Lăng Ông Mạc Cửu (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian (Trần Văn Mãnh)

Thầy cô và các bạn thân mến, đối với thầy trò trường trung học Hà Tiên, khi nói đến lăng Mạc Cửu thì ta không thể không nhớ đến giai đoạn ngày xưa trong những năm 60-70, biết bao nhiêu lần chúng ta, thầy lẫn trò, cùng kéo nhau lên núi Lăng (núi Bình San) để họp nhau vui chơi, kể chuyện, ăn uống tại chỗ rất vui, Hôm nay chủ đề chánh của bài là sẽ viết ngắn gọn và nhờ những hình ảnh sưu tầm để nhắc lại về gốc tích của ngôi đền thờ ông Mạc Cửu và sự thay đổi qua các giai đoạn thời gian.

Cũng theo thông lệ và nguyên tắc của Blog nầy, xin nhắc lại là bài viết chỉ nhằm mục đích phổ biến rộng rải một cách bình dân những kết quả của các nghiên cứu do các nhà khảo cứu về vùng đất Hà Tiên và sự nghiệp họ Mạc (như tài liệu « Họ Mạc với Hà Tiên » trong tập « Nghiên Cứu Hà Tiên » của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, 2017,..v..v..) do đó bài không đi sâu dẫn chứng tư liệu phần lớn uyên bác và rất cần sự chú ý nghiêm túc mới thấm nhuần được các lý giải, dẫn chứng về các kết luận khoa học. Để được hiểu thêm sâu rộng, thầy cô và các bạn có thể tiếp tục đọc sách chuyên và tra cứu trên mạng những bài đã xuất bản về chủ đề nầy.

A/ Định vị trí của Lăng Mạc Cửu:

Có rất nhiều tên gọi để chỉ định lăng Mạc Cửu, nói chung ta có thể dùng từ « Đền thờ họ Mạc » để chỉ định ngôi đền nầy vì đền được dựng lên để thờ cúng tất cả các dòng con cháu nhà họ Mạc. Tuy nhiên còn có nhiều tên chữ để chỉ định ngôi đền như các tên: Trung Nghĩa Từ, Mạc Công Từ, Mạc Công Miếu, dân gian lại thường gọi là Miếu Ông Lịnh (vì đền thờ ông Mạc Thiên Tích và ông Mạc Thiên Tích được gọi là Mạc Lịnh Công).

Thực ra ngay từ lúc đầu khi vua Gia Long phong cho Mạc Công Du (con của Mạc Tử Hoàng, cháu nội của Mạc Thiên Tích) làm Trấn Thủ Hà Tiên (trong khoảng thời gian 1818 – 1829) thì ông Mạc Công Du bắt đầu cho dựng một ngôi đền gọi là Đền Mạc Công để thờ phụng ông nội là Mạc Thiên Tích. Ngôi đền nầy vách bằng cây, lợp lá đơn sơ nằm ở bên trái chùa Tam Bảo, trong khu phế tích thành quách cổ thời ông Mạc Cửu (vị trí nầy còn được xác định trong bản đồ người Pháp vẻ tay vào năm 1869 và ghi chú là Ruines). Lúc nầy đền còn có tên « Mạc Thiên Tứ Từ », tuy nhiên trong đền cũng thờ tất cả ba vị họ Mạc có tên là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, vì thế đền cũng được gọi là đền « Mạc Công Tam Vị ».

Sở dĩ đền thờ ba vị họ Mạc là vì ba vị họ Mạc nầy đều được sắc phong nhân thần của các vua nhà Nguyễn thời đó:

Mạc Cửu (1655-1735 thọ 81 tuổi): được vua Minh Mạng phong Trung Đẳng Thần, sau đó vua Thiệu Trị và Tự Đức cũng ban thêm các mỹ tự và vua Bảo Đại phong thêm Thượng Đẳng Thần.

Mạc Thiên Tích (1718 – 1780 thọ 63 tuổi): con của Mạc Cửu, được vua Minh mạng phong Đạt Nghĩa Chi Thần, sau đó vua Thiệu Trị và Tự Đức ban thêm các mỹ tự.

Mạc Tử Sanh (1769 – 1788 chết trẻ 20 tuổi): con của Mạc Thiên Tích, được vua Minh Mạng phong Trung Nghĩa Chi Thần, sau đó vua Thiệu Trị và Tự Đức ban thêm các mỹ tự.

Từ khi thành lập năm 1818 đến năm 1833, ngôi đền được con cháu họ Mạc và nhân dân chăm lo hương hỏa, cúng kiến. Đến năm 1833 lúc nầy có giặc phản loạn Lê Văn Khôi dấy binh đánh chiếm thành trì nhà Nguyễn (đời vua Minh Mạng), Mạc Công Du và các con ngả theo bên Lê Văn Khôi, đến khi họ Lê thất bại, Mạc Công Du và các con đều bị tội, lúc đó Mạc Công Du lại bệnh mất, cả nhà họ Mạc đều bị  vua kết tội, đền thờ họ Mạc bị bỏ hoang không ai dám chăm sóc…

Đến năm 1846 có quan thần nhà Nguyễn đời vua Thiệu Trị xin vua nghĩ đến công trạng của cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích nên nhà vua cho phép dựng lại ngôi đền mới nhưng xây cất tại vị trí mới, tọa lạc dưới chân núi Bình San, hoàn thành năm 1847, đó là ngôi đền Mạc Công Miếu hiện nay. Tuy nhiên từ lúc xây cất năm 1847, vì ngôi đền xây cất bằng gỗ, lợp ngói nên không duy trì được lâu dài với thời gian sau đó, chừng vài chục năm lại bị hư dột…

Đến năm 1897 có chí sĩ người gốc Hà Tiên tên là Nguyễn Thần Hiến thảo bài văn kêu gọi nhân dân Hà Tiên góp tiền góp sức trùng tu lại ngôi cổ miếu cất từ đời vua Thiệu Trị (bản văn của ông Nguyễn Thần Hiến vẫn còn lưu truyền tại đền Mạc Công Miếu hiện nay). Công việc trùng tu kéo dài đến năm 1901 mới xong (đó là công lao rất to lớn của ông Nguyễn Thần Hiến cùng với nhân dân và hội người Minh Hương ở Hà Tiên, người Hà Tiên chúng ta không ai là không biết đến tên gọi Nguyễn Thần Hiến, từ ngày xưa Hà Tiên đã có một bệnh viện và một con đường được mang tên Nguyễn Thần Hiến, ngày nay có ngôi trường mới cất sau nầy là trường Phổ Thông Trung Học Nguyễn Thần Hiến với pho tượng bán thân của ông ở ngay lối chánh vào trường). Trong đợt trùng tu nầy, có cất thêm nhà Võ Ca, bức tường bao quanh ngôi miếu và cổng Tam Quan. Lần trùng tu thừ hai là vào năm 2002 do Ban Bảo Vệ Di Tích Núi Bình San thực hiện. Lần trùng tu thứ ba là vào năm 2012, do Ban Di Tích tỉnh Kiên Giang thực hiện. Tuy vậy việc trùng tu đều tôn trọng giữ theo đúng hình dạng kiến tạo năm 1897 của thời ông Nguyễn Thần Hiến.

Bản đồ do người Pháp vẻ tay vào năm 1869 khu vực Hà Tiên. Ô vuông đứng màu vàng phía trên là khu phế tích dinh thự thành quách của Mạc Cửu, trong đó có ghi rỏ vị trí chùa Tam Bảo đầu tiên và ba hình tròn nhỏ xem như ba bảo tháp còn lại. Ngôi đền Mạc Công Miếu được Mạc Công Du dựng đầu tiên vào năm 1818 nằm bên trái chùa Tam Bảo, ngôi đền nầy đã bị bỏ hoang phế sau năm 1833. Đến năm 1846 ngôi đền Mạc Công Miếu mới được xây dựng lại nhưng đã ở vị trí khác, tọa lạc dưới chân núi Bình San, ngay trước đền có một cái ao đã có từ đời ông Mạc Cửu (đào vào khoảng năm 1719).

Tuy việc dựng đền là để thờ cúng ba vị họ Mạc đi tiên phong trong công cuộc mở mang vùng đất Hà Tiên, nhưng thực sự trong đền đều có đủ cả các bài vị thờ hầu hết tất cả con cháu dòng họ nhà Mạc, có cả bàn thờ chư vị tướng lảnh phục vụ cho nhà Mạc và cũng có cả bàn thờ các vị phu nhân và bàn thờ Mạc Mi Cô tức bà Cô Năm, người con gái út của Mạc Thiên Tích, tiểu thư Mạc Mi Cô chết rất trẻ lúc chỉ mới 14 tuổi.

B/ Các bộ phận của ngôi đền

  • Cổng tam quan và tường gạch cao chung quanh đền: Có ba cổng ra vào đền nhung cổng bên trái bít kín từ năm 1911 vì tôn kính bà Cô Năm.
  • Nhà Võ Ca: Có rất nhiều câu đối, những bài thơ Nôm trên những hàng cột.
  • Trù Phòng: Hai gian nhà bếp để phục vụ việc nấu nướng ngày xưa, nay là văn phòng và nhà kho.
  • Tiền Khu Chánh Điện: Một bức tường có ba lối vào ngăn nhà Võ Ca và Chánh Điện, có tấm biển đề tên Trung Nghĩa Từ và nhiều câu liễn đối.
  • Bái Đình: nền gạch hình vuông, có mái.
  • Đông Lang và Tây Lang: nơi đặt bài thờ gọi là Tiền Hiền, Hậu Hiền.
  • Chánh Điện: một ngôi nhà trệt ba gian, có tấm biển khắc tên và nhiều câu liễn đối. Đây là nơi đặt các bàn thờ chánh.
  • Hai bên tường tả và hữu; nơi chép các bài văn, thơ, vịnh…

C/ Khu lăng tẩm và các ngôi mộ nằm trên ngọn núi Bình San:

Toàn bộ mồ mả các vị quan, tướng, phu nhân, hầu thiếp nhà họ Mạc đều được chôn cất trên ngọn núi Bình San (ngọn núi Bình San có ba đỉnh riêng biệt). Theo tài liệu tổng kết của Ban Bảo vệ Di tích núi Bình San thì có khoảng 68 ngôi mộ được chỉnh trang, sơn phết và có bia khắc, đánh số để xác định tên tuổi. Mộ ông Mạc Cửu đánh số 1, mộ Mạc Thiên Tích đánh số 2, mộ Mạc Tử Hoàng đánh số 3…, mộ Bà Cô Năm Mạc Mi Cô đánh số 43…Điều đáng chú ý là tuy đền Mạc Công Miếu thờ ba ông được phong nhân thần là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, nhưng trong ba ông chỉ có Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích là có được mồ mả oai nghiêm còn Mạc Tử Sanh thì trong cơn biến loạn đã mất vì bệnh và không ai biết được mồ mả của ông chôn cát ở đâu.

Khi đi vào ngôi đền Mạc Cửu, nhìn bên phải có con đường lót gạch để dẫn đi lên khu các ngôi mộ. Ngoài ra chung quanh ngôi đền và đường lên khu mồ mả đều có trồng cây xanh, cây hoa kiểng rất xinh đẹp.

Hồi xưa lúc còn đi học trung học, các học sinh Hà Tiên thường kéo nhau cả nhóm lên núi Lăng chơi. Tuy nhiên lúc đó mình rất sợ và rất tôn kính ngôi đền ông Mạc Cửu và ngay cả khi đứng trước các ngôi mộ. Lúc vào trong chánh điện của đền thờ mình rất sợ, không dám nhìn thẳng vào các bài vị trên bàn thờ, và hoàn toàn im lặng không dám nói chuyện …Hồi xưa có rất nhiều tin đồn, chẳng hạn như người ta nói là khi mình chụp hình ngôi mộ của ông Mạc Cửu, khi đem phim đi rửa để ra hình thì thấy hình hoàn toàn màu đen không có hình ảnh gì cả,…, đó chỉ là lời đồn nhưng hồi xưa mình cũng tin ít nhiều…

Bức hình về ngôi đền Mạc Công Miếu xưa nhất có lẻ là hình nầy, trên tấm bưu thiếp nầy được người Pháp ghi là Pagode, vì người Pháp xem ngôi đền như là ngôi chùa, bưu thiếp được ký tên ngày 6 tháng ba năm 1909, như vậy bức hình nầy được chụp khoảng trước năm 1909, đền Mạc Công Miếu được trùng tu xong vào năm 1901.

Một bức hình xưa về đền Mạc Công Miếu trên một bưu thiếp do ngườì Pháp xuất bản, dấu ấn đóng trên con tem cho biết là Tây Ninh, ngày 23 tháng 11 năm 1909. (bộ sưu tập Poujade de Ladevèze)

Sâu đây là một số bưu thiếp do người người Pháp xuất bản cùng dạng, trên hình ta thấy đó là nhà Võ Ca trong đền Mạc Công Miếu sau khi được trùng tu lần đâu tiên.

Ngôi đền Mạc Công Miếu vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.

Một trong hai bức tượng tướng quân đứng hai bên ngôi mả của Mạc Cửu, hình chụp từ sau lưng tượng, nhìn về phía cửa sông Giang Thành ra biển. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp vào năm 1953. (đây là hình bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mả)

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 1953. Hình do một người lính Hải Quân Pháp tên Roland Drosson đóng quân tại Hà Tiên chụp.

Lăng Mạc Cửu trong những năm 1960, người trong hình là Nguyễn Đình Nguyên, một học sinh Trung Học Hà Tiên thời xưa, hình chụp tại bờ ao sen trước ngôi đền. Hình: Nguyễn Đình Nguyên

Lăng Mạc Cửu trong những năm cuối của thập niên 1960, người trong hình là anh Trần Văn Dõng, một học sinh Trung Học Hà Tiên thời xưa, hình chụp tại bờ ao sen trước ngôi đền. Hình: Trần Văn Dõng

Ngôi mộ Mạc Cửu trong những năm cuối của thập niên 1960, người trong hình là anh Trần Văn Dõng, một học sinh Trung Học Hà Tiên thời xưa. Hình: Trần Văn Dõng. (ta thấy có hình bức tượng tướng quân đứng hầu bên phải, đây là bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mả)

Ngôi mộ Mạc Cửu trong những năm 1970, hình do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hà Tiên Quách Ngọc Bá xuất bản. (ta thấy có hình bức tượng tướng quân đứng hầu bên trái, đây là bức tượng gốc nguyên bản từ lúc lập mả)

Nói thêm về hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên mả của ông Mạc Cửu: Từ lúc lập mả người ta có làm hai bức tượng hai tướng quân đứng hầu hai bên mả, tả hữu rất oai nghiêm, từ xa xưa, có nhà nhiếp ảnh người Hà Tiên Quách Ngọc Bá có chụp hình làm bưu thiếp về lăng ông Mạc Cửu và hình tượng tướng quân đứng hầu. Lúc còn nhỏ mình có thấy hình bức tượng nầy do ông QNB chụp, ông chụp một cách rất nghệ thuật từ sau lưng nhìn về phía trước và chụp gần nên thấy trong hình bức tượng rất to lớn. Đến khi học Trung Học (những năm 60 – 70), mình thường theo nhóm bạn lên lăng Mạc Cửu chơi trong những giờ vắng thầy, không có giờ học, lúc đó mới nhìn thấy hai bức tượng thật sự trước mắt thì mới biết là hai bức tượng có khuôn khổ vừa phải không to lớn như mình tưởng lúc còn nhỏ .

Đến sau khi chiến tranh biên giới ở Hà Tiên chấm dứt (sau những năm 1978-1979), hai bức tượng nguyên bản gốc nầy đã bị người ta trộm mất đầu…Sau đó một thời gian dài người ta làm đầu bằng xi măng và gắn lên thân tượng gốc bằng đá còn lại …Tuy nhiên hiện nay hai bức tượng đã được người ta làm lại mới hoàn toàn, có nét vẻ sơn phết tô màu cho đẹp, còn hai thân tượng cũ nguyên gốc ngày xưa thì đã được cất giữ đâu đó không có tin chi tiết rổ.

Lăng Mạc Cửu trong những năm 1970, hình do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hà Tiên Quách Ngọc Bá xuất bản.

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp trong những năm 1970-1980. Người đứng trong hình là Trần Văn Phi (em của Trần Văn Dõng và Trần văn Mãnh), một học sinh trường trung Học Hà Tiên thời xưa. Hình: Trần Văn Phi.

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 1974, ta còn thấy bức tượng nguyên bản gốc quan tướng đứng hầu bên phải. Trong hình là thầy Nguyễn Hồng Ẩn, giáo sư Trung Học Hà Tiên trong những năm 1965 – 1969. Hình: Nguyễn Hồng Ẩn

Ngôi mộ Mạc Cửu: Hình trắng đen trái: Một trong hai pho tượng nguyên bản gốc quan tướng đứng hầu (vị trí đứng bên trái ngôi mộ), hình trích trong ảnh do ông Quách Ngọc Bá chụp vào những năm 1970. Hình màu phải: Một trong hai pho tượng làm lại sau những năm 1990 (vị trí đứng bên phải ngôi mộ), hình trích trong ảnh do Missak chụp vào năm 2006.

Toàn cảnh Lăng Mạc Cửu rất đẹp năm 1994. Hình: TVM

Trần Văn Mãnh với nhà nghiên cứu Sử Học Trương Minh Đạt, hình chụp trước cổng tam quan đền Mạc Cửu năm 1994. Hình TVM

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 1996. Hình: tạp chí Hà Tiên Thập Cảnh, nhà xuất bản Văn Hóa.

Lăng Mạc Cửu năm 1999, lối vào nhà Võ Ca từ cổng Tam Quan nhìn vào. Hình: tạp chí Hà Tiên, Đất nước&Con người, nhà xuất bản Mũi Cà Mau

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 1999. Hình: tạp chí Hà Tiên, Đất nước&Con người, nhà xuất bản Mũi Cà Mau

Cổng tam quan chánh đi vào lăng Mạc Cửu chụp vào năm 1999. Hình trích từ video TVM

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 2006, hình chụp nhìn ra ngoài ao sen trước đền. Hình: ThoNau

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2006, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: ThoNau

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2007, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: DawnBreeze

Lăng Mạc Cửu năm 2008, lối vào nhà Võ Ca từ cổng Tam Quan nhìn vào. Hình: BuiThiDaoNguyen

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 2008. Hình: BuiThiDaoNguyen

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 2008. Hình: LeDuyThuong

Tiền khu chánh điện bên trong lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2009. Hình: BuiThiDaoNguyen

Bút tích của nhà chí sĩ Nguyễn Thần Hiến vẫn còn ghi lại trên vách tường đền thờ nhà họ Mạc. Hình: BuiThiDaoNguyen, 2009

Lăng Mạc Cửu năm 2009, bên trong Tiền Khu Chánh Điện chụp ra phía ngoài ao sen. Hình: FamilleToan

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2010, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: TranNguyenMinhHuy

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích vào năm 2011. Hình: LaiMyThanh

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2011, lúc nầy hai bức tượng tướng quân đứng hầu hai bên tả hữu đã được thay thế bằng hai bức tượng mới. Hinh: LaiMyThanh

Cổng tam quan chánh đi vào lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2011. Hình: NguyenSauRieng

Bái Đình nền gạch vuông trước khi vào chánh điện. Hình chụp khoảng năm 2011

Cổng tam quan phía bên phải đi vào lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2012. Hình: TVM

Nhà Võ Ca trong sân đền Mạc Cửu vào năm 2012. Hình: TVM

Tiền khu chánh điện bên trong lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2012. Hình: TVM

Tiền khu chánh điện bên trong lăng Mạc Cửu chụp vào năm 2012. Hình: AaronGeddes

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2013. Hinh: LeThanhHoangDan

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích chụp vào năm 2013. Hinh: LeThanhHoangDan

Ngôi mộ Mạc Thiên Tích chụp vào năm 2014. Hinh: ThanhKieu

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2014. Hinh: ThanhKieu

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2014. Hinh: JimGoodman

Ngôi mộ Mạc Tử Hoàng chụp vào năm 2014. Hinh: DauDinhAn

Cổng Tam Quan chánh và cổng bên phải lăng Mạc Cửu vào năm 2014. Hinh: DauDinhAn

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Ngôi mộ Mạc Cửu chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Ngôi mộ Mạc Tử Hoàng chụp vào năm 2016. Hinh: ThomasTNguyen

Bên phải đền Mạc Cửu, có con đường gạch dẫn lên khu mồ mả nhà họ Mạc. Hình: Kiều Trang 2017

Cổng Tam Quan chánh vào đền Mạc Cửu vào năm 2017. Hinh: Kiều Trang

Bái Đình lăng Mạc Cửu, hình chụp từ trong Bái Đình nhìn ra phía ngoài ao sen. Hình: SoniaMaclean 2018

Sơ đồ các ngôi mộ nhà họ Mạc tọa lạc trên 4 khu vực trên toàn địa phận núi Bình San và danh sách các ngôi mộ có đánh số và ghi tên.

Tác giả bài viết (TVM) xin trân trọng cám ơn nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt và tất cả các nhiếp ảnh viên đã có hình được trích minh họa cho bài nầy.

Trân trọng cám ơn quý tác giả những hình ảnh minh họa cho bài viết.

Mời quý đọc giả xem thêm các bài viết có liên quan đến đền Mạc Cửu:

1/ Bài viết về nguồn gốc các ao sen trước ngôi đền Mạc Cửu.

2/ Bài viết về ngôi chùa Tam Bảo qua các giai đoạn thời gian.

3/ Xin mời bạn đọc xem thêm video dưới đây về buổi viếng thăm lăng Mạc Cửu của hai người bạn năm xưa Trần Văn Mãnh và Nguyễn Đình Nguyên vào tháng 11 năm 1999:

 

3 réflexions au sujet de « Lăng Ông Mạc Cửu (Hà Tiên) qua các giai đoạn thời gian (Trần Văn Mãnh) »

  1. Tại sao Chí Sĩ Nguyễn Thần Hiến (1857-1914) là người Hà Tiên & đã có góp nhiều công sức cho Đất Nước, cho Hà Tiên mà không có Quảng trường , Công viên nào đặt tên của Cụ.. TD nơi Công Viên xuất kia là Bệnh Viện Nguyễn Thần Hiến thí cũng có thể đó Ông Patrice Tran ơi.
    Mong lắm lắm…

    Aimé par 1 personne

Laisser un commentaire