Hữu Đức, ngôi trường bị bỏ quên (Trần Văn Mãnh)

Thầy cô và các bạn thân mến, trên Blog nầy đã có bài viết về ngôi trường Tiểu Học Cộng Đồng Hà Tiên ở đường Mạc Công Du, và bài viết về ngôi trường chánh mà mình theo học ngày xưa ở bậc Trung Học, đó là trường Trung Học Công Lập Hà Tiên ở đường Mạc Tử Hoàng. Tuy nhiên Hà Tiên của chúng ta còn có rất nhiều ngôi trường khác, nếu không kể chi tiết từng ngôi trường Tiểu Học ở từng làng xã thì còn lại hai ngôi trường rất đáng chú ý vì tầm vóc quan trọng và ảnh hưởng của hai ngôi trường nầy ở Hà Tiên: đó là ngôi trường dạy tiếng Hoa do bang hội người gốc Hoa lập ra từ xa xưa và ngôi trường mang tên Trường Nông Lâm Súc ngày xưa ở khúc đường ra Thạch Động do thầy Trần Đại Thắng giảng dạy. Bài viết hôm nay giới thiệu về ngôi trường dạy tiếng Hoa ở đường Cầu Câu Hà Tiên, trường mang tên Trường Tư Thục Sơ Cấp Hữu Đức. (Về ngôi trường Nông Lâm Súc, hy vọng sẽ có một vài cựu học sinh ngày xưa sẽ viết bài nhắc nhở).

Ngày xưa ngoài những người bạn thân thuộc học cùng lớp cùng trường Trung Học với mình, mình còn có nhiều người bạn ở chung quanh khu chợ Hà Tiên xưa, tuy những người bạn nầy không phải là bạn cùng trường lớp ở Trung Học Hà Tiên, vì đa số các bạn nầy theo học ở trường Hữu Đức, nhưng mình cũng có quan hệ rất thân. Qua sự quan hệ nầy mình cũng biết được một vài thông tin về ngôi trường Hữu Đức tuy nhiên rất ít không đầy đủ để viết được một bài giới thiệu về ngôi trường Hoa duy nhất ở Hà Tiên nầy. Vì thế trước khi có ý muốn viết bài về ngôi trường Hữu Đức Hà Tiên, mình có thông báo trên trang face book để nhờ quý anh chị, bạn bè từng theo học ở ngôi trường Hữu Đức nầy giúp đở, chia sẻ tư liệu hình ảnh, và kết quả là quý anh chị, bạn bè đã nồng nhiệt vui vẻ giúp ý kiến và hình ảnh rất nhiều, mình rất cảm kích sự giúp đở của quý anh chị và các bạn, và xin trân trọng cám ơn quý anh chị và các bạn rất nhiều.

Mặc dù theo hình dáng ngoài mình là người Việt và có dáng người tây phương, nhưng tính theo nguồn gốc gia đình bên ngoại thì mình là người có liên hệ đến người Hoa (hay có lẻ đúng hơn là người Minh Hương ??), vì bên ngoại của mình tính từ đời ông ngoại là Ông Trần Đệ thì là người có gốc Hoa, vả lại, mình cũng có bà con với một vài gia đình gốc Hoa ở khu chợ Hà Tiên. Nhà bà con với mình ở đường Lam Sơn, đối diện với nhà sơn sửa xe đạp ngày xưa, mình gọi Hia Phón là hia (có tên chánh thức là Thái Văn Bằng), má của Hia Phón mình gọi bằng Ý Hai, Ý Hai Láng có một tiệm bán tạp hóa ở bên hông nhà lồng chợ Hà Tiên, đối diện với tiệm Hiệp Lợi, đường Tham Tướng Sanh). Vì những lý do đó, ngày xưa khi còn nhỏ mình thường chịu ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử Trung Hoa, mình đã đọc hết tất cả những quyển sách gọi nôm na là « truyện Tàu » do tiệm Thanh Bình cho mướn sách ngày xưa. Mình rất thích quan hệ và giao lưu vói các bạn chung quanh khu chợ Hà Tiên. Đó là lý do khiến mình nghĩ là nên viết một bài nhắc nhở lại ngôi trường Hoa tên Hữu Đức ở Hà Tiên cho mọi người nhớ đến, hơn nữa hiện nay ngôi trường nầy đang bị bỏ hoang, không ai chăm sóc và có thể một ngày nào đó trong tương lai sẽ biến mất để được thay thế vào đó một công thự nhà cửa hiện đại nào đó…Nếu viết được bài nầy thì ít nhất ngôi trường Hữu Đức Hà Tiên vẫn còn mãi trong lòng mọi người khi thỉnh thoảng đọc lại bài viết nầy. Paris, 04/12/2020, Trần Văn Mãnh).

A/ Cấu trúc của ngôi trường:

Ngôi trường từ lúc thành lập được xây dựng bằng vật liệu gạch với xi măng, nóc trường được lợp ngói rất khang trang, mặt trước trường dọc theo các dãy lớp, ngay dưới mái ngói có các thanh gỗ sọc đứng có bìa bầu tròn để trang trí.

Ngôi trường mang tên Trường tư thục sơ cấp Hữu Đức, gồm có tất cả 6 lớp, từ lớp 1 đến lớp 6.  Theo kiến trúc ngôi trường, mặt nhìn ra đường Chi Lăng là mặt sau, có tất cả 10 cửa sổ, cứ mỗi hai cửa sổ liên tiếp là thuộc về một căn phòng lớp học. Như vậy trường có tất cả 5 phòng,  Phòng thứ nhất dành cho lớp 1 và lớp 2, phòng thứ hai dành cho lớp 5 và lớp 6, phòng thứ ba là phòng hội họp, có để một cái bàn đánh ping-pong và cũng là phòng dành cho các cuộc thi diễn giả, thuyết trình. Phòng thứ tư là văn phòng ông Hiệu Trưởng, có một phần phía sau trong căn phòng nầy cũng có lúc là nơi cho thầy cô tạm trú trong thời gian dạy học. Phòng thứ năm dành cho lớp 3 và lớp 4. Ngồi trong lớp nhìn ra cửa sổ phía bên đường Chi Lăng là thấy căn nhà của chị Lý Mũi Liềm.

Bên trong mỗi phòng dành cho lớp học, có hai dãy bàn ghế, vì một phòng dành cho 2 lớp khác nhau, nên mỗi một bên dãy bàn ghế là chỗ ngồi của một lớp (thí dụ lớp 1 dãy bên trái, lớp 2 dãy bên phải…). Trong mỗi dãy bàn ghế cho học sinh, phái nữ ngồi hàng trước, phái nam ngồi hàng sau, mỗi lớp thường không quá 15 học sinh.

Ngoài hành lang của ngôi trường thường là nơi để xe đạp của học sinh.

Bên ngoài sân trường có một sân dánh bóng rổ, môn bóng rổ là một môn thể thao điển hình của các trường học người Hoa thời bấy giờ, vì thế trong mọi ngôi trường người Hoa đều có sân bóng rổ để học sinh chơi giải trí, luyện tập, thực hành chơi theo từng đội ngũ và để đấu giao hữu trong trường hay giữa các đội của các trường bạn.

Ngoài ra từ những năm xa xưa, trong sân trường còn có một vườn chuối, nhưng đến khoảng năm 1972 thì người ta dẹp bỏ vườn chuối và thay vào đó là một sân thể dục, thể thao, có thể chơi các môn nhảy cao, nhảy dây..v..v..

Cổng chánh của ngôi trường nhìn ra đường Cầu Câu, toàn bộ cổng chia làm ba phần, cổng ra vào chánh ở giữa, rông rãi, có hai cổng phụ nhỏ hai bên. Phía trên cổng chánh ra vào ở giữa có bảng tên trường (vì không nhìn thấy được trong tấm hình nào cả nên không biết bảng ghi tên như thế nào, tuy nhiên phía bên trong, dọc theo hành lang và dưới mái ngói của trường có treo một bảng tên trường như sau: « Hữu Đức, Trường tư thục sơ cấp, 78 đường Cầu Câu 78 » với toàn bộ chữ in). Từ bên ngoài cổng chánh đường Cầu Câu nếu ta nhìn vào sân thì ngôi trường nằm bên trái, dãy lớp nằm thẳng góc với con đường Cầu Câu. Phía ngoài cổng trường, thường có Ông « Tùng Xen » bán nước đá bào cho học sinh và đối diện với cổng chánh trường là nhà của ông Ngâu.

Thầy cô và học sinh trường Hữu Đức, Hà Tiên chụp hình trước dãy lớp học mặt tiền của trường. Đây là những niên học có ông bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc và cô Trần Thúy Vân giảng dạy. Trong hình có Ông Bang Tuồn Huệ Nguyên mặc áo veste đen ngồi giữa và ông bà Hiệu Trưởng ngồi bên trái. Thời gian trong khoảng 1968 – 1977. Hình: Trịnh Tân và Trần Tố Chinh.

Trong phạm vi sân trường, có một cây cột cờ, một giếng nước, hai nhà tắm và nhà vệ sinh, có vài cây trứng cá. Đối diện với ngôi trường, nhìn về phía đường Lâm Sơn thì ngày xưa là dãy nhà ăn được dựng bằng tôn (thiếc) rất thoáng cho học sinh ở trọ lưu lại trường ăn học. Kế đó có một ngôi nhà gạch trắng được cất trong những năm sau đó (nhưng trước năm 1975), đó là ngôi nhà dành cho ông bà Hiệu Trưởng ở. Gần bên nhà nầy cũng có một căn nhà dành cho lớp học.

Trong khu nầy, nhìn ra đường Lam Sơn, có một ngôi chùa, thực ra đúng là một ngôi miếu, Miếu Ông Bổn hay miếu Bổn Đầu Công (người Hà Tiên chúng ta thường gọi một cách quen thuộc là chùa Ông Bổn vì ít khi phân biệt chùa và miếu). Đó là đền thờ ông Trịnh Hòa, người Trung Quốc, thời Minh. Ông Trịnh Hòa vốn là thái giám dưới triều Minh Thành Tổ, đã bảy lần chỉ huy hạm đội gồm hàng chục chiếc tàu biển xuống biển Đông, Ấn Độ Dương…nhằm mở rộng ảnh hường nhà Minh. Những nơi có người Hoa sinh sống đều có miếu thờ Ông Bổn. Thời xưa khi trường Hữu Đức còn hoạt động, có giai đoạn những người Việt và Việt gốc Hoa hồi hương từ Cambodge về Hà Tiên, có một gia đình được cho phép ở trong chùa Ông Bổn, bán tạp hóa ngoài chợ Hà Tiên để sinh sống và coi giữ chùa. Thời đó trước chùa ông Bổn cũng có một ông bán bánh bao, phía bên đường Cầu Câu thì có bà Sáu Ly bán xôi, cháo, bánh tiêu…

Vì có hàng rào xây bằng xi măng bao quanh khu trường nên giữa khu trường học, nhà Hiệu Trưởng ở và ngôi chùa Ông Bổn cách biệt nhau, có cổng nhỏ ngăn cách. Tuy nhiên trong ngày có lớp học thì cổng nầy được mở ra cho học sinh đi vào trường, một số học sinh ở khu chợ Hà Tiên thường vào trường bằng cổng nầy mà không cần phải đi vòng tới cổng chánh ở đường Cầu Câu.

B/ Hiệu Trưởng, giáo viên trường Hữu Đức:

Kể từ lúc thành lập ngôi trường tư thục sơ cấp Hữu Đức (có thể là ngay từ năm 1920…), có các vị hiệu trưởng như sau: Ông Hiệu Trưởng đầu tiên họ Hồng, kế đến là ông Hiệu trưởng họ Trần (khoảng năm 1953 – 1958), phu nhân của ông Hiệu Trưởng Trần cũng là cô giáo dạy trong trường. Hai người từ nước Cambodge về Hà Tiên làm việc. Đến năm 1959 có ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý, ông Mã cũng là giáo viên dạy môn Sử Ký và Địa Lý, học trò thường thích nghe ông giảng bài về thời Tam Quốc Chí.

Ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý (bìa trái) chụp hình với giáo viên và học sinh trong sân trường Hữu Đức Hà Tiên.  (Thập niên 1960-1970). Hình: Alyssa Ho.

Đến năm 1968 có ông bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc (còn có tên trong giấy tờ là Lâm Thiện Cư) về làm việc và dạy học ở trường Hữu Đức nầy. Phu nhân của ông Hiệu Trưởng là cô Trần Thúy Vân cũng là cô giáo dạy trong trường. Thầy Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc làm chủ nhiệm lớp 5 và lớp 6. Cô Trần Thúy Vân dạy môn hát và làm chủ nhiệm lớp 1. Ông bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc có ba người con gái: Huệ Trang, Mẫn Hồ, Holly Lam. Ông bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc giảng dạy ở trường Hữu Đức Hà Tiên đến năm 1977. Đến năm 1987 ông Hiệu Trưởng Lâm từ trần. Hiện nay cô Trần Thúy Vân vẫn mạnh khỏe và sinh sống với con gái bên nước Mỹ.

Ông Bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc, cô Trần Thúy Vân chụp hình với các con trong sân trường Hữu Đức Hà Tiên (khoảng năm 1968-1977). Hình: Gia đình Mẫn Hồ

Bà Hiệu Trưởng Lâm: cô Trần Thúy Vân, hình trái: chụp trước căn nhà dành cho gia đình Hiệu Trưởng ở trong khu trường Hữu Đức, hình phải: chụp với con gái trước ngôi trường Hữu Đức, Hà Tiên (khoảng năm 1968-1977). Hình: Gia đình Mẫn Hồ

Ông bà Hiệu Trưởng trường Hữu Đức Hà Tiên: thầy Lâm Chánh Khắc và cô Trần Thúy Vân. (Thời gian 1968-1977). Hình: Gia đình Mẫn Hồ

Bà Hiệu Trường Lâm: Cô Trần Thúy Vân. (Thời gian ở trường Hữu Đức: 1968-1977). Hình: Gia đình Mẫn Hồ

Đa số thầy cô dạy trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên là người từ Rạch Giá đến Hà Tiên dạy học. Có rất ít người gốc gác Hà Tiên dạy trong trường Hữu Đức. Một số tên họ quý thầy cô thời dạy tiếng Hoa còn được biết đến như sau: thầy Bành Cơ, thầy Dương Vạn Tựu, cô Lý Như Lan, thầy Châu Ân, thầy Huỳnh Khải Anh..v..v.. . Có thầy Trần Tiến Sũng là con rể của ông Vĩnh Xương, thầy Trần Tiến Sũng dạy học ở trường Hữu Đức một thời gian khá lâu, dưới thời ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý .Ngoài ra từ năm 1972, có cô Nguyễn Bích Thủy (Nguyễn Lê Thủy) lúc đó mặc dù còn theo học trường Trung Học Công Lập Hà Tiên, nhưng cô Bích Thủy cũng được giới thiệu vào dạy môn tiếng Việt trường Hữu Đức, Hà Tiên, cô Bích Thủy dạy cho đến nhiều năm sau thì đổi việc làm tại Phòng Giáo Dục. Tiếp đó có cô Tiền Ngọc Hương dạy khi trường chuyển qua thành trường cơ sở cấp 2 và trường tiểu học Bình san.  

Thầy Trần Tiến Sũng, giáo viên trường Tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên trong nhiều năm, dưới thời ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý. Hình: Sung Tran

Trong những năm 60, có rất ít thầy cô dạy trường Hoa Hữu Đức, Hà Tiên nên bang hội người Hoa có mời Ông chủ tiệm Phục Hưng (tiệm trồng răng ở đường Tham Tướng Sanh, ba của hai bạn Huỳnh Vạn Tường và Huỳnh Bá Tường) vào trường dạy một thời gian, đó là thầy Huỳnh Thuật Sanh, thầy mất năm 1968. Còn có một thầy người Hà Tiên nữa là con rể của ông Lào Xị cũng dạy tại trường Hữu Đức (nhà ông Lào Xị ở đường Lam Sơn, gần tiệm bánh mì Tân Thái, còn nhà của con rể ông thì ở gần nhà bạn Lý Cui khúc trên đường Lam Sơn). Ngoài ra chương trình của trường cũng có một phần dạy tiếng Việt (2 giờ mỗi tuần), các lớp lớn do thầy Phan Liên Trì dạy (thầy Phan Liên Trì là giáo viên trường Tiểu Học Cộng Đồng Hà Tiên ở đường Mạc Công Du), môn tiếng Viêt ở các lớp nhỏ do một thầy cô khác dạy.

C/ Các thế hệ học sinh theo học trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên:

Vì mục đich của quý ông bà trong bang hội người gốc Hoa ở Hà Tiên là lập một ngôi trường dạy tiếng Hoa để con cháu em của các gia đình nầy có nơi theo học và duy trì văn hóa Trung Hoa nên học sinh của trường Hữu Đức Hà Tiên đa số cũng là con cháu em người gốc Hoa chung quanh khu chợ Hà Tiên. Thực ra cũng có một số gia đình người gốc Hoa cho con em theo học chương trình tiếng Việt ở các trường Tiểu Học và Trung Học Hà Tiên, nhưng vì đôi khi có trở ngại về thi cử nên đa số là theo trở lại chương trình học tiếng Hoa ở trường Hữu Đức. Thế hệ học sinh đầu tiên theo học trường Hữu Đức Hà Tiên khi trường được thành lập (có thể là ngay từ năm 1920) ngày nay ít người biết đến, ta có thể kể vài cựu học sinh quen biết như:

Anh Lê Minh: Anh Lê Minh là chủ tiệm đồi mồi hiệu Lê Minh ở góc đường Trần Hầu – Bạch Đằng. Thời gian anh Lê Minh theo học trường Hữu Đức Hà Tiên là khoảng 1945.

Chị Trần Lệ Hà: chị Trần Lệ Hà là chị của bạn Trần Bình (anh Trần Bình là bạn thân từ nhỏ với mình vì hai nhà ở đối diện gần nhau). Nhà chị Lệ Hà ngày xưa ở ngay góc đường Lam Sơn – Bạch Đằng ngay trước mặt nhà mình. Ba của chị Lệ Hà tên là Ông Tỷ, ông nội của chị Lệ Hà là ông bang Trần Thăng, một trong những người sáng lập ra ngôi trường Hữu Dức Hà Tiên.  Chị Lệ Hà theo học trường Hữu Đức Hà Tiên trong khoảng thời gian 1953 đến 1958, chị học đến tốt nghiệp bậc sơ cấp ở trường nầy. Trong thời gian chị Lệ Hà học trường Hữu Đức Hà Tiên thì có đời ông Hiệu Trưởng Trần và sau đó là ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý.

Anh Tạ Hữu Thái: Anh Tạ Hữu Thái, là con trai trong gia đình ở trong căn nhà đối diện với căn nhà lầu của chế Gáí Đen. Đây là một gia đình kỳ cựu đã ở trên con đường Bạch Đằng nầy rất lâu đời. Anh Tạ Hữu Thái theo học trường Hữu Đức Hà Tiên trong thời gian 1963 – 1967, thời ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý. Ngoài ra em trai của anh Tạ Hữu Thái cũng có theo học trường Hữu Đức, một thời gian sau người em trai nầy bị tai nạn mất.

Alyssa Ho: Alyssa Ho là chị lớn của bạn Hồ Anh Dũng, con của ông Hồ Mạng Đức (tên quen thuộc là ông Âu Tư có tiệm bán bánh kẹo trong nhà lồng chợ Hà Tiên ngày xưa). Thời gian bạn Alyssa Ho theo học trường Hữu Đức Hà Tiên là những năm 1960, thời ông Hiệu Trưởng Mã Thiên Lý.

Huỳnh Bình Bá: Huỳnh Bình Bá là tên lúc theo học trường Hữu Đức Hà Tiên của em Huỳnh Bá Tường (ở nhà tên thân mật là Bẻ, em của bạn Huỳnh Vạn Tường tức là Sện, bạn đi chơi chung với mình ngày xưa ở Hà Tiên). Những người anh chị của em Huỳnh Bá Tường cũng đều theo học trường Hữu Đức Hà Tiên.

Đây là hình các học sinh tốt nghiệp trường Hữu Đức Hà Tiên năm 1971 chụp trong sân trường. Từ trái qua phải: người đứng là con ông Thiên Tân nhà may ở đường Lam Sơn, hàng ngồi từ trái qua: Quốc Huy, Lý Quảng Hữu, người họ Đỗ nhà bán trầu cau, Từ Di Lương con nhà chụp hình Phương Dung ở đường Bến Trần Hầu, đứng bìa phải chính là Huỳnh Bình Bá (tức là Huỳnh Bá Tường). Hình: Huỳnh Bá Tường.

Học sinh tốt nghiệp trường Hữu Đức Hà Tiên năm 1971 chụp hình trong sân trường. Đây là lớp học của Huỳnh Bình Bá (tức Huỳnh Bá Tường, người thứ hai từ bên phải qua trái). Hình: Huỳnh Bá Tường.

Học sinh nữ trường Hữu Đức Hà Tiên. Từ trái qua phải: Tên Chiều (em gái của Huỳnh Bá Tường), Thục Trân (mặc áo đen, cháu của bà Hiệu Trưởng, Thục Trân là bạn cùng lớp 2 với Trần Tố Chinh,  Thục Trân nay đã qua đời), Lưu Sở Sanh (con gái của ông Nam Thiên), người cuối cùng tên Lâm Thanh. Thời nầy các nữ sinh của trường Hữu Đức mặc váy đầm (màu xanh dương đậm hay đen). Đây là lớp học sau lớp của Huỳnh Bá Tường một lớp.

Trịnh Tân, Trần Tố Chinh: Trịnh Tân và Trần Tố Chinh là hai người bạn học ở trường Hữu Đức Hà Tiên. Anh Trịnh Tân học trong khoảng thời gian 1968 – 1973, sau khi tốt nghiệp trường Hữu Đức anh Trịnh Tân ra tỉnh Long Xuyên học tiếp. Trong thời gian anh Trịnh Tân học ở trường Hữu Đức, khi tốt nghiệp, trong lớp chỉ còn không quá 10 học sinh mà thôi. Trần Tố Chinh là con gái trong gia đình có tiệm Hiệp Lợi ở đường Tham Tướng Sanh. Trần Tố Chinh vào trường khoảng năm 1972, học đến lớp 4 và qua Rạch Giá học nhảy lên thẳng lớp 6 trường Hoa tên Minh Đức.

Lớp học của anh Trịnh Tân lúc tốt nghiệp 1973, chụp hình trước khu nhà cất thêm sau nầy (nhưng trước năm 1975). Hàng đứng là các học sinh tốt nghiệp, hàng ngồi là quý thầy cô, người ngồi bìa trái là thầy Trần Tiến Sũng, người ngồi thứ ba từ trái đếm qua là Ông Hồ Mạng Đức (tên quen thuộc là Âu Tư), ta nhìn ra ông bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc, cô Trần Thúy Vân thứ 3 và 4 từ phải đếm qua. Người nữ sinh đứng bìa phải là con của ông Sâm Hiệp, cháu ngoại của ông bang Tuồn Huệ Nguyên. Người ngồi ghế ở giữa có thể là ông Huỳnh Tường Văn (người Hà Tiên gọi một cách quen thuộc là Cù Bớt, ở tiệm Vạn Ích Đường). Hình: Trịnh Tân, Trần Tố Chinh.

Hình chụp ban giảng dạy trường Hữu Đức Hà Tiên trước năm 1975. Hình: Anh Nhiều (fb: hiệu Tân Thái)

Thầy cô và học sinh trường Hữu Đức Hà Tiên đi chơi bãi biển Mũi Nai, Hà Tiên. Thời gian những năm 60-70. Trong hình có ông bà Hiệu Trưởng Lâm Chánh Khắc và cô Trần Thúy Vân. Hình: Gia đình Mẫn Hồ.

Học sinh lớp nhỏ mặc đồng phục của trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên chụp hình trước căn nhà ông bà Hiệu Trưởng. Hình: Gia đình Mẫn Hồ.

Cũng cần nói thêm là ngôi trường Tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên nầy được cất lên từ những năm rất xa xưa (có thể là từ năm 1920) nên đã có trước thời ông Ngô Đình Diệm, vì trong thời gian đệ nhất cộng hòa thời ông Ngô Đình Diệm có lúc nhà nước không cho mở trường dạy học bằng tiếng Hoa, trong khi đó Hà Tiên thì đã có trường Hữu Đức rồi nên vẫn tiếp tục hoạt động. Vì thế có một số học sinh từ Rạch Giá về Hà Tiên ghi danh vào trường Hữu Đức học khá nhiều.

Học sinh từ Rạch Giá qua Hà Tiên để theo học trong trường tư thục sơ cấp Hữu Đức. Hình chụp trước ngôi trường trong những năm 60-70. Người đứng ở giữa phía sau học trò là thầy giáo của trường, thầy tên là Trần Tiến Sũng (con rể của ông Vĩnh Xương). Hình: Alyssa Ho

Học sinh theo học trường tư thục sơ cấp Hữu Đức ở Hà Tiên, nếu học xong 6 lớp, được tốt nghiệp và nếu muốn tiếp tục học lên trên thì qua Rạch Giá học trường Minh Đức hay lên Long Xuyên học trường Hoa Liên.

Hội trưởng hội Phụ Huynh Học Sinh trường Hữu Đức những năm 70 là ông Huỳnh Tường Văn (người Hà Tiên gọi một cách quen thuộc là Cù Bớt, ở tiệm Vạn Ích Đường).

Cựu học sinh trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên, về sau là cựu học sinh của trường Minh Đức Rạch Giá, chụp hình lưu niệm nhân lúc họp mặt ở nước Mỹ. Hình: Alyssa Ho

D/ Nội dung giảng dạy ở trường tư thục sơ cấp Hữu Đức:

Đây là ngôi trường tư thục do người gốc Hoa thành lập nên trường giảng dạy bằng tiếng Hoa là chính. Mỗi ngày học sinh học hai buổi, trừ thứ bảy học một buổi. Buổi sáng thời gian học từ 8 giờ đến 12 giờ. Buổi sáng nào khi vào lớp đều có thi khảo sát kiến thức, học sinh phải làm bài trên giấy khi trả lời các câu hỏi. Có 2 giờ toán trước và sau đó hai giờ cuối học tiếng Việt (theo quy luật thời đó, phải có giờ dạy tiếng Việt). Buổi chiều học từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, có các môn Văn, Hoa ngữ, Kiến thức Thường Thức. Ngày thứ bảy trong tuần học sinh học buổi sáng, học môn Thư Pháp (học cách viết chữ đẹp bằng bút lông), học vẽ môn hội họa. Học sinh nào học hết tất cả 6 lớp và có kết quả tốt trong các cuộc thi khảo sát thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Nếu muốn học tiếp tục thì phải đi Rạch Giá hay Long Xuyên học bậc Trung Học.

E/ Sinh hoạt văn nghệ, thể thao, tài chánh của trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên:

Theo nguồn gốc của trường Hữu Đức, các vị thương gia Hà Tiên theo truyền thống thường lập ra bang hội, vị nào đứng đầu một nhóm người theo một sự phân chia thường là chiếu theo nguồn gốc dân tộc thì được xem như là ông bang trưởng.  Ông bang trưởng của người gốc Hoa là người thường có thế lực, khá giàu có về vật chất để có thể giữ vai trò bang trưởng mà không bị ảnh hưởng về tiền bạc. Mọi việc trong bang đều do ông bang trưởng nhóm họp và quyết định, cộng đồng trong một bang thường theo ý kiến ông bang trưởng vì thế ít khi có đến việc nhờ chánh quyền bên ngoài xã hội giải quyết. Ngày xưa ở Hà Tiên có ông bang trưởng tên là Trần Thăng, ông là ba của ông Tỷ và là ông nội của chị Trần Lệ Hà. Ông là người bang trưởng trong cộng đồng người Triều Châu (hay Tiều Châu, Teochew). Theo lời truyền lại của gia đình, Ông bang trưởng Trần Thăng huy động các ông bang khác trong khu chợ Hà Tiên ngày xưa và cho xây cất ngôi trường Hữu Đức để con em người gốc Hoa có chỗ để theo học ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa (về việc nầy theo lời truyền lại của gia đình, cũng chính ông bang trưởng Trần Thăng là người khởi xướng cho đào hai cái ao sen ở trước lăng ông Mạc Cửu, cái ao thứ nhất đã có từ thời ông Mạc Cửu vì chính ông Mạc Cửu cho đào vào năm 1719. Việc ông Trần Thăng cho đào hai cái ao sen sau nầy là do ý kiến của gia đình, vì ít ai người Hà Tiên biết đến sự kiện nầy, mong rằng các nhà nghiên cứu về lịch sử Hà Tiên tiếp tục tra cứu và cho ý kiến chính xác). Việc cất ngôi trường Hữu Đức xảy ra khoảng trong những năm 1920. Đến năm 1936, ông Trần Thăng qua đời lúc 53 tuổi.

Từ đó việc quản trị ngôi trường Hữu Đức Hà Tiên là do các bang hội ở Hà Tiên đảm nhận: gồm có các thương nhân chung quanh khu chợ như: ông bang Tuồn Huệ Nguyên được xem như hội trưởng quản trị, và các ông chủ các hiệu tiệm như: Thái Dũ, Hải Ký, Vĩnh Xương, Sâm Hiệp, Vạn Ích Đường, Liên Hưng, Âu Tư, Lê Minh,…v..v…(còn nhiều nữa nhưng mình không biết rỏ nên không kể được tiếp theo…). Ông chủ tiệm Hồ Mạng Đức (tên quen thuộc Âu Tư) làm thủ quỷ của trường lo về tài chánh. Ông Cù Thú có tiệm kế bên tiệm chụp hình Quách Ngọc Bá ở Bến Trần Hầu lo phần Thê Dục, Thể Thao. Ngoài ra còn có Ông chủ tiệm bánh mì Tân Thái (đường Lam Sơn) là ông bang danh dự yểm trợ phần tài chánh.

Mỗi tháng quý vị thương nhân nầy đóng góp tiền cung cấp cho nhà trường để trang trải trong việc sinh hoạt của nhà trường, trả lương cho quý thầy cô, Hiệu Trưởng,…(trường có danh sách những vị ủng hộ về tài chánh để thu góp tiền hàng tháng). Ngoài ra còn có một nguồn tài chánh nữa là tiền học phí do các học sinh theo học đóng góp tùy theo trình độ lớp học. Những lần cuối năm học, nhà trường có tổ chức các buổi lễ phát thưởng và có văn nghệ giúp vui, nhà trường huy động học sinh đi quyên góp các nhà buôn chung quanh khu chợ Hà Tiên để xin bút mực, sách vở làm quà phần thưởng cho học sinh.

Suốt năm nhà trường cũng có tổ chức các sinh hoạt thể dục, thể thao, văn nghệ múa hát do học sinh nhà trường thực hiện.

Tiết mục văn nghệ ca múa do học sinh trường Hữu Đức Hà Tiên thực hiện, tổ chức ngay tại phòng lớp của trường. Hình: Gia đình Mẫn Hồ

Tiết mục văn nghệ ca múa do học sinh trường Hữu Đức Hà Tiên thực hiện, tổ chức ngay tại phòng lớp của trường. Hình: Gia đình Mẫn Hồ

Sinh hoạt thể thao của trường Hữu Đức Hà Tiên: các trận đấu giao hữu ngày 18 và 19/05/1976 của hai trường Hà Tiên và Sa Đéc. Hình: Trịnh Tân, Trần Tố Chinh

Hằng năm đến ngày rằm tháng tám, tức lễ Trung Thu, theo phong trào cộ đèn do chánh quyền quận Hà Tiên tổ chức lúc bấy giờ, có rất nhiều trường tiểu học cộng đồng Hà Tiên tham gia, trường Hữu Đức cũng có tham gia vào sinh hoạt cộ đèn đêm Trung Thu nầy. Đặc biệt là trường Hữu Đức Hà Tiên năm nào cũng có thực hiện một chiếc lồng đèn rất to lớn hình quả cầu, có con chim hòa bình phía trên, các học sinh của trường thì đi cộ đèn phía sau với mỗi người một chiếc lồng đèn cá nhân xếp bằng giấy bông rất xinh đẹp, đó là kiểu mẫu lồng đèn đặc trưng của trường Hoa Hữu Đức. Năm nào trong các cuộc thi lồng đèn đẹp, trường Hữu Đức đều thường chiếm giải nhất.

Ngoài ra hình như là trường Hữu Đức Hà Tiên còn có một đội múa lân để múa trong những ngày Tết Nguyên Đán hay lễ lộc đặc biệt. Điều nầy mình không có được tài liệu rỏ ràng, thầy cô và các bạn nếu có tư liệu thông tin và hình ảnh về chi tiết nầy xin góp ý và chia sẻ cho mình để bổ sung bài viết nhé, xin cám ơn.

F/ Trường Hữu Đức Hà Tiên qua các giai đoạn thời gian:

1/ Từ lúc thành lập (có thể là năm 1920) đến 1977: trường tư thục sơ cấp Hữu Đức, chương trình dạy dùng tiếng Hoa và do bang hội của những thương nhân chung quanh chợ Hà Tiên quản trị.

2/ Giai đoạn 1977 – 1978: chiến tranh biên giới bùng nổ ở Hà Tiên, người Hà Tiên chạy giặc về các vùng khác (Thuận Yên, Kiên Lương, Rạch Giá,..v..v..). ngôi trường Hữu Đức bị bỏ trống.

3/ Sau năm 1979, tình hình Hà Tiên tạm yên ổn, người dân Hà Tiên lần lượt trở về nhà, các công sở, trường học bắt đầu được tu bổ, quét dọn, chăm sóc, thời gian nầy trải dài hai ba năm, có thể đến năm 1981. Khi dân Hà Tiên trở về quê mình, nhiều gia đình không còn nhà cửa vì chiến tranh hư hoại, nhiều gia đình tạm trú ngay trong khu trường tư thục sơ cấp Hữu Đức, tình hình nầy kéo dài một thời gian. 

4/ Sau đó dãy trường học nhà gạch được trưng dụng làm phòng Thể Dục, Thể Thao, rồi phòng Giáo Dục. Sau đó trường được đổi thành trường Cơ Sở cấp 2 theo hệ thống giáo dục Việt Nam, lúc đó thầy Hứa Nhất Tâm được cử làm Hiệu Trưởng (nền Giáo Dục dạy theo tiếng Hoa từ nguồn gốc ban đầu chấm dứt từ giai đoạn nầy). Song song với giai đoạn nầy, ngôi chùa Ông Bổn biến thành Thư Viện Hà Tiên, rồi là trụ sở hội Chữ Thập Đỏ. Dãy đất trống bên hông chùa Ông Bổn được cất lên thành một Trung Tâm Dạy Nghề.  

5/ Đến năm 1994, trường cơ sở cấp 2 đổi thành trường Tiểu Học Bình San. Trong thời gian biến thành trường Tiểu Học Bình San, có một giáo viên trường Tiểu Học Hà Tiên tên là thầy Thắng, người Hà Tiên, nhà ở gần Ao Sen, người Việt gốc Hoa, có dạy tại trường Tiểu Học Bình San nầy, thầy có dạy môn tiếng Hoa ở đây.

6/ Trong thời gian gần đây (năm 2020), trường được trao trả cho bang hội người gốc Hoa, nhưng chưa có ai tiếp nhận. Ngôi trường đang bị bỏ hoang, vách tường, sân trường, hàng rào gạch của trường, tất cả đều lâm vào tình trạng hư hao nhiều, không người chăm sóc, tương lai có thể bị biến mất để thay vào một công thư nhà cửa nào đó…

Sơ đồ trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên. Ngôi trường nằm trong khuôn viên 4 con đường: Lam Sơn, Cầu Câu, Chi Lăng và Nhật Tảo. Số 1: Trường Hữu Đức ngày xưa, số 2: Khu nhà Hiệu Trưởng ở và lớp học, số 3: Chùa Ông Bổn, số 4: khu nhà ở của người giữ chùa Ông Bổn.

Hình ảnh vệ tinh tổng quát khu có ngôi trường Hữu Đức và chùa Ông Bổn, Hà Tiên (trong hình chữ nhật do bốn con đường Lam Sơn, Cầu Câu, Chi Lăng và Nhật Tảo tạo thành).. Nguồn: Cartes Michelin 2006 – 2020

Con đường trong hình là đường Nhật Tảo, một trong bốn con đường bao quanh khu trường Hữu Đức, Hà Tiên. Bên trái hình là một phần hàng rào gạch của trường Hữu Đức, phía trên bên trái là một phần mái lợp tôn thiếc của ngôi trường, con đường nằm ngang ở giữa hình là đường Chi Lăng. Hình TVM 2012

Mặt tiền chùa Ông Bổn nhìn ra đường Lam Sơn. Bên phải là khu nhà ở, bên trái là ngôi chùa. Hình TVM 2012

Mái ngói của ngôi trường tư thục sơ cấp Hữu Đức, Hà Tiên đã hư hao, trong những năm đầu thập niên 90 được thay thế bằng tôn thiếc. Đây là mặt sau của ngôi trường, nhìn ra đường Chi Lăng, ta thấy 10 cửa sổ của 5 phòng lớp. Hình: Nguyễn Lê Thủy

Dãy lớp học mặt trước của ngôi trường Hữu Đức Hà Tiên. Mái ngói của trường đã được thay thế bằng tôn thiếc. Hàng cây gỗ trang trí phía dưới mái ngói cũng đã biến mất. Thời gian những năm 1990. Hình: Nguyễn Lê Thủy

Dãy nhà cho Hiệu Trưởng ở và lớp học ngày xưa trong sân trường Hữu Đức được tu bổ lại sau những năm 1990. Hàng chữ phía bên trái là « Trường Học Thân Thiện ». Hình: Nguyễn Lê Thủy.

Cổng chánh của ngôi trường Hữu Đức ngày xưa vẫn còn trong những năm đầu 1990. Đây là mặt tiền đường Cầu Câu, Hà Tiên. Ngôi trường đã đổi thành trường Tiểu Học Bình San. Hình: Nguyễn Lê Thủy

Cổng chánh của ngôi trường Hữu Đức trên đường Cầu Câu, Hà Tiên. Ngôi trường đã đổi thành trường Tiểu Học Bình San. Trường vẫn còn hoạt động năm 2017. Hình: Trần Tố Chinh

Cũng cùng một cảnh cổng chánh của trường Hữu Đức, sau đó là trường Tiểu Học Bình San, nhưng hiện nay trường đã bị bỏ hoang, không còn hoạt động nữa. Hình chụp mới nhất ngày 26/11/2020. Hình: Nguyễn Ngọc Hằng

Cũng cùng một dãy lớp mặt trước của trường Hữu Đức, sau đó là trường Tiểu Học Bình San, nhưng hiện nay trường đã bị bỏ hoang, không còn hoạt động nữa. Hình chụp mới nhất ngày 26/11/2020. Hình: Nguyễn Ngọc Hằng

Cũng cùng một dãy lớp và nhà Hiệu Trưởng ở ngày xưa trong sân trường Hữu Đức, sau đó là trường Tiểu Học Bình San, nhưng hiện nay trường đã bị bỏ hoang, không còn hoạt động nữa. Hình chụp mới nhất ngày 26/11/2020. Hình: Nguyễn Ngọc Hằng

Cũng cùng một hàng rào gạch mặt trước của trường Hữu Đức, sau đó là trường Tiểu Học Bình San, nhưng hiện nay trường đã bị bỏ hoang, không còn hoạt động nữa. Hình chụp mới nhất ngày 26/11/2020. Hình: Nguyễn Ngọc Hằng

Phía ngoài hàng rào gạch mặt trước của trường Hữu Đức, sau đó là trường Tiểu Học Bình San, nhưng hiện nay trường đã bị bỏ hoang, không còn hoạt động nữa. Hình chụp mới nhất ngày 26/11/2020. Hình: Nguyễn Ngọc Hằng

Dưới đây là tấm hình toàn bộ khu Trường tư thục sơ cấp Hữu Đức Hà Tiên được quay từ trên cao,  trích ra từ vidéo: « Flycam Đô thị Hà Tiên phấn đấu đạt loại 2 trước năm 2025, do MinGia Channel thực hiện, đăng Youtube ngày 01/12/2020. (Xin cám ơn tác giả vidéo).

Hình toàn bộ khu trường Hữu Đức Hà Tiên chụp từ trên cao, trích ra từ vidéo: « Flycam Đô thị Hà Tiên phấn đấu đạt loại 2 trước năm 2025 », do MinGia Channel thực hiện, đăng Youtube ngày 01/12/2020

Tái bút: Thay mặt Blog « Trung Học Hà Tiên Xưa », xin chân thành cảm tạ sự đóng góp, giúp đở và chia sẻ những thông tin, hình ảnh rất là quý báo của quý thầy cô và các bạn: thầy Trương Minh Đạt, cô Nguyễn Phước Thị Liên, Mẫn Hồ (và cô Trần Thúy Vân, má của Mẫn), Alyssa Ho, Huỳnh Bá Tường (Bẻ), chị Trần Lệ Hà, Trịnh Tân, Trần Tố Chinh, anh Tạ Hữu Thái, Nguyễn Ngọc Hằng, Hồ Thị Kim Hoàn, Hồ Thị Kim Nga, Lê Trường An, Nguyễn Thị Kim Liễu, Nguyễn Lê Thủy, Trương Minh Quang Nguyên, Lâm Thị Lan, Trần Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thị Điệp, Trần Cao..v..v..và tất cả quý anh chị, bạn bè quan biết đã góp ý trên trang face book của mình. Nếu có quên kể tên anh chị, bạn bè nào xin quý vị thứ lỗi cho mình nhé…

Viết xong ngày 04/12/2020, Paris Trần Văn Mãnh