Nhớ bậc thầy người Hà Tiên (Cô Nguyễn Phước Thị Liên)

Thầy cô và các bạn thân mến, trong Blog của chúng ta có một mục để tôn vinh và gợi nhớ quý thầy cô đã từng giảng dạy ở hai trường Trung Học và Tiểu Học Hà Tiên. Hiện nay trong mục nầy đã có được 27 bài viết về quý thầy cô. Thực ra thầy cô giảng dạy ở hai trường nói trên còn rất nhiều và chưa được giới thiệu đầy đủ qua những bài viết ở đây, ví dụ bên trường Tiểu Học còn thiếu bài về quý thầy cô: Trần Văn Hương, Trần Hòa Hùng, Phan Liên Trì, La Từ Sự, Nguyễn Văn Pho, Trương Tự Phát, Hà Phương Linh, Lâm Văn Núi, Lê Quang Thuyên, Lê Quang Khanh, Trần Văn Tường, Nguyễn Hữu Thất, Lý Ánh Nguyệt, Lý Thị Nhan…v…v…Bên trường Trung Học còn thiếu bài về quý thầy cô: Trịnh Học Ký, Võ Thành Tường, Võ Thành Tài, Bùi Hữu Trí, Nguyễn Minh Nguyệt,…v…v… Nói tóm lại, còn thiếu rất nhiều, kể ra ở đây không hết được, chỉ một mình mình thôi, không thể có đủ tư liệu, hình ảnh để viết bài về quý thầy cô nói trên, mình xin kêu gọi quý thầy cô và tất cả các bạn, nếu có điều kiện nhớ về chuyện quý thầy cô ngày xưa, xin đóng góp bài vở và hình ảnh, để mục tôn vinh, tưởng nhớ quý thầy cô của chúng ta ngày càng được đầy đủ và phong phú thêm, để chúng ta khỏi phải phạm lầm lỗi là không nhớ đến thầy cô trọn vẹn, mong được như vậy nhé quý thầy cô và các bạn mến…

Cũng nhắc lại ở đây là tại trường Tiểu học Hà Tiên của chúng ta, có một bàn thờ “Tiền vãn” đặt ngay trong văn phòng Hiệu trưởng rất trang nghiêm. Có phải chăng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của Việt Nam đã được những người làm việc trong lảnh vực giáo dục của Hà Tiên, của các thầy cô Hà Tiên chúng ta thể hiện bằng tấm lòng thành kính ít nơi nào có được. Trên tấm bia nầy, ta còn nhận thấy có tên họ của những bậc tiền bối, bậc thầy mà ở lứa tuổi của mình, vốn là hậu bối, sanh sau đẻ muộn, không có cái may mắn được học tập với quý thầy cô đó: xin kể tiêu biểu vài bậc thầy ra đây: Lâm Tấn Phác, Lê Quang Phấn, Hà Văn Điền, Lý Văn Nhơn,….

Hôm nay nhân duyên đã đến, xin được nhắc đến một bậc thầy, người đã từng làm vẻ vang cho tên gọi đất Hà Tiên, đó là thầy Lâm Tấn Phác, như cô Nguyễn Phước Thị Liên có viết:

« Tôi thấy trong khu vườn Hà Tiên xưa đề cập đến nhiều Thầy Cô mà chưa ai đả động đến cây đại thụ Thầy giáo Đông Hồ là một thiếu sót lớn. Nhờ người chăm sóc nuôi dưỡng khu vườn đọc bài thử và tùy nghi sử dụng nhé ».

Đúng như lời viết của cô, chúng ta chưa có bài nào viết về bậc thầy Đông Hồ trong mục thầy cô, nói Đông Hồ tức là nói về thầy Lâm Tấn Phác, vì thi sĩ Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác (thầy sinh ngày 10 tháng 3 năm 1906 và mất ngày 25 tháng 3 năm 1966). thầy còn có tự là Trác Chi, hiệu là Hòa Bích và còn nhiều bút hiệu khác như: Thủy Cỗ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh, thầy được xem là một nhà giáo, nhà thơ, chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt và là một người có nhiệt tình với văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong khoảng thời gian 1926-1934, thầy Lâm Tấn Phác có lập ra một ngôi trường tên là Trí Đức Học Xá, ngay bên bờ Đông Hồ ở Hà Tiên, chủ trương chuyên dạy toàn tiếng Việt, nhằm cổ động mọi người tin tưởng vào tương lai của tiếng Việt. Ta có thể xem đó là một ngôi trường đầu tiên ở Hà Tiên dạy về tiếng Việt. 

Ngoài cô Nguyễn Phước Thị Liên, tác giả của bài viết sẽ được giới thiệu đăng tiếp theo dưới đây (bài mang tên « Nhớ bậc thầy người Hà Tiên »), còn có một người bạn thân học cùng trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa, bạn Hà Quốc Hưng, có viết cho mình qua những dòng chữ như sau:

« Tôi biết là chúng ta muốn viết về thời của chúng ta dưới mái trường Trung Học Hà Tiên là chính. Nhưng như bạn thấy chúng ta có rất nhiều thế hệ sau mình sẽ vào đọc cho nên tôi muốn nói một chút gì về thế hệ cha chú trước mình. Sở dĩ làm vậy là có ý muốn vực dậy niềm tự hào của các em học sinh Trung Học Hà Tiên bây giờ (để cho bậc đàn em thấy có một sự truyền thừa liên tục trên mảnh đất Hà Tiên chứ không phải là hiện tượng một lần rồi chết mất) và vực dậy tình yêu của các em đối với mảnh đất Hà Tiên tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình yêu và huyền thoại.  Biết đâu sau này khi Mãnh nghỉ hưu có thể hai đứa mình sẽ quay lại Hà Tiên để làm cái gì đó cho các em Trung Học Hà Tiên, mà những điều mình viết xuống ngày hôm nay chính là hạt giống gieo xuống « tâm điền » của các em và sẽ nãy mầm ngày mai chứ không đơn thuần là những mẫu chuyện ngu ngơ, vu vơ, vô giá trị. Nói một cách khác là chúng ta đang gián tiếp tuyên dương tình tự dân tộc, tình yêu đối với thi ca, tình nghĩa thầy trò, tình bạn . . . giữa dòng đời xô bồ và vô cảm này đó Mãnh. Tôi đánh giá cao những giá trị nhân bản này. Đó là lý do vì sao mấy ngày hôm nay tôi dừng lại công việc nghiên cứu và để ra một chút thời gian viết cho Blog của mình đó Mãnh. Cũng cảm ơn bạn đã tạo Blog này để mình có dịp sống lại những « ngày xưa thân ái » đầy ấp kỷ niệm. Tình bạn của chúng ta quả thật ngọt ngào và mầu nhiệm. Vài dòng chia sẽ ý nghĩ với bạn thân. » (mail tháng giêng, 2016, Hà Quốc Hưng)

Cũng qua những dòng chữ trên, bạn Hà Quốc Hưng có gởi cho mình một bài viết về « thế hệ cha chú trước mình », đó là bài viết mang tên « Gương Hồ Núi Mộng » mà mình đã từng đăng trên Blog nầy trong tiết mục « Chuyện vui buồn ngày xưa » và là bài « Trăng Hà Tiên và U Hương » với tên ký là Hưng Hà (tháng 1, năm 2016). Hôm nay, tiếp theo bài của cô Nguyễn Phước Thị Liên, mình sẽ đăng lại bài của bạn Hà Quốc Hưng, cả hai bài viết nầy đều là bài để nhắc lại, tưởng nhớ và tôn vinh bậc thầy người Hà Tiên, thầy Đông Hồ Lâm Tấn Phác. Tới đây xét cũng đã đủ lời giới thiệu về hai bài viết dưới đây, xin mời quý thầy cô và các bạn bước vào vườn văn nghệ, đọc hai bài viết về thầy Lâm Tấn Phác nhé. Xin cám ơn cô Nguyễn Phước Thị Liên đã nhắc nhở cho phong phú khu vườn Hà Tiên xưa và bạn Hà Quốc Hưng đã có tâm niệm khuyến khích thế hệ đàn em sau tiếp tục truyền thống thi sĩ Đông Hồ…và cũng xin cám ơn quý thầy cô và các bạn chú ý đọc bài. (Paris cuối tháng 9 năm 2020, Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu…)

Bài 1: NHỚ  BẬC THẦY NGƯỜI HÀ TIÊN (Nguyễn Phước Thị Liên)

Đôi lời giới thiệu

Chồng tôi, anh Trương Minh Đạt, người xóm Rạch Vược xã Thuận Yên – Hà Tiên. Khi anh chưa ra đời (1936), gia đình anh đã có mối thân tình với gia đình thầy Đông Hồ. (Người Hà Tiên gọi là “Thầy” vì lúc đó ở đây, năm 1926 – 1927, thầy có mở trường dạy học, tên là Trí Đức). Thời gian sau, duyên lành đưa đẩy, anh Hai Lư Khê của chồng tôi cùng thầy về Sài Gòn làm báo. Tờ ÁNH SÁNG của họ tỏa sáng khắp miền Nam lúc đó. Và tự nhiên, hai bà vợ của hai ông là Mộng Tuyết và Manh Manh trở thành đôi bạn tâm giao trong sáng tác thơ văn, đã một thời nổi tiếng trên văn đàn cả nước. Các nhà phê bình văn học đã viết trong phần văn học Hà Tiên thời cận đại hôm nay còn ghi truyền câu nói: “Hà Tiên tứ tuyệt”, nhắc ta nhớ đến Thầy Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Tuyết, nhà văn Trúc Hà và nhà văn nhà báo Lư Khê.

                                                    ***

59 năm trước, khi tôi về làm dâu xứ Hà Tiên, chồng tôi đưa tôi đến thăm, ra mắt thầy cô Đông Hồ tại nhà của thầy ở đường Nguyễn Thái Học (cũ) – Sài Gòn và đây chính là nơi hiệu sách Yiễm Yiễm Thư Trang của thầy đang hoạt động.

Lúc còn đi học, tôi mến mộ tác giả Đông Hồ qua bài thơ “Bốn cái hôn”, mường tượng trong đầu một nhà thơ trẻ tuổi mộng mơ mà chân thực. Thế nhưng khi diện kiến tác giả, ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi lại là cái phong cách nho nhã…lạ đời.

Hôm đó, tôi còn nhớ như in, thầy mời chúng tôi vào bàn khách, thầy vào trong. Khi bước ra, thầy đã chỉnh tề trong bộ áo dài trắng, tay cầm cái lư đồng nhỏ. Sau đó thầy thư thả đốt trầm. Lư trầm thầy đặt giữa bàn, đúng “tọa độ” giữa thầy và chúng tôi. Xong đâu đó thầy mới hỏi chuyện, chuyện Hà Tiên và chuyện sức khỏe của mẹ chồng tôi. Tiếng thầy khoan thai nhỏ nhẹ mà ấm áp chân tình nhất là khi biết gia đình tôi người Huế, thuộc “nòi văn chương”, ngoại tổ và thân phụ tôi có quan hệ mật thiết với Hương Bình thi xã Huế. Rồi thầy nói cho tôi nghe nhiều chuyện về Hà Tiên xưa, dạy tôi những lời vàng ngọc.  Khi chúng tôi sửa soạn ra về, thầy đề tặng nhiều sách còn bảo tôi đến tủ chọn thêm vài quyển “ưng ý” khác.

Sau đó vì cuộc sống, chúng tôi không thể đến thăm thầy cô được. Bẵng đi mấy năm, chúng tôi sững sờ hay tin thầy gục ngã trên bục giảng ở trường Đai học Văn khoa – Sài Gòn.

Nay thầy cô Đông Hồ – Mộng Tuyết không còn nữa, chúng tôi cũng đã trên 80, bạc đầu sương gió… Nhớ thầy như nhớ lời nói thơm ngát hương trầm năm xưa: “Con gái xứ Huế, con trai Hà Tiên, duyên tình cố đô kết với đất Hà, các em đừng quên quê mình, cả hai đều đẹp lắm…”

Chúng tôi chỉ ân hận một điều là chưa làm được gì theo lời thầy trong sự nghiêp làm đẹp quê mình./.

Cô Nguyễn Phước Thị Liên thời dạy học tại Trường Tiểu Học Hà Tiên, tác giả bài viết « Nhớ bậc thầy người Hà Tiên ».

Bài 2: GƯƠNG HỒ NÚI MỘNG (Hà Quốc Hưng)

Nói đến trăng Hà Tiên mà không nói đến nữ sĩ Mộng Tuyết và thi sĩ Đông Hồ là một thiếu sót lớn. Hai người là thái sơn bắc đẩu của thập niên 30-40 trong nền văn học Việt. Cùng với cặp tài danh khác là nhà văn Lư Khê và nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, người ta đã tôn xưng họ là Hà Tiên Tứ Tuyệt (Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà và Lư Khê). Cả bốn người họ đều sinh ra và lớn lên ở Hà Tiên, một xứ sở nghèo nàn nơi biên địa, nhưng mộng hồn thơ văn của họ cao muôn trượng chẳng nhường ai.

         Nhận xét về Mộng Tuyết , Đoàn Lê Giang đã viết: «Tôi nghĩ là sẽ không quá lời khi khẳng định: Mộng Tuyết là thi sĩ tài hoa nhất, có bản sắc nhất trong nhóm Hà Tiên, và là nữ thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới toàn quốc.» (Văn Học Nam Bộ, 32-45, Cái Nhìn Toàn Cảnh). Trong bài Hai Cuộc Tình Thơ Nơi Cõi Mộng Hà Tiên, Vương Tân đã viết: «Cái tên Mộng Tuyết được bay bổng với những vần thơ đầy lãng mạn và tạo nên một hiện tượng thơ ca vào những năm cuối của thập kỷ 30. Ngày đó tác giả thơ nữ hiếm lắm, tiếng thơ của Mộng Tuyết vang rộng đến nỗi tạo nên dư luận, người ta còn đồn thổi, đây là một trang nam nhi đóng giả gái, chứ nữ nhi thường tình sao làm thơ hay đến thế.»

Trăng chảy ngập đường đi thuở ấy
Để người soi bóng bước song song
Rồi trăng từ đó tương tư bóng
Chảy ngập đường đi khắp nẻo lòng
(Trăng Tương Tư – Mộng Tuyết)
Sực nhớ . . .  
Ta cùng ai thong dong dưới nguyệt
Khẽ dang tay người ngọc thẩn thơ
Hồ Đông một vũng nông sờ
Non Bình một dải tờ mờ ngọn cao
Em mới hỏi: “Trăng sao sáng tỏ?”
Anh bảo rằng: “Trăng có đôi ta”
Bây giờ em đã cách xa,
Vầng trăng xưa vẫn chưa nhoà bóng gương.
(Nhớ Rằm Tháng Hai – Đông Hồ)

          Trăng Hà Tiên là như vậy đó. Đâu phải chỉ có thế hệ của tôi hay những thế hệ sau này được trăng Hà Tiên thai nghén và nuôi dưỡng. Rõ ràng là những thế hệ trước của Hà Tiên cũng đã từng như vậy. Họ chính là vầng trăng lưu giữ một vầng trăng mà tỏa sáng trên văn đàn thuở ấy và có lẽ . . . sẽ tỏa sáng đến ngàn sau.

Bài viết 01/2016, tác giả Hà Quốc Hưng (tên hiện nay: Hà Hưng Quốc)

Ảnh Thi Sĩ Đông Hồ & Nữ Sĩ Mộng Tuyết

Ngôi nhà Ông Lâm Tấn Đức (anh của ông Lâm Tấn Thoại cha của Thi Sĩ Đông Hồ) ở tại đường Đông Hồ, mé sông Đông Hồ, Hà Tiên. Có một thời ngôi nhà nầy là trường học Trí Đức Học Xá (1926-1934) do Ông Đông Hồ lập ra. Trong những năm 1960-1970, ngôi nhà nầy là nơi ở của Ông Ngoại bạn Lý Văn Tấn bạn học cùng lớp với mình. (hình do Huệ Nhẫn sưu tầm). Theo tài liệu của học giả Trương Minh Đạt, tấm hình trên được chụp ngày 13/03/1940. Hiện nay là nơi dựng lên nhà Lưu niệm Đông Hồ.

Gia đình thi sĩ Đông Hồ, Mộng Tuyết (bên phải) với thi sĩ Nguyễn Bính (bên trái), hình chụp tại Hà Tiên năm 1944. Hình sưu tầm (TL)

Thầy Đông Hồ cùng với các sinh viên tại Sài Gòn. Hình Tuan Vo