Thi hào Camoëns, tập sử thi và cuộc đắm tàu gần vùng biển Hà Tiên

Thi hào Camoëns, tập sử thi và cuộc đắm tàu gần vùng biển Hà Tiên

Thầy cô và các bạn thân mến, thật là một sự tình cờ và cũng là một thiếu sót lớn lao nếu mình không có một dịp tìm kiếm, khảo sát các quyển niên giám tổng quát của Đông Dương trên thư viện số của thư viện quốc gia Pháp (BnF: Bibliothèque nationale de France) trong những năm 1900 đến 1925. Thật vậy, khi đọc quyển niên giám về năm 1909, qua phần nói về tỉnh Hà Tiên, đến tỉnh Mỹ Tho, mình phát hiện ra một thông tin khá thú vị và bất ngờ. Trong thông tin nầy có nói đến một người nước Bồ Đào Nha (Portugal) tên là Camoëns  vào khoảng giữa thế kỷ thứ 16, bị đắm tàu khi con tàu chở ông đi qua vùng vịnh gần Hà Tiên và được cư dân vùng nầy tiếp cứu, sau đó đưa ông đến Mỹ Tho. Chúng ta cũng biết rằng vào thế kỷ thứ 16, Mạc Cửu chưa đến vùng Hà Tiên và nơi nầy hoàn toàn chưa có chủ quyền nhất định mặc dù về phương diện địa lý, vùng nầy thuộc Vương Quốc Chân Lạp. Về mặt xã hội, vùng nầy chỉ có một số cư dân nhiều gốc gác đến sinh sống, nhất là người Việt, người Khmer và người Trung Hoa…v…v…Vậy Camoëns là ai, tại sao ông lại đi qua vùng biển nầy và chi tiết ông được cư dân cứu sống như thế nào, mời thầy cô và các bạn đọc qua bài viết dưới đây, bài được viết sau nhiều thời gian tham khảo các tài liệu xưa của các tác giả viết về ông Camoëns và tác phẩm của ông mặc dù còn rất nhiều điểm chưa được biết rỏ về cuộc đời của ông.

A/ Sơ lược về tiểu sử ông Camoëns:

Luis Vaz de Camões, người Pháp gọi là «Le Camoëns» được coi như là một nhà thơ vĩ đại nhất của Bồ Đào Nha (Portugal), và là đối tượng của một sự sùng bái thực sự của người dân Bồ Đào Nha nói chung, và những người trong lãnh vực thơ văn nói riêng. Tài năng về thi ca của ông có thể sánh bằng Molière (nước Pháp), Dante (nước Ý) hay Shakespeare (nước Anh). Vì thế người ta xem ông như một trong những đại thi hào của thế giới.

H1: Chân dung bằng hình vẽ của thi hào Camoëns

Cuộc đời của thi hào Camoëns không được biết một cách chính xác vì có nhiều điểm pha trộn giữa thực tế lịch sử và huyền thoại. Ngay cả năm và nơi sinh của ông cũng chưa được ghi rỏ, nhiều nguồn ghi ông sinh năm 1524 (hay 1525) tại Lisbonne,  thủ đô nước Bồ Đào Nha (giả thuyết nầy được tin cậy nhất trong ba thành phố được ghi lại là nơi sinh của ông : Lisbonne, Coïmbre, Santarem)  trong một gia đình quý tộc nhưng nghèo. Sách còn ghi là mẹ của ông có bà con với nhà hàng hải nổi tiếng Vasco de Gama (người Bồ Đào Nha).

Lúc nhỏ ông có được một nền giáo dục tốt, học chuyên về ngôn ngữ và văn học : La Tinh, Hy Lạp, La Mã, Tây Ban Nha…Lớn lên ông về Lisbonne, thôi học vì có nhiều chuyện tình lôi thôi. Sau đó, ông vào đội quân đi tham chiến ở nước Maroc và bị thương hư một mắt. Trở về Lisbonne, ông sống một cuộc sống du mục. Trong một cuộc đọ sức ông gây ra thương tích cho một người quý tộc nên bị vào tù. Một năm sau ông được thả ra và tình nguyện vào hạm đội đi vùng Đông phương (nước Ấn Độ). Tại Ấn Độ, ông lưu trú ở thành phố Goa, một thành phố thuộc bờ biển phía tây của Ấn Độ, sống với một số tiền rất nhỏ. Đến năm 1559, vì ông viết một số bài thơ chế nhạo các viên chức Bồ Đào Nha trong phần thuộc địa nầy nên bị lưu đày đi đảo Moluques (thuộc Nam Dương), một thời gian sau ông được cử đi làm việc ở Macao (Trung Hoa). Từ đây ông bắt đầu viết tiếp theo phần lớn tập thơ Les Lusiades (Os Lusiadas) mà về sau nầy đã trở thành kiệt tác của ông và của cả nước Bồ Đào Nha.

Một thời gian sau (khoảng năm 1560) ông có được đủ tiền và được phép trở về thành phố Goa ở Ấn Độ. Chính trong chuyến vượt biển đầy gian nguy nầy trên đường về, lúc đi gần vịnh Xiêm và ngoài khơi vùng đất tuy thời đó thuộc đế chế Chân Lạp nhưng bị bỏ hoang (đó là vùng đất sau nầy hơn 150 năm trở thành vùng đất mang tên là Hà Tiên do ông Mạc Cửu gầy dựng nên), đến cửa biển của vùng đất nầy, thuyền của ông Camoëns bị một cơn bão lớn và bị chìm…Nhiều người đồng hành bị chết  và vật chất của cải trên tàu bị trôi mất cả, ngay cả ông Camoëns cũng suýt bị chết trong chuyến nầy, nhiều nguồn sách pha trộn với huyền thoại ghi lại là ông không cứu được người vợ người Trung Hoa của ông cùng đi theo ông, ông chỉ cứu được tác phẩm to lớn của ông là tập thơ Les Lusiades (Os Lusíadas) bằng cách một tay cầm bản thảo tập thơ giơ lên cao khỏi mặt biển và tay kia bơi vào bờ…Theo quyển niên giám tổng quát Đông Dương (năm 1909) phần viết về tỉnh Mỹ Tho, người Pháp có ghi lại là ông Camoëns bị đắm tàu ở gần Hà Tiên, được người ta cứu sống và đưa ông về tỉnh Mỹ Tho nơi mà sau nầy có một thương điếm do người Bồ Đào Nha dựng lên.

Sau cơn tai nạn đắm tàu biển đó, năm 1561 ông được trở về thành phố Goa ở Ấn Độ, nhưng lại bị kết tội về lạm dụng tiền bạc lúc ông làm việc ở Macao, ông bị vào tù và được thả ra vài năm sau. Khoảng năm 1564 ông được cho về Lisbonne, nước Bồ Đào Nha, trên đường về ông ghé lại đảo Mozambique ở bờ biển phía đông của Phi Châu và vốn là một thuộc địa của Bồ Đào Nha. Tại đây ông sống một thời gian trong tình trạng nghèo nàn không có tiền bạc. Một vài tác phẩm do ông viết lúc ở đảo nầy bị đánh cắp mất và không còn tìm lại được sau nầy. Đến năm 1570 ông mới được về đến Lisbonne do có người bảo trợ chu cấp tiền cho ông đi tiếp cuộc hải trình từ đảo Mozambique về đến Lisbonne.

Vào năm 1572, ông cho công bố tập thơ kiệt tác Les Lusiades (Os Lusiadas). Tác phẩm được giới thi văn học đón nhận niềm nở và được sự ngưởng mộ của vua Sébastien Bồ Đào Nha, từ đó ông được một số tiền trợ cấp nhỏ do vua cung cấp để sống. Tuy nhiên vua Sébastien lại chết trận sau đó, ông Camoens mất đi người bảo trợ, ông lại trở thành nghèo khổ mặc dù tác phẩm của ông lại rất thành công…

Luis de Camões, chán ghét những tệ nạn của triều đình, tuyệt vọng trước những bất hạnh của đất nước mình đã rơi vào tay của vua Philippe II của Tây Ban Nha (Espagne), đã trải qua những tháng cuối đời trong sự thờ ơ và thiếu thốn. Ông qua đời ở Lisbonne vào ngày 10 tháng 6 năm 1580, ở tuổi 55.

B/ Kiệt tác : Tập sử thi Os Lusiadas :

Les Lusiades (Os Lusiadas trong bản gốc tiếng Bồ Đào Nha) là một thiên sử thi của Luis de Camões, có lẽ hoàn thành vài năm trước khi được xuất bản vào năm 1572, ba năm sau khi ông từ Ấn Độ trở về. Giống như các kiệt tác Iliade hay Odyssée của Hy Lạp cổ đại hay Énéide của Rome, Les Lusiades là một tác phẩm nhằm kể lại, tôn vinh sự ra đời và vận mệnh của quốc gia đế chế Bồ Đào Nha. Tập thơ gồm gần 9000 câu thơ, chia làm 10 đoạn (Chants, Cantos), mỗi đoạn gồm trung bình 110 khổ thơ (Strophes), mỗi khổ thơ chứa 8 câu thơ.

Tập thơ được coi là tác phẩm quan trọng nhất của di sản thi văn học Bồ Đào Nha, cả về phẩm chất lẫn về lòng yêu nước mà tác phẩm truyền bá. Chủ đề trọng tâm của tác phẩm là ca tụng sự khám phá con đường biển đến Ấn Độ của Vasco de Gama. Xung quanh chủ đề này, chúng ta khám phá các giai đoạn khác trong lịch sử của Bồ Đào Nha từ thuở sơ khai đến thời Luis de Camões. Trong đó, ông tôn vinh người dân Bồ Đào Nha, thường xuyên nhắc đến thần thoại và các thời kỳ cổ điển. Thuật ngữ Lusiades cũng chỉ người Bồ Đào Nha, hậu duệ của người Lusitaniens.

Kiệt tác nầy là hoàn toàn dành riêng cho người Bồ Đào Nha, những anh hùng thực sự của bài thơ, ca ngợi chiến công và vinh quang của họ vào thời điểm có những khám phá hàng hải vĩ đại. Chính tiêu đề của tác phẩm đề cập đến Lusus, tổ tiên của người Bồ Đào Nha, định cư từ thời cổ đại ở phía tây bán đảo Ibérie, giữa con sông Tage và sông Douro. Do đó, đối với Lusiadas, Camoëns bày tỏ lòng kính trọng trong tác phẩm của mình, đối với « những đứa con của Lusus », những nhà hàng hải dũng cảm đã làm rạng danh tên tuổi trên tất cả các đại dương trên thế giới.

Thi hào Camoëns rất bị ám ảnh về chuyện ông bị đắm tàu ở vùng biển Đông Nam Á gần Hà Tiên đến mức độ ông đã kể lại sự kiện nầy ngay trong kiệt tác Les Lusiades của ông ở đoạn thơ cuối tác phẩm (đoạn thứ 10, khổ thơ 127 và 128). Bản dịch từ thơ gốc tiếng Bồ Đào Nha ra tiếng Pháp đoạn thơ nầy như sau :

Tu vois, par le Cambodge, le fleuve Mékong,
(…)
Celui-là recevra, placide et large,
Dans ses bras les Chants humides
Du triste et misérable naufrage,
Échappés des bas fonds tourmentés,
De la faim, des grands périls, quand
L’injuste commandement sera exécuté,
Sur celui dont la lyre sonore
Sera plus fameuse que fortunée.

Tạm dịch ra tiếng Việt :
Bạn thấy đấy, bên nước Cambodge, sông Cửu Long
Con sông nhẹ nhàng và rộng rải sẽ nhận
Trong những nhánh của sông, các đoạn thơ ướt át
Của một cuộc đắm tàu buồn bả và đau khổ
Những đoạn thơ thoát khỏi vùng cạn bão tố
Từ sự đói khát và nguy cơ
Khi mệnh lệnh bất công sẽ được thực hiện
Trên mệnh lệnh có tiếng đàn lia vang lên
Và sẽ nổi tiếng hơn may mắn…

Kiệt tác Les Lusiades nầy đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, đặc biệt là cũng được trích dịch ra tiếng Việt. Bản dịch thông dụng nhất từ dạng thơ gốc tiếng Bồ Đào Nha sang dạng văn xuôi tiếng Pháp vào năm 1825 là do Jean-Baptiste Millié (1772 – 1826).

Ngoài sử thi thành công nhất của thời kỳ Phục Hưng, Les Lusiades, thi hào Camoëns cũng là tác giả của nhiều bản kịch, tác phẩm triết học, những bài thơ trữ tình đặc biệt với chủ đề chính là tình yêu, đôi khi nhẹ nhàng và thông thường, đôi khi đau đớn và hoài cổ, đôi khi bị thương, nguồn gốc của sự cay đắng và cuộc nổi dậy. Những bài thơ đó là một trong những câu nói hay nhất trong tiếng Bồ Đào Nha.

H2: Trang bìa của tập thơ kiệt tác Les Lusiades (Os Lusiadas) của Camoëns, xuất bản năm 1572

C/ Các sự kiện gây tưởng nhớ thi hào Camoens :

C1-/ Ở thành phố Macao thuộc địa của Bồ Đào Nha thời xưa, có một khu vườn được mang tên Vườn Camoëns chung quanh một cái hang mang tên là Hang Camoëns, khu vườn được dựng lên năm 1835 để ghi nhớ sự việc khi ông còn ở Macao, đã trú ẩn trong hang đó để sáng tác tập thơ Les Lusiades. Ngày nay là một địa điểm du lịch.

C2-/ Một tượng đài hình ảnh ông được dựng lên ngay tại thủ đô Lisbonne vào năm 1856.

C3-/ Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của thi hào Camoëns (từ năm 1580 đến năm 1880), nước Bồ Đào Nha lấy ngày 10 tháng 6 làm ngày « Ngày Bồ Đào Nha », ngày nầy được xem như là một ngày lễ lớn của nước Bồ Đào Nha và đặc biệt là của thủ đô Lisbonne. Sau nhiều lần đổi tên, ngày nay « Ngày Bồ Đào Nha » vẫn còn là ngày lễ của quốc gia và được toàn thể người Bồ Đào Nha trong nước lẫn những người Bồ Đào Nha ở khắp thế giới làm lễ trong ngày 10 tháng 6 nầy.

C4-/ Năm 1979, các nhà Thiên Văn Học đã khám phá một tiểu hành tinh (Astéroïde) mới trong vành đai các tiểu hành tinh chính của hệ mặt trời, vành đai nầy nằm ở giữa quỹ đạo của Sao Hỏa (Mars) và Sao Mộc (Jupiter) và đã đặt tên cho tiểu hành tinh nầy là Camoes.

C5-/ Ngoài ra còn có một tượng đài để tưởng nhớ ông ở Paris, được dựng lên vào năm 1987 và do Clara Menerès điêu khắc, ở đại lộ Camoëns tại quận 16 Paris ngay góc đại lộ Delessert (thực ra từ năm 1912 đã có một bức tượng bán thân của Camoëns do Hiệp hội nghiên cứu Bồ Đào Nha đặt tại đây, tuy nhiên vì có tranh chấp với công đoàn các chủ nhà hai bên đại lộ mang tên ông ở đây, bức tượng bị tháo gở đi, đến năm 1987 một tượng đài mới được dựng lên như đã nói ở trên).

C6-/ Một bức tượng của ông đặt trên đảo Mozambique, nơi không xa ngôi nhà mà ông đã sống trong thời gian ở trên đảo.

C7-/ Trên sao Thủy (Mercure) có một miệng núi lửa được đặt tên là Camoes.

C8-/ Một giải thưởng lớn về văn học được đặt tên là Giải thưởng Camoes được thành lập năm 1988 giữa hai nước Bồ Đào Nha và Ba Tây (Brésil). Sau đó năm 1989 giải thưởng nầy được dành cho tất cả các nước nói tiếng Bồ Đào Nha.

H3: Tượng đài hiện nay để tưởng nhớ Camoëns đặt tại quận 16, gần tháp Eiffel, thủ đô Paris. Hình: TVM

D/ Tính chất thực hư của sự kiện thi hào Camoëns bị đắm tàu gần vùng biển Hà Tiên :

D1-/ Nhắc lại sự kiện :

Theo nhiều nguồn tài liệu (kể cả các huyền thoại) phần tiểu sử của ông Camoëns có nói đến giai đoạn ông bị đắm tàu khi đi tàu từ Macao (Trung Hoa) trở về thành phố Goa ở Ấn Độ. Địa điểm chính xác của nơi đắm tàu không được ghi lại rỏ ràng và tùy theo các nguồn, ngay cả thời gian xảy ra sự kiện nầy cũng rất khác nhau.

Về địa điểm người ta ghi là ở ngay tại cửa sông Cửu Long (tên mà người Bồ Đào Nha ghi trên bản đồ hàng hải thời đó là Mecom, người Pháp ghi là Mecon). Nguồn khác ghi là ông bị đắm tàu ở tại vịnh Xiêm (Siam: tên xưa của Thái Lan) hay vịnh Cambodge, một nguồn khác thì ghi là ở gần Hà Tiên (hiểu là ở ngoài cửa biển thuộc vùng đất Hà Tiên vì vào thế kỷ 16 vùng nầy chưa có tên chánh thức là Hà Tiên và thuộc vùng đất hoang của đế chế Chân Lạp). Lại có cả nguồn ghi ông bị đắm tàu ở Cap Saint Jacques (tên xưa của Vũng Tàu).

Về thời gian xảy ra việc đắm tàu, tổng hợp nhiều nguồn, ta chỉ có thể xác định trong khoảng từ năm 1556 đến năm 1560 (giữa thế kỷ thứ 16) mà thôi.

D2-/ Tình hình chánh trị và địa lý vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 16 :

Tìm hiểu thêm về tình hình địa lý và chánh trị của Việt Nam nói riêng và của vùng Đông Nam Á nói chung trong thời kỳ nầy sẽ giúp cho việc xác định tính thực hư của sự kiện ông Camoens đắm tàu trong vùng biển gần Hà Tiên.

Một cách sơ lược, từ thế kỷ thứ 16, nước Việt Nam mang tên là Đại Việt, nhà Hậu Lê suy yếu, không còn khả năng quản lý đất nước. Các thế lực phong kiến nổi lên tranh giành quyền lực, nhà nước rơi vào tình trạng bị chia cắt. Phía Bắc, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nhà Mạc với một lãnh thổ nhỏ. Trong phần nước Đại Việt về phía Nam, công thần Nguyễn Kim giúp khôi phục nhà Hậu Lê và gây chiến tranh với họ Mạc, thời kỳ nầy gọi là thời nội chiến Lê-Mạc hay thời Nam Bắc triều, kéo dài gần 60 năm. Quyền lực nhà Lê đều nằm trong tay Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim). Con của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng lánh nạn về phía Nam và từ đó hai họ Trịnh Nguyễn cai trị đất nước với danh nghĩa nhà Lê và sẽ là nguồn gốc của một cuộc nội chiến thứ hai vào đầu thế kỷ thứ 17, kéo dài cũng gần 150 năm.

Về địa lý, nước Đại Việt vào thế kỷ thứ 16 gồm gần như toàn bộ miền Bắc, kéo dài cả từ miền Trung về phía Nam cho tới Qui Nhơn, chấm dứt ở Phú Yên. Phần lãnh thổ tiếp theo về phía Nam : Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn thuộc Vương Quốc Chiêm Thành. Ngoài ra tất cả lãnh thổ còn lại về phía Nam cho đến vịnh Thái Lan đều là của Vương Quốc Chân Lạp tuy vào thời kỳ nầy đã bắt đầu suy yếu vì các cuộc xâm chiếm liên tục của Xiêm La (Siam). Còn riêng vùng mà sau nầy trở thành vùng gọi là Lục Tỉnh miền Tây thì còn rất hoang sơ, có rất ít người ở, các dân tộc Việt, Khmer, Hoa sống chung với nhau thành từng cụm dân cư, không có cơ quan hành chánh đặc biệt, không có quan cai trị…

Về tình hình sinh hoạt đường hàng hải thì vào thế kỷ thứ 15 và 16 nầy, chính người Bồ Đào Nha đã chinh phục và gìn giữ trong vòng một thế kỷ sự độc quyền có mặt của người Âu Châu tại vùng đất Á Châu nầy về mặt thương mại và truyền giáo. Sau đó xuất hiện người Hòa Lan và người Anh vào cạnh tranh, trong khi đó người Pháp hoàn toàn vắng mặt.

Người Bồ Đào Nha đi tàu đến vùng Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ 15 (khoảng năm 1498), lập thuộc địa Bồ Đào Nha tại Ấn Độ ở các thành phố Cochin (1503) và Goa (1510), đó là hai thành phố được xem như thủ đô của đế chế thuộc địa Bồ Đào Nha tại Đông phương. Từ đó người Bồ Đào Nha phát triển các cuộc tiếp xúc và chiếm thuộc địa làm cảng thương mại : năm 1511, chiếm Malacca (thuộc Mã Lai), đến Ayutthaya thuộc nước Xiêm năm 1511. Xây một thành ở Colombo (thuộc nước Tích Lan) năm 1518.

Năm 1524, người Bồ Đào Nha tiếp xúc với nước ta lúc đó tên là Đại Việt tại Hội An, sự kiện nầy được ghi dấu bằng một cột đá (padrão) dựng ở hòn đảo Cù Lao Chàm, đối diện với cảng Hội An.

Năm 1550, giáo sĩ người Bồ Đào Nha tên là Gaspar de Santa Cruz thuộc giáo hội Malacca đã đáp tàu đến vùng Cancao (hơn 150 năm sau, vùng đất nầy chính là vùng Hà Tiên của Mạc Cửu), lúc đó còn thuộc đế chế Chân Lạp. Tuy nhiên giáo sĩ nầy không dừng lại để truyền đạo mà đi đến một hải cảng thuộc Bà Rịa để đáp tàu đi Quảng Châu (Trung Hoa).

Người Bồ Đào Nha đến Nagasaki (Nhật Bản) năm 1555. Thành lập kho thương mại ở Macao (Trung Hoa) năm 1557.

Trong các cuộc chinh phục các thành phố cảng trên các bờ biển thuộc vùng Đông phương nầy, các thương thuyền của ngườ Bồ Đào Nha chỉ chạy cặp theo các bờ biển và từ Cochin, Goa, họ đi tàu vượt eo biển Malacca, đi ngược lên vùng vịnh Xiêm La, chạy thẳng lên đến Macao rồi từ đó lên đến Nagasaki. Trong các chuyến đi như thế, họ chỉ ghé lại các nước ven biển như Cambodge và Việt Nam (Đại Việt) như để khám phá và tiếp xúc nhưng chưa có mục đích thiết lập thương điếm buôn bán vì họ nhận thấy điều kiện chưa thuận lợi do sự thờ ơ của người Khmer và các vua quan Việt Nam. Tuy thế chính người Bồ Đào Nha đã đi tàu và khám phá ra con sông Cửu Long (năm 1540) mà thời đó họ đặt tên là Mecom và một bản đồ thiết lập năm 1563 đã có nêu tên con sông nầy lần đầu tiên. Năm 1570, người Bồ Đào Nha khám phá ra lần đầu tiên các đền đài AngKor Vat ở nước Cambodge.

H4: Bản đồ hàng hải chỉ những nơi người Bồ Đào Nha đi tới trong thế kỷ 15 và 16

D3-/ Các chi tiết trong tập thơ Les Lusiades kể lại việc đắm tàu :

Trong đoạn 10 (Chant 10) của tập thơ Os Lusiadas (Les Lusiades), trong các khổ thơ (Strophes) số 125 đến 129, có nhiều từ ngữ (viết bằng tiếng Bồ Đào Nha) liên quan đến địa lý vùng Đông Nam Á và đặc biệt là Camoëns đã nhắc lại vụ ông bị đắm tàu ở vùng biển gần vịnh Siam :

Khổ thơ 125, câu 6 có từ : Sião = Siam (Xiêm La).

Khổ thơ 126 câu 3 có từ : Laos : Nước Lào.

Khổ thơ 127, câu 1 có từ Camboja = Cambodge (Cao Miên, Khmer) và từ Mecom = Mékong (Cửu Long)

Khổ thơ 128, câu 3 có từ : naufrágio = Sự đắm tàu.

Khổ thơ 129 câu 1 có từ : Champá = Champa = Chiêm Thành (Chàm) ; câu 3 có từ : Cauchichina = Cochinchine (vào thể kỷ 16 từ nầy chỉ toàn thể nước Đại Việt – Việt Nam); câu 4 có từ : Ainão = có thể là An Nam (từ chỉ nước Việt Nam ngày xưa ?).

Để hiểu được ý của tác giả kể lại trong 5 khổ thơ nầy, chúng ta tạm đọc theo bản tiếng Việt dịch ra từ văn xuôi tiếng Pháp của Jean-Baptiste Millié người dịch các khổ thơ nầy từ tiếng gốc Bồ Đào Nha và xuất bản năm 1825 như sau :

« Phía đầu của lục địa có mỏm đất Singapour bao quanh, chúng ta hãy đi vào con kênh dài này, nơi tuyến đường biển thu hẹp lại của các nhà hàng hải. Những khúc quanh co của bờ biển dẫn chúng ta đến các vương quốc Lahang, Patane, đến những vùng đất rộng lớn phụ thuộc vào đế chế Siam. Con sông cung cấp nguồn nước cho họ bắt nguồn từ hồ Chamai.

Trên bề mặt bao la này là những quốc gia trải rộng vẫn chưa được biết đến: có các dân tộc Lào, tự hào về số lượng và phạm vi lãnh thổ của họ; người Avans, người Bramas, những người sống trong các dãy núi dài. Đến những đỉnh núi xa xôi nhất, bạn sẽ thấy những người Guéos du mục, những người tàn ác và man rợ, những kẻ ăn thịt người. Cơ thể của họ được tô điểm bằng nhiều hình vẽ khác nhau bằng thanh sắt nóng ấn vào.

Dòng sông Mecon chảy qua vùng đồng bằng của Campuchia, con sông ngự trị các dòng nước. Vào mùa hè con sông nhận nước vào từ hàng ngàn các nguồn sông khác, nó lớn rộng ra và tràn ngập cả vùng nông thôn ở phía xa. Những cư dân trên hai bờ của sông đó tin rằng các loài động vật cũng có các miền đau khổ và an nhàn của chúng.

Dòng sông hữu ích, một ngày nào đó, đôi bờ sông hiếu khách sẽ cứu được một kho tàng thơ ca khỏi con tàu đắm, tập thơ đã bị ngọn sóng cay đắng thấm ướt; chỉ nhờ có các mảnh vụn con tàu mới thoát khỏi cạm bẫy của một đại dương bao la, thoát khỏi bão tố, thoát khỏi vô số hiểm nguy, thoát khỏi tất cả những đau khổ sẽ lấn át kẻ lưu đày nầy mà cây đàn lia hòa hợp sẽ có vinh quang hơn là may mắn.

Nhưng hãy cùng tôi chiêm ngưỡng bờ biển chứa đầy những cụm rừng cây thơm của nước Chiêm Thành, nước Việt Nam, vẫn còn ít người biết đến, và con vịnh nhỏ Ainan chưa được biết đến; cuối cùng là Trung Quốc, nơi mà sự phong phú đổ tràn vào các kho của báu. Các khu vực rộng lớn của nước nầy trải dài từ vùng nhiệt đới rực lửa đến vùng băng giá ».

Rỏ ràng là trong đoạn 10 của thiên thi sử ca Les Lusiades mà ta đã đọc được ý chính của Camoëns qua 5 khổ thơ viết thành văn xuôi ở trên, ông đã kể lại cuộc hải hành của ông, qua đó ông đă nhìn thấy nhiều vùng xa lạ, các quốc gia chưa được người Âu Châu biết đến, với những cư dân miền núi, những bộ lạc còn sơ khai…Khi nói đến con sông Mecon (sông Cửu Long) ông đã ca tụng đó là con sông đã cứu sống ông, và nhất là cứu sống được tác phẩm thi ca của ông. Ông cũng nhớ ơn những cư dân (có thể là người Việt, Khmer và người Hoa) sống ở hai bên bờ sông, rất hiếu khách và đã tiếp cứu ông…

Thực ra các chi tiết chính xác và thực tế về việc từ lúc Camoëns bị đắm tàu cho đến phương cách ông được cứu sống qua cơn đắm tàu, được đưa lên bờ và được cư dân nuôi sống như thế nào, có rất ít các nguồn tài liệu kể lại.

Các chi tiết về giai đoạn nầy mà ngày nay chúng ta có một cách có thể xem như tạm đầy đủ nhất được kể lại qua một số tác giả : Jean Pierre Nicéron (1685 – 1738), Charles Magnin (1793 – 1862), Raoul De Navery (1828 – 1885), Clovis Lamarre (1836 – 1899), Jean François Antoine Brébion (1857 – 1917), Henri De Lunaret (1861 – 1919), Jean Michel Strobino (1956 –   ),  ..v..v…

Theo nguồn của các tác giả kể trên, khi đi tàu từ Macao (Trung Hoa) trở về thành phố Goa (Ấn Độ), Camoëns đi cùng với một người giúp việc của ông, đó là người gốc đảo Java (Chà Và) thuộc nước Nam Dương, người ta gán cho người giúp việc nầy tên là Antonio (riêng trong tác phẩm của Nicéron thì người giúp việc Chà Và nầy có tên là Jean). Chính Antonio đã giúp Camoëns thoát chết trong lúc bị đắm tàu ở vùng biển Cambodge (gần vùng Hà Tiên hiện nay, hoặc ngay một trong các cửa sông Cửu Long tùy theo nguồn dẫn), hơn nữa, hai người chủ và tớ cũng đã cứu được tác phẩm để đời Les Lusiades của Camoëns, có thể nói đối với Antonio, toàn thể Âu Châu có món nợ với anh ta vì đã bảo toàn được tác phẩm Les Lusiades khỏi bị mất đi ngoài biển.

Khi đến bờ sông Cửu Long, Camoëns và Antonio được các cư dân lúc bấy giờ sống ở hai bên bờ, đa số là người Việt, người Khmer và người Hoa tiếp đón và nuôi sống một thời gian, tuy nhiên không có nguồn nào đồng nhất về thời gian Camoëns ở lại vùng đất thuộc Vương Quốc Chân Lạp nầy, chỉ biết là ông có sáng tác nhiều bài thơ trong thời gian nầy và thời gian ở lại vùng đồng bằng sông Cửu Long nầy không quá một năm.

Có một nguồn tài liệu khá ngạc nhiên lẫn thích thú và chính đó cũng là nguyên nhân có bài viết nầy, đó là trong một quyển niên giám tổng quát về Đông Dương, số viết về năm 1909 và do người Pháp xuất bản, phần chuyên khảo về tỉnh Mỹ Tho có đoạn nói đến sự đắm tàu của Camoëns như sau (bản tạm dịch ra tiếng Việt từ nguyên văn gốc tiếng Pháp) :

« Lịch sử địa phương về các giai đoạn trước cuộc chinh phục của người An Nam không được biết đến nhiều do thiếu tài liệu. Người ta chỉ biết rằng sáu tỉnh miền Nam của người Pháp chúng ta chiếm được là một phần của vương quốc Khmer đã bị người An Nam chinh phục. Lịch sử cũng đề cập đến vụ đắm tàu ​​gần Hà Tiên, vào khoảng năm 1556, của con tàu chở Camoens và kiệt tác của ông. Người ta nói rằng con người vĩ đại nầy đã được đưa bằng thuyền đến Mỹ Tho, nơi người Bồ Đào Nha đã thiết lập một thương điếm bằng đường biển ».

Nếu ta so sánh với các nguồn đã kể ở đoạn trước thì có hai sự khác biệt : về năm xảy ra vụ đắm tàu và nơi chốn. Nguồn trong quyển niêm giám Đông Dương, năm 1909 ghi vụ đắm tàu vào năm 1556 và địa điểm đắm tàu gần Hà Tiên. Nhiều nguồn tin cậy hơn ghi rỏ là Camoëns làm việc ở Macao (Trung Hoa) và được phép trở về thành phố Goa (Ấn Độ) năm 1560, chính trong năm 1560 tàu chở ông về bị đắm ở cửa sông Cửu Long (hoặc ở vùng vịnh Siam mà thời đó cũng được gọi là vịnh Cambodge). Không có một tài liệu nào ghỉ rỏ thêm tên tỉnh Mỹ Tho, nơi ông được cư dân đưa về ở đó sau khi ông lên bờ sông Cửu Long như đoạn văn trích dẫn phía trên của quyển niên giám Đông Dương năm 1909.

Tuy nhiên rỏ ràng là thành phố Mỹ Tho nằm trên bờ sông Tiền Giang, một trong hai chi nhánh chính của sông Cửu Long mà thời đó sách địa lý còn gọi là sông Cambodge vì con sông nầy nối liền đến miền cao trong nội địa của lãnh thổ Cambodge. Như vậy việc các cư dân vùng Vương Quốc Chân Lạp đã đưa ông và người giúp việc đến ở vùng Mỹ Tho có thể là bằng cách đi thuyền trên nhánh sông Cửu Long đó, việc nầy cũng có phần hợp lý. Ngoài ra khi Camoëns bị đắm tàu trong vùng vịnh Siam (hay vịnh Cambodge, xem hình 5 : vùng khoanh tròn có đánh số 1) hoặc ở ngay một trong các cửa sông của sông Cửu Long (xem hình 5 : vùng khoanh tròn có đánh số 2) thì nói là nơi đắm tàu ở gần Hà Tiên cũng không hoàn toàn sai vì hai nơi nầy đều là hoặc ở ngay vùng sẽ có tên là Hà Tiên sau nầy (trường hợp 1) hoặc là gần toàn bộ vùng đất đai thuộc tên Hà Tiên (trường hợp 2) nếu cho nơi đắm tàu là ngay cửa sông Cửu Long.

H5: Bản đồ thế kỷ thứ 16 chỉ hải trình của tàu chở Camoëns đi ngang qua vùng cửa sông Cửu Long và vùng vịnh Siam. Vùng màu cam 1 và 2 là nơi có thể xảy ra vụ đắm tàu

Vả lại theo tác giả Jean Michel Strobino, mặc dù sự kiện Camoëns bị đắm tàu ở cửa sông Cửu Long ít được biết đến một cách chính xác, nhưng sự kiện nầy đã tình cờ làm cho Camoëns trở thành một trong vài người Tây Phương đầu tiên di chuyển bằng thuyền trên sông Cửu Long (trước đó chí có vài giáo sĩ Bồ Đào Nha đến và đi thuyền trên con sông nầy). Từ đó phải đợi hơn 80 năm sau, một người thương buôn Hòa Lan Gerrit Van Wuysthoff mới khám phá ra sông Cửu Long vào năm 1641. Ngoài ra chính Camoëns đã làm cho thông dụng cái tên Mecom (tên sông Cửu Long vào thế kỷ 16 do người Tây Phương đặt) từ đó về sau.

Trong quyển sách « Les Voyages de Camoëns » do Raoul De Navery viết và xuất bản ở Paris năm 1880, có một chi tiết khá thú vị là trong thời gian ông được lưu trú ở nhà cư dân bên bờ sông Cửu Long khi vừa được cứu sống nạn đắm tàu, các bạn ông ở thành phố Goa (Ấn Độ) đang chờ ông về đây, vì chờ đợi khá lâu nên dò hỏi và biết được ông bị nạn đắm tàu và đang tạm trú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, những người bạn nầy góp công góp của mướn một chiếc tàu từ Goa đến vùng bờ sông Cửu Long để tìm và đưa ông về. Vài tuần lễ sau, Camoëns và người đày tớ Java của ông lên tàu về đến Malacca (Mã lai). Tại đây không thiếu các dịp đáp tàu về đến Goa, từ đó hai người đã được về đến thành phố Goa và đã gặp lại đầy đủ các người bạn đã giúp ông.

Một nguồn chính thức khác có ghi chép lại sự kiên Camoëns bị đắm tàu ở vùng biển Cambodge là do một người cùng thời và là bạn thân thiết với Camoëns, nhà Sử học Bồ Đào Nha Diogo do Couto (1542 – 1616), ông nầy đã ghi chép lại chi tiết Camoëns bị đắm tàu trong tập Sử có tên là Décadas da Ásia (Những thập kỷ của Châu Á), trong tập thập kỷ thứ 8. Đây là một bộ Sử gồm 12 tập, ghi lại tất cả các chi tiết về sinh hoạt của người Bồ Đào Nha có mặt ở thủ đô đế chế thuộc địa Bồ Đào Nha của Đông phương (thành phố Cochin và sau đó là Goa, thuộc Ấn Độ). Lúc đầu người khởi sự viết thiên Sử về Châu Á nầy là nhà Sử học Bồ Đào Nha João de Barros (1496 – 1570), ông viết được 3 tập đầu, sau đó Diogo do Couto tiếp tục viết 9 tập cuối.

E/ Huyền thoại đối mặt với thực tế cay nghiệt:

Sau khi phân tích hư thực về việc Camoëns bị đắm tàu ở vùng vịnh Cambodge hoặc ở cửa sông Cửu Long (tuy nhiên kết quả sự phân tích vẫn chưa ngã ngũ về các chi tiết trong giai đoạn nầy !!), chúng ta không thể chấm dứt bài viết ở đây mà không nói lên dù một cách sơ lược cái nghèo khổ, cái chết rất đau thương và ngôi mộ của Camoëns, người mà sau nầy được tôn vinh là một trong những thi hào của thế giới…

Sau khi thoát khỏi nạn đắm tàu trên chuyến đi từ Macao (Trung Hoa) về thành phố Goa (Ấn Độ), Camoëns tìm cách trở về đất nước quê hương Bồ Đào Nha của ông mặc dù trước khi rời Bồ Đào Nha đi Ấn Độ ông đã thể là sẽ không trở lại nữa…Vì thiếu tiền đi tàu, ông được người ta bảo trợ cho đi tàu đến Sofala, một thành phố thuộc Mozambique, ở đây ông hy vọng sẽ có nhiều dịp đáp tàu về đến Lisbonne. Tuy nhiên tại Sofala ông bị bỏ rơi, sống trong sự nghèo túng hoàn toàn và đau khổ nhất là không thể có tiền để về nước…May thay có dịp vài chiếc tàu từ thành phố Goa đến ghé lại Sofala và sẽ tiếp tục về Lisbonne, trên các chiếc tàu nầy có nhiều người bạn của Camoëns, trong đó có nhà Sử học Diogo do Couto. Camoëns vui mừng vì sẽ đi được về quê hương với các bạn của ông, tuy nhiên người bảo trợ lúc trước lại trở mặt đòi ông phải trả số tiền đã ra cho ông đi tàu từ Goa về Sofala, vì số tiền khá lớn ông không thể trả nổi, các bạn ông đã đóng góp lại và trả được nợ cho ông. Chính trong thời gian nầy Diogo do Couto, nhà Sử học và là bạn thân của Camoëns đã đọc lại tác phẩm Les Lusiades do Camoëns mang theo, để chuẩn bị cho in khi về tới Bồ Đào Nha, ngoài ra Diogo do Couto còn viết một vài quyển sách rất uyên bác, các quyển sách nầy đã bị đánh cắp mất cũng như một số tác phẩm của Camoëns viết trong thời gian nầy.

Cuối cùng Camoëns và các bạn của ông (trong đó có Diogo do Couto) cũng đã về tới được thủ đô Lisbonne của quê hương Bồ Đào Nha năm 1569, tuy nhiên trong thời kỳ nầy Lisbonne đang là mồi ngon của cơn bệnh dịch hạch (la peste), cơn dịch nầy gây chết khoảng 70000 người (trong một ngày có thể chết đến 600 người), các chiếc tàu đến Lisbonne đều bị cấm vào cảng, Camoëns và các bạn của ông đều bị cấm lên thành phố, tình trạng kéo dài đến nhiều tháng. Cuối cùng năm 1570, Diogo do Couto được phép một mình lên bờ và sau đó ông đã xin phép cho cả đoàn tàu được vào thủ đô Lisbonne. Tính ra là 17 năm trải qua từ khi Camoëns từ giả Lisbonne để đi phiêu lưu ở Đông phương. Lúc nầy ông đã được 46 tuổi, ông nhận thấy thủ đo Lisbonne là một thành phố chết chóc, suy thoái…

Sau khi xuất bản được tập thơ Les Lusiades của ông, sự thành công tập thơ mang lại cho ông một số tiền trợ cấp rất nhỏ bé và chỉ trong một thời gian ngắn. Camoëns tiếp tục sống trong một sự nghèo khổ cực điểm, ông sống trong một ngôi nhà nhỏ liền kề với nhà thờ tu viện Santa Anna. Cuộc sống của ông trở thành hiện hữu nhờ qua sự bố thí, ban đêm người giúp việc Chà Và Antonio của ông phải đi xin ăn để nuôi sống cả chủ và tớ. Sự đau khổ vẫn không buông tha Camoëns, ông chứng kiến cái chết của Antonio, người đầy tớ trung thành của ông, từ đó ông lâm vào bệnh hoạn trầm trọng và được đưa vào nhà thương thí cho người nghèo. Khi ông ra khỏi nhà thương thì một thời gian sau (1580) ông chết, một nhà quý tộc đã cho một tấm vải để liệm và chôn cất ông.

Camoëns, ban đầu được chôn một cách nghèo nàn và vô danh, không một bia đá ghi tên, trong một góc nhỏ ở nhà thờ Santa Anna, nỗi bất hạnh của ông gây ra một ấn tượng sâu sắc cho những người quen biết chung quanh ngôi nhà ông ở.

Vào lúc nầy nước Bồ Đào Nhà hoàn toàn rơi vào tay vua Philippe II của Tây Ban Nha, khi nghe tin Camoëns đã chết, vị vua nầy không ngăn nổi sự tiếc nuối. Một người quý tộc Đức hỏi thăm nơi chôn cất Camoëns ở Lisbonne và ngỏ ý muốn cam kết với thành phố nếu Camoëns không có một ngôi mộ xứng đáng thì ông sẽ xây cất ngôi mộ một cách trang trọng.

Sự vân động nầy của một người ngoại quốc đối với người Bồ Đào Nha đã nhắc lại một sự thật là Camoëns vẫn chưa có một ngôi mộ đúng nghĩa…Hơn mười mấy năm sau khi Camoëns chết, một người bạn tìm ra ngôi mộ vô danh của Camoëns và đã chuyển mộ ông đến gần bên trong chánh điện của nhà thờ Santa Anna với một phiến đá có đề hàng chữ :

« Ci gît Luiz de Camoens, le prince des poètes de son temps ; il vécut pauvre et misérablement et mourut de même »

(Nơi đây an nghỉ Luiz De Camoens, ông hoàng của các nhà thơ cùng thời với ông ; ông đã sống một cách nghèo nàn và đau khổ và chết tương tự như thế)

Phía dưới còn có hàng chữ ghi tên của người bạn đã trùng tu lại ngôi mộ cho ông. Thật đúng, hàng chữ ghi trên phiến đá nầy đã tóm tắt một cách đầy đủ cuộc đời của Camoëns.

Còn một điều nữa, như thể là định mệnh vẫn chưa cho phép Camoëns yên nghỉ dưới nấm mồ đã được trùng tu. Nhắc lại, ông chết vào năm 1580, đến năm 1755, tức hơn một thế kỷ rưởi sau, một cuộc động đất và hỏa hoạn xảy ra đã hoàn toàn tàn phá thủ đô Lisbonne, nhà thờ Santa Anna cũng sụp đổ với các ngôi vườn, mồ mã chung quanh. Sau nầy nhà thờ đã được xây dựng lại, nhưng không ai biết được trong đóng gạch vụn đổ nát, đâu là tro cốt của nhà thơ Camoëns. Cuối cùng vào năm 1880, tro cốt của Camoëns đã xem như là kiếm lại được (người ta vẫn chưa biết có phải thật sự là phần còn lại của ông hay không) và chuyển đến tu viện Jerónimos ở Lisbonne (còn được gọi là tu viện Santa Maria de Belém), nơi ông được vĩnh viễn an nghỉ trong một ngôi mộ trang hoàng bằng cẩm thạch trắng, kế bên ông là ngôi mộ của Vasco de Gama, nhà hàng hải to lớn và là nhân vật anh hùng được ông ca tụng trong tác phẩm Les Lusiades của ông.

Tâm nguyện của tác giả viết bài nầy là một ngày nào đó nếu có dịp, sẽ đi du lịch nước Bồ Đào Nha, ghé lại thủ đô Lisbonne và đến tu viện Santa Maria de Belém để tỏ lòng kính trọng thi hào Camoëns…

Paris, viết xong ngày 14/09/2022, Trần Văn Mãnh (Patrice Tran).

Trích các khổ thơ 125 – 129 trong đoạn 10 của tác phẩm Os Lusiadas, bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha, có các danh từ địa lý vùng Đông Nam Á

Quang cảnh bên trong sân của tu viện Jerónimos ở thủ đô Lisbonne, Bồ Đào Nha, nơi có các ngôi mộ của Camoens và Vasco de Gama. Hình: Jean-Christophe Benoist

Ngôi mộ của thi hào Camoens trong tu viện Jerónimos. Hình: Carlos Luis M. C. da Cruz

Toàn cảnh tượng đài Camoëns ngay tại đầu đại lộ Camoëns thuộc quận 16, thủ đô Paris. Hình: TVM

Hình trái: bảng tên đường: Đại Lộ Camoëns, bên phải: tượng đài Camoëns ngay tại đầu đại lộ nầy thuộc quận 16, thủ đô Paris. Hình: TVM

Tượng đài tưởng nhớ Camoëns đặt tại quận 16, thủ đô Paris (gần tháp Eiffel). Hình: TVM

Tác giả bài viết chụp trước tượng đài tưởng nhớ Camoëns đặt tại quận 16, thủ đô Paris (gần tháp Eiffel). Hình: TVM

Tác giả bài viết chụp trước tượng đài tưởng nhớ Camoëns đặt tại quận 16, thủ đô Paris (gần tháp Eiffel). Hình: TVM

Sách tham khảo cho bài viết « Thi hào Camoëns, tập sử thi và cuộc đắm tàu gần vùng biển Hà Tiên »

Mémoires pour servir à l’histoire des hommes illustres dans la république des lettres avec un catalogue raisonné de leurs Ouvrages par le R. P. Niceron Tome 37. Nhà xuất bản (NXB) Briasson, Paris 1729-1745. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Les Lusiades ou Les Portugais : poème de Camoens en dix chants; traduction nouvelle avec des notes par J. B. J. Millié, Tom premier. NXB Firmin Didot Père et fils, Paris 1825. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Les Lusiades ou Les Portugais : poème de Camoens en dix chants; traduction nouvelle avec des notes par J. B. J. Millié, Tom second. NXB Firmin Didot Père et fils, Paris 1825. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Luiz de Camoëns : Charles Magnin, Revus des deux Mondes, Tome Sixième, NXB Paris, 1832. (Exporté de Wikisource le 7 septembre 2022)

Les Lusiades ou Les Portugais : poème en dix chants par Camoens ; traduction de J. B. J. Millié, revue, corrigée et annotée par M. Dubeux. NXB Charpentier, Paris 1841. (Digitized by Google)

Les Lusiades, poëme de Camoens, traduit en vers par F. Ragon. NXB CH. Gosselin, L. Hachette, Paris, 1842. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Les Lusiades ou Les Portugais : poème en dix chants par Camoens ; traduction de J. B. J. Millié, revue, corrigée et annotée par M. Dubeux. NXB Charpentier, Paris 1862. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Les Lusiades ou Les Portugais: poëme en dix chants par Camoens ; [traduction de Millié] : NXB Bureaux de la Publication ; Paris 1867. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Camoens et les Lusiades: étude biographique, historique et littéraire suivie du poëme annoté par Clovis Lamarre : Clovis Lamarre, NXB Didier et Cie, Paris, 1878 (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Les voyages de Camoens : Raoul De Navery. NXB A. Hennuyer, Paris, 1880. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Essai littéraire et biographique sur Luiz de Camoëns : sa vie et ses œuvres : Henri De Lunaret. NXB A. Quantin, Paris, 1882. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Annuaire général de l’Indo-Chine 1909 : Indochine Française, NXB Extrême Orient Hanoi-Haiphong 1909. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Dictionnaire Bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine Française : Tom VIII. Antoine Brébion. NXB Société d’Editions, Paris 1935. (Source gallica.bnf.fr / BnF)

Les Portugais sur les côtes du Viêt-nam et du Campa. Contribution à l’étude des routes maritimes et des relations commerciales d’après les sources portugaises : Pierre-Yves Manguin, École pratique des hautes études. 4e section, Sciences historiques et philologiques, Annuaire 1970 – 1971.

Camoes, les Lusiades et le Mékong « portugais » : Jean-Michel Strobino,