j’allais cueillir.

Vẫn ngồi lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh nhã của hoa sen, tôi suy gẫm và nhận ra được là ở trên thế gian này có 3 thứ được xem là đẹp hơn cả: Hoa, Trăng và Mỹ nhân. Thường, hoa đẹp thì không thơm. Tìm được một đóa hoa vừa đẹp vừa thơm, có lẽ không ngoài hoa sen.  Hoa sen không sắc sảo, nhưng mặn mà; không rực rỡ, nhưng sáng sủa; không kiêu kỳ, nhưng lại có nét quý phái kiêu sa, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bất luận, chỗ nào có hoa là có bướm; có giai nhân là có tài tử, không chạy đâu sai. Cuộc đời thế mới có ý nghĩa.

            Ngoài ra, Tạo hóa cũng rất công bằng, hễ cái gì đẹp là không thủ đắc lâu dài. Có nghĩa là, vì có hoa đẹp nên người ta lo sợ gió mưa vùi dập làm tan tác cành hoa; vì có trăng sáng nên người ta ngại sẽ bị mây mờ che phủ và cũng vì có mỹ nhân nên người ta e rằng mệnh bạc như một thi sĩ thời tiền chiến đã cảm nhận:

“Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai.”

           Ba thứ đẹp tuyệt trần trên đây nếu được hội ngộ cùng lúc quả là khó. Chẳng hạn, dưới ánh sáng trăng huyền ảo mà được ngồi tâm sự cùng mỹ nhân bên cạnh ao sen sực nức hương thơm như thế này, chuyện tưởng chừng như chỉ có trong “hồn bướm mơ tiên”. Ở thế kỷ trước, hẹn hò một chuyện như thế này xem ra không khó lắm, vì dân số thế giới lúc đó chỉ khoảng 2 tỷ 7 người, mọi chuyện đều đơn giản. Nay, chưa quá 70 năm mà dân số toàn cầu tăng gần 7 tỷ, trong khi diện tích trái đất vẫn y nguyên. Có thể nói, Trời sinh quá nhiều Voi mà không sinh thêm Cỏ, nên phải giành ăn. Đến đây, ta đã biết nguyên nhân chiến tranh là gì. Rất đơn giản, một nước quá giàu luôn thu hút sự thèm muốn ghê gớm của các nước khác, đó là nguyên nhân của chiến tranh. Đại chiến thế giới thứ Nhất (1914-1918) và thứ Hai (1939-1945) thực chất là sự “giành ăn” giữa các nước tư bản chủ nghĩa. Cũng giống như vậy, hồi thế kỷ 18, Hà Tiên là hải cảng quốc tế rất hưng thịnh và giàu có nhất nhì đông nam Á. Chính vì thế mà quân Xiêm ở cận kề bắt đầu dòm ngó một cách thèm thuồng. Những  cuộc xâm lăng đầu tiên của quân Xiêm đến từ phía Mũi Nai đều lần lượt bị đẩy lùi. Lần sau cùng là năm 1771, lần này quân Xiêm đi ra xa ngoài biển khơi nhằm tránh hỏa lực phòng ngự đặt trên mũi Pháo đài, rồi bất thần đổ bộ vào làng Thuận Yên, tràn xuống chiếm cứ đỉnh cao núi Tô Châu, tập trung  hỏa lực của súng thần công nã xuống khu dân cư, đốt cháy kho đạn, hủy hoại phố xá. Chính quyền và dân chúng chạy tán loạn theo sông Giang Thành về phía Châu Đốc. Quân Xiêm  tràn vào Hà Tiên mặc sức giết chóc, tàn phá, tha hồ cướp bóc rồi chất đầy vàng bạc, châu báu cùng đồ tế nhuyển lên trên 2 chiếc ghe lớn chuyển về nước. Cuộc  xâm lăng cướp phá tơi bời của quân Xiêm đã làm cho Hà Tiên trở thành chiến địa hoang tàn và Hà Tiên bắt đầu suy sụp không sao cứu vãn nỗi. Sứ mạng lịch sử của Hà Tiên chấm dứt kể từ đó. Tuy nhiên, số phận Hà Tiên thực sự trở nên bi đát hơn, tức là bị thu hẹp đất đai, còn lại chưa quá 1/50 như hiện nay kể từ lúc quân Pháp thôn tính phần đất Nam Kỳ để làm thuộc địa. Trong 3 tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ dưới thời phong kiến, Hà Tiên là tỉnh lớn nhất trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Địa danh Hà Tiên trước kia gồm 7 xã, trải rộng ra đến Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá và lan qua tận Kompong Som, Ream, Kampot của vương quốc Cambot  (Royaume du Cambodge), chợ Hà Tiên hiện nay là xã thứ 7. Thực dân (dân đi kiếm ăn) Pháp sau khi đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông, quay sang chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ làm đảo lộn tận gốc rể các hệ thống tổ chức đơn vị hành chính và địa giới. Hà Tiên là nơi đặt trụ sở cao nhất của tỉnh, do đó Pháp phải đánh chiếm Hà Tiên bất cứ giá nào. Tuy nhiên, nhờ có văn bản đầu hàng vô điều kiện của kinh lược sứ Phan Thanh Giản, nên quân Pháp vào tiếp thu Hà Tiên không tốn một viên đạn. Trước kia, quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên bằng con đường Mũi Nai và Thuận Yên, nay quân Pháp lấy Hà Tiên bằng con đường nào? Dưới sự chỉ huy của đại tá Galley, đội pháo thuyền gồm có pháo hạm La Flamberge do đại úy Benoit làm hạm trưởng, 1 chiếc chaloupe (ca-nô) làm nhiệm vụ trinh sát, 20 chiến thuyền lớn nhỏ chở đầy lính Pháp và lính tập. Hạm đội Pháp khởi đi từ Châu Đốc lúc 12 giờ trưa ngày 23/6/1867, vượt qua kinh Vĩnh Tế, nhắm thẳng hướng Hà Tiên, đi được ¾ đường thì bị mắc cạn. Lúc bấy giờ, con kinh này chỉ là cái mương rộng lớn được đào ở giữa bưng lầy, nối liền kinh Vĩnh Tế để thông thương với các tỉnh Hậu Giang. Đoàn tàu chiến đến Hà Tiên vào lúc 9 giờ sáng hôm sau, chậm trễ hơn kế hoạch dự trù do con kinh Vĩnh Tế khi vào đến cửa Hà Tiên có rất nhiều cồn cát, người ta phải đẩy, hoạc kéo tàu vượt qua từng chiếc một, hoặc đợi lúc nước lớn.  Khi vào đồn, quân Pháp tiếp thu sổ sách và mọi chuyện đều êm xuôi. Tiếp nhận đầu hàng xong, quân Pháp bố trí đại úy Dauvergne ở lại giữ gìn an ninh trật tự. Theo ký sự tài liệu mô tả lúc bấy giờ, cảnh trí Hà Tiên rất đẹp, nằm cao hơn mặt biển vài ba mét. Một cái đồn xơ xác (có lẽ mũi Pháo Đài), không có sự sống ở đó, đồn nằm trên mũi nhọn nhô ra biển. Ở đây, chỉ có vài họng đại bác hư hỏng. Khi nước thủy triều dâng  cao, cái đồn này nỗi lên đơn độc như một hòn đảo nhỏ. Ở cạnh đó là một làng ngư dân nghèo khổ nằm kề bên một hàng rào vuông vức lớn. Phía bên trong hàng rào là nơi cư trú của các viên thư lại (công chức) và những người chỉ huy lính tráng tùng sự tại dinh tổng đốc (không biết ở đâu). Đến mùa nắng, người ta thấy toàn là nước mặn vây quanh, không tìm đâu ra một giọt nước ngọt. Thời đó, rất khó mà tuyển dụng các viên chức người địa phương, phải nhờ bên Châu Đốc và Vĩnh Long chi viện. Chủ quyền VN coi như mất hẳn kể từ lúc Hà Tiên là tỉnh cuối cùng  rơi vào tay quân Pháp, đất nước chìm đắm trong tang thương:

“Bến nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”
( Nguyễn Đình Chiểu )

          Và cụm  từ Đông Dương Thuộc Pháp (Indochine française) là niềm kiêu hãnh của kẻ  thống trị được phổ biến mãi cho tới trăm năm sau.. Lần đầu tiên, trong điều kiện hùng mạnh nhất của chế độ thực dân thời cận đại, bất chấp mọi vũ khí tối tân vô địch của kẻ đi xâm lăng, binh pháp phương Đông đã đập tan xác và chiến thắng vẻ vang binh pháp phương Tây trong một cuộc đụng độ lịch sử long trời lỡ đất tại mặt trận Điện Biên Phủ (ĐBP), kết thúc ngày 7/5/1954, làm tan rã toàn bộ hệ thống cai trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên khắp thế giới. Đúng như câu nói của nhà mưu lược quân sự vĩ đại Tôn Tử:  “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” (tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng). Nhờ khống chế được vị trí trên cao, dựa vào “thế ỷ giốc”, mạnh như “chẻ tre” (băng cao thị lực như thế phá trúc), quân kháng chiến đã dồn hết hỏa lực của các loại đại pháo hạng nặng lên trên đó, rồi đồng loạt tung hỏa lực xuống một cái “lòng chảo” nằm yên, bất động, chịu trận đến tê liệt. Toàn căn cứ điểm ĐBP bốc cháy như một biển lửa mênh mông. Thế là trận Xích Bích Hỏa Công năm xưa, đốt cháy quân Tào Tháo được tái hiện một cách sinh động chưa từng thấy. Sự sai lầm về chiến lược của bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã dẫn tới thất bại nặng nề về chiến thuật làm sụp đổ nhanh chóng toàn bộ căn cứ ĐBP. Cả thế giới lần đầu tiên đã phải sửng sốt khi nhìn thấy trên màn ảnh một đoàn tù binh Pháp gồm mười ngàn người, lôi thôi, lếch thếch, rồng rắn bước đi từng bước, cố gắng lê lết về phía trại tập trung tù binh. Thế là nổi nhục mất nước của người VN đã được rửa sạch và nếu như không có trận ĐBP thì các nước thuộc địa ở Bắc Phi, Châu Phi da đen,  Châu Mỹ La Tinh, châu Đại Dương…có lẽ còn sống mãi trong những đêm dài đen tối của chủ nghĩa thực dân cũ, ta nên khách quan công nhận điều đó.

            Lúc tôi đến đây dạy học năm 1962, Hà Tiên đã thực sự thu hẹp  trong một vùng lặng lẽ và khiêm tốn về mặt địa lý, thậm chí quá nhỏ bé, chỉ từ Hòn Chông đến biên giới Campuchia cách chợ Hà Tiên chưa tới vài ngàn mét. Toàn thị xã lúc đó cũng chỉ ước tính rộng bằng mặt nước  Đông Hồ, không hơn. Tôi rất tự hào là được dạy học cũng như sinh sống một dạo tại Hà Tiên và như đã nói ở đoạn trước, tôi  rất say mê bước đi trên những con đường cũ kỹ của một thời xa vắng với một tâm trạng tuyệt vời khó tả. Nơi đây, còn lưu lại dấu vết của các bậc tiền nhân đã đổ ra biết bao công sức để giữ gìn một cõi biên thùy xa xăm, làm phong phú thêm  lãnh thổ cho Tổ quốc. Mỗi bước đi dạo của tôi trên đường xưa lối cũ này dường như là để được hầu chuyện với anh linh của những người đã khuất bóng muôn thuở, lòng tôi luôn hướng về các bậc tiền bối mà tôi rất mực tôn kính với một sự biết ơn vô hạn. Bởi lẽ, xã thứ 7 của Hà Tiên (tức chợ Hà Tiên bây giờ) còn tồn tại cho đến hôm nay cộng thêm những địa danh như Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá mà cách đây hàng ngàn năm là đất của vương quốc Phù Nam, thủy tổ của người Campuchia hiện nay là do công lao của Mạc Cửu. Ngày nay, ta phải ghi nhớ công sức của họ Mạc đã giúp người VN hoàn thành cuộc Nam Tiến và nới rộng biên cương của Tổ quốc đến tận vịnh Xiêm La  (Riêng 3 tỉnh thành ở Cao Miên là đất mà nhà vua của họ dã dâng hiến cho Mạc Cửu đã bị thiếu tướng Lagrandière, tư lệnh quân viễn chinh Pháp buộc trả lại cho Miên hoàng Norodom do ông ta đã nhanh chóng chấp nhận sự bảo hộ của Pháp ngay từ đầu chiến cuộc). Việc mở mang bờ cõi này ít tốn hao xương máu hơn so với cuộc Nam Tiến đánh dẹp quân Chiêm Thành trong mấy thế kỷ trước, rất vất vã. Phải chăng, đây là “định mệnh lịch sử”(déterminisme historique) có lợi cho VN sau này. Đành rằng “cờ tới tay ai nấy phất”, nhưng nếu nó rơi vào tay người khác thì sao. Công lao của Mạc Cửu kể ra không nhỏ.

           Trở lại với những con rùa có tuổi thọ phi thường, người ta tự hỏi. tại sao rùa lại sống lâu hơn các loài động vật khác, kể cả vượt quá tuổi thọ của con người rất xa? Để biết được vấn đề xem ra khúc mắc nay, ta thử tìm hiểu qua pháp môn Yoga. Trước hết, Yoga không phải là tôn giáo như đã hiểu lầm mà là một môn khoa học vũ trụ có tác dụng đến Thân và Tâm (psychosomatique), nó khác với môn thể dục, thể thao, chỉ làm phát triển cơ thể, cơ bắp là chính. Yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ xưa và đã có lịch sử ra đời 7.000 năm trước đây.

           Trong pháp môn Yoga, các vị Tổ chú trọng hơn hết đến sự Hô Hấp. Bình thường mỗi người trong chúng ta hít thở với số nhịp 21.000 lần/ngày. Thở trên con số đó là nhanh, vì nó làm gia tăng nhịp đập của tim, đưa đến xáo trộn sự tuần hoàn của máu, làm mất quân bình Âm/Dương trong cơ thể và bệnh tật phát sinh. Sự hô hấp chậm rải, dài hơi, đều đặn và có sự kiểm soát của ý thức là bí quyết để làm tăng cường sức khỏe, chậm lão hóa và kéo dài sự sống. Ta có  thể kiểm chứng bằng những ví dụ sau: con voi thở  chậm nên sống lâu hơn loài trâu bò. Con rắn thở rất chậm nên đời sống của nó kéo dài hơn loài chó trong nhà. Ta thấy, một người sống đời sống êm đềm thọ lâu hơn người sống vội vã. Người sống hấp tấp thở sai nhịp điệu, hơi thở của họ biến đổi tùy theo hoàn cảnh, hoặc tùy theo trạng thái tâm lý tinh thần. Do vậy, họ thường xuyên chịu những sự bất cập trong cuộc sống. Người thực hành theo pháp môn Yoga không tính cuộc đời bằng số tuổi mà bằng hơi thở. Theo triết học Ấn Độ, một người chỉ có thể dành cho cuộc đời mình một số lượng hơi thở nhất định. Kẻ nào thở hối hả thì không thọ, vì kẻ đó xem như đã tiêu xài hoang phí số lượng hơi thở đã được dành sẳn cho họ.

           Bây giờ, ta thử tìm hiểu tại sao loài rùa lại có tuổi thọ cao hơn các sinh vật khác. Đây là sự thắc mắc khá lý thú mà ta có thể làm sáng tỏ những bí ẩn này bằng những lý giải hoàn toàn dựa trên căn bản khoa học. Trước hết, rùa ăn toàn thực vật (cơ thể tinh khiết), hoạt động của nó rất chậm chạp (tiết kiệm được năng lượng), lặn sâu và nín thở lâu dài (vô tình trích trữ được nhiều khí lực trong cơ thể như pháp môn Yoga chủ trương). Những yếu tố đó mặc nhiên giúp nó kéo dái sự sống theo bản năng thiên phú.

          Đừng quên rằng, trên thế gian này có rất nhiều pháp thuật «trường sinh» áp dụng cho mọi sinh vật để được sống lâu dài, sống trường thọ như loài rùa chẳng hạn. Bên Trung Quốc có tất cả 25 giống rùa nước ngọt, trong đó có một con đã sống đến 400 năm (đài SVTV 12 có giới thiệu trong một chuyên đề du lịch tháng 11/2011). Thế nhưng, sự «bất tử» là chuyện không bao giờ có thật trên cõi đời này, vì lẽ cái thể xác hữu hình hữu hoại này dù sao vẫn phải chịu chi phối bởi định luật Sinh Lão Bệnh Tử, không sinh vật nào tránh khỏi. Việc Tần Thủy Hoàng phái người đi tìm thuốc trường sinh bất tử khắp miền Đông Hải là chuyện ảo tưởng. Hoặc bên phương Tây cũng có những thuật sĩ đã khổ công bào chế một loại rượu trường sinh (elixir de la longue vie) dành cho các vua chúa là chuyện hoang đường. Thuật trường sinh không do tác động từ bên ngoài mà chính là do «nội lực tự sinh», tiêu biểu là pháp môn Yoga, Thiền, Khí công . . .

            Mới đó mà đã gần nữa thế kỷ trôi qua nhanh. Vì lý do thời cuộc, tôi đã phải rời xa  Hà Tiên và ra đi biền biệt suốt mấy mươi Thu đằng đẳng, tự vùi mình trong cát bụi kinh thành ngột ngạt, lăn lộn với sóng gió của cuộc đời trong cõi nhân sinh đầy phong ba phiền lụy mà chưa có dịp một lần trở lại viếng thăm cảnh cũ người xưa.

           Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua một cách hững hờ. Nay, hồi tưởng lại thời gian dạy học ở Hà Tiên, tôi thấy khắc khoải trong lòng nỗi nhớ cồn cào về một miền đất yên bình mà lúc bấy giờ được xem như: “tiểu thiên đường” hạ giới. Thêm vào đó, Hà Tiên còn được mệnh danh là “đất đẹp ngàn lời”. Bởi lẽ, nơi đây có 10 danh lam thắng cảnh ngoạn mục, thơ mộng và kiều diễm nhất miền Nam, dễ làm say mê những ai dã một lần đến đây chiêm ngưỡng đất nước này.

           Vẻ đẹp liên hệ tới con người và cảnh sắc của miền đất Hà Tiên đã được nhạc sĩ Y Vân (tác giả bài hát nổi tiếng Lòng Mẹ) ca ngợi trong một bản nhac tựa đề : “Em Gái Hà Tiên”. Ông viết nhạc phẩm này năm 1957 sau khi đã viếng thăm Hà Tiên cách đây 55 năm. Trong bài hát, ông đã khéo “nhân cách hóa” (personnifier) một địa danh thơ mộng qua hình ảnh một người «em gái Hà Tiên» rất khả ái, vừa xinh đẹp, vừa duyên dáng ở một nơi nổi tiếng có nhiều phong cảnh hữu tình dễ làm cho ta ngây ngất bàng hoàng và dã khiến cho du khách lưu luyến mãi không muốn rời xa đất nước này.. Bài hát đã diễn tả được tính nghệ thuật với nhạc điệu êm đềm, đôi lúc thì thầm. Lời ca thật tình tứ, tha thiết, bài hát vừa hay, vừa hấp dẫn,  nó còn vượt xa cả không gian và thời gian để sống mãi trong lòng  những người yêu mến Hà Tiên. Bài hát có những đoạn đã làm say đắm lòng người nghe như sau:  «Hà Tiên ơi…đất đẹp ngàn lời…sớm chiều vào cuộc đời…sống yên vui. Về quê em…xóm làng dịu hiền…bổng giờ đẹp một miền…đất Hà Tiên. Một chiều tôi đến nơi…ngập ngừng em đón tôi…ngại ngùng tia nắng chưa chìm khuất sau chân đồi. Đừng nhìn nhau quá lâu…sợ rồi thương nhớ nhau…chỉ cần quen biết thôi, tình chớ nên tìm sâu. Dù xa em…cách biệt ngàn trùng…vẫn còn lại một niềm …nhớ Hà Tiên ».               

          Về phần tôi, tôi còn lưu giữ biết bao kỷ niệm thắm thiết khó quên tại miền đất Hà Tiên thân yêu này. Những kỷ niệm êm đẹp đó luôn ẩn giấu tận đáy lòng và lắng đọng mãi trong tâm tư tình cảm đến hôm nay vẫn không phai nhòa trong ký ức của tôi. Hà Tiên ơi ! những thước phim ký ức về người «em gái Hà Tiên» trong tâm thức tôi mãi là những hình ảnh đẹp nhất  và dù cho năm tháng có đi qua nhanh, màu sắc trong phim vẫn luôn tươi đẹp trong trái tim tôi. Ngoài ra, dù có nghìn trùng xa cách đến đâu chăng nữa, hình ảnh Hà Tiên mến yêu vẫn luôn tồn tại trong chốn thâm sâu của lòng tôi với biết bao xúc cảm thầm lặng không ngớt cuộn trào. Ôi nhớ quá! Nhưng thật khó mà tìm lại chốn Thiên Thai một khi đã lạc bước trần gian:

“Cửa động, đầu non, đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”
(Tản Đà)

           Giờ đây, ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời và ngồi lặng lẽ một mình để mà có dịp hồi tưởng lại những tháng, năm của tuổi thanh xuân đã vụt trôi đi nhanh như «Bóng Ngày Qua», tôi chợt giật mình khi nghĩ tới Thời Gian. Ôi, Thời gian! Thời gian cứ âm thầm lướt tới nhẹ nhàng nhưng lúc nào cũng khẩn trương. Bước tiến của Thời gian tuy vô hình, nhưng nó không bao giờ dừng lại. Thời gian lạnh lùng giẫm đạp, tàn phá lên tất cả sự vật hữu hình và đưa đẩy mọi sinh vật sớm muộn cũng phải đặt chân đến ngưỡng cửa hư vô.

           Nghĩ lại mới thấy, trong khoảng trời đất bao la mà chúng ta đang sống, tất cả đều thoáng qua nhanh như một giấc mộng; tất cả đều lần lượt chìm vào dĩ vãng không để lại dấu vết gì; tất cả đều là cảnh tượng phù du đến kinh ngạc, xét ra chẳng khác nào như sự việc đầu hôm, sớm mai vậy.. Đúng là “phù sinh trong một giấc chiêm bao” (thơ Mạc Thiên Tích), hoặc như thi hào Tô Đông Pha đã cảm tác: “Đời trôi qua như giấc mộng Xuân, không lưu lại một dấu vết nào cả” (sự như Xuân mộng liễu vô ngấn).

          Và hôm nay, có ai còn nhớ những con vật dễ thương từng “vang bóng một thời” như đã nói trên, đặc biệt những con rùa có tuổi thọ lâu năm, những con rùa từng tiêu biểu cho những nét sinh hoạt lịch sử văn hóa lâu đời tại một miền đất Hà Tiên năm xưa, bây giờ chúng ra sao?

          Thật ra, không có gì tồn tại mãi với thời gian theo quy luật Thành Trụ Hoại Không của Tạo Hóa.

Niên khóa 1962-1963, trước văn phòng trường Trung Học Công Lập Hà Tiên:  từ trái qua phải,  Hàng 1 (5 Thầy Cô): Thầy Võ Thành Tường (Pháp văn), Thầy Nguyễn Ngọc Lung (Âm nhạc), Cô Lý Ngọc Mai (Nữ công), Thầy Lê Trung Hoàn (Hiệu Trưởng), Thầy Nguyễn Lê Hùng (Pháp văn).

 Hàng 2 (1 thầy áo đen): Thầy Vũ Quang Vinh (Văn)

 Hàng 3 trên cao (7 Thầy): Thầy Lê Văn Triệu (Toán), Thầy Nguyễn Văn Nén (Toán), Thầy Lê Văn Quang (Sử Địa), Thầy Đỗ Huỳnh Có (Vạn vật), Thầy Võ Thành Tài (Anh văn), Thầy Hồ Quang Điệp (Anh văn), Ông Nguyễn Văn Thân (Thư ký)
Chùa Tam Bảo Hà Tiên trong những năm 1960, lúc thầy Nguyễn Lê Hùng ở trọ để dạy học ở Hà Tiên

Trích: “ Bóng Ngày Qua”(Tập ký ức thời gian, có 25 bài viết về thời kỳ dạy học ở Hà Tiên).

Nguyễn Lê Hùng (Nguyên giáo sư sinh ngữ Pháp trường trung học Hà Tiên, 1962-1965. Nguyên Trưởng phòng Hồ Sơ Phim Tư Liệu, 1975-2001, Cục Điện Ảnh,  Bộ Văn Hóa-Thông Tin, nghỉ hưu).

Tái bút: 1/ Em Nguyễn Thị Điệp, một học sinh Trung Học Hà Tiên cho biết thêm về một số chi tiết về Thầy Nguyễn Lê Hùng (nhà Ba Má Điệp nấu cơm tháng cho thầy ăn): « Em chẳng biết nhiều về thầy vì không ỡ gần và thầy rất ít nói nhưng sống rất tình cảm. Mỗi khi thầy đến nhà ăn cơm không có ai trước nhà thầy không bao giờ kêu cứ ngồi đợi đến khi nào có ai ra, những lần như vậy tụi em bị má rầy và dặn đến giờ ăn nhớ chờ thầy tới là cho má hay. Lúc thầy rời Hà Tiên đổi đi nơi khác thầy có tặng cho nhà 1 tấm ảnh chụp ỡ Hòn Phụ Tử nhưng vì chiến tranh nên không giữ được lúc từ giã thầy buồn lắm em chỉ có chút kỷ niệm với thầy như vậy. »

2/ Em Huỳnh Thị Sáu (Jennie Huynh) cho biết tin như sau : Thầy Nguyễn Lê Hùng mất vào tháng 5, năm 2014 tại Sài Gòn. Thầy Hùng có một người con trai tên Huy hiện là kỷ sư tại phi trường Tân Sơn Nhất SG. (thay mặt Blog THHTX, xin cám ơn em Sáu).

3/ Chị Nguyễn Thị Nhung (phu nhân của thầy Hà Phương Linh lúc xưa thầy Linh dạy lớp Tiếp Liên trường Tiểu Học Hà Tiên) có bổ túc cho chúng ta một bức ảnh thầy cô Nguyễn Lê Hùng và quý chị học trò xưa của thầy lúc thầy dạy ở Hà Tiên, hình chujhp năm 2011 và chị Nhung có viết thông tin như sau:

« Hôm nay chị vừa đọc bài hồi ký của thầy Nguyễn Lê Hùng thật cảm động, chị gởi cho em tấm ảnh nầy là lúc chị về Việt nam năm 2011. Chị Lắc, Nga và chị đến thăm thầy tại Sài Gòn, thầy và cô rất mừng khi gặp lại ba đứa học trò ngày xưa dưới mái trường Trung Học Hà Tiên. Thầy yêu mến đất Hà Tiên cùng người Hà Tiên lắm em ơi. Lúc bấy giờ trông thầy hơi già nhiều nếp nhăn mà niềm vui không khuất lấp. Từ giả thầy ra về ba chị tay trong tay siết mạnh thương thầy quá em ơi. Hai năm sau nghe tin thầy mất vì bệnh gan, chị Lắc và Nga có đưa đám tang thầy. Thầy có gủi cho chị một tập hồi ký tiếng Việt và một bản tiếng Pháp. Trong ảnh thầy cô, Nga (đứng trên) kế là chị Nhung (chị Lắc chụp ảnh) Gủi ảnh nầy để lưu niệm ảnh người thầy đáng kính. Chúng ta không bao giờ quên. »

Trái qua phải: Thầy và cô Nguyễn Lê Hùng, chị Nguyễn Thị Nhung, người đứng phía sau: chị Nga (Chị Lý Thị Lắc chụp hình, năm 2011, hình: chị Nguyễn Thị Nhung)

 

Hình ảnh: Thầy Nguyễn Văn Nén, KimLy, Nguyễn Thị Nhung

Giới thiệu clip: Em Gái Hà Tiên (Y Vân – Mạnh Thường)