Lời xin lỗi muộn màng (Trần Quý Nương)

                                        Thầy Cô và các bạn thân mến, từ xưa chúng ta đã biết cái thành ngữ: « Nhất quỹ nhì ma thứ ba học trò… », nhưng nếu đọc bài viết nầy xong chúng ta phải bổ túc lại câu thành ngữ nầy cho thêm chính xác: « Nhất quỹ nhì ma thứ ba học trò NỮ….. »..!! Đúng thật như vậy, nếu các bạn nam của chúng ta ngày xưa đã có một thời lên núi Lăng những lúc không có giờ học để leo trèo, phá phách, đào khoai mì của Ông Từ Ngươn giữ Lăng, hay hái trái sơn trà và tụ tập nhau dưới gốc cây Đa của chùa Lò Gạch để thanh toán các thành quả hái trộm đó thì quả thật bọn học trò nam của chúng ta là đáng ở ngôi vị thứ ba…Nhưng so với thành tích của hai em Quý Nương và Ngọc Ánh trong chuyện kể đây thì chắc mình vẫn còn thua xa,…Thầy Cô và các bạn đọc đến đây chắc thắc mắc lắm muốn biết tới xem tại sao học trò nữ mà lại còn cao tay hơn học trò nam…Chút nữa đọc tới xong thì sẽ biết nhé,…Chỉ biết là câu chuyện xảy ra đã hơn mấy chục năm nay mà ngày nay theo lời thú thật của Ngọc Ánh thì ngay cả bây giờ chỉ là gặp gở nhau qua face book ảo ảo mờ mờ mà Ngọc Ánh vẫn còn sợ Ông Thầy Nguyễn Hồng Ẩn,…Mình cũng có lời an ủi Ngọc Ánh là không sao đâu, dầu sao quý Thầy cũng đã thông cảm cho tuổi học trò còn non dại, đã tha thứ tất cả và chỉ xem đó là một kỹ niệm thật vui đáng ghi nhớ và kỹ niệm đó cũng là sợi dây liên hệ nối lại tình Thầy trò từ xưa đến giờ,…Mong rằng quý Thầy Nguyễn Hồng Ẩn, Nguyễn Phúc Hậu, Nguyễn Văn Thành khi đọc được những dòng chữ do Trần Quý Nương kể lại đây, sẽ vui thêm và nhớ lại khoảng thời gian êm đềm, thơ mộng trôi qua ở Hà Tiên, mong như vậy nhé quý Thầy và hai bạn Quý Nương, Ngọc Ánh…(Trần Văn Mãnh viết lời giới thiệu…)

Lời xin lỗi muộn màng

Ngọc Ánh ơi hôm rồi trên mạng mình nhìn thấy căn nhà xưa của Bà Bảy Phi, căn nhà đối mặt với cái căn «nhà vệ sinh» xưa ở bờ sông của Hà Tiên trên đầu đường Nhật Tảo làm mình nhớ lại chuyện xưa…Câu chuyện trên 50 năm rồi đó, lúc mình còn học lớp Đệ Thất đó, lúc mà hai đứa mình gây ra một «vụ án» động trời cho nên phải chôn chặt trong lòng mấy chục năm nay không ai có can đảm tự thú.. !!

Vào thời đó, hai đứa mình ở nhà đường Nhật Tảo, cùng theo học lớp Đệ Thất. Cách vài căn nhà mình ở là nhà của Bà Bảy Tiêu, mình gọi là Bà Cô Bảy, em của Bà Cô Ba chủ nhà mình đang ở. Vì hai nhà là bà con thân thuộc với nhau nên hai đứa mình thường hay tới lui nhà Bà Cô Bảy chơi. Bà Cô Bảy chỉ sống có một mình nên trong nhà thường cho quý Thầy Giáo thuê ở trọ. Vì vậy đa số quý Thầy dạy Trung Học và Tiểu Học Trường Hà Tiên đều ở trọ nhà của Bà Cô Bảy. Năm đó mình nhớ có Ông Thầy Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hồng Ẩn, Nguyễn Phúc Hậu dạy Trung Học và Ông Thầy Huỳnh Văn Hòa dạy Tiểu Học đến thuê ở nhà Bà Cô Bảy. Minh cũng không nhớ rỏ các môn dạy của từng Thầy, nhưng nhớ là Thầy Thành làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Hà Tiên. Bà Cô Bảy Tiêu lúc đó có thằng cháu ngoại tên là Nguyễn Văn Vinh, tên ở nhà là Phú, học lớp Đệ Lục, chung lớp với chị Trần Quý Phụng của mình. Chiều tối nào Phú cũng đến nhà mình ở, cùng kéo ghế tập trung ngồi trước sân nhà bình luận đủ thứ chuyện, nào là chuyện chọc phá người ta đến những tin tức liên quan đến quý Thầy ở nhà Bà Cô Bảy. Tối nào không có chuyện gì vui kể ra thì đi ngủ sớm, còn vui thì thức tới khuya. Có lần mình bị bệnh, có một Thầy nào đó mình không nhớ, có nhờ Phú mang đến cho mình hai hộp sửa Ông Thọ. Chị Quý Phụng thì thường hay đến nhà chuyện trò với quý Ông Thầy còn hai đứa mình thì …không dám.

Có một buổi tối nọ có trăng nên tụi mình thức đến khuya, khi sắp đi ngủ thì nhìn qua nhà Bà Cô Bảy thấy có hai ba quý Thầy đi ra khỏi nhà và đi về phía nhà tụi mình đang ngồi. Lúc đó mình mới hiểu ra và tự nói thầm… « À ! giờ nầy khuya quá rồi chắc quý Thầy đi « nhà hàng nổi »… !! » (Viết đến đây mình xin giải thích cho đọc giả hiểu : Ở Hà Tiên ngày xưa rất ít nhà có nhà vệ sinh riêng trong nhà, cả chợ Hà Tiên chỉ sử dụng nhà vệ sinh công cộng, mà chung quanh chợ Hà Tiên thì có 3 nhà vệ sinh công cộng được xây cất bằng cây, ngay dưới mé sông Hà Tiên. Có tất cả ba nhà vệ sinh công cộng, một ở sau Bưu Điện ở sông Đông Hồ, một ở trước trụ sở xả Mỹ Đức xưa, và một ở cặp bến Trần Hầu đầu đường Nhật Tảo, tất cả đều được cất nổi trên nước sông Hà Tiên, có cầu lót gổ để đi ra. Hồi đó người Hà Tiên gọi tên các nhà vệ sinh nầy cho thanh lịch là «Nhà hàng nổi» hay «Nhà nghỉ mát», …)

Kể tiếp chuyện nhé, lúc quý Thầy đi ngang nhà, tụi mình đều chạy đi trốn cả để quý Thầy đi ngang không nhìn thấy tụi mình. Không biết có ân oán gì không mà chị Quý Phụng bảo : «Giờ nầy trong «nhà hàng nổi» vắng lắm vì không có ai ngồi… » Rồi chỉ nêu lên ý tưởng là tụi mình đi nhát ma quý Thầy chơi…, bạn Phú lúc đó từ chối không dám tham gia (vì Phú ở chung nhà với quý Thầy…). sau cùng chỉ còn lại hai đứa mình hành động theo ý tưởng của chị Quý Phụng…Từ trước nhà nhìn thấy khi quý Thầy đã vào «nhà hàng nổi» ổn định xong xuôi rồi thì hai đứa mình chạy theo, cả hai cùng nhặt những hòn đá và ném xuống mặt nước biển ngay dưới mấy căn của «nhà hàng nổi»… Ôi thích quá.. !! mặt nước biển bắn tung tóe nước lên màu đỏ trong ban đêm theo từng nhát đá chạm xuống mặt nước…Thế là hai đứa cứ nhặt đá ném xuống mặt nước cho nước biển bắn lên tung tóe, tùy theo nếu hòn đá nhỏ thì nước bắn lên ít, hòn đá to lớn thì nước biển văng bắn lên tung tóe nhiều và cao hơn. Sau một lúc ném đá xong vì sợ quý Thầy thấy thủ phạm, hai đứa mình trốn núp sau cột đèn gần đó và rồi vừa cắm đầu cắm cổ vừa chạy nhanh về nhà cho kịp trươc khi quý Thầy về…Mình nghĩ lúc đó có lẻ quý Thầy rất giận chứ không có sợ ma đâu nên quý Thầy đi «nghỉ mát» về rất nhanh và có lẻ quý Thầy cũng đã biết thủ phạm ngay lúc đó là ai rồi… !!  Ôi sợ quỷ, sợ ma, không sợ mà chắc sợ thứ ba là học trò, nhất là lại học trò nữ… !!

Đêm đó về nhà hai đứa trong lòng lo sợ không ngủ được, nghĩ đến ngày mai lại có giờ học với Thầy Hậu !! Thôi thì mình đề nghị rủ Ngọc Ánh ăn chay, cầu nguyện, cầu xin cho quý Ông Thầy không tìm ra được thủ phạm và quý Thầy cũng đừng giận…Hai đứa mình ăn chay được bốn ngày thì bạn Ánh bảo ăn chay không nổi nữa…Vậy mà mấy ngày ăn chay đó cũng thấy linh lắm vì quý Thầy hình như không có phản ứng vì cả, vậy chắc là quý Thầy không biết được thủ phạm là ai rồi. Đến ngày thứ năm vì không còn ăn chay nữa nên Phật Trời không che chở cho nữa, Bà Cô Bảy đến nhà bảo là hai đứa bây đi xin lỗi quý Thầy đi nhe vì quý Thầy đã biết là ai phá rồi đó. Ôi !! thật là vô phép với quý Thầy quá, lúc đầu mình chỉ nghĩ là làm cho Thầy sợ ma mà thôi. Trước mặt quý Thầy, hai đứa mình lí nhí xin lỗi, còn bạn Phú thì núp trong một góc nhà lén nhìn và cười vì bạn ấy không có tham gia nên vô sự…Còn Thầy Thành và Thầy Ẩn cứ như lấy cung,  quý Thầy hỏi mãi : « Có ai xúi bảo mấy em làm không ?». Còn chị Phụng thì chị đã dặn kỷ rồi là không được khai là do chị xúi làm…Rốt cuộc vậy là hai đứa mình đều nhận tội, thật thà khai báo thì nhà nước cũng khoan hồng cho mà…

Chuyện đã qua tuy lâu lắm rồi nay nhắc lại chắc quý Thầy không quên đâu. Tụi em ngày xưa đã vô phép với quý Thầy, nay quý Thầy chắc cũng không còn nhớ được mặt mày tụi em vì mấy mươi năm đã qua rồi…Từ đó không một lần gặp lại quý Thầy, giờ đây lên mạng face book thỉnh thoảng gặp lại quý Thầy nhưng còn ngập ngừng, muốn tự mình xin lỗi lại quý Thầy một lần nữa, muốn nói lời xin lỗi muộn màng là ngày xưa vì lở đùa giởn nên phạm lỗi, xin quý Thầy tha thứ cho hai em là Ngô Ngọc Ánh và Trần Quý Nương…

Cho tái bút thêm là qua đêm nhận tội xin lỗi quý Thầy ngày xưa đó, sáng sớm hôm sau được chị Quý Phụng khoản đải cho hai gói xôi Hà Tiên thật ngon…Còn Ngọc Ánh thì vẫn còn thú thật là cho đến ngày nay khi lên mạng face book, thấy hình và tên Thầy Ẩn (An Lê), Ngọc Ánh vẫn còn sợ trong lòng….Vậy mong Thầy tha thứ bỏ qua tất cả cho chúng em nhé,..

                            Trần Quý Nương kể lại   (Sài Gòn, 09/03/2017)

Một trong ba « nhà hàng nổi » hay « nhà nghỉ mát » ở Hà Tiên, ở đây là nhà vệ sinh ở bến Trần Hầu – Nhật Tảo, chính là nhà hàng trong chuyện kể nầy, có thể là cây cột đèn trong hình là nơi mà các bạn Quý Nương, Ngọc Ánh đá trốn núp sau khi « hành động »….

Một trong ba « nhà hàng nổi » hay « nhà nghỉ mát » ở Hà Tiên, ở đây là nhà vệ sinh trước trụ sở Xả Mỹ Đức.

Hình lớp Trần Quý Nương chụp trước cột cờ của trường, phía sau là dảy phòng thí nghiệm, xa hơn là lầu ba (gọi là Lầu Ông Chánh trên núi Ngũ Hổ). Hàng dưới, từ trái sang: Châu, Tươi, Liễu, Trần Quý Nương, Viễn, Chi. Hàng trên: Trang, Hoàng, Thanh, Lý (Trường Trung Học Công Lập Hà Tiên)

Ngô Ngọc Ánh hình thuở còn đi học Trường Trung Học Công Lập Hà Tiên

Nhà Bà Bảy số 16 ở đường Nhật Tảo ngày xưa quý Thầy ở trọ trong thời gian dạy học ở Trường Trung và Tiểu Học Hà Tiên (Quang cảnh học trò đến thăm quý Thầy: từ trái qua phải: Nguyễn Ngọc Thanh, Thầy Nguyễn Hồng Ẩn, Kim Huê, Thầy Út, Lý Văn Tấn, Ngọc Lan, Lý Cui, Nguyễn Đình Nguyên, Trần Mỹ Quyên.

Ngôi nhà hiện tại số 16 đường Nhật Tảo (Hà Tiên) nơi ngày xưa quý Thầy (Hòa, Ẩn,Tuấn Sinh, Thành, Út, Hậu, Liêm, Chiếu, Cầm….) ở trọ trong thời gian dạy học ở Trường Trung Học Hà Tiên

Tác giả câu chuyện xưa Trần Quý Nương, ảnh hiện tại, Quý Nương hiện sống tại Sài Gòn, Việt Nam)

Ngô Ngọc Ánh, ảnh hiện tại, Ngọc Ánh hiện sống tại Úc Châu

Hình ảnh: Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Văn Mãnh, Nguyễn Bích Thủy, Trần Quý Nương, Ngô Ngọc Ánh, Trần Hoàng Trang