Hồi ký viết trong đêm Giáng Sinh về một người bạn đã sớm bỏ cuộc chơi (Hưng Hà)

Thầy Cô và các bạn thân mến, bạn Hưng trên đất khách qua một đêm Giáng Sinh trong không khí trong lành của tình thương Thiên Chúa, đã nhớ lại một người bạn những năm khó khăn, người bạn văn nghệ của đất Hà Tiên, và cũng là người bạn thân nhất của mình,….Đó là bạn Nguyễn Ngọc Thanh, người bạn học cùng lớp với mình suốt những năm trung học và còn đến với mình trong những năm mình đi học ở Cần Thơ…Sau thời gian mình đi dạy học, Thanh vẫn còn ở quê nhà Hà Tiên và đến với bạn Hưng để tiếp tục phục vụ sự nghiệp văn nghệ đời học sinh…Sau đây là một câu chuyện mà Hưng muốn viết lại để tưởng nhớ bạn Thanh của chúng ta……(29/12/2015 TVM)

                                                                                  Sau bữa ăn tối mọi người trong gia đình quây quần bên nhau cạnh lò sưởi để mở quà cáp, trao nhau những lời yêu thương và cảm tạ, chúc nhau những điều tốt đẹp, rồi ròn rã tán gẫu hết chuyện bên Tây đến chuyện bên Tàu mãi đến nửa đêm. Tất cả dường như rất hạnh phúc, gần gũi và đơn giản. Tôi cũng tham dự tán gẫu được một lúc rồi lặng lẽ rút lui ôm theo cái laptop chui vào phòng ngũ. Đêm nay là đêm Giáng Sinh 2015.

            Sau hơn 40 năm mới nối kết lại với thầy xưa bạn cũ của trường Trung Học Hà Tiên, có thể nói là tôi thực sự rất vui. Dầu là vậy, mấy tuần nay đâu đó trong một góc khuất của trái tim tôi cảm thấy thật buồn và thật nhớ một người bạn thân đã sớm bỏ cuộc chơi từ thập niên 1980. Trong đêm Giáng Sinh này, những dòng chữ tôi gõ xuống xin dành trọn vẹn cho người bạn đã khuất nhưng không mất, ít ra là với riêng tôi.

            Vâng, người bạn mà tôi muốn nói tới chính là Nguyễn Ngọc Thanh. Thanh xóm đạo. Bạn bè gọi một cách thân thương là Thanh « đui ». Thanh sỡ hữu một vóc dáng đồ sộ, có thể nói là đồ sộ nhất trong đám bạn. Vóc dáng « không khiêm nhường ai » làm cho Thanh có bề ngoài khá « ngầu ». Nhưng thật ra thì Thanh là một con người rất hiền lành. Ngược với cái cái thân ô dề to xương, cặp kính cận dầy trong cái gọng vuông màu đen nằm trên khuôn mặt chữ nhật với mái tóc mềm làm tôn lên cái chất văn vẽ nơi anh. Lúc im lặng suy tư thì nơi Thanh toát ra một cái gì đó rất phong trần, rất nghệ sĩ, rất trí thức và rất . . . đau đáu. Lúc Thanh mở miệng thì ồn ào. Thanh có tiếng nói rổn rảng và có giọng cười to rất thoải mái. Nơi nào có Thanh thì nơi đó có minh triết « nhảy ra » và không khí nơi đó rộn rã hẳn lên. Thanh dễ tính và nhiệt tình. Cũng giống như Mãnh, Thanh biết tạo ra những cảm hứng và sự thoải mái cho bạn và với bạn. Thanh trải đời và bản lãnh hơn bất cứ đứa nào trong đám bạn. Trải đời và bản lãnh vì Thanh trải qua nhiều bất hạnh và chịu nhiều áp lực của cuộc sống từ rất sớm. Thanh tiếp nhận những biến cố xảy đến với anh một cách trầm tỉnh, luôn giữ một thái độ rất « có văn hóa », và luôn biết cách xoay trở tìm lối thoát cho mọi vấn nạn. Thanh có đầy đủ những tố chất để thành công và xứng đáng để thành công trong cuộc đời này. Nhưng không may là, như anh thường nói, Trời « bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao » (Kiều).

            Cũng giống như các nhóm bạn khác ở « Trung Học Hà Tiên xưa », một đám bạn chơi chung với nhau nhưng tuổi tác và lớp học có thể cách nhau đến 3-4 năm. Dõng, Mãnh, Phi, Cao, Hưởng, Nguyên, Trung, Bình, Hải, Dương, Thánh, Kiệt và nhiều bạn khác nữa đều là bạn thân của nhau. Thanh lớn hơn tôi nhiều tuổi và học trước tôi đến vài lớp. Thanh gần gũi với tôi vì nhiều lý do. Một trong những lý do có lẽ là vì cô bạn gái của tôi ở Vị Thanh là dì bà con của anh. Một lý do khác có lẽ vì Thanh thích cái tính khí « hành giả côn đồ » của tôi. Còn tôi thì thần tượng cái kho tàng nằm trong đầu Thanh (nào là Jean Paul Sartre, nào là Françoise Sagan, nào là Hermann Hesse . . . nhiều lắm). Thanh lại đặc biệt ưa thích những bài thơ con cóc của tôi. Trong số những bài thơ của tôi thời đó, Thanh thích nhất bài « Tên Hành Giả Côn Đồ »:

Thấy không em
Ta, tên hành giả côn đồ
Bỏ bước chân đôi lang thang giữa hai dòng sinh mệnh
Hoang hủy cuộc đời theo mỗi nhịp rung
Khoát áo bihkkhu
Rao giảng nhiệm mầu quá khứ
Những nhiệm mầu niêm kín cửa như nhiên
Thấy không em
Ta, tên hành giả côn đồ
Lồng lộng điệu cười thư động
Chông chênh lối múa ngàn ngày
Tội nghiệp, trái tim ngục tù vô gián!
Tội nghiệp, bàn tay lần dấu uyên nguyên!
. . .

Tôi hỏi Thanh vì sao lại thích nó nhất thì anh nói « nó thể hiện đúng cảm xúc, nhân cách và trí tuệ của mày. Nói về cấu trúc âm thanh thì nó khó ngữi khó ngâm. Nhưng có dấu ấn ngôn ngữ rất riêng và có phong cách rất . . . côn đồ. » Tôi nói với Thanh « phá bỏ ràng buộc của thanh điệu, ôm chặt lấy cái sự thật thể hiện lúc chấp bút » là công ơn của Thầy Trương Minh Hiển đã điểm đạo cho lúc học Văn với thầy trong năm đệ ngũ. » Tôi cũng kể cho Thanh nghe chi tiết của lần điểm đạo đó:

« Thầy Hiển bắt cả lớp phải về nhà sáng tác một bài thơ để nộp lên cho thầy. Sau một tuần lễ ráng sức nặn nọt nắn nót, chúng tôi nộp thơ của mình lên để thầy chấm điểm và phê bình. Bài thơ của tôi được thầy phê bình là ‘rất trao chuốc, rất cầu kỳ, rất vững về kỹ thuật nhưng dỡ ẹt vì chỉ toàn là sáo ngữ’. Tôi nhớ là lúc đỏ mặt mình đã đỏ phừng nhưng có lẽ vì da khá đen nên không ai thấy. Kế tiếp thầy lại lôi bài thơ của Vương Đình Lộc, bạn học chung lớp thường gọi là Lốc, ra phê bình. Bài thơ khá vụn về nhưng đọc đến câu ‘chiều nay tôi chợt hỏi lòng’ thầy Hiển vỗ đùi mình kêu đét một tiếng tỏ ra thích thú rồi phán một câu ‘đây mới là cảm xúc chân thành của nhà thơ’ chứ không phải của ‘thợ làm thơ’ như em Hưng. Đến đây thì mặt tôi không đỏ nữa mà là tái mét. Thầy biết tôi không phục. Cuối giờ học thầy giữ riêng tôi lại và giải thích ‘trong 4 đứa em, em Kiệt là đẹp trai nhất lại thông minh, em Dương có trí nhớ tốt nhất và học giỏi, em Thánh thì già dặn nhất và giỏi lý luận, còn em thì lãng mạn và lãng phí nhất. Không chăm lo học hành là lãng phí. Không khai phóng được tài năng của mình là lãng phí. Thầy chê em trước mặt cả lớp là để em nhận ra sự quan trọng của lời thầy trao tặng cho riêng em. Thầy dám chắc em là loại ngọc tốt nhưng chưa phải là ngọc đẹp. Ráng lên.’ Tôi đứng yên ngẩn tò te một hồi lâu. Thầy nhìn tôi chầm chập. Chẳng nghe tôi nói gì, thầy đứng lên bước về phía cửa. Đến ngưỡng cửa thầy còn quay lại cười cười và phán thêm một câu ‘thầy còn biết là cả 4 em đều thích một thứ ngọc khác nhưng đừng có lộn xộn mà chết với thầy nghen.’ Tôi đứng ngẩn ngơ chả biết thầy muốn nói gì lúc đó. »

Thanh hỏi « Thầy Hiển nói ngọc khác là ngọc gì? » « Là Ngọc D. chớ ngọc gì, » tôi trả lời. Thanh cười sảng khoái và « nể thầy Hiển dễ sợ » khi nghe tôi thuật lại chuyện này.  

            Những năm về sau, trước khi vượt biển, Thanh và tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Không chỉ gặp nhau ở Hà Tiên mà còn ở Kiên Giang, Cần Thơ, Sài Gòn. Gặp nhau chỉ để tán gẫu về văn thơ và thời cuộc. Có một ngày khi biết được ý định đi xa của tôi Thanh đã hỏi, « mầy nhất định một đi không trở lại? » Tôi đáp, « ừ, sẽ đi, nhưng nhất định phải trở lại. Và trở lại thăm quê hương thầy cô, bạn bè ». Thanh hỏi tiếp, « Mầy không thấy tội cho cho dì Nh.Ng. của tao hay sao? » Lúc đó, tôi còn nhớ là mình chỉ im lặng cười buồn. Có một cái gì đó quặn đau đến đứt ruột. « Thôi thì thôi thế, đoạn trường thế thôi, » tôi nghĩ thầm (thơ Phạm Thiên Thư). Vài ngày sau tôi đưa cho Thanh một bài thơ ngắn của tôi nhờ trao lại cho dì Nh.Ng. của Thanh, coi như là lời giã từ với nàng, và cũng là với Thanh.                 

« Giữa ngày hái giọt sương trong
Gởi trên mắt, hỏi có không hoa trời?
Hốt đầy bụi nửa cuộc chơi
Đùm trong áo mỏng nhắn lời tử sinh
Ta về với cõi vô thinh
Người giam thân giữa trần tình ghét thương
Thôi thì mỗi đứa một đường
Huyễn nào cũng ảo đoạn trường thì sao! »

Thanh hiểu ý thơ và ý tôi. Tôi đoán là Thanh cũng nhận ra nội hàm của bài thơ ẩn chứa tinh túy của kinh Kim Cang « Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán. » Và có lẽ Thanh đã nghĩ tôi bị « tẩu hỏa nhập ma » mất rồi.

            Sau đó thì tôi ra đi. Thật xa. Tận đất Hoa Kỳ. Mỗi ngày phải cắm cúi vật lộn với cuộc sống mới nơi đất khách. Tôi cố « nhốt » tất cả ký ức vào ngăn kéo. Tôi không nghe nhạc, không làm thơ, không viết văn, cũng không đọc luôn cả thơ văn. Không để trống thời gian. Không cho phép mình nghĩ ngơi. Mỗi khóa học lấy tối thiểu là 21 giờ tín chỉ. Lại còn làm lao công từ 6 đến 8 tiếng một ngày để kiếm sống. Tôi chỉ biết một điều duy nhất là mình có một lời thề phải thực hiện. Trong tiến trình đó tôi trở thành một con người khác, rất khác so với con người mà thầy bạn cũ thường biết. Ít ra tôi nghĩ hay ngỡ là như vậy.  

            Rồi đột nhiên có một ngày, lúc đó tôi đã sắp hoàn tất chương trình đại học tại Florida, tôi nhận được một lá thơ của Thanh. Lần đầu tiên nơi đất khách tôi nhận được một lá thơ từ bạn cũ. Tôi nhớ là mình đã nhìn lá thơ thật lâu trước khi xé ra để đọc. Bàn tay tôi lúc đó dường như hơi run và lạnh dầu là giữa mùa hè. Tôi cũng nhớ là những cố gắng kềm chế của mình đã đổ ập một cách thảm hại ngay trước mặt của bao nhiêu người chung quanh. Chao ôi! Tôi đã không đủ mạnh để nhốt lại cảm xúc của mình. Ừ, thì tôi đã khóc. Khóc như đứa con nít.

            Trong thơ Thanh cho hay là anh và vợ con anh đang ở trong một trại tại Thái Lan. Lá thơ khá dài. Thanh nói đủ thứ chuyện. Dĩ nhiên là có cả chuyện dì Nh. Ng. của Thanh. Nhưng điều hứng thú nhất với Thanh là chuyện anh đã « gây sóng gió » (nguyên văn của Thanh) trong trại. Thanh đã viết, « mày còn nhớ liên khúc nhạc cảnh này không Hưng?

« Hãy cho tôi nói một lần, cho tôi nói một lần, một lần rồi thôi. Giết tôi đi rồi quên hết hận thù. Giết tôi đi rồi xóa hết ngục tù. Đừng đày đọa thân nhau. Hỡi những người thân tôi ơi, xin đừng khóc, xin đừng tiếc, xin đừng thiết tha chi. Tôi nằm xuống, nằm xuống đây, không tội gì, không tội gì với quê hương tôi.

            Anh thấy không, giờ đây em trở thành là quả phụ. Xin cài lên đây vành khăn tang vừa ướt máu tim anh. Anh ra đi khi tình yêu tràn nồng ấm. Anh ra đi nhưng lời anh còn mãi đó, còn mãi đó. Thân xác anh giờ đây đã trả về cát bụi. Anh yêu ơi, những lời anh là lửa cháy, là lửa cháy. . . »

Liên khúc nhạc cảnh này thì tôi biết rất rõ. Vì tôi là người đã sáng tác ra nó và phối cảnh cho đoàn văn nghệ của Hà Tiên trình diễn tại Kiên Lương năm xưa. Nhưng tôi đã quên mất nó từ rất lâu. Nếu Thanh không viết lại trong lá thơ thì có lẽ ngày hôm nay nó đã không còn lưu dấu.

            Lúc đó Hà Tiên có hai nhóm văn nghệ. Một nhóm do Lý Mạnh Thường hướng dẫn, tôi thường nói đùa là nhóm văn nghệ quí tộc, và một nhóm do anh Trí (con của ngài Yết Ma trên đường ra Thạch Động) và anh Thành (biệt kích) hướng dẫn, tôi gọi là nhóm văn nghệ bình dân. Tôi, Thanh, Nguyên (Duyên Đình) nằm trong nhóm văn nghệ bình dân này.

            Tôi và Nguyên đã từng cùng nhau soạn một vở kịch thơ vào một ngày cúng giỗ tại nhà Nguyên, vở Gọi Lửa. Nó được gợi ý trong lúc cả đám đang « say xỉn » và nhờ tiên rượu nhập thần mà tập thơ đã hình thành ngay trong ngày hôm đó. Riêng liên khúc nhạc cảnh « Người Tử Tù » là do tôi viết.

            Nhóm văn nghệ bình dân đã lấy cả hai tác phẩm cho vào chương trình lưu diễn tại Kiên Lương và Kiên Giang. Vở kịch thơ thì mượn câu chuyện tráng sĩ Kinh Kha sang Tần. Anh An (em anh Trí) là người chịu trách nhiệm đệm sáo trúc cho vở kịch thơ này. Còn liên khúc thì mượn cảnh pháp trường xử tội chàng Kinh Kha. Tôi nhận vai người chồng bị xử tội còn Hường (người em xứ Huế bán nón lá tại chợ Hà Tiên) nhận vai người vợ của tử tù. Chúng tôi tập dợt ráo riết tại nhà của anh Trí. Thanh có mặt thường xuyên ở những buổi diễn tập đó đến độ đã thuộc lòng lời của liên khúc không sót một chữ.

            Đoàn văn nghệ bình dân của Hà Tiên (không còn nhớ tên) trên dưới có khoảng 60 đứa khăn gói kéo nhau đi Kiên Lương lưu diễn. Đến Kiên Lương thì anh Trí và anh Thành liền xin phép trình diễn tại đó, dự tính là xong ở Kiên Lương thì kéo tới Kiên Giang. Nhưng cuối cùng có vài khó khăn. Sau khi họp bàn cùng anh em trong đoàn, chúng tôi quyết định sẽ trình diễn với các màn diển đơn giản hơn. Theo dự định, chúng tôi đã mướn lại một rạp hát cải lương đang lưu diễn tại Kiên Lương lúc đó và đã vén màn cho khán giả vào xem văn nghệ không tốn tiền.

            Đêm trình diễn là một đêm thật dài với chúng tôi. Khán giả kéo đến coi đông nghẹt. Lúc diễn vở kịch thơ nữa chừng thì An đã vô ý để cho người ta ăn cắp mất cây sáo ăn ý. Vừa diễn xong liên khúc thì có vài trở ngại. Nhờ có đông khán giả chen chút nên chúng tôi có đủ thời giờ thu xếp và ngưng hát, cả nhóm rút lui cả. Riêng tôi thì được một đứa em (không nhớ tên) đang có mặt tại sân khấu đêm diễn và từng là đoàn viên Thanh Niên Hồng Thập Tự Hà Tiên mà tôi là một trong những cựu huynh trưởng) hướng dẫn ra về. Và kể từ đêm ấy tôi không có dịp để quay lại Hà Tiên nữa. Còn Thanh thì không có mặt trong đêm trình diễn.

            Đó là tất cả những gì xoay quanh liên khúc nhạc cảnh mà Thanh nói đến trong lá thơ. Trong thơ Thanh cũng hứa là sẽ nói cho tôi nghe nhiều chuyện về dì Nh.Ng. của Thanh và chuyện của các bạn học cũ của xứ Hà.

            Bẳng đi một thời gian, khoảng chừng nửa năm sau, thì tôi nhận được một lá thơ khác gởi từ trại Thái Lan. Không phải là do Thanh viết. Vợ của Thanh báo cho tôi biết là Thanh đã qua đời. Thanh bị một tên vô loại nào đó ám hại chết trong trại trong lúc làm phận sự của một người chịu trách nhiệm đứng phân phát nước cho cư dân trong trại. Sau đó tôi cũng mất luôn liên lạc với vợ Thanh.

            Tôi không thể tưởng tượng được đoạn cuối của cuộc đời Thanh lại chấm dứt đầy máu me như vậy. Nhưng nó đã xảy ra. Có lần Thanh đã nói với tôi « thằng Mãnh nó chơi nhạc đến độ xuất thần. Có lần nó đang chơi nửa chừng thì dây đàn bị đứt. Nó vẫn tiếp tục chơi cho đến nốt cuối cùng của bản nhạc, chơi đến độ nhỏ máu trên những dây đàn còn lại. Tao ước gì một ngày nào đó cuộc đời tao sẽ chấm dứt như sợi dây đàn của thằng Mãnh. » Tôi chẳng được cái may mắn chứng kiến buổi chơi nhạc nào đó của Mãnh mà Thanh nói tới. Chẳng hiểu Thanh nói theo nghĩa bóng vì hâm mộ Mãnh hay theo nghĩa đen vì sự việc đã từng như thế. Nhưng lời ước của Thanh thì đã trở thành sự thật. Sinh mệnh của Nguyễn Ngọc Thanh đã chấm dứt đột ngột như một dây đàn đứt ngang trong lúc đang chơi. Ướt máu.

           Hình trái: Nguyễn Ngọc Thanh, hình phải: Hà Quốc Hưng (học sinh trường Trung Học Hà Tiên trong những năm 60-70             

Trong đêm Noel này có một giọt còn sót lại đã rớt xuống trong tâm thức và làm quặn đau trái tim. Một con người luôn hiếu hòa mà lại bị tước đoạt sinh mệnh. Thế mới đau. Nhưng mà thôi, trước hay sau gì thì mọi người cũng sẽ phải từ bỏ cuộc chơi thôi. Vậy thì, hãy tìm lấy bình yên nơi trú xứ vĩnh hằng đi Thanh ạ. Hy vọng là Thanh có thể lần theo tiếng hát của thiên thần để tìm đến với Chúa của bạn và nắm lấy bàn tay quyền năng của ngài. Cũng đừng quên cầu xin ngài ban bố « bình an dưới thế cho người thiện tâm » và cho tất cả cả bạn bè còn phải tiếp tục chơi tới nốt cuối của bản nhạc đời. Hallelujah!             

(tác giả bài viết: Hưng Hà)

NguyenNgocThanh_TranVanManh Nguyễn Ngọc Thanh (chấm đỏ), Trần Văn Mãnh (chấm xanh)

TVM_THHT_3

 

 Hình chụp tại sân trường Trung Học Hà Tiên khoảng 1968, với tờ bích báo của lớp mang tên « Đất Mẹ » vẻ theo kiểu chử Hán. Trái sang phải: Trần văn Mãnh, Lý Văn Tịnh, Trương Thái Minh, Nguyễn Thành Tài, Lý Văn Tấn, Trần Văn Yến, Nguyễn Ngọc Thanh (và thủ bút của Thanh)

TVM_THHT_2

Chữ viết sau hình của Nguyễn Ngọc Thanh….
                 

TranVanDong_AnTiec (1)Bìa trái: Trần văn Dõng, Nguyễn Ngọc Thanh. (bìa phải: Trần văn Mãnh)

Hình ảnh: Trần Văn Mãnh, Trần Văn Dõng  

Bài đã đăng vào ngày 29/12/2015

3 réflexions au sujet de « Hồi ký viết trong đêm Giáng Sinh về một người bạn đã sớm bỏ cuộc chơi (Hưng Hà) »

  1. Trong bài viết của tôi trước đây, tôi có nói là ngưỡng mộ Hà Quốc Hưng vì khả năng văn nghệ trong những năm còn học tại trường trung học Hà Tiên, nhưng lúc đó tôi chỉ biết cái vẻ bên ngoài. Sau năm 1975, Hưng hoạt động trong hội Chữ Thập Đỏ của huyện. Cái dáng Hưng rất nghệ sĩ, nhưng đọc bài viết này, tôi không ngờ Hưng có những dòng thơ như thế, một phong cách thơ ảnh hưởng dòng hiện sinh mà những người làm thơ trước năm 1975 thường có. Có thể Hưng không nhớ tôi, nhưng tôi thì không quên Hưng, kể cà chuyện « Vòng tay học trò » mà Trang Việt Thánh kể lại với tôi.
    Đọc những dòng này của Hưng, tôi lại có cảm nhận Hưng vẫn là một đứa con của đất Hà Tiên khá tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ vẫn còn mãi theo Hưng với thời gian.
    Trương Thanh Hùng.

    Aimé par 1 personne

Laisser un commentaire